Henri tranh thủ phút rảnh rỗi sau buổi hỏi cung mà ông đã chống đỡ một cách tài tình để tạt qua nhà phu nhân de Sauve.
Ông gặp Orthon đã hoàn toàn hồi tỉnh lại sau cơn choáng, nhưng Orthon cũng chẳng thể kể thêm gì được cho ông ngoài việc có những người đã đột nhập vào nhà ông và viên chỉ huy toán người đã giáng cho cậu bé một đòn bằng đốc kiếm khiến cậu ngã lăn bất tỉnh. Người ta cũng chẳng quan tâm gì lắm tới Orthon vì khi Catherine thấy cậu nằm ngất tưởng cậu đã chết rồi.
Cậu bé tỉnh lại vào lúc Thái hậu vừa rời đi và viên chỉ huy vệ binh chịu trách nhiệm dọn dẹp khu phòng còn chưa đến nên cậu đã trốn được tới nhà phu nhân de Sauve. Henri nhờ Charlotte trông nom cậu bé cho tới khi ông nhận được tin tức về de Mouy. Từ nơi ẩn náu của mình, chàng trai này chắc sẽ nhắn tin cho ông nay mai. Tới lúc đó ông sẽ sai Orthon đưa tin cho de Mouy và thay vì có một người hầu tin cẩn, ông sẽ có những hai người.
Định xong kế hoạch, ông quay về cung mình và trầm tư bước ngang bước dọc trong phòng. Đột nhiên cửa mở ra và nhà vua xuất hiện.
- Hoàng thượng! - Henri thốt lên và tiến tới đón nhà vua.
- Chính ta… Này Henriot, chú quả là một chàng trai tuyệt vời càng ngày ta càng quý chú hơn.
- Tâu bệ hạ - Henri đáp - Người ban cho tôi nhiều vinh hạnh quá.
- Chú chỉ có mỗi một sai lầm thôi, Henriot.
- Sai lầm nào ạ? Có phải là điều mà bệ hạ đã nhiều lần phê phán tôi, đó là thích săn đuổi hơn săn bằng chim muôn không?
- Không, không, ta không nói tới chuyện ấy, Henriot, ta nói chuyện khác cơ.
- Xin bệ hạ hãy giải thích, tôi xin cố gắng sửa mình - Henriot thấy thái độ vui vẻ của nhà vua qua nụ cười bèn nói.
- Đó là mắt chú tinh như thế mà chú không nhìn rõ cái gì cả.
- Chậc! Hay tôi vô tình bị cận mà không biết chăng?
- Còn tệ hơn thế, Henriot ạ, còn tệ hơn thế, chú mù thì có.
- Thật à - Anh chàng Bearnais hỏi - Hay là lúc tôi nhắm mắt lại thì tôi bị cái bệnh không may đó chăng?
- Vâng ạ, chú có thể bị thế lắm. Dẫu sao thì ta cũng sẽ mở mắt cho chú.
- Chúa đã dạy: "Ánh sáng hiện ra đi" tức thì ánh sáng xuất hiện. Bệ hạ là người thay mặt Chúa trên cõi đời này, bệ hạ có thể làm được nơi trần thế những điều Chúa tạo nên ở thiên đường: tôi xin nghe thánh ý.
- Hôm qua, khi Guise nói rằng vợ chú vừa được một tay công tử bột tháp tùng đi qua, chú chẳng chịu tin hắn!
- Tâu bệ hạ! - Henri đáp - Làm sao có thể tin được công chúa em Người có thể phạm một điều bất cẩn đến thế.
- Thế khi hắn bảo vợ chú đến phố Cloche Percée, chú cũng chẳng chịu tin hắn nữa!
- Tâu bệ hạ, làm sao có thể tưởng tượng được một công chúa Pháp lại dám đánh liều tai tiếng của mình như vậy được?
- Thế khi chúng ta bao vây ngôi nhà phố Cloche Percée, ta bị một bình nước bạc rơi vào đầu, d Anjou lãnh đủ một bình mứt cam và de Guise một khoanh giò đùi lợn vào giữa mặt thì chú hẳn đã thấy có hai người đàn ông và hai người đàn bà chứ?
- Tôi không nhìn thấy gì hết, tâu bệ hạ. Chắc bệ hạ nhớ là lúc đó tôi đang hỏi cung tên gác cổng.
- Nhưng mà khỉ ạ! Ta có nhìn thấy!
- À nếu như bệ hạ đã nhìn thấy thì lại khác.
- Vậy là ta đã thấy có hai người đàn ông và hai người đàn bà. Này, bây giờ ta biết chắc chắn không nghi ngờ gì nữa, một trong hai người đàn bà đó là Margot, còn một trong hai gã đàn ông là de Mole.
- Ấy thế nhưng nếu ông de Mole có mặt ở phố Cloche Percée thì ông ta lại đã không có mặt ở đây.
- Không, ông ta không có mặt ở đây. Bây giờ không bàn tới cái người đã ở đây nữa, khi nào cái thằng ngu Maurevel nói được hay viết được thì chúng ta sẽ biết. Vấn đề là Margot lừa dối chú.
- Chậc, xin bệ hạ chớ tin những lời đồn nhảm.
- Ta đã bảo chú còn hơn là cận, chú mày mù mà lại, khỉ ạ! Có chịu nghe ta nói không, đồ ương ngạnh? Ta bảo là Margot lừa chú và đêm nay chúng ta sẽ vặn cổ cái thằng cha mà con bé yêu thương.
Henri kinh ngạc lùi lại ngẩn người nhìn ông anh vợ.
- Nói cho cùng thì chú cũng chẳng phật lòng chứ hả, thú nhận đi. Margot sắp sửa kêu gào như con mẹ dại nhưng kệ. Ta không muốn chú bị đau khổ. Quận công d Anjou cắm sừng lên đầu Condé à? Ta mặc xác, Condé là kẻ thù của ta. Nhưng chú, chú là em ta, còn hơn thế ấy chứ, chú là bạn ta.
- Nhưng… tâu…
- Ta không muốn người ta làm hại chú, ta không muốn người ta lừa chú. Chú là cái bung xung cho bọn ăn diện tỉnh lẻ đến để nhặt nhạnh miếng cơm manh áo nhà chúng ta và chim chuột vợ chúng ta cũng đã khá lâu rồi đấy. Ma quỷ, chúng cứ lại đến thử xem! Người ta đã lừa chú, Henriot ạ, điều đó có thể xảy đối với tất cả mọi người. Nhưng ta thề rằng chú sẽ được hài lòng một cách rạng rỡ và ngày mai thiên hạ sẽ bảo rằng: "Chết chửa, hình như đức vua Charles rất yêu ông em rể Henriot của Người vì đêm qua Người đã xử ông de Mole rất khéo!"
- Thưa tâu, phải chăng đó là chuyện được bàn định dứt khoát rồi?
- Dứt khoát, quyết định, nhất định, thằng công tử bột chẳng có gì phải phàn nàn. Chúng ta sẽ hành sự có ta này, d Anjou này, d Alençon này, Guise nữa này. Một ông vua, hai hoàng tử Pháp, lại một ông hoàng cầm quyền chưa kể chú.
- Sao? Chưa kể tôi à?
- Ừ chú cũng ở đấy chứ còn gì.
- Tôi ấy à?
- Ừ chú đâm cho hắn mấy phát thật vương giả vào. Còn chúng ta sẽ thắt cổ hắn.
- Tâu bệ hạ, ân sủng của bệ hạ khiến lòng tôi chan chứa biết ơn, nhưng làm sao bệ hạ biết được chuyện ấy?
- Này, rõ khỉ, hình như thằng cha có huênh hoang. Khi thì hắn tới cung hoàng hậu ở Louvre, khi thì đến phố Cloche Percée. Chúng làm thơ với nhau, chà ta thích xem thơ của thằng công tử bột ấy làm sao. Chúng bàn về Bion với Moschus, chúng hết nêu Daphnis lại đến Corydon.
- Tâu bệ hạ - Henri giãi bày -Nghĩ cho cùng thì…
- Sao?
- Xin bệ hạ hiểu cho tôi không thể có mặt trong buổi hành sự như thế. Tôi thấy nếu đích thân mình dự vào việc đó thật bất tiện. Vì tôi có liên quan quá mật thiết đến sự việc nên việc tham gia của tôi sẽ bị lên án là tàn bạo. Công chúa trả thù cho danh dự của em gái mình bị một thằng cha khoác lác bôi nhọ bằng cách vu cáo vợ tôi. Chẳng có gì giản dị hơn và Marguerite, mà tôi vẫn coi là vô tội, không hề bị mất danh dự về điều đó. Nhưng nếu tôi tham gia việc trừng phạt đó lại là chuyện khác. Việc tham gia của tôi khiến một hành động công lý trở thành hành động trả thù. Đó sẽ không còn là việc thi hành án quyết nữa mà là một cuộc ám sát. Vợ tôi không chỉ bị vu cáo nữa mà thôi, hoàng hậu có tội thực sự.
- Chúa ơi, Henri, thật là lời vàng ý ngọc, mới lúc nãy ta còn nói với Thái hậu đấy, chú khôn như quỷ sứ.
Charles khoái chí nhìn ông em rể đang nghiêng mình thi lễ trước lời ban khen.
- Thế dù sao thì chú cũng hài lòng khi bọn chúng ta trừ khừ cái gã công tử bột ấy cho chú chứ?
- Mọi việc bệ hạ làm đều là việc tốt - Vua Navarre trả lời.
- Tốt lắm, tốt lắm, cứ để ta làm giúp chú. Yên tâm nhé, công việc sẽ chẳng kém chu đáo hơn đâu.
- Trăm sự xin nhờ cậy bệ hạ - Henri tâu.
- Tuy nhiên hắn thường đến chỗ vợ chú vào mấy giờ nhỉ?
- Ồ khoảng chín giờ tối.
- Thế mấy giờ hắn ra?
- Trước khi tôi tới, vì tôi không gặp y ở đó bao giờ.
- Tức là khoảng mấy giờ?
- Khoảng mười một giờ.
- Được, tối nay nửa đêm hẵng xuống, mọi việc sẽ chu toàn.
Charless thân ái siết tay Henri và nhắc lại những lời hứa hẹn thân tình rồi vừa bước ra vừa thổi điệu nhạc săn ưa thích của ông.
"Trời đất quỷ thần ơi - Anh chàng Bearnais vừa nói vừa dõi nhìn theo Charles - Mình thật nhầm lẩn nếu tất cả các trò ma này lại không do Thái hậu bày đặt ra. Thật bà ta chỉ tìm cách gieo rắc bất hoà giữa hai vợ chồng nhà mình mà thôi, đôi lứa đẹp đến thế mà lại".
Và ông cười theo kiểu ông vẫn thường cười khi không có ai nhìn hoặc nghe thấy ông.
***
Vào khoảng bảy giờ tối của cái ngày đầy những sự kiện đó trong một căn phòng ở Louvre có một chàng thanh niên đẹp trai vừa mới tắm gội xong, đang vào nhổ râu vừa lượn lờ trước gương với vẻ dung dị và miệng lẩm bẩm hát. Cạnh chàng có một chàng trai khác đang ngủ hay nói đúng hơn là nằm thườn thượt trên một chiếc giường.
Một người là anh bạn de Mole của chúng ta, con người đã rất được quan tâm tới trong ngày hôm đó và có lẽ sẽ vẫn còn được quan tâm hơn nữa tuy chàng không hề hay biết. Người kia là Coconnas bạn chàng.
Quả thật là cơn giông tố đã lướt qua chàng mà chàng không hề nghe thấy sấm gầm hay nhìn thấy chớp lóe. Về nhà lúc ba giờ sáng, chàng nằm đến tận ba giờ chiều, nửa ngủ nửa mơ màng, mơ tưởng xây những lâu đài trên thứ cát ướt mà người ta gọi là tương lai. Rồi chàng dậy, ghé qua chỗ nhà tắm thuê khoảng một tiếng đồng hồ, đi ăn ở quán bác La Hurière và trở lại Louvre, chàng hoàn chỉnh việc điểm tô để tới thăm hoàng hậu như thường lệ.
- Thế cậu bảo là cậu đã ăn trưa rồi đấy hở? - Coconnas vừa hỏi bạn vừa ngáp dài.
- Ừ mà ngon miệng lắm là đằng khác.
- Thế sao cậu không rủ mình đi với, đồ ích kỷ?
- Cậu ngủ ngon đến nỗi mình không muốn đánh thức cậu dậy. Nhưng này, cậu sẽ ăn tối thay cho ăn trưa. Nhất là đừng có quên hỏi bác La Hurière món rượu vang Anjou mà bác ta đã nhận được ấy nhé.
- Ngon lắm à?
- Cứ gọi rượu ấy đi, mình chỉ nói trước với cậu thế thôi.
- Thế cậu đi đâu đấy?
- Mình đi đâu ấy à? - De Mole ngạc nhiên vì bạn lại hỏi mình như thế - Mình đến thăm hoàng hậu.
- Này, hay là mình đi ăn ở nhà của chúng mình ở phố Cloche Percée nhỉ? Mình sẽ xơi các món thừa hôm qua, ở đó có thứ vang Alicante khá lắm.
- Sau những việc xảy ra tối qua thì như thế có hơi bất cẩn đấy, Anibal ạ. Với lại, người ta chẳng đã bắt chúng mình thề không được quay trở lại đấy một mình là gì? Đưa cho mình cái áo măng-tô nào.
- Ừ nhỉ, mình quên mất đấy - Coconnas đáp - Nhưng cậu để áo ở đâu? À đây rồi.
- Không, cái này màu đen, mình bảo cậu đưa cái áo đỏ cơ mà. Mặc áo đấy hoàng hậu yêu mình hơn.
- Ấy này, thề chứ - Coconnas nhìn quanh rồi bảo - Cậu cứ tự tìm lấy mà xem, mình chẳng thấy nó đâu cả.
- Sao? Không thấy à? Thế thì nó ở đâu?
- Hay cậu bán nó rồi?
- Để làm gì? Mình vẫn còn sáu écus.
- Hay mặc áo mình vậy.
- Thôi đi, măng-tô vàng mặc với áo chẽn xanh lá cây, để trông như vẹt ấy à?
- Cậu khó tính thật đấy. Vậy cậu đi mà lo liệu lấy.
Sau khi đã lật tung mọi thứ lên. La Mole bắt đầu tuôn ra hàng tràng lời nguyền rủa bọn trộm cắp dám vào tới tận cung Louvre để ăn cắp. Giữa lúc đó một người hầu của quận công d Alençon bước vào với chiếc áo măng-tô quý hoá.
- A, đây rồi! - De Mole kêu lên.
- Thưa, ông tìm áo măng-tô ạ? - Người hầu hỏi - Đức ông cho lấy áo ở chỗ ông vì đức ông có đánh cuộc với một người về màu áo.
- Ồ, tôi tìm áo chỉ vì tôi đang định ra phố, nhưng nếu điện hạ có cần giữ nó thì…
- Không, thưa bá tước, xong rồi ạ.
Người hầu lui ra, de Mole cài áo.
- Thế nào - De Mole hỏi - Cậu định làm gì bây giờ đấy?
- Mình cũng chẳng biết.
- Liệu tối nay mình có gặp cậu ở đây không?
- Làm sao mà mình có thể nói cho cậu biết trước được?
- Thế cậu không biết trong hai tiếng nữa cậu làm gì à?
- Mình biết mình sẽ làm gì, những mình không biết được người ta sẽ bắt mình làm gì.
- Quận chúa de Nervers ấy à?
- Không, quận công d Alençon kia.
- Quả thật ít lâu nay ông ta có vẻ thân thiện với cậu lắm.
- Vậy là tiền đồ cậu ổn rồi - De Mole vừa nói vừa cười.
- Xì, con út ấy mà!
- Ối, ông ta thèm được trở thành con cá đến nỗi chắc Chúa sẽ ban một phép mầu cho ông ta thôi. Vậy là cậu chưa biết tối nay sẽ ở đâu?
- Không.
- Cút đi với quỷ sứ đi!… À thôi, tạm biệt cậu.
Cái gã La Mole này mới khiếp chứ, lúc nào cũng muốn người ta nói cho hắn biết người ta sẽ ở đâu! Làm sao mà mình biết được? Vả lại, hình như mình cũng còn buồn ngủ lắm.
Và chàng lại nằm xuống. Còn De Mole đi nhanh như gió tới khu phòng của hoàng hậu. Tới chỗ hành lang mà chúng ta đều biết, chàng gặp quận công d Alençon.
- A, ông đấy à, ông de La Mole - Quận công hỏi.
- Thưa điện hạ vâng - De Mole kính cẩn cúi chào.
- Đêm nay ông ra khỏi Louvre à?
- Thưa điện hạ, không. Tôi xin đến chầu lệnh bà Hoàng hậu Navarre.
- Vậy mấy giờ ông rời khỏi cung hoàng hậu, ông de La Mole?
- Điện hạ có lệnh gì ban truyền cho tôi chăng?
- Bây giờ thì không, nhưng tối nay ta cần nói chuyện với ông.
- Vào khoảng mấy giờ ạ?
- Khoảng từ chín đến mười giờ.
- Vậy vào giờ đó tôi sẽ có vinh dự được trình diện trước điện hạ.
- Được, ta chờ ông đấy.
De Mole cúi chào và đi tiếp. Chàng tự bảo: "Ông quận công này có những lúc nom như người chết rồi. Lạ thật".
Chàng gõ cửa khu phòng hoàng hậu. Dường như Gillonne đang chờ để đón chàng bèn dẫn chàng tới bên Marguerite.
Hoàng hậu đang bận bịu với một việc khiến nàng mệt ghê gớm. Một tờ giấy đầy vết gạch xoá và một tập luận văn của Isocrate được bày trước mặt nàng. Nàng ra hiệu cho De Mole chờ nàng viết xong một đoạn. Rồi khi viết xong, mà cũng không lâu lắm, nàng ném bút đi và mời chàng ngồi xuống bên mình.
De Mole nom rạng rỡ. Chưa bao giờ chàng đẹp trai và vui tươi đến như thế.
- Tiếng Hy Lạp à! - Chàng thốt lên khi nhìn lướt qua quyển sách - Một lời hiệu triệu của Isocrate! Lệnh bà định làm gì vậy? Ờ hô! Lại còn tiếng La tinh trên mảnh giấy này nữa này. Nàng sẽ hô hào bọn dân man di ấy bằng tiếng latinh?
- Phải thế, vì họ không nói tiếng Pháp.
- Nhưng chưa biết bài diễn văn lệnh bà làm sao viết được câu trả lời?
- Nếu dí dỏm hơn thì tôi sẽ bảo với mình là tôi ứng khẩu. Nhưng đối với mình, Hyacinthe ạ, tôi không có những trò lừa dối đó. Người ta đưa bài diễn văn cho tôi trước, tôi chỉ việc trả lời thôi.
- Vậy các sứ thần đã sắp đến chưa?
- Còn hơn thế nữa ấy chứ, họ đã đến sáng nay rồi.
- Nhưng sao không ai biết?
- Họ vi hành. Lễ đón trọng thể được hoãn đến ngày kia thì phải. - Marguerite nói với vẻ hài lòng pha chút kiêu hãnh - Với lại mình sẽ thấy, bài tôi viết tối nay theo phong cách khá là cicéronien. Thôi không nói những chuyện phù phiếm ấy nữa, hãy kể những chuyện xảy ra với mình đi.
- Với tôi ư?
- Vâng.
- Có chuyện gì xảy đến với tôi vậy?
- A, cho mình làm bộ tha hồ can đảm, em vẫn thấy mình hơi tái.
- Vậy chắc là do ngủ nhiều quá, tôi xin tự lên án như vậy.
- Thôi, thôi, đừng khuếch khoác nữa, em biết hết rồi.
- Hoàng hậu của tôi, xin nàng hãy hạ cố nói cho tôi hay, vì tôi chẳng biết gì cả.
- Thôi nào, mình cứ nói thẳng ra đi. Thái hậu nói gì với mình thế?
- Thái hậu à? Người có việc cần nói với tôi hay sao?
- Sao? Thế mình chưa gặp Thái hậu à?
- Không.
- Thế đức vua Charles?
- Không.
- Thế đức vua Navarre?
- Cũng không nốt.
- Thế còn quận công d Alençon? Mình đã gặp ông ta chưa?
- Có vừa mới đây tôi gặp ông ta trong hành lang.
- Ông ta bảo gì mình?
- Ông ta nói rằng ông ta có lệnh truyền cho tôi vào khoảng từ chín đến mười giờ.
- Không có gì khác nữa à?
- Không.
- Lạ nhỉ.
- Nhưng có gì lạ mới được cơ chứ, xin lệnh bà hãy nói cho tôi được biết.
- Lạ ở chỗ là mình không hay biết gì hết.
- Có chuyện gì vậy?
- Có chuyện là suốt cả ngày nay tính mạng mình như ngàn cân treo sợi tóc đấy mình ạ.
- Tôi đấy à?
- Mình chứ còn ai.
- Về việc gì kia?
- Thế này này: đêm qua de Mouy bị bắt chợt ở trong phòng vua Navarre, chả là người ta định bắt ông này mà, de Mouy đã giết chết ba người và trốn thoát, người ta chỉ kịp nhận ra chiếc áo măng-tô đỏ của ông ta thôi.
- Thế thì sao?
- Cái áo măng-tô đỏ ấy đã khiến tôi nhầm một lần rồi, nay lại khiến cả những người khác nhầm nữa. Mình đã bị nghi ngờ, thậm chí còn bị tố cáo là đã phạm tội giết ba người ấy nữa. Sáng nay, người ta đã định bắt mình, đưa mình ra xét xử, có khi lại còn kết tội mình nữa ấy chứ, vì chắc mình chẳng chịu nói đêm qua mình ở đâu để tự cứu mình, đúng không?
- Tôi mà lại nói ra đêm qua tôi ở đâu? - De Mole thốt lên - Để mang tai tiếng cho mình ấy ư? Ôi lệnh bà xinh đẹp của tôi! Nàng nói đúng quá! Tôi thà vui lòng chịu chết còn hơn để cho đôi mắt đẹp của mình phải rơi một giọt lệ.
- Than ôi, người tình tội nghiệp của em! Nếu thế thì chắc chắn em vẫn phải khóc ròng.
- Nhưng làm sao cơn giông tố đó qua đi?
- Mình đoán xem.
- Làm sao tôi biết được?
- Chỉ có một cách để chứng minh rằng mình không ở trong phòng vua Navarre đêm qua.
- Cách gì vậy?
- Đó là nói thật ra đêm qua mình ở đâu.
- Thế rồi sao?
- Thế đấy, em đã nói ra điều ấy.
- Nói với ai?
- Nói với mẹ em.
- Với Thái hậu Catherine…
- Thái hậu Catherine biết rằng mình là người tình của em.
- Ôi! Lệnh bà, sau tất cả những điều nàng đã làm cho tôi như thế, người có thể đòi hỏi tất cả ở kẻ tôi tớ của nàng. Ôi! Marguerite, điều nàng làm thật cao quý và tuyệt vời! Sinh mạng của tôi nằm trong tay nàng và do nàng định đoạt!
- Em cũng mong thế, vì em đã giành lấy mạng sống của mình từ tay những kẻ muốn giật lấy nó của em. Nhưng bây giờ mình đã được cứu thoát.
- Và được cứu bởi tay ai ca chứ? - Chàng trai thốt lên - Bởi tay hoàng hậu yêu dấu của tôi!
Giữa lúc đó một tiếng động chói tai khiến họ giật mình, de Mole lòng đầy hốt hoảng mơ hồ bật ngửa người ra sau, Marguerite buộc kêu lên, mắt đăm đăm nhìn vào khuôn cửa kính bị vỡ. Qua mảnh kính vỡ, một viên sỏi to bằng quả trứng vừa rơi vào nhà, nó vẫn còn lăn trên sàn.
De Mole cũng nhận ra khung cửa kính bị vỡ và nguyên nhân của tiếng động.
- Kẻ nào dám láo xược… - Chàng kêu lên, và toan lao ra cửa sổ.
- Đợi đã mình - Marguerite nói - Hình như có cái gì buộc vào hòn sỏi này thì phải.
- Ừ nhỉ, hình như là một tờ giấy.
Marguerite chộp lấy viên đạn kỳ dị và bóc ra một tờ giấy mỏng được cuốn lại như một dải băng, bọc lấy viên sỏi ở giữa. Tờ giấy được buộc vào một sợi dây, sợi dây lại giòng qua lỗ cửa kính vỡ.
Marguerite mở thư ra và đọc.
- Thôi chết rồi! - Nàng thốt lên.
Nàng trao tờ thư cho De Mole dang đứng xanh xao bất động như một pho tượng thần Kinh hoàng.
De Mole lòng nghẹn ngào đầy mối linh cảm đau đớn, đọc được những dòng sau đây:
"Có người mang những thanh kiếm dài đang đợi ông de Mole trên hành lang dẫn tới phòng ông d Alençon. Có lẽ ông de La Mole thích ra bằng lối cửa sổ này và tới chỗ ông de Mouy ở Nantes hơn…"
- Nào, kiếm của chúng dài hơn kiếm của ta ư? - De Mole thốt lên sau khi đọc xong.
- Không, nhưng có thể họ có mười chọi một.
- Người bạn nào đã gửi thư cho chúng ta đây?
Marguerite lấy lại thư trên tay chàng trai và chăm chú xem lại.
- Chính tự dạng của vua Navarre - Nàng kêu lên - Nếu ông ta báo thì chắc mối nguy hiểm là thật rồi. Mình trốn đi, em xin mình đấy.
- Tôi trốn bằng cách nào?
- Nhưng người ta đã chẳng bảo qua cửa sổ này là gì?
- Xin nàng hãy ra lệnh, và tôi sẽ nhảy từ cửa sổ xuống, dù cho có tan xương nát thịt cũng cam.
- Khoan đã, hình như sợi dây này có treo vật gì.
- Xem nào.
Và cả hai người cùng kéo cái vật treo ở đầu dây ấy lên.
Họ vui mừng khôn xiết khi thấy ở đầu dây kia có một chiếc thang tết bằng lụa và lông bờm ngựa.
- Ôi, thế là mình thoát rồi - Marguerite bảo.
- Thật đúng là phép mầu của Chúa.
- Không, đây là việc thiện của vua Navarre.
- Thế nhỡ ngược lại đây lại là một cái bẫy thì sao? - De Mole hỏi - Nhỡ cái thang này đứt dưới chân tôi thì sao? Thưa lệnh bà, hôm nay nàng chẳng đã thú nhận lòng ưu ái của nàng đối với tôi là gì?
Sắc mặt Marguerite đã hồng hào trở lại vì mừng, lại tái nhợt đi như người chết.
- Mình nói đúng, có thể thế lắm.
Và nàng lao về phía cửa.
- Mình đi đâu? - De Mole kêu lên.
- Em sẽ tự đi xem có đúng là có kẻ rình mình trong hành lang không.
- Không đời nào! Để rồi cơn điên giận của chúng lại đổ lên đầu mình đấy.
- Mình bảo ai dám làm gì một công chúa Pháp kia chứ? Vừa là công chúa, vừa là vợ vua, em là người có tới hai tầng bảo vệ.
Hoàng hậu nói những lời đó với vẻ đường hoàng đĩnh đạc đến nỗi De Mole hiểu rằng nàng sẽ không gặp một hiểm nguy nào hết và chàng đành để mặc nàng làm theo ý muốn.
Marguerite để De Mole lại cho Gillonne coi sóc và mặc cho trí sáng suốt của chàng định liệu xem nên trốn đi hay chờ nàng trở lại tuỳ theo tình huống. Nàng đi vào hành lang. Qua một chỗ phân tỏa, hành lang này vừa dẫn tới thư viện, vừa dẫn tới nhiều phòng khánh tiết. Ở tận cùng đầu kia của hành lang là cung vua và Thái hậu có cả chiếc cầu thang bí mật dẫn tới phòng quận công d Alençon và Henri. Dù bây giờ mới chỉ gần chín giờ tối, đèn đóm đã tắt hết và ngoài một thứ ánh sáng lờ mờ rọi hắt ra từ chỗ ngã tư, hành lang hoàn toàn chìm trong bóng tối. Hoàng hậu Navarre mạnh dạn tiến bước, nhưng khi nàng đi tới khoảng gần được phần ba hành lang, nàng nghe như có tiếng thì thầm của những giọng nói trầm trầm. Người nói cẩn thận hạ thấp giọng khiến cho những người nói đó có một vẻ bí ẩn đáng sợ. Nhưng gần như ngay tức thì tiếng thì thào ngừng bặt tựa có lệnh trên ban truyên khiến nó tắt ngấm. Mọi vật lại trở lại hoàn toàn tăm tối, vì cái ánh sáng tỏa ra từ chỗ ngã tư, dù đã rất lù mù, nay dường như lại càng tối đi.
Marguerite vẫn tiếp tục đi thẳng tới mối nguy hiểm, nếu như nó có thực thì chắc đang đợi nàng ở chỗ này đây. Bề ngoài nàng có vẻ bình tĩnh mặc dù bàn tay nàng co quắp chứng tỏ một sự căng thẳng thần kinh tột độ. Nàng càng tới gần, sự yên lặng đáng ghê sợ đó lại càng thêm tĩnh mịch, một hình bóng giống như bóng một bàn tay che đi cái thứ ánh sáng lung linh và tù mù đó.
Đột nhiên, khi nàng tới chỗ ngã tư hành lang, một người đàn ông tiến ra hai bước, để lộ ra một cây nến bằng bạc mạ vàng, và y kêu lên:
- Hắn đây rồi!
Marguerite thấy mình đối diện với ông anh Charles. Sau lưng nhà vua là quận công d Alençon với một dải dây lục trong tay. Trong bóng tối phía sau, có hai bóng người đứng cạnh nhau, chỉ có những thanh kiếm tuốt trần của họ là phản chiếu lại ánh sáng.
Marguerite nhìn thoáng qua toàn cảnh, nàng lấy hết sức cố gắng mỉm cười trả lời Charles:
- Chắc hoàng thượng định nói là: Cô ta đây rồi phải không?
Charles lui lại một bước, tất cả những người khác đứng nguyên tại chỗ.
- Cô đấy à Margot? Cô đi đâu vào giờ này?
- Vào giờ này ư? - Marguerite hỏi - Muộn đến thế rồi cơ à?
- Ta hỏi cô đi đâu?
- Tôi đi tìm một quyển sách về các bài diễn văn của cicéronien hình như tôi để quên chỗ lệnh bà Thái hậu thì phải.
- Đi thế này mà không đèn đuốc gì cả à?
- Tôi tưởng hành lang có đèn.
- Cô đi thẳng từ nhà cô ra đây à?
- Thưa vâng.
- Vậy tối nay cô làm gì?
- Tôi chuẩn bị bài diễn văn cho các sứ thần Ba Lan. Ngày mai chẳng có họp mà mỗi người chúng tôi phải trình diễn văn của mình lên hoàng thượng duyệt là gì?
- Thế có ai giúp cô làm việc đó không?
Marguerite thu hết sức lực nói:
- Thưa vương huynh, có ông de Mole. Ông ta lả người rất thông thái.
- Thưa chị, - Quận công d Alençon nói - Ông ta thông thái tới mức tôi phải đề nghị với ông ta khi nào xong việc với chị thì đến tìm tôi để giúp tôi vài lời khuyên. Tôi không được giỏi như chị mà.
- Vậy ra ông chờ ông ta à? - Marguerite hỏi với giọng rất tự nhiên.
- Vâng - Quận công d Alençon sốt ruột đáp.
- Nếu vậy thì tôi sẽ trả ông ta lại cho ông vì chúng tôi cũng đã xong rồi.
- Còn sách của cô thì sao - Charles hỏi.
- Tôi sẽ cho Gillonne đi lấy.
Hai anh em trai ra hiệu cho nhau.
- Thôi cô đi đi - Charles ra lệnh - Còn chúng ta tiếp tục đi tuần.
- Bệ hạ đi tuần à? - Marguerite hỏi - Bệ hạ tìm gì vậy?
- Một gã người nhỏ bé mặc áo đỏ - Charles đáp - Cô không biết là có một thằng cha người nhỏ bé mặc áo đỏ hiện về ở Louvre hay sao? Hoàng đệ d Alençon nói là có trông thấy y, và chúng ta đang đi tìm y.
- Xin có lời chúc cuộc săn tìm may mắn - Marguerite nói.
Và nàng vừa lui về vừa đưa mắt liếc về phía sau. Nàng thấy trên tường hành lang bốn người tụ lại với nhau và có vẻ như đang bàn luận. Chỉ trong giây lát nàng đã về tới cửa phòng mình:
- Gillonne, mở cửa ra - Marguerite gọi.
Gillonne tuân lời.
Marguerite lao vào trong phòng, nàng thấy De Mole đang đợi, chàng vẫn bình tĩnh và đầy quả quyết, nhưng cầm lăm lăm thanh kiếm trong tay.
- Mình trốn ngay đi, đừng để phí một giây nào nữa. Họ đang chờ mình trong hành lang để ám sát mình đấy.
- Hoàng hậu ban lệnh như vậy - De Mole hỏi.
- Em muốn thế, chúng ta hãy chia tay để rồi lại gặp nhau.
Trong lúc Marguerite ra ngoài, de Mole đã buộc chắc thang dây vào thanh ngang cửa sổ. Chàng bèn trèo qua thanh ngang đó nhưng trước khi đặt chân lên bậc thang đầu tiên, chàng âu yếm hôn lên tay hoàng hậu.
- Marguerite, nếu chiếc thang này là một cái bẫy và tôi chết vì em, xin em hãy nhớ lại lời hứa của em.
- De Mole, đó không phải là một lời hứa, đó là một lời thề. Xin mình đừng e ngại. Tạm biệt.
Cùng lúc đó có người gõ cửa.
Marguerite đưa mắt nhìn theo de Mole trong lúc chàng leo trèo nguy hiểm như vậy và chỉ quay vào khi nàng đã thật tin chắc rằng chàng đã chạm chân tới đất.
- Tâu lệnh bà! - Gillonne gọi.
- Có chuyện gì vậy? - Marguerite hỏi.
- Đức hoàng thượng gõ cửa.
- Em mở ra.
Chắc vì chờ lâu sốt ruột quá, bốn ông hoàng đã tiến đến trên bậc cửa. Charles bước vào. Marguerite mỉm cười tiến tới trước mặt ông anh. Đức vua nhìn thoáng qua xung quanh.
- Thưa, vương huynh tìm gì? - Marguerite hỏi.
- Ta tìm… ta tìm… Ê! Mẹ kiếp! Ta tìm ông de Mole!
- Ông de La Mole?
- Ừ, hắn đâu rồi?
Marguerite nắm lấy tay anh và dẫn ông tới bên cửa sổ.
Lúc đó có hai người đang phóng ngựa nước đại đi xa dần về phía tháp gỗ. Một trong hai người tháo khăn choàng, và phơ phất vẫy mảnh satanh trắng trong đêm thay cho lời chào từ biệt.
Hai người đó là De Mole và Orthon.
Marguerite đưa tay chỉ cho Charles thấy hai người đó.
- Thế là nghĩa lý gì? - Nhà vua hỏi.
- Thế có nghĩa là - Marguerite đáp - Ông quận công d Alençon có thể nhét lại sợi dây của ông ta vào túi, các ông d Anjou và de Guise có thể tra lại kiếm vào vỏ, vì đêm nay ông de Mole sẽ không đi qua cái hành lang kia.
Chương 40: Anh em cừu hận
Từ khi quay trở lại Paris, Henri d Anjou vẫn chưa kịp gặp gỡ mẹ mình một cách thật sự tự do thoải mái. Ai cũng biết rằng ông ta là con cưng của Thái hậu.
Đối với ông ta đây không phải là việc thoả mãn vô bổ tính nghi thức, cũng không phải là một nghi lễ khó chịu phải hoàn thành mà đúng hơn đó là việc làm tròn bổn phận rất dễ chịu của người con. Dù người con đó có không yêu mẹ đi chăng nữa, ít ra anh ta vẫn tin chắc rằng mình được mẹ yêu dấu.
Quả thật, Catherine yêu quý nhất ông hoàng này, hoặc vì ông ta can đảm, hoặc vì ông ta đẹp trai. Bởi ngoài người mẹ ra, trong Catherine còn có tính cách của người đàn bà nữa. Hoặc nữa là vì theo một vài lời đồn đại tai tiếng trong triều thì Henri d Anjou nhắc cho Thái hậu nhớ lại một thời kỳ hạnh phúc nào đó của những mối tình bí ẩn.
Chỉ mỗi mình Catherine biết việc quận công d Anjou trở về Paris.
Lẽ ra Charles IX cũng không biết điều này nếu như ông không tình cờ tới trước dinh Condé vừa đúng lúc ông em rời khỏi đó.
Charles khi đó vẫn nghĩ là Henri tới hôm sau mới về, còn Henri cứ mong rằng sẽ giấu được anh mình hai cuộc viếng thăm mà vì chúng ông ta đã phải về Paris sớm hơn một ngày. Đó là để tới thăm nàng Marie de Clèves xinh đẹp, phu nhân ông hoàng Condé và hội đàm với những sứ thần Ba Lan.
Quận công d Anjou phải giải thích với Thái hậu về chính cuộc hội đàm này, vì ngay Charles cũng còn chưa biết chắc được ý đồ của quận công trong việc đó là gì. Và độc giả chắc cũng như Henri de Navarre cũng nhầm nốt nên sẽ hiểu được nhờ lời giải thích của quận công.
Vì thế nên khi quận công d Anjou, người đang được nóng lòng chờ đợi, bước vào cung Thái hậu, thì Catherine là người vốn lạnh lùng và khéo đóng kịch thường ngày là thế, là người mà từ khi con trai cưng ra đi, mới chỉ ôm hôn thắm thiết có Coligny là kẻ bị ám sát ngay ngày hôm sau, đã dang tay ôm lấy đứa con yêu dấu với vẻ âu yếm đầy tình mẫu tử khiến người ta phải ngạc nhiên ở người đàn bà có trái tim quá đỗi khô cằn này. Rồi bà lui ra xa nhìn quận công và lại tới ôm hôn ông.
- Ôi thưa lệnh bà. Trời đã ban cho con niềm vui được ôm hôn mẹ mà không bị ai nhìn thấy, xin lệnh bà hãy an ủi con người bất hạnh nhất thế gian này.
- Ôi trời ơi, con yêu quý - Catherine thốt lên - Có chuyện gì xảy ra với con vậy?
- Chẳng có gì mà mẹ không biết, mẹ ạ. Con đã yêu và được yêu lại. Nhưng chính tình yêu đó lại là niềm bất hạnh của con.
- Con giải thích cho mẹ nghe đi nào.
- Ôi, mẹ… Bọn sứ thần ấy… Con phải ra đi…
- Ừ, các sứ thần đã tới, vậy ngày con di phải gấp rồi.
- Mẹ, ngày đi chưa gấp, nhưng anh con sẽ đẩy nó tới nhanh. Ông ta ghét con, con làm ông ta khó chịu, ông ta muốn tống khứ con đi.
Catherine mỉm cười.
- Tống khứ đi bằng cách tạo cho con một ngai vàng à? Anh chàng được tấn phong tội nghiệp!
- Ôi, mẹ ơi có sao đâu - Henri nói giọng đầy khắc khoải Con không muốn ra đi. Con một hoàng tử Pháp, lớn lên trong sự tế nhị của những phong tục tập quán thanh lịch, được ở gần bên một trong những người mẹ tốt nhất, được một trong những người đàn bà đẹp nhất thế giới yêu thương, vậy mà con phải đi tới vùng hoang vu tuyết phủ, chết dần chết mòn giữa đám người thô tục say sưa từ sáng chí tối và đánh giá tài năng chúa thượng của chúng theo mức chứa của thùng rượu. Không mẹ ơi, con không muốn đi, con chết mất.
- Nào, Henri - Catherine vừa nói vừa siết tay con - Đó có phải là lý do thực sự không?
Henri cúi đầu dường như ông e ngại thú nhận ra với mẹ mình những điều đang diễn ra trong lòng.
- Phải chăng còn một lý do khác, ít lãng mạn hơn, khôn ngoan hơn, chính trị hơn?
- Thưa mẹ, thật không phải lỗi tại con nếu như cái ý tưởng này cứ lởn vởn trong đầu óc con, và có lẽ nó còn choán chỗ nhiều hơn phần của nó, nhưng có đúng chính mẹ cũng đã nói với con là lá số tử vi của Charles lấy hồi mới sinh đã tiên đoán rằng ông ta sẽ chết trẻ?
- Đúng thế - Catherine đáp - Nhưng con ơi, tử vi cũng có thể nhầm. Chính ta lúc này đây cũng đang hy vọng rằng tất cả những thứ tử vi ấy đều không đúng.
- Nhưng rốt cuộc thì lá số của ông ta có nói thế không?
- Tử vi của Charles có nói đến một phần tư thế kỷ nhưng không chỉ rõ đó là nói về triều đại trị vì hay về đời sống của nhà vua.
- Vậy thì mẹ ơi, làm sao cho con có thể ở lại được. Anh con đã gần hai tư, chỉ trong một năm là ta sẽ biết rõ.
Catherine suy nghĩ rất lung.
- Ừ đúng vậy, nếu được như thế thì tốt hơn.
- Ôi, xin mẹ hãy xét xem - Henri thốt lên - Thật tuyệt vọng biết nhường nào nếu như con lại đem đổi ngai vàng nước Pháp lấy ngai vàng xứ Ba Lan. Ở nơi kia con sẽ bị giày vò bởi ý nghĩ rằng lẽ ra con đã có thể trị vì ở Louvre giữa một triều đình thanh lịch và uyên bác, bên một người mẹ hiền nhất đời mà những lời khuyên dạy lẽ ra đã có thể làm con bớt đi một nửa gánh nặng và mệt nhọc. Mẹ vốn đã quen chia sẻ gánh nặng triều chính với cha con, mẹ sẽ sẵn lòng giúp con! Ôi mẹ! Nếu thế con đã có thể là một đấng minh quân!
- Thôi, thôi, con thân yêu, thôi đừng buồn nữa - Catherine nói. Bà vẫn coi viễn cảnh ấy như là niềm hy vọng ngọt ngào nhất - Con có tự nghĩ ra được cách nào để thu xếp tình hình chưa?
- Có chứ ạ, chính vì thế mà con đã về sớm hơn người ta tưởng đến hai ba hôm. Con đã để Charles tưởng là con về vì phu nhân Condé. Con đến chỗ Lasco, kẻ quan trọng nhất trong đám sứ thần, con tự giới thiệu mình với ông ta, và trong cuộc tiếp kiến đầu tiên này, con đã làm tất cả những gì có thể làm được để khiến ông ta ghét con, và con hy vọng đã thành công.
- Con ạ, thật không tốt. Cần phải đặt lợi ích của nước Pháp lên trên những sự chê bai.
- Mẹ, chẳng lẽ lợi ích của nước Pháp lại muốn rằng nhỡ khi có điều bất hạnh xảy ra với anh con thì quận công d Alençon hoặc vua Navarre được lên nối ngôi hay sao?
- Ồ, không đời nào lại là vua Navarre - Thái hậu lẩm bẩm, mỗi lần vấn đề này được nêu ra, mối lo âu lại phủ lên vầng trán bà một lớp mây mờ.
- Thật chứ - Henri nói tiếp - Ông em d Alençon của con cũng chẳng hơn gì và cũng không yêu mẹ hơn mấy tý.
- Tóm lại thì Lasco đã nói gì nào? - Catherine hỏi.
- Chính Lasco cũng đã ngập ngừng khi con giục y xin yết kiến. Ôi! Nếu như y có thể viết thư về Ba Lan nhỉ, hủy bỏ cuộc bầu cử ấy đi có được không?
- Thật điên rồ con ạ… Điều mà viện quý tộc đã quyết là thiêng liêng.
- Nhưng suy cho cùng ra thì mẹ ơi, sao người ta lại không thể khiến cho bọn Ba Lan ấy chấp nhận em con thay cho con nhỉ?
- Điều đó nếu như không phải là bất khả thì cũng là rất khó.
- Mặc kệ! Xin mẹ cố thử xem, mẹ hãy nói với nhà vua, mẹ hãy nói tất cả chỉ là vì mối tình của con đối với phu nhân Condé, rằng con yêu đến điên cuồng, để mất hết cả lý trí. Cũng may là đức vua bắt gặp con đi từ dinh hoàng thân ra cùng với Guise, Guise đã giúp đỡ con rất tận tình.
- Đúng thế, để liên kết với nhau mà. Anh còn chưa thấy điều đó, nhưng ta thì ta thấy.
- Mẹ ơi, con cũng biết thế, nhưng trong lúc chờ đợi thì con sừ dụng y. Chúng ta thật may mắn khi có người vừa tự phục vụ mình lại vừa phục vụ chính chúng ta.
- Thế đức vua khi gặp các anh thì đã nói gì?
- Người có vẻ tin vào điều con đã khẳng định, tức là chỉ có tình yêu đã lôi kéo con trở về Paris.
- Thế đức vua không hỏi thăm phần thì giờ còn lại trong đêm các anh làm gì à?
- Thưa mẹ, có chứ. Con tới ăn tối ở nhà Nantouillet, con gây chuyện tai tiếng thật ghê gớm ở đó để tiếng đồn lan truyền đi và đức vua sẽ không nghi ngờ gì về việc con đã có mặt ở đó.
- Vậy đức vua không hay biết chuyện anh tới thăm Lasco chứ.
- Tuyệt đối không.
- Được, càng hay. Con thân yêu ạ, ta sẽ cố thử nói với Người hộ anh. Nhưng anh cũng biết đấy, bản chất nhà vua cứng cỏi lắm, không gì có thể ảnh hưởng được đến ông ta.
- Ôi mẹ! Thật may mắn chừng nào nếu con được ở lại! Con sẽ yêu mẹ thêm hơn biết chừng nào nếu con có thể yêu được hơn thế này nữa!
- Nếu anh ở lại, người ta lại phái anh ra chiến trường mất thôi.
- Ồ có sao đâu, miễn là con không phải rời nước Pháp.
- Anh sẽ mất mạng ngoài trận địa mất.
- Mẹ ơi, người ta không chết vì những vết thương… mà là vì đau buồn, chán nản. Nhưng Charless chắc sẽ không cho con ở lại đâu, ông ta ghét con.
- Ông ta ghen với anh, người chiến thắng đẹp trai ạ, đó là điều chắc chắn. Tại sao anh lại can đảm và may mắn đến thế! Tại sao mới chưa đầy hai mươi tuổi anh đã thắng được những trận giống như Alexandre và Cédar? Nhưng trong khi chờ đợi anh hãy giả vờ chấp thuận, hãy tỏ ra thần phục nhà vua. Ngày hôm nay có hội đàm kín để đọc và bàn về các diễn văn sẽ đọc tại buổi lễ, anh hãy đóng vai vua Ba Lan và để mặc ta lo những việc còn lại. À này, thế còn cuộc truy tìm của các anh tối qua ra sao?
- Hỏng rồi, mẹ ạ. Gã tình nhân được báo trước đã biến mất qua cửa sổ
- Có ngày ta sẽ biết được tên hung thần nào đã phá hỏng hết các dự định của ta như thế… Ta ngờ rằng… hắn cứ liệu hồn!
- Vậy thì…? - Quận công d Anjou ngờ ngợ hỏi lại.
- Việc này cứ để mặc ta lo.
Bà âu yếm hôn lên mắt Henri và đẩy ông ta ra khỏi phòng làm việc.
Chẳng mấy chốc các công chúa trong hoàng gia đã tới cung Thái hậu. Charles đang vui vì sự táo gan của cô em Margot làm ông thích thú hơn là bực mình. Ông chẳng thù hận gì De Mole và nếu như ông chờ đợi chàng tối qua trong hành lang với đầy nhiệt tình thì chỉ vì đó cũng giống như một kiểu phục kích trong cuộc săn mà thôi.
Ngược lại d Alençon rất bận tâm. Ông ta vốn vẫn kỵ hiềm với De Mole và từ lúc biết rằng chàng được chị mình yêu, ông ta lại càng căm ghét chàng hơn.
Đầu óc Marguerite mơ màng nhưng mắt nàng tỉnh táo. Nàng vừa nhớ nhung vừa phải xem xét kỹ càng. Các sứ thần Ba Lan đã gửi tới các bài diễn văn mà họ sẽ phải đọc.
Người ta không hề nhắc lại với Marguerite về sự kiện tối hôm trước, tựa như không có việc gì xảy ra và nàng thản nhiên đọc các diễn văn. Trừ Charles, mọi người đều bàn luận về những điều mà họ sẽ trả lời. Charles để mặc Marguerite muốn trả lời như thế nào thì tùy thích. Song ông lại tỏ ra khó tính với việc chọn từ ngữ của d Alençon. Còn đối với bài diễn văn của Henri d Anjou, thì còn tồi tệ hơn là ác ý, nhà vua ra sức chữa từng câu và thậm chí còn viết lại.
Buổi làm việc này mặc dù không xảy ra chuyện gì nhưng đã làm cho đầu óc mọi người căng thẳng.
Henri d Anjou phải viết lại gần hết cả bài diễn văn nên ông phải lui về để làm việc. Marguerite vốn đã không nhận được tin tức gì của vua Navarre ngoài những tin gửi đến cho nàng từ khung kính cửa sổ vỡ, quay trở về với hy vọng gặp ông ta ở đấy.
Nhận thấy có sự ngập ngừng trong ánh mắt của ông anh d Anjou, d Alençon đã bất chợt được một cái nhìn thông đồng giữa Thái hậu và ông này, bèn cũng lui về cung để suy nghĩ về điều mà ông ta coi là một mưu đồ đang nảy sinh. Cuối cùng, khi Charles đang định rút về lò rèn của mình để làm nốt một ngọn giáo do chính ông chế tạo thì bị Catherine ngăn lại.
Charles đoán ra ngay rằng Thái hậu sẽ chống đối lại ý định của mình nên ông dừng lại và chằm chằm nhìn Catherine:
- Sao, cỏn việc gì nữa đây? - Ông hỏi.
- Thưa bệ hạ, còn một việc cuối cùng nữa phải trao đổi. Chúng ta đã quên việc đó, tuy nhiên nó khá quan trọng. Chúng ta sẽ ấn định ngày lễ tấn phong vào hôm nào nhỉ?
- À ừ nhỉ - Nhà vua vừa nói vừa ngồi xuống - Vậy thì ta lại bàn nào. Vậy lệnh bà thấy ấn định vào ngày nào là thích hợp?
- Ta nghĩ rằng chính trong sự im lặng của hoàng thượng, trong cái vẻ lãng quên bề ngoài đã có điều gì được suy tính kỹ càng rồi.
- Không, tại sao lại thế, thưa lệnh bà?
- Vì rằng, - Catherine nhẹ nhàng nói thêm - Con ạ, ta thấy hình như không nên để cho những người Ba Lan thấy chúng ta có vẻ như là quá nhiệt tình chạy theo cái ngai vàng ấy.
- Thưa lệnh bà, ngược lại - Charles nói - Chính họ đã vội vàng ruổi ngựa ngày đêm từ Warsawa tới đây… Vinh dự phải được đền đáp bằng vinh dự, lịch sự phải được trả lại bằng lịch sự.
- Bệ hạ có thể có lý về mặt này, cũng như ta có thể không nhầm về mặt khác. Vậy ý bệ hạ định đưa buổi lễ sớm lên.
- Thế chứ, đúng vậy mẹ ạ: Ý mẹ không phải là thế hay sao?
- Bệ hạ biết rằng ta chỉ có những ý kiến có ích nhất cho vinh quang của bệ hạ. Vậy nên ta xin mạo muội nói rằng nếu bệ hạ vội vàng như thế, ta e người ta sẽ cho là bệ hạ muốn tranh thủ dịp này để cất bỏ đi cho hoàng gia Pháp gánh nặng mà em Người gây ra, dù rõ ràng là ông ta đã trở lại cho hoàng gia bằng sự vinh quang và lòng tận tụy.
- Thưa lệnh bà, khi nào em tôi rời nước Pháp, tôi sẽ gây dựng cho hắn với tiền của nhiều đến nỗi không ai dám nghĩ tới điều mà lệnh bà e ngại.
- Thôi nào, ta xin hàng thôi - Catherine đáp - Vì bệ hạ có những câu trả lời hay đến thế cho mọi lời phản bác của ta… Nhưng để đón tiếp cái dân tộc thiện chiến vốn vẫn xét đoán uy lực của một nước qua những biểu hiện bề ngoài đó bệ hạ chắc phải có sự phô trương binh lực đáng kể. Ta nghĩ rằng không có nhiều cuộc diễu binh trong vùng Ile de François.
- Xin mẹ thứ lỗi, tôi đã tiên liệu việc này và tôi đã chuẩn bị. Tôi đã cho gọi hai tiểu đoàn từ xứ Normandie về, một từ xứ Guyenne, đại đội cung thủ của tôi từ Bretagne chiều hôm qua đã về tới đâu đây. Lính khinh kỵ rải rác trong vùng Turenne sẽ có mặt ở Paris trong ngày hôm nay. Trong khi người ta cứ tưởng tôi chỉ có khoảng gần bốn trung đoàn thì tôi có những hai mươi ngàn binh lính sẵn sàng diễu binh.
- Ái chà - Catherine kinh ngạc - Vậy thì bệ hạ chỉ còn thiếu có một thứ thôi, nhưng rồi chúng ta cũng sẽ kiếm ra.
- Thứ gì vậy?
- Tiền. Ta nghĩ rằng bệ hạ không giàu có gì lắm đâu.
- Thưa lệnh bà, trái lại. Tôi có một triệu bốn trăm ngàn écus ở ngục Bastille. Mấy ngày gần đây, ngân khố riêng của tôi đã nộp cho tôi tám ngàn écus mà tôi cho đem cất trong các hầm ở Louvre và nếu như có thiếu thì Nantouillet còn có ba trăm ngàn khác sẵn sàng cho tôi sử dụng.
Catherine run lên, cho tới lúc này bà vẫn chỉ tưởng Charles là người nóng nảy hay tức giận chứ chưa bao giờ thấy ông biết lo xa.
- Thế là bệ hạ đã lo tới đủ mọi việc - Bà nói tiếp - Thật tuyệt. Và miễn là những người thợ may, thợ thêu, thợ làm đồ châu báu nhanh tay nhanh chân lên thì bệ hạ có thể ấn định buổi tiếp trong vòng sáu tuần nữa.
- Sáu tuần nữa! - Charles kêu lên - Thưa mẹ, thợ may, thợ thêu, thợ làm đồ châu báu đã bắt tay vào làm từ khi người ta biết tin về việc phong chức cho em tôi. Cố ra thì tất cả đã có thể xong hết vào ngày hôm nay nhưng để cho chắc ăn thì mọi việc sẽ sẵn sàng trong ba bốn hôm nữa.
- Ồ con ạ - Catherine lẩm bẩm - Hình như anh có vẻ vội vàng hơn ta tưởng.
- Tôi đã nói với lệnh bà rồi, vinh dự phải được đền đáp bằng vinh dự.
- Được lắm. Vậy ra chính cái điều vinh dự dành cho hoàng gia Pháp làm bệ hạ đẹp lòng phải không?
- Chắc chắn là như thế.
-Và được thấy một hoàng tử Pháp lên ngôi vua Ba Lan là niềm mong ước cao nhất của bệ hạ chứ gì?
- Bà nói đúng.
- Vậy chính sự việc, chứ không phải con người làm bệ hạ bận tâm, và dù cho có là ai trị vì ở nơi kia đi chăng nữa…
- Không, không, thưa mẹ, khỉ thật! Như thế nào thì chúng ta hãy cứ giữ nguyên như thế. Bọn Ba Lan đã chọn đúng rồi đó. Họ là những người khéo léo và cưởng tráng. Một quốc gia quân sự, một dân tộc gồm toàn lính, thế nên họ chọn một viên chỉ huy làm vua là đúng lắm. Mẹ kiếp! d Anjou hợp với họ: người anh hùng của trận Jarnac và Moncontour đi với họ thật vừa khéo! Lệnh bà muốn tôi gửi ai cho họ nào? d Alençon à? Một thằng hèn! Họ mà thấy hắn thì rõ đẹp mặt cho dòng họ nhà Valois!… d Alençon!… Hắn sẽ chuồn ngay khi nghe viên đạn đầu tiên réo bên tai. Còn, Henri d Anjou ấy à, một gã ham đánh đấm, tốt lắm! Lúc nào cũng kiếm cầm tay đi đầu, dù đi bộ hay cưỡi ngựa!… Can đảm lên! Đâm đi, xô đi, phang đi, giết đi! ái chà! Ông em d Anjou của tôi mới đúng là người chứ! Một kẻ can trường! Hắn sẽ làm cho lũ dân Ba Lan ấy được đi đánh nhau từ sáng chí tối, từ đầu năm đến cuối năm. Quả là tửu lượng hắn có kém, nhưng hắn sẽ lạnh lùng để mặc cho lũ dân ấy bị giết. Có thế thôi. Nơi đó thật đúng là địa hạt của hắn, cái thằng cha Henri đáng yêu ấy! Tiến lên! Tiến lên! Tới chiến trường! Hoan hô kèn trống trận! Đức vua muôn tuổi! Người chiến thắng muôn năm! Đại tướng muôn năm! Người ta sẽ tôn xưng hắn làm hoàng đế ba lần một năm! Thật tuyệt vời đối với hoàng gia Pháp và danh dự của dòng họ Valois… Có thể hắn sẽ bị giết, nhưng mẹ kiếp! Chết như thế thật tuyệt đẹp!
Catherine rùng mình, mắt bà lóe sáng và bà kêu lên:
- Xin bệ hạ cứ nói thẳng ra rằng bệ hạ căm ghét hắn còn hơn!
- A ha ha! - Charles bật lên một tiếng cười gắng sức - Bà đã đoán ra là tôi định đẩy hắn đi? Bà đoán ra là tôi không yêu thương gì hắn? Làm gì có chuyện ấy cơ chứ! Yêu em trai tôi! Tại sao tôi lại phải yêu hắn! A ha ha! Hẳn bà muốn đùa thôi? - Nhà vua càng nói, gò má xanh xao của ông càng bừng đỏ - Thế hắn có yêu thương tôi không? Thế bà có yêu thương gì tôi không? Trừ lũ chó của tôi, Marie Touchet và nhũ mẫu, có ai đã yêu thương tôi bao giờ chưa? Không ạ, xin bà biết cho tôi không yêu gì thằng em tôi, tôi chỉ yêu quý có tôi thôi. Tôi cũng chẳng cấm hắn bắt chước tôi về điều đó.
- Tâu bệ hạ - Catherine cũng trở nên sôi nổi hẳn lên - Vì bệ hạ có lòng nói thẳng hết với ta, ta cũng xin nói thật. - Bệ hạ hành động như một vị vua yếu đuối, như một bậc quân chủ không được khuyên can đến nơi đến chốn. Bệ hạ tống đi người em trai thứ hai của Người, theo lẽ tự nhiên là trụ cột của triều đình và về mọi mặt đều xứng đáng kế ngôi bệ hạ nếu chẳng may có điều gì bất hạnh xảy ra với bệ hạ và Người để lại ngai vàng không ai kế vị. Vì cũng như bệ hạ vừa nói đấy, d Alençon còn trẻ, không có năng lực, yếu đuối, còn tệ hơn yếu đuối nữa, hắn hèn nhát!… Và phía sau y là gã người Bearnais bệ hạ có thấy thế khộng?
- Ê này, quái thật đấy nhỉ! - Charles thốt lên - Những chuyện sẽ xảy ra sau khi tôi không còn sống nữa thì việc gì tới tôi? Thế bà bảo là cái thằng Bearnais nó đứng đằng sau ông em tôi chớ gì? Mẹ kiếp! Càng tốt! Khi nãy tôi bảo không yêu ai là tôi nhầm đấy, tôi quý Henriot. Vâng, tôi yêu quý hắn, cái thằng Henriot tốt bụng ấy; vẻ mặt hắn thẳng thắn, tay hắn ấm, trong khi quanh tôi, tôi chỉ thấy có những ánh mắt giả dối và chỉ được chạm vào những bàn tay giá lạnh. Hắn không có gan phản bội tôi, tôi dám thề đấy. Vả lại tôi còn mắc nợ hắn: có người đã đầu độc mẹ hắn, tội nghiệp thằng bé! Những người ấy thuộc gia đình tôi đấy, tôi nghe người ta nói thế. Với lại tôi vẫn khỏe lắm. Nhưng nếu tôi ốm, tôi sẽ cho gọi hắn, tôi sẽ không để hắn rời xa tôi. Tôi sẽ chỉ ăn uống những thức đưa từ tay hắn và khi tôi chết, tôi sẽ phong hắn làm vua nước Pháp và xứ Navarre… Mẹ kiếp! Hắn sẽ khóc hay ít ra sẽ giả và khóc trước cái chết của tôi chứ không cười như những thằng em tôi.
Sét đánh xuống chân Catherine cũng không làm bà kinh hoàng bằng những lời này. Bà sững sờ nhìn Charles bằng hai mắt thất thần rồi mãi mới thốt lên được:
- Henri de Navarre! Henri de Navarre mà lại là vua nước Pháp thay cho các con tôi! A! Lạy thánh mẫu! Để rồi xem! Té ra vì thế mà bệ hạ định đày con trai tôi đi đấy?
- Con trai bà… Thế tôi là cái gì nhỉ? Con của chó sói như Romulus(1) chắc? - Charles run lên vì tức giận, mắt sáng rực như lửa - Con trai bà! Bà nói đúng đấy, vua nước Pháp không phải con trai bà! Vua nước Pháp không có anh em, không có mẹ, chỉ có thần dân thôi. Vua nước Pháp không cần có tình cảm, chỉ cần có ý muốn. Hắn không cần người ta yêu thương hắn, hắn muốn người ta phải phục tùng hắn!
- Tâu bệ hạ, Người đã hiểu sai ý tôi: tôi đã gọi kẻ sắp phải xa tôi là con trai tôi. Lúc này tôi càng yêu thương nó hơn vì chính lúc này đây tôi sợ mất nó nhất. Một người mẹ mong muốn cho con mình không rời xa mình thì có phải là tội lỗi không?
- Còn tôi, tôi xin nói với bà là hắn sẽ phải xa rời khỏi mẹ hắn, rằng hắn sẽ phải rời nước Pháp, hắn sẽ đi Ba Lan trong hai ngày nữa. Nếu bà nói thêm một lời, hắn sẽ đi ngay ngày mai. Và nếu bà không cúi đầu xuống, nếu bà không dập tắt cái ánh mắt đe doạ thì tôi sẽ bóp cổ hắn tối nay như bà đã muốn người ta bóp cổ tình nhân con gái bà tối hôm qua. Có điều là tôi không để hắn trượt khỏi tay tôi như chúng tôi đã tóm trượt De Mole.
Nghe lời đe doạ đầu tiên này, Catherine cúi đầu, nhưng gần như ngay lập tức bà lại ngẩng cao đầu lên.
- Ôi! Tội nghiệp con ta! Anh con muốn giết con. Nhưng hãy yên lòng, mẹ sẽ bảo vệ con.
- A, chúng dám thách ta! - Charles kêu lên - Thề có Chúa! Hắn sẽ chết, không phải tối nay, không phải chốc nữa mà ngay lập tứct A! Đưa cho ta một vũ khí! Một thanh đoản kiếm! Một con dao!
Và sau khi đã đưa mắt nhìn quanh để tìm kiếm một cách vô ích những thứ ông đòi hỏi, Charles nhìn thấy con dao găm nhỏ mà Thái hậu đeo ở thắt lưng. Ông vồ lấy nó, giật nó ra khỏi vỏ bằng da lừa khảm bạc và lao ra khỏi phòng để tìm đâm Henri d Anjou ở bất kỳ đâu. Nhưng ra đến tiền phòng do quá bị kích thích so với sức chịu đựng của mình, đột nhiên ông kiệt quệ: tay ông duỗi ra để rơi con dao nhọn cắm xuống sàn, ông thốt ra một tiếng kêu yếu ớt, đổ sụp người xuống và lăn ra sàn. Cùng lúc đó máu túa ra từ mồm và mũi nhà vua.
- Chúa ơi! - Ông kêu - Chúng giết con! Cứu ta với!
Catherine đang đi theo Charles thấy ông ngã xuống. Bà thản nhiên nhìn ông một lát và không động cựa. Rồi bà tĩnh trí lại không phải vì tình mẫu tử mà vì hoàn cảnh khó xử, bà vừa mở cửa vừa hô hoán:
- Đức vua lâm bệnh! Cứu với! Cứu với!
Nghe tiếng kêu đó, cả bầy người hầu, sĩ quan và các quần thần tất cả ùa vào quanh vị vua trẻ tuổi. Nhưng một người đàn bà đã lao lên trước tất cả mọi người, gạt những kẻ tới xem ra và nâng Charles nhợt nhạt như xác chết dậy.
- Chúng giết ta, nhũ mẫu ai, chúng giết ta - Charles mình đẫm máu và mồ hôi lẩm bẩm nói.
- Charles! Chúng giết con! - Người đàn bà phúc hậu thốt lên và nhìn khắp các khuôn mặt với ánh mắt khiến chính Catherine cũng phải chùn bước - Đứa nào là kẻ dám giết con?
Charles để hắt ra một tiếng thở dài yếu đuối và ngất đi hoàn toàn.
- A, đức hoàng thượng ốm thật rồi - Thầy Ambroise Paré mà người ta đã cho đi gọi tới nói.
- Bây giờ dù muốn hay không, hắn cũng phải gia hạn - Catherine lạnh lùng tự nhủ.
Bà rời nhà vua để tới chỗ con trai thứ của bà đang khắc khoải đợi chờ kết quả cuộc nói chuyện rất đỗi quan trọng này đối với ông ta trong gian tiểu giáo đường.
Chú thích:
(1) Theo huyền thoại người ta tìm thấy Rômuylux đang được chó sói cho bú
Nguồn: http://vnthuquan.org/