PHẦN 5
Buntruc cũng ra đi cùng với chi đội của Golubov tiến công vu hồi đánh chiếm Novocherkask. Ngày hai mươi ba tháng Hai, chi đội ra khỏi Sarnaia, tiến qua trấn Badorskaia, và đến đêm đã tới Melikhovskaia. Hôm sau, chi đội rời khỏi trấn nầy lúc trời vừa rạng.
Golubov cho chi đội hành quân cấp tốc. Anh luôn luôn có mặt trên đầu hàng quân với cái thân hình vạm vỡ, và nóng nẩy quất ngọn roi xuống mông ngựa như mưa. Đến đêm thì tiến qua Besergenevskaia. Anh em kỵ binh chỉ cho ngựa nghỉ ngơi qua quít rồi lại tiếp tục chuyển quân dưới bầu trời xám xịt, không có ánh sao. Lớp băng mỏng phủ trên con đường đất lạo xạo dưới những vó ngựa.
Đến gần Krivianskaia, chi đội bị lạc đường, nhưng lại lập tức tìm được đúng hướng. Đoàn quân tiến vào Krivianskaia thì trời đắt đầu hửng. Trong trấn còn chưa có ai ra đường. Gần một cái bãi nhỏ, có một ông lão đang đập băng trong cái máng ngựa bên bờ giếng, Golubov cho ngựa tới gần ông cụ. Chi đội dừng lại.
- Chào cụ.
Người dân Cô-dắc từ từ đưa bàn tay di chiếc găng không có ngón lên chiếc mũ lông, trả lời bằng một giọng hằn học:
- Chào ông.
- Thế nào cụ, anh em Cô-dắc trấn cụ đã lên Novocherkask rồi à? Vùng cụ vừa có động viên phải không?
Ông cụ vội nhấc cái rìu lên, bước vào trong cổng, không trả lời.
- Tiến! - Golubov hô lên rồi vừa văng tục vừa bỏ đi.
Hôm ấy Cơ-rúc nhỏ của quân khu sắp sửa chạy về trấn Conxlachinovskaia. Tên ataman viễn chinh mới của Quân khu sông Đông là tướng Popop đã chỉ huy các lực lượng vũ trang rút khỏi Novocherkask và chuyển các của cải của quân khu đi. Sáng hôm ấy nhận được tin Golubov đang từ Melikhovskaia tiến về hướng Bétxétghê-nhépskaia. Cơ-rúc bèn phái viên đại uý Cô-dắc Xivôtôbôp đến đàm phán với Golubov về các điều kiện đầu hàng của Novocherkask. Các chiến sĩ kỵ binh của Golubov tiến theo Sivolobov đột nhập vào Novocherkask không gặp phải một sự chống cự nào cả. Trên con ngựa mồ hôi sủi lên như bọt xà phòng, Golubov đích thân phi tới ngôi nhà của Cơ-rúc cùng với một toán Cô-dắc rất đông. Vài anh chàng vô công rồi nghề tò mò đứng túm tụm ở cửa ra vào. Một tên lính hầu đứng chờ Nadarov với con ngựa yên cương sẵn sàng.
Buntruc nhảy trên ngựa xuống, vớ lấy một khẩu trung liên. Anh cùng với Golubov và những anh em Cô-dắc còn lại chạy vào trong trụ sở của Cơ-rúc. Nghe tiếng cửa mở đánh rầm, bọn đại biểu ngồi đông trong căn phòng rộng thênh thang đều quay đầu lại, mặt tên nào tên nấy trắng bệch ra.
- Đứng cả dậy? - Golubov ra lệnh, giọng gay gắt như trong khi duyệt binh. Hô xong anh tiến thẳng tới cái bàn của đoàn chủ tịch, chung quanh có anh em Cô-dắc hộ vệ. Golubov đi quá vội nên vừa đi vừa vấp Bọn uỷ viên Cơ-rúc nghe tiếng quát oai vệ xô vội ghế ầm ầm, đứng cả dậy. Một mình Nadarov vẫn ngồi yên.
- Sao các anh lại dám làm đứt quãng cuộc họp của Cơ-rúc? - Hắn tức tối quát lên, giọng oang oang.
- Chúng mà6y đã bị bắt! Câm ngay! - Golubov đỏ mặt tía tai chạy đến chỗ Nadarov, giật đứt chiếc lon vai trên cái áo quân phục cấp tướng của hắn rồi rít lên, giọng phá ra - Đứng dậy! Tao bảo mày đứng dậy! Tao bảo mày đứng dậy? Giải nó đi! Tao đang nói với đứa nào đó hử?! Cái thằng lon vàng nầy!
Buntruc bố trí một khẩu súng máy nặng ở cửa. Các uỷ viên Cơ-rúc đứng lốc nhốc một lũ như đàn cừu. Anh em Cô-dắc lôi qua trước mặt Buntruc tên Nadarov, tên chủ tịch Cơ-rúc Volosynov sợ tái xanh tái tím và vài tên nữa.
Golubov bước ra theo, mặt chỗ tím chỗ đỏ, gươm va lách cách. Một tên uỷ viên Cơ-rúc nắm lấy tay áo Golubov.
- Bẩm ngài đại tá, bẩm quan lớn, chúng tôi đi đâu bây giờ ạ?
- Thưa chúng tôi được tự do chứ ạ? - Một tên khác nhô đầu qua vai anh, hỏi.
- Cút mẹ chúng mày đi! - Golubov vung tay quát lên, rồi đến khi đã đi tới ngang chỗ Buntruc, anh lại quay nhìn bọn uỷ viên Cơ-rúc, dậm chân hét lên - Xéo ngay… Tao hơi đâu coi được chúng mầy! Mau lên!
Cái giọng khàn khàn thô bạo của anh còn dội lên rất lâu trong căn phòng.
Buntruc về nghỉ một đêm ở nhà với mẹ. Hôm sau, ở Novocherkask vừa có tin Xivéc đã chiếm được Rostov là anh lên xin phép ngay Golubov vào sáng hôm sau cưỡi ngựa đi Rostov.
Anh làm việc ở bộ tư lệnh của Xivéc hai ngày. Đồng chí nầy anh đã quen từ hồi còn làm biên tập tờ "Sự thật trong chiến hào". Anh đến thăm Uỷ ban quân sự cách mạng, nhưng cả Abramxon lẫn Anna đều không có ở đấy. Ở bộ tư lệnh của Xivéc có tổ chức một toà án cách mạng, toà án nầy lên án nghiêm khắc và xử tội những tên Bạch vệ bị bắt. Do nhu cầu của toà án, Buntruc làm việc ở đây một ngày, tham gia vài cuộc vây bắt và hôm sau lại đến Uỷ ban quân sự cách mạng. Giữa lúc chẳng còn hy vọng gì nữa, Buntruc vừa lên thang gác đã nghe thấy giọng nói quen thuộc của Anna. Máu dồn lên tim anh trong lúc anh chậm bước, đi vào căn phòng thứ hai, nơi vang ra giọng nói của những người nào đó cùng với tiếng cười của Anna.
Khói thuốc lá bốc mù mịt trong căn phòng trước kia dùng làm trụ sở của bộ tư lệnh. Ở góc phòng có một người ngồi viết sau một chiếc bàn của phụ nữ. Người ấy mặc một chiếc áo ca-pôt đã đứt hết khuy, đầu đội một chiếc mũ lông của bộ binh tuột cả tai. Một đám vừa binh lính và thường dân mặc áo lông ngắn và áo bành tô đứng quanh anh ta. Họ chia thành từng nhóm, hút thuốc, chuyện gẫu với nhau.
Anna đứng bên cửa sổ, lưng quay về phía cửa ra vào. Abramxon ngồi trên bàn cửa sổ, mười ngón tay đan vào nhau giữ lấy đầu gối bên chân co lại. Một chàng Xích vệ cao lớn mặt nom như người Ladvia đứng nghiêng đầu bên cạnh Abramxon. Anh ta giơ thẳng ngón tay út, đưa điếu thuốc lá sang bên, kể không biết chuyện gì, có lẽ khá buồn cười: Anna ngửa cổ ra cười lanh lảnh, Abramxon cười đến nhăn cả mặt, những người đứng gần đấy đều mỉm cười lắng nghe. Khuôn mặt rộng bè bè của anh chàng Xích vệ có những nét rành rọt như đẽo bằng rìu trên đó hiện lên rất sống một vẻ thông minh, sâu sắc nhưng có phần ác ác.
Buntruc đặt tay lên vai Anna:
- Chào em, Anna!
Anna quay lại, đỏ bừng mặt lừ má xuống tới xương đòn gánh, vài giọt nước mắt long lanh trong khoé mắt.
- Anh ở đâu đến thế? Đồng chí Abramxon xem đây nầy? Anh ấy đây nầy, cứ như đồng một hào mới ấy, thế mà đồng chí cứ lo cho anh ấy?
Anna không ngước nhìn lên, cứ thế nói một thôi một hồi, rồi cảm thấy không giấu nổi vẻ bối rối của mình, Anna đi ra cửa.
Buntruc nắm lấy bàn tay nóng hổi của Abramxon, trao đổi với anh ta vài câu, nhưng trong khi đó anh cứ cảm thấy rằng trên mặt mình đang có một nét cười ngớ ngẩn, tràn trề hạnh phúc, bèn không trả lời câu hỏi nào đó của Abramxon thậm chí anh không nắm được ý nghĩa của câu hỏi đó, bước tới chỗ Anna. Lúc nầy đã trấn tĩnh lại được, Anna đón Buntruc bằng một nụ cười có phần bực bội vì sự ngượng ngùng của mình.
- Nào, chào anh lần nữa nhé? Anh thế nào? Có khỏe không? Anh đến đây bao giờ thế? Từ Novocherkask đến đây à? Anh đã ở trong chi đội của Golubov à? Hay quá… Nào, thế tình hình như thế nào?
Trong khi anh trả lời các câu hỏi của Anna, hai con mắt cương nghị của anh cứ nhìn Anna đăm đăm không chớp. Anna nhìn lại Buntruc nhưng không chịu được mãi, phải liếc sang chỗ khác.
- Chúng ta ra phố một lát đi anh. - Anna đề nghị
Abramxon gọi với theo hai người.
- Hai cô cậu đi có chóng về, không? Nầy đồng chí Buntruc có công việc bàn với đồng chí đấy. Chúng mình đang định dùng đồng chí vào một công tác đấy.
- Tôi đi một tiếng sẽ về.
Ra đến ngoài phố, Anna âu yếm nhìn thẳng vào mắt Buntruc, rồi vung tay bực bội.
- Anh Ilia ạ, anh Ilia ạ, lúc nãy em có vẻ ngượng như thế thật là khỉ quá Cứ như một đứa con gái nhỏ ấy! Nguyên nhân thứ nhất là anh đến bất thần quá, hai nữa là hoàn cảnh nửa dơi nửa chuột của chúng ta. Anh với em thật ra là thế nào với nhau nhỉ? Có phải là một cặp "vị hôn phu vị hôn thê" như trong tình ca hay không? Anh có biết không, ở Lugansk có lần đồng chí Abramxon đã hỏi em: "Anna cùng sống với Buntruc đấy à?". Em không nhận, nhưng đồng chí ấy nhận xét rất tinh nên không thể không nhìn thấy một điều đập vào mắt như thế được. Đồng chí ấy chẳng nói gì cả, nhưng em nhìn vào mắt thì thấy rằng đồng chí ấy không tin.
- Em hãy kể về em đi: vừa qua em làm gì và như thế nào?
- Ồ, ở đấy chúng em đã đẩy mạnh được công tác? Tổ chức được cả một đội hai trăm mười một tay súng. Làm công tác tổ chức và công tác chính trị… nhưng tất cả các chuyện đó thì làm sao mà kể trong hai ba câu được? Anh đến bất ngờ như thế làm em còn chưa trở lại bình tĩnh đây nầy. Anh ở đâu… Anh ngủ ở đâu thế? - Anna không kể nữa mà lại hỏi thêm.
- Ở đây ở một nhà đồng chí.
Buntruc luống cuống vì anh đã nói dối mấy đêm nay anh đều ngủ ở trụ sở bộ tư lệnh của Xivéc.
- Ngay hôm nay anh sẽ chuyển đến nhà em mà ở. Anh còn nhớ chỗ em ở không? Trước kia anh đã có lần đưa em về nhà rồi mà.
- Anh sẽ tìm thấy. Nhưng… anh có làm phiền gia đình em không?
- Thôi đủ rồi anh chẳng làm phiền ai đâu mà sợ, và dứt khoát anh không được nói đến chuyện ấy nữa đấy.
Đến chiều Buntruc nhét tất cả đồ đạc quần áo của anh vào một chiếc ba-lô bộ binh to tướng, và đến cái ngõ ở ngoại ô, chỗ Anna ở.
Một bà già ra đón anh ở ngưỡng cửa một cãn nhà ngang nhỏ bằng gạch. Khuôn mặt của bà có những nét hao hao như Anna: Cũng cái ánh đen láy đến xanh biếc trong con mắt, cũng cái mũi hơi quặp, chỉ khác có làn da nhăn nheo xám ngắt và cái miệng móm mém của người già.
- Đồng chí là Buntruc à? - Bà cụ hỏi.
- Vâng.
- Xin mời đồng chí vào. Con bé nhà tôi có cho tôi biết về đồng chí.
Cụ dẫn Buntruc vào một căn phòng nhỏ, chỉ chỗ để đồ đạc rồi đưa ngón tay co lại vì tê thấp chỉ chung quanh:
- Đồng chí sẽ ở phòng nầy. Cái giường nầy để đồng chí nằm đấy.
Bà cụ nói bằng một giọng Do Thái khá rõ. Ngoài cụ ra, trong nhà còn có một cô gái còn nhỏ, gầy gò, mắt cũng sâu như mắt Anna. Được một lát thì Anna về, làm trong nhà ồn ào, rộn ràng lên.
- Nhà ta chưa có ai đến hả mẹ? Anh Buntruc chưa đến à?
Bà mẹ trả lời Anna không biết những gì bằng tiếng Do Thái.
Anna đi tới cửa phòng anh, chân bước rắn rỏi, lướt thướt.
- Em vào được không anh?
Được được Buntruc, đang ngồi trên chiếc ghế dựa, đứng dậy ra đón Anna.
- Thế nào anh? Anh thu xếp xong nơi ăn chốn ở rồi chứ?
Anna nhìn Buntruc bằng cặp mắt tươi cười, có vẻ vừa ý.
- Anh đã ăn gì chưa? Ta ra ngoài kia đi.
Anna nắm lấy tay áo quân phục của Buntruc, dắt anh ra phòng ngoài và nói:
- Mẹ ơi, anh ấy là đồng chí của con đấy, - Anna mỉm cười - Mẹ đừng làm anh ấy giận nhé.
- Mày làm sao vậy, sao lại có chuyện như thế được? Đồng chí ấy là khách của nhà ta mà.
Đêm hôm ấy, khắp thành phố Rostov có những phát súng nổ lốp bốp như những quả xiêm gai chín. Thỉnh thoảng có khẩu súng máy sủa lên một hồi rồi tất cả lại lặng đi. Và trời đêm, một đêm trang nghiêm, tối đen như mực của tháng Hai lại trút bầu không khí lặng tờ xuống các dãy phố. Buntruc và Anna ngồi rất lâu trong căn phòng khắc khổ nhưng gọn gàng sạch sẽ của anh.
- Trước kia em ở căn phòng nầy với em gái của em đấy. - Anna nói - Anh thấy không, chúng em sống giản dị như người tu kín ấy. Không có những bức tranh rẻ tiền, không có những tấm ảnh, chẳng có gì thường thấy trong phòng một cô học sinh trung học.
- Thế cả nhà sống bằng gì? - Giữa câu chuyện Buntruc hỏi Anna trả lời không khỏi cảm thấy kiêu hãnh:
- Em làm việc ở nhà máy Axinolov và dạy học.
- Nhưng bây giờ?
- Mẹ may vá. Có hai mẹ con thì cũng chẳng cần gì nhiều.
Buntruc kể tỉ mỉ về trận đánh chiếm Novocherkask, các trận chiến đấu ở gần Zverovo và Kamenskaia. Anna cũng cho anh biết các cảm tưởng của Anna về công tác ở Lugansk và Taranroc.
Đến mười một giờ, bà mẹ vừa tắt đèn trong phòng bà thì Anna ra ngoài.
Chương 109
PHẦN 5
Đến tháng ba, Buntruc được cử đến công tác tại toà án cách mạng thuộc Uỷ ban quân sự cách mạng sông Đông. Người chánh án cao lênh khênh, mắt đùng đục, người gày võ vì công tác và những đêm không ngủ, kéo Buntruc ra cửa sổ căn phòng của anh ta rồi vừa nói vừa nhìn chiếc đồng hồ đeo tay anh ta sắp phải đến dự phiên toà.
- Đồng chí vào đảng từ năm nào? À hà, tốt lắm. Thế nầy nầy, đồng chí sẽ làm đội trưởng chấp pháp ở chỗ chúng tôi. Đêm qua chúng tôi đã cho thằng đội trưởng chấp pháp cũ của chúng tôi về với "bộ tham mưu của Dukhonin"1 rồi… vì tội ăn hối lộ. Nó thật sự là một thằng mắc cái chứng cuồng thích hành hạ người, một thằng bậy bạ, một thằng khốn nạn tồi tệ, chúng ta không cần đến những đứa như thế. Đây là một công tác bẩn thỉu, nhưng ngay trong đó chúng ta cũng phải giữ chọn vẹn ý thức về trách nhiệm của mình trước đảng. Đồng chí hãy hiểu ý tôi muốn nói, là phải… - Anh ta nhấn mạnh - giữ lấy tính người. Do nhu cầu của chúng ta cần phải tiêu diệt thể xác của bọn phản cách mạng, nhưng không được biến việc đó thành một trò xiếc. Đồng chí hiểu ý tôi chứ? Được, thế thì tốt lắm. Thôi, đồng chí đi mà nhận lấy công việc.
Ngay đêm ấy, Buntruc chỉ huy một đội Xích vệ mười sáu người đem bắn sáu người bị toà án kết án tử hình vào lúc nửa đêm ở một nơi cách thành phố ba vec-xta. Trong số đó có hai gã Cô-dắc người trấn Nilovskaia, còn lại đều là dân Rostov.
Hầu như ngày nào người ta cũng đem một chiếc xe cam-nhông chở những kẻ bị tuyên án ra ngoài thành phố vào lúc nửa đêm, đào qua quít những cái huyệt. Cả bọn tù tử hình cũng tham gia việc đào huyệt với một bộ phận Xích vệ. Buntruc tập hợp các chiến sĩ Xích vệ rồi hô bằng một giọng trầm như tiếng gang:
- Nhắm trúng kẻ thù của cách mạng. - rồi vung khẩu Nagan, - bắn!
Chỉ một tuần sau anh đã gầy rộc, đen sạm đi, cứ như bị trát một lớp đất. Mắt Buntruc sâu hoắm xuống, hai hàng mi lúc nào cũng giật giật như lên thần kinh không che nổi cái ánh đau khổ trong cặp mắt.
Chỉ đến đêm Anna mới được thấy mặt Buntruc. Anna làm việc ở Uỷ ban quân sự cách mạng, mãi khuya mới về nhà, nhưng bao giờ Anna cũng cố chờ để được nghe thấy tiếng gõ đứt quãng vào cửa sổ báo tin Bưntrúc đã về.
Một lần Buntruc về nhà vào lúc quá nửa đêm như mọi ngày. Anna mở cửa cho anh rồi hỏi:
- Anh ăn tối nhé?
Buntruc không trả lời. Anh lảo đảo như người say rượu, trở về phòng của anh và cứ nguyên ca-pôt, ủng, mũ như thế nằm vật ra giường. Anna đến gần, nhìn vào mặt Buntruc: hai con mắt anh nhắm nghiền, nước bọt phì ra qua những cái răng chắc khoẻ nhe ra, những sợi tóc lơ thơ còn lại sau đợt thương hàn bết lại trên trán thành từng món ướt đẫm.
Anna ngồi xuống bên cạnh anh, trong tim cứ như bị niềm thương hại và khổ tâm cấu xé. Anna hỏi thầm thì:
- Anh đau khổ lắm à, anh Ilia?
Buntruc nắm chặt lấy bàn tay của Anna, quay mặt vào tường, răng nghiến ken két, rồi không nói một lời nào, cứ thế thiếp đi, nhưng trong khi ngủ anh líu nhíu lẩm bẩm những gì không biết, vẻ như van lơn, có lúc lại cố nhảy chồm dậy. Anna nhìn thấy thế, hết cả hồn vía, một niềm kinh hoàng bản năng làm Anna run bắn người lên: Buntruc ngủ mà hai con mắt cứ trợn ngược, mí mắt không nhắm hẳn cho thấy hai khoảng lòng trắng vàng khè sáng bóng như bị viêm.
- Anh phải bỏ công tác nầy đi thôi! - Sáng hôm sau Anna nói với Buntruc giọng van lơn. - Anh ra mặt trận đi còn hơn. Trông anh chẳng còn ra hồn người nữa, anh Ilia ạ! Anh đến bỏ xác trong công tác nầy mất.
- Thôi im đi! - Buntruc vừa quát lên vừa hấp háy hai con mắt trắng dã như mắt người điên.
- Anh đừng kêu lên như thế. Em có xúc phạm gì đến anh đâu?
Bỗng nhiên Buntruc có vẻ như đờ đẫn, tựa hồ tất cả sự điên cuồng tích luỹ trong lòng anh đã được dốc ra hết trong tiếng kêu vừa nãy.
Anh nhìn hai bàn tay mình một cách mệt mỏi rồi nói:
- Tiêu diệt các thứ rác rưởi trong nhân loại là một công việc bẩn thỉu. Em có thấy không, bắn giết người là một điều có hại cho sức khoẻ cũng như cho tinh thần… Thế mà em… - Lần đầu tiên trước mặt Anna, Buntruc văng tục một câu gớm ghiếc đến như thế. - Chịu đi làm những việc bẩn thỉu thì chỉ có những đứa ngu xuẩn và những loài thú vật, hoặc những thằng cuồng tín. Có phải thế không? Ai mà chẳng muốn dạo chơi vườn hoa, nhưng mẹ khỉ, trước khi trồng hoa trồng cây thì phải dọn cho sạch những cái gì bẩn thỉu mới được! Phải bón phân mới được! Phải chịu bẩn thỉu mới được? - Tuy Anna quay mặt đi, không nói gì cả, nhưng Buntruc vẫn giật giọng - Phải diệt cho hết những của rác rưởi, thế mà người ta lại khinh ghét công việc ấy! - Lúc nầy Buntruc đã quát lên và đấm tay thình thịch xuống bàn, hai con mắt đỏ máu nháy lia lịa.
Bà mẹ của Anna ghé mắt nhìn vào trong phòng. Buntruc chợt nhớ ra, bèn nói khẽ hơn:
- Anh không thể bỏ công tác nầy mà đi được đâu? Ở đây anh đã nhìn thấy, đã cảm thấy cụ thể rằng anh đang làm một việc có ích! Anh vun vén các thứ rác rưởi bẩn thỉu! Anh bón cho mảnh đất nây trở nên mầu mỡ hơn! Phì nhiêu hơn! Đến một lúc nào đó sẽ có những con người sung sướng đi trên mảnh đất nầy… Có lẽ con anh, đứa con chưa lọt lòng của anh sẽ được sống như thế… - Buntruc cười, tiếng cười rin rít chẳng có gì vui vẻ. - Những đồ sâu bọ… chấy rận ấy… hai bàn tay nầy đã diệt bao nhiêu rồi… Chấy rận, cái loài ký sinh trùng hút máu người ấy… hai bàn tay nầy đã giết hàng chục… - Buntruc giơ ra hai bàn tay nắm chắc, lông lá đen sì nom như hai cái chân đầy móng nhọn của một con chim ưng. Anh buông phịch bàn tay xuống đầu gối, khẽ nói - Rồi tất cả sẽ bị quét sạch hết! Phải cháy bùng lên, làm cho bật những tia lửa ra, không để cho bốc khói nữa… Chỉ có điều là quả thật anh đã mệt mỏi… Chỉ thiếu chút nữa là anh đã bỏ ra mặt trận rồi… em nói đúng đấy…
Anna lẳng lặng nghe Buntruc nói rồi khẽ bảo:
- Anh nên ra mặt trận hay kiếm công tác nào khác mà làm thì hơn… Anh đi chỗ khác đi, anh Ilia ạ, nếu không anh… sẽ phát điên cho mà xem.
Buntruc quay lưng về phía Anna, gõ ngón tay lên cửa sổ.
- Không, anh còn cứng rắn lắm. Em đừng tưởng là có những con người bằng gang thép. Tất cả chúng ta đều được đúc bằng cùng một thứ nguyên liệu. Trên đời nầy chẳng có kẻ nào ra trận mà không thấy sợ chẳng có kẻ nào giết người mà không cảm thấy… không thấy tâm linh mình bị sứt mẻ. Nhưng không phải là chúng ta đau lòng vì những thằng đeo lon đâu. Chúng nó cũng là những kẻ có ý thức như anh và em. Nhưng hôm qua, trong số chín tên, anh đã phải đem bắn ba người dân Cô-dắc… ba người dân lao động… Lúc bắt đầu cởi trói cho một gã… - Giọng Buntruc trầm hẳn xuống, nghe khó hiểu hơn, mỗi lúc như vẳng tới từ một nơi xa hơn, - anh sờ vào bàn tay gã thì thấy như một cái đế giầy… thô ráp… đầy chai sần… như một bàn tay đen sì nứt nẻ… sứt sẹo… sần sùi… Nhưng thôi, anh phải đi đây, - Buntruc ngừng phắt câu chuyện và lén đưa tay lên vuốt chỗ cổ họng nghẹn tắc như đang bị một cái vòng thòng lọng bện bằng những sợi lông siết chặt, nhưng cố giấu không để cho Anna trông thấy.
Buntruc đi ủng vào, uống một cốc sữa rồi lại ra đi. Ra đến hành lang thì Anna đuổi kịp anh. Anna giữ rất lâu bàn tay nặng chịch của Buntruc trong hai bàn tay mình, đưa lên áp vào một bên má nóng rực của mình rồi bỏ chạy vào trong sân.
***
Trời đã ấm dần. Mùa xuân, đã từ biển Azov đến gõ cửa nhánh sông Đông. Đến cuối tháng ba, đã thấy có những chi đội Xích vệ Ukraina bị bọn Gia-đa-mac2 và quân Đức đánh đuổi chạy đến Rostov. Trong thành phố bắt đầu xảy ra những vụ giết người, cướp bóc, tịch thu càn bậy. Uỷ ban quân sự cách mạng đã phải tước vũ khí một số chi đội đã hoàn toàn mất kỷ luật. Việc nầy sẽ không thể làm được nếu không có xung đột, không có nổ súng. Dân chúng Cô-dắc ở gần Novocherkask đã sôi sục. Đến tháng ba, các mối mâu thuẫn trong các trấn giữa dân Cô-dắc và những người từ nơi khác đến đã nổ bùng ra như những chồi non trên các cây tiêu huyền. Có nơi đã xảy ra những vụ bạo động, và đã phát hiện những âm mưu phản cách mạng. Nhưng ở Rostov vẫn hừng hực một cuộc sống sôi nổi, chiều chiều từng đoàn bộ binh, thuỷ binh, công nhân vẫn đi lượn trên đại lộ Công viên lớn. Người ta họp mít tinh, người ta cắn hạt dưa, người ta khạc nhổ xuống những cái rãnh chảy hai bên hè phố, người ta chòng ghẹo đàn bà con gái. Vẫn như xưa, người ta làm việc, ăn uống, ngủ nghê, yêu nhau, ghét nhau, chết, đẻ con, thở làn gió mặn mặn từ ngoài biển thổi vào, người ta vẫn sống với một tâm hồn bị dằn vặt vì những dục vọng lớn nhỏ. Những ngày mang hạt giống giông bão đã ập tới ngưỡng của Rostov. Mùi đất đen tan hết tuyết đã xông lên nồng nặc, hơi máu tanh của các trận chiến đấu sắp diễn ra đã phảng phất đâu đây.
Một ngày đẹp trời tràn trề ánh nắng. Buntruc về nhà sớm hơn mọi hôm. Anh rất ngạc nhiên thấy Anna có nhà.
- Bao giờ em cũng về muộn cơ mà, sao hôm nay lại về sớm thế nầy?
- Em hơi mệt.
Anna bước theo Buntruc vào phòng của anh. Buntruc vừa cởi áo ngoài vừa nói, một nụ cười sung sướng run run trên môi:
- Anna ạ, từ hôm nay anh sẽ không làm việc ở toà án nữa.
- Sao thế anh? Vậy thì anh được phái đi đâu?
- Về Uỷ ban quân sự cách mạng. Hôm nay anh đã nói chuyện với Krivoslykov. Đồng chí ấy hứa sẽ phái anh tới một nơi nào đó trong khu.
Hai người cùng ăn tối. Buntruc đi ngủ. Trong lòng hồi hộp nên mãi không chợp mắt, Buntruc hết hút thuốc lại cựa quậy trên cái đệm cứng và thở dài khoái trá. Anh rất sung sướng được đi khỏi toà án vì anh đã cảm thấy rằng chỉ thêm vài bữa là mình sẽ không chịu được nữa và sẽ bị quị. Buntruc hút hết điếu thuốc thứ tư thì chợt nghe thấy tiếng cánh cửa khẽ rít. Anh ngửng đầu lên, nhìn thấy Anna.
Chân không, trên mình có độc chiếc áo lót, Anna nhẹ nhàng lướt qua ngưỡng cửa, rón rén bước tới bên giường Buntruc. Qua khe cửa chớp ánh trăng mờ mờ xanh đổ xuống một bên vai bầu bầu của Anna.
Anna cúi xuống, đặt một bàn tay nóng hổi lên môi Buntruc.
- Nằm lui vào trong anh. Đừng nói gì nhé…
Anna nằm xuống bên cạnh Buntruc, vội vã gạt mớ tóc rất nặng xoã trước trán như một chùm nho, cặp mắt đen phớt ánh xanh xanh rực lên sau một làn khói mờ. Anna khẽ nói, giọng hơi mất tự nhiên và có phần thô bạo:
- Không hôm nay thì ngày mai em cũng đến mất anh thôi… Em muốn có bao nhiêu sức lực đều đem tất cả ra yêu anh! - Anna run bắn người trước quyết tâm của chính mình - Nào, mau lên anh!
Buntruc hôn Anna nhưng với cả một nỗi kinh hoàng, một niềm tủi thẹn tràn ngập trong ý thức, Buntruc bỗng cảm thấy mình bất lực.
Đầu anh lắc đi lắc lại, hai gò má nóng bừng đau khổ, Anna nằm trằn người, giận dữ đẩy Buntruc ra, rồi thở hổn hển, khẽ hỏi giọng đầy vẻ kinh tởm và khinh bỉ:
- Anh… bất lực à? Hay là anh… có bệnh? Chao ôi, thật là gớm ghiếc! Buông em ra!
Buntruc nắm chặt quá làm những ngón tay Anna khe kêu răng rắc, anh nhìn thẳng vào hai con mắt giương to, đen mà đục, đầy vẻ căm ghét của Anna, và dướn dướn đầu lên như người bại liệt, lắp bắp hỏi:
- Vì sao vậy? Vì sao mà em kết tội anh? Phải, sức lực của anh đã bị thiêu đốt hết cả rồi! Bây giờ thì ngay đến việc đó cũng không làm nổi nữa… Nhưng anh không có bệnh đâu… em phải hiểu, em phải hiểu như vậy! Tinh lực của anh đã cùng kiệt rồi… Chao ôi…
Buntruc khẽ gầm lên, nhảy từ trên giường xuống, châm thuốc hút. Anh gù lưng, đứng rũ bên cửa sổ giờ lâu như người vừa bị một trận đòn hội chợ.
Anna lặng lẽ đứng dậy ôm lấy Buntruc và bình tĩnh hôn lên trán anh, như một người mẹ.
Nhưng một tuần sau, Anna đã rúc khuôn mặt đỏ như gấc vào trong vòng tay của Buntruc thú nhận:
- Em cứ tưởng trước kia tinh lực của anh đã bị đem dùng phí hoài hết rồi… Không ngờ chính công tác đã hút hết sức lực của anh.
Sau lần ấy, trong một thời gian khá dài, Buntruc được hưởng không những sự âu yếm thắm thiết cả một người yêu mà cả sự chăm nom, thương mến, ấm áp, và chu đáo của một người mẹ.
Buntruc không bị điều xuống dưới tỉnh công tác. Do Pochenkov cố nài, anh được ở lại Rostov. Trong thời gian đó Uỷ ban quân sự cách mạng sông Đông đang ngập đầu trong công việc, chuẩn bị đại hội đại biểu Xôviết Quân khu, chuẩn bị cho trận giáp chiến với lực lượng phản cách mạng đang sống lại bên kia sông Đông.
Chú thích:
1 Tức là "về khu sáu" về với ông bà ông vải: Bộ tham mưu của Dukhonin đã bị tiêu diệt ngày 29-11 12-12 Năm 1917 ND
2 Một loại kỵ binh đặc biệt của bọn phản động thổ phỉ ở Ukraina trong thời kỳ Nội chiến ND.
Chương 110
PHẦN 5
Ếch nhái kêu lên inh ỏi đủ các giọng sau rặng liễu bên bờ sông.
Mặt trời đã lặn sau ngọn gò. Khí lạnh trước lúc hoàng hôn đã trải ra khắp thôn Setrakov. Những căn nhà in những cái bóng xiên xiên rất lớn xuống con đường khô ráo. Từ ngoài đồng cỏ, đàn gia súc làm bốc lên một làn bụi mù trên con đường về thôn. Mấy người đàn bà Cô-dắc ở bãi chăn nuôi về, vừa vung roi đuổi những con bò, vừa bàn tán huyên thuyên về những chuyện xảy ra. Trong các ngõ, những đám trẻ chân đất, mặt bắt đầu rám nắng, chơi nhảy cừu. Các cụ già ngồi chững chạc trên những bức tường đất đắp quanh các sân nhà. Toàn thôn đã gieo hạt giống xong. Chỉ còn vài nơi đang gieo nốt kê và hướng dương.
Bên cạnh một ngôi nhà ở đầu thôn có vài người đàn ông Cô-dắc ngồi chơi trên những cây sồi hạ xuống chất ở đấy. Chủ nhà là một gã pháo thủ rỗ hoa. Anh ta đang kể một câu chuyện gì đó xảy ra trong cuộc chiến tranh chống Đức. Hai người khác ngồi yên lắng nghe: ông cụ láng giềng và con rể ông cụ là một gã Cô-dắc còn trẻ tóc xoăn. Người vợ của chủ nhà bước trên thềm xuống, cao, đẹp, đẫy đà như một ả quý tộc. Chị ta xách một cái thùng đi ra sân nuôi bò với cái dáng đi duyên dáng, đàng hoàng, thoải mái, đặc biệt của người đàn bà Cô-dắc. Vài món tóc xoã dưới chiếc khăn bịt đầu bằng vải trắng hồ lơ chị vừa xếp những miếng phân ngựa khô vào trong lò để sửa soạn sớm mai nhóm lửa. Cặp chân không đi bít tất trong đôi ủng ngắn mũi nhọn nhẹ nhàng dẫm lên những đám cỏ non xanh rờn mọc um tùm trong sân.
Tiếng dòng sữa chảy róc rách trên thành chiếc thùng vẳng đến tai ba người Cô-dắc ngồi trên mấy cây sồi. Chị chủ nhà vắt sữa xong mấy con bò lại quay vào trong. Chị hơi nghiêng người, tay trái cong cong như cổ con thiên nga xách thùng sữa đầy.
- Anh Sema, anh chạy đi tìm con bò non về nhá! - Lên đến ngưỡng cửa chị gọi với ra, giọng véo von như hát.
- Thế thằng Michiasca đâu? - Người chủ nhà hỏi.
- Dịch tả dịch hạch nào biết được, nó chạy đi đâu rồi ấy.
Chủ nhà thong thả đứng dậy, bước ra chỗ đầu nhà. Ông già và gã con rể cũng sắp sửa ra về. Bỗng có tiếng chủ nhà gọi từ chỗ góc nhà:
- Cụ xem kìa, cụ Dorovey Gavnich! Cụ lại đây mà xem!
Ông già và gã con rể đi tới chỗ người Cô-dắc. Người ấy chỉ như một quảng bóng màu đỏ. Sau đám bụi là những hàng bộ binh xe vận tải kỵ binh.
- Quân đội, có phải không? - Ông già đưa tay lên che hai hàng lông mày bạc phơ, ngạc nhiên nheo mắt hỏi. Quân nào thế nhỉ, họ là những người nào thế nhỉ?- Chủ nhà lo lắng hỏi.
Người vợ cũng bước từ trong cổng ra, trên vai khoác thêm một chiếc áo ngoài. Chị nhìn ra đồng cỏ rồi hốt hoảng ái chà một tiếng:
- Người gì thế nhỉ? Lạy chúa Giêsu cứu thế, đông ơi là đông?
- Xem ra chẳng phải là người tốt đâu…
Ông già dẫm chân đứng lại một lát rồi bỏ về nhà và quát gã con rể bằng một giọng bực bội:
- Vào sân đi, có gì mà nhìn!
Đàn bà trẻ con chạy ra đầu ngõ, bọn đàn ông đi với nhau thành từng đám. Ngoài đồng cỏ, cách cái thôn chừng một vec-xta một đoàn quân đang tiến dài trên con đường. Gió đưa tới các ngôi nhà tiếng người lao xao, tiếng ngựa hí, tiếng bánh xe lăn.
- Không phải người Cô-dắc đâu… Không phải người của chúng ta đâu. - Người đàn bà Cô-dắc nói với chồng.
Người chồng chún vai:
- Đã đành không phải là người Cô-dắc rồi. Hay là quân Đức?
- Không, người Nga đấy… Xem kìa, chúng nó có mảnh giẻ đỏ kìa!
- Chà, té ra là…
Một gã lính cũ của trung đoàn Atamansky bước tới. Gã mặc áo lông, đi đôi ủng dạ, xem ra đang bị sốt rét: mặt gã vàng như màu cát, cứ như người mắc chứng hoàng đản. Gã nhấc cái mũ lông lồm xồm lên và nói:
- Xem kìa, cờ của chúng nó là cờ gì thế? Quân Bolsevich đấy, - Đích thị chúng nó rồi.
Vài người cưỡi ngựa tách rời đoàn quân, cho ngựa phi nước đại tới các thôn. Bọn đàn ông Cô-dắc đưa mắt nhìn nhau rồi lặng lẽ bắt đầu giải tán, bọn con gái và trẻ con bỏ chạy tán loạn. Chỉ năm phút sau các ngõ đã chết lặng. Đám người cưỡi ngựa tiến vào trong ngõ.
Họ đánh ngựa bạt mạng, phi tới chỗ mấy cây sồi, chỗ ba người Cô-dắc mới ngồi trước đây mười lăm phút. Người chủ nhà vẫn đứng ở cổng. Người đi đầu có vẻ là chỉ huy. Hắn cưỡi một con ngựa nâu sẫm, đội chiếc mũ lông kiểu Kuban, khoác một cái băng lụa đỏ rất to bên ngoài chiếc áo sơmi màu cứt ngựa có thắt dây lưng quân đội.
Hắn cho ngựa tiến tới trước cổng:
- Chào bác chủ nhà! Mở hộ cổng ra cái…
Bộ mặt rỗ của người lính pháo binh tái đi. Anh ta vội bỏ chiếc mũ cát két trên đầu xuống.
- Nhưng các ông là ai cơ chứ?
- Mở cổng ra! - Người lính đội mũ Kuban quát lên.
Con ngựa nâu sẫm liếc hai con mắt hung hãn, nhai nhai cái hàm thiếc trong cái mõm sùi bọt, đá chân trước vào hàng rào. Người Cô-dắc ra mở cửa xép, bọn người cưỡi ngựa lần lượt tiến vào trong sân.
Người đội mũ Kuban nhảy rất lẹ trên ngựa xuống, bước nhanh lên thềm với hai chân chữ bát. Trong khi những người kia còn đang xuống ngựa, hắn đã ngồi chĩnh chện trên thềm và đã kịp lấy hộp thuốc lá. Hắn châm thuốc hút và mời chủ nhà. Người nầy từ chối.
- Bác không hút à?
- Thôi cám ơn.- Bà con ở đây là người Cựu giáo à?
- Không, Chính giáo… Nhưng các ông là ai cơ chứ? Người Cô-dắc hỏi, mắt đăm chiêu.
- Chúng tôi ấy à? Các chiến sĩ Xích vệ của Tập đoàn quân xã hội chủ nghĩa số hai.
Những người còn lại xuống ngựa, dắt ngựa bằng dây cương bước tới bên thềm và buộc ngựa vào lan can. Một gã thân hình cò hương, có món tóc xoã trước trán dài như bờm ngựa, bước về phía sân nhốt cừu gươm vướng cả vào chân. Làm như chính mình là chủ nhà, gã mở toang cánh cửa, khom người chui vào dưới mái nhà kho, nắm sừng lôi từ trong đó ra một con cừu thiến rất to, có cái khấu đuôi rất bự.
- Petrichenko, lại giúp mình một tay! - Gã kêu lên giọng kim the thé.
Một người lính nhỏ bé chạy bổ đến với cái áo ca-pôt kiểu áo ngẵn cũn. Người Cô-dắc chủ nhà vuốt râu giương mắt nhìn, chẳng nói chẳng rằng, cứ như đang đứng trong sân nhà người khác. Mãi đến khi con cừu đã bị lưỡi gươm cứa đứt họng, bốn cái chân khẳng khiu chỏng gọng lên trời, anh ta mới a hà một tiếng, bước lên thềm.
Người lính đội mũ Kuban đi theo chủ nhà vào trong nhà. Cùng đi còn có hai gã nữa, một gã người Trung Quốc, một gã người Nga, nét mặt như dân Kamchatca - Bác chủ nhà ạ, bác đừng bực mình nhé? - Người đội mũ Kuban vừa bước qua ngưỡng cửa vừa nói to, giọng suồng sã. - Chúng tôi sẽ trả giá hậu cho.
Hắn vỗ tay vào túi quần, cười sằng sặc từng đột rời bất thần bặt tiếng cười, nhìn chằm chằm người vợ chủ nhà. Chị ta mím môi đứng bên bếp lò, nhìn hắn bằng cặp mắt đầy kinh hoàng.
Người lính Kuban quay về phía người Trung Quốc, đảo mắt nhìn quanh có ý nghi ngại rồi nói:
- Nầy, cậu đi với bác, với nhà bác nầy nhé. - Hắn giơ ngón tay chỉ người chủ nhà - Cậu đi với bác ấy, để bác ấy lấy rơm cho ngựa ăn…
- Bác để lại cho ít rơm nhá. Hiểu không? Chúng tôi sẽ trả giá hậu cho. Xích vệ không ăn cướp đâu. Thôi, đi đi bác chủ nhà, đi đi chứ? - Giọng nói của người Kuban rung lên như tiếng kim khí.
Người dân Cô-dắc bị người Trung Quốc và người lính kia đi kèm, phải ra khỏi nhà, nhưng vừa đi vừa ngoái đầu lại. Anh ta mới bước trên thềm xuống đã nghe thấy giọng mếu máo của vợ, bèn chạy trở vào phòng ngoài, đẩy tung cửa. Cái móc nhỏ bật ngay khỏi lỗ. Gã đội mũ Kuban đang nắm lấy tay người vợ béo núng nính, phía trên khuỷu tay, cố lôi chị ta vào căn phòng trong tranh tối tranh sáng.
Người đàn bà Cô-dắc đẩy ngực gã ra, chống cự lại. Gã định ôm ngang lưng, bế xốc chị ta lên thì vừa lúc ấy cánh cửa mở toang.
Người Cô-dắc bước nhanh tới, lấy thân mình che cho vợ. Giọng anh ta kiên quyết và rất bình tĩnh.
- Anh đến nhà tôi, tôi coi như khách… nhưng tại sao anh lại làm nhục đàn bà con gái nhà người ta? Anh làm trò gì thế hử? Bỏ cái trò ấy đi! Gươm dao súng ống của anh tôi không sợ đâu! Cần gì cứ lấy, muốn cướp thì cướp, nhưng không được xúc phạm đến đàn bà con gái nhà người ta! Trừ phi dẫm lên xác thằng nầy… Còn em, Nhiusca… - Anh ta quay sang nói với vợ, cánh mũi rung rung - ra ngay ngoài kia, sang bên nhà cụ Dorovey ấy. Không ở đây làm gì cả?
Gã Kuban sửa lại cái băng đeo đạn trên áo sơ-mi, mỉm cười gượng gạo:
- Bác làm gì mà nóng thế, bác chủ nhà? Đùa một chút cũng không được hay sao? Tôi vốn là thằng vua cù của đại đội đấy… Bác không biết à? Tôi cố ý đùa đấy thôi. Tôi định trêu cho bác gái ấy bực mình một chút, thế mà bác ấy đã làm ầm ĩ lên rồi… Nhưng bác đã lấy rơm cho chưa? Không có rơm à? Bên láng giềng có không vậy?
Rồi gã huýt sáo, vung mạnh roi, bước ra ngoài. Chẳng mấy chốc toàn chi đội đã kéo đến thôn nầy. Tất cả khoảng tám trăm tay súng và tay gươm. Các chiến sĩ Xích vệ được sắp xếp cho nghỉ đêm ở ngoài thôn. Xem ra người chỉ huy đội không muốn cho họ vào ngủ trong thôn vì cũng chẳng tin tưởng gì những con người tứ chiếng, quân hồi vô phèng dưới quyền mình.
Chi đội Chraxponsky thuộc Tập đoàn quân xã hội chủ nghĩa số hai bị đánh tả tơi trong những trận chiến đấu với bọn Gaiđamac và những đơn vị quân Đức tiến qua Ukraina, phải mở đường máu chạy về vùng sông Đông. Họ xuống xe lửa ở nhà ga Sevtukhopca, nhưng vì trước mặt lại có quân Đức nên phải hành quân qua khu du mục của trấn Migulinskaia với mục đích đánh xuyên lên phía Bắc tới tỉnh Voronez. Do ảnh hưởng của các phần tử côn đồ tội phạm nhan nhản trong chi đội, chi đội đã mất tinh thần, biến chất. Xích vệ tiến đếu đâu hoành hành càn bậy đến đấy. Ngày mười bảy tháng Tư họ bố trí nghỉ đêm ở gần thôn Setrakov. Tuy các cán bộ chỉ huy có đe nạt và ngăn cấm, nhưng binh sĩ vẫn kéo đàn kéo lũ mò vào trong thôn, cắt tiết cừu nhà người ta, cưỡng dâm hai người đàn bà Cô-dắc ở đầu thôn, vô cớ nổ súng trên bãi giữa thôn làm một người trong chi đội bị thương. Đến đêm các vọng tiêu đều bí tỉ chiếc xe vận tải nào cũng có chở rượu theo. Trong khi đó ba người Cô-dắc cưỡi ngựa đã được dân chúng phái đi đem tin báo động tới các thôn lân cận.
Ngay đêm ấy, thừa lúc tối trời, dân Cô-dắc thắng ngựa, đeo gươm súng, vội vã tổ chức những đội cựu chiến binh và bô lão, kéo đến Setrakov dưới sự chỉ huy của những tên sĩ quan sống trong các thôn, không có sĩ quan thì Chính phủ quản cũng được. Họ đến nấp trong các khe và sau ngọn gò, bao vây chi đội Xích vệ. Đêm ấy đã có những đám chừng nửa đại đội kéo đến từ Migulinskaia, Kolodetnyi, Bogomolov. Dân chúng ở thượng Tria, Napolov, Kalinov, Ayai, Kolodet cũng nổi dậy.
Trên trời hai chòm sao Đại tiểu hùng tinh đã mờ hẳn. Trời vừa hửng, các toán Cô-dắc cưỡi ngựa đã hò hét vang trời đổ từ bốn phía tới xung phong vào chi đội Xích vệ. Một khẩu súng trường nổ loạn lên một hồi rồi cũng lắng đi. Cuộc chém giết diễn ra một cách lặng. Một giờ sau mọi việc đã được giải quyết xong xuôi: chi đội hoàn toàn bị tiêu diệt, hơn hai trăm người bị chém và bắn chết, gần năm trăm bị bắt làm tù binh. Hai đại đội pháo, mỗi đại đội bốn khẩu đội, hai mươi sáu khẩu súng máy nặng, một nghìn khẩu súng trường, một số đạn rất lớn bị lọt vào tay dân Cô-dắc.
Chỉ một ngày sau, toàn Quân khu đã như nở hoa với lá cờ nhỏ màu đỏ của những tên liên lạc hoả tốc phi ngựa trên khắp các nẻo đường lớn nhỏ. Các trấn và các thôn đều náo động. Người ta lật đổ các Xô viết và vội vã bầu bọn ataman lên. Các đại đội của trấn Kazanskaia và trấn Vosenskaia kéo đến Migulinskaia bị muộn.
Trong những ngày sau hai mươi tháng Tư, các trấn vùng trên của Quân khu sông Đông tuyên bố tách rời ra. Họ thành lập một quân khu riêng, đặt tên là Quân khu Đông Thượng. Vosenskaia được chọn làm trung tâm của Quân khu. Trấn nầy vốn đông dân, về diện tích và dân số chỉ thua có trấn Mikhailovskaia. Nhiều thôn cũ được vội vã ghép lại thành những trấn mới. Đã thành lập những trấn Sumilinskaia, Karginskaia, Bokovskaia. Thế là Quân khu Đông Thượng đã lôi kéo được mười hai trấn Cô-dắc và một quận thuộc Ukraina để tổ chức một đời sống tách rời trung ương. Nhập vào Quân khu Đông Thượng có những trấn dưới đây trước kia thuộc Quân khu sông Đông: Kazanskaia, Migulinskaia, Sumilinskaia, Elanskaia, Karginskaia, Bokovskaia và quân Ponomarievskaia; trước kia thuộc Quân khu Ust-Medvedisky có Ust-Khopeskaia, Kraxnovskaia, Slasevskaia, Fedor-Seerskaia. Dakha Akimovich Alferov, một viên tướng Cô-dắc người trấn Elanskaia, đã từng tốt nghiệp học viện quân sự, được nhất trí bầu làm ataman Quân khu.
Về tên Alferov nầy, người ta nói rằng hắn chỉ xuất thân từ đám sĩ quan Cô-dắc gia thế đã xuống dốc mà làm nên được chính là nhờ vợ, một người đàn bà cương nghị và thông minh. Người ta nói rằng mụ đã xách tai thằng chồng vô tài bất tướng, không để hắn thở một phút nào, cho đến khi quá tam ba bận, hắn thi lần thứ tư trúng tuyển được vào học viện quân sự mới thôi.
Trong những ngày gần đây, kể ra người ta cũng có bàn ra tán vào về tên Alferov nầy, nhưng cũng ít thôi, vì đầu óc còn đang bận suy nghĩ về việc khác.