Lần này, Catherine đã chuẩn bị kỹ càng trước sau đến nỗi bà tin mười mươi ăn chắc.
Vì vậy vào khoảng mười giờ, bà cho Marguerite lui, lòng đinh ninh con gái không biết tí gì về những việc đang được bàn định chống chồng nàng mà quả cũng đúng như thế thật. Sau đó Thái hậu qua cung vua, xin nhà vua đừng đi ngủ vội.
Trí tò mò bị kích động trước vẻ mặt hân hoan của Catherine vốn ngày thường vẫn hay che giấu tình cảm của mình, Charles lục vấn mẹ nhưng Thái hậu chỉ đáp:
- Ta chỉ có thể nói một điều với bệ hạ đó là tối nay Người sẽ được giải thoát khỏi hai kẻ thù thâm độc nhất của mình.
Charles nhíu mày với vẻ như tự nói: "Được, để rồi xem". Ông huýt sáo gọi con chó săn lớn của ông, nó bò rạp bụng xuống sàn như rắn và trườn tới đặt cái đầu nhỏ nhắn thông minh lên đầu gối chủ. Và Charles bắt đầu chờ đợi.
Vài phút sau, trong lúc Catherine tai mắt đều đang căng ra nghe ngóng thì chợt người ta nghe có tiếng một phát súng nổ trong sân Louvre.
- Tiếng súng ấy là thế nào ấy nhỉ? - Charles cau mày hỏi, còn con chó thì chồm dậy vểnh tai lên.
- Không có gì - Catherine đáp - Đó chỉ là tín hiệu thôi.
- Tín hiệu ấy là thế nào?
- Thưa bệ hạ, nó có nghĩa là từ lúc này trở đi, kẻ thù thực sự duy nhất của bệ hạ không còn làm hại được Người nữa.
- Có người vừa bị giết à? - Charles hỏi và nhìn Thái hậu với ánh mắt chúa tể ý như muốn nói rằng giết người và ân xá là hai chức trách riêng của nhà vua.
- Thưa bệ hạ, không. Người ta chỉ vừa cho bắt hai người thôi.
- Ồ! - Charles lẩm bẩm - Bao giờ cũng mưu mô giấu giếm, bao giờ cũng mưu đồ những việc mà nhà vua không dự gì vào.
- Chúa ơi, thưa mẹ, tôi đã lớn rồi đấy, khá lớn để tự lo lấy việc của tôi, tôi không cần phải ai chăm nom bú mớm gì nữa đâu. Nếu lệnh bà muốn trị vì thì đi sang Ba Lan mà ở với thằng con Henri của lệnh bà, còn ở đây thì tôi xin nói với bà rằng bà chơi trò đó là nhầm đấy.
- Con ạ - Catherine đáp - Đây là lần cuối cùng ta dính líu vào các việc của con. Nhưng đây là một việc đã được tiến hành từ lâu, lúc nào con cũng kêu là ta nhầm còn ta lại muốn chứng tỏ với con rằng ta đúng.
Có tiếng chân nhiều người đứng lại trong tiền phòng, và người ta nghe tiếng một toán người hạ báng súng xuống sàn nhà.
Ngay sau đó ông de Nancey xin phép được vào bệ kiến.
- Cho ông ta vào! - Charles hấp tấp nói.
Ông de Nancey bước vào, cúi chào nhà vua rồi quay sang phía Thái hậu:
- Tâu lệnh bà - Ông ta nói - Lệnh của Người đã được thi hành. Hắn đã bị bắt.
- Sao? Hắn à? - Catherine mất bình tĩnh thốt lên - Ông chỉ bắt được một tên thôi ư?
- Tâu lệnh bà, ông ta có một mình.
- Có chống cự không?
- Không, ông ta đang thản nhiên ăn tối trong phòng và trao kiếm ngay khi có lời yêu cầu đầu tiên.
- Ai vậy? - Charles hỏi.
- Bệ hạ sẽ thấy - Catherine đáp - Ông de Nancey, cho dẫn tù nhân vào.
Năm phút sau, de Mouy được đưa vào.
- De Mouy! - Nhà vua kêu lên - Có việc gì vậy, ông de Mouy?
- Ồ, tâu bệ hạ - De Mouy rất bình tĩnh trả lời - Nếu bệ hạ cho phép thì tôi cũng dám xin hỏi Người câu hỏi đó.
- Đáng lẽ đặt câu hỏi ấy ra cho nhà vua - Catherine xen vào - Thì xin ông de Mouy hãy vui lòng kể cho con ta hay xem ai đã ở trong phòng của vua Navarre đêm nào và đêm ấy, kẻ đó đã chống lại lệnh của đức vua như một tên phản loạn, đã giết hai vệ binh và làm bị thương ông Maurevel.
- Quả có thế - Charles cau mày nói - Liệu ông có biết tên kẻ ấy hay không, ông de Mouy?
- Tâu bệ hạ có, Người muốn biết tên kẻ đó hay sao?
- Tôi sẽ rất hài lòng nếu biết được điều đó.
- Vậy thì tâu bệ hạ, hắn là de Mouy de Saint-Phale.
- Chính là ông đấy à?
- Chính tôi.
Catherine kinh ngạc trước sự táo tợn đó, lùi một bước về phía chàng trai
- Vậy tại sao ông lại dám cưỡng lại lệnh nhà vua? - Charles hỏi.
- Trước hết, tâu bệ hạ, tôi không biết là có lệnh đó. Và tôi chỉ nhìn thấy có mỗi một việc, hay nói đúng hơn là có mỗi một người là ông de Maurevel, kẻ đã ám sát cha tôi và ông đô đốc. Tôi nhớ lại mới cách đây một năm rưỡi, chính tại căn phòng này, trong buổi tối ngày 24 tháng Tám, bệ hạ có nói chuyện với tôi và hứa sẽ trừng trị kẻ giết người. Vì từ đó tới nay đã có nhiều sự kiện quan trọng xảy ra nên tôi trộm nghĩ rằng đức vua dù không muốn cũng đã bị quên lãng khỏi các ý đồ của Người. Đến khi thấy Maurevel ở ngay trong tầm tay tôi, tôi đã ngỡ rằng trời sai hắn đến cho tôi. Bệ hạ đã biết đoạn tiếp theo. Tôi đã đánh hắn như đánh một kẻ sát nhân và bắn vào quân của hắn như bắn vào một lũ cướp.
Charles không đáp. Tình thân với Henri thời gian gần đây khiến ông nhìn nhận nhiều sự việc dưới một góc độ khác hơn là sự nhìn nhận của ông hồi đầu.
Còn về vụ Saint-Barthélémy, Thái hậu nhớ đã nhiều lần được nghe những lời từ miệng con trai nói ra giống như những lời hối hận.
- Nhưng vào giờ đó ông tới cung vua Navarre làm gì? - Catherine hỏi.
- Ồ, đó là một câu chuyện dài - De Mouy đáp - Nhưng nếu bệ hạ có lòng muốn nghe…
- Ừ ông nói đi, ta muốn nghe đấy - Charles nói.
Catherine ngồi xuống và đưa cặp mắt lo lắng nhìn chàng thủ lĩnh Tân giáo.
- Ta nghe đây. Nào lại đây, Actéon - Charles gọi.
Con chó lại về chỗ nó nằm trước khi người tù được dẫn vào.
- Tâu bệ hạ - De Mouy nói - Tôi đã tới cung hoàng thượng Navarre với tư cách là đại diện của các đồng đạo của tôi, những thần dân Tân giáo trung thành của bệ hạ.
Catherine ra hiệu cho Charles.
- Xin mẹ cứ yên tâm - Nhà vua đáp - Tôi không để sót một lời nào đâu. Nói tiếp đi ông de Mouy, ông đến để làm gì?
- Tôi đến để báo với đức vua Navarre rằng việc bỏ đạo của người đã khiến phái Tân giáo không còn tin tưởng Người nữa. Nhưng vì đã tưởng nhớ tới tiên vương Antoine de Bourbon và nhất là cố thái hậu Jeanne d Albert dũng cảm mà tên tuổi rất gần gũi với chúng tôi, nên những người theo Tân giáo muốn dành cho nhà vua một dấu hiệu tỏ lòng tôn kính là đề nghị hoàng thượng từ bỏ những quyền lợi của Người đối với ngai vàng xứ Navarre.
- Ông ta bảo sao? - Dù rất tự chủ, Catherine cũng không thể không bật kêu lên khi phải nhận một đòn mà bà không ngờ tới.
- Á à! Charles nhận xét - Cái vòng vương miện xứ Navarre mà người ta dám mạn phép ta cho nó bay lượn trên khắp các mái đầu hình như cũng có thuộc về ta một chút thì phải.
- Tâu bệ lạ, người Tân giáo hiểu rõ hơn ai hết về cái quyền dân chủ mà bệ hạ vừa nêu. Vậy nên họ mong muốn xin thánh thượng gắn vòng vương miện đó cho một mái đầu thân thuộc với Người.
- Ta ấy à? - Charles kêu lên - Cho một cái đầu có thân thích với ta à? Mẹ kiếp! Ông định nói đầu ai thế? Ta không hiểu ông đấy.
- Đó là ông d Alençon.
Catherine trở nên tái nhợt như tượng thần chết và nhìn de Mouy chằm chằm với tia nhìn rực lửa.
- Thế hoàng đệ d Alençon của ta biết chuyện đó chứ?
- Tâu bệ hạ, vâng.
- Thế ông ta nhận ngai vàng đó chứ?
- Còn thiếu sự chuẩn y của hoàng thượng, ông ta cử chúng tôi đến xin Người.
- Ô hô! - Charles kêu - Quả thật đó là một ngai vàng rất hợp với ông em d Alençon nhà ta. Thế mà ta không nghĩ ra đấy. Cám ơn, de Mouy. Cứ khi nào ông có những ý kiến tương tự ông sẽ là người được hoan nghênh ở đây.
- Tâu bệ hạ, lẽ ra Người đã được biết tất cả những dự án này từ lâu nếu như không có cái việc không may với Maurevel khiến tôi cứ lo mình bị thất sủng.
- Thế nhưng Henri nói gì về dự kiến này? - Catherine hỏi.
- Tâu lệnh bà, đức vua Navarre thuận theo nguyện vọng của đồng đạo và lời từ chối của Người đã sẵn rồi.
- Vậy ông phải có lời từ chối ấy chứ?
- Tâu lệnh bà vâng, tình cờ tôi lại có lời từ chối ấy ở đây, do đức vua Navarre ký và đề ngày.
- Ngày ấy có trước cái đêm ông ở Louvre không? - Catherine hỏi tiếp.
- Thưa có, hình như là trước đó một hôm thì phải.
Và de Mouy rút từ túi ra một tờ nhượng quyền lợi cho quận công d Alençon do chính tay Henri viết và ký, có ghi ngày đã nói.
- A ha, mọi việc đúng là hợp lệ - Charles bảo.
- Thế Henri đòi gì để đổi lấy cái lời từ chối quyền lợi này?
- Tâu lệnh bà, không đòi gì hết cả. Người có nói với chúng tôi rằng tình thân của đức vua Charles IX đã đền bù lại được cho Người cái ngai vàng mất đi.
Catherine tức giận cắn môi và vặn xoắn hai bàn tay đẹp của bà vào nhau.
- Những việc này hoàn toàn đúng, de Mouy ạ - Charles tiếp.
- Vậy nếu mọi việc đã được thoả thuận giữa ông và vua Navarre - Thái hậu hỏi - Thì tối nay ông còn gặp ông ta làm gì?
- Tôi gặp đức vua Navarre ấy ư, thưa lệnh bà? Ông de Nancey là người đã bắt tôi chắc sẽ chứng thực rằng lúc đó tôi chỉ có một mình. Xin lệnh bà cho gọi ông ta.
- Ông de Nancey! - Đức vua gọi.
Viên chỉ huy vệ binh bước vào.
- Ông de Nancey - Catherine hấp tấp hỏi - Ông de Mouy hoàn toàn chỉ có một mình ở quán Tinh tú thôi à?
- Tâu lệnh bà, ông ta ở trong phòng có một mình, nhưng trong quán còn có người nữa.
- A! - Catherine thốt lên - Vậy bạn ông ta là ai?
- Tâu lệnh bà, tôi không biết đấy có phải là bạn ông de Mouy hay không. Nhưng tôi biết rằng ông ta trốn thoát ra đằng cửa sau sau khi đã đánh gục hai vệ binh của tôi.
- Thế chắc ông có nhận ra nhà quý tộc đó chứ?
- Dạ không phải tôi mà là lính của tôi đã nhận ra.
- Ai vậy? - Charles hỏi.
- Bá tước Anibal de Coconnas.
- Anibal de Coconnas - Nhà vua sầm mặt xuống và mơ màng nhắc lại - Kẻ đã tàn sát người Tân giáo rất dữ đêm Saint-Barthélémy ấy à?
- Ông de Coconnas là quý tộc thị vệ của ông d Alençon - Ông de Nancey nói thêm.
- Được được, thôi ông lui ra đi ông de Nancey - Charles nói - Và lần sau ông nhớ cho một điều.
- Tâu bệ hạ, điều gì vậy?
- Đó là ông thuộc quyền ta và chỉ được nghe lời ta mà thôi.
Ông de Nancey vừa cung kính cúi chào vừa đi thụt lùi lui ra.
De Mouy mỉm một nụ cười giễu cợt với Catherine. Im lặng một lát.
Thái hậu vặn xoắn những sợi tua ở dây lưng, còn Charles thì vuốt ve con chó.
- Nhưng mục đích của ông là gì, ông de Mouy? - Charles tiếp - Ông hoạt động chống chọi khiếp thế?
- Tâu bệ hạ, chống ai cơ ạ?
- Thì chống Henri, chống François hay là chống ta thôi.
- Tâu bệ hạ, chúng tôi đã có được lời từ chối của em rể bệ hạ, lời chấp nhận của hoàng đệ và như tôi vừa có hân hạnh trình Người, chúng tôi đang chuẩn bị thỉnh cầu sự chuẩn y của hoàng thượng thì xảy ra cái việc không hay ở Louvre.
- Này, thưa mẹ - Charles nói - Tôi không thấy trong việc này có điều gì xấu cả. Ông de Mouy, các ông xin có vua là hợp lệ. Ừ, xứ Navarre có thể và phải là một vương quốc riêng rẽ. Hơn thế nữa, cái vương quốc này hình như được cố tình tạo ra cho hoàng đệ nhà ta. Hắn vẫn thường thèm có vương miện đến nỗi mỗi khi chúng ta mang vương miện, hắn không thể rời mắt ra khỏi đó. Điều duy nhất cản trở cho công việc phong vương này là quyền lợi của Henri, nhưng nếu Henri đã tự nguyện từ chối thì…
- Tâu bệ hạ, hoàn toàn tự nguyện đấy ạ.
- Dường như đây là ý Chúa thì phải! Ông de Mouy, ông hoàn toàn được tự do quay trở về với đồng đạo của ông. Ta đã trừng phạt họ có lẽ hơi… khắc nghiệt đấy, nhưng đấy là việc giữa ta và Chúa. Ông hãy nói với họ rằng nếu họ muốn hoàng đệ d Alençon nhà ta làm vua của họ thì vua Pháp sẽ chiều theo ý họ. Từ lúc này trở đi, Navarre là một vương quốc và vương chủ của nó là François. Ta chỉ cần tám ngày để chuẩn bị cho em ta rời Paris trong rực rỡ vàng son xứng với một vị vua. Đi đi, ông de Mouy… Ông de Nancey, để cho ông de Mouy ra đi. Ông ta được tự do.
- Tâu bệ hạ - De Mouy tiến lên một bước nói - Xin bệ hạ cho phép?
- Ừ đây - Nhà vua đáp và chìa tay ra cho chàng trai.
De Mouy quỳ một chân xuống và cúi hôn tay Charles.
- À mà này - Charles giữ chàng lại khi de Mouy định đứng dậy - Có phải ông xin trừng trị tên kẻ cướp Maurevel phải không?
- Thưa vâng.
- Ta không biết hắn ở đâu để trừng trị giúp ông vì hắn giấu mặt, nhưng nếu ông gặp hắn, hãy tự mình giải quyết lấy, ta sẵn lòng cho phép ông làm điều đó.
- A, tâu bệ hạ - De Mouy thốt lên - Bệ hạ thực gia ân cho thần. Xin bệ hạ hãy tin tưởng ở thần, thần cũng không biết hắn ở đâu nhưng thần sẽ tìm thấy hắn. Xin bệ hạ cứ bình tâm.
Sau khi cung kính cúi chào Charles và Thái hậu, de Mouy lui ra mà không hề bị các viên vệ binh đã giải chàng đến đây cản trở tí nào. Chàng nhanh chóng qua hành lang và cửa ghi-sê, khi ra tới ngoài thì loáng cái đã đi từ quảng trường Saint-Germain l Auxerrois tới quán trọ Tinh tú. Ở đó chàng tìm thấy ngựa của mình và nhờ nó mà ba tiếng đồng hồ sau cái màn chúng tôi vừa kể trên đây, de Mouy đã bình yên vô sự nằm trong thành Nantes.
Catherine giận tràn hông quay về cung mình và từ đó sang cung hoàng hậu Navarre.
Bà gặp Henri bận áo ngủ và có vẻ như đang chuẩn bị vào giường.
- Hỡi quỷ Satăng! - Bà lẩm bẩm - Xin hãy giúp cho một bà hoàng tội nghiệp mà Chúa đã chẳng muốn đoái hoài đến nữa!
Chương 48: Một vòng vương miện cho hai cái đầu
- Cho ông d Alençon tới gặp ta! - Vừa cho mẹ lui, Charles vừa gọi.
Sau khi được nhà vua truyền lệnh từ nay chỉ được tuân lời mình ông ta mà thôi, ông de Nancey thoắt cái đã chạy từ cung vua tới khu phòng của hoàng đệ và chuyển đạt mệnh lệnh của đức vua không chút chậm trể.
Quận công d Alençon giật mình. Ông ta thường ngày vẫn e sợ Charles, và từ khi nuôi những mưu đồ thì lại càng có lý do để sợ hơn. Tuy vậy d Alençon vẫn tới cung vua với vẻ vội vàng có tính toán.
Charles đang đứng và thổi qua kẽ răng một điều kèn săn.
Khi bước vào, quận công d Alençon nhìn thấy trong con mắt trơ trơ của Charles một tia nhìn đầy hằn thù mà ông ta biết quá rõ.
- Bệ hạ đã cho đòi, vậy tôi đây. Bệ hạ có điều gì cần dạy?
- Hoàng đệ tốt bụng của ta, ta muốn nói với ông rằng để thưởng cho tình thân thiết của ông đối với ta, hôm nay ta quyết định sẽ ban cho ông điều ông mong ước nhất.
- Cho tôi ạ?
- Ừ, chỉ anh đấy. Anh nghĩ mà xem có điều gì mà anh mơ ước bấy lâu nay mà không dám hỏi xin ta, ta sẽ ban cho anh điều đó!
- Tâu bệ hạ - Florence đáp - Tôi xin thề với Người là tôi chỉ mong sao cho Người mãi mãi khang cường.
- Nếu thế thì chắc anh phải hài lòng lắm d Alençon ạ. Cơn khó ở mà ta cảm thấy hồi bọn Ba Lan tới đây đã qua rồi. Nhờ có Henriot, ta đã thoát khỏi con lợn rừng hung dữ muốn xé xác ta và nay ta khỏe tới mức chẳng có gì phải ghen tỵ với kẻ khỏe nhất trong vương quốc ta. Anh có thể mong muốn điều gì khác hơn mà không sợ mang tiếng là đứa em tồi ngoài việc mong cho ta khỏe mãi. Sức khỏe của ta nay tuyệt lắm rồi.
- Tâu bệ hạ, tôi không mong ước gì hết.
- Có chứ, François, có chứ - Charles sốt ruột nói - Anh mơ ước ngai vàng Navarre, vì anh đã thoả thuận với Henriot để hắn từ bỏ ngai vàng, với de Mouy để hắn đưa về cho anh. Này, Henriot đã từ chối rồi đấy, còn de Mouy đã chuyển cho ta lời thỉnh cầu của anh, và cái ngai vàng mà anh tơ tưởng ấy…
- Sao cơ ạ? - d Alençon run giọng hỏi.
- Mẹ kiếp, ngai vàng ấy thuộc về anh đấy!
D Alençon tái mặt đi một cách khủng khiếp. Máu ông tràn về tìm kiếm nó dường như suýt vỡ rồi đột nhiên lại tràn tới các tứ chi. Mặt ông đỏ phừng phừng. Ân sủng của nhà vua lúc này lại làm ông ta tuyệt vọng.
- Nhưng, thưa bệ hạ - Lòng đầy hồi hộp vì xúc động, d Alençon cố gắng một cách vô hiệu để trấn tĩnh lại - Tôi không hề mong ước và cũng không hề yêu cầu một việc gì như vậy cả.
- Cũng có thể lắm, anh kín tiếng lắm, François ạ, nhưng có người đã mong ước và thỉnh cầu hộ anh.
- Tâu bệ hạ, tôi xin thề là không bao giờ…
- Đừng có thề trước Chúa.
- Nhưng tâu bệ hạ. Người cho đày tôi đi ư?
- Anh gọi như thế là đi đày hở François? - Mẹ kiếp! Anh khó tính quá đấy! Anh còn mong gì hơn hả?
D Alençon tuyệt vọng cắn môi.
- Thế chứ, François ạ - Charles vừa nói vừa ra vẻ sởi lởi. - Ta cứ tưởng anh ít được lòng người hơn thế kia, và nhất là ít thân cận với đám người Tân giáo hơn thế. Nhưng vì họ đã xin anh thì ta cũng phải thú nhận là ta nhầm. Với lại ta chẳng mong gì hơn là có được một người của ta, một người em yêu quý ta và không thể nào phản bội lại là đứng đầu một phe đảng đã chống chúng ta từ ba chục năm nay. Mọi việc sắp đâu vào đấy cả như có phép mầu vậy, ấy là chưa kể cả nhà chúng ta đều làm vua. Chỉ có mỗi thằng Henriot tội nghiệp là sẽ chỉ được là bạn ta mà thôi. Nhưng hắn không giàu tham vọng, và cái chức bạn ấy chẳng ai đòi cho nên hắn sẽ giữ chức ấy.
- Ôi tâu bệ hạ. Người nhầm rồi, tôi xin được ban cái tước vị ấy. Ai xứng đáng được hưởng nó hơn tôi? Henri chỉ là em rể của bệ hạ theo thông gia, còn tôi, tôi là em bệ hạ theo dòng máu và nhất là theo tiếng gọi trái tim… Tâu bệ hạ, cúi xin Người giữ tôi lại bên Người.
- Không đâu, , làm thế là gây điều bất hạnh cho anh.
- Tại sao vậy, thưa bệ hạ?
- Có cả ngàn lý do tại sao.
- Kìa, xin bệ hạ hãy xét lại một chút xem có bao giờ bệ hạ có thế tìm được một người bạn trung thành như tôi không. Tứ thuở thơ ấu tôi chưa bao giờ rời xa bệ hạ.
- Ta biết, ta biết, và thậm chí đôi khi ta còn muốn anh ở xa ra một tí thì hơn.
- Ý thánh thượng định dạy gì?
- Không, không… Chỉ có ta tự hiểu thôi… Ồ! ở đấy anh đi săn mới thú chứ!François , ta ghen với anh đấy! Anh có biết là ở đấy người ta săn gấu cũng như ta săn lợn rừng ở đây không? Anh sẽ gửi cho bọn ta những tấm da tuyệt vời. Anh biết đấy, săn gấu phải săn bằng dao găm. Người đi săn đợi con thú nhé, khiêu khích nó, chọc tức nó, thế là nó tới cách anh ta độ mười bốn bước, nó mới đứng dựng lên hai chân sau. Thế là lúc đó anh ta mới đâm dao vào tim nó như Henri đâm con lợn rừng hôm nọ ấy. Nguy hiểm thật đấy, nhưng anh can đảm lắm. François ạ, và mối nguy hiểm đó thực sự là một thú vui đối với anh.
- Ôi! Bệ hạ làm tăng thêm những nỗi đau buồn của tôi vì từ nay tôi không được đi săn cùng Người nữa.
- Mẹ kiếp! Càng tốt! - Nhà vua đáp - Chúng ta đi săn cùng nhau thì chẳng lợi lộc gì cho cả hai.
- Kìa, thánh thượng định nói gì?
- Ta bảo rằng đi săn cùng ta khiến anh vui thú và cảm động đến nỗi mà anh, vốn là người vô cùng khéo léo, với bất kỳ khẩu hỏa mai nào cách một trăm bước chân anh bắn rụng một con chích chòe, thế mà lần cuối cùng đi săn cùng ta đây, với khẩu súng của anh, một khẩu súng anh hùng đã quen tay, cách hai chục bước anh còn bắn trượt một con lợn rừng to xù, hơn thế lại còn bắn gãy cả chân con ngựa tốt nhất của ta. Mẹ kiếp! François ạ, điều đó khiến người ta phải suy nghĩ lắm chứ, anh có biết không?
- Ôi xin bệ hạ lượng thứ cho nỗi xúc động của tôi lúc đó! - François nhợt nhạt thốt lên.
- À vâng! - Charles đay lại - Ta biết rõ là vì xúc động chứ! Chính là vì ta cũng biết đánh giá cái nỗi xúc động ấy đúng lắm nên ta xin nói với anh rằng: François, tốt hơn hết là chúng ta, đi săn xa nhau ra khi ta có những cơn xúc động đã xảy ra như thế. Hãy nghĩ tới điều đó, hoàng đệ ạ, đừng có nghĩ trong lúc có mặt ta, ta khiến anh rối trí đấy, ta biết thế, nhưng khi nào anh có một mình thì anh hãy suy nghĩ, và anh sẽ đồng ý rằng ta rất có lý để e rằng khi nào chúng ta lại đi săn nữa anh lại bị một cơn xúc động kiểu như thế nó hành. Vì khi đó chẳng có gì làm run tay bằng nỗi xúc động, khi đó anh sẽ giết người cưỡi chứ không phải con ngựa, giết vua chứ không phải con vật Mẹ kiếp! Một viên đạn nhằm cao hay thấp một chút cũng có thể làm thay đổi bộ mặt của một quốc gia lắm lắm. Trong gia đình chúng ta cũng có ví dụ đấy thôi. Khi Monmorency vì sự cố hay vì xúc động cũng nên, giết chết cha chúng ta, phát súng ấy đã đưa anh François đệ nhị của chúng ta lên ngôi và đưa cha chúng ta về Saint-Denis. Chúa chỉ cần một chút xíu cũng làm được khá nhiều điều!
Quận công cảm thấy mồ hôi ướt đẫm trên trán trước cú đòn bất ngờ đáng sợ này.
Thật nhà vua khó có thể nói rõ hơn nữa cho ông em biết rằng ông đã đoán ra hết. Khi che giấu cơn tức giận của mình dưới một chút vẻ giễu cợt, Charles nom có lẽ còn đáng sợ hơn cả khi ông để cho ngọn lửa hận bừng bừng nung nấu trái tim tràn ra ngoài và sự trả thù của ông tỷ lệ thuận với lòng căm hận đó. Căm hận càng hằn học thì sự trả thù càng lớn và lần đầu tiên d Alençon đã biết ân hận hay đúng hơn là hối tiếc đã dự tính mà làm không thành một tội ác.
Ông chống chọi lại trong chừng mực khả năng của mình, nhưng tới cú đòn cuối cùng này ông đành phải cúi đầu và Charles nhận thấy trong ánh mắt d Alençon cái tia lửa rực cháy mà nếu như ở những người bản chất mềm yếu hơn có lẽ đã biến thành nước mắt.
Nhưng d Alençon thuộc loại những người chỉ khóc vì tức giận.
Charles dán chằm chằm cặp mắt cú vọ của mình lên ông em, ông như hút lấy từng cảm giác đang trải qua trong trái tim cậu em. Và nhờ đã nghiên cứu kỹ càng, những hoàng thân trong gia đình mình, tất cả những cảm giác đó đều lộ rõ ra với ông khiến cho trái tim quận công cứ như một quyển sách để ngỏ.
Nhà vua để mặc quận công sững sờ câm lặng bải hoải hồi lâu rồi nói với giọng cương quyết đầy hằn học:
- Hoàng đệ, ta đã nói với anh về quyết định của ta rồi. Và quyết định đó là không thể thay đổi: anh sẽ ra đi.
D Alençon phác một cử chỉ, Charles tỏ vẻ không nhận thấy điều đó và nói tiếp:
- Ta muốn rằng xứ Navarre phải tự hào vì có được em trai vua Pháp làm vua. Vàng, quyền lực, vinh dự, anh sẽ không thiếu thứ gì xứng với dòng dõi của anh, giống như anh Henri của anh. - Ông mỉm cười thêm - Và cũng như hắn, anh sẽ cảm tạ ta từ nơi xa xôi. Nhưng không hề gì, những lời cầu phúc thì đâu có kể chi tới xa hay gần.
- Thưa bệ hạ…
- Thôi nhận đi, hay đúng hơn là hãy cam chịu đi. Khi nào thành vua rồi, người ta khắc kiếm cho anh một bà vợ xứng với một hoàng tử Pháp. Biết đâu đấy, có khi bà ta lại đem theo của hồi môn về cho anh một ngai vàng nữa cũng nên.
- Nhưng bệ hạ quên mất ông bạn quý Henri của Người.
- Henri ấy hả? Nhưng ta bảo anh là hắn không thèm cái ngai vàng Navarre kia mà! Ta đã bảo với anh là hắn nhường lại cho anh. Henri là một người vui tính chứ không phải như cái thứ mặt nhợt nhà anh. Hắn ưng cười đùa thoải mái chứ không khô héo quắt queo đi như chúng ta dưới những vòng vương miện.
D Alençon thở dài và hỏi:
- Vậy là bệ hạ truyền cho tôi phải lo tới việc…
- Không, không, đừng có lo gì hết François, chính ta sẽ liệu tất cả. Cứ tin cậy ở ta như ở một người anh tốt. Còn bây giờ mọi việc đã được thoả thuận xong rồi thì đi đi. Muốn kể hay không kể cũng được chuyện này với các bạn của anh: ta muốn tiến hành các biện pháp để cho việc này sớm thành công khai. Đi đi, François.
Chẳng có thể nói gì được nữa, quận công cúi chào và đi với lòng căm giận tràn dâng trong lòng. Ông sốt ruột muốn tìm Henri để bàn tất cả những việc vừa xảy ra nhưng chỉ vớ được Catherine. Quả thực là Henri lẩn tránh cuộc nói chuyện còn Thái hậu, thì lại tìm cách để bắt chuyện.
Nhìn thấy Catherine, quận công tức thì cố nén nỗi đau lòng và nở một nụ cười. Vốn không được may mắn như Henri d Anjou ông không tìm kiếm tấm lòng người mẹ nơi Catherine mà chỉ tìm một người đồng minh mà thôi. Vì thế nên trước hết ông tìm cách che giấu bà vì những kẻ liên minh tốt cần phải biết lừa dối lẫn nhau đôi chút.
Thế là ông gặp Catherine với vẻ mặt chỉ còn vương lại đôi nét lo âu:
- Thế nào, thưa lệnh bà - Quận công hỏi - Có nhiều tin quan trọng lắm, lệnh bà có biết không ạ?
- Ta biết rằng sắp sửa phải phong vương cho anh.
- Thưa lệnh bà, đó quả là một ân sủng lớn lao của anh tôi.
- Thật thế đấy chứ nhỉ?
- Tôi gần như tin rằng: tôi phải nhờ ơn lệnh bà một phần. Vì tóm lại nếu như chính lệnh bà đã khuyên hoàng thượng ban cho tôi một ngai vàng thì đúng là nhờ lệnh bà mà tôi có được ngai vàng đó. Dẫu sao thì tôi cũng xin thú nhận là cướp của vua Navarre như vậy cũng khiến tôi phiền lòng.
- Con ạ, hình như con yêu quý Henri lắm thì phải?
- Thưa vâng, ít lâu nay chúng tôi thân với nhau lắm.
- Anh có tin rằng ông ta cũng yêu thương anh như anh yêu quý ông ta không?
- Thưa lệnh bà, tôi hy vọng thế.
- Một tình bạn như thế đáng khích lệ thật đấy, nhất là lại là giữa các ông hoàng với nhau. Này François thân mến, tình bạn ở triều đình vẫn được người ta coi là kém bền vững đấy.
- Thưa mẹ, mẹ nghĩ mà xem, chúng tôi không những là bạn mà còn gần như anh em với nhau.
Catherine mỉm một nụ cười kỳ quặc và nói:
- Được lắm, nhưng giữa vua chúa với nhau thì có tình anh em không nhỉ?
- Ồ, mẹ ơi, về chuyện đó thì chúng tôi chẳng ai là vua cả khi chúng tôi chơi thân với nhau như vậy, thậm chí chúng tôi còn chẳng bao giờ sẽ làm vua nữa kia, vì thế nên chúng tôi yêu quý nhau.
- Ừ nhưng lúc này mọi việc thay đổi nhiều lắm rồi.
- Sao cơ ạ, thay đổi nhiều lắm rồi ư?
- Chắc chắn là thế, bây giờ ai dám bảo rằng cả hai người đều không sẽ làm vua cả hai?
Nhận thấy sự giật mình bứt rứt của quận công, sắc đỏ lan dần trên trán ông, Catherine biết cú đòn đã đánh trúng tim đen.
- Ông ta, Henriot mà làm vua ấy à? - Vua nước nào vậy thưa mẹ?
- Làm vua một trong những vương quốc tuyệt diệu nhất của giới Thiên chúa giáo chúng ta đấy con ạ.
- Ôi mẹ ơi - d Alençon tái mặt thốt lên - Mẹ nói gì vậy?
- Ta chỉ nói điều một người mẹ hiền phải nói với con mình, điều mà anh nghĩ tới nhiều lần rồi François ạ.
- Tôi ấy ư? Tôi không nghĩ tới điều gì hết, xin thề với lệnh bà như vậy.
- Ta cũng muốn tin anh lắm. Vì bạn anh, người anh Henri của anh như anh gọi đấy, dưới cái vẻ thẳng thắn bề ngoài của hắn là một vương hầu rất khôn khéo và xảo quyệt. Hắn biết giữ kín bí mật của mình hơn anh, François ạ. Chẳng hạn đã có bao giờ hắn bảo anh rằng de Mouy là người môi giới của hắn không?
Vừa nói những lời đó, Catherine vừa nhìn xoáy vào François như thọc một lưỡi dao nhọn vào tâm khảm ông.
Nhưng ông này chỉ có mỗi một đức tính, hay đúng hơn là một tật xấu đó là sự che giấu bản thân mình. Ông hoàn toàn chịu đựng được cái nhìn ấy.
- De Mouy ư? - Ông kinh ngạc thốt lên tựa như cái tên ấy được nêu lần đầu trước mặt ông trong những hoàn cảnh như thế này.
- Đúng thế, de Mouy de Saint-Phale chính cái kẻ đã suýt giết ông Maurevel. Hắn bí mật chạy rông khắp nước Pháp và kinh đô dưới những y phục khác nhau để âm mưu và trưng tập một đạo quân nhằm ủng hộ Henri chống lại gia đình anh.
Catherine không biết rằng về điểm này con trai bà cũng biết như vậy và còn biết nhiều hơn thế nên nói dứt lời bà chuẩn bị đường bệ bước ra.
François giữ bà lại hỏi:
- Thưa mẹ, chỉ xin một lời nữa thôi. Vì mẹ đã rộng lòng hướng dẫn tôi theo đường lối chính trị của mẹ, xin hãy nói cho tôi biết tại sao với tiềm lực yếu ớt như thế và được ít người biết tới như thế, Henri lại có thể gây ra một cuộc chiến khá nghiêm trọng đến nỗi khiến gia đình ta phải lo ngại?
- Rõ là trẻ con - Thái hậu mỉm cười đáp - Hãy nhớ rằng hắn được hơn ba chục ngàn người ủng hộ. Ngày nào hắn hô lên một tiếng, ba chục ngàn người đó sẽ đột nhiên xuất hiện tựa như mọc từ dưới đất lên. Và ba chục ngàn người đó là những người Tân giáo, anh đã nghĩ ra chưa, tức là những kẻ thiện chiến nhất trên thế giới này. Với lại, hắn còn có một sự bảo trợ mà anh đã không biết hoặc không muốn tự mình tranh thủ lấy.
- Chỗ dựa nào vậy?
- Hắn có đức vua, đức vua yêu quý lắm, thúc đẩy hắn. Vì ghen tị với người anh xứ Ba Lan của anh, vì tức giận anh, đức vua đang tìm kiếm quanh những kẻ kế vị. Tuy nhiên có hoạ anh mù mới không nhận thấy, đức vua tìm người kế vị ở nơi khác chữ không tìm trong gia đình mình.
- Đức vua ư? - Mẹ nghĩ thế nào, thưa mẹ?
- Thế anh không thấy đức vua yêu quý cái thằng Henriot nhà ông ta lắm à?
- Thưa mẹ, có chứ.
- Còn ông ta cũng được hắn yêu quý lại đấy thôi. Chính cái thằng Henriot ấy lại quên đi là vào ngày Saint-Barthélémy, ông anh vợ hắn định bắn chết hắn, nay hắn lại rạp mình như con chó liếm cái bàn tay đã từng giơ lên đánh mình.
- Ôi vâng - François lẩm bẩm - Tôi cũng nhận thấy thế, Henri rất khúm núm đối với anh Charles. Hắn khôn khéo làm vừa lòng nhà vua trong mọi việc. Đến nỗi mà do bực mình vì lúc nào cũng bị đức vua chế nhạo vì sự ngu dốt của hắn trong môn săn chim ưng, hắn định… Hôm qua hắn có hỏi tôi, ừ mới đúng hôm qua thôi, hắn còn hỏi xem tôi có quyển sách hay nào nói về nghệ thuật săn chim không.
- Chờ tí đã - Mắt Catherine lóe lên tựa như có một ý tưởng đột ngột vừa thoáng qua óc bà - Chờ tí… Thế anh bảo hắn thế nào?
- Tôi có bảo rằng tôi sẽ tìm trong thư viện của tôi.
- Tốt lắm - Catherine đáp - Được lắm, hẳn phải có quyển sách ấy.
- Nhưng thưa lệnh bà, tôi đã tìm mà không có.
- Ta sẽ tìm được… và anh sẽ trao sách cho hắn như thể sách đó là của anh.
- Thế thì sẽ đi đến đâu?
- D Alençon, anh có tin ta không?
- Thưa mẹ, có.
- Anh có vui lòng tuân lời ta một cách mù quáng trong những việc liên quan tới Henri không? Vì dù anh có nói gì thì nói, anh đâu có yêu quý hắn?
D Alençon mỉm cười.
- Còn ta, ta ghét hắn - Catherine tiếp.
- Thưa vâng, tôi sẽ tuân lời.
- Ngày mai, anh hãy đến đây lấy quyển sách, ta sẽ trao cho anh, anh đem nó cho Henri… và…
- Và sao ạ?
- Hãy để cho Chúa, số mệnh hoặc sự tình cờ làm nốt phần việc còn lại.
François hiểu mẹ mình khá rõ nên biết rằng thói thường bà chẳng để cho Chúa, số mệnh hay sự tình cờ lo tới những việc thân hữu hay hằn thù của bà. Nhưng ông giữ gìn không nói năng thêm điều gì và cúi chào như một kẻ đã chấp nhận nhiệm vụ người ta giao phó, ông lui về.
"Bà ấy định làm gì thế nhỉ? - Viên quận công trẻ tuổi vừa trèo cầu thang vừa tự nhủ - Mình chẳng hiểu gì hết. Nhưng trong việc này chỉ có mỗi một điều rõ ràng là bà ta hành động chống lại một kẻ thù chung. Thôi cứ để bà ta làm".
***
Trong khi đó, qua trung gian là De Mole, Marguerite nhận được một bức thư của de Mouy. Vì về mặt chính trị, cả hai vợ chồng đều không có điều gì bí mật với nhau nên nàng bóc dấu niêm phong ra và đọc thư.
Chắc bức thư đó đối với nàng có vẻ quan trọng, nên ngay lúc đó tranh thủ bóng tối bắt đầu đổ xuống dài theo các tường thành Louvre, nàng lần theo lối đi bí mật, trèo lên cầu thang xoay và sau khi chú ý nhìn quanh nàng lướt nhanh như một bóng ma lẩn vào tiền phòng của vua Navarre. Từ khi Orthon mất tích, chẳng còn ai gác giữ tiền phòng nữa.
Chúng tôi đã không nói gì với sự mất tích này kể từ khi nó xảy ra một cách quá thê thảm vời chú bé Orthon bất hạnh, nhưng việc đó làm Henri rất lo lắng. Ông có kể với phu nhân de Sauve và vợ, nhưng cả hai người đều không hay biết gì hơn ông. Tuy nhiên, phu nhân de Sauve có thông báo với ông một vài điều sau đó Henri hoàn toàn thấy rõ rằng cậu bé tội nghiệp đã là nạn nhân của một trò gian trá nào đấy của Thái hậu và vì sự gian xảo đó nên ông đã suýt bị bắt cùng de Mouy tại quán Tinh tú.
Người khác chứ không phải Henri thì chắc đã làm thinh không dám nói năng gì. Nhưng Henri đã tính toán tất cả: ông hiểu rằng nếu yên lặng, tức là tự để lộ mình. Thông thường ra thì khi người ta bị mất một kẻ hầu, một người thân tín, người ta không thể không hỏi han tìm kiếm. Vậy nên Henri hỏi thăm tất cả mọi người về Orthon, kể từ anh lính gác lượn trước cửa ghi-sê của Louvre cho tới viên chỉ huy vệ binh đang trực bên ngoài tiền phòng của đức vua. Nhưng hỏi han tìm kiếm hoài mà cũng đều vô hiệu. Henri có vẻ buồn bã ra mặt về việc này, ông tỏ ra gắn bó, với gã hầu đáng thương đang vắng mặt đến nỗi ông tuyên bố sẽ không lấy người thay Orthon cho tới khi nào ông tin chắc được rằng cậu bé đã vĩnh viễn bị mất tích.
Như chúng tôi đã nói, tiền phòng trống trơn lúc Marguerite bước vào cung Henri. Dù bước chân hoàng hậu nhẹ nhàng đến mấy, Henri vẫn nghe thấy và quay lại.
- Bà đến đấy - Ông thốt lên
- Vâng, xin bệ hạ đọc nhanh cái này - Marguerite đáp.
Và nàng dâng cho chồng bức thư đã bóc.
Thư có mấy lời như sau:
"Tâu bệ hạ, đã đến lúc thực hiện dự định đi trốn của chúng ta. Ngày kia sẽ có cuộc đi săn bằng chim dọc sông Seine, từ Saint-Germain đến Maisons, tức là dọc theo suốt chiều dài khu rừng.
Dù đây chỉ là một cuộc săn chim, xin bệ hạ cứ tham dự.
Xin mặc thêm một chiếc áo giáp sắt thật tốt dưới áo ngoài, bệ hạ hãy đeo thanh kiếm tốt nhất và cưỡi con ngựa hay nhất trong tàu ngựa của Người.
Khoảng giữa trưa, tức là vào lúc cuộc săn sôi nổi nhất và khi nhà vua đuổi theo chim ưng, nếu bệ hạ đi một mình thì hãy trốn một mình, nếu hoàng hậu Navarre theo Người thì xin bệ hạ cùng lẩn đi với hoàng hậu.
Năm mươi người của chúng ta sẽ ẩn trong hành cung đi săn François đệ nhất, chúng tôi có chìa khoá. Mọi người sẽ không biết có họ ở đấy vì họ sẽ đến vào buổi tối và các cửa sổ sẽ được đóng kín.
Bệ hạ sẽ đi thêc lối Violettes, tôi sẽ canh chừng ở đầu con đường đó. Bên phải lối đi này, trong một quãng rừng thưa, sẽ có các ông de La Mole và de Coconnas với hai con ngựa dắt theo. Các con ngựa mới chưa mệt này được dành để thay thế cho con ngựa của bệ hạ và lệnh bà hoàng hậu Navarre nếu như các con ngựa đang cưỡi đã mệt.
Tạm biệt bệ hạ. Xin Người hãy sẵn sàng và chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng".
- Bệ hạ sẽ sẵn sàng - Marguerite nhắc lại những lời mà mười sáu thế kỷ trước đó Cédar đã thốt lên bên bờ sông Rubicon..
- Được thôi, thưa bà - Henri đáp - Tôi sẽ không cải chính lại lời bà.
- Nào, bệ hạ hãy trở thành một anh hùng đi, chẳng khó lắm đâu Bệ hạ chỉ việc đi theo con đường đã định và hãy tạo cho tôi một ngai vàng thật đẹp - Người con gái của vua Henri đệ nhị nói với chồng.
Một nụ cười khó nhận thấy lướt qua trên cặp môi mỏng của Henri. Ông cúi hôn tay Marguerite và bước ra trước để dò đường, vừa đi vừa khe khẽ hát địệu điệp khúc của một bài ca cổ:
"Kẻ nào chăm lượn ngoài tường
Sẽ chẳng vào lâu đài nọ…"
Cẩn thận cũng bằng thừa: đúng lúc ông mở cửa phòng ngủ của mình thì quận công d Alençon mở cửa tiền phòng của ông, Henri đưa tay ra hiệu cho Marguerite rồi cao giọng nói:
- Anh đấy à, François? Rất vui mừng được đón tiếp anh.
Thấy chồng ra hiệu, hoàng hậu đã hiểu và nhảy bổ vào trong một phòng tắm có treo mấy tấm thảm thêu dày xụ bên ngoài.
Quận công d Alençon sợ sệt bước vào và đưa mắt nhìn quanh.
- Henri có mình chúng ta ở đây thôi chứ? - Ông thì thầm hỏi.
- Chỉ có chúng ta thôi. Có việc gì vậy? Anh có vẻ hoảng hốt quá.
- Henri chúng ta bị lộ rồi.
- Sao lại bị lộ?
- De Mouy đã bị bắt.
- Tôi biết.
- De Mouy đã khai hết với nhà vua rồi.
- Ông ta khai cái gì?
- Ông ta kể rằng tôi muốn làm vua Navarre và đang âm mưu để làm việc đó.
- Ái dà! Thế thì anh bị mang tiếng mất rồi, tội nghiệp François! Thế sao anh vẫn còn chưa bị bắt là thế nào?
- Tôi cũng chẳng biết tại sao nữa. Đức vua giễu cợt tôi và giả vờ như định ban vương quốc Navarre cho tôi. Chắc ông ta định bắt tôi thú nhận điều gì, nhưng tôi không nói năng gì hết.
- Anh làm thế là đúng đấy, mẹ kiếp - Anh chàng Bearnais nói - Chúng ta cần vững vàng, mạng sống của chúng ta phụ thuộc vào đấy đấy!
- Ừ - François tiếp - Tình hình rắc rối quá Henri ạ, vì thế nên tôi đến định hỏi ý kiến anh, anh bảo tôi nên ở lại hay trốn đi?
- Anh đã gặp đức vua rồi chứ gì? Người đã nói chuyện với anh phải không?
- Đúng thế.
- Thế thì lẽ ra anh phải biết được ý định của nhà vua chứ. Hãy làm theo linh tính của anh.
- Tôi thích ở lại hơn - François đáp.
Dù tự nhủ đến mấy, Henri vẫn để lộ ra một cử chỉ vui mừng, và dù cử chỉ đó có khó nhận ra đến mấy, François cũng đã nhận thức được nó.
- Vậy anh ở lại đi - Henri đáp.
- Còn anh?
- Đức mẹ ơi, nếu anh ở lại, tôi chẳng có lý do gì để ra đi cả. Tôi định ra đi là để theo anh, để hết lòng với anh và khỏi phải xa một người anh em mà tôi yêu mến.
- Thế là mọi kế hoạch của chúng ta sôi hỏng bỏng không - d Alençon nói - Anh chẳng vật lộn gì mà cứ để buông rơi ngay từ cú rủi đầu tiên như vậy à?
- Tôi không coi việc ở lại là không may, nhờ cái tính vô tâm của tôi, tôi ở đâu cũng được.
- Thôi được, không nói tới chuyện ấy nữa. Tuy nhiên, nếu anh có quyết định gì mới thì báo cho tôi biết với nhé.
- Chúa ơi, chắc chắn là thế chứ, xin anh cứ tin tôi. Chúng ta chẳng đã thỏa thuận không giấu nhau điều gì rồi đó sao.
D Alençon không kỳ kèo gì thêm và lui về với vẻ trầm tư vì có lúc ông nghi hình như tấm thảm treo trước buồng tắm bị rung rinh.
Quả là d Alençon vừa đi khuất thì tấm thảm đó được cuốn lên và Marguerite hiện ra.
- Bà nghĩ thế nào về cuộc thăm viếng này? - Henri hỏi.
- Có chuyện gì mới và quan trọng đấy.
- Thế bà cho đó có thể là chuyện gì?
- Tôi chưa biết, nhưng rồi tôi sẽ biết.
- Trong khi chờ đợi thì sao?
- Trong khi chờ đợi thì tối mai xin bệ hạ nhớ qua chỗ tôi.
- Thưa bà, tôi sẽ không quên!
Henri nói và lịch sự cúi hôn Marguerite quay trở về khu phòng của mình với sự cẩn trọng cũng như khi nàng đi ra ngoài.
Nguồn: http://vnthuquan.org/