PHẦN 4
Tên tướng Krymov bị Kerensky gọi về Petrograd đã tự cho mình ăn một phát đạn ngày ba mươi mốt tháng tám ở kinh đô.
Những đoàn đại biểu và những viên chỉ huy các đơn vị thuộc tập đoàn quân Krymov lũ lượt kéo nhau tới Cung điện Mùa Đông tỏ dấu qui phục. Những kẻ mới đây còn định đối thoại với Kerensky bằng tiếng nói của súng đạn, thì nay đã ngoan ngoãn đến cúi đầu trước mặt Kerensky, cam đoan tuyệt đối trung thành với hắn.
Tinh thần hoàn toàn tan rã. Tập đoàn Krymov mới đang hấp hối chứ chưa chết hẳn: theo đà cũ, các đơn vị của nó vẫn tiếp tục bò về phía Petrograd, nhưng cuộc tiến quân của nó đã mất hết ý nghĩa, vì âm mưu đảo chính của Kornilov đã đi tới bước đường cùng, ngọn lửa phản động bùng lên như một quả pháo bông rồi lại tắt ngấm. Kể ra trong mấy ngày đó, kẻ chấp chính lâm thời của nước cộng hoà cũng có cặp má bánh dầy, nhưng bây giờ hắn đã có thể bắt chước Napoleon đưa đi đưa lại hai cái bắp chân đi ghệt cao, tuyên bố trước cuộc họp của Hội đồng Chính phủ ngay sau âm mưu đảo chính thất bại rằng "Tình hình chính trị đã hoàn toàn ổn định".
Một ngày trước khi Krymov tự tử, tướng Aleseyev nhận được quyết định bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh tối cao. Aleseyev vốn là một con người đúng mực và hết sức thận trọng, lão không thể không thấy rõ tính chất nửa dơi nửa chuột và chẳng có gì đẹp đẽ của cương vị mình, vì thế lúc đầu đã dứt khoát từ chối, nhưng sau lão đã nhận lệnh bổ nhiệm, với động cơ duy nhất là lão muốn giảm nhẹ phần nào số phận bi đát của Kornilov cùng những kẻ bằng cách nầy hay cách khác đã dính dáng với tổ chức nổi loạn chống Chính phủ.
Trên đường đi, lão đã dùng đường dây điện thoại trực tiếp liên lạc với Đại bản doanh để thử dò xem Kornilov có thái độ như thế nào đối với việc lão được bổ nhiệm và đến nhận chức. Cuộc thương lượng chán ngấy kéo dài tới đêm khuya với những đoạn ngắt quãng.
Ngay hôm ấy ở chỗ Kornilov đã có cuộc hội nghị của các cấp lãnh đạo trong Đại bản doanh và các nhân vật thân cận với Kornilov. Khi hắn nêu vấn đề tiếp tục đấu tranh với Chính phủ lâm thời có phải là hợp lý hay không, đa số những kẻ đến dự cuộc họp đều phát biểu tán thành tiếp tục chiến đấu.
- Ngài Alexandr Sergeevich, mời ngài phát biểu ý kiến của ngài.
Kornilov nói với Lucomsky từ đầu đến cuối buổi họp cứ im như thóc. Lucomsky tỏ ý phản đối việc tiếp tục chiến tranh nồi da nấu thịt bằng những lời dè dặt, nhưng rất kiên quyết.
- Thế là đầu hàng à? - Kornilov ngắt phứt lời Lucomsky và hỏi.
Lucomsky nhún vai.
- Các kết luận được rút ra một cách tự nhiên thôi.
Cuộc bàn bạc còn kéo dài thêm nửa giờ. Kornilov không nói gì thêm, có lẽ hắn đã phải đem hết nghị lực giữ bình tĩnh. Chẳng mấy chốc, cuộc họp giải tán, nhưng chỉ một giờ sau Kornilov đã cho mời Lucomsky tới:
- Ngài Alexandr Sergeevich, ngài nói đúng đấy! - Kornilov bẻ ngón tay răng rắc, đưa cặp mắt mờ đục, xám như rắc tro nhìn sang bên cạnh và nói giọng mệt mỏi - Tiếp tục chống cự là ngu xuẩn và tội lỗi.
Rồi hắn gõ gõ ngón tay xuống bàn, lắng nghe không biết cái gì, có lẽ hắn đang theo dõi những ý nghĩ rối bời chạy loạn trong đầu óc hắn như đám chuột. Hắn nín lặng một lát rồi hỏi:
- Bao giờ ngài Mikhail Vasilievich sẽ tới?
- Ngày mai.
Aleseyev đến nơi ngày mồng một tháng chín. Ngay chiều hôm ấy theo lệnh Chính phủ lâm thời, lão đã bắt giữ Kornilov, Lucomsky và Romanovsky. Trước khi giải những kẻ bị bắt tới khách sạn "Metropol" là nơi chúng sẽ bị canh giữ, Aleseyev đã mặt giáp mặt, trao đổi với Kornilov trong hai mươi phút không biết về vấn đề gì. Lão bước trong phòng Kornilov ra, nom vẻ hết sức xúc động, gần như không tự chủ được nữa. Romanovsky cố tìm cách vào gặp Kornilov, nhưng vợ Kornilov ngăn lão lại.
- Xin ngài thứ lỗi cho, ông Lavrơ Georgievich nhà tôi đề nghị không để ai vào.
Romanovsky đưa mắt nhìn rất nhanh khuôn mặt khổ não của mụ rồi bỏ đi, mắt nháy lia lịa vì xúc động, hai gò má đen xạm lại.
Ở Berdichev, ngay hôm sau đã bắt giữ tướng Doniki, tổng tư lệnh Mặt trận Tây Nam và tham mưu trưởng của hắn là tướng Markov, tướng Vannovsky và viên tư lệnh Tập đoàn quân đặc biệt là tướng Erdeli.
Ở Bykhov, phong trào Kornilov đã bị lịch sử bóp chết một cách nhục nhã trong trường trung học con gái. Phong trào nầy đã chấm dứt, nhưng nó lại làm nảy sinh một phong trào mới: mầm mống các kế hoạch của cuộc nội chiến sau nầy và của những cuộc tấn công vào cách mạng triển khai trên khắp các mặt trận không được khai sinh ở đây thì còn ở đâu?
Chương 87
PHẦN 4
Một ngày cuối tháng mười, mới sáng tinh mơ, viên đại uý Evgeni Litnhitki đã nhận được mệnh lệnh của viên trung đoàn trưởng: đem đại đội của hắn đi bộ tới quảng trường Hoàng cung.
Evgeni ra lệnh cho lão quản rồi vội vã mặc quần áo.
Mấy tên sĩ quan đứng dậy, đứa thì ngáp, đứa thì văng tục.
- Có chuyện gì thế?
- Lại bọn Bolsevich!
- Nầy các ngài, ngài nào lấy đạn của tôi thế?
- Kéo nhau đi đâu thế?
- Các ngài có nghe thấy không? Có tiếng súng đấy?
- Làm quái gì có tiếng súng? Ngài chỉ thần hồn nát thần tính!
Bọn sĩ quan ra sân. Đại đội đã chuyển thành đội hình trung đội hàng dọc. Evgeni dẫn đại đội rảo bước ra khỏi sân. Đại lộ Nepsky vắng tanh vắng ngắt. Không biết ở chỗ nào, quả thật có vài phát súng nổ lẻ tẻ. Một chiếc xe thiết giáp chạy ngang chạy dọc trên quảng trường Hoàng cung, bọn Yunke 1 cũng đang tuần tiễu. Các phố đều chết lặng như vùng đất hoang. Đến cổng Cung điện Mùa Đông thì Evgeni gặp một toán Yunke và những tên sĩ quan Cô-dắc thuộc đại đội bốn. Một tên trong số đó, viên đại đội trưởng gọi riêng Evgeni ra một chỗ:
- Toàn đại đội đều cùng đi với ngài chứ?
- Vâng. Nhưng sao ngài lại hỏi thế?
- Các đại đội hai, năm và sáu không chịu đi, chúng nó cưỡng lệnh, nhưng đội sứng máy còn theo chúng tôi. Bọn Cô-dắc như thế nào?
Evgeni hỏi khoát tay:
- Bi đát lắm. Thế còn Trung đoàn một và Trung đoàn bốn?
- Không có chúng nó đâu. Chúng nó không chịu đi. Ngài có biết không, hôm nay phải đề phòng bọn Bolsevich nổi loạn đấy? Ma quỷ nào biết được tình hình rồi sẽ ra sao! - Nói đến đây hắn buồn bực thở dài - Quẳng cha những chuyện bát nháo nầy đấy, bỏ quách về vùng sông Đông cho xong…
Evgeni dẫn đại đội của hắn vào trong sân. Anh em Cô-dắc giá súng lại rồi đi lang thang trên cái sân rộng mênh mông, nom chẳng khác gì một quảng trường. Bọn sĩ quan kéo đến tụ tập ở một chái nhà đãng xa. Chúng hút thuốc. Chúng chuyện gẫu.
Một giờ sau, trung đoàn Yunke và tiểu đoàn lính đàn bà cũng kéo đến. Bọn Yunke đến đóng trong phòng ngoài của cung điện, chúng lôi cả những khẩu đại liên vào trong đó. Bọn "Đột kích"2 đứng túm tụm ngoài sân. Bọn lính Cô-dắc láng cháng tới gần, chòng ghẹo chúng bằng những lời thô tục. Gã hạ sĩ Arzanov vỗ vào lưng một ả lùn choằn choằn mặc một chiếc áo ca-pôt ngắn cũn:
- Nầy, bác gái, về nhà mà sinh con đẻ cái, sao lại làm công việc của đàn ông?
- Anh về nhà mà đẻ? - "Bác gái" chẳng lịch sự chút nào, cho luôn một câu, giọng trầm trầm.
- Nầy các em yêu dấu của anh! Các em cùng đi với chúng anh nhé? - Chiukonov, một gã cựu giáo, vua tán gái cũng bám lấy bọn "Đột kích".
- Nện cho các mụ nầy một trận, bọn yêu tinh!
- Lính với tráng gì mà toàn chân chữ bát!
- Chúi vào xó bếp có xong không! Ai vời đến mà mò ra đây?
- Súng kíp hai nòng?
- Nhìn đằng trước còn tạm là lính, nhưng nhìn đằng sau thì chẳng ra cố đạo, cũng chẳng ra của nợ gì cả… Tởm chỉ muốn nhổ phẹt cho một bãi!
- Nầy cô nàng đột kích! Thu cái mông lại, không đây cho một báng súng bây giờ.
Anh em Cô-dắc cứ nhìn bọn đàn bà mà cười khà khà, họ cảm thấy vui vui. Nhưng đến giữa trưa thì không còn vui vẻ được nữa.
Bọn "Đột kích" chia thành từng trung đội, ra quảng trường khiêng về những khúc thông to tướng làm vật cản, chặn cổng cung điện. Chỉ huy bọn nầy là một mụ to béo, tạng người như đàn ông, áo ca-pôt may rất khéo, trên ngực có một cái huân chương thánh Gioóc. Chiếc xe thiết giáp chạy trên quảng trường mỗi lúc một nhiều, bọn Yunke lôi không biết ở đâu vào cung điện những hòm đạn xách tay và những băng đạn súng máy.
- Nào, anh em đồng hương ạ, phải cứng cỏi lên mới được?
- Như thế là sẽ phải đánh nhau à?
- Thế cậu bảo sao hả? Xách cổ cậu đến đây để đú đởn với bọn "Đột kích" đấy phỏng?
Một nhóm đồng hương, người hai trấn Bukanovskaia và Slasevskaia đứng túm tụm chung quanh Laguchin. Họ bàn tán to nhỏ không biết những gì rồi la cà hết chỗ nầy đến chỗ khác. Bọn sĩ quan đã chuồn đi đâu cả. Trong sân, ngoài anh em Cô-dắc và bọn "Đột kích" chẳng còn ma nào nữa. Gần như ngay bên cạnh cổng cung điện, còn chỏng gọng vài khẩu đại liên bị bọn lính súng máy quẳng lại đấy, với những cái lá chắn ẩm ướt sáng lên một ánh bềnh bệch.
Sắp hoàng hôn thì sương muối bắt đầu rơi. Anh em Cô-dắc nháo cả lên.
- Thế nầy thì còn nghĩa lý gì nữa: lôi cổ anh em đến đây, bắt phơi mặt ngoài sân mà chẳng cho ăn uống gì thế nầy?
- Cần phải tìm Litnhitki mới được.
- Cậu đi mà tìm? Hắn đang ở trong cung điện, mà anh em mình thì bọn Yunke không cho vào đâu.
- Phải cho một cậu đi tìm xe nhà bếp để chúng nó đánh về đây mới được.
Hai anh chàng Cô-dắc được cử đi tìm xe nhà bếp.
- Đi thì chớ mang súng theo, chúng nó tước mất đấy. - Laguchin khuyên.
Mọi người chờ xe nhà bếp chừng hai tiếng đồng hồ. Nhưng xe nhà bếp chẳng thấy đến, hai anh chàng đi kiếm nó cũng mất tăm.
Vốn là chiếc xe vừa chạy trong sân ra thì bị ngay bọn lính trung đoàn Semenovskaia đuổi về. Đến lúc trời sắp tối, bọn "Đột kích" ra tập trung ở bên cạnh cổng và dàn thành một tuyến chiến đấu dày đặc. Chúng nằm sau những khúc gỗ, bắt đầu nổ súng đì đẹt qua quảng trường, không biết vào những chỗ nào. Anh em Cô-dắc mặc chúng, không bắn biếc gì cả. Mọi người cứ hút thuốc, mặt ỉu xìu.
Laguchin gọi đại đội Cô-dắc đến tập trung bên bức tường. Anh bắt đầu nói, nhưng chốc chốc lại đưa mắt về phía cửa sổ của cung điện, có ý e ngại.
- Thế nầy nầy, anh em đồng hương ạ! Chúng ta chẳng ở đây làm gì cả. Phải rời khỏi chỗ nầy thôi, nếu không chẳng làm gì nên tội mà cũng sẽ phải giơ đầu chịu báng đấy. Họ sắp bắt đầu bắn vào cung điện, còn chúng ta ở đây có ích gì? Bọn sĩ quan thì chẳng thấy bóng vía đâu nữa… Còn chúng ta, chẳng nhẽ chúng ta là những thằng bị rủa sả, phải nằm đây chịu chết? Chuồn về nhà thôi, tội gì đem máu mình ra rửa những bức tường nầy! Còn cái Chính phủ lâm thời… bọn chúng mình mặc xác nó? Anh em thấy thế nào, anh em đồng hương?
- Ra khỏi sân thì bọn Xích vệ sẽ dùng súng máy quét cho đấy. Chúng nó sẽ lấy đầu cho mà xem.
- Làm gì có chuyện ấy…
- Đến lúc đó sẽ biết?
- Không được, chúng ta cứ ngồi chờ ở đây, xong chuyện hẵng hay.
- Cái kiếp bọn mình là kiếp con bò: ăn cho no rồi về chuồng.
- Ai thế nào không biết, chứ trung đội chúng mình về đây.
- Cả bọn mình cũng về?
- Bọn mình sẽ cho vài cậu đến chỗ bọn Bolsevich, bảo chúng nó đừng động đến anh em mình, còn anh em mình cũng sẽ không động đến chúng nó.
Anh em Cô-dắc đại đội một và đại đội bốn kéo đến. Mọi người bàn bạc với nhau, chỉ loáng cái là xong. Mỗi đại đội cử một anh chàng Cô-dắc, cả ba cùng ra khỏi cổng, và một giờ sau họ trở về cùng với ba chàng thuỷ binh. Ba chàng thuỷ binh nhảy qua những súc gỗ để ngổn ngang ở cổng, bước vào sân, điệu bộ cố làm vẻ ngang tàng. Họ đi thẳng tới đám binh sĩ Cô-dắc, chào hỏi vài câu.
Có một anh chàng trẻ tuổi, da đen, đẹp trai len vào giữa đám Cô-dắc, chiếc vét thuỷ binh bằng vải buồm phanh trước ngực, mũ lật ra sau gáy:
- Các đồng chí Cô-dắc? Chúng tôi là những đại diện của Hạm đội cách mạng biển Ban-tích. Chúng tôi đến đây để đề nghị các đồng chí rời khỏi Cung điện Mùa Đông. Các đồng chí chẳng có lý do gì để bảo vệ chính quyền cho bọn tư sản, chính quyền ấy đâu phải là chính quyền của các đồng chí. Cứ mặc cho con cái của giai cấp tư sản, cho bọn Yunke bảo vệ nó. Chẳng có một người lính nào đứng lên bảo vệ Chính phủ lâm thời đâu, ngay những người anh em của các đồng chí, anh em Cô-dắc trung đoàn một và trung đoàn bốn cũng đã đứng về phía chúng tôi rồi. Đồng chí nào muốn đi với chúng tôi, xin mời đứng sang bên trái!
- Hượm đã, người anh em? - Một gã hạ sĩ đại đội một bước lên, coi bộ rất ngang tàng. - Bỏ đi thì thằng nầy và các anh em đây rất sẵn sàng… nhưng nếu bọn Xích vệ các anh cho về với ông bà ông vải thì sao?
- Các đồng chí! Nhân danh Uỷ ban quân sự cách mạng Petrograd, chúng tôi hứa đảm bảo cho các đồng chí được hoàn toàn yên ổn. Sẽ không có ai động đến các đồng chí đâu.
Một anh chàng tướng ngũ đoản, mặt rỗ như tổ ong, đến đứng bên cạnh chàng thuỷ binh ria đen. Anh ta xoay cái cổ bạnh như cổ bò nhìn anh em Cô-dắc một lượt rồi tự đấm vào bộ ngực nở nang hằn rõ dưới cái áo va-rơi:
- Chúng tôi sẽ cùng đi với các đồng chí! Các người anh em chẳng có gì phải nghi ngờ cả, người vô sản Petrograd không phải là kẻ thù của các đồng chí, kẻ thù của các đồng chí là bọn kia kìa… - Anh ta chìa ngón tay cái chỉ về phía cung điện rồi cười nhe hai hàm răng sát sin sít.
Anh em Cô-dắc còn đang trù trừ thì bọn đàn bà "Đột kích" lởn vởn đến nghe ngóng. Chúng nhìn anh em Cô-dắc một lượt rồi lại quay ra cổng.
- Nầy, các mụ kia? Có đi cùng với bọn nầy không? - Một anh chàng Cô-dắc to lớn, râu ria xồm xoàm, hỏi to.
Bọn kia không trả lời gì cả.
- Dỡ súng, ta đi thôi? - Laguchin nói giọng kiên quyết.
Anh em Cô-đắc đều đỡ súng, tập hợp thành hàng.
- Súng máy cũng mang đi chứ? - Gã Cô-dắc giữ súng máy hỏi chàng thuỷ binh ria đen.
- Các bạn mang hết đi. Đừng để lại cho bọn Yunke.
Trước khi các binh sĩ Cô-dắc ra đi, bọn sĩ quan các đại đội kéo nhau ra không thiếu một tên nào. Chúng đứng sát nhau thành một đám, mắt không rời mấy chàng thuỷ binh. Các đại đội tập hợp xong bắt đầu xuất phát. Đội súng máy kéo mấy khẩu súng máy đi đầu.
Những cái bánh xe khẽ rít lên, lăn lọc cọc trên lớp đá ẩm. Chàng thuỷ binh mặc áo vét vải buồm đi bên cạnh trung đội đầu của đại đội một. Một gã Cô-dắc cao lớn, lông mày trắng phếch, người trấn Fodoseevskaia nắm lấy tay anh chàng thuỷ binh, nói giọng cảm động như nhận lỗi:
- Anh bạn thân mến ạ, bọn mình có tự nguyện chống lại nhân dân đâu! Chỉ vì ngu ngốc nên mới bị chúng nó xách cổ đến đây, nếu được biết trước thì đã chẳng đi làm gì? Gã lắc cái bờm tóc một cách đau khổ. Anh có thể tin lời tôi nói, nếu biết trước thì không đi đâu?
- Đúng thế đấy!
Đại đội bốn đi cuối cùng. Ra đến cổng, chỗ tất cả tiểu đoàn đàn bà đứng lốc nhốc, thì gặp một chút trở ngại. Một anh chàng Cô-dắc lực lưỡng leo lên đống gỗ, khua một ngón tay đen sì, móng dài một cách đầy ý nghĩa, cũng đầy sức thuyết phục.
- Nầy cái bọn lính đàn bà kia, nghe thằng nầy nói đây! Bọn nầy bỏ đi đây, với cái ngu xuẩn của đàn bà, các mụ ở lại thì cứ ở lại. Cũng được thôi, nhưng chớ có dở trò ngu xuẩn gì đấy! Hễ bắn vào lưng bọn nầy thì bọn nầy quay lại băm nát tất cả cho mà xem. Nói thế nghe đã đủ rõ chưa hử? Thôi nhá. Tạm biệt nhá.
Rồi gã nhảy trên đống gỗ xuống, chạy đuổi theo anh em, nhưng chốc chốc vẫn ngoái cổ nhìn lại.
Anh em Cô-dắc đã tiến gần tới giữa quảng trường. Một người chợt quay nhìn lại rồi nói, giọng có ý e ngại:
- Xem kìa các cậu? Một tay sĩ quan đang đuổi theo bọn mình kìa!
Nhiều người vừa đi vừa quay đầu lại. Một viên sĩ quan cao lớn đang chạy trên quảng trường, một tay giữ gươm.
Viên sĩ quan vẫy tay.
- Atasikov đấy, hắn ở đại đội ba.
- Atasikov nào?
- Cao cao, có nốt ruồi trên mắt ấy mà, - Hắn muốn bỏ đi với chúng mình đấy.
- Thằng cha trẻ và tốt đấy.
Chẳng mấy chốc Atasikov đã gần theo kịp đại đội, từ xa đã có thể nhìn thấy một nét cười run run trên mặt anh ta. Anh em Cô-dắc vẫy tay, phá lên cười.
- Cố lên chút nữa, ngài trung uý?
- Quàng quàng lên!
Chợt từ trong cổng cung điện vang ra một phát súng lẻ loi, khô khan. Atasikov vung rộng hai tay, ngửa người ngã vật ra, hai chân đập đành đạch trên mặt đường, ý chừng muốn đứng dậy. Như vừa nghe thấy một mệnh lệnh, các đại đội đều quay mặt về phía cung điện. Các xạ thủ súng máy quỳ xuống bên cạnh những khẩu súng máy chĩa ngược nòng lại. Có tiếng băng đạn loạt soạt. Nhưng bên cạnh cổng cung điện, đằng sau các khúc gỗ thông, chẳng thấy bóng vía một ai nữa. Phát súng tựa như đã liếm sạch bọn đàn bà "Đột kích" cũng như những tên sĩ quan mới một phút trước đó còn đứng ụn cả ở đấy. Các đại đội Cô-dắc lại vội vã tập hợp, tiếp tục đi, mỗi lúc một rảo bước hơn. Hai gã Cô-dắc chạy về từ chỗ Atasikov ngã gục xuống, một gã kêu to cho toàn đại đội đều nghe thấy:
- Bị trúng ngay chỗ dưới xương bả vai bên trái. Ngỏm rồi!
Tiếng chân bước vang lên mỗi lúc một to, một rành rọt. Chàng thuỷ binh mặc áo vải buồm ra lệnh:
- Vai trái đưa lên trước, đi đều… bước!
Các đại đội lượn khúc rẽ ra bên. Cung điện chết lặng âm thầm nhìn theo họ.
Chú thích:
1 Học sinh trường đào tạo sĩ quan ND
2 Đột kích, đây là những mụ thuộc tiểu đoàn lính đàn bà tiểu đoàn cảm tử.Lời chú của bản tiếng Nga.
Chương 88
PHẦN 4
Tiết trời mùa thu đã ấm hơn thỉnh thoảng lại mưa một trận. Bên trên thành phố Bykhov, năm thì mười hoạ mới thấy ló ra một vừng mặt trời nhợt nhạt như người bị băng huyết. Tháng mười, chim trời bắt đầu bay đi. Đến đêm vẫn còn tiếng sếu hối hả gọi đàn, tiếng kêu đau khổ vang lên trên vùng đất lạnh lẽo, đen ngòm, nghe đến là rạo rực. Từng đàn chim mùa vội vã trốn chạy những băng giá sắp ập tới, những cơn gió bấc lạnh buốt hoành hành trên các tầng cao.
Những kẻ bị bắt vì dính líu tới vụ án Kornilov rồi bị giam ở Bykhov, đã chờ ngày xét xử một tháng rưỡi trời. Trong thời gian ấy cuộc sống của họ trong nhà tù hình như chỉ ngưng đọng lại, với một hình thức nếu không phải là hoàn toàn bình thường, thì dù sao cũng chỉ chặt chẽ theo một kiểu đặc biệt. Sáng sáng, điểm tâm xong, các tướng lĩnh đi dạo chơi rồi về đọc thư từ, tiếp những người họ hàng thân thuộc đến thăm, dùng bữa trưa, và sau giờ "chết" người nào về làm việc riêng trong phòng người nấy. Tối tối họ thường tụ tập ở chỗ Kornilov, chuyện trò bàn bạc rất lâu.
Dù sao trong cái trường trung học con gái chuyển thành nhà giam nầy, họ sống cũng không thiếu tiện nghi.
Đảm nhiệm công việc canh gác, bên ngoài có tiểu đoàn Georgievsky bên trong có những tên lính của trung đoàn Turkestan. Sự canh gác nầy kể ra cũng có gò bó đến mức nào đó và hạn chế tự do của những kẻ bị giam, nhưng bù vào đó, nó lại có một ưu điểm hết sức căn bản: cách bố trí canh phòng đã được sắp xếp để bất cứ lúc nào những kẻ giam cũng có thể bỏ trốn một cách dễ dàng và an toàn nếu họ muốn. Suốt thời gian sống trong nhà giam ở Bykhov, họ vẫn có thể liên lạc với thế giới bên ngoài mà không gặp trở ngại gì cả, họ có thể gây áp lực với giới nhân sĩ tư sản, yêu cầu điều tra và xét xử cho nhanh, làm phi tang cuộc nổi loạn, mò xem tinh thần của giới quân quan hiện nay như thế nào, và chuẩn bị vượt ngục nếu tình huống chuyển hướng tới một kết cục tệ hại.
Kornilov lo giữ bên cạnh hắn bọn lính trung đoàn Turkestan từ xưa vẫn trung thành với hắn, vì thế hắn đã liên lạc với Kaledin, và bên nầy, theo yêu cầu khẩn khoản của hắn, đã cấp tốc gửi đi Turkestan vài toa xe lúa mì cho gia đình đang bị đói của bọn lính trong trung đoàn. Để giúp đỡ vợ con những tên sĩ quan tham gia âm mưu chính biến, Kornilov đã viết cho những tên chủ nhà băng kếch sù ở Moskva và Petrograd một bức thư hết sức gay gắt, thế là bọn nầy lập tức gửi ngay vài vạn rúp, vì sợ có những lời phát giác không lợi cho mình. Cho tới tháng mười một, Kornilov không ngừng trao đổi rất nhiều thư từ với Kaledin. Trong một bức thư dài gửi cho Kaledin hồi trung tuần tháng mười, hắn đã hỏi han về tình hình sông Đông và thái độ của dân Cô-dắc nếu hắn trốn về vùng đó. Kaledin đã gửi cho hắn một bức thư trả lời với nội dung thuận lợi.
Cuộc chính biến tháng mười đã làm ngả nghiêng đất dưới chân những kẻ bị giam ở Bykhov. Ngay hôm sau đã có những tên liên lạc được tung đi các nơi, và chỉ một tuần sau trong bức thư Kaledin gửi cho tướng Dukhonin, một Tổng tư lệnh tối cao tự phong, đã có thể nhận ra tiếng vang của tâm trạng lo lắng cho số phận của những kẻ bị giam. Trong bức thư đó, Kaledin khẩn khoản xin bảo lãnh cho Kornilov cùng những tên bị bắt khác. Đại bản doanh cũng nhận được những lời đề nghị như thế của Hội đồng Hội liên hiệp các quân nhân Cô-dắc và Uỷ ban trung ương Hội liên hiệp sĩ quan Lục quân và hải quân. Nhưng Dukhonin lần lữa không giải quyết ngay.
Ngày mồng một tháng mười một, Kornilov gửi cho hắn một bức thư. Những lời Dukhonin ghi bên lề bức thư chứng tỏ rõ ràng rằng Đại bản doanh đang trong tình trạng bất lực như thế nào, và hồi nầy nó đã thực tế mất hết quyền hành đối với quân đội, chỉ còn đờ đẫn sống cho qua những ngày cuối cùng.
"Kính gửi ngài Nicolai Nicolaevich!
Định mệnh đã đặt Ngài vào cương vị có thể quyết định sự chuyển biến của nhưng sự kiện diễn ra theo một hướng nguy hại cho đất nước, chủ yếu do cái thói do dự bất quyết và dung túng buông lỏng của các cấp chỉ huy bên trên. Đối với Ngài đang sắp tới giờ phút người ta chỉ còn hai con đường, một là gan dạ dám làm, hai là rút lui nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm về việc nước nhà bị diệt vong và phải mang cái nhục về sự tan ra hoàn toàn của quân đội.
Theo những tài liệu không đầy đủ, phiến đoạn mà tôi được biết thì tình thế quả thật có gay go, nhưng còn chưa mất hết lối thoát.
Nhưng tình thế sẽ trở nên như thế, nếu Ngài để cho bọn Bolsevich chiếm được Đại bản doanh, hoặc nếu Ngài tự nguyện công nhận chính quyền của chúng.
Trong tay Ngài hiện giờ chỉ còn tiểu đoàn Georgievsky một nửa đã bị tuyên truyền làm tan rã, và trung đoàn Turkesstan yếu ớt bất lực, lực lượng như thế hoàn toàn không thể coi là đầy đủ
Dự kiến bước phát triển sau nầy của các sự kiện, tôi nghĩ rằng Ngài cần phải lập tức thi hành những biện pháp, như nắm vĩrng Đại bản doanh, có thể tạo ra hoàn cảnh thuận lợi để tổ chức việc đấu tranh sau nầy với tình trạng vô Chính phủỉ đang ập tới.
Tôi cho rằng các biện pháp đó là:
1. Lập tức điều về Mogilov một trong các trung đoàn Tiệp Khắc và trung đoàn kỵ binh nhẹ Ba Lan.
Lời ghi của Dukhonin: Đại bản doanh không coi các đơn vị ấy là hoàn toàn đáng tin cậy. Các đơn vị nầy nằm trong số các đơn vị đầu tiên giảng hoà với bọn Bolsevich.
2. Chiếm Orsa, Smolen, Globin và Gomel với những đơn vị của Quân đoàn Ba Lan, sau khi tăng cường pháo binh của các sư đoàn thuộc quân đoàn nầy bằng những đại đội pháo Cô-dắc ngoài mặt trận.
Lời ghi: Với mục đích chiếm Orsa và Smolen, đã tập trung Sư đoàn Kuban số 2 và một lữ đoàn Cô-dắc Astrakhan. Không nên điều trung đoàn của sư đoàn Ba Lan số 1 ra khỏi Bykhov để bảo đảm an toàn cho những người đang bị giam giữ. Các đơn vị của sư đoàn 1 có những cán bộ rất yếu vì thế không thể coi là một lực lượng có thật. Quân đoàn nầy đã nhất định không can thiệp vào các công việc nội bộ của nước Nga.
3. Với danh nghĩa điều quân về Petrograd và Moskva, tập trung trên tuyên Orsa-Mogilov-Gbolin tất cả các đơn vị của Quân đoàn Tiệp khắc - Slovak, trung đoàn Kornilov, cùng một hay hai sư đoàn Cô-dắc chọn trong số các sư đoàn vững vàng nhất.
Lời ghi: Bọn Cô-dắc đã dứt khoát giữ lập trường không đánh nhau với bọn Bolsevich.
4. Cũng trong khu vực ấy, tập trung tất cả các xe thiết giáp của Anh và của Bỉ, thay tất cả các nhân viên trên các xe ấy bằng những sĩ quan.
5. Tập trung ở Mogilov và tại một trong những địa điểm gần nhất, có bảo vệ cẩn mật, một kho dự trữ súng trường, đạn, súng máy, súng trướng tự động và lựu đạn, để phân phát cho các sĩ quan và những người tình nghyện, những người nầy nhất thiết phải tập trung ở khu vực đã chỉ định.
Lời ghi: Làm như thế có thể gây ra những việc quá khích.
6. Đặt liên hệ chặt chẽ và hiệp đồng ăn khớp với các ataman, các quân khu sông Đông, Chevek, và Kuban, cũng như các Uỷ ban Ba Lan và Tiệp khắc. Người Cô-dắc đã dứt khoát tuyên bố ủng hộ việc lập lại trật tự trong nước. Còn đối với người Ba Lan và người Tiệp Khắc thì vấn đề lập lại trật tự trong nước Nga… là vấn đề sống còn của chính bản thân họ".
***
Các tin tức nhận được mỗi ngày một thêm đáng lo ngại. Những con người ở Bykhov ngày càng mất ăn mất ngủ. Xe hơi của những kẻ muốn giúp đỡ Kornilov chạy như mắc cửi giữa Mogilov và Bykhov để yêu cầu Dukhonin thả những người bị giam. Thậm chí Hội đồng Hội liên hiệp quân nhân Cô-dắc đã dùng đến những lời đe doạ ngầm.
Bị đè nặng dưới những sự kiện dồn dập xảy đến, Dukhonin bắt đầu dao động. Ngày mười tám tháng mười một, hắn đã ra lệnh chuyển những tên bị giam về vùng sông Đông, nhưng lại lập tức thu huỷ nó ngay.
Sáng hôm sau có một chiếc xe hơi bùn bắn bê bết chạy tới cổng chính của trường trung học Bykhov dùng làm nhà giam: Gã lái xe mở cửa xe với một vẻ vừa quị lụy vừa có ý đề phòng, rồi từ trong xe bước ra một viên sĩ quan không còn trẻ nữa, nhưng người rất cân đối. Hắn đưa cho viên sĩ quan cảnh vệ xem tờ chứng minh thư ghi tên đại lá Kusonsky ở Bộ tổng tư lệnh.
- Tôi ở Đại bản doanh đến, được uỷ nhiệm đến gặp tướng quân Kornilov đang bị giữ. Tôi có thể gặp ngài chỉ huy cảnh vệ ở đâu?
Viên chỉ huy cảnh vệ là trung tá Ergar thuộc trung đoàn Turkestan lập tức dẫn viên sĩ quan vừa tới đến chỗ Kornilov. Tự giới thiệu xong, Kusonsky báo cáo giọng nhấn mạnh, và cũng có phần làm vẻ quan trọng:
- Bốn tiếng đồng hồ nữa, Đại bản doanh sẽ rút khỏi Mogilov, không có chiến đấu gì cả. Tướng quân Dukhonin ra lệnh cho tôi truyền đạt với ngài rằng tất cả những người bị giam đều phải lập lức rời khỏi Bykhov.
Kornilov hỏi Kusonsky về tình hình Mogilov rồi cho mời viên trung tá Ergar tới. Hắn nặng nề chống năm ngón tay của bàn tay trái xuống mép bàn và nói:
- Ngài hãy lập tức thả ngay các vị tướng ra. Các binh sĩ trung đoàn Turkestan phải chuẩn bị để sẵn sàng lên đường lúc mười hai giờ đêm. Tôi sẽ cùng đi với trung đoàn.
Suốt hôm ấy, những cái bễ trong lò rèn dã chiến luôn luôn kéo phì phì, than cháy đổ rực, búa đập chan chát, những con ngựa bực tức hí rầm lên bên các cọc buộc ngựa. Bọn lính Turkestan đóng lại tất cả các móng ngựa, sửa chữa dây cương, lau súng, làm tất cả các việc chuẩn bị. Ban ngày, những tên tướng được thả ra lẻ tẻ rời khỏi nơi giam giữ. Nhưng đến nửa đêm; lúc đã rất khuya, đến giờ lang sói hoành hành, lúc cái tỉnh lỵ nhỏ bé nầy đã tắt hết đèn lửa và ngủ mê mệt, lúc đó mới thấy một đoàn người ngựa xếp hàng ba, tiến ra khỏi trường trung học Bykhov, với những thân hình đen như quạ hiện lên rõ mồn một như những bức tượng khắc nổi trên nền trời màu thép. Những tên lính kỵ binh đội những chiếc mũ lông cừu rất cao, gù lưng trên yên vì lạnh, giấu kín những bộ mặt nâu bóng nhấp nhoáng như dầu dưới những chiếc mũ có tai, nom chẳng khác gì những con chim đen đang sù lông. Ở giữa đội hình hàng dọc của trụng đoàn, Kornilov gù gù lưng, ngồi lắc lư trên một con ngựa cao rất khoẻ, đi bên cạnh viên đại tá trung đoàn trưởng Kinghenghen. Mặt hắn nhăn như bị dưới làn gió buốt lạnh thổi lùa qua những dãy phố nhỏ của Bykhov, hai con mắt lươn nheo nheo nhìn lên bầu trời băng giá lấm tấm sao.
Tiếng những vó ngựa mới đóng lại móng vang lên lộp cộp trên đường phố, ra đến ngoại ô thì lắng dần.
Chương 89
PHẦN 4
Trung đoàn rút lui đã sang ngày thứ hai. Rút lui từ từ, rút lui có chiến đấu, nhưng dù sao vẫn là rút lui. Những đoàn xe vận tải quân Nga và quân Rumani nối đuôi nhau trên những con đường đất đắp rất cao. Những đơn vị của liên quân Đức - Áo vu hồi rất sâu hai bên sườn quân đội rút lui, cố khép kín vòng vây.
Đến lúc trời sắp hoàng hôn thì có tin trung đoàn 12 cùng với lữ đoàn Rumani ở bên cạnh nó có nguy cơ bị bao vây đến nơi. Lúc mặt trời lặn, quân địch đã đánh bật quân Rumani ra khỏi làng Khovinneski và đã tiến tới cao điểm "180" nằm ngay sát đèo Golsk.
Đến đêm, trung đoàn 12 được tăng cường bằng những đại đội pháo của sư đoàn kỵ binh miền núi và nhận được mệnh lệnh chiếm lĩnh trận địa ở những chỗ thấp dưới thung lũng Golsk. Sau khi đặt xong các đội cảnh giới, trung đoàn chuẩn bị đối phó nếu xảy ra một trận tao ngộ chiến.
Đêm ấy, Miska Kosevoi có mặt ở một điểm cảnh giới bí mật cùng với Aleksey Betnar, một gã đồng hương có phần ngốc nghếch.
Hai người nấp dưới cái hố đào cạnh một cái giếng lở bỏ không dùng nữa. Không khí vừa loãng vừa lạnh buốt. Thỉnh thoảng có đàn ngỗng trời chưa kịp chuyển xuống miền Nam bay qua bầu trời u ám, đầy những đám mây lồm xồm. Những con ngỗng cảnh giới hối hả chỉ hướng cho đàn. Miska bực mình nhớ rằng không được hút thuốc, bèn lầu bầu:
- Aleksey ạ, cuộc sống đến là kỳ quặc?: Con người ta cứ mò mẫm đi như một lũ mù, tụ tập lại với nhau rồi lại bỏ nhau đi mỗi kẻ một nơi, có khi còn dẫm, còn đạp lẫn nhau. Bọn mình cứ sống như thế nầy, kề bên cái chết, mà cứ lấy làm lạ không hiểu tất cả những sự phiền toái khổ sở như thế là để làm gì? Theo mình thì trên đời nầy chẳng có gì đáng sợ hơn lòng dạ con người, cậu chẳng có cách nào mò được tới đáy lòng của người khác đâu… Nói ngay như mình đang nằm bên cạnh cậu đây, nhưng mình cũng chẳng biết cậu đang nghĩ những chuyện gì, và từ trước đến nay cũng chưa tìm hiểu xem cuộc đời trước kia của cậu như thế nào. Mình không biết về cậu, mà cậu cũng không biết về mình… Có thể là ngay giữa lúc mình đang muốn giết cậu thì cậu lại đem lương khô cho mình ăn, trong bụng chẳng nghi ngờ gì cả… Con người hiểu rất ít về bản thân mình. Mùa hè vừa qua mình phải đi nằm quân y. Bên cạnh giường của mình có một anh chàng bộ binh, dân Moskva. Thằng cha cái gì cũng tò mò muốn biết, cứ hỏi hết chuyện nầy đến chuyện khác, cố tìm hiểu xem dân Cô-dắc chúng mình sinh sống như thế nào. Thiên hạ nghĩ rằng dân Cô-dắc chúng mình chỉ biết có cái cặc bò, cứ tưởng dân Cô-dắc dã man, không có tâm hồn, mà thay vào đó chỉ có một cái vỏ chai thuỷ tinh. Nhưng chúng ta cũng là những con người: cũng yêu đàn bà, cũng thích gái, khi đau khổ thì cũng khóc, người khác sung sướng cũng không vui… Cậu thấy thế nào hả, Aleksey? Còn mình là một thằng hết sức thèm khát được sống. Hễ nhớ lại rằng trên đời nầy có bao nhiêu người đàn bà đẹp là trong lòng mình lại nhoi nhói! Mình cứ nghĩ rằng suốt đời mình cũng không đủ để yêu hết được họ. Mình yêu đàn bà đến nỗi bất cứ con bé nào mình cũng yêu tha thiết… Đĩ thoã cũng không sao, trăm chồng cũng không sao, chỉ cần đẹp là được rồi… Thế mà người ta lại tưởng là thông minh lắm khi sắp xếp cuộc sống theo cái kiểu ghép cho bọn mình một ả nào đó để cùng sống với nó cho đến chết… như thế thì làm gì chẳng chán ngấy! Mà lại còn bày ra cái trò đánh nhau nữa chứ, và như vậy…
- Cái con bò nuôi để cúng thần nầy, lưng mày ăn gậy còn ít đấy! – Betnar chửi nhưng không có ác ý gì cả.
Miska nằm ngửa ra, không nói gì nữa, mắt đăm đăm nhìn giờ lâu những khoảng không cao tít, một nụ cười mơ mộng ở trên môi, hai bàn tay xao xuyến âu yếm vuốt ve mặt đất lạnh giá, vô tri vô giác đến như không thể nào gần được.
Trước lúc đổi gác một giờ, cả hai đã bị bọn Đức tập kích. Betnar vừa kịp nổ một phát súng đã ngồi sụp xuống, răng nghiến ken két, lưng uốn cong làm lễ trước khi chết: mũi lê kiểu lưỡi dao của quân Đức đã xuyên cắt ruột gan hắn, xọc toạc bọng đái hắn rồi cắm vào cột xương sống và run bắn lên. Miska thì bị địch đánh gục bằng báng súng. Một tên Landsturm 1 lực lưỡng vác Miska đi nửa vec-xta. Miska tỉnh lại thấy mình đang bị sặc vì máu trong miệng, bèn lấy lại hơi, thu hết sức lực, rồi nhảy bật từ trên lưng tên Đức xuống, không khó khăn lắm. Bọn Đức nã theo một băng đạn, nhưng đêm tối và bụi rậm đã giúp Miska quàng chân lên cổ chạy thoát.
Sau khi cuộc rút lui kết thúc và các đơn vị Nga, Rumani đã ra khỏi vòng vây, trung đoàn 12 được điều từ tuyến lửa về hậu phương, đóng cách khu vực trung đoàn phụ trách vài vec-xta về bên trái. Một bản mệnh lệnh đã được phổ biến cho trung đoàn: làm nhiệm vụ ngăn chặn đào ngũ, phái những đội tuần tiễu đi trên khắp các nẻo đường, theo dõi không cho những tên lính đào ngũ trở về hậu phương, không ngại dùng vũ khí bắt giữ chúng rồi áp giải về sư đoàn bộ.
Miska Kosevoi nằm trong số những người đầu tiên bị cắt đi làm việc đó. Từ sáng sớm, Miska cùng ba anh chàng Cô-dắc nữa đã ra khỏi một thôn nhỏ, rồi theo lệnh lão quản đến bố trí ở cuối cánh đồng ngô, cách đường cái không xa. Con đường chạy vòng cánh rừng nhỏ rồi mất hút trên một vùng đất trống mấp mô gò đống, nham nhở những mảnh đất cày vuông vuông. Bốn anh chàng Cô-dắc thay phiên nhau quan sát. Đến quá giữa trưa thấy một nhóm chừng mười ba bộ binh đi về phía họ. Rõ ràng bọn lính bộ binh nầy định đi vòng, tránh cái thôn nhỏ mà họ đã nhìn thấy dưới sườn núi. Khi đến ngang cánh rừng, họ dừng lại hút thuốc, có lẽ để bàn bạc, rồi chuyển hướng, rẽ hẳn sang trái.
- Gọi chúng nó lại chứ? - Miska nhỏm lên từ trong đám ngô rậm rạp, hỏi ba chàng Cô-dắc kia.
- Bắn một phát lên trời.
- Nầy, các cậu kia? Đứng lại!
Những người lính bộ binh đang đi cách nhóm Cô-dắc vài chục xa-gien. Họ nghe thấy tiếng gọi, đứng lại một phút rồi lại đi, có phần như còn do dự.
- Đứng la-a-ại! - Một gã Cô-dắc kêu lên, rồi liên tiếp bắn lên trời hết một kẹp đạn.
Bốn anh chàng Cô-dắc cầm ngang súng trường, đuổi theo kịp những người lính bộ binh đi lững thững.
- Mẹ khỉ, sao không đứng lại hử? Đơn vị nào? Các anh đi đâu?
Cho xem giấy tờ? - Tên hạ sĩ Kolychev chỉ huy vọng tiêu chạy tới kêu lên.
Toán bộ binh đứng lại. Ba người lừng khừng hạ súng trường trên vai xuống.
Anh chàng đi sau cùng cúi xuống, dùng một đoạn dây điện thoại buộc lại bên gót ủng bị long. Cả bọn đều rách rưới bẩn thỉu không thể tưởng tượng được. Mảy hoa vạn thọ nâu nâu bám đầy trên tà áo ca-pôt của họ. Đúng là đêm qua cả bọn đã ngủ trong rừng, trong những bụi rậm. Hai người đội cát-két mùa hạ, những người khác đều đội những chiếc mũ lông cừu non xám bẩn, vành mũ bật khuy, đai mũ lõng thõng. Anh chàng đi sau cùng cao lớn, lưng gù gù như ông lão có lẽ là người cầm đầu cả bọn. Anh ta hung hãn quát lên ồm ồm giọng mũi, hai cái má nhẽo nhợt như hai cái túi run lên:
- Các anh muốn gì hử? Chúng tôi động gì đến các anh? Can gì, mà các anh dính vào công việc của chúng tôi!
- Cho xem giấy tờ! - Gã hạ sĩ cố lấy giọng nghiêm khắc, cắt lời anh chàng kia.
Một người lính bộ binh mắt mầu da trời, tóc đỏ rực như viên gạch mới ra lò, rút quả lựu đạn lọ mực mắc trên thắt lưng, vung lên trước mũi gã hạ sĩ, rồi vừa nhìn các bạn của anh ta vừa nói liến thoắng giọng Yaroslav:
- Đấy, cậu nhỏ, giấy tờ mà cậu muốn xem đây! Đây! Giấy công tác dùng cho cả năm đấy! Liệu mà giữ lấy xác, kẻo thằng nầy đoàng một cái là tim gan mề phổi không còn biết đâu mà tìm của. Hiểu chưa? Hiểu chưa hử? Hiểu chưa?
- Nầy, chớ có giở trò - Gã hạ sĩ cau mày đẩy vào ngực anh chàng kia - Chớ có giở trò mà cũng đừng hòng doạ dẫm bọn nầy, bọn nầy không dễ doạ đâu. Còn anh là những thằng đảo ngũ thì hãy quay về sư đoàn bộ đã. Trên ấy đã có sẵn những món súp như thế nầy cho các anh xơi rồi đấy.
Những người lính bộ binh đưa mắt nhìn nhau rồi cùng hạ súng trường xuống. Một anh chàng ria đen, mặt mày hốc hác, có vẻ thợ mỏ, vừa đưa cặp mắt liều lĩnh hết nhìn Miska lại nhìn ba chàng Cô-dắc kia, vừa khẽ nói:
- Nầy hãy xem chúng tao cho chúng mày ăn lưỡi lê đây! Nào, có cút đi không? Xéo ngay đi? Tao không nói đùa đâu, tao sẽ là thằng nổ phát súng đầu tiên cho mà xem.
Anh chàng bộ binh mắt xanh quay tròn quả lựu đạn trên đầu; anh chàng cao lớn lưng gù bước tới, mũi lưỡi lê han rỉ sát cả vào cái áo ca-pôt dạ của gã hạ sĩ; còn anh chàng có vẻ thợ mỏ thì chửi rầm và vung báng súng lên trước mặt Miska. Ngón tay Miska thì cứ run lên trên cò súng, cả má súng có khuỷu tay ấn vào sườn mà vẫn nẩy bần bật. Một gã Cô-dắc túm lấy cổ áo ca-pốt của một anh chàng bộ binh nhỏ bé lôi đi, nhưng vẫn sợ hãi ngoái nhìn những người khác vì lo bị đánh sau lưng.
Lá ngô khô kêu loạt soạt trên những thân ngô. Mấy nhánh núi hiện lên xanh xanh sau cánh đồng ngổn ngang gò đống. Vài con bò lông hung hung, lang thang trên những bãi cỏ bên cạnh cái làng nhỏ.
Gió xoáy tròn một đám bụi sương muối sau cánh rừng. Bầu trời tháng mười bềnh bệch, thanh thản như mơ ngủ. Mặt trời dè sẻn toả xuống cảnh vật thiên nhiên và những khoảng sáng lốm đốm, đem lại một cảm giác thanh thản và yên tĩnh. Thế mà ở gần con đường cái lại có nhiều con người dẫm chân bực bội một cách vô lý, sẵn sàng đổ thêm máu mình xuống, làm độc cả chất đất mầu mỡ để gieo hạt, đã ê hề nước mưa.
Mọi người đã có phần bớt nóng. Sau khi làm rầm lên một trận, cả lính bộ binh lẫn lính Cô-dắc đều bắt đầu nói với nhau giọng ôn tồn hơn.
- Bọn nầy vừa được điều khỏi trận địa ba ngày chứ lâu la gì? Chúng tôi có bỏ về hậu phương đâu! Thế mà các anh lại bỏ chạy, thật là xấu hổ? Bỏ anh em lại? Thế còn ai giữ mặt trận bây giờ? Chà, những thằng như các anh! Chính tôi có người bạn vừa bị chúng nó xọc lưỡi lê vào sườn kia kìa, Tôi và cậu ấy đã phải giữ một vọng tiêu bí mật, thế mà anh lại bảo chúng tôi chưa ngửi mùi chiến tranh. Anh hãy thử ngửi mùi chiến tranh như chúng tôi đã ngửi! - Miska nói giọng tức tối.
- Thừa hơi mà phí lời như thế - Một gã Cô-dắc ngắt lời Miska, - Cứ lên sư đoàn Bộ đã, không một hai gì cả!
- Thôi anh em Cô-dắc ạ, hãy để cho chúng nó đi! Nếu không chúng tôi bắn cho mà xem, có Chúa chứng giám đấy? - Người lính bộ binh có vẻ thợ mỏ cố khuyên.
Anh chàng hạ sĩ khoát rộng hai tay một cách tuyệt vọng.
- Chúng tôi không thể làm như thế được, người anh em ạ! Các anh bắn vào chúng tôi thì bắn nhưng các anh sẽ không thoát đâu: đại đội chúng tôi đóng ngay trong cái thôn kia kìa…
Người lính bộ binh vừa cao vừa gù hết doạ lại dỗ dành, có lúc còn nhịn nhục van lơn. Cuối cùng anh ta hấp tấp lấy trong chiếc túi dết bẩn thỉu ra một cái chai chung quanh tết rơm, rồi vừa nháy mắt lấy lòng Kosevoi vừa khẽ nói:
- Anh em Cô-dắc thân mến ạ, chúng tôi xin biếu anh em ít tiền và đây vodka của bọn Đức đây… chúng tôi còn có thể kiếm thêm vài thứ nữa… Thôi cho chúng tôi đi đi, anh em hãy vì chúa… Nhà còn mấy cháu nhỏ, chính anh em cũng hiểu được… Kiệt hết sức lực rồi, nhớ nhà chết đi được. Không biết bao giờ mới hết tội hết nợ? Lạy Chúa tôi! Chẳng nhẽ anh em không để cho chúng tôi đi hay sao? - Rồi anh ta vội vã moi trong ống ủng ra một cái túi đựng thuốc, giũ ra hai tờ giấy bạc Kerensky nhầu nát, cố nhét vào tay Kosevoi - Cầm lấy đi, cứ cầm lấy đi! Nào, lạy Chúa tôi! Anh đừng ngại gì cả… không có tiền chúng tôi vẫn có thể sống vất vưởng được? Tiền cũng chẳng làm quái gì… không có tiền cũng được… Cứ cầm lấy đi? Chúng tôi còn gom góp thêm được nữa.
Ngượng đến chín cả người. Miska bước lùi lại, giấu hai tay sau lưng, lắc đầu lia lịa. Máu bừng bừng dồn lên mặt làm anh chàng trào cả nước mắt. "Lúc nãy mình làm hung như thế chỉ là vì Betnar mà thôi… Còn chính mình thì sao? Mình cũng là một thằng chống chiến tranh cơ mà, thế mà mình lại giữ người ta lại, mình có quyền gì để làm như thế? Lạy Đức mẹ, mình đã làm chuyện gì thế nhỉ! Mình đã biến thành chó săn của chúng nó rồi hay sao?"
Miska lại gần gã hạ sĩ, kéo hắn ra một bên, rồi nói, nhưng không nhìn vào mắt hắn:
- Thôi bọn mình cho họ đi vậy? Cậu thấy thế nào, Kolychev? Cho họ đi nhé, mình nói thật đấy…
Gã hạ sĩ nhìn quanh nhìn quẩn như đang làm một việc nhục nhã rồi nói:
- Thôi cho chúng nó đi… Đối với chúng nó thì còn làm thế quái nào được nữa? Chính bọn mình rồi cũng sắp phải đi theo con đường ấy thôi… Chẳng cần phải giấu giếm làm gì!
Rồi anh ta quay về phía toán lính bộ binh, quát lên giọng phẫn nộ:
- Các anh là một bọn khốn nạn? Người ta coi các anh là những con người đứng đắn, đối đãi lịch sự với các anh, thế mà các anh lại đưa tiền cho chúng tôi? Sao thế hử, tưởng chúng tôi ít tiền đấy phỏng? - Rồi anh chàng đỏ mặt tía tai. - Có cất túi tiền đi không thì lên sự đoàn bộ bây giờ!
Mấy người lính Cô-dắc đứng lui sang một bên. Miska đưa mắt về phía những dãy phố hẹp vắng tanh trong cái thôn nhỏ đằng xa, rồi kêu với theo toán lính bộ binh đang đi xa dần:
- Nầy, đàn ngựa cái kia! Sao lại cứ mò ra chỗ trống trải thế hử. Có cánh rừng nhỏ đằng kia, ban ngày mò vào trong ấy mà nghỉ, đến đêm hãy đi tiếp? Nếu không lại đâm đầu vào một vọng tiêu khác cho chúng nó tóm cổ bây giờ!
Bọn lính bộ binh đưa mắt nhìn quanh, nhún nhún vai ra vẻ do dự, rồi nối đuôi nhau như một đàn sói lăn xuống khoảng đất trũng mọc đầy những cây liễu hoàn điệp lồm xồm, nhìn ra nom họ cứ như một chuỗi những mắt xích xám xịt bẩn thỉu.
***
Đến đầu tháng mười một thì những tin đồn hết sức trái ngược về cuộc chính biến ở Petrograd bắt đầu lọt đến tai các binh sĩ Cô-dắc. Những tên lính hầu trong các ban chỉ huy thường được biết tin tức sớm hơn mọi người. Chúng tôi chắc chắn rằng Chính phủ lâm thời đã bỏ chạy sang Mỹ, còn Kerensky thì bị anh em thuỷ binh tóm cổ. Họ cạo trọc đầu hắn, bôi đầy nhựa chưng lên như một con đĩ rồi bêu rong hai ngày qua các phố Petrograd.
Sau đó, khi đã được thông báo chính thức về việc Chính phủ lâm thời bị lật đổ, chính quyền chuyển sang tay thợ thuyền và dân cày, anh em Cô-dắc đều lặng đi trong tâm trạng căng thẳng chờ đợi.
Nhiều người sung sướng mong ngày chiến tranh chấm dứt, song lại có những tin đồn ngấm ngầm reo rắc hoang mang, nói rằng Quân đoàn kỵ binh số ba cùng với Kerensky và tướng Kornilov đang tiến về Petrograd, còn Kaledin thì đang từ phía nam đánh thúc lên vì hắn đã kịp điều một số trung đoàn Cô-dắc về vùng sông Đông.
Mặt trận đã tan vỡ. Hồi tháng mười binh lính còn rời khỏi mặt trận thành những nhóm lẻ tẻ, vô tổ chức, nhưng đến cuối tháng mười một, đã có những đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn rút khỏi tuyến lửa. Có những đơn vị bỏ đi không mang theo gì cả nhưng phần lớn đều chiếm đoạt tài sản của trung đoàn, phá các kho tàng, bắn giết bọn sĩ quan, rồi ầm ầm đổ về quê hương như nước lũ, không còn bị ai kiềm chế nữa, đi đến đâu cướp bóc đến đấy.
Tình hình đã chuyển biến đến bước như thế mà còn trao cho trung đoàn mười hai nhiệm vụ ngăn chặn các binh lính đào ngũ thì thật không còn nghĩa lý gì nữa. Vì thế trung đoàn lại bị điều động trở lại tuyến lửa, hòng lấp một cách hoài công vô ích các lỗ hổng và các chỗ rách hình thành ở những nơi bộ binh rời bỏ các khu vực của họ.
Nhưng đến tháng chạp, trung đoàn cũng bỏ nốt mặt trận, hành quân bằng ngựa tới nhà ga gần nhất, rồi đưa lên các toa tàu tất cả tài sản của trung đoàn, súng máy, đạn dược dự trữ, ngựa, kéo về trung tâm nước Nga lúc nầy đã sôi sục trong các trận chiến đấu…
Các đoàn tàu nhà binh của trung đoàn 12 chạy qua xứ Ukraina về vùng sông Đông. Ở một nơi cách Donamenca không xa mấy, các chiến sĩ Xích vệ định tước vũ khí của trung đoàn. Cuộc đàm phán kéo dài nửa tiếng đồng hồ. Miska Kosevoi cùng năm anh em Cô-dắc, chủ tịch các Uỷ ban cách mạng đại đội, đề nghị cho trung đoàn mang theo vũ khí.
- Các anh cần đến vũ khí làm gì? - Các uỷ viên trong Xô viết các đại biểu của nhà ga hỏi.
Để đánh bọn tư sản và tướng tá vùng chúng tôi! Để chặt đuôi thằng Kaledin! - Miska trả lời thay tất cả.
- Vũ khí chúng tôi mang theo là của quân khu, chúng tôi không trao được! - Anh em Cô-dắc nhao nhao.
Đoàn tàu đã được phép chạy qua. Ở Kremenchuk người ta lại định tước vũ khí của họ. Mãi tới khi bọn Cô-dắc giữ súng máy đặt các khẩu súng máy ở các cửa toa xe mở toang, nhằm vào nhà ga, và một đại đội tản khai thành tuyến chiến đấu bố th trên đường sắt, người ta mới đồng ý cho đi. Nhưng đến Ekaterinoslav2 thì bắn nhau với đội Xích vệ cũng không thu được kết quả, trung đoàn vẫn bị tước một phần vũ khí: các cỗ súng máy, hơn một trăm hòm đạn, các máy điện thoại dã chiến và vài cuộn dây điện đã bị tịch thu. Khi đội Xích vệ đề nghị bắt các sĩ quan thì anh em Cô-dắc không đồng ý. Suốt chặng đường, họ chỉ mất một sĩ quan là tên phó quan của trung đoàn Trirkovsky. Chính anh em Cô-dắc đã tuyên án xử tử tên nầy, bản án trao cho "Tóc trái đào" cùng một anh chàng thuỷ binh Xích vệ nào đó chấp hành.
Ngày mười bảy tháng chạp, ở nhà ga Sineniki, anh em Cô-dắc lôi tên phó quan trên toa xe xuống lúc trời sắp nhá nhem.
- Chính thằng nầy đã phản lại anh em Cô-dắc à? - Anh chàng thuỷ binh Hắc hải rỗ nhằng rỗ nhịt vui vẻ hỏi. Anh ta đeo một khẩu "Mauser"3 và một khẩu súng trường Nhật.
- Cậu tưởng bọn mình nhầm hay sao? Không, bọn mình nhằm không sai đâu, lôi cổ nó ra? - "Tóc trái đào" thở hổn hển nói.
Tên phó quan cấp thượng uý, còn trẻ. Hắn hoảng hốt nhìn quanh như một con thú bị vây bắt và đưa bàn tay đẫm mồ hôi lên vuốt tóc.
Lạnh cháy mặt, báng súng đập bình bịch, hắn cũng chẳng cảm thấy gì cả. "Tóc trái đào" và anh chàng thuỷ binh đẩy hắn ra xa toa xe một chút.
- Chính vì cái bọn quỷ nầy mà người ta phải làm loạn, chính vì chúng nó mà cách mạng đã nổ ra… Nầy nầy, anh bạn yêu quý của tôi ơi chớ có run, không lại vụn ra như cám bây giờ, - "Tóc trái đào" nói giọng rủ rỉ rồi bỏ chiếc mũ cát-két xuống, làm dấu phép. - Cứng rắn lên một chút, ngài thượng uý?
- Sửa soạn xong chưa? - Anh chàng thuỷ binh nghịch nghịch khẩu "Mauser" nhe hàm răng trắng loá cười một cách tinh quái và hỏi.
- Xong!
"Tóc trái đào" làm dấu phép lần nữa, liếc nhìn anh chàng thuỷ binh dạng chân, nâng khẩu "Mauser" lên, tập trung tinh thần nheo mắt nhắm. "Tóc trái đào" cười gằn, nổ súng trước.
Tới gần Travlin, trung đoàn lớ ngớ thế nào bị lôi cuốn vào một trận chiến đấu giữa bọn vô Chính phủ và bọn Ukraina, bị giết mất ba gã Cô-dắc, rồi mất không biết bao nhiêu hơi sức mới giải toả được con đường bị những đoàn tàu nhà binh của một sư đoàn khinh binh nào đó chiếm lĩnh, chạy thoát ra được, Sau ba ngày ba đêm, đoàn tàu đầu tiên của trung đoàn đã đổ người ngựa và vũ khí xuống ga Minlerovo. Còn bao nhiêu điều ứ lại ở Lugansk.
Trung đoàn về tới thôn Kargin, quân số chỉ còn một nửa nửa kia đã phân tán về nhà từ các ga trước. Hôm sau, người ta đem bán đấu giá chiến lợi phẩm tức là những con ngựa cướp được của quân Áo đem từ mặt trận về, chia nhau các món tiền của trung đoàn cùng các đồ quân trang quân dụng.
Miska Kosevoi cùng những anh chàng Cô-dắc khác ở thôn Tatarsky lên đường về nhà lúc trời đã xế chiều. Mọi người cho ngựa lên núi. Bên dưới, thôn Kargin, thôn đẹp nhất của vùng thượng lưu sông Đông, nằm dài trên một khúc sông Tria băng kết trắng loá.
Khói phụt lên thành những quả bóng nhỏ rất dễ vỡ trên ống khói của nhà máy xay chạy bằng hơi nước. Từng đám người đứng đen nghịt trên cái bãi giữa thôn: chuông nguyện kinh chiều đã dóng. Sau ngọn đồi của thôn Kargin, thấp thoáng hiện ra ngọn những cây liễu của thôn Klimovsky. Sau đám liễu ấy, sau đường chân trời băng tuyết xanh xanh như màu ngải cứu, ráng chiều mung lung như khói lấp lánh đỏ rực nửa bầu trời.
Mười tám chàng cưỡi ngựa đi sát ba cây táo dại đầy sương muối, vòng qua ngọn kurgan, cho ngựa thanh thản chạy nước kiệu về hướng đông-bắc, đệm yên cọt kẹt. Màn đêm băng giá len lén mò đến náu mình sau ngọn đồi. Anh em Cô-dắc kéo tai mũ xuống kín mặt, thỉnh thoảng lại chuyển sang nước đại như trên mặt trận. Móng ngựa đập lộp cộp vang lên rành rọt làm trong lòng nhoi nhói. Dưới vó ngựa, một con đường bằng phẳng tuôn ra về phía nam. Hai bên đường lớp tuyết mỏng đã kết băng bị nước tuyết tan mấy ngày gần đây xô đẩy, vẫn còn bám lấy những thân cỏ, lấp loáng thành những vạch sáng dài dưới ánh trăng.
Các chàng Cô-dắc lặng lẽ thúc ngựa. Con đường vẫn cứ tuôn về nam, còn khu rừng thì chạy vòng sang đông về phía cái khe cây sồi.
Vết chân thỏ đan vào nhau như những nlắt lưới, lấp loáng bên cạnh các vó ngựa. Bên trên đồng cỏ, sông Ngân Hà huy hoàng bao quanh bầu trời một dải thắt lưng Cô-dắc chạm trổ tinh vi.
Chú thích:
1 Lính dự bị loại ba của quân Đức và Áo Tiếng Đức: Landsturm ND
2 Nay đổi tên là Dnepropetrovsk ND
3 Một kiểu súng ngắn của Đức, có hộp gỗ lắp vào được thành báng, ở ta trước kia gọi là poọc-hoọc" ND
Nguồn: http://www.sahara.com.vn/