Chương 143
Phần 6
Petro vừa quét dọn chuồng bò xong. Hắn phủi những sợi rơm vụn bám trên đôi găng không có ngón, vừa bước vào trong nhà thì có tiếng then cửa lách cách ở phòng ngoài.
Mụ Lukinhitna bước qua ngưỡng cửa, đầu trùm một chiếc khăn dạ đen. Mụ bước những bước rất ngắn, vào nhà mà không chào hỏi gì cả, cứ lon ton đi tới chỗ Natalia đang đứng bên chiếc ghế dài trong bếp và quì sụp xuống trước mặt nàng.
- Mẹ? Mẹ yêu của con! Mẹ làm sao thế? - Natalia cố nâng cáỉ thân hình nặng thêm ra của mẹ, kêu lên, giọng lạc hẳn đi.
Mụ Lukinhitna không trả lời mà chỉ đập đầu bình bịch xuống nền đất và gào lên khóc chồng chết bằng một giọng khàn khàn hết sức đau khổ:
- Ới ông ơi là ông ơ-ơ-ơi! Ông bỏ mẹ con tôi ở lại sống với ai thế nầy… ông ơi là ông ơ-ơ-ơi!
Những người đàn bà đồng thanh gào lên, hai đứa trẻ cũng khóc thét lên, làm Petro phải quờ tay lên cái bếp lò nhỏ, với lấy túi thuốc rồi bỏ chạy ra phòng ngoài. Hắn đã đoán ra đầu đuôi câu chuyện.
Hắn đứng ngoài thềm một lát, hút thuốc, chờ cho những tiếng gào khóc trong nhà lắng đi rồi mới quay vào trong bếp, khắp sống lưng lạnh buốt, rất khó chịu. Mụ Lukinhitna vẫn úp chiếc khăn ướt đến vắt được ra nước lên mặt, kể lể:
- Chúng nó đã bắn chết mất ông Miron Grigorievich nhà tôi rồi! Con đại bàng không còn sống trên đời nầy nữa rồi! Chỉ còn lại mấy mẹ con tôi goá bụa côi cút mà thôi! Bây giờ thì con gà con vịt cũng có thể hà hiếp chúng tôi! - Rồi mụ lại chuyển sang hú lên như chó sói - Cặp mắt yêu dấu của chồng tôi đã nhắm lại rồi? Không bao giờ còn được trông thấy ánh sáng nữa rô-ô-ồi?
Natalia ngất đi. Daria phải lấy nước lạnh vã vào mặt nàng. Bà Lukinhitna đưa tạp dề lên lau nước mắt. Từ nhà trong, chỗ ông Panteley Prokofievich đang ốm nằm đấy, vẳng ra tiếng ho sù sụ và tiếng nghiến răng rên rỉ…
- Bác thông gia ơi, bác hãy vì Chúa cứu thế! Bác hãy vì đấng sáng thế, bác thông gia yêu quí ơi, bác hãy lên Vosenskaia đem hộ chồng tôi về, dù chỉ còn là cái xác! - Mụ Lukinhitna như điên lên, nắm lấy hai tay Petro, áp chặt lên ngực mình. - Bác hãy đem hộ ông ấy về… Chao ôi, lạy Nữ hoàng nhân từ cứu nạn! Chao ôi, tôi không muốn ông nhà tôi bị thối rữa trên ấy, phải chết không được chôn cất tử tế.
- Bà nói gì vậy, bà nói gì vậy, bà thông gia? - Petro lùi ngay lại như tránh một người bị ôn dịch. - Sao lại có thể nghĩ ra được cái chuyện mang ông ấy về. Đối với tôi, cái mạng của tôi còn quí hơn nhiều! Mà tôi tìm được ông ấy ở đâu bây giờ?
- Xin bác đừng từ chối, bác Petro yêu quí? Bác hãy vì Chúa cứu thế!
Petro nhay nhay một món ria và cuối cùng cũng nhận lời. Hắn quyết định lên Vosenskaia tìm một lão Cô-dắc quen biết và nhờ lão giúp mình thử đi tìm xác Miron Grigorievich. Đến đêm thì hắn lên đường.
Trong thôn đã lên đèn, nhà nào cũng bàn tán sôi nổi cái tin: "Chúng nó bắn người Cô-dắc!".
Petro dừng xe bên cạnh toà nhà thờ mới, trước cửa nhà một người đồng đội của bố, nhờ lão giúp mình đi đào xác lão thông gia.
Lão kia vui vẻ nhận lời ngay:
- Nào thì ta đi. Tôi đã biết ở chỗ nào rồi. Mà thông thường chúng nó chôn cũng không sâu đâu. Chỉ có điều là làm thế nào tìm thấy ông ấy bây giờ? Chỗ ấy đâu phải chỉ có một mình ông ấy? Hôm qua đã xử bắn mười hai thằng đao phủ, những đứa hành quyết người mình dưới chính quyền "Kadet" ấy mà. Nhưng phải thoả thuận một điều là công việc xong xuôi bác phải có một chầu rượu ra trò đấy nhé! Được không bác?
Đến nửa đêm, hai người mang hai cái xẻng và một cái đòn khiêng phân ra bên lề trấn, băng qua bãi tha ma, tới khu rừng thông, nơi chấp hành các án tử hình. Tuyết rơi lất phất. Những cành liễu đỏ lồm xồm sương muối lạo xạo dưới chân. Petro lắng nghe từng tiếng động và cứ rủa thầm chuyến đi nầy của mình, hắn rủa mụ Lukinhitna, rủa cả lão thông gia vừa về với ông bà ông vải. Khi tới gần đám thông non đầu tiên sau một gò cát cao, lão Cô-dắc đứng lại:
- Ở một chỗ nào gần đây thôi…
Hai người đi thêm chừng trăm bước. Một đàn chó trong trấn vừa sủa vừa hú bỏ chạy tán loạn. Petro quẳng cái cáng xuống, khẽ nói bằng một giọng khàn khàn:
- Chúng ta quay về thôi! Mặc mẹ lão ở đây vậy! Lão nằm chết ở đâu mà chẳng được? Chao ôi, sao mình lại dính vào chuyện nầy làm gì? Cũng chỉ tại con mụ yêu tinh ấy cố vật nài cho kỳ được!
- Tại sao bác lại đâm ra sợ như thế? Thôi đi đi! - Lão Cô-dắc cười có vẻ chế nhạo.
Hai người đi đến nơi. Bên một bụi liễu đỏ già cành đâm ngang dọc, có một chỗ tuyết bị dẫm chặt xuống, lẫn với cát. Từ chỗ ấy có những vết chân người toả ra lẫn với những vết chân chó lỗ chỗ…
Petro nhìn thấy một lão có bộ râu đỏ lòm, nhận ra Miron Grigorievich. Hắn nắm lấy cái dây lưng bằng vải, lôi lão thông gia lên rồi đặt vào cái cáng. Lão Cô-dắc kia vừa húng hắng ho vừa lấp đầy cái hố, rồi nâng thử tay cáng, bất giác lầu bầu:
- Đáng là phải đánh cái xe trượt tuyết đến rừng thông mới đúng. Chúng mình thật là hai thằng ngu! Con lợn rừng nầy ít nhất cũng nặng đến năm pút. Mà tuyết lại khó đi.
Petro mở rộng hai cái chân không bao giờ đi nữa của xác chết rồi cầm lấy tay cáng.
Hắn uống rượu bí tỉ trong nhà lão Cô-dắc cho đến khi trời rạng. Miron Grigôrievit thì nằm cuộn tròn trong một tấm nàm cửa, trên chiếc xe trượt tuyết. Vì say rượu nên Petro đã buộc con ngựa vào chiếc xe đó và nó phải đứng đấy suốt thời gian. Nó vểnh tai thở phì phì, cố hết sức giằng dây buộc mõm và vì ngửi thấy mùi xác chết nên nó không động tới một chút cỏ khô nào.
Phía mặt trời mọc mới sáng ra một chút, vẫn còn xám xám, Petro đã về tới thôn. Hắn đánh ngựa chạy qua bãi cỏ, không cho nghỉ một phút nào. Phía sau, đầu Miron Grigorievich cứ đập bồm bộp vào cái ván hậu, Petro phải dừng xe hai lần để lấy những nắm rơm dính bết đệm xuống dưới đầu lão. Hắn đã đưa lão thông gia về thẳng nhà lão. Grivka, đứa con gái yêu của lão chủ nhà vừa qua đời ra mở cổng rồi nhảy phắt sang bên tránh chiếc xe chạy trốn ra sau một đống tuyết. Petro vác xác lão thông gia lên vai như một túi bột, mang vào căn bếp rộng thênh thang và nhẹ nhàng đặt lên cái bàn đã trải sẵn một tấm khăn đay. Mụ Lukinhitna đầu tóc rũ rượi bò lết đến gần hai cái chân người chết vẫn còn đi đôi tất trắng nghiêm chỉnh, đúng như của những người chết. Mụ khóc đã hết nước mắt, giọng khê đặc:
- Ông chủ ơi, tôi cứ tưởng ông sẽ đi chân ông về, nào ngờ người ta phải khiêng ông về như thế nầy. - Mụ thều thào nói rất khẽ rồi khóc nấc lên, tiếng khóc nghe giống tiếng cười một cách lạ lùng.
Petro vào nhà trong đỡ tay cụ Grisaka ra. Ông cụ đi chập chững, lảo đảo, cứ như dưới chân cụ không phải là sàn nhà mà là đất lầy lũng nhũng. Nhưng rồi cụ đi khá rắn rỏi đến gần cái bàn và đứng lại trên đầu thằng con:
- Chà mầy đã về đấy à, Miron! Té ra bố con ta lại được trông thấy mặt nhau như thế nầy đây, con ạ… - Cụ làm dấu phép, hôn vừng trán giá băng, vàng ệch vì bùn dính bê bết. - Miron yêu quý ạ, rồi cũng chẳng bao lâu cả tao nữa… - Giọng ông cụ cất cao dần đến rít lên. Rồi như sợ mình sắp buộc miệng nói ra một điều gì bí mật, cụ vội đưa nhanh tay lên bịt miệng mình, cử chỉ chẳng có vẻ gì là của một người già, cuối cùng cụ gục xuống cái bàn.
Một cơn chuột rút làm họng Petro tắc lại như bị chó sói cắn vào cổ. Hắn rón rén lui ra sân gia súc, chỗ con ngựa bị buộc bên thềm.
Chương 144
Phần 6
Sông Đông ra khỏi những quãng sâu sóng yên gió lặng thì chảy tới một vùng cát nông. Ra đến đấy, dòng nước chảy ngoằn ngoèo, lặng lờ chao đảo, tràn đều ra ngoài hai bên bờ. Từng đàn cá bụng đen kéo nhau đi kiếm mồi trên đáy cát rắn; đêm đêm cá chiến lên chỗ nông tìm những thức ăn bổ béo hơn, cá chép cựa quậy trong những toà lầu mầu xanh lá cây của chúng ở khoảng sình lầy; cá thạch ban và cá lăng đuổi theo đàn cá nhép, cá ngạnh sục trong đám sò ốc; thỉnh thoảng lại quẫy tung một đám nước màu xanh lá cây, hiện ra dưới vừng trăng in hình rất lớn, ngoáy cái ngạnh màu vàng óng bóng loáng rồi lại rúc cái đầu râu ria rộng bè bè vào đống vỏ sò để đến sáng hôm sau vẫn còn ngủ gà ngủ gật ở một chỗ nào đó dưới cái gốc cây chìm cong queo đen sì bị nước ăn nham nhở.
Nhưng ở nơi lòng sông hẹp lại, sông Đông bị chèn hai bên phải nạo sâu xuống dưới đáy, nó gầm lên tức tối, ào ào dồn xô những làn sóng bạc đầu. Sau những chỗ núi nhô ra lòng sông, luồng nước chảy thành những xoáy nước trong những chỗ lòng chảo. Ở những chỗ ấy, nước như có phép yêu ma, cứ xoáy tròn một cách khủng khiếp, hễ mắt nhìn vào là bị hút xuống mãi.
Ngày tháng đã trôi từ đoạn nông bình an vô sự đến nơi nước xói sâu lòng sông hẹp. Quân khu Đông Thượng đang sôi sục. Hai luồng sức mạnh xô vào nhau, dân Cô-dắc nháo loạn đâm đầu vào xoáy nước. Những người còn trẻ và tương đối nghèo thì trù trừ nghi ngại, vẫn còn mong chờ chính quyền Xô viết lấy lại hoà bình, song bọn bô lão thì chủ trương tấn công và đã công khai nói rằng bên Đỏ muốn tiêu diệt cho hết người Cô-dắc.
Ngày mồng bốn tháng Ba, Kotliarov triệu tập đại hội nhân dân toàn thôn Tatarsky. Ít khi thấy dân chúng đến đông như thế nầy. Có thể vì Stokman đã đề nghị với Uỷ ban cách mạng ra đại hội sẽ chia cho các hộ nghèo nhất những tài sản mà bọn lái buôn bỏ chạy theo bọn Trắng đã đề lại. Trước khi họp đại hội thôn đã xảy ra một cuộc to tiếng gay gắt giữa Stokman và một cán bộ Quân khu. Anh chàng từ Vosenskaia tới và được uỷ quyền đem về khu số quần áo mà thôn đã tịch thu. Stokman nói với anh ta rằng Uỷ ban cách mạng không thể nộp ngay số quần áo đó được vì mới hôm qua đã phát hơn ba mươi chiếc áo ấm cho một đoàn xe chở thương binh và bệnh binh Hồng quân. Anh chàng trẻ tuổi kia lập tức giật giọng quát Stokman:
- Ai cho phép anh phát các quần áo tịch thu?
- Chúng tôi đã giải quyết không cần hỏi ý kiến ai cả.
- Nhưng anh có quyền gì phát tán tài sản nhân dân?
- Nầy, đồng chí đừng quát lác, đừng nói năng hồ đồ như thế.
Chẳng ai phát tán cái gì đâu. Những cái áo khoác lông chúng tôi tạm phát cho dân công vận tải vẫn còn giữ lấy biên nhận đây. Họ đem các chiến sĩ Hồng quân tới trạm, hết chặng đường rồi sẽ đem áo về trả lại. Còn anh em chiến sĩ thì gần như trần truồng, đưa họ đi trong lúc trên mình họ chỉ có độc chiếc áo ca-pốt mỏng manh thì khác gì đưa họ tới chỗ chết. Tôi làm thế nào không phát cho được? Hơn nữa quần áo đã nằm trong kho từ lâu mà có dùng làm gì đâu.
Stokman cố nén giận để giải thích và thật ra câu chuyện cũng có thể giải quyết xong một cách nhẹ nhàng, nhưng anh chàng mặt non choẹt kia nói giọng lạnh như tiền, tuyên bố dứt khoát:
- Anh là ai hử? Là chủ tịch Uỷ ban cách mạng à? Tôi bắt giữ anh? Bàn giao ngay công tác cho phó chủ tịch! Tôi sẽ giải anh ngay lên Vosenskaia. Biết đâu trong chuyện nầy anh chẳng đã ăn cắp nửa chỗ tài sản đó, còn tôi…
- Đồng chí có phải là đảng viên không? - Stokman hỏi, mắt lác xệch đi, mặt tái nhợt như xác chết.
- Chuyện đó không can gì đến anh! Công an đâu! Bắt lấy nó và giải gay lên Vosenskaia! Trao cho đội công an Quân khu, nhớ lấy giấy biên nhận.
Gã thanh niên lừ mắt nhìn Stokman.
- Lên trên đó tôi sẽ nói chuyện với anh. Anh sẽ biết tay tôi, đồ chuyên quyền làm bậy!
- Đồng chí! Đồng chí điên rồi à? Đồng chí cũng phải hiểu rằng…
- Không nói gì nữa! Câm ngay!
Kotliarov còn chưa kịp nói xen một lời nào vào cuộc cãi lộn thì đã thấy Stokman lù lù với tay lên khẩu Mauser treo trên tường, cử chỉ rất đáng sợ. Gã thanh niên trợn tròn con mắt, đầy vẻ kinh hoàng.
Nhanh như cắt, gã hích mông đẩy cánh cửa rồi ngã lăn ra, lưng nảy bần bật suốt mấy bậc thềm, rồi bò lên chiếc xe trượt tuyết. Trong lúc xe chưa chạy ra khỏi bãi thôn, gã cứ thúc vào lưng người đánh xe, chốc chốc lại ngoái đầu nhìn lại, rõ ràng là sợ có người đuổi theo.
Tiếng cười trong Uỷ ban cách mạng dội như sấm vào các khung cửa sổ. Anh chàng Davydka khỏe cười lăn lộn trên bàn, người co rúm. Nhưng mí mắt Stokman vẫn còn giật giật rất lâu như lên cơn thần kinh, mắt lác hẳn đi.
- Không thể như thế được, cái thằng đốn mạt đến thế! Chà, cái thằng khốn nạn! - Trong khi anh nhắc lại, những ngón tay cuốn điếu thuốc lá vẫn còn run bần bật.
Stokman ra dự cuộc họp cùng với Miska và Kotliarov. Người đứng trên bãi họp đông nghìn nghịt. Kotliarov thậm chí cảm thấy tim mình nhoi nhói một cách khó chịu. "Họ đến họp đông như thế nầy không phải là không có chủ tâm gì đâu… Cả thôn đều kéo ra bãi họp". Nhưng khi anh bỏ mũ bước vào trong vòng người thì nỗi lo lắng của anh được đánh tan ngay. Bọn Cô-dắc sẵn sàng tránh ra nhường lối cho anh đi. Mặt mọi người đều dè dặt, bình tĩnh, ánh mắt của một số người thậm chí còn có vẻ vui thích. Stokman đưa mắt nhìn một lượt đám Cô-dắc. Anh chỉ muốn làm cho không khí bớt căng thẳng, muốn khêu gợi cho quần chúng trao đổi ý kiến với mình và cũng bắt chước Kotliarov bỏ cái mũ da đỉnh đỏ có tai xuống. Anh nói to:
- Thưa các đồng chí Cô-dắc! Từ ngày thôn ta thành lập được chính quyền Xô viết, đến nay đã được một tháng rưỡi. Nhưng cho đến bây giờ Uỷ ban cách mạng chúng tôi vẫn nhận thấy về phía các đồng chí có một vẻ như thiếu tin tưởng đối với chúng tôi, thậm chí còn tựa như thù địch nữa là khác. Các đồng chí không đến dự các buổi họp, trong các đồng chí còn lưu truyền những tin đồn, những lời phao đồn vô nghĩa lý nói rằng hình như chính quyền Xô viết sẽ đem bắn tất cả mọi người, rằng có những sự ngược đãi của chính quyền Xô viết đối với các đồng chí. Đã đến lúc chúng ta cần phải trao đổi với nhau, như người ta thường nói là cởi mở tấm lòng ra mà nói chuyện với nhau, đã đến lúc cần xích lại gần nhau hơn! Chính các đồng chí đã tự bầu ra Uỷ ban cách mạng của mình. Kotliarov và Kosevoi là hai anh em Cô-dắc, cũng là người trong thôn các đồng chí, vì thế giữa các đồng chí với nhau không thể có một điều gì không nhất trí. Trước hết tôi xin kiên quyết thanh minh rằng các tin đồn do những kẻ thù của chúng ta gieo rắc nói rằng bà con Cô-dắc sẽ bị đem ra xử bắn hàng loạt, đó chỉ là một điều vu khống không hơn không kém. Mục đích của những kẻ tung ra lời vu khống đó rất rõ ràng: chúng nó muốn gây xích mích giữa bà con Cô-dắc và chính quyền Xô viết, đẩy các đồng chí sang hàng ngũ bọn Trắng một lần nữa.
- Anh bảo không bắn giết à? Thế bảy người kia đi đâu cả rồi! - Trong mấy hàng cuối có những tiếng kêu lên.
- Các đồng chí, tôi không nói rằng không có xử bắn. Chúng tôi đã xử bắn và sẽ còn xử bắn những kẻ thù của chính quyền Xô viết, còn xử bắn tất cả những kẻ muốn đem cái chính quyền của bọn địa chủ áp đặt lên đầu chúng ta. Chúng ta đã lật đổ vua Nga, đã chấm dứt chiến tranh với nước Đức, đã giải phóng nhân dân khỏi chế độ nông nô không phải để cho làm như thế. Cuộc chiến tranh với nước Đức đã đem lại cho các đồng chí những gì? Hàng ngàn anh em Cô-dắc bị giết, để lại vợ goá con côi, khánh kiệt hoang tàn…
- Đúng đấy?
- Chuyện ấy thì đồng chí nói đúng lắm?
- Chúng tôi chủ trương làm cho không còn có chiến tranh nữa. - Stokman nói tiếp. - Chúng tôi ủng hộ tình hữu nghị giữa các dân tộc! Trái lại dưới chính quyền vua Nga, chúng nó đã dùng bàn tay của các đồng chí để đi đánh chiếm đất đai cho bọn địa chủ và tư bản, để chính nhờ đó mà làm giàu thêm cho những thằng chúa đất và chủ nhà máy. Ở sát ngay bên hông các đồng chí có thằng địa chủ Litnhitki đấy. Ông nội nó đã được cấp bốn ngàn đê-xi-a-chim đất vì có tham gia cuộc chiến tranh năm Một nghìn tám trăm mười hai. Còn ông nội của các đồng chí thì đã nhận được gì? Đầu các cụ đã rơi trên đất Đức! Máu các cụ đã tưới cho đất Đức!
Bãi họp rộn hẳn lên. Tiếng ồn ào lắng dần, nhưng lập tức có người gầm lên ngay:
- Đúng lă-ă-ắm!
Stokman đưa mũ lên lau mồ hôi trên cái trán hói, rồi cất giọng kêu lên:
- Tất cả những kẻ cầm vũ khí chống lại chính quyền công nông, chúng ta sẽ tiêu diệt cho kỳ hết! Những tên Cô-dắc trong thôn các đồng chí vừa bị xử bắn theo lời tuyên án của toà án cách mạng là những kẻ thù của chúng ta. Tất cả các đồng chí đều biết như thế. Nhưng đối với các đồng chí là những anh em lao động, những người đồng tình với chúng tôi, chúng tôi sẽ kề vai sát cánh với các đồng chí, cùng đi bên nhau như những con bò trên luống cày. Chúng ta sẽ đoàn kết với nhau để cày mảnh đất gieo trồng đời sống mới, và sẽ bừa thật kỹ mảnh đất nầy, để làm cho các luống cày của chúng ta sạch quang, không còn một sợi cỏ dại nào của thời xưa, không còn một kẻ thù nào nữa! Để chúng nó không mọc rễ lại được nữa! Để chúng nó không thể mọc át cái mầm non của cuộc sống mới!
Stokman nghe thấy những tiếng rì rầm cố ghìm nén, nhìn thấy những nét mặt sôi nổi, biết rằng lời mình nói đã làm dân chúng Cô-dắc cảm động. Anh đã không nhầm: đã bắt đầu có được một cuộc trao đổi cởi mở.
- Đồng chí Yosif Davydovich ạ! Chúng tôi biết rõ đồng chí lắm, vì trước kia đồng chí đã có một dạo sống trong thôn chúng tôi, đối với chúng tôi đồng chí cũng chẳng khác gì anh em bà con. Đồng chí đừng ngại chúng tôi, đồng chí hãy nói thật là cái chính quyền của đồng chí muốn làm gì chúng tôi? Tất nhiên chúng tôi ủng hộ chính quyền nầy, những thằng con chúng tôi đã bỏ mặt trận, nhưng chúng tôi lại là những con người tăm tối, chúng tôi không nhìn rõ cái chính quyền của đồng chí nó ra sao…
Lão già Griadnov nói rất dài dòng nhưng cũng rất khó hiểu. Lão cứ rào trước đón sau, lẩn quẩn loanh quanh như những vết chân cáo, xem ra chỉ lo vạ miệng thì khốn. Gã cụt tay Alexandr Samin không nhịn được nữa:
- Tôi có thể nói được không?
- Anh cứ nói đi! - Kotliarov đồng ý, những lời trao đổi đã làm anh xúc động.
- Đồng chí Stokman, đồng chí hãy bảo trước cho tôi biết tôi có thể muốn nói gì thì nói được không?
- Đồng chí cứ nói đi.
- Nhưng các đồng chí không bắt tôi chứ!
Stokman mỉm cười, chỉ xua tay mà không nói gì.
- Nhưng phải với điều kiện là đồng chí đừng nổi giận mới được! Đầu óc tôi vốn giản đơn: trong bụng nghĩ như thế nào thì nói toạc ra như thế thôi.
- Em trai gã Alexandr là Marchin đứng phía sau hoảng lên cứ kéo cái ống tay rỗng của thằng anh, khẽ nói:
- Thôi đi sao lại ngốc thế? Thôi đi, không nói nữa, kẻo chúng nó lại để ý bây giờ. Anh sẽ bị ghi tên vào sổ đen đấy, anh Aleksey?
Nhưng gã kia giằng ra, quay nhìn đám người tụ họp, hai con mắt nháy lia lịa, vết sẹo trên má giật giật.
- Thưa chư vị Cô-dắc? Tôi sẽ nói và các vị nhận xét xem những lời tôi nói là đúng hay có thể là sai. - Gã xoay người trên gót chân một cách rất quân sự, quay nhìn Stokman, mắt nheo lại một cách rất giảo quyệt. - Tôi thì tôi hiểu như thế nầy: hễ nói là phải nói theo lương tâm. Đã chém thì phải chém cho thẳng tay? Vì thế tôi sẽ nói ngay là tất cả mọi người Cô-dắc chúng ta đang nghĩ gì, và tại sao chúng ta oán giận người cộng sản… Thưa đồng chí, vừa nãy đồng chí nói rằng các đồng chí không đánh vào người dân cày Cô-dắc, vì họ không phải là kẻ thù của các đồng chí. Các đồng chí chống lại bọn giàu có và tựa như đứng về phía người nghèo. Nhưng đồng chí hãy bảo, bắn giết mấy bà con trong thôn chúng tôi như thế có đúng không? Lão Korsunov thì tôi không nói làm gì, vì lão đã từng làm ataman, suốt dời cưỡi lên đầu lên cổ người khác. Còn như lão Apdevich "Vua nói phét" thì làm gì nên tội? Cả Kasulin Matvey nữa? Và Bogatyrev? Maidanikov? Còn Korolev nữa? Cả bọn đều tăm tối, giản đơn, vô tích sự chẳng khác gì chúng tôi. Họ chỉ được tập cầm cán cái cày chứ chưa được cầm quyển sách bao giờ. Trong số đó còn có những người mũ chữ nữa là khác. Toàn bộ văn chương chữ nghĩa bất quá chỉ được chữ A, chữ B. Nếu những con người như thế có nói điều gì không phải thì chẳng nhẽ vì thế mà đem họ ra nhằm trên đầu ruồi hay sao? - Aleksey lấy lại hơi, ngả hẳn người về phía trước, cái ống tay rỗng của chiếc trermen đập lên ngực, miệng gã méo xệch đi. - Các đồng chí bắt họ, những kẻ chỉ nói vài lời càn bậy, đem họ đi xử tử, nhưng lại không động gì đến bọn lái buôn! Bọn lái buôn đã đem tiền ra cho đồng chí để chuộc lấy cái mạng của chúng nó! Chứ chúng tôi thì còn lấy gì mà chuộc, quanh năm suốt đời rúc đầu vào hòn đất, có được trông thấy tờ giấy bạc bao giờ đâu! Mấy bà con vừa bị bắn chết ấy có lẽ sẽ đem bán con bò cuối cùng, miễn là giữ được cái mạng, nhưng các đồng chí có bắt họ nộp chiến phí đâu? Họ đã bị bắt và bị cách ngay cái mạng. Mà tất cả chúng tôi đều biết rõ những việc xảy ra trên Vosenskaia như thế nào rồi. Trên ấy tất cả những thằng lái buôn, cố đạo đều còn nguyên vẹn. Và ở Karginskaia thì có lẽ chúng nó cũng còn nguyên vẹn. Những việc xảy ra khắp nơi chúng tôi đều được nghe tin. Tiếng lành nằm nhà, còn tiếng dữ bay khắp gầm trời!
- Đúng đấy! - Phía sau chỉ có một người kêu lên.
Những tiếng lao xao dội lên, át cả tiếng Aleksey. Gã chờ một lát rồi không để ý tới cánh tay Stokman đang giơ lên, vẫn tiếp tục la to:
- Chúng tôi cũng hiểu rằng chính quyền Xô viết có thể là tốt thật, song những người cộng sản ngồi chễm chệ trên các cương vị công tác lại muốn thừa cơ dìm chết chúng tôi! Họ muốn trả thù chúng tôi về cái chuyện năm Một nghìn chín trăm linh năm1 Những lời như thế chúng tôi đã được nghe ở miệng những người lính Hồng quân. Vì thế giữa chúng tôi, chúng tôi nghĩ như thế nầy: bọn cộng sản muốn làm tuyệt nòi người mình, muốn treo cổ tất cả chúng mình lên, để trên vùng sông Đông không còn bóng vía một thằng Cô-dắc nào nữa. Đó là những lời tôi nói để cho đồng chí nghe đấy! Bây giờ thì tôi như một thằng say rượu: trong bụng có cái gì đều tuôn hết ra đầu lưỡi. Mà tất cả chúng tôi đều đang say vì mong muốn sống một cuộc đời tươi đẹp vì oán hận các đồng chí, oán hận những người cộng sản!
Aleksey lẩn sâu vào trong đám những chiếc áo lông ngắn. Bãi họp nằm lặng đi giờ lâu dưới bầu không khí đầy kinh hoàng.
Stokman vừa bắt đầu nói thì trong những hàng cuối đã có người hét to ngắt lời anh:
- Đúng đấy! Người Cô-dắc đang oán hận đấy! Các đồng chí hãy nghĩ xem hiện nay trong thôn đang có những câu hát như thế nào. Nói thẳng ra thì không phải ai cũng dám nói thẳng ra đâu, còn những bài hát thì người ta vẫn cứ hát. Bài hát thì không ai truy nã được. Có một bài theo điệu "Trái táo nhỏ" như thế nầy:
Samova đang sôi,
Cá đang chìm,
Kadet đến,
Chúng ta sẽ kêu.
- Có điều phải kêu đấy!
Có người phá lên cười rất không đúng lúc. Đám người nhốn nháo.
Người ta thì thào, người ta bàn tán…
Stokman chụp mạnh cái mũ lên đầu, móc trong túi ra bản danh sách mà Miska đã viết rồi kêu to:
- Không, không đúng như thế đâu! Những người đi theo cách mạng thì không có gì đáng oán hận cả! Lý do vì sao những kẻ thù của chính quyền Xô viết trong thôn các đồng chí bị xử bắn là như thế nầy. Các đồng chí hãy nghe đây? - Rồi anh đọc rành rọt, ngắt từng đoạn:
DANH SÁCH NHỮNG KẺ THÙ CỦA CHÍNH QUYỀN XÔ VIẾT BỊ BẮT VÀ GIẢI LÊN TRAO CHO UỶ BAN ĐIỀU TRA THUỘC TOÀ ÁN CÁCH MẠNG SƯ ĐOÀN 15 INDENSKAIA
Bên cạnh hai họ Melekhov và họ Bodovskov còn có mấy dòng ghi chú nhưng Stokman không đọc:
Số… Họ, tên, phụ danh…. Lý do bị bắt… Ghi chú
1 Korsunov Miron Grigorievich - cựu ataman, nhà giầu, làm giầu bằng sức lao động của người khác.
2 Sinilin Ivan Apdevich - Tung ra những luận điệu tuyên truyền lật đổ chính quyền Xô viết.
3 Kasulin Matvey Ivanovich - như trên
4 Maidanikov Semion Gavrilov - Đeo lon, hô to ngoài phố những lời chống chính quyền
5 Melekhov Panteley Prokofievich - Uỷ viên Cơ-rúc Quân khu
6 Melekhov Grigori Pancheleevich - Thiếu uý, có tư tưởng chống đối - phần tử nguy hiểm.
7 Kasulin Andrey Madveev - Tham gia vụ xử bắn các chiến sĩ Hồng quân Cô-dắc của Pochenkov
8 Bodovskov Fedot Nhikiphorov - Như trên.
9 Bogatyrev Ackhip Madveev - Trùm trưởng nhà thờ. Tuyên truyền chống chính quyền ở vọng gác. Xúi giục nhân dân và bọn phản cách mạng.
10 Korolev Dakha Leonchev - Không chịu nộp vũ khí. Phần tử không thể tin cậy.
"Chưa bắt được ba kẻ thù nầy của chính quyền Xô viết vì hai tên vừa bị cắt đi làm dân công tải đạn lên trấn Bokovskaia. Còn Melekhov Panteley thì đang bị thương hàn. Hai tên thứ nhất về tới thôn sẽ lập tức bắt giải ngay lên khu. Tên thứ ba sẽ bị bắt ngay sau khi khỏi bệnh".
Bãi họp lặng đi trong vài giây rồi bất thần nổ ra những tiếng la thét ầm ĩ:
- Không đúng?
- Láo! Chúng nó có nói những lời chống chính quyền!
- Những thằng như thế thì phải bắt giữ lại!
- Thế thì cứ nhìn vào miệng người ta hay sao?
- Họ bị vu oan giá hoạ đấy thôi?
Stokman lại nói thêm. Mọi người nghe anh nói với một thái độ có vẻ như chú ý, thậm chí còn có những tiếng kêu tán thành, nhưng cuối cùng, khi anh nêu vấn đề chia tài sản của những kẻ chạy theo bọn Trắng thì người ta chỉ trả lời bằng cách nín thinh.
- Tại sao bà con ta cứ như ngậm nước trong miệng thế? - Kotliarov bực tức hỏi.
Đám người chạy ùa ra lối về như những viên đạn ghém Xemka, một anh chàng bần nông vào hạng nghèo nhất, biệt hiệu là "Đầu gang", ngập ngừng tiến lên vài bước, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thế nào, lại vung chiếc găng tay không có ngón:
- Bọn chủ nhà chúng nó về thì tha hồ mà run!2
Stokman còn định khuyên mọi người đừng nên giải tán vội, nhưng Miska, mặt trắng bệch như bột bánh, đã rỉ tai Kotliarov:
- Mình đã bảo là chúng nó không nhận đâu. Đem các tài sản ấy đốt sạch đi ngay còn hơn là chia cho chúng nó!
Chú thích:
1 Trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản năm 1905 ở Nga, binh sĩ Cô-dắc đã bị Nga Hoàng đưa đi đàn áp nhân dân một cách thảm khốc. ND
2 Nguyên văn: tha hồ mà hấp háy con mắt. ND
Chương 145
Phần 6
Miska rũ đầu xuống, từ từ bước lên ngưỡng cửa nhà Mokhov, anh vừa đi vừa đập đập cái roi ngựa lên ống ủng, vẻ mặt đăm chiêu. Trong hành lang có mấy cái yên xếp thành một đống sát cửa ngay dưới đất. Xem ra có người vừa đến chưa được bao lâu: trên một chiếc bàn đạp còn thấy một đám tuyết chưa tan vàng khè vì lẫn với phân ngựa, trên tuyết hằn rõ lốt đế ủng của người cưỡi ngựa. Một vũng nước loáng nhoáng bên dưới chiếc bàn đạp. Miska đã nhìn thấy tất cả các thứ đó trong khi anh đi qua cái sân thượng bẩn thỉu. Mắt anh nhìn lướt qua dãy lan can chạm trổ sơn xanh đã mất vài con tiện, trên dải sương muối lờm xờm bám sát chân tường như đường viền tim tím. Anh nhìn rất nhanh cả mấy khung cửa sổ đổ mồ hôi bên trong, đùng đục như cái bong bóng bò. Nhưng tất cả những cái gì mà anh trông thấy đều không được ghi lâu trong ý thức của anh, đều trôi tuột đi lúc nào không biết, chập chờn như trong một giấc mộng.
Lòng thương và lòng căm thù Grigori Melekhov đang quyện lẫn với nhau trong trái tim đơn giản của Miska… người đầy tớ gái lúc nầy đang bận nhóm cái bếp lò kiểu Hà Lan. Phòng bên có tiếng mấy anh chàng công an cười rất to. "Kỳ quặc thật! Chúng nó có gì mà phởn thế?" - Miska thoáng có một ý nghĩ bực bội trong khi bước qua. Anh đập thêm một roi cuối cùng xuống ủng, vẻ mặt khó chịu, rồi không gõ cửa bước ngay vào căn phòng trong góc.
Kotliarov đang ngồi sau bàn giấy với chiếc áo bông mở phanh. Chiếc mũ lông đen hất lệch sang bên mon rất ngang tàng, nhưng khuôn mặt đẫm mồ hôi đầy vẻ mệt mỏi và ưu tư. Stokman ngồi bên cạnh, trên bậu cửa sổ với cái áo ca-pốt kỵ binh muôn thuở dài lượt thượt. Anh đón Miska bằng một nụ cười rồi giơ tay ra hiệu mời Miska ngồi xuống bên cạnh.
- Thế nào, Miska ngồi xuống đây.
Miska ngồi xuống, hai chân dang rộng. Giọng nói bình tĩnh và tò mò của Stokman đã có tác dụng làm anh chàng tỉnh ra.
- Có một người đáng tin cậy nói với tôi rằng… Tối hôm qua thằng Grigori Melekhov đã về nhà. Nhưng tôi còn chưa đến nhà nó.
- Về chuyện nầy cậu thấy nên làm thế nào?
Stokman cuộn điếu thuốc, chốc chốc lại hiêng hiếng nhìn Kotliarov, chờ xem anh trả lời ra sao.
- Bắt nó nhốt xuống hầm hay như thế nào? - Kotliarov hỏi giọng do dự, hai con mắt nháy lia lịa.
- Cậu là chủ tịch Uỷ ban cách mạng của chúng mình… Cậu liệu đấy! - Stokman mỉm cười và chỉ nhún vai, không hiểu ý anh định nói gì. Anh biết cười một cách nhạo báng cay độc đến nỗi nó làm người ta đau không kém gì một ngọn roi. Cái cằm của Kotliarov đầm đìa mồ hôi. Anh rít răng trả lời kiên quyết:
- Tôi là Chủ tịch, vì vậy tôi sẽ bắt cả thằng Griska lẫn thằng anh nó và giải đi Vosenskaia?
- Bắt thằng anh của thằng Grigori Melekhov thì vị tất đã được ích gì. Fomin đã là một ngọn núi cho nó dựa rồi. Cậu đã biết Fomin đã nói về nó những lời tốt đẹp như thế nào rồi đấy… Còn thằng Grigori thì phải bắt nó ngay hôm nay, ngay bây giờ! Ngày mai chúng ta sẽ giải nó lên Vosenskaia, nhưng các tài liệu về nó thì ngay hôm nay phải cho một cậu công an cưỡi ngựa đưa thẳng cho đồng chí Chánh án toà án cách mạng.
- Có lẽ đến tối hãy nên bắt thằng Grigori, đồng chí Yosif Davydovich thấy thế nào?
Stokman ho sặc lên một hồi, anh chờ hết cơn mới chùi râu và hỏi:
- Sao lại chờ đến tối?
- Đỡ điều ra tiếng vào…
- Chà, cậu có biết… làm như thế là ngớ ngẩn hay không?
- Miska, cậu gọi ngay hai cậu nữa, lập tức bắt ngay thằng Griska. Giam riêng nó ra. Hiểu chưa?
Miska tụt trên bậu cửa sổ xuống, đi ra chỗ mấy anh chàng công an. Stokman lệt sệt lê đôi ủng má mòn vẹt, cũ đến bạc phếch, đi đi lại lại trong phòng. Rồi anh đứng lại trước cái bàn và hỏi:
- Số vũ khí thu được lần cuối cùng cậu đã gửi đi chưa?
- Chưa?
- Sao vậy?
- Hôm qua chưa kịp gửi đi.
- Sao vậy?
- Hôm nay sẽ gửi đi.
Stokman cau mặt, nhưng anh lập tức giương cao hai hàng lông mày, hỏi rất nhanh:
- Hai anh em nhà Melekhov đã nộp những gì?
Kotliarov nheo mắt mỉm cười, cố nhớ lại:
- Chúng nó nộp cái gì cũng có đôi, hai khẩu súng trường và hai khẩu Nangan. Nhưng đồng chí nghĩ thế nào, đã hết chưa?
- Chưa hết à?
- Ái chà chà! Còn có ai ngốc hơn đồng chí nữa không?
- Tôi cũng nghĩ như thế. - Stokman mím chặt môi lại. - Nếu ở cương vị cậu thì ngay khi bắt được nó tôi sẽ tổ chức một cuộc khám nhà nó thật cẩn thận. Nhân tiện cậu cũng nên báo cáo bộ tư lệnh. Suy nghĩ thì cậu cũng có suy nghĩ đấy, nhưng ngoài ra còn phải hành động nữa mới được.
Nửa giờ sau Miska trở về. Anh chàng chạy xăm xăm qua sân thượng mở cửa đánh rầm, rồi đứng lại ở ngưỡng cửa, lấy lại hơi, quát to:
- Mẹ nó chứ?
- Sa-a-ao? - Stokman bước nhanh tới hỏi, hai con mắt trợn tròn một cách đáng sợ, chiếc áo ca-pốt dài lượt thượt quấn cả vào chân, tà áo loạt soạt trên ủng.
Không biết do cái giọng nói rất khẽ của Stokman hay vì một nguyên nhân nào khác mà Miska phát khùng gào lên:
- Nầy đồng chí đừng trợn mắt lên như thế! - Đến đây Miska vặc một tiếng rất tục. - Chúng nó bảo thằng Griska đến Xinghin, đến nhà dì nó rồi, nhưng chuyện nầy có phải do tôi gây ra đâu? Còn các đồng chí thì trong khi đó các đồng chí làm gì hử? Ngồi nhổ đinh trên tường à? Đấy! Thế là để xổng mất thằng Griska rồi? Còn tôi thì chớ có rầy la gì tôi? Công việc của tôi là công việc thiên lôi, chỉ đâu đánh đấy. Còn các đồng chí thì đầu óc các đồng chí nghĩ những gì hử? - Miska thấy Stokman tiến sát tới trước mặt mình bèn lùi lại, đưa lưng vào cái thành lò sưởi lát gạch hoa, cười hì hì. - Nầy chớ có dồn tôi, đồng chí Yosif Davydovich! Đừng có dồn tôi, nếu không tôi đánh cho mà xem!
Stokman đứng một lát trước mặt Miska, bẻ ngón tay răng rắc.
Anh nhìn hai hàm răng Miska nhe ra trắng loá, nhìn cặp mắt tươi cười và thẳng thắn của Miska rồi nói dằn từng tiếng:
- Có biết đường đi Xinghin không?
- Có biết.
- Thế thì sao còn mò về đây? Thế mà dám mở miệng nói rằng đã từng đánh nhau với bọn Đức rồi đấy… Đồ ăn hại? - Rồi anh nheo mắt vờ tỏ vẻ khinh bỉ.
***
Đồng cỏ nằm dài dưới một làn sương mù xanh xanh, mung lung như khói. Vầng trăng đỏ ngầu đang lên sau ngọn gò bên kia sông Đông. Vầng trăng toả sáng một cách dè sẻn, và không làm mờ chút nào những ngôi sao lấp lánh như lân tinh.
Sáu người cưỡi ngựa đang tiến trên con đường đi Xinghin. Những con ngựa chạy nước kiệu. Bên cạnh Miska, Stokman đang bị xóc trên chiếc yên ngựa long kỵ binh. Con ngựa rất cao màu hạt dẻ giống sông Đông lúc nào cũng muốn lồng lên và cố tìm cách cắn vào đầu gối người cưỡi. Với bộ mặt phớt lạnh, Stokman kể một câu chuyện buồn cười gì đó, Miska cúi rạp mình xuống mũi yên, phá lên cười, tiếng cười lanh lảnh từng tràng như con nít, vừa cười vừa nấc nghẹn, vừa cố nhìn xuống dưới cái khăn bịt đầu tìm hai con mắt nghiêm nghị và chăm chú của Stokman.
Mọi người sục rất kỹ ở Xinghin nhưng chẳng thu được kết quả gì cả.
Chương 146
Phần 6
Sau khi tới Bokovskaia, Grigori lại bị bắt phải đi Chernysevskaia. Mươi ngày sau chàng mới về nhà. Nhưng hai ngày trước khi chàng về tới nơi, ông bố đã bị bắt, ông Panteley Prokofievich mới khỏi bệnh thương hàn, vừa chập chững đi lại được. Ông rời khỏi giường bệnh với bộ tóc càng bạc nhiều hơn, người gầy rạc như một bộ xương ngựa. Bộ tóc xoăn bạc trắng rụng từng đám như bị mối ăn, chòm râu cũng thưa đi với khoảng chung quanh trắng phơ như bọt xà phòng.
Người công an cho mươi phút để sửa soạn rồi giải đi ngay. Trước khi bị đưa đi Vosenskaia, ông đã bị nhốt dưới tầng hầm của nhà Mokhov. Trong căn hầm nặc mùi táo hồi hương, ngoài ông ra còn có chín lão già và một tên bồi thẩm.
Trước khi Grigori kịp bước chân qua cổng. Petro đã báo cho chàng biết tin đó và khuyên:
- Em ạ, mầy chuồn ngay đi thôi… Chúng nó đã đến hỏi xem bao giờ mày về rồi đấy. Mầy vào sưởi ấm qua quít, thăm con một cái rồi tao sẽ đánh xe đưa mày đến thôn Ryvnyi. Đến đấy mầy sẽ lẩn cho kín mà chờ thời cơ. Nếu chúng nó đến hỏi, tao sẽ bảo là mày đến nhà dì ở Xinghin. Thôn ta đã có bảy người bị xử bắn rồi đấy, mầy đã được biết chưa? Chưa biết chừng cha cũng không thoát khỏi cái vòng ấy đâu… Còn mầy thì chẳng còn phải nói làm gì!
Grigori ngồi lại trong bếp chừng nửa giờ rồi thắng ngay con ngựa của chàng và ngay đêm hôm ấy đi Ryvnyi. Một người Cô-dắc họ xa với nhà Melekhov đã niềm nở cho Grigori trốn trong một nơi đế phân khô. Chàng phải chui rúc trong đó hai ngày liền, đến đêm mới dám bò trong cái lỗ của mình ra.
Chương 147
Phần 6
Ở Xinghin về hôm trước thì hôm sau Miska đi Vosenskaia để hỏi xem bao giờ họp chi bộ đảng. Cùng với Kotliarov, Emelian, Davydka và Finka, Miska đã quyết định làm các thủ tục xin vào đảng.
Miska mang theo số vũ khí cuối cùng mà bọn Cô-dắc mới đem nộp, khẩu súng máy nặng bắt được trong sân trường học và bức thự mà Stokman viết cho chủ tịch Uỷ ban cách mạng khu. Trên đường đi Vosenskaia, khi chạy qua bãi cỏ hoang ven sông, chiếc xe đã làm cho vài chú thỏ rừng chạy vọt trong hang ra. Trong những năm chiến tranh, thỏ rừng đã sinh sôi nảy nở nhiều đến nỗi chúng chạy loạn lên, có thể nói là đi một bước đều có thể gặp. Có bao nhiêu bụi cỏ vũ mâu vàng thì có bấy nhiêu hang thỏ. Một chú thỏ xám bụng trắng nghe thấy tiếng xe rít hoảng lên chạy ràn rạt qua bãi cỏ hoang, cái đuôi viền đen lấp loáng. Emelian đang điều khiển hai con ngựa, anh ta quẳng dây cương, hét lên một cách hung dữ:
- Bắn đi! Kìa, xin nó tí tiết đi!
Miska nhảy phắt trên xe xuống, quì một chân bắn theo cái đám lông xám đang chạy vun vút, hết một kẹp đạn. Anh chàng thất vọng nhìn mấy viên đạn bắn tung những đám tuyết vụn trắng loá xung quanh, còn đám lông kia vẫn cứ tăng tốc độ chạy như bay, làm tuyết rơi lả tả từ trên những bụi cỏ, rồi trốn vào trong rừng rậm.
***
Trụ sở Uỷ ban cách mạng nhốn nháo không còn trật tự gì nữa. Mọi người chạy đi chạy lại với những bộ mặt hoảng hốt, chốc chốc lại có những liên lạc hoả tốc cưỡi ngựa trở về, phố xá hoang vắng một cách lạ lùng. Miska rất ngạc nhiên, anh không hiểu sao lại có cái cảnh tượng lăng xăng tất bật đầy lo lắng như thế. Phong thư của Stokman thì phó chủ tịch Quân khu thẫn thờ bỏ vào túi. Thấy Miska hỏi có trả lời không, ông lầu bầu, vẻ mặt nghiêm khắc:
- Thôi để cho người ta được yên, xéo đi đâu thì xéo! Không có đâu thì giờ mà nghĩ tới việc của các anh được?
Các chiến sĩ Hồng quân của đại đội cảnh vệ lượn đi lượn lại trên quảng trường. Một chiếc xe nhà bếp dã chiến chạy qua, khói phun nghi ngút. Mùi thịt bò và mùi lá nguyệt quế toả ra thơm phức trên quảng trường.
Miska tạt vào Toà án cách mạng, tới chỗ một anh em quen biết để hút thuốc. Anh hỏi:
- Chỗ các đồng chí đây làm gì loạn cả lên thế?
Một người dự thẩm phụ trách các vụ án địa phương tên là Gromov miễn cưỡng trả lời anh:
- Ở Kazanskaia hình như không được yên ổn lắm thì phải. Không biết là có bọn Trắng chọc thủng vào được hay là bọn Cô-dắc nổi dậy. Nghe đồn hôm qua trong vùng đó có đánh nhau. Đường dây điện thoại đã bị cắt đứt.
- Cần phải cho liên lạc cưỡi ngựa tới đấy mới được.
- Có điều đi rồi. Hôm nay lại có thêm một đại đội đi Elanskaia. Cả về phía đó tình hình cũng không được êm đẹp.
Mấy người ngồi hút thuốc bên cửa sổ. Tuyết rơi lất phất bên ngoài những vuông kính trên cửa sổ ngôi nhà rất bề thế của lão lái buôn mà Toà án lấy làm trụ sở.
Có những tiếng súng nổ trầm trầm không biết ở chỗ nào bên ngoài thị trấn, trong khoảng rừng thông, về hướng Chernaia. Miska tái mặt để rơi điếu thuốc. Mọi người trong nhà đều đổ xô ra sân.
Tiếng súng đã vang rất to, rất dữ dội. Một loạt đạn bắn đều dội lên, át cả những tiếng súng mỗi lúc một dồn dập. Những viên đạn rít lên, xuyên thun thút qua các mảnh ván của vách nhà kho, qua cổng nhà.
Một chiến sĩ Hồng quân bị thương ở ngoài sân. Gromov chạy ra quảng trường, vừa chạy vừa vo một nắm giấy tờ nhét vào túi. Các chiến sĩ còn lại của đại đội cảnh vệ tập họp ở gần trụ sở của Uỷ ban cách mạng. Người đại đội trưởng mặc một chiếc áo da thuộc rất ngắn chạy như con thoi giữa đám chiến sĩ Hồng quân, rồi cho đại đội chạy nước kiệu theo đội hình hàng dọc ra chỗ dốc xuống sông Đông. Tinh thần chung bắt đầu hoang mang dao động một cách cực kỳ nguy hiểm. Người chạy lung tung trên quảng trường. Một con ngựa yên cương đầy đủ nhưng không có người cười, ngẩng cao đầu phi nước đại qua.
Miska hết hồn hết vía, không hiểu mình làm thế nào mà cũng có mặt trên quảng trường. Anh nhìn thấy Fomin mặc chiếc áo choàng lông chạy vụt từ trong nhà thờ ra như một cơn lốc đen ngòm. Một khẩu súng máy nặng buộc sau đuôi con ngựa cao lớn của anh ta. Những bánh xe không kịp quay nữa, khẩu súng cứ lạng đi và bị kéo lết sau con ngựa phi nước đại, hết nghiêng bên nọ lại ngả bên kia.
Fomin cúi rạp mình trên mũi yên, mất hút sau quả núi, để lại sau lưng một làn bụi tuyết trắng như bạc.
"Ra chỗ hai con ngựa!" - đó là ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu óc Miska. Thế là anh cúi người xuống thật thấp chạy qua ngã tư, không dừng lại một lần nào để lấy lại hơi. Tim anh như ngừng đập cho tới khi về tới nhà trọ. Emelian đang thắng hai con ngựa, nhưng anh chàng hoảng quá không làm thế nào móc được dây thắng.
- Có gì thế, Miska? Có chuyện gì thế? - Emelian lắp bắp hỏi, hai hàm răng đập vào nhau lập bập. Thắng xong ngựa vào xe thì không thấy dây cương đâu, mắc được dây cương vào rồi thì đoạn dây bên trái cổ ngựa lại tuột ra.
Cái sân ngôi nhà hai người ở trọ thông ngay ra đồng cỏ. Miska đưa mắt nhìn về phía đám thông, nhưng về hướng đó không thấy một đội hình tản khai nào của bộ binh, cũng chẳng có làn sóng tấn công nào của kỵ binh. Vẫn có những phát súng nổ, không biết từ chỗ nào. Phố xá vắng tanh. Tất cả có vẻ bình thường, chán ngấy. Nhưng trong khi đó một điều khủng khiếp đang diễn ra: cuộc nổi loạn đang làm mưa làm gió.
Trong lúc Emelian loay hoay thắng ngựa, Miska không rời mắt khỏi hai con ngựa một lúc nào. Anh thấy một người mặc áo bành tô đen chạy từ sau ngôi nhà thờ nhỏ qua chỗ trạm vô tuyến điện thoại bị cháy hồi tháng Chạp. Người ấy áp tay lên ngực, cúi rạp xuống chạy bán sống bán chết. Chiếc áo bành tô đã giúp cho Miska nhận ra viên dự thẩm Gromov. Anh vừa nhìn thấy Gromov thì từ sau một dãy hàng rào đã hiện ra một người cưỡi ngựa. Cả người nầy, Miska cũng nhận ra. Đó là gã Cô-dắc Chernhitkin người trấn Vosenskaia, một tên bạch vệ còn trẻ nhưng hết sức phản động. Khoảng cách giữa Gromov và Chernhitkin là chừng một trăm xa-gien. Gromov vừa chạy vừa ngoái nhìn lại hai lần rồi rút trong túi ra một khẩu súng ngắn. Đùng lên một phát súng rồi một phát nữa. Gromov nhảy lên đỉnh một cái gò cát, bắn bằng khẩu Nagan. Con ngựa còn đang chạy. Chernhitkin đã nhảy xuống. Tay vẫn giữ dây cương, hắn hạ khẩu súng trường, nằm xuống một đống tuyết. Hắn mới bắn một phát mà Gromov đã lạng người đi, phải đưa tay trái ra nắm lấy một cành cây khô. Gromov lảo đảo đi thêm vài bước trên ngọn gò rồi ngã úp mặt xuống tuyết. "Bị bắn chết rồi!" - Miska lạnh cả gáy.
Chernhitkin vốn là một tay thiện xạ bậc nhất. Với khẩu carbin kiểu Áo đem về từ sau cuộc chiến tranh với Đức, hắn bắn bách phát bách trúng bất kỳ mục tiêu nào ở bất cứ cự ly nào. Sau khi nhảy ra khỏi cổng ngôi nhà, ngồi lên chiếc xe trượt tuyết rồi, Miska còn nhìn thấy Chernhitkin cho con ngựa phi lên ngọn gò và vung gươm chém lên chiếc áo bành tô đen nằm chéo trên tuyết.
Cho xe chạy qua sông Đông về Batki thì rất nguy hiểm. Trên mặt sông mênh mông trắng loá hai con ngựa và hai người đi xe sẽ trở thành một cái bia bắn cực tốt.
Trên mặt sông đã có hai chiến sĩ Hồng quân trong đại đội cảnh vệ trúng đạn nằm lại. Vì thế Emelian lái hai con ngựa, cho chạy qua hồ, vào rừng. Tuyết phủ trên lớp băng đã thấm nhiều nước. Những tia nước và những nắm tuyết bị hất tung tóe dưới vó ngựa. Đòn trượt tuyết hằn lên hai vạch dài rất sâu. Hai con ngựa chạy về tới thôn trong một nước đại điên cuồng. Nhưng khi đến chỗ qua sông, Emelian quay khuôn mặt bị gió quất đỏ rực, nhìn Miska:
- Làm thế nào bây giờ? Nếu thôn ta cũng đã nháo lên như thế rồi thì sao?
Mắt Miska đượm vẻ buồn. Anh nhìn khắp thôn một lượt. Trên dãy phố gần sông Đông nhất thấy có hai người cưỡi ngựa. Có lẽ Miska tưởng đó là hai người công an.
- Cứ cho xe về thôn thôi. Chúng ta không còn chỗ nào mà đi nữa rồi! - Anh nói giọng kiên quyết.
Emelian thúc ngựa một cách hết sức miễn cưỡng. Chiếc xe vượt qua sông Đông, và leo lên dốc tới lối vào thôn. Gã Anchip con lão "Vua nói phét" cùng hai lão già đầu trên thôn chạy từ phía trước lại:
- Ồ, Miska! - Emelian thấy trong tay gã Anchip có một khẩu súng trường bèn kéo ngựa, quay phắt trở lại.
- Đứng lại!
Một phát súng nổ. Emelian ngã vật xuống, dây cương vẫn không rời tay. Hai con ngựa lao đầu vào dãy hàng rào. Miska nhảy ra khỏi xe. Anchip đi đôi ủng ngắn lảo đảo chạy tới, vừa chạy vừa trượt chân. Rồi gã đứng lại, giương súng lên vai. Miska ngã dúi vào dãy hàng rào còn nhìn thấy mấy cái răng trắng loá của chiếc đinh ba trong tay một lão già.
- Cho nó một trận!
Miska cảm thấy đau như cháy vai, ngã vật xuống, đưa hai tay lên che mắt, không kêu một tiếng nào. Một tên thở hổn hển cúi xuống đâm cho anh một nhát đinh ba.
- Đứng dậy, đồ chó!
Những việc xảy ra tiếp theo, Miska còn nhớ tất cả như trong một giấc mơ. Gã Anchip khóc nức nở chạy tới túm lấy ngực anh.
- Nó đã làm cho cha tôi phải chết… Buông tôi ra, các cụ! Để tôi moi tim nó ra?
Những tên khác lôi được gã ra. Người kéo đến đã đông. Một người khuyên gã bằng một giọng khàn khàn như phải cảm:
- Thôi tha cho thằng nầy! Bà con ta không còn đeo thánh giá nữa hay sao thế? Thôi đi, Anchip! Ông cụ nhà anh không thể cứu sống lại được nữa rồi, thế mà anh còn muốn làm chết thêm một mạng nữa hay sao? Anh em ta giải tán đi thôi! Đằng kia, trong nhà kho đang chia đường đấy. Ta ra đằng ấy đi…
Đến tối Miska tỉnh lại ngay dưới chân dãy hàng rào đó. Chỗ cái đinh ba đâm vào sườn nhức và nóng như lửa. Răng đinh ba xuyên qua cái áo lông ngắn và cái áo bông, ăn vào người không sâu lắm. Nhưng vết thương rất đau, máu đông lại từng đám. Miska đứng dậy lắng nghe. Có lẽ những tên tuần cảnh của bọn phiến loạn đang đi trong thôn. Đùng đoàng có những tiếng súng nổ thưa thớt. Chó sủa oăng oẳng. Xa xa có tiếng người nói lao xao mỗi lúc một gần. Miska đi dọc sông Đông theo con đường bò ngựa thường đi. Anh lần tới một khoảng vách đứng, bò dưới chân những dãy hàng rào, đưa hai tay sờ soạng trên lớp tuyết đóng băng thành một cái vỏ cứng, sầy cả da, chốc chốc lại ngã dúi xuống. Anh không nhận ra mình đang ở chỗ nào, nhưng vẫn bò hú hoạ. Khắp người bị lạnh quá cứ run bần bật, hai tay cóng lại. Chính cái lạnh đã bắt anh phải mò tới trước cổng một căn nhà, không biết là nhà ai. Miska mở cái cửa hàng rào đan bằng cành cây khô, vào tới sân sau. Bên trái thấy một căn để trấu. Anh đã định lần ra đấy, nhưng ngay lúc có tiếng chân người và tiếng ho.
Một người đi về phía căn nhà trấu, đế của đôi ủng da dẫm cọt kẹt. "Mình sẽ bị chúng nó giết ngay đây". - Miska thoáng có một ý nghĩ lãnh đạm, như về một người nào khác. Người kia đi đến khung cửa tối om thì đứng lại.
- Ai thế? - Giọng nói nghe yếu ớt và có vẻ như sợ hãi.
Miska bước ra sau bức tường.
- Ai đấy? - Tiếng hỏi đã to hơn và càng có vẻ lo lắng hơn.
Miska nhận ra tiếng Stepan Astakhov bèn bước tới từ trong nhà trấu ra.
- Anh Stepan, tôi đây, Miska Kosevoi đây… Anh cứu tôi với, anh hãy vì Chúa mà cứu tôi với! Anh có thể không nói cho ai biết được không? Anh giúp tôi nhé!
- Cứ ngỡ là ai… - Stepan vừa đứng dậy được sau đợt thương hàn, giọng nói còn rất yếu. Anh ta gầy quá nên miệng dài hẳn ra trong một nụ cười rộng hoác đầy vẻ nghi ngại. - Thôi được, cậu cứ nghỉ đêm ở đây, nghỉ một ngày rồi đi đâu thì đi. Nhưng cậu làm thế nào mò được tới đây thế nầy?
Miska không trả lời, chỉ nắm lấy tay Stepan rồi chui luôn vào đống trấu.
Hôm sau, trời vừa tối, Miska đã liều mạng lần về đến nhà, gõ cửa sổ. Bà mẹ ra mở cửa cho anh vào phòng ngoài. Bà khóc oà lên, đưa hai tay sờ soạng, ôm lấy cổ Miska, đập đầu vào ngực Miska.
- Thôi đi đi con ạ! Con hãy vì Chúa mà đi đi, Miska! Sáng hôm nay đã có mấy thằng Cô-dắc đến nhà ta… Chúng nó sục khắp nhà để tìm con. Thằng Anchip con lão "Vua nói phét" cầm roi ngựa quật mẹ. Nó bảo: "Mày giấu thằng con mày. Chỉ tiếc rằng tao đã không giết nó ngay lúc ấy!"
Anh em mình đang ở đâu bây giờ, Miska không thể nghĩ ra được. Tình hình trong thôn như thế nào anh cũng không biết. Qua vài lời mẹ kể ngắn ngủi, anh hiểu rằng tất cả các thôn hai bên sông Đông nổi loạn, rằng Stokman, Kotliarov cùng mấy người công an đã cưỡi ngựa bỏ chạy, còn Finka và Timofey thì bị giết ở ngoài bãi ngay trưa hôm qua.
- Đi đi con! Chúng nó đến đây tìm thấy con mất…
Bà mẹ khóc, giọng bà đau khổ nhưng rất cứng rắn. Đã lâu lắm, đây là lần đầu tiên Miska khóc. Anh nức nở như một đứa con nít, nước bọt sùi cả ra mép. Rồi anh ra đóng yên con ngựa cái đang cho con bú, chính con ngựa anh đã mang theo hồi làm công việc chăn ngựa. Anh dắt nó ra sân đập lúa. Bà mẹ và con ngựa con lẽo đẽo theo sau. Bà mẹ đỡ Miska lên ngựa rồi làm dấu phép chúc phước cho anh.
Con ngựa cái cất bước một cách miễn cưỡng, nó hí lên hai lần để gọi con. Cả hai lần, trái tim của Miska đều như rụng ra, tụt xuống chỗ nào bên dưới. Nhưng anh đã lên gò được yên ổn rồi cho con ngựa chạy nước kiệu trên con đường của các vị Ghet-man, về phía đông, theo hướng trấn Ust-Medvediskaia. Đêm hôm ấy tối mù mịt, đúng là một đêm của kẻ trốn chạy. Con ngựa cái sợ lạc mất con, chốc chốc lại hí lên. Miska nghiến răng quất đầu roi vào tai nó, chốc chốc lại cho nó đứng lại, để lắng nghe xem phía sau hay phía trước có tiếng ngựa chạy không, trong lòng thấp thỏm chỉ lo tiếng con ngựa hí làm cho có người chú ý. Nhưng bốn bề vẫn chết lặng như trong thần thoại. Miska chỉ nghe thấy tiếng con ngựa con thừa lúc đứng lại để bú mẹ. Nó ấn hai cái chân sau nhỏ xíu xuống luyết, áp mõm vào cái vú thâm xịt của mẹ, môi bập bập. Miska, ngồi trên lưng con ngựa mẹ cũng cảm thấy con ngựa con rúc rúc lên như đòi hỏi.