15/3/13

Sông Đông êm đềm (PVII-C203-204)

Chương 203



Phần 7


Grigori đau khổ không những vì chàng yêu Natalia theo kiểu của chàng và đã quen ăn ở với nàng sau sáu năm chung sống, mà còn vì chàng cảm thấy mình có lỗi gây ra cái chết của nàng. Nếu khi còn sống Natalia đã làm đúng lời nàng đe doạ là đem hai đứa con đi và trở về sống với mẹ, nếu vì căm uất mà nàng đã tỏ thái độ quyết liệt với người chồng không chung thuỷ và nhất định không chịu hoà giải, thì có lẽ chàng không cảm thấy sự mất mát nặng nề như thế nầy, và có lẽ lòng hối hận cũng không cắn rứt chàng ghê ghớm đến thế nầy. Nhưng qua lời bà Ilinhitna, chàng lại biết rằng Natalia tha thứ cho chàng tất cả, vẫn yêu chàng và nhớ tới chàng tới giây phút cuối cùng. Điều đó càng tăng thêm nỗi đau khổ của chàng, càng làm cho lương tâm chàng trĩu nặng vì một lời trách tội luôn luôn văng vẳng, bắt chàng phải suy nghĩ một cách khác về quá khứ và cách xử sự của mình trong quá khứ…
Đã từng có những ngày đối với vợ Grigori không cảm thấy gì khác ngoài một sự thờ ơ lãnh đạm, thậm chí còn căm ghét, song những năm gần đây chàng đã bắt đầu có một thái độ khác đối với nàng và nguyên nhân căn bản của sự chuyển biến nầy trong quan hệ của chàng với Natalia là hai đứa con.
Đầu tiên đối với chúng Grigori cũng chưa cảm thấy sâu sắc cái tình cảm cha con mới nảy nở trong lòng chàng ít lâu nay. Trong thời gian ngắn ngủi ở mặt trận về nhà nghỉ phép, chàng đã chăm nom vuốt ve hai đứa tựa như vì nhiệm vụ và để cho mẹ vui lòng. Thật ra bản thân chàng không những không cảm thấy việc đó có gì cần thiết mà còn không khỏi nhìn Natalia cùng những biểu hiện sôi nổi của tình mẹ con ở nàng với một sự ngạc nhiên đầy nghi ngờ. Chàng không hiểu vì sao người ta lại có thể yêu đến quên mình những con vật nhỏ nhoi luôn miệng kêu khóc nầy. Nhiều lần ban đêm thấy Natalia còn cho con bú, chàng đã nói với vợ bằng một giọng bực bội và chế nhạo: "Làm gì mà nhảy chồm dậy như con mẹ ngộ ấy? Nó còn chưa kịp há miệng ra khóc mà đã đứng lên rồi. Chà, cứ mặc cho nó khóc, mặc cho nó kêu, có lẽ sẽ chảy ra được một giọt nước mắt bằng vàng đấy!" Đối với chàng, hai đứa con cũng không kém phần lạnh nhạt. Song chúng càng lớn lên thì sự quyến luyến của chúng đối với bố cũng theo đó mà tăng dần. Lòng yêu bố của hai đứa trẻ cũng gợi ra ở Grigori một tình cảm đáp lại và tình cảm nầy đã lan sang cả Natalia như một đốm lửa.
Sau lần cắt đứt với Acxinhia, Grigori không bao giờ thật sự nghĩ tới chuyện bỏ vợ. Ngay sau khi đã nối lại tình cảm với Acxinhia, chàng cũng không hề nghĩ rằng sẽ có ngày Acxinhia thay Natalia làm mẹ hai đứa con mình. Thật ra nếu được sống với cả hai thì chàng cũng không từ chối vì chàng yêu mỗi người một cách khác, nhưng sau khi vợ chết, ngay đối với Acxinhia, chàng cũng có phần cảm thấy muốn xa lánh nàng và sau đó còn âm thầm bực bội với nàng vì nàng đã nói ra việc hai người đi lại với nhau và chính vì thế đã đẩy Natalia đến chỗ chết.
Sau khi bỏ ra đồng, Grigori cố hết sức quên nỗi đau khổ của mình, nhưng dù cho chàng cố gắng đến đâu, các ý nghĩ của chàng vẫn cứ quay về chuyện đó. Chàng tự bắt mình làm việc đến kiệt sức, ngồi lì hàng giờ trên máy gặt mà không leo xuống, tuy vậy chàng vẫn cứ nghĩ tới Natalia. Hồi ức cứ ngoan cố làm sống lại những tình tiết của cuộc sống chung trước kia, những câu chuyện trao đổi giữa hai người, nhiều khi chỉ về những điều lặt vặt chẳng có gì đáng kể.
Chỉ cần chàng buông thả cho cái trí nhớ đang ngoan ngoãn chiều người được tự do trong một phút là trước mắt chàng lại hiện ngay ra cái hình ảnh sống động, tươi cười của Natalia. Chàng hồi tưởng lại vẻ người, dáng đi, cách sửa tóc, nụ cười và giọng nói của nàng…
Sang ngày thứ ba hai bố con bắt đầu gặt đại mạch. Đến giữa trưa, trong khi ông Panteley Prokofievich cho hai con ngựa đứng lại, Grigori bỗng nhiên tụt trên chiếc ghế sau máy gặt xuống, đặt cái chàng nạng ngắn lên xe và nói:
- Cha ạ, con muốn tạt về nhà một lát.
- Về làm gì?
- Tự nhiên con thấy nhớ hai đứa bé…
- Không sao cả, mày cứ về đi. - Ông già vui vẻ đồng ý ngay. - Trong khi mày về chúng tao sẽ đánh đống lại.
Grigori lập tức tháo con ngựa của chàng ra khỏi chiếc máy gặt, cưỡi lên nó rồi cho nó đi bước một ra đường cái qua những đám rạ vàng cứng lờm xờm. "Dặn bố thương lấy các con!" - Giọng nói của Natalia lại văng vẳng bên tai chàng. Grigori nhắm mắt, buông dây cương, mặc cho con ngựa đi không theo đường lối gì cả, tâm hồm hoàn toàn chìm trong những hồi ức cũ.
Vài đám mây thưa thớt bị gió thổi xa ra gần như đứng không động đậy trên bầu trời xanh thẫm. Những con quạ đen đi ngật ngưỡng giữa những đám rạ, kéo bầu đoàn thê tử lên đứng trên những đống lúa. Những con già dùng mỏ mớm mồi cho những con non mới mọc lông chưa được bao lâu, cánh vung còn ngượng nghịu. Tiếng quạ kê ran trên hàng đê-xi-a-chin lúa mới gặt.
Con ngựa đực của Grigori cố đi thật sát lề đường, chốc chốc lại rứt một nhánh cỏ đôn-nhích nhai ngau ngáu, hàm thiếc kêu lách cách. Hai ba lần nó nhìn thấy phía xa có con ngựa cái bèn đứng lại, hí lên một tiếng dài. Những lúc đó Grigori tỉnh lại, thúc nó đi tiếp, hai con mắt chàng ngước lên nhưng không nhìn thấy gì cứ lướt trên đồng cỏ, trên con đường lầm lụi, trên những đống lúa vàng rải rác và những đám kê chín dở xanh xanh nâu nâu.
Grigori về đến nhà thì cũng vừa thấy Khristonhia mò tới với bộ mặt đưa đám và tuy trời rất nóng, hắn cũng đánh một cái áo quân phục cổ bẻ kiểu Anh bằng nỉ và một chiếc quần đi ngựa rộng thùng thình. Hắn chống một cái gậy to tổ bố bằng gỗ bạch lạp mới vào, bước tới chào hỏi:
- Tôi sang thăm đây. Vừa được biết tin buồn của nhà ta. Thế là như ta đã đưa chị Natalia Mironovna ra đồng rồi à?
- Cậu làm thế nào mà bỏ mặt trận về được thế? - Grigori làm như không nghe thấy câu hỏi, vừa hỏi vừa thích thú ngắm cái thân hình vụng về, hơi gù gù của Khristonhia.
- Sau khi bị thương mình được chúng nó cho về nhà điều trị đấy. Liền một lúc ăn hai viên đạn vào bụng. Và cho đến bây giờ hai cái của đáng nguyền rủa ấy nó vẫn còn nằm ỳ ở gần ruột, vào đến đấy thì mắc lại. Vì thế mình phải chống gậy mới đi được. Anh có thấy không?
- Cậu bị chúng nó chơi cho như vậy ở đâu thế?
- Ở gần Balasov.
- Chiếm được Balasov rồi à? Nhưng cái chuyện cậu bị thương là như thế nào?
- Bọn mình đang xung phong lên. Balasov đã chiếm được rồi, và cả Povorino nữa. Mình cũng có dự trận ấy.
- Nào, cậu hãy kể cậu ở đơn vị nào, cùng với những ai, anh em trong thôn có những cậu nào ở cùng một chỗ với cậu đi! Ngồi xuống đã nào, thuốc lá đây.
Grigori cảm thấy sung sướng vì có một người ngoài số mình thường gặp hàng ngày, giúp mình có thể nói về những chuyện gì khác, không dính dáng đến các cảm xúc hiện nay của mình.
Khristonhia tỏ ra cũng còn có chút thông minh, hắn cũng đoán được rằng Grigori không cần gì đến sự thương hại của hắn, vì thế hắn rất vui lòng kể thủng thẳng về trận đánh chiếm Balasov và về chuyện hắn bị thương. Hắn vừa hút một điếu thuốc khổng lồ, thở khói mù mịt, vừa nói bằng một giọng trầm khê đặc:
- Bọn mình đang tấn công theo đội hình bộ binh qua một đám hướng dương. Chúng nó bắn chặn bằng súng máy và pháo, tất nhiên có cả súng trường. Cái thân hình của mình vốn là dễ lộ, mình đi trong đội hình chiến đấu thì cứ như con ngỗng giữa một đàn gà, khom lưng xuống đến thế nào cũng vẫn bị chúng nó nhìn thấy. Thế là cái của khỉ ấy, hai viên đạn ấy đã tìm thấy mình. Nhưng kể ra vẫn còn là may, vì mình cao lớn, nếu thấp hơn thì đã vào đầu rồi? Đúng là hai viên đạn ấy đã bay hết đà, nhưng xuyên vào vẫn mạnh lắm, làm cho bao nhiêu ruột gan trong bụng cứ như lộn tùng phèo, mà mẹ khỉ cậu có biết không, viên nào cũng nóng rực như bay từ trong bếp lò ra ấy… Mình chộp tay xuống chỗ ấy, thấy chúng nó chạy đi chạy lại ngay dưới da, hệt như hai hòn mỡ ấy, viên nọ cách viên kia vài phân. Phải, mình lấy ngón tay sờ sờ nắn nắn rồi nằm lăn ra. Mình nghĩ thầm, đùa gì cái kiểu thổ tả thế nầy, cút mẹ chúng nó với cái kiểu đùa nầy đi. Nhưng dù sao cứ nằm lại thì hơn, nếu không có một viên khác bay tới, nhanh nhẹn tháo vát hơn, thì nó sẽ xuyên thủng người mình từ bên nọ sang bên kia cho mà xem. Thế là mình cứ nằm ra đấy. Và chốc chốc mình lại sờ sờ chúng nó, sờ hai viên đạn ấy mà. Rồi bỗng nhiên mình hoảng lên, bụng bảo dạ: nếu chúng nó, hai cái của chết dẫm ấy, chui sâu thêm vào trong bụng thì sẽ ra sao nhỉ? Rồi chúng nó sẽ luồn vào trong ruột non ruột già và các bác sĩ sẽ làm thế nào mà mò ra được? Nếu thế thì mình cũng chẳng có gì đáng mừng lắm đâu. Mà cái xác của con người dù là của mình đi nữa, thì vốn dĩ lại nhẽo nhợt, vì thế hai viên đạn nầy rồi sẽ lần vào tới ruột già, và khi đó nó sẽ chạm vào nhau leng keng như tiếng chuông xe bưu điện cho mà xem. Tất cả rồi sẽ hỗn loạn hết. Mình nằm đấy, vặn đứt một cái hoa hướng dương, ăn hết hạt, nhưng trong lòng sợ sợ là. Đội hình chiến đấu của bọn mình đã tiến xa. Rồi sau khi chiếm được Balasov, mình cũng tự điều động tới đấy. Mình nằm ở bệnh viện quân y Chisanskaia. Vớ được ở đấy một thằng bác sĩ láu táu, cứ như một con chim sẻ. Hắn khuyên mình mãi: "Chúng tôi sẽ mổ để lấy hai viên đạn ra nhé!" Nhưng mình đã có tính toán riêng… Mình bèn hỏi: "Bẩm quan lớn, chúng nó có thể chui vào trong ruột gan được hay không?" Lão bảo: "Không, không thể chui vào đâu". Mình nghĩ thầm là nếu thế thì sẽ không để cho lấy ra nữa! Những cái trò như thế, mình đã biết tỏng rồi. Chúng nó moi hai viên đạn ra, rồi vết mổ chưa kín miệng chúng nó đã tống cổ mình về đơn vị cho mà xem.
Mình bèn nói: "Không đâu, bẩm quan lớn, tôi không bằng lòng cho mổ đâu. Tôi thấy có chúng nó còn ở trong người thì có lẽ lại hay hơn. Tôi muốn đem về nhà cho vợ tôi xem, mà chúng nó cũng chẳng gây trở ngại gì cho tôi đâu, cũng không nặng gì cho lắm". Hắn chửi mình một trận, nhưng cũng cho về nghỉ ở nhà, được một tuần.
Grigori mỉm cười lắng nghe câu chuyện kể bằng một giọng ngây thơ rồi hỏi:
- Cậu rơi vào đâu thế? Về trung đoàn nào?
- Trung đoàn hỗn hợp số Bốn.
Trong thôn có những cậu nào ở cùng một chỗ với cậu?
- Anh em trong thôn ta ở đây nhiều lắm: Anikey – Xkovet 1, Beskhlevnov, Koloveydin Akim, Mirosnhikov Xemca, Gorbachev Tikhol.
- Được thế tình hình anh em Cô-dắc như thế nào? Họ có kêu ca gì không?
- Chúng nó oán bọn sĩ quan, tất nhiêPnlà như thế. Điều những thằng khốn nạn ấy tới thì không thể nào sống được nữa. Mà hầu hết đều là những thằng Nga, không có anh em Cô-dắc đâu.
Khristonhia vừa kể vừa kéo hai cái tay áo ngắn cũn của chiếc áo quân phục cổ bẻ xuống và như không tin vào mắt mình, hắn cứ nhìn một cách ngạc nhiên và vuốt vuốt hai cái đầu gối của chiếc quần kiểu Anh may bằng thứ dạ lông lồm xồm rất tốt.
- Nhưng giầy thì chúng nó chẳng mò đâu ra một đôi vừa chân mình. - Hắn nói có vẻ trầm ngâm. - Ở cái nước Anh ấy, dân chúng nó không có những bàn chân to như thế nầy… Ở đây chúng ta gieo lúa mì, ăn lúa mì, còn ở bên ấy thì có lẽ cũng như ở nước Nga, chúng nó chỉ có đại mạch. Nếu thế thì lấy đâu ra những bàn chân to như thế nầy? Toàn đại đội được phát quần áo, giầy ủng; thuốc lá gửi đến thơm thơm là, nhưng vẫn có một điều không tốt…
- Có cái gì không tốt? - Grigori tò mò muốn biết.
Khristonhia mỉm cười nói:
- Cái mã ngoài thì tốt, nhưng cái cốt lõi bên trong lại không tốt. Anh có biết không, anh em Cô-dắc lại không muốn đánh nhau nữa rồi. Xem ra cuộc chiến tranh nầy rồi cũng chẳng đi đến đâu cả. Anh em nói rằng họ không muốn tiến quá khu Khopesky…
Sau khi đưa tiễn Khristonhia ra về, chàng suy nghĩ rất nhanh rồi quyết định: "Mình sẽ ở nhà một tuần rồi lại ra mặt trận. Ở đây sẽ chết vì buồn thôi". Chàng ở nhà đến chiều. Nhớ lại thời kỳ thơ ấu, chàng lấy lau sậy hí hoáy làm cho thằng Misatka một cái cối xay gió và lấy lông bờm ngựa đan cho nó vài cái lưới bẫy chim sẻ. Đứa con gái thì được bố làm cho một chiếc xe ngựa nhỏ xíu rất khéo, bánh xe quay được, gọng xe trang sức rất đẹp. Thậm chí chàng còn thử bện một con búp bê bằng giẻ rách, nhưng lần nầy thì chẳng làm được ra cái gì. Con búp bê đã được làm xong nhờ cô Dunhiaska tới giúp.
Trước kia chưa bao giờ Grigori tỏ ra chăm chút đến con cái như thế nầy, vì thế hai đứa trẻ cũng có ý nghi ngờ trước cái trò mà chàng bày ra, nhưng sau chúng hó không rời chàng một phút nào nữa. Đến chiều, khi Grigori sửa soạn ra đồng, thằng Misatka cố ghìm nước mắt nói:
- Bố thì bao giờ cũng thế thôi? Chỉ về được một lát rồi lại bỏ hai chúng con mà đi biệt… Cả mấy cái bẫy, cái cối xay lẫn cái mõ, bố cứ mang hết đi! Con không thiết nữa đâu!
Grigori nắm bàn tay nhỏ xíu của thằng con trong hai bàn tay to bè bè của mình và nói:
- Nếu thế thì chúng ta quyết định thế nầy nhé: con là một thằng Cô-dắc, vì thế con sẽ cùng với bố ra đồng. Bố con ta sẽ gặt đại mạch, sẽ đánh đống lại, con sẽ lên máy gặt ngồi với ông để đánh ngựa. Ngoài ấy, dưới cỏ có cơ man nào cào cao châu chấu! Dưới khe thì có đủ mọi thứ chim? Còn Poliuska thì ở lại với bà để làm các việc dọn dẹp nhà cửa. Nó sẽ không giận chúng ta đâu. Nó là con gái, công việc của nó là quét nhà, xách một cái thùng thật nhỏ ra sông Đông lấy nước về cho bà, nó và bà thiếu gì những việc phụ nữ phải làm? Con đồng ý chứ?
- Sao lại không? - Thằng Misatka khoái trá kêu lên. Hai con mắt nó long lanh vì đã cảm thấy trước những điều sung sướng sắp được hưởng.
Bà Ilinhitna không muốn cho thằng cháu đi.
- Mầy định lôi nó đi đâu hử? Mày nghĩ ra những trò gì, có ôn dịch nào biết được? Nhưng nó sẽ ngủ ở đâu bây giờ? Ra ngoài ấy thì lấy ai coi nó? Cầu Chúa che chở cho, không tới gần ngựa bị ngựa đá thì cũng đến bị rắn cắn. Cháu yêu của bà, chớ có đi với bố mày, cứ ở nhà thôi? - Bà nói với thằng cháu.
Nhưng hai con mắt nheo nheo của thằng bé bất thần sáng bừng lên một cách hết sức hung hãn đúng hệt như ông nội Panteley của nó những lúc ông phát khùng. Nó nắm chặt hai tay, the thé kêu lên, giọng mếu máo:
- Thôi bà im đi! Thế nào cháu cũng đi! Bố, bố yêu của con, bố đừng nghe bà nhé!
Grigori vừa cười vừa bế thằng con lên và nói cho mẹ yên lòng:
- Nó sẽ ngủ với con. Ngay từ nhà con sẽ cho ngựa đi bước một, làm thế nào mà đánh ngã nó được? Mẹ cứ sửa soạn quần áo cho nó đi, và đừng sợ gì cả. Con sẽ giữ nó hoàn toàn nguyên vẹn, tối mai sẽ lại đưa về
Tình cảm thân mật giữa Grigori và thằng Misatka đã bắt đầu như thế.
Trong hai tuần về sống ở thôn Tatarsky, Grigori chỉ gặp Acxinhia có ba lần mà lần nào cũng chỉ thoáng nhìn thấy thôi. Với trí thông minh và sự mẫn cảm tế nhị trong cách đối xử sẵn có, nàng đã cố tránh không gặp chàng vì cũng hiểu rằng tốt nhất là đừng để Grigori trông thấy mình. Nhạy cảm của người đàn bà đã giúp nàng đoán được tâm tư của chàng, giúp nàng hiểu rằng mọi sự biểu lộ tình cảm không thận trọng và không đúng lúc đều có thể làm cho Grigori tức bực với mình, bôi một vết nhọ lên quan hệ giữa hai người. Nàng chờ đến khi nào chính Grigori phải nói với mình trước. Việc ấy đã xảy ra một ngày trước hôm Grigori ra mặt trận, hoàng hôn đang xuống, chàng đánh một xe lúa từ ngoài đồng về. Chàng đã gặp Acxinhia gần cái ngõ ở sát đồng cỏ. Từ xa nàng đã hơi mỉm cười cúi đầu chào, nụ cười đầy vẻ xao xuyến và mong chờ, Grigori chào lại nhưng không thể nào nín thinh mà đi qua được.
- Dạo nầy Acxinhia sống thế nào? - Chàng vừa hỏi vừa hơi khẽ ghìm cương, cho những bước chân nhẹ nhàng của con ngựa chậm lại.
- Vẫn bình thường, cám ơn anh, anh Grigori Panteleevich.
- Sao chẳng trông thấy Acxinhia đâu nữa thế?
- Cứ phải ở ngoài đồng… Chỉ có một mình vật lộn với công việc.
Thằng Misatka đang ngồi trên xe với Grigori. Có lẽ vì thế chàng đã không cho ngựa dừng lại và không nói chuyện lâu hơn với Acxinhia. Chàng đi quá vài xa-gien thì nghe có tiếng gọi, bèn quay lại Acxinhia đang đứng bên cạnh hàng rào.
- Anh còn ở lại trong thôn có lâu không? - nàng vừa hỏi vừa bồi hồi bứt từng cái cánh của một bông cúc dại ngắt cầm trong tay.
- Vài ngày nữa sẽ đi.
Rồi Acxinhia đứng ngập ngừng một giây, điều đó đủ cho thấy nàng còn muốn hỏi gì nữa. Nhưng không hiểu sao nàng không hỏi gì cả, chỉ vung tay hấp tấp đi ra bãi chăn bò, không quay lại lần nào.


Chú thích:
1 Xkovet là tên gọi những người theo giáo phái chịu thiến ở Nga trong thế kỷ 15 ND

Chương 204



Phần 7


Những đám mây đen phủ kín bầu trời. Mưa rơi lăn tăn như rắc nước qua cái rây. Lớp cỏ non mới mọc sau vụ cắt cỏ, những bụi râm, những đám mận dại mọc rải rác trên đồng cỏ đều mang những ánh nhấp nhoáng.
Vì phải ra đi quá sớm nên Prokho hết sức buồn bực. Hắn cứ ngậm tăm trên lưng ngựa, suốt chặng đường chẳng nói với Grigori câu nào. Khi đi quá thôn Xevaxchianovsky, hai người gặp ba gã Cô-dắc cưỡi ngựa. Chúng dùng gót ủng thúc ba con ngựa chạy song song và chuyện trò sôi nổi. Trong bọn có một gã có tuổi, râu ngô, mặc áo choàng kiểu nông dân may bằng loại da màu xám nhà dệt lấy. Từ xa gã đã nhận ra Grigori bèn nói to với hai bạn đồng hành: "Nhưng anh em ạ, Melekhov đấy mà?" Và khi tới ngang với chàng, gã ghìm con ngựa to lớn màu hạt dẻ.
- Chào anh, anh Grigori Panteleevich! - Gã chào Grigori.
- Chào anh? - Grigori vừa chào lại vừa cố moi óc nhớ lại xem mình đã gặp gã Cô-dắc râu ngô, mặt mũi âm thầm nầy ở đâu rồi nhưng không nhớ ra được.
Xem ra tên nầy mới được thăng cấp chuẩn uý chưa bao lâu, vì thế để khỏi bị coi là một thằng Cô-dắc binh bét, gã đã đính ngay hai cái lon mới toanh lên áo choàng.
- Anh không nhận ra à?
Gã vừa hỏi vừa cho ngựa đi sát tới nơi và chìa một bàn tay rộng bè bè, mọc đầy lông đỏ như lửa, hơi gã thở ra nồng nặc mùi rượu nặng. Một vẻ tự mãn ngu xuẩn làm nở nang mặt mày tên chuẩn uý mới ra lò, cặp mắt ti hí màu xanh da trời long lanh, môi gã dành ra trong một nụ cười dưới hàng ria hung hung.
Vẻ dơ dáng dại hình của tên sĩ quan mặc áo choàng nông dân nầy bỗng làm Grigori thấy vui vui. Chàng không giấu vẻ châm biếm, trả lời:
- Không nhận ra thật. Đúng là mình đã gặp cậu từ hồi cậu còn là lính trơn… Cậu được thăng cấp chuẩn uý mới gần đây phải không?
- Anh đoán một cái là đúng ngay! Tôi mới được đề bạt một tuần nay thôi. Tôi đã được gặp anh tại Bộ tư lệnh của Kudinov ấy mà, hình như trước ngày Lễ Báo1 thì phải. Hôm ấy anh đã cứu tôi thoát một tai nạn, anh cố nhớ lại xem nào? Nầy, Tơrifon? Các cậu cứ cho ngựa đi từ từ, mình sẽ đuổi theo? - Tên râu xồm kêu to với hai gã Cô-dắc đang đứng chờ gần đấy.
Cuối cùng Grigori đã nhớ ra một cách rất vất vả trường hợp trong đó chàng đã gặp gã chuẩn uý râu ngô nầy, rồi chàng nhớ ra cả cái biệt hiệu của gã là "Hai xu" lẫn những lời Kudinov nhận xét về gã: "Cái thằng đáng nguyền rủa, nó bắn chẳng bao giờ trượt phát nào đâu? Nó dùng súng trường hạ được cả những con thỏ đang chạy, chiến đấu thì liều lĩnh táo bạo, trinh sát cũng cừ, nhưng trí khôn chỉ bằng đứa con nít". Hồi bạo động, "Hai xu" chỉ huy một đại đội, gã đã làm không biết một việc gì sai trái, vì thế Kudinov định trị tội gã, nhưng nhờ có Grigori bênh vực nên "Hai xu" được tha tội và vẫn được giữ chức đại đội trưởng.
- Cậu từ mặt trận trở về đấy à? - Grigori hỏi.
- Đúng thế đấy, tôi đã nhận phép ra đi từ một chỗ gần Novokhovpecsk. Tôi đã đi vòng một quãng nhỏ, chừng một trăm rưởi vec-xta để tạt qua Slasevskaia, vì ở đấy tôi có vài người họ hàng. Anh Grigori Pantelevich ạ, ai làm ơn cho tôi thì tôi nhớ! Anh làm ơn đừng từ chối nhé, tôi muốn thết anh một chầu, có được không? Tôi có mang trong túi dết hai chai rượu nguyên chất, chúng ta đem ra uống cho hết ngay bây giờ nhé!
Grigori dứt khoát từ chối không uống, nhưng khi gã kia đưa biếu chàng một chai thì chàng nhận.
- Tình hình ở ngoài ấy quả là hay! Anh em Cô-dắc cũng như các sĩ quan tha hồ nhét đầy túi! - "Hai xu" kể, giọng khoe khoang. - Tôi cũng có mặt ở Balasov. Sau khi đánh chiếm được, việc đầu tiên của chúng tôi là xông thẳng ra đường sắt, ở đấy có cơ man nào đoàn xe, tất cả các tuyến đường đều tắc hết. Toa thì đường, toa thì quần áo quân đội, toa thì đủ mọi thứ đồ dùng. Anh em Cô-dắc có cậu cuỗm tới bốn mươi bộ quần áo! Sau đó mới đi hành bọn Do Thái, được một mẻ cười? Trong nửa đại đội do tôi chỉ huy có một thằng nhanh tay nhanh chân lấy được của bọn Do Thái mười tám chiếc đồng hồ bỏ túi trong số đó có mười chiếc bằng vàng. Cái thằng chó đẻ, nó đeo loằng ngoằng trước ngực, nom cứ như một thằng lái buôn giàu bậc nhất ấy! Còn nhẫn vàng nhẫn ngọc của nó thì không đếm sao cho xuể! Mỗi ngón tay đến hai ba cái…
Grigori chỉ mấy cái túi yên căng phềnh của "Hai xu" và hỏi:
- Thế cậu có những cái gì đây?
- Đấy ấy à đủ mọi thứ lủng củng lỉnh kỉnh - Cậu cũng cướp à?
- Chà, sao anh lại bảo là cướp… Không phải là cướp mà là lấy một cách hợp pháp đấy. Lão trung đoàn trưởng trung đoàn chúng tôi đã bảo: "Các anh hãy chiếm lấy thành phố nầy, rồi trong hai ngày hai đêm, các anh sẽ tuỳ ý muốn làm gì thì làm". Thế thì chẳng nhẽ tôi lại kém những thằng khác hay sao? Tôi đã lấy những của công, những thứ gì thuận tay lấy được… Chúng nó còn làm những chuyện tồi tệ hơn ấy chứ.
- Lính tráng thế nầy thì cừ thật? - Grigori nhìn gã chuẩn uý hám cướp bóc một cách kinh tởm và nói - Những thằng như cậu thì đừng chiến đấu làm gì, cứ lang thang trên các nẻo đường, ngồi rình dưới các gầm cầu còn hơn! Chúng nó đã biến chiến tranh thành một trò ăn cướp rồi! Song như thế cậu tưởng rằng sẽ không có ngày người ta lột da các cậu và thằng đại tá của các cậu đấy phỏng?
- Nhưng tại sao lại thế?
- Chính là vì thế đấy!
- Vậy thì ai có thể lột da được?
- Ai có cấp bậc cao hơn.
"Hai xu" mỉm một nụ cười châm biếm, nói:
- Nhưng họ thì cũng cá mè một lứa? Có điều chúng tôi chỉ mang trong túi dết và trên từng chiếc xe bò, còn họ thì chở đi từng đoàn.
- Thế cậu đã chính mắt trông thấy à?
- Chính mắt trông thấy! Tôi đã đích thân phải áp tải một đoàn xe như thế đến Yarugienskaian đấy. Đầy một chiếc xe tải toàn bát đĩa bằng bạc, đồng hồ, cùi dìa… Có những tay sĩ quan nào đó ập đến hỏi: "Chúng mày chở gì thế? Nào, mở ra xem!" Tôi bèn nói đây là tài sản riêng của tướng quân gì đó, họ mới chịu bỏ đi tay không.
- Nhưng là tướng nào thế? - Grigori nheo mắt hỏi và gióng đi gióng lại dây cương một cách nóng nảy.
"Hai xu" mỉm cười với vẻ mặt rất láu cá, trả lời:
- Tôi đã quên béng cái họ của ông ta rồi… không biết là gì nhỉ, cầu Chúa giúp cho tôi có trí nhớ. Không, quên khuấy đi mất rồi, chẳng làm thế nào nhớ được nữa? Nhưng anh cười mắng cũng hoài công vô ích thôi, anh Grigori Pantelevich ạ. Tôi nói thật đấy, tất cả mọi người đều làm như thế? Trong đám chúng nó, tôi cũng chỉ như con cừu non giữa một đàn sói mà thôi? Tôi chỉ lấy một cách nhẹ nhàng, còn những thằng khác thì lột trần con nhà người ta ngay giữa phố, hiếp tróc bừa bãi bọn đàn bà Do Thái? Tôi thì không làm những trò như thế đâu, tôi đã có con vợ chính thức của tôi rồi, mà đàn bà dễ có mấy tay: đúng là một con ngựa giống chứ không phải là một mụ đàn bà nữa. Không, không, anh bực mình với tôi là không đúng đâu. Nhưng hượm đã nào, anh đi đâu thế?
Grigori gật đầu chào, chia tay một cách lãnh đạm với "Hai xư và bảo Prokho:
- Theo mình? - Nói xong chàng thúc ngựa chạy nước kiệu.
Trên đường, hai người gặp mỗi lúc một nhiều những gã Cô-dắc về nghỉ phép, khi thì từng tên lẻ tẻ, khi thì từng đám. Nhiều khi còn gặp những chiếc xe ngựa. Các thứ chở trên xe được che bằng vải bạt hoặc vải đay, chằng buộc rất cẩn thận. Phía sau những chiếc xe có những gã Cô-dắc kiễng chân trên bàn đạp, cho ngựa chạy nước kiệu.
Chúng mặc áo quân phục cổ chui mùa hè mới toanh, quần màu cứt ngựa của Hồng quân. Mặt của bọn Cô-dắc đều đỏ ửng và đầy bụi, nom rất hoạt bát vui vẻ, nhưng vừa trông thấy Grigori, chúng đều cố tránh mặt cho nhanh. Như theo một hiệu lệnh, chúng đưa tay lên lưỡi trai, lặng lẽ đi qua và chỉ tiếp tục chuyện trò khi đã đi quá một khoảng xa.
- Các ngài lái buôn đang đi đấy! - Nhìn thấy từ xa những tên cưỡi ngựa đang áp tải những xe chở đồ cướp bóc, Prokho nói giọng châm biếm.
Tuy nhiên không phải tất cả những tên về nghỉ phép đều thồ chiến lợi phẩm. Khi tới một thôn, Grigori cho ngựa dừng lại uống nước bên cạnh một cái giếng và nghe thấy những tiếng hát vẳng tới từ sân nhà cạnh đấy. Nghe những giọng hát rất hay, trong như giọng những thằng con trai thì có thể biết rằng mấy tên Cô-dắc đang hát đều còn trẻ.
- Có lẽ chúng nó đang tiễn một thằng ra lính. - Prokho vừa kéo một thùng nước giếng vừa nói.
Hôm qua hắn mới uống hết một chai, bây giờ mà được thêm tí tửu cho giã rượu thì cũng chẳng có gì đáng phản đối, vì thế sau khi vội vã cho hai con ngựa uống nước, hắn mỉm cười tán Grigori:
- Thế nào, anh Pantelevich, chúng ta tạt vào đấy một lát nhá? May ra trong bữa tiệc tiễn biệt, họ cũng dành cho chúng ta vài chén đấy! Nhà nầy tuy lợp lau nhưng xem ra cũng có của ăn của để.
Grigori đồng ý tạt sang xem người ta đưa tiễn cái thằng "cỏ tơ" đó ra sao. Chàng cùng với Prokho buộc ngựa lên hàng rào rồi bước vào trong sân. Bốn con ngựa sẵn yên cương đứng bên những cái máng ăn hình tròn dưới hiên nhà kho. Từ trong nhà thóc bước ra một thằng thiếu niên với một chiếc thùng đong thóc bằng sắt tây đựng yến mạch đầy đến ngọn. Nó đưa nhanh mắt nhìn Grigori rồi đi tới chỗ mấy con ngựa đang hí. Tiếng hát đưa ra từ trong một góc nhà. Một giọng nam cao run run cất lên cao vút.
Trên con đường hẹp
Chưa từng ai qua…
Một giọng trầm khê đặc vì khói thuốc nhắc lại mấy tiếng cuối cùng, nhập vào bè nam cao, sau đó còn hoà thêm vài bè mới rất ăn giọng, rồi bài hát cứ thế tuôn ra cuồn cuộn, trang nghiêm, thoải mái và âu sầu Grigori không muốn sự có mặt của mình làm ngừng tiếng hát, bèn kéo tay áo Prokho, khẽ nói:
- Hãy hượm đã, cậu đừng ló mặt ra vội, để chúng nó hát hết bài đã.
- Đây không phải là một cuộc tiễn đưa đâu. Những thằng ở trấn Elanskaia thường hát như thế nầy đấy. Chúng nó hay hát những bài tế nầy. Cái bọn quỷ sứ, chúng nó hát cừ thật - Prokho trả lời, giọng trầm trồ, rồi bực tức nhổ toẹt một bãi nước bọt, xem ra mong đợi về một chầu nhậu nhẹt đã ran ra mây khói.
Giọng nam cao âu yếm kể nốt về số phận của gã Cô-dắc gặp chuyện rủi ro trong chiến đấu:
"Chân người vó ngựa không in vết bao giờ
Một ngày kia có con ngựa đẹp,
Yên Trec-ket lệch bên sườn,
Tai bên phải lủng lẳng dây da,
Chân vướng cương tơ,
Cố đuổi theo trung đoàn Cô-dắc
Chàng trai trẻ Cô-dắc sông Đông
Chạy phía sau gọi con ngựa chiến:
"Hãy chờ ta, ơ nầy nghĩa mã,
Đừng bỏ ta đơn độc một thân.
Vì thiếu ngươi,
Ta thoát sao bọn Trecnhia hung ác…"
Mê hồn vì giọng hát, Grigori cứ đứng tựa lưng vào chỗ nền nhà quét vôi trắng, không nghe thấy cả tiếng ngựa hí lẫn tiếng chiếc xe tải chạy lạch xạch trong ngõ…
Sau khi hát xong bài, từ trong góc thềm nhà, một gã húng hắng ho và nói:
- Không phải là hát mà là rút trong họng ra đấy! Thôi nhé, chúng tôi có thể hát được như thế nào thì đã hát rồi. Nhưng các bà mẹ ạ, các mẹ cũng cho anh em con nhà lính chút gì để ăn đường chứ. Có Chúa cứu vớt, chúng tôi đã được ăn uống no nên nhưng để đi đường thì chưa có chút thức ăn gì mang theo…
Grigori bừng tỉnh sau những phút trầm tư, chàng bước ra tới chỗ đang đứng. Bốn gã thanh niên Cô-dắc ngồi trên bậc thềm thấp nhất.
Một đám đông vây quanh họ vòng trong vòng ngoài, toàn là đàn bà, bà già, con nít ở các nhà hàng xóm chạy sang. Đám thính giả nữ sụt sịt hỉ mũi kéo góc khăn bịt đầu lau nước mắt. Trong đám có một bà già cao lớn, mắt đen, trên khuôn mặt héo hon vẫn giữ được những nét của vẻ đẹp trang nghiêm trên những hình thánh. Khi Grigori bước tới gần thềm nhà, bà già kéo dài giọng nói:
- Các cháu yêu quý của bác! Các cháu hát hay quá, nhưng nghe sao mà thương tâm thế? Và có lẽ mỗi cháu đều có một bà mẹ đang khóc hết nước mắt mỗi khi nghĩ rằng thằng con mình sẽ phải chết ngoài mặt trận… - Thấy Grigori chào mình, bà bỗng nhiên long lanh cặp mắt có hai lòng trắng vàng ệch, nói giọng căm giận - Còn quan lớn quan lớn đem những đoá hoa như thế nầy đến chỗ chết hay sao? Bắt chúng nó phải chết trong chiến trận à?
- Bà cụ ạ, chính chúng tôi cũng đang bị họ đưa đến chỗ chết đấy. - Grigori trả lời với vẻ mặt âm thầm.
Thấy có một sĩ quan lạ mặt bước tới, mấy gã Cô-dắc luống cuống vội vã đứng dậy. Chúng đưa chân đẩy mấy cái đĩa đựng những thức ăn còn lại trên bậc thềm, sửa lại áo quân phục, đây đeo súng trường và dây lưng da. Trong khi hát, ngay đến khẩu súng trên vai chúng cũng không hạ xuống. Gã nhiều tuổi nhất nom mặt không quá hai mươi nhăm.
- Ở đâu thế? - Grigori vừa hỏi vừa nhìn những khuôn mặt non trẻ và tươi tắn của mấy tên lính.
- Chúng tôi đi từ đơn vị… - Một gã mũi hếch, có hai con mắt hay cười ngập ngừng trả lời.
- Tôi muốn hỏi các cậu quê ở đâu, là người trấn nào? Không phải là dân vùng nầy phải không?
- Bẩm quan lớn, chúng tôi ở trấn Elanskaia, chúng tôi về nghỉ phép.
Grigori nghe giọng nói nhận ra gã đi bè chính bèn mỉm cười hỏi:
- Cậu đi bè chính đấy à?
- Vâng.
- Được giọng của cậu tốt đấy! Nhưng có chuyện gì mà các cậu hát thế? Hay có điều gì vui chăng? Coi mặt các cậu thì chẳng thấy gì là vừa có tí tửu.
Trong bọn có một gã cao lớn, tóc màu hạt dẻ nhạt với một món rủ xuống trước trán bụi bám trắng phếch, nom rất ngang tàng. Hai gò má ngăm ngăm đỏ bừng lên, gã liếc nhìn mấy bà già, mỉm cười ngượng ngiụ rồi miễn cưỡng trả lởi:
- Kiếm đâu ra điều gì vui bây giờ? Chúng tôi hát vì cùng khốn đây thôi! Đúng đấy, chỉ để có thêm ít chất tươi. Ở vùng nầy người ta cho ăn cũng không khá lắm, chỉ cho được mẩu bánh mì là hết. Vì thế chúng tôi đã nghĩ ra cái trò đi hát. Hễ chúng tôi hát là các bà phụ nữ kéo đến nghe. Chúng tôi chọn hát một bài buồn thảm nào đó, thế là các bà ấy mủi lòng đem đến cho, người thì miếng mỡ chài, người thì một bình sữa hay thứ gì khác có thể ăn được… Thưa ngài trung uý, chúng tôi thì đại loại cũng như các ông cố đạo ấy thôi, hát xong ai quyên thứ gì thì nhận thứ ấy! - Gã đi bè chính nháy mắt với các bạn gã, hai con mắt hay cười nheo lại trong nụ cười.
Một gã Cô-dắc rút trong túi ngực ra một mẩu giấy nhớp nhúa, chìa cho Grigori.
- Đây là giấy nghỉ phép của chúng tôi.
- Tôi cần gì đến nó?
- Biết đâu ngài chẳng có điều nghi ngờ, mà chúng tôi thì không phải là những thằng đào ngũ…
- Bao giờ chạm trán với đội thanh tiễu thì cậu sẽ đưa cho chúng nó xem. - Grigori nói có vẻ bực bội, nhưng trước khi bỏ đi, chàng vẫn khuyên - Các cậu nên chờ đến đêm hãy đi, ban ngày thì có thể kiếm một chỗ nào mà nghỉ ngơi. Mảnh giấy của các cậu không đủ đảm bảo đâu, đừng đem giấy nầy mà chạm trán với chúng nó… Không có dấu à?
- Đại đội chúng tôi không có con dấu.
- Thôi nếu các cậu không muốn nằm dưới cái que thông nòng của bọn Kalmys thì hãy nghe lời tôi khuyên!
Khi ra khỏi cái thôn chừng ba vec-xta, chỉ còn chưa tới trăm rưỡi xa-gien là đến một cánh rừng nho mọc sát bên đường cái, Grigori lại thấy hai người cưỡi ngựa từ trước mặt tới. Hai người ấy dùng ngựa một phút, nhìn ngang nhìn ngửa rồi rẽ ngoặt vào trong rừng.
- Hai thằng nầy lại không có giấy má gì đây, - Prokho nhận định.
- Anh có trông thấy chúng nó chuồn vào rừng như thế nào không? Ban ngày ban mặt, ma quỷ nào dẫn lối đưa đường chúng nó vào đấy làm gì?
Còn có thêm một số người khác vừa thoáng thấy Grigori và Prokho đã tránh khỏi đường cái, vội vã lẩn trốn ngay. Một tên bộ binh Cô-dắc đã có tuổi lén lút chuồn về nhà, lẩn vào trong đám hướng dương, nấp sau một bờ đất như con thỏ. Trong khi cưỡi ngựa qua chỗ hắn núp, Prokho rướn người trên bàn đạp, quát to:
- Nầy, anh bạn đồng hương, trốn tồi quá đấy! Kín được cái đầu thì lại hở cái đít? - Rồi bỗng nhiên hắn vờ làm vẻ hung dữ hô to: - Nầy, bò ra ngay đây? Trình giấy tờ ngay?
Gã Cô-dắc kia nhảy chồm dậy, khom lưng chạy vào trong đám hướng dương. Prokho cười phá lẽn như nắc nẻ và còn định thúc ngựa đuổi theo, nhưng Grigori đã ngăn hắn lại:
- Đừng làm trò khỉ nữa! Mặc cho quỷ dữ bắt nó đi, như thế cũng đã đủ làm nó chạy đứt hơi rồi. Thêm chút nữa thì nó có thể sợ đến chết được đấy… - Anh nghĩ thế nào vậy? Thằng nầy thì lùa chó săn cũng không đuổi kịp được đâu. Bây giờ nó sẽ quàng chân lên cổ chạy một mạch hàng chục vec-xta cho mà xem! Tôi cũng lấy làm lạ không hiểu trong những lúc như thế nầy con người làm thế nào mà chạy nhanh được như thế.
Nói chung Prokho có ý không đồng tình với những tên đào ngũ. Hắn nói:
- Chúng nó bỏ trốn đúng là thành đàn thành lũ. Cứ như bị dốc tuột từ trong túi ra ấy? Anh Pantelevich ạ, cẩn thận kẻo không bao lâu nữa sẽ chỉ còn có anh và tôi giữ mặt trận thôi.
Grigori càng ra tới gần mặt trận thì cái quang cảnh tan rã ghê gớm của Quân đội sông Đông càng mở rộng trước mắt chàng. Quá trình tan rã nầy đã bắt đầu ngay từ lúc quân đội nầy vừa được bổ sung bằng quân phiến loạn đang dành được những thắng lợi lớn nhất trên Mặt trận miền Bắc. Ngay từ hồi ấy, các đơn vị của nó đã không những không có khả năng chuyển sang mở một đợt tấn công có tính chất quyết định, mà bản thân chúng còn không thể đương đầu với một trận tấn công lớn.
Trong các thôn và các trấn có những đội dự bị gần mặt trận nhất đóng giữ, bọn sĩ quan rượu chè bí tỉ suốt đêm ngày; các đoàn xe vận tải nối đủ các loại đều đầy ních những của cướp bóc chưa kịp chuyển về hậu phương; các đơn vị không còn giữ được tới hơn sáu mươi phần trăm quân số; binh lính Cô-dắc tự động bỏ về nhà và các đội thanh tiễu gồm toàn lính Kalmys sục sạo trên đồng cỏ không đủ sức ngăn chặn một làn sóng đào ngũ có tính chất quần chúng như thế. Trong các thôn mà chúng chiếm được ở tỉnh Saratovskaia, quân Cô-dắc hành động như những kẻ chinh phục trên lãnh thổ nước ngoài: chúng cướp bóc dân chúng, hiếp dâm đàn bà, đốt phá các kho dự trữ thóc lúa giết gia súc. Lực lượng bổ sung cho quân đội gồm những thằng miệng còn hơi sữa và những lão già ở lứa tuổi năm mươi. Trong các đội đang tiến quân có những lời nói toạc móng heo là không muốn chiến đấu. Còn trong các đơn vị đang bị điều về hướng Voronez thì lính Cô-dắc công nhiên không phục tùng mệnh lệnh của bọn sĩ quan. Có những tin đồn rằng tại các vị trí trên tuyến đầu, ngày càng có nhiều trường hợp giết sĩ quan.
Mãi đến lúc trời hoàng hôn, Grigori mới dừng lại để nghỉ đêm tại một làng nhỏ không còn xa Balasov lắm. Đại đội dự bị độc lập số Bốn gồm toàn những tên Cô-dắc thuộc khoá già nua và đại đội công binh của trung đoàn Taranroc đã chiếm tất cả các nhà dân trong làng. Grigori phải sục rất lâu để kiếm chỗ nghỉ đêm. Kể ra thì cũng có thể qua một đêm ở ngoài đồng như hai người vẫn thường làm, nhưng đến đêm trời sẽ mưa mà Prokho lại đang run như cầu sấy trong một cơn sốt rét định kỳ; vì thế cần phải tìm được một nơi nào có mái che hẳn hoi mà chờ sáng. Trên con đường vào thôn, gần một ngôi nhà lớn xung quanh trồng toàn tiêu huyền có một chiếc ô tô thiết giáp bọ đạn pháo bắn hỏng. Lúc cưỡi ngựa qua, Grigori đọc được một khẩu hiệu chưa bị sơn lấp đi trên cái thành xe sơn xanh lá cây: "Giết hết bọn Trắng khốn khiếp!" và bên dưới ghi: "Hung thần". Vài con ngựa thở phì phì trong sân quanh những cọc buộc ngựa, vẳng ra tiếng người nói lao xao. Một đống lửa cháy bập bùng trong mảnh vườn sau nhà, khói bị gió tãi ra trên những ngọn cây xanh: ánh lửa chiếu sáng hình những tên Cô-dắc đi lại lăng xăng quanh đống lửa. Gió lùa từ đống củi ra mùi rơm nóng và mùi lông lợn cháy.
Grigori xuống ngựa, bước vào trong nhà.
- Ai là chủ nhà nầy đây? - Chàng vừa hỏi vừa bước vào một căn phòng thấp lụp sụp đã chật ních những người.
- Tôi. Nhưng ngài cần gì thế? - Một người mu-gích không cao lớn lắm đang đứng tựa lưng vào bếp lò đưa mắt nhìn Grigori và trả lời, nhưng vẫn không động đậy gì cả.
- Ông cho chúng tôi nghỉ đêm ở nhà ta nhé. Chúng tôi có hai người.
- Ngay bây giờ chúng tôi ở đây đã bị lèn như cá hộp rồi còn gì - Một gã Cô-dắc có tuổi nằm trên chiếc ghế dài làu bàu có vẻ bực mình.
- Tôi thì không khó khăn gì đâu, nhưng nhà tôi đã chật như nêm rồi - Người chủ nhà nói như muốn van xin.
- Chúng tôi nghỉ qua quít thế nào cũng được thôi. Chẳng nhẽ chúng tôi phải qua đêm nay dưới trời mưa hay sao? - Grigori cố nài - Cậu liên lạc của tôi lại đang ốm.
Gã Cô-dắc nằm trên chiếc ghế dài è è trong họng, thõng hai chân xuống đất, đưa mắt nhìn Grigori và nói bằng một giọng đã đổi khác.
- Thưa quan lớn, cùng với nhà chủ chúng tôi đã có mười bốn nhân mạng ních trong hai căn phòng chỉ bằng hai lỗ mũi rồi. Còn căn phòng thứ ba thì đã bị một sĩ quan Anh cùng hai thằng lính hầu của hắn ta chiếm mất, lại có thêm một sĩ quan của chúng ta cũng ở trong ấy.
- Hay ngài vào ở với họ có được không? - Một gã Cô-dắc thứ hai ân cần nói. Gã đeo lon thượng sĩ, trong bộ râu đã có nhiều đám bạc trắng.
- Không, tôi ở đây thì hơn. Cũng chẳng cần phải có nhiều chỗ cho tôi đâu Tôi sẽ nằm dưới sàn, sẽ không chen lấn anh em đâu. Grigori cởi áo ca-pốt, đưa tay lên vuốt tóc và ngồi vào bàn.
- Prokho ra ngoài với hai con ngựa.
Có lẽ mấy người trong phòng bên cũng nghe thấy câu chuyện ngoài nầy. Năm phút sau có một gã trung uý bộ binh nhỏ bé, ăn vận rất diện, bước ra.
- Ngài đang tìm chỗ nghỉ đêm à? - Gã nói với Grigori rồi liếc nhanh nhìn lon vai của chàng và mời với một nụ cười rất lịch thiệp:
- Mời ngài chuyển sang phòng bên với chúng tôi, thưa ngài trung uý. Tôi và ngài Kembơn, trung uý quân đội Anh, xin mời ngài. Ngài sang bên ấy sẽ thoải mái hơn. Họ của tôi là Seglov. Còn ngài? - Gã chìa tay bắt tay Grigori rồi hỏi - Ngài ở mặt trận về à? À, về giả phép! Thôi chúng ta vào đi! Chúng ta vào đi! Chúng tôi sẽ rất sung sướng được tỏ lòng mến khách đối với ngài. Có lẽ ngài đã đói rồi, mà chúng tôi lại có những thứ để thết ngài.
Trên chiếc áo quân phục cổ bẻ may bằng da thượng hảo hạng của tên trung uý bộ binh thấy lủng lẳng một chiếc huân chương thánh Gioóc của sĩ quan. Đầu gã nhỏ, đường ngôi thẳng băng, ủng đánh rất sạch. Khuôn mặt rám rám bệch bệch râu cạo nhẵn nhụi và toàn bộ cái thân hình đều đặn của gã đều có vẻ rất sạch sẽ và toả ra một mùi nước hoa Cô-lô thơm phức không biết là mùi hoa gì. Ra đến phòng ngoài, gã ân cần nhường Grigori đi trước và nói:
- Cửa phòng ở bên trái. Ngài cẩn thận một chút, ở đây có một cái thùng, ngài khéo kẻo vấp.
Thấy Grigori bước vào, một trung uý trẻ tuổi, cao lớn, đứng dậy đón. Một hàng ria đen lồm xồm che một phần cái môi trên bị chém chéo. Hai con mắt màu xám nằm rất sát tinh mũi. Gã trung uý bộ binh giới thiệu Grigori với anh ta và nói không biết những gì bằng tiếng Anh. Người trung uý Anh bắt tay khách, hết nhìn Grigori lại nhìn gã trung uý bộ binh, nói vài câu và giơ tay ra hiệu mời ngồi.
Giữa phòng kê song song bốn chiếc giường hành quân, trong góc chất đống không biết những hòm gì, những cái túi du lịch những chiếc va-li. Trên cái rương có đặt một khẩu trung liên mà Grigori không biết là kiểu gì, một cái bao đựng ống nhòm, vài chiếc hòm kẽm đựng đạn, một khẩu carbin báng rất sẫm, nòng màu xám đục còn mới toanh, chưa sây sát gì cả.
Người trung uý Anh nhìn Grigori một cách thân mật và nói không biết những gì bằng một giọng trầm đục rất dễ nghe. Grigori không hiểu những lời nói bằng một thứ tiếng nước ngoài nghe rất lạ tai, nhưng chàng đoán rằng người ta đang nói về mình, vì thế cũng có phần ngượng ngượng. Gã trung uý bộ binh lục lọi trong một chiếc va-li, mỉm cười lắng nghe rồi nói:
- Ông Kembơn nói rằng ông ta rất kính trọng người Cô-dắc và theo ý ông ta, người Cô-dắc là những người cưỡi ngựa và những chiến binh tuyệt vời. Có lẽ ngài cũng đói rồi phải không? Ngài có uống rượu không? Ông ta nói rằng sự nguy hiểm làm cho con người thêm gần gũi nhau…
Chà, mẹ khỉ, hắn nói lung tung đủ mọi điều nhảm nhí! Gã trung uý bộ binh lấy trong chiếc va-li ra vài hộp đồ hộp, hai chai cô-nhắc rồi lại cúi xuống chiếc va-li và dịch tiếp: Theo lời hắn thì hắn đã được các sĩ quan Cô-dắc ở Ust-Medvediskaia tiếp đón rất niềm nở. Hôm ấy mọi người đã uống một thùng rượu vang sông Đông khổng lồ, anh nào anh nấy say bí tỉ rồi tiêu khiển hết sức vui nhộn với những cô nữ sinh trung học nào đó.
Phải, thường là họ làm như thế đấy? Hắn tự cảm thấy mình có cái nhiệm vụ thú vị phải đáp lại thái độ mến khách ấy bằng một sự mến khách không kém phần hậu hĩ. Và chính ngài, sẽ phải chịu đựng sự mến khách ấy. Tôi cũng thương cho ngài… Ngài cũng uống được chứ?
- Xin cảm ơn. Tôi có uống - Grigori vừa nói vừa lén nhìn hai bàn tay nhem nhuốc vì dây cương và bụi đường của mình.
Gã trung uý bộ binh xếp mấy cái hộp lên bàn dùng dao mở rất lẹ rồi thở dài và nói:
- Ngài trung uý, ngài có biết không, cái con lợn Anh nầy nó hành tôi cũng đến cực! Nó nốc rượu từ sáng sớm đến đêm khuya. Đúng là một cây rượu có một không hai! Chính tôi, ngài có biết không, cũng không phải là một tay sợ rượu, nhưng uống tới mức độ như thời Home2 thế nầy thì tôi cũng hàng cả nón. Còn thằng nầy - gã trung uý bộ binh mỉm cười đưa mắt chỉ người trung uý Anh và chửi một câu tục tĩu rất là bất ngờ đối với Grigori - chưa có gì vào bụng cũng nốc được, bất kỳ thế nào cũng nốc được!
Người trung uý Anh mỉm cười gật đầu, nối bằng một thứ tiếng Nga giả cầy:
Vơ Vo! Tung lam… Pai ông sich que gai!3
Grigori lắc đầu rũ tóc phá lên cười. Đúng là chàng đã thấy thích hai con người nầy và anh chàng trung uý người Anh quả là một đối tượng thú vị với nụ cười ngớ ngẩn và cái kiểu nói tiếng Nga chết cười của anh ta.
Gã trung uý bộ binh vừa lau vài cái cốc vừa nói:
- Tôi đã đi lang thang với hắn hai tuần nay, thật là tội nợ? Hắn làm huấn luyện viên dạy lái những chiếc xe tăng điều đến cho quân đoàn hai của chúng ta, còn tôi thì bị họ bắt đi theo hắn làm thông ngôn. Tôi nói tiếng Anh cũng lưu loát chính vì thế mà mang tai hoạ vào thân… Bên ta cũng có uống rượu chứ, nhưng đâu có như thế nầy. Còn thằng nầy thì ma quái nào hiểu được nó! Ngài sẽ được chứng kiến tửu lượng của hắn như thế nào? Ngày nào cũng phải có cho hắn ít nhất là bốn năm chai cô-nhắc. Hắn uống rồi lại nghỉ, nghỉ rồi lại uống, thế mà hắn chẳng say bao giờ cả, thậm chí uống nhiều như thế mà vẫn có thể làm việc như thường. Tôi đã bị hắn hành hạ ghê gớm. Dạ dày tôi hình như bắt đầu có chuyện, tinh thần tôi mấy hôm nay thật là khủng khiếp, khắp người bị rượu thấm vào đến nỗi bây giờ tôi sợ không dám ngồi gần một ngọn đèn cháy nữa… Có ma quỷ nào biết được rồi sẽ ra sao? - Gã vừa nói vừa rót cô-nhắc vào đầy đến miệng hai cái cốc, còn phần của mình thì chỉ dính cốc.
Người trung uý Anh đưa mắt chỉ cái cốc và vừa cười vừa bắt đầu nói không biết những gì một cách sôi nổi. Gã trung uý Nga đặt tay lên ngực vẻ van lơn, trả lời anh ta với một nụ cười dè dặt, nhưng thỉnh thoảng trong cặp mắt đen rất hiền hậu của gã lại loáng bừng lên trong khoảnh khắc những tia tức tối. Grigori nâng cốc chạm cốc với hai người chủ nhà niềm nở, uống một hơi hết sạch.
- Ồ? - Anh chàng người Anh kêu lên ra ý tán thành rồi uống cạn cốc của mình và nhìn gã trung uý bộ binh bằng cặp mắt khinh bỉ.
Hai bàn tay công nhân của người trung uý Anh nằm yên trên bàn, rám nâu, to lù lù. Trên mu bàn tay, những lỗ chân lông hiện lên đen kịt vì dầu máy. Những ngón tay luôn luôn nhúng dầu xăng bợt cả da, nhằng nhịt những vết sẹo cũ. Nhưng khuôn mặt anh ta lại trau chuốt, béo tốt, hồng hào. Sự trái ngược giữa hai bàn tay và bộ mặt đập vào mắt đến nỗi có lúc Grigori có cảm tưởng như người trung uý Anh nầy đeo mặt nạ.
- Ngài đã cứu tôi. - Gã trung uý bộ binh vừa nói vừa rót hai cốc rượu đầy đến miệng.
- Nhưng hắn không uống một mình hay sao?
- Tai vạ chính là ở chỗ ấy đấy? Sáng dậy thì hắn uống một mình, nhưng đến chiều lại không được. Nhưng nào, chúng ta lại cạn chén chứ?
- Cái của nầy nặng đấy… - Grigori đưa cái cốc lên nhấm nháp một chút, nhưng trước con mắt ngạc nhiên của người trung uý Anh, chàng dốc luôn tất cả chỗ còn lại vào miệng.
- Hắn bảo ngài quả là một tay hảo hán. Hắn rất thích lối uống rượu của ngài.
- Tôi chỉ muốn được đổi công tác với ngài - Grigori mỉm cười nói.
- Tôi tin chắc rằng chỉ hai tuần là ngài sẽ chuồn thẳng?
- Chuồn khỏi những thứ thú vị nầy hay sao?
- Còn tôi thì dù sao cũng sẽ chuồn khỏi những thứ thú vị nầy. Ngoài mặt trận còn bi đát hơn.
- Ở đây cũng là mặt trận đấy. Ngoài ấy người ta có thể mất mạng vì một viên đạn hoặc một mảnh đạn, nhưng chưa chắc đã thế, còn ở đây thì thế nào tôi cũng sẽ điên lên vì rượu. Nhưng ngài thử nếm mấy thứ hoa quả đóng hộp nầy xem. Ngài có muốn xơi giăm-bông không?
- Cám ơn ngài, tôi sẽ ăn.
Về những trò nầy thì người Anh đúng là bậc thầy. Họ cho quân đội của họ ăn không giống như chúng ta đâu.
- Chúng ta mà là cho quân đội ăn à? Quân đội của chúng ta thì tự kiếm lấy cái ăn tại chỗ.
- Cũng đáng tiếc là tình hình đúng như thế. Nhưng dùng một phương pháp như thế để cung cấp cho lính tráng thì không thể đi xa được đâu, đặc biệt là nếu cho phép chúng nó cướp bóc dân chúng mà không bị trừng phạt gì cả.
Grigori chăm chú nỉlìn gã trung uý bộ binh rồi hỏi:
- Thế ngài chuẩn bị đi xa đấy à?
- Chúng mình cùng đi một đường cơ mà, ngài hỏi tôi về chuyện gì thế? - Gã trung uý bộ binh không biết rằng anh chàng trung uý người Anh đã nắm lấy chai rượu và rót cho hắn một cốc đầy.
Bây giờ thì ngài sẽ phải uống đến giọt cuối cùng nhé. - Grigori mỉm cười.
- Lại bắt đầu rồi đấy! - Gã trung uý bộ binh nhìn cốc rượu, rên rỉ. Hai đám mầu hồng nhạt rất to ửng lên trên má gã.
Cả ba lặng lẽ chạm cốc, uống cạn.
- Chúng ta đều đi một con đường, nhưng mỗi người đi một cách… - Grigori lại nói, rồi cau mày cầm đĩa cố chọc một quả mận, nhưng không được vì nó cứ tượt trơn như mỡ trên cái dĩa - Cũng như trên một chuyến tàu ấy, người thì mới đi một chặng ngắn đã xuống, người thì đi xa hơn…
- Chẳng nhẽ ngài không muốn đi đến ga cuối cùng hay sao?
Grigori cảm thấy mình sắp say, nhưng hơi men còn chưa thắng được chàng. Chàng vừa cười vừa trả lời:
- Tôi không có đủ tiền để mua vé đi đến ga cuối cùng đâu. Thế còn ngài.
- Ồ, đối với tôi thì tình hình lại khác: ngay nếu người ta đuổi tôi xuống tàu, tôi cũng vẫn đi bộ men theo đường sắt đến cùng!
- Nếu thế thì chúc ngài lên đường may mắn! Chúng ta cạn cốc nào!
- Cũng phải uống thôi. Muôn việc bắt đầu đều khó cả…
Người trung uý Anh chạm cốc với Grigori và gã trung uý bộ binh rồi lặng thinh ngồi uống, gần như không nhắm gì cả. Mặt anh ta chuyển sang màu đỏ gạch, hai con mắt long lanh, mọi cử động đều trở nên chậm rãi như có tính toán cẩn thận.
Mọi người chưa uống hết chai thứ hai anh ta đã nặng nề đứng dậy, đi những bước vững vàng tới chiếc va-li, lấy thêm ba chai cô-nhắc mang ra bàn. Anh ta vừa đặt mấy chai rượu lên bàn vừa nhếch mép cười và trầm giọng nói không biết những gì.
- Mister Kembơn nói rằng chúng mình phải kéo dài cuộc vui cho thoả mới được. Mixtơ mixtiếc cái gì, quỷ dữ bắt mẹ nó đi! Ngài thì thế nào?
- Được thôi, có thể kéo dài được lắm, - Grigori đồng ý.
- Phải, nhưng sức uống của nó khiếp thật? Trong cái thần xác của thằng cha người Anh nầy lại có linh hồn của một thằng lái buôn Nga4 Tôi thì xem ra sắp quỵ đến nơi rồi.
- Nhìn sắc mặt ngài còn chưa thấy gì đâu - Grigori nói một cách láu cá.
- Quỷ quái thật! Trong lúc nầy tôi cảm thấy mình yếu đuối như một đứa con gái ấy. Song tôi vẫn còn có thể đương đầu được. Vâng, vâng, tôi còn đương đầu được, và hoàn toàn có thể được nữa là khác?
Sau khi uống thêm cốc rượu, gã trung uý bộ binh không còn thần sắc gì nữa: cặp mắt đen của gã trở nên đờ đẫn và bắt đầu nhìn hiêng hiếng, những bắp thịt trên mặt chảy xuống, môi gã gần như không tuân theo ý muốn của gã nữa, dưới hai gò má trắng bệch có những viên tròn tròn giật giật rất đều. Rượu cô-nhắc uống vào đã có tác động và làm đầu óc gã điên đảo. Nom gã cứ y như một con bò bị người ta dùng một cái búa mười phun-tơ đập vào trán trước khi chọc tiết:
- Ngài vẫn còn vững lắm. Ngài đã uống như thế mà rượu chẳng có tác dụng gì đối với ngài?- Grigori nói hùa theo. Ngay chàng cũng đã chuếch choáng nhưng vẫn cảm thấy rằng mình còn uống được nhiều.
- Thật thế à? - Gã trung uý bộ binh vui lên - Không, không, kề ra lúc đầu tôi cũng có nhũn ra đôi chút, nhưng bây giờ thì tuỳ ý ngài, tôi sẽ uống bao nhiêu cũng được? Thật đấy, bao nhiêu cũng được?
- Tôi thích ngài lắm, ngài trung uý Cô-dắc ạ! Tôi có thể nói rằng trong con người của ngài có thể cảm thấy cả sức mạnh lẫn lòng thành thật.
Điều đó làm tôi thấy thích. Chúng ta hãy uống mừng tổ quốc của cái thằng ngu xuẩn rượu chè bê tha nầy. Kể ra, nom hắn cũng có vẻ súc sinh, nhưng tổ quốc của hắn lại tốt: "Hắn cứ làm vương bá trên mặt biển, hỡi đế quốc Anh-cát-lợi?". Nào chúng ta uống chứ? Song đừng đầy đến miệng đấy? Uống mừng tổ quốc của ngài, mixtơ Kembơn? - Gã trung uý bộ binh nhắm nghiền hai con mắt, uống cạn cốc rượu rồi ăn một miếng giăm-bông - Cái nước ấy đến là đẹp, ngài trung uý Cô-dắc ạ! Ngài không thể tưởng tượng được đâu, nhưng tôi đã sống ở bên ấy… Nào, chúng ta cạn chén?
- Mẹ mình dù đui què mẻ sứt nhưng dù sao vẫn thân thiết hơn mẹ người.
- Thôi ta đừng tranh cãi nhau nữa, cứ uống đi!
- Nào, thì uống.
- Cần phải dùng thép và lửa để khử cho hết những cái gì thối rữa trên Tổ quốc của chúng ta, nhưng chúng ta lại bất lực. Thành thử chúng ta cứ hoàn toàn không còn có Tổ quốc nữa. Nhưng thôi, quỷ dữ bắt cái tổ quốc ấy đi! Cái thằng Kembơn nầy, nó không tin rằng chúng ta có thể trị được bọn Đỏ đâu.
- Hắn không tin à?
- Vâng, hắn không tin. Hắn có những ý kiến không hay gì đối với quân đội của chúng ta và nói về bọn Đỏ với những lời khen ngợi.
- Hắn có tham gia các trận chiến đấu không?
- Có hẳn đi chứ! Thiếu chút nữa thì bọn Đỏ đã tóm được hắn. Thứ Cô-nhắc nầy thật đáng nguyền rủa?
- Nặng thật đấy! Có lẽ cũng nặng bằng cồn đấy nhỉ?
- Hơi nhẹ hơn một chút. Bọn kỵ binh đã cứu được Kembơn thoát nạn, nếu không hắn đã bị tóm cổ rồi. Lần ấy là ở gần thôn Giukovyi. Hôm ấy bọn Đỏ đã cướp mất của chúng ta một chiếc xe tăng… Nhưng nom mặt ngài rầu rĩ thế nào ấy. Vì sao thế?
- Vợ tôi mới qua đời.
- Thật khủng khiếp? Nhưng còn những cháu nhỏ chứ?
- Còn.
Thế thì uống mừng sức khỏe của các cháu! Tôi không có con, nhưng chưa biết chừng cũng có, mà nếu có thì chắc hẳn chúng nó cũng đang bán báo rong ở một nơi nào đó… Thằng Kembơn nầy có một con vợ chưa cưới ở bên Anh. Hắn viết rất đều mỗi tuần hai bức cho con bé. Nhưng có lẽ hắn chỉ viết toàn những điều lung tung bậy bạ. Tôi gần như căm ghét hắn. Ngài thấy thế nào?
- Tôi chẳng có gì đáng nói. Nhưng tại sao hắn lại kính trọng bọn Đỏ?
- Ai bảo là "kính trọng"?
- Ngài bảo.
- Không thể thế được. Hắn không kính trọng chúng nó đâu, hắn không thể nào kính trọng được, ngài nhầm đấy thôi! Nhưng dù sao tôi cũng hỏi hắn xem sao.
Kembơn chăm chú nghe gã trung uý bộ binh say rượu mặt mày nhợt nhạt, rồi nói rất lâu, không biết những gì. Grigori không cho anh ta nói hết đã hỏi:
- Hắn tuôn ra một tràng những gì thế?
- Hắn đã nhìn thấy chúng nó đi dép vỏ cây xông lên tấn công xe tăng trong đội hình bộ binh. Như thế đã đủ hiểu chưa? Hắn nói rằng không thể nào đánh lại được dân chúng. Cái thằng ngu xuẩn! Ngài chớ có tin nó!
- Sao lại không tin?
- Căn bản không thể tin được.
- Nhưng sao vậy?
- Hắn say rượu nói năng bậy bạ đấy thôi. Không thể đánh bại được dân chúng là nghĩa thế nào? Có thể tiêu diệt một phần chúng nó, số còn lại thì ta sẽ bắt chúng nó phải chấp hành… Tôi vừa nói thế nào nhỉ? Không, không phải là chấp hành mà là tuân theo. Bây giờ chúng ta sẽ cạn đến cốc thứ mấy nhỉ - Gã trung uý bộ binh gục đầu xuống tay, hích khuỷu tay hất đổ mấy hộp đồ hộp rồi áp ngực xuống bàn, thở như kéo bễ, và cứ ngồi như thế chừng mười phút.
Bên ngoài cửa sổ, trời tối đen như mực. Mưa rơi rất mau như gõ trống trên các cửa chớp. Từ một nơi rất ra vẳng tới những tiếng ầm ì. Grigori không thể biết được rằng đó là tiếng sấm hay tiếng hoả lực pháo binh. Kembơn vẫn uống cô-nhắc một cách chậm rãi, một làn khói xì-gà xanh biếc bao quanh anh ta. Grigori lay gã trung uý bộ binh, ngật ngưỡng đứng dậy và nói:
- Nầy, hỏi hắn đi: tại sao bọn Đỏ sẽ đánh bại chúng ta?
- Cút mẹ anh đi! - Gã trung uý bộ binh làu bàu.
- Không, hỏi đi.
- Cút đi! Cút mẹ anh đi!
- Hỏi đi! Đã bảo kìa?
Gã trung uý bộ binh giương hai con mắt ngây dại nhìn Grigori một lát rồi lắp bắp nói không biết những gì với Kembơn chăm chú lắng nghe, nhìn gã trung uý bộ binh với một nụ cười khinh bỉ, rồi kéo tay áo Grigori và bắt đầu giải thích mà không cần dùng lời nói: anh ta đẩy một hạt mận ra giữa bàn và đặt đứng bàn tay to lù lù của mình bên cạnh như đề so sánh rồi tặc lưới một cái, úp nhanh bàn tay lên hạt mận.
- Thế mà cũng coi là phát hiện một ý mới! Điều đó không cần đến anh tôi cũng đã hiểu rồi - Grigori lẩm bẩm, vẻ mặt trầm ngâm.
Chàng ngật ngưỡng ôm lấy anh chàng trung uý người Anh mến khách, khoát rộng tay chỉ cái bàn, cúi chào:
- Cám ơn anh về cuộc khoản đãi! Thôi vĩnh biệt. Nhưng anh có biết tôi muốn nói với anh điều gì không? Trong lúc ở đây người ta còn chưa vặn cổ anh thì anh hãy chuồn về nhà cho mau. Tôi thực tâm bảo anh như thế đấy. Hiểu chưa? Các anh đừng can thiệp làm gì vào công việc của chúng tôi. Hiểu chưa? Liệu liệu mà cút đi, nếu không ở đây người ta sẽ cho anh thêm một cái nạng mà chống!
Người trung uý Anh đứng dậy, cúi chào, nói một cách sôi nổi, nhưng chốc chốc lại liếc nhìn một cách bất lực gã trung uý bộ binh đã ngủ thiếp và thân mật vỗ vỗ vàọ lưng Grigori.
Grigori phải vất vả lắm mới tìm thấy cái then cửa, chàng lảo đảo bước ra thềm. Một làn mưa lăn tăn tạt chéo vào mặt chàng. Một ánh chớp bừng lên chiếu sáng cái sân rộng, dãy hàng rào ướt đẫm và những đám lá cây nhấp nhoáng trong vườn. Trong lúc bước từ trên thềm xuống, Grigori trượt chân ngã. Chàng bắt đầu lổm ngổm đứng dậy thì nghe có tiếng người nói:
- Mấy tay sĩ quan nhãi nhép ấy vẫn còn nốc rượu đấy à? - Một gã vừa quệt que diêm ở phòng ngoài vừa hỏi.
Một giọng khàn khàn như phải cảm trả lời với một vẻ đe doạ cố ghìm giữ.
- Họ đang còn nốc thêm… Nốc cho đến lúc mất mạng!

Chú thích:
1 Lễ kỷ niệm ngày thiên sứ báo cho Đức mẹ đồng trinh biết rằng bà đang có mang Giêsu, vào ngày 25 tháng 3 lịch Nga cũ ND
2 Một nhà thơ vĩ đại thời thượng cổ Hy Lạp tục truyền là tác giả của hai tập sử thi Iliat và Odice ND
3 Vâng, vâng! Đúng lắm… Phải uống mừng sức khỏe của ngài ND.
4 Xưa kia lái buôn Nga nổi tiếng là những con sâu rượu ND.

Nguồn: http://www.sahara.com.vn/