Chương 21
Sáu tháng sau khi Tony và Marianne cưới nhau, công ty Hoffman được sát nhập vào công ty hữu hạn Kruger-Brent. Lễ kí bản thoả hiệp chính thức được tổ chức ở Munich, như là cử chỉ bày tỏ tình hữu nghị đối với Frederick Hoffman. Ông này điều hành chi nhánh của công ty ở Đức. Tony ngạc nhiên về thái độ hiền lành của mẹ anh khi chấp nhận cuộc hôn nhân này. Bà không có thói quen chấp nhận sự chiến bại một cách duyên dáng như vậy, thế nhưng bà tỏ ra rất thân thiện với Marianne khi Tony và cô dâu mới trở về nhà sau tuần trăng mật ở Bahamas. Bà nói cho Tony biết rằng bà rất sung sướng về cuộc hôn nhân này. Điều khiến Tony hết sức khó hiểu là bà đã tỏ ra rất thành thực. Sự thay đổi lập trường ấy quá nhanh chóng, không hợp với tính tình bà chút nào.Tony cho rằng anh chưa hiểu mẹ anh lắm như anh đã tưởng.
Cuộc hôn nhân này thành công một cách xuất sắc ngay từ lúc đầu. Marianne đã thoả mãn được một nhu cầu đã cảm thấy từ lâu của Tony, và mọi người xung quanh đều nhận ra sự thay đổi của anh – đặc biệt là Kate.
Khi Tony đi đây đó vì công việc, Marianne lúc nào cũng đi theo anh. Họ cùng vui chơi, cười đùa với nhau, và đều cảm thấy thực sự hạnh phúc. Nhìn hai người, Kate thầm nghĩ: “Mình đã làm được việc rất tốt cho con trai mình”.
Chính Marianne là người đã bắc cầu thông cảm giữa Tony và mẹ chàng. Khi trở về nhà, sau tuần trăng mật, Marianne nói với Tony: “Em muốn mời mẹ đến ăn cơm”.
“Đừng làm thế. Em không hiểu mẹ anh, Marianne ạ. Bà...”
“Em muốn làm quen với bà, Tony ạ. Xin anh nghe em, Tony”.
Anh không thích ý kiến này, nhưng rồi cũng đành phải nhượng bộ. Tony đoán rằng buổi tối hôm ấy chắc buồn chán lắm, nhưng anh đã phải ngạc nhiên. Bà Kate tỏ vẻ sung sướng đến cảm động được ngồi chung với hai người. Tuần lễ sau, bà mời hai vợ chồng đến dùng cơm tại nhà bà. Rồi sau đó điều này trở thành một thông lệ hàng tuần.
Kate và Marianne trở nên thân thiết với nhau. Họ nói chuyện với nhau trên điện thoại nhiều lần trong tuần lễ và ăn cơm với nhau ít nhất mỗi tuần một lần.
Họ gặp nhau vào buổi ăn trưa tại nhà hàng Lutece, nhưng ngay khi Marianne vừa bước vào, bà thấy có gì đó không ổn.
“Cho tôi một ly uýtxki lớn có đá” Marianne nói. Thường ngày ,Marianne chỉ dùng rượu vang thôi.
“Có chuyện gì xảy ra vậy, Marianne?”
“Con đã phải đi khám bác sĩ Harley”
Kate đột nhiên cảm thấy hoảng sợ. “Con không ốm chứ , Marianne?”
“Không , con vẫn khoẻ. Chỉ có điều...” Toàn thể câu chuyện bắt đầu tuôn ra.
Câu chuyện ấy bắt đầu mấy ngày trước đó. Marianne cảm thấy trong người không được khoẻ nên nàng đã xin gặp mặt bác sĩ John Harley...
“Bà trông khoẻ mạnh đấy chứ “, bác sĩ Harley tủm tỉm cười nói. “Năm nay bà bao nhiêu tuổi, bà Blackwell?”
“Hai mươi ba”.
“Có ai bị đau tim trong gia đình bà không?”
“Không”.
Ông ghi chép. “Ung thư ?”
“Không”.
“Cha mẹ bà còn sống không?”
“Cha tôi còn sống. Mẹ tôi mất vì một tai nạn”.
“Bà có bao giờ bị quai bị không?”
“Không”.
“Bệnh sởi?”
“Có lúc tôi lên mười”.
“Ho gà?”
“Không”.
“Có bị mổ bao giờ không?”
“Mổ amiđan, lúc chín tuổi”.
“Ngoài chuyện ấy ra, bà có bao giờ phải nằm bệnh viện vì lí do nào đó không?”
“Không... À có, chỉ có một lần, nhưng trong thời gian ngắn thôi”.
“Vì chuyện gì vậy?”
“Lúc đó tôi ở trong đội khúc côn cầu ở trường học, và trong lúc chơi, tôi bị ngất xỉu. Lúc tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm ở bệnh viện. Chỉ hai ngày thôi, thực ra chẳng có gì quan trọng cả”.
“Bà có bị thương trong khi chơi không?”
“Không. Tôi... tôi chỉ bị ngất thôi”.
“Lúc ấy bà bao nhiêu tuổi?”
“Mười sáu. Bác sĩ bảo đó chỉ là do sự rối loạn các tuyến vào tuổi thanh niên thôi”.
John Harley chồm về phía trước trên chiếc ghế ông đang ngồi.
“Khi bà tỉnh dậy vào lúc ấy, bà có thấy yếu ở một bên người không?”
Marianne suy nghĩ một lát. “Thật ra cũng có. Phải, thấy yếu ở bên phải. Nhưng chỉ ít ngày sau là hết. Từ đó không bao giờ bị trở lại nữa”.
“Bà có thấy đau đầu không? Có bị mờ mắt không?”
“Có, nhưng những triệu chứng ấy cũng biến mất”. Nàng bắt đầu cảm thấy lo ngại. “Ông nghĩ tôi có bệnh gì hay sao, thưa bác sĩ Harley?”
“Tôi chưa dám chắc. Còn phải làm ít cuộc thử nghiệm. Chỉ là để cho chắc chắn thôi”.
“Loại thử nghiệm gì?”
“Tôi muốn đo u mạch ở não. Không có gì phải lo ngại cả. Chúng tôi có thể làm ngay thôi”.
Ba ngày sau, Marianne nhận cú điện thoại của cô y tá yêu cầu nàng đến gặp bác sĩ John Harley. Ông ngồi trong phòng khám đợi nàng. “Chúng tôi đã tìm ra cái bí mật ấy rồi”.
“Có gì xấu không?”
“Không hẳn thế. Cuộc thử nghiệm cho biết bà bị một cơn “sốc” nhỏ thôi. Về y khoa chúng tôi gọi là chứng phình mạch “aneurysm”, rất thông thường ở phụ nữ, đặc biệt là những cô gái dưới hai mươi. Một mạch máu nhỏ trong não bị vỡ ra, làm rỉ ra một ít máu. Áp suất là cái đã gây nên chứng nhức đầu và mờ mắt. May thay, những thứ ấy có thể tự lành lại được”.
Marianne ngồi lắng nghe, trí óc nàng cố chống chọi với nỗi hoảng sợ. “Như thế... như thế là nghĩa thế nào? Nó có thể xảy ra lần nữa không?”
“Rất khó xảy ra lần nữa”. Ông tủm tỉm cười. “Trừ phi bà dự định tham gia đội khúc côn cầu lần nữa, ngoài ra bà có thể sống hoàn toàn bình thường”.
“Tony và tôi thích cưỡi ngựa và chơi quần vợt. Như thế có...?”
“Chừng nào bà không làm quá sức, mọi thứ đều được cả. Từ quần vợt cho đến việc ăn nằm. Không có vấn đề gì”.
Nàng mỉm cười cảm thấy an tâm. “Cảm ơn Chúa”.
Khi Marianne đứng dậy, John Harley nói. “Chỉ có một điều, bà Blackwell ạ. Nếu bà và Tony muốn có con thì tôi khuyên ông bà nên có con nuôi thì hơn”.
Marianne cảm thấy lạnh người. “Ông vừa bảo là tôi hoàn toàn bình thường mà”.
“Bà vẫn bình thường. Chỉ có điều là nếu bà có mang, nó sẽ làm tăng lên thể tích các mạch máu rất nhiều. Và trong thời kì từ sáu đến tám tháng mang thai, sẽ có sự gia tăng huyết áp. Một khi đã bị chứng phình mạch trong quá khứ, điều này sẽ có nguy cơ xảy ra nhiều hơn. Không những nó nguy hiểm mà còn có khi rất tai hại nữa. Việc nuôi con nuôi bây giờ cũng rất dễ dàng tôi có thể thu xếp...”
Nhưng Marianne không còn nghe gì nữa. Nàng chỉ nghe văng vẳng tiếng Tony: ”Anh muốn chúng ta có một đứa con gái giống hệt như em.”
“...Con không thể nghe được nữa”, Marianne kể lại với Kate. “Con cố gắng hết sức dìm các cảm xúc xuống. Thật là một cú đánh choáng váng đối với bà, nhưng vẫn phải có cách giải quyết nào đó. Lúc nào cũng có một cách.
Bà cố nở một nụ cười rồi nói. “Thế mà mẹ tưởng rằng sắp có chuyện gì tệ hại hơn thế chứ”.
“Nhưng mẹ ạ, Tony và con rất mong có một đứa con”.
“Marianne ạ, ông bác sĩ John Harley là kẻ chuyên môn làm cho người ta hoảng sợ. Cách đây mấy năm con chỉ gặp một vấn đề nhỏ nhoi, thế rồi ông ta biến nó trở thành một điều gì ghê gớm lắm. Con cũng biết bọn bác sĩ họ như thế nào rồi”. Bà nắm lấy tay Marianne. “Con vẫn thấy khoẻ, phải không , Marianne?”
“Trước đây con vẫn khoẻ, nhưng khi...”
“Đó, con thấy không. Con không còn thỉnh thoảng bị những cơn ngất xỉu ngắn nữa phải không?”
“Không”.
“Ấy là bởi vì con đã khỏi hẳn rồi. Chính ông bác sĩ ấy nói những chừng ấy có thể tự nó chữa lành mà”.
“Ông ấy bảo những nguy cơ...”
Kate thở dài. “Marianne này, mỗi lần người đàn bà có mang, họ đều gặp rủi ro này khác. Cuộc đời toàn là rủi ro cả mà. Điều quan trọng trên đời là mình phải quyết định thứ rủi ro đáng để cho mình gánh chịu, con có đồng ý như vậy không?”
“Vâng” Marianne ngồi tại chỗ suy nghĩ. Nàng đã quyết định. “Mẹ nói đúng, chúng ta sẽ không nói gì về chuyện này với Tony cả. Nó chỉ làm cho anh ấy lo lắng thêm thôi. Chúng ta sẽ giữ bí mật”.
Kate thầm nghĩ, mình có thể giết cái lão John Harley chết tiệt ấy vì đã làm cho Marianne hoảng sợ. Bà nói: “Nó sẽ là một điều bí mật của chúng ta”, để bày tỏ ý tán thành.
Ba tháng sau, Marianne có mang. Tony mừng rỡ đến run người. Bà Kate cảm thấy đắc thắng âm thầm. Còn bác sĩ John Harley thì kinh hãi.
“Để tôi phải chuẩn bị cho việc phá thai ngay tức khắc”, ông nói với Marianne.
“Đừng bác sĩ Harley ạ. Tôi thấy khoẻ mà. Tôi sẽ có một đứa con”.
Khi Marianne nói với Kate về cuộc viếng thăm này, Kate đùng đùng nổi giận, xông đến phòng khám bệnh của bác sĩ John Harley. “Sao ông lại dám khuyên con dâu tôi phải phá thai?”
“Bà Kate này, tôi đã nói với bà ấy rằng nếu bà ấy mang thai cho đến thời kì ở cữ thì có nguy cơ là bà ấy sẽ chết”.
“Ông không hiểu gì cả. Bà ấy sẽ khoẻ mạnh như thường. Đừng có làm cho bà ấy hoảng sợ”.
Tám tháng sau, vào lúc bốn giờ sáng, đầu tháng hai, cơn đau đẻ của Marianne bắt đầu trước thời hạn. Những tiếng rên rỉ của nàng khiến Tony choàng tỉnh dậy.
Anh hối hả mặc quần áo. “Đừng lo, em yêu quý ạ. Anh sẽ đưa em đến bệnh viện ngay lập tức”.
Cơn đau thật là khủng khiếp. “Vội đi anh”.
Nàng do dự không biết có nên nói với Tony về cuộc nói chuyện giữa nàng và bác sĩ John Harley hay không. Không, bà Kate nói đúng. Nàng phải tự quyết định lấy.
Cuộc sống rất tuyệt vời, cho nên Chúa sẽ không để xảy ra chuyện gì không hay cho nàng đâu.
Khi Marianne và Tony đến bệnh viện, mọi thứ đều đã sẵn sàng. Tony được đưa đến phòng đợi. Marianne được chở đến phòng khám bệnh. Ông bác sĩ sản khoa, Mattson, đo huyết áp cho nàng. Ông nhăn mặt, đo lại một lần nữa, rồi ngước mắt lên, nói với cô y tá, “Đưa bà ấy đến phòng mổ – nhanh lên!”.
Tony đang đứng ở máy bán thuốc lá trong hành lang bệnh viện thì một giọng nói nổi lên ở sau lưng anh. “Phải, phải, nếu đó không phải là Rembrant”. Tony quay lại. Anh nhận ra người đàn ông trước đây anh gặp trước căn hộ cũa Dominique. Không biết lúc ấy nàng gọi tên anh ta là gì nhỉ? À Ben. Người ấy nhìn Tony trừng trừng, với vẻ khó chịu. Hắn ta ghen chăng? Không biết Dominique đã nói gì với hắn? Ngay lúc ấy Dominique xuất hiện. “Cô y tá bảo Micheline đang được săn sóc đặc biệt. Chúng ta sẽ đến...” Nàng nhìn thấy Tony, liền ngưng lại giữa câu nói.
“Tony, anh làm gì ở đây?”
“Vợ tôi sắp sinh”.
“Mẹ anh đã sắp đặt việc này à?” Ben hỏi.
“Anh nói thế là nghĩa thế nào?”
“Dominique nói với tôi rằng mẹ anh sắp đặt mọi thứ cho anh, anh bạn ạ”.
“Ben, anh câm mồm đi!”
“Sao? Không phải là sự thật hay sao? Chính em nói như vậy mà”.
Tony quay về phía Dominique. “Anh này nói gì lạ vậy?”.
“Không có gì đâu”, Dominique nhanh nhảu nói. “Ben, chúng mình đi ra khỏi nơi này”.
Nhưng Ben vẫn lấy làm thích thú. “Tôi muốn được có một bà mẹ như anh, anh bạn ạ. Anh muốn có một người mẫu để ngủ chung thì mẹ anh mua ngay cho anh một người. Anh muốn có một cuộc triển lãm tranh ảnh ở Paris thì mẹ anh thu xếp cho anh có phòng triển lãm. Anh...”
“Anh điên rồi”.
“Anh mà điên à, Dominique?” Ben quay về phía Dominique, nói “Anh chàng này không biết hay sao?”
“Anh bảo tôi không biết cái gì?”
“Chẳng có gì cả, Tony ạ”.
“Anh này bảo mẹ tôi xếp đặt cuộc triển lãm ở Paris. Đó là điều nói dối, phải không?” Tony nhìn thấy nét mặt của Dominique. “Có phải thế không?”
“Không”, Dominique nói một cách miễn cưỡng.
“Cô muốn nói rằng mẹ tôi đã trả tiền cho Goerg để... để trưng bày tranh của tôi, phải không?”
“Tony, ông ấy thực sự thích các bức tranh của anh mà”.
“Nói cho anh ta biết về vụ nhà phê bình tranh đi, Dominique”, Ben thúc giục.
“Thôi thế là đủ rồi Ben”. Dominique quay lưng đi. Tony nắm cánh tay Dominique, giữ nàng lại. “Khoan đã. Cô nói cho tôi biết về nhà phê bình ấy đi. Có phải là mẹ tôi xếp đặt cho ông ta đến dự cuộc triển lãm tranh không?”
“Phải”, Dominique nói, giọng nàng hạ thấp xuống thành một tiếng thì thào.
“Nhưng ông ta ghét tranh của tôi mà.”
Nàng nghe giọng nói chàng có vẻ đau đớn. “Không. Ông ấy không ghét. André d Usseau nói với mẹ anh rằng anh có thể đã trở thành một hoạ sĩ nổi tiếng.”
Anh đang phải đương đầu với một điều không thể nào tin nổi. “Mẹ tôi cho ông d Usseau tiền để ông ấy huỷ hoại tôi, phải thế không?”
“Không phải để huỷ hoại anh đâu. Bà tin rằng như thế là làm điều tốt cho anh.”
Tầm lớn lao của những gì mẹ anh đã làm thật là khủng khiếp. Mọi thứ bà nói với anh đều là giả dối cả. Bà không bao giờ có ý định để cho anh sống cuộc sống của riêng anh. Thế còn André d Usseau? Làm sao một người như ông ta mà lại có thể mua chuộc được? Nhưng mà dĩ nhiên, mẹ anh đã biết được cái giá của từng con người. Wilde có thể đã ám chỉ đến Kate khi ông nói về một con người biết được giá tiền của tất cả mọi thứ, nhưng không biết được giá trị của một thứ nào cả. Tất cả mọi thứ là để phục vụ cho công ty. Và công ty ấy chính là Kate Blackwell. Tony quay lại, bước đi dọc hành lang như một người mù.
Trong phòng mổ, các bác sĩ đã chiến đấu tuyệt vọng để cứu sống Marianne. Huyết áp của nàng xuống thấp một cách đáng lo ngại, và nhịp tim của nàng hỗn loạn. Người ta cho nàng thở oxy, truyền máu, nhưng tất cả đều vô ích. Marianne nằm bất tỉnh do xuất huyết não khi đứa bé đầu tiên được đỡ ra, rồi nàng qua đời ba phút sau khi đứa bé sinh đôi thứ hai được lấy ra.
Tony nghe tiếng gọi, “Ông Blackwell.” Anh quay lại. Bác sĩ Mattson đang đứng bên cạnh anh.
“Ông có hai đứa con gái sinh đôi rất kháu khỉnh và khoẻ mạnh, ông Blackwell ạ.”
Tony nhận ra trong mắt ông có vẻ gì khác lạ. “Marianne – nhà tôi vẫn khoẻ chứ? Phải thế không?”
Bác sĩ Mattson thở một cái thật sâu. “Tôi rất lấy làm tiếc. Chúng tôi đã làm mọi cách có thể được. Bà ấy qua đời trên...”
“Bà ấy sao?” Đó là một tiếng kêu thét. Tony nắm chặt lấy áo ông bác sĩ, lay thật mạnh. “Ông nói dối! Nhà tôi không chết!”
“Ông Blackwell...”
“Nhà tôi hiện ở đâu? Tôi muốn thấy bà ấy!”
“Ông không thể vào bây giờ được. Họ đang chuẩn bị...”
Tony thét lên. “Ông giết nhà tôi rồi! Ông là đồ chó đẻ! Ông giết bà ấy.” Anh đấm lên người bác sĩ thùm thụp. Hai bác sĩ nội trú vội vã chạy vào, giữ tay anh lại.
“Nào. ông hãy bình tĩnh lại đi, ông Blackwell.”
Bác sĩ John Harley vội vã đi đến nhóm người này.
“Thả ông ấy ra. Để chúng tôi nói chuyện riêng với nhau”. Ông ra lệnh.
Bác sĩ Mattson và hai viên nội trú bỏ đi. Tony khóc nức nở. “John, chúng nó giết Marianne rồi. Chúng ám sát nhà tôi.”
“Chị ấy qua đời rồi ,Tony ạ. Tôi rất lấy làm đau buồn. Nhưng không ai giết chị ấy cả. Tôi đã nói với chị ấy cách đây nhiều tháng rằng nếu chị ấy cứ tiếp tục mang thai thì điều này có thể dẫn đến cái chết.”
Phải một thời gian khá lâu nhưng lời lẽ này mới thấm vào đầu óc Tony. “Ông vừa nói gì lạ vậy?”.
“Thế Marianne không nói với ông sao? Mẹ anh cũng không nói gì cả à?”
Tony nhìn John Harley chằm chằm, chưa hiểu gì cả, “Mẹ tôi?”
“Bà ấy nghĩ rằng tôi chỉ làm cho người ta hoảng hốt thôi. Bà khuyên Marianne cứ tiếp tục mang thai. Tôi rất ân hận, Tony ạ. Tôi đã thấy hai đứa trẻ sinh đôi ấy. Chúng rất kháu khỉnh. Anh có muốn...?”
Nhưng Tony đã bỏ đi rồi.
Viên quản gia của Kate mở cửa cho Tony.
“Chào ông Blackwell.”
“Chào bác Lester.”
Viên quản gia đã nhận ra vẻ phờ phạc, nhếch nhác của Tony. “Không có chuyện gì cả chứ, ông Blackwell?”
“Chẳng có chuyện gì cả. Bác cho tôi một tách cà phê được không, Lester?”
“Thưa ông, có ngay ạ.”
Tony nhìn theo viên quản gia đi về phía nhà bếp. Nào, Tony, một tiếng nói trong đầu anh ra lệnh.
Phải, ngay bây giờ. Tony quay lại, bước đến phòng trưng bày chiến lợi phẩm. Anh đến một cái tủ nhỏ đựng bộ sưu tập súng. Anh nhìn chằm chằm vào những dụng cụ giết người được xếp đặt ngay ngắn, sáng ngời.
Mở tủ ra, Tony.
Anh mở tủ. Anh chọn một khẩu súng lục từ giá súng, kiểm soát nòng súng để tin chắc rằng nó đã được nạp đạn sẵn sàng.
Bà ấy sẽ ở lầu trên, Tony ạ.
Tony quay lại, bắt đầu bước lên cầu thang. Anh biết rằng không vì lỗi của mẹ anh mà bà ấy đã trở nên xấu xa như vậy. Bà ấy bị ám ảnh, và anh sẽ chữa trị cho bà. Công ty đã cướp mất linh hồn của bà, và bà Kate không chịu trách nhiệm về những gì bà làm. Mẹ anh và công ty đã hoà nhập lại với nhau thành một, và khi anh giết bà, công ty sẽ chết.
Bây giờ anh đang đứng ở ngoài phòng ngủ của bà Kate.
Mở cửa đi, tiếng nói ra lệnh.
Tony mở cánh cửa. Bà Kate đang mặc áo trước một tấm gương thì nghe tiếng cánh cửa mở ra.
“Tony! Con làm cái gì vậy...”
Tony chĩa súng vào người bà, rồi bắt đầu bóp cò.
Chương 22
Quyền con trưởng thừa kế, tức là quyền hưởng chức tước tài sản gia đình của đứa trẻ sinh đầu tiên, có cội rễ ăn sâu trong lịch sử. Trong các gia đình vua chúa ở Âu Châu, một viên quan cao cấp phải hiện diện vào lúc sinh của vị thừa kế vị sẽ không bị tranh cãi. Vì vậy, bác sĩ Mattson phải cẩn thận ghi chép ai là người được đỡ ra trước tiên trong hai đứa trẻ sinh đôi.
Ai cũng phải đồng ý với nhau rằng những đứa con sinh đôi của Blackwell rất là xinh đẹp. Chúng nó khoẻ mạnh và có vẻ linh hoạt kì lạ. Các y tá trong bệnh viện luôn tìm cớ để đi vào xem hai đứa bé. Sự thu hút của chúng, mặc dầu không được thú nhận, một phần là do nhưng câu chuyện bí mật người ta loan truyền về gia đình của chúng. Mẹ chúng qua đời trong lúc sinh ra chúng. Cha chúng đã biến mất, và có tin đồn rằng ông ta đã bắn mẹ ruột của mình, nhưng người ta không thể xác nhận các lời đồn đại ấy. Báo chí không đề cập gì về chuyện này mà chỉ nói một cách ngắn ngủi rằng Tony Blackwell đã bị suy sụp thần kinh và bị nhốt ở một nơi. Khi báo chí hỏi ông bác sĩ Harley thì ông ta đưa ra một câu nói cộc lốc. “Không bình luận.”
Những ngày vừa qua quả là địa ngục đối với ông bác sĩ John Harley. Chừng nào ông còn sống, ông vẫn còn nhớ mãi đến quang cảnh ông đã chứng kiến khi ông đi đến phòng bà Kate Blackwell sau khi nhận được một cú điện thoại rối rít của người quản gia. Kate nằm dài trên sàn nhà trong cơn hôn mê, với nhiều vết đạn ở cổ và ngực, máu tuôn ra nhuộm đỏ cả tấm thảm trắng.Tony đang sục sạo các tủ áo của mẹ anh cắt loạn xạ các chiếc áo của bà ra từng mảnh bằng một cái kéo.
Bác sĩ Harley đưa mắt nhìn bà Kate thật nhanh, rồi hối hả gọi xe cứu thương đến. Ông quỳ xuống bên cạnh bà Kate, bắt mạch. Mạch của bà rất yếu và rất nhỏ, mặt bà đang trở sang màu xanh nhợt. Bà sắp sửa bị kích ngất. Ông liền tiêm cho bà một mũi adrenaline và sodium bicarbonate.
“Chuyện gì xảy ra vậy?” Bác sĩ Harley hỏi.
Viên quản gia, mồ hôi vã ra như tắm, đáp, “Tôi... tôi không biết. Ông Blackwell bảo tôi đi pha cà phê cho ông. Lúc tôi đang ở trong bếp thì nghe tiếng súng nổ. Tôi chạy lên lầu thì thấy bà Kate Blackwell nằm trên sàn nhà, như thế này. Ông Blackwell lúc ấy đang đứng phía trên bà ấy và nói. “Nó sẽ không làm hại mẹ nữa đâu, mẹ ạ. Con đã giết nó rồi.” Thế rồi ông ấy đi đến tủ áo và bắt đầu cắt các áo trong đó.”
Bác sĩ Harley quay về phía Tony. “Anh làm gì ở đấy Tony?”.
Anh lại cắt xé dữ dội. “Tôi giúp mẹ tôi. Tôi đang huỷ hoại công ty. Chính nó đã giết mẹ tôi, ông hiểu không?”Anh lại tiếp tục cắt xé quần áo trong tủ.
Người ta đưa gấp bà Kate vào khu cấp cứu trong một bệnh viện tư của Kruger-Brent. Bà được truyền máu bốn lần trong khi bác sĩ mổ để lấy các viên đạn ra.
Phải có ba người y tá nam mới lôi được Tony vào trong chiếc xe cứu thương, sau khi bác sĩ John Harley tiêm cho anh ta một mũi thuốc để làm cho anh yên bớt. Một toán lính cảnh sát đáp ứng lời kêu gọi của xe cứu thương, và bác sĩ John Harley cho mời Brad Rogers đến để tiếp xúc với họ. Bằng phương tiện nào đó mà bác sĩ Harley không hiểu được, các giới truyền tin không đề cập một chút gì đến vụ nổ súng.
Bác sĩ Harley đi đến bệnh viện để thăm bà Kate Blackwell, lúc này đang được chăm sóc đặc biệt. Câu nói đầu tiên bà thều thào thốt ra là: “Con trai tôi đâu rồi?”
“Anh ấy được chăm sóc, bà Kate ạ. Anh ấy không hề gì đâu.”
Tony được đưa đến một dưỡng đường tư ở Connecticut.
“Bác sĩ John này, tại sao Tony lại cố tình giết tôi?Tại sao?” Sự đau khổ trong giọng nói của bà dường như không thể nào chịu đựng nổi.
“Anh ấy oán trách bà về cái chết của Marianne.”
“Thật là điên rồ!”
John Harley không đưa ra lời bình luận nào.
Anh ấy trách bà về cái chết của Marianne!
Sau khi bác sĩ John Harley đã ra khỏi phòng, bà Kate nằm ở đó, không thể nào chấp nhận được những lời nói ấy. Bà đã yêu Marianne vì nàng đem lại hạnh phúc đến cho Tony. Tất cả những ước mơ của mẹ là dành cho con. Làm sao con không thể hiểu được điều ấy?
Thế nhưng anh ta đã ghét bà đến nỗi cố giết bà. Kate cảm thấy trong lòng tràn ngập đau khổ; bà chỉ muốn được chết. Nhưng bà không để cho mình phải chết. Bà đã làm những gì bà cho là phải. Họ đều lầm cả. Tony là một con người yếu đuối không dám một mình đương đầu với cuộc sống. Nhưng ta, Kate Blackwell, không yếu đuối. Ta có thể đương đầu với câu chuyện này, có thể đương đầu với bất cứ chuyện gì. Ta sẽ sống. Ta sẽ sống sót. Công ty của ta sẽ tồn tại.
Chương 23
Kate hồi phục sức khoẻ ở Dark Harbor, để cho mặt trời và gió bể giúp bà chóng bình phục.
Tony ở trong một dưỡng đường tư để được sự săn sóc tốt nhất. Kate đã mời những nhà chuyên môn về tâm thần đến từ Paris, Vienna và Berlin, nhưng khi tất cả những cuộc thử nghiệm và khám nghiệm thực hiện xong, sự chẩn đoán của họ đều giống nhau: con trai bà bị chứng hoang tưởng bộ phận và tâm thần phân lập có khuynh hướng giết người.
“Anh ấy không có đáp ứng đối với các loại thuốc và biện pháp điều trị tâm lí. Chúng tôi phải giữ anh ấy trong tình trạng kiềm chế?”
“Kiềm chế như thế nào?”
“Anh ấy ở trong một căn phòng có bọc đệm xung quanh. Chúng tôi cho anh ấy mặc một thứ áo bó chặt chân tay hầu như suốt cả ngày.”
“Có cần thiết phải làm như vậy không?”
“Thưa bà Blackwell, nếu không làm thế, anh ấy sẽ giết bất cứ ai lại gần.”
Bà đau đớn, nhắm đôi mắt lại. Họ không phải đang nói chuyện về Tony hiền lành, dịu dàng của bà, mà nói về một kẻ lạ mặt nào đó, một kẻ bị ám ảnh. Bà mở cặp mắt ra.
“Không có cách đi đến được tận trí óc của anh ấy. Chúng tôi vẫn cho anh ấy dùng thuốc, nhưng ngay khi thuốc hết hiệu lực thì anh ta lại điên cuồng trở lại. Không thể nào tiếp tục lối điều trị này mãi mãi được.”
Kate đứng thẳng người dậy. “Vậy ông đề nghị làm thế nào, bác sĩ?”
“Trong những trường hợp tương tự như vậy, chúng tôi phải lấy đi một phần não thuỳ tương tự như vậy, chúng tôi phải lấy đi một phần não thuỳ thì cũng tạo nên kết quả khả quan.”
Kate nuốt nước bọt đánh ực một cái. “Một cuộc phẫu thuật não thuỳ?”
“Đúng vậy. Con trai bà sẽ vẫn có thể hoạt động về mọi phương diện, duy chỉ có điều là anh ấy sẽ không còn có những cảm xúc mạnh mẽ bất thường nữa.”
Kate ngồi yên tại chỗ, đầu óc và thân thể bà như run lên vì lạnh. Bác sĩ Morris, một bác sĩ trẻ của bệnh viện Menninger, phá tan sự im lặng. “Tôi biết rằng bà khó có thể chịu đựng được một hoàn cảnh như vậy. Nhưng nếu bà nghĩ đến...”
“Nếu đó là lối duy nhất để ngăn chặn sự đau khổ dày vò nó, thì các ông cứ tiến hành.” Kate nói.
Frederick Hoffman muốn đem các cháu của ông về nuôi. “Tôi muốn đưa chúng nó về Đức.”
Kate nhận thấy ông ta có vẻ như già đi đến hai mươi tuổi từ ngày Marianne qua đời. Bà thương hại ông ta, nhưng nhất định không chịu rời xa các con của Tony. “Chúng được nuôi dưỡng ở nơi này. Ông hãy đến thăm các cháu luôn.”
Cuối cùng, ông Frederick đành phải nghe lời.
Hai đứa trẻ sinh đôi được đưa đến ở tại nhà bà Kate. Một dãy buồng nuôi trẻ được xép đặt dành cho chúng. Kate phỏng vấn các cô nuôi dạy trẻ, và cuối cùng tuyển được một cô người Pháp tên là Solange Dunas.
Kate đặt tên cho đứa sinh ra đầu tiên là Eve và đứa em sinh đôi của nó là Alexandra. Chúng giống nhau như hệt, khó mà phân biệt được đứa này với đứa kia. Trông chúng chơi đùa với nhau giống như là nhìn vào hình ảnh trong một tấm gương. Kate ngạc nhiên trước phép lạ kì diệu mà con trai bà và Marianne đã tạo ra. Chúng là những đứa trẻ thông minh, nhanh nhẹn và dễ bảo, nhưng chỉ ít tuần lễ, Eve có vẻ phát triển hơn Alexandra. Eve là đứa đầu tiên biết bò, nói chuyện và bước đi. Alexandra theo kịp nhanh chóng, nhưng ngay từ lúc đầu, Eve là đứa trẻ đi tiên phong. Alexandra yêu thương chị nó, và cố bắt chước mọi thứ chị nó làm. Kate cố dành nhiều thì giờ tối đa để chơi với các cháu. Chúng làm cho bà thấy trẻ lại. Rồi bà lại bắt đầu mơ tưởng. Một ngày nào đó, khi ta già yếu, sẵn sàng rút lui thì...
Vào ngày sinh nhật đầu tiên của hai đứa trẻ song sinh, Kate tổ chức một bữa tiệc. Chúng có hai chiếc bánh sinh nhật y hệt như nhau, và hàng chục món quà của bạn bè, nhân viên công ty, và gia nhân. Tiệc sinh nhật lần thứ hai đến tiếp đó nhanh chóng. Kate không thể tin được rằng thời gian trôi qua nhanh như vậy, và các cháu bà cũng lớn lên như thổi. Bà có thể nhận ra rõ ràng hơn sự khác biệt về nhân cách của chúng: Eva, mạnh khoẻ hơn, táo bạo hơn, Alexandra thì dịu dàng hơn, sẵn sàng chịu sự điều khiển của chị nó. Kate thầm nghĩ, chúng nó không có mẹ có cha mà chúng yêu thương nhau như vậy thì đó là một phước lớn.
Nhưng,vào đêm trước ngày sinh nhật thứ năm, Eve tìm cách giết Alexandra.
Đã khá lâu rồi, Eve vẫn ghét em nó. Nó nổi sùng lên một cách âm thầm khi có người nào đó bồng Alexandra lên vuốt ve nó hay cho nó một món quà. Eve cảm thấy như nó bị đánh lừa. Nó muốn có tất cả riêng cho nó – tất cả tình thương, tất cả những thứ đẹp đẽ xung quanh hai đứa. Nó không thể có một ngày sinh nhật riêng cho nó. Nó ghét Alexandra vì cô bé này giống nó. mặc quần áo y như nó, chiếm đoạt một phần tình thương của bà nội mà đáng lẽ nó phải được hưởng hoàn toàn. Alexandra yêu mến Eve, nhưng Eve lại khinh bỉ Alexandra vì chuyện ấy. Alexandra có tính tình rộng rãi, sẵn sàng nhường lại cho Eve các con búp bê và đồ chơi, nhưng điều đó lại càng làm cho Eve thêm khinh bỉ. Eve không chia sẻ thứ gì cả. Cái gì thuộc về nó là của nó; nhưng như thế chưa đủ. Nó muốn bất cứ thứ gì mà Alexandra có. Đến đêm, dưới cặp mắt canh chừng của cô Solange Dunas, cả hai đứa bé cùng đọc kinh thật to, nhưng Eve bao giờ cũng thêm vào đó một lời cầu nguyện âm thầm rằng Chúa sẽ đánh chết Alexandra đi. Khi lời cầu nguyện ấy không được đáp ứng, Eve không thể chịu đựng được ý tưởng phải chia sẻ một bữa tiệc sinh nhật nữa với Alexandra. Khách khứa hôm ấy là những người bạn của riêng nó, các quà sinh nhật cũng là những quà riêng cho nó mà em gái nó sẽ đánh cắp từ tay nó. Nó phải giết Alexandra cho sớm.
Đêm trước hôm sinh nhật, Eve nằm trên giường, mắt mở thao láo. Khi đã biết chắc rằng mọi người trong nhà đều ngủ cả, nó đi đến giường của Alexandra đánh thức em nó dậy. “Alex.” nó thì thầm, “chúng mình xuống bếp xem các bánh sinh nhật đi.”
Alexandra nói với giọng còn ngái ngủ, “Mọi người đang ngủ cả.”
“Mình sẽ không đánh thức ai dậy cả.”
“Cô Dunas sẽ không bằng lòng đâu. Tại sao chúng ta không chờ đến sáng mai xem bánh cũng được?”
“Bởi vì chị muốn xem các bánh ấy ngay bây giờ. Em có đi hay không?”
Alexandra giụi mắt cho tỉnh ngủ. Nó chẳng thích gì xem các bánh ấy, nhưng không muốn làm chị nó phải buồn lòng. “Em đi.” nó nói.
Alexandra đi ra khỏi giường, xỏ chân vào đôi giày vải. Cả hai đứa đều mặc áo ngủ bằng ni lông màu hồng.
“Ta đi nào. Đừng có làm ồn ào nhé.” Eve nói.
“Vâng,” Alexandra đáp.
Chúng rón rén ra khỏi phòng ngủ, đi vào hành lang ngang qua cửa phòng cô Dunas, xuống chiếc cầu thang dốc dẫn xuông bếp. Đó là một cái bếp rất rộng, với hai chiếc lò lớn đốt bằng khí, sáu cái lò nhỏ, ba tủ lạnh và một tủ ướp lạnh có thể bước vào được.
Trong tủ lạnh, Eve tìm thấy những chiếc bánh mà bà làm bếp Tyler đã làm xong. Một trong những chiếc bánh ấy có ghi dòng chữ, “Mừng sinh nhật Alexandra”, chiếc kia ghi, “Mừng sinh nhật Eve.”
Năm sau, Eve tự nhủ thầm. chỉ có một tên mà thôi.
Eve lấy chiếc bánh sinh nhật của Alexandra ra, đặt nó trên một cái thớt gỗ giữa bếp. Nó mở một ngăn kéo, lấy ra một gói nến đủ màu sắc.
“Chị làm gì thế?” Alexandra hỏi.
“Chị muốn xem khi mình đốt tất cả các cây nến lên nó sẽ trông như thế nào.” Eve bắt đầu gắn các cây nến lên lớp kem trên bánh.
“Em nghĩ chị không nên làm thế, Eve ạ. Chị làm hỏng chiếc bánh ấy đi, chắc bà Tyler sẽ giận lắm đấy.”
“Bà ấy sẽ chẳng để ý đến đâu.” Eve mở một ngăn kéo khác, lấy ra hai hộp diêm lớn. “Nào, giúp đỡ chị một tay.”
“Em muốn về giường nằm ngủ.”
Eve quay lại nhìn em, giận dữ. “Thôi được, mày về giường mà nằm. Đồ nhát như thỏ. Để tao làm một mình.”
Alexandra do dự. “Chị muốn em làm gì nào?”
Eve đưa nó một hôp diêm. “Thắp các ngọn nến đi.”
Alexandra sợ lửa. Cả hai đứa đều được căn dặn về sự nguy hiểm của việc chơi diêm. Chúng đã được nghe nói những câu chuyện ghê gớm về những đứa trẻ không nghe lời căn dặn ấy. Nhưng Alexandra không muốn làm chị buồn lòng, vì vậy nó phải vâng lời, bắt đầu châm các ngọn nến.
Eve đứng nhìn em nó trong một lát. “Mày quên không châm những cây nến phía bên kia, đồ ngu,” nó nói.
Alexandra nhoài người ra để châm những ngọn nến ở phía xa, lưng nó quay về phía Eve. Ngay lập tức, Eve quệt một que diêm, đặt nó sát vào các que khác trong chiếc hộp nó đang cầm ở tay. Các que diêm này cháy xoè lên thành những ngọn lửa. Eve thả hộp diêm dưới chân Alexandra, làm cho gấu chiếc áo ngủ của Alexandra bắt lửa. Một lát sau, Alexandra mới biết được chuyện gì đang xảy ra. Nó thấy đau đớn khủng khiếp ở chân, vội nhìn xuống, rồi hét to lên, “Cứu! Cứu tôi với!”
Eve nhìn chiếc áo đang bốc cháy, kinh hãi trước sự thành công mĩ mãn của mình. Alexandra đứng nguyên tại chỗ, cứng đờ, tê cóng vì sợ hãi.
“Đừng có động đậy !” Eve nói. “Để ta đi lấy một xô nước.” Nó hối hả chạy đến phòng chứa thực phẩm, tim đập rộn ràng với nỗi vui mừng pha lẫn chút sợ hãi.
Chính là nhờ một phim chớp bóng kinh hoàng mà người ta đã cứu sống được Alexandra. Đêm hôm ấy, bà Tyler, người đầu bếp của bà Blackwell, đi xem xi nê với một viên trung sĩ cảnh sát. Anh này thỉnh thoảng cũng chia sẻ chiếc giường nằm với bà ta. Đặc biệt tối hôm ấy, màn ảnh chiếu toàn những cảnh người ta chết chóc, cụt tay cụt chân một cách quá ghê rợn khiến cho bà Tyler không thể chịu đựng được nữa. Giữa một cảnh chặt đầu ghê rợn bà Tyler nói, “Richard này, có lẽ anh quen với những cảnh tượng này hàng ngày, chứ tôi thì không chịu nổi rồi.”
Viên trung sĩ Richard Dougherty miễn cưỡng đưa bà ra khỏi rạp xi nê.
Hai người về đến nhà bà Blackwell sớm hơn một giờ. Vừa mới mở cửa ra, bà nghe tiếng Alexandra kêu thét từ trong bếp. Bà Tyler và Richard liền nhảy xổ vào trông thấy cảnh kinh hoàng trước mắt, họ lập tức ra tay hành động. Richard nhẩy đến chỗ Alexandra ngã lăn ra sàn nhà, nằm bất tỉnh. Bà Tyler đổ đầy một bình nước, rồi tưới lên ngọn lửa đang lan trên sàn nhà.
“Gọi ngay một chiếc xe cứu thương,” Trung sĩ Richard Dougherty ra lệnh, “Bà Blackwell có nhà không?”
“Có lẽ bà ấy đang ngủ trên lầu.”
Khi bà Tyler vừa gọi xong xe cứu thương, có tiếng khóc phát ra từ phòng chứa thực phẩm của viên quản gia, rồi Eve chạy ra, vác một xô nước, vừa chạy vừa khóc lóc điên cuồng.
“Alexandra có chết không?” Eve thét lên, “Nó chết rồi hay sao?”
Bà Tyler ôm nó trong hai cánh tay để an ủi. “Không, cháu yêu quý ạ. em nó không hề gì. Rồi nó sẽ khoẻ lại ngay thôi.”
“Đó là do lỗi tại tôi”, Eve nức nở. “Nó muốn thắp đèn nến trên cái bánh sinh nhật của nó. Lẽ ra tôi phải ngăn cản nó.”
Bà Tyler vuốt lưng Eve. “Không hề gì đâu. Cháu đừng có tự trách mình như thế.”
“Các que... que diêm ấy rớt ra khỏi tay tôi, thế là áo của nó bắt lửa. Ghê gớm quá!”
Trung sĩ Richard nhìn Eve, nói với vẻ thương xót, “Tội nghiệp con bé.”
“Alexandra bị bỏng ở chân và lưng.” bác sĩ Harley nói với Kate, “nhưng rồi nó sẽ khỏi ngay thôi. Vào thời buổi bây giờ, chúng tôi có thể chữa những trường hợp bị bỏng một cách kì diệu. Bà hãy tin tôi đi, chuyện vừa rồi có thể đã gây một thảm kịch khủng khiếp.”
“Tôi biết.” Kate nói. Bà đã nhìn thấy những vết phỏng của Alexandra và rất lấy làm kinh sợ. Do dự một lúc bà nói tiếp, “Bác sĩ này, tôi lo về Eve hơn đấy.”
“Eve cũng bị thương hay sao?”
“ Không phải về thể chất. Con bé tội nghiệp ấy tự trách mình đã gây ra tai nạn. Nó bị những cơn ác mộng khủng khiếp. Ba đêm qua, tôi đã phải đi vào phòng nó, ôm nó trên tay, nó mới ngủ lại được. Tôi không muốn câu chuyện này gây nên chấn thương nặng hơn nữa. Eve là một đứa bé rất nhạy cảm.”
“Trẻ con dễ quên đi nhanh chóng. Nếu có vấn đề gì, bà cứ cho tôi biết, rồi tôi giới thiệu cho bà một bác sĩ nhi khoa.”
“Cảm ơn,” Kate nói đầy vẻ biết ơn.
Eve rất bối rối khó chịu. Buổi tiệc sinh nhật đã bị huỷ bỏ. Chính Alexandra đã đánh lừa để làm mình mất đi cơ hội này, Eve thầm nghĩ một cách chua chát.
Alexandra đã lành lại hoàn toàn, không mang một vết sẹo nào trên người. Eve cũng vượt qua được cảm giác tội lỗi một cách dễ dàng đến kì lạ. Vì bà Kate đã trấn an nó, “Tai nạn có thể xảy ra với bất cứ ai, cháu ạ. Cháu đừng có tự trách mình như thế.”
Eve đâu có tự trách mình. Nó trách bà Tyler tại sao bà ấy lại về nhà sớm để làm hư hỏng tất cả mọi sự? Nó đã chuẩn bị hoàn hảo rồi mà.
Dưỡng đường, nơi Tony bị nhốt, nằm trong một vùng đất yên tĩnh có nhiều cây ở Connecticut. Kate vẫn đi xe đến đó thăm anh mỗi tháng một lần. Cuộc giải phẫu não thuỳ đã thành công. Anh không còn biểu lộ những dấu hiệu hung hãn nữa. Anh nhận ra được Kate và hỏi han về Eve và Alexandra. Nhưng anh không tỏ ra có ý muốn nào gặp chúng nó. Anh rất ít quan tâm đến bất cứ thứ gì. Anh có vẻ như vui thích. Không, không phải là vui thích, Kate chữa lại câu nói. Hài lòng thì đúng hơn. Nhưng hài lòng – về cái gì?
Kate hỏi ông Burger viên giam đốc dưỡng đường, “Con trai tôi có làm việc gì suốt mỗi ngày không?”
“Có chứ ạ, thưa bà Blackwell. Anh ấy ngồi hàng giờ để vẽ.”
Con trai bà lẽ ra có thể làm chủ cả thế giới này, thế mà anh ta lại ngồi vẽ suốt ngày. Kate cố không nghĩ đến sự phí phạm nếu cái đầu óc thông minh sáng láng ấy bị mất đi vĩnh viễn. “Anh ấy vẽ cái gì vậy?”
Viên giám đốc tỏ vẻ bối rối. “Không ai có thể nhận ra được anh ấy vẽ cái gì.”
Nguồn:
http://www.sahara.com.vn/