15/3/13

Sông Đông êm đềm (PVI-C153-156)

Chương 153



Phần 6


Grigori đã đem nửa đại đội đánh tan đoàn xe vận tải tuyến thứ nhất của trung đoàn Damursky. Tám chiến sĩ Hồng quân bị chém chết. Bắt được bốn chiếc xe chở đạn và hai con ngựa chiến. Nửa đại đội chỉ mất một con ngựa bị giết và một gã Cô-dắc bị xây xát không đáng kể.
Grigori rút về dọc theo sông Đông cùng với bốn chiếc xe vừa cướp được, không bị ai đuổi theo. Thắng lợi làm trong lòng chàng như mở cờ. Nhưng trong khi đó cuộc chiến trên ngọn gò đã đi đến chỗ kết thúc. Ngay từ trước khi trận chiến mở màn, một đại đội kỵ binh của trung đoàn Damursky đã vu hồi rất xa trên một con đường vòng mười vec-xta rồi bất thình lình xuất hiện ở sau cái gò và tập kích vào những tên giữ ngựa. Toàn bộ tình hình bị đảo lộn. Bọn giữ ngựa nhảy vội lên ngựa phi như bay từ dưới chân bờ vách Đỏ lên, chỉ kịp trao ngựa cho một gã Cô-dắc. Trong khi đó số còn lại đã thấy những lưỡi gươm sáng loà của các chiến sĩ Damursky lấp loáng trên đầu. Nhiều gã coi ngựa không có vũ khí, thả ngựa chạy tán loạn.
Đại đội bộ binh sợ bắn nhầm quân mình không thể nổ stíng được. Chúng lao mình xuống bờ vách, ào ào như những hạt đậu dốc ra từ trong một cái túi, rồi leo lên bên kia, bỏ chạy không còn hàng ngũ gì nữa. Phần lớn bọn kỵ binh nhận được ngựa. Chúng đua nhau phi bạt mạng về thôn, mạnh ai nấy thoát.
Lúc đầu, Petro vừa nghe thấy tiếng kêu, quay đầu nhìn lại, thấy làn sóng kỵ binh ập tới chỗ bọn giữ ngựa, bèn ra lệnh:
- Lấy ngựa! Bộ binh! Latysev? Vượt sang bên kia bờ vách!
Nhưng hắn đã không kịp chạy đến chỗ tên coi ngựa của hắn. Con ngựa của hắn được trao cho một thằng còn trẻ tên là Andriuska Bakhlenov giữ. Andriuska cho ngựa phi nước đại đến trước mặt Petro Hai con ngựa của Petro và Fedot Bodovskov chạy song song bên phải nó. Nhưng một chiến sĩ Hồng quân mặc chiếc áo da thuộc màu vàng mở phanh đã phi ngựa như bay tới bên cạnh Andriuska, quát to:
- Ông chẻ xác mày ra, lính tráng gì mày!
Rồi vung thẳng cánh chém nó một nhát. Nhưng phúc bảy mươi đời thằng Andriuska, trên vai nó lại lắt lẻo một khẩu súng trường.
Đáng lẽ chém trúng cái cổ quấn một chiếc khăn quàng màu trắng của nó, thanh gươm lại lượt đánh soạt theo nòng súng, rít lên, bật khỏi tay người chiến sĩ rồi bay vụt lên không thành một đường vòng cung. Con ngựa của Andriuska chạy đương hăng nhảy chồm sang bên cạnh, phi vụt lên. Hai con ngựa của Petro và Bodovskov cũng vùng chạy theo…
Petro ối chà một tiếng, đứng sững lại trong một giây, mồ hôi lập tức vã ra đầm đìa trên khuôn mặt tái mét. Hắn quay đầu nhìn lại: chừng một chục gã Cô-dắc đang chạy về phía hắn.
- Chúng ta khốn mất rồi! - Bodovskov kêu lên. Nỗi kinh hoàng làm mặt hắn méo hẳn đi.
- Xuống dưới bờ vách, anh em Cô-dắc! Anh em, xuống bờ vách!
Petro cố tự chủ chạy tới bờ vách trước tiên rồi mặc cho mình rơi tuột theo cái vách đứng cao ba mươi xa-gien. Hắn bị vướng không biết vào cái gì nên chiếc áo lông bị rách toạc từ túi ngực xuống tới gấu. Rồi hắn đứng chồm lên, rũ lắc toàn thần như một con chó. Những tên Cô-dắc khác rơi ào ào từ phía trên xuống theo, vừa rơi vừa lộn nhào nom rất man rợ. Cùng một lúc rơi xuống mười một tên, kể cả Petro là mười hai.
Trên kia tiếng súng vẫn đùng đùng, vẳng xuống những tiếng người kêu, tiếng vó ngựa. Trong khi đó dưới chân bờ vách những gã Cô-dắc vừa nhào xuống cứ ra sức rũ tuyết rũ cát trên mũ lông một cách ngớ ngẩn, có gã xát những chỗ bị đau. Marchin Samin tháo qui-lát, thổi phù phù vào cái nòng súng đầy tuyết. Thằng Manytkov con trai lão ataman thôn đã qua đời, còn rất ít tuổi. Nó sợ hết hồn hết vía, run bắn người lên, nước mắt ròng ròng hai bên má.
- Làm thế nào bây giờ? Anh Petro, đưa chúng tôi chạy đi thôi? Chết đến nơi rồi… Chúng ta chạy đi đâu bây giờ? Giời ôi, chúng nó giết anh em ta mất.
Petro lần theo lòng khe ra sông Đông, hai hàm răng đập vào nhau lách cách. Những tên khác chạy lốc nhốc theo hắn như một đàn cừu.
Petro cố hết sức giữ chúng lại:
- Đứng lại! Ta bàn nhau đã… Đừng chạy! Chúng nó bắn theo đấy!
Hắn đưa tất cả bọn kia đến một chỗ nước chảy hõm vào trong cái sườn vách toàn đất sét đỏ rồi cố giữ vẻ bình tĩnh, lắp bắp đề nghị:
- Không xuống bên dưới được đâu. Chúng nó đuổi theo anh em mình xa đấy… Phải ở lại đây… Tản vào các chỗ hõm… Ba cậu chạy sang phía bên nầy… Chúng ta sẽ bắn lại! Nếu bị chúng nó bao vây ở đây cũng có thể cố thủ được…
- Nhưng chúng ta nguy mất rồi! Bố mẹ ơi! Anh em ơi! Các anh cho tôi ra khỏi chỗ nầy thôi? Tôi không muốn… tôi không muốn chết! - Thằng Manytkov lông mày trắng từ nãy vẫn khóc thút thít bỗng kêu rống lên.
Petro long hai con mắt Can-nứt của hắn lên, bất thình lình tống một quả như trời giáng vào mặt Manytkov.
Thằng bé đổ cả máu mồm máu mũi, đập lưng đánh bịch vào cái vách, làm đất lở cả xuống, hai chân lảo đảo, nhưng không gào lên nữa.
- Làm thế nào mà bắn lại được? - Samin nắm lấy tay Petro hỏi. - Có được bao nhiêu đạn? Hết đạn rồi còn đâu!
- Chúng nó sẽ thả lựu đạn xuống. Anh em ta sẽ mất mạng cả?
- Hừ, không thế thì còn cách nào nữa? - Mặt Petro bất thần lái xanh, nước bọt sùi cả ra mép dưới hàng ria. - Nằm xuống! Tôi chỉ huy hay ai chỉ huy? Tôi bắn chết bây giờ?
Và quả thật hắn vung khẩu Nagan trên đầu bọn Cô-dắc.
Cái giọng khe khẽ, rin rít của hắn lựa như đã đem lại sức sống cho bọn kia. Bodovskov, Samin và hai gã Cô-dắc nữa chạy sang phía bên kia cái khe, nằm xuống một chỗ hõm, còn những tên khác bố trí bên cạnh Petro.
Mùa xuân, những dòng nước nâu nâu đổ từ trên núi xuống đã vần đi những tảng đá thiên nhiên, để lại trong lòng khe những cái hố lớn và làm lở lớp đất sét đỏ, đào trên vách khe những chỗ hõm sâu. Bọn Cô-dắc vào núp trong các chỗ đó.
Gã Anchip con lão "Vua nói phét" đứng khom khom bên cạnh Petro, khẩu súng trường lăm lăm trên tay. Hắn cứ lẩm bẩm như nói sang:
- Thằng Stepan Astakhov kịp nắm được đuôi con ngựa của nó còn mình thì không kịp… Bọn bộ binh đã bỏ mặc chúng mình… Chúng mình nguy mất rồi, anh em ạ? Chúa nhìn thấy hết, chúng mình chết mất…
Từ bên trên vẳng xuống tiếng chân người chạy lạo xạo. Tuyết và đất vụn rơi lả tả xuống dưới khe.
- Chúng nó đấy rồi! - Petro nắm lấy tay áo Anchip khẽ nói, nhưng gã kia cố giằng tay ra cho kỳ được, mắt đăm đăm nhìn lên phía trên, ngón tay đặt trên cò súng.
Bên trên vẫn có thêm những người đi tới sát bờ vách.
Chỉ vẳng xuống tiếng nói lao xao, tiếng gọi ngựa.
"Chúng nó đang bàn bạc với nhau" - Petro nghĩ thầm, và tựa như tất cả các lỗ chân lông trên người hắn đều nở to ra, mồ hôi lại chảy ròng ròng trên lưng, trên cái khe hõm giữa ngực, trên mặt hắn.
- Nầy các anh, leo lên đi! Đằng nào chúng tôi cũng sẽ tiêu diệt hết các anh! - Bên trên có tiếng gọi to.
Tuyết rơi xuống đã nhiều hơn, nom cứ như một dòng sữa trắng. Hình như có người đi tới gần bờ vách.
Một giọng khác cũng từ chỗ đó nói một cách chắc chắn:
- Chúng nó đã nhảy từ chỗ nầy xuống, vẫn còn vết chân đây nầy. Chính mắt tôi trông thấy mà.
- Petro Melekhov? Leo lên đi!
Trong giây phút, một nỗi vui mừng mù quáng làm khắp người Petro nóng ran nhứ lửa đốt. "Trong bọn Đỏ làm gì có đứa nào biết mình? Anh em mình đấy mà! Họ đã đánh lui bọn Đỏ rồi!" Nhưng ngay lập tức, chính giọng nói ấy lại làm hắn khẽ run lên:
- Miska Kosevoi đang nói đây. Chúng tôi đề nghị các anh đầu hàng đi thì hơn. Đằng nào cũng không thoát được đâu?
Petro chùi cái trán ướt đẫm, trên lòng bàn tay còn lưu lại một vệt mồ hôi hồng hồng những máu. Một cảm giác tê dại thẫn thờ, mấp mé với trạng thái hôn mê bất tỉnh dần dần xâm chiếm lấy Petro.
Tiếng kêu của Bodovskov vang lên man rợ:
- Chúng tôi sẽ lên nếu anh hứa sẽ thả chúng tôi. Bằng không chúng tôi sẽ bắn lại! Các anh cứ mà bắt?
- Chúng tôi hứa… - Bên trên lặng đi một lát rồi có tiếng trả lời.
Với một cố gắng ghê gớm, Petro cố rũ cái cảm giác tê dại như mơ ngủ. Trong mấy tiếng "chúng tôi sẽ thả" hắn cảm thấy như có hàm một ý giễu cợt ngầm, bèn kêu lên bằng một giọng khàn khàn:
- Lui về sau! - Nhưng chẳng còn tên nào nghe hắn nữa.
Trừ tên Anchip trốn trong một chỗ hõm, tất cả bọn Cô-dắc đều bám vào các mô đất, leo lên trên.
Petro leo lên cuối cùng. Như một cái thai trong lòng người mẹ, một niềm ham sống thôi thúc mãnh liệt bên trong hắn. Hành động theo lính tự vệ, hắn còn nhớ rằng phải tháo đạn trong ô chứa đạn rồi mới bắt đầu leo lên cái vách đứng. Mắt hắn mờ đi, tim hắn nở to ra, chiếm hết lồng ngực. Hắn cảm thấy tức thở, người nặng ra như trong một cơn ác mộng thời thơ ấu. Hắn giật đứt những cái khuy trên cổ chiếc áo quân phục cổ chui, xé rách cái cổ áo lót bẩn thỉu. Mồi hôi chảy xuống phủ nhoà cả mắt, hai tay hắn trượt trên những mô đất lạnh buốt của cái vách đứng. Hắn thở khò khè bò lên cái bãi nhỏ đã bị dẫm nát trên bờ khe rồi ném khẩu súng trường xuống đất, giơ hai tay lên. Những tên Cô-dắc lên trước đã đứng lốc nhốc thành một đám. Miska Kosevoi bước ra khỏi một đám rất đông những chiến sĩ bộ binh và kỵ binh của trung đoàn Damursky, đi tới trước mặt hắn. Một chiến sĩ Hồng quân cũng cho ngựa tới gần.
Miska đi tới sát Petro, khẽ hỏi, nhưng mắt vẫn dán xuống đất:
- Đánh đấm thế đủ rổi à? - Anh đứng yên một lát chờ câu trả lời rồi hỏi thêm, và vẫn nhìn xuống chân Petro - Chỉ huy chúng nó à?
Môi Petro run bắn lên. Hắn nặng nề đưa tay lên cái trán đẫm mồ hôi, cử chỉ nom mệt mỏi đến cùng cực. Hai hàng lông mi vừa dài vừa cong của Miska rung rung, cái môi trên mọng mọng vểnh ngược lên, trên đó còn lấm tấm những điểm nhiệt vì sốt rét. Khắp người Miska run lên mạnh đến nỗi có cảm tưởng như anh không thể nào dứng vững được nữa, sắp ngã lăn ra đến nơi. Nhưng bất thình lình anh ngước mắt lên rất nhanh, nhìn thẳng vào tròng con mắt Petro, ánh mắt biến khác hẳn như muốn cắm sâu vào, rồi khẽ nói rất nhanh:
- Cởi quần áo ra!
Petro hấp tấp cởi cái áo lông ngắn, gấp lại rất cẩn thận và đặt xuống tuyết. Hắn bỏ cái mũ lông ra, tháo dây lưng, cởi chiếc áo sơ-mi màu cứt ngựa, đặt tất cả lên tà áo lông rồi bắt đầu tháo ủng, mặt mỗi lúc một nhợt nhạt.
Kotliarov xuống ngựa, bước tới bên cạnh nhìn Petro. Anh nghiến chặt hai hàm răng, chỉ sợ mình khóc oà lên.
- Không cởi đồ lót, - Miska rùng mình rồi khẽ nói và bỗng nhiên quát to giọng phá ra - Nhanh lên, cái thằng nầy?
Petro luống cuống vò đôi bít tất len vừa tháo ở chân ra nhét vào ống ủng, đứng thẳng lên, bước hai bàn chân vàng như nghệ từ trên chiếc áo lông ngắn ra mặt tuyết.
- Bác bạn đỡ đầu ơi! - Hắn gọi Kotliarov, môi chỉ hơi mấp máy.
Kotliarov nín thinh nhìn tuyết tan dưới hai bàn chân không của Petro.
- Bác bạn đỡ đầu Kotliarov ơi, bác đã đỡ đầu cho con tôi…
- Bác, bác đừng xử tử tôi? - Petro van xin, nhưng thấy Miska đã nâng khẩu Nagan lên tới ngang ngực mình, hắn trợn tròn hai con mắt như sắp sửa nhìn thấy một vật gì chói loà và rụt đầu lại, như muốn nhảy vụt lên.
Chưa nghe thấy tiếng súng, hắn đã ngã ngửa ra như bị xô rất mạnh. Hắn cảm thấy như bàn tay Miska giơ lên đã nắm lấy tim hắn và lập tức vắt hết máu trong đó. Lấn cuối cùng trong đời, Petro cố đem hết sức lực, vất vả lắm mới phanh được cái cổ áo sơ-mi lót, để lộ vết đạn dưới đầu vú bên trái. Một lát sau máu mới từ từ rỉ trong vết thương ra và sau khi tìm thấy lối thoát, phụt lên phì phì, chảy xuống thành một dòng đen như nhựa chưng.


Chương 154



Phần 6


Lúc trời rạng, đội trinh sát được phái đến vách núi Đỏ trở về báo tin rằng chúng tiến đến địa giới trấn Elanskaia cũng không phát hiện thấy Hồng quân và Petro Melekhov cùng mười gã Cô-dắc bị chém nát còn nằm trên bờ cái vách đứng.
Grigori ra lệnh đem xe đi nhặt xác chết rồi sang nhà Khristonhia nghỉ nốt đêm hôm ấy. Tiếng những người đàn bà than khóc kể lể về người chết, tiếng khóc rất khó chịu của Daria đã đuổi chàng ra khỏi nhà. Chàng ngồi bên cái lò sưởi trong nhà Khristonhia đến khi trời bình minh, hút thuốc lá liên miên, và như sợ phải nhìn thẳng vào các ý nghĩ của mình, sợ bị ám ảnh bởi nỗi nhớ thương Petro, chàng cứ luôn tay với lấy túi thuốc. Chàng hít khói thuốc lá hắc hắc đến chướng cả bụng và nói với anh chàng Khristonhia ngủ gà ngủ gật những chuyện đâu đâu.
Trời đã rạng. Từ tảng sáng tuyết bắt đầu tan. Chừng mười giờ thì thấy hiện ra những vũng nước trên con đường đầy phân bò ngựa.
Nước nhỏ giọt trên mái xuống. Những con gà trống gân cổ gáy, cứ như trời đã sang xuân. Ở một chỗ nào đó con gà mái cục tác bằng một giọng đơn điệu như trong một buổi giữa trưa oi bức.
Trong các sân gia súc, những con bò mộng kiếm chỗ dãi nắng để sưởi và cọ mình vào những dãy hàng rào. Gió thổi bay những đám lông rụng về mùa xuân trên những cái lưng màu gạch. Nồng nặc mùi tuyết tan hắc hắc ngai ngái. Một con sẻ núi nhỏ xíu ức vàng vừa hót líu lo vừa đung đưa trên một cái nhánh rụng hết lá của cây táo bên cạnh cổng nhà Khristonhia.
Grigori đứng ở cổng nhìn lên gò chờ những chiếc xe, chàng bất giác chuyển những tiếng hót líu nhíu cuả con sẻ núi sang cách dùng tiếng người bắt chước mà chàng đã biết từ thời thơ ấu. Trong một ngày trời trở ấm như hôm nay, con sẻ núi đang vui vẻ nói liến thoắng: "Chữa cày đi! Chữa cày đi!" Nhưng Grigori biết rằng đến những ngày băng giá, con chim sẻ đổi một giọng khác và sẽ ríu rít khuyên người ta một câu đại khái nghe như "Đi ủng vào? Đi ủng vào!". Grigori chuyển tầm mắt từ mặt đường sang con chim mùa đông đang nhảy tâng tâng. Con chim vẫn nhắc không ngơi: "Chữa cày đi! Chữa cày đi!". Tự nhiên Grigori nhớ lại hồi còn nhỏ, những lần chàng cùng Petro đi chăn gà tây trên đồng cỏ. Hồi ấy Petro còn là một thằng bé có cặp lông mày trắng phếch, cái mũi hếch lên trời lúc nào cũng bợt da. Hán bắt chước giọng gà tây rất đúng và chuyển tiếng gà kêu thành tiếng nói tinh nghịch của trẻ con cũng rất giỏi.
Hắn nhại tiếng chíp chíp của một con gà giận dữ kêu bằng một giọng rất cao: "Tất cả có ủng, mình tôi không! Tất cả có ủng, mình tôi không?" Rồi lập tức trợn tròn hai con mắt, co khuỷu tay, đi nghiêng người, bắt chước một con gà tây già: "Khù! Khù! Khù! Khù! Ra chợ mà mua đôi ủng rách?" Những lần như thế bao giờ
Grigori cũng sung sướng cười như nắc nẻ và cố nài anh nói thêm bằng tiếng gà tây hoặc diễn lại cái cảnh một ổ gà tây non ríu rít rộn ràng như thế nào khi bới thấy dưới cỏ một vật gì đó, chẳng hạn một miếng sắt hay một mảnh vải…
***
Chiếc xe đầu tiên đã xuất hiện ở cuối phố. Một gã Cô-dắc đi bên cạnh. Tiếp theo là chiếc thứ hai, chiếc thứ ba. Grigori lau nước mắt, xua nét cười bất ngờ đến với mình kèm theo những hồi ức không đúng lúc và vội vã bước về cổng nhà mình. Trong giây phút đầu tiên khủng khiếp nầy, chàng muốn ngăn không cho bà mẹ đau khổ đến điên dại lại gần chiếc xe chở xác Petro. Gã Aleksey Samin đi bên cạnh chiếc xe đầu tiên, đầu không mũ. Hắn dùng mẩu tay cụt áp chiếc mũ lông vào ngực, còn tay phải giữ cái dây cương bện bằng lông đuôi ngựa. Con mắt của Grigori không dừng lại lâu trên mặt Aleksey mà chuyển ngay xuống chiếc xe trượt tuyết. Marchin Samin nằm trên một cái đệm rơm, mặt ngửa lên trời, đầy máu đọng.
Cái áo quân phục cổ chui màu xanh lá cây cũng bê bết máu trên ngực và trên cái bụng lép kẹp. Chiếc xe thứ hai chở thằng Manytkov với khuôn mặt bị chém nát rúc vào trong rơm. Nó rụt đầu rụt cổ như người sợ lạnh, gáy bị một đường gươm lão luyện chém băng đi: tóc và những miếng băng đen sì viền tròn khoảng xương sọ bị phạt ngọt.
Grigori đưa mắt nhìn chiếc xe thứ ba. Chàng không nhận ra cái xác đó là ai, chỉ nhìn thấy một bàn tay với những ngón tay trong như sáp ong, vàng khè vì khói thuốc lá. Bàn tay đó thõng từ trên xe xuống, mấy ngón tay kéo lệt sệt trên lớp tuyết đang tan còn cong lại, giữ nguyên cái dáng làm dấu phép trước khi nhận cái chết. Người chết mặc áo ca-pốt, đi ủng, cả cái mũ cũng được đặt trên ngực. Chiếc xe thứ tư vừa tới nơi thì Grigori nắm luôn lấy đoạn dây ở mõm con ngựa, dắt nó chạy nhanh vào trong sân. Hàng xóm láng giềng, đàn bà và trẻ con ùa vào theo. Đám người đứng xúm đông xúm đỏ bên thềm.
- Chính bác ấy đây rồi, Petro Panteleevich, con người thân yêu của chúng ta đây rồi! Bác ấy không còn sống trên cõi đời nầy nữa rồi! - Có người khẽ nói.
Stepan Astakhov bước vào cổng, đầu không đội mũ. Cụ Grisaka và ba lão già nữa cũng không biết từ đâu mò tới. Grigori ngơ ngác nhìn quanh.
- Chúng ta khiêng vào trong nhà thôi.
Người đánh xe đã nắm lấy chân Petro, nhưng đám người bỗng tránh ra, kính cẩn nhường một lối cho bà Ilinhitna ở trong ngưỡng cửa bước ra.
Bà nhìn lên chiếc xe trượt tuyết. Mặt bà tái nhợt như mặt người chết từ trán xuống tới má, mũi và xuống tận cằm. Ông Panteley Prokofievich run rẩy xốc nách bà. Dunhiaska là người đầu tiên gào lên. Lập tức khắp thôn có tới hàng chục chỗ khóc hoà theo. Daria mở cửa đánh rầm, nhảy ra thềm, gục xuống chiếc xe trượt tuyết, đầu tóc rũ rượi, mặt sưng húp.
- Anh Petro yêu quí! Anh Petro, anh yêu của em! Đứng dậy đi anh? Đứng dậy đi anh.
Mặt Grigori tối sầm lại.
- Tránh ra, chị Daria! - Chàng không còn lý trí nữa, quát lên bằng một giọng man rợ và không suy nghĩ phải trái gì cả, đẩy luôn vào ngực Daria.
Ả ngã lăn xuống một đống tuyết. Grigori ôm nhanh lấy dưới nách Petro, người đánh xe nắm lấy hai cổ chân không còn giầy ủng, nhưng Daria vẫn bò lồm cồm theo lên thềm, nắm lấy hai bàn tay đông cứng không thể co lại được nữa của chồng, hôn lấy hôn để.
Grigori đưa chân đạp ả ra và cảm thấy rằng chỉ thêm một giây là mình hoàn toàn không làm chủ được mình nữa. Daria mê man bất tỉnh, Dunhiaska giật mạnh hai tay Daria, áp đầu Daria vào ngực mình.
Trong bếp có cái không khí chết lặng của một nhà không có người kế tự. Petro nằm dưới đất, người nhỏ lại một cách lạ lùng, cứ như đã bị phơi khô đét. Mũi hắn nhọn hoắt, hàng ria màu lúa mạch sẫm lại, toàn khuôn mặt dài dài nom nghiêm khắc nhưng đẹp ra. Hai bàn chân không giầy không ủng đầy lông lá thòi ra bên dưới hai sợi dây buộc ống quần. Người hắn dần dần tan giá, nên bên dưới đã tụ lại một vũng nước hồng hồng. Các xác chết ban đêm bị đông cứng càng ấm lại thì càng xông lên nồng nặc mùi máu mặn mặn và mùi xác chết ngọt lợm như cúc thỉ xa.
Ông Panteley Prokofievich xuống dưới hiên nhà kho bào những tấm ván làm săng. Mấy người đàn bà nhốn nháo ở phòng trong bên cạnh Daria lúc nầy vẫn chưa tỉnh lại. Thỉnh thoảng từ trong đó lại vẳng ra một tiếng nức nở the thé như hoá rồ, rồi một lát sau nghe thấy cái giọng rủ rỉ thao thao như nước suối của bà mối Vasilixa sang "chia" buồn. Grigori ngồi trước mặt anh, trên một chiếc ghế dài. Chàng vừa cuốn điếu thuốc vừa nhìn khuôn mặt chung quanh đã vàng ệch của Petro, nhìn hai bàn tay hắn với những cái móng tròn tròn đã xanh tím. Chàng cảm thấy rằng giữa mình với thằng anh đã có một sự chia cách lạnh nhạt rất lớn. Lúc nầy Petro không còn là người nhà nữa mà chỉ là một người khách qua chơi ít bữa và đã sắp tới lúc chia tay. Hắn đang lãnh đạm nằm áp má xuống đất như chờ đợi một cái gì với một nụ cười huyền bí ngưng đọng với hàng ria màu lúa mạch. Và sáng mai, vợ hắn và mẹ hắn sẽ sửa soạn cho hắn vượt chặng đường cuối cùng.
Ngay từ chiều, mẹ hắn đã nấu cho hắn ba nồi gang nước ấm, vợ hắn đã sắp sẵn cho hắn một bộ đồ lót sạch cùng với cái quần đi ngựa và chiếc áo quân phục sạch nhất. Grigori, thằng em ruột của hắn sẽ lau rửa cái thân hình trần truồng không biết thẹn và từ nay không thuộc về hắn nữa. Người ta sẽ mặc những quần áo ngày hội cho hắn và đặt hắn lên một cái bàn. Rồi Daria sẽ để vào hai bàn tay rộng bè bè, giá băng của hắn, hai bàn tay hôm qua còn ôm ấp ả, cây nến đã từng chiếu sáng hai vợ chồng ả trong nhà thờ, khi hai người đi quanh cái đài giảng đạo. Thế là gã Cô-dắc Petro Melekhov sẵn sàng lên đường tới một nơi không bao giờ trở về thăm nhà xưa nữa.
"Anh chết ngay ở một nơi nào bên Phổ còn hơn là ở đây, trước mắt mẹ già!" - Grigori thầm trách anh. Chàng đưa mắt nhìn cái xác chết, bất giác tái mặt đi: một giọt nước mắt đang chảy lăn tăn từ trên má Petro xuống hàng ria chảy xệ. Grigori thậm chí nhảy chồm dậy, nhưng sau khi nhìn kỹ chàng thở dài nhẹ nhõm cả người: đó không phải là một giọt nước mắt của người chết mà chỉ là cái bờm tóc của Petro tan băng nhỏ giọt xuống trán, và giọt nước đã từ từ lăn xuống má.

Chương 155



Phần 6


Theo quyết định của tên tư lệnh liên quân các lực lượng của vùng Đông Thượng, Grigori Melekhov được bổ làm trung đoàn trưởng trung đoàn trấn Vosenskaia. Chàng chỉ huy mười đại đội Cô-dắc đi Karginskaia. Bộ tư lệnh đã ra lệnh cho chàng là trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đánh tan chi đội Likhachev và đuổi chi đội đó ra khỏi địa giới Quân khu để có thể phát động tất cả các thôn ven sông Tria thuộc hai trấn Karginskaia và Bokovskaia.
Ngày mồng bảy tháng Ba, Grigori cho bọn Cô-dắc xuất phát.
Tuyết trên gò đã tan, lộ trần những khoảng đất đen sì. Chàng đứng trên đó nhìn tất cả mười đại đội tiến qua trước mặt mình. Bên cạnh con đường, chàng nghiêng nghiêng người ngồi trên yên với cái lưng gù gù tay ghìm chặt dây cương, giữ con ngựa đang hăng máu. Các đại đội của các thôn ven sộng Đông: Datky, Olsansky, Merkulov, Gromkovsky, Semenovsky, Rubinsky, Vodiansky, Lebirgi, Eric lần lượt tiến qua trong đội hình hành quân hàng dọc.
Grigori đưa găng tay lên vuốt hàng ria đen, phập phồng cái mũi diều hâu, âm thầm gườm gườm nhìn theo từng đại đội dưới hai hàng, lông mày vươn rộng như cánh chim. Hàng ngàn vó ngựa bê bết những bùn nhào đi nhào lại lớp tuyết nhão nâu nâu. Trong khi cưỡi ngựa qua, những gã Cô-dắc quen biết cũ mỉm cười với Grigori. Khói thuốc lá lập lờ tầng tầng lớp lớp và tan dần phía trên những chiếc mũ lông. Những con ngựa bốc hơi ngùn ngụt.
Grigori đi vào đại đội cuối cùng. Tiến được chừng ba vec-xta thì gặp trinh sát của đại đội. Gã hạ sĩ chỉ huy đội trinh sát cho ngựa chạy tới trước mặt Grigori:
- Bọn Đỏ đang rút lui trên con đường đi Trucarin!
Chi đội Likhachev không nhận chiến. Nhưng Grigori đã điều ba đại đội Cô-dắc vòng ra vu hồi rồi đem các đại đội còn lại đánh thốc lên, vì thế ngay ở Trucarin Hồng quân đã bắt đầu vứt bỏ những xe vận tải và những hòm đạn. Ở chỗ đầu con đường vào Trucarin, một đại đội pháo của chi đội Likhachev sa lầy dưới sông bên cạnh một ngôi nhà thờ nhỏ bé, tiều tụy. Các chiến sĩ coi ngựa chặt đứt dây thắng, phi ngựa qua khu rừng nhỏ quanh thôn, về Karginskaia.
Quân Cô-dắc không phải chiến đấu gì cả, vượt liền mười lăm véc-xta từ Trucarin đến Karginskaia. Ở bên phải một chút, phía sau Yaxenovka, trinh sát địch có lần bắn vào các đội trinh sát của trấn Vosenskaia, nhưng tất cả chuyện đánh đấm chỉ đến thế rồi thôi. Bọn Cô-dắc đã bắt đầu nói đùa. "Chúng ta sẽ tiến thẳng tới Novocherkask cho mà xem!"
Việc chiếm được đại đội pháo làm Grigori mừng rơn. "Đến những cái khoá hậu chúng nó cũng chẳng kịp phá", - chàng nghĩ thầm, có ý coi khinh. Mấy khẩu pháo sa lầy đã được dùng bò kéo lên. Các pháo thủ được lập tức tuyển ngay trong các đại đội. Mỗi khẩu pháo có hai cặp ngựa kéo, khẩu nào cũng có một cỗ ngựa dự bị. Một nửa đại đội được chỉ định đi kèm với đại đội pháo làm nhiệm vụ yểm hộ.
Đến lúc trời hoàng hôn bọn Cô-dắc bôn tập chiếm được trấn Karginskaia. Một phần chi đội Likhachev bị bắt làm tù binh cùng với ba cỗ pháo cuối cùng và chín khẩu súng máy nặng. Số chiến sĩ Hồng quân còn lại đã kịp cùng với Uỷ ban cách mạng Karginskaia chạy qua các thôn theo hướng trấn Bokovskaia.
Suốt đêm mưa tầm tã. Đến gần sáng thì các khoảng đất trũng và các khe núi đều đầy nước. Đường sá không đi lại được nữa, mỗi vũng nước đều là một cái bẫy. Tuyết sũng nước đi sụt đến mặt đất. Ngựa luôn luôn trượt chân, người thì mệt nhoài.
Hai đại đội dưới quyền chỉ huy của tên thiếu uý Ermakov Kharlampi được Grigori phái đi truy kích quân địch rút lui, đã bắt được gần ba chục chiến sĩ Hồng quân bị rớt lại trong hai thôn nằm sát nhau Latysevsky và Vitlogudovsky. Đến sáng thì tù binh bị giải về Karginskaia.
Grigori ở ngôi nhà rất lớn của một lão nhà giàu địa phương tên là Kargin. Tù binh bị dồn vào sân để trình diện với chàng, Ermakov vào phòng Grigori, chào chàng:
- Đã bắt được hai mươi bảy tên Đỏ. Cần vụ đã dắt ngựa đến cho đồng chí rồi. Đồng chí có ra bây giờ không?
Grigori thắt dây lưng ra ngoài áo ca-pôt, tới trước gương chải lại mái tóc xoã dưới chiếc mũ lông rồi mới quay lại nhìn Ermakov:
- Chúng ta ra đi thôi. Lập tức xuất phát ngay. Chúng ta sẽ tổ chức một cuộc mít-tinh ngoài quảng trường rồi lên đường.
- Cần gì phải mít-tinh! - Ermakov nhún vai mỉm cười. - Không có mít-tinh anh em cũng đã lên ngựa cả rồi. Đấy, đồng chí xem kìa? Chẳng phải là anh em Vosenskaia đã kéo đến đây rồi hay sao?
Grigori nhìn qua cửa sổ. Vài đại đội đang tiến qua thành hàng tư, đội ngũ rất nghiêm chỉnh. Các chiến binh đều như được lựa chọn, ngựa thì được chải chuốt như trong một cuộc duyệt binh.
- Ở đâu đến thế nầy? Quỉ quái nào lôi chúng nó ở đâu về thế nầy? - Grigori sung sướng lắp bắp và vừa chạy ra vừa đeo gươm.
Ermakov đuổi kịp chàng ở cổng.
Ra đến cửa hàng rào thì tên đại đội trưởng đại đội đầu tiên cũng vừa đi tới. Hắn cung kính giữ bàn tay trên mép chiếc mũ lông, không dám chìa tay ra bắt tay Grigori.
- Đồng chí là đồng chí Melekhov?
- Chính tôi. Đồng chí ở đâu đến thế?
- Xin đồng chí nhận cho chúng tôi gia nhập đơn vị của đồng chí. Chúng tôi xin sát nhập với các đồng chí. Đại đội của chúng tôi vừa thành lập đêm hôm qua. Đây là đại đội của thôn Likhovidov, còn hai đại đội kia là của thôn Grachev, thôn Ackhipovka và thôn Vaxilevka.
- Đồng chí hãy đưa anh em Cô-dắc ra quảng trường. Ngoài ấy sắp họp mít-tinh ngay bây giờ.
Gã cần vụ Grigori lấy Prokho Zykov làm cần vụ dắt ngựa đến cho chàng, thậm chí giữ hộ cả bàn đạp. Gần như không chạm vào mũi yên và bờm ngựa, Ermakov nhảy thoắt lên yên với cả cái thân hình xương xương rắn chắc như rèn bằng thép. Hắn cho ngựa bước tới và vừa sửa lại tà áo ca-pốt trên yên bằng một động tác quen thuộc, vừa hỏi:
- Tù binh giải quyết như thế nào bây giờ?
Grigori ngả hẳn người trên yên xuống thật sát mặt Ermakov, cầm lấy một cái khuy trên áo ca-pốt của hắn… Trong con mắt của chàng tóe ra những tia hung hung, nhưng dưới hàng ria, môi chàng vẫn mỉm cười, nụ cười tuy có phần man rợ, nhưng dù sao cũng vẫn là một nụ cười.
- Ra lệnh giải đi Vosenskaia. Hiểu chưa? Nhưng đừng cho chúng nó đi quá nấm kurgan kia? - Chàng vung chiếc roi ngựa về phía nấm kurgan rồi thúc ngựa.
"Món đầu tiên bắt chúng nó trả cho Petro". - Chàng vừa nghĩ thầm vừa cho ngựa chạy nước kiệu và hình như không có lý do gì, tự nhiên quất cho con ngựa một roi vào mông, hằn lại một con lươn trắng trắng.

Chương 156



Phần 6


Hôm xuất phát từ Karginskaia để tiến về hướng Bokovskaia, Grigori đã chỉ huy tới ba ngàn rưởi tay gươm. Bộ tư lệnh và ban chấp hành quân khu đã phái liên lạc mang mệnh lệnh và chỉ thị đuổi theo chàng. Một trong những tên phụ trách bộ tư lệnh đã viết thư riêng cho Grigori, đề nghị với chàng bằng một giọng hoa hòe hoa sói:
"Đồng chí Grigori Panteleevich rất kính mến! Chúng tôi có được nghe những lời đồn đại quỷ quyệt nói rằng đồng chí đã tàn sát tù binh Hồng quân một cách hung bạo. Hình như theo lệnh của đồng chí, ba mươi tên Hồng quân mà Kharlampi Ermakov bắt được ở gần Bokovskaia đã bị tiêu diệt, tức là bị chém gần hết. Trong số những thằng tù binh kể trên, nghe nói có một tên chính uỷ vô danh tiểu tốt, tên nầy có thể rất có lợi cho chung ta trong việc điều tra lực lượng của chúng nó. Đồng chí thân mến, đồng chí hãy huy bỏ cái lệnh không bắt tù binh đi. Một lệnh như thế sẽ có hại cho chúng ta một cách ghê gớm. Hình như chính anh em Cô-dắc cũng đã phải kêu ca trước một sự tàn nhẫn như thế, và lo rằng cả bọn Đỏ cũng sẽ chém tù binh và triệt hạ thôn xóm của chúng ta. Các tên cán bộ chỉ huy, đồng chí cũng cứ để sống và cho giải vể. Chúng ta sẽ nhẹ nhàng khử chúng ở Vosenskaia hay Kazanskaia. Nhưng đồng chí lại chỉ huy các đại đội của đồng chí tiến quân như Tarat Bunba trong cuốn tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Puskin1, lại tiêu diệt tất cả dưới ngọn lửa, lưỡi gươm và làm anh em Cô-dắc lo lắng. Mong đồng chí nghĩ lại đừng giết tù binh nữa, mà giải về cho chúng tôi. Sức mạnh của chúng ta chính là nằm trong điểm vừa nêu trên đây. Ngoài ra, chúc đồng chí mạnh khỏe. Xin gửi tới đồng chí lời chào kính mến và mong tin thắng trận của đồng chí…"
Bức thư đó Grigori chưa đọc hết đã xé vụn, ném xuống chân ngựa. Còn bản mệnh lệnh của Kudinov:
"Tức tốc phát triển thế tấn công về phía nam, khu vực Kruchenki - Axtakhovo - Grekovo. Bộ tư lệnh thấy cần phải liên hiệp với mặt trận của cánh "Kadet". Nếu không, chúng ta sẽ bị bao vây và bị đánh bại mất".
Thì chàng vẫn ngồi trên yên, viết trả lời:
"Tôi tấn công về hướng Bokovskaia, truy kích quân địch đang tháo chạy. Còn như Kruchenki thì tôi không đi, mệnh lệnh của anh tôi coi là hồ đồ. Mà tôi thì tấn công vào Axtakhovo làm gì? Ở đó ngoài gió và bọn khô-khon, sẽ chẳng có gì khác đâu".
Sự trao đổi giấy tờ chính thức giữa chàng và trung tâm phiến loạn đến đây thì chấm dứt. Các đại đội được biên chế thành hai trung đoàn tiến tới Konkov, một thôn tiếp giáp với trấn Bokovskaia.
Grigori còn liên tiếp dành được thắng lợi quân sự thêm hai ngày liền. Sau khi cường tập chiếm được trấn Bokovskaia, rồi mạo hiểm tiến về Krasnokurskaia, chàng đã đánh tan một chi đội nhỏ chặn đường mình, nhưng các tù binh bị bắt đã được chàng cho giải về hậu phương, chứ không ra lệnh chém nữa.
Ngày mồng chín tháng Ba, chàng chỉ huy hai trung đoàn tiến tới làng Trixchiakovka. Hồi ấy bộ tư lệnh Hồng quân đã cảm thấy hậu phương bị uy hiếp nên có điều vài trung đoàn và vài đại đội pháo về đối phó với quân phiến loạn. Các trung đoàn Hồng quân kéo tới gần Trixchiakovka thì chạm trán với các trung đoàn của Grigori. Trận chiến đấu kéo dài chừng ba giờ. Grigori sợ bị lọt vào trong một "cái túi", bèn rút các đơn vị của chàng về Krasnokurskaia. Nhưng trong trận chiến đấu sáng ngày mồng mười tháng Ba, quân Cô-dắc trấn Vosenskaia đã bị các chiến sĩ Hồng quân Cô-dắc vùng sông Khop đánh cho bò lê bò càng. Trong khi tấn công và phản công, người dân sông Đông, đã giáp chiến với người dân sông Đông và họ đã chém giết nhau một trận không tiếc tay. Sau khi mất con ngựa của chàng trong trận, Grigori đã kéo hai trung đoàn ra khỏi cuộc chiến đấu, rút về tới Bokovskaia với cái má bị chém toạc.
Chiều hôm ấy chàng hỏi cung một tù binh là dân vùng sông Khop. Một người Cô-dắc đã đứng tuổi, sinh quán ở trấn Chepikinskaia đứng trước mặt chàng với hai hàng lông mày trắng phếch, bộ ngực hẹp và một cái băng đỏ rách bươm dính trên cổ áo ca-pốt. Anh ta sẵn lòng trả lời các câu hỏi nhưng nụ cười có vẻ miễn cưỡng và ngượng nghịu.
- Hôm qua đã có những trung đoàn nào tham gia chiến đấu?
- Trung đoàn Cô-dắc số ba mang tên Stenka Radin của chúng tôi. Hầu như toàn trung đoàn là gồm những anh em Cô-dắc ở quân khu Khopsky; trung đoàn năm Damursky, trung đoàn kỵ binh số mười hai và trung đoàn sáu Mchensky.
- Dưới quyền chỉ huy chung của ai? Nghe nói là Kichvitze 2 chỉ huy có phải không?
- Không, chi đội hợp nhất là do đồng chí Domnhit chỉ huy.
- Đạn dược của các anh có nhiều không?
- Nhiều vô kể.
- Còn pháo?
- Có lẽ tám khẩu.
- Trung đoàn bị điều từ đâu về!
- Từ các thôn của trấn Kamenskaia.
- Có được nói rõ là điều đi đâu không?
Người chiến sĩ Cô-dắc ngập ngừng một lát nhưng rồi cũng trả lời.
Grigori muốn tìm hiểu về tinh thần các binh sĩ vùng sông Khop, bèn hỏi:
- Các binh sĩ Cô-dắc bàn tán với nhau những gì?
- Họ nói là không muốn đi…
- Trong trung đoàn có biết rằng chúng tôi khởi nghĩa chống cái gì không?
- Làm thế nào mà biết được?
- Thế tại sao không muốn đi!
- Các ngài cũng là dân Cô-dắc mà! Vả lại chúng tôi đã chán ngấy chiến tranh rồi. Ngài cũng biết rằng chúng tôi đã đi theo Hồng quân từ đầu cho tới bây giờ.
- Anh có thể chiến đấu ở bên chúng tôi được không?
Người Cô-dắc kia nhún hai cái vai hẹp:
- Ý ngài muốn thế nào thì muốn? Chứ tôi thì không muốn đâu…
- Thôi đi ra. Chúng tôi sẽ cho về với vợ… Có lẽ nhớ lắm rồi phải không?
Grigori nheo mắt nhìn theo người tù binh Cô-dắc đi ra rồi gọi Prokho. Chàng hút thuốc giờ lâu, chẳng nói chẳng rằng, mãi mới bước tới bên cửa sổ, lưng quay về phía Prokho và thản nhiên ra lệnh:
- Ra bảo anh em là cái thằng tôi vừa hỏi cung ấy, nhẹ nhàng đưa nó ra vườn đi. Cô-dắc mà theo Hồng quân thì tôi không bắt làm tù binh. - Grigori xoay hai gót ủng mòn vẹt, quay phắt lại. - Lập tức lôi nó ra mà… Đi đi!
Prokho đã ra ngoài. Grigori đứng lại một phút, mân mê bẻ những nhánh đẩu ngưu giòn giòn trên cửa sổ rồi lại bước nhanh ra thềm.
Prokho đang thì thầm với mấy gã Cô-dắc ngồi sưởi nắng dưới chân tường nhà thóc.
- Các cậu thả thằng tù binh ấy ra. Cấp cho nó một giấy thông hành. - Grigori không nhìn mấy tên Cô-dắc, nói xong trở vào trong phòng. Chàng đứng lại trước một cái gương cũ, khoát hai tay, chính mình cũng chẳng hiểu mình nữa.
Chàng không thể nào tự trả lời bản thân mình câu hỏi vì sao mình lại ra thềm và bảo thả người tù binh. Thật ra lúc chàng nói: "Chúng tôi sẽ cho về với vợ… Thôi đi ra…", chàng đã cười thầm với một cảm giác khoái trá tàn nhẫn, một cái gì gần như mãn nguyện hả hê vì chính chàng cũng biết rằng mình sẽ lập tức gọi Prokho và ra lệnh hạ thủ gã Cô-dắc vùng sông Khop nầy ngay trong vườn. Chàng có phần bực mình trước lòng thương hại của mình. Cái tình cảm nó vừa đột nhập vào trong lòng chàng, dẫn chàng tới chỗ thả kẻ địch, đó chẳng phải là một sự thương hại bản năng thì là gì? Nhưng đồng thời chàng cũng cảm thấy trong người nhẹ nhõm… Sao lại thế nhỉ? Chàng đã không tìm thấy cho mình câu trả lời ấy. Việc làm vừa rồi của chàng lạ lùng hơn vì mới hôm qua chàng đã nói với bọn Cô-dắc: "Bọn mu-gích là kẻ thù, song những thằng Cô-dắc hiện nay đang đi theo bọn Đỏ còn là những kẻ thù nguy hiểm gấp đôi! Cũng như đối với một tên gián điệp, đối với một thằng Cô-dắc bị bắt thì cách giải quyết rất là đơn giản: cho ngay về với ông bà ông vải, không một hai gì cả".
Grigori đã ra khỏi nhà với mối mâu thuấn nhức nhối, không sao giải quyết được ấy và cái ý thức vừa nảy sinh về tính chất bất chính của sự nghiệp mà mình đang theo đuổi. Tên trung đoàn trưởng trung đoàn sông Tria, một gã Cô-dắc cao lớn trước kia thuộc trung đoàn Atamansky, bước tới trước mặt chàng với một khuôn mặt tủn mủn, chẳng có gì đặc sắc, rất dễ phai nhoà trong trí nhớ. Cùng đi với hắn có hai tên đại đội trưởng.
- Lại mới có thêm viện binh được điều tới đấy! Tên trung đoàn trưởng tươi cười nói. - Ba ngàn kỵ binh từ Napôlov, từ sông Yablonevaya, từ Guxynka, ngoài ra còn có hai đại đội bộ binh nữa. Đồng chí định đem dùng vào đâu bây giờ, đồng chí Panteley?
Grigori đeo khẩu Mauser hộp gỗ và cái túi dết dã chiến rất đẹp tước được của Likhachev rồi ra sân. Trời nắng ấm. Bầu trời cao và xanh như về mùa hè, và cũng như mùa hè, có những đám mây trắng bông như lông cừu non đuổi nhau trôi về phía nam. Grigori cho gọi tất cả những tên chỉ huy tới một cái ngõ để bàn bạc. Chừng ba mươi tên kéo đến, chúng ngồi tản mác trên một dãy hàng rào đổ, truyền tay nhau một cái túi thuốc không biết của tên nào.
Chúng ta sẽ xây dựng những kế hoạch như thế nào đây? Sẽ dùng cách nào để khử mấy trung đoàn vừa dồn chúng ta ra khỏi Trixchiakovka và sẽ tiến theo hướng nào bây giờ? - Grigori đặt vấn đề rồi nhân tiện truyền đạt nội dung mệnh lệnh của Kudinov.
- Thế chúng nó có bao nhiêu quân để đánh chúng ta? Đồng chí đã hỏi tù binh chưa? - Một tên đại đội trưởng nín lặng một lát rồi Grigori kể tên các trung đoàn đang đánh nhau với mình và ước lượng đại khái con số những tay gươm và tay súng của địch. Bọn Cô-dắc ngậm tăm một lát. Trong một cuộc họp thì không thể nói ra những ý kiến ngớ ngẩn, chưa đắn đo kỹ càng. Tên đại đội trưởng thôn Grachev cũng nói:
- Hãy hượm một lát, đồng chí Melekhov ạ? Cho chúng tôi suy nghĩ cái đã. Đâu phải là chuyện vung gươm chém một nhát? Đừng để xảy ra thua thiệt mới được.
Nhưng chính hắn đã là tên đầu tiên phát biểu ý kiến.
Grigori chăm chú nghe tất cả. Ý kiến mà phần lớn nói lên đều qui vào một điểm là dù trong trường hợp đánh đấm có kết quả cũng đừng xông ra quá xa mà phải tiến hành một cuộc chiến tranh phòng ngự. Những vẫn có một gã vùng sông Tria hết sức ủng hộ mệnh lệnh của tên tư lệnh các lực lượng phiến loạn. Hắn nói:
- Chúng ta chẳng giậm chân mãi ở đây làm gì. Đồng chí Melekhov hãy cứ dẫn chúng ta đến sông Dones. Các đồng chí mất trí khôn cả rồi hay sao thế? Chúng ta chỉ có một dúm mà lại định một mình đương đầu với cả nước Nga. Làm thế nào mà giữ vững được? Chúng nó đổ ập tới là chúng ta bỏ mạng hết! Phải chọc thủng mà ra thôi! Đạn dược của chúng ta tuy chỉ có rất ít, song vẫn có thể kiếm ra được. Phải tập kích một trận. Các đồng chí quyết định đi thôi!
- Nhưng còn nhân dân thì làm thế nào? Đàn bà, người già, con trẻ?
- Cứ để ở lại!
- Cái đầu anh kể ra cũng thông minh đấy, nhưng nó lại được cắm trên cổ một thằng ngu!
Cho đến lúc nầy mấy tên chỉ huy ngồi trên mép hàng rào vẫn rì rầm bàn tán với nhau về vụ cày mùa xuân sắp bắt đầu, về chuyện nếu phải chọc thủng vòng vây thì công việc làm ăn sẽ như thế nào.
Nhưng sau lời phát biểu của gã Cô-dắc vùng sông Tria, tất cả đều nhao nhao. Cuộc họp lập tức có ngay cái không khí sôi nổi của một đại hội thôn. Một gã Cô-dắc có tuổi, người thôn Napolov giật giọng nói to hơn cả:
- Chúng ta sẽ không rời khỏi hàng rào nhà chúng ta làm gì cả!
- Tôi sẽ là thằng đầu tiên dẫn đại đội của tôi về thôn? Đánh nhau thì phải đánh ở ngay bên cạnh nhà, chứ không phải là đi cứu mạng cho người khác!
- Anh đừng có chẹn họng tôi như thế! Tôi thì nêu ý kiến bàn bạc, còn anh chỉ gân cổ gào lên!
- Nhưng có gì mà phải bàn!
- Cứ mặc cho Kudinov đi một mình đến sông Dones!
Grigori chờ tất cả lặng đi rồi mới nói ra những ý kiến quyết định, làm lệch hẳn cán cân của cuộc tranh luận:
- Chúng ta sẽ giữ mặt trận ở đây! Nếu trấn Krasnokurskaia đi theo chúng ta thì chúng ta sẽ bảo vệ cả cho họ? Không đi đâu cả.
Hội nghị bế mạc. Giải tán về đại đội! Chúng ta sẽ xuất phát ra mặt trận ngay.
Nửa giờ sau, trong khi những đội hình kỵ binh tuôn đi cuồn cuộn tưởng chừng không bao giờ hết qua các dãy phố, trong lòng Grigori rạo rực một niềm sung sướng đầy kiêu hãnh: chàng đã từng được chỉ huy một khối người lớn như thế nầy bao giờ đâu. Nhưng bên cạnh cái hân hoan tự hào ấy, một nỗi lo lắng, đau khổ cũng nhức nhối nặng nề trong lòng: không biết mình có thể chỉ huy cho đúng đắn được không? Tài năng của mình có đủ để điều khiển hàng ngàn anh em Cô-dắc không? Trong tay mình không phải chỉ có một đại đội, mà cả một sư đoàn. Liệu một anh chàng Cô-dắc ít chữ như mình có thể nắm trong tay tính mạng của hàng ngàn con người và gánh vác cái trách nhiệm nặng nề ghê gớm ấy được không? Nhưng điều chủ yếu mà mình đưa họ đi đánh ai cơ chứ? Đánh lại nhân dân… Lẽ phải đang thuộc về ai đây?
Grigori nghiến răng nhìn theo hàng ngũ chặt chẽ của các đại đội đã tiến qua. Trước mắt chàng, quyền lực không còn có cái sức hấp dẫn ngây ngất của nó nữa mà đã mờ nhạt đi. Chỉ còn lại một nỗi lo lắng, đau khổ nó đè nén chàng với một sức nặng không tài nào chịu nổi, nó làm lưng chàng gù xuống.

Chú thích:
1 "Tarat Bunba" là một tác phẩm của Gôgôn chứ không phải của Puskin. ND
2 1894 - 1919 - Một nhà cách mạng Bolsevich, anh hùng Liên Xô hồi nội chiến, hy sinh trong chiến đấu ngày 11-2-1919 ND

Nguồn: http://www.sahara.com.vn/