15/3/13

Sông Đông êm đềm (PVI-C133-136)

Chương 133



Phần 6


Những ngày ngắn ngủi, lặng lẽ đến rợn người, có vẻ dài ra như những ngày mùa bận rộn. Các thôn đều chết lặng như những cánh đồng cỏ hoang hẻo lánh. Dân chúng hai bên bờ sông Đông tựa như đã chết sạch, cứ như đã xảy ra một nạn ôn dịch làm cho các khu du mục của các trấn trở nên hoang vắng. Hình như có đám mây vươn những cái cánh đen ngòm rất dày phủ kín vùng sông Đông, không để lọt qua một chút ánh sáng nào, rồi lầm lì lan rộng mãi một cách khủng khiếp và bất kỳ lúc nào cũng có thể có một trận cuồng phong dúi đầu những cây tiêu huyền xuống đất, lúc nào cũng sẵn sàng có những tiếng sấm khô khan nổ phá ra rồi rền ầm ầm, và cánh rừng trắng trắng bên kia sông Đông sắp bị phá tan hoang, sắp bị vò rối, những tảng đá hoang trên những mũi đá phấn sắp lở xuống, giông bão sắp hoành hành với những tiếng gào rú rùng rợn…
Từ sáng sớm sương mù đã phủ khắp thôn Tatarsky. Từ trong núi vang ra những tiếng ầm ì báo trước trời sắp đại hàn. Đến giữa trưa mặt trời cũng có lấp ló qua tấm màn sương mỏng manh, nhưng cảnh vật không vì thế mà sáng sủa được thêm chút nào. Sương mù vẫn lang thang như lạc đường trên những khoảng cao của dãy núi ven sông Đông, luồn vào các khe núi, trườn xuống những mũi đá nhô ra sông, và đến đấy thì tan mất, chỉ để lại một lớp bụi ẩm trên những phiến đá phấn đầy rêu và những sống đồi trọc đầy tuyết.
Tối tối, từ sau khu rừng trụi lá dựng lên tua lủa như những ngọn giáo, thần đêm lại giơ lên một vừng trăng đỏ rực nom như một chiếc mộc khổng lồ. Vừng trăng đó toả mung lung xuống các thôn xóm thiếp lặng một làn ánh sáng đỏ máu, như hồi quang của chiến tranh và hoả tai. Và cái ánh sáng tàn nhẫn mãi chẳng chịu tắt ấy làm nảy ra trong lòng con người một cảm giác thấp thỏm canh cánh vô duyên vô cớ, cả đến gia súc cũng vì nó mà tức tối bực bội. Bò và ngựa không ngủ được cứ đi quanh đi quẩn đến sáng trong các sân gia súc.
Những con chó hú lên từng hồi, và cho tới nửa đêm, những con gà trống đua nhau gáy vọng rất lâu bằng đủ các giọng. Khi trời bình minh, sương muối bó chặt như băng chung quanh những cành cây ướt đẫm. Gió rung những cành cây, phát ra những tiếng lách cách như tiếng bàn đạp thép, cứ như có một đoàn kỵ binh vô hình đang liến trên tả ngạn sông Đông, trong khu rừng tối om, trong bóng tối xám xám xanh xanh, kèm theo những tiếng va chạm của vũ khí và bàn đạp.
Hầu như tất cả những gã Cô-dắc thôn Tatarsky trước kia chiến đấu trên mặt trận miền Bắc đều đã tự ý rời bỏ đơn vị, từ từ kéo nhau tới sông Đông, trở về thôn. Hôm nào cũng có một chàng nào đó về muộn. Có người đem vũ khí trang bị giấu trong những đống rơm hoặc dưới hiên nhà kho để có thể tháo yên cương cho con ngựa chiến trong một thời gian dài và chờ Hồng quân tới. Nhưng có người chỉ mở cái cửa hàng rào đầy tuyết, dắt ngựa vào trong sân, lấy thêm lương khô, ngủ với vợ một đêm, rồi ngay sáng hôm sau đã lại lên đường và khi lên đến đỉnh gò thì họ ngoái nhìn lại lần cuối cùng mặt sông Đông trắng bệch nằm lặng như chết, nhìn quang cảnh quê cha đất tổ thân yêu biết đâu mình sẽ không bao giờ được trông thấy nữa.
Có ai muốn đi tìm cái chết đâu? Cũng có ai đoán trước được kết cục đường đời của một con người? Những con ngựa rời khỏi thôn xóm còn có vẻ bịn rịn. Những chàng Cô-dắc ra đi cũng khó nén nổi niềm yêu thương đối với những người thân thuộc trong trái tim đã rắn cứng của mình. Và trong khi ruổi rong trên con đường đầy những đốm tuyết bị gió xua dồn, biết bao người đã thả cho tâm tư của mình quay trở về nhà. Trên con đường ấy bao nhiêu ý nghĩ nặng nề đã nảy ra trong đầu óc… Có thể có những giọt nước mắt mặn chát như máu đã chảy xuống theo má yên, rơi xuống những chiếc bàn đạp giá băng xuống con đường lỗ chỗ những vết đinh móng ngựa. Phải chăng sẽ không còn thấy uất kim hương vàng, loài hoa của sự ly biệt, nở ra ở nơi đây nữa?

***
Petro vừa ở Vosenskaia về thì đêm hôm ấy, nhà Melekhov có một cuộc họp gia đình.
- Thế nào, làm sao thế? - Petro vừa bước ngang qua ngưỡng cửa, ông Panteley Prokofievich đã hỏi luôn - Đánh đấm như thế đủ rồi hay sao? Về không còn đeo lon nữa à? Thôi đi vào đi, vào trong nhà đi, bắt tay thằng em mày một cái, cho mẹ mày mừng, vợ mày nó đang mong mòn con mắt đấy… Tốt lắm, tốt lắm. Petro ạ…
- Grigori! Nầy cậu Grigori con trai ông Panteley, cậu làm gì mà rúc mãi trên lò như con chuột thế? Mò xuống đi!
Grigori thõng hai bàn chân không đi bít tất thò ra dưới ống quần màu cứt ngựa, dây ống quần buộc rất chặt. Chàng mỉm cười gãi gãi bộ ngực đầy lông đen lồm xồm, nhìn Petro khom lưng tháo đoạn dây da đeo vai và đưa những ngón tay rét cóng lên lần cái nút buộc chiếc mũ ba tai. Daria chẳng nói chẳng rằng, chỉ tươi cười nhìn vào mắt chồng, giúp chồng cởi những cái dải của chiếc áo lông ngắn.
Nhìn thấy bên phải Petro có đeo một trái lựu đạn xám bóng trên giây lưng bên cạnh cái bao da súng lục, chị chàng sợ hãi tránh ra chỗ khác Dunhiaska vừa chạy qua vừa ghé má cho chạm vào bộ ria đầy sương muối của anh, rồi không đứng lại, cô chạy ngay ra sân thu xếp cho con ngựa. Bà Ilinhitna đưa tạp dề lên chùi môi, sẵn sàng để hôn "thằng cả yêu quí" của bà. Natalia lăng xăng bên cạnh bếp lò. Hai đứa bé bám lấy váy mẹ, đứng sát vào nhau. Cả nhà đều chờ xem Petro nói gì, nhưng khi vào đến ngưỡng cửa, hắn chỉ chào được một câu: "Chào cả nhà" bằng một giọng khàn khàn, rồi cứ lầm lì cởi áo ngoài, cầm cái chổi bện bằng rơm kê phủi tuyết trên ủng rất lâu. Mãi hắn mới dướn được cái lưng cong gập xuống, rồi bỗng nhiên môi hắn run lên một cách rất thảm hại, hắn đứng dựa vào thành giường, mặt mày ngơ ngơ ngác ngác, và tất cả mọi người bất ngờ nhìn thấy những giọt nước mắt trên hai gò má rél cóng và đen xạm của hắn.
- Thế nào thầy quyền, làm sao thế? - Ông già cố hỏi bằng một giọng bông lơn để giấu vẻ hốt hoảng và ghìm cơn run trong cuống họng ông.
- Chúng ta nguy mất rồi, cha ơi!
Petro dành môi ra rất dài, rung rung hai hàng lông mày trắng phếch rồi che mắt, xì mũi vào chiếc khăn tay bẩn thỉu, nặc mùi thuốc lá.
Grigori đá cho con mèo đang nũng nịu cọ mình vào chân chàng một cái, "a hà?" một tiếng rồi nhảy trên bếp lò xuống. Bà mẹ khóc oà lên, ôm hôn cái đầu chấy rận như sung của Petro nhưng lại bỏ ngay ra chỗ khác.
- Con yêu quí của mẹ! Tội nghiệp cho con trai mẹ, mẹ lấy sữa chua cho con uống nhé! Nhưng con vào đây, ngồi xuống đi con, súp bắp cải nguội tanh mất bây giờ. Có lẽ con đói lắm phải không?
Trong khi ăn, Petro đặt thằng cháu lên đầu gối, nựng nịu nó, và nom mặt đã có phần tươi tỉnh. Hắn cố nén xúc động, kể chuyện trung đoàn Hai mươi tám bỏ mặt trận, chuyện bọn sĩ quan chạy trốn, chuyện Fomin và cuộc mít-tinh vừa rồi ở Vosenskaia.
- Thế anh nghĩ thế nào? - Grigori hỏi, bàn tay đen sì của chàng vẫn đặt trên đầu đứa con gái.
- Có gì mà nghĩ với ngợi. Ngày mai tao sẽ nghỉ một ngày, đến đêm là đi ngay. Mẹ làm sẵn cho con ít lương khô nhé, - hắn lại quay lại nói với mẹ.
- Thế là rút lui à?
Ông Panteley Prokofievich đã thọc mấy ngón tay vào trong túi thuốc, nhưng không rút ra, cứ mặc cho thuốc vụn lại rơi xuống, chờ Petro trả lời.
Petro đứng dậy, làm dấu phép trước những nét vẽ đã đen mờ của những bức hình thánh, mắt nhìn trang nghiêm và đau khổ.
- Lạy Chúa tôi, tôi được ăn no rồi! Cha bảo rút lui à? Không rút lui thì còn sao nữa? Tôi ở lại thế nào được? Ở lại cho bọn Đỏ chúng nó béng cái đầu đi à? Có lẽ cả nhà còn muốn ở lại, chứ tôi thì… Không, tôi sẽ phải đi! Sĩ quan thì chúng nó chẳng tha đâu.
- Nhưng còn nhà cửa thì như thế nào? Chẳng nhẽ vứt bỏ hết hay sao?
Petro thấy ông lão hỏi thế chỉ nhún vai. Nhưng Daria đã lập tức tru tréo lên ngay:
- Các ông kéo nhau đi cả, còn chúng tôi thì phải ở lại hay sao? Được lắm, không cần nói năng gì nữa! Chúng tôi sẽ trông nom gìn giữ gia tài điền sản cho các ông? Rồi có thể vì cái gia tài điền sản nầy mà mất mạng đấy! Châm cái lửa, đốt sạch quang là xong! Tôi sẽ không ở lại đâu?
Cả đến Natalia cũng xen vào câu chuyện. Nàng kêu lên, át cả cái giọng lải nhải lanh lảnh của Daria:
- Nếu bà con cả thôn bỏ đi hết, chúng tôi cũng không ở lại đâu! Đi bộ cũng đi!
- Hai cái con ngu xuẩn! Hai con chó cái! - Ông Panteley Prokofievich trợn tròn hai con mắt, gào lên như hoá rồ và bất giác quờ tay tìm cái gậy! - Đồ thối thây, mẹ chúng mày chứ! Câm ngay cái mồm, mấy con đáng chết nầy! Chuyện đàn ông đàn ang mà chúng nó lại dám chõ vào… Được, chúng mày cứ quẳng tất cả đấy rồi xéo đi đâu thì xéo? Còn bò còn ngựa thì sẽ làm thế nào? Ôm cả vào trong lòng hay sao? Lại còn nhà cửa nữa?
- Mấy con bé nầy, đúng là chúng mày điên cả rồi?- Bà Ilinhitna hùa theo ý kiến của chồng, nói giọng bực tức. - Cái cơ nghiệp nầy có phải do hai bàn tay chúng mày gây dựng nên đâu, chúng mày quẳng hết cả đi thì dễ lắm. Nhưng hai vợ chồng già nầy đã phải ngày đêm quần quật mới có được như thế nầy, chúng mày bảo bỏ hết cả được hay sao? Không thể được đâu? - Rồi bà mím chặt môi thở dài. - Thôi cứ đi hết cả đi, tôi thì chẳng đi đâu hết. Để chúng nó giết chết ngay trên ngưỡng cửa nhà mình dù sao vẫn nhẹ nhàng hơn là gục xuống dưới chân hàng rào nhà người ta!
Ông Panteley Prokofievich vừa vặn to bấc đèn, vừa sụt sịt thở dài. Mọi người lặng đi một phút. Dunhiaska đang đan một ống bít tất bỗng rời mắt khỏi cái kim đan, ngẩng đầu lên khẽ nói:
- Bò ngựa cũng có thể mang đi theo… Không nên chỉ vì bò ngựa mà ở lại.
Thế là ông già phát khùng lên ngay. Ông dậm chân bành bạch như con ngựa bị buộc ở cọc và vấp phải con dê con nằm bên cạnh bếp lò, thiếu chút nữa thì ngã. Ông đến đứng trước mặt Dunhiaska quát tướng lên:
- Mang đi theo à? Thế con bò cái già sắp đẻ đến nơi rồi, làm thế nào hử? Mày định dắt nó đi đến đâu hử? Mày nói như thế mà nghe được hay sao? Cái quân đầu đường xó chợ! Đồ khốn nạn? Đồ đê tiện! Chắt chiu hàn gắn mãi mới được ngần nầy để bây giờ nghe chúng nó giở cái giọng như thế đấy? Lại còn đàn cừu nữa chứ? Những con cừu non làm thế nào bây giờ? Ôi dào, ôi dào, cái con cho-o-ó đẻ! Câm cái họng đi có hơn không?
Grigori liếc mắt nhìn Petro và cũng như xưa kia, hồi đã lâu lắm rồi, chàng lại nhìn thấy trong cặp mắt màu nâu sẫm thân thuộc của hắn cái nét cười tinh nghịch, ranh ma nhưng vẫn mang một vẻ ngoan ngoãn vâng chịu, kèm theo cái kiểu rung rung quen thuộc của hàng ria màu lúa mạch. Hai con mắt Petro hoảng lên như có ánh chớp, hắn buồn cười quá, nhưng vẫn cố ghìm tiếng cười, toàn thân run bắn lên. Grigori sung sướng cảm thấy rằng mình cũng sắp phá lên cười đến nơi, mấy năm nay chàng có dễ cười như thế nầy đâu? Rồi chàng không giấu gì cả, cười khà khà lên một tràng.
- Thôi được rồi, như thế thôi? Cầu Chúa cứu vớt… Nói đến thế là đủ rồi! - Ông già bực tức lườm Grigori một cái rồi quay mặt ra khung cửa sổ bị sương muối bám trắng xoá, lờm xờm như lông.
Mãi đến nửa đêm mọi người mới đi đến quyết định chung là đàn ông sẽ rút lui, còn đàn bà con gái thì ở lại giữ nhà cửa sản nghiệp.
Trời con lâu lắm mới hửng, bà Ilinhitna đã nhóm lò, đến sáng thì bà nướng xong bánh mì và sấy được hai túi lương khô. Ông già ăn sáng dưới ánh đèn, rồi trời vừa rạng đã ra chăm nom cho gia sức và sửa soạn xe trượt tuyết để ra đi. Ông vào đứng rất lâu trong nhà thóc, thọc tay vào cái hòm lúa mì đầy ắp, vóc lên một nắm, rồi cho những hạt thóc rất nây chảy xuống qua những kẽ ngón tay. Ông bỏ mũ xuống như sau khi đến viếng một người vừa qua đời, ra xong khẽ khép cái cánh cửa màu vàng…
Ông còn lần xuống chỗ hiên nhà kho, loay hoay thay cái ghết rên xe trượt tuyết. Giữa lúc ấy gã Anikey cho con bò cái ra sông uống nước về cũng vừa qua ngõ. Hai người chào hỏi nhau:
- Bác đã sắp sửa rút lui chưa, bác Anikey?
- Tôi mà sửa soạn thì cũng chỉ thắt thêm sợi dây lưng lên cái mình trần thôi. Mọi cái gì của tôi đều sẵn sàng trên mình tôi cả rồi. Cả của người khác tôi cũng có thể đeo thêm được!
- Bác nghe ngóng có biết được tin gì mới không?
- Tin mới thì nhiều vô thiên lủng, ông Prokofit ạ!
- Tin gì thế? - Ông Panteley Prokofievich cắm phập lưỡi rìu vào cái tay tựa trên xe, hỏi giọng lo lắng.
- Bọn Đỏ sắp kéo đến đây rồi. Chúng nó đã gần tới Vosenskaia. Có một người trông thấy chúng nó ở thôn Đại Gromoc, anh ta kể rằng tình hình hình như không tốt chút nào cả. Chúng nó giết người… Trong số chúng nó có cả những thằng Do-Thái và những thằng Chiệc, phải diệt cho hết chúng nó mới được! Cái bọn quỉ mắt xếch ấy, chúng mình nện chúng nó quá ít đấy?
- Chúng nó giết người à?
- Hẳn đi chứ lị, chẳng nhẽ chúng nó chỉ đến đánh hơi thôi hay sao? Trong số chúng nó có cả những thằng khốn kiếp ở vùng trên nữa đấy! - Anikey chửi rầm lên rồi vừa đị qua dãy hàng rào vừa nói thêm - Bọn đàn bà bên kia sông Đông nẩu thật nhiều rượu, tọng cho chúng nó uống để chúng nó khỏi làm chuyện bậy bạ, nhưng chúng nó nốc vào rồi lại sang thôn khác cướp bóc phá phách.
Ông già mắc xong cái ghế đeo trên xe rồi đi khắp gian nhà kho một lượt. Ông xem lại từng cái cọc, từng đoạn hàng rào mà chính tay mình đã đóng. Rồi ông lấy một cái túi mắt cáo, khập khiễng ra sân đập lúa vơ ít cỏ cho ngựa ăn đường. Ông với tay lên giá, lấy cái móc sắt và vẫn còn chưa cảm thấy rằng mình ra đi lần nầy có thể sẽ không có ngày về, nên chỉ lôi xuống những chỗ cỏ xấu nhất, cắt lẫn cả cỏ dại cỏ tốt bao giờ ông cũng để dành cho vụ cày mùa xuân, nhưng không hiểu nghĩ đi nghĩ lại thế nào, ông bực mình bước sang đống khác. Hình như ông còn chưa nhận thức được rằng chỉ vài giờ nữa mình sẽ rời bỏ cả nhà cửa lẫn thôn xóm để đi tới một nơi nào đó ở miền Nam và chưa biết chừng sẽ không trở về nữa. Ông lôi cỏ trên đống xuống và theo thói cũ, vươn tay về phía cái cào, định cào lại nhưng bỗng nhiên ông rụt phắt tay lại như phải bỏng rồi đưa tay lên chùi vầng trán đầm đìa mồ hôi dưới cái mũ ba tai, vừa nói to:
- Bây giờ thì mình còn dành dụm những của cải nầy làm gì nữa? Rồi chúng nó sẽ quẳng hết xuống chân ngựa, sẽ dẫm phí dẫm hoài hoặc đốt sạch cho mà xem!
Ông đặt cái cào nhỏ lên đầu gối, bẻ đánh rắc một cái rồi nghiến răng ken két, xách cái túi mắt cáo đi, lưng gù hẳn xuống, hai chân lệt sệt như một người đã già lụ khụ. Ông không bước vào trong nhà mà chỉ hé cửa gọi vọng vào:
- Sửa soạn ngay đi! Tao thắng ngựa ngay đây. Khéo lại muộn mất.
Ông đã lồng những cái cổ ngựa lên hai con ngựa, đặt một túi yến mạch lên đằng sau xe, nhưng tự nhiên cảm thấy lạ, không hiểu sao đến giờ nầy mà hai thằng con còn chưa ra thắng ngựa, bèn quay vào trong nhà.
Trong nhà đang diễn ra một cảnh tượng rất lạ lùng: Petro đang hung dữ giật tung những cái khăn gói đã chuẩn bị sẵn sàng đề mang theo và ném bừa xuống sàn nhà nào quần đi ngựa, nào áo quân phục, nào quần áo ngày hội của phụ nữ.
- Thế nầy là như thế nào? - Ông Panteley Prokofievich hỏi. Ông hết sức kinh ngạc, bỏ cả cái mũ ba tai xuống.
- Cha xem kìa! - Petro vừa đưa ngón tay cái qua vai, chỉ đám đàn bà con gái ở sau lưng và nói thêm - Họ gào khóc đến thế kia kìa. Chúng ta sẽ chẳng đi đâu nữa? Đã đi thì đi cả nhà, không đi thì chẳng ai đi hết? Có thể là bọn Đỏ đến đây sẽ cưỡng dâm họ, chẳng nhẽ ba bố con ta có thể yên tâm chạy trốn hay sao? Nếu chúng nó giết thì ba bố con ta sẽ chết trước mắt các bà ấy cũng được!
- Thôi cởi áo ngoài ra cha ạ! - Grigori mỉm cười cởi áo ca-pốt và bỏ mũ. Natalia đang khóc thút thít sau lưng chàng vội nắm lấy tay chàng hôn lấy hôn để. Dunhiaska sướng quá vỗ tay đen đét, mặt đỏ như gấc.
Ông già đội cái mũ ba tai lên đầu, nhưng lại bỏ xuống ngay. Ông đi tới góc phòng đề những bình thánh, vung tay rất rộng làm dấu phép. Ông quì xuống ba lần làm lễ rồi đứng dậy đưa mắt nhìn cả nhà.
- Thôi được đã vậy thì bố con ta ở lại cả? Lạy Đức mẹ trên trời, xin người che chở cứu giúp chúng con? Tao ra tháo ngựa đây.
Anikey chạy sang. Vào đến trong nhà Melekhov, hắn rất đỗi ngạc nhiên vì thấy mọi người đều tươi cười, vui như tết.
- Nhà ta có chuyện gì thế?
- Các ông Cô-dắc nhà tôi không đi nữa rồi? Daria trả lời thay tất cả mọi người.
- Hay quá! Thay đổi ý kiến rồi à?
- Chúng tôi nghĩ lại rồi! - Grigori miễn cưỡng nhe hai hàm răng trắng xanh hình móng ngựa, nháy mắt nói - Cái chết thì mình chẳng phải đi đâu mà tìm, tự nó sẽ biết chỗ mò đến thôi.
- Đến các ngài sĩ quan còn không đi thì chúng tôi cũng phó mặc cho Chúa! - Anikey chạy ầm ầm ra thềm rồi lại chạy vụt qua bên cửa sổ hai chân như mọc thêm những cái móng ngựa.


Chương 134



Phần 6


Những bản quân lệnh của Fomin đập phấp phới trên những dãy hàng rào ở Vosenskaia. Người ta chờ đợi Hồng quân kéo đến có thể bất cứ lúc nào. Trong khi đó bộ tư lệnh của Mặt trận miền Bắc vẫn đóng ở trấn Karginskaia, cách Vosenskaia ba mươi nhăm vec-xta.
Đêm mồng bốn tháng Giêng, một chi đội quân Turkestan kéo đến Karginskaia và một chi đội tiễu phạt của tên trung tá Roman Ladarev được điều cấp tốc từ trấn Ust-Belokaletvenskaia đi bộ tới đánh trung đoàn nổi loạn của Fomin theo đội hình hành quân.
Đáng là bọn lính Turkestan đã phải tấn công Vosenskaia từ ngày mồng năm. Trinh sát của chúng đã mò tới thôn Belogora.
Nhưng trận tấn công không thực hiện được. Những tên Cô-dắc chạy khỏi trung đoàn Fomin cho biết rằng một lực lượng lớn của Hồng quân đang nghỉ đêm ở thôn Gorokhovka và sẽ có mặt ở Vosenskaia vào ngày mồng năm.
***
Krasnov đang bận đón những tên đại biểu đồng minh vừa tới Novocherkask, vì thế hắn thử đánh Fomin bằng một đòn cân não. Hắn dùng đường điện tín trực tiếp từ Novocherkask đến Vosenskaia gửi cho Fomin một bức điện. Gã báo vụ đánh đi đánh lại rất lâu mấy tiếng "Vosenskaia, gửi Fomin" rồi truyền đi mấy dòng ngắn ngủi:
"Gửi Fomin ở Vosenskaia. Ta ra lệnh cho thượng sĩ Fomin hãy tỉnh ngộ và cùng trung đoàn trở về trận địa. Chi đội tiễu phạt đã xuất phát. Cưỡng lệnh sẽ bị án tử hình. Krasnov".
Dưới ánh một ngọn đèn dầu hoả. Fomin phanh tà chiếc áo da ngắn đứng nhìn cái băng giấy mỏng đầy những điểm lấm tấm nâu chạy ngoằn ngoèo như con rắn dưới những ngón tay của gã báo vụ. Hắn vừa nói vừa phả vào gáy gã báo vụ một làn hơi lạnh sặc sụa mùi rượu:
- Thế nào, nó nói bậy bạ gì đấy? Tỉnh ngộ à? Nó đánh đã hết chửa? Viết cho nó… Cái gì hử? Sao lại không được? Tao ra lệnh, nếu không tao sẽ lập tức moi nốt tim gan mề phổi của mày ra!
Thế là gã báo vụ đánh đi:
"Gửi ataman Krasnov ở Novocherkask. Cút mẹ mày đi. Fomin".
Tình hình Mặt trận miền Bắc đã trở nên đặc biệt phức tạp. Vì thế Krasnov quyết định thân chinh tới Karginskaia để từ đấy trực tiếp phóng "nắm tay tiễu phạt" ra đánh Fomin và chủ yếu là lấy lại tinh thần cho bọn Cô-dắc đang dao động. Chính vì mục đích ấy hắn đã mời mấy tên đại diện của đồng minh đi một chuyến thăm mặt trận.
Ở làng Buturlinovka đã tổ chức lễ duyệt trung đoàn huân chương thánh Gioóc Gundorov vừa chiến đấu trở về. Duyệt binh xong, Krasnov tới đứng bên cạnh lá quân kỳ của trung đoàn. Hắn quay người sang bên phải, cất tiếng hô oang oang:
- Những ai đã phục vụ dưới quyền chỉ huy của tôi trong trung đoàn Mười tiến một bước… bước!
Gần một nửa quân số trung đoàn Gundorov bước lên phía trước. Krasnov bỏ chiếc mũ lông của hắn xuống, hôn chéo miệng một tên quản đứng gần nhất, tên nầy đã có tuổi nhưng tư thế còn rất hùng dũng. Tên quản đưa tay áo ca-pốt lên chùi bộ ria xén tỉa ngay ngắn, hoảng hốt trợn tròn hai con mắt, đứng đực ra như ngỗng ỉa. Krasnov hôn tất cả những tên lính và sĩ quan cũ trong trung đoàn của hắn.
Bọn đại biểu của Đồng minh chẳng hiểu đầu đuôi ra sao cả, chúng kinh ngạc thì thầm với nhau. Nhưng chẳng mấy chốc vẻ mặt ngạc nhiên của chúng đã được thay bằng một nụ cười mãn ý vì Krasnov đã đi tới trước mặt chúng và giải thích:
- Đây là những người anh hùng đã cùng tôi đánh quân Đức ở gần Neviska, quân Áo ở Bengiet và Komarov, đã góp phần vào chiến thắng chung của chúng ta đánh bại kẻ thù.
Hai bên vầng mặt trời treo lơ lửng ngay giữa đường, hai hàng cột dây thép ngũ sắc với những cái đai trắng đứng chết lặng như những tên lính gác hai bên một hòm tiền. Gió đông-bắc lạnh buốt rúc lên như tiếng kèn trong những khu rừng, lao đi vùn vụt qua đồng cỏ lan rộng ra như những dòng phún thạch, đè rạp đầu và làm gãy những khoảng cỏ dại lồm xồm. Chiều ngày mồng sáu tháng giêng, lúc ánh hoàng hôn đã buông xuống trên sông Tria như một tấm màn, Krasnov đến Karginskaia cùng hai sĩ quan quân đội hoàng gia Anh Edwardt và Oncot, hai sĩ quan Pháp, đại uý Bactelo và trung uý Eclich. Bốn đại diện Đồng minh mặc những chiếc áo choàng dài bằng lông, đội chiếc mũ lông thỏ lồm xồm. Họ cười khà khà, so vai rụt cổ giậm giậm chân bước trên xe hơi xuống, mùi xì gà và mùi nước hoa Colone nồng nặc. Sau khi đã sưởi ấm và uống vài tách trà trong nhà lão phú thương Levotkin, mấy sĩ quan cùng với Krasnov và thiếu tướng Ivanov tư lệnh Mặt trận miền Bắc tới ngôi trường dùng làm địa điểm cho một cuộc họp.
Krasnov nói rất lâu trước một đám đông toàn là dân Cô-dắc. Bọn nầy có vẻ e ngại đề phòng, nhưng vẫn chăm chú lắng nghe, thái độ rất tốt. Nhưng đến khi hắn bắt đầu tả lại một cách sống động "những hành động dã man của bọn Bolsevich" trong các trấn bị họ chiếm đóng thì từ mấy hàng cuối có người bực tức kêu lên trong làn khói thuốc lá xanh xanh:
- Không đúng thế đâu! - Ấn tượng từ nãy thế là tan ra mây khói.
Sáng hôm sau, Krasnov cùng mấy tên đại diện Đồng minh vội vã chuồn về Minlerovo.
Bộ tư lệnh Mặt trận miền Bắc cũng rút đi không kém phần hấp tấp. Mãi đến chiều tối, bọn lính Turkestan còn sục sạo khắp trấn lùng bắt những gã Cô-dắc không chịu rút lui. Đêm hôm ấy kho đạn bị đốt. Mãi đến nửa đêm, đạn súng trường vẫn còn nổ ran như người ta đang đốt một đống củi khổng lồ. Những phát đạn pháo nổ long trời như tiếng đá lở. Hôm sau, giữa lúc trên quảng trường đang cử hành lễ cầu kinh trước khi rút lui trên ngọn gò bên cạnh trấn Karginskaia bỗng có một khẩu súng máy bắn ra như tiếng máy khâu. Đạn súng máy gõ trống trên mái nhà thờ như một trận mưa đầu mùa xuân. Thế là tất cả mọi người chạy ùa ra đồng cỏ, không còn trật tự gì nữa. Ladarev chỉ huy chi đội của hắn cùng vài đơn vị Cô-dắc nhỏ định yểm hộ cho những tên rút lui, bọn bộ binh tản khai bố trí sau cái cối xay gió. Đại đội pháo 36 Karginskaia dưới quyền chỉ huy của viên đại uý Fedor Popop người Karginskaia, bắn với tốc độ nhanh vào các chiến sĩ Hồng quân đang tấn công, nhưng chẳng mấy chốc chúng đã thắng ngựa đánh bài chuồn. Còn bộ binh Cô-dắc thì bị kỵ binh Hồng quân vu hồi từ phá thôn Latysev bao vây dồn tới vách khe núi, chém chết chừng ba mươi tên bô lão ở Karginskaia mà có kẻ đã gọi đùa là "Gaiđamác"1

Chú thích:
1, Chỉ những người Ukraina khởi nghĩa chống đế quốc Ba Lan từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 18. Trong thời kỳ Nội chiến, chỉ một loại kỵ binh đặc biệt của bọn phản động Ukraina. ND

Chương 135



Phần 6


Sau khi quyết định không rút lui nữa, ông Panteley Prokofievich lại thấy mọi vật đều có giá trị, có ý nghĩa như cũ.
Chiều hôm ấy, trong khi quét dọn chuồng bò, ông đã không do dự gì cả, chọn luôn đống xấu nhất để lấy cỏ. Ông đứng trong cái sân gia súc tối om, ông ngắm đầu đuôi xuôi ngược, ngắm đi ngắm lại con bò cái và nghĩ thầm, trong lòng rất vừa ý: "Nó đang có chửa đây, béo thật ra béo. Không biết Chúa có cho được hai con sinh đôi không?". Mọi vật lại trở nên thân thiết gần gũi đối với ông. Tất cả những thứ mà ông vừa có ý nghĩ vứt bỏ lại trở nên quan trọng và có trọng lượng như xưa. Chỉ trong một buổi hoàng hôn ngắn ngủi ông đã kịp mắng Dunhiaska về tội để trấu vãi lung tung quanh chuồng ngựa và không đập băng trong cái máng ăn của gia súc, đồng thời bịt được cái lỗ mà con lợn thiến nhà Stepan Astakhov mới húc thủng trong hàng rào. Thấy Acxinhia chạy ra đóng cửa chớp, ông bèn nhân tiện hỏi xem Stepan có ý định rút lui không? Acxinhia khép chặt chiếc khăn choàng, trả lời véo von như hát:
- Không đâu, không đâu, nhà tôi bây giờ còn đi đâu được nữa? Hôm nay cứ nằm lỳ trên bếp lò, như đang lên cơn sốt rét ấy… Trán thì nóng nóng là, lại còn kêu đau bụng. Anh Stepan nhà tôi ốm mất rồi. Chẳng đi được đâu…
- Cả bên nhà tôi cũng thế đẩy. Thế là cả chúng tôi cũng sẽ không đi đâu cả. Dịch tả dịch hạch nào biết được là không đi thì tốt hay không tốt…
Trời đã tối. Sao Bắc Đẩu sáng đến chói mắt trên nền trời xanh thẳm, sau đám rừng xám xịt bên kia sông Đông. Vùng chân trời đằng đông hơi phớt một ánh hung hung. Quầng sáng của mặt trăng bắt đầu lên dần. Vầng trăng lưỡi liềm ngoi lên trên một cây hắc dương cành đâm ngang dọc như gạc hươu. Vài cái bóng mung lung nép mình xuống tuyết. Những đống tuyết cũng sẫm dần. Bốn bề quá lặng lẽ, ông Panteley Prokofievich nghe thấy cả tiếng một người nào đó, có lẽ là Anikey, đang dùng cái thuốn chọc băng trên sông Đông bên cạnh cái hố nước. Những mảnh băng nhỏ bắn vung ra, đập vào nhau thành những tiếng leng keng như tiếng thuỷ tinh. Trong sân, mấy con bò mộng vẫn nhai rơm đều đều. Trong bếp đã nhóm lửa. Natalia đi lướt qua khoảng sáng trong khung cửa sổ. Ông Panteley Prokofievich cảm thấy thèm được sưởi ấm. Ông bước vào thì thấy cả nhà đang quây quần. Dunhiaska vừa ở nhà bên mụ vợ gã Khristonhia về. Cô bé đánh đổ hết chén men rượu, rồi liến thoắng kể những tin mới, cứ như sợ có người kể tranh mất.
Grigori ngồi ở nhà trong bôi mỡ cho khẩu súng trường, khẩu Nagan và thanh gươm. Chàng lấy một chiếc khăn bông bọc cái ống nhòm lại rồi gọi Petro:
- Của anh đã sửa soạn xong cả chưa? Mang vào đây đi. Phải đem chôn mới được.
- Nhớ phải chống lại chúng nó thì sao?
- Thôi không nói nữa! - Grigori cười nhạt. - Liệu cái thần hồn, chúng nó mà vớ được thì sẽ treo cổ lên trước cổng cho mà xem.
Hai anh em ra sân gia súc. Không hiểu sao người nào chôn riêng vũ khí của người nấy. Nhưng còn một khẩu Naga mầu đen mới toanh, Grigori đem nhét xuống cái gối ở nhà trong.
Vừa ăn tối xong, mọi người sắp sửa đi ngủ và chỉ còn chuyện trò một cách uể oải. Chợt có tiếng con chó đực xích ngoài sân sủa vài tiếng khàn khàn. Nó kéo cái xích nhảy chồm về phía trước, nhưng bị cái vòng cổ xít lấy họng, nó rên khè khè. Ông già ra ngoài xem có chuyện gì rồi quay vào với một người đầu cuốn một cái khăn tới sát lông mày. Người ấy đeo toàn bộ súng gươm, lưng thắt dây lưng rất chặt. Người ấy vừa bước vào vừa làm dấu phép, hơi bốc ra cuồn cuộn từ cái miệng đầy sương muối nom hệt như một chữ "o" trắng trắng.
Có lẽ cả nhà không nhận ra tôi nữa rồi phải không?
- Bác thông gia Maca đây mà. - Daria kêu lên.
Đến lúc nầy Petro và cả nhà mới nhận ra một người có họ xa là gã Cô-dắc Maca Nogaichev ở thôn Xinghin, một tay rất tốt giọng đồng thời là một con sâu rượu nổi tiếng trong toàn khu.
- Ma quỉ nào dẫn ông anh tới đây thế? - Petro mỉm cười hỏi nhưng không đứng dậy.
Nogaichev gỡ những miếng băng nhỏ bám trên ria, ném ra ngưỡng cửa, dậm dậm đôi ủng dạ đế da to, rồi từ từ cởi áo ngoài.
- Tôi nghĩ rút lui một mình thì buồn chết, nên tự bảo: thôi sang với mấy bác thông gia vậy. Nghe đồn hai bác đều còn có nhà, vì thế tôi bảo nhà tôi là sẽ sang đi cùng với các bác Melekhov cho vui.
Hắn tháo cây súng trường, dựa vào bếp lò, ngay bên cạnh mấy cái gắp than, làm mấy người phụ nữ mỉm cười và cười khúc khích. Hắn nhét cái túi dết xuống bên dưới miệng bếp lò, chỗ vụn tro than, còn thanh gươm và roi ngựa thì trịnh trọng đặt lên giường. Cũng như mọi lần, hôm nay Maca nặc mùi rượu, hai con mắt ốc nhồi rất to mờ đi vì hơi men, hai hàm răng đều đặn trắng xanh như những cái vỏ sò vùng sông Đông, lấp loáng sau bộ râu ướt đẫm, bết lại từng đám.
- Anh em Cô-dắc ở Xinghin không đi à? - Grigori vừa hỏi vừa chìa cho hắn cái túi thuốc thêu hạt cườm.
Người khách đưa tay gạt túi thuốc.
- Tôi không hút thuốc… Anh em Cô-dắc ấy à? Có người thì đi, nhưng có người lại kiếm những cái hang chuột để chôn mình vào trong đó. Thế hai bác có đi không?
- Các ông Cô-dắc nhà tôi không đi đâu. Bác đừng có mà dụ dỗ họ! - Bà Ilinhitna hoảng lên.
- Chẳng nhẽ các bác ở lại thật à? Tôi không thể nào tin được?
Bác Grigori, có thật không? Các bác tự quyết định lấy đời mình đi, hai ông anh thân mến ạ?
- Phó mặc cho Chúa thôi… - Petro thở dài rồi bỗng nhiên hắn đỏ bừng mặt hỏi - Grigori? Mày thế nào hả? Có thay đổi ý kiến không? Có lẽ chúng ta đi chăng?
- Chẳng đi đâu cả.
Làn khói thuốc lá trùm kín Grigori và chập chờn rất lâu trên cái bờm tóc xoăn đen như hắc ín của chàng.
- Con ngựa của mày cha đã tháo yên cương cho nó chưa? - Petro hỏi một câu chẳng ăn vào đâu cả.
Mọi người nín lặng một lát. Chỉ còn nghe thấy cái guồng quay sợi đưới chân Dunhiaska kêu vo vo như con ong đực, nghe đến là buồn ngủ.
Nogaichev ngồi đến khi trời sáng bạch và cứ luôn miệng khuyên hai anh em nhà Melekhov chạy sang bên kia sông Dones. Đêm hôm ấy, Petro hai lần đầu không mũ chạy ra thắng ngựa nhưng cả hai lần đều lại phải ra tháo yên dưới cặp mắt hăm doạ của Daria nhìn như xuyên vào người hắn.
Trời đã sáng, khách sắp sửa ra đi. Hắn mặc xong áo ngoài, tay đã nắm quả đấm cửa, còn húng hắng ho một cách đầy ý nghĩa và nói rõ ràng có ý đe doạ:
- Cũng có thể rồi sẽ gặp may, nhưng có điều là sau nầy hai bác sẽ phải hối thôi. Chúng tôi từ bên ấy kéo về sẽ còn nhớ những ai đã mở cửa cho bọn Đỏ tiến vào vùng sông Đông, những ai đã ở lại làm việc cho chúng nó…
Từ sáng, tuyết đã rơi như trút. Grigori ra sân gia súc nhìn thấy một đám người đen đen đang tiến từ bên kia sông Đông tới chỗ lội.
Tám con ngựa kéo không biết những cái gì. Nhao nhao vẳng sang tiếng người nói, tiếng thúc ngựa, tiếng chửi tục tĩu. Những hình người hình ngựa xám xám trắng trắng hiện ra thấp thoáng trong trận bão tuyết như sau một tấm màn sương. Grigori nhìn thấy những cỗ bốn ngựa bèn nghĩ thầm: "Một đại đội pháo… Chẳng nhẽ là bọn Đỏ?" ý nghĩ ấy làm tim chàng như nứt làm đôi, nhưng chàng ngẫm nghĩ một lát thấy không phải như thế, thì trong lòng lại nguôi nguôi.
Đoàn người tiến rời rạc, vòng tránh rất xa cái hố băng đen ngòm mở hoác nhìn trời, và đã gần tới thôn. Nhưng khẩu pháo đầu tiên vừa tới chỗ lên bờ thì lớp băng ở sát bờ sông bị nước xối mòn bên dưới vỡ ra, một bánh thụt xuống. Gió đưa tới tiếng kêu của bọn coi ngựa, tiếng lớp băng mỏng vỡ lạo xạo và tiếng những móng ngựa vừa trượt đập liên tiếp trên mặt băng. Grigori đi qua sân tới gần, chăm chú nhìn. Trên áo ca-pốt của những tên cưỡi ngựa, chàng nhận ra những cái lon đầy tuyết, và nhìn mặt có thể đoán rằng họ là dân Cô-dắc.
Năm phút sau có một lão quản đã nhiều tuổi cưỡi con ngựa cao lớn, mông rất to, tiến vào trong cổng. Tới bên thềm, lão xuống ngựa, buộc dây cương lên lan can rồi bước vào trong nhà.
- Ai là chủ nhà nầy? - Lão chào xong rồi hỏi.
- Tôi… - Ông Panteley Prokofievich trả lời và lo lắng chờ câu hỏi tiếp theo: "Tại sao nhà ông còn có những tay Cô-dắc ở nhà thế nầy?"
Nhưng lão quản chỉ đưa nắm tay lên sửa lại hai hàng ria trắng loá những tuyết, dài và xệ xuống như dây ngù vai và đề nghị:
- Các bà con đồng hương ạ? Bà con hãy vì Chúa mà giúp chúng tôi một tay để lôi khẩu pháo lên! Vừa tới bờ thì bị thụt xuống nước tới trục bánh xe ấy… May ra có chão lớn chăng? Đây là thôn gì thế nhỉ? Chúng tôi đã bị lạc đường. Đáng là phải đến trấn Elanskaia, nhưng tuyết rơi dầy như thế nầy thì chẳng còn trông thấy gì nữa. Lạc mất đường hành quân rồi, mà bọn Đỏ thì đã đuổi đến sát gót.
- Tôi cũng không rõ, thật đấy… - Ông già ngập ngừng.
- Nhưng có gì mà rõ với chẳng rõ? Nhà ta đang có mấy tay Cô-dắc như thế nầy… Chúng tôi thì đang cần có người kéo giúp.
- Tôi đang ốm, - Ông Panteley Prokofievich nói dối.
- Tại sao bà con anh em lại như thế nhỉ? - Lão quản quay nhìn tất cả mọi người, nhưng cổ lão cứ như ổ con chó sói, không thể xoay đi xoay lại được. Giọng lão tựa như trẻ ra, rắn ròi hơn. - Chẳng nhẽ bà con ta đây không phải là dân Cô-dắc hay sao? Thế là phải giương mắt nhìn tài sản của Quân khu bị mất toi hay sao? Tôi đã phải ở lại thay đại đội trưởng, các sĩ quan đều bỏ chạy hết. Suốt một tuần nay không được xuống ngựa, các ngón chân đã rét cóng, rụng cả ra, nhưng tôi thà hy sinh tính mạng chứ quyết không chịu bỏ mất đại đội pháo nầy đâu? Còn như các người… Nhưng không sao cả? Nói năng nhẹ nhàng với nhau chẳng muốn nghe thì bây giờ tôi sẽ gọi anh em Cô-dắc vào, và chúng tôi sẽ bắt các người… - Lão quản ức quá quát lên, nước mắt đầm đìa - Chúng tôi sẽ bắt các người phải làm, lũ chó đẻ! - Quân Bolsevich? Quẳng mẹ các người xuống hố! Còn lão, lão già kia, dù lão muốn hay không, chúng tôi sẽ cột cổ lão vào xe! Đi gọi ngay người lại đây! Nếu không thì có Chúa chứng giám đấy, thằng nầy mà quay lại thì tất cả cái thôn nầy sẽ thành bình địa…
Lão nói như một con người không hoàn toàn tin vào sức mạnh của mình. Grigori bỗng thấy thương hại. Chàng với lấy cái mũ, nói giọng nghiêm nghị, nhưng mắt không buồn nhìn lão quản lúc nầy đang như hoá điên hoá ngộ:
- Thôi anh đừng ngậu xị lên nữa, ầm ĩ lên như vậy làm gì! Chúng tôi sẽ kéo giúp, còn anh thì cút đi đâu thì cút.
Sau khi dỡ hàng rào lót bánh xe, mọi người đã kéo được đại đội pháo qua sông. Người đến giúp không phải là ít. Anikey, Khristonhia, Tomilin Ivanov, hai anh em nhà Melekhov và một chục người đàn bà đã cùng bọn lính pháo binh kéo mấy khẩu pháo và những hòm đạn lên, cả những con ngựa cũng được dắt lên giúp.
Các bánh xe bị đông cứng không chịu quay cứ trượt trên mặt băng. Những con ngựa đã kiệt sức gân cổ kéo mãi mới leo lên được cái dốc ngắn nhất. Nửa số pháo thủ đã đào ngũ, những gã còn lại phải đi bộ.
Lão quản bỏ mũ cúi chào, cảm ơn những người đến giúp rồi xoay người trên yên, khẽ ra lệnh:
- Đại đội pháo, theo tôi!
Grigori nhìn theo lão, ánh mắt đầy vẻ kính nể. Chàng rất đỗi ngạc nhiên và có vẻ như không tin tưởng lắm. Petro nhai nhai món ria bước tới, nói như để trả lời ý nghĩ của Grigori:
- Nếu mà tất cả đều được như thế nầy nhỉ? Sông Đông êm đềm phải được bảo vệ như thế nầy mới phải!
- Cậu đang nói về cái lão rậm râu, lão quản ấy phải không? - Khristonhia bước tới, bùn bắn tới mang tai. - Chưa biết chừng lão sẽ kéo được mấy khẩu pháo của lão đến nơi cho mà xem! Mẹ lão chứ, lão đã vung roi định đánh cả mình nữa đấy! Mà lão rất có thể đánh thật đấy, một khi con người đã phát khùng lên như thế… Vốn là mình không muốn ra đâu, nhưng thú thật là cũng có hoảng. Không có ủng dạ mà cũng phải ra. Mà cậu bảo, cái thằng ngu xuẩn ấy, nó lôi mấy khẩu pháo nầy đi thì được tích sự gì cơ chứ? Đúng là con lợn hay phá hàng rào, phải đeo cái gông vào cổ, vừa mệt xác, vừa chẳng được việc gì, thế mà cứ lôi đi…
Đám Cô-dắc ra về, vừa đi vừa lặng lẽ mỉm cười.

Chương 136



Phần 6


Đã đến giờ ăn trưa, ở một nơi rất xa bên kia sông Đông có khẩu súng máy nổ hai loạt khàn khàn rồi câm bặt.
Grigori đã đứng nửa giờ như mọc rễ ở nhà trong, bên cạnh cửa sổ. Bỗng chàng lùi lại, hai gò má xạm đi như rắc tro:
- Chúng nó kia rồi!
Bà Ilinhitna kêu lên một tiếng, chạy bổ ra cửa sổ. Tám người cưỡi ngựa đạng cho ngựa chạy tản ra theo dọc phố. Những con ngựa chạy nước kiệu đến trước sân nhà Melekhov thì đứng lại. Toán người quan sát chỗ lội qua sông Đông cùng con đường nhỏ đen đen bị kẹp giữa dòng sông và ngọn núi rồi quay lộn trở lại. Những con ngựa béo căng vẫy vẫy những cái đuôi xén ngắn, tung vó làm từng đám tuyết bắn vung lên. Sau khi xem xét thôn Tatarsky, đội trinh sát cưỡi ngựa lại mất hút. Một giờ sau, trong thôn đã rộn lên tiếng người xôn xao, những giọng nói lạ tai với những âm "ô" không biến âm và tiếng chó sủa oăng oẳng. Một trung đoàn bộ binh vượt qua sông Đông, tràn vào trong thôn, cùng với những khẩu súng máy nặng trên xe trượt tuyết những xe vận tải và xe nhà bếp.
Dù cho phút đầu tiên thấy quân địch đột nhập vào là đáng sợ như thế nào, nhưng cô gái hay cười Dunhiaska vẫn không làm thế nào nhịn cười được. Khi toán trinh sát quay trở lại, Dunhiaska cười phì phì trong chiếc tạp dề kéo lên che miệng và chạy vào trong bếp.
Natalia đang ở trong đó kinh hãi nhìn em chồng:
- Em làm sao thế?
- Chao ôi, chị Natalia yêu quí! Chị yêu của em? - Ra mà xem họ cưỡi ngựa! Ngồi trên yên cái kiểu gì mà ngật ngà ngật ngưỡng…
Còn hai khuỷu tay thì lắt la lắt lẻo. Người họ cứ như khâu bằng giẻ rách ấy, từ đầu đến chân chỗ nào cũng run bắn lên!
Cô gái nhại kiểu các chiến sĩ Hồng quân oặt oẹo trên yên khéo quá làm cho Natalia phải hết sức nhịn cười, chạy vào giường nằm úp mặt xuống gối để bố chồng khỏi biết, khỏi nổi giận.
Người ông Panteley Prokofievich khẽ run lên như bị lạnh. Ông vô duyên vô cớ xê dịch trên chiếc ghế dài cái hộp đựng cuộn dây sáp cái dùi và cái ống bơ nhỏ đựng một nắm đinh bằng gỗ bạch dương, và cứ đăm đăm nhìn ra cửa sổ bằng cặp mắt nheo nheo, hốt hoảng như mắt một con thú bị vây bắt.
Trong khi đó bọn đàn bà con gái trong bếp cứ náo cả lên, làm như đang có tin mừng lớn không bằng. Mặt đỏ bừng, hai con mắt đẫm nước mắt long lanh như hai hạt nhãn 1 đẫm sương đêm, Dunhiaska diễn lại cho Daria xem cách ngồi trên yên của các chiến sĩ Hồng quân và trong khi nhại đi nhại lại đều đều các cử động của họ trên lưng ngựa, cô gái đã vô tình làm giống một cách trâng tráo, một động tác tục tĩu. Trong một trận cười như lên cơn thần kinh, cặp lông mày tô đen của Daria cong hẳn lên như hai cái móng ngựa. Chị chàng cười như nắc nẻ, nói giọng khàn khàn cố giữ cho khỏi vang to:
- Có lẽ họ mài quần đến thủng đũng mất? Những anh chàng cưỡi ngựa thật là kỳ quặc… Mũi yên bị uốn gập xuống chứ còn gì!
Ngay đến Petro vừa bước vào trong nhà ra với bộ mặt đưa đám cũng bị tiếng cười của mấy chị em làm cho vui lên.
- Nhìn chúng nó cưỡi ngựa đã đủ thấy lạ chưa. - Hắn nói. - Nhưng chúng nó có biết thương ngựa đâu. Cưỡi gãy lưng con ngựa nầy lại cướp ngay được một con khác. Cái quân mu-gích! - Hắn vung tay với một vẻ hết sức khinh bỉ. - Có lẽ bây giờ chúng nó mới trông thấy con ngựa lần đầu. "Nhong nhong ngựa ông đi, nhong nhong ngựa ông đến!" Cha ông chúng nó nghe thấy tiếng bánh xe rít còn sợ, thế mà bây giờ chúng nó cũng vênh vang trên ngựa! Chao ôi! - Hắn bẻ ngón tay răng rắc rồi chui qua cửa, vào nhà trong.
Các chiến sĩ Hồng quân đi từng đoàn từng lũ theo dọc phố, rồi phân thành nhiều nhóm vào các nhà. Ba người rẽ vào cái cửa nhỏ của nhà Anikey. Năm người trong số đó có một người cưỡi ngựa, dừng lại bên cạnh nhà Astakhov, còn năm người nữa thì đi dọc theo hàng rào tới nhà Melekhov. Đi đầu là một chiến sĩ nhỏ bé, đã có tuổi, râu ria nhẵn nhụi, mũi tẹt, lỗ mũi rất to, dáng người lanh lợi, hoạt bát, mới trông đã biết ngay là một cựu chiến binh. Anh ta bước vào sân nhà Melekhov trước nhất. Đến bên thềm thì anh ta dừng lại một phút, cúi đầu nhìn con chó vàng đang giật xích, thở hồng hộc, sủa rầm lên. Anh ta nhìn một lát rồi hạ khẩu súng trường trên vai xuống. Một phát súng nổ làm sương muối trên mái nhà rơi xuống lả tả như một làn khói. Grigori đưa tay lên nới cổ áo sơ-mi làm chàng ngạt thở. Chàng nhìn qua cửa sổ thấy con chó lăn lộn trên tuyết, máu chảy lênh láng. Trong cơn đau điên cuồng lúc giãy chết, nó cắn cả vào chỗ lưng trúng đạn và xích sắt. Grigori quay lại nhìn thấy những khuôn mặt cắt không còn một hột máu của những người phụ nữ trong nhà và cặp mắt mất hết tinh thần của mẹ. Chàng không kịp đội mũ, bước luôn ra phòng ngoài.
- Đứng lại! - Người bố ở phía sau gọi thất thanh.
Grigori mở toang cánh cửa. Một cái vỏ đạn rơi leng keng xuống ngưỡng cửa. Mấy chiến sĩ Hồng quân còn ở lại phía sau đã bước vào qua cửa hàng rào.
- Tại sao anh giết con chó hử? Nó gây trở ngại cho anh à? - Grigori đứng ở ngưỡng cửa hỏi.
Hai cái lỗ mũi rộng hoác của người chiến sĩ Hồng quân hít hít phập phồng, hai bên mép cặp mắt mỏng dính, cạo râu kỹ đến xanh xanh, chảy xệ xuống. Anh ta ngoái nhìn một cái rồi hất khẩu súng sang tay kia.
- Nhưng mầy muốn gì hử? Mày tiếc à? Còn tao thì tao không tiếc mất với mầy một viên đạn đâu. Mầy muốn phải không? Đứng lại!
- Thôi thôi đi, Alexandr! - Một chiến sĩ Hồng quân cao lớn, lông mày đỏ, tươi cười bước tới và nói - Chào bác chủ nhà? Bà con ta đã thấy Hồng quân chưa? Bác cho chúng tôi ở nhờ nhé. Đồng chí nầy bắn chết mất con chó của bác đấy à? Thật là không cần thiết? Các đồng chí, vào đi thôi.
Grigori bước vào sau cùng. Các chiến sĩ Hồng quân vui vẻ chào hỏi, rồi tháo những túi dết, những bao đạn kiểu Nhật bằng da và ném những cái áo ca-pốt, áo bông lên giường thành một đống to tướng.
Khắp nhà lập tức nồng nặc cái mùi lính tráng khó ngửi, hắc hắc như mùi cồn, một thứ mùi hỗn hợp của mồ hôi người, thuốc lá, xà phòng rẻ tiền, mỡ lau súng: mùi của những kẻ viễn chinh.
Anh chàng ban nãy được gọi tên là Alexandr ngồi vào bàn, châm thuốc hút và hỏi như để tiếp tục câu chuyện đã bắt đầu nói với Grigori:
- Anh có ở với bọn Trắng à?
- Có.
- Ấy đấy. Cứ xem cách bay như thế nào là có thể nhận ra được ngay loài cú vọ, còn anh thì có thể nhận được ra ở mùi rớt rãi. Trắng à? Sĩ quan có phải không? Lon vàng à?
Anh ta thở một hơi khói rất dài ra đằng mũi, nhìn như xuyên vào Grigori đang đứng dựa vào xà ngang cửa bằng hai con mắt lạnh như tiền, không thoáng một nét cười nào, và cứ gõ cái móng tay phồng phồng ám khói xuống điếu thuốc.
- Sĩ quan phải không? Cứ nhận đi xem nào? Thằng nầy chỉ nhìn qua thái độ là thấy rõ ngay. Bản thân thằng nầy đã đánh nhau chán chê với bọn Đức rồi đấy.
- Trước kia có làm sĩ quan. - Grigori mỉm cười một cách ngượng nghịu. Chàng nhìn sang bên cạnh, bắt gặp cặp mắt Natalia đang nhìn mình đầy vẻ hốt hoảng, van lơn, bèn sầm mặt lại, hai hàng lông mày rung rung. Chàng cảm thấy tức giận về cái cười của mình.
- Thật đáng tiếc? Viên đạn lúc nãy vốn là không nên bắn vào con chó…
Người chiến sĩ Hồng quân ném mẩu thuốc xuống chân Grigori và nháy mắt với mấy người kia.
Rồi Grigori lại cảm thấy rằng, trái với ý muốn của mình, môi mình lại xệch ra thành một nụ cười hối lỗi và van lơn. Chàng thẹn đến đỏ mặt vì sự yếu đuối của mình đã lộ ra một cách tự phát, không kiềm chế nổi. "Cứ như con chó vừa làm bậy đứng trước mặt chủ".
Sự nhục nhã làm đầu Grigori nóng lên như lửa đốt và trong mắt chàng thấy hiện ra trước mắt mình cái cảnh con chó ức trắng vừa bị giết đang dành cặp môi đen bóng như xa-tanh ra cười, cùng với cái cười của mình lúc nãy khi mình, Grigori nầy, là chủ nó, là kẻ nắm quyền sinh sát đối với nó, đi tới gần nó. Chàng thấy nó nằm ngửa ra, nhe những cái răng còn non, đập đập cái đuôi bù xù màu hung hung xuống đất…
Cả ông Panteley Prokofievich cũng hỏi với một giọng mà Grigori chưa từng nghe thấy bao giờ:
- Có lẽ các vị khách muốn xơi cơm tối chăng? Nếu có thì ông sẽ bảo vợ…
Bà Ilinhitna không chờ trả lời đã chạy ra bếp lò. Cái gắp than cứ run bắn lên trong tay bà và bà không là thế nào nâng nổi cái nồi gang đựng súp bắp cải lên nữa. Daria sửa soạn bàn ăn, mắt không ngước lên nhìn ai cả. Các chiến sĩ Hồng quân không làm dấu phép, ngồi ngay vào bàn. Ông già theo dõi họ, trong lòng vừa sợ, vừa căm ghét, nhưng cố không để lộ. Cuối cùng ông không nhìn được nữa, bèn hỏi:
- Thế là các bác không cầu kinh à?
Đến lúc nầy mới có một cái gì tương tự như một nét cười thoáng trên môi Alexandr. Anh ta trả lời giữa tiếng cười chung của mọi người:
- Cả bố già nữa, tôi cũng khuyên bố đừng nên cầu nguyện làm gì cả! Bao nhiêu thần thánh của chúng tôi, chúng tôi đã tống cổ đi từ lâu rồi… - Anh ta ngừng một lát rồi cau mày. - Chẳng làm gì có Chúa, chỉ những kẻ ngu xuẩn mới tin, mới cầu nguyện những mẩu gỗ ấy!
- Vâng, vâng… Những người có chữ nghĩa tất nhiên hiểu được rõ. - Ông Panteley Prokofievich hoảng lên, cũng đồng ý.
Daria đặt trước mặt mỗi người một cái muỗng, nhưng Alexandr đẩy cái muỗng trước mặt anh ta ra và bảo.
- Có thể có cái nào không bằng gỗ không? Ăn bằng cái nầy thì đến mang bệnh truyền nhiễm vào thân thôi! Cái nầy mà gọi là cái muỗng à? Gặm nham nhở cả?
Daria nổ ra như thuốc súng:
- Nếu sợ không dám dùng của người khác thì phải mang của mình đi mà dùng.
- Nầy, thôi im đi, cô nàng? Không có thìa à? Thế lấy cái khăn sạch cho tôi lau cái nầy đi.
Lúc bà Ilinhitna múc súp bắp cảỉ ra đĩa, Alexandr lại bảo bà:
- Mẹ nếm thử cái xem, mẹ.
- Sao tôi lại phải ăn trước? Hay nhiều muối quá chăng? - Bà già hỏi giọng sợ hãi…
- Mẹ cứ nếm đi, cứ nếm đi! Biết đâu chẳng rắc thêm cho khách dúm thuốc gì đó…
- Múc lấy một muỗng ăn đi! Nghe rõ chưa? - Ông Panteley Prokofievich ra lệnh bằng một giọng nghiêm khắc rồi mím chặt môi lại. Sau đó, ông lấy những đồ chữa ủng trong cái hộp, đẩy một khúc xích dương mà ông dùng làm ghế ra cạnh cửa sổ, đổ thêm ít dầu vào cây đèn, rồi đưa một chiếc ủng cũ ngồi xuống. Từ lúc đó trở đi ông không nói gì thêm nữa.
Petro không bước chân ra khỏi phòng trong. Cả Natalia cũng ru rú trong đó với hai đứa trẻ. Dunhiaska ngồi sát vào bếp lò đan bít tất.
Đến khi thấy một chàng Hồng quân gọi mình là "tiểu thư" và mời mình cùng ăn tối thì cô gái bỏ ra ngoài. Mọi người lặng đi một lát.
Ăn xong, các chiến sĩ Hồng quân bắt đầu hút thuốc.
- Ở nhà ta đây có hút thuốc được không nhỉ? - Anh chàng lông mày đỏ hỏi.
- Nhà tôi không thiếu những con sâu thuốc đâu. - Bà Ilinhitna miễn cưỡng trả lời.
Người ta mời Grigori hút thuốc, chàng từ chối. Ruột gan chàng lộn cả lên, tim chàng nhoi nhói từng đợt mỗi khi chàng nhìn anh chàng bắn chết con chó cứ luôn luôn có một thái độ ngang ngược, khiêu khích đối với mình. Rõ ràng anh ta muốn gây gổ, nên lúc nào cũng tìm kiếm những dịp châm chọc Grigori, bắt chuyện với chàng.
- Trước kia quan lớn ở trung đoàn nào?
- Nhiều trung đoàn lắm.
- Ngài đã giết bao nhiêu anh em chúng tôi rồi?
- Trên chiến trường thì không thể đếm được đâu. Đồng chí đừng tưởng tôi sinh ra đã là sĩ quan. Tôi đã được đề bạt trong cuộc chiến tranh với Đức. Vì lập được chiến công nên mới được họ quẳng cho hai cái lon vai…
- Tôi không đồng chí với các ngài sĩ quan? Những người anh em của các ngài, chúng tôi thì cho đứng vào tường mà ăn kẹo đạn. Con người tội lỗi như tôi đã nhằm trên đầu ruồi rồi không chỉ một thằng đâu.
- Nầy đồng chí, tôi nói cho đồng chí biết… Thái độ của đồng chí như thế không đúng đâu: đồng chí làm như các đồng chí đã chiếm lĩnh thôn nầy sau một trận chiến đấu không bằng. Phải nhớ rằng chính chúng tôi đã bỏ mặt trận, để các đồng chí tiến vào, mà đồng chí thì cứ như đi vào một vùng bị đánh chiếm ấy… Bắn con chó, việc ấy thì bất cứ ai cũng làm được, còn như giết và làm nhục một người không có vũ khí thì cũng chẳng phải là hảo hán đâu…
- Anh đừng có dạy khôn tôi! Cái loại người như anh tôi đã biết chán rồi! "Bỏ trận địa". Nếu chúng tôi không nện cho cẩn thận thì liệu các anh có bỏ không? Tôi thì có thể nói chuyện với anh đủ mọi kiểu được.
- Thôi đi Alexandr! Chán ngấy đi được! - Anh chàng lông mày đỏ khuyên.
Nhưng anh chàng kia đã thở như kéo bễ, bước tới trước mặt Grigori, lỗ mũi phập phồng:
- Nầy, anh sĩ quan, tốt nhất là đừng có trêu tôi, nếu không sẽ chẳng hay ho gì đâu?
- Tôi không trêu chọc gì anh.
- Không, có trêu?
Natalia hé cửa, gọi Grigori bằng một giọng phá ra. Chàng lánh khỏi anh chàng Hồng quân đứng trước mặt mình, đi vào cửa, người lảo đảo như say rượu. Petro chờ chàng ở cửa, khẽ nói với chàng bằng một giọng căm tức:
- Mày làm cái trò gì thế hử? Đời nào nó lại chịu thua mày? Mày dính vào với nó làm gì? Khéo lại mất mạng cả mày lẫn cả nhà thôi!
- Ngồi xuống đi! - Hắn nói xong ấn mạnh cho Grigori ngồi xuống cái rương rồi bỏ vào trong bếp.
Grigori há to miệng thở lấy thở để, hai gò má rám nắng mất hẳn cái ánh hồng hào, hai con mắt mờ đi chỉ còn giữ được một chút ánh sáng.
- Anh Griska? Grisenca? Anh yêu của em! Anh đừng có dính vào với họ làm gì? - Natalia vừa van chồng, vừa run rẩy bịt miệng hai đứa trẻ đã sắp sửa gào lên.
- Sao mình lại không đi nhỉ? - Grigori hỏi rồi đau khổ nhìn Natalia. - Anh sẽ không dính vào với nó nữa. Thôi im đi! Lòng dạ không còn sức đâu mà chịu đựng nữa rồi.
Sau đó lại đến thêm ba người Hồng quân nữa. Một người đội chiếc mũ lông đen rất cao, có vẻ là chỉ huy. Người ấy hỏi:
- Trong nhà đã xếp mấy cậu rồi.
- Đã có bảy anh em, - anh chàng lông mày đỏ vừa trả lời vừa lựa những phím trên chiếc accordeon dân gian.
- Bộ tiêu súng máy sẽ đến ở đây. Các đồng chí chịu chật một chút nhé.
Ba người đó lại bỏ đi. Và lập tức có tiếng cánh cổng rít. Hai chiếc xe tải tiến vào trong sân. Một trong những khẩu súng máy được kéo vào phòng ngoài. Có người quẹt diêm trong bóng tối và văng tục rất ghê gớm. Người ta hút thuốc dưới hiên nhà kho, rút rơm châm lửa, nhưng nhà chủ chẳng có ai ra.
- Có lẽ ông nó ra ngó qua mấy con ngựa một cái. - Bà Ilinhitna đi qua trước mặt ông lão, khẽ rỉ tai ông.
Nhưng ông chồng chỉ nhún vai chứ không chịu ra. Cửa mở ra đóng vào suốt đêm. Một làn hơi trắng đọng lững lờ trên trần và bám vào tường như sương. Các chiến sĩ Hồng quân sửa soạn chỗ ngủ ngay dưới đất ở nhà trong. Grigori đem một tấm thảm ra, trải giúp họ, và lấy cả cái áo lông ngắn của mình đặt xuống cho họ gối.
- Tôi cũng đã từng đi lính, tôi biết lắm. - Chàng mỉm cười làm lành với con người mà chàng cảm thấy là kẻ thù của mình.
Nhưng hai cái lỗ mũi rộng hoác của người chiến sĩ Hồng quân kia vẫn phập phồng, cặp mắt nhìn lướt trên người Grigori vẫn gườm gườm…
Grigori và Natalia nằm trên cái giường kê ngay trong phòng. Các chiến sĩ Hồng quân đặt súng trường trên đầu, nằm ngổn ngang trên tấm thảm. Natalia định tắt đèn, nhưng một người đã hỏi, giọng đe nạt:
- Ai nhờ bà chị tắt đèn hử? To gan thật! Vặn nhỏ bấc đi, nhưng đèn thì phải thắp đến sáng.
Natalia đặt hai con nằm dưới chân, còn mình thì cứ nguyên áo sống nằm sát vào tường. Grigori nằm chắp tay sau gáy, không nói năng gì ca.
"Chúng mình mà ra đi, - chàng nghiến răng, ấn chặt chỗ tim mình vào góc cái gối, nghĩ thầm - chúng mình mà rút lui thì trong lúc nầy chúng nó đã dằn ngửa Natalia trên cái giường nầy mà giở trò như hồi nào đối với Frania ở Ba Lan rồi…"
Một chiến sĩ Hồng quân bắt đầu kể chuyện, nhưng cái giọng quen thuộc lúc nãy ngắt lời anh chàng kia, và vang lên trong bóng tối mung lung với những khoảng ngắt quãng như chờ đợi:
- Chà không có đàn bà buồn bỏ mẹ? Bỏ vào miệng nhai ngau ngáu được… Nhưng chủ nhà lại là sỹ quan… Họ chẳng cho những thằng lính mượn vợ đâu… Có nghe thấy không, bác chủ?
Trong số các chiến sĩ Hồng quân có người đã ngáy khò khò, có người khẽ cười trong giấc mơ. Giọng anh chàng lông mày đỏ lại vang lên hăm doạ:
- Nầy, Alexandr, mình khuyên cậu mãi đã chán rồi. Đến ở nhờ nhà nào cậu cũng gây chuyện, giở trò lưu manh, bôi nhọ thanh danh Hồng quân. Không thể để như thế được? Mình lên báo cáo ngay chính trị viên hoặc đại đội trưởng đây. Nghe rõ không? Còn mình thì nói chuyện với cậu sau!
Trong nhà lặng đi. Chỉ nghe thấy tiếng anh chàng lông mày đỏ vừa lồng ủng vào chân vừa thở phì phì một cách bực bội. Một phút sau, anh ta ra ngoài, cửa đóng đánh sầm.
Natàlia không nhịn được nữa, khóc oà lên. Grigori run rẩy đưa tay trái lên vuốt tóc, vuốt vừng trán đẫm mồ hôi và khuôn mặt đầm đìa nước mắt của vợ. Tay phải của chàng xoa xoa trên ngực mình, mấy ngón tay hết mở ra lại cài vào hàng khuy của chiếc áo sơ-mi lót như một cái máy.
- Thôi nín đi, nín đi! - Chàng rỉ tai Natalia nói rất khẽ. Trong giây phút nầy chắc chắn chàng biết rõ là mình đã chuẩn bị tinh thần chịu đựng mọi sự thử thách và mọi điều nhục nhã để giữ lấy tính mạng cho mình và cho những người trong gia đình.
Một que diêm soi sáng mặt anh chàng Alexandr lúc nầy đã đứng dậy, thấy rõ cái mũi to bè bè và cái miệng đang hút điếu thuốc: Qua những tiếng ngáy đủ các kiểu, có thể nghe thấy tiếng anh ta khẽ lầu bầu, thở dài và bắt đầu mặc quần áo.
Grigori bồi hồi lắng nghe, trong lòng vô cùng biết ơn anh chàng lông mày đỏ. Chàng sướng run cả người khi nghe thấy bên ngoài cửa sổ có những tiếng chân bước và một giọng phẫn nộ:
- Và đồng chí ấy cứ gây sự… làm thế nào được nữa… thật là tai vạ thưa đồng chí chính trị viên…
Những tiếng chân bước đã vang lên ở phòng ngoài. Cánh cửa rít, mở ra… Một giọng chỉ huy rất trẻ ra lệnh:
- Đồng chí Alexandr Chiunikov, mặc quần áo vào rồi ra khỏi chỗ nầy ngay. Đồng chí sẽ sang ngủ ở chỗ tôi. Mai chúng tôi sẽ xử đồng chí về tội có những hành động không xứng đáng với danh hiệu Hồng quân.
Grigori bắt gặp cặp mắt sắc thiện ý của một người mặc áo da đen đứng ngoài cửa, bên cạnh anh chàng lông mày đỏ.
Người nầy nom còn trẻ, và trên nét mặt có cái vẻ nghiêm nghị của một người còn trẻ: cặp môi mím chặt cố trỏ ra kiên quyết một cách quá mức dưới một hàng lông tơ lún phún của tuổi thanh niên.
- Vớ phải một ông khách quấy rầy phải không đồng chí? - Anh ta nói với Grigori, trên miệng chỉ hơi thoáng một nét cười. - Thôi bây giờ cả nhà cứ ngủ yên, ngày mai chúng tôi sẽ làm cho anh chàng nầy biết điều. Xin chúc mọi sự tốt lành. Nào ta đi thôi, Chiunikov.
Hai người bỏ đi, Grigori thở dài nhẹ nhõm cả người. Sáng hôm sau anh chàng lông mày đỏ trả tiền trọ và tiền ăn uống xong, còn cố ý trùng trình nán lại và nói:
- Thôi xin ông bà và các bác đừng giận chúng tôi. Chỗ chúng tôi có cái cậu Alexandr nó cứ như bị bệnh thần kinh ấy. Năm ngoái ở Lungansk, quê cậu ấy ở Lungansk mà, bọn sĩ quan đã bắn chết mẹ và em gái cậu ấy ngay trước mắt cậu ấy. Vì vậy mới đâm ra như thế đấy… Thôi nhé, xin cám ơn và chào cả nhà. À, thiếu chút nữa thì quên cái nầy cho hai cháu? - Rồi anh ta lấy trong ba-lô ra và nhét vào tay mỗi đứa trẻ một miếng đường cáu bẩn xám xịt, làm hai đứa mừng rơn.
Ông Panteley Prokofievich nhìn hai đứa cháu, vẻ hết sức cảm động:
- Chà, bác cho các cháu quà như thế nầy cơ à! Đường thì một năm rưỡi nay chúng tôi không được trông thấy rồi… Cầu Chúa che chở cho đồng chí! Lạy chú ạ đi! Poliuska cám ơn chú đi! Cháu yêu của ông, sao cứ đứng đực ra như phỗng thế?
Người chiến sĩ Hồng quân đã ra đi khỏi cổng. Ông già nổi nóng bảo Natalia:
- Nhà mày thật là vô học thức! Ít nhất cũng phải có cái bánh mì tròn biếu bác ấy ăn đường chứ! Một người tốt như thế mà không có quà gì đưa tiễn người ta hay sao? Chà!
- Chạy quàng ra đi! - Grigori ra lệnh.
Natalia bịt cái khăn lên đầu, chạy ra ngoài cửa hàng rào, đuổi kịp anh chàng lông mày đỏ. Nàng ngượng đỏ cả mặt, nhét vội cái bánh vào áo ca-pốt của anh ta, cái túi sâu thẳm như một cái giếng trên đồng cỏ.

Chú thích:
1 Nguyên văn "hai hạt cà" ND

Nguồn: http://www.sahara.com.vn/