11/4/13

Jean Valjean (C9-10)

Chương IX

Nỗi đau khôn xiết


Vả lại ông sắp đi du lịch một chuyến ngắn ngày. Hẳn bà còn nhớ rằng ông Jean có thói quen là thỉnh thoảng lại đi chơi một chuyến.
Mong mọi người đừng lo. Mong mọi người đừng nghĩ gì đến ông.
Khi bước vào nhà ông Jean, Nicolette đã nhắc lại với ông đúng những lời của bà chủ mình.
Rằng bà sai đến để xem "tại sao hôm trước ông Jean không đến?".
- Đã hai hôm nay, tôi không đến. - Jean Valjean nói một cách nhẹ nhàng.
Nhưng Nicolette đã để lời nhận xét đó trượt mất và không kể lại gì với Cosette.
Trong những tháng cuối mùa xuân và đầu mùa hè năm 1833, những khách qua đường thưa thớt của khu Marais, những người buôn bán ở các cửa hàng, những kẻ nhàn rỗi đứng trên ngưỡng cửa, thường thấy một ông già mặc đồ.đen sạch sẽ, hàng ngày, vào cùng một giờ, lúc chập tối, ra khỏi phố Homme-Armé, đi về phía phố Sainte-Croix-de-la-Bretonnerie, qua trước nhà thờ Blancs-Manteaux, đến phố Culture-Sainte- Catherine và, khi tới phố écharpe, thì rẽ sang tay trái, và đi vào phố Sanit-Louis.
ở đây, ông chậm bước, đầu nhô vè phía trước, dường như không trông thấy gì, không nghe thấy gì, mắt nhìn bất di bất dịch vào một điểm, một điểm không thay đổi và hình như đối với ông, nó giống như một ngôi sao, đó chính là góc phố Filles-du-Calvaire. ông càng đến gần góc phố ấy, mắt ông càng sáng lên; hai con ngươi ông được một niềm vui nào đó làm cho sáng rực như có tia lửa bên trong, ông có vẻ như mê đi và mủi lòng, đôi môi ông làm những động tác khó hiểu, như thể ông đang nói với ai đó mà ông không trông thấy, ông hơi mỉm cười và tiến bước hết sức chậm. Hình như ông vừa mong tới nơi, vừa sợ cái lúc gần tới nơi. Khi chỉ còn vài ngôi nhà giữa ông và cái phố có vẻ lôi kéo ông đó, bước chân ông chậm hẳn lại, đến mức mà, đôi lúc, người ta tưởng ông không đi nữa. Đầu ông chao đảo và mắt ông nhìn trân trân làm người ta nghĩ đến cái kim đang tìm địa cực. Dù kéo dài đến đâu thời gian đi tới, thì cũng phải tới nơi; ông đã tới phố Filles-du-Calvaire, thế là ông dừng lại, ông run lên, ông đưa đầu ra khỏi góc ngôi nhà cuối cùng, một cách rụt rè, ảm đạm, và ông nhìn vào trong phố đó, và trong cái nhìn bi thảm đó có một cái gì giống sự choáng váng của cái không thể có và phản xạ của một thiên đường đóng kín. Rồi một giọt nước mắt dần dần tụ lại ở khóe mi, đã khá to, rớt xuống, trượt trên má ông và đôi khi dừng lại ở miệng ông. ông già cảm nhận thấy vị đắng của nó. ông đứng ỳ ra như thế mấy phút, chẳng khác gì một người bằng đá, rồi ông quay trở lại, cũng vẫn con đường ấy và bước chân ấy, và càng xa thì ánh mắt càng lịm tắt.
Dần dần, ông già ấy không đi đến tận góc phố Filles-du-Calvaire nữa, ông dừng lại ở nửa đường, trong phố Saint-Louis; khi thì xa hơn một chút, khi thì gần hơn một chút. Một hôm, ông ở lại góc phố Culture-Sainte-Catherine và nhìn phố Filles-du-Calvaire từ xa. Rồi ông lặng lẽ lắc lắc cái đầu từ phải sang trái, như thể từ chối cái gì đó, rồi quay về.
Chẳng bao lâu, ông cũng không đến được tận phố Saint-Louis nữa. ông đi tới phố Pavée,.bóp trán, rồi quay về; rồi ông không đi tới bên kia phố Trois-Pavillons nữa; cuối cùng ông không đi quá nhà thờ Blancs-Manteaux nữa. Có thể nói ông như một cái đồng hồ mà người ta không lên giây nữa, và những dao động ngắn lại, đợi đến lúc dừng hẳn.
Hàng ngày, ông vẫn ra khỏi nhà vào cùng giờ ấy, vẫn đi chặng đường ấy, nhưng không đi hết nữa, và không ngừng rút ngắn chặng đường lại, tuy, có lẽ ông không có ý thức gì về việc đó.
Vẻ mặt ông toát lên một ý nghĩ duy nhất: Nào có ích gì? Cái nhìn đã tắt; không còn tỏa sáng, nước mắt cũng đã cạn, nó không còn tụ lại ở khóe mi nữa, con mắt đăm chiêu đó đã khô kiệt.
Cái đầu ông già vẫn luôn nhô về phía trước; cái cằm đôi lúc ngọ nguậy; những nếp nhăn ở cái cổ ngẳng làm người ta thấy thương. Đôi khi, gặp thời tiết xấu, ông cắp một cái ô, nhưng không mở ra. Các bà đứng tuổi trong khu bảo: Đó là một người ngây thơ. Bọn trẻ con thì vừa đi theo ông vừa cười.
Một hôm, Jean Valjean đi xuống cầu thang, bước ba bước ra phố, ngồi lên một cột mốc; ông ở đấy vài phút rồi lại đi lên. Đó là dao động cuối cùng của cái đồng hồ. Hôm sau, ông không ra khỏi nhà. Đến hôm sau nữa, ông không ra khỏi giường.
Bà canh cửa, người dọn cho ông bữa ăn đạm bạc, vài lá bắp cải, hoặc vài củ khoai tây với một ít mỡ lá, nhìn vào cái đĩa bằng đất màu nâu và kêu lên:
- Này, hôm qua, ông chưa ăn, ông già thương mến!
- Có rồi đấy. - Jean Valjean trả lời.
- Đĩa vẫn còn đầy.
- Bà nhìn bình nước xem. Rỗng không.
- Điều đó chỉ chứng tỏ ông đã uống, chứ không chứng tỏ ông đã ăn.
- Thế nhưng, - Jean Valjean nói. - nếu tôi chỉ đói nước thì sao.
- Như thế gọi là khát, và khi cùng lúc, người ta không ăn, thì gọi là sốt.
- Đến mai tôi sẽ ăn.
- Hay là chẳng biết đến bao giờ. Tại sao không hôm nay? Ai lại nói: Đến mai tôi sẽ ăn!
Cứ để lại đĩa thức ăn của tôi còn nguyên, không hề đụng đến!
Jean Valjean cầm tay bà lão:.- Tôi xin hứa với bà là tôi sẽ ăn. - ông nói với giọng nhân từ của mình.
- Tôi không bằng lòng ông đâu. - Bà canh cửa trả lời.
Jean Valjean không nhìn thấy người nào khác ngoài bà lão này. ở Paris, có những phố không ai đi qua, và những căn nhà không ai đi đến.
Ông hiện đang ở trong một phố như thế và trong một căn nhà như thế.
Vào hồi ông còn ra ngoài, ông đã mua của một người bán sanh chảo, một cây thánh giá nhỏ bằng đồng, giá có vài xu, và đã treo nó vào một cái đinh, trước giường ông. Cái giá chữ thập đó bao giờ cũng dễ trông.
Đã được một tuần, Jean Valjean không đi một bước trong phòng mình. Lúc nào ông cũng nằm. Bà canh cửa nói với chồng:
- ông cụ trên gác không dậy nữa, không ăn nữa, chắc chẳng còn sống được bao lâu. ông luôn buồn phiền. Không ai cấm được tôi nghĩ rằng việc gả chồng cho cô con gái không được hay ho lắm.
Ông canh cửa đáp lại bằng một giọng gia trưởng:
- Nếu giàu, ông cụ phải có một thầy thuốc.
Nếu không có thầy thuốc, ông cụ sẽ chết.
- Thế nếu ông cụ có một thầy thuốc?
- Thì vẫn cứ chết. - ông canh cửa nói.
Bằng một con dao cũ, bà canh cửa bắt đầu cào cỏ mọc trong cái chỗ bà gọi là nền đá lát, và vừa nhổ cỏ, bà vừa làu bàu:
- Thật đáng tiếc. Một ông già sạch sẽ đến thế! ông trắng như một con gà giò.
Bà nhìn thấy, ở đầu phố, một ông thầy thuốc trong khu đang đi qua. Bà cảm thấy có trách nhiệm mời ông lên gác.
- ở tầng ba ấy. - Bà nói với ông thầy thuốc.
- ông chỉ việc bước vào. Vì ông cụ không thể ra khỏi giường nữa, nên chìa khóa lúc nào cũng ở cửa.
Ông thầy thuốc nhìn thấy Jean Valjean và nói chuyện với ông:
Khi ông trở xuống, bà canh cửa gọi, hỏi ông:
- Thế nào, bác sĩ?
- Người bệnh của bà ốm lắm.
- ông cụ làm sao?
- Bị đủ thứ và chẳng bị gì cả. Nhìn bên ngoài, thì đây là một người đã mất đi một người thân yêu. Người ta chết vì thế.
- ông cụ đã nói gì với ông?.- ông bảo tôi là ông khỏe.
- ông sẽ trở lại, phải không, bác sĩ?
- Phải. - Thầy thuốc trả lời. - Nhưng có lẽ cần phải có một người khác nữa trở lại.
Một tối, Jean Valjean tỳ vào khuỷu tay, nhổm dậy một cách khó nhọc. ông cầm bàn tay mình và không tìm thấy mạch. Hơi thở ngắn và nhiều lúc dừng lại, ông nhận thấy là mình chưa bao giờ bị yếu đến thế. Thế là, chắc hẳn dưới sức ép của một mối lo lắng cực độ, ông cố gắng ngồi dậy và mặc quần áo. ông mặc bộ quần áo thợ cũ. ông phải dừng lại nhiều lần trong khi mặc quần áo, chỉ mỗi việc xỏ hai ống tay áo vét cũng làm mồ hôi vã ra trên trán ông.
Từ khi sống một mình, ông đã kê giường ra phòng đợi, để chỉ phải ở một diện tích ít nhất trong căn hộ hoang vắng này.
Ông mở va ly và lôi đống quần áo của Cosette ra.
Ông bày nó lên giường.
Những chân đèn nến của giám mục vẫn ở chỗ cũ trên lò sưởi. ông lấy trong ngăn kéo ra hai cây nến bằng sáp và đặt chúng vào những chân đèn nến. Rồi, mặc dù trời còn sáng chưng, vì đang là mùa hè, ông cũng châm nến. Đôi khi, người ta thấy những ngọn đèn được thắp lên giữa ban ngày như vậy, trong những căn buồng có người chết.
Mỗi bước ông đi từ đồ vật nọ đến đồ vật kia lại làm ông mệt lử, và buộc ông phải ngồi xuống.
Ông buông mình xuống một chiếc ghế tựa đặt trước tấm gương, và ông không nhận ra mình nữa. ông đang ở tuổi tám mươi, trước ngày cưới của Marius, người ta cho là ông chỉ đến năm mươi tuổi; thế mà năm nay đã được tính thêm là ba mươi nữa. Cái có trên vầng trán, không còn là nếp nhăn của tuổi tác, đó là dấu hiệu bí hiểm của cái chết. Người ta cảm thấy ở đó sự đào xới tàn nhẫn của móng vuốt thần chết.
Đêm đã đến. ông hỳ hục kéo một cái bàn và cái ghế bành cũ lại gần lò sưởi, và đặt lên đó một cái bút, mực và giấy.
Làm ông, thì ông bị ngất. Khi tỉnh dậy, ông thấy khát. Không nhấc được bình nước lên, ông nghiêng nó vào mồm mình, một cách khó nhọc, và uống một ngụm.
Rồi ông quay về giường ngồi, vì ông không thể đứng được, ông nhìn cái áo dài nhỏ màu đen và tất cả những vật thân yêu kia..ạng cứ ngắm nhìn như thế trong nhiều giờ, nhưng đối với ông chỉ như trong vài phút. Bỗng ông rùng mình cảm thấy lạnh. ông tỳ khuỷu tay lên bàn, dưới ánh sáng những cây đèn của giám mục, và cầm bút.
Vì cả bút lẫn mực không được dùng từ lâu, nên đầu ngòi bút bị vênh, mực thì bị khô, ông phải đứng dậy và cho vài giọt nước vào mực.
Những việc đó ông không thể làm, mà không dừng lại, ngồi xuống hai, ba lần; và ông buộc phải viết bằng sống bút. Thỉnh thoảng ông lại lau trán.
Tay ông run run. ông viết chậm chạp mấy dòng sau đây:
"Cosette, cha cầu phúc cho con. Cha sẽ cắt nghĩa cho con hiểu. Chồng con đã làm đúng khi cho cha biết là cha phải ra đi. Tuy có chút ít sai lầm trong điều anh ấy đã nghĩ, nhưng anh đã làm đúng. Marius là một người tuyệt vời. Con hãy yêu anh ấy mãi mãi khi cha chết đi. Thưa ông Pontmercy, xin ông hãy yêu mãi mãi đứa con gái yêu dấu của tôi. Cosette, người ta sẽ tìm thấy tờ giấy này, đây là điều cha muốn nói với con, con sẽ thấy những con số, nếu cha đủ sức nhớ lại chúng, con hãy nghe cho rõ, tiền đó đúng là của con..." Đến đây, ông dừng lại, cái bút rời khỏi những ngón tay ông và bật ra một tiếng nức nở tuyệt vọng mà nó đã nhiều lúc dâng lên từ nơi sâu thẳm trong con người ông. Người đàn ông tội nghiệp ôm lấy đầu mình trong hai bàn tay, và suy nghĩ:
- ôi! - ông kêu lên trong lòng mình (những tiếng kêu thảm thiết, chỉ có Chúa nghe thấy). -Thế là hết. Ta sẽ không gặp nó nữa. Đó là một nụ cười đã lướt qua cuộc đời ta. Ta sắp đi vào trong đêm tối, mà cũng chẳng gặp lại nó. ồ! Một phút, một lúc, được nghe giọng nói của nó, sờ vào áo nó, ngắm nhìn nó, nó, thiên thần! Và rồi chết! Chết chẳng là gì cả, điều đáng sợ là chết mà không được gặp nó. Nó có thể cười với ta, nó có thể nói với ta một lời. Liệu điều đó có làm hại ai không? Không, thế là hết, mãi mãi.
Thế là chỉ có mình ta. Trời ơi! Trời ơi! Ta sẽ không gặp nó nữa.
Đúng lúc đó, có tiếng gõ cửa nhà ông..


Chương X

Những tiết lộ khác thường


Cũng ngày hôm đó, hay, nói cho đúng hơn, cũng tối hôm đó, khi Marius vừa rời khỏi bàn ăn và rút về văn phòng của mình, vì có một hồ sơ cần nghiên cứu, Basque đã trao cho chàng một lá thư và nói: Người viết lá thư này đang ở trong phòng đợi.
Cosette đã khoác tay người ông và đi một vòng ngoài vườn.
Một lá thư, cũng như một con người, có thể có dáng vẻ xấu. Giấy dày, phong bì thô, một số thư, chỉ mới nhìn, người ta đã bực mình. Lá thư, mà Basque đã mang vào, thuộc loại đó.
Marius cầm lấy lá thư. Mùi thuốc lá xông lên, không gì gợi nhớ bằng một mùi vị. Marius nhận ra thứ thuốc này. Chàng nhìn địa chỉ ghi trên phong bì:
Kính gửi ông, ngài nam tước Pontmercy.
ở tư dinh Thứ thuốc lá đã nhận ra được khiến chàng lại nhận ra cả chữ viết. Có thể nói rằng sự ngạc nhiên có những tia chớp. Marius như được soi sáng bằng một trong những tia chớp đó.
Khứu giác, bản ghi nhớ bí hiểm, vừa làm sống lại trong chàng cả một thế giới. Đúng là thứ giấy ấy, cái cách gấp ấy, màu mực nhợt nhạt ấy, đó đúng là nét chữ quen thuộc ấy, nhất là thứ thuốc lá ấy. Cái buồng áp mái Jondrette hiện ra trước chàng.
Đó thật là một việc làm liều lạ lùng của sự tình cờ! Một trong hai dấu vết chàng đã tìm kiếm bao lâu, mà gần đây thôi, đã làm chàng mất bao nhiêu công sức và tưởng là đã mất hẳn, thì nay lại vừa tự đến trình diện với chàng.
Chàng háo hức bóc thư, và đọc:
Thưa ngài nam tước Nếu Đấng Tối Cao phú cho tôi tài năng, thì tôi đã có thể là nam tước Thénard, thành viên học viện (viện hàn lâm khoa học), nhưng tôi không được như thế. Tôi chỉ trùng tên với ông ấy thôi, sung sướng nếu kỷ niệm ấy tiến cử tôi với lòng tốt tuyệt vời của ngài. Ân huệ mà tôi sẽ vinh dự được ngài ban cho, sẽ có đi có nại.
Tôi đang lắm một bí mật niên quan đến.một gã. Gã lày niên quan đến ngài. Tôi giữ bí mật lày để tùy ý ngài sử dụng, chỉ muốn có vinh dự được phục vụ ngài. Tôi sẽ hiến ngài kế sách đơn giản để đuổi khỏi gia đình vẻ vang của ngài cái gã chẳng có quyền gì kia, bà nam tước vốn nà người dòng dõi cao sang.
Điện thờ của đạo đức sẽ không thể chung sống lâu hơn nữa với tội ác mà không bị nật đổ.
Tôi đang ở trong phòng đợi để chờ nệnh ngài nam tước.
Kính thư Người viết thư ký tên "Thénard".
Không phải chữ ký giả. Chỉ hơi rút gọn.
Vả lại, lối nói tối nghĩa và sai chính tả đã đủ bộc lộ. Bản chứng nhận nguồn gốc đã hoàn chỉnh. Không thể nghi ngờ gì được nữa.
Marius xúc động sâu xa. Khi ngạc nhiên qua đi, chàng thấy sung sướng. Bây giờ, giá chàng tìm ra nốt người kia, người đã cứu sống chàng, Marius, thì có lẽ chàng chẳng còn gì để mong ước nữa.
Chàng mở một ngăn kéo tủ bàn giấy, lấy vài tờ giấy bạc ngân hàng, cho vào túi, đóng tủ lại, rồi rung chuông.
Basque hé mở cánh cửa.
- Cho vào. - Marius nói.
Basque báo tin:
- ông Thénard.
Một người đàn ông bước vào.
Một sự ngạc nhiên mới cho Marius. Người bước vào hoàn toàn xa lạ với chàng.
Người đàn ông ấy, vả lại cũng đã già, có cái mũi to, cái cằm lẩn trong cra-vát, cặp kính màu lục có hai cái che mắt bằng lụa trơn màu lục, mái tóc chải nhẵn và xẹp xuống trán đến sát lông mày như mái tóc giả của bọn xà ích của giới thượng lưu Anh. Tóc hắn đã hoa râm. Hắn mặc đồ đen từ đầu đến chân, một màu đen đã bạc, nhưng sạch sẽ, một chuỗi trang sức rẻ tiền làm dây móc đồng hồ, thòi ra khỏi túi hắn. Tay hắn cầm một cái mũ cũ. Khi hắn bước đi, lưng hắn còng, và còng còng thêm khi hắn cúi rạp xuống để chào.
Cái đập vào mắt người ta đầu tiên, đó là cái áo lễ của nhân vật đó, nó quá rộng, mặc dù đã cài khuy cẩn thận, hình như không phải may cho hắn.
Tất cả bộ quần áo đó đã được sử dụng quá lâu, nếu ta có thể nói được như vậy: những đường khâu đã bạc trắng, một cái khuyết mờ mờ hé mở ở một khuỷu tay áo, ngoài ra trên ngực áo lễ cũng thiếu một cái khuy, nhưng đó chỉ là một chi tiết; bàn tay của nhà chính khách, luôn luôn phải ở trong áo và để lên chỗ trái tim, có chức năng che cái khuy bị đứt.
Sự thất vọng của Marius, khi nhìn thấy một người khác, chứ không phải người mình đang mong đợi, trở thành nỗi bất hạnh của người mới đến. Chàng xem xét hắn từ đầu đến chân, trong khi nhân vật đó càng cúi rạp xuống quá mức, và hỏi hắn bằng một giọng ngắn, gọn:
- ông muốn gì?
Người đàn ông, nghe giọng nói phũ phàng, càng cúi rạp xuống chào và trả lời với một cái nhếch mép đáng yêu, phảng phất giống cái cười vuốt ve của một con cá sấu.
- Thưa ngài nam tước, xin hãy hạ cố nghe tôi nói. ở châu Mỹ, trong một đất nước về phía Panama có một ngôi làng tên là La Joya. Ngôi làng đó chỉ có một ngôi nhà duy nhất. Một ngôi nhà lớn hình vuông có bốn tầng, xây bằng gạch thô, mỗi cạnh của hình vuông dài năm trăm pi-ê, mỗi tầng gác lùi vào mười hai pi-ê so với tầng dưới, để có thể chừa ra phía trước, một cái sân thượng chạy quanh ngôi nhà, ở giữa là một cái sân, nơi để lương thực và đạn dược. Ngôi nhà không có cửa sổ, chỉ có những lỗ châu mai, không có cả cửa ra vào, chỉ có những cái thang, những cái thang để leo từ mặt đất lên sân thượng thứ nhất, và từ sân thượng thứ nhất lên sân thượng thứ hai, và từ sân thượng thứ hai lên sân thượng thứ ba, những cái thang để đi xuống sân trong. Ngôi nhà thậm chí không có cửa ra vào các phòng, chỉ có cửa sập, không có cầu thang lên các phòng, chỉ có những cái thang. Tối đến, người ta đóng cửa sập, rút hết thang, chĩa những khẩu súng loe miệng và súng các bin qua những lỗ châu mai. Chẳng có cách nào vào được; một ngôi nhà ban ngày, một thành trì ban đêm, tám trăm dân, đó là ngôi làng ấy. Tại sao phải thận trọng đến thế? Vì nước đó nguy hiểm. Thế tại sao người ta lại đi đến đó? Vì nước đó thật kỳ diệu; người ta tìm thấy vàng ở đó.
- ông muốn đi đến đâu? - Marius từ chỗ thất vọng đi đến sốt ruột, cắt lời khách.
- Tôi mong muốn được sang định cư ở La Joya. Chúng tôi gồm ba người. Tôi, vợ tôi và con gái tôi, một cô gái rất xinh đẹp. Chuyến đi dài và tốn kém. Tôi cần có một ít tiền..- Điều đó có gì liên quan đến tôi? - Marius hỏi.
- Tôi có một bí mật muốn bán cho ngài.
- Một bí mật ư?
- Một bí mật.
- Có liên quan đến tôi ư?
- Một chút.
- Bí mật ấy là cái gì?
Marius vừa nghe, vừa quan sát người đàn ông, mỗi lúc một kỹ hơn.
- Bắt đầu, tôi xin miễn phí. - Người lạ mặt nói. - Ngài sẽ thấy là tôi đáng được ngài quan tâm.
- ông nói đi.
- Thưa ngài nam tước, trong nhà ngài có một tên kẻ cắp và một tên giết người.
Marius rùng mình.
- Trong nhà tôi ư? Không. - Chàng nói.
Người lạ mặt điềm tĩnh, lấy khuỷu tay chải mũ, rồi nói tiếp:
- Giết người và ăn cắp. Tôi sẽ nói ngài biết tên thật của gã. Và không đòi ngài phải trả tiền.
- Tôi nghe đây.
- Gã tên là Jean Valjean.
- Tôi biết điều đó.
- Tôi sẽ nói, cũng không lấy tiền, để ngài biết gã là ai.
- ông nói đi.
- Đó là một tên tù khổ sai cũ.
- Tôi biết điều đó.
- Ngài biết điều đó từ lúc tôi có vinh dự nói với ngài điều đó.
- Không. Tôi đã biết từ trước.
Người đàn ông mỉm cười, nói tiếp:
- Tôi không cho phép mình cải chính lời nói của ngài nam tước. Dù sao, ngài cũng phải thấy là tôi nắm vững tin tức. Bây giờ, điều tôi cần cho ngài biết, thì chỉ có một mình tôi biết thôi.
Điều này liên quan đến tài sản của quý bà. Đây là một bí mật khác thường. Nó được đem bán.
Người đầu tiên mà tôi mời mua, chính là ngài.
Rẻ thôi. Hai mươi nghìn phơ-răng.
- Tôi biết điều bí mật ấy cũng như tôi biết tất cả những điều khác. - Marius nói.
Nhân vật ấy cảm thấy cần phải hạ giá xuống một chút:
- Thưa ngài nam tước, xin ngài hãy đặt mười nghìn phơ-răng, và tôi sẽ nói..- Tôi nhắc lại là ông chẳng có gì để cho tôi biết cả. Tôi biết cả những gì ông muốn nói với tôi rồi.
Trong mắt người đàn ông có một tia sáng mới, hắn kêu lên:
- Nhưng mà, hôm nay, tôi vẫn phải ăn bữa tối. Tôi xin nói với ngài, đây là một bí mật khác thường. Thưa ngài nam tước, tôi sắp nói. Tôi nói đây. Xin ngài cho tôi hai mươi phơ-răng.
Marius nhìn hắn chằm chằm:
- Tôi biết bí mật khác thường của ông, cũng như tôi đã biết tên Jean Valjean, cũng như tôi biết tên ông.
- Tên tôi ư?
- Phải.
- Điều đó không khó, thưa ngài nam tước.
Tôi đã vinh dự được viết nó và nói nó với ngài rồi. Thénard.
- Dier.
- Sao ạ?
- Thénardier.
- Ai thế ạ.
Marius nói tiếp:
- ông cũng là người công nhân Jondrette, kịch sĩ hài Fabantou, nhà thơ Genflot, người Tây Ban Nha Don Alvarès, và người phụ nữ Balizard.
- Người phụ nữ nào cơ?
- ông đã trông nom một quán ăn ở Mont-fermeil.
- Một quán ăn! Chưa bao giờ.
- Và tôi xin nói với ông rằng ông là Thénardier.
- Tôi phủ nhận điều đó.
- Và rằng ông là một tên vô lại. Đây, cầm lấy.
Và Marius rút trong túi ra một tờ giấy bạc, ném vào mặt hắn.
- Cảm ơn! Xin lỗi! Năm trăm phơ-răng!
Thưa ngài nam tước!
Người đàn ông kinh ngạc, vừa chào, vừa cầm tờ giấy bạc, xem kỹ.
- Năm trăm phơ-răng! - Hắn sửng sốt nhắc lại. Và khẽ lắp bắp:
- Một tờ giấy bạc thật!
- Vậy thì, được! - Hắn kêu lên. - Chúng ta hãy cởi bớt áo cho thoải mái.
Rồi, với sự nhanh nhẹn của một con khỉ, hắn hất tóc ra phía sau, gỡ bỏ cặp kính, rút khỏi mũi và làm biến mất hai ống lông nó làm cho hắn biến dạng, hắn đã bỏ mặt hắn ra như người ta bỏ mũ vậy..Mắt hắn sáng lên, cái trán mấp mô, xẻ rãnh, nhiều chỗ lại gồ lên đã lộ ra phía trên nhăn nheo xấu xí, cái mũi trở lại nhọn như một cái mỏ.
Hình dáng hắn trông nghiêng dữ tợn và tinh quái như một con thú săn mồi.
- Ngài nam tước không thể sai lầm được. -Hắ n nói bằng một giọng rõ ràng, không còn một tý giọng mũi nào nữa. - Tôi đúng là Thénardier.
Thénardier đã tìm cách biết được nhiều điều.
Hắn đã đoán được người mình gặp trong cống ngầm lớn là ai. Hắn biết được bà nam tước Pont-mercy chính là Cosette. Nhưng Cosette là ai? Hắn thoáng thấy có điều bí ẩn gì đó ở phía ấy, nhưng hắn nghĩ, khôn hồn thì đừng nói gì đến chuyện đó.
Marius vẫn còn suy nghĩ. Vậy là, cuối cùng, chàng đã nắm được Thénardier. Con người chàng hằng mong muốn tìm ra ấy, đang ở kia. Chàng sắp có thể làm vinh dự cho lời dặn dò của đại tá Pontmercy. Chàng thấy xấu hổ vì vị anh hùng đó lại nợ tên kẻ cướp kia một cái gì đó.
Marius phá vỡ sự im lặng.
- Thénardier, tôi đã nói được tên ông. Bây giờ thì, bí mật của ông, điều mà ông đã muốn cho tôi biết, ông có muốn tôi nói ra với ông không? Tôi, tôi cũng có những thông tin của mình. ông sẽ thấy rằng tôi còn biết nhiều hơn ông. Jean Valjean, như ông đã nói, là một tên giết người và một kẻ cắp. Một kẻ cắp, vì hắn đã lấy cắp của một ông chủ xưởng giàu có mà hắn đã làm cho phá sản. ông Madeleine. Một tên giết người, vì hắn đã giết viên cảnh sát Javert.
- Tôi thật không hiểu, thưa ngài nam tước?
- Thénardier nói.
- Tôi sẽ làm cho ông hiểu tôi. ông hãy nghe đây. Trong một quận của Pas-de-Calais, vào khoảng 1822, có một người đàn ông, đã có lần tranh chấp gì đó với tòa án, và, sau đó, dưới cái tên Madeleine, đã trỗi dậy và được phục quyền.
Người đàn ông đó đã trở thành một người công minh, với tất cả ý nghĩa mạnh mẽ của từ này.
Với một ngành kỹ nghệ là ngành chế tạo hạt cườm đen, ông đã làm giàu cho cả một thành phố. Còn về tài sản riêng, ông cũng có gây dựng, nhưng chỉ là thứ yếu, và, có thể nói, chỉ khi có dịp thôi. ông là người cha, nuôi sống những kẻ nghèo khổ. ông lập bệnh viện, mở trường học, thăm người ốm, cấp của hồi môn cho các cô gái, giúp đỡ các bà góa, thu nhận các trẻ mồ côi, ông như người giám hộ của xứ đó. ông từ chối huân chương, và người ta đã chỉ định ông làm thị trưởng. Một tên tù khổ sai được thả, nắm được.bí mật về một hình phạt mà trước kia ông đã phải chịu, tố cáo ông, khiến ông bị bắt, rồi lợi dụng việc ông bị bắt, hắn đã đến Paris bảo chủ ngân hàng Laffitte trao cho mình, - tôi biết chuyện này nhờ chính viên thủ quỹ - số tiền một triệu thuộc về ông Madeleine. Tên tù khổ sai đã lấy cắp của ông Madeleine đó chính là Jean Valjean. Còn về sự việc kia, ông cũng chẳng có gì để cho tôi biết nữa. Jean Valjean đã giết viên cảnh sát; bằng một phát súng ngắn. Tôi, người đang nói với ông đây, đã có mặt ở đấy mà.
Thénardier đành chỉ nói với Marius:
- Thưa ngài nam tước, chúng ta đang đi nhầm đường.
Và hắn nhấn mạnh câu đó bằng cách quay tít chuỗi trang sức rẻ tiền một cách đầy ý nghĩa.
- Sao! - Marius lại nói. - ông còn tranh cãi ư? Đó là những sự thật mà.
- Đó là những ảo tưởng. Vì tôi vinh dự được ngài nam tước tin cậy, nên tôi thấy có bổn phận phải nói điều đó với ngài. Trước hết, phải là sự thật và công lý đã. Tôi không thích nhìn thấy người khác bị buộc tội oan. Thưa ngài nam tước, Jean Valjean không hề lấy cắp của ông Madeleine, và Jean Valjean cũng không hề giết Javert.
- Thế thì quá lắm! Sao lại thế được?
- Vì hai lý do.
- Những lý do gì? ông nói đi.
- Đây là lý do thứ nhất: hắn đã không lấy cắp của ông Madeleine, vì rằng chính hắn, Jean Valjean, cũng là ông Madeleine.
- ông nói gì mà lạ thế?
- Còn đây là lý do thứ hai: hắn đã không giết Javert, vì kẻ đã giết Javert, chính là Javert.
- ông muốn nói gì?
- Rằng Javert đã tự tử.
- Chứng minh đi! Chứng minh đi! - Marius phát khùng, kêu lên.
Thénardier vừa nói tiếp, vừa dằn từng tiếng, theo kiểu ngâm một bài thơ alexanđrin cổ:
- Viên-cảnh-sát-Ja-vert-đã-được-tìm-thấy-do-chết- đuối-dưới-một-con-tàu-ở-cầu-Pont-au-Change.
- Nhưng hãy chứng minh đi!
Thénardier rút từ trong túi bên cạnh mình ra một cái phong bì to bằng giấy màu xám, hình như đựng những tờ giấy gập lại, to nhỏ khác nhau.
- Tôi có hồ sơ đây. - Hắn nói một cách điềm tĩnh.
Rồi, nói thêm: - Thưa ngài nam tước, vì quyền lợi của ngài, tôi đã muốn tìm hiểu Jean Valjean đến nơi, đến chốn. Tôi nói rằng Jean Valjean và Madeleine, cùng là một người, và tôi nói rằng Javert không bị ai khác giết, ngoài chính Javert, và khi tôi nói, là tôi có bằng chứng. Không phải bằng chứng viết tay, vì chữ viết còn đáng nghi, chữ viết còn dễ thỏa hiệp, mà là những bằng chứng in cơ.
Vừa nói, Thénardier vừa rút trong phong bì ra, hai số báo đã vàng, đã phai và sặc mùi thuốc lá. Một trong hai tờ báo đó, bị đứt ở tất cả các nếp gấp và rơi xuống thành những mảnh vuông có vẻ cũ hơn nhiều, so với tờ kia.
- Hai sự việc, hai bằng chứng. - Thénardier nói, và đưa cho Marius hai tờ báo đã mở ra.
Một tờ, tờ cũ hơn, là một số báo Cờ trắng, số ra ngày 25 tháng bảy 1823, xác nhận sự đồng nhất của ông Madeleine và Jean Valjean. Tờ kia, một số báo Người hướng dẫn ra ngày 15 tháng sáu 1832 xác nhận vụ tử tử của Javert, nói thêm là do Javert đã báo cáo miệng với cảnh sát trưởng rằng mình đã bị bắt làm tù binh ở chiến lũy Chanvrerie, nhưng đã được một nghĩa quân, cầm giữ mình bằng một khẩu súng ngắn, đáng lẽ phải bắn vỡ sọ mình, thì với một tấm lòng cao cả, đã bắn chỉ thiên, tha chết cho mình.
Jean Valjean đột nhiên ra khỏi mây mù, và lớn lên.
Marius không nén nổi vui mừng, reo lên:
- Thế thì con người khốn khổ đó thật đáng khâm phục! Tất cả tài sản này đúng là của ông!
Đó là Madeleine, người chăm lo cho cả một xứ!
Đó là Jean Valjean, người đã cứu Javert! Đó là một anh hùng! Đó là một vị thánh!
- Đó không phải là một vị thánh, đó không phải là một anh hùng. - Thénardier nói. - Đó là một tên giết người và một kẻ cắp.
Và hắn nói thêm bằng giọng của một người bắt đầu cảm thấy có một chút uy quyền.
- Ta hãy bình tĩnh.
Kẻ cắp, tên giết người, những từ mà Marius tưởng đã biến mất ấy, vẫn còn trở lại, giội xuống người Marius khiến chàng cảm thấy như mình đang phải tắm bằng nước đá.
- Vẫn còn nữa! - Chàng nói.
- Vẫn còn. - Thénardier nói. - Jean Valjean đã không lấy cắp của Madeleine, nhưng là một kẻ cắp. Hắn đã không giết Javert, nhưng là một tên giết người..- Chắc ông muốn nói, - Marius lại nói, - đến vụ lấy cắp khốn khổ cách đây bốn mươi năm và, theo chính những tờ báo của ông, đã được chuộc lại bằng cả một cuộc đời ăn năn, quên mình và đức độ, phải không?
- Tôi nói giết người và lấy cắp, thưa ngài nam tước. Và tôi nhắc lại là tôi nói đến những sự việc hiện tại. Điều tôi sắp nói với ngài đây, hoàn toàn chưa ai được biết. Một điều hoàn toàn mới lạ. Và có thể ngài sẽ tìm thấy ở đó nguồn gốc của tài sản mà Jean Valjean đã khéo léo tặng cho bà nam tước. Tôi nói khéo léo, vì, bằng một món quà tặng loại đó, len lỏi vào được một nhà vẻ vang, cùng chia sẻ cảnh sung túc với người ta, và, nhân thể giấu giếm tội ác của mình, hưởng thụ của ăn cắp của mình, chôn vùi cái tên của mình, và tạo cho mình một gia đình, điều đó chẳng phải là quá vụng đâu.
- Đáng lẽ tôi có thể cắt lời ông ở đây, -Marius nhận xét. - nhưng thôi, ông cứ nói tiếp.
- Thưa ngài nam tước, tôi sắp nói với ngài đây, còn tiền thưởng thế nào thì xin tùy tính hào phóng của ngài. Bí mật này đáng giá vàng khối.
Ngài sẽ bảo tôi: Sao ngươi không nói với Jean Valjean? Vì một lý do hết sức đơn giản: tôi biết là hắn đã nhượng lại và nhượng lại có lợi cho ngài, và tôi thấy hắn tính toán cũng khéo léo, nhưng hắn chẳng còn một xu, hắn sẽ chìa cho tôi xem hai bàn tay trắng, và cũng vì tôi cần ít tiền cho chuyến đi sang La Joya, nên tôi thích nói với ngài hơn, ngài là người có tất cả, hắn thì chẳng có gì. Tôi hơi mệt, cho phép tôi lấy một cái ghế.
Marius ngồi xuống và ra hiệu cho hắn ngồi.
- Thưa ngài nam tước, ngày 6 tháng sáu 1832, cách đây khoảng một năm, cái ngày khởi loạn ấy, có một người đàn ông ở dưới cống ngầm lớn của Paris, về phía cống nối với sông Seine, giữa cầu Invalides và cầu Iéna ấy.
Người ấy, buộc phải đi trốn vì những lý do không dính dáng gì đến chính trị, đã lấy cống ngầm làm nhà và có một cái chìa khóa. Tôi xin nhắc lại, đó là ngày 6 tháng sáu, có thể là tám giờ tối. Người đàn ông nghe thấy tiếng động trong cống. Rất lấy làm lạ, anh ta thu mình lại và rình. Có tiếng chân bước, trong bóng tối, về phía anh ta. Thật lạ, trong cống, ngoài anh ta, còn có một người khác. Cửa ra khỏi cống bằng song sắt cách anh ta không xa lắm. Một ít ánh sáng từ đó lọt vào khiến anh ta nhận thấy kẻ.mới đến và thấy hắn vác một vật gì trên lưng.
Hắn bước đi, lưng còng xuống. Con người bước đi, lưng còng xuống ấy, là một tên tù khổ sai cũ, và vật hắn kéo trên vai là một xác chết. Nếu đúng như thế, thì đây là một vụ giết người bị bắt quả tang. Còn việc lấy cắp, thì dĩ nhiên cũng có, người ta không giết người mà lại không được trả công. Tên tù khổ sai ấy sắp vứt cái xác ấy xuống sông. Một việc đang ghi là, trước khi tới cái cửa ra bằng song sắt đó, tên tù khổ sai đến từ xa trong cống ngầm, tất nhiên đã gặp một ổ gà kinh khủng và hình như đã có thể bỏ lại cái xác ở đó. Nhưng ngay sáng hôm sau, những người phu móc cống, khi làm việc ở ổ gà, có thể tìm thấy người bị giết và điều đó không có lợi cho tên giết người. Hắn đã muốn vượt qua ổ gà cùng gánh nặng của mình hơn, và những cố gắng của hắn thật là đáng sợ, người ta không thể liều mạng hơn thế được. Tôi không hiểu làm sao hắn lại có thể ra khỏi chỗ đó mà vẫn còn sống được.
Cái ghế của Marius xích lại gần hơn nữa.
Thénardier tranh thủ lúc đó để thở một hơi dài.
Hắn nói tiếp:
- Thưa ngài nam tước, một cống ngầm đâu có phải là quảng trường Mars. ở đó, người ta thiếu mọi thứ, thiếu cả chỗ đứng. Khi có hai người ở đó, họ ắt phải gặp nhau. Đó là điều đã xảy ra. Kẻ ở đó và người đi qua đó buộc phải chào hỏi nhau, thật đáng tiếc cho cả hai. Người đi qua nói với kẻ ở đó:
- Cậu thấy mình có cái gì trên lưng chứ, mình phải đi ra ngoài, cậu có chìa khóa, cho mình mượn.
Tên tù khổ sai ấy là một người có sức mạnh ghê gớm. Không thể từ chối được. Tuy vậy, kẻ có chìa khóa vẫn thương thuyết, chỉ là để kéo dài thời gian thôi. Anh ta xem xét người chết ấy, nhưng chẳng tìm được gì cả, trừ phi thấy người ấy còn trẻ, ăn mặc tươm tất, có vẻ giàu, và hoàn toàn biến dạng vì máu. Vừa nói chuyện, anh ta vừa tìm được cách xé và dứt ra một miếng vải áo lễ của người bị giết, mà không để cho tên giết người nhận thấy. Tang vật đã nằm trong túi anh ta. Sau đó, anh ta mở cửa sắt, cho người đàn ông, với vật cồng kềnh trên lưng hắn, đi ra, đóng cửa sắt lại, rồi bỏ chạy, không mong được dính líu vào đoạn sau của biến cố và nhất là không muốn có mặt ở đó khi tên giết người ném người bị giết xuống sông. Bây giờ thì ngài hiểu. Kẻ vác xác chết, chính là Jean Valjean, kẻ có chìa khóa.thì lúc này đang nói với ngài, còn miếng vải áo lễ.
Thénardier vừa nói dứt câu vừa rút trong túi ra và cầm ngang tầm mắt, kẹp giữa hai ngón tay cái và hai ngón tay trỏ, một miếng vải đen nham nhở, phủ đầy những vết sẫm màu.
Marius đứng ngay dậy, mặt tái đi, hầu như nín thở, mắt trân trân nhìn vào miếng dạ đen, và, không thốt một lời, mắt không rời khỏi miếng vải rách ấy, chàng đi lùi về phía tường, rồi, dang tay phải ra đằng sau, dò dẫm tìm trên tường, một cái chìa khóa tủ tường ở gần lò sưởi. Tìm được chìa khóa ấy rồi, chàng mở tủ tường, thọc cánh tay vào đó mà chẳng cần nhìn theo, vì con mắt hốt hoảng vẫn không rời khỏi miếng giẻ mà Thénardier đang cầm giăng ra.
Trong khi đó, Thénardier vân tiếp tục:
- Thưa ngài nam tước, tôi có những lý lẽ thuyết phục nhất để tin rằng chàng trai trẻ bị giết là một gã nước ngoài giàu có, mang theo một số tiền lớn, bị Jean Valjean đưa vào bẫy.
- Chàng trai trẻ ấy là tôi, còn cái áo lễ đây!
- Marius kêu lên, rồi vứt xuống sàn nhà, một cái áo lễ cũ màu đen dính đầy máu.
Rồi, giật miếng vải khỏi tay Thénardier, chàng ngồi xổm bên cái áo lễ, rồi ráp miếng vải vào cái vạt áo rách nham nhở. Vết rách hoàn toàn khít, và miếng vải bổ khuyết cho cái áo.
Thénardier sững sờ. Hắn nghĩ: "Lạ quá!".
Marius vừa đứng dậy vừa run, thất vọng, rồi rạng rỡ.
Chàng lục trong túi mình, rồi điên tiết, bước về phía Thénardier, chìa cho hắn và gần như ấn vào mặt hắn, một nắm đầy những tờ giấy bạc năm trăm phơ-răng và một nghìn phơ-răng của mình.
- ông là một kẻ đê tiện! ông là một kẻ dối trá, một kẻ vu khống, một kẻ gian ác. ông đến định buộc tội người ấy, hóa ra lại thanh minh cho ông ta. ông muốn bêu xấu người ta, thì lại chỉ càng tôn vinh người ta lên thôi. Và chính ông mới là kẻ cắp! Chính ông mới là tên giết người! Tôi đã thấy ông, Thénardier Jondrette, trong cái ổ chuột ở phố nhà thương kia. Tôi biết về ông khá nhiều để có thể đưa ông vào tù, và còn xa hơn nữa, nếu tôi muốn thế. Này, cầm lấy, một nghìn phơ-răng đây, đồ vô lại.
Và chàng ném tờ giấy bạc một nghìn phơ-ră ng cho Thénardier..- A! Jondrette Thénardier, đồ đểu giả xấu xa!
Mong rằng đây là một bài học cho ông, kẻ buôn chuyện kín, kẻ bán bí mật, kẻ lục lọi bóng tối, kẻ khốn cùng! Cầm lấy năm trăm phơ-răng này, rồi ra ngay khỏi đây! Waterloo che chở cho ông đấy.
- Waterloo! - Thénardier vừa làu bàu, vừa nhét vào túi tờ năm trăm phơ-răng cùng với tờ một nghìn phơ-răng.
- Phải, quân giết người! ở đó, ông đã cứu sống một đại tá...
- Một vị tướng chứ! - Thénardier ngửng đầu lên, cãi.
- Một đại tá! - Marius nổi khủng, nhắc lại.
- Nếu là một vị tướng, thì đừng hòng ta cho một xu. Và ông đến đây để làm những chuyện bỉ ổi! Tôi nói cho ông biết rằng ông đã phạm đủ mọi tội ác. Cút đi! Biến đi! Chỉ mong ông được sung sướng, đó là tất cả những gì tôi muốn.
Ôi! Đồ quỷ! Thêm ba nghìn phơ-răng nữa đây.
Cầm lấy. Ngay ngày mai, ông sẽ đi sang châu Mỹ, cùng với con gái ông, vì vợ ông chết rồi, ông đã nói dối khiến người ta phát tởm. Tôi sẽ chăm lo cho buổi lên đường của ông, đồ kẻ cướp, đến lúc đó, tôi sẽ chi thêm cho ông hai mươi nghìn phơ-răng. ông hãy đi nơi khác mà chịu tội.
- Thưa ngài nam tước. - Thénardier vừa trả lời vừa cúi sát đất để chào. - Xin đời đời biết ơn ngài.
Rồi Thénardier bước ra, không hiểu gì hết, vừa sửng sốt, vừa vui mừng, vì bị đè bẹp, nhưng lại thấy êm dịu, dưới những túi vàng kia, và bị sét đánh lên đầu thành những tờ giấy bạc ngân hàng ấy.
Bị sét đánh, nhưng hắn lại hài lòng và hắn sẽ rất buồn nếu có một cột thu lôi chống lại tiếng sét đó.
Thénardier vừa ra khỏi, Marius cũng chạy ra vườn, thấy Cosette vẫn còn dạo chơi ở đó.
- Cosette! Cosette! - Chàng kêu lên. - Lại đây! Nhanh lên. Chúng ta đi thôi. Basque, gọi ngay một cái xe! Cosette, lại đây. ôi! Trời ơi!
Chính người cứu sống anh! Không thể để mất một phút! Em quàng khăn vào.
Cosette tưởng chàng điên, và vội nghe theo.
Chàng như không thở được, đặt tay lên ngực để kìm bớt tiếng đập của trái tim. Chàng bước những bước dài, đi đi lại lại, chàng ôm lấy Cosette:.- ôi! Cosette! Anh khổ quá! - Chàng nói.
Marius cuống cuồng. Chàng bắt đầu hé nhìn thấy, trong ông Jean Valjean kia, một cái gì đó như một nhân vật cao thượng và u uẩn. Một đức độ lạ lùng hiện ra với chàng, cao cả và dịu dàng, khiêm nhường trong cái vĩ đại của nó. Người tù khổ sai đã biến thân thành Chúa Cơ-đốc. Marius bị choáng lòa vì điều kỳ diệu đó.
Chàng không biết cái mình nhìn thấy thật ra là cái gì, nhưng quả là vĩ đại.
Chỉ một chốc, một cái xe ngựa thuê đã ở trước cửa.
Marius đỡ cho Cosette lên, rồi chàng cũng lao lên.
- Xà ích. - Chàng bảo. - Phố Homme-Armé, số 7.
Cái xe bắt đầu lăn bánh.
- ôi chao! Sung sướng quá! - Cosette nói. -Phố Homme-Armé. Trước, em không dám nói với anh về phố đó. Chúng ta sắp gặp ông Jean.
- Cha em! - Cosette ạ, cha em đúng nghĩa hơn bao giờ hết. Cosette này, anh đoán ra rồi.
Em có bảo anh rằng em chưa hề nhận được lá thư mà anh đã nhờ Gavroche đưa cho em. Nó đã rơi vào tay cha. Cosette này, người đã đi ra chiến lũy để cứu anh. Vì người thấy cần thiết phải làm một thiên thần hộ mệnh, nên tiện thể, người cứu cả những kẻ khác, người đã cứu Javert.
Người đã kéo anh ra khỏi cái vực ấy để trao anh cho em. Người đã vác anh trên lưng trong cái cống ngầm kinh khủng ấy. ôi! Anh thật là một con quỷ vô ơn. Cosette này, sau khi đã chăm lo cho em, người đã chăm lo cho anh. Em hãy hình dung một cái ổ gà khủng khiếp, trong đó người ta có thể chết đuối hàng trăm lần, mà chết đuối trong bùn, Cosette ạ! Thế mà người đã đỡ anh qua được. Anh đã bị ngất, anh chẳng nhìn thấy gì, chẳng nghe thấy gì, anh chẳng thể biết tý gì về nỗi gian truân của chính mình. Chúng ta sẽ đưa người về, về ở với chúng ta, dù người muốn hay không muốn, người cũng sẽ không rời chúng ta nữa. Miễn là người đang ở nhà! Miễn là chúng ta tìm thấy người! Anh sẽ sống phần còn lại của đời mình để sùng bái người. Phải, phải là như thế, em thấy không, Cosette? Chính Gavrroche đã trao lá thư của anh cho người. Tất cả đã rõ.
Em hiểu chứ.
Cosette chẳng hiểu gì hết.
- Anh nói đúng đấy. - Nàng bảo chàng..Trong khi đó, xe tiếp tục lăn bánh.

Nguồn: http://vnthuquan.net/