Chương 43: Các sứ thần
Ngày hôm sau toàn dân Paris đổ xô tới khu ngoại ô Saint-Antoine, nơi đã được ấn định cho các sứ thần tiến vào theo cửa đó. Một hàng lính Thụy Sĩ vây lấy đám đông và nhiều binh đội kỵ binh bảo vệ cho các vương hầu và các mệnh phụ phu nhân lên đón đoàn sứ thần.
Chẳng bao lâu ở quãng tu viện Saint-Antoine thấy xuất hiện một toán kỵ mã ăn vận màu vàng lẫn màu đỏ, với mũ trùm và áo choàng có một lớp lông thú bên trong, tay cầm những thanh đao Thổ Nhĩ Kỳ.
Các sĩ quan đi hai bên đoàn người.
Đằng sau toán thứ nhất này là toán thứ hai được trang bị với một vẻ hào nhoáng hoàn toàn Đông phương. Toán này đi trước đoàn sứ thần gồm bốn người trang phục thật lộng lẫy tiêu biểu cho một trong những vương quốc hiệp sĩ đầy huyền thoại của thế kỷ XVI.
Một trong số các sứ thần là giám mục thành Cracovie. Ông bận bộ y phục nửa như giáo chủ nửa như chiến binh nhưng rực rỡ những vàng và đá quý. Con ngựa trắng của ông với bờm lông dài phấp phới, bước chân rất cao, mũi như phì ra lửa khói.Không ai nghĩ rằng từ cả tháng nay con vật cao quý đó phải chạy mười lăm dặm một ngày trên những đoạn đường mà thời tiết xấu đã khiến cho người ta gần như không thể đi lại được.
Bên giám mục là vương gia Lasco, một vương hầu đầy thế lực gần gũi với ngai vàng đến nỗi ông vừa giàu có vừa kiêu ngạo như vua chúa.
Sau hai vị sứ thần chính là hai vương gia thuộc dòng dõi cao sang, rồi đến một đoàn các lãnh chúa Ba Lan mà ngực được phủ đầy lụa là, vàng bạc, châu báu khiến đám thần dân trầm trồ ồn ào thán phục. Quả thực những kỵ sỹ Pháp dù phục sức đã rất sang trọng nhưng cũng hoàn toàn bị lu mờ trước những người mới tới mà họ dè bỉu chê bai là đám man di.
Cho tới phút cuối, Catherine vẫn còn mong mỏi buổi triều kiến sẽ lại được hoãn và quyết định của nhà vua sẽ phải nhường bước trước bệnh tình của ông vẫn đang tiếp diễn. Nhưng tới ngày đã định, khi bà thấy Charles mặt tái xanh như một hồn ma khoác chiếc hoàng bào lộng lẫy vào người thì bà hiểu rằng bề ngoài mình vẫn phải cúi đầu khuất phục trước ý chí sắt đá đó. Và bà bắt đầu tin rằng nơi đi đày lộng lẫy của Henri d Anjou là chỗ ẩn thân chắc chắn hơn cả cho ông.
Trừ vài lời đã nói khi ông vừa mở mắt lúc Thái hậu bước ra khỏi phòng làm việc, Charles không hề nói gì với Catherine kể từ hôm có vụ rắc rối khiến ông bị lên cơn đến suýt bỏ mạng.
Ai nấy ở Louvre đều biết giữa Thái hậu và nhà vua đã có chuyện đôi co khủng khiếp mà không biết rõ được nguyên nhân. Những kẻ táo gan nhất cũng run sợ trước sự lạnh lùng câm nín này như loài chim hoảng sợ trước sự bình lặng đầy đe doạ đi trước cơn giông.
Tuy nhiên ở Louvre, mọi thứ đều được chuẩn bị, dường như không phải cho một buổi hội hè mà là để cho một nghi thức tang lễ nào đó. Mọi người đều tuân lệnh với kẻ thụ động tẻ nhạt. Người ta biết rằng chính Catherine cũng gần như phải run sợ và ai nấy cũng đều run sợ theo.
Phòng khách lớn của lâu đài đã được chuẩn bị. Vì những nghi lễ kiểu này thường vẫn công khai nên vệ binh và lính gác được lệnh để cho các sứ thần và cả đám dân chúng được vào cho tới khi chật hết các phòng và sân cung thì thôi.
Về phần Paris, quang cảnh của nó vẫn là quang cảnh mà thành phố lớn này vẫn thường phô ra vào những dịp tương tự: nghĩa là rặt những hối hả với tò mò. Tuy vậy, kẻ nào để ý nhìn kỹ người dân thủ đô ngày hôm ấy thì có thể nhận thấy những gương mặt thị dân ngây thơ thộn ra, có không ít người quấn mình trong những chiếc áo choàng lớn, đưa mắt, vẫy tay ra hiệu cho nhau khi họ ở cách xa nhau hoặc thì thầm trao đổi vội vàng vài lời đầy ý nghĩa khi họ ở gần nhau. Vả lại, những kẻ này có vẻ rất bận tâm tới đám rước, là những người theo sát nó và dường như nhận mệnh lệnh từ một cụ già đáng kính mà đôi mắt đen nhánh tinh anh để lộ rõ vẻ nét lanh lợi trái hẳn với chòm râu bạc trắng và cặp lông mày ngả màu tiêu muối. Quả tình, hoặc do chính sức mình, hoặc được sự cố gắng của đồng đội giúp sức, ông cụ này là một trong những người đầu tiên lọt được vào Louvre.
Nhờ sự thông cảm của viên chỉ huy lính Thụy sĩ vốn là một tay Tân giáo dù đã cải đạo vẫn mang rất ít tính Gia tô giáo, cụ già đã xoay xở được một chỗ đằng sau các sứ thần, đứng trước mặt Marguerite và Henri de Navarre.
Được De Mole báo trước rằng de Mouy sẽ dự buổi lễ dưới một hình thức cải trang nào đó, Henri đưa mắt nhìn tứ phía. Cuối cùng ánh mắt ông gặp mắt cụ già và ông không rời ánh mắt ấy; de Mouy ra dấu làm tiêu tan mọi nghi ngờ của vua Navarre. Chàng cải trang khéo đến nỗi chính Henri cũng không ngờ được rằng ông cụ già với chòm râu bạc phơ này lại có thể là viên thủ lĩnh Tân giáo kiên cưởng đã tự vệ một cách can đảm đến thế năm sáu ngày trước đây. Henri ghé tai hoàng hậu nói nhỏ một lời khiến ánh mắt nàng cũng hướng về de Mouy. Rồi đôi mắt đẹp của nàng lướt qua tận những dãy cuối của sảnh đường: nàng tìm De Mole mà không thấy.
De Mole không có mặt ở đây.
Các bài diễn văn bắt đầu. Bài đầu tiên được dành cho đức vua, nhân danh Nghị viện, Lasco xin phép nhà vua chấp thuận cho việc ngai vàng xứ Ba Lan được dâng lên một ông hoàng của hoàng tộc Pháp.
Charles trả lời bằng một lời đồng ý ngắn gọn và chuẩn xác. Ông giới thiệu quận công d Anjou hoàng đệ, ngợi khen lòng dũng cảm của ông này với các sứ thần Ba Lan. Ông nói bằng tiếng Pháp, cứ mỗi một đoạn lại có người phiên dịch lời ông. Và mỗi khi đến lượt phiên dịch nói, người ta có thể thấy nhà vua đưa lên miệng một chiếc mùi soa và mỗi lần mùi soa rơi khỏi miệng ông lại là một lần thấm máu.
Khi câu trả lời của Charles đã dứt, Lasco quay sang quận công d Anjou nghiêng mình và bắt đầu một bài diễn văn tiếng latinh trong đó nhân danh dân tộc Ba Lan ông xin dâng ngai vàng cho quận công Quận công cũng trả lời bằng thứ tiếng đó. Với giọng nói mà ông hoài công kiềm chế nỗi xúc động, ông bày tỏ lòng biết ơn được chấp nhận niềm vinh dự dành cho ông. Suốt trong lúc quận công nói, Charles đứng mím môi, mắt nhìn chằm chằm, bất động và đầy đe doạ như ánh mắt một con chim ưng.
Khi quận công d Anjou dứt lời, Lasco đỡ lấy chiếc vương miện của dòng họ Jagellons(1) đang được đặt trên một tấm đệm nhung đỏ, trao nó cho Charles trong khi hai vị vương hầu Ba Lan khoác chiếc áo hoàng bào lên mình quận công d Anjou.
Charles ra hiệu cho ông em. Quận công d Anjou tới quỳ trước mặt ông và Charles tự tay mình đặt vòng vương miện lên đầu d Anjou, rồi hai vị vua trao đổi với nhau một cái hôn thù hận nhất mà chưa bao giờ anh em ruột lại có thể làm như vậy.
Một viên truyền lệnh sứ tức thì hô lớn:
"Alexandre Edouard Henri nước Pháp, tước quận công d Anjou, vừa được tấn phong vua Ba Lan. Đức vua Ba Lan vạn tuế!"
Toàn thể cứ toạ cũng đồng thanh hô lên:
"Đức vua Ba Lan vạn tuế!"
Khi đó Lasco bắt đầu quay sang Marguerite. Bài diễn văn dành cho bà hoàng xinh đẹp được để đến cuối cùng. Và vì đây là một cử chỉ lịch thiệp để làm nổi bật tài năng của nàng nên ai nấy đều rất chú ý đến bài đáp từ của nàng soạn bằng tiếng Latinh. Chúng ta đã biết rằng chính Marguerite đã tự soạn lấy bài diễn văn này.
Diễn văn của Lasco cho thấy đó đúng ra là một lời ca ngợi thì hơn là một bài diễn văn. Dù là dân Sarmate thật đấy, nhưng ông vẫn bị bà hoàng xinh đẹp xứ Navarre chinh phục. Bằng ngôn ngữ của Ovide nhưng mượn giọng văn của Ronsard, ông nói rằng khi rời Varsovie ra đi vào giữa đêm tối mịt mùng, ông và các bạn đồng hành ắt đã không thể biết được đường đi nếu như không được hai ngôi sao sáng dẫn đường như các vua mages(2) thuở trước. Những ngôi sao đó ngày càng trở nên sáng chói khi họ tới gần nước Pháp và giờ đây họ nhận ra đó chẳng phải gì khác hơn ngoài đôi mắt đẹp của hoàng hậu Navarre. Rồi chuyển từ kinh Phúc âm sang kinh Coran, từ xứ Syrie tới xứ Arập Pétrée, từ Nazereth tới La Mesque ông kết thúc bài diễn văn của mình nói rằng giờ đây sẵn lòng làm điều mà các tín đồ nhiệt thành của Đấng Tiên tri(3) đã làm, một khi họ đã có diễm phúc được nhìn thấy mộ của Đấng Tiên tri, họ tự chọc thủng mắt mình vì xét rằng sau khi được nhìn thấy một điều tốt đẹp đến thế thì trên đời này chẳng còn gì đáng để chiêm ngưỡng nữa.
Bài diễn văn được nhiều nhiều biết tiếng Latinh nhiệt liệt vỗ tay vì họ cũng đồng ý với diễn giả và cả những người không biết tiếng cũng vỗ tay vì họ muốn tỏ ra là mình cũng biết.
Trước hết Marguerite duyên dáng cúi chào vị vương hầu Sarmate lịch thiệp, rồi vừa trả lời viên sứ thần, mắt đăm đăm nhìn vào de Mouy, nàng bắt đầu bằng những lời sau:
"Sự có mặt không ngờ của ngài tại triều đình này khiến chồng tôi và tôi vô cùng vui sướng nếu nó không đem lại một điều bất hạnh lớn; đó là việc mất đi không những một người anh, mà còn là một người bạn".
Những lời đó có hai nghĩa, vừa được dành cho de Mouy, cũng có thể là để nói với Henri d Anjou. Vì vậy nên ông này cúi chào tỏ ý biết ơn.
Charles không nhớ là mình có được đọc câu này trong bài diễn văn trình qua vài ngày trước hay không, nhưng ông. không coi trọng lắm những lời như vậy của Marguerite vì cho rằng đó chỉ là một bài diễn văn xã giao bình thường. Vả lại ông hiểu tiếng Latinh rất kém.
Marguerite tiếp:
"Chúng tôi tuyệt vọng vì phải chia tay với anh trong khi chúng tôi những muốn được ra đi cùng anh. Nhưng cái số phận đã buợc anh phải rời ngay Paris, số phận ấy cũng ràng buộc chúng tôi ở lại thành phố này. Vậy hãy đi đi, người anh yêu quý hãy đi đi, người bạn thân yêu, hãy ra đi không có chúng tôi. Niềm hy vọng và mọi ước muốn của chúng tôi cũng đi theo anh".
Người ta dễ đoán được rằng de Mouy lắng nghe rất chăm chú những lời tuy là nói với các sứ thần, chính ra lại chỉ để cho chàng. Henri cũng hai ba lần lúc lắc đầu tỏ ý phủ nhận để chàng trai Tân giáo hiểu rằng d Alençon đã từ chối, nhưng cử chỉ này vốn có thể do ngẫu nhiên gây ra dễ bị de Mouy coi là chưa đủ nếu như không có những lời của Marguerite khẳng định thêm. Tuy nhiên, trong khi de Mouy chăm chú nhìn và lắng nghe Marguerite thì đôi mắt đen sáng long lanh, dưới cặp lông mày xám bạc của chàng khiến Catherine sửng sốt. Bà giật mình và không rời mắt khỏi phía này.
"Mặt mũi lạ nhỉ - Bà vừa lẩm bẩm vừa tiếp tục giữ vẻ mặt mình cho thích hợp với các quy tắc lễ nghi - Cái kẻ đang nhìn Marguerite chăm chú kia là ai nhỉ? Mà Marguerite và Henri cũng nhìn y ghê lắm".
Tuy vậy, hoàng hậu Navarre tiếp tục bài diễn văn mà từ đoạn đó trở đi là để đáp lại những lời lịch thiệp của sứ thần Ba Lan.
Trong khi Catherine cố moi óc đoán xem tên của ông già đẹp lão này thì viên chủ lễ tiến lại gần bà từ phía sau, trao cho bà một túi nhỏ bằng satanh thơm phức trong có một tờ giấy gấp tư.
Thái hậu mở túi, rút giấy ra và đọc:
"Nhờ một thứ thuốc tăng lực mà tôi vừa trao cho. Maurevel đã hơi khỏe và có thể biết được tên người đã có mặt trong phòng đức vua Navarre. Đó là ông de Mouy".
"De Mouy! - Thái hậu nghĩ - Thế đấy, ta đã linh cảm thấy mà. Nhưng cái lão già kia… Ô, quái nhỉ!… Lão già kia, là…"
Catherine mắt đờ ra miệng há hốc.
Rồi bà nghiêng người xuống bên tai viên chỉ huy vệ binh đứng cạnh bà:
- Nhìn kìa, ông de Nancey, nhưng đừng có lộ liễu quá, nhìn vương hầu Lasco đang nói kia kìa. Sau lưng ông ta… đúng rồi, ông có thấy một ông già râu bạc, mặc đồ nhung đen không?
- Thưa lệnh bà có - Viên chỉ huy trả lài.
- Được lắm, đừng có rời mắt khỏi y nhé.
- Cái người mà đức vua Navarre đang ra hiệu có phải không ạ?
- Đúng thế. Ông lấy mười người ra đứng ngoài cửa, và khi y đi ra hãy nhân danh đức vua mà mời y ở lại dự tiệc. Nếu y đi theo ông, thì hãy dẫn vào một phòng và giữ y ở đấy. Nếu y kháng cự lại thì sống hay chết cũng bắt cho bằng được. Thôi đi đi!
May thay Henri vốn chẳng quan tâm mấy đến bài diễn văn của Marguerite lắm mà đã để mắt đến Catherine và không để lọt qua một sự biến đổi nào trên gương mặt của Thái hậu. Khi thấy Thái hậu chăm chú nhìn de Mouy như thế, ông đã cảm thấy lo lắng, khi thấy Thái hậu ban lệnh cho viên chỉ huy vệ binh, ông lập tức hiểu ra hết.
Chính lúc đó ông đã ra hiệu cho de Mouy và bị ông de Nancey bắt gặp. Cử chỉ đó, trong ngôn ngữ tín hiệu có nghĩa là: "Anh bị lộ rồi, trốn đi ngay lập tức".
De Mouy kịp hiểu dấu hiệu đó, nó cũng rất khớp với đoạn diễn văn của Marguerite dành cho chàng. Không để nói nhiều lời, chàng lẩn vào đám đông và biến mất.
Nhưng Henri chỉ yên tâm khi thấy ông de Nancey quay lại chỗ Catherine và vẻ cau có trên gương mặt Thái hậu làm ông hiểu rằng ông này đang báo cho bà biết là ông ta đã bị chậm trễ. Buổi triều kiến chấm dứt. Marguerite còn trao đổi vài lời không chính thức với Lasco.
Nhà vua lảo đảo đứng dậy, cúi chào và dựa vào vai Ambroise Paré để đi ra. Từ khi có sự cố xảy ra, ông thầy thuốc không rời Charles một bước.
Catherine mặt nhợt nhạt vì tức giận, cùng Henri câm lặng trong đau buồn đi theo sau nhà vua.
Về phần quận công d Alençon, ông đóng một vai trò hoàn toàn mờ nhạt trong buổi lễ. Ánh mắt Charles vốn không rời quận công d Anjou lấy một phút, không lúc nào dừng lại ở ông.
Vị tân vương Ba Lan cảm thấy bơ vơ lạc lõng. Bọn lũ người mọi rợ phương Bắc này bắt rời xa bà mẹ, ông ta cũng như Antée con trai nữ thần Đất bị mất sức mạnh của mình khi bị Hercule nhấc bổng lên trong tay. Một khi đã ra ngoài biên giới, quận công d Anjou tự coi như vĩnh viễn bị loại khỏi ngai vàng nước Pháp.
Vì vậy đáng lẽ đi theo nhà vua thì ông lại lui về cung Thái hậu. Ông ta thấy bà cũng đăm chiêu u ám như ông, vì bà đang nghĩ tới gương mặt thanh tú nhưng giễu cợt mà bà đã không rời mắt khỏi trong suốt buổt lễ, tới cái tay người Bearn mà dường như số phận đang dọn chỗ bằng mọi cách để quét sạch quanh y các vị vua và hoàng tử sát nhân, những kẻ thù và vật trở ngại đối với y Thấy mặt đứa con cưng tái nhợt dưới vòng vương miện, người như muốn khụyu xuống dưới chiếc hoàng bào, lặng lẽ chắp đôi bàn tay đẹp giống mẹ lại khẩn cầu bà, Catherine đứng dậy tới gần ông ta.
- Ôi mẹ ơi - Vua Ba Lan thốt lên - Bây giờ con đành phải chịu bỏ xác ở nơi lưu đày thôi!
- Con ạ, sao con nhanh quên lời tiên tri của René thế? Cứ yên tâm, con sẽ không ở đó lâu đâu.
- Mẹ ơi, con khẩn khoản xin mẹ hãy báo tin cho con biết ngay khi có chút lời đồn đại nào, chút dấu hiệu nào cho thấy ngai vàng Pháp có thể bị bỏ trống…
- Con hãy an tâm - Catherine đáp - Cho tới cái ngày mà chỉ hai mẹ con ta đều chờ đợi đó, lúc nào trong chuồng ngựa của ta cũng có một con ngựa yên cương sẵn sàng và trong tiền phòng của ta một người đưa tin lúc nào cũng có thể sẵn sàng lên đường tới Ba Lan.
Chú thích:
(1) Trị vì Ba Lan từ 1386 đến 1572
(2) Các vua mages đã được sao dân đường tới chỗ Chúa Giêsu ra đời
(3) Prophète = Đấnbg tiên tri Chỉ giáo chủ Mohamet đạo Hồi.
Chương 44: Oreste và Pylade (1)
Sau khi Henri d Anjou ra đi, người ta có thể nói rằng bình yên và hạnh phúc lại trở lại trong cung Louvre nơi ở của cái gia đình Atrides (2) này.
Quên đi những thói ưu tư thường ngày, Charles dần dần khỏe lại, rắn rỏi trở lại. Ông đi săn với Henri và nói chuyện săn bắn với ông hôm nay để bù lại trong những ngày ông không thể đi săn được. Ông chỉ phê phán Henri mỗi một tội, đó là sự dừng dưng của ông này với việc săn bằng chim, và nói rằng Henri sẽ là một ông hoàng hoàn hảo nếu ông ta biết luyện các loài chim ưng cũng tài như ông luyện các loại chó săn nòi vậy.
Catherine lại trở thành hiền mẫu như trước: bà ngọt ngào với Charles và d Alençon, ve vuốt Henri và Marguerite, dịu dàng với quận chúa de Nervers và phu nhân de Sauve. Viện cớ rằng Maurevel bị thương trong khi thừa hành một mệnh lệnh của bà, bà có lòng tử tế đến độ đã hạ cố tới thăm y đang bình phục tại nhà y ở phố Cerisaie.
Marguerite tiếp tục những cuộc yêu đương kiểu Tây Ban Nha của nàng(3).
Tối nào nàng cũng mở cửa sổ và trao đổi với De Mole bằng cử chỉ và thư từ. Trong mỗi bức thư, chàng trai lại nhắc bà Hoàng xinh đẹp nhớ rằng nàng đã hứa thưởng cho sự lưu đày của chàng bằng vài giây phút ở ngôi nhà phố Cloche Percée.
Chỉ có một người là cô độc và lạc lõng trong cung Louvre giờ đây đã trở nên lặng lẽ thanh bình đến thế. Người đó là ông bạn của chúng ta, bá tước Anibal de Coconnas.
Quả thực, biết De Mole còn sống đã là điều đáng kể rồi và may hơn nữa là vẫn được yêu dấu bởi phu nhân de Nervers, người đàn bà vui tươi và ngông cuồng nhất trong những người đàn bà trong cung. Nhưng niềm hạnh phúc được ở bên nhau mà quận chúa ban cho chàng, sự thanh thản mà Marguerite đã đem lại cho chàng khi cho chàng biết về số phận người bạn chung của họ, những điều đó dưới mắt Coconnas cũng chẳng đáng giá bằng một giờ cùng De Mole kể cả ở quán ông bạn La Hurière bên một hũ rượu vang ngon, hoặc cùng nhau tiến hành những cuộc dạo chơi rồ dại trong các xó xỉnh của thành Paris, nơi mà một quý tộc lương thiện có thể vớ được vài vết sứt sẹo trên da thịt, trong túi tiền hay trên y phục của mình.
Dù có xấu hổ thay cho loài người thì cũng phải thú nhận rằng phu nhân de Nervers rất tức mình khi phải chịu đựng sự cạnh tranh này của De Mole. Không phải nàng ghét anh chàng xứ Provençal. Ngược lại, do bản năng không cưỡng lại được khiến cho mọi người đàn bà đều làm duyên làm dáng với người tình của một người đàn bà khác, nhất là khi người đàn bà khác kia lại là bạn mình, nàng cũng không ngớt nhìn De Mole bằng đôi mắt xanh màu ngọc bích của nàng. Và trong những ngày nàng nổi cơn ngông như thế, sao chiếu mệnh của Coconnas có phần lu mờ đi trong bầu trời của cô tình nhân xinh đẹp. Và Coconnas cũng có thể ghen tị với những cái siết tay và cả lô những trò dễ thương của quận chúa với bạn chàng. Tuy có thể cắt cổ mười lăm người chỉ vì một cái liếc của người yêu, nhưng Coconnas lại ít ghen với De Mole đến nỗi đôi khi sau những trò dấm dớ của quận chúa, chàng lại thì thầm vào tai bạn vài lời đề nghị khiến anh chàng Provençal phải đỏ mặt.
Tình trạng này dẫn đến chỗ là do vắng mặt De Mole nên Henriette bị mất đi tất cả những điều thích thú mà Coconnas đem lại cho nàng, tức là sự vui vẻ bất tận và những trò ngông không biết chán của chàng. Có lần nàng tới cầu khẩn Marguerite trả lại cho nàng cái kẻ thứ ba bắt buộc phải có ấy, nếu không thì đầu óc và trái tim Coconnas ngày một tan biến dần đi.
Vốn thông cảm và cũng do bị những lời nài nỉ của De Mole và những mong muốn của chính trái tim nàng thúc giục nữa nên Marguerite hẹn với Henriette tới ngôi nhà có hai cửa vào ngày hôm sau, để bàn kỹ về những việc đó trong một cuộc mạn đàm mà không ai có thể ngắt quãng.
Coconnas chẳng hớn hở gì khi nhận được thư của Henriette triệu chàng đến phố Tizon vào hồi chín giờ rưỡi. Nhưng chàng vẫn tới chỗ hẹn và gặp lưôn Henriette đã bắt đầu nổi cáu vì đến trước giờ và phải chờ.
- Xì thưa ông - Nàng nói - Thật bất lịch sự khi bắt một phụ nữ, chưa nói là một công chúa đâu nhé, phải chờ đợi thế này.
- Ôi! Chờ với đợi, đúng là từ ngữ của mình - Coconnas đáp - Tôi xin đánh cuộc ngược lại là chúng mình còn đến trước là đằng khác.
- Tôi đến trước thì đúng rồi.
- Chậc, tôi cũng thế. Tôi đánh cuộc với mình bây giờ cùng lắm chỉ mới mười giờ.
- Này, thư của tôi ghi là chín rưỡi đấy nhé.
- Chính vì thế mà tôi đi từ Louvre lúc chín giờ vì tôi phải trực chỗ ông quận công d Alençon, nhân thể cũng xin nói thêm như vậy. Thế nên khoảng một tiếng đồng hồ nữa thì tôi buộc phải chia tay với mình.
- Mình sướng lắm đấy?
- Không,tôi xin thề đấy! Ông d Alençon là một ông hoàng hay càu nhàu gắt gỏng, thà bị đôi môi xinh đẹp của mình gây sự còn hơn là bị cái mồm méo mó của ông ta cà khịa.
- Nào, khá hơn rồi đấy… mình bảo là mình rời Louvre lúc chín giờ à?
- Ồ, lạy Chúa, đúng thế, tôi định đến thẳng đây, nhưng khi tới góc phố Grenelle, tôi thấy có người trông hình dạng giống De Mole quá.
- Đấy! Lại De Mole!
- Vẫn thế, có cho phép hay không cũng vậy.
- Thô lỗ!
- Đấy chúng mình lại giở trò mỹ miều với nhau rồi đấy.
- Không, nhưng mình nói cho hết chuyện đi vậy.
- Không phải tôi đòi kể chuyện mà là mình cứ hỏi tại sao tôi đến muộn.
- Đã hẳn rồi, chẳng lẽ tôi lại phải đến trước để đợi à? - Mình quá đáng lắm, nhưng thôi tiếp đi. Đến góc phố Grenelle mình thấy một người giống De Mole… Nhưng áo mình có cái gì thế kia? Máu à?
- Lại thêm một thằng vừa ngã xuống vừa làm bắn cả lên người tôi đấy.
- Mình đánh nhau đấy à?
- Tôi tin là thế.
- Vì ông De Mole nhà mình ấy à?
- Thế mình bảo tôi đánh nhau vì ai mới được? Chẳng lẽ một người đàn bà à?
- Cám ơn!
- Ấy thế là tôi mới đi theo nó, cái thằng láo lếu dám giống ông bạn tôi ấy. Đến phố Coquillière thì đuổi kịp nó, tôi vượt lên, rồi nhìn vào tận mắt hắn nhờ ánh sáng ở một cửa hiệu. Thế mà không phải hắn.
- Được lắm, đáng đời.
- Ừ nhưng hắn thật chẳng may. Tôi mới bảo hắn: "Thưa ông, ông thật là hợm dám tự cho phép mình nhìn xa giống với ông bạn de Mole của tôi, ông ấy mới đúng là một hiệp sĩ hoàn hảo, còn nhìn gần thì người ta thấy ngay ông chỉ là một gã tiện dân". Nói đến đây thì hắn tuốt kiếm ra còn tôi cũng thế.
- Đến đường thứ ba thì mình đã biết thế nào là vô học chưa?
- Hắn ngã mà lại làm bắn máu vào cả người tôi.
- Thế ít ra thì mình cũng giúp đỡ ông ta chứ?
- Tôi đang định giúp thì lại có một kỵ mã phóng qua. Ô, quận chúa ạ, lần này thì tôi tin chắc là De Mole. Không may là ngựa lại phóng nước đại. Tôi chạy theo ngựa còn những kẻ tụ tập để xem tôi đánh nhau thì lại chạy đuổi theo tôi. Vì sợ người ta có thể tưởng tôi là một kẻ cướp đang bị cả đám cùng đinh ấy cứ hét lên sát gót nên tôi buộc phải quay lại để đuổi lũ chúng đi, thế nên bị mất thì giờ. Trong lúc đó thì anh chàng kỵ mã biến mất. Tôi đuổi theo hắn, tôi hỏi thăm, tôi tìm kiếm, tả cả màu ngựa hắn, thế mà mẹ kiếp, chẳng ai để ý đến hắn cả. Cuối cùng chán quá tôi mới về đây.
- Chán quá mới về! – Quận chúa nhiếc - Tử tế quá nhỉ!
- Nghe đây này, bà bạn thân mến - Coconnas vừa nói vừa uể oải ngả mình trong chiếc ghế phô-tơi - Mình lại sắp sửa hành hạ tôi về chuyện cái anh chàng De Mole tội nghiệp ấy đấy. Này, mình nhầm rồi, vì tình bạn ấy mà… Mình hiểu không… ước gì tôi có cái đầu óc khôn ngoan thông thái của ông bạn tội nghiệp ấy nhỉ, được thế thì tôi đã tìm ra vài ví dụ cho mình hiểu rõ ý tôi.Tình bạn, mình biết không… giống như một ngôi sao, còn tình yêu… tình yêu thì… thôi, tôi tìm được ví dụ rồi… tình yêu chỉ là một ngọn nến. Chắc mình sẽ bảo tôi là có nhiều loại lắm chứ gì…
- Loại tình yêu ấy à?
- Không! Loại nến cơ, trong số đó có những loại được ưa chuộng: hồng lạp chẳng hạn, loại tốt nhất rồi đấy, thế nhưng dù có hồng lạp chăng nữa, nến vẫn cứ mòn lụi dần, còn ngôi sao thì sáng mãi mãi. Rồi chắc mình lại sẽ bảo tôi rằng khi nến tàn thì ta lại thay ngọn khác vào giá cắm…
- Ông de Coconnas, ông là đồ huênh hoang.
- Đấy!
- Ông de Coconnas, ông là đồ lếu láo.
- Đấy lại thế!
- Ông de Coconnas, ông thật kỳ cục!
- Thưa phu nhân, tôi xin báo trước là bà sắp làm tôi càng thêm thương tiếc De Mole đấy.
- Mình không yêu tôi nữa.
- Ngược lại thì có quận chúa ạ, mình không hiểu gì cả, tôi tôn thờ mình. Tôi có thể yêu mình, chiều mình, tôn thờ mình nhưng những lúc rãnh rổi, nhàn hạ và cảm thấy mình bơ vơ tôi cũng có thể ca ngợi bạn tôi được chứ.
- Minh bảo những lúc ở bên tôi là lúc mình cảm thấy bơ vơ à?
- Chớ mình bảo tôi làm gì nào? Không hiểu tại sao được cái anh chàng De Mole tội nghiệp ấy lúc nào cũng lởn vởn trong trí óc tôi.
- Mình yêu ông ta hơn tôi, quá thể lắm! Này Anibal, tôi ghét mình lắm! Cứ nói thẳng ra là mình thích ông ta hơn tôi đi xem nào! Anibal, tôi báo trước cho mình biết, nếu mình thích ai trên đời này hơn tôi thì…
- Ôi Henriette mình là người xinh đẹp nhất trong những nàng quận chúa! Hãy tin tôi, muốn được yên tâm thì đừng có hỏi tôi những câu khó khăn đó nữa nhé. Trong những người đàn bà thì tôi yêu mình nhất, nhưng tôi cũng quý De Mole hơn hết thảy những người đàn ông.
- Trả lời khá lắm! - Đột nhiên một giọng nói lạ vang lên.
Tấm thảm gấm Damas được vén lên trước một mảnh vách gỗ lớn trượt trong bề dày bức tường để lộ ra một lối đi thông giữa hai khu phòng, de Mole đứng giữa cửa đó nom tựa như một bức hoạ tuyệt vời của Titien lồng trong khung mạ vàng.
- De Mole! - Coconnas kêu lên, không để ý gì đến Marguerite và cũng chẳng bận tâm tới việc cảm ơn nàng đã dành cho chàng sự bất ngờ này -Bằng một sự vui mừng - Ôi! De Mole, ông bạn thân yêu ơi!
Và chàng lao vào vòng tay bạn, lật đổ cả chiếc ghế phô-tơi chàng đang ngồi và chiếc bàn ngăn giữa chàng và bạn.
De Mole cũng hào hứng ôm lấy bạn, nhưng vừa siết chặt tay bạn chàng vừa nói với phu nhân de Nervers:
- Xin phu nhân tha lỗi cho nếu như tên tôi được nhắc tới đôi khi lại làm xáo động cái tổ uyên ương dễ thương của các bạn, chắc chắn là - Chàng vừa nói vừa đưa mắt nhìn Marguerite âu yếm khôn xiết tả - Chẳng phải chỉ có tôi mà quyết định được việc tôi gặp lại các bạn sớm hơn.
- Cậu thấy chưa, Henriette? - Marguerite nói với phu nhân de Nervers - Mình đã giữ lời đấy nhé.
- Có phải chỉ do phu nhân quận chúa cầu xin mà tôi có được niềm hạnh phúc này không? - De Mole hỏi.
- Chỉ do phu nhân van nài tôi mà thôi - Marguerite đáp.
Rồi nàng quay về phía De Mole tiếp:
- Tôi cho phép mình không phải tin một lời nào trong những bí mật vừa nói.
Trong khi đó, Coconnas đã ôm hôn bạn có tới mươi bận, lượn quanh De Mole tới hai chục lần và mang hẳn một cây đèn nến tới tận gương mặt bạn để nhìn cho thoả, rồi chàng quỳ trước Marguerite và cúi hôn gấu áo nàng.
- À may mắn thật đấy - Quận chúa de Nervers nói - Bây giờ mình sắp sửa thấy tôi dễ chịu hơn đấy.
- Quái chưa - Coconnas thốt lên - Vẫn như mọi khi tôi vẫn thấy mình là đáng tôn thờ. Tuy nhiên, giờ thì tôi sẵn lòng nói ra điều đó với mình hơn, ước gì có đô ba chục thằng Ba Lan Sarmate và những đồ mọi rợ phương Bắc khác để tôi bắt chúng phải thừa nhận mình là bà hoàng của mọi người đẹp.
- Này, từ từ chứ, Coconnas, thế còn lệnh bà Marguerite thì sao? - De Mole hỏi.
- Ồ, mình có chối đâu - Coconnas thốt lên với giọng nói bông đùa chỉ chàng mới có - Phu nhân Henriette là bà hoàng của mọi người đẹp, còn lệnh bà Marguerite là người đẹp nhất trong mọi bà hoàng.
Dù nói hoặc làm gì đi nữa Coconnas vẫn hết sức vui mừng vì tìm thấy bạn, chàng chỉ nhìn có De Mole.
- Thôi thôi, đi nào bà hoàng xinh đẹp - Phu nhân de Nervers nói - Để mặc cho đôi keo sơn này trò chuyện với nhau một tiếng xem nào. Họ có vô số chuyện kể cho nhau nghe rồi lại làm ngắt lời bọn mình mất thôi. Đối với chúng mình thì khó chịu thật đấy, nhưng mình xin báo cho cậu biết là chỉ có thế mới làm cho ông Anibal ăn ngon ngủ yên được thôi. Giúp mình việc này nhé, hoàng hậu ơi, mình thật ngớ ngẩn mới đi yêu cái gương mặt xấu xí đó, như ông bạn de Mole của anh chàng vẫn nói.
Marguerite khẽ rỉ tai vài lời với De Mole, còn De Mole thì dù có thiết tha gặp lại bạn đến mức nào đi chăng nữa, cũng ước gì cho tình cảm của Coconnas bởi phần đòi hỏi hơn… Trong khi đó Coconnas ra sức phản kháng để cố làm cho Henriette mỉm cười thực sự và nói một lời ngọt ngào với chàng. Chàng đạt được kết quả không khó khăn gì.
Hai phu nhân qua phòng bên, nơi bữa tối đang chờ đợi họ.
Hai người bạn chỉ còn lại một mình.
Dễ hiểu được là những chi tiết đầu tiên Coconnas hỏi bạn về buổi tối định mệnh đã khiến bạn suýt bỏ mạng. De Mole càng kể thì anh chàng Piémontais lại càng rùng mình sởn gáy, mặc dù ta đã biết chàng không phải là người dễ bị xúc động.
- Thế tại sao cậu không đến trốn ở chỗ quận công của chúng ta, có hơn là chạy rông ngoài đồng mà lại khiến mình lo lắng không? Quận công đã bảo vệ cậu thì cũng có thể che giấu cậu được lắm chữ. Và thế là mình lẽ ra đã có thể ở gần cậu, nỗi buộn dù là giả hiệu của mình cũng sẽ lừa được lũ ngu ở triều đình.
- Chúa của chúng ta, quận công d Alençon ấy à? - De Mole hạ giọng hỏi.
- Ừ. Theo những điều ông ta nói với mình thì mình tưởng rằng chính ông ta đã cứu cậu.
- Vua Navarre đã cứu mình - De Mole đáp.
- Ô hô! Cậu có chắc không?
- Như đinh đóng cột.
- A, thật là một ông vua hiền, vua tốt! Thế còn quận công d Alençon, ông ta dính líu gì vào đấy?
- Ông ta cầm một sợi dây để thắt cổ mình.
- Mẹ kiếp! Cậu có chắc những điều cậu vừa nói không đấy, de Mole? Sao cái gã hoàng tử xanh xao, đồ chó rách cù rù ấy mà dám vặn cổ bạn mình cơ à? A, mẹ kiếp! Ngày mai mình sẽ nói cho hắn biết mình nghĩ gì về hành động ấy của hắn.
- Cậu điên à?
- Ừ nhỉ, hắn sẽ lại tái diễn cái trò ấy… Những mặc kệ không thể để như thế được!
- Thôi thôi nào, Coconnas, bình tĩnh lại đi! Cậu đừng quên là chuông mười một giờ rưỡi vừa điểm rồi đấy và tối nay cậu phải trực.
- Mình chẳng muốn thèm lo đến việc trực nữa ! A, được, cho hắn chờ mình trực. Mình trực! Mình lại đi phục vụ cái thằng cha cầm dây thòng lọng ấy à? Cậu đùa ấy hẳn? Không! Số mệnh đã định là mình gặp lại cậu và chẳng rời cậu nữa. Mình ở lại đây.
- Này khỉ ạ, nghĩ kỹ đi, cậu không say đấy chứ?
- May quá là không. Nếu mình say mình chắc sẽ châm lửa đốt cả cung Louvre cho coi.
- Thôi nào Anibal, biết điều đi chứ. Quay lại đấy đi, việc trực là việc nghiêm túc.
- Thế cậu có quay lại đấy với mình không?
- Không thể được.
- Thế họ còn định giết cậu nữa không?
- Mình nghĩ là không. Chức phận mình nhỏ nhoi quá nên người ta chẳng thể có được một mưu đồ liên tục và dứt khoát chống lại mình được. Nhân lúc nổi ý ngông, người ta định giết mình, có thế thôi. Chả là mấy ông hoàng tối hôm ấy đang hứng chí mà.
- Thế cậu định làm gì?
- Mình ấy à, chẳng làm gì cả, mình lượn lờ, mình dạo chơi.
- Thế thì mình cũng đi dạo như cậu, mình lang thang cùng với cậu. Cảnh ấy mới dễ chịu. Với lại nếu người ta định đánh cậu thì chúng mình những hai thằng sẽ gây khó dễ cho chúng.
- Ái chà cho hắn cứ đến đây, cái thằng quận công dòi bọ nhà cậu! Mình sẽ đính hắn vào tường như bướm cho coi!
- Nhưng ít ra thì cậu cũng xin phép ông ta đi.
- Ừ xin phép nghỉ mãi mãi.
- Nếu vậy thì báo cho ông ta biết là cậu rời bỏ ông ta chứ.
- Chính thế. Mình nhất trí, mình sẽ viết thư cho hắn.
- Viết thư cho ông ta, nhanh thế à, ai lại viết thư cho một ông hoàng huyết thống bao giờ.
- Huyết thống! Máu à? Có mà máu của bạn mình ấy thì có!
- Này cậu coi chừng đấy - Coconnas vừa thốt lên vừa đảo đôi mắt tròn đầy vẻ bi ai của chàng - Cẩn thận không có rồi mình lại đùa với những cái trò nghi thức ấy cho coi!
"Quả thực là vài ngày nữa hắn chẳng cần ông hoàng lẫn ai khác nữa - De Mole tự nhủ - Nếu hắn định đi với chúng mình, thì mình sẽ đưa hắn đi".
Thấy bạn chẳng phản đối nữa, Coconnas vơ lấy bút và lưu loát thảo ngay bức thư hùng hồn mà chúng ta sắp đọc dưới đây:
"Thưa điện hạ, Vốn giỏi về các tác giaảcổ đại, đức điện hạ chẳng thể không biết câu chuyện cảm động về d Oreste và Pilade, hai nhân vật nổi tiếng vì những điều bất hạnh và vì tình bạn của họ. Ông bạn De Mole của tôi cũng không kém phần bất hạnh hơn Oreste còn tôi cũng chẳng phải không có lòng với bạn họn Pilade. Lúc này đây, ông ta đang có những mối bận rộn lớn lao đòi hỏi tôi phải giúp đỡ. Vậy nên tôi không thể rời ông ta được. Điều đó khiến cho, tuy không có sự đồng ý của điện hạ, tôi vẫn xin nghỉ một thời gian, vì tôi đã quyết gắn bó mình với số phận của bạn tôi dù cho số phận đó dẫn dắt tôi tới đâu chăng nữa. Vậy xin trình bày để điện hạ hiểu cho điều đã lôi kéo tôi ra khỏi hàng thuộc hạ của Người có sức mạnh tới mức độ nào, và vì thế tôi hy vọng được điện hạ lượng thứ và xin vẫn được cung kính xưng rằng tôi là kẻ tôi tớ rất khiêm nhường và dễ bảo của đức ông điện hạ.
Anibal, bá tước de Coconnas, bạn chí thân của ông de Mole".
Hoàn thành xong tuyệt tác. Coconnas bèn đọc to lên. De Mole nghe chỉ nhún vai.
- Thế nào, cậu bảo sao? - Coconnas không nhìn thấy hoặc giả vờ không nhìn thấy động tác đó hỏi.
- Mình bảo rằng ông d Alençon sẽ giễu chúng ta.
- Giễu chúng mình ấy à?
- Cả hai đứa.
- Mình thấy thế còn hơn là hắn vặn cổ từng đứa một.
- Chậc - De Mole cười đáp - Việc này cũng chẳng cản việc kia lắm đâu.
- Này, mặc kệ, cái gì phải đến rồi sẽ đến. Sớm mai mình gửi thư đi.
- Ra khỏi đây thì bọn mình đi đâu?
- Đến nhà bác La Hurière. Trong cái phòng nhỏ mà cậu biết đấy, cái hồi chúng mình còn chưa là d Oreste và Pilade, cậu đã định đâm mình ở đấy đấy.
- Được thế thì mình sẽ bắt tay chủ quán đem thư đi.
Lúc đó tấm vách tường mở ra.
- Thế nào, d Orestevà Pilade đâu rồi? - Cả hai quận chúa đồng thanh hỏi.
- Trời đất ơi, thưa lệnh bà - Coconnas đáp - d Orestevà Pilade đang chết mòn mỏi, vì đói và vì tình yêu đấy.
Và sáng hôm sau, vào khoảng chín giờ quả đúng là bác cả La Hurière mang bức thư đầy lễ độ của thầy Anibal de Coconnas tới Louvre.
Chú thích:
(1) Hai nhân vật trong thần thoại Hy Lạp nổi tiếng về tình bạn (N.D).
(2) Theo thần thoại Hy Lạp đó là họ nhà vua Agamemtông, đã từng xảy ra nhiều vụ chém giết lẫn nhau (N.D)
(3) Ý nói "bên ban công".
Nguồn: http://vnthuquan.org/