3/4/13

7 niềm đam mê của đại văn hào Alexandre Dumas


Tác giả: Alexandre Dumas

Nguồn: http://vantuyen.net/

Độ dài: 1 chương

LTS: 200 năm sau ngày chào đời, 130 sau ngày qua đời, và phải đợi đúng vào mùa thu năm 2002, Alexandre Dumas mới vào Điện Panthéon gặp lại người bạn cũ Victor Hugo.

Những người hùng tạo ra bởi ngòi viết của Alexandre Dumas, từ những tác phẩm để đời và bất hủ như Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ, Bá Tước Monte Cristo, cho đến Nữ Hoàng Margot... thời nào cũng khiến cho hàng triệu, triệu độc giả bị mê mẩn. Vì qua dòng thời gian, những nhân vật này đã “nhập” sâu vào những giấc mơ của mỗi người. Đó chính là nhà đại văn hào Pháp Alexandre Dumas và ông ta có bẩy niềm đam mê lớn trong đời mình, được đúc kết trong bài tài liệu dưới đây.

Người bố

Nỗi đam mê đầu tiên của Alexandre Dumas chính là tình cảm mà ông dành trọn cho bố của ông, tướng Dumas, vị tướng đã chết khi ông mới lên 4 tuổi. Ông nội của ông, Thomas Alexandre Davy de La Pailleterie (1762-1806) là con trai của một nhà quý tộc khoái phiêu lưu mạo hiểm nên đã tìm đến đảo Saint Domingue sinh sống. Bà nội của Alexandre Dumas, Louise Césette Dumas từng là một trong những nữ nô lệ da đen mà ông Thomas Alexandre de La Pailleterie đã mua về phục vụ cho cuộc sống của mình trên đảo này.

Thomas Alexandre còn bị bố bán cho người khác để có tiền tiêu xài. Nhưng không hề thù ghét bố, Thomas Alexandre vẫn có mặt tại Pháp sống với người bố bạc tình ấy. Lớn lên, Thomas Alexandre tình nguyện vào quân đội. Anh phải dùng tên của mẹ là Dumas. Năm 1786, anh là lính kỵ binh của nữ hoàng. Được phái đến Villers Cotterêts đóng quân, anh phải lòng một thiếu nữ địa phương rồi cưới cô làm vợ vào năm 1792 khi anh đã mang lon trung tá. Con thứ ba nhưng là con trai duy nhất của vị đại tá kỵ binh này, Alexandre Dumas chào đời tại đây ngày 24 tháng 7 năm 1802.

Thời gian ấy, bố của người sau này là nhà văn lừng danh thế giới đã có cuộc đời binh nghiệp rực rỡ. Ông lần lượt là chỉ huy trưởng quân đội Pháp vùng Pyrénées phía Tây, lãnh đạo quân Pháp vùng núi Alpes, từng chỉ huy quân Pháp tại phía Tây. Sau những chiến tích lập được ở chiến trường Ý, ông tham gia binh biến ở Trung Đông, đánh chiếm thành Alexandre (năm 1789). Sau hai năm bị bắt làm tù binh, bệnh hoạn, sức yếu, ông trở về Villers Cotterêts nghỉ hưu theo lệnh của Napoléon Bonaparte. Ông chết năm 1806 trong sự nghèo túng. Alexandre Dumas mãi suốt đời xem tướng Dumas là người hùng. Có lẽ ông đã tạo ra nhân vật Porthos (trong Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ) có bộ râu mép độc đáo khi nhớ đến bố ruột của mình. Trong Hồi Ký Của Tôi ông đã dành 19 chương viết về bố. Ông từng viết rằng: “Tôi ngưỡng mộ bố tôi... Ngày nay tôi vẫn còn tình yêu ông ta. Tôi yêu bố với một tình yêu thật nhẹ nhàng, sâu đậm, thật thà.”

Alexandre Dumas không tha thứ cho Napoléon đã buộc bố của ông phải nghỉ hưu và không gửi cho mẹ góa của ông những đồng tiền tử ưu đãi người thân của một người hùng đã góp công lớn cho cuộc cách mạng.

Phụ nữ

Không ai không biết nhà văn lớn này rất thích phụ nữ. Ông từng tâm sự rằng: “Chính vì lòng nhân đạo mà tôi đã có nhiều nhân tình. Nếu tôi chỉ có một người tình, chắc chắn cô đã chết chỉ trong bẩy ngày chung sống”. Viết trong Quid, ông Claude Schopp kể rằng đã nhận diện được đầy đủ 25 tình nhân của nhà văn, nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn.

Nhưng chàng Don Juan này cũng đã có lần nếm mùi thất bại khi còn là chàng thanh niên 16 tuổi: anh quyến rũ một giai nhân địa phương nhân một buổi dạ vũ ở Villers Cotterêts. Lúc ấy anh ta trang phục tỉnh lẻ, còn “mục tiêu” của anh, cô Laurence, lại là một thiếu nữ quý phái đến từ Paris. Lần đầu thất bại không có nghĩa là những lần kế tiếp cũng sẽ thất bại. Khi đã là kịch tác gia tiếng tăm, Alexandre Dumas đã cặp với rất nhiều nữ nghệ sĩ, trong đó nổi danh nhất thời ấy là Marie Dorval, người cũng là tình nhân của nhà văn Alfred de Vigny. Còn với nữ thi sĩ kiêm tiểu thuyết gia Ménalie Waldor, nhà văn có một quan hệ tình ái đầy sóng gió với kết quả là ông đã soạn ra được Antony, một thành công ngoạn mục của dòng kịch lãng mạn. Ngay cả lúc đã lớn tuổi, ông vẫn cặp với những tình nhân nóng bỏng, trẻ tuổi hơn mình rất nhiều, như nữ ca sĩ Fanny Gordosa, nữ diễn viên Adah Menken...

Alexandre Dumas chỉ thành hôn có một lần duy nhất. Vợ ông là nữ diễn viên Ida Ferrier. Họ đã sống bên nhau nhiều năm rồi mới nên chồng nên vợ chính thức. Nhưng họ chia tay nhau khá sớm. Ba người con của nhà văn đều sinh ra bởi những người tình ngoài giá thú. Đó là Alexandre (con), năm 1823, con trai của cô thợ may Catherine Labay; Marie, năm 1831, con gái nữ diễn viên Belle Krelsamer và Micaella, năm 1860, con gái của cô gái rất trẻ Emilie Cordrier.

Buổi ban đầu quan hệ cha con giữa hai Alexandre rất khó khăn. Được mẹ nuôi nấng và dạy dỗ, người con không thích lối sống phóng khoáng của người bố. Mãi sau này họ mới thân nhau được. Lúc ấy Alexandre cha rất sung sướng mà nói rằng “Alexandre con chính là công trình xuất sắc nhất” của mình.

Nhưng nhận thấy mình còn trẻ, người cha đã yêu cầu người con đừng bao giờ ký tên là Alexandre con mà phải ký là Dumas Davy.

Con gái Marie Dumas sau khi chia tay với chồng đã dành nhiều thời gian sống với bố. Cô ta nhận vai trò người ngăn cản, “phê duyệt” các mối tình lăng nhăng của bố. Khi nhà văn yếu sức, cô trở thành y tá suốt ngày đêm săn sóc cho ông. Cô cũng là một thi sĩ, thích vẽ tranh và trang phục như các thiếu nữ Tzigane. Bạn bè của nhà văn cứ ngỡ cô là một cô gái điên khùng.

Micaella Cordrier là đứa con của tuổi già của Alexandre Dumas. Mẹ của Micaella thua nhà văn gần 40 tuổi. Năm 1936, Micaella chết trong cô đơn, nghèo khó, không ai biết đến, trong một ngôi làng ở Eure.

Tình bạn

Đam mê thứ ba, tình bạn dường như còn lớn hơn sự ham thích phụ nữ trong con người Alexandre Dumas. Bằng chứng là Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ, 20 năm sau và Tử Tước Bragelone đã là các bộ trường thiên tiểu thuyết duy nhất của lịch sử văn học thế giới chỉ nói về tình bạn.

Người bạn đầu tiên của nhà văn là Adolphe de Leuven, con trai một nhà quý tộc Thụy-Điển mà nhà văn quen biết khi mới 17 tuổi. Cứ như là tiếng sét ái tình. Họ kết bạn rồi chơi thân với nhau suốt đời. Chính Adolphe là người đã đưa Alexandre Dumas đến với văn học. Họ cùng nhau sáng tác nhiều vở kịch, riêng vở La chasse et l’amour (Săn bắt và Tình yêu) đã là vở kịch đầu tiên của Alexandre Dumas được dựng thành kịch công diễn.

Sau khi rời Villers Cotterêts đến Paris sống sau khi vở Henri III et sa cour của mình được hoan nghênh tại thủ đô. Tại đây ông đã kết thân với những Victor Hugo, Alfred de Vigny.”Bàn tay của chúng tôi siết chặt nhau vào giữa lúc thành công đã không bao giờ chia lìa nhau nữa”, nhà văn viết về tình bạn của mình. Ông còn kết bạn với những ngòi viết hàng đầu của dòng văn học lãng mạn thời ấy như Théophile Gaultier. Lamartine, Michelet, George Sand, Nerval (cùng nhau đến Đức và đồng sáng tác hai vở kịch L’Alchimiste và Léo Burckart). Lâu đài Monte Cristo mà nhà văn cho xây dựng (dù rất tốn kém) ở Marly le Roi lúc nào cũng rộng cửa đón tiếp những người bạn đến chơi, uống rượu, cà phê và ăn tối. Để họ tán gẫu, ăn uống, và giải trí với nhau. Alexandre Dumas rút về một dãy phòng cách ly, ở cuối vườn hoa làm việc trong yên tĩnh.

Trong tất cả các nhà văn cùng thế hệ, dường như Alexandre Dumas không ưa hai người: Alfred de Musset và Honoré de Balzac. Balzac thường ghen tức với những thành công mà ông gặt hái được. Nhưng khi Balzac qua đời, ông vẫn đến viếng thăm, tiễn đưa linh cữu đến tận nghĩa trang.

Văn chương

Văn chương là nỗi đam mê lớn nhất của Alexandre Dumas. Ông từng tâm sự: “Trong một trăm năm nữa, hai trăm năm nữa, một ngàn năm nữa, khi phong tục, tập quán, ngôn ngữ và cả những nòi giống đều đã thay đổi, với một bộ sách của tôi sống sót qua thời gian, tôi cũng vẫn sẽ sống không khác gì người sống sót trong một vụ đắm tàu, một mình trên tấm ván gỗ giữa đại dương, nơi con tàu và mọi hành khách khác đã bị nhận chìm.”

Ông đã viết được bao nhiêu tác phẩm? Không thể có được con số chính xác. Theo lời ông kể thì ông đã hoàn tất 1200 cuốn (nên nhớ rằng vào thời của Dumas, những bộ sách có khổ nhỏ, nên riêng bộ Hồi Ký Của Tôi đã đến 29 cuốn). Còn nếu dựa vào Oeuvres complètes (Trọn bộ các tác phẩm) của nhà xuất bản Calmann Lévy thì Alexandre Dumas đã viết được 310 bộ sách, trong đó có 25 vở kịch. Có thể hình dung toàn bộ số sách do Alexandre Dumas viết như sau: nó bằng 150 lần bộ Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ.”

Người ta đã nói nhiều về những “nègre” (thợ viết ma) chuyên viết theo yêu cầu của Dumas, Eugène de Mirecourt, một nhà báo ít được biết đến, từng tìm cách làm lu mờ uy danh của nhà văn bằng việc cho phát hành cuốn: Fabrique de romans: Maison Alexandre Dumas et Cie (Xưởng sản xuất tiểu thuyết: nhà Alexandre Dumas và công ty). Ông ta đã bị nhà văn kiện với kết quả là nhà văn thắng kiện. Thực ra ông có nhiều cộng tác viên gửi đến cho ông những ý tưởng làm cơ sở cho ông viết các tác phẩm. Từ những “maquette” mà các cộng tác viên gửi đến, ông sáng tạo. Chúng hằn rõ văn phong của ông.

Đối với Dumas, văn chương chính là một tình nhân luôn đòi hỏi. Ông ta có thể ngồi viết từ lúc thức giấc cho đến giờ ăn tối. Chỉ rời bàn làm việc để tiếp khách trong dăm ba phút. Ông mô tả cuộc sống nội tâm thật sâu sắc (các nhân vật trong Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ, Bá Tước Monte Cristo) soạn lời đối thoại thật sống động và mô tả không thua gì một họa sĩ (Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ, Người Mohican Ở Paris).

Chính trị

Chính trị lại là một đam mê khác nữa của Alexandre Duams. Đừng quên rằng bố của ông đã từng là một đại tướng quân thời cách mạng Pháp. Tuổi vị thành niên của ông in đậm hình ảnh Napoléon trở về từ Waterloo và đi ngang qua trạm bưu điện của thị trấn Villers Cotterêts.

Bị lịch sử cuốn hút, ông đã muốn đóng một vai diễn nào đó trong lịch sử. Không chỉ viết về “bi kịch của nước Pháp từ thời Vua Charles VI đến thời đại chúng ta” ông đã trực tiếp nhúng tay vào dựng chướng ngại vật trên phố Bac ở Paris vào tháng 7-1830, rồi tham gia hết mình vào các cuộc nổi loạn. Cầm giấy đi đường do tướng Lafayette trao cho, ông đã tìm đến Soisson lấy thêm thuốc nổ và trở về Paris trong tư thế kẻ chiến thắng. Ông đã dành 15 chương trong bộ Hồi Ký Của Tôi để mô tả các chiến tích này.

Năm 1848, với tư cách sĩ quan chỉ huy Cảnh Vệ Quốc Gia, ông dõng dạc lên tiếng trước đoàn quân và sau đó dự lễ tuyên bố thành lập nền Cộng Hòa Pháp. Ông đã ba lần ra tranh cử chức dân biểu Quốc Hội nhưng lần nào cũng thất bại. Sau cuộc chính biến tháng 12-1851, ông phải sang Bruxelles lánh nạn, nhưng sau đó trở về Paris năm 1854. Chính khi lưu vong tại Bỉ mà ông đã gặp nhà văn Victor Hugo. Cũng chính ông đã đến cảng Anvers tiễn Victor Hugo xuống tàu sang Anh sống vào năm 1852.

Cuối cùng, công cuộc đoàn kết thống nhất nước Ý đã cho ông cơ hội ghi tên mình vào lịch sử. Du hành đến Ý năm 1860, Alexandre Dumas đã gặp nhà cách mạng Guiseppe Garibaldi và xin được góp một tay vào công việc mà nhà lãnh đạo này đang theo đuổi. Garibaldi giao cho ông ghi lại mọi diễn biến lịch sử giai đoạn ấy của nước Ý. Ông được dành cho phòng riêng trong cung điện của Garibaldi sau khi chính quyền cách mạng đánh chiếm được thành phố Palermo. Ông đề xuất với Garibaldi cho ông trở về Pháp trên chiếc du thuyền Emma để tìm mua vũ khí phục vụ cho công cuộc thống nhất nước Ý.

Thế kỷ 20, đạo diễn Ý Roberto Rossellini đã không quên vai trò của nhà văn Pháp Alexandre Dumas trong cuộc cách mạng Ý khi thực hiện phim Viva I Italia. Lịch sử đã biết đến ông.

Các chuyến du hành đất lạ phương xa

“Đi đến miền đất xa lạ có nghĩa là sống trọn vẹn nhất đúng theo nghĩa của chữ này... Đó là hít thở với trọn lồng ngực, thích thú với tất cả mọi thứ, và nắm bắt được tạo vật như vật của riêng mình”, Alexandre Dumas đã viết như thế vì ông mê du hành và đã là một trong những nhà du hành lớn nhất thời đó.

Có thể nói không sai là ông đã chỉ viết hay sau khi đã qua những chuyến du hành. Trong các chuyến đi ấy ông đã thâu lượm tất cả, không bỏ sót bất cứ chuyện gì. Trong cuốn En Suisse (ở Thụy-Sĩ, năm 1833), ông kể về một công thức ẩm thực, chuyển sang chuyện nghe được ở một tửu quán rồi nhẩy đến các chuyện bí mật cả lịch sử, của hội họa...

Từ 1858 đến 1859, ông sống suốt một năm ở Nga và vùng núi Caucase trước khi lên du thuyền Emma đi chơi trên Địa-Trung-Hải với người tình trẻ là cô Emillie Cordier. Cô này trở về Paris sinh bé gái Micaella cho ông rồi đưa bé sang Ý gặp lại ông. Các điểm đến cuối cùng của Alexandre Dumas là Áo, Đức (trở về và viết cuốn La terreur prussienne (Nỗi kinh hoàng Phổ, một cuốn sách ít được biết đến nhưng đã từng dự báo về sự bành trướng của đế chế Đức Phổ, và Tây-Ban-Nha (ông rất mê xem các trận đấu bò).

Từ những chuyến du hành này, ông viết cuốn Impressions de voyages - Cảm nhận từ những chuyến du hành chiếm đến 25 bộ trong toàn tập Oeuvres complètes do nhà xuất bản Calmann Lévy sưu tập và ấn hành.

Ăn uống

Thân hình to khỏe, thường đi đây đi đó, được nếm đủ các món ngon vật lạ, chuyện ẩm thực đã là nỗi đam mê cuối cùng trong số bẩy đam mê trong cuộc đời của nhà văn. Nó được thể hiện rõ qua các nhân vật háu ăn, sành ăn trong các tác phẩm của ông (tu sĩ háu ăn Gorenflot trong Quý Bà Ở Mansoreau; Mousqueton trong Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ; ông Mouston béo phị trong Người Mang Mặt Nạ Sắt...). Các trường đoạn mô tả cảnh ăn uống trong tửu quán, lâu đài... cũng không thiếu, xuất hiện cả trong Bá Tước Monte Cristo giữa hai kẻ thù không đội trời chung của nhau là Caderousse và Andrea Cavalcanti.

Nhưng đam mê ăn uống nơi Alexandre Dumas không xuất phát từ cái dạ dầy luôn đòi ăn (nói đúng ra thì ông không phải loại người thích ăn và luôn ăn nhiều). Chẳng qua đó là cơ hội để ông gặp gỡ và chiêu đãi bạn hữu. Một dự án lớn lúc cuối đời ông là cuốn Grand dictionnaire de cuisine (Tự điển lớn về ẩm thực). Tháng 7-1869, ông lên đường đi đến Roscoff cùng với bà đầu bếp của mình để thực hiện cuốn sách này. Nó chỉ được xuất bản sau khi ông đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 2 tháng 12 năm 1870 tại Puys, gần cảng Dieppe. Hai năm sau, thi hài ông được đưa về chôn cất tại Villers Cotterêts. Mùa thu 2002 này, thi hài của ông mới được chuyển vào Điện Panthéon ở Paris.

Nguồn: http://vantuyen.net/