15/3/13

Sông Đông êm đềm (PVIII-C217-218)

Chương 217



Phần 8


Trong thôn đã băt đầu có những lời dị nghị về câu chuyện giữa Miska và Dunhiaska. Có lần một mụ đàn bà gặp Dunhiaska ngoài bến sông đã hỏi cô với một vẻ chế diễu ra mặt. "Nhà cô thuê Miska làm công hay sao thế? Gần như không thấy hắn bước ra khỏi sân nhà cô nữa…"
Trước tất cả những lời van nài của con gái, bà Ilinhitna khăng khăng một mực: "Mầy đừng có van xin gì nữa, tao không đem mầy gả cho nó đâu! Chúng mầy sẽ không có lời chúc phước của tao đâu!"
Mãi đến khi Dunhiaska nói dứt khoát rằng cô sang ở bên nhà Miska và bắt tay vào việc thu dọn các đồ riêng, bà Ilinhitna mới thay đổi quyết định.
- Mầy hãy nghĩ lại đi. - Bà hốt hoảng kêu lên. - Một mình tao với hai đứa trẻ thì tao sẽ làm thế nào bây giờ? Mầy muốn bà cháu tao chết cả hay sao?
- Như mẹ biết đấy, nhưng con không muốn làm cái bung xung cho thôn xóm chê cười. - Dunhiaska khẽ nói và tiếp tục ném quần áo của mình, quần áo của một người còn con gái, trong cái rương ra.
Cặp môi bà Ilinhitna lắp bắp rất lâu không thành tiếng, rồi bà nặng nề lê chân tới góc nhà để hình thánh:
- Thôi được, cũng không sao, con gái của mẹ… - Bà vừa lẩm bẩm vừa lấy một bức hình thánh xuống. - Mầy đã muốn như thế thì cầu Chúa che chở cho mầy, thôi mầy…
Dunhiaska quì xuống. Bà Ilinhitna làm dấu phép chúc phước cho con gái và nói giọng run run:
- Mồ ma mẹ tao đã chúc phước cho tao với bức hình thánh nầy… Chao ôi, nếu bây giờ mà bố mày trông thấy mày… Mầy có nhớ bố mày đã nói những gì về thằng chồng chưa cưới của mầy không? Có Chúa chứng giám là tao đau khổ đến ngần nào… - Bà nói xong lặng lẽ quay đi và bỏ ra phòng ngoài.
Miska cố khuyên cô dâu đừng làm lễ cưới ở nhà thờ, nhưng dù anh nói thế nào cô gái bướng bỉnh vẫn khăng khăng không nghe. Miska đành phải miễn cưỡng làm theo. Anh rủa thầm mọi thứ trên đời và lúc sắp sửa ra nhà thờ làm lễ, anh cứ nghĩ như mình sắp bị đem đi hành hình. Lão cố đạo Visarion len lén làm lễ cưới cho hai người trong loà nhà thờ vắng tanh. Sau khi làm xong các nghi thức, lão chúc mừng cô dâu chú rể và nói giọng răn dạy:
- Đấy đồng chí Xô viết trẻ tuổi thử xem, cuộc đời thường như thế đấy: năm ngoái đồng chí đã tự tay đốt nhà tôi, như người ta thường nói là đem nó làm mồi cho thần lửa, nhưng hôm nay tôi lại được làm lễ cưới cho đồng chí… Tục ngữ có câu là đừng nhổ xuống giếng vì có khi còn phải dùng đến. Nhưng dù sao tôi cũng vui mừng, thực tâm lấy làm vui mừng vì đồng chí đã tỉnh ngộ và tìm được con đường tới nhà thờ của Chúa cứu thế.
Đến thế thì Miska còn chịu làm sao được nữa. Từ lúc đặt chân vào nhà thờ, anh vốn đã lầm lì chẳng nói chẳng rằng, trong lòng rất lấy làm nhục nhã trước cái ý chí bạc nhược của mình và tự mình lại phẫn nộ với mình. Đến lúc nghe thấy thế, anh tức điên lên quắc mắt nhìn lão cố đạo thù dai, và trả lời rất khẽ để Dunhiaska khỏi nghe thấy:
- Thật tiếc là hôm ấy mày đã bỏ thôn chạy thoát, nếu không tao đã hoả thiêu cả mày lẫn cái nhà của mày rồi, con quỉ bờm dài nầy! Mày nghe rõ chưa, hử.
Đực người ra như hoá dại trước một đòn bất ngờ như thế, lão cố đạo cứ hấp háy con mắt nhìn Miska chằm chằm, còn Miska thì kéo tay áo cô vợ trẻ, nói giọng nghiêm khắc: "Ta đi thôi" nói xong dẫm lộp cộp đôi ủng của quân đội, bước ra cửa.
Trong lễ cưới chẳng có gì vui vẻ nầy đã không có uống rượu mà cũng không có ca hát. Prokho Zykov làm phù rể trong đám cưới.
Hôm sau hắn cứ nhổ nước bọt than phiền mãi với Acxinhia:
- Chà cô nàng ạ, thế mà cũng là cưới với xin! Lúc ở nhà thờ, không biết thằng Miska đã cho lão cố đạo nghe những gì mà miệng lão già méo xệch đi! Đến bữa tiệc cưới thì cô thử xem có được những gì? Gà rán và sữa chua… Hai cái đứa quỉ quái ấy, đáng là chúng nó cũng phải đưa ra dù chỉ một giọt rượu? Phải cho Grigori Pantelevich xem người ta đã làm lễ cưới cho cô em gái yêu của hắn như thế nào thì mới thú! Cho hắn một mẻ được ôm đầu! Không, cô nàng ạ, thật chẳng còn ra thế nào nữa! Từ bây giờ thì tôi chịu không dám đến dự những đám cưới đời sống mới nầy nữa rồi. Đến dự đám cưới chó còn vui hơn, đến đấy ít nhất còn được thấy những con chó dái rứt lông nhau, còn có huyên náo ầm ĩ, chứ ở đây thì chẳng có nhậu nhẹt, cũng chẳng có đánh lộn. Cái bọn bỏ đạo ấy, chúng nó thật đáng nguyền rủa! Cô có tin được không, sau khi đi ăn đám cưới nầy, tôi đã mất hết tinh thần, suốt đêm chẳng làm thế nào mà ngủ được, nằm xuống giường mà người ngứa ngáy cứ như bị rắc một nắm bọ chó xuống dưới áo sơ-mi ấy.
Từ ngày Miska đến ở nhà Melekhov, mọi mặt trong công việc làm ăn đều đổi khác hẳn. Chỉ một thời gian ngắn anh ta đã sửa lại dãy tường bao, cắt cỏ trên đồng cỏ chở về sân đập lúa, đánh những đống cỏ gọn gàng ngay ngắn, làm mọi công việc chuẩn bị cho việc gặt lúa, làm lại những tấm ván và những cái cánh của cái máy gặt thô sơ quét dọn sạch sẽ sân đập lúa, sửa chữa cái quạt hòm cũ, và sửa sang bộ đồ thắng ngựa, vì anh đã có ngầm ý định đem đôi bò mộng đổi lấy một con ngựa và đã nhiều lần nói với Dunhiaska: "Chúng ta phải nuôi lấy một con ngựa mới được. Đi dẫn rệu với hai ông thánh tông đồ chân toẽ ngón nầy thì cũng đến phát khóc".
Một hôm anh ngẫu nhiên tìm thấy trong nhà kho một thùng sơn trắng và một ít sơn màu nước biển, bèn lập tức quyết định sơn lại những cánh cửa chớp cũ quá đã xám xịt. Ngôi nhà Melekhov nom như trẻ lại và nhìn ra thế giới bên ngoài với những con mắt xanh tươi Miska tỏ ra là một ông chủ cơ nghiệp siêng năng. Tuy đang ốm anh vẫn làm công việc nầy việc nọ không lúc nào ngơi tay. Dunhiaska giúp đỡ anh trong mọi việc.
Lấy chồng chưa được mấy ngày mà Dunhiaska đẹp hẳn ra, vai và háng tựa như nở nang thêm. Có cái gì mới mẻ xuất hiện trong ánh mắt, trong dáng đi, trong cả cách sửa lại mớ tóc. Trước kia các cử chỉ của cô đều vụng về ngượng nghịu, chân tay vung vẩy loăng quăng như con nít, nhưng nay đã không còn như thế nữa.
Dunhiaska trở nên tươi tắn, nhu mì và cứ nhìn chồng bằng cặp mắt tràn ngập yêu đương, chẳng còn nhận thấy chung quanh có gì nữa.
- Bọn trẻ đang hưởng hạnh phúc thì có bao giờ nhìn thấy gì…!
Nhưng bà Ilinhitna thì càng ngày càng cảm thấy sâu sắc và đau đớn hơn sự cô quạnh đang đến với mình. Bà đã trở thành một người thừa trong ngôi nhà ở đó bà đã sống gần trọn một đời người. Hai vợ chồng Dunhiaska làm việc cứ như để xây dựng cái tổ ấm riêng của mình trên nơi đất trống. Hai người chẳng xin ý kiến bà về việc gì và cũng chẳng cần được bà đồng ý khi bắt tay vào làm một việc gì.
Không hiểu sao hai người cũng không kiếm được lời nào âu yếm để nói với bà. Chỉ khi họ ngồi vào bàn ăn họ mới trao đổi với bà vài câu không có ý nghĩa gì lắm và bà Ilinhitna lại đơn độc một thân với những ý nghĩ sầu thảm của mình. Bà không cảm thấy sung sướng trước hạnh phúc của con gái. Sự có mặt của một người lạ trong nhà làm bà khó chịu, vì vẫn như xưa, bà vẫn coi anh chàng con rể nầy là một người lạ. Ngay cuộc đời cũng đã trở thành một gánh nặng đối với bà. Chỉ một năm mà bà ta đã mất đi bao nhiêu con người gần gụi với trái tim bà, nhưng bà vẫn phải sống, lưng còng xuống dưới những đau khổ, người già xọm đi, nom rất là thảm hại. Bà đã phải chịu đựng nhiều, có thể nói là quá nhiều điều khổ cực. Bà không còn đủ sức để chống lại nữa, vì thế cứ sống với dự cảm đầy mê tín là sau khi đã từng đến thăm gia đình nhà bà nhiều lần như thế, thần chết sẽ có dịp bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà cổ của họ Melekhov. Sau khi nhẫn nhục để cho Dunhiaska đi lấy chồng, bà Ilinhitna chỉ còn hy vọng một điều là chờ được đến khi Grigori trở về, trao lại cho chàng hai đứa trẻ rồi nhắm mắt, hai tay buông xuôi. Vì đã sống một cuộc đời cực nhọc dài như thế, bà đã có được cái quyền nghỉ ngơi Những ngày hè dài đằng đẵng nối tiếp nhau mãi không thôi.
Nắng chói chang rất nóng. Song những tia nắng như mọc gai không còn sưởi ấm bà Ilinhitna nữa. Bà thường ngồi rất lâu bên thềm, ở chỗ dải nắng nhất, hoàn toàn không động đậy mà cũng chẳng quan tâm chút gì tới mọi vật chung quanh. Còn đâu là bà chủ nhà bận rộn và siêng năng xưa kia. Bà không muốn làm việc gì nữa. Bây giờ mọi công việc đều trở nên không có ý nghĩa, không cần thiết và không có giá trị, vả lại bà cũng chẳng còn đâu sức lực để làm lụng như ngày xưa. Bà thường hay ngắm hai bàn tay rộng bè ra vì bao nhiêu năm lao động và thầm tự nói với mình: "Hai bàn tay của mình đã làm xong hết mọi việc rồi đây… Đã đến lúc phải cho nó được ngơi… Mình đã sống quá nhiều, cũng đủ rồi… Chỉ cần chờ được đến ngày thằng Grigori yêu quý trở về…"
Riêng có một lần cái tinh thần yêu đời xưa kia đã trở lại với bà Ilinhitna, nhưng cũng chẳng được bao lâu. Prokho ở trên trấn về, tiện đường tạt qua nhà bà và từ xa hắn đã gào lên:
- Làm tiệc khao đi, bà Ilinhitna ơi! Tôi mang thư của con trai bà về dây!
Bà già tái mặt. Bà đã mang một ấn tượng là một bức thư thế nào cũng gắn liền với một điều bất hạnh mới. Nhưng khi Prokho đọc cho bà nghe xong bức thư ngắn ngủi thì bà sung sướng quá, mãi chẳng nói được ra lời. Một nửa bức thư gồm toàn những lời thăm hỏi gia đình, và mãi cuối mới thấy ghi thêm rằng Grigori đang cố gắng xin về nghỉ phép trước mùa thu. Những giọt nước mắt rất nhỏ chảy lăn tăn như hạt cườm trên khuôn mặt rám nâu của bà, theo những vết nhăn sâu trên má. Bà cúi đầu, đưa cánh tay áo và bàn tay sần sùi lên lau nước mắt, song những giọt nước mắt vẫn cứ tuôn ra ròng trên mặt bà, chảy xuống lấm tấm cả chiếc tạp dề, mau như những giợt mưa. Prokho không phải là không vui mừng, nhưng thật sự là hắn không thể nào chịu nổi nước mắt của đàn bà, vì thế hắn cau mày nói bằng một giọng bực tức ra mặt:
- Chao ôi, bà cụ ơi là bà cụ, thế là cụ lại khóc rồi! Đàn bà các bà sào mà lắm cái thứ nước ấy thế… Phải vui lên chứ sao lại khóc như thế? Thôi, tôi đi đây, chào cụ nhé! Nhìn cụ thì tôi chẳng thoải mái chút nào cả.
Bà Ilinhitna chợt nhớ ra, bèn vội giữ hắn lại:
- Anh bạn thân mến của tôi ơi, anh đã đem lại cho tôi một tin vui như thế… Sao tôi lại có thể như thế nầy được… Anh hãy hượm một lát để tôi còn thết anh chứ… - Bà già lắp bắp nói không đầu không đũa, và lấy trong cái rương ra một chai rượu nặng để dành lâu lắm rồi.
Prokho ngồi xuống, vuốt ria:
- Cụ cũng uống với tôi một chén để mừng tin vui chứ? - Hắn hỏi.
Nhưng ngay lúc đó hắn lại lo lắng nghĩ bụng: "Chà, quỉ dữ lại giật lưỡi mình rồi! Chỗ rượu nầy chỉ được một hớp, nếu mụ cùng uống với mình thì sao…"
Bà Ilinhitna từ chối. Bà gấp bức thư rất cẩn thận, đặt lên cái ổ để các hình thánh, nhưng không biết bà nghĩ đi nghĩ lại thế nào, lại lấy nó xuống, cầm một lát trong tay rồi nhét vào bên trong áo, áp thật sát chỗ tim đập.
Dunhiaska ở ngoài đồng về, cô đọc bức thư rất lâu rồi mỉm cười thở dài:
- Chao ôi, anh ấy mau mau về đi thôi? Nếu không mẹ đã khác đi nhiều lắm rồi mẹ ạ.
Như có ý ghen, bà Ilinhitna giằng lại bức thư trong tay Dunhiaska, đem giấu lại vào trong áo rồi mỉm cười, nheo cặp mằt long lanh nhìn con gái và nói:
- Tao như thế nầy bây giờ thì chó nó trông thấy cũng không thèm sủa, thế mà thằng hái yêu quý của tao vẫn còn nhớ tới mẹ nó đấy!
- Mầy xem nó viết thư như thế đấy! Nó lại còn lễ phép gọi tao bằng tên theo bố, là bà Ilinhitna… Nó viết là nó cung kính cúi đầu chào mẹ yêu quí và hỏi thăm hai con yêu quí, lại không quên cả mầy nữa… Nhưng tại sao mày lại nhăn nhăn nhở nhở như thế hả? Mầy ngu xuẩn lắm, Dunhiaska ạ, mầy đúng là một con bé ngu xuẩn!
- Đúng thế đấy, mẹ ạ, nhưng con chỉ mỉm cười thôi mà cũng không được hay sao? Nhưng mẹ sắp sửa đi đâu thế?
- Tao ra vườn rau, xới đám khoai tây.
- Mai con sẽ tự đi xới lây, mẹ cứ ở nhà thì hơn. Lúc thì mẹ kêu ốm, lúc thì tự bới việc mà làm.
- Không, tao đi đây… Trong lòng tao đang vui, tao muốn đi một mình. - Bà Ilinhitna thú nhận rồi chít thoăn thoắt chiếc khăn lên đầu, nhanh nhẹn như một người còn trẻ.
Trên đường ra vườn rau, bà tạt vào nhà Acxinhia. Đầu tiên bà còn giữ ý chỉ nói những chuyện khác, rồi sau mới lấy bức thư ra.
- Cái thằng nhà tôi vừa gửi về một bức thư nhỏ, làm mẹ nó mừng quá nó có hứa sẽ về nghỉ phép đấy. Chị láng giềng thân mến ạ, chị cầm lấy nầy, đọc đi cho tôi được nghe lần nữa với.
Từ hôm ấy, Acxinhia nhiều lần đọc đi đọc lại bức thư. Bà Ilinhitna thường sang nhà nàng vào buổi chiều. Bà lấy ra chiếc phong bì màu vàng bọc rất cẩn thận trong một cái khăn tay rồi thở dài bảo nàng:
- Chị Acxiutka, chị đọc lại đi, hôm nay trong lòng tôi không biết có chuyện gì ấy, tôi nằm mơ thấy nó còn nhỏ như hồi nó cắp sách đến trường ấy…
Cùng với ngày tháng, những chữ viết bằng bút chì hoá học đã nhoà đi nhiều, nhiều chữ hoàn toàn không thể đọc được nữa, nhưng điều đó không gây cho Acxinhia một sự khó khăn nào cả: nàng đọc hức thư quá nhiều lần nên đã thuộc lòng. Ngay sau khi tờ giấy mỏng đã rách như xơ mướp, Acxinhia vẫn có thể kể lại bức thư từ đầu đến cuối mà không ngắc ngứ gì cả.
Chừng hai tuần sau, bà Ilinhitna cảm thấy trong người khó chịu. Dunhiaska đang bận đập lúa mà bà thì không muốn làm cho con gái mất công mất việc, nhưng bà lại không thể tự tay nấu nướng được.
- Hôm nay tao không dậy được đâu. Mày phải tự xoay xở thế nào thì xoay xở. - Bà già bảo con gái.
- Nhưng mẹ đau ở đâu thế mẹ?
Bà Ilinhitna vuốt những nếp trên chiếc áo đã làng đang mặc rồi trả lời không ngước nhìn lên:
- Đau như dần khắp người… Hình như lục phủ ngũ tạng đều long hết cả ra. Hồi tao còn trẻ, mồ ma bố mày thường cáu lên đánh tao… Hai nắm tay ông cứ như nắm tay thép ấy… Tao thường phải nằm chết lịm hàng tuần. Bây giờ cũng như thế đấy: khắp người tao đau ê ẩm, cứ như vừa ăn một trận đòn…
- Có lẽ con bảo anh Miska đi gọi y sĩ nhé!
- Cần gì phải gọi y sĩ, rồi tao sẽ dậy được thôi.
Ngày hôm sau, quả nhiên là bà Ilinhitna dậy được. Bà đi đi lại lại được trong sân, nhưng đến chiều lại phải nằm. Mặt bà hơi sị ra, dưới hai con mắt có những đám da lũng nhũng như người phù thũng. Đến đêm có nhiều lần bà phải chống tay nhỏm đầu trên những cáì gối đập phồng xếp rất cao, thở hổn hển: bà cảm thấy khó thở. Nhưng rồi cơn tức thở cũng qua. Bà lại có thể nằm ngửa một cách bình thản, thậm chí có thể bước trên giường xuống. Bà sống vài ngày trong một trạng thái tựa như lặng lẽ tách biệt với bên ngoài, tâm hồn lắng xuống. Bà chỉ muốn ở một mình, vì thế khi Acxinhia sang thăm, nàng hỏi gì bà cũng chỉ trả lời rất dè sẻn và khi nàng ra về thì bà thở dài khoan khoái. Bà lấy làm sung sướng vì hai đứa trẻ hầu như suốt ngày ở ngoài sân và Dunhiaska cũng ít khi vào quấy rầy bà với mọi câu thăm hỏi. Bà không cần đến sự thương hại hay an ủi nào nữa.
Đã đến lúc bà cảm thấy hết sức cần phải được yên tĩnh một mình để hồi tưởng lại rất nhlều chuyện trong đời. Vì thế bà thường nằm hàng giờ không động đậy, mắt mở he hé, chỉ những ngón tay sưng phù vẫn lần lần theo các nếp chăn, và toàn bộ cuộc đời bà đã diễn lại trước mắt bà trong những giờ phút ấy.
Kể cũng lạ vì cuộc đơi ấy có vẻ hết sức ngắn ngủi, vô vị và trong đó có biết bao điều nặng nề, đau khổ, tưởng như làm người ta không muốn nhớ lại nữa. Không hiểu sao trong các hồi ức và ý nghĩ của bà, bà cứ luôn hướng về Grigori. Có thể là từ khi chiến tranh bùng nổ đến giờ, bao nhiêu năm liền không bao giờ bà bớt lo lắng cho số phận của chàng và bây giờ, tất cả những cái gì còn làm cho bà gắn bó với cuộc đời đều chỉ còn là chàng. Hoặc cũng có thể là cùnơ với thời gian, nỗi buồn nhó thằng con cả và chồng đã bớt gay gắt, đã nguôi dần. Nhưng về họ, về những người đã khuất thì bà nhớ tới họ ít hơn và tựa như chỉ nhìn thấy họ qua một tấm màn sương màu xám.
Bà chỉ nhớ lại thời kỳ con gái và thời kỳ lấy chồng một cách miễn cưỡng. Điều đơn giản là tất cả các chuyện ấy chỉ là những điều không cần thiết, đã lùi xa về quá khứ và chẳng đem lại được niềm vui hay sự khuây khoả nào. Và những khi quay về quá khứ trong những hồi ức cuối cùng, bà vẫn tỏ ra là một người nghiêm khắc và trong sạch. Nhưng thường là "thằng hai yêu dấu" cứ bất thần hiện lên trong óc bà một cách hết sức rành rọt, gần như sờ thấy được. Và hễ nghĩ tới Grigori là bà lập tức bắt đầu nghe thấy tiếng tim mình đập dồn dập. Sau đó một cơn tức thở lại ập tới, mặt bà đen sẫm lại, và bà nằm bất tỉnh giờ lâu, nhưng vừa bắt đầu thở được là bà lại nhớ ngay tới chàng. Dù sao bà cũng không thể nào quên thằng con trai cuối cùng của bà…
Một hôm bà Ilinhitna nằm ở nhà trong. Vầng mặt trời giữa trưa chiếu chói lọi bên ngoài cửa sổ. Trên đường chân trời phía nam, những đám mây trắng bị gió dựng đứng trang nghiêm trôi trên nền trời xanh loá mắt. Chỉ có tiếng kêu đơn điệu, như ru ngủ của những con dế ảnh hưởng tới bầu không khí yên lặng trầm trệ. Ngoài kia, ngay bên dưới cửa sổ vẫn còn lại một dải cỏ chưa bị nắng thui cháy vì nằm nép vào nền nhà: những đám tân lê gần héo rũ mọc lẫn với yến đại mạch dại và nga quan. Chính đó là nơi những con dế đã tìm được chỗ trú chân và đang kêu ran. Trong khi lắng nghe tiếng dế kêu không ngớt, bà Ilinhitna bất giác ngửi thấy mùi cỏ bị hun nóng thoảng đưa vào phòng trong và trong khoảnh khắc, như một ảo ảnh, bà thấy hiện ra trước mắt một cánh đồng cỏ tháng Tám nóng bỏng dưới ánh mặt trời, một khoảng rạ lúa mì vàng óng, bầu trời xanh lam sáng rực sau tấm màn sương màu xám lơ…
Bà nhìn tháy rất rành rọt một đôi bò ăn cỏ trên một nẻo đất mọc đầy ngải cứu, một chiếc xe bò có căng mui, bà nghe thấy những tiếng dế kêu lanh lảnh, ngửi thấy mùi ngải cứu đắng đắng lợ lợ… Bà nhìn thấy cả mình trẻ đẹp, cao lớn, đẹp… Kìa chính bà đang vội vã chạy về chỗ xe đỗ. Dưới chân bà những cuống rạ lạo xạo đâm cả vào hai bắp chân không. Làn gió nóng hổi thổi khô trên lưng bà chiếc áo sơ-mi đẫm mồ hôi lồng vào trong váy, làm cổ bà rát như phải bỏng. Mặt bà đỏ bừng bừng, máu dồn lên làm trong tai như có tiếng chuông rung. Bà cong hai tay, đỡ cặp vú trĩu nặng, mọng sữa, và khi nghe thấy tiếng trẻ khóc nức nở, bà rảo bước hơn, vừa đi vừa cởi khuy cổ áo.
Cặp môi bị gió thổi khô nẻ của bà run run qua một nét cười khi bà bước tới cái nôi mắc dưới gầm xe, bế ra một thằng Griska ngăm ngăm đen, nhỏ xíu. Bà dùng răng cắn giữ sợi dây đẫm mồ hôi của cây thánh giá đeo tuỳ thân, vội vã cho nó bú ngay và khẽ nựng nó qua hàm răng nghiến chặt: "Con yêu quý của mẹ, thằng bé nhỏ nhoi của mẹ! Con đẹp con xinh của mẹ! Mẹ của con suýt làm con chết đói mất rồi!" Vẫn còn khóc ấm ức, thằng Griska vừa bú vừa cắn đầu vú rất đau bằng mấy cái răng nhỏ xíu. Bố thằng Griska đứng ngay bên cạnh rửa lại cái hái, trẻ trai, với hàng ria đen. Qua hai hàng mi hạ thấp, bà nhìn thấy nét cười và hai khoảng lông trắng xanh xanh của cặp mắt giễu cợt… Bà thở chẳng ra hơi vì trời quá nóng, mồ hôi chảy ròng ròng trên trán, làm hai bên má buồn buồn, rồi ánh sáng tối dần, tối dần trước mắt bà…
Bà bừng tỉnh, đưa tay sờ sờ trên khuôn mặt đầm đìa nước mắt rồi cứ thế nằm rất lâu, khổ sở vì một cơn tức thở hết sức nặng nề và thỉnh thoảng lại thiếp đi không còn biết gì nữa.
Sau khi trời tối, lúc vợ chồng Dunhiaska đã đi ngủ, bà thu hết sức lực còn lại, nhỏm dậy, lần ra sân. Acxinhia phải đi tìm con bò cái lạc đàn mãi đến đêm khuya. Khi về đến nhà, nàng trông thấy bà Ilinhitna từ từ lê bước, lảo đảo đi qua sân đập lúa. "Bà lão đang ốm như thế mà sao còn mò ra đây thế nầy?" - Acxinhia ngạc nhiên nghĩ thầm rồi rón rén bước tới dãy hàng rào ngăn nhà mình với sân đập lúa của nhà Melekhov. Trăng tròn vành vạnh. Một làn gió hiu hiu thổi từ đồng cỏ vào. Cây rơm in một cái bóng rất sẫm lên mảnh sân trần trụi đã trà phẳng bằng đá lăn. Bà Ilinhitna vịn vào dãy hàng rào, đứng nhìn ra đồng cỏ, nơi đống củi mà những người cắt cỏ đốt lên đang nhấp nhánh như một ngôi sao xa lắc không sao với tới được.
Acxinhia nhìn thấy rất rõ khuôn mặt sị nặng của bà Ilinhitna bị ánh trăng xanh biếc rọi sáng và món tóc bạc xoã xuống chiếc khăn san đen mà các bà già thường chít.
Bà Ilinhitna nhìn rất lâu ra khoảng xanh thẫm của cánh đồng cỏ chìm trong bóng đêm, rồi bà gọi khe khẽ, tựa như có Grigori đang đứng ngay ở đấy, bên cạnh bà:
- Griska? Con yêu của mẹ! - Bà lặng đi một lát rồi lại nói giọng khàn khàn rất thấp, đổi khác hẳn - Giọt máu yêu dấu của mẹ!
Acxinhia run bắn người lên, nàng bị xâm chiếm bởi một cảm giác buồn nôn và kinh sợ không sao giải thích được, phải rời ngay dãy hàng rào, bỏ vào trong nhà.
Đêm hôm ấy bà Ilinhitna biết rằng mình sắp chết đến nơi và thần chết đã mò tới đầu giường của mình rồi. Đến khi trời rạng, bà lấy chiếc áo sơ-mi của Grigori trong cái rương, cuộn lại, nhét xuống dưới cái gối. Bà sắp sẵn cả cái áo liệm mà bà sẽ phải mặc sau khi thở hơi cuối cùng.
Sáng hôm sau, Dunhiaska vào thăm mẹ như thường lệ. Bà Ilinhitna lấy dưới cái gối ra chiếc áo sơ-mi của Grigori đã cuộn lại rất cẩn thận rồi lặng lẽ đưa cho Dunhiaska.
- Cái gì thế mẹ? Dunhiaska ngạc nhiên hỏi.
- Cái áo của thằng Griska. Đưa cho chồng mày, bảo nó lấy mà mặc, cái nó đang mặc đã cũ quá, thấm mồ hôi đến mục ra rồi còn gì - Bà Ilinhitna nói thều thào, chỉ hơi có thề nghe thấy.
Dunhiaska nhìn thấy trên nắp cái rương có cái váy đen, chiếc áo sơ-mi và đôi ủng ngắn bằng vải của mẹ, tất cả những thứ mà người ta thường mặc cho người chết để đưa tiễn họ đi chặng đường xa thẳm, cô tái mặt.
- Mẹ làm sao thế, mẹ yêu của con, mẹ đã sửa soạn áo liệm rồi sao? Mẹ hãy vì Chúa cứu thế mà cất nó đi! Cầu Chúa che chở cho mẹ, mẹ nghĩ tới cái chết sớm quá đấy.
- Không, tao đã đến lúc rồi… - Bà Ilinhitna khẽ nói, - Đã đến lượt tao rồi… Hai đứa trẻ, mày hãy trông nom săn sóc chúng nó, trong lúc thằng Griska còn chưa về… Còn nó thì xem ra tao không chờ đến khi nó về được đâu… Chao ôi, không chờ được nữa rồi!
Để Dunhiaska khỏi trông thấy những giọt nước mắt của mình, bà Ilinhitna quay mặt vào trong tường và đưa chiếc khăn tay lên che mặt.
Ba ngày sau bà qua đời. Những người bạn cùng tuổi của bà tắm rửa cho bà, khâm liệm cho bà và đặt bà lên chiếc bàn ở nhà trong.
Đến tối Acxinhia sang chia tay với người quá cố. Khuôn mặt bà già nhỏ bé vừa qua đời nom nghiêm khắc và như đẹp ra. Nhìn khuôn mặt ấy, Acxinhia nhận ra rất khó khăn dung mạo của bà Ilinhitna kiêu hãnh và dũng cảm trước kia. Trong khi ghé môi vào vừng trán vàng ệch và lạnh băng của người chết, Acxinhia nhìn thấy món tóc bạc quật cường mà nàng thường trông thấy tuột ra dưới chiếc khăn bịt đầu màu trắng và một vành tai tròn tròn nho nhỏ, hoàn toàn như tai một người còn trẻ.
Được Dunhiaska ưng thuận, Acxinhia đem hai đứa trẻ sang ở với mình. Hai đứa còn lầm lì vì khiếp hãi sau cái chết mới đây của bà chúng nó. Acxinhia cho hai đứa trẻ ăn và đặt nằm cùng với mình.
Acxinhia có một cảm giác rất lạ lùng mỗi khi ôm hai đứa bé đã nằm nép vào hai bên người mình, hai đứa con của người mà nàng yêu dấu. Nàng thủ thỉ kể cho chúng nó nghe những chuyện cổ tích mà nàng đã được nghe kể từ thời thơ ấu, chỉ cốt làm cái gì giúp nó khuây khoả, đỡ nghĩ tới người bà đã mất. Giọng véo von, nàng khe khẽ kể nốt câu chuyện cổ tích về thằng bé mồ côi Vanhiuska đáng thương:
Thiên nga, thiên nga,
Mau xòe cánh trắng
Về đây đón ta,
Về nơi yêu dấu.
Về nơi quê nhà.
Nhưng nàng chưa kịp kể xong câu chuyện thì đã nghe thấy tiếng thở thanh thản, đều đặn của hai đứa trẻ. Thằng Misatka rúc mặt vào vai nàng, nằm sát mép giường. Acxinhia nhẹ nhàng động vai sửa lại cho đầu nó khỏi bị ngật ra và bất thần cảm thấy tim mình đây nhay nhứt không thể nào nguôi, đến nỗi cổ họng như tắc lại. Nàng khóc một cách đau khổ và cay đắng, những tiếng nức nở làm nàng rung lên, nhưng ngay đến việc lau nước mắt nàng cũng không làm được: hai đứa con của Grigori đang ngủ trên tay nàng mà nàng lại không muốn làm chúng nó thức giấc.


Chương 218



Phần 8


Sau khi bà Ilinhitna mất đi, Miska trở thành người chủ duy nhất và nắm toàn quyền trong nhà. Đáng ra thì anh càng phải tỏ ra năng nổ hơn trong việc bắt tay vào tổ chức lại và mở rộng thêm công việc làm ăn, nhưng sự thật đâu có như thế: Miska làm việc ngày càng kém phần hào hứng, ngày càng hay vắng nhà và tối tối lại ngồi rất khuya trên thềm hút thuốc, đầu óc quẩn quanh với những ý nghĩ riêng của mình. Dunhiaska không thể không nhận thấy những sự thay đổi của chồng. Cô đã nhiều lần ngạc nhiên thấy Miska bất thình lình vô duyên vô cớ ném rùi ném bào đấy, bỏ ra chỗ khác để ngồi nghỉ. Thật khác hẳn cái lối làm việc hoàn toàn quên mình trước kia. Cả ở ngoài đồng, hôm hai người đi gieo lúa hắc mạch mùa đông cũng thế vừa đi được hai luống, Miska đã cho cặp bò đứng lại, rồi cuốn điếu thuốc, ngồi ì ra hút rất lâu trên mảnh đất vừa cày với cái trán nhăn lại.
Vốn đã thừa hưởng của bố cái đầu óc rất thực tế, Dunhiaska lo lắng nghĩ thầm: "Anh chàng nầy chẳng làm được cái gì cho lâu la một chút… Một là ốm hai là đổ lười ra đấy thôi. Lấy một anh chồng như thế nầy thì mình cũng đến mang vạ vào thân! Nom thật chẳng khác đi ở thuê cho người khác: hút thuốc nửa ngày, gãi ngứa nửa ngày, thế thì còn lúc nào mà làm việc nữa… Nhưng mình cũng phải nhẹ nhàng tỉ tê mà nói cho anh chàng khỏi cáu, nếu không về sau mà còn tiếp tục chăm lo công việc theo kiểu như thế nầy thì lấy xẻng xúc cũng không đổ hết khó khăn trong nhà đi được đâu…"
Vì thế có lần Dunhiaska đã hỏi rất dè dặt:
- Dạo nầy nom anh cứ như làm sao ấy, anh Miska ạ, hay lại bị con ma bệnh nó hành?
- Làm gì có chuyện ốm với đau? Ở đây không ốm cũng đã buồn nôn rồi. - Miska trả lời giọng tức tối rồi lại thúc hai con bò đi theo cái máy gieo hạt.
Dunhiaska thấy truy hỏi thêm nữa thì cũng không tiện, vả lại nói đến cùng thì phần việc của người đàn bà đâu phải là lên lớp cho chồng. Vì thế câu chuyện chỉ đến đấy là chấm dứt.
Mọi ý đoán già đoán non của Dunhiaska đều không đúng hết. Nguyên nhân duy nhất trở ngại không cho Miska có thề năng nổ làm ăn như xưa là ý nghĩ mỗi ngày một ăn sâu trong đầu óc anh, cho rằng mình đã về an cư lạc nghiệp ở nơi quê nhà quá sớm: "Mình bắt tay vào công việc làm ăn hơi sớm một chút, mình đã quá vội vàng…" - Miska bực mình nghĩ như thế mỗi khi đọc những tin mặt trận đăng trên tờ báo của khu hoặc chiều chiều nghe những chiến sĩ Hồng quân Cô-dắc kể chuyện. Nhưng tinh thần dân chúng trong thôn mới là điều anh đặc biệt lo lắng. Trong đám nầy, một số kẻ đã công nhiên nói rằng chỉ đến mùa đông là Chính quyền Xô viết sẽ đi đời nhà ma vì Vrăngghen đã xông ra khỏi Tavria và cùng với Marno1 tiến quân gần tới Rostov, đồng minh đã cho một lực lượng lính thuỷ đánh bộ rất lớn đổ bộ lên Novorossisk… Trong thôn đầy rẫy những tin đồn, tin nọ vô lý hơn tin kia. Những gã Cô-dắc ở trại tập trung hay ở hầm mỏ trở về, được ăn uống ở nhà qua một mùa hè đều béo tốt đẫy đà. Chúng sống tách biệt hẳn thành một nhóm riêng, đêm đêm tụ tập rượu chè, bàn tán riêng với nhau không biết những chuyện gì, nhưng mỗi khi gặp Miska, chúng lại làm bộ mặt thản nhiên hỏi: "Miska à, anh thường đọc báo, anh hãy kể xem ở ngoài ấy đã sắp chấm dứt với Vrăngghen chưa? Cái tin quân đồng minh lại kéo đến giở trò với chúng ta là thật hay là bậy thế?"
Một hôm chủ nhật Prokho Zykov đến chơi vào buổi chiều. Miska vừa ở ngoài đồng về đang đứng bên thềm nhà lau rửa. Dunhiaska đổ nước trong cái bình vào tay chồng, mỉm cười nhìn cái cổ gầy ngẳng bị nắng thiêu cháy đen của anh. Chào hỏi xong, Prokho ngồi xuống bậc thềm thấp nhất, hỏi:
- Nhà ta có nhận được tin gì của anh Grigori Pantelevich không?
- Không, - Dunhiaska trả lời, - chẳng có thư từ gì cả.
- Thế anh mong Grigori về lắm à? - Miska lau mặt lau tay, nhìn vào mắt Prokho hỏi nhưng không cười.
Prokho thở dài, sửa lại bên tay rộng của chiếc áo sơ-mi.
- Tất nhiên rồi. Hai chúng tôi đã cùng ở với nhau suốt thời gian đi lính.
- Và còn định lại cùng đi với nhau nữa chứ?
- Đi đâu cơ?
- Đi lính chứ còn gì?
- Tôi và anh ấy sống đời lính đã quá đủ rồi.
- Thế mà tôi cứ tưởng anh đang nóng lòng chờ Grigori về để lại đi lính tiếp. - Miska nói thêm và vẫn không cười - Để lại chiến đấu chống Chính quyền Xô viết.
- Chà, Miska, anh chỉ nói lung tung, - Prokho giận dữ nói.
- Sao lại lung tung? Mọi tin đồn mà người ta đang rỉ tai nhau trong thôn tôi đều được nghe hết rồi.
- Chẳng nhẽ lôi cũng có nói chuyện ấy hay sao? Anh nghe được ở đâu thế?
- Không phải là anh, mà là những thằng cùng một giuộc như anh và Grigori nói, những thằng vẫn còn đang chờ "quân mình" ấy mà.
- Tôi thì không chờ cái "quân mình" ấy đâu, đối với tôi tất cả đều như nhau cả thôi.
- Cái ti tệ chính là ở chỗ anh cho rằng tất cả đều như nhau. Thôi chúng ta vào trong nhà đi, anh đừng có giận, tôi nói đùa đấy thôi.
Prokho miễn cưỡng đứng dậy, rời khỏi bực thềm, rồi sau khi bước qua ngưỡng cửa phòng ngoài hắn nói:
- Người anh em ạ, những câu nói đùa của anh không có gì vui tai lắm đâu. Các chuyện cũ thì nên quên nó đi. Về các chuyện cũ ấy tôi đã thanh toán xong xuôi tất cả rồi.
- Không phải tất cả các chuyện cũ đều có thể quên được đâu, - Miska vừa ngồi vào bàn vừa nói bằng một giọng lạnh lùng. - Mời anh ngồi vào cùng ăn tối với chúng tôi.
- Cám ơn. Tất nhiên không việc gì cũng có thể quên hết được. Như cánh tay mà tôi bị mất đây nầy. Nếu quên được nó đi thì cũng sướng đấy, nhưng nó nào có cho người ta quên nó, cứ bắt từng giây từng phút phải nhớ đến nó.
Dunhiaska bày thức ăn lên bàn, hỏi nhưng không nhìn chồng:
- Sao vậy, thế theo ý anh, người nào đã từng theo bọn Trắng thì suốt dời sẽ không được tha thứ về chuyện ấy hay sao?
- Nhưng em thì em nghĩ thế nào?
- Em nghĩ rằng, như người ta thường nói, kẻ nào nhớ thù cũ, kẻ ấy đui hai con mắt.
- Phải, có thể là Kinh Thánh có viết như thế, - Miska nói lạnh như tiền. - Nhưng theo ý anh, con người bao giờ cũng phải chịu trách nhiệm về những việc mà mình đã làm.
- Chính quyền không nói gì như thế cả. - Dunhiaska khẽ nói.
Vì đang có mặt người ngoài nên Dunhiaska không muốn lời qua tiếng lại với chồng, nhưng trong thâm tâm cô rất giận Miska vì cô cho rằng Miska đã đùa không đúng chỗ với Prokho và đã nói toạc móng heo cho thấy thái độ thù ghét anh mình.
- Với em thì chính quyền không nói gì cả, vì chính quyền chẳng có chuyện gì để nói với em, nhưng về các việc đi lính cho bọn Trắng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Xô viết.
- Như vậy thì cả tôi cũng phải chịu trách nhiệm hay sao? - Prokho hỏi gặng thêm.
- Cái phận của anh là phận con bò: ăn xong rồi lại về chuồng. Lính cần vụ thì trong chuyện nầy chãng ai hỏi tới đâu, nhưng Grigori về nhà thì sẽ phải hỏi. Chúng tôi sẽ hỏi Grigori về cuộc phiến loạn.
- Thế nào, chính anh sẽ hỏi phải không? - Dunhiaska trợn mắt, đặt cái bát to đựng sữa xuống bàn.
- Cả anh cũng sẽ hỏi. - Miska thản nhiên trả lời.
- Những chuyện nầy không phải là việc của anh… Không có anh cũng sẽ tìm ra đủ người để hỏi rồi. Trong khi tham gia Hồng quân anh ấy đã lấy công chuộc tội…
Giọng Đunhíasca run lên. Cô ngồi vào bàn, những ngón tay vuốt vuốt đường viền của chiếc tạp dề. Tựa như không nhận thấy vẻ xao xuyến của vợ. Miska vẫn nói tiếp với cái vẻ thản nhiên trước đó:
- Anh cũng muốn hỏi cho rõ. Còn cái chuyến được coi là chuộc tội hay không thì còn phải chờ xem… Còn phải nhìn cho rõ là công trạng đã lập được như thế nào, Grigori đã làm đổ máu anh em bên nầy không phải là ít. Còn phải đo xem đã làm đổ máu bên nào nhiều hơn…
Đây là chuyện xích mích đầu tiên kể từ ngày Miska bắt đầu chia sẻ cuộc sống với Dunhiaska. Không khí trong bếp chết lặng rất là khó chịu. Miska cứ lầm lì ăn sữa, chốc chốc lại đưa khăn tay lên chùi môi. Prokho vừa hút thuốc vừa nhìn Dunhiaska. Sau đó hắn chuyển sang nói về công việc làm ăn, và còn ngồi nán lại thêm nửa giờ. Trước lúc ra về hắn hỏi:
- Kirin Gromov về rồi đấy. Đã biết tin chưa?
- Chưa. Hắn ở đâu mò về thế?
- Ở bên bọn Đỏ về. Nó cũng đã ở Tập đoàn quân kỵ binh thứ nhất.
- Hắn đã di lính cho Mamontov phải không?
- Đúng thế đấy.
- Nó đã làm một thằng đánh đấm rất ngang tàng. - Miska cười nhạt.
- Làm gì có chuyện ấy! Nhưng về khoa ăn cướp thì nó là bậc nhất. Hai cái tay của nó làm việc ấy lẹn lắm.
- Thiên hạ kể rằng nó chém tù binh không chùn tay thì phải. Nó đã giết người chỉ vì một đôi bốt-tin của lính. Giết người chỉ để có đôi giày mà đi.
- Cũng có nghe nói như thế đấy, - Prokho xác nhận.
- Đối với một thằng như thế cũng nên tha thứ chứ? - Giọng Miska ngọt như mía lùi. - Thượng đế bảo chúng ta phải tha thứ cho kẻ thù, có phải thế không?
- Nhưng nói thế nào bây giờ… Anh định làm gì với nó mới được chứ?
- Hừ, tôi sẽ tóm lấy cổ nó… - Miska nheo mắt. - Tôi sẽ tóm cổ nó cho sau đó linh hồn nó sẽ được về chầu Chúa! Mà nó cũng không thể thoát khỏi cái số phận ấy đâu. Ở Vosenskaia đã có Uỷ ban Treka sông Đông rồi, Uỷ ban ấy sẽ tỏ thái độ âu yếm với nó.
Prokho mỉm cười nói:
- Kể cũng đúng thế thật: một thằng gù thì xuống mồ cũng chẳng rướn thẳng lưng lên được. Ở Hồng quân về nó đã mang theo nhiều của cướp bóc. Vợ nó kheo với vợ tôi rằng nó mang về cho mụ ấy chiếc áo bành tô của đàn bà, cơ man nào áo dài và đủ các thứ khác. Nó đã ở lữ đoàn Maxlak và từ đó về nhà. Đích thị nó đã đào ngũ, về rồi mà còn mang theo cả súng ống.
- Những vũ khí gì? - Miska tò mò hỏi.
- Vũ khí gì thì cũng dễ hiểu thôi: một khẩu carbin cưa bớt nòng, phải, một khẩu Nagan và còn những thứ gì nữa ấy.
- Nó đã lên Xô viết đăng ký chưa? Anh có biết không?
Prokho khoát tay, phá lên cười.
- Lồng dây thòng lọng cũng chẳng lôi được nó lên đấy đâu? Như tôi thấy thì nó sắp chuồn rồi đấy. Chỉ ngày một ngày hai là chuồn khỏi nhà thôi. Nhìn chung mọi mặt thì cái thằng Kirin ấy mới chỉ là đứa còn nghĩ đến chuyện đánh đấm, thế mà anh lại lo về tôi. Không đâu, người anh em ạ, tôi đã đánh đấm hết cái phần của tôi rồi, cái trò ấy tôi đã chán ngấy rồi.
Không mấy chốc Prokho đã ra về. Rồi chỉ một lát sau, Miska cũng ra sân. Dunhiaska cho hai đứa bé ăn xong, vừa sắp sửa lên giường nằm thì Miska bước vào. Hai tay anh cầm không biết cái gì bọc trong một bao tải.
- Ma dẫn lối, quỉ đưa đường anh đi đâu thế? - Dunhiaska hỏi bằng một giọng chẳng có gì là âu yếm.
- Đi mang của hồi môn của anh về đây. - Miska mỉm cười không chút ác ý.
Anh lấy ra khẩu súng trường gói rất cẩn thận, cái bao đạn căng phồng, khẩu súng ngắn và hai quả lựu đạn. Anh bày tất cả các thứ ấy lên chiếc ghế dài rồi đổ rất cẩn thận dầu tây vào một cái đĩa.
- Anh đem những thứ nầy ở đâu về thế? - Dunhiaska động đậy lông mày chỉ số vũ khí.
- Của anh đấy, mang từ mặt trận về.
- Thế vừa qua anh đã chôn ở đâu?
- Chôn đâu thì chôn, nhưng vẫn giữ được không suy suyển gì cả.
- Té ra anh giữ bí mật như thế đấy. Chẳng hé răng nửa lời. Đối với vợ mà anh cũng giấu à?
Miska làm bộ mặt vô tâm, mỉm cười và nói giọng rõ ràng muốn làm lành:
- Nhưng em cần biết cái chuyện ấy làm gì, em Dunhiaska yêu quí? Cái nầy đâu phải là việc của đàn bà? Thứ của cải nầy cứ để cho nó nằm đây, cô nàng ạ, có nó trong nhà không thừa đâu.
- Nhưng tại sao anh lại lôi nó vào trong nhà? Anh cũng đã trở thành một người biết luật pháp, cái gì anh cũng biết cơ mà… Thế làm việc nầy thì anh sẽ không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay sao?
Nét mặt Miska nghiêm hẳn lại, anh nói:
- Em đúng là một con ngốc. Khi thằng Kirin đem vũ khí về nhà thì đó là một việc có hại cho chính quyền Xô viết. Nhưng khi anh đem vũ khí về thì ngoài cái lợi cho chính quyền Xô viết sẽ chẳng có cái gì khác. Em đã hiểu chưa? Nếu vậy anh sẽ có thể phải chịu trách nhiệm với ai hử? Em nói lung tung có trời biết những gì, thôi nằm xuống, ngủ đi!
Anh đã rút ra một kết luận mà anh cho là duy nhất đúng đắn: nếu những thằng Trắng còn sống sót trở về có mang theo vũ khí thì anh phải tỉnh táo đề phòng. Anh lau chùi cẩn thận khẩu súng trường và khẩu Nagan rồi sáng hôm sau, trời vừa hửng anh đã đi bộ lên Vosenskaia.
Dunhiaska vừa xếp những thức ăn đường vào cái túi dết cho chồng vừa kêu lên bằng một giọng vừa tức lối vừa chua xót:
- Tất cả mọi việc anh đều giả ngô giả ngọng với em, chẳng nói năng gì cả? Ít nhất anh cũng bảo cho biết là đi có lâu không và đi việc gì chứ? Sống như thế nầy thì còn ra quỉ quái gì nữa? Sắp sửa đi rồi mà cạy răng chẳng nửa lời? Anh là chồng em hay là một kẻ ăn đậu ở ghẹ hử?
- Anh đi Vosenskaia, lên gặp một Uỷ ban, còn phải nói cho em biết thêm những gì nữa nào? Lúc nào anh về em sẽ biết rõ tất cả.
Miska đưa tay đỡ cái túi dết, ra sông Đông, leo lên cái thuyền rồi chèo nhanh sang bờ bên kia.
Ở Vosenskaia, sau khi khám sức khoẻ ở Uỷ ban y vụ, người bác sĩ nói vắn tắt cho Miska biết:
- Đồng chí thân mến ạ, đồng chí không có đủ điều kiện để phục vụ trong hàng ngũ Hồng quân đâu. Bệnh sốt rét đã phá hoại sức khoẻ của đồng chí quá nhiều. Phải chữa cho khỏi mới được nếu không sẽ phiền đấy. Những người như đồng chí Hồng quân không cần đến đâu!
- Thế thì cần đến những người như thế nào? Tôi đã phục vụ trong quân đội hai năm, bây giờ trở thành một người vô dụng rồi hay sao?
- Cần trước hết là những người khoẻ mạnh. Đồng chí cứ lấy lại sức khoẻ rồi quân đội sẽ cần đến. Đồng chí nhận lấy đơn thuốc rồi ra hiệu thuốc mà lĩnh ký ninh.
- À à à ra vậy, tôi hiểu tất cả rồi. - Miska mặc áo quân phục mà cứ như lồng cái cổ ngựa vào một con ngựa bất kham, mãi chẳng làm thế nào chui đầu ra khỏi cổ áo và ra đến ngoài phố anh mới cài xong khuy quần rồi đi thẳng tới Đảng bộ khu.
Miska trở về thôn Tatarsky với cái chức chủ tịch Uỷ ban quân sự cách mạng thôn. Anh vội vã hỏi han vợ vài câu rồi nói:
- Nào, bây giờ chúng ta sẽ xem?
- Anh đang nói về chuyện gì thế? - Dunhiaska ngạc nhiên hỏi.
- Vẫn cái chuyện ấy đấy.
- Chuyện gì cơ chứ?
- Người ta chỉ định anh làm chủ tịch. Em đã hiểu chưa?
Dunhiaska đau khổ vỗ tay đánh đét. Cô còn muốn nói thêm không biết những gì, song Miska không nghe vợ nói nữa. Anh ra trước gương, sửa lại dây da trên chiếc áo quân phục đã bạc màu rồi đi tới trụ sở Xô viết thôn.
Ngay từ mùa đông, lão già Mikheev đã là chủ tịch Uỷ ban cách mạng. Mắt thì thong manh, tai lại điếc, vì thế lão rất khổ vì các nhiệm vụ trao cho phải làm, và khi được Miska cho biết rằng anh đến để kế chân lão thì lão mừng rơn:
- Con chim ưng yêu quí của tôi ơi, đáy là công văn giấy tờ, đây là con triện của thôn, anh hãy vì Chúa cứu thế mà nhận lấy đi. - Lão nói với một vẻ sung sướng không có chút gì vờ vĩnh, làm dấu phép rồi xoa tay. - Lão đã gần tám chục tuổi trời, từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa từng làm việc quan bao giờ, thế mà nay đầu bạc răng long lại phải ra làm… Đây chính là công việc của những con người trẻ trai các anh chứ đâu có phải là phần của lão! Nhìn chẳng thấy mà nghe cũng chẳng rõ ràng gì cả… Đã đến lúc chỉ còn có thể ở nhà cầu Chúa mà người ta lại gọi ra làm chủ tịch…
Miska đọc lướt qua các chỉ thị và mệnh lệnh mà Uỷ ban cách mạng trấn gửi xuống rồi hỏi:
- Thư ký đâu?
- Gì hả?
- Chà mẹ khỉ, tôi hỏi thư ký đâu?
- Thư ký ấy à? Nó đi gieo đại mạch rồi. Thằng trời đánh ấy, mỗi tuần nó chỉ tạt vào đây một lần thôi. Có khi trên trấn gửi xuống những giấy tờ cần phải đọc, nhưng lùa chó đi lùng cũng chẳng thấy nó đâu. Vì thế có những công văn quan trọng nằm lì đấy, vài ngày liền chẳng có ai đọc. Mà lão thì ít chữ nghĩa quá, chao ôi, ít quá lắm! Hì hà hì hục mới ký được một chữ, mà đọc thì hoàn toàn không thể nào đọc được, quá lắm hà hơi đóng được cái dấu…
Miska giương cao hàng lông mày nhìn qua căn phòng đã bị lấy hết đồ đạc của ủỵ ban cách mạng, trong đó những vật trang trí duy nhất là vài tờ tranh áp phích cũ kỹ, đầy những vết chân ruồi.
Quá sung sướng vì được về vườn một cách bất ngờ như thế, lão già thậm chí định liều pha trò một câu; lão vừa trao cho Miska con dấu bọc trong một miếng giẻ vừa nói:
- Toàn bộ tài sản của thôn có thế nầy thôi, tiền thì chẳng có món nào cả, còn cái gậy ataman thì dưới chính quyền Xô viết không nên có nữa rồi. Nhưng anh muốn, tôi cũng có thể cho anh cái nạng cổ lỗ nầy. - Lão nói xong cười nhe cả hai hàng lợi mất hết răng và chìa cho Miska cái gậy bằng gỗ bạch lạp với chỗ tay cầm nhẵn thín.
Nhưng Miska không còn lòng dạ nào mà đùa. Anh dưa mắt nhìn lần nữa căn phòng xấu xí thảm hại của Uỷ ban cách mạng của mình, rồi cau mày thở dài nói:
- Bố già ạ, chúng ta hãy coi là tôi đã tiếp nhận xong công tác của bố. Bây giờ cút mẹ bố khỏi nơi nầy đi. - Nói xong anh đưa mắt ra cửa một cách đầy ý nghĩa.
Sau đó anh tới chỗ cái bàn ngồi một mình rất lâu, hai khuỷu tay dang rộng, hai hàm răng nghiến chặt, quai hàm dưới đưa ra phía trước. Lạy Chúa tôi, mình thật là một thằng chó đẻ, suốt thời gian qua cứ chúi mũi xuống đất, không ngẩng đầu lên mà cũng chẳng thật sự lắng nghe xem chung quanh đang có những chuyện gì xảy ra… Vẫn còn hết sức tức tối với chính mình cũng như với mọi điều xung quanh, Miska đứng dậy, rời khỏi cái bàn, sửa lại áo quân phục, rồi vừa nói vừa nhìn căn phòng trống huếch trống hoác, hai hàm răng vẫn nghiến chặt:
- Nầy các ông bạn thân mến, tôi sẽ cho các ông bạn được thấy Chính quyền Xô viết là như thế nào?
Anh lồng cái xích vào móc cửa, đóng chặt cửa và đi qua bãi thôn về nhà. Về đến gần nhà thờ thì gặp một thằng chưa thành niên, con nhà Obnhizov. Anh hất đầu chào nó một cách lấy lệ rồi lại đi thẳng, nhưng bỗng nhiên anh chợt nghĩ ra, bèn quay lại gọi nó:
- Nầy, Andriuska? Hượm một lát đã, cậu lại đây cái?
Thằng bé nhút nhát có cặp lông mày trắng phếch lặng lẽ bước lại gần anh. Miska chìa tay bắt tay nó như một người lớn rồi hỏi:
- Cậu đi đâu đấy? Sang bên kia sông à? Ư ừ, như thế tức là đichơi à? Đi có việc à? Bây giờ mình muốn hỏi cậu chuyện nầy nhé: hình như cậu đã tốt nghiệp trường cao đẳng tiểu học rồi thì phải? Tốt nghiệp rồi à? Thế thì tốt lắm. Thế cậu có biết làm các công việc bàn giấy không?
- Công việc bàn giấy gì cơ?
- Chà, cũng thường thôi. Ở đây có mọi thứ công văn đến, công văn đi, cậu có hiểu không?
- Nhưng đồng chí nói về chuyện gì thế, đồng chí Kosevoi?
- Chà, về những thứ giấy má thường thấy ấy mà. Cậu có biết những chuyện ấy không? Phải, thường có những công văn phải gửi đi mà cũng có những công việc linh tinh khác nữa. - Miska ngoáy ngoáy ngón tay không dứt khoát rồi không chờ trả lời, anh nói cương quyết - Nếu cậu chưa biết thì sau nầy học sẽ biết. Bây giờ tôi làm chủ tịch Uỷ ban cách mạng thôn, còn cậu là một thanh niên có chữ nghĩa thì tôi chỉ định làm thư ký. Cậu sẽ đến trụ sở của Uỷ ban cách mạng, coi giữ các công văn giấy tờ, còn để cả trên bàn, tôi sẽ về ngay. Cậu hiểu chưa?
- Đồng chí Kosevoi!
Miska khoát tay, nói một cách nóng nảy:
- Tôi sẽ nói chuyện với cậu sau, cậu hãy tới làm việc đi. - Nói xong anh từ từ đi những bước đều đều dọc theo đường phố.
Về đến nhà, anh mặc một chiếc quần đi ngựa mới, bỏ khẩu Nagan vào túi rồi ra trước gương sửa lại chiếc mũ cát-két và nói với vợ:
- Anh tạt qua đằng nầy có chút việc. Nếu có ai hỏi chủ tịch đi đâu thì em cứ bảo là sẽ về ngay.
Chức vụ chủ tịch cũng có những sự bắt buộc, gò bó của nó. Miska đi từ tốn và oai vệ. Dáng đi của anh khác ngày thường nhiều quá, làm cho có bà con trong thôn gặp anh phải đứng lại mỉm cười nhìn theo. Vừa trông thấy Miska, Prokho Zykov đã cung kính lùi ra sát hàng rào một cách hài hước và nói:
- Anh đang có việc gì đấy, Miska? Ngày thường mà cũng diện tất cả các đồ đẹp vào và đi cứ như duyệt binh ấy… Hay lại di dạm vợ lần nữa?
- Đại khái như thế đấy. - Miska mím môi một cách đầy ý nghĩa rồi trả lời.
Khi đến gần cổng nhà Gromov, anh không dừng bước mà vừa thọc tay vào túi lấy thuốc, vừa ngắm nghía rất cẩn thận cái sân trước rộng thênh thang, các căn nhà nhỏ đựng rải rác trong sân và những khung cửa sổ của nhà trên.
Mẹ của Kirin Gromov vừa bước trong phòng ngoài ra. Mụ ưỡn người khiêng khệ nệ một cái chậu đựng bí ngô băm nhỏ cho lợn ăn.
Miska chào mụ một cách lễ phép rồi đứng lại bên thềm.
- Kirin có nhà không thím?
- Có nhà, có nhà đấy, anh vào chơi. - Bà già vừa lánh sang bên vừa nói.
Miska bước vào căn phòng ngoài tối om, anh sờ tay tìm quả đấm cửa trong bóng tối nhá nhem.
Chính Kirin ra mở cửa phòng trong cho anh rồi lùi lại một bước. Hắn tươi cười, mặt mày nhẵn nhụi và có phần đã chuếnh choáng. Hắn nhìn loáng qua Miska, ánh mắt có ý thăm dò rồi nói rất thoải mái:
- Lại thêm một thầy quyền đây rồi? Anh vào đi, Miska, mời anh ngồi xuống đây, anh sẽ là khách của tôi! Ở đây chúng tôi đang nhậu nhẹt, cũng mới chút xíu thôi…
- Đón tiếp niềm nở mà lại có cả rượu ngon. - Miska vừa bắt tay chủ nhà vừa đưa mắt nhìn một lượt những người khách ngồi quanh bàn.
Rõ ràng là anh đã đến không đúng lúc. Một gã Cô-dắc vai rộng mà Miska không quen ngồi chàng hãng ở góc dành cho khách quý. Gã đưa nhanh mắt nhìn Kirin ra ý hỏi rồi đẩy cái cốc ra. Gã Arvatkin Semion có họ xa với Miska ngồi ở đầu bàn đàng kia. Vừa trông thấy Miska, gã cau mày đưa mắt ra chỗ khác.
Chủ nhà mời Miska ngồi vào bàn.
- Anh mời tôi cũng cám ơn, nhưng…
- Không, ngồi xuống đã nào, anh đừng làm tôi giận, anh hãy uống với chúng tôi.
Miska ngồi vào bàn. Anh tiếp lấy cốc rượu trong tay chủ nhà, gật đầu:
- Mừng anh đã về nhà, anh Kirin Ivanovich?
- Xin cám ơn. Còn anh thì anh ở quân đội về đã lâu chưa?
- Cũng lâu rồi. Đã kịp sắp xếp xong nơi ăn chốn ở.
- Nghe nói vừa sắp xếp xong xuôi nơi ăn chốn ở lại vừa cưới được vợ có phải không? Nhưng sao anh lại nề hà thế? Cạn chén đi nào?
- Tôi không muốn uống. Tôi đến tìm anh vì có việc.
- Thế thì không được đâu! Anh đừng có đùa? Hôm nay tôi không nói chuyện công việc. Hôm nay tôi chỉ nhậu nhẹt vui chơi với bạn bè thôi. Nếu anh đến vì công việc thì ngày mai hẵng đến.
Miska đứng dậy bước ra khỏi bàn ăn, thản nhiên mỉm cười nói:
- Việc cũng chẳng có gì đâu, nhưng không thể chờ đợi được. Thôi chúng ta hãy ra ngoài một phút.
Kirin vuốt hàng ria đen xoắn lại rất cẩn thận, nín lặng một lát rồi đứng dậy.
- Hay anh nói ngay đây có được không? Việc gì chúng ta lại gây trở ngại cho cuộc vui?
- Không, chúng ta ra ngoài đi. - Miska nói giọng rất tử lế nhưng vẫn cố nài cho kỳ được.
- Thì cậu cứ ra với hắn đi nào, có gì mà phải mặc cả mặc lẽ như thế? - Gã Cô-dắc vai rộng mà Miska không quen nói.
Kirin miễn cưỡng bước vào bếp. Hắn khẽ rỉ tai mụ vợ đang loay hoay bên cạnh bếp lò:
- Ra ngoài kia một lát đã, Katerina? - Rồi hắn vừa ngồi xuống chiếc ghế dài, vừa hỏi khô khan - Có việc gì thế nào?
- Anh về nhà mấy ngày rồi?
- Cái gì chứ?
- Tôi hỏi anh đã ở nhà mấy ngày rồi?
- Có lẽ đến hôm nay là ngày thứ lư.
- Thế đã đến Uỷ ban cách mạng chưa?
- Còn chưa đến.
- Thế anh có định lên hội đồng quân sự Vosenskaia không?
- Tại sao anh cứ truy hết chuyện nọ đến chuyện kia như thế? Anh đến có việc gì thì cứ nói ngay vào việc đi.
- Tôi đang nói về công việc đấy.
- Nếu thế thì cút mẹ anh đi! Anh là cái thớ gì mà tôi phải báo cáo với anh?
- Tôi là chủ tịch Uỷ ban cách mạng. Anh hãy đưa xem giấy tờ chứng nhận của đơn vị.
- À ra vâ-â-ậy! - Kirin kéo dài giọng nói rồi nhìn thẳng vào tròng con mắt của Miska bằng cặp mắt sắc ngọt đã hết say. Vô-ô-ốn dĩ là anh muốn như thế đấy!
- Đúng thế đấy. Cho xem giấy chứng nhận.
- Ngay hôm nay tôi sẽ tới Xô viết và sẽ mang lên.
- Cho xem ngay bây giờ?
- Không biết tôi đã cất nó vào chỗ nào rồi.
- Tìm đi.
- Không, tôi không tìm ngay bây giờ đâu. Thôi, anh về nhà đi, Miska, về đi để tránh chuyện ầm ĩ.
- Giữa tôi với anh thì chuyện ầm ĩ cũng chóng vánh thôi… - Miska thọc tay vào túi bên phải. - Mặc áo vào.
- Thôi đi, Miska! Tốt nhất là anh chớ có động vào tôi.
- Đi đi đã bảo kìa?
- Đi đâu?
Lên Uỷ ban cách mạng.
- Tôi thấy không muốn đi thế nào ấy… - Kirin tái mặt nhưng vẫn mỉm cười, nói giọng nhạo báng.
Miska nghiêng người sang trái, rút khẩu Nagan trong túi ra, lên cò:
- Anh có đi hay không hử? - Miska khẽ hỏi.
Kirin lặng lẽ bước vào nhà trong, nhưng Miska ngáng đường hắn, đưa mắt chỉ cái cửa thông ra phòng ngoài.
- Anh em ạ! - Kirin vờ làm vẻ thản nhiên nói to - Bây giờ thì đại loại như mình bị bắt rồi? Không có mình các cậu cứ uống hết vodka.
Cánh cửa phòng trong mở toang ra. Arvatkin đã bước qua ngưỡng cửa, nhưng hắn trông thấy khẩu Nagan chĩa vào mình, vội nhảy lui ra sau khung cửa.
- Đi! - Miska ra lệnh cho Kirin.
Kirin ngật ngưỡng bước ra cửa, thẫn thờ nắm lấy quả đấm cửa, nhưng bất thình lình hắn nhảy vọt qua phòng ngoài, đóng cánh cửa bên ngoài đánh rầm, và lao từ trên thềm xuống. Trong lúc hắn khôm người chạy qua sân ra vườn. Miska nã theo hắn hai phát súng nhưng đều không trúng. Anh vòng tay trái, tỳ nòng súng lên khuỷu tay, hai chân dạng rộng và nhắm cẩn thận. Sau phát thứ ba, hình như Kirin vấp chân một cái, nhưng hắn lại đứng thẳng dậy và nhẹ nhàng nhảy qua hàng rào. Miska chạy từ trên thềm xuống. Từ trong nhà có tiếng súng trường bắn đuổi theo anh, khô khan, ngắt quãng. Ngay trước mặt Miska, một phát đạn bắn tung đám đất sét trên bức tường quét vôi trắng của nhà kho và kêu đánh đẹt một cái, rắc những mảnh đá vụn xam xám xuống mặt đất.
Kirin chạy rất nhanh, rất nhẹ nhàng. Cái thân hình khom khom của hắn lướt loang loáng giữa những gốc táo xanh rờn nom như những túp lều. Miska nhảy vọt qua hàng rào rồi nằm lăn xuống. Anh nổ theo tên đang chạy hai phát nữa rồi quay mặt lại nhìn vào trong nhà. Cái cửa bên ngoài đã mở toang. Người mẹ của gã Kirin đứng trên thềm khum tay che mắt nhìn theo ra vườn. "Đáng là phải bắn nó ngay tại chỗ, không cần nói năng gì cả!" - ý nghĩ ấy cứ ám ảnh mãi trong đầu óc Miska. Anh còn nằm thêm vài phút dưới chân hàng rào, chốc chốc lại đưa mắt nhìn vào trong nhà, bàn tay cứ đưa đều đều như một cái máy để cọ những chỗ bùn bám bết trên đầu gối. Rồi anh đứng dậy, nặng nề leo qua hàng rào và chúc mũi khẩu Nagan xuống, đi về nhà.

Chú thích:
1 1824 - 1934. Một tên vô Chính phủ đứng đầu những bầy thổ phỉ kulak ở Ukraina ND

Nguồn: http://www.sahara.com.vn/