Còn lại một mình Charles ngạc nhiên khi không thấy cả hai kẻ hầu trung tín của mình xuất hiện, đó là nhũ mẫu Madeleine và con chó săn Actéon .
"Nhũ mẫu chắc đi hát vài bài kinh ở nhà một người quen Tân giáo nào đấy, còn Actéon chắc vẫn dỗi mình vì ngọn roi sáng nay". - Charles tự nhủ.
Charles cầm một cây nến và đi qua phòng nhũ mẫu, nhũ mẫu không có nhà. Chúng ta còn nhớ là một cửa khu phòng của Madeleine thông với phòng vũ khí. Charles tiến về phòng đó. Nhưng lúc đang đi thì một cơn đau như những cơn ông đã đột ngột cảm thấy bị xâm chiếm lấy ông. Nhà vua đau đớn như bị người cầm thanh sắt nung đỏ moi bới trong gan ruột. Một cơn khát cháy cổ giày vò ông, thấy trên bàn có một tách sữa, ông uống ừng ực một hơi và cảm thấy hơi đỡ.
Ông bèn cầm lại cây nến để trên một chiếc bàn và bước vào phòng vũ khí. Ông ngạc nhiên không thấy Actéon ra đón. Ai nhốt nó lại chăng? Nếu vậy nó chắc đã cảm thấy chủ đi săn về và phải gầm lên. Charles gọi, huýt sáo, chẳng có gì hết.
Ông bước thêm bốn bước. Ánh sáng cây nến rọi đến tận góc phòng và ông thấy trong góc đó một khối gì nằm bất động trên sàn.
- Này! Actéon ! Ê này! - Charles gọi.
Và lại huýt sáo.
Con chó không động đậy.
Charles chạy tới bên con chó và chạm vào nó: con vật tội nghiệp đã cứng đờ và lạnh ngắt. Từ cái mõm rúm ró vì đau đớn, vài giọt mật rơi rớt ra hoà lẫn với bọt mép sủi lên lẫn với máu. Con chó tìm thấy trong phòng một chiếc mũ nhỏ của chủ và để đầu tựa trên cái vật mà nó coi như đại diện cho một người bạn ấy mà chết
Cảnh đó khiến Charles quên đi những nỗi đau của chính mình và trả lại nghị lực cho ông. Cơn giận sôi lên trong huyết quản Charles, ông muốn hét lên. Nhưng trong tầm cỡ vĩ đại của mình, các vị vua không được tự do để bị lôi cuốn theo cái tình cảm đầu tiên. Charles nghĩ rằng ở đây có sự phản trắc nào đó và im lặng.
Ông quỳ xuống trước con chó và xem xét cái xác với con mắt thành thạo. Mắt trơ trơ, lưỡi đỏ và đầy những mụn. Căn bệnh kỳ lạ khiến Charles rùng mình.
Nhà vua đeo đôi găng tay mà ông đã tháo ra cài ở thắt lưng, rồi nhấc cái mõm nhợt nhạt của con chó ra để xem xét răng và nhận thấy trong các kẽ răng còn vài mảnh trắng đục bị giắt vào đầu những chiếc răng nhọn.
- Ông gỡ các mảnh đó ra và nhận thấy đó là giấy.
Chỗ gần thứ giấy ấy bị phù nề nhiều hơn, lại bị mưng lên và đã loét ra như bị chất cường toan ăn mòn.
Charles chăm chú nhìn quanh. Trên thảm còn vài ba mẩu giấy giống như thứ giấy mà ông nhận thấy trong mõm con chó. Một trong những mẩu giấy đó, to hơn một chút, cho thấy những vết của một hình vẽ khắc gỗ.
Tóc Charles dựng ngược lên, ông nhận ra đó là một mảnh của bức tranh vẽ hình một lãnh chúa đang săn chim mà Actéon đã xé ra từ quyển sách dạy đi săn của ông.
- Ôi! - Ông tái mặt nói - Quyển sách đó có tẩm thuốc độc!
Rồi đột nhiên ông nhớ lại và thốt lên:
- Trời ơi! Trang nào mình cũng đụng tay vào, mỗi trang mình lại phải thấm nước bọt một lần. Những cơn ngất, những cơn đau, cơn buồn nôn ấy!… Thôi ta hỏng mất rồi!
Charles đứng lặng người giây lát trong ý nghĩ khủng khiếp ấy. Rồi ông gầm lên một tiếng trầm trầm, lao ra cửa phòng vũ khí.
- Cho gọi thầy René! - ông thét - Gọi thầy René người xứ Florence! Chạy ngay tới cầu Saint-Michel gọi ông ta tới đây cho ta! Trong mười phút ông ta phải có mặt tại đây! Một tên trong số các người lên ngựa, dắt theo một con nữa để đi về cho nhanh. Nếu thầy Ambroise Paré đến, bảo ông ta chờ.
Một vệ binh vừa đi vừa chạy để thi hành mệnh lệnh.
- Ồi - Charles lẩm bẩm - Dù ta phải dùng nhục hình tra tấn tất cả mọi người, ta cũng phải biết cho được kẻ nào trao quyển sách này cho Henriot.
Và trán đẫm mồ hôi, hai bàn tay co quắp, lồng ngực phập phồng. Charles đứng lặng chăm chăm nhìn xác con chó của ông.
Mười phút sau, gã người xứ Florence rụt rè gõ cửa phòng vua với lòng lo ngại. Đối với một vài người, một vài loại lương tâm, bầu trời không phải lúc nào cũng trong sáng.
- Vào đi! Charles nói.
Người bán dầu hương xuất hiện. Charles đi về phía y với vẻ oai nghiêm, môi mím chặt.
- Thánh thượng đã cho đòi - René run rẩy nói.
- Ông là nhà hoá học tài giỏi lắm phải không?
- Tâu bệ hạ…
- Và ông biết tất cả những điều mà người thầy thuốc tài ba phải biết, đúng không?
- Thưa, bệ hạ quá khen.
- Không đâu, mẹ ta bảo thế đấy. Vả lại ta tin ông và ta muốn hỏi ý ông hơn hỏi bất kỳ người nào khác - Này đây - Charles vừa nói vừa lật xác con chó - Ta yêu cầu ông nhìn xem con vật nay bị dính cái gì ở răng và hãy nói ta hay nó chết vì can cớ gì?
Trong khi René tay cầm nến rạp mình sát đất để giấu nỗi xúc động vừa đề thực hiện mệnh lệnh của nhà vua thì Charles đứng dán mắt vào y với vẻ sốt ruột đễ chờ nghe có thể là lời tuyên án tử hình của mình hoặc cơ may cứu mạng cho mình.
René rút từ trong túi ra một chiếc dao mổ, mở ra và dùng đầu nhọn móc từ miệng con chó nòi ra những mẩu giấy dính với trong răng. Và chăm chú nhìn chất dịch và máu rỉ ra từ mỗi vết thương.
- Thưa bệ hạ - Y vừa nói vừa run - Đây là những triệu chứng xấu.
Charles cảm thấy cơn rùng mình ớn lạnh toàn thân ngấm vào tận tâm can.
- Ừ, con chó này đã bị đầu độc, đúng thế không?
- Tôi sợ rằng như thế, tâu bệ hạ.
- Loại thuốc độc nào?
- Theo tôi thì một loại độc dược có tính chất khoáng.
- Ông có cách nào để tin chắc rằng con vật này đã bị đầu độc hay không?
- Thưa bệ hạ, có chứ, nếu tôi được mổ và xem dạ dày nó.
- Vậy mổ đi, ta không muốn còn chút ngờ vực nào.
- Cần cho gọi người nào đó để giúp tôi một tay.
- Ta sẽ giúp ông - Charles đáp.
- Chính Người ư, tâu bệ hạ?
- Ừ, chính ta. Thế nếu nó bị đầu độc thì chúng ta sẽ thấy có dấu hiệu nào?
- Sẽ có những vết đỏ và vết rễ cỏ trong dạ dày.
- Nào làm thôi - Charles nói.
Rạch một nhát, René mở ngực con chó và dùng sức mạnh đôi bàn tay bành nó ra trong khi Charles quỳ một chân xuống đất soi nến cho y với bàn tay co quắp và run run.
- Tâu bệ hạ. Người thấy đấy, đây là những dấu hìệu rõ ràng. Các vết đỏ này là như tôi đã trình với Người, còn các mạch máu ứa máu nom như rễ cây này là điều mà tôi gọi là vết rễ cỏ. Đây tôi đã tìm thấy những điều tôi muốn biết.
- Vậy đúng là con chó đã bị đầu độc phải không?
- Tâu bệ hạ, vâng.
- Với một độc tố khoáng?
- Hình như thế.
- Thế nếu một người vô tình nuốt phải thứ độc tố đó thì sao?
- Người ấy sẽ cảm thấy nặng đầu, ruột gan nóng bỏng tựa như đã nuốt phải than hồng, đau ruột, nôn mửa.
- Anh ta có khát không? - Charles hỏi.
- Khát khô cả cổ.
- Đúng vậy rồi, đúng vậy rồi - Nhà vua lẩm bẩm.
- Tâu bệ hạ, tôi vẫn không hiểu những câu hỏi đó có nghĩa gì
- Tìm hiểu mà làm gì? Ông không cần biết. Hãy trả lời những câu hỏi của ta, có thế thôi.
- Xin bệ hạ cứ hỏi.
- Có loại thuốc tẩy độc nào cho người đã uống phải cùng thứ thuốc độc như chó của ta không?
René suy nghĩ một lát:
- Có nhiều loại chất độc khoáng khác nhau. Trước khi trả lời bệ hạ, tôi muốn biết đây là loại chất độc gì. Thánh thượng có khái niệm gì về cách thức người ta đầu độc con chó của Người không?
- Có nó ăn phải một trang sách.
- Một trang sách ạ?
- Thế thánh thượng có quyển sách ấy ở đây không?
- Nó đây - Charles vừa nói vừa lấy quyển sách ông đã để trên giá và gia cho René xem.
René kinh ngạc giật mình và cử chỉ đó không lọt khỏi mắt Charles.
- Nó đã ăn một trang của quyển sách này ư? - René lúng túng hỏi.
- Trang này đây.
Và Charles chỉ cái trang bị rách.
- Xin bệ hạ cho phép tôi được xé một trang sách khác được không?
- Cứ làm đi.
René xé một trang sách đưa lại gần ngọn nến. Trang giấy bắt lửa và mùi tỏi nồng nặc tỏa ra khắp phòng.
- Con vật đã bị đầu độc bằng một hỗn hợp arsenic.
- Ông có chắc không?
- Tôi chắc chắn như chính tay tôi đã pha chế chất đó vậy.
- Thế còn thuốc tẩy độc?
René lắc đầu.
- Sao? - Charles khàn giọng hỏi - Ông không biết liều tẩy độc à?
- Thứ tốt nhất và công hiệu nhất là lòng trắng trứng đánh với sữa, nhưng…
- Nhưng sao?
- Nhưng phải được uống ngay sau đó, nếu không…
- Nếu không thì sao?
- Tâu bệ hạ, đây là một thứ thuốc độc khủng khiếp - René lại lặp lại - Nó không làm chết ngay kia mà - Charles hỏi.
- Không, nhưng nó giết người một cách chắc chắn, thời gian lâu hay chóng không quan trọng, thậm chí đôi khi đó lại là một ý đồ có tính toán trước.
Charles phải dựa vào chiếc bàn cẩm thạch.
- Bây giờ - Ông vừa nói vừa đặt tay lên vai René - Ông biết quyển sách này chứ?
- Tôi ấy ư, tâu bệ hạ? - René tái mặt hỏi.
- Ừ, chính ông. Khi nhìn thấy nó, ông đã giật mình.
- Tâu bệ hạ, tôi xin thề…
- René, ông nghe đây: ông đã đầu độc cố hoàng hậu Navarre với những chiếc găng tay, ông đã đầu độc ông hoàng Porcian với khói đèn, ông đã định đầu độc ông de Condé với một quả táo thơm. René, ta sẽ cho lấy kìm nung đỏ rứt thịt ông ra từng mảnh nếu ông không nói ta hay quyển sách này của ai?
Gã Florence thấy chẳng thể đùa với cơn giận của Charles và quyết định đánh liều.
- Tâu bệ hạ, nếu tôi nói ra sự thật, ai sẽ đảm bảo rằng tôi sẽ không bị trừng phạt tàn ác hơn cả khi tôi im lặng.
- Ta.
-Xin bệ hạ hứa cho lời của bậc vương chủ.
- Thề danh dự quý tộc, ông sẽ được sống - Charles đáp.
- Nếu vậy, quyển sách này là của tôi.- René nói.
- Của ông? - Charles thốt lên và lùi lại nhìn kẻ chuyên đầu độc người.
- Thưa vâng, của tôi.
- Làm sao nó lại ra khỏi tay ông được?
- Lệnh bà Thái hậu đã lấy nó ở nhà tôi.
- Thái hậu! - Charles thốt lên.
- Thưa vâng.
- Nhưng để làm gì?
- Tôi nghĩ là để chuyển cho vua Navarre là người đã hỏi mượn quận công d Alençon một quyển sách thuộc loại này để học cách săn bằng chim.
- Ôi! Chính vậy, ta hiểu hết rồi - Charles thốt lên - Quả là quyển sách này ở cung Henriot. Người ta có số, mệnh ta cùng rồi.
Vừa lúc đó Charles bị ho khan dữ dội, sau đó ông lại bị đau trong gan ruột. Ông thốt ra một vài tiếng kêu nghẹn ngào và ngã vật xuống ghế.
- Tâu bệ hạ, Người bị làm sao? - René hoảng sợ hỏi.
- Không sao - Charles đáp - Nhưng ta khát, cho ta uống nước.
René rót đầy một cốc nước và run rẩy dâng lên Charles, ông cầm lấy uống cạn một hơi.
- Bây giờ - Charles cầm bút, chấm vào mực và nói - Viết lên trên quyển sách này đi.
- Tôi phải viết gì?
- Ta đọc cho ông đây.
"Quyển sách dạy đi săn bằng chim này đã được tôi trao cho Thái hậu Catherine de Médicis".
René cầm bút viết.
- Bây giờ thì ký đi.
Y ký.
- Bệ hạ hứa tha toàn mạng sống cho thần - Y nói.
- Về phần ta thì ta sẽ giữ lời.
- Nhưng còn về phần Thái hậu thì sao?
- Ô về phía ấy thì không dính líu gì đến ta - Charles đáp - Nếu có người tấn công ông thì ông tự vệ đi.
- Tâu bệ hạ, thần có thể rời nước Pháp nếu thấy tính mạng bị đe doạ được không?
- Mười lăm ngày nữa ta sẽ trả lời ông.
- Nhưng trong khi chờ đợi thì…
Charles cau mày, đặt ngón tay lên đôi môi trắng bệch của ông.
- Ồ, xin bệ hạ cứ yên lòng.
Quá mừng vì thoát thân được dễ dàng như thế, René cúi mình thi lễ và lui ra.
Sau y là nhũ mẫu xuất hiện ở cửa buồng bà.
- Có chuyện gì vậy Charles? - Bà hỏi.
- Nhũ mẫu, sáng nay ta nhuốm phải sương nên bị ốm.
- Đúng là con xanh lắm, Charles ạ.
- Ta yếu lắm. Nhũ mẫu đưa tay đây đỡ ta đi tới giường nào.
Nhũ mẫu hấp tấp lại gần. Charles tựa vào bà đi về phòng.
- Bây giờ, ta sẽ tự mình đi nằm thôi - Charles nói.
- Thế nếu thầy Ambroise Paré đến thì sao?
- Nhũ mẫu bảo rằng ta đã khỏe hơn và không cần ông ta nữa.
- Nhưng trong lúc này thì con uống thuốc gì?
- Ồ! Bài thuốc đơn giản thôi, lòng trắng trứng đánh với sữa. À mà này nhũ mẫu, con Actéon tội nghiệp đã chết mất rồi. Sáng mai phải đem nó chôn trong góc vườn Louvre thôi. Nó đã là một trong những người bạn tốt nhất của ta… Ta sẽ sai dựng mồ cho nó… nếu ta còn kịp làm.
Chương 54: Rừng Vincennnes
Theo lệnh của Charles ngay tối hôm đó Henri được dẫn tới rừng Vincennnes. Thời đó người ta gọi toà lâu đài nổi tiếng đó như vậy. Ngày nay chỉ còn lại một đống hoang tàn, một tàn tích khổng lồ đủ cho ta hình ảnh về tầm cỡ vĩ đại xa xưa của nó.
Cuộc di chuyển được tiến hành bằng kiệu. Mỗi bên kiệu có bốn vệ binh đi kèm. Ông de Nancey đi đầu mang theo lệnh để mở cho Henri cánh cửa của nhà tù bảo trợ.
Tới đường ngầm ở bờ thành, đoàn người dừng lại. Ông de Nancey xuống ngựa, mở cánh cửa kiệu khóa kín và cung kính mời vua Navarre xuống.
Henri tuân lời, không phản kháng gì. Ở đâu đối với ông cũng an toàn hơn ở Louvre và mười cánh cửa khép lại sau lưng ông cũng là mười cánh cửa ngăn cách giữa ông và Catherine de Médicis.
Ông vua tù đi qua cầu treo giữa hai người lính, vượt qua ba cửa từng dưới của tháp và cửa tầng dưới của cầu thang rồi vẫn luôn luôn theo sau ông de Nancey, ông lên một tầng gác.
Tới đó, thấy ông vẫn định lên tiếp, viên chỉ huy vệ binh ngăn ông lại:
- Thưa đức ông, xin Người dừng lại.
- Ái chà! - Henri dừng lại nói - Hình như ta được ban cho vinh dự ở tầng một thì phải.
- Thưa bệ hạ, người ta đối xử với Người như đối xử với một vị vua.
- Thôi thôi! Vài ba tầng gác nữa cũng chẳng làm ta thấy nhục tí nào. Chỗ này tốt quá, người ta sinh nghi mất.
- Xin bệ hạ vui lòng theo tôi. - Ông de Nancey nói.
- Trời đất! Ở đây làm gì có chuyện ta vui lòng hay không vui lòng. Đây là việc ta phải làm theo lệnh anh Charles của ta. Ông ta có ra lệnh cho ta đi theo ông không?
- Thưa bệ hạ, có.
- Nếu vậy thì thưa ông, ta xin theo ông.
Họ đi vào một hành lang, ở đầu kia hành lang là một căn phòng tương đối rộng với những bức tường tối tăm và có vẻ hết sức ảm đạm.
Henri nhìn quanh trong lòng không phải là không lo lắng.
- Chúng ta đang ở đâu vậy? - Ông hỏi.
- Thưa đức ông, chúng ta đang đi qua phòng tội hình.
- À ra thế!
Và Henri để ý nhìn kỹ hơn.
Trong phòng có đủ thứ: bình đựng nước và giá gỗ để cho hình phạt tra bằng nước, nêm và vồ để cho hình phạt bẻ chân. Ngoài ra, những ghế ngồi bằng đá dành cho những kẻ bất hạnh chờ đến lượt tra tấn được đặt gần như vòng quanh khắp phòng, và ở trên, ở dưới, ở ngay trên các ghế đó là những vòng sắt gắn thẳng vào tường không tuân theo tính đối xứng nào khác ngoài tính đối xứng của nghệ thuật hành tội. Nhưng chúng ở gần các ghế nên người ta dễ đoán ngay là chúng được dành cho những kẻ ngồi trên ghế.
Henri đi tiếp mà không nói nửa lời, nhưng ông không để lọt một chi tiết nào đến cả cái bộ máy ghê tởm có thể nói là đã viết nên lịch sử của nỗi đau đớn trên các bức tường.
Mải nhìn quanh nên Henri không nhìn xuống chân và bị vấp:
- Này, cái gì đây? - Ông hỏi.
Và chỉ vào một thứ giốnh như rãnh sâu được đào xuống nền đá ẩm ướt làm sàn nhà.
- Thưa bệ hạ, đó là máng nước.
- Ở đây có mưa à?
- Thưa bệ hạ, vâng, mưa máu.
- Ái chà! Tốt lắm - Henri thốt lên - Thế chúng ta sắp tới phòng ta chưa?
- Thưa đã, thưa bệ hạ, ở đây đây.
Có một bóng người lờ mờ trong tối, người ta càng tới gần thì bóng đó càng rõ hơn và thực hơn
Henri nghe giọng quen quen, bước lên vài bước và nhận ra một mặt người.
- Ơ này! Ông đấy à, Beaulieu. Ông làm cái quái quỷ gì ở đây vậy?
- Thưa bệ hạ, tôi vừa nhận được sắc phong làm quan chủ pháo đài Vincennnes.
- Ồ ông bạn thân mến, - ông mở đầu thật hách - Có một ông vua làm tù nhân, khá quá còn gì.
- Xin lỗi bệ hạ - Beaulieu đáp - Nhưng trước Người tôi đã tiếp nhận hai nhà quý tộc rồi.
- Ai vậy? À xin lỗi, có lẽ ta hơi tò mò. Nếu vậy cứ coi như ta chưa nói gì cả nhé.
- Thưa bệ hạ, người ta không dặn tôi phải giữ bí mật, đó là các ông de Mole và de Coconnas.
- À. Ừ nhỉ, ta đã được thấy người ta bắt các vị quý tộc không may ấy. Thế họ chịu cơn bĩ cực này như thế nào?
- Một cách hoàn toàn khác nhau, người vui, kẻ buồn, người thì hát, kẻ thì than thở.
- Thế ai than thở?
- Ông de Mole.
- Nói thật chứ, ta thông cảm với anh rên rỉ hơn là với anh ca hát đấy. Theo những gì ta thấy thì nhà tù chẳng phải là vui vẻ lắm đâu. Thế họ ở tầng mấy?
- Tít trên cao kia. Tận tầng tư.
Henri thở dài, ông cũng muốn được ở đây hơn.
- Nào, ông de Beaulieu, hãy vui lòng chỉ cho ta phòng của ta, ta nóng lòng muốn được tới đấy lắm vì ngày hôm nay ta mệt quá.
- Thưa bệ hạ đây - Beaulieu chỉ cho Henri một căn phòng cửa mở toang.
- Phòng số 2 - Henri nhận xét - Tại sao không phải là phòng số 1 nhỉ?
- Vì thưa bệ hạ, phòng số 1 có người đặt giữ chỗ rồi.
- Ái chà! Chắc ông định chờ đón một người tù dòng dõi cao quý hơn ta chắc?
- Thưa bệ hạ, tôi đâu có nói là để cho một tù nhân.
- Thế thì để cho ai?
- Cúi xin bệ hạ đừng hỏi thêm vì tôi sẽ buộc phải im lặng và làm thế là bất tuân lời bệ hạ.
- À nếu vậy thì khác - Henri đáp.
Và ông trở nên trầm tư hơn nữa, cái phòng số 1 này khiến ông tò mò ra mặt. về phần còn lại, viên chủ pháo đài cũng vẫn không từ bỏ thái độ lịch sự ban đầu. Với hàng ngàn những lời hoa mỹ cẩn thận ông sắp xếp cho Henri trong phòng, ra sức xin lỗi về những tiện nghi mà nhà vua có thể thấy còn thiếu, đặt hai lính gác ở cửa và đi ra.
- Bây giờ đến những người kia - Beaulieu nói với viên giữ cửa xếp nhà ngục.
Viên giữ cửa đi trước. Họ lại quay ngược lại đường cũ, qua phòng tội hình, hành lang, tới cầu thang, và theo người dẫn đường, ông de Beaulieu leo thêm ba tầng gác nữa.
Lên tới tầng thứ ba, gộp cả với tầng thứ nhất nữa là bốn tầng, người giữ cửa lần lượt mở ba cánh cửa được trang trí mỗi cửa bằng hai ổ khoá và ba ổ chốt to tướng.
Ông ta vừa chạm vào cánh cửa thứ ba thì có giọng nói vui vẻ kêu lên:
- Ê này! Mẹ kiếp! Mở cửa ra, dù chỉ để cho không khí chui vào thôi cũng được. Lò nhà các anh nóng đến chết ngạt được.
Nghe câu rủa quen thuộc chắc bạn đọc đã nhận ra Coconnas, chàng chỉ nhảy một bước là đã tới bên cửa.
- Chờ tí đã, thưa ông quý tộc - Viên giữ cửa nói - Tôi đến không phải để thả ông ra mà là để vào và có ngài chủ pháo đài theo tôi.
- Quan chủ pháo đài! - Coconnas thốt lên - Thế ông ta đến làm gì?
- Đến để thăm ông.
- Thật vinh dự quá, xin hoan nghênh ông chủ pháo đài.
Ông Beaulieu bước vào thật và dẹp ngay nụ cười thân mật của Coconnas bằng một trò lịch sự lạnh lùng của riêng các viên chủ thành, các viên coi ngục và đao phủ.
- Thưa ông, ông có tiền không? - Ông ta hỏi tù nhân.
- Tôi ấy à? - Coconnas đáp - Không có một xu.
- Ông có đồ trang sức không?
- Tôi có một cái nhẫn.
- Xin ông vui lòng cho tôi được khám người.
- Mẹ kiếp! - Coconnas đỏ mặt lên vì tức - Ông thật may là đang ở trong tù và tôi cũng đang trong tù.
- Cần phải biết chịu đựng để phục vụ đức vua.
- Hoá ra là những người lương thiện cướp của trên Cầu Mới cũng là phục vụ đức vua như ông đấy? Mẹ kiếp? Tôi bất công thật, thưa ông, vì cho tới nay tôi vẫn cứ tưởng họ là đồ kẻ cướp.
- Thưa ông, xin chào ông - Beaulieu nói - Lính! Nhốt ông đây lại.
Viên chủ thành bỏ đi mang theo chiếc nhẫn của Coconnas.
Đó là một chiếc nhẫn khảm ngọc bích tuyệt đẹp của phu nhân de Nervers tặng chàng để nhắc chàng nhớ tới màu mắt nàng.
- Tới người kia! - Chủ pháo đài phán.
Họ đi qua buồng trong và cái trò ba cánh cửa, sáu ổ khoá với chín ổ chốt lại tái diễn.
Cánh cửa cuối cùng mở ra và một tiếng thở dài là tiếng động đầu tiên vọng tới những người khách.
Căn phòng nom còn ảm đạm hơn cả phòng ông Beaulieu vừa ra khỏi. Bốn lỗ châu mai và hẹp trong to ngoài nhỏ soi sáng lờ mờ cho cái nơi ở đáng buồn này. Hơn nữa, những song sắt được lồng chéo một cách khá nghệ thuật để tầm nhìn luôn bị ngăn chặn bởi một đường mờ đục, và tù nhân thậm chí còn không thể nhìn thấy trời qua lô châu mai.
Những đường xây kiến trúc vòng cung xuất phát từ mỗi góc phòng, tụ lại giữa trần và uốn ra thành hình hoa thị. - De Mole ngồi trong góc, mặc dù có khách nhưng chàng vẫn ngồi yên tựa như không nghe thấy gì.
Viên chủ thành đứng dừng trên ngưỡng cửa và nhìn người tù một lúc. Chàng vẫn ngồi gục đầu vào tay, bất động.
- Chào ông, ông De Mole - Beaulieu cất tiếng.
Chàng trai từ từ ngẩng đầu lên.
- Chào ông - Chàng đáp.
- Thưa ông, tôi đến để khám xét ông - Viên chủ pháo đài thông báo.
- Ích gì - De Mole đáp - Tôi sẽ giao tất cả những gì tôi có cho ông.
- Ông có những gì?
- Khoảng ba trăm écus, đồ trang sức và nhẫn.
- Xin ông đưa đây.
- Đây! - De Mole lục túi, tháo hết nhẫn ở ngón tay và gỡ chiếc ghim cài trên mũ.
- Ông không còn gì nữa à?
- Tôi nghĩ là không.
- Thế cái sợi dây lụa ở cổ ông kia đeo cái gì vậy?
- Thưa ông, đây không phải là đồ vàng bạc mà là một thành tích.
- Đưa đây.
- Sao? Ông đòi như vậy à?
- Tôi được lệnh chỉ để lại quần áo cho ông thôi. Thành tích không phải là quần áo.
De Mole phác một cử chỉ tức giận. Ở một sự bình tĩnh tuy đau đớn mà đàng hoàng khiến chàng nổi bật lên, nỗi tức giận đó dường như còn đáng sợ hơn đối với những người vẫn quen với những tình cảm mạnh. Nhưng chàng lại bình tĩnh ngay và nói:
- Thôi được, thưa ông, ông sẽ được nhìn thấy cái mà ông yêu cầu. Chàng quay mặt đi như để tiến lại gần phía ánh sáng và rút cái thành tích giả mạo đó ra. Thành tích đó chẳng phải là cái gì khác ngoài một chiếc mề đay trong có một bức chân dung mà chàng rút ra và đưa lên môi. Sau khi đã hôn bức chân dung nhiều lần, chàng giả vờ đánh rơi xuống đất và dằn mạnh gót giày lên trên khiến nó vỡ tan thành ngàn mảnh.
- Kìa ông!… - Viên chủ pháo đài thốt lên.
Và y cúi xuống xem có thể vớt vát lại được cái vật bí ẩn mà De Mole đã muốn giấu y ấy. Nhưng bức hình nhỏ đã bị nghiền ra như cám.
- Nhà vua muốn có vật trang sức này - De Mole nói - Nhưng Người không có quyền gì đối với bức chân dung mà tấm mề đay chứa đựng. Giờ thì mể đay đây, ông có thể cầm lấy.
- Thưa ông - Beaulieu đáp - Tôi sẽ khiếu nại tới đức vua.
Và không chào từ biệt người tù lấy một lời, y bước ra cáu kỉnh đến nỗi để mặc cho viên giữ cửa đóng các cửa lại mà không cần có ý chứng kiến.
Người coi ngục bước mấy bước như định đi rồi khi thấy ông de Beaulieu đã bước xuống những bậc thang đầu tiên, anh ta quay lại nói:
- Thưa ông thật may là tôi đã đề nghị ông trao ngay cho tôi trăm écus nhờ đó tôi cho phép ông được nói chuyện với bạn ông. Nếu ông không trao cho tôi thì quan chủ thành đã lấy đi mất cùng ba trăm écus kia rồi và lương tâm tôi sẽ không cho phép tôi giúp các ông việc gì nữa cả. Nhưng vì tôi đã được trả tiền trước, tôi đã hứa là cho ông gặp bạn ông… đi nào… người tử tế chỉ có lời hứa là quý… Tuy nhiên nếu có thể được thì xin các ông đừng nói chuyện chính trị, thế là tốt cho cả hai đằng.
De Mole ra khỏi phòng và thấy trước mình là Coconnas đang xoạc cẳng bước trên những tấm lát sàn của căn phòng giữa.
Hai người bạn ôm chầm lấy nhau.
Viên giữ cửa làm bộ chùi khóe mắt và đi ra để canh cho hai người tù hay đúng hơn cũng là để canh cho chính y.
- A! Cậu đây rồi! - Coconnas kêu - Thế nào, cái thằng cha chủ pháo đài ghê tởm ấy đã tới thăm cậu rồi đấy à?
- Mình đoán hắn cũng thăm cậu rồi.
- Thế hắn lấy hết của cậu à?
- Cậu thì chắc cũng thế chứ gì.
- Ôi, mình thì chẳng có gì, mỗi một cái nhẫn của Henriette.
- Thế còn tiền mặt thì sao?
- Có gì thì mình đã cho hết cái lão giữ cửa tốt bụng kia để hắn cho chúng mình gặp nhau.
- Á à! Hình như hắn xơi cả hai đằng thì phải.
- Cậu cũng trả cho lão à?
- Mình cho hắn một trăm écus.
- Người giữ cho chúng mình là đồ khốn kiếp thì càng tốt chứ sao.
- Đúng thế, với tiền ta muốn làm gì cũng được, và cũng phải hy vọng là tiền thì chúng mình không thiếu.
- Bây giờ cậu đã hiểu ra chuyện gì xảy đến với chúng mình chưa?
- Rõ quá… Chúng ta đã bị phản.
- Chính bởi cái thằng quận công đáng ghét ấy. Mình muốn vặn cổ hắn là có lý lắm.
- Cậu nghĩ chuyện chúng mình có nghiêm trọng lắm không?
- Mình sợ rằng có đấy.
- Vậy thì, phải sợ… nhục hình.
- Mình không giấu cậu là mình đã nghĩ tới điều đó.
- Nếu đến nước ấy thì cậu bảo sao?
- Thế còn cậu?
- Mình sẽ im lặng - De Mole đỏ bừng mặt lên nói.
- Cậu định im à? - Coconnas la lên.
- Ừ nếu mình có đủ sức.
- Còn mình, nếu người ta giở cái trò đồi bại ấy ra với mình, mình sẽ nói nhiều chuyện.
- Nhưng chuyện gì mới được chứ? - La Mole vội vàng hỏi.
- Ôi! Cứ yên trí! Những chuyện có thể khiến ông d Alençon mất ăn mất ngủ một thời gian.
De Mole sắp sửa đổi lại người thì người coi ngục chắc nghe thấy tiếng động gì đó, chạy vào đẩy hai người bạn mỗi người về một phòng và đóng sập cửa lại sau lưng họ.
Nguồn: http://vnthuquan.org/