Phần 7
Ba ngày sau khi Grigori ở nhà ra đi, Mitka Korsunov vác mặt về thôn Tatarsky. Nó đã không về một mình, cùng đi với nó còn có hai thằng cùng làm việc trong đội thanh tiễu. Một thằng là dân Kalmys, đã có tuổi, sinh ở một nơi nào đó trên sông Manyt, còn thằng kia là một gã Cô-dắc nhỏ bé xấu xí người trấn Raxpovinskaia. Tên Kalmys bị Mitka gọi một cách khinh bỉ là "Thằng Chiệc", nhưng con sâu rượu vô loài của trấn Raxpovinskaia lại được nó xưng hô long trọng là "anh Xilanchi Petrovich".
Xem ra trong thời gian tham gia đội thanh tiễu, Mitka đã lập được khá nhiều công lao với Quân khu sông Đông. Trong mùa đông, nó đã được đề bạt làm chánh quản và sau đó lại được phong chuẩn uý.
Nó về thôn trong một bộ quân phục mới rất diện. Có thể nghĩ rằng nó đã sống rất khá khẩm trong thời gian rút lui ở bên kia sông Dones. Hai cái vai rất rộng của nó độn căng chiếc áo quân phục mùa hè màu cứt ngựa, cái cổ đứng hằn sâu vào những ngấn da béo hồng. Cái quần đi ngựa vải chéo xanh có nẹp may sát quá chỉ chực bục ra đằng sau mông… Với cái mã ngoài uy phong lẫm lẫm như thế, có lẽ nếu không nổ ra cái cuộc cách mạng chết tiệt nầy, chắc chắn Mitka đã là một tên lính ngự lâm của trung đoàn Atamansky, sống ở chốn cung đình, bảo vệ ngọc thể của đức hoàng đế bệ hạ. Song tuy không được như thế, Mitka cũng chẳng có gì đáng than phiền về cuộc sống của nó. Cả nó cũng đã kiếm được cái hàm sĩ quan mà không cần phải đem tính mạng của mình ra mạo hiểm, không cần phải thi thố cái anh hùng của mình một cách bạt mạng như Grigori Melekhov. Trong một đội thanh tiễu mà muốn lập một công trạng thì việc đó lại đòi hỏi con người phải có những đức tính khác hẳn…
Mà các đức tính ấy thì Mitka Korsunov có thừa, nó không tin tưởng bọn Cô-dắc dưới quyền lắm nên thường tự tay đem những người bị tình nghi là Bolsevich ra hành tội; để trừng trị những tên đào ngũ nó cũng không ngại dùng roi ngựa hay que thông nòng đánh chúng thừa sống thiếu chết; còn trong việc hỏi cung những người bị bắt thì toàn đội không thể có tên nào bì được với nó. Chính tên trung tá Prianhisnhikov cũng phải nhún vai nói: "Không đâu, các ngài ạ, muốn gì thì muốn, chứ không ai hơn được cái thằng Korsukov nầy đâu! Một con cọp 1 chứ không còn là con người nữa!" Mitka còn có một đặc điểm nữa làm cho nó hơn hẳn những tên khác là khi đội thanh tiễu bắt một người nào mà chúng không thể đem xử bắn nhưng cũng không muốn để sống sót thoát khỏi tay chúng thì chúng tuyên án phạt roi rồi trao cho Mitka nhiệm vụ chấp hành bản án. Thế là nó chấp hành, và với cái kiểu của nó, thì sau năm mươi roi, người bị hành tội bắt đầu nôn ra máu không sao kìm được nữa, rồi sau một trăm roi thì có thể tin tưởng bó chiếu đem đi, không cần phải khám nghiệm làm gì. Qua tay Mitka chưa từng có người nào bị kết án còn sống sót. Chính nó đã nhiều lần cười và pha trò: "Nếu lột tất cả những chiếc quần và váy của những tên Đỏ bị tao giết thì có lẽ cũng đủ cho toàn thôn Tatarsky mặc đấy.
Vì không còn có gì ghìm hãm nữa cho nên sau khi được đem đến đội thanh tiễu, cái bản chất tàn ác mà Mitka sẵn có từ thời thơ ấu không những đã được áp dụng một cách xứng đáng mà còn phát triển đến mức quái đản. Do tính chất của công việc, nó đã tiếp xúc với tất cả những thứ rác rưởi trong giới sĩ quan trôi dạt tới đội thanh tiễu những tên nghiện thuốc phiện trắng, những thằng hiếp dâm, cướp bóc cùng những đứa đốn mạt có trí thức khác. Bọn kia đã đem hết tinh thần căm thù người cộng sản ra dạy nó những gì, nó đều sẵn lòng tiếp thu hết thảy với cái tính chuyên cần vốn có ở một thằng nông dân, và trò chẳng khó khăn gì đã vượt được thầy. Mỗi khi có tên sĩ quan nào thiếu tinh thần, không chịu đựng được nữa trước máu và sự đau khổ của người khác, Mitka chỉ nheo hai con mắt vàng hoe, đầy những tia li ti, làm nốt công việc đến cùng.
Sau khi rời bỏ một đơn vị Cô-dắc để lọt vào đội thanh tiễu của tên trung tá Prianisnhikov và sống một cuộc đời lưu manh đểu cáng, cuối cùng Mitka đã biến thành một con người như thế.
Sau khi vào đến trong thôn, nó ra oai ra thế và hầu như không thèm chào lại những người đàn bà mà nó gặp. Nó cho ngựa đi bước một về nhà, xuống ngựa cạnh cái cổng cháy dở, ám khói đen thui, trao dây cương cho tên Kalmys rồi khệnh khạng bước vào trong sân. Với tên Xilanchi đi kèm, nó lầm lì đi một vòng quanh nền nhà, đưa đầu roi ngựa chạm vào hòn thuỷ tinh bị chảy trong khi cháy nhà, lóng lánh như một viên ngọc lam, rồi nói bằng một giọng khàn đặc vì cảm động:
- Bị chúng nó đốt mất… Ngôi nhà trước kia đường hoàng biết bao! Đẹp nhất thôn đấy. Miska Kosevoi, một thằng cùng thôn với tôi đã châm lửa. Chính nó đã giết ông tôi. Anh thấy đấy, anh Xilanchi Petrovich, tôi đã về thăm ngôi nhà thân yêu để được thấy đám tro tàn như thế nầy đây…
- Thế nhà Kosevoi ấy có đứa nào ở nhà không? - Gã kia hỏi ngay.
- Có lẽ cũng có. Chúng ta sẽ qua thăm chúng nó sau… Nhưng bây giờ chúng ta hãy tới nhà ông bà thông gia nhà tôi cái đã.
Trên đường đi đến nhà Melekhov, Mitka gặp ả con dâu nhà Bogaturev bèn hỏi:
- Mẹ tôi ở bên kia sông Đông đã về chưa?
- Hình như còn chưa về thì phải, bác Mitli Mironovich ạ.
- Thế ông thông gia Melekhov nhà tôi có nhà không?
- Ông già ấy à?
- Phải.
- Ông già có nhà đấy. Nói chung là họ đều ở nhà, chỉ trừ Grigori. Petro thì bị giết dạo mùa đông rồi, bác đã nghe tin chưa?
Mitka khẽ gật đầu rồi thúc ngựa chạy nước kiệu.
Nó cưỡi ngựa đi trên dãy phố vắng tanh và trong hai con mắt ngao ngán, lạnh băng, vàng như mắt mèo của nó, không còn lưu chút dấu vết gì của cái vẻ cảm động sôi nổi vừa nãy. Trong khi đi gần tới sân nhà Melekhov, nó khẽ nói nhưng không riêng với một đứa nào trong hai thằng cùng đi:
- Mình về nơi thôn xóm chôn nhau cắt rốn được đón tiếp như thế nầy đây! Muốn được ăn một bữa phải tìm đến nhà họ hàng… Nhưng được thôi, cứ chờ đấy mà xem!
Ông Panteley Prokofievich đang chữa cái máy gặt dưới hiên nhà kho. Ông nhìn thấy mấy người cưỡi ngựa, nhận ra Mitka Korsunov trong đám, bèn bước ra cổng:
- Xin mời các ngài vào chơi. - Ông vừa mở cái cửa xép vừa niềm nở nói. - Chúng tôi rất sung sướng được đón khách tới nhà! Mừng anh về chơi!
- Chào ông thông gia! Ông vẫn khỏe chứ?
- Ơn chúa, tình hình cũng khá. Nhưng sao, anh đã được phong hàm sĩ quan rồi cơ à?
- Thế ông nghĩ rằng chỉ có các con ông mới được đeo lon trắng hay sao? - Mitka nói giọng tự mãn rồi chìa cho ông già một bàn tay dài ngoằng, đầy gân xanh.
- Hai thằng nhà tôi cũng không thích đeo lon lắm đâu. - Ông Panteley Prokofievich mỉm cười trả lời rồi chạy đi trước để chỉ chỗ buộc ngựa.
Vốn mến khách, bà Ilinhitna dọn bữa trưa cho khách ăn rồi sau đó mới bắt đầu nói chuyện. Mitka hỏi han cặn kẽ về tất cả những điều dính dáng đến gia đình nó, nhưng cứ lầm lì, không để lộ chút thái độ căm uất hay buồn phiền gì cả. Rồi như tiện câu chuyện, nó hỏi xem gia đình Miska Kosevoi có ai còn ở lại trong thôn không.
Khi được biết rằng bà mẹ cùng mấy đứa em nhỏ của Miska có nhà, nó khẽ nháy mắt với tên Xilanchi, nhưng không để cho ai trông thấy.
Chẳng mấy chốc ba người khách đã sửa soạn cáo từ ra đi. Trong khi ra tiễn khách, ông Panteley Prokofievich hỏi:
- Anh định ở lại chơi trong thôn có lâu không?
- Khoảng hai ba ngày gì đó.
- Anh sẽ đi thăm bà nhà chứ?
- Cái đó còn tuỳ.
- Nhưng bây giờ anh đi có xa không?
- À. Cũng chỉ qua thăm vài bà con trong thôn thôi. Chúng tôi sẽ đi quay về ngay.
Mitka và hai thằng cùng đi còn chưa kịp quay về nhà Melekhov thì khắp thôn đã truyền đi cái tin: "Thằng Korsunov cùng bọn Kalmys đã đến đây chém chết cả nhà Kosevoi rồi!".
Còn chưa hay biết gì cả, ông Panteley Prokofievich vừa ra lò rèn lấy cái hái về và đang sửa soạn chữa cái máy gặt thì bà Ilinhitna gọi ông:
- Ông lại đây đã, ông Prokofit! Nhưng quàng quàng lên nào!
Giọng nói của bà lão rõ ràng lộ vẻ lo lắng. Ông Panteley Prokofievich vội vào ngay trong nhà.
Natalia khóc sướt mướt đứng bên cạnh bếp lò, mặt mày nhợt nhạt, Bà Ilinhitna đưa mắt về phía mụ vợ của gã Anikey, hỏi giọng âm thầm:
- Ông đã nghe thấy tin gì chưa, ông già?
"Chao ôi, lại có chuyện gì xảy ra với thằng Grigori rồi.. Cầu Chúa che chở, cầu Chúa rủ lòng thương!" - ý nghĩ ấy làm ông Panteley Prokofievich cảm thấy trong lòng như nung như nấu. Ông tái mặt, rồi vừa hoảng sợ vừa điên tiết vì chẳng thấy ai nói gì cả, bèn quát lên:
- Có gì thì nói ngay đi chứ, cái bọn đáng nguyền rủa nầy? Thế nào, có gì xảy ra thế? Có chuyện với thằng Grigori à? - Rồi như bị tiếng kêu làm cho kiệt sức, ông ngồi phịch xuống chiếc ghế dài và đưa tay xoa xoa cặp chân run bần bật.
Dunhiaska là người đầu tiên hiểu rằng bố đang lo có những tin không may về Grigori, bèn vội nói:
- Không đâu, cha ạ, không phải là tin về anh Griska đâu, Mitka đã giết những người trong nhà Kosevoi.
- Giết là thế nào? - Ông Panteley Prokofievich cảm thấy trong lòng nhẹ nhõm hẳn đi, song ông vẫn còn chưa hiểu ý nghĩa của những lời Dunhiaska vừa nói bèn hỏi lại - Nhà Kosevoi ấy à? Mitka ấy à?
Mụ vợ gã Anikey vừa chạy sang cho biết tin bèn bắt đầu kể lắp bắp:
- Bác ạ, lúc ấy cháu đang đi tìm con bé, nên phải chạy sang sân nhà Kosevoi. Bỗng cháu thấy thằng Mitka và cùng với nó còn có hai tên lính nữa cưỡi ngựa tới sân và vào trong nhà. Cháu nghĩ bụng: con bê sẽ không đi quá cái cối xay gió đâu. Hôm nay là phiên cháu đi chăn bê mà…
- Nhưng tôi cần quái gì đến con bê nhà chị! - Ông Panteley Prokofievich tức giận ngắt lời mụ.
- Thế là chúng nó vào trong nhà. - Mụ kia lắp bắp kể tiếp, - còn cháu thì đứng lại đấy, bụng bảo dạ: "Chúng nó mì tới đây thì chẳng phải vì một chuyện tốt lành gì đâu". Rồi trong ấy bắt đầu có tiếng kêu la và nghe thấy cả tiếng đánh đập. Cháu sợ chết đi được, muốn bỏ chạy, nhưng vừa rời khỏi chỗ hàng rào thì nghe thấy sau lưng có tiếng chân rầm rập. Vừa ngoảnh lại đã thấy thằng Mitka nhà bác lồng một cái gấu váy vào cổ bà lão mà lôi xềnh xệch trên mặt đất, cứ như lôi con chó ấy, lạy chúa tha tội cho! Nó lôi và ấy tới nhà kho, nhưng bà lão khốn nạn chẳng kêu được một tiếng nào có lẽ vì đã bất tỉnh nhân sự. Thằng Kalmys đi cùng với thằng Mitka bèn nhảy lên cái xà ngang… Cháu thấy thằng Mitka ném một đầu cái gấu váy cho thằng kia và quát lên: "Kéo lên và buộc một cái nút!"
Chao ôi, cháu sợ đến chẳng còn hồn vía gì nữa! Chúng nó đã treo cổ bà lão đáng thương ấy ngay trước mắt cháu, rồi sau đó chúng nó nhảy lên ngựa, phi dọc theo cái ngõ, có lẽ ra nhà hội đồng. Vào trong nhà thì cháu sợ không dám vào… Nhưng cháu nhìn thấy từ trong phòng ngoài, ngay bên dưới cánh cửa, có máu chảy ra những bậc thềm. Cầu Chúa tha cho cháu khỏi phải trông thấy một chuyện khủng khiếp như thế nữa!
- Chúa đã đưa đến nhà ta những ông khách tốt như thế đấy? - Bà Ilinhitna vừa nói vừa nhìn ông già, có vẻ chờ đợi.
Với vẻ mặt hết sức xúc động, ông Panteley Prokofievich nghe hết câu chuyện, rồi chẳng nói chẳng rằng, ông bước ngay ra phòng ngoài.
Chẳng mấy chốc đã thấy Mitka cùng hai thằng tay chân của nó tới gần cổng nhà. Ông Panteley Prokofievich khập khiễng bước thoăn thoắt tới trước mặt chúng.
- Đứng lại! - Từ xa ông đã quát lên, - Không được cho ngựa vào trong sân.
- Có gì thế, ông thông gia thân mến? - Mitka ngạc nhiên hỏi.
- Quay ngựa trở lại! - Ông Panteley Prokofievich bước tới sát Mitka rồi nhìn thẳng vào hai con mắt vàng hoe và long lanh của nó, nói rất rắn rỏi - Anh thông gia, anh đừng có giận, nhưng tôi không muốn anh đặt chân vào nhà tôi. Tốt nhất là anh đi đâu thì đi.
A-a-a-… - Mitka kéo dài giọng ra vẻ đã vỡ lẽ, mặt nó tái đi. - Thế là ông đuổi tôi phải không?
- Tôi không muốn anh làm bẩn nhà tôi? - Ông già kiên quyết nhắc lại - Và từ nay anh chớ có đặt chân vào nhà tôi nữa. Nhà chúng tôi, nhà Melekhov nầy, không có họ hàng gì với những tên đao phủ, dứt khoát là như thế?
- Rõ rồi, nhưng ông thông gia thân mến ạ, ông thương người quá đấy.
- Còn anh thì đúng là anh không hiểu lòng thương người là gì cả, vì anh đã bắt đầu đi giết đàn bà con nít? Chao ôi, anh Mitka, anh làm một cái nghề thật là bất lương… Ông cụ nhà anh nay đã mồ yên mả đẹp nhìn thấy anh cũng không lấy làm sung sướng lắm đâu.
- Còn lão, lão già ngu xuẩn, có lẽ lão muốn tôi nựng nịu nuông chiều chúng nó phải không? Chúng nó giết bố tôi, chúng nó giết ông tôi, thế mà tôi lại ôm hôn chúng nó như trong ngày lễ phục sinh hay sao? Thôi cút mẹ lão đi! - Mitka hung hãn kéo cương, con ngựa đi ra khỏi cửa xép.
- Anh đừng có chửi bới. Anh chỉ đáng tuổi con tôi thôi. Và chúng tôi không có gì chia sẻ với anh đâu, anh hãy đi đi và cầu Chúa che chở cho anh.
- Lão đừng có đẩy tôi đến chỗ làm điều ác, đừng có đẩy tôi đến chỗ đó? Tôi còn thương con Natalia, nếu không đối với một thằng tốt bụng tốt dạ như lão, tôi thì… Tôi biết nhà lão lắm? Tôi đã nhìn thấy rõ tim gan nhà lão như thế nào rồi? Nhà lão đã không rút lui sang bên kia sông Dones phải không? Nhà lão đã đi theo bọn Đỏ phải không? Đấy, đấy? Tất cả già trẻ gái trai nhà lão cái lũ chó đẻ nầy, phải treo cổ hết chúng mày lên như nhà thằng Kosevoi mới phải! Thôi đi đi anh em! Nầy liệu hồn đấy, cái con chó dái thọt cẳng, lão đừng có chạm trán với thằng nầy lần nữa? Lão không thoát khỏi tay thằng nầy đâu? Thằng nầy không quên sự đón tiếp của lão đâu! Cái kiểu họ hàng như thế nầy thằng nầy cũng chẳng thiết!
Hai tay run bần bật, ông Panteley Prokofievich đóng cửa xép, cài then rồi khập khiễng trở vào trong nhà.
- Tao đã tống cổ thằng anh mày đi rồi. - Ông nói nhưng không nhìn Natalia.
Natalia chẳng nói chẳng rằng tuy trong thâm tâm nàng rất đồng tình với cách đối xử của bố chồng. Bà Ilinhitna làm dấu phép rất nhanh và sung sướng nói:
- Thật là ơn Chúa: cái quân quỷ dữ ấy chúng nó xéo rồi? Natalia ạ mày cũng đừng giận mẹ nói quá nặng lời, nhưng cái thằng Mitka nhà mày đúng là một quân thù quân hằn đối với chúng ta! Nó đã kiếm được một công việc như thế mà làm, nó không làm như những thằng Cô-dắc khác, không đi lính trong những đơn vị đàng hoàng mà, mày có thấy không? Nó đi theo một đội đao phủ! Đi làm một thằng đao phủ, treo cổ những bà già, cầm gươm chém những đứa trẻ vô tội, chẳng nhẽ một người Cô-dắc lại làm những điều như thế hay sao? Chẳng nhẽ mẹ con nhà ấy phải chịu trách nhiệm về thằng Mitka hay sao? Nếu thế thì bọn Đỏ có thể vì thằng Griska mà chém cả tao, cả mày lẫn thằng Misatka và con Poliakov. Nhưng họ có chém đâu, họ cũng biết thương đấy chứ? Không, cầu Chúa che chở cho, tao không đồng tình với bọn nầy được.
- Mẹ ạ, con không bênh anh con đâu… - Natalia đưa khăn tay lên chùi nước mắt và chỉ nói như thế.
Ngay hôm ấy Mitka rời khỏi thôn. Nghe nói hình như nó lại về với đội thanh tiễu của nó ở một nơi nào đó gần thị trấn Karginskaia và cùng toàn đội đi lập lại trật tự trong những làng Ukraina của khu Donesky, vì các làng nầy đã phạm cái tội tham gia trấn áp cuộc phiến loạn ở vùng Đông thượng.
Sau khi Mitka đi rồi, trong thôn còn bàn ra tán vào hàng tuần về chuyện đó, phần lớn dân chúng đều lên án cái hành động tự quyền xét xử và tàn sát gia đình Kosevoi. Người ta đã lấy tiền công quỹ chôn cất ba mẹ con người bị giết và muốn bán căn nhà nhỏ của Kosevoi nhưng chẳng có ai mua. Theo lệnh tên ataman thôn, các cửa chớp của căn nhà đều có ván đóng chéo chữ thập. Trong một thời gian rất dài, con trẻ không dám đến chơi đùa ở nơi khủng khiếp ấy nữa, và mỗi khi qua căn nhà bị giết hết người ở, các ông già bà lão đều làm dấu phép cầu cho linh hồn những người bị giết được yên nghỉ.
Sau đó là thời vụ cắt cỏ ngoài đồng và những chuyện vừa xảy ra cũng bị quên đi.
***
Vẫn như xưa, thôn xóm kéo dài cuộc sống trong lao động và với những tin mặt trận. Các hộ nào còn giữ được bò ngựa kéo xe đều rên rỉ, chửi rủa mỗi khi phải sửa soạn xe để đi phu vận tải. Gần như ngày nào người ta cũng phải bỏ công việc làm ăn để đánh bò ngựa lên trấn. Trong khi tháo ngựa ra khỏi máy cắt cỏ, bọn già lão luôn miệng dùng những lời chẳng hay ho gì để nói về cuộc chiến tranh kéo dài nầy. Nhưng đạn pháo, đạn súng trường, súng máy, dây thép gai, lương thực thì không thể không chở ra mặt trận. Và người ta đã chở đi. Như cố ý trêu người, những ngày đó đều rất đẹp trời, làm người ta chỉ muốn đi cắt cỏ, đi đánh đống những lớp cỏ vừa đúng độ nên cắt nhiều chất bổ mộc cách lạ lùng.
Ông Panteley Prokofievich sửa soạn đi cắt cỏ và rất bực mình với Daria. Ả đã đánh một đôi bò mộng đi chở đạn, đáng là phải từ chỗ chuyển xe trở về rồi, nhưng đã được một tuần mà chẳng thấy tăm hơi ả đâu cả. Không có đôi bò mộng già đáng tin cậy ấy thì ra đồng cỏ cũng chẳng làm được trò trống gì.
Thật ra, đáng lẽ không cắt Daria đi mới phải… Khi trao cặp bò cho ả, ông Panteley Prokofievich đã phải cố nén lòng vì ông đã biết ả thích láng cháng tằng tịu và lười chăm nom gia súc như thế nào. Đunhiasa thì không thể nào cho đi được vì đi đường xa cùng với những gã Cô-dắc lạ mặt đâu phải là việc con gái con đứa làm.
Natalia thì có con nhỏ: chẳng nhẽ đích thân ông già phải chở những viên đạn khốn kiếp ấy đi hay sao? Mà Daria lại sẵn sàng tự nguyện xin đi. Ngay xưa kia ả cũng vẫn vui lòng đi tất cả các nơi, dù là đến nhà máy xay để xay bột xay kê hay đi làm một việc gì khác cần thiết cho công việc trong nhà, nhưng tất cả chỉ vì ả cảm thấy rằng ra khỏi nhà thì mình được tự do hơn rất nhiều. Mỗi chuyến đi đều giúp ả giải khuây đều làm cho ả vui. Thoát khỏi cặp mắt theo dõi của mẹ chồng, ả có thể tán hươu tán vượn thoả thích với bọn đàn bà, và như ả thường nói, có thể "tình tang qua quýt" khi có gã Cô-dắc nhanh nhẩu hoạt bát lọt vào mắt ả. Còn ở nhà thì ngay sau khi Petro qua đời, bà Ilinhitna vốn tính nghiêm khắc cũng không để cho ả được tự do. Cứ như là sau khi đã lừa dối chồng trong khi chồng còn sống, Daria bắt buộc phải giữ trọn niềm chung thuỷ với người đã khuất.
Tuy biết rằng hai con bò mộng sẽ không được chăm nom với cặp mắt của một người làm chủ, nhưng ông Panteley Prokofievich chẳng còn cách nào khác, đành phải sửa soạn cho con dâu cả lên đường. Cho đi thì vẫn cho đi, nhưng suốt một tuần ông cứ lo canh cánh, trong lòng không lúc nào được yên. "Đi đứt mất cặp bò của mình rồi!" - Nhiều lần ông đã tỉnh giấc giữa đêm, thở dài thườn thượt, bụng bảo dạ.
Đến sáng hôm thứ mười một, Daria mới trở về nhà. Ông Panteley Prokofievich vừa ở ngoài đồng về. Ông thắng chung bò để cắt cỏ cùng với mụ vợ của gã Anikey. Ông để mụ và Dunhiaska ở lại đồng cỏ để về thôn lấy nước và thức ăn. Hai ông bà già và Natalia đang ăn sáng thì bên ngoài cửa sổ có tiếng xe lóc cóc nghe rất quen. Natalia chạy thoắt ra cửa sổ nhìn thấy Daria quấn khăn che mặt đến tận mắt đang đánh hai con bò mệt mỏi và gầy rộc.
- Nó đấy phải không? - Ông già bị nghẹn vì một miếng chưa nhai kỹ nhưng vẫn hỏi.
- Daria đấy?
- Thật không ngờ còn được trông thấy hai con bò! Chà, thật là ơn Chúa? Cái con đĩ thoã đáng nguyền rủa? Mãi bây giờ mới lê xác về đến nhà… - Ông già ợ lên vì no, vừa làm dấu ghép vừa làu bàu.
Tháo bò xong, Daria bước vào bếp, đặt ở ngưỡng cửa một mảnh vải thô gấp tư rồi chào hỏi mọi người trong nhà.
- Mày làm sao thế, con yêu của cha! Sao mày chẳng đi thêm một tuần nữa! - Ông Panteley Prokofievich không trả lời câu Daria chào hỏi, gườm gườm nhìn ả và nói giọng bực bội.
- Cha cứ thử đi lấy mà xem? - Ả vừa tháo chiếc khăn đầy bụi khỏi đầu vừa nói lại.
- Sao mày đi lâu thế con? - Bà Ilinhitna hỏi xen vào cho không khí của buổi gặp gỡ đỡ căng thẳng.
- Họ không cho về, vì thế mới đi lâu.
Ông Panteley lắc đầu tỏ vẻ không tin rồi hỏi:
- Con vợ thằng Khristonhia đến chỗ chuyển xe thì được về, còn mầy thì không à?
- Nhưng tôi thì họ không cho về! - Daria hung hãn long hai con mắt nói thêm - Nếu cha không tin thì cứ ra mà hỏi lão đội trưởng đi theo đoàn xe vận tải ấy.
- Tao chẳng cần gì phải đi dò hỏi về mày, nhưng lần sau mày sẽ ở nhà. Mày thì sẽ chỉ được cho đi thăm Diêm vương thôi.
- Cha lại doạ tôi à! Ái chà chà, cha lại doạ tôi! Nhưng tôi, tôi cũng sẽ không đi đâu? Bảo tôi đi, tôi cũng sẽ không đi cho mà xem!
- Hai con bò có khỏe không? - Giọng ông già hỏi đã ôn tồn hơn.
- Khỏe. Bò của cha chẳng gặp phải chuyện gì đâu… - Daria trả lời giọng miễn cưỡng, mặt u ám hơn cả trời đêm.
"Trên đường đã phải chia tay với một anh chàng yêu dấu nào chứ gì, chính vì thế chị chàng mới bẳn tính như thế đây", Natalia nghĩ thêm. Bao giờ nàng cũng cảm thấy thương hại và kinh tởm đối với Daria và cái thói trăng hoa bẩn thỉu của Daria.
Ăn sáng xong, ông Panteley Prokofievich sắp sửa ra đồng cỏ, nhưng giữa lúc ấy lão ataman thôn mò tới.
- Đáng là tôi phải chúc ông đi cho mạnh giỏi mới phải, nhưng ông hãy hượm đã, ông Panteley Prokofievich, ông đừng đi vội.
- Ông lại đến lấy xe vận tải chứ gì? - Ông giả vờ hỏi bằng một giọng hiền lành ôn tồn, nhưng thật ra cơn giận sôi sục đã làm ông cảm thấy nghẹt thở.
- Không, hôm nay lại là một điệu nhạc khác. Hôm nay chính tướng quân Sidorin, tổng tư lệnh của toàn thể quân đội sông Đông, sẽ đến thôn ta. Ông có hiểu không? Tôi vừa nhận được tờ giấy do liên lạc của ông ataman trấn mang tới, ra lệnh cho toàn thể bô lão và đàn bà phải tới họp đại hội thôn, không được thiếu một ai.
- Họ có còn trí khôn nữa hay không? Việc ông Panteley Prokofievich kêu lên. - Giữa thời buổi công việc làm ăn tất bật như thế nầy, ai lại tổ chức một đại hội toàn thôn? Thế còn rơm cỏ thì ông tướng Sidorin của ông sẽ đi lấy về cho tôi dự trữ dùng trong mùa đông chứl
- Ông ấy thì là của ông cũng chẳng kém gì của tôi. Lão ataman bình tĩnh trả lời. Tôi nhận được lệnh như thế nào thì lại làm như thế nấy thôi. Ông hãy tháo bò ra! Phải đem bánh mì và muối ra đón rước cho trọng thể. Ngoài ra nghe nói còn có cả những vị tướng Đồng minh cũng đến nữa đấy.
Ông Panteley Prokofievich đứng lặng một lát bên cạnh chiếc xe bò, suy đi tính lại rồi bắt đầu tháo hai con bò. Lão ataman thấy lời lão đã đem lại kết quả, bèn vui vẻ hỏi thêm:
- Ông có thể cho mượn con ngựa cái của ông không?
- Ông cần đến nó để làm gì?
Quỷ tha ma bắt chúng nó đi! Trong mệnh lệnh bảo rằng phải đem hai chiếc xe ba ngựa đi đón ở khe Thằng Ngốc. Nhưng kiếm đâu ra xe và ngựa bây giờ, thật phát điên lên được! Trời chưa hửng tôi đã dậy, chạy long tóc gáy, chiếc sơ-mi ướt rồi lại ráo tới năm lần mà mới kiếm được bốn con ngựa. Bà con đi làm việc tất tần tật, thật khóc lên được!
Đến lúc nầy ông Panteley Prokofievich đã lấy lại được bình tĩnh, ông đồng ý cho mượn con ngựa cái, thậm chí còn đề nghị đem dùng chiếc xe ngựa có lắp díp của mình. Dù sao đây cũng là để cho tổng tư lệnh quân đội đi, lại có cả những ông tướng nước ngoài cùng đi nữa, mà đối với các ông tướng thì ông Panteley Prokofievich vốn dĩ bao giờ cũng hết sức kính sợ…
Do sự mẫn cán của lão ataman, người ta đại khái cũng kiếm được hai chiếc xe ba ngựa rồi đánh đến khe Thằng Ngốc để đón các vị khách quý. Dân chúng kéo đến tề tựu trên bãi họp của thôn. Nhiều người bỏ cả công việc cắt cỏ, vội vã chạy từ ngoài đồng cỏ về thôn.
Ông Panteley Prokofievich cũng không thiết gì đến công việc nữa. Để làm dáng làm đỏm một chút, ông mặc một chiếc sơ-mi sạch sẽ, một chiếc quần đi ngựa bằng nỉ có nẹp, đội một chiếc mũ cát-két mà trước kia Grigori đã mang về làm quà biếu ông, rồi đàng hoàng khập khiễng ra bãi họp việc làng sau khi đã dặn bà già bảo Daria mang nước và thức ăn ra đồng cỏ cho Dunhiaska.
Chẳng mấy chốc một làn bụi mù mịt đã cuộn lên trên con đường và ào ào đổ về thôn như một dòng nước. Qua làn bụi thấy nhấp nhoáng một cái gì bằng kim khí và từ xa đã vẳng tới tiếng còi xe hơi bí bo. Các vị khách đi hai chiếc xe hơi mới toanh, lấp lánh màu sơn xanh sẫm. Xa xa phía sau, hai chiếc xe ba ngựa bỏ không đang vượt qua những người cắt cỏ từ ngoài đồng cỏ trở về thôn. Dưới cái vòng cung ở đầu càng xe leng keng mấy chiếc chuông xe bưu điện mà lão ataman đã cố kiếm cho buổi lễ long trọng nầy, tiếng chuông nghe đến là rầu rĩ. Đám người đứng trên bãi nhộn nhịp hẳn lên, nhao nhao tiếng người nói, tiếng trẻ con la hét vui vẻ. Lão ataman cuống quít chạy lăng xăng trong đám người để kiếm những tên bô lão danh dự sẽ ra hiến bánh mì và muối. Vừa nhìn thấy ông Panteley Prokofievich, lão mừng rơn nắm luôn lấy tay ông:
- Ông hãy vì Chúa mà giúp tôi với! Ông là một người từng trải, biết cách nói năng đối xử… Chắc hẳn ông cũng biết bắt tay họ và làm được cả mọi thứ… Hơn nữa ông đã từng là uỷ viên Cơ-rúc và lại có được một con trai như thế… ông làm ơn mang hộ bánh mì và muối, kẻo tôi cứ thấy sờ sợ, run cả đầu gối.
Tuy phổng cả mũi trước vinh dự đó, nhưng đầu tiên ông Panteley Prokofievich vẫn từ chối cho ra vẻ lịch sự, rồi một lát sau mới so vai rút cổ, làm dấu phép rất nhanh trước khi nhận lấy cái đĩa đựng bánh mì và muối, trên phủ chiếc khăn thêu. Ông đưa khuỷu tay hích những người đứng bên để lên phía trước.
Chỉ loáng cái hai chiếc xe hơi đã chạy tới gần cái bãi, hộ tống có cả một bầy chó đủ các màu lông sủa đến khản cả tiếng.
- Ông… ông thấy thế nào? Ông có sợ không? - Lão ataman mặt mày nhợt nhạt khẽ rỉ tai ông Panteley Prokofievich. Đây là lần đầu tiên trong đời lão được trông thấy những vị quan to như thế nầy. Ông Panteley Prokofievich long cặp mắt có hai cái lòng trắng xanh xanh, liếc nhìn lão một cái và nói bằng một giọng khê đặc vì cảm động:
- Nầy, ông cầm hộ một lát, để tôi chải qua bộ râu cái đã. Cầm lấy kìa?
Lão ataman sẵn lòng đỡ hộ cái đĩa. Ông Panteley Prokofievich vuốt râu vuốt ria, ưỡn ngực một cách ngang tàng, kiễng bên chân tàn tật để người ta không thấy rằng mình thọt, rồi lại nhận lấy cái đĩa. Nhưng cái đĩa cứ run bần bật trong tay ông đến nỗi lão ataman phải hốt hoảng hỏi ông:
- Ông sẽ không để rơi chứ? Chao ôi, ông cẩn thận đấy?
Ông Panteley Prokofievich nhún vai ra vẻ khinh bỉ. Ông mà đánh rơi hay sao? Sao lại có kẻ nói được một câu ngu xuẩn đến như thế! Một nhân vật đã từng làm uỷ viên Cơ-rúc như ông, một người đã từng lên tận tướng phủ của quan ataman nhiệm mệnh bắt tay tất cả các nhân vật mà lại bất thần hoảng sợ trước mặt một viên tướng nào đó hay sao? Cái thằng ataman vô danh tiểu tốt, cái thằng khốn nạn nầy đúng là đã mất hết trí khôn rồi!
- Nầy, người anh em ạ, hồi lên họp Cơ-rúc Quân khu, tôi đã uống nước chè đường với chính ngài ataman nhiệm mệnh đấy… - Ông Panteley Prokofievich vừa bắt đầu nói đã lại nín thinh.
Chiếc xe hơi đầu tiên dừng bánh trước mặt ông, chỉ cách chừng mươi bước. Gã tài xế mặt mày nhẵn thín đội chiếc mũ cát-két vành rất to, áo quân phục cổ bẻ đính những chiếc lon không phải của quân đội Nga, nhẹ nhàng nhảy xuống mở cửa xe. Từ trên xe hai quân nhân mặc quần áo màu cứt ngựa từ tốn bước xuống, đi về phía đám người. Cả hai tiến thẳng tới trước mặt ông Panteley Prokofievich, nhưng ông vẫn đứng nghiêm cứng người. Ông đoán rằng chính hai con người ăn vận giản dị nầy mới là hai ông tướng, còn những kẻ đi sau, quần áo bảnh bao hơn, thì chỉ là những cấp dưới trong đoàn tuỳ tùng. Ông gì đăm đăm nhìn những vị quan khách đang bước tới mỗi lúc một gần, và trong cặp mắt mở trừng trừng không chớp của ông mỗi lúc một hiện rõ một vẻ ngạc nhiên không chút giấu giếm. Còn đâu những cái lon cấp tướng nặng nề? Còn đâu những dây ngù vai và huân chương? Hai nhân vật nầy thì tướng với tá gì với cái trang phục và dung mạo nom chẳng khác gì những tên thủ lại tầm thường chỉ là lính trơn? Trong khoảnh khắc ông Panteley Prokofievich chợt cảm thấy mình thất vọng một cách chua chát. Thậm chí ông còn có phần bực mình, cả vì mình đã hoài công chuẩn bị đón tiếp long trọng, cả vì thấy hai tên kia đã bôi nhọ cái danh hiệu tướng lĩnh.
Mẹ nó chứ, nếu ông biết trước rằng sẽ có những thằng tướng như thế nầy vác mặt tới đây thì ông đã chẳng ăn vận chải chuốt, chẳng chờ đón chúng với cả một tâm trạng rạo rực bồi hồi như thế, và dù sao cũng chẳng đứng đực ra như một thằng ngốc với cái đĩa trong tay đựng chiếc bánh mì mà một mụ già hạng bét nào đó đã nướng chẳng ra đâu vào đâu. Không, lão Panteley Melekhov nầy chưa từng làm trò cười cho thiên hạ bao giờ, thế mà bây giờ cái chuyện ấy đã xảy ra. Mới một phút trước đây thôi, chính tai ông đã nghe thấy bọn nhãi ranh cười khì khì sau lưng ông và một thằng tiểu yêu đã réo ầm làng nước: "Các cậu ơi! Xem lão thọt Melekhov đứng cứng người ra có ghê không kìa! Cứ như lão vừa nuốt chửng một con cá diếc ấy!". Nếu quả thật có gì đáng để ông phải nghe thiên hạ đàm tiếu và làm khổ cái chân đau phải căng thẳng ra như sợi dây đàn thì đã chẳng nói làm gì… ông Panteley Prokofievich giận quá, lục phủ ngũ tạng sổi cả lên. Trăm tội chỉ tại cái lão ataman khốn kiếp nhát như cáy. Lão dẫn xác đến nhà, nói nhăng nói cuội, lấy cả ngựa lẫn xe rồi chạy long tóc gáy khắp thôn, nhỏ rớt nhỏ dãi, kiếm nhạc kiếm chuông cho hai chiếc xe ba ngựa. Tục ngữ nói quả không ngoa: Kẻ nào chưa từng gặp một con người cho ra con người thì trông thấy một cái cành cây cũng mừng rơn. Suốt cuộc đời ông, ông Panteley Prokofievich đã từng trông thấy những tên tướng tá như thế nầy bao giờ đâu? Cứ tạm kể buổi duyệt binh của hoàng đế thôi, có những ông tướng ngực đầy huân chương, huy chương, những vàng là vàng, cứ nhìn mà sướng cả mắt, đúng là bức hình thánh chứ không còn là ông tướng nữa! Còn hai tay nầy thì toàn một màu xanh lá cây, nom chẳng khác gì hai con quạ. Một tay thậm chí còn không có được cái mũ cát-két hình thù cho tử tế một chút, mà lại đội kiểu như một cái nồi bọc vải, mặt mày lại cạo nhẵn thín, lấy đèn mà soi cũng chẳng tìm thấy được một sợi râu nào… ông Panteley Prokofievich cau có, thiếu chút nữa thì nhổ toẹt bãi nước bọt vì tởm lợm, nhưng có một tên không rõ là tên nào đã đẩy mạnh vào lưng ông và rỉ tai ông rất to:
- Ông bước lên đi chứ, mang lên đi!
Ông Panteley Prokofievich bước về phía trước. Tên tướng Sidorin đưa mắt qua đầu ông, lướt nhìn đám người rồi cất cái giọng oang oang lên nói:
- Xin chào các ngài bô lão!
- Xin chào quan lớn, chúc ngài khỏe mạnh! - Dân chúng trong thôn nhao nhao kêu lên.
Viên tướng nhận bánh mì và muối trong tay ông Panteley Prokofievich với một vẻ rất độ lượng, nói: "Cám ơn!" rồi chuyển cái đĩa cho tên phó quan.
Đứng bên cạnh Sidorin là một đại tá người Anh cao, gầy nhưng khỏe mạnh. Dưới vành mũ sụp xuống tới mắt, hắn nhìn đám dân chúng Cô-dắc với một vẻ hiếu kỳ phớt lạnh. Theo lệnh tên tướng Brichxơ, trưởng phái đoàn quân sự Anh ở vùng Kavkaz, hắn đi theo Sidorin trong chuyến tuần tra của tên nầy lại các vùng Quân khu sông Đông vừa đuổi được hết người Bolsevich và qua thông ngôn, hắn nghiên cứu rất cẩn thận tinh thần của dân Cô-dắc, đồng thời tìm hiểu tình hình các mặt trận.
Tên đại tá đã mệt nhoài vì những thiếu thốn mà hắn đã phải chịu đựng trong khi đi đường, vì phong cảnh đơn điệu của vùng đồng cỏ cùng những cuộc chuyện trò chán ngấy và tất cả các nhiệm vụ phức tạp đổ lên đầu một nhân vật đại diện cho một cường quốc lớn, song vấn đề cần được đặt cao hơn hết vẫn là phải phục vụ cho các quyền lợi của vương quốc! Vì thế hắn vẫn chăm chú lắng nghe lời phát biểu của tên hùng biện trong trấn mà hắn đã gần hiểu được hết vì hắn có biết tiếng Nga, nhưng vẫn giấu những tên khác. Với vẻ kiêu ngạo chính cống Anh-cát-lợi, hắn nhìn những bộ mặt ngăm ngăm đen mang những tính chất hết sức khác nhau của những người con thượng võ nầy trên đồng cỏ và hắn cảm thấy rất đỗi ngạc nhiên trước cái tính chất hỗn hợp chủng tộc nó bao giờ cũng đập ngay vào mắt những người nhìn vào một đám dân Cô-dắc: Một anh chàng mang những nét điển hình của dân Mông-cồ đứng ngay bên cạnh một gã Cô-dắc tóc trắng phếch nòi Slavơ, và cũng gần đấy lại có một thanh niên với bộ tóc đen nhánh như cánh quạ, tay quấn những đám băng bẩn thỉu, đang nói chuyện với một lão già râu tóc bạc phơ nom như một vị tộc trưởng trong Kinh thánh, và hoàn toàn có thể đánh cuộc rằng trong người lão tộc trưởng chống gậy, mặc chiếc trermen Cô-dắc kiểu cổ nầy, đang chảy một dòng máu hết sức thuần tuý của dân miền núi Kavkaz…
Tên đại tá cũng có thuộc đôi chút lịch sử: trong khi nhìn đám dân Cô-dắc hắn nghĩ rằng không riêng những con người man rợ nầy mà cả bọn con cháu họ cũng không thể nào đi đánh Ấn Độ dưới quyền chỉ huy của một ông Platov 2 nào mới. Sau khi đánh bại người bolsevich, nước Nga bị chảy hết máu trong nội chiến sẽ ra khỏi hàng ngũ các cường quốc lớn một thời gian dài, vì thế trong khoảng vài chục năm tới, các thuộc địa của Anh ở phương Đông sẽ không còn bị ai uy hiếp nữa. Còn cái việc người Bolsevich sẽ bị đánh bại thì tên đại tá tin tưởng như đinh đóng cột. Hắn vốn là một con người có đầu óc tỉnh táo, trước chiến tranh đã từng sống ở nước Nga nhiều năm, vì thế tất nhiên hắn không thể nào tin rằng các tư tưởng viển vông của chủ nghĩa cộng sản lại có thể dành được thắng lợi ở một nước gần như còn man rợ…
Rồi đám phụ nữ chuyện trò nhao nhao bắt đầu thu hút sự chú ý của tên đại tá. Đầu không quay đi quay lại, hắn nhìn những khuôn mặt dãi dầu náng gió, gò má rất cao của họ, và trên cặp môi mím chặt của hắn hơi thoáng một nụ cười dè bỉu.
Ông Panteley Prokofievich hiến bánh mì và muối xong lẩn ngay vào giữa đám đông. Ông không muốn nghe một gã bẻm mép nào đó từ thị trấn Vosenskaia về đây để nhân danh dân chúng toàn trấn chào mừng bọn quan khách vừa tới nơi, mà lại đi vòng ra sau đám đông, tới chỗ hai chiếc xe ba ngựa đang đỗ cách xa đấy một chút.
Những con ngựa đều sủi mồ hôi, hai bên sườn đưa lên đưa xuống nặng nề theo nhịp thở hổn hển. Ông già đi tới trước mặt con ngựa cái cửa ông thắng ở giữa một cỗ ngựa, lấy tay áo lau mũi cho nó, thở dài. Trong tâm trạng quá thất vọng, ông chỉ muốn văng tục một câu, nhưng ông chỉ tháo ngay con ngựa và dắt về nhà.
Trong khi đó tên tướng Sidorin đã bắt đầu nói chuyện với dân chúng thôn Tatarsky. Hắn ca ngợi các hoạt động quân sự của họ trong hậu phương của Hồng quân và nói:
- Bà con đã anh dũng chiến đấu chống lại kẻ thù chung cửa chúng ta. Tổ quốc đang dần dần được giải phóng khỏi tay quân Bolsevich, khỏi cái ách áp bức khủng khiếp của chúng và sẽ không quên công lao của bà còn đâu. Tôi muốn tặng thưởng các bà phụ nữ thôn ta, những người như chúng tôi được biết, đã tỏ ra đặc biệt xuất sắc trong cuộo đấu tranh vũ trang chống lại bọn Đỏ. Tôi đề nghị các vị nữ anh hùng Cô-dắc sắp được gọi tên ngay đây tiến lên phía trước!
Một tên sĩ quan đọc một bản danh sách ngắn. Người đầu tiên gọi tên là ả Daria nhà Melekhov, còn những người kia đều là vợ goá của những tên Cô-dắc bị giết hồi cuộc phiến loạn mới bùng nổ. Cũng như Daria, họ đã nhúng tay vào vụ giết hại các đảng viên cộng sản bị bắt làm lù binh và bị áp giải đến thôn Tatarsky sau khi trung đoàn Xerdovsky đầu hàng.
Daria đã không ra đồng cỏ như ông Panteley Prokofievich ra lệnh. Ả cũng có mặt giữa đám đàn bà trong thôn và ăn mặc diêm dúa như đi chơi hội.
Vừa nghe thấy đọc lên tên họ của mình, ả xô ngay mấy mụ đàn bà khác, mạnh dạn bước lên phía trước, vừa đi vùa sửa lại chiếc khăn bịt đầu trắng viền đăng ten, hai con mắt nheo nheo, nụ cười trên môi chỉ hơi có vẻ ngượng nghịu. Dù vẫn còn mệt mỏi sau chặng đường và những trò yêu đương, ả vẫn còn đẹp một cách lạ thường? Cặp má trắng nhợt không hề bị rám nắng càng làm nổi bật cái ánh bừng bừng của hai con mắt lim dim, nhìn sục sạo, và trên hai đường con phóng đãng của hai hàng lông mày tô đen cùng cặp môi cười toe toét thấy ẩn hiện một cái gì vừa khiêu khích vùa dâm đãng.
Bị một tên sĩ quan đứng quay lưng về đám người ngáng đường, ả khẽ đẩy hắn ra và nói:
- Lánh ra cho người yêu của chú rể đi nào? - Rồi ả đi tới trước mặt Sidorin.
Sidorin nhận ở tay gã phó quan một chiếc mề-đay đính trên một dải huy chương thánh Gioóc, gắn lên bên trái ngực cái áo ngắn mặc ngoài của Daria bằng những ngón tay lóng ngóng rồi tươi cười nhìn vào mắt ả.
- Bà là bà quả phụ vợ thiếu uý Melekhov bị giết hồi tháng Ba à?
- Vâng.
- Ngay bây giờ bà sẽ được nhận món tiền năm trăm rúp. Ông sĩ quan kia sẽ trao cho bà. Ngài ataman Quân khu African Petrovich Bogaevsky và Chính phủ sông Đông cảm ơn bà về tinh thần dũng cảm cao cả mà bà đã biểu hiện, đồng thời xin bà nhận cho lời chia buồn… Các vị đó xin chia buồn với bà về nỗi đau khổ của bà.
Daria không hiểu được hết những lời viên tướng vừa nói với ả. Ả gật đầu cám ơn hắn, nhận tiền trong tay tên phó quan và chẳng nói chẳng rằng mỉm cười nhìn thẳng vào mắt tên tướng chưa lấy gì làm già lắm. Hai bên gần cao bằng nhau. Chẳng cần giữ ý gì cả. Daria cứ nhìn trân trân bộ mặt xương xương của viên tướng. "Chúng nó đánh giá anh chàng Petro của mình quá rẻ đấy, chẳng hơn gì một đôi bò mộng… Còn cái thằng tướng loắt choắt nầy kể cũng khá đấy, tạm dùng cũng được". - Trong lúc nầy ả đã nghĩ như thế với cái bản chất vô liêm sỉ sẵn có. Sidorin cứ tưởng Daria sẽ tức khắc bỏ đi ngay, nhưng không hiểu sao ả cứ trùng trình nán lại rất lâu. Tên phó quan và những tên sĩ quan khác đứng sau lưng Sidorin động đậy lông mày đưa mắt chỉ cho nhau ả goá đĩ tính. Trong mắt chúng long lanh những tia thích thú. Cả tên đại tá người Anh cũng hoạt bát hẳn lên. Hắn sửa lại dây lưng, giậm giậm chân, và trên bộ mặt phớt lạnh của hắn bỗng thấy hiện lên một cái gì phảng phất như một nét cười.
- Tôi đi được rồi chứ? - Daria hỏi.
- Được được tất nhiên rồi? - Sidorin vội đồng ý ngay.
Daria nhét tiền vào kẽ ngực áo, động tác có phần ngượng nghịu, rồi bước về với đám dân chúng. Tất cả những tên sĩ quan mệt nhoài sau những lời phát biểu và những nghi thức đều chăm chú nhìn theo những bước chân nhẹ nhàng, đi như lướt trên mặt đất của ả.
Mụ vợ của gã Marchin Samin đã qua đời ngập ngừng bước tới trước mặt Sidorin. Tấm mề-đay vừa cài lên chiếc áo đã cũ nát của mụ thì mụ bất thần khóc oà lên, khóc một cách cay đắng, bất lực và đàn bà đến nỗi nét mặt của bọn sĩ quan lập tức mất ngay cái vẻ thích thú vui nhộn vừa nãy để trở nên nghiêm trang, rầu rĩ và đồng tình.
- Chồng bà cũng bị giết à? - Sidorin cau mày hỏi.
Người đàn bà khóc nức nở, đưa hai tay lên che mặt, lặng lẽ gật đầu.
- Con cái của mụ ấy thì một chiếc xe bò chở không hết đâu? - Trong đám Cô-dắc có người nói trầm trầm.
Sidorin quay nhìn tên người Anh, nói to:
- Chúng tôi tặng thưởng những người phụ nữ đã tỏ ra đặc biệt dũng cảm trong các trận chiến đấu chống lại bọn Bolsevich. Phần lớn đã có chồng bị giết hồi cuộc bạo động chống quân Bolsevich mới bùng nổ và để trả thù cho chồng, những người đàn bà goá nầy đã tiêu diệt cả một chi đội lớn những đảng viên cộng sản địa phương. Người đầu tiên được tôi tặng thưởng là vợ của một sĩ quan, bà ta đã tự tay giết một thằng chính uỷ cộng sản lừng danh là tàn ác.
Trên sĩ quan phiên dịch nói liến thoắng bằng tiếng Anh. Tên đại tá lắng nghe rồi gật đầu và nói:
- Tôi rất khâm phục lòng can đảm của những người đàn bà nầy. Xin tướng quân cho biết, họ đã tham gia chiến đấu cũng như đàn ông có phải không?
- Vâng, - Sidorin trả lời gọn lỏn rồi nóng nảy đưa tay ra hiệu cho mụ đàn bà goá thứ ba lại gần hơn.
Sau khi trao tặng thưởng xong, chẳng mấy chốc bọn quan khách đã lên đường trở về thị trấn. Dân chúng vội vã rời khỏi bãi họp để lại đi cắt cỏ ngay, và vài phút sau khi hai chiếc xe hơi chạy đã khuất giữa những tiếng chó sủa oăng oẳng tống tiễn, bên cạnh dãy tường bao của toà nhà thờ chỉ còn lại ba lão già.
- Thời thế đã đến lúc quả là kỳ quặc? - Một lão khoát rộng hai tay nói. - Trước kia trong chiến tranh người ta chỉ tặng huân chương và huy chương thánh Gioóc khi có những thành tích thật là vi-ĩ-ĩ đại, anh hùng, mà đã tặng là tặng cho những ai cơ chứ? Phải là những tay to gan lớn mật nhất, cừ khôi nhất! Mà cũng chẳng có bao nhiêu tay dám liều mạng cố kiếm lấy tấm huân chương. Tục ngữ đã nói thật không ngoa: "Hoặc về với tấm huân chương, hoặc nằm trên bãi chiến trường phơi thây". Thế mà bây giờ họ lại đem mề-đay đến đeo lên ngực mấy mụ đàn bà. Nếu quả thật họ có được công trạng xứng đáng thì chẳng nói làm gì, đằng nầy… Họ chỉ dùng gậy nhọn đâm chết những thằng tù binh, những đứa không có vũ khí bị bọn Cô-dắc giải đến thôn. Như thế thì kiếm đâu ra tinh thần anh dũng? Tôi chẳng còn hiểu ra sao nữa, nói có sai thì xin Chúa cứ phạt!
Một lão già khác, mắt thong manh, người ốm o gầy còm, đứng doạng chân, từ từ rút trong túi ra một cái túi đựng thuốc lá bằng vải cuộn tròn và nói:
- Các ông quan lớn ấy từ trên Chercaxkov nhìn xuống thì tất nhiên phải minh mẫn hơn chứ. Có lẽ các ông ấy đã nghĩ như thế nầy nầy cần phải đưa ra một cái mồi nhử bọn đàn bà thì mới có thể động viên được tinh thần tất cả mọi người, làm cho mọi người đánh đấm cho thật hăng. Nào là mề-đay, nào là năm trăm rúp, thử hỏi có mụ nào lại chê cái danh giá như thế? Nếu trong đám Cô-dắc có thằng nào không muốn ra mặt trận, có thằng nào nghĩ tới chuyện trốn tránh chiến tranh thì thử hỏi nó có thể ngồi yên được hay không? Rồi nhất định nó sẽ bị mẹ đĩ vo vo bên tai cho mà xem! Con chim cu mà rủ rỉ hết đêm nầy sang đêm khác thì làm gì mà chẳng bắt được đức ông chồng phải nghe theo! Rồi chị chàng nào chẳng đinh ninh: "Có lẽ mình cũng sẽ được gắn mề đai chưa biết chừng?".
- Ông nói như thế không đúng đâu, ông bạn đỡ đầu Fedor ạ! - Lão già thứ ba nói lại. - Họ cũng đáng được tặng vì thế người ta mới tặng thưởng cho họ. Mấy chị chàng đó đã bị chúng nó làm cho goá bụa, món tiền ấy sẽ giúp đỡ nhiều cho họ sinh sống làm ăn, còn tấm mề-đay là đề thưởng cho lòng dũng cảm của họ. Ả Đaska nhà Melekhov đã đứng ra trước tiên để trừng trị thằng Kotliarov, và ả làm như vậy là đúng? Tất cả chúng nó sẽ có Chúa xét xử, song cũng không thể nào kết tội bọn đàn bà ấy được: máu của chồng con trong lòng họ kêu gọi trả thù…
Ba tên bô lão còn tranh cãi cho đến khi nhà thờ bắt đầu dóng chuông nguyện kinh chiều. Lão bõ trong nhà thờ vừa đánh tiếng chuông đầu tiên thì cả ba đều đứng dậy, bỏ mũ, làm dấu phép và bệ vệ bước vào trong dãy tường bao.
Chú thích:
1 Nguyên văn "con rồng". Người phương Tây coi rồng là con vật hung ác nhất ND
2 1751-1818 tướng Nga trứ danh, Ghet-man của dân Cô-dắc, nổi tiếng về những trận tấn công táo bạo vào hậu vệ của Napoleon khi quân Pháp rút lui khỏi nước Nga 1812 đánh bại quân Pháp ở Laông, chiếm Nemur và cùng với các quân đội Đồng minh tiến vào Paris 1814. ND.
Chương 198
Phần 7
Cuộc sống trong gia đình nhà Melekhov đã thay đổi một cách kỳ dị. Mới đây ông Panteley Prokofievich còn cảm thấy mình là ông chủ nắm quyền sinh sát đối với cả nhà, tất cả mọi người trong gia đình đều phải tuân theo lời ông, không ai dám ho he nửa lời, mọi việc đều làm theo răm rắp, cả nhà cùng nhau chia ngọt sẻ bùi và toàn bộ sinh hoạt đều cho thấy một nếp sống nhịp nhàng đã hình thành qua rất nhiều năm. Gia đình nầy trước kia vốn đoàn kết rất chặt chẽ, nhưng từ mùa xuân qua, tất cả đều đảo lộn hết. Người đầu tiên tách rời ra là Dunhiaska. Tuy không công nhiên cưỡng lại lời bố, nhưng mọi việc đến phần mình làm, cô gái đều làm một cách rõ ràng là miễn cưỡng và cứ như làm thuê chứ không còn là làm cho mình nữa. Nhìn bên ngoài thì Dunhiaska trở nên âm thầm kín đáo, xa xa lánh lánh và rất ít khi còn có thể nghe thấy tiếng cười vô tư lự của cô gái.
Sau khi Grigori ra mặt trận, cả Natalia cũng dần dần lẩn tránh hai ông bà già. Hầu như có được bao nhiêu thời giờ nàng đều dành cả cho hai con. Nàng sẵn sàng chuyện trò với chúng nó và lúi húi chăm nom cho chúng nó. Có cảm tưởng như đang có một chuyện gì đó làm Natalia hết sức âm thầm đau khổ, nhưng nàng không nói lời nào với người thân thích về nỗi đau khổ của mình, nàng không than vãn với một ai và tìm mọi cách che giấu điều đè nặng trong lòng mình.
Về phần Daria thì chẳng có gì cần phải nói: sau chuyến đánh xe đi dân công vận tải, ả hoàn toàn không còn như trước nữa. Ả càng ngày càng hay xích mích với bố chồng, ngay đến bà Ilinhitna ả cũng không còn nể nang gì cả. Ả thường vô duyên vô cớ nổi nóng với tất cả mọi người, ả lấy cớ trong người khó ở trốn tránh công việc cắt cỏ, thái độ cứ như chỉ còn sống thêm trong nhà Melekhov những ngày cuối cùng.
Ông Panteley Prokofievich nhìn thấy gia đình ông đang tan rã trước mắt ông. Chỉ còn lại một mình ông và bà lão gần gụi với nhau.
Các mối liên hệ huyết thống bị phá vỡ một cách đột ngột và nhanh chóng, trong quan hệ giữa mọi người không còn cái không khí ấm cúng đằm thắm nữa và trong những lời mọi người nói với nhau ngày càng thấy lộ ra cái giọng bực bội và xa cách nhau… Ngay những khi cùng ngồi với nhau ở bàn ăn cũng không còn thấy đây là một gia đình thống nhất và hoà hợp trước kia nữa, mà cứ như những con người ngẫu nhiên gặp nhau.
Căn nguyên của tất cả các chuyện đó chỉ là chiến tranh.
Ông Panteley Prokofievich hiểu rõ như thế lắm. Dunhiaska oán giận bố mẹ đã làm cô mất hy vọng có ngày được về làm vợ Miska Kosevoi, người yêu duy nhất của cô, người mà cô yêu với tất cả nhiệt tình say đắm và chung thuỷ của một cô gái mới lớn lên. Còn Natalia thì với cái bản chất kín đáo của nàng, nàng cắn răng đau khổ sâu sắc trước việc Grigori lại mới tằng tịu với Acxinhia. Ông Panteley Prokofievich cũng có nhìn thấy tất cả những điều đó, nhưng ông không thể làm được chút gì để lập lại cái trật tự trước kia trong gia đình. Thật ra thì sau tất cả những chuyện đã xảy ra, ông không thể nào đồng ý cho con gái mình đi lấy chồng là một kẻ một lòng một dạ đi theo bọn Bolsevich, vả lại lời đồng ý của ông có giá trị gì đâu vì cái thằng chồng chưa cưới quỷ quái ấy lại đang ruổi rong không biết nơi nào trên mặt trận, hơn nữa nó lại đang ở trong một đơn vị Hồng quân. Tình hình cũng như thế đối với Grigori: nếu chàng không có cái hàm sĩ quan thì có lẽ ông Panteley Prokofievich đã trị cho chàng một trận nên thân. Nhất định ông sẽ cho Grigori một mẻ để sau đó chàng không còn dám liếc mắc sang nhà Astakhov nữa. Song chiến tranh làm mọi việc đều rối như tơ vò, làm cho ông già mất khả năng sinh sống và điều khiển gia đình như ý ông muốn. Chiến tranh làm ông phá sản, làm ông mất cái hăng say làm lụng trước kia, nó đã cướp mất của ông thằng con cả, đem lại tan vỡ và rối loạn cho gia đình ông. Chiến tranh đã đổ ập vào cuộc đời của ông như một trận bão trên cánh đồng lúa mạch. Nhưng ngay sau trận bão, lúa mạch lại vươn thẳng dậy, lại phô màu khoe sắc dưới ánh mặt trời, còn ông già thì không còn có thể gượng dậy được nữa. Ông đã thầm khoát tay không còn thiết gì nữa; mặc cho cuộc đời ra sao thì ra!
Sau khi nhận được tặng thưởng từ tay tên tướng Sidorin, Daria vui vẻ hẳn lên. Hôm ấy, lúc ả ở ngoài bãi họp về nhà, nom ả rất sôi nổi và sung sướng. Hai con mắt long lanh, ả chỉ cho Natalia xem chiếc mề-đay.
- Vì chuyện gì mà họ cho chị cái nầy thế? - Natalia ngạc nhiên hỏi.
- Cái nầy là vì thằng bạn đỡ đầu Kotliarov đây, cầu cho nó hưởng phúc nơi thiên đường, cái thằng chó đẻ? Con cái nầy là vì Petro… - Ả vừa khoe vừa loạt soạt dở một tập giấy bạc sông Đông.
Daria vẫn không chịu ra đồng. Ông Panteley Prokofievich muốn sai ả đem bữa ăn ra cho Dunhiaska nhưng Daria dứt khoát từ chối:
- Thôi miễn cho con cha ạ, con đi đường xa về còn mệt lử đây nầy!
Ông già sầm mặt, Daria muốn xoa dịu lời từ chối có phần sỗ sàng, bèn nói nửa đùa nửa thật:
- Ngày hôm nay mà cha còn bắt con ra đồng là có tội đấy. Hôm nay là ngày vui của con cơ mà!
- Tao sẽ tự tay đem ra cho nó vậy. - Ông già đồng ý. - Nhưng còn món tiền thì thế nào?
- Cái gì, tiền ấy à? - Daria ngạc nhiên giương cao hai hàng lông mày.
- Món tiền ấy, tao hỏi mày sẽ làm gì bây giờ?
- Đó là việc rìêng của con. Con muốn dùng vào việc gì thì dùng vào việc nấy.
- Nhưng sao lại như thế được? Tiền nầy là họ cho mày vì thằng Petro cơ mà?
- Tiền nầy là họ cho con và không phải để cha dùng đâu.
- Nhưng mày có phải là một đứa trong gia đình không, hay là ai?
- Thế cha muốn gì ở cái đứa trong gia đình ấy hả cha? Muốn cuỗm hết tiền của nó à?
- Không phải là lấy hết tất cả, nhưng mày thử bảo thằng Petro là con của chứng tao hay là ai? Tao và bà lão cũng phải có phần chứ?
Rõ ràng là điều đòi hỏi của ông bố chồng không có cơ sở chắc chắn, vì thế Daria kiên quyết giữ ý kiến của mình. Ả bèn nói bằng một giọng bình thản đầy vẻ chế nhạo.
- Con sẽ không cho cho gì cả, dù là một rúp cũng không! Cha không có phần trong nầy đâu, nếu không họ đã trao tận tay cho cha rồi. Nhưng tại sao cha lại nghĩ rằng có cả phần của cha ở đây? Hoàn toàn không có chuyện như thế đâu, và cha đừng có tưởng màng gì đến món tiền của con, cha sẽ chẳng được gì đâu!
Ông Panteley Prokofievich thấy thế bèn dùng đến chước cuối cùng:
- Mầy sống trong gia đình, mày ăn bánh mì của chúng tao, như thế có nghĩa là mọi cái gì của chúng ta đều phải là của chung. Nếu người nào cũng đều làm ăn riêng lẻ thì sẽ ra cái thể thống gì nữa? Tao sẽ không cho phép như thế đâu. - Ông nói.
Nhưng cả lần nầy Daria cũng bẻ gãy cái lý lẽ mới đưa ra hòng chiếm món tiền thuộc về ả, của riêng ả. Ả mỉm cười một cách trâng tráo và tuyên bố:
- Cha ạ, con có phải là đã làm lễ cưới với cha đâu. Hôm nay còn sống ở nhà cha, nhưng mai sẽ đi lấy chồng rồi, và cha sẽ không còn trông thấy mặt con nữa đâu! Còn tiền ăn thì lại sao con lại có trách nhiệm phải trả cho cha? Con đã phải làm lụng quần quật mười năm trời cho gia đình cha mà không được dướn thẳng lưng lên rồi còn gì?
- Mầy làm cho mầy chứ cho ai, con chó cái hoang nầy? - Ông Panteley Prokofievich tức điên lên, ông quát to và còn định gầm lên những gì không biết, song Daria không muốn nghe ông nói nữa.
Ả lăng tròn gấu váy, quay ngoắt đi ngay trước mũi ông, bỏ đi vào chỗ của ả ở nhà trong. "Đừng hòng doạ nổi gái nầy!" - Ả mỉm một nụ cười nhạo báng, khẽ nói.
Câu chuyện chỉ đến đấy là chấm dứt. Thật ra Daria đâu phải là một ả sợ cơn thịnh nộ của ông già đến nỗi chịu nhả của mình ra.
Ông Panteley Prokofievich sửa soạn ra đồng và trước khi đi ông có nói qua vài câu với bà Ilinhitna:
- Bà phải để ý tới con Daria một chút… - Ông dặn bà.
- Sao lại phải để ý tới nó? - Bà Ilinhitna ngạc nhiên hỏi.
- Vì nó sẽ cuốn xéo đi, sẽ cút khỏi nhà nầy và sẽ mang theo cả những thứ của nhà ta cho mà xem. Tôi thấy nó xù lông cánh lên như thế không phải là vô duyên vô cớ… Xem ra nó đã kiếm được thằng nào rồi và chỉ ngày một ngày hai là bỏ đi lấy chồng thôi.
- Có lẽ như thế thật đấy, - bà Ilinhitna thở dài đồng ý. - Nó sống cứ như một thằng khô-khon đi làm bù nợ ấy, chẳng có gì được nó yêu nó quý, mọi thứ đều không vừa ý nó… Bây giờ thì nó cũng như một miếng bánh đã cắt rời, mà miếng bánh đã cắt rời thì cố công đến mấy cũng không dính liền lại được nữa đâu.
- Cái ngữ ấy thì chúng ta chẳng cần dính nối lại làm gì! Hãy liệu đấy mụ già ngu ngốc nầy, nếu nó mở miệng nói ra như thế thì chớ có nghĩ tới chuyện khuyên can giữ nó lại. Mặc cho nó cút khỏi nhà nầy đi. Tôi đã chán không muốn bực mình vì nó nữa rồi. - Ông leo lên xe, rồi vừa đánh hai con bò vừa nói thêm - Nó lẩn trốn công việc cứ như con chó tránh ruồi, chỉ cố kiếm miếng ngon bỏ vào miệng và tìm chốn rong chơi. Thằng Petro đã về chầu Chúa rồi, cầu cho nó được hưởng phúc nơi thiên đường, chúng ta chẳng cần giữ của nầy trong gia đình làm gì nữa. Nó đâu phải là một con đàn bà, đúng là một của ôn dịch.
Những điều dự đoán của hai ông bà đã không đúng sự thật. Daria đâu có ý định đi lấy chồng. Ả không nghĩ đến chuyện lấy chồng vì trong lòng ả đang có một điều lo lắng khác…
Suốt ngày hôm ấy Daria hồ hởi với tất cả mọi người và tỏ ra rất vui vẻ. Ngay những lời qua tiếng lại chung quanh chuyện tiền nong cũng không ảnh hưởng đến tinh thần của ả. Ả lượn đi lượn lại rất lâu trước cái gương, ngắm nghía chiếc mề-đay từ đủ mọi phía, thay áo sống năm lần bảy lượt, thử xem cái dải lằn vằn của tấm mề-đay thánh Gioóc hợp với cái áo mặc ngoài nào nhất, rồi nói đùa: "Bây giờ tôi còn kiếm thêm được những tấm huân chương cho mà xem?"
Rồi ả gọi bà Ilinhitna vào phòng trong, nhét vào trong tay áo bà hai tờ giấy bạc hai mươi rúp, đưa hai bàn tay nóng rực nắm lấy bàn tay sần sùi của bà, áp lên ngực mình và khẽ nói: "Đây là làm lễ cầu hồn cho anh Petro con… Mẹ ạ, mẹ hãy đặt cho một buổi cầu hồn lớn, mẹ cũng nấu ít cháo lúa mạch 1… - Nói rồi ả oà lên khóc… Nhưng chỉ một phút sau, vài giọt lệ vẫn còn long lanh trong khóe mắt, ả đã ra đùa với thằng Misatka. Ả lấy chiếc khăn san bằng lụa mà ả thường quấn trong những ngày lễ trùm lên đầu nó và cười như chưa từng khóc, chưa từng biết cái vị mằn mặn của nước mắt bao giờ.
Sau khi Dunhiaska ở ngoài đồng về thì cơn vui nhộn của ả lến đến mức cao nhất. Ả kể cho Dunhiaska nghe cái cảnh mình nhận mề-đay như thế nào rồi diễn lại một cách hài hước dáng điệu tên tướng nói năng long trọng như thế nào, cái vẻ tên người Anh đứng cứng đơ đơ nhìn mình, y hệt thằng bù nhìn giữ dưa như thế nào. Rồi ả ranh mãnh nháy mắt với Natalia như để ước định với nhau một âm mưu gì và làm bộ mặt trang nghiêm nói quả quyết với Dunhiaska rằng không bao lâu nữa, mình đây, Daria nầy, đã là vợ goá của một sĩ quan, lại được hưởng mề-đay thánh Gioóc, thì cũng sẽ được phong cấp sĩ quan và được chỉ định chỉ huy đại đội bô lão Cô-dắc.
Natalia cố ghìm nụ cười, tuy có nghe Daria nói nhưng vẫn cắm cúi vá những chiếc sơ-mi nhỏ xíu của con. Còn Dunhiaska thì hoàn toàn chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, cứ chắp hai tay van Daria.
- Chị Daria yêu quý! Chị yêu của em? Chị hãy vì Chúa mà thôi đừng bịa nữa đi! Nếu không em chẳng còn làm thế nào mà hiểu rằng chị nói dối hay nói thật nữa. Chị hãy kể lại đứng đắn đi nào?
- Cô không tin à? Thế thì cô đúng là một con bé ngu xuẩn? Chuyện tôi nói với cô là hoàn toàn đúng sự thật. Có bao nhiêu sĩ quan đều ra trận cả rồi, vậy thì lấy ai huấn luyện các động tác đi đứng cùng tất cả các điều cần thiết khác về quân sự cho các cụ bô lão bây giờ? Vì thế các ông bố già ấy sẽ bị đặt dưới quyền chỉ huy của tôi và tôi sẽ trị được họ, cái bọn quỷ già ấy cho mà xem! Tôi sẽ chỉ huy họ như thế nầy nầy? - Daria khép cái cửa thông xuống bếp để mẹ chồng khỏi trông thấy rồi loáng một cái đã nhét cái vạt váy vào giữa hai chân, và đưa một tay ra phía sau nắm lấy đầu vạt váy, để lộ hai bắp chân để trần bóng nhoáng. Ả đi đều bước trong phòng, đến đứng bên cạnh Dunhiaska và trầm giọng xuống ra lệnh: "Các bô lão, nghiêm! Vênh râu cao nữa lên? Vòng bên trái đi đều… bước!"
Dunhiaska không nhịn được nữa, phải đưa hai bàn tay lên che mặt mà cười phì phì. Natalia vừa cười vừa nói:
- Chao ôi, thôi đi chị! Chị đùa rồ dại cứ như khi sắp có chuyện không may xảy ra ấy?
- Sao lại sắp có chuyện không may xảy ra? Thế thím và cô đã được thấy một chuyện may mắn bao giờ chưa? Nếu không cù cho thím và cô cười một chút thì ở đây hai người cũng sẽ rầu rĩ đến lên mốc lên meo thôi!
Nhưng cơn vui của Daria đã tắt ngấm một cách hết sức bất ngờ cũng như nó đã nổ ra. Chỉ nửa giờ sau ả đã bỏ về chỗ mình ở trong phòng bên, bực tức rứt chiếc mề-đay rủi ro trên ngực, ném nó vào trong cái rương, rồi tì hai tay lên má, ngồi rất lâu bên cạnh khung cửa sổ nhỏ. Nhưng đến đêm thì ả biến đi đâu không biết, mãi khi gà đã gáy đợt đầu mới trở về. Rồi sau đó ả ra đồng làm việc rất chăm chỉ chừng bốn ngày liền.
Công việc cắt cỏ làm chẳng có gì là vui vẻ. Không có đủ người làm việc. Mỗi ngày chỉ cắt được hai đê-xi-a-chin là cùng. Cỏ đã chất đống rồi lại bị nước mưa thấm vào, thế là có ngay việc để làm thêm: phải cào những đống cỏ ra phơi nắng. Nhưng còn chưa kịp đánh đống thì mưa thêm như trút từ chiều hôm trước đến sáng sớm. Hôm sau, mưa liên miên không lúc nào ngớt cứ như đang là mùa thu. Sau đó trời lại nắng ráo, gió đông bắt đầu thổi, tiếng máy cắt cỏ lại lạch xạch trên đồng cỏ, từ những đống cỏ đã đen lại xông lên mùi mốc meo lợ lợ hắc hắc, đồng cỏ bị phủ một màn hơi nước và qua làn khói xanh lơ thấy ẩn hiện đường nét lờ mờ của những nấm cuộc-gan xưa kia dùng làm vị trí cảnh giới, những đường lòng khe xanh xanh, những vòm liễu xanh rờn trên những cái dầm đằng xa.
Làm việc sang đến ngày thứ tư thì Daria sửa soạn đi thẳng từ ngoài đồng lên trấn. Ả nói cho mọi người biết ý định trong khi cả nhà đang ngồi ăn bữa trưa ở chỗ để xe.
Ông Panteley Prokofievich hỏi giọng vừa bực bội vừa châm biếm:
- Mày có chuyện gì mà cuống cuồng lên thế? Không thể chờ đến chủ nhật được hay sao?
- Tất nhiên là có việc và không thể nào chờ thêm được nữa.
- Như thế là một ngày cũng không nán thêm được à?
Daria trả lời qua kẽ răng:
- Không!
- Thôi được, nếu mày đã vội đến không thể nán chịu thêm được chút nào nữa thì cứ đi đi. Nhưng dù sao mày cũng thử bảo những việc đó làm mày cuống cuồng lên là việc gì thế? Có thể biết được không?
- Nếu cái gì cũng biết thì sẽ chết sớm đấy.
Cũng như mọi khi, Daria không cần sục tay vào túi mới tìm được câu trả lời. Ông Panteley tức mình nhổ toẹt một bãi nước bọt, thôi không truy hỏi thêm nữa.
Hôm sau, trên đường từ thị trấn về, Daria tạt vào trong thôn, ở nhà chỉ có bà Ilinhitna với hai đứa bé. Thằng Misatka chạy tới với bác nó, nhưng ả lạnh lùng đưa tay gạt nó ra và hỏi mẹ chồng:
- Thế thím Natalia ở đâu hở mẹ?
- Nó ở ngoài vườn rau, đang tưới nước cho khoai tây. Nhưng mày cần tìm nó làm gì hử? Hay là ông già bảo mày về gọi nó? Ông ấy hoá điên hoá ngộ rồi hay sao thế? Mày cứ bảo ông ấy như thế!
- Chẳng ai bảo con về tìm thím ấy đâu, tự con có chuyện muốn nói với thím ấy thôi.
- Mày đi bộ về à?
- Vâng, đi bộ.
- Nhà ta cắt đã sắp xong chưa?
- Có lẽ mai sẽ xong - Nhưng hượm đã nào, mày chạy đi đâu thế hử? Cỏ có bị mưa hỏng nhiều lắm không? - Daria đã bước từ trên thềm xuống, nhưng bà già vẫn lẽo đẽo bước theo, cố hỏi cho kỳ được.
- Không, không nhiều lắm đâu. Thôi, con phải đi đây, con không có thì giờ.
- Mày ra vườn rau rồi tạt về nhà mang ra cho ông già cái áo sơ-mi nhé. Có nghe thấy không hử?
Daria vờ như không nghe thấy gì, cứ hấp tấp đi ra sân gia súc. Ra tới bến đò thì ả đứng một lát, nheo mắt nhìn mặt sông Đông xanh mướt đang thở ra một là hơi ẩm nhạt thếch, rồi lững thững đi về phía những mảnh vườn rau.
Gió giỡn trên mặt sông Đông, những con bạch âu vỗ cánh nhấp nhoáng. Những đợt sóng lười nhác trườn lên đoạn bờ sông thoai thoải. Mấy quả núi đá phấn hiện lên sáng bệch dưới nắng, sau một tấm màn sương trong suốt màu tím nhạt. Cánh rừng ven bờ bên kia sông được nước mưa xối rửa sạch sẽ xanh mướt ra, nom trẻ và tươi tắn cứ như đang lúc đầu xuân.
Daria tháo đôi ủng ngắn khỏi cặp chân mệt mỏi, rửa chân rồi ngồi lại giờ lâu ven bờ, trên những hòn đá củ đậu nóng bỏng. Ả đưa tay lên che mắt cho khỏi chói nắng, lắng nghe tiếng những con bạch âu kêu rền rĩ và tiếng sóng ràn rạt đều đặn, Daria bỗng cảm thấy buồn đến khóc lên được vì bầu không khí lặng lẽ nầy, vì tiếng bạch âu đâm nhoi nhói vào tim mình và điều bất hạnh bất thần đổ ập lên đầu ả càng hiện ra nặng nề hơn, cay đắng hơn…
Natalia vừa rướn lưng một cách rất vất vả để dựa cái cán cuốc vào hàng rào thì nhìn thấy Daria bước ra đón.
- Chị ra tìm tôi đấy à, chị Daria?
- Tìm thím với nỗi đau lòng ghê ghớm của tôi đây…
Hai người ngồi xuống bên cạnh nhau. Natalia cởi chiếc khăn bịt đầu sửa lại món tóc và nhìn Daria có vẻ chờ đợi. Nàng rất đỗi kinh ngạc vì mới có vài ngày mà mặt mày Daria nom khác hẳn đi: hai bên má hõm xuống, đen sạm, một vết nhăn rất sâu hằn chéo trên trán, một ánh đầy lo âu bừng bừng trong hai con mắt.
- Có chuyện gì xảy ra với chị thế? Mặt chị như đen lai ấy. - Natalia hỏi có vẻ thương hại.
- Đã thế nầy thì mặt không đen sao được? - Daria mỉm cười gượng gạo rồi lại lặng đi một lát. - Thím còn phải xới cỏ nhiều không?
- Đến gần tối thì xong. Nhưng có chuyện gì xảy ra với chị thế?
Daria nuốt nước bọt đánh ực rồi nói nhanh, giọng âm thầm:
- Chuyện thế nầy nầy: tôi bị bệnh… Tôi đã mắc cái bệnh bẩn thỉu ấy Đi vận tải lần vừa rồi thì mang nó vào thân… Một thằng sĩ quan đáng nguyền rủa đã đổ nó cho tôi?
- Chơi bời liều lĩnh đến cùng cực rồi? - Natalia hoảng lên vỗ hai tay vào nhau đầy vẻ đau khổ.
- Phải, chơi bời liều lĩnh đến cùng cực rồi. Song cũng chẳng có gì đáng nói thêm, cũng chẳng có ai mà oán thán… Cái thằng khốn kiếp ấy, nớ cứ bám lấy tôi, tán tỉnh mơn trớn mãi. Hai hàm răng thì trắng nhởn, nhưng ruột gan đã thành giòi thành bọ… Đời tôi như thế nầy là hết rồi.
- Khổ thân cho chị? Chao ôi, sao lại như thế nầy? Rồi chị sẽ như thế nào bây giờ? - Natalia giương to mắt nhìn Daria. Daria cố tự chủ, nhìn chằm chằm xuống chân và nói tiếp bằng một giọng bình tĩnh hơn.
- Thím có biết không, ngay trên đường về tôi đã bắt đầu nhận thấy trong mình như có chuyện gì… Đầu tiên tôi còn nghĩ bụng: có lẽ chẳng sao đâu… Chính thím cũng biết đấy, cái bọn đàn bà chúng mình thiếu gì chuyện nọ chuyện kia. Mùa xuân vừa qua tôi chỉ nhấc dưới đất lên một túi lúa mì, thế là rong huyết ba tuần liền. Nhưng lần nầy tôi lại thấy có cái gì không giống như thế… Đã có những triệu chứng cho thấy… Hôm qua tôi đã lên trấn tới chỗ thằng y sĩ. Ngượng chết đi được… Bây giờ tất cả như thế là hết rồi. Đối với một ả đàn bà như tôi, cuộc đời đã đem nướng sạch trong canh bạc!
- Phải chữa đi mới được, nhưng ngượng lắm đấy? Nhưng bệnh như thế, nghe nói có thể chữa được thì phải.
- Không, cô em ơi, cái bệnh của tôi thì không thể nào chữa được đâu - Daria mỉm một nụ cười đau khổ và lần đâu tiên từ lúc bắt đầu nói chuyện, ả ngước cặp mắt sáng bừng nhìn lên. - Bệnh của tôi là bệnh giang mai. Cái bệnh nầy không thể chữa được đâu. Mắc vào thì sẽ rụng cả mũi… Đấy, thím đã thấy mụ Andronhikha chưa?
- Vậy thì chị làm thế nàơ bây giờ? - Natalia hỏi giọng mếu máo, hai con mắt đẫm lệ.
Daria nín lặng giờ lâu. Ả ngắt một bông hoa trên dây thỏ ti bám vào thân một cây ngô, rồi đưa vào sát tận mắt. Những cái cánh viền màu hồng hết sức mịn màng của bông hoa nhỏ xíu, nhẹ lâng, trong suốt gần như không có trọng lượng, toả ra một mùi hương nặng nề rất là dâm dục của chất đất bị mặt trời hun nóng. Daria nhìn nó một cách khao khát và ngạc nhiên, cứ như lần đầu tiên được thấy loài hoa nhỏ nhoi, tầm thường và xấu xí nầy. Ả phập phồng hai cánh mũi nở to hít hít mùi hương của nó, và đặt nó rất nhẹ nhàng lên mặt đất xốp tơi đã bị gió thổi khô, rồi ả nói:
- Thím hỏi tôi sẽ như thế nào bây giờ ấy à? Lúc ở trên trấn về tôi đã suy nghĩ, đã tính toán cẩn thận… Tôi sẽ tự tử, đó là việc tôi sẽ làm! Kể cũng tiếc, nhưng chẳng còn có thể chọn con đường nào khác nữa. Đằng nào cũng vậy thôi. Nếu tôi chạy chữa, mọi người trong thôn đều sẽ biết, người ta sẽ chỉ chỉ trỏ trỏ, sẽ lẩn tránh tôi, sẽ chê cười tôi… Một con đàn bà như tôi thì còn ai với đến nữa? Sắc đẹp sẽ tàn đi, tôi sẽ khô héo, sẽ thối rữa ngay khi còn sống.: Không, tôi không muốn như thế! - Ả nói như đang bàn bạc cân nhắc với bản thân mình và chẳng để ý gì đến những cử chỉ tỏ vẻ phản đối của Natalia. - Trước khi lên trấn tôi còn nghĩ rằng nếu mắc cái bệnh bẩn thỉu ấy tôi sẽ chạy chữa. Vì thế tôi đã không đưa món tiền cho cha, vì tôi nghĩ rằng còn phải trả tiền bọn y sĩ… Nhưng bây giờ tôi đã quyết định khác rồi. Tôi đã chán ngấy tất cả. Tôi không muốn chữa chạy gì nữa!
Daria văng tục một câu ghê gớm như đàn ông, nhổ toẹt một bãi nước bọt rồi đưa mu bàn tay lên chùi những giọt nước mắt bám trên hàng mi dài.
- Chị vừa nói những lời như thế nào vậy… Chị cũng phải biết sợ Chúa chứ?2 - Natalia khẽ nói.
- Đối với tôi bây giờ thì Chúa cũng chẳng được tích sự gì cả. Chúa đã gây vướng mắc cho tôi suốt một đời. - Daria mỉm cười, và trong nét cười nghịch ngợm và ranh ma ấy, Natalia lại nhìn thấy trong giây lát ả Daria của những ngày trước kia - Việc nầy không được làm, việc kia không được làm lúc nào cũng đem chuyện phạm tội và Ngày phán xét cuối cùng ra doạ người ta… Người ta không thể nào nghĩ ra được một điều gì khủng khiếp hơn lời phán xét của chính tôi đối với tôi đâu. Tôi chán ngấy rồi, Natalia ạ, tất cả đối với tôi thế là hết! Mọi người đều đã bắt đầu ghét bỏ tôi… Tôi sẽ có thể dễ dàng tính sổ với bản thân mình. Trước mặt tôi, sau lưng tôi đều chẳng còn có ai nữa. Cũng chẳng có ai phải dứt khỏi trái tim mình… Tình hình là như thế đấy.
Natalia bắt đầu khuyên giải Daria bằng một giọng đầy nhiệt tình, nàng van ả suy nghĩ lại và đừng tính tới chuyện tự tử nữa. Đầu tiên Daria còn nghe nàng nói, một cách lơ đãng, nhưng sau ả như tỉnh lại và ngắt lời nàng một cách tức tối:
- Thôi đi Natalia! Tôi đến đây không phải để nghe thím can ngăn, khuyên giải đâu! Tôi đến đây là để nói cho thím biết nỗi khổ của tôi và báo cho thím biết rằng từ hôm nay trở đi không được cho hai đứa con của thím lại gần tôi nữa. Cái bệnh của tôi là một bệnh hay lây, thằng y sĩ đã bảo thế và chính tôi cũng được nghe nói. Vì thế chớ để chúng nó lây bệnh ở tôi đã rõ chưa, đồ ngốc? Và thím cũng nói cho bà lão biết vì tôi ngượng không tự nói được. Còn tôi… Tôi sẽ không chui ngay đầu vào cái vòng thòng lọng đâu, thím đừng nghĩ như thế, việc ấy tôi còn có chán thì giờ để làm… Tôi còn sống thêm ít bữa, còn ngắm cái thế giới nầy cho sướng mắt, còn phải từ biệt cuộc đời. Nhưng thật ra thím có biết chúng ta thường sống như thế nào không? Nếu chưa có cái gì chọc vào tim mình thì cứ đi lại nhởn nhơ và chẳng nhìn thấy chung quanh mình có gì cả… Tôi đã sống cả một cuộc đời như đui như mù, nhưng trong khi từ trên thị trấn về, vừa đi dọc theo sông Đông vừa nghĩ rằng không bao lâu nữa mình sẽ phải chia tay với tất cả những thứ nầy, lúc ấy tôi đã nghĩ rằng mình như được mở mắt ra? Tôi nhìn lên mặt sông Đông, thấy trên đó đầy những vệt sóng lăn tăn, nắng chiếu vào nom cứ như bạc ấy lóng lánh chói cả mắt. Tôi đưa mắt ra chung quanh nhìn thấy, lạy Chúa tôi, sao mà đẹp thế! Thế mà trước kia tôi chẳng nhận thấy gì cả - Daria mỉm một nụ cười, ngượng ngịu, nín lặng một lát, hai bàn tay nắm chặt, rồi sau khi nén được tiếng nức nở bỗng nhiên dồn lên tới họng, ả nói tiếp bằng một giọng cao hơn, căng thẳng hơn: - Trên đường về tôi đã khóc đến mấy lần… Về gần tới sông Đông thì thấy mấy đứa nhỏ đang tắm dưới sông… Cứ nhìn chúng nó mà trong lòng đau thắt lại, tôi đã khóc oà lên như một con ngớ ngẩn. Tôi đã nằm trên cát hai tiếng đồng hồ. Chính tôi cũng chẳng được nhẹ nhàng chút nào khi nghĩ tới chuyện ấy… - Ả đứng dậy, rũ váy, sửa lại chiếc khăn trên đầu bằng một cử chỉ quen thuộc. - Tuy nhiên tôi vẫn còn có được một điều vui vui khi nghĩ tới cái chết: Sang đến thế giới bên kia tôi sẽ lại gặp Petro… Tôi sẽ bảo: "Nào, anh bạn yêu quý của tôi, anh Petro Panteleevich, anh hãy nhận lấy người vợ đĩ thoã của anh đi" - Rồi ả lại nói thêm với cái lối pha trò vô liêm sỉ thường thấy ở ả - Mà ở thế giới bên kia thì Petro không còn có thể đánh tôi được nữa, người ta không cho những kẻ hay đánh nhau lên thiên đường đâu, có phải thế không? Thôi tạm biệt thím Nalalia thân mến? Đừng quên nói cho bà mẹ chồng biết nỗi đau khổ của tôi nhé.
Natalia vẫn đưa hai bàn tay nhỏ nhắn bẩn thỉu lên che mặt ngồi đấy Trong những kẽ ngón tay của nàng long lanh vài giọt nước mắt như những giọt nhựa trên những chỗ vỏ thông nứt. Daria đi tới cái cửa nhỏ đan bằng cành trên dãy hàng rào thì quay lại, nói bằng giọng thiết thực:
- Từ hôm nay tôi sẽ ăn bát đĩa riêng. Thím nói hộ với mẹ như thế. Mà còn chuyện nầy nữa: thím bảo mẹ đừng nói với cha về chuyện đó, kẻo ông già lại điên lên đuổi tôi ra khỏi nhà mất. Đối với tôi thì chỉ còn thiếu chuyện ấy nữa thôi. Tôi sẽ từ đây ra thẳng chỗ cắt cỏ. Tạm biệt nhé!
Chú thích:
1 Cháo đặc nấu bằng lúa mạch với mật ong và nho khô, dùng để đãi khách trong những đám tang hay để ăn trong đêm trước lễ Nô-en ND
2 Giáo lý của đạo Thiên chúa cấm con chiên không được tự tử N. D