15/3/13

Sông Đông êm đềm (PVIII-C224-225)

Chương 224



Phần 8


Cuối mùa thu năm 1920, vì công tác thu thóc theo chế độ trưng thu lương thực làm thiếu kết quả cho nên đã thành lập những đội trưng thu lương thực và trong dân chúng Cô-dắc vùng sông Đông đã bắt đầu âm thầm nảy ra tư tưởng bất mãn. Trên các trấn vùng trên của Quân khu sông Đông, Sumilinskaia, Kazanskaia, Migulinskaia, Meskovskaia, Vosenskaia, Elanskaia, Slasevskaia và những trấn khác đã thấy xuất hiện những toán thổ phỉ vũ trang nhỏ. Đó là câu trả lời của giai cấp kulak và tầng lớp sung túc trong dân Cô-dắc trước việc tổ chức các đội trưng thu lương thực và việc Chính quyền Xô viết tăng cường các biện pháp thực hiện chính sách trưng thu lương thực.
Mỗi toán thổ phỉ có từ năm đến hai mươi tay súng. Phần lớn bọn chúng gồm những tên Cô-dắc vốn đã sống ở địa phương và trước kia đã từng tích cực tham gia Bạch vệ. Trong số bọn nầy có những tên đã hoạt động thanh tiễu trong hai năm. Một nghìn chín trăm mười tám, một nghìn chín trăm mười chín, những tên hạ sĩ quan, quản ách, chuẩn uý của Quân đội sông Đông cũ trốn tránh đợt động viên tháng Chín, những tên phiến loạn lừng danh về những thành tích chiến đấu và những vụ bắn giết tù binh Hồng quân trong cuộc bạo động năm ngoái ở khu Đông Thượng, tóm lại là những kẻ không thể nào đi cùng đường với Chính quyền Xô viết.
Trong các thôn, chúng tập kích vào các đội trưng thu lương thực, cướp lại các xe chở thóc lúa tới các trạm tập trung lương thực, giết các Đảng viên cộng sản và những người Cô-dắc ngoài Đảng trung thành với Chính quyền Xô viết.
Nhiệm vụ diệt trừ các toán thổ phỉ được trao cho tiểu đoàn vệ binh khu Đông Thượng đóng phân tán ở thị trấn Vosenskaia và thôn Batki. Song tất cả các biện pháp nhằm tiêu diệt các toán thổ phỉ trên vùng đất rộng lớn của khu đều chưa thu được kết quả. Trước hết vì dân chúng địa phương có thái độ đồng tình với các toán thổ phỉ nầy. Họ cung cấp cho chúng lương thực và tin tức về sự di động của các đơn vị Hồng quân, ngoài ra còn che giấu chúng khi chúng bị đuổi bắt. Và hai nữa là vì viên tiểu đoàn trưởng Kaparin, một thượng uý cũ trong quân đội Nga hoàng, Đảng viên Đảng xã hội cách mạng, không muốn tiêu diệt các lực lượng phản cách mạng mới nẩy nở trong thời gian gần đây ở vùng thượng lưu sông Đông và tìm mọi cách cản trở công việc. Chỉ năm thì mười hoạ, những khi bị bí thư ban chấp hành Đảng bộ khu thúc bách lắm, hắn mới tổ chức một cuộc xuất kích ngắn ngày rồi lại quay về thị trấn Vosenskaia, lấy cớ hắn không thể phân tán lực lượng và không thể mạo hiểm một cách vô nghĩa lý, để các cơ quan khu và các kho tàng ở Vosenskaia không được bảo vệ chu đáo. Tuy có chừng bốn trăm tay súng và mười bốn khẩu súng máy, song tiểu đoàn nầy chỉ làm công tác doanh trại: các chiến sĩ Hồng quân canh gác những kẻ bị bắt, chở nước, chặt cây trong rừng, và coi như làm nghĩa vụ lao động, họ lấy những hạt phỉ tử và lá sồi làm mực viết. Tiểu đoàn cung cấp có kết quả củi đun và mực viết cho vô số những cơ quan và bàn giấy của khu, nhưng trong khi đó con số các toán thổ phỉ nhỏ trong khu lại tăng một cách đáng sợ. Và mãi đến tháng Chạp, khi đã bắt đầu nổ ra cuộc nổi loạn lớn trong địa hạt huyện Bogutra thuộc tỉnh Voronezskaia, ngay sát cạnh khu Đông Thượng, tiểu đoàn mới miễn cưỡng ngừng các công việc lấy gỗ và các thứ làm mực. Theo lệnh của tư lệnh bộ đội Quân khu sông Đông, tiểu đoàn nầy với biên chế gồm ba đại đội bộ binh và một trung đoàn súng máy, đã cùng với đại đội kỵ binh cảnh vệ, tiểu đoàn một của trung đoàn trưng thu lương thực số 12 và hai đội đánh chặn nhỏ được phái đi trấn áp cuộc phiến loạn.
Trong trận chiến đấu ở lối vào thôn Xukhoi Dones, đại đội kỵ binh trấn Vosenskaia dưới quyền chỉ huy của Yakov Fomin đã xung phong vào sườn các đội hình chiến đấu của quân phiến loạn, đánh tan chúng, bắt chúng phải tháo chạy và trong khi truy kích đã chém chết gần một trăm bảy mươi tên, còn đại đội thì chỉ mất ba chiến sĩ.
Trừ một số rất ít, hầu hết các chiến sĩ trong đại đội kỵ binh là dân Cô-dắc các trấn vùng thượng lưu sông Đông. Ngay ở đây họ cũng chưa bỏ được các truyền thống Cô-dắc cổ xưa: sau trận chiến đấu, tuy hai Đảng viên cộng sản trong đại đội phản đối, song hầu như một nửa số chiến sĩ đã cởi bỏ những chiếc áo ca-pốt và áo bông cũ để mặc những chiếc áo da thuộc ngắn còn tốt lột trên xác những tên phiến loạn bị chém chết.
Vài ngày sau trấn áp cuộc bạo động, đại đội kỵ binh bị gọi về thị trấn Kazanskaia. Trong những ngày nghỉ ngơi sau cuộc chiến đấu gian khổ, Fomin đã chơi bời thoả thích ở Kazanskaia. Là một tên chơi gái đã thành tật, một thằng phóng đãng vui tính và thích giao du, hắn thường bỏ đi mất hút suốt đêm và mãi đến khi trời sắp rạng mới mò về chỗ hắn ở. Vốn được Fomin đối xử suồng sã, các chiến sĩ tối tối thấy người chỉ huy của họ lượn phố với đôi ủng bóng lộn, thường nháy mắt với nhau ra vẻ thông cảm và nói:
- Chà, con ngựa giống của chúng ta lại đang đi kiếm bọn vợ lính vắng chồng đấy? Bây giờ thì đến sáng mới thấy mặt cho mà xem.
Hễ được tin có rượu và có dịp nhậu nhẹt là Fomin lại giấu chính uỷ và chỉ đạo viên chính trị của đại đội kỵ binh để láng cháng tới nhà những tên Cô-dắc quen biết trong đại đội. Những chuyện như thế xảy ra không phải là ít. Nhưng chẳng bao lâu anh chàng chỉ huy ngang tàng ấy đã trở nên buồn rầu, mặt mũi âm thầm và hầu như hoàn toàn quên hết các thú vui chơi gần đây. Chiều chiều hắn không còn đánh bóng đôi ủng cao ống rất diện một cách kỹ càng như xưa nữa. Hắn thôi không cạo râu hàng ngày, ngoài ra cũng ít lui tới chỗ của những gã cùng thôn trong đại đội, thảng hoặc có tạt tới ngồi uống vài cốc rượu hắn cũng rất ít nói trong khi trò chuyện.
Sự thay đổi trong lính tình của Fomin ăn khớp với cái tin mà người chỉ huy chi đội Vosenskaia vừa nhận được: phòng chính trị của Uỷ ban Treka sông Đông đã báo một tin vắn tắt là tại Mikhailovka thuộc khu Ust-Medvedisky ngay cạnh đấy, tiểu đoàn cảnh vệ do tên tiểu đoàn trưởng Vaculin cầm đầu đã nổi loạn.
Vaculin vốn là đồng đội và bạn thân của Fomin. Xưa kia Fomin đã từng cùng với hắn phục vụ trong quân đoàn Mironov, cùng với hắn tiến từ Xaransk tới vùng sông Đông, và cả hai đã cùng hạ khí giới đầu hàng kỵ binh của Budionnyi bao vây quân đoàn phiến loạn của Mironov. Quan hệ bạn bè giữa Fomin và Vaculin vẫn còn kéo dài cho tới thời gian gần đây. Mới đây thôi, trong những ngày đầu tháng Chín, Vaculin đã tới Vosenskaia và ngay hồi đó hắn đã nghiến răng than phiền với người bạn cũ của hắn rằng "cái lối hoành hành ngang ngược của các chính uỷ đã đưa người dân cày tới chỗ phá sản với chính sách trưng thu lương thực và sẽ đưa nước nhà tới chỗ diệl vong". Trong thâm tâm Fomin cũng tán thành những lời Vaculin nói ra, song hắn vẫn giữ thái độ dè dặt do cái tính khôn vặt thường bù đỡ cho cái đầu óc vốn dĩ đã thiếu thông minh từ khi bố mẹ đẻ ra. Nói chung hắn là một người thận trọng, không bao giờ vội vã, cũng không bao giờ đồng ý hay từ chối điều gì ngay. Nhưng chẳng bao lâu, sau khi được biết về cuộc nổi loạn của tiểu đoàn Vaculin, cái tính thận trọng cố cựu của hắn đã thay đổi. Một buổi tối trước khi đại đội kỵ binh lên đường đi Vosenskaia, một số tên trong đại đội đã đến tụ tập tại nhà của tên trung đội trưởng Anferov. Rượu nặng được đưa ra đầy ắp trong một cái thùng thường đựng nước cho con ngựa. Những tên ngồi quanh chiếc bàn chuyện trò sôi nổi. Có mặt trong cuộc nhậu nhẹt, Fomin cứ lặng thinh lắng nghe những tên khác nói và cũng lặng thinh múc rượu trong thùng. Nhưng khi một tên trong đám chiến sĩ nhắc lại cuộc xung phong ở gần Xukhoi - Dones thì Fomin trầm ngâm xoắn xoắn đầu ria của hắn, ngắt lời tên kể chuyện:
- Anh em ạ, chúng mình xả cái bọn khô-khon kể ra cũng cừ đấy, nhưng rồi chẳng bao lâu nữa chính chúng mình cũng sẽ phải chịu khổ thôi… Chúng mình về đến Vosenskaia thấy gia đình của chúng mình ở đấy bị các đội trưng thu lương thực vơ vét hết thóc lúa thì sẽ như thế nào hử? Dân Kazan đang căm các đội trưng thu lương thực ấy lắm đấy. Chúng nó vét sạch sành sanh các vựa thóc, lại còn dùng chổi quét cho hết.
Căn phòng lặng đi. Fomin nhìn một lượt những tên trong đại đội của hắn rồi nói thêm với nụ cười gượng gạo:
- Chuyện ấy mình nói đùa đấy thôi… Nhưng cẩn thận đấy, chớ có bép xép, không khéo một câu đùa lại bị xé to ra không biết đến thế nào.
Trên đường về Vosenskaia, Fomin có một nửa trung đội Hồng quân đi kèm, tạt về nhà hắn ở thôn Rubezenyi. Về tới thôn, hắn không cưỡi ngựa vào sân nhà hắn, mà xuống ngựa bên cạnh cổng, ném dây cương cho một chiến sĩ Hồng quân rồi bước vào nhà.
Hắn gật đầu chào vợ một cách lạnh nhạt rồi cúi đầu rất thấp chào cụ già mẹ hắn, kính cẩn hôn tay mẹ và ôm hôn thằng con nhỏ.
- Nhưng cha đâu rồi? - Hắn ngồi xuống chiếc ghế đẩu rồi vừa hỏi vừa đặt thanh gươm vào giữa hai đầu gối.
- Ông ấy ra nhà máy xay rồi. - Mụ già nhìn thằng con, trả lời và ra lệnh nghiêm khắc - Bỏ ngay mũ ra, cái thằng phản Chúa nầy? Ai lại đội mũ mà ngồi ngay dưới các hình thánh như thế hử? Chao ôi, Yakov ạ, rồi mày cũng không giữ được cái đầu đâu…
Fomin mỉm cười một cách miễn cưỡng, bỏ chiếc mũ lông Kuban xuống, nhưng không cởi áo ngoài.
- Sao mày không cởi áo ngoài ra hử?
- Con chỉ tạt vào thăm cả nhà một phút thôi, vì công việc nhà binh nên chẳng còn có được lức nào nữa.
- Chúng tao biết chán cái công việc nhà binh của mày rồi… - Mụ già nói bằng một giọng nghiêm khắc để ám chỉ cuộc sống phóng đãng của thằng con cùng những sự tằng tịu của hắn với những ả ở Vosenskaia.
Lời ong tiếng ve về các chuyện ấy đã bay về thôn Rubezenyi từ lâu. Mụ vợ của Fomin sợ hãi đưa mắt nhìn mẹ chồng rồi bỏ ra chỗ bếp lò. Già trước tuổi, mặt mày nhợt nhạt, nom mụ cứ như gà phải cáo. Mụ muốn có cái gì để làm chồng vừa ý, lấy lòng chồng và được hưởng dù chỉ một cái nhìn âu yếm, bèn moi một miếng giẻ trong cái ổ bên dưới cửa bếp lò, rồi quì xuống khom lưng cọ những mảng bùn đặc sệt bám trên đội ủng của Fomin.
- Anh có đôi ủng tốt quá, anh Yakov ạ. Anh đi bẩn bẩn là… Em sẽ đánh ngay, đánh thật sạch cho anh? - Mụ lẩm bẩm gần như không thành tiếng, và cứ cắm đầu lê gối dưới chân chồng.
Từ lâu hắn không còn ăn nằm với mụ nữa và từ lâu với người đàn bà mà hắn đã từng yêu hồi trai trẻ, hắn không còn có một tình cảm nào khác ngoài một sự thương thương khinh khinh. Nhưng mụ thì bao giờ cũng vẫn yêu hắn, vẫn thầm hy vọng rằng một ngày nào đó hắn sẽ quay về với mình, nên đã tha thứ cho hắn hết thảy. Đã bao năm ròng mụ chăm lo công việc làm ăn trong nhà, nuôi dạy con cái, cố tìm mọi cách làm vừa lòng mụ mẹ chồng tính tình cổ quái. Bao nhiêu gánh nặn của công việc làm đồng áng đều đổ cả lên đôi vai gầy của mụ. Những công việc lao động không sao đảm đương nổi cùng bệnh tật mà mụ mang vào thân sau khi sinh đứa con thứ hai, đã mỗi năm làm cho sức khoẻ của mụ hao mòn thêm. Người mụ gầy rộc, mặt cắt không còn hột máu. Cái già sồng sộc đến trước tuổi đã phủ lên cặp má mụ những vết nhăn nhằng nhịt như mạng nhện.
Trong hai con mắt mụ thấy hiện rõ một vẻ vâng chịu và khiếp hãi thường thấy ở những con vật thông minh trong khi ốm yếu. Nhưng bản thân mụ không nhận thấy rằng mình già đi nhanh như thế nào và sức khoẻ của mình đã mỗi ngày một suy sụp như thế nào, vì thế mụ vẫn còn đặt hy vọng vào một điều may mắn nào đó, và trong những buổi gặp mặt hiếm hoi, mụ cứ ngắm thằng chồng đẹp trai bằng cặp mắt âu yếm sợ sệt đầy thán phục.
Fomin nhìn từ bên trên xuống cái lưng gập lại một cách thảm hại của vợ, hắn nhìn hai cái xương bả vai gầy gò hằn lên rất rõ dưới làn áo, nhìn hai bàn tay to bè bè, run run ra sức cọ bùn trên đôi ủng của mình, và nghĩ thầm: "Nom mĩ miều nhỉ, thật chẳng có gì đáng nói nữa? Thế mà trước kia có lúc mình đã ngủ với của dịch tả dịch hạch nầy… Nhưng sao nó già đi nhiều như thế… Già đến thế nầy rồi cơ ài"
- Thôi đừng chùi nữa! Dù sao đi cũng sẽ bẩn thôi! - Hắn vừa nói giọng bực bội, vừa rút chân ra khỏi hai bàn tay vợ.
Mụ phải cố gắng lắm mới rướn được lưng dậy. Một ánh hồng hồng hơi ửng lên trên cặp má vàng ệch. Hai con mắt ươn ướt mà mụ ngước nhìn chồng tràn ngập cả một niềm yêu thương, cả một lòng trung thành như của một con chó, làm hắn phải quay mặt đi. Hắn hỏi mẹ:
- Thế nhà ta sống ở đây như thế nào hả mẹ?
- Vẫn thế thôi. - Mụ già cau có trả lời.
Đội trưng thu lương thực đã đến thôn ta chưa?
- Mãi hôm qua chúng nó mới bỏ đi Hạ Kripskoi.
- Chúng nó có lấy đi thóc của nhà ta không?
- Có lấy chúng nó xúc đi bao nhiêu hả, Davyduska?
Davyduska là thằng bé mười bốn tuổi giống bố như lột với hai con mắt màu xanh lơ rất xa tinh mũi. Nó trả lời:
- Ông có đứng đấy trong khi họ lấy, ông biết đấy. Hình như mười túi thì phải.
- À-à à ra vậy? - Fomin đứng dậy, đưa nhanh mắt nhìn thằng con rồi sửa lại đoạn dây đeo súng. Mặt hắn hơi tái đi khi hắn hỏi - Ở nhà có bảo cho chúng biết rằng chúng nó lấy thóc của ai không?
Mụ già khoát tay mỉm cười, nụ cười không khỏi có một vẻ khoái trá đầy ác ý:
- Về mày chúng nó cũng chẳng biết gì lắm đâu? Thằng chỉ huy của chúng nó bảo: "Bất luận là ai có thóc lúa thừa cũng đều phải nộp hết. Dù là Fomin hay là chính chủ tịch khu đi nữa, chúng tôi cũng thu số thóc thừa!". Thế là chúng nó bắt đầu sục vào các hòm thóc ngay.
- Mẹ ạ, con sẽ tính sổ với chúng nó. Con sẽ tính sổ với chúng nó? - Fomin nói âm thầm rồi vội vã từ biệt gia đình để lên đường.
Sau chuyến về thăm nhà hắn bắt đầu thăm dò rất thận trọng tình hình tư tưởng các chiến sĩ trong đại đội kỵ binh của hắn, và không cần vất vả lắm hắn cũng có thể xác định được rằng phần lớn họ đang bất mãn với chính sách trưng thu lương thực. Vợ con, họ hàng thân thuộc xa gần, đến thăm họ từ các thôn các trấn, đem đến những câu chuyện về tình hình các đội viên trưng thu lương thực khám xét, lấy đi hết thóc lúa, chỉ để lại cho đủ gieo hạt và ăn dùng. Tất cả các chuyện ấy đã dẫn tới tình trạng là cuối tháng Giêng, trong một cuộc họp toàn doanh trại ở thôn Batki, binh lính trong đại đội kỵ binh đã công khai tỏ rõ thái độ giữa lúc ấy uỷ viên quân sự khu Sakhaev nói chuyện. Chúng kêu nhao nhao từ trong các hàng:
- Giải tán các đội trưng thu lương thực đi!
- Đã đến lúc phải chấm dứt cái lối vơ vét thóc lúa rồi!
- Đả đảo chính uỷ các đội trưng thu lương thực?
Để trả lời bọn chúng, các chiến sĩ Hồng quân thuộc đại đội cảnh vệ quát lên:
- Lũ phản cách mạng!
- Giải tán những thằng chó đẻ nầy đi!
Cuộc họp kéo dài và diễn ra rất sôi nổi. Một người trong số vài Đảng viên cộng sản lèo tèo trong doanh trại nói với Fomin giọng xúc động:
- Đồng chí phải phát biểu đi mới được, đồng chí Fomin! Đồng chí xem, các chiến sĩ trong đại đội đồng chí đang diễn ra những tiết mục gì thế?
Một nụ cười chỉ hơi thoáng hiện sau hàng ria Fomin.
- Nhưng tôi lại là một anh chàng ngoài Đảng, chúng nó nghe gì tôi đâu?
Rồi hắn lại tiếp tục ngậm tăm và trước khi cuộc họp kết thúc rất lâu, hắn đã cùng tên tiểu đoàn trưởng Kaparin bỏ ra ngoài. Trên đường đi Vosenskaia, hai tên đã bàn bạc với nhau về tình hình trước mắt và chẳng mấy chốc đã ăn giọng. Một tuần sau, tên Kaparin tới chỗ Fomin ở, nhìn thẳng vào mắt hắn và nói:
- Một là chúng ta phải lập tức bạo động ngay, hai là sẽ không bao giờ còn có thể bạo động được nữa. Anh Yakov Efilmovich, anh phải thấy rõ như thế mới được? Phải nắm vững thời cơ trong lúc nầy. Hoàn cảnh hiện nay đang rất thuận lợi. Bọn Cô-dắc đang ủng hộ chúng ta. Anh có uy tín rất lớn trong khu. Tinh thần dân chúng lại tốt không thể tưởng tượng được. Tại sao anh cứ nín thinh như thế? Anh quyết định ngay đi!
- Việc nầy thì có gì mà quyết định với không quyết định? - Fomin thủng thẳng nói tách bạch từng tiếng, hai con mắt cứ nhìn gườm gườm. - Vấn đề ở đây được giải quyết xong xuôi rồi. - Chúng ta chỉ còn phải vạch ra một kế hoạch, thế nào cho mọi mặt đều không vấp váp gì cả, sao cho khỏi bị con muỗi nó đốt vào mũi là được. Chúng mình hãy bàn nhau về vấn đề nầy đi.
Sự đi lại chơi bời rất đáng nghi giữa Fomin và Kaparin không khỏi bị chú ý. Vài đảng viên cộng sản trong tiểu đoàn đã bố trí theo dõi hai tên và đem những điều mình nghi ngờ lên báo cáo với trưởng phòng chính trị của Uỷ ban Treka sông Đông Archemev và uỷ viên quân sự Sakhaev, Archemev vừa cười vừa nói:
- Các cậu đúng là chim bị tên sợ cành cây cong1 Thằng Kaparin nầy vốn là một đứa nhát như cáy, chẳng nhẽ nó lại dám quyết định gây chuyện gì hay sao? Riêng thằng Fomin thì chúng ta phải để ý mới được. Từ lâu nó đã có những điều đáng nghi ngờ, nhưng ngay đến thằng Fomin cũng chưa chắc dám liều mạng làm bừa đâu. Tất cả các chuyện ấy chỉ là lo vớ lo vẩn. - Anh ta kiên quyết kết luận như vậy.
Nhưng bây giờ mà theo dõi thì đã muộn: hai kẻ âm mưu đã kịp bàn định xong xuôi. Chúng đã quyết định phát động cuộc phiến loạn ngày mười hai tháng Ba lúc tám giờ sáng. Chúng ước hẹn với nhau rằng hôm ấy Fomin sẽ đưa đại đội kỵ binh đi tập ngựa buổi sáng, mang theo tất cả đồ trang bị, rồi bất thình lình tấn công trung đội súng máy đóng ở ngoại ô thị trấn, chiếm các khẩu súng máy và khi mọi việc xong xuôi sẽ góp sức với đại đội cảnh vệ "làm vệ sinh" các cơ quan thuộc khu.
Kaparin vẫn còn nghi ngờ một điều là không biết tiểu đoàn có hoàn toàn ủng hộ hắn không. Một lần hắn nói cho Fomin biết những giả thiết của hắn. Fomin chăm chú nghe rồi nói:
- Chỉ cần chiếm cho kỳ được các khẩu súng máy, sau đó chúng tôi sẽ làm cho tiểu đoàn của anh không còn ho he gì nữa…
Việc theo dõi Fomin và Kaparin được bố trí rất cẩn thận nhưng không đem lại kết quả gì. Hai tên gặp nhau rất ít và cũng chỉ trong những trường hợp có công tác. Mãi đến cuối tháng Hai mới có lần đội tuần tra bắt gặp hai tên đi đêm với nhau ngoài phố. Fomin dắt con ngựa yên cương sẵn sàng. Kaparin đi bên cạnh. Nghe thấy tiếng hô, Kaparin trả lời: "Người mình đây?" Hai tên cùng vào chỗ Kaparin ở. Fomin buộc ngựa vào dãy lan can bên thềm nhà. Chúng không thắp đèn trong phòng. Đến bốn giờ sáng Fomin bước ra, lên ngựa về nhà. Đó là tất cả những điều xác định được uỷ viên quân sự khu Sakhaev gửi lên tư lệnh quân đội Quân khu sông Đông một bức điện mật mã báo cáo những điều mình nghi ngờ đối với Fomin và Kaparin. Vài ngày sau nhận được điện trả lời của tư lệnh, duyệt y việc cách chức và bắt giữ Fomin và Kaparin.
Hội nghị của ban chấp hành Đảng bộ khu thông qua quyết nghị: báo cho Fomin biết mệnh lệnh của Uỷ ban quân sự khu điều hắn lên Novocherkask chịu sự điều động của lư lệnh quân đội, và bảo hắn trao quyền chỉ huy đại đội kỵ binh cho đại đội phó của hắn là Obchinhikov; cũng ngay hôm ấy đại đội kỵ binh được điều đi Kazanskaia với cớ đó những toán thổ phỉ xuất hiện ở đấy và sau đó, đến đêm sẽ bắt giữ những tên âm mưu. Cũng đã quyết định điều hai đại đội kỵ binh ra ngoài trấn vì lo đại đội nầy sẽ nổi loạn khi được tin Fomin bị bắt. Đại đội trưởng đại đội hai của tiểu đoàn cảnh vệ là Đảng viên cộng sản Tokachenko được trao nhiệm vụ báo cho các Đảng viên và các trung đội trưởng biết về khả năng xảy ra bạo động và chuẩn bị cho đại đội của anh cùng trung đội súng máy hiện đang có mặt trong thị trấn sẵn sàng chiến đấu.
Sáng hôm sau Fomin nhận được mệnh lệnh.
- Chà, cũng chẳng sao, cậu hãy nhận lấy đại đội, Obchinhikov ạ.
- Mình sẽ đi Novocherkask - Hắn nói rất thản nhiên. - Cậu sẽ xem các giấy tờ sổ sách chứ?
Đại đội phó Obchinhikov là một cán bộ ngoài Đảng. Anh ta không được ai cho biết trước và cũng chẳng nghi ngờ gì cả, vì cứ thế chúi đầu vào các sổ sách giấy tờ.
Chờ lúc thuận lợi Fomin viết cho Kaparin một mẩu giấy: "Hành động ngay hôm nay. Tôi bị cách chức. Hãy sẵn sàng". Hắn ra phòng ngoài, trao mẩu giấy cho gã cần vụ của hắn và nói rất khẽ:
- Giấu tờ giấy ấy vào miệng. Cho ngựa đi bước một. Hiểu chưa? Cho ngựa đi bước một đến chỗ Kaparin. Nếu đang đi mà bị đứa nào giữ lại thì nuốt ngay mẩu giấy đi. Trao xong tờ giấy cho hắn thì quay ngay về đây.
Sau khi nhận được mệnh lệnh lên đường tới thị trấn Kazanskaia, Obchinhikov cho đại đội kỵ binh tập hợp trên quảng trường nhà thờ để sửa soạn ra đi. Fomin cho con ngựa của hắn liến tới trước mặt Obchinhikov.
- Cậu cho phép mình nói vài câu từ biệt đại đội.
- Xin mời anh, nhưng ngăn ngắn thôi nhé, đừng bắt chúng tôi chờ quá lâu đấy Fomin ra trước đại đội, hắn giữ con ngựa luôn luôn nhảy cỡn, nói với các chiến sĩ:
- Các đồng chí, các đồng chí đã biết rõ tôi. Các đồng chí biết rằng bao giờ tôi cũng đã chiến đấu vì mục đích gì. Bao giờ tôi cũng đã đứng bên cạnh các đồng chí. Nhưng bây giờ không thể nhẫn nhục được nữa, vì họ đang cướp bóc người Cô-dắc, đang cướp bóc dân cày nói chung. Chính vì thế mà tôi bị cách chức. Còn như họ sẽ làm gì thì tôi chưa biết. Vì thế tôi muốn nói vài lời từ biệt các đồng chí…
Trong giây lát, những tiếng huyên náo, la hét trong đại đội làm ngắt lời phát biểu của Fomin. Hắn rướn người trên bàn đạp, nói giật giọng:
- Nếu anh em muốn thoát khỏi cái cảnh bị cướp bóc thì hãy tống cổ các đội trưng thu lương thực ra khỏi vùng nầy, hãy giết những thằng uỷ viên trưng thu lương thực như Murzov, và những thằng chính uỷ như Sakhaev! Chúng nó đã đến vùng sông Đông chúng ta.
Những tiếng ồn ào át cả mấy lời cuối cùng của Fomin. Hắn chờ đến lúc thật thuận lợi rồi ra lệnh oang oang:
- Thành hàng ba từ bên phải, rẽ sang phải… tiến!
Đại đội kỵ binh ngoan ngoãn chấp hành khẩu lệnh. Choáng váng trước tất cả những việc vừa xảy ra, Obchinhikov cho ngựa phi tới gần Fomin:
- Đồng chí đi đâu đấy, đồng chí Fomin?
Tên kia không quay đầu lại, trả lời giễu cợt:
- Bọn mình đi dạo quanh nhà thờ một vòng…
Mãi đến lúc nầy ý thức của Obchinhikov mới nắm được toàn bộ những việc vừa xảy ra trong vài phút ngắn ngủi. Anh ta bèn cho con ngựa tách rời khỏi đội hình hàng dọc của đại đội. Đi theo anh ta chỉ có chỉ đạo viên chính trị, phó chỉ đạo viên chính trị và độc một chiến sĩ Hồng quân. Khi mấy người đã cưỡi ngựa đi khỏi được chừng hai trăm mét, Fomin mới nhận thấy rằng họ vắng mặt. Hắn bèn quay ngựa lại, quát to:
- Obchinhikov, đứng lại!
Bốn người cho ngựa chuyển từ nước kiệu nhẹ sang nước kiệu đại. Dưới những vó ngựa, từng đám tuyết đang bắn vung ra bốn phía.
Fomin ra lệnh:
- Súng sẵn sàng chiến đấu? Bắt lấy Obchinhikov? Trung đội một! Đuổi theo!
Những phát súng nổ lên một hồi. Chừng mười sáu tên thuộc trung đội một cho ngựa xông lên đuổi theo. Trong khi đó Fomin phân những tên còn lại trong đại đội làm hai nhóm: một nhóm do tên trung đội trưởng trung đội ba chỉ huy được phái đi tước vũ khí trung đội súng máy, còn nhóm thứ hai thì hắn đích thân chỉ huy tiến tới chỗ đóng quân của đại đội cảnh vệ ở đầu phía bắc thị trấn, trong các chuồng ngựa giống cũ của trấn.
Nhóm thứ nhất xả súng lên trời và vung gươm loạn xạ, thúc ngựa phi dọc theo đường phố chính. Bọn phiến loạn chém chết bốn Đảng viên cộng sản mà chúng gặp trên đường, xông ra ngoài lề thị trấn rồi vội vã dàn thành đội hình và không hò hét gì cả, lặng lẽ xung phong vào các chiến sĩ Hồng quân thuộc trung đội súng máy vừa chạy ra khỏi nhà.
Trung đội súng máy đóng trong một ngôi nhà xây tách rời hẳn ra. Khoảng cách ngôi nhà nầy và các ngôi nhà gần nhất trong thị trấn không quá một trăm xa-gien. Gặp phải hoả lực súng máy bắn thẳng từ trước mặt, bọn phiến loạn cho ngựa quay ngoặt trở lại. Trong bọn có ba tên chưa kịp phi tới cái ngõ gần nhất đã trúng đạn ngã lăn từ trên ngựa xuống. Thế là không thể tóm cổ các chiến sĩ súng máy bằng một đòn bất ngờ được rồi. Bọn phiến loạn cũng không thử tổ chức một đợt xung phong thứ hai nữa. Tên Trumakov trung đội trưởng trung đội ba cho nhóm của hắn vào một nơi kín đáo rồi không xuống ngựa, hắn nhìn ra rất cẩn thận từ sau một căn nhà kho bằng đá và nói:
- Chà chúng nó lại kéo thêm hai khẩu "Maxim" nữa. - Nói xong hắn đưa mũ lông lên cái trán đẫm mồ hôi và quay lại nói với bọn lính - Quay trở lại đi thôi, anh em? Cứ mặc cho Fomin đến mà tóm cổ bọn súng máy. Chúng mình có mấy cậu nằm lại trên tuyết rồi, ba à? Hừ, cứ mặc cho chính hắn thử nếm mùi xem sao?
Ở đầu phía đông thị trấn vừa bắt đầu có tiếng súng nổ, đại đội trưởng Tokachenko đã nhảy ra khỏi chỗ anh ở. Anh vừa đi vừa mặc chiếc áo ngoài và chạy nhanh vào doanh trại. Chừng ba chục chiến sĩ Hồng quân đã có mặt ở gần doanh trại và đã xếp thành hàng dài.
Họ đón đại đội trưởng bằng những câu hỏi đầy thắc mắc:
- Ai bắn thế?
- Có chuyện gì thế?
Tokachenko không trả lời, cứ nín lặng đứng vào hàng cùng với các chiến sĩ Hồng quân đã chạy trong trại ra. Gần như cùng lúc đó, một số Đảng viên là cán bộ của những cơ quan quanh khu cũng chạy tới doanh trại và đứng vào trong hàng.
Vài phát súng trường vang lên đì đẹt trong thị trấn. Tại một chỗ nào đó ở vùng ven phía tây thị trấn có một tiếng lựu đạn ném tay nó rất to. Tokachenko trông thấy chừng năm chục người cưỡi ngựa phi về hướng doanh trại với những thanh gươm tuốt trần bèn từ từ rút khẩu Nagan khỏi bao súng. Anh chưa kịp ra lệnh thì những tiếng nói chuyện trong hàng đã lập tức im bặt và các chiến sĩ Hồng quân đã cầm những cây súng trường trong tư thế sẵn sàng.
- Nhưng quân ta đấy mà! Nhìn mà xem, đồng chí tiểu đoàn trưởng Kaparin của chúng ta kia kìa? - Một chiến sĩ Hồng quân kêu lên.
Đám kỵ binh xông từ trong dãy phố ra bỗng nằm rạp cả xuống cổ ngựa như theo một hiệu lệnh và thúc ngựa xông tới doanh trại.
- Không cho chúng nó vào? - Tokachenko giật giọng quát to.
Một loạt đạn nổ vang, át cả tiếng Tokachenko. Cách chỗ các chiến sĩ Hồng quân đang xiết chặt hàng ngũ chừng một trăm bước, bốn tên cưỡi ngựa đã ngã lộn xuống từ trên lưng ngựa, số còn lại hỗn loạn phi tản ra và quay lộn trở lại. Một tên có lẽ chỉ bị thương nhẹ, ngã từ trên yên xuống nhưng vẫn không chịu để dây cương rời khỏi tay.
Hắn bị con ngựa đang phi nước đại lôi đi chừng mười xa-gien, nhưng sau lại nhảy chồm lên đứng dậy được, nắm được bàn đạp và đuôi yên rồi chỉ loáng một cái đã lại ngồi trên lưng ngựa lúc nào không biết. Hắn hung hãn giật mạnh dây cương và ngay trong lúc con ngựa đang phi như bay, bắt nó phải rẽ ngoặt sang bên cạnh và lẩn vào trong cái ngõ gần nhất.
Sau khi đuổi theo Obchinhikov không có kết quả, bọn kỵ binh thuộc trung đội một quay về thị trấn. Việc tìm kiếm chính uỷ Sakhaev cũng chẳng đi đến đâu. Đến căn nhà vắng tanh của Uỷ ban quân sự cũng như chỗ ở của Sakhaev đều không tìm ra anh ta. Thì ra vừa nghe thấy tiếng súng anh ta đã lao đầu ra sông Đông, vượt qua băng chạy vào rừng, rồi từ đó tới thẳng thôn Batki và ngày hôm sau đã có mặt ở thị trấn Ust-Khopeskaia, cách Vosenskaia năm mươi véc-xta.
Phần lớn số lãnh đạo đã kịp thời lẩn trốn. Nhưng đi lùng kiếm họ thì không phải không nguy hiểm vì các chiến sĩ Hồng quân thuộc trung đội súng máy đã đem những khẩu trung liên tới đặt ở trung tâm thị trấn và dùng hoả lực kiểm soát được tất cả các dãy phố thông tới quảng trường chính.
Bọn kỵ binh ngừng các việc lùng sục, kéo xuống sông Đông, phi nước đại tới bãi nhà thờ, chỗ bắt đầu cuộc đuổi rượt Obchinhikov vừa nãy. Chẳng mấy chốc tất cả những tên theo Fomin đều tới tụ tập ở đấy. Chúng lại xếp thành hàng ngũ. Fomin ra lệnh đặt cảnh giới, số lính còn lại được phân tán về các chỗ ở, nhưng ngựa không được tháo yên cương.
Fomin, Kaparin và mấy gã chỉ huy trung đội kéo nhau ra ở riêng trong một căn nhà nhỏ ở bên lề thị trấn.
- Hoàn toàn thất bại rồi! - Kaparin ngồi phịch xuống chiếc ghế dài một cách bất lực rồi kêu lên đầy vẻ tuyệt vọng.
- Phải, nếu không chiếm được thị trấn thì chúng mình không thể nào bám lại ở đây được đâu. - Fomin khẽ nói.
- Anh Yakov Efimovich ạ, phải xông xáo khắp trong khu thôi. Bây giờ chúng mình run sợ thì sẽ được cái gì? Dù sao chưa đến lức phải chết thì chúng mình chưa chết đâu. Chúng mình phát động bà con Cô-dắc nổi lên rồi thị trấn sẽ về tay chúng mình. - Trumakov đề nghị.
Fomin im lặng nhìn hắn rồi quay lại nói với Kaparin:
- Thế nào quan lớn, quan lớn mất tinh thần rồi à? Thôi chùi nước dãi đi! Đã phóng lao thì phải theo lao? Đã cùng nhau bắt tay vào việc rồi thì phải cùng theo đuổi kỳ xong… Theo anh thì thế nào: rút khỏi thị trấn hay còn thử thêm lần nữa?
Trumakov gạt phắt đi:
- Để những thằng khác muốn thử thì thử? Thằng nầy sẽ không lao đầu vào miệng súng đâu. Làm cái trò ấy sẽ chẳng được tích sự gì cả.
- Tôi không hỏi cậu, im mồm đi! - Fomin lườm Trumakov một cái tên kia bèn đưa mắt nhìn xuống đất.
Kaparin trầm ngâm một lát rồi nói:
- Phải, tất nhiên bây giờ mà thử một lần nữa thì chẳng có nghĩa lý gì cả. Chúng nó chiếm được ưu thế về vũ khí, nắm được tới mười bốn khẩu súng máy, còn chúng ta chẳng có khẩu nào. Mà quân số bên chúng nó cũng đông hơn… Chúng ta đành phải bỏ đi rồi tổ chức anh em Cô-dắc bạo động thôi. Và khi nào chúng nó điều được lực lượng tăng viện tới đây thì toàn khu đã bị quân khởi nghĩa chiếm rồi. Hy vọng duy nhất là làm được như thế. Chỉ còn con đựờng ấy thôi!
Fomin nín lặng giờ lâu rồi nói:
- Thôi được chúng ta đành phải quyết định như thế vậy. Các ông trung đội trưởng? Các ông lập tức kiểm tra vũ khí đạn dược, đến xem mỗi anh em còn bao nhiêu đạn. Một mệnh lệnh phải chấp hành thật nghiêm là không được bắn phí một viên nào. Đứa nào vi phạm đầu tiên sẽ bị tôi tự tay chém chết. Các ông hãy truyền đạt lại cho các chiến sĩ biết rõ như thế. - Hắn lặng đi một lát rồi đấm nắm tay to lù lù xuống bàn. - Chà, tổ cha những khẩu súng máy! Mà tất cả cũng chỉ tại cậu, Trumakov! Dù chỉ cướp được chừng bốn khẩu súng cũng hay biết mấy? Tất nhiên bây giờ chúng nó sẽ tống cổ chúng ta ra khỏi thị trấn… Thôi giải tán? Nếu không bị chúng nó đánh bật ra thì chúng ta sẽ ngủ lại đêm trong thị trấn, trời rạng sẽ xuất phát, chúng ta sẽ tiến quân qua khắp trấn…
Đêm hôm ấy trôi qua một cách yên tĩnh. Một đầu thị trấn Vosenskaia thuộc về những tên nổi loạn trong đại đội kỵ binh, còn đầu kia nằm trong tay đại đội cảnh vệ với những Đảng viên cộng sản và đoàn viên thanh niên đến sáp nhập thêm. Hai bên chỉ ngăn cách bởi hai đoạn đường phố nhưng chẳng bên nào đánh liều mở một cuộc tấn công ban đêm.
Sáng hôm sau đại đội kỵ binh phiến loạn không chiến đấu gì cả, rời bỏ thị trấn và kéo đi về hướng đông nam.


Chú thích:
1 Nguyên văn: "Con quạ bị khiếp vía một lần sợ cả bụi cây" ND

Chương 225



Phần 8


Sau khi bỏ nhà ra đi, Grigori sống ba tuần đầu ở thôn Thượng Kripsky thuộc trấn Elanskaia tại nhà một gã Cô-dắc đồng đội quen biết. Rồi chàng bỏ tới thôn Gorbatovpsky ở hơn một tháng tại nhà một người có họ xa với Acxinhia.
Chàng phải nằm suốt ngày ở phòng trong, chỉ ban đêm mới mò ra sân. Toàn bộ cuộc sống cứ như ở tù. Vì buồn nhớ và chẳng có việc gì làm, Grigori cảm thấy đau khổ nhức nhối. Chàng chỉ muốn được về nhà với hai đứa con, với Acxinhia. Trong những đêm mất ngủ chàng đã nhiều lần mặc chiếc áo ca-pốt và với ý nghĩ nhất quyết trở về thôn Tatarsky, nhưng lần nào cũng tỉnh táo nghĩ lại và lại cởi áo ngoài, rên rỉ, vật mình nằm úp mặt xuống giường. Nhưng cuối cùng chàng cũng không còn có thể kéo dài cảnh sống như thế nầy được nữa. Chủ nhà là một người hàng thúc bá với Acxinhia, lão rất đồng tình với Grigori nhưng không thể mãi mãi giữ một người khách như thế nầy ở thường xuyên trong nhà. Một lần sau khi ăn xong bữa tối Grigori trở về phòng mình, nghe lỏm được một câu chuyện. Vợ chủ nhà hỏi bằng một giọng rít lên vì tức giận:
- Không biết bao giờ mới chấm dứt được cái trò nầy hử?
- Cái gì thế? Bà nói về chuyện gì thế? - Lão chủ nhà trả lời vợ bằng một giọng trầm trầm.
- Cái thằng ăn hại ấy, bao giờ ông mới tống cổ được nó đi!
- Bà im đi!
- Tôi không im? Thóc nhà mình còn lại mèo ăn chẳng đủ, thế mà ông cứ giữ nó, cái thằng quỉ gù ấy ở nhà, ngày ngày phải nuôi báo cô. Còn như thế nầy bao giờ mới thôi, tôi thử hỏi ông? Và nếu Xô viết biết được thì sẽ ra sao? Họ sẽ chặt đầu vợ chồng nhà nầy đi, để cho mấy đứa trẻ sống côi cút à?
- Thôi im đi, Apdochia!
- Tôi không im! Chúng ta còn có những đứa con phải nuôi? Thóc trong nhà không còn được quá hai mươi pút, thế mà ông còn giữ cái thằng ườn thây ườn xác ấy mà cho ăn cho uống hết ngày nầy qua ngày khác! Nó là thế nào với ông hử? Là anh em ruột à? Là thông gia à? Hay là bạn đỡ đầu? Nó chẳng họ hàng thân thuộc gì với ông cả? Họ hàng cái kiểu thần công đại bác bắn không tới, thế mà ông còn lưu lại trong nhà, hầu ăn, hầu uống. Xì, lão quỉ hói! Thôi im đi, đừng có oăng oẳng lên, nếu không ngày mai chính gái nầy sẽ lên Xô viết báo cho họ biết rằng trong nhà ông đang trồng một đoá hoa tươi đẹp như thế nào cho mà xem?
Hôm sau người chủ nhà bước vào phòng Grigori. Lão nói nhưng mắt cứ dán xuống sàn:
- Anh Grigori Pantelevich ạl Anh muốn nghĩ về tôi thế nào thì nghĩ, nhưng anh không thể nào nán lại thêm ở nhà tôi được nữa rồi… Tôi kính trọng anh, tôi có quen biết và kính trọng ông cụ nhà ta hiện nay đã mồ yên mả đẹp. Nhưng trong lúc nầy, lưu anh lại ăn ở trong nhà là một việc quá nặng nề đối với tôi… Hơn nữa tôi còn sợ chính quyền sẽ biết về anh. Anh muốn đi đâu thì tuỳ ý. Tôi còn có gia đình. Tôi không muốn vì anh mà mất đầu. Anh hãy vì Chúa mà thứ lỗi cho tôi, giúp tôi thoát khỏi…
- Thôi được, - Grigori trả lời gọn lỏn. - Cám ơn ông đã nhường chỗ cho ở, đã tiếp đón niềm nở. Xin cám ơn về tất cả. Chính tôi cũng biết rằng tôi đã gây cho ông một gánh nặng, nhưng tôi còn đi đâu bây giờ? Đối với tôi mọi con đường đều đã tắc.
- Anh hãy đi tới nơi nào mà anh biết.
- Thôi được tôi sẽ đi ngay hôm nay. Cám ơn ông, ông Artamon Vasilievich, cám ơn ông về tất cả.
- Không có gì đâu, anh đừng cám ơn.
- Tôi sẽ không quên lòng tốt của ông. May ra sẽ có lúc tôi có chút gì để báo đáp.
Người chủ nhà cảm động vỗ vai Grigori:
- Trong chuyện nầy thì có gì mà đáng nói! Đối với riêng tôi thì anh cứ ở đây thêm hai tháng nữa cũng được, nhưng vợ tôi không để yên cho, ngày nào cũng chửi bới, con mụ đáng nguyền rủa? Tôi là dân Cô-dắc, anh cũng là dân Cô-dắc, anh Grigori Pantelevich ạ. Cả hai chúng ta đều chống chính quyền Xô viết, vì thế tôi sẽ giúp anh.
Hôm nay anh hãy đến thôn Yadotnyi. Tại đấy tôi có một ông thông gia, ông ấy sẽ nhận cho anh ở lại. Anh cứ nói lại với ông ấy như tôi nói: "Artamon dặn phải tiếp đón anh như tiếp đón con đẻ, cho ăn ở chừng nào còn đủ sức. Rồi sau nầy tôi sẽ tính toán với ông ta". Nhưng chỉ cần một điều là anh hãy đi khỏi nhà tôi hôm nay. Tôi không thể nào lưu anh ở lại thêm được nữa rồi, một mặt vì vợ tôi nó làm quá lắm, mặt khác tôi lại sợ Xô viết biết… Anh Grigori Pantelevich ạ, anh ở được ngần ấy ngày cũng đã nhiều rồi. Tôi vẫn còn muốn giữ cái đầu của tôi…
Đêm hôm ấy, lúc đã thật khuya, Grigori ra khỏi thôn. Nhưng chàng chưa kịp đi tới cái cối xay gió trên một ngọn gò đã có ba người cưỡi ngựa bất thần hiện ra như mọc từ dưới đất lên. Họ chặn dường chàng:
- Đứng lại đồ chó đẻ! Mầy là đứa nào hử?
Tim Grigori run lên. Chàng nín thinh đứng lại. Bỏ chạy thì quá liều lĩnh. Hai bên con đường không có một cái khe nào, một bụi cây cũng không có: toàn đồng cỏ trống trải, trần trùi trụi, chàng chưa kịp đi thêm hai bước, chúng lại hỏi:
- Đảng viên cộng sản à? Quay trở lại, cho mẹ mày vào xăng! Nào, quàng quàng lên?
Tên thứ hai cho ngựa xông tới trước mặt Grigori, nó ra lệnh:
- Hai cái tay mày? Rút tay trong túi ra! Rút tay ra nếu không tao chém mất đầu bây giờ?
Grigori lặng lẽ rút hai tay ra khỏi túi áo ca-pốt. Chàng còn chưa kịp hiểu thật rõ là đang có chuyện gì xảy ra với mình và mấy gã chặn đường chàng là những con người như thế nào. Chaàng hỏi:
- Đi đâu bây giờ?
- Về thôn. Quay trở lại.
Cho đến khi về tới thôn, một tên cưỡi ngựa đi kèm bên cạnh, hai tên kia cho ngựa đi tách ra trên bãi chăn nuôi cả bọn tiến ra đường cái. Grigori đi lầm lì, không nói gì cả. Ra đến đường cái, chàng chậm bước lại hỏi:
- Nầy bác, các bác là ai thế?
- Đi đi, đi đi! Không được nói gì cả? Chắp hai tay ra sau lưng, nghe rõ chưa?
Grigori lặng lẽ làm theo lời hắn. Nhưng một lát sau chàng lại hỏi:
- Không, nhưng dù sao các bác cũng phải cho biết các bác là ai mới được.
- Những người theo chính giáo.
- Và chính tôi cũng không phải là dân cựu giáo.
- Hừ, thế thì mày hãy mừng đi.
- Thế bác dẫn tôi đi đâu đấy?
- Đến chỗ chỉ huy. Mày có đi không, đồ khốn nạn, nếu không tao cho mày…
Tên áp giải khẽ cho mũi gươm chạm vào Grigori. Mũi thép nhọn mài sắc, lạnh buốt, chạm vào gáy chàng, ngay chỗ da để hở giữa cổ áo ca-pốt và mũ lông, và bên trong chàng, một cảm giác kinh hoàng bỗng loáng lên như một tia lửa rồi lại nhường ngay chỗ cho một sự căm giận bất lực. Chàng kéo cao cổ áo, quay nửa người gườm gườm nhìn tên áp giải và rít lên qua kẽ răng:
- Đừng có làm bậy? Nghe thấy không? Nếu không tôi cướp cái trò ấy trong tay anh bây giờ…
- Đi đi, đồ chó đẻ, không được nói gì nữa? Tao sẽ cho mày cướp xem sao! Đưa tay ra sau lưng!
Grigori im lặng bước thêm hai bước rồi lại nói:
- Thế thì không nói nữa, nhưng chớ có chửi bới. Cái thằng thối như cứt, anh tưởng…
- Không được nhìn ngang nhìn ngửa!
- Thế thì không nhìn nữa.
- Câm ngay, đi nhanh lên!
- Hay là chạy nước kiệu nhé! - Grigori vừa hỏi vừa chớp chớp mi mát cho những miếng băng nhỏ bám trên hai hàng mi rơi xuống.
Tên áp giải không nói gì, thúc luôn con ngựa một cái. Cái ức đẫm mồ hôi và sương đêm của con ngựa hích mạnh vào lưng Grigori, những cái vó của nó dẫm nhâm nhấp trên lớp tuyết đang tan ngay bên cạnh chân chàng.
- Từ từ thôi! - Grigori bám tay vào bờm con ngựa đẩy nó ra và kêu lên.
Tên áp giải giơ thanh gươm lên ngang đầu, khẽ nói:
- Mày có đi không, đồ chó đẻ… Và không được nói gì nữa, nếu không tao sẽ không đưa mày về tới nơi đâu. Cái tay áo tao nó làm việc ấy lẹn lắm đấy. Câm cái mồm, không nói gì nữa.
Hai người ngậm tăm cho đến khi về tới thôn. Khi về tới gần ngôi nhà đầu thôn, tên kia ghìm ngựa, nói:
- Đi vào cái cổng nầy.
Grigori bước vào cái cổng mở toang. Sâu bên trong sân thấy hiện lên một ngôi nhà mái tôn rất to. Dưới mái hiên nhà kho, vài con ngựa thở phì phì và nhai rơm ràn rạt. Chừng sáu gã đeo vũ khí đứng bên cạnh thềm. Tên áp giải tra thanh gươm và vỏ, xuống ngựa và nói:
- Vào trong nhà, đi thẳng từ các bậc thềm vào, cái cửa thứ nhất bên trái. Đi đi, không được nhìn ngang nhìn ngửa, còn phải bảo mày bao nhiêu lần nữa hử. Ông lại tọng cho một cái vào mồm, bật lòng gan mề phổi ra bây giờ!
Grigori từ từ bước lên những bậc thềm. Người đứng bên cạnh lan can đội chiếc mũ có cái đỉnh nhọn hoắt của Hồng quân, mặc một cái áo ca-pốt kỵ binh dài lượt thượt. Hắn hỏi:
- Các cậu tóm cổ được nó đấy à?
Tóm cổ được, - Gã áp giải miễn cưỡng trả lời bằng cái giọng khàn khàn mà Grigori nghe đã quen. - Vớ được nó ở gần cái cối xay gió.
- Bí thư chi bộ hay là thế nào?
- Quỉ quái nào mà biết được nó. Một thằng chó chết nào đó, nhưng nó là ai thì chúng mình sẽ biết ngay đây.
"Chúng nó nếu không phải là một toán thổ phỉ thì cũng là bọn Treka ở Vosenskaia lập mưu bày kế. Thế là mình rơi vào tay chúng nó rồi! Rơi vào tay chúng nó như một thằng ngu xuẩn". Grigori nghĩ thầm và cố ý trùng trình ở phòng ngoài để tập trung suy nghĩ.
Grigori mở cánh cửa và kẻ đầu tiên mà chàng nhìn thấy là Fomin. Hắn ngồi sau một cái bàn, chung quanh có rất nhiều tên mặc quân phục mà Grigori không quen. Những chiếc áo ca-pốt và áo da ngắn quẳng bừa bộn trên một cái giường. Những khẩu súng trường của kỵ binh được xếp thành một hàng bên cạnh một chiếc ghế dài. Ngay trên chiếc ghế dài ấy thấy vứt lung tung những thanh gươm, những bao đạn, túi dết và túi mắc vào yên ngựa. Mùi mồ hôi ngựa bốc lên nồng nặc từ đám người và từ những chiếc áo ca-pôt, những đồ trang bị.
Grigori bỏ chiếc mũ lông xuống, khẽ nói:
- Chào các anh!
- Cậu Melekhov? Đúng là đồng cỏ thì rộng, mà đường thì hẹp? Chúng mình vẫn lại được trông thấy nhau như thường? Nhưng cậu ở đâu mò đến đây thế nầy? Cởi áo ngoài ra đi, ngồi xuống đây. - Fomin đứng dậy, rời khỏi cái bàn, bước tới trước mặt Grigori, chìa tay cho chàng. - Tại sao cậu lại lang thang ở đây thế?
- Mình đến có chút việc.
- Việc gì thế? Cậu đã mò đi khá xa đấy… - Fomin nhìn Grigori có vẻ dò hỏi. - Cậu cứ nói thật đi: cậu đến đây kiếm chỗ ẩn nấp có phải không?
- Chuyện ấy hoàn toàn đúng. - Grigori miễn cưỡng mỉm cười trả lời - Mấy anh em của mình tóm được cậu ở đâu thế?
- Ngay gần thôn.
Lúc ấy cậu đi đâu?
- Lang thang đâu cũng được…
Fomin chăm chú nhìn thẳng vào mắt Grigori lần nữa rồi mỉm cười - Mình thấy là cậu đang nghĩ rằng bọn mình tóm được cậu là sẽ giải đi Vosenskaia có phải không? Không đâu, anh em ạ, đối với bọn mình con đường ấy cũng đã bị cấm rồi… Cậu đừng lo! Bọn mình không còn đi lính cho Chính quyền Xô viết nữa đâu? Hai bên không ý hợp tâm đầu nữa rồi…
- Ly dị rồi. - Một gã Cô-dắc có tuổi ngồi hút thuốc bên cạnh bếp lò nói thêm giọng trầm trầm.
Trong đám ngồi ở bàn có một tên cười phá lên rất to.
- Cậu không nghe tin gì về mình à? - Fomin hỏi.
- Không.
- Thôi cậu ngồi vào bàn đi, rồi chúng mình sẽ nói chuyện. Súp bắp cải và thịt đâu đem thết ông khách của chúng ta đi!
Tất cả những lời Fomin nói Grigori đều không tin chút nào. Chàng cởi áo ca-pốt ngồi vào bàn, mặt tái nhợt, thái độ dè dặt. Chàng rất thèm hút thuốc nhưng lại nhớ rằng mình hết thuốc lá đã hai ngày.
- Có gì hút không? - Chàng hỏi Fomin.
Tên kia ân cần chìa cho chàng cái bao đựng thuốc lá bằng da.
Hắn vẫn chăm chú theo dõi Grigori và không khỏi nhận thấy rằng những ngón tay của Grigori hơi run run trong khi lấy ra một điếu thuốc lá. Fomin lại mỉm cười sau hàng ria hung hung đỏ chỗ cao chỗ thấp như những làn sóng.
- Chúng mình đã nổi lên chống lại Chính quyền Xô viết. Chúng mình đứng về phía nhân dân, chống chế độ trưng thu lương thực, chống bọn chính uỷ. Chúng nó đã làm bà con mình đau đầu quá rồi. Bây giờ đến lượt chúng mình làm chúng nó đau đầu. Cậu đã hiểu chưa, Melekhov?
Grigori nín thinh. Chàng châm thuốc hút, nhiều lúc vội vã rít liều vài hơi. Đầu chàng hơi choáng váng, trong họng lợm lợm buồn nôn.
Một tháng gần đây chàng được ăn uống rất tồi, nhưng mãi đến lúc nầy chàng mới cảm thấy rằng trong thời gian ấy mình đã yếu đi như thế nào. Chàng dập tắt điếu thuốc, bắt đầu ăn ngốn ngấu.
Fomin kể qua loa vài câu chuyện về cuộc bạo động, về những ngày đầu tiên nay đây mai đó trong khu, và hắn huênh hoang gọi cuộc sống lang bạt của bọn chúng một cách mỹ tự là "tiến quân". Grigori cứ nín thinh lắng nghe, đồng thời nuốt chửng gần như không cần nhai cả bánh mì lẫn những miếng thịt cừu béo ngậy ninh chưa kỹ.
- Nhưng cậu đã còm đi nhiều quá trong những ngày đi thăm hỏi đấy - Fomin nói giễu chàng một cách thân mật.
Grigori ăn no quá nấc lên. Chàng lầu bầu:
- Có phải là mình đến chơi nhà mẹ vợ đâu.
- Chuyện ấy chỉ nhìn qua là biết ngay thôi. Nhưng cậu ăn nhiều vào ăn cho kỳ chán, ăn nổi bao nhiêu thì cứ ăn. Bọn mình không phải là những chủ nhà keo kiệt đâu.
- Cám ơn. Nhưng nếu bây giờ mà được điếu thuốc… - Grigori tiếp lấy điếu thuốc Fomin đưa mời rối bước tới gần chiếc nồi gang đặt trên cái ghế dài và đẩy cái nắp gỗ ra để múc nước. Nước lạnh buốt, lại hơi có vị mặn. Ngây ngất vì ăn quá nhiều, Grigori uống ừng ực hết cả hai ca nước to rồi hút thuốc một cách khoái trá.
- Dân Cô-dắc cũng không hoan nghênh chúng ta lắm đâu. - Fomin đến ngồi bên cạnh Grigori kể tiếp - Năm ngoái, trong thời gian bạo động, họ đã bị một trận thất điên bát đảo… Nhưng vẫn có những thằng tình nguyện đi theo. Chừng bốn mươi thằng đã gia nhập bọn mình. Song chúng mình không phải chỉ đòi hỏi có thế. Chúng mình cần phải làm cho toàn khu nổi dậy, để các khu chung quanh: Khopesky, Ust-Medvedisky đều đến giúp. Đến lúc ấy, chúng ta sẽ nói chuyện cởi mở với Chính quyền Xô viết!
Câu chuyện chung quanh chiếc bàn rất sôi nổi ầm ĩ. Grigori vừa nghe Fomin nói vừa lén nhìn các bạn chiến đấu của hắn. Chẳng có bộ mặt nào quen thuộc! Chàng vẫn chưa tin Fomin, vẫn nghĩ rằng hắn giở trò ma mãnh, vì thế cứ thận trọng nín thinh. Nhưng ngậm tăm mãi cũng không được.
- Nhưng đồng chí Fomin ạ, nếu chuyện ấy là đồng chí nói thật thì đích xác các đồng chí muốn gì. Muốn làm nổ ra một cuộc chiến tranh mới à? - Chàng vừa hỏi vừa cố xua cái cảm giác buồn ngủ đang đè nặng lên đầu mình.
- Cái chuyện ấy mình đã nói với cậu rồi mà.
- Lật đổ chính quyền à?
- Phải.
- Nhưng sau đó sẽ lập nên một chính quyền như thế nào?
- Một chính quyền của chúng ta, chính quyền Cô-dắc!
- Chính quyền của bọn ataman à?
- Thôi về chuyện các ataman thì chúng ta hãy chờ ít lâu rồi hãy nói đến. Nhân dân bầu ra chính quyền nào thì nó sẽ là chính quyền mà chúng ta lập nên. Nhưng đó là chuyện về lâu về dài, hơn nữa về chính trị thì mình là một thằng ngoại đạo. Mình chỉ là một thằng con nhà binh, công việc của mình là tiêu diệt những thằng chính uỷ và Đảng viên cộng sản. Còn chuyện chính quyền thì Kaparin, trưởng ban tham mưu của mình, sẽ kể cho cậu nghe. Hắn là đầu óc của mình về mặt ấy. Hắn là một con người thông minh, học rộng. - Fomin ngả người về phía Grigori, khẽ nói - Thượng uý cũ trong quân đội Nga hoàng đấy. Thằng cha khôn ngoan hiểu biết lắm? Hiện giờ hắn đang nằm ở phòng trong, không biết ươn mình như thế nào, có lẽ vì hắn chưa quen; bọn mình hành quân những chặng quá dài.
Từ phòng ngoài bỗng vẳng vào những tiếng lao xao, tiếng chân bước rầm rập, tiếng rên rỉ, tiếng giằng co và một tiếng quát oang oang: "Khử mẹ nó đi!" Mọi câu chuyện chung quanh bàn lập tức lắng bặt. Fomin đưa mắt nhìn ra cửa có ý đề phòng. Có người mở toang cánh cửa. Một làn hơi trắng bệch cuồn cuộn ùa từ bên dưới cửa vào trong phòng. Sau một đòn nện đánh hự vào lưng, một người cao lớn chúi đầu về phía trước, vừa vấp vừa chạy lao vài bước vào trong phòng rồi đập vai rất mạnh vào chỗ lồi ra của bếp lò. Người ấy không đội mũ, mình mặc một chiếc áo bông đột chỉ màu cứt ngựa, chân đi đôi ủng dạ màu xám. Trước khi cánh cửa đóng sập lại, từ phòng ngoài có một gã nào đó kêu lên rất vui nhộn:
- Tiếp nhận thêm một thằng nữa đi!
Fomin đứng dậy, sửa lại chiếc dây lưng trên áo quân phục cổ chui.
- Mầy là ai? - Hắn hỏi bằng một giọng oai vệ.
Người mặc áo bông thở hổn hển đưa tay lên vuốt tóc, cố động đậy vào hai cái xương bả vai nhăn mặt vì đau. Anh ta đã bị đánh vào cột xương sống bằng một vật nặng, có lẽ là báng súng.
- Sao cứ câm như hến thế hử? Bị cắt mất lưỡi rồi hay sao? Tao hỏi mầy là ai?
- Chiến sĩ Hồng quân.
- Đơn vị nào?
- Trung đoàn trưng lương số mười hai.
- Á-à, lại với được cái của nầy! - Một trong những tên ngồi ở bàn mỉm cười nói.
Fomin tiếp tục hỏi cung:
- Mầy đến đây làm gì?
- Tôi thuộc đội đánh chặn… chúng tôi đã được phái đi.
- Hiểu rồi. Ở đây chúng mầy có bao nhiêu thằng trong thôn?
- Mười bốn.
- Còn những thằng khác đâu?
Người chiến sĩ Hồng quân nín lặng một lát, cố hết sức mở cặp môi. Trong họng anh ta có một cái gì lọc ọc, từ mép bên trái, một dòng máu rất nhỏ chảy ròng ròng xuống cằm. Anh ta đưa tay lên chùi môi, nhìn bàn tay mình rồi lại cọ tay vào quần.
- Cái thằng chó chết… của các ông… - Anh ta nuốt máu, nói giọng như nấc. - Nó đã làm dập phổi tôi.
- Đừng sợ! Chúng tao sẽ chữa cho? - Một tên Cô-dắc tướng ngũ đoản ngồi ở bàn đứng dậy, nháy mắt với những tên khác và nói giọng nhạo báng:
- Còn những thằng kia đâu? - Fomin hỏi lần thứ hai.
- Đi Elanskaia cùng với những chiếc xe vận tải rồi.
- Mày là dân ở đâu? Quê ở vùng nào?
Chiến sĩ Hồng quân nhìn Fomin bằng hai con mắt xanh lơ sáng bừng bừng như trong một cơn sốt rét. Anh ta nhổ xuống dưới chân mình một cục máu đặc rồi trả lời bằng một giọng trầm trầm không còn khàn nữa.
- Tỉnh Pskovskaia.
- Tỉnh Pskovskaia, tỉnh Moskovskaia… chúng tao có nghe nói về những thằng ở vùng ấy… - Fomin nói giọng châm biếm. - Còn mày, cái thằng nầy, mày đã đi quá xa để vơ vét thóc lúa của người khác đấy Thôi, câu chuyện thế là xong rồi? Chúng tao sẽ làm gì với mày bây giờ đây, thế nào hử?
- Phải, thả tôi ra.
- Mầy ngây thơ quá đấy, cái thằng nầy… Hay là chúng mình sẽ thả cho nó đi thật, các cậu thấy thế nào? - Fomin quay lưng nhìn những thằng ngồi quanh bàn, một nụ cười thấp thoáng sau hàng ria.
Grigori chăm chú theo dõi tất cả các việc xảy ra và chàng chỉ nhìn thấy những nụ cười thông đồng, cố ghìm giữ trên những khuôn mặt nâu sạm dãi dầu nắng gió.
- Cứ để nó đi theo chúng ta chừng hai tháng rồi sẽ cho nó về nhà, về với vợ. - Một tên trong bọn Fomin nói.
- Mầy có thể đi theo chúng tao, phục vụ một cách ngay thẳng được chứ? - Fomin vừa hỏi vừa cố ghìm nụ cười nhưng không nổi. - Chúng tao sẽ cho mầy một con ngựa, một bộ yên và một đôi ủng da mới, ống tròn hẳn hoi thay cho đôi ủng dạ… Bọn chỉ huy của chúng mầy trang bị cho chúng mày lồi quá đấy. Như thế nầy mà coi là giầy ủng à? Ngoài sân đang tan tuyết mà mầy vẫn còn mang một đôi ủng dạ. Mầy đi theo chúng tao chứ?
- Nó là một thằng mu-gích, từ thuở cha sinh mẹ đẻ nó có cưỡi ngựa bao giờ đâu. - Một thằng Cô-dắc giả giọng the thé, nói chít chớt để làm trò cười.
Chiến sĩ Hồng quân không nói gì. Anh ta dựa lưng vào cái bếp lò đưa cặp mắt sáng long lanh lần lượt nhìn cả bọn, thỉnh thoảng lại nhăn mặt vì đau và hơi hé miệng mỗi khi cảm thấy khó thở.
- Mầy sẽ ở lại với chúng tao chứ, hay thế nào? - Fomin hỏi lại.
- Nhưng các ông là ai cơ chứ?
- Chúng tao ấy à? - Fomin giương cao hai hàng lông mày và đưa bàn tay lên vuốt ria. - Chúng tao là những chiến sĩ đấu tranh cho nhân dân lao động. Chúng tao chống lại ách áp bức của bọn chính uỷ và Đảng viên cộng sản. Đấy chúng tao là những người như thế đấy. Đến lúc ấy bỗng nhiên Grigori nhìn thấy một nét cười trên mặt người chiến sĩ Hồng quân.
- Té ra các ông là những con người như thế… Vậy mà tôi cứ nghĩ: đây là những con người thế nào nhỉ?
Người tù binh mỉm cười, cho thấy những cái răng đỏ lòm những máu và nói với một vẻ tựa như anh ta ngạc nhiên một cách thú vị trước điều mới mẻ mà mình vừa nghe thấy, nhưng trong giọng nói của anh ta vẫn thấy có cái gì bắt tất cả bọn kia phải đề phòng.
- Thế là theo ông các ông là những chiến sĩ đấu tranh cho nhân dân à? Té ra vâ-â-ậy. Nhưng theo chúng tôi thì các ông chỉ là những thằng thổ phỉ. Thế mà các ông còn bảo tôi đi theo các ông? Chà, các ông thật là những tay vua cù, thật đấy!
- Tao xem mầy cũng là một thằng biết vai nhộn… Fomin nheo mắt, hỏi gọn lỏn - Đảng viên cộng sản phải không?
- Không, ông nói gì vậy? Người ngoài Đảng thôi.
- Hình như không phải như thế.
- Nói thật đấy, tôi là người ngoài Đảng mà?
Fomin húng hắng ho, quay về phía cái bàn.
- Trumakov! Cho nó đi toong đi thôi.
- Có cái gì mà đáng phải giết tôi. Cũng chẳng được cái lợi gì đâu. - Người chiến sĩ Hồng quân khẽ nói.
Bọn kia trả lời anh ta bằng cách nín thinh. Trumakov là một gã Cô-dắc vạm vỡ đẹp trai mặc chiếc áo không có tay bằng dạ kiểu Anh. Hắn đứng dậy một cách miễn cưỡng, rời khỏi bàn, vuốt bộ tóc hung hung đỏ chưa cần vuốt cũng đã mượt ra sau gáy.
- Tôi chán ngấy cái việc nầy rồi. - Hắn rút thanh gươm của hắn ra khỏi đống gươm để ngổn ngang trên chiếc ghế dài, lấy ngón tay cái thử xem lưỡi có sắc không rồi nói giọng sảng khoái.
- Không nhất định cậu phải tự tay làm lấy. Bảo mấy anh em ở ngoài sân chúng nó làm. - Fomin khuyên hắn.
Trumakov đưa mắt lạnh như tiền nhìn người chiến sĩ Hồng quân từ chân đến đầu rồi nói:
- Bước lên đi nào, người anh em thân mến.
- Người chiến sĩ Hồng quân rời khỏi chỗ bếp lò, gù lưng từ từ bước ra cửa, để lại sau lưng những vết nước của đôi ủng ẩm ướt.
- Trước khi vào đây cũng phải chùi chân đã chứ! Vào nhà người ta rồi để lại toàn những vết chân, bôi bẩn cả… cậu dơ dáy quá đấy, người anh em ạ? Trumakov làm vẻ giận dữ, vừa nói vừa ra đi theo người tù binh.
- Bảo chúng nó đưa ra ngõ hay ra sân đập lúa ấy. Không nên khử ngay cạnh nhà. Nếu không chủ nhà sẽ oán chúng mình? Fomin kêu với theo.
Hắn bước tới chỗ Grigori, ngồi xuống bên cạnh chàng và hỏi:
- Toà án của chúng mình làm ăn gọn đấy chứ?
- Gọn, - Grigori tránh không nhìn vào mắt hắn, trả lời.
Fomin thở dài nói:
- Cậu chẳng hiểu gì cả. Bây giờ thì phải làm như thế mới được.
Hắn còn muốn nói thêm gì nữa, nhưng từ ngoài thềm đã vang lên những tiếng chân bước rầm rập, tiếng một người nào đó kêu to và tiếng một phát súng đơn độc rất vang.
- Quỉ dữ làm gì chúng nó ở ngoài ấy thế? - Fomin bực mình quát lên.
Một trong những lên ngồi ở bàn đứng chồm dậy, đưa chân đạp làm cánh cửa mở toang.
- Ngoài ấy có chuyện gì thế? - Hắn quát vọng ra ngoài bóng tối.
Trumakov bước vào, nói một cách sôi nổi:
- Cái thằng ấy nhanh như con thỏ ấy? Con quỉ dữ! Ngay từ bậc thềm cao nhất, nó nhảy lao xuống và bỏ chạy. Đành phải phí một viên đạn. Anh em ngoài ấy đang giúp cho nó chết hẳn.
- Cậu ra lệnh lôi nó từ trong sân ra ngoài ngõ đi.
- Tôi đã bảo rồi, anh Yakov Efilmovich ạ.
Trong phòng lặng đi một phút. Rồi một gã nào đó cố giữ cho khỏi ngáp và hỏi:
- Thế nào Trumakov, thời tiết như thế nào? Ngoài sân có sáng sủa không?
- Nhiều mây lắm.
- Nếu trời mưa thì chút ít tuyết cuối cùng cũng sẽ trôi đi nốt.
- Nhưng cậu muốn mưa làm gì?
- Mình đâu có cần mưa. Đi lõm bõm dưới bùn là chuyện mình chẳng muốn chút nào.
Grigori bước tới bên cái giường, lấy chiếc mũ lông của chàng.
- Cậu đi đâu đấy? - Fomin hỏi.
- Ra ngoài cho người nhẹ nhõm một chút.
Grigori bước ra thềm. Vừng trăng ló ra từ sau những đám mây đen chỉ toả sáng lờ mờ. Cái sân rộng thênh thang, những mái nhà kho những ngọn tiêu huyền rụng hết lá vươn thẳng lên trời thành những hình kim tự tháp, những con ngựa khoác áo đứng bên cạnh cọc buộc ngựa, tất cả đều bị rọi bởi làn ánh sáng xanh lơ ma quái của lúc nửa đêm. Cách thềm nhà vài bước, người chiến sĩ Hồng quân bị giết nằm rúc đầu xuống một vũng nước tuyết tan sáng bềnh bệch. Ba gã Cô-dắc cúi xuống chỗ anh ta và khẽ thì thầm với nhau. Không biết chúng đang loay hoay làm gì bên cạnh xác chết.
- Nó vẫn còn thở, thật đấy mà? - Một gã nói bực bội. - Cái thằng quỉ khoèo tay nầy, thế nầy mà gọi là mày khử nó à? Tao đã bảo mày là phải chém vào đầu nó cơ mà! Chà, thật chẳng được tích sự gì cả?
Gã Cô-dắc nói giọng khàn khàn vừa nãy áp giải Grigori trả lời:
- Nó cũng sắp đi đứt rồi? Chỉ giật vài cái nữa là ngỏm thôi…
- Nhưng mày nhấc cái đầu nó lên chứ? Tao chẳng làm thế nào tháo ra được. Nắm lấy tóc nó mà lôi lên, như thế đấy. Được rồi, bây giờ cứ giữ như thế nhé.
Có tiếng nước lép nhép. Một gã đang đứng bên cạnh cái xác chết dướn thẳng dậy. Tên có cái giọng khàn khàn ngồi xổm khè khè trong họng, kéo cái áo bông ra khỏi xác chết. Một lát sau gã nói:
- Mình vốn là một thằng dữ vía, vì thế nó không chết ngay. Hồi ở nhà, thường có khi mình chọc tiết lợn… Nhưng giữ lấy kia, đừng buông ra! Chà, mẹ khỉ! Pha-a-ải, thường mình chọc tiết lợn, cắt đứt cả cuống họng, thọc con dao cắt vào tim nó mà con lợn khốn kiếp vẫn cứ đứng lên được rồi chạy vung ra khắp sân. Và còn chạy được rất lâu! Máu me lênh láng mà nó vẫn cứ chạy, cổ họng khè khè. Không thở được nữa mà nó vẫn cứ sống. Như thế tức là mình dữ vía lắm. Nào, thôi buông nó ra… Nó vẫn còn thở à? Lạ thật. Nhưng mình đã chặt gần đứt cổ nó còn gì.
Gã thứ ba dang tay ướm cái áo bông vừa lột trên xác người chiến sĩ Hồng quân và nói:
- Máu chảy ra đầy cả sườn bên trái… Dính cả vào hai tay, phì, kể cũng không ổn lắm!
- Rồi sẽ khô thôi. Có phải là mỡ lợn đâu. - Gã có cái giọng khàn khàn thản nhiên nói rồi lại ngồi xổm xuống. - Nó sẽ khô lại, nếu không, giặt đi thì sẽ sạch. Chẳng tai hoạ gì đâu.
- Nhưng mầy làm gì thế, định lột cả quần của nó à? - Gã thứ nhất hỏi giọng bực bội.
Tên giọng khàn khàn nói một cách gay gắt:
- Nếu mầy sốt ruột thì cứ ra với mấy con ngựa đi, không có mầy ở đây chúng tao cũng xong việc? Những của còn dùng được thì sao lại bỏ phí bỏ hoài.
Grigori quay phắt đi, bỏ vào nhà trong.
Fomin đón chàng bằng cặp mắt dò hỏi. Hắn nhìn loáng qua chàng một cái rồi đứng dậy:
- Ta vào phòng trong nói chuyện một lát, kẻo ở ngoài nầy ồn quá.
Căn phòng rộng thênh thang được đốt lửa rất nóng, mùi chuột và mùi hạt đay xông lên nồng nặc. Một người nhỏ bé nằm thẳng cẳng ngủ trên giường nhưng vẫn mặc chiếc áo quân phục cổ bẻ màu cứt ngựa. Hắn có một bộ tóc lơ thơ, rối bù, đầy lông thú và lông chim nhỏ. Hắn nằm với một bên má áp sát xuống chiếc gối nhớp nhúa không có áo gối. Cây đèn treo rọi sáng khuôn mặt nhợt nhạt đã lâu không cạo.
Fomin đánh thức hắn dậy và bảo:
- Thôi dậy đi Kaparin. Chúng ta có khách đây. Đây là Grigori Melekhov, anh em của chúng ta, trước kia là trung uý, mình đặc biệt giới thiệu với cậu.
Kaparin thõng hai chân trên giường, đưa tay lên sát vào mặt rồi đứng dậy. Hắn hơi nghiêng mình bắt tay Grigori:
- Rất hân hạnh. Tôi là thượng uý Kaparin.
Fomin ân cần đẩy chiếc ghế dựa cho Grigori, còn mình thì ngồi lên cái rương. Nhìn mặt Grigori, có lẽ hắn cũng hiểu rằng việc xử tội người chiến sĩ Hồng quân đã gây cho chàng một ấn tượng rất khó chịu, vì thế hắn nói:
- Cậu đừng nghĩ rằng đối với tên nào chúng mình cũng giải quyết nghiêm khắc như thế cả. Riêng cái thằng kỳ quặc nầy là đội viên đội trưng thu lương thực. Những thằng như nó cũng như bọn chính uỷ đủ mọi hạng thì bọn mình không thả đâu, còn những đứa khác thì bọn mình khoan hồng. Chẳng hạn như hôm qua chúng mình vừa tóm được ba thằng dân cảnh, chúng mình đã chỉ lấy ngựa, yên ngựa và vũ khí còn người thì bọn mình thả đi. Giết chúng nó làm quái gì.
Grigori không nói gì. Chàng đặt hai tay lên đầu gối đeo đuổi những ý nghĩ riêng của mình, và những lời Fomin cứ nói vẳng đến lai chàng như trong một giấc mộng.
- Tạm thời chúng mình hãy cứ đánh đấm như thế nầy. Fomin nói tiếp. - Dù sao chúng mình cũng vẫn muốn phát động dân Cô-dắc nổi dậy. Không để cho Chính quyền Xô viết có thể sống được. Chúng mình nhận được những tin cho biết ở đâu cũng đang có chiến đấu. Ở đâu cũng đang có bạo động: cả ở Sibiri lẫn ở Ukraina, và ngay ở Petrograd nữa. Toàn hạm đội đã khởi nghĩa ở cái pháo đài mang cái tên là…
- Là Kronstat. - Kaparin nhắc.
Grigori ngẩng đầu, nhìn Fomin bằng hai con mắt tống rỗng như không trông thấy gì, rồi lại chuyển sang nhìn Kaparin.
- Nầy, cậu hút đi. - Fomin chìa cho chàng bao thuốc lá. - Thế đấy, Petrograd đã bị chiếm rồi và họ dang tiến về phía Moskva.
Ở khắp mọi nơi đều là cái phong trào dành tự do như thế? Cả chúng mình cũng không thể ngồi ngủ gật. Chúng mình sẽ lôi cuốn dân Cô-dắc vùng dậy, sẽ lật đổ Chính quyền Xô viết và nếu được bọn Ka-det đến giúp thì công việc của chúng mình nói chung sẽ thuận buồm xuôi gió. Cứ để cho những con người có học thức lập nên chính quyền, chúng mình sẽ giúp đỡ họ. - Đến đây hắn nín lặng rồi hỏi. - Cậu thấy thế nào, cậu Melekhov: nếu bọn Kadet tiến từ Biển Đen tới đây và chúng ta đến hợp nhất với chúng nó thì chúng mình được coi là những kẻ đầu tiên bạo động trong hậu phương chứ? Kaparin nói rằng thể nào cũng được coi là như thế đấy. Thí dụ chẳng nhẽ họ sẽ còn trách cứ mình về chuyện năm Một nghìn chín trăm mười tám mình đã đưa trung đoàn Hai mươi tám rời khỏi mặt trận và đã phục vụ cho Chính quyền Xô viết trong khoảng hai năm.
"Té ra cái mục đích mà mầy nhắm vào là như thế! Mầy là một thằng ngu xuẩn, nhưng lại ranh ma…" - Grigori nghĩ thầm và bất giác mỉm cười. Fomin chờ câu trả lời của Grigori. Rõ ràng hắn rất cần biết câu trả lời nầy. Grigori nói một cách miễn cưỡng:
- Nhưng đó còn là chuyện đường trường.
- Tất nhiên rồi, tất nhiên rồi. - Fomin sẵn lòng đồng ý. - Ý mình nói cũng là như thế đấy. Sau nầy sẽ hiểu được rõ hơn, nhưng bây giờ chúng mình cần phải hành động, phải tiêu diệt bọn cộng sản ở hậu phương. Dù sao chúng mình cũng không được để cho chúng nó sống! Chúng nó cho bộ binh của chúng nó ngồi lên những chiếc xe tải để chuyển quân mà lại muốn đuổi theo chúng mình… Hãy cứ để chúng nó thử xem. Chờ đến lúc đơn vị kỵ binh của chúng nó được điều tới thì toàn khu đã bị chúng mình đảo lộn hoàn toàn rồi!
Grigori lại dán mắt xuống chân, đăm chiêu. Kaparin xin lỗi rồi ngả lưng xuống giường.
- Tôi mệt quá. Chúng tôi có những chặng đường hành quân của những thằng điên. Chúng tôi ngủ ít lắm. - Kaparin mỉm cười một cách uể oải và nói.
- Chúng mình cũng dến lúc đi nghỉ thôi, - Fomin đứng dậy, đặt một bàn tay nặng chịch lên vai Grigori. - Cậu Melekhov ạ, ở Vosenskaia cậu đã nghe lời khuyên của mình, cừ lắm! Nếu hồi ấy cậu không lẩn đi thì có lẽ chúng nó đã làm cho cậu toi mạng rồi. Chưa biết chừng lúc nầy cậu đã nằm dưới những gò đống ở Vosenskaia, và các móng chân móng tay của cậu đã mục ra rồi… Chuyện ấy mình đã thấy được rõ ràng như nhìn xuống nước ấy. Nhưng thế nào, cậu nghĩ thế nào? Cậu nói đi, rồi chúng mình sẽ đi ngủ.
- Nói về chuyện gì cơ chứ?
- Cậu sẽ đi với bọn mình hay thế nào? Dù sao cậu cũng không thể lẩn trốn suốt đời ở nhà người khác được đâu.
Grigori đã trù tính thế nào cũng được nghe câu hỏi nầy. Cũng đến phải chọn lấy một con đường: một là tiếp tục lang thang từ thôn nầy qua thôn khác, sống một cuộc đời đói khát, không nhà không cửa rồi chết vì phiền muộn âm thầm nếu không bị nhà chủ tố cáo với chính quyền hoặc tự mình ra đầu thú với phòng chính trị, và hai là đi theo Fomin. Và chàng đã chọn xong. Lần đầu tiên trong cả buổi tối hôm nay, chàng nhìn thẳng vào mắt Fomin rồi xệch mép mỉm cười và nói:
- Sự lựa chọn của mình thì cũng như người ta kể trong các chuyện cổ tích về các anh chàng dũng sĩ: rẽ sang trái thì mất ngựa, rẽ sang phải thì mất xác… Thế là cả ba con đường đều chẳng con đường nào có thể đi được…
- Thôi cậu hãy chọn đi, đừng có thần thoại thần thiếc gì nữa. Các chuyện thần thoại thì chờ sau nầy hãy kể.
- Cũng chẳng còn cách nào khác nữa, vì thế mình đã chọn xong rồi
- Thế nào?
- Mình đi theo bày thổ phỉ của cậu vậy.
Fomin bực mình cau mày, nhay nhay một chòm ria.
- Cậu hãy bỏ cái lối gọi như thế đi. Sao lại là bày thổ phỉ? Đó là cái tên mà bọn cộng sản đặt cho bọn mình, còn cậu mà cũng nói như thế thì không đúng đâu. Chỉ là những người khởi nghĩa thôi. Giản đơn và rõ ràng là như thế.
Nhưng sự bực bội của hắn đã hết ngay như gió thoảng. Rõ ràng là hắn sung sướng trước cách quyết định của Grigori và không thể nào giấu được. Hắn phấn khởi xoa tay và nói:
- Đội ngũ của chúng ta đã lớn thêm rồi! Cậu có nghe thấy không, thượng uý? Cậu Melekhov ạ, chúng mình sẽ cho cậu một trung đội, và nếu không muốn chỉ huy trung đội cậu sẽ làm việc ở ban tham mưu với Kaparin. Mình sẽ cho cậu con ngựa của mình. Mình còn một con dự trữ nữa.

Nguồn: http://www.sahara.com.vn/