Pháo đài Riley, pháo đài lục quân xưa nhất của Hoa Kỳ, được xây cất năm 1853 khi Kansas vẫn còn được đề cập đến như "Lãnh thổ của thổ dân". Nó được xây dựng lên để bảo vệ các toa xe lửa khỏi bị các nhóm thổ dân tấn công. Ngày nay, nó được dùng trước tiên để làm một căn cứ trực thăng và một bãi đáp cho các phi cơ quân sự nhỏ hơn có cánh cố định.
Khi Stanton Rogers đáp xuống trong một chiếc DC7, ông được chỉ huy trưởng căn cứ và ban tham mưu đón tiếp.
Một chiếc xe hòm đang đậu cạnh đấy đợi sẵn để đưa Stanton đến nhà Ashley. Ông đã điện thoại cho Mary sau cú điện thoại của Tổng thống.
- Tôi hứa sẽ đi thăm bà thật ngắn ngủi, thưa bà Ashley. Tôi định bay đến vào chiều thứ hai được không?
Ông ấy thật lịch thiệp. Và ông ấy đúng là một nhân vật quan trọng. Tại sao Tổng thống lại đưa ông ấy đến nói chuyện với mình nhỉ.
- Tốt đấy.
Bằng một hành động phản xạ, Mary hỏi:
- Ngài có thích dùng cơm chiều với chúng tôi không?
Ông lưỡng lự.
- Cám ơn bà.
Sẽ là một buổi chiều dài và phiền phức đấy, - Stanton nghĩ thế.
Khi Florence Schiffer nghe tin, nàng rùng mình.
- Cố vấn ngoại giao của Tổng thống sẽ đến đây ăn tối à? Có nghĩa là chị sẽ nhận lời bổ nhiệm đấy?
- Florence, chẳng có nghĩa như vậy đâu. Tôi đã hứa với Tổng thống rằng tôi sẽ nói chuyện với ông ta. Thế thôi.
Florence vòng tay quanh người Mary và ôm chặt nàng.
- Tôi chỉ muốn làm bất kỳ điều gì để chị được hạnh phúc thôi.
- Tôi biết.
Stanton là một con người kinh khủng, Mary quả quyết như thế. Mary đã trông thấy ông tại cuộc họp báo và đã trông thấy ảnh của ông in trong tạp chí, nhưng nàng nghĩ: "Ông ấy trông to lớn hơn. Ông lịch thiệp, nhưng có một nét gì xa vắng".
- Cho phép tôi lại được nhắn những lời chia buồn thành thật của Tổng thống về thảm kịch khủng khiếp của bà, bà Ashley ạ.
- Cám ơn ngài!
Nàng giới thiệu ông với Tim và Beth. Mary đi vào bếp để xem thử Lucinda chuẩn bị bữa cơm chiều như thế nào.
- Bất cứ lúc nào bà sẵn sàng - Lucinda nói.
- Nhưng ông ấy sẽ không thích đâu!
Khi Mary bao Lucinda rằng Stanton Rogers sẽ đến nhà ăn tối và nàng muốn Lucinda làm món thịt om, Lucinda nói:
- Người như ông Rogers không ăn thịt om đâu!
- Ồ, thế họ ăn gì cơ?
- Món Châteaubriand và crêpes suzettes!
- Chúng ta sẽ ăn thịt om.
- Được thôi, - Lucinda ngoan cố nói, - Nhưng đấy là bữa ăn tối không đúng điệu.
Cùng với thịt om, chị đã dọn khoai tây nghiền có bỏ kem, rau tươi và xà lách. Chị đã làm bánh nướng nhân bí để tráng miệng. Stanton ăn hết mọi thứ trong đĩa của ông. Trong suốt bữa ăn, Mary và Stanton Rogers thảo luận những vấn đề của nông gia.
- Nông gia miền Trung Tây bị bóp chẹt kinh khủng giữa giá cả thấp và sự sản xuất ứ đọng - Mary lên tiếng một cách hăng hái. - Họ quá nghèo để sơn nhà và quá tự hào để quét vôi!
Họ nói chuyện về lịch sử rực rỡ của thị trấn Junction và cuối cùng Rogers đưa cuộc thảo luận về Rumani.
- Bà có ý kiến gì về chính phủ của chủ tịch Ionescu? - ông hỏi Mary.
- Tại Rumani chẳng có chính phủ nào cả, theo đúng nghĩa của từ ấy, - Mary đáp. - Ionescu là chính phủ. Ông ta kiểm soát tất cả.
- Bà có nghĩ rằng sẽ có một cuộc cách mạng ở đấy không?
- Không, trong những điều kiện hiện tại. Người duy nhất có đủ sức để lật đổ ông ta là Marin Groza đang lưu vong tại Pháp.
Cuộc chất vấn tiếp tục. Nàng là một chuyên viên về các quốc gia Đông Âu mà Stanton Rogers xúc động ra mặt. Mary có một cảm giác khó chịu rằng ông đã dò xét nàng dưới một chiếc kính hiến vi suốt buổi chiều. Nàng đã đến gần lằn mức hơn là nàng biết.
"Paul có lý, - Stanton Rogers nghĩ thế. - Bà ấy thực sự có thẩm quyền nói về Rumani. Và còn thêm điều gì đấy nữa! Chúng ta cần người đối lập với người Mỹ xấu xí. Bà ấy đẹp. Bà ấy và con cái tạo thành một nhóm toàn người Mỹ có giá trị". Càng lúc Stanton Rogers càng phấn khởi hơn với viễn ảnh "Bà ấy có thể hữu ích hơn là bà ấy nhận thức được".
Cuối buổi chiều, Stanton Rogers nói:
- Bà Ashley, tôi sẽ thẳng thắn với bà. Tôi đã chống lại việc Tổng thống bổ nhiệm bà làm đại sứ một nơi nhạy bén như Rumani. Tôi đã nói với ngài rất nhiều. Bây giờ tôi bảo bà điều này vì tôi đã thay đổi ý định. Tôi nghĩ rằng rất có thể bà sẽ làm một vị đại sứ tuyệt vời đấy!
Mary lắc đầu.
- Tôi lấy làm tiếc, ông Rogers ạ. Tôi không phải là nhà chính trị. Tôi chỉ là một kẻ không chuyên?
- Như Tổng thống Ellison đã vạch rõ cho tôi thấy, một số những đại sứ tinh tế nhất của chúng ta đều là những người không chuyên. Có nghĩa là, kinh nghiệm của họ không phải trong cơ quan ngoại giao. Walter Annenberg, vị cựu đại sứ của chúng ta tại Vương quốc Anh, làm nghề xuất bản.
- Tôi không phải…
- Arthur Burns, vị cựu đại sứ của chúng ta tại Cộng hoà Liên bang Đức, là một phụ khảo và John Kenneth Galbraith, đại sứ của chúng ta tại Ấn Độ, cũng là một giáo sư. Mike Mansfield khởi sự là một phóng viên trước khi làm Thượng nghị sĩ và rồi được bổ nhiệm làm đại sứ của chúng ta tại Nhật Bản. Tôi có thể cho bà thêm cả chục ví dụ nữa. Những người này đều là điều mà bà gọi là không chuyên đấy. Cái mà họ có, thưa Bà Ashley, là sự thông minh, một tình yêu nước và một thiện chí đối với dân tộc của quốc gia mà họ được đưa đến phục vụ.
- Ông làm cho việc ấy nghe ra đơn giản thật.
- Như có lẽ bà cũng biết đấy, bà đã được điều tra rất kỹ lưỡng. Bà đã được chấp thuận qua một bản phúc trình an ninh, bà chẳng có vấn đề gì với IRS cả và không có mâu thuẫn về quyền lợi nào cả. Theo khoa trưởng Hunster, bà là một giáo sư tuyệt vời và dĩ nhiên bà là một chuyên viên về Rumani. Bà đã có một điểm khởi đẩu. Và cuối cùng, nhưng không phải tối thiểu, bà có loại hình ảnh mà Tổng thống muốn chiếu lên các quốc gia Đông Âu!
Mary lắng tai nghe, một thoáng suy tư trên mặt nàng.
- Ông Rogers, tôi muốn ngài và Tổng thống biết rằng tôi cảm kích về mọi điều ngài đã nói. Nhưng tôi không thể chấp nhận được. Tôi còn Beth và Tim để nghĩ đến. Tôi không thể nhổ gốc chúng như…
- Có một trường học tốt cho bọn trẻ của các nhà ngoại giao tại Bucarest, - Rogers báo cho nàng biết.
- Đấy sẽ là một sự giáo dục tuyệt vời cho Tim và Beth để sống tại một quốc gia xa lạ. Chúng nó sẽ học được những điều mà chúng nó sẽ chẳng bao giờ học được ở các trường học tại đây.
Câu chuyện không đi theo cách Mary đã dự định.
- Tôi không - Tôi sẽ nghĩ lại việc ấy.
- Tôi lưu lại đêm nay trong thị trấn! - Stanton Rogers nói. - Tôi sẽ ở tại khách sạn Bốn Mùa. Hãy tin ở tôi đi, bà Ashley ạ, tôi biết đây là một quyết định lớn lao như thế nào cho bà. Nhưng chương trình này quan trọng chẳng những cho Tổng thống, mà còn cho quốc gia chúng ta nữa. Xin vui lòng nghĩ lại điều ấy nhé.
Khi Stanton Rogers đi khỏi, Mary lên lầu, con nàng đang đợi nàng, mắt ráo hoảnh và thích thú.
- Mẹ sẽ nhận công việc ấy không? - Beth hỏi.
- Mẹ con ta sẽ nói chuyện. Nếu mẹ chấp nhận, có nghĩa là các con sẽ bỏ trường học và tất cả bạn bè của chúng con. Các con sẽ sống tại một nước xa lạ mà chúng ta không biết tiếng và các con sẽ học tại một ngôi trường lạ!
- Tim và con đã bàn tất cả về việc ấy, - Beth nói, - Và mẹ biết chúng con nghĩ gì không?
- Gì thế?
- Bất cứ quốc gia nào cũng sẽ thật sự may mắn nếu có mẹ đến làm đại sứ.
Đêm ấy nàng nói chuyện với Edward.
"Có lẽ anh nên nghe ông ta nói, anh yêu. Ông ta nói như thể Tổng thống cần đến em thực sự. Có lẽ có cả triệu người có thể làm việc ấy tốt hơn em, nhưng ông ta quá tâng bốc em. Anh có nhớ anh và em đã nói chuyện với nhau rằng việc ấy sẽ thích thú thế nào không? Này, bây giờ em lại có cơ hội và em không biết phải làm gì cả. Nói thật với anh đấy, em rất sợ. Đây là nhà của chúng ta. Làm sao em có thể bỏ đi cho được? Ở đây có quá nhiều kỷ niệm của anh. - Nàng nhận ra nàng đang khóc. - Đảy là tất cả những gì của anh, em còn lại. Hãy giúp em quyết định. Em van anh, hãy giúp em…"
Nàng ngồi cạnh cửa sổ, trong chiếc áo ngủ, nhìn ra cây cối đang run rẩy trong cơn gió hú không ngừng.
Đến bình minh, nàng đi tới quyết định.
Lúc 9 giờ sáng, Mary điện thoại đến khách sạn Bốn Mùa và xin gặp Stanton Rogers.
Khi ông nhấc ống nghe, nàng lên tiếng bảo:
- Ngài Rogers, xin ngài vui lòng nói với Tổng thống rằng tôi sẽ rất vinh dự chấp nhận việc Tổng thống bổ nhiệm tôi vào chức vụ đại sứ.
Chương 11
- Con này còn đẹp hơn cả con kia, - nhân viên bảo vệ nghĩ thế. Nàng trông không giống một con điếm mà có thể là minh tinh điện ảnh hoặc một người mẫu gì đấy, tuổi vừa độ 20, có mái tóc hoe dài và một làn da trắng như sữa. Nàng mặc một chiếc áo kiểu.
Lev Pasternak đích thân đến cổng để đưa nàng vào nhà. Cô gái, Bisera, người Nam Tư và đây là chuyến đầu tiên nàng đến Pháp. Quang cảnh của tất cả những nhân viên an ninh võ trang làm nàng căng thẳng. Mình không biết mình phải làm gì đây? Bisera chỉ biết rằng tên ma cô của nàng đã trao cho nàng một vé phi cơ khứ hồi và bảo nàng rằng nàng sẽ được trả 2.000 đô-la cho công việc dài một tiếng đồng hồ.
Lev Pasternak gõ vào cửa phòng ngủ và giọng của Groza vọng ra:
- Vào đi.
Pasternak mở cửa và đưa cô gái vào bên trong, Marin Groza đang đứng tại chân giường. Ông đang mặc áo ngủ và nàng không biết được rằng ông đang trần truồng trong chiếc áo ấy.
Lev Pasternak lên tiếng:
- Đây là Bisera. - Chàng không nói đến tên Mary Groza.
- Chào em, vào đi.
Pasternak bỏ đi sau khi cẩn thận đóng cửa lại sau lưng chàng và Marin Groza còn lại một mình với cô gái.
Nàng đi về phía ông và nở nụ cười quyến rũ:
- Anh trông thoải mái đấy. Tại sao em không cởi quần áo và cả hai chúng ta đều thoải mái nhỉ?
Nàng bắt đầu cởi áo.
- Không, Hãy giữ quần áo lại.
Nàng nhìn ông kinh ngạc:
- Anh không thích em.
Groza bước đến tủ và lựa một cây roi. "Tôi muốn em dùng cái này".
À ra thế. Một thần vật nô dịch. Kỳ lạ. Ông ta không có vẻ như thế. Người ta không bao giờ biết đâu: Bisera nghĩ thế.
- Được thôi, anh yêu. Bất cứ gì tuỳ anh.
Marin Groza cởi chiếc áo ngủ ra và xoay ]ại.
Bisera sững sờ khi nhìn thấy thân thể đầy những vết sẹo của ông. Nó đầy những đường khâu dữ tợn.
Có một điều gì đấy trên nét mặt ông làm nàng bối rối và khi nàng nhận thức được đấy là gì, nàng càng lúng túng hơn. Thực là thống khổ. Người đàn ông đang bị điều đau đớn. Tại sao ông ta muốn bị quất như thế? Nàng nhìn ông trong lúc ông đang đi đến một chiếc ghế đẩu và ngồi lên đấy.
- Mạnh, - Ông lên tiếng. - Hãy quất cho tôi thật mạnh.
- Được thôi!
Bisera nhặt chiếc roi da dài lên. Sự khổ dâm không phải là mới lạ với nàng, nhưng ở đây có một điều gì khác mà nàng không hiểu được.
Mà thôi, chẳng phải là phận sự của mình, - Bisera nghĩ thế! - Cứ lấy tiền và chuồn đi.
Nàng giơ roi lên và quất vào tấm lưng trần của ông.
- Mạnh hơn, - Ông thúc giục. - Mạnh hơn.
Ông nao núng với cơn đau khi chiếc roi da đập mạnh vào da ông. Một lần, hai lần… thêm nữa… và thêm nữa, càng lúc càng mạnh hơn. Cái ảo ảnh mà ông đã đợi lúc ấy đến với ông. Cảnh vợ con ông bị hãm hiếp hiện dần lên trong óc ông. Đó là một cuộc hãm hiếp tập thể và những bọn lính cười ha hả đi từ người đàn bà tới cô gái nhỏ, quần chúng kéo xệ xuống, sắp hàng đợi đến lượt mình. Marin Groza bám vào chiếc ghế đẩu như thể bị buộc vào đấy. Trong lúc chiếc roi liên tục hạ xuống, ông có thể nghe được những tiếng thét của vợ con ông van lơn xin thương xót, ngạt thở vì dương vật của bọn đàn ông nhét trong miệng, đồng thời bị hãm hiếp như con vật cho đến khi máu bắt đầu thổ ra và những tiếng kêu khóc của họ lắng dần.
Và Marin Groza rên rỉ:
- Mạnh hơn!
Và với mỗi tiếng roi, ông cảm thấy lưỡi dao bén ngọt thọc sâu vào thiến bộ sinh dục của ông. Ông khó thở.
- Thôi! Thôi! - Giọng ông chỉ còn là tiếng khò khè. Phổi ông như bị tê liệt.
Cô gái dừng lại, giữ chiếc roi lại nửa chừng.
- Này, anh có sao không? Em…
Nàng trông thấy ông ngã xuống sàn nhà, đôi mắt mở to chẳng nhìn vào đâu cả.
Bisera thét lên.
- Cứu tôi với! Cứu tôi với!
Lev Pasternak chạy vào, súng cầm tay. Chàng trông thấy bóng người trên sàn nhà.
- Việc gì đã xảy ra thế?
Bisera cuồng loạn.
- Ông ấy chết. Ông ấy chết! Tôi chẳng làm gì cả. Tôi chỉ quất ông ấy như ông ấy bảo tôi. Tôi thề đấy!
Vị bác sĩ trong biệt thự, vào phòng chỉ trong vài giây. Ông nhìn thân thể Marin Groza và cúi xuống khám nghiệm. Nước da đã xanh lại và cơ bắp cứng đờ.
Ông ta nhặt chiếc roi lên và ngửi.
- Gì thế?
- Trời! Chất cura. Nó là chất nhựa lấy từ một loại cây Nam Mỹ. Người Inca dùng nó để giết kẻ thù. Trong vòng ba phút, toàn bộ hệ thống thần kinh sẽ bị tê liệt.
Hai người đàn ông đứng đấy, bất lực nhìn vị lãnh tụ đã chết của họ.
***
Tin tức về cuộc ám sát Marin Groza được loan khắp thế giới bằng vệ tinh. Lev Pasternak có khả năng tránh báo chí về những chi tiết bẩn thỉu. Tại Washington DC, Tổng thống có một cuộc họp với Stanton Rogers.
- Cậu nghĩ ai ở đằng sau vậy, Stan?
- Hoặc người Nga hoặc Ionescu. Rốt cuộc cũng đến việc ấy thôi, phải không? Họ không muốn nguyên trạng bị quấy rối.
- Vậy là chúng ta sẽ đương đầu với Ionescu. Rất tốt. Hãy xúc tiến việc bổ nhiệm Mary Ashley càng nhanh càng tốt.
- Bà ấy đang trên đường đến đây, Paul ạ.
***
Được tin, Angel mỉm cười.
- Việc xảy ra sớm hơn mình nghĩ.
10 giờ tối, điện thoại riêng reo và ngài chủ sự nhấc ống nghe.
- A-lô.
Ông nghe giọng hầu của Neusa Munez.
- Angel đã xem báo sáng nay. Anh ấy bảo đặt tiền vào tài khoản ngân hàng của anh ấy.
- Hãy bảo ông ấy rằng việc đó sẽ được lo ngay. Và cô Munez hãy bảo Angel rằng tôi rất hài lòng.
Đồng thời hãy bảo ông ấy rằng tôi có thể lại cần đến ông ấy rất sớm đấy. Cô có một số điện thoại nào để tôi có thể liên lạc với cô không?
Ngưng lại một lúc lâu, rồi:
- Tôi đoán vậy.
Nàng cho ông số điện thoại.
- Tốt. Nếu Angel…
Đường dây bị cúp.
- Khỉ thật con chó cái ngu xuẩn ấy.
Số tiền được đặt vào số tài khoản tại Zurich sáng hôm ấy và một giờ sau đấy nó được nhận và được chuyển đến một ngân hàng Ả-rập Saudi tại Genève.
- Một người không thể không quá thận trọng lúc này, - Angel nghĩ thế. - Bọn chủ ngân hàng quái quỷ ấy sẽ lừa bạn bằng mọi cơ hội có được.
Chương 12
Còn hơn là gói ghém một ngôi nhà. Đó là gói ghém một cuộc đời. Đó là vĩnh biệt 13 năm mơ mộng, kỷ niệm và yêu đương. Đó là một lời từ giã cuối cùng với Edward. Ngôi nhà này đã là tổ ấm của họ và bây giờ nó chỉ lại là một ngôi nhà làm nơi cư ngụ của những người lạ không biết gì về những niềm vui, những nỗi buồn, những giọt lệ và những tiếng cười đã có trong những bức tường này.
Douglas và Florence Schiffer hài lòng vì Mary đã quyết định chấp thuận chức vụ đại sứ.
- Chị kỳ thật, - Florenee Schiffer quả quyết với Mary, - Doug và tôi sẽ nhớ chị và lũ trẻ.
- Hãy hứa rằng chị sẽ đến Rumani thăm chúng tôi đi!
- Hứa đấy.
Mary tràn ngập những chi tiết thực tế cần phải lo, rất nhiều những trách nhiệm không quen.
Nàng lập một bảng liệt kê.
Gọi công ty lưu trữ để gom những vật cá nhân mà chúng mình bỏ lại.
Huỷ bỏ hợp đồng với người mang sữa.
Huỷ bỏ hợp đồng đặt mua báo.
Cho người đưa thư địa chỉ thư từ mới.
Ký hợp đồng cho thuê ngôi nhà.
Thu xếp vấn đề bảo hiểm.
Thay đồ dùng.
Thanh toán tất cả các phiếu nợ.
Đừng sợ hãi. Thu xếp với Khoa trưởng Hunter một giấy phép vắng mặt vô hạn định tại Trường đại học.
- Tôi sẽ có người để phụ trách các lớp học bỏ dở cửa bà. Chẳng có vấn đề gì cả. Nhưng các sinh viên hội thảo chuyên đề của bà chắc chắn sẽ nhớ bà đấy - ông mỉm cười. - Tôi chắc rằng bà sẽ làm cho tất cả chúng tôi tự hào đấy, bà Ashley ạ. Chúc bà may mắn.
- Cám ơn ông.
Mary cho con nghỉ học. Phải thu xếp chuyến đi và phải mua vé máy bay. Trong quá khứ, Mary đã phó mặc những việc giao dịch tài chánh vì đã có Edward giải quyết. Bây giờ chẳng có Edward nào cả, ngoại trừ trong tâm khảm của nàng và nơi đó chàng sẽ ở lại mãl mãi.
Mary lo lắng về Beth và Tim. Lúc đầu chúng phấn khởi về việc sống tại một nước ngoài, nhưng bây giờ lúc mà chúng phải đối diện với thực tế, chúng e sợ đủ thứ. Mỗi đứa đã đến gặp riêng Mary.
- Mẹ ơi! - Beth nói, - Con không thể nào bỏ cả bạn bè của con. Con không còn được gặp lại Virgil nữa. Con có thể ở lại đây cho đến cuối học kỳ không?
Tim nói:
- Con vừa tham gia vào một đội bóng nhỏ. Nếu con đi, bọn nó sẽ tìm một thủ môn thứ ba mất. Có lẽ sau mùa hè chúng con mới có thể đi được, khi hết mùa bóng. Con xin mẹ đấy!
Chúng nó đều hoảng sợ. Như mẹ chúng. Stanton Rogers quả thật có sức thuyết phục.
Nhưng lúc còn lại một mình với những nỗi sợ hãi giữa đêm tối, Mary nghĩ: "Mình chẳng biết gì về việc làm đại sứ cả. Mình chỉ là một người nội trợ Kansas mà đòi làm một loại chính khách. Mọi người sẽ biết mình gian lận. Mình đồng ý việc này là điên thật đấy".
Cuối cùng, mọi việc đã đâu vào đấy thật lạ lùng. Ngôi nhà được một gia đình vừa đến thị trấn Junction thuê dài hạn.
Đã đến lúc phải đi.
- Doug và tôi sẽ đưa chị ra sân bay, - Florence nài nỉ.
Sân bay, nơi họ sẽ đáp một chiếc phi cơ hành khách sáu chỗ ngồi bay hàng tháng đi thành phố Kansas, Missouri, toạ lạc tại Manhattan, Kansas.
Tại thành phố Kansas, họ sẽ chuyển sang một phi cơ lớn hơn để đi Washington DC.
- Hãy cho tôi chỉ một phút thôi. - Mary nói.
Nàng bước lên lầu đến căn phòng ngủ mà nàng và Edward đã cùng nhau chia sẻ những năm tháng tuyệt vời. Nàng đứng đấy nhìn khá lâu một lần cuối cùng.
- Anh thân yêu nhất đời, bây giờ em sắp đi. Em chỉ muốn nói lời từ giã. Em nghĩ rằng em sẽ làm những gì có lẽ anh thích em làm. Em hy vọng thế.
Điều duy nhất thật sự làm em phiền là em có cảm giác rằng em và con có lẽ sẽ chẳng còn bao giờ trở về đây nữa. Em có cảm giác hình như em bỏ trốn anh. Nhưng anh sẽ cùng em trên mọi bước đường em đi. Bây giờ em cần đến anh hơn bao giờ hết.
- Hãy ở bên em. Hãy giúp em. Em yêu anh thật nhiều đấy. Đôi khi em không nghĩ rằng em có thể chịu đựng nổi khi không có anh. Anh có thể nghe em không, anh yêu! Anh có đấy không?
Douglas Schiffer lo kiểm soát hành lý của họ đưa lên chiếc phi cơ nhỏ. Khi Mary trông thấy chiếc phi cơ nằm trên sân trải đá dăm, nàng khựng lại tại chỗ.
- Ôi, Chúa ơi!
- Việc gì thế? - Florence hỏi.
- Tôi bận quá, tôi quên bẵng đi!
- Về việc gì?
- Bay! Florence à, suốt cả đời, tôi chưa bao giờ lên một chiếc phi cơ nào cả. Tôi không thể leo vào cái vật ấy được?
- Mary - bất cứ điều gì xảy ra cũng đều chênh lệch một phần triệu đấy!
- Tôi không thích việc may rủi, - Mary nói thẳng - Chúng tôi sẽ đi xe lửa.
- Chị không thể đi được. Họ đang đón chị tại Washington chiều nay.
- Còn sống. Nếu chết, tôi sẽ chẳng có ích gì cho họ cả.
Gia đình Schiffer phải mất 15 phút để thuyết phục Mary lên phi cơ. Nửa giờ sau, nàng và con nàng buộc dây an toàn trong khoang chuyến bay số 82 của Hàng không Trung Tây. Trong lúc động cơ rú lên và phi cơ bắt đầu chạy nhanh xuống phi đạo, Mary nhắm mắt lại và nắm chặt tay ghế. Vài giây sau, họ được nhấc bổng lên không.
- Suỵt! Đừng nói!
Nàng ngồi cứng đờ, không nhìn ra cửa sổ, tập trung vào việc bám lấy chiếc phi cơ trên không.
Con nàng đang chỉ tay xuống những quang cảnh bên dưới, rất thích thú.
- Lũ trẻ, - Mary suy nghĩ cay đắng - Chúng biết gì cơ chứ!
Tại sân bay thành phố Kansas, họ chuyển sang một chiếc DC-10 và cất cánh đi Washington DC, Beth và Tim cùng ngồi với nhau và Mary ngồi bên dãy ghế bên kia. Một phụ nữ lớn tuổi ngồi gần Mary.
- Nói thật với bà nhé, tôi hơi lo lo đấy, - người bạn ngôi bên cạnh của Mary tự thú. - Trước đây tôi chưa hề đi máy bay lần nào.
Mary vỗ vào tay bà ta mỉm cười.
- Chẳng có gì phải lo cả. Sự rủi ro chỉ là một phần triệu của bất cứ điều gì xảy ra thôi.
Chương 13
Khi phi cơ của họ đáp xuống sân bay Dulles tại Washington, Mary và các con được một thanh niên tại Bộ Ngoại giao ra đón.
- Chúc mừng bà đã đến Washington, bà Ashley. Tên tôi là John Burns. Ông Rogers yêu cầu tôi đón và đưa bà đến khách sạn của bà an toàn. Tôi đã giữ chỗ cho bà tại Riverdale Towers. Tôi nghĩ rằng bà và các cháu đều được thoải mái ở đấy.
- Cám ơn ông.
Mary giới thiệu Beth và Tim.
- Xin bà trao cho tôi vé hành lý của bà, bà Ashley, tôi sẽ lo liệu mọi việc cho.
Hai mươi phút sau, tất cả đều ngồi trong một chiếc xe hòm hướng về trung tâm Washington.
Tim nhìn ra cửa xe, bàng hoàng.
- Nhìn kìa, - nó la lên - Kia là đài kỷ niệm Lincoln.
Beth nhìn ra cửa sổ bên kia.
- Đài kỷ niệm Washington mà.
Mary nhìn John Burns bối rối.
- Tôi chắc rằng bọn trẻ không rành mấy, - nàng lên tiếng xin lỗi. - Ông thấy đấy, chúng nó chưa bao giờ đi xa… nàng liếc ra cửa sổ và mắt nàng mở to.
- Nhìn kìa! Toà Bạch Ốc đấy?
Chiếc xe hòm di chuyển lên Đại lộ Pennsylvania, được bao bọc bằng một số mốc giới hạn rắc rối nhất thế giới. Mary phấn khởi nghĩ: "Đây là thành phố cai trị thế giới. Đây là nơi của quyền lực. Và ở một khía cạnh nhỏ, mình sẽ là một phần của nó.
Khi chiếc xe hòm tiến dần đến khách sạn, Mary lên tiếng hỏi:
- Khi nào tôi được gặp ông Rogers nhỉ?
- Ông ấy sẽ tiếp xúc với bà ngay sáng nay.
***
Peter Connors, trưởng Kudesk, ban phản gián của CIA, làm việc khuya và ngày làm việc của ông đã chấm dứt từ lâu rồi, mỗi buổi sáng, lúc ba giờ, đều có một toán báo cáo để chuẩn bị danh sách kiểm tra tin báo hằng ngày cho Tổng thống đã được thu nhập qua các công điện trong đêm. Bản báo cáo mật danh là "pickles" phải chuẩn bị xong lúc 6 giờ sáng để đưa lên bàn giấy của Tổng thống vào lúc khởi sự ngày làm việc của ngài. Một người văn thư võ trang mang danh sách đến Toà Bạch Ốc vào bằng cổng phía Tây. Peter Connors thích thú trở lại việc nghe trộm các điện đài đánh đi từ Đông Âu, bởi vì đa số liên quan đến việc bổ nhiệm Mary Ashley làm Đại sứ Mỹ tại Rumani.
Liên Xô lo rằng kế hoạch của Tổng thống Ellison là một thủ đoạn để xâm nhập vào các quốc gia anh em trong khối, để theo dõi hoặc dụ dỗ họ.
- Bọn cộng sản không lo lắng như ta, - Peter Connors suy nghĩ một cách giận dữ. - Nếu ý kiến của Tổng thống thành công, cả quốc gia này sẽ là một cái nhà trống cho những tên gián điệp quái quỷ của họ.
Peter Connors đã được thông báo lúc Mary Ashley đáp xuống Washington. Ông đã nhìn thấy ảnh của nàng và hai đứa con.
- Họ sẽ tuyệt đấy, - Connors vui vẻ nghĩ thế.
Riverdale Tower, cách khu nhà máy nước Liên Hợp một dãy nhà, là một khách sạn gia đình nhỏ có những dãy phòng tiện nghi trang trí đẹp.
Một người trực tầng mang hành lý đến và trong lúc Mary bắt đầu mở ra, chuông điện thoại reo. Mary nhấc ống nghe.
- A-lô.
Một giọng nam lên tiếng:
- Bà Ashley đấy à?
- Vâng!
- Tên tôi là Ben Cohn. Tôi là phóng viên của tờ Washington Post. Không biết tôi có thể nói chuyện vài phút không?
Mary ngần ngại.
- Chúng tôi vừa đăng ký xong và tôi…
- Sẽ chỉ mất 5 phút thôi. Thật ra tôi chỉ muốn chào bà!
- À, tôi cho rằng…
- Tôi đang lên đây.
Ben Cohn lùn và chắc nịch, có thân hình vạm vỡ và khuôn mặt méo mó của một võ sĩ đoạt giải. Ông ta trông giống một phóng viên thể thao, - Mary nghĩ.
Ông ngồi trên một chiếc ghế có tay đối diện với Mary.
- Bà đến Washington lần đầu chứ, bà Ashley? Ben Cohn hỏi.
- Vâng! - Nàng nhận thấy ông chẳng có sổ sách hoặc máy ghi âm nào cả.
- Tôi sẽ không hỏi bà câu hỏi ngốc nghếch nào đâu?
Nàng cau mày.
- Thế nào là câu hỏi ngốc nghếch?
- Bà thích Washington như thế nào? Mỗi khi một nhân vật nổi danh bước ra khỏi một chiếc phi cơ ở đâu đấy, việc đầu tiên họ được hỏi là, ngài thích địa điểm này như thế nào?
Mary cười.
- Tôi không phải là một nhân vật nổi danh, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ rất thích Washington.
- Bà là một giáo sư tại Trường đại học tiểu bang Kansas phải không?
- Vâng. Tôi dạy một lớp có tên là Đông Âu: Chính sách ngày nay.
- Tôi hiểu rằng Tổng thống lần đầu tiên được biết đến bà khi ngài đọc một quyển sách của bà về Đông Âu. Và các bài viết ở tạp chí.
- Vâng!
- Và phần còn lại, như họ nói, là lịch sử.
- Tôi cho rằng đấy là một cách bất thường để…
- Không phải bất thường đâu. Jeane Kirpatrick được Tổng thống Reagan chú ý cũng bằng cách ấy và ngài đã bổ nhiệm bà ta làm đại sứ tại Liên Hiệp Quốc. - Ông ta mỉm cười với nàng. - Vậy bà thấy đấy đấy là tiền lệ. Đấy là một trong những lời đồn đại lớn tại Washington. Tiền lệ. Ông bà của bà là người Rumani à?
- Ông tôi. Đúng đấy!
Ben Cohn ở lại thêm 15 phút nữa lấy tin về gốc gác của Mary.
Mary hỏi:
- Khi nào cuộc phỏng vấn này sẽ đưa lên báo? - Nàng muốn biết chắc để gửi các phó bản về cho Florence và Douglas và những bạn bè khác của nàng tại quê nhà.
Ben Cohn đứng dậy và nói mơ hồ:
- Lúc này thì tôi giữ nó lại. - Có một cái gì đấy về tình hình làm ông bối rối. Vấn đề là ông không hiểu đấy là cái gì. - Chúng ta sẽ nói chuyện sau.
Sau khi ông đi, Beth và Tim vào phòng khách.
- Ông ta tử tế không mẹ?
- Ừ, - nàng ngần ngại, không xác nhận. - Mẹ nghĩ thế.
Sáng hôm sau, Stanton Rogers gọi điện.
- Chào bà Ashley. Stanton Rogers đây.
Giống như nghe giọng nói của một người bạn cũ. Có lẽ vì ông là người duy nhất trong thành phố mà mình biết, Mary nghĩ thế. - Chào ông Rogers. - Cám ơn ông đã cho ông Burns đón chúng tôi tại sân bay và thu xếp khách sạn cho chúng tôi!
- Tôi tin là bà hài lòng! Thật đáng yêu!
- Tôi nghĩ rằng sẽ là một ý kiến hay nếu chúng ta gặp nhau để thảo luận một số thủ tục mà bà sẽ phải trải qua.
- Tôi muốn thế đấy.
- Tại sao chúng ta hôm nay không dùng cơm trưa tại Grand nhỉ? Không xa khách sạn của bà đâu! Một giờ nhé?
- Tốt thôi!
- Tôi sẽ gặp bà ở phòng ăn dưới lầu nhé!
Bắt đầu đấy.
***
Mary thu xếp cho con nàng ăn trong phòng vào lúc một giờ, một chiếc taxi đưa nàng đến khách sạn Grand. Mary nhìn nó sợ hãi. Khách sạn Grand là trung tâm quyền lực của thành phố. Các Bộ trưởng Ngoại giao và các nhà ngoại giao khắp thế giới ở đấy và lý do thật dễ thấy: Đấy là một toà nhà thanh nhã có một hành lang uy nghi và những tầng lầu bằng đá cẩm thạch ý, những cây cột duyên dáng đứng dưới trần nhà hình vòng cung.
Có một sân cây cảnh, một vòi phun và một hồ bơi lộ thiên. Cầu thang đá cẩm thạch đưa xuống nhà hàng dạo mát, nơi Stanton Rogers đang đợi nàng.
- Chào bà Ashley!
- Chào ông Rogers!
Ông cười.
- Nghe trịnh trọng quá. Bà nghĩ thế nào về việc ta gọi nhau là Stan và Mary nhỉ?
Nàng hài lòng.
- Hay đấy!
Stanton Rogers có vẻ khác khác thế nào ấy và Mary khó mô tả sự thay đổi ấy. Tại thị trấn Junction, ông có vẻ xa cách, hầu như là một sự căm ghét đối với nàng. Bây giờ điều ấy hình như đã tan biển hoàn toàn. Ông nồng nhiệt và thân mật. Sự khác biệt là ông ấy đã chấp nhận mình! - Mary nghĩ một cách sung sướng.
- Bà muốn dùng một ly rượu chứ?
- Không, cám ơn.
Họ gọi bữa ăn trưa. Những món khai vị hình như quá đắt đối với nàng. - Không như giá cả tại thị trấn Junction đâu. - Giá phòng khách sạn của nàng là 250 đô-la một ngày.
- Dù thế nào, tiền của mình sẽ không kéo dài được mấy, - Mary nghĩ thế.
- Stan, tôi không muốn có vẻ thô lỗ, nhưng ông có thể cho tôi biết lương đại sứ được bao nhiêu không?
- Ông bật cười. - Đấy là một câu hỏi thú vị.
Lương của bà sẽ là 65.000 đô-la một năm cộng với phụ cấp nhà cửa.
- Khi nào thì bắt đầu?
- Lúc bà tuyên thệ.
- Và từ bây giờ đến lúc ấy!
- Bà sẽ được trả 75 đô-la một ngày.
Tim nàng chùng xuống. Số tiền ấy sẽ không lo được ngay cả phiếu thanh toán tiền khách sạn của nàng, chưa kể đến những khoản chi tiêu khác nữa.
- Tôi sẽ ở lại Washington có lâu không? - Mary hỏi.
- Độ một tháng. Chúng tôi sẽ làm mọi việc theo khả năng để xúc tiến công việc của bà. Bộ trưởng Ngoại giao đã gửi điện đến chính phủ Rumani để xin chấp thuận sự bổ nhiệm của bà. Nói riêng với bà nhé, đã có những cuộc thảo luận riêng tư giữa hai chính phủ. Sẽ chẳng có vấn đề gì với người Rumani cả, nhưng bà vẫn còn phải được Thượng nghị viện thông qua!
Vậy là chính phủ Rumani sẽ chấp nhận mình - Mary ngạc nhiên suy nghĩ. Có lẽ mình có đủ điều kiện hơn là mình nhận thức được.
- Tôi đã hội ý không chính thức về việc bà với chủ tịch Uỷ ban liên hệ ngoại giao của Thượng viện. Bước kế tiếp sau đấy sẽ là một cuộc tường trình công khai của toàn thể Uỷ ban. Họ sẽ hỏi bà về gốc gác của bà, về sự trung thành của bà với quốc gia này, nhận thức của bà về công việc, và bà hy vọng hoàn thành những gì.
- Sau đấy thế nào?
- Uỷ ban bỏ phiếu và khi họ nộp báo cáo, toàn thể Thượng viện sẽ bỏ phiếu.
Mary chậm rãi nói:
- Các việc bổ nhiệm đã được bổ nhiệm từ trước phải không?
- Uy tín của Tổng thống còn chưa rõ với điều này. Bà sẽ được sự ủng hộ hoàn toàn của Toà Bạch Ốc. Tổng thống tha thiết tiến hành việc bổ nhiệm bà càng nhanh càng tốt. Bỗng nhiên tôi nghĩ rằng bà và các cháu có thể thích đi xem phong cảnh trong ít ngày tới, nên tôi đã thu xếp một chiếc xe và một tài xế cho bà và một chuyến tham quan riêng tại Toà Bạch ổc.
- Ồ, cám ơn ông nhiều.
Stanton Rogers mỉm cười.
- Rất hân hạnh.
***
Chuyến tham quan riêng tại Toà Bạch Ốc được thu xếp vào sáng hôm sau. Một người hướng dẫn đi theo họ. Họ được đưa qua vườn hồng Jacqueline Kennedy và khu vườn Mỹ kiểu thế kỷ 16 gồm một cái ao, cây cối và rau cỏ dùng cho nhà bếp của Toà Bạch Ốc.
- Trước mặt! - người hướng dẫn thông báo, - là cánh Đông: Đấy là các văn phòng quân sự, các liên lạc viên của Quốc hội với Tổng thống, một phòng khách và văn phòng của Đệ nhất phu nhân.
Họ đi qua cánh Tây và nhìn vào Văn phòng Bầu dục của Tổng thống.
- Họ có bao nhiêu phòng ở đây? - Tim lên tiếng hỏi.
- Có 132 phòng, 69 chiếc tủ, 29 lò sưởi và 17 phòng tắm.
- Chắc họ phải đến phòng tắm nhiều đấy!
- Tổng thống Washington đã coi sóc việc xây cất Toà Bạch Ốc. Ngài là vị Tổng thống duy nhất không bao giờ ở đây.
- Tôi chẳng trách người đâu! - Tim lẩm bẩm. - Nó quá lớn.
Mary thúc khuỷu tay và nó đỏ mặt.
Chuyến tham quan mất gần hai giờ và lúc chấm dứt, gia đình Ashley mệt lừ và xúc động.
Đây là nơi tất cả đã khởi đầu. - Mary nghĩ thế. - Và giờ đây mình là một thành phần của nó.
- Mẹ à!
- Gì đó Beth?
- Mặt mẹ có vẻ buồn cười đấy.
***
Cú điện thoại từ văn phòng Tổng thống đến vào sáng hôm sau.
- Chào bà Ashley. Tổng thống Ellison không biết liệu bà có thể có mặt chiều nay để gặp ngài không?
Mary nhẫn nại.
- Vâng. Tôi… dĩ nhiên.
- Ba giờ thích hợp chứ?
- Tốt đấy!
- Một chiếc xe hòm sẽ đợi bà dưới lầu lúc 2 giờ 45.
Paul Elhson đứng lên trong lúc Mary được đưa vào Văn phòng Bầu dục. Ông tiến đến bắt tay nàng, cười cởi mở và nói:
- Gotcha.
Mary cười:
- Thưa Tổng thống, tôi hài lòng. Đây là một đặc ân lớn cho tôi đấy!
- Ngồi xuống đi, bà Ashley. Cho phép tôi gọi bà là Mary chứ?
- Xin ngài tự nhiên!
Họ ngồi xuống trường kỷ.
Tổng thống Ellison lên tiếng.
- Bà sẽ là doppelganger của tôi đấy. Bà biết đấy là gì không?
- Đấy là một loại tinh thần tương đồng của một con người sống!
- Đúng. Và đấy là chúng ta. Mary, tôi không thể nói cho bà biết tôi đã phấn khởi như thế nào khi tôi đọc bài báo mới nhất của bà. Dường như tôi đang đọc lại điều tôi đã viết vậy. Có nhiều người không tin rằng kế hoạch giữa các dân tộc của chúng ta có thể thực hiện được, và tôi sẽ đùa họ đấy.
Chương trình giữa các dân tộc của "chúng ta". Chúng ta sẽ đùa họ. Ông ta là một "người phù phép" - Mary nghĩ thế. Nàng nói to:
- Thưa Tổng thống, tôi muốn làm tất cả theo khả năng của mình.
- Tổng thống đang trông cậy vào bà. Rất nhiều. Rumani là vùng đất thử nghiệm. Từ khi Groza bị ám sát, công việc của bà sẽ khó hơn. Nếu chúng ta có thể thành công ở đấy, chúng ta sẽ có thể thực hiện tại các quốc gia cộng sản khác.
Họ bỏ ra thêm 30 phút nữa đe thảo luận một số vấn đề trước mắt, và rồi Paul Ellison nói:
- Stanton Rogers sẽ sát cánh với bà. Ông ấy đã trở thành một người rất hâm mộ bà! - Ông chìa tay ra. - Chúc may mắn, doppelganger ạ!
***
Chiều hôm sau, Stanton Rogers điện thoại cho Mary.
- Bà có hẹn lúc 9 giờ sáng mai với chủ tịch Uỷ ban liên hệ ngoại giao của Thượng Viện.
Uỷ ban liên hệ ngoại giao đặt văn phòng tại toà nhà Russell, toà nhà chính phủ cổ nhất tại Washington. Một tấm biển trong hành lang bên phải của ghi: Uỷ ban liên hệ ngoại giao SD-419.
Vị chủ tịch là một người đàn ông tóc muối tiêu, mập mạp với đôi mắt xanh sắc sảo và cử chỉ thoải mái của một chính trị gia chuyên nghiệp.
Ông đón Mary ở cửa.
- Charlie Campbell. Hân hạnh được gặp bà, bà Ashley ạ. Chắc chắn là tôi đã nghe nhiều về bà.
Tốt hay xấu? - Mary tự hỏi.
Ông đưa nàng đến một chiếc ghế.
- Cà phê nhé?
- Không. Cám ơn ngài Thượng nghị sĩ. - Nàng quá lo âu để cầm một cái tách trong tay.
Vậy thì, chúng ta hãy đi thẳng vào công việc. Tổng thống nôn nóng để bà đại diện cho chúng ta tại Rumani. Đương nhiên, tất cả chúng tôi đều muốn ủng hộ ngài hoàn toàn bằng mọi cách có thể được. Câu hỏi là… bà có nghĩ rằng bà có đủ điều kiện để thi hành chức vụ ấy không, bà Ashley?
- Không, thưa ngài.
Câu trả lời của nàng làm ông sững sờ.
- Xin lỗi bà?
- Nếu ngài muốn hỏi rằng liệu tôi có kinh nghiệm ngoại giao nào không để đương đầu với các nước, thì tôi không đủ tư cách. Tuy nhiên, tôi đã được cho biết rằng một phần ba các vị đại sứ của quốc gia cũng là những người không có kinh nghiệm trước. Điều mà tôi sẽ mang lại cho công việc của tôi là một kiến thức về Rumani. Tôi quen thuộc với những vấn đề kinh tế, xã hội của họ và nền tảng chính trị của họ. Tôi tin rằng tôi có thể phản ánh một bức tranh tích cực của quốc gia chúng ta cho người Rumani.
À - Charlie Campbell ngạc nhiên suy nghĩ.
Mình đã hy vọng một cái đầu rỗng tuếch. Thực sự, Campbell ghét Mary Ashley còn hơn trước khi gặp nàng nữa. Ông đã được cấp trên ra lệnh phải lo cho Mary Ashley được Uỷ ban của ông chấp thuận, dù họ có nghĩ gì về nàng đi chăng nữa. Có nhiều tiếng cười khúc khích đang tiếp tục trong hệ thống quyền lực về điều rất sai lầm mà Tổng thống đã làm, bằng cách chọn một người quê mùa với danh từ một địa điểm gọi là thị trấn Junction, Texas. Nhưng… Trời ơi, mình nghĩ có lẽ mấy tên ấy sẽ kinh ngạc một chút đấy.
Ông nói to:
- Cuộc tường trình trước toàn thể Uỷ ban sẽ tổ chức lúc 9 giờ sáng thứ tư!
Đêm trước buổi tường trình, Mary hoảng sợ.
"Anh yêu, khi họ chất vấn em về kinh nghiệm của em. Em sẽ nói gì với họ nhỉ? Rằng tại thị trấn Junction, em là nữ hoàng về việc nhà và rằng em đã thắng cuộc thi trượt tuyết ba năm liền ư? Em sợ đấy. Ồ em ước gì có anh ở đây với em.
Nhưng một lần nữa, sự mỉa mai chạm đến nàng. Nếu Edward còn sống, nàng sẽ không có mặt ở đây. Mình sẽ an toàn và ấm cúng ở nhà với chồng con, nơi mà mình thuộc về nó.
Nàng nằm thức trắng đêm.
***
Cuộc tường trình được tổ chức tại phòng Uỷ ban liên hệ ngoại giao của Thượng Viện, với đầy đủ 15 uỷ viên hiện diện, ngồi trên một chiếc bục trước mặt một bức tường có treo bốn chiếc bản đồ thế giới rộng. Dọc phía trái của căn phòng là bàn báo chí đầy các phóng viên và ở trung tâm, là những chiếc ghế cho 200 thích giả. Các góc nhà sáng loá cho máy quay phim, truyền hình. Căn phòng đông nghẹt người. Peter Connors ngồi ở hàng sau. Đột nhiên có tiếng suỵt khi Mary bước vào với Beth và Tim.
Mary mặc chiếc váy đen và áo cánh trắng. Con nàng đã bị buộc phải bỏ những chiếc quần Jeans và áo pull để mặc những bộ áo quần lịch sự đẹp đẽ nhất của chúng.
Ben Cohn, ngồi ở bàn báo chí, nhìn họ đi vào.
Chúa ơi, - Ông ta nghĩ - Họ trông như một miếng bìa Normal Rockwell.
Một người phục vụ cho con nàng ngồi tại một hàng ghế trước, và Mary được đưa đến chiếc ghế nhân chứng đối diện với Uỷ ban. Nàng ngồi dưới vòng ánh sáng của những chiếc đèn nóng, cố gắng che đậy sự lo âu của mình.
Cuộc tường trình bắt đầu. Charlie Campbell mỉm cười với Mary.
- Chào bà Ashley. Chúng tôi cám ơn bà đã ra trước Uỷ ban này. Chúng tôi sẽ tiến hành với những câu hỏi.
Họ bắt đầu khá ngây thơ.
- Quả phụ…?
- Con cái…?
Các câu hỏi nhẹ nhàng và có vẻ khích lệ.
- Theo lý lịch mà chúng tôi đã được cung cấp, bà Ashley, trong nhiều năm qua, bà đã dạy khoa chính trị tại Trường đại học Tiểu bang Kansas. Việc ấy có đúng không?
- Thưa ngài, vâng.
- Bà sinh trưởng tại Kansas à?
- Vâng, thưa Thượng nghị sĩ.
- Ông bà của bà là người Rumani à?
- Ông tôi. Vâng, thưa ngài.
- Bà đã viết một cuốn sách và những bài viết về việc nối lại tình hữu nghị giữa Hoa Kỳ và các quốc gia thuộc khối Xô viết phải không?
- Vâng, thưa ngài.
- Bài viết cuối cùng được in trên tạp chí "Những vấn đề ngoại giao" và được Tổng thống chú ý phải không?
- Theo sự hiểu biết của tôi là như thế.
- Bà Ashley, xin bà vui lòng cho Uỷ ban này biết tiền đề căn bản của bài viết của bà là gì?
Sự lo âu của nàng tan biến nhanh chóng. Giờ đây, nàng đang đứng trên vùng đất vững chắc vì thảo luận về một đề tài mà nàng nắm rất vững. Nàng cảm thấy như nàng đang hướng dẫn một cuộc hội thảo chuyên đề ở trường.
- Nhiều hiệp ước kinh tế cấp vùng vừa xuất hiện trên thế giới và bởi vì các hiệp ước ấy đều riêng biệt với nhau nên được dùng để phân chia thế giới thành những khối cạnh tranh và tương phản nhau, thay vì đoàn kết lại. Tây Âu có Thị Trường Chung, Khối Đông Âu có COMECON và rồi còn có OECD gồm các quốc gia thị trường tự do và phong trào không liên kết của các nước thế giới thứ ba. Tiền đề của tôi rất đơn giản. Tôi muốn thấy tất cả những tổ chức khác nhau và khép kín này liên kết lại với nhau bằng những sự ràng buộc về kinh tế. Những cá nhân tham gia vào một cổ phần có lợi không giết nhau. Tôi tin rằng cũng nguyên tắc ấy được áp dụng cho các quốc gia. Tôi muốn thấy rằng các quốc gia chúng ta phát động một phong trào để thành lập một thị trường chung bao gồm cả đồng minh và đối lập. Hiện nay, ví dụ chúng ta đang trả hàng tỉ đô-la để trữ ngũ cốc thặng dư trong các kho ngũ cốc trong lúc dân chúng trong hàng chục quốc gia đang chết đói.
Thị trường chung của một thế giới duy nhất có thể giải quyết được vấn đề ấy. Nó có thể chữa được những sự bất bình đẳng trong phân phối với những giá thị trường phải chăng cho mỗi người. Tôi muốn tìm cách cho việc ấy xảy ra.
Thượng nghị sĩ Harold Turkel, một uỷ viên kỳ cựu của Uỷ ban liên hệ ngoại giao và là một đảng viên của đảng đối lập, lên tiếng.
- Tôi muốn hỏi người được bổ nhiệm ít câu hỏi.
Ben Cohn chồm tới trên chiếc ghế.
- Nào chúng ta bắt đầu. - Thượng nghị sĩ Turkel độ 70 tuổi, nghị lực và góc cạnh, là một người thô lỗ có tiếng. - Bà Ashley, đây là lần đầu tiên bà đến Washington phải không?
- Vâng, thưa ngài. Tôi nghĩ rằng đây là một trong…
- Tôi cho rằng bà đã đi lại nhiều chứ?
- À, không. Chồng tôi và tôi đã định đi, nhưng…
- Có bao giờ bà đến New York chưa?
- Không, thưa ngài.
- California?
- Không, thưa ngài!
- Đi châu Âu?
- Không. Như tôi đã nói, chúng tôi đã dự định…
- Thực sự có bao giờ bà đã ở ngoài tiểu bang Kansas chưa, bà Ashley?
- Có. Tôi đã thuyết trình tại Trường đại học Chicago và hàng loạt cuộc nói chuyện tại Denver và Atlanta.
Turkel lạnh lùng nói:
- Bà Ashley, điều ấy có lẽ rất thú vị cho bà đấy. Tôi không thể nhắc lại khi nào Uỷ ban này đã được yêu cầu chấp thuận cho một ứng viên kém khả năng đối với một chức vụ đại sứ cả. Bà hy vọng đại diện Hoa Kỳ trong một quốc gia nhạy bén Đông Âu và bà bảo chúng tôi rằng toàn bộ kiến thức của bà về thế giới xuất phát từ cuộc sống tại thị trấn Junction, Kansas, và trải qua một ít ngày tại Chicago, Denver và Atlanta. Đúng không?
Mary ý thức được các máy quay phim truyền hình đang tập trung vào mình nên nàng nén giận.
- Không, thưa ngài. Kiến thức về thế giới của tôi xuất phát từ sự nghiên cứu nó. Tôi có bằng tiến sĩ về khoa học chính trị và tôi đã giảng dạy tại Trường đại học Kansas năm năm với trọng tâm là các quốc gia Đông Âu. Tôi quen thuộc với các vấn đề hiện nay của dân tộc Rumani và việc chính phủ của họ nghĩ gì về Hoa Kỳ và tại sao. - Giọng của nàng giờ đây mạnh hơn. - Tất cả những gì họ biết về đất nước ta là do các bộ máy tuyên truyền của họ bảo họ. Tôi muốn đến đấy và thuyết phục họ rằng Hoa Kỳ không phải là một quốc gia tham lam, hiếu chiến. Tôi muốn chỉ cho họ thấy một gia đình Mỹ đặc thù như thế nào. Tôi…
Nàng bỗng dừng lại, sợ mình đã đi quá xa trong cơn nóng giận. Và rồi, thật bất ngờ cho nàng, các uỷ viên của Uỷ ban bắt đầu vỗ tay. Tất cả trừ Turkel.
Cuộc chất vấn tiếp tục.
Một giờ sau, Charlie Campbell hỏi:
- Còn câu hỏi nào nữa không?
- Tôi nghĩ rằng người được bổ nhiệm đã trình bày rất rõ ràng, - một thượng nghị sĩ lên tiếng nhận xét.
- Tôi đồng ý. Cám ơn bà Ashley. Khoá họp này được hoãn lại.
Peter Connors quan sát Mary, với vẻ suy tư trong một lúc, rồi lặng lẽ bỏ đi trong lúc các thành viên báo chí đổ xô quanh nàng.
- Việc bổ nhiệm của Tổng thống có phải là một việc bất ngờ đối với bà không?
- Bà có nghĩ rằng họ sẽ chấp nhận việc bổ nhiệm bà không, bà Ashley?
- Bà có thực sự tin rằng việc giảng dạy về một quốc gia tạo cho bà đầy đủ tư cách để…
- Quay hướng này, bà Ashley. Xin vui lòng mỉm cười. Một lần nữa.
- Bà Ashley…
Ben Cohn đứng xa những người khác, quan sát và lắng nghe.
- Bà ấy tốt, - ông nghĩ. - Bà ấy có tất cả những câu trả lời hợp lý. Mình mong có được những câu hỏi hợp lý vô cùng.
***
Khi Mary trở về lại khách sạn, cảm xúc tê liệt, Stanton Rogers đang nắm điện thoại.
- A lô, bà Đại sứ.
Nàng cảm thấy choáng váng vì nhẹ nhõm.
- Ông muốn nói rằng tôi đã thành công à, ông Stan? Cám ơn ông thật nhiều. Tôi không thể nói với ông rằng tôi phấn khởi như thế nào đâu?
- Tôi cũng vậy, Mary! - Giọng nói của ông đầy vẻ tự hào.
***
Khi Mary nói với con nàng, chúng nó ôm chầm lấy nàng.
- Con biết mẹ phải thànhh công! - Tim reo lên.
Beth điềm tĩnh hỏi:
- Mẹ có nghĩ rằng bố biết không?
- Mẹ chắc chắn rằng bố biết đấy, con yêu. - Mary mỉm cười. - Mẹ sẽ không ngạc nhiên nếu bố thúc cho Uỷ ban một cái khuỷu tay nhẹ nhẹ!
Mary điện thoại cho Florence, và khi Florence nghe tin, nàng bắt đầu khóc:
- Kỳ quái thật! Hãy đợi cho đến lúc tôi loan tin này khắp thành phố đã.
Mary cười.
- Tôi sẽ dành sẵn một phòng cho chị và Douglas tại Toà đại sứ đấy.
- Khi nào chị đi Rumani?
- À, đầu tiên toàn thể Thượng nghị viện phải bỏ phiếu đã, nhưng Stan nói rằng việc ấy chỉ là thủ tục thôi.
- Sau đấy thế nào?
- Tôi phải qua ít tuần tại các buổi thuyết trình tại Washington, và rồi tôi và các cháu sẽ lên đường đi Rumani.
- Tôi không thể đợi để gọi đến toà báo Daily Union, - Florence thét lên. - Thành phố có lẽ sẽ dựng một bức tượng cho chị đấy. Bây giờ tôi phải đi đây.
- Tôi quá xúc động để nói chuyện. Tôi sẽ gọi điện cho chị vào ngày mai.
Ben Cohn nghe kết quả cuộc tường trình thừa nhận khi ông trở về văn phòng. Ông vẫn còn băn khoăn. Và ông không biết tại sao.
Nguồn: http://www.sahara.com.vn/