Mỹ Xuyên hầu như không tin nổi vào mắt mình khi nhìn thấy hai bức tranh "Mùa xuân chín" và "Tĩnh vật xanh" đang được theo một cách trang trọng trong phòng khách của gia đình ông bà Nataka . Cô hớt hải bước đến bên bức "Mùa xuân chín" và đưa tay lên sờ vào lớp vải dầy bởi sơn dầu của nó.
Chữ ký của Quyền nằm bên góc phải bức tranh vẫn còn rõ nguyên . Đích thực là tranh của anh rồi . Nhưng tại sao nó lại hiện diện trên cõi đời này, khi cái phòng trưng bày đã cháy thành tro tất cả ?
Gương mặt Trọng Bằng đêm xảy ra hỏa hoạn chợt lướt nhanh qua ký ức Xuyên . Nhất định chuyện này có gì khác thường rồi.
Ông Nataka tới cạnh cô và bập bẹ tiếng Việt bằng giọng lơ lớ của người nước ngoài:
- Nó rất là đẹp... Phải không ?
Xuyên gật đầu:
- Vâng . Người ta biếu ông bức tranh này à ?
- Ồ! Không . Tôi mua nó ở Singapore đó chứ.
- Bức tranh kia cũng thế à ?
Ông Nataka có vẻ hãnh diện:
- Đúng vậy . Người họa sĩ này còn vài ba bức tranh nữa rất đẹp, nhưng tôi không mua được . Tôi rất tiếc.
Bỗng dưng Xuyên buột miệng:
- Tôi biết họa sĩ này.
Ông Nataka ngạc nhiên:
- Ông ấy người Việt Nam à ?
- Vâng.
- Ôi! Vậy thì chắc chắn tôi còn được thưởng thức nhiều tác phẩm khác của ông ấy.
Mỹ Xuyên ngậm ngùi:
- Tiếc là ông ấy không còn vẽ nữa.
- Nếu thế tranh của ông ta rất cao giá . Tôi mừng đã là chủ những bức tranh quý giá đó.
Mỹ Xuyên mỉm cười nhưng trong lòng rối như tơ . Không biết có nên nói với Quyền chuyện này bây giờ không ? Bà Diệu Hạnh mất đã hai tháng, nhưng Quyền vẫn chưa vơi buồn . Anh bày đặt mượn rượu để giải sầu . Nhiều đêm uống tới sáng làm Xuyên vừa lo vừa giận . Cô lo vì sợ anh không còn sức khỏe và nghị lực để làm việc . Còn giận vì sự tuột dốc về tinh thần của anh đã quá mức.
Xuyên thở dài, cô dọn tất cả những thứ giấy dán tường, keo, kéo, kìm còn nằm trên sàn nhà vào giỏ xách . Hôm nay cô đã hoàn tất công việc trang trí nội thất ở đây . Ông chủ người Nhật này rất nôn nóng ở, nên chưa chi đã mang tranh ảnh về treo trong phòng khách . Cũng nhờ vậy, Xuyên mới phát hiện được bức "Mùa xuân chín" và "Tĩnh vật xanh" của Quyền . Thật ra, còn bao nhiêu tranh của Quyền trôi nổi trên thị trường tranh ở nước ngoài nữa chứ.
Suy đi nghĩ lại, Xuyên thấy mình không thể giấu Quyền chuyện này . Cô vội vội vàng vàng làm cho hết việc còn lại rồi ra về.
Ghé ngang trạm điện thoại công cộng, cô gọi cho Quyền và được biết hôm nay anh không đi làm.
Xuyên ngao ngán phóng xe về nhà . Chiếc DH này là của Mỹ Tú . Con bé đã năn nỉ Xuyên cả buổi trời để cô nhận nó làm chân đi . Tú bảo ở thành phố này không có xe gắn máy là thua . Con bé đồng ý cho Xuyên trả gop, vì nó biết chẳng đời nào cô nhận không của nó bất cứ thứ gì . Có lẽ Xuyên là người cố chấp, nhưng cô không muốn bị kẻ khác xem thường, dù kẻ đó là em ruột cô.
Dạo này Tú rất phất, đặt chân sang lãnh vực địa ốc, con bé cũng ăn nên làm ra . Tú muốn Xuyên về phụ một tay và cô cũng đã từ chối . Xuyên không thể, vì bên Tú vẫn còn Tùng, dầu tình yêu kia đã phôi pha, cô vẫn ngại mỗi lần nghe nhắc đến tên anh.
Nghe gõ cửa, Xuyên liền ra mở, cô thật bất ngờ khi người khách ấy là ông Vĩnh Khả.
Ném ánh mắt còn rất sắc của mình về phía Xuyê, ông Khả cao giọng:
- O là Mỹ Xuyên hỉ ?
Xuyên ấp úng:
- Dạ vâng . Mời ông vào nhà.
Ông Khả chắp tay sau lưng, rảo mắt khắp phòng rồi mới ngồi xuống cái ghế cũ kỹ kế cạnh chiếc bàn vuông:
- Chắc o biết tôi ?
- Dạ biết, vì trước đây cháu từng nghe anh Quyền...
Ông Khả nhếch môi:
- Thằng nớ chắc kéo nói xấu ông nội hắn ?
Mỹ Xuyên im lặng, cô không thích xum xoe với ông Khả, dù cô thừa hiểu ông sẽ đem đến cho cô sóng gió.
Ông Khả lên tiếng:
- Dạo này hắn bê tha quá, hắn bỏ bê công việc, chỉ lao vào rượu . Cô có biết không hè ?
Xuyên từ tốn:
- Dạ, cháu biết.
- Răng không khuyên hắn ?
Xuyên lại im lặng nghe ông Khả kề cà:
- Hắn là cháu đích tôn duy nhất, nên trước sau gì cơ nghiệp này cũng thuộc về hắn . Nhưng đàn ông chi đa cảm rứa . Mạ hắn chết mà hắn buồn mấy tháng chưa dứt, hắn khiến tôi lo quá.
Nhìn Xuyên với ánh mắt có phần dịu dàng hơn, ông Khả nói tiếp:
- Nghe nói o và hắn là chỗ thâm tình, cô khuyên hắn giúp tôi một tiếng hỉ ?
Xuyên chưa kịp mở lời đã nghe giọng Quyền vang lên ngay sau ngưỡng cửa:
- Ủa! Sao ông lại ở đây ?
Ông Khả có phần bất ngờ, nhưng ông vẫn bình thản trả lời:
- Ôn đi tìm mi.
Quyền nhíu mày:
- Có chuyện gì quan trọng mà ông phải đích thân đi cho nhọc nhằn thế ?
Ông Khả nhấn mạnh:
- Ôn chỉ muốn biết chỗ con hay qua đêm có chi đặc biệt không thôi.
Mặt Xuyên đỏ lên, cô ấp úng:
- Thưa ông, anh Quyền không hề qua đêm ở đây.
- Rứa thì tốt . Nhưng có thiệt không hỉ ?
Quyền nóng nảy:
- Con đưa ông về.
- Không cần . Ôn có xe chờ ngoài nớ . Mi nhớ lời ôn, liệu về lo mần việc đi . Không thì chớ có trách.
Mỹ Xuyên và Quyền đứng lặng thinh nhìn dáng đầy quyền uy của ông Vĩnh Khả xa dần, xa dần.
Quyền tức tối:
- Bố khỉ! Anh muốn điên lên vì công việc, sao ông nội luôn ép anh thế nhỉ ? Anh cố tình bê bối nhưng ông vẫn không buông tha . Nội biết anh sẽ vẽ lại, nên cố tình đến đây . Ông sẽ không để em yên, nếu anh phật ý ông.
Mỹ Xuyên dò dẫm:
- Có thật là anh muốn vẽ lại không ?
Quyền gật đầu:
- Mẹ đã chết rồi, anh cần gì cái gia tài ấy, khi rõ ràng tiền chẳng mang đến cho anh điều anh muốn.
- Anh nên thẳng thắn trình bày với nội điều anh khao khát.
Quyền thở dài:
- Vô ích thôi . Rồi trước sau gì anh cũng phải phụ lòng ông nội lần nữa.
Mỹ Xuyên ngập ngừng:
- Em có chuyện muốn nói, nhưng anh phải hết sức bình tĩnh đấy.
Nhìn vẻ nghiêm trọng của Xuyên, Quyền ngạc nhiên:
- Chuyện gì mà rào đón dữ vậy ?
Mỹ Xuyên nói thật chậm:
- Em vừa nhìn thấy bức "Mùa xuân chín" và "Tĩnh vật xanh" của anh.
Quyền há hốc mồm, mấy giây sau, anh mới lắp bắp:
- Hồi nào ? Ở đâu ?
Xuyên nhấn từng chữ:
- Sáng nay em tới nhà ông Nataka để làm nốt phần trang trí còn lại . Vừa bước vào phòng khách, em thật sự bị sốc khi thấy hai bức tranh ấy của anh.
Quyền bồn chồn:
- Có đúng là nó không ?
Mỹ Xuyên xác định chắc chắn:
- Không sai một nét, chữ ký tên anh vẫn còn nguyên.
Quyền thẩn thờ:
- Ở đâu họ có nó chứ ?
- Ông Nataka cho biết ông đã mua nó ở Singapore, ngoài hai bức này, ông ấy bảo vẫn còn vài ba bức tranh nữa cũng của anh.
Quyền đứng bật dậy :
- Anh phải xem tận mắt mới tin. Đưa anh tới đó đi.
Xuyên kéo anh ngồi xuống :
- Giờ này họ không có ở nhà đâu. Đến tối, em sẽ đưa ông đến.
Quyền xốn xang :
- Lẽ nào lão Trọng Bằng đã đang tâm cướp của anh tất cả những bức tranh rồi đốt phòng triễn lãm tranh nhằm phi tang.
Mỹ Xuyên nói :
- Chuyện gì lại không thể ? Anh phải tìm lão ta để hỏi cho ra lẽ đi.
Quyền mím môi :
- Trước khi gặp lão, anh phải gặp ông Nataka đã. Anh phải lấy lại những gì của mình mới được.
Chương 17
Mỹ Tú đứng dậy trịnh trọng giới thiệu:
- Ông Nataka một người rất thích tranh của các họa sĩ Đông Nam Á. Anh Bằng ơi ! Anh là người trong giới sưu tầm tranh, anh có thể giúp em tìm hộ Ông Nataka một vài bức sáng giá không ?
Vừa nghiêng mình bắt tay Nataka, Trọng Bằng vừa nói :
- Anh luôn hân hạnh phục vụ nghệ thuật và những người yêu nghệ thuật.
Ông Nataka cũng lịch sự nghiêng mình:
- Thật là qúy hoá quá.
Trọng Bằng thú vị :
- Ông nói được tiếng Việt à ?
Nataka gật đầu :
- Tôi đang nghiên cứu văn hóa Đông Nam Á và rất mê những bức tranh đầy nắng và sắc màu nhiệt đới nóng bỏng của họa sĩ vùng đất này. Tôi muốn có tranh của họa sĩ Việt Nam để bổ sung cho đề tài sưu tập của mình.
Giọng Trọng Bằng chắc nịch :
- Rồi ông sẽ có những tuyệt tác. Tôi bảo đảm như thế.
Mỹ Tú đứng dậy với những lời thật... kiêu:
- Tôi xin phép cáo từ để hai ông tự nhiên bàn luận về nghệ thuật.
Ông Nataka lại nghiêng người chào :
- Tôi rất cảm ơn cô.
Tú bật cười :
- Tôi không dám. Không dám thật đó.
Còn lại hai người, Trọng Bằng vào vấn đề ngay :
- Ông đã có bức tranh nào của họa sĩ Việt Nam chưa ?
- Có chớ. Đó là bức tranh của các cụ như cụ Phải, cụ Sáng. Giờ tôi muốn sưu tầm tranh của giới trẻ.
Hạ giọng xuống, Nataka bảo :
- Cách đây gần một năm, tôi mua ở Singapore hai bức tranh rất tuyệt, tôi muốn ông tìm hộ tôi những bức tranh của họa sĩ này.
Trọng Bằng tự tin :
- Điều đó dễ thôi mà.
- Vậy thì chưa hẳn. Tôi nghe đồn họa sĩ này đã hết vẽ rồi, tranh của ông ta cực kỳ hiếm. Có thể nói chắc không hề có bán ở Việt Nam.
Trọng Bằng chợt dè dặt :
- Đó là họa sĩ nào vậy ?
- Nguyễn Phúc Vĩnh Quyền. Một họa sĩ thuộc dòng dõi vua chúa.
Bằng buột miệng :
- Ông rành về chúng tôi quá nhỉ ?
Nataka khoe :
- Tôi là tiến sĩ Đông Nam Á học mà. Đương nhiên tôi phải biết rõ về Việt Nam rồi. Nhưng ông có tìm được tranh của Vĩnh Quyền cho tôi không ?
Trọng Bằng có vẻ dè dặt :
- Chưa thể trả lời ngay lúc này được. Tôi sẽ cố và thế nào cũng phải cho ông ít nhất một bức tranh, tuy nhiên phần giá cả thì... thì...
Nataka khoát tay :
- Nếu tôi đã ưng ý thì tiền bạc không thành vấn đề.
Trọng Bằng xoa tay vào nhau :
- Tôi biết. Theo thống kê thì hiện tại người Nhật là người tiêu tiền cho việc sưu tập tranh nhiều nhất thế giới.
Nataka nhấn mạnh :
- Nhưng phải bảo đảm là tranh thật đó.
- Xin ông yên tâm. Tôi là người có uy tín mà.
Ông Nataka hỏi :
- Thế bao giờ có thể xem tranh ?
- Tôi sẽ gọi điện cho ông sau.
Trọng Bằng ra về. Nataka điện thoại ngay cho Mỹ Xuyên.
Một tuần sau...
Trọng Bằng đến. Nataka háo hức nhìn hai bức tranh vẫn còn được giấu trong bọc giấy.
Trọng Bằng khoan khoái xé giấy ra.
- Tôi tin chắc ông sẽ rất hài lòng với bức "Màu thời gian". Đây là bức tranh mới nhất, cũng là sau cùng của họa sĩ Vĩnh Quyền.
Nataka ồ lên thích thú khi nhìn những mảnh xanh lá cây đậm nhạt được dàn trải đầy ấn tượng trên mặt vải. Một cô gái với mái tóc dài không thấy mặt đang ngồi chênh vênh trên mỏm đá nghiêng mình xuống bờ vực sâu, cái vực thăm thẳm của thời gian.
Nataka tấm tắc:
- Khá lắm. Trừu tượng mà cũng rất hiện thực. Tôi muốn xem tiếp bức tranh thứ hai.
Trọng Bằng nói :
- Bức này có tên Đồi Hoa Vàng.
Nataka hỏi :
- Ông còn bức nào nữa không ?
- Không. Tôi chỉ có hai bức này thôi.
Vừa ngắm nghía hai bức tranh, Nataka vừa thủng thẳng nói :
- Nghe nhiều người quen cho biết, toàn bộ tranh của Vĩnh Quyền đã bị cháy trong một cuộc triễn lãm cách đây hơn một năm, sau cú sốc đó, ông ta bỏ nghề luôn...
Trọng Bằng có vẻ hấp tấp :
- May mắn sao những bức tranh này không nằm trong đợt triển lãm ấy mà đã nằm trong bộ sưu tập của tôi. Tôi đã mua chúng trước đấy một tuần.
Nataka nhìn thẳng vào mắt Bằng :
- Thật vậy à ? Sao họa sĩ Vĩnh Quyền lại nói khác kìa. Bởi vậy hôm nay tôi có mời ông ta đến để xem hộ tôi phải đây là những đứa con tinh thần của ông ta không ?
Mặt ông Bằng tái nhợt :
- Ông mời Vĩnh Quyền à ?
Nataka mỉm cười :
- Vâng. Ông ta tới ngay bây giờ.
Nataka vừa dứt lời, cửa phòng khác xịch mở. Quyền bước vào với gương mặt lạnh như tiền. Dầu ngồi trong phòng có máy điều hoà, Trọng Bằng vẫn mướt mồ hôi trán. Ông ta bối rối đến mức không mở miệng nói được câu chào.
Nataka nhếch môi :
- Đã tới lúc ông đối diện với chính mình rồi đấy, ông Trọng Bằng.
Dứt lời, Nataka bước ra khỏi phòng Vĩng Quyền không rời mắt khỏi hai bức tranh của mình.
Lâu lắm, anh mới nghiến răng :
- Tôi sẽ thưa ông cho ông vào tù xé lịch.
Đưa tay quệt mồ hôi trán, Bằng nói :
- Cậu làm to chuyện này, chẳng có lợi gì đâu.
Quyền lạnh lùng :
- Tôi không phải người đặt lợi lộc lên trên cả đạo lý và lương tâm như ông.
Mặt ông Bằng đầy vẻ gian xảo :
- Vậy thì cậu càng nên im lặng, vì kẻ chủ mưu đâu phải là tôi. Tôi chỉ thừa hành thôi.
Quyền cau mày, bực bội :
- Ông ăn cắp tranh của tôi rồi đốt phòng triển lãm nhằm phi tang sau đó, ngang nhiên mang tranh qua tân Singapore để bán. Chứng cớ ràng ràng mà còn dám đổ tội cho ai khác ?
Trọng Bằng cười nhẹ :
- Tôi không đánh cắp tranh của cậu mà tôi đã khôn ngoan cứu chúng khỏi chết cháy. Đem chúng vào các cuộc bán đấu giá của hãng Sotherby ở Singapore để gây tiếng vang cho cậu, cậu không cám ơn lại trách tôi.
Quyền nhỏm dậy :
- Ông có tin tôi sẽ đấm vào mặt ông không ? Đồ tham lam, gian xảo ! Ông đã giết cả sự nghiệp của tôi mà còn lớn tiếng sao đồ vô lương tâm ?
Quyền nắm chặt hai nắm tay, anh muốn dập lão Bằng một trận vô cùng, nhưng vì đã hứa với Nataka và Mỹ Xuyên nên anh cố kiềm cơn nóng giận xuống, dù trong lòng đang tức điên lên.
Từ hôm nghe Xuyên kể chuyện, rồi sau đó anh đến gặp Nataka tới nay, Quyền lúc nào cũng như ngồi trên lửa. Anh nôn nóng mong tới phút gặp Trọng Bằng và tưởng tượng mình sẽ dần lão ti tiện ấy cho hả.
Nhưng nhìn gương mặt trơ trơ như mặt nạ của lão, Quyền chợt thấy tởm. Anh chỉ e sẽ dơ tay mình nếu chạm vào đó.
Trọng Bằng đã lấy lại phong thái đĩnh đạc của mình, ông ta buông từng lời:
- Người vô lương tâm là cụ hoàng thân nhà cậu chớ không phải tôi đâu. Chính cụ Khả đã nhờ tôi vụ này đó.
Quyền nghe ù ở tai, hai hàm cứng đến mức anh không mở miệng được.
Ông Bằng lại nói tiếp:
- Ông cụ đã dàn xếp để tôi đến tìm cậu ở Đà Lạt, đề nghị tôi tổ chức cho cậu một cuộc triển lãm với mục đích biến sự nghiệp hội họa của cậu ra trọ Thoạt đầu, tôi cứ tưởng cậu là một công tử bất tài, nhưng khoái chơi trội và làm trái ý gia đình bằng trò chơi nghệ thuật. Nhưng khi tìm hiểu, tôi mới biết cậu tuy chưa có tiếng tăm trong nước, nhưng trên thị trường tranh quốc tế và khu vực Asean, tranh của cậu là loại đang được săn lùng. Tôi không nỡ bóp chết một tài năng nên đã từ chối. Nhưng cụ Khả năm lần bảy lượt khẩn khoản yêu cầu tôi giúp cụ đưa đứa cháu đích tôi về với cơ nghiệp của dòng họ.
Giọng vẫn cứ đều đều, ông Bằng nói:
- Sau cùng, tôi đã xiêu lòng vì món tiền hậu tạ của cậu Khả lớn quá.
Quyền buột miệng chửi :
- Mẹ kiếp ! Rốt cuộc cũng vì tiền.
- Vâng. Ở đời này, muốn sống cho ra hồn phải có tiền. Nếu không vì cần tiền lo cho mẹ, cậu đâu quay về cầu xin ông nội mình. Đúng không nào ?
Quyền nhìn ông Bằng trân trối :
- Ông đã biết mẹ tôi bệnh từ lâu rồi à ?
Trọng Bằng khẽ thở dài đầy... kịch :
- Đúng vậy. Tôi phải nghiêng mình trước sự tính toán của cụ Khả. Cụ ấy biết chắc khi phòng tranh tan thành mây khói, cộng thêm chứng nan y của mẹ, cậu nhất định sẽ trở về nhà.
Đấm mạnh tay xuống bàn, Quyền rít lên căm phẫn :
- Lẽ nào ông nội tôi nhẫn tâm đến thế ? Biết mẹ tôi bệnh, ông không lo thì thôi, còn nỡ mang bà ra như một nước cờ...
Ông Bằng lắc đầu :
- Đừng trách ông cụ. Bất kỳ nhà kinh doanh nào cũng có máu lạnh, nếu không, họ khó làm giàu lắm.
Quyền hằn học :
- Ông câm ngay cái luận điệu bất nhân ấy đi. Nếu nhờ thế mà ông nội trở nên giàu có thì đã đến lúc ông phải trả lại cho tôi những gì đã thu vào rồi.
Giọng ông Bằng ngọt như đường :
- Nói thế chứ "Máu chảy ruột mềm", cậu không đành làm to vụ này đâu.
- Ai nói với ông vậy ?
Trọng Bằng nịnh nọt:
- Cậu có trái tim nghệ sĩ nhân hậu, cậu sẽ bỏ qua tất cả.
Quyền cười khẩy :
- Chính vì nghỉ thế, nên ông mới cả gan đem bán tranh của tôi chứ gì ?
Trọng Bằng trơ tráo :
- Với tôi, cụ Vĩnh Khả chính là tấm lá chắn an toàn nhất. Công an mà sờ đến tôi thì họ cũng chả tha cụ. Có tiền, chắc cụ chẳng bị tù tội gì. Nhưng uy tín, danh dự của một bậc hoàng thân quả là...
Quyền gạt ngang :
- Trả lời đi. Ông còn giữ bao nhiêu tranh của tôi ?
Xoa cằm, Trọng Bằng lấp lửng :
- Người ta bảo lòng tham không đáy, nhưng túi tham của tôi thì có đáy. Tôi chỉ giữ lại vỏn vẹn mười bức, nhưng cũng đã bán cả rồi. Đây là hai bức cuối cùng, giờ xin trả lại cậu. Khi Mỹ Tú giới thiệu tay người Nhật này, lẽ ra tôi phải cảnh giác mới đúng. Cũng tại tôi nghĩ con bé này và chị nó... Mà thôi đi. Không nên ca cẩm nữa.
Vuốt mặt một cái, Trọng Bằng làm thinh bỏ ra ngoài. Căn phòng vắng lặng đến mức Quyền có cảm giác nghe cả nhịp đập phẫn nộ của con tim mình.
Chương 18
Khuôn mặt vốn hay cười của Ngọc Trâm chợt trở nên buồn sườn sượt khi cô ngao ngán bảo :
- Phen này mình sẽ chết ngắt vì công ty Đại Hưng. Chết mà không có đất chôn ấy.
Mỹ Xuyên sợ hãi hỏi :
- Mày nói vậy là sao ?
Ngọc Trâm trả lời :
- Họ đang ra sức triệt phá mọi nguồn làm ăn của bọn mình. Trước đây, họ đã thế, nhưng chỉ giành mối bên phần trang trí nội thất, nay cả dịch vụ quảng cáo, họ cũng thò vòi bạch tuột vào.
Giọng Xuyên thẫn thờ :
- Vậy là chúng ta đã khó khăn càng khó khăn hơn. Thú thật, tao không muốn nhận việc qua sự giới thiệu của Mỹ Tú.
Trâm nhấn mạnh :
- Nhưng dầu sao dạo này mày cũng nhờ có nó.
Mỹ Xuyên quyết định :
- Tao sẽ không hợp tác với ông Thạnh và anh em mày nữa. Có như thế, công ty nhỏ xiú này mới tồn tại được.
Ngọc Trâm lắc đầu :
- Mọi người không đành lòng bỏ mày đâu.
- Nhưng tao đâu thể vì mình mà để bạn bè chịu thất nghiệp. Công ty Đại Hưng chủ yếu nhắm vào tao và anh Quyền.
Nói tới đây, giọng Mỹ Xuyên chợt nghẹn lại :
- Một khi không còn tao nữa, anh Ẩn, mày và anh Thạnh sẽ làm ăn được như bình thường.
Trâm ái ngại :
- Mày và Quyền liệu sẽ sống bằng cách nào khi Quyền vẫn chưa vẽ lại được ?
Xuyên nói :
- Nataka mua bức "Màu thời gian" và "Đồi hoa vàng" với giá khá hào phóng. Quyền có thể yên tâm sống cả năm dài để vẽ mà không lo đến tiền bạc.
- Còn mày ? Chẳng lẽ cam tâm... nâng khăn sửa túi cho gã họa sĩ chư a gặp thời ấy, mà không nghĩ gì cho riêng mình ?
- Tao chưa hề nghĩ tới hôn nhân. Điều tao lo bây giờ là làm sao vực Quyền dậy, làm sao cho mỗi lần đứng trước khung vải, ảnh đừng nhớ đến vụ cháy đã thiêu đi bao nhiêu năm miệt mài lao động và cả nguồn cảm hứng của mình. Muốn thế, chắc tao và Quyền phải rời khỏi cái thành phố còn lưu lại quá nhiều ký ức đau đớn này quá.
Ngọc Trâm ngập ngừng :
- Hai người định đi đâu ?
Mỹ Xuyên chống tay dưới cằm :
- Tao chưa biết. Nhưng nếu ở lại thành phố này, cả tao lẫn Quyền đều rơi vào bế tắc. Hơn nữa, tao không thích thấy cảnh Quyền cứ đối chọi mãi với gia đình ruột thịt của mình.
Ngọc Trâm nhìn Xuyên thông cảm :
- Tao mong mày và hắn sẽ gặp may sau những xui rủi vừa qua.
Mỹ Xuyên hạ giọng :
- Tao cũng mong thế.
Hai tuần sau, Xuyên và Quyền đã có mặt tại Đà Lạt. Nơi đây là quê của bà nội anh. Quyền từng sống và lớn lên ở đó nên với anh, đây là chuyến trở về nhà.
Hai người trở lại căn nhà trọ cũ và thuê hai phòng riêng. Xuyên cảm thấy hài lòng, cô ít nghĩ tới Sài Gòn, điều cô quan tâm lúc này là công việc... Xuyên muốn làm việc vô cùng, nhưng có phải muốn là được đâu ?
Thở dài, cô kéo cao cổ áo măng tô, và bước ra phố. Đà Lạt mùa này lạnh, có nhiều sương mù nhưng Quyền vẫn chịu khó ôm giá vẽ ra khỏi nhà trọ từ sáng sớm/
Chăm chỉ là thế, nhưng anh vẫn không vẽ được. Quyền cứ xé hàng đống phác thảo khiến Xuyên đến sốt ruột. Cô biết mọi bắt đầu không dễ, nhất là bắt đầu cho sự tìm kiếm cái mình đã mất. Quyền rất đa cảm, nên sự bắt đầu trở lại của anh càng chậm, vì anh chưa quên được những gì xảy ra cho mình.
Đi gần tới biệt thự Thanh Tùng, tim Mỹ Xuyên chợt xao động. Cô nhớ ngày nào vừa chân ướt chân ráo lên đây, nhớ giây phút đầu tiên chạm phải ánh mắt của Tùng. Rồi những nụ hôn, những lời như rót mật vào tai.
Mới đó mà xa lắc xa lơ, Xuyên quay lại, cô không nỡ đi ngang biệt thự, bây giờ là khách sạn Thanh Tùng, cô không nỡ đạp trên kỷ niệm dù đã phôi pha của cả hai người.
Mà sao Xuyên lại lẩn thẩn thế nhỉ ? Có phải vì cô quá rảnh rỗi không ? Người ta bảo "Nhân cư vi bất thiện", quả không sai. Liệu Quyền sẽ nghĩ gì nếu vừa rồi anh đọc được suy nghĩ của cô ?
Đang lầm lũi đi như chạy, Xuyên chợt khựng lại khi nghe giọng đàn ông gọi mình.
Ngước lên, Xuyên thảng thốt :
- Anh... anh...
Tùng trầm giọng :
- Anh làm em giật mình à ?
Xoa hai tay vào nhau, Xuyên ấp úng :
- Không. Em chỉ bất ngờ thôi. Sao anh lại ở đây nhỉ ?
Tùng không trả lời mà hỏi lại :
- Thế còn em ? Sao lại lang thang ở phố núi này ?
Mỹ Xuyên nói :
- Vì em không sống ở Sài Gòn được nữa.
Tùng nhìn cô thật sâu :
- Có thể ngồi uống với anh ly cà phê chứ ?
Xuyên nhìn đồng hồ :
- Độ chừng mười lăm phút thì được.
Tùng bật cười :
- Em keo kiệt đến thế sao ?
Xuyên nghiêm mặt :
- Với anh, em không cho phép mình rộng rãi.
- Vậy anh không dám kèo nài nữa.
Hai người trở lại khách sạn Thanh Tùng. Tùng gọi thức uống trong khi Xuyên bồi hồi nhìn lại những trang trí mình đã làm.
Tùng nhẹ nhàng :
- Tất cả vẫn y như cũ, nơi nào cũng có bóng dáng em.
Xuyên lắc đầu :
- Nhưng chúng ta đều đã khác xưa và em chẳng lấy gì tiếc điều đó.
Tùng chuyển đề tài :
- Em đang tìm một công việc thích hợp. Đúng không ?
- Mỹ Tú nói với anh à ?
- Không. Tú không khi nào nhắc tới em trước mặt anh. Anh nghe Thạnh nói... anh ta rất yêu em, phải không ?
Mỹ Xuyên ngượng ngập cười :
- Thạnh là người của công việc, ảnh chỉ yêu công việc thôi. Làm việc với nhau thì được, nhưng em và Thạnh không hợp tánh để có thể yêu nhau.
Tùng nhếch môi :
- Và em đã chọn Quyền, dầu bây giờ cuộc sống của cậu ta đang gặp đầy rẫy khó khăn ? Em sẽ làm việc để nuôi Quyền chứ ?
Mỹ Xuyên khó chịu :
- Anh nghĩ Quyền tệ đến thế sao ? Anh ấy không màng đến cơ nghiệp đồ sộ, quyết đi theo con đường đã chọn mà chả lẽ phải cần em làm việc để nuôi ?
Tùng nhún vai :
- Anh không hiểu nổi Quyền. Anh chỉ sợ cậu ta sẽ như ông bố mình, suốt đời đi tìm thứ không có thật thì sẽ khổ cho em.
Mỹ Xuyên nhấn mạnh :
- Quyền thật sự có tài. Ảnh đã khẳng định được tài năng của mình, chỉ tiếc rằng số mạng khéo trêu ngươi.
Tùng nheo mắt :
- Số mạng hay chính bàn tay con người đã phóng lửa ? Đừng tưởng anh không biết những chuyện ông Vĩnh Khả đã làm với cháu đích tôn của mình.
Xuyên ngỡ ngàng :
- Sao anh biết khi em không hề hé môi với Mỹ Tú ?
Tùng trả lời :
- Chính Trọng Bằng đã đi rao chuyện này với một số người quen thân với lão.
- Tại sao Bằng làm thế khi lão cũng có dính líu ?
- Trọng Bằng đổ hết tội cho ông Khả. Lão còn rêu rao là ông Khả làm thế cũng đúng vì Quyền chẳng tài cán gì, nếu không dập cậu ta một trận, không khéo Quyền lại đi vào ngõ cụt như ông bố mình.
Mặt Mỹ Xuyên đỏ lên vì giận :
- Lão ta thật khốn nạn mà.
Tùng nhỏ nhẹ :
- Khi yêu, các cô gái hay thần tượng người mình yêu. Anh khuyên em nên tỉnh táo nhìn lại vấn đề. Nếu không, ngày sau sẽ ân hận vì vớ phải một tay hoang tưởng.
Ngập ngừng, Tùng nói tiếp :
- Bệnh này chắc có di truyền đấy.
Mỹ Xuyên nghiêm giọng :
- Cám ơn lời khuyên của anh. Em không yêu lầm thêm lần nữa đâu. Em biết chắc Quyền là người như thế nào mà. Xin phép anh, em về đây.
Bỏ mặc Tùng ngồi lại một mình, Mỹ Xuyên ra khỏi khách sạn Thanh Tùng. Vừa hào hển bỏ đi, cô vừa tức khi nhớ những lời vừa được nghe.
Những người quen biết Xuyên và Quyền đều không tin anh có thể vẽ lại được sau cú sốc to lớn đó, nhưng cô tin và cô nhất định giúp Quyền đạt được mộng ước.
Ghé chợ mua thức ăn xong, Xuyên về nhà trọ. Tới cổng, cô gặp Quyền ngồi hút thuốc ngoài sân.
Xuyên ngạc nhiên :
- Hôm nay anh về sớm thế ?
Quyền kéo cô ngồi xuống cạnh bên :
- Vì anh vừa quyết định một chuyện quan trọng.
Mỹ Xuyên lo lắng :
- Nhưng chuyện vui hay buồn ?
Vuốt tóc cô, Quyền nói :
- Nhìn em kìa. Sao lại căng thẳng thế ?
Xuyên thở hắt ra :
- Xảy ra quá nhiều việc, nên tâm trí em lúc nào cũng căng thẳng như sợi dây tơ, chỉ một lay động nhỏ cũng đủ âm vang thành tiếng. Thú thật, em sợ tất cả những gì có dính líu tới hai từ quan trọng.
Quyền trìu mến :
- Tại em nhạy cảm quá thôi.
- Vậy anh nói... cái quyết định quan trọng ấy cho em nghe nhanh lên.
Quyền bóp nhẹ tay Xuyên :
- Chúng ta cưới nhau đi.
Mỹ Xuyên sửng sốt nhìn anh, cô ấp úng :
- Cưới vào lúc này à ?
Quyền gật đầu rồi hỏi :
- Em không muốn thế sao ?
Xuyên lặng thinh, cô chợt nhớ đến Tùng. Anh từng nói với Xuyên như thế khá nhiều lần. Lúc đó, cô còn nông nổi quá, còn ham mê công danh quá, nên đã để vuột tình yêu của mình. Bây giờ thì sao đây ?
Thời điểm này có thích hợp để cưới nhau không, khi cả hai đang bấp bênh trong cuộc sống ?
Giọng Quyền trầm trầm vang lên :
- Em bỏ Sài Gòn theo anh lên đây, em lo lắng cho anh từng chút về vật chất cũng như tinh thần. Em là người duy nhất chia sẻ đắng cay cũng như chung niềm hạnh phúc ngọt bùi. Anh cần em, khát khao được là chồng em hơn bao giờ hết.
Mỹ Xuyên rối bời vì nhưng lời của anh. Quyền lại hỏi :
- Em đang thấy sợ vì nhớ tới lời cầu hôn của Tùng trước đây phải không ?
Cô liếm môi :
- Quả thật em sợ. Sợ nhất là trở thành gánh nặng của anh.
Quyền có vẻ phật ý :
- Ngại anh không lo cho em nổi à ?
Mỹ Xuyên lắc đầu :
- Không. Em muốn có công việc ổn định đã. Em muốn là... hậu phương vững chắc để anh an tâm vẽ. Khi có triển lãm rồi, cưới nhau vẫn chưa muộn.
Quyền nói :
- Trước đây anh cũng định xong triển lãm, sẽ ngỏ lời với em. Ai ngờ đâu, không có cơ hội đó. Bởi vậy anh sẽ không đợi tới lúc mở triển lãm lần sau, bởi vì ai biết ông nội sẽ bày ra trò gì nữa.
Ôm Mỹ Xuyên vào lòng, Quyền thì thầm :
- Anh có thể để cháy hết tranh lần nữa, nhưng không thể mất em. Thật đó.
Mỹ Xuyên cong môi lên :
- Nhưng em đã thấy bức tranh nào đâu.
Quyền mỉm cười :
- Nhất định có. Sáng nay anh đã thực hiện được một phác thảo ưng ý sau bao nhiêu là phác thảo bị xé bỏ.
Mỹ Xuyên hớn hở :
- Nếu thế thì còn gì bằng. Em muốn được xem nó.
- Cứ từ từ. Em vẫn chưa trả lời anh mà.
Mỹ Xuyên trầm ngâm :
- Được làm vợ anh là khao khát một đời của em, nhưng qua những giông tố vừa rồi, em không thể an lòng khi nghĩ tới những gì dính dấp tới hạnh phúc. Em canh cánh trong hồn câu :"Họa vô đơn chí, phước bất trùng lai". Không biết còn tai họa gì sẽ tới với chúng ta nữa, nói chi tới việc cưới xin.
Quyền kêu lên :
- Sao lại tin những chuyện vớ vẩn ấy ? Tất cả những giông gió vừa qua đều do ông nội gây ra. Chẳng lẽ ông lại nhúng tay vào cả việc anh lấy vợ ?
Xuyên thắc thỏm :
- Ông nội vẫn là ông nội của anh, ông có quyền biết vợ anh là người như thế nào chứ.
Giữ hai vai Xuyên, Quyền nói :
- Hôm rời Đại Hưng, anh đã nói rất rõ với nội, anh không còn quan hệ gì với gia đình, gia tộc ấy hết, bởi vậy chẳng ai có quyền can thiệp vào chuyện riêng tư của anh.
Mỹ Xuyên nghiêm mặt :
- Em không đồng ý cách suy nghĩ của anh. Anh rời Đại Hưng vì không thích làm tổng giám đốc, em hoàn toàn nhất trí. Nhưng nếu bảo là không còn quan hệ với gia đình gia tộc, em nghe không ổn chút nào. Cây có cội, nước có nguồn mà. Em hiểu anh hận nội, bà Ái Xuân và cả bác trai đã đối xử tệ với mẹ. Nhưng dầu sao anh cũng là cháu đích tôn của ông nội. Anh không thể chối bỏ bổn phận con cháu đối với tổ tiên ông bà.
Quyền nhìn cô trân trối :
- Trời ơi ! Em hay bà cụ nào vậy Xuyên ?
Xuyên nói :
- Trước đây Mỹ Tú luôn trêu em, nó bảo em thuộc trường phái cổ điển, cổ lỗ, cù lần, không hợp với người mô- đen, tân tiến như nó. Con bé đúng đấy, em rất thủ cựu, bởi vậy nên thường hoài cổ. Với em, ông bà cha mẹ có vị trí hết sức quan trọng. Chỉ tiếc rằng ông bà, cha mẹ em đều mất sớm. Đôi lúc nhớ tới dòng họ, em thầm tủi thân vì chị em quá cô độc. Đơn độc tới mức hôm đám cưới Mỹ Tú, lòng em đau đớn, không muốn dự chút nào, nhưng cuối cùng cũng phải gạt lệ, bấm bụng đến trong vai bà chị, người thân duy nhất của cô dâu.
Nghẹn ngào nhìn Quyền, Xuyên hỏi :
- Lẽ nào đến đám cưới chúng ta, ngoài Mỹ Tú ra, sẽ không có ai là ruột rà thân thích sao ?
Quyền nóng nảy :
- Nhưng em có đồng ý lấy anh không ? Hãy trả lời anh đi.
Xuyên chớp mắt :
- Bao giờ quan hệ giữa anh và gia đình tốt đẹp hơn, hãy tính tới chuyện đám cưới.
Quyền khô khan :
- Đó là câu trả lời của em phải không ?
Mỹ Xuyên khe khẽ gật đầu. Quyền mỉa mai :
- Không ngờ em quan tâm tới dòng họ anh hơn cả anh. Hừ ! Dầu sao đó cũng là họ vua mà, phải không ?
Mặt Xuyên đỏ bừng lên, nhưng cô vẫn nhỏ nhẹ :
- Em chỉ nghĩ tới chuyện lâu dài, nghĩ tới con cái. Nó phải biết nguồn gốc, tổ tiên, chớ chả màng gì cái dòng họ vua chúa của anh đâu.
Quyền khổ sở :
- Nhưng anh không thể quên đi những gì đã xảy ra.
Xuyên dịu dàng :
- Anh hãy sống như Trịnh Công Sơn từng hát: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng để làm gì em biết không... " Hãy để gió cuốn đi hết những oán hận, nếu không sau này anh sẽ ray rứt cả đời.
Quyền chưa kịp nói gì thì thấy Hoà, người phục vụ Ở quán Đồi Hoa Vàng hớt hải chạy vào, mặt xanh mét :
- Cậu về Sài Gòn ngay, ông cụ bị tai biến mạch máu não, e không qua khỏi đâu.
Quyền cau mày :
- Anh bảo gì ?
Hòa máy móc lập lại lần nữa và nhấn mạnh :
- Ông Vĩnh Yên nhắn cậu về gấp, nếu không sẽ không gặp cụ Ông lần cuối đâu.
Quyền nắm chặt tay, tim đau nhói lên. Anh cố ra vẻ dửng dưng :
- Sắp xếp công việc xong, tôi sẽ về.
Mỹ Xuyên ngạc nhiên :
- Anh còn công việc gì, cứ để em lo ?
Quyền thẫn thờ bỏ vào phòng, Xuyên lẽo đẽo theo sau mà không dám đoán được anh đang nghĩ gì.
Cô nghe giọng Quyền vỡ ra :
- Anh không về đâu.
Mỹ Xuyên buột miệng :
- Anh nói thật hả ?
Quyền mím môi ?:
- Anh không bao giờ muốn nội bị như thế, nhưng anh cũng không bao giờ muốn gặp ông.
Mỹ Xuyên lạnh lùng :
- Vậy thì anh cứ ở lại đây, em sẽ đi vì không thể sống với một người có trái tim đã hóa đá như anh.
Dứt lời, Xuyên chạy vào phòng, đóng sầm cửa lại.
Bên ngoài, Quyền vẫn ngồi yên như pho tượng.
Chương kết
Ngọc Trâm hất hàm nhìn Xuyên :
- Thôi stop đi chớ. Làm hoài, tiền để đâu cho hết ?
Mỹ Xuyên vẫn tiếp tục gò mình trên bản thiết kế :
- Chỉ sợ túi rỗng thôi, chớ tiền nhiều bao nhiêu cũng có chỗ để hết.
Ngọc Trâm chép miệng :
- Mày làm sao ông Quyền nhìn không ra thì làm.
Mỹ Xuyên khịt mũi :
- Tao cũng cầu cho ổng nhìn không ra tao đây.
- Xì ! Đừng có kiêu căng, đến hồi người ta ngoảnh mặt quay lưng rồi lại tự tử.
- Tao không ngốc đến thế đâu.
Ngọc Trâm bĩu môi :
- Vậy không lẽ Mỹ Tú ngốc ?
Mỹ Xuyên buông viết :
- Nó thích làm người khác phải ngạc nhiên đến mức kinh hoàng thôi, chớ hổng dám nó ngốc đâu.
Trâm tò mò :
- Vậy chồng Tú sao rồi ?
Xuyên thở dài :
- Mưa tạnh, gió hoà rồi. Cầu mong sao vợ chồng Tú cứ thế hoài ?
Trâm ra vẻ sành đời :
- Khó đấy. Tay Tùng Ha-Lây là ngựa chứng mà. Khổ nỗi, quanh hắn có biết bao nhiêu là đồng cò tươi xanh mơn mởn.
Mỹ Xuyên tự tin :
- Nhưng rồi tất cả những con ngựa đều sẽ quay về đồng cỏ nhà. Bằng chứng là hiện tại Tùng hết sức quan tâm, chăm sóc con Tú.
Ngọc Trâm cười cười :
- Nếu tao không lầm thì nhờ mày làm công tác tư tưởng nên hắn mới trở nên ông chồng tốt như vậy. Xem ra mày vẫn còn chỗ đứng trong tim Tùng Ha-Lây đấy.
Xuyên nhăn nhó :
- Mày tào lào gì vậy ? Nhỡ tới tai anh Quyền hoặc Mỹ Tú thì sao ?
Trâm thản nhiên :
- Thì họ phải chấp nhận sự thật đó thôi, chớ sao trăng gì nữa ? Nói thật, Mỹ Tú không đáng để nhận những hy sinh to lớn của mày.
Mỹ Xuyên gượng gạo :
- Tao có hy sinh gì đâu. Tùng đã chọn Tú thì phải chấp nhận mặt tốt lẫn mặt xấu của nó chớ. Thật ra, Mỹ Tú củng chẳng làm gì xấu. Chỉ phải tội nó quá mê làm giàu, nhưng lại thiếi kinh nghiệm nên mới bị người ta lừa một vố lớn đến mức phải tự tử.
Ngọc Trâm gật gù :
- Nhờ tự tử không chết nên Tú mới... vượt qua giông bão và tiếp tục làm chủ gia tài lẫn cuộc đời Tùng. Con bé ấy đáng gờm và cũng sướng thật.
Mỹ Xuyên trầm ngâm :
- Mỗi người có một số phận, tao không ganh tỵ với Tú và thấy mình cần cố hơn nữa trong công việc để có cuộc sống sung túc một chút.
Ngọc Trâm hóm hĩnh :
- Tại mày và lão Quyền quá ư lập dị, chớ nếu không, chỉ cần một phần mười cơ nghiệp của ông Vĩnh Khả, hai người cũng có bạc tỷ để làm vốn rồi.
Xuyên nhỏ nhẹ:
- Quyền quan niệm nhiều tiền cũng chưa hẳn hạnh phúc, nhất là không phải tiền do mình làm ra.
Ngọc Trâm nheo mắt:
- Đó là quan niệm của Quyền. Còn mày thì sao? Tao nhớ mày cũng khao khát làm giàu lắm mà.
Mỹ Xuyên nói:
- Tới bây giờ khao khát ấy vẫn cháy bỏng trong tao. Nhưng thực tế cho thấy làm giàu đâu có dễ. Theo ông Thạnh mấy năm ròng, đã được gì đâu?
Nhìn Trâm, Xuyên tủm tỉm cười:
- Nhưng dầu sao chúng ta cũng có được một công ty cò con, chớ không phải đi làm cho kẻ khác. Giữa thời buổi khó khăn này, như bọn mình đã là giỏi rồi. Từ từ chúng ta phát triển lớn hơn, đa hệ hơn. Đúng không?
Ngọc Trâm chống cằm:
- Chỉ ngại chẳng bao lâu nữa mày lấy chồng, sợ lão Quyền bắt mày ở nhà làm nội trợ ấy. Lúc đó thì tàn giấc mơ tự làm giàu bằng khối óc, buồng tim của chính mình nhá.
Mỹ Xuyên kêu lên:
- Quyền không tệ thế đâu. Tao tin sẽ khiến được ông tướng ấy, nếu ý kiến của tao đúng.
Ngọc Trâm nhìn ra đường:
- Vừa nhắc đã xuất hiện. Đúng là linh thật.
Quyền bước vào với nụ cười trên môi. Ngọc Trâm không bỏ lỡ cơ hội trêu:
- Gớm! Làm gì mà giữ Mỹ Xuyên kỹ thế.
Quyền thản nhiên:
- Cuộc đời tôi chỉ có gia tài này thôi. Giữ kỹ là đương nhiên.
Trâm quẹt mũi:
- Nói nghe... phô quá. Chắc phải mời gia tài của họa sĩ Quyền về sớm rồi.
Mỹ Xuyên đứng dậy:
- Không phải đuổi. Tao về ngay đây. Nếu một lát anh Thạnh ghé, mày nhớ đưa cho ảnh xem bản thiết kế này. Tao và Quyền biến đây.
Quyền chờ Xuyên lên ngồi xong mới khởi động xe.
Anh chợt hỏi:
- Vớ vẩn. Vậy là anh không hề tin em.
Quyền chụp tay cô:
- Anh tin em nhưng không tin Thạnh.
Mỹ Xuyên im lặng, một lát sau cô nói:
- Thạnh làm một người đam mê với công việc, anh ấy không nghĩ đến chuyện yêu đương nữa đâu, anh đừng lo.
Quyền cao giọng:
- Đùa cho vui thôi, chớ anh hiểu con người Thạnh mà. Hôm qua bọn anh vừa nhậu một chầu say khướt.
Xuyên ngạc nhiên:
- Thật hả?
- Thật chứ.
Xuyên tò mò:
- Hai người đã nói chuyện gì.
Quyền ỡm ờ:
- Nhiều chuyện lắm mà chuyện của đàn ông, em không nên nghe.
Mỹ Xuyên giận dỗi:
- Vậy mà cũng nói.
Quyền bật cười thích thú. Anh dừng xe trước nhà trọ của Xuyên và chờ cô mở cửa. Hai người vào trong. Xuyên bỗng chuyển đề tài:
- Hôm nay ông nội thế nào?
Quyền ngồi xuống ghế:
- Ông vịn ghế đứng lên một mình và đi được vài bước mà không cần người đỡ.
Xuyên nheo mắt:
- Ủa! Trước đây anh có đỡ nội à?
Quyền ngu ngơ:
- Thì em đã dặn anh làm thế mà.
Mỹ Xuyên cố ý:
- Nếu em không bảo, anh sẽ không làm sao?
Quyền bẹo má Xuyên:
- Thích thấy anh quê độ lắm phải không? Quê với ai thì ngại, chớ với em, anh càng khoái.
Dứt lời, anh hôn lên môi cô một nụ hôn dài và thì thầm:
- Nếu không có em, anh đã trở thành một người khác, một người ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân.
Mỹ Xuyên dài giọng:
- Anh nói thế chứ, nếu không là em thì cũng có người phụ nữ khác yêu anh, gắn bó, chia xẻ buồn vui cùng anh. Biết đâu chừng, cô ta có nhiều ưu điểm hơn gấp mấy lần em.
Quyền ôm xiết Xuyên trong vòng tay:
- Làm gì có ai hơn em trong mắt anh, tim anh. em là số một. Số một bây giờ và mãi mãi.
Xuyên phì cười:
- Anh định từ sân nhà họa sĩ lấn sang sân nhà văn sĩ hả? Yêu nhau bao lâu, hôm nay em mới nghe anh tán tỉnh đấy.
Quyền có vẻ xúc động:
- Anh nói thật đó. Trước đây, em là nguồn cảm hứng để anh vẽ, hiện tại em là sinh khí của đời anh. Nếu không có em, đời anh trở thành vô nghĩa. Em đã khiến anh hiểu ra một điều rất là quan trọng là muốn yêu nghệ thuật, yêu hội họa, trước hết phải biết yêu con người.
Nhìn vào mắt Xuyên, Quyền ray rứt:
- Ngày đó anh chỉ yêu mình. Anh hả hê lao vào hội họa để thoa? mãn tự ái hơn là đam mệ Cũng may trời phú cho anh chút tài, nhưng cũng vì thế anh đâm ra tự mãn...
Mỹ Xuyên để ngỏn trỏ lên môi anh:
- Đừng nhắc chuyện cũ nữa mà.
Quyền cắn nhẹ tay cô:
- Quan hệ giữa Thạnh và Trâm có tốt không?
Xuyên ngập ngừng:
- Tốt. Sao anh thắc mắc vậy?
Quyền tủm tỉm:
- Anh thấy Ngọc Trâm có vẻ xứng với Thạnh.
Mỹ Xuyên ngạc nhiên:
- Xứng ở điểm nào?
- Một người hay nói, một người hay cau có, càu nhàu, hợp ca chắc hết ý.
Xuyên bật cười:
- Anh quỷ thật. Nhỏ Trâm mà nghe thì biết. Con nhỏ không hợp với anh Thạnh đâu.
Quyền bảo:
- Em phải làm sao để hai người hợp nhau đi chớ.
Xuyên phụng phịu:
- Tự nhiên bắt em làm bà mai hà.
- Nói thật. Nếu Thạnh có một cô nào đó trói chân, anh vẫn an tâm hơn khi để em làm việc với hắn ta.
Mỹ Xuyên cấu vào lưng Quyền:
- Anh phải nhắc lại để không sai nữa chứ.
Xuyên chớp mi:
- Nếu hôm ấy anh ở Đà Lạt thì chúng ta vĩnh viễn chia tay.
Quyền chép miệng, tiếp lời cô:
- Và anh đã phải ân hận suốt đời để hôm nay chẳng còn dịp để được bên nhau mà nhắc chuyện cũ.
Mỹ Xuyên mỉm cười:
- Thật ra, lần đó anh về Sài gòn là vì em, hay vì ông nội vậy? Thú thật đi.
Quyền ngập ngừng:
- Nói thật lần đó anh về Sài Gòn là vì sợ mất em chớ không vì ông nội.
- Sao lúc ấy anh nói khác?
Quyền cúi xuống nhìn cô:
- Nếu không nói vì ông nội, em sẽ tiếp tục yêu anh sao?
Mỹ Xuyên trầm giọng:
- Sẽ tiếp tục yêu, nhưng cũng sẽ rất đau khổ, khổ đến mức lẩn trốn anh đến suốt đời.
Quyền lặng lẽ nhìn vào mắt Xuyên. Anh hạnh phúc nhận ra cô gái anh yêu không chỉ đẹp về hình thức mà cả tâm hồn cũng trong sáng như gương.
Quyền bồi hồi nhớ lại:
- Về Sài Gòn với mục đích giữ trái tim em, vào nhà thương thăm nội vì em bắt buộc chớ anh không mảy may cảm xúc. Có lẽ ký ức về trận cháy, và những gì nội gây ra cho anh vẫn còn quá sâu đậm đến mức trái tim anh như trơ lỳ rồi.
Quyền nhìn xa xăm:
- Mãi đến lúc vào phòng bệnh, nhìn ông nội xanh xao gầy gò trên giường trải drap trắng toát, tim anh chợt nhói lên như bị ai bóp mạnh. Anh không ngăn được nước mắt của mình. Những kỷ niệm thời thơ ấu chợt hiện về. Hồi nhỏ, ông nội rất thương anh. Hầu như anh muốn gì được nấy, nên anh tự xem mình là người quan trọng nhất.
Quyền thở dài:
- Ông nội đã ảnh hưởng rất lớn, rất sâu tới cuộc đời anh. Chính vì tôn sùng ông, nên anh đã theo ngành kiến trúc mà từ bỏ nỗi đam mê hội họa. Suốt thời niên thiếu cho đến khi trưởng thành, ông là mẫu người lý tưởng mà anh tôn thờ, trong tâm tưởng anh không hề có hình bóng của ba, ba chỉ là một nhân ảnh mờ nhạt... Cho đến khi biết sự thật bà Ái Xuân không phải mẹ ruột thì mọi việc đã khác đi. Thật chẳng có gì đau đớn hơn ngôi thần tượng bị sụp đổ. Một con người khác của nội đã lộ diện, nhẫn tâm đên mức vô lương tâm. Mà thôi, anh không nhắc tới những chuyện nội đã đối xử với mẹ ruột của anh nữa. Nhưng đã bao nhiêu đêm ngẫm nghĩ, anh không hiểu mình có cực đoan cố chấp không khi cương quyết đoạn tuyệt với gia đình mình để rồi sau đó xảy ra bao nhiêu chuyện.
Giọng Xuyên ngập ngừng:
- Thật ra tánh anh và nội khá giống nhau ở điểm cố chấp.
Quyền nhướng mày:
- Thế sao? Anh lại không nghĩ vậy.
Mỹ Xuyên từ tốn:
- Nếu không cố chấp, anh đã trở về Đại Hưng sau khi rời khỏi Paris, chớ đâu tay trắng lang thang khắp nơi để về. Anh vẫn có thể vừa ngồi ghế giám đốc, vừa là họa sĩ cơ mà.
Quyền im lặng. Mỹ Xuyên nói tiếp:
- Ông nội cũng đâu có thể từ bỏ mục đích của mình. Ông đã có một đứa cháu đích tôn và không thể để mất nó. Muốn anh quay về, nội đã ra tay quá tàn nhẫn và cuối cùng coi như mất hết. Em nghĩ chắc nội rất khổ tâm khi hủy hoại những đứa con tinh thần của anh. Để khi thất bại, sau khi tưởng nắm chắc thành công, ông đã tuyệt vọng đến mức ngã gục.
Mỹ Xuyên nhìn Quyền:
- Nếu lần đó, anh không nghe lời năn nỉ của em vào bệnh viện thăm, chắc nội đã mất rồi.
Quyền rùng mình:
- Bác sĩ nói nội hồi phục nhanh tới mức độ ngoài mức họ tưởng tượng.
Xuyên nhẹ nhàng:
- Điều ấy chứng tỏ anh chính là liều thuốc quý cần thiết của ông. Là cháu đích tôn không thể thiếu của dòng họ.
Quyền thở dài:
- Chuyện sanh con cháu để duy trì dòng họ quan trọng đến thế sao? Anh không hiểu khi già suy nghĩ của anh có giống như bây giờ không.
- Người xưa quan niệm không con để nối dõi là tội lớn nhất đấy. Các cụ cho rằng gia đình là sự tiếp nối của cuộc đời. Sau khi ta chết đi, cuộc sống của ta vẫn tiếp tục qua con cháu chúng ta.
Quyền chép miệng:
- Đây là thời đại gì vậy nè trời?
Mỹ Xuyên nói:
- Thời đại nào người ta cũng muốn có con cháu hết. Lẽ nào anh lại không?
Quyền ôm Xuyên vào lòng:
- Sao lại không muốn. Nhưng anh không quan trọng vấn đề như vậy, vì anh tin chắc mình sẽ con đàn cháu đống
Mỹ Xuyên lườm anh:
- Chắc không đấy?
Quyền cúi xuống:
- Làm vợ anh đi rồi sẽ biết ngay mà.
Xuyên vùng đứng dậy:
- Xí! Ai mà thèm.
Quyền tủm tỉm cười. Anh giữ chặt Xuyên lại và tìm cho bằng được môi cộ Những nụ hôn nồng cháy đam mê cứ nối tiếp nhau. Xuyên để mặc cho cảm xúc kéo mình đi. Cô ân cần hôn trả lại Quyền cũng bằng những nụ hôn đắm đuối nhất.
Úp mặt vào bờ vai vững vàng của anh, Xuyên bồi hồi nghe Quyền nói:
- Nội quý em lắm. Ông muốn đứng ra làm chủ hôn cho tụi mình. Em nghĩ sao?
Xuyên trả lời:
- Em nghĩ chờ cho nội khỏe hẳn đã.
Nhìn anh, Xuyên tủm tỉm:
- Sau khi cưới xong, anh biết phải làm gì tiếp cho nội vui lòng không?
Mắt Quyền sáng lên:
- Có một thằng cu tí chứ gì? Ý kiến rất tuyệt và anh sẽ ủng hộ ngày đêm.
Mặt ửng đỏ, Xuyên gắt:
- Lại đùa nữa rồi.
Quyền say sưa ngắm Xuyên:
- Em đẹp quá, khiến anh không thể suy nghĩ chuyện gì khác ngoài chuyện anh vừa nói.
Mỹ Xuyên cong môi lên:
- Vậy để em... biến cho rồi.
Quyền càng ôm cô chặt hơn:
- Biến đi đâu cho khỏi anh hả nhỏ? Đùa chớ. Anh biết mình phải làm gì mà. Anh đã hứa với nội một năm nữa sẽ mở triển lãm, bởi vậy những ngày tháng tới đối với anh, vừa hạnh phúc vừa gian nan.
Xuyên nói:
- Nhưng với sức sáng tạo thiên phú, anh sẽ làm được mà.
Quyền gật đầu:
- Đương nhiên là anh sẽ làm được như anh đã từng làm được. Công việc ở Đại Hưng, một mình bà Ái Xuân điều hành đã quen rồi, nên nội sẽ giao lại cho bà tạ Nội định bán bớt cổ phần để làm một cổ đông bình thường. Số tiền bán cổ đông ấy, nội sẽ dùng để xây dựng trường học và bệnh viện cho người nghèo.
Mỹ Xuyên ngạc nhiên:
- Nội đã quyết định như thế à?
quyền mỉm cười:
- Nội mới nói với anh sáng naỵ Quyết định ấy rất hợp với ý anh. Bà nội và mẹ chắc cũng hài lòng.
Giọng Xuyên xa xôi:
- Trải qua một trận thập tử nhất sinh, người ta sẽ đổi tâm tính phải không anh?
Quyền bùi ngùi:
- Có lẽ là như vậy. Nhưng mong sao ai cũng sống hiền lành, trong sáng để suốt đời đừng bao giờ phải ưu tư, dằn vặt vì những sai lầm của mình.
Mỹ Xuyên thấy hồn hết sức sảng khoái. Cuối cùng, Quyền của cô cũng đã quay về ngôi nhà của dòng họ anh. Anh đã chôn vùi chuyện cũ để yêu mến ông nội mình. Xuyên tin Quyền sẽ hạnh phúc, sau khi đã chấp nhận những gì trước đây anh đã chối bỏ. Cô tin là thế.