Chương 17
Tố Phượng sốt ruột đứng đợi Mai Nhi trước cổng trường dạy nữ công gia chánh. Cô lo con nhỏ Nhi mải mê đi thâu tiền mà quên rước cô giùm. Thở dài, Phượng dựa vào hàng rào, chiếc túi xách thòng xuống đong đưa sát chân cô đơn độc.
Cũng tại chiếc xe ăn hại, một tháng hư gần hết hai tuần, tiền sửa chữa rồi phương tiện không có làm Phượng khổ sở mỗi lúc muốn đi đâu.
Sáng nay cũng vậy, xách xe ra cổng đạp mỏi cả chân vẫn không nổ. Ngày xưa Trường biết ý chiếc xe này, anh chỉ loay hoay với nó một chút là Phượng đã an tâm. Bây giờ thì chỉ mình cô, và Phượng dĩ nhiên làm sao được việc chữa bệnh cho xe, dầu chỉ là bệnh rất thông thường. Cô đành đi xích lô đến cơ quan, ở lại đó buổi trưa, chiều đi học và điện thoại nhờ Nhi đến rước giùm. Chắc con bé quên mất rồi!
Vừa dợm bước định tìm xích lô thì Tố Phượng đã thấy Đình trờ xe tới. Anh ngừng lại trước mặt cô, miệng cười cuốn hút. Phượng đứng sững như trời trồng.
Cô chẳng ngờ Đình xuất hiện đột ngột ở đây, vào lúc này. Tình cờ hay hữu ý đây? Dù thế nào thì cái tư tưởng phòng thủ vẫn trỗi dậy trong cô đầu tiên lấn hết thảy mọi suy nghĩ khác. Tố Phượng buột miệng hỏi một câu mới thấy mình ngớ ngẩn:
– Anh Đình đi đón người thân à?
Gật đầu nhưng mắt vẫn không rời gương mặt Phượng, Đình nửa đùa, nửa thật:
– Mai Nhi bận việc, nhưng cô ấy vẫn nhớ tới Phượng, cô ấy ra lệnh cho tôi bằng bất cứ giá nào cũng phải đưa cho được Phượng về đến nhà tối nay.
Giả vờ thở dài thiểu não, Đình trầm giọng xuống:
– Phải thừa nhận là Nhi rất oai, cô ta chẳng phải là thủ trưởng của tôi, nhưng lệnh cô ta đưa ra tôi tuân thủ ngay lập tức.
Nghiêm gương mặt lạnh lại, Đình hỏi:
– Phượng có biết vì sao không?
Tố Phượng bối rối, cô chớp mắt rồi nhè nhẹ lắc đầu. Ôi! Lòng cô xao động tràn đầy. Cô chẳng biết ứng phó thế nào ngòai việc lắc đầu cho qua chuyện.
– Vì một điều rất dễ hiểu mà tôi cũng vừa phát hiện ra. Chẳng qua lệnh của Mai Nhi trùng hợp với mệnh lệnh của trái tim tôi đó thôi.
Nóng bừng cả hai bên má. Phựơng liếc vội Đình rồi cúi xuống nhìn mấy chiếc lá khô sẫm màu nằm chơ vơ bên lề đường. Trái tim cô trĩu xuống một nỗi lo. Cô vẫn sợ đàn ông mồm mép. Mà Đình ngoài cái mồm mép ra lại già đời và quyền chức. Phượng sắp vướng vào vòng mê đắm ngọt ngào rồi đây nếu cô không cứng rắn.
– Thật phiền anh Đình quá! Phượng còn đi công việc lòng vòng nhiều chỗ lắm, tưởng có Nhi hai đứa cùng đi cho vui. Giờ Phượng về bằng xích lô, không lại trễ việc.
Cô cắn môi khi thấy mắt Đình đang lấp lánh bỗng dưng tối sầm lại. Anh mỉm cười ngay sau cái chớp mi thật nhanh. Nụ cười của một nhà ngoại giao đi kèm với câu nói cũng rất ngoại giao đầy hóm hỉnh:
– Tiếc thật! Tôi chỉ còn biết mong một dịp may khác ...có thể rất gần nếu xe của Phượng tiếp tục hư và Nhi tiếp tục bận việc.
Nói dứt câu, Đình gởi cái nhìn như một lời chào hơi lâu trên gương mặt Phượng rồi phóng xe đi.
Tố Phượng bước một mình trên hè phố. Con đường vắng vẻ với những hàng me dọc ngôi trường đã quá giờ tan học. Cô bước những bước dài mệt mỏi. Với chiếc túi xách choàng trên vai kiểu bất cần, trông Phượng thật lạ thường, thật đơn độc.
Vừa rồi, cô đã xua Đình bằng những lời vụng về nhất cô có, để bây giờ Phượng thấy trống vắng đến ngợp hồn, cô đơn đến tuyệt vọng. Phượng biết Nhi và Triết đang cố tình vun vào cho cô và Đình tiến xa hơn nữa mối quan hệ đang có giữa hai người. Điều này làm Phượng tự ái. Cô không muốn ai sắp xếp, đặt để trái tim cô cả. Hai lần từ chối đi xem ca nhạc với Đình là hai đêm Phượng thao thức. Gã đàn ông lạnh lùng đó hình như đã bước tới ngưỡng cửa khu vườn hồn cô rồi. Một khu vườn âm u đầy cỏ dại, nếu hắn ta bản lãnh lỳ lợm và trì chí biết đâu hắn sẽ thành công.
Phượng mỉm cười chua xót. Gã đàn ông cao ngạo ấy bỏ đi và khu vườn hồn cô lại quạnh hiu khép cửa.
Qua một đoạn dài, Phượng mới phát hiện ra khúc đường này hình như cấm xích lô chạy. Muốn đón xe phải chịu khó đi hết con đường vắng vẻ này thôi. Có thể mình nhởn nhơ một chút cho khuây khỏa trước khi lên xe về nhà cũng nên!
Con đường thật yên tĩnh với những ngôi biệt thự ở hai bên với không khí thơm hương hoa nở về đêm. Đây là nơi lý tưởng cho các cặp tình nhân cần tâm sự. Tố Phượng nghĩ như vậy khi cô thấy thoáng ẩn hiện sau những gốc cây to là những cặp trai gái quấn quít lấy nhau.
Mặc cảm cô đơn xui chân Phượng bước mau hơn, cô xuống lòng đường và lầm lũi đi tới.
– Đi ...không em bé!
Tiếng xe và tiếng đàn ông sát bên người làm Phượng hết hồn quay lại.
Gương mặt gớm ghiếc nồng nặc hơi rượu của hai tên con trai gần như muốn đụng vào mặt cô khiến cô mất tinh thần.
Tên ngồi phía sau chộp ngay ngực Phượng, miệng nhăn nhở:
– Nai tơ à! Lên đây ngồi giữa hai anh.
Dứt lời, hắn kéo ngược cô thật mạnh. Phượng hét lên:
– Buông tôi ra!
Vung chiếc túi xách lên, Phượng vụt đại vào người hắn. Gã đàn ông điên tiết leo xuống khỏi xe. Hắn ghịt mái tóc dài của cô xuống, ngửi mặt cô lên rồi phun vào những lời gớm ghiếc:
– Mẹ! Con nhà lành hả? Đừng làm màu! Con nhà lành không đứa nào thả rông ban đêm một mình ở khúc đường này như vầy đâu. Khi dễ bọn anh không tiền à?
Phượng vừa đau vừa khiếp hãi, cô vùng vẫy và la to:
– Ăn cướp! Ăn cướp!
– Khúc này lúc nào lại chẳng có ăn cướp. Em la lối cũng chẳng ai nghe. Có im cha cái mồm không thì bảo!
Tên thứ hai dựng xe bước đến, hắn hình như đã rất say nên sấn tới Phượng với điệu bộ loạng choạng, chẳng nói chẳng rằng hắn vung tay vào mặt cô hai cái nổ đom đóm. Tiện tay, hắn xé toạc vạt áo trước ngực cô ra.
Phượng bủn rủn cả người, nước mắt cô trào ra tối tăm mày mặt, cô không kêu cứu được nữa ...
– Buông cô ta ra ngay! Đồ khốn!
Phượng té chui vào lề đường khi tên say xô cô để chạy thoát. Phượng thấy mình kiệt sức hoàn toàn, cô run rẩy hoảng loạn và òa lên như đứa trẻ con khi nhận ra Lâm Đình đang ngồi thụp kế bên cô. Giọng nah khàn đi vì lo lắng:
– Em ...em có sao không! Té có trúng đâu không? Hình như mắt sưng rồi!
Đình càng hỏi Phượng càng khóc dữ, chưa bao giờ cô thấy tủi thân và yếu đuối như lúc này. Những giọt nước mắt như một cái cớ để Đình ân cần choàng tay qua bờ vai rung rung của Phượng, cô đang cần một chỗ dựa, và khoảng ngực rộng ấm của Đình thoáng chốc đã ướt đẫm nước mắt.
Nhìn Tố Phượng, Đình xót cả lòng. Bàn tay cô cuống quýt kéo vạt áo bị xé tung, tóc lòa xòa che gương mặt. Anh dịu dàng.
– Đừng sợ nữa! Tôi sẽ đưa Phượng về!
Đình nhẹ nhàng đỡ Phượng đứng dậy, anh dìu cô ra xe. Ngồi sau lưng anh, Phượng vẫn còn thút thít như con nít.
Giọng Đình ấm áp:
– Lúc nãy Phượng không bằng lòng cho tôi đưa về, tôi phóng xe như bay mà chẳng biết đi đâu. Vòng qua vài con phố vắng, tôi sực nhớ đoạn đường này cấm xích lô và nổi tiếng có lắm ma quỷ, để Phượng đi bộ một mình tôi không chịu được. Một lần nữa, tôi buộc lòng phải nghe theo mệnh lệnh của trái tim mình.
Tôi quay xe lại tìm em.
Tiếng “em” cuối cùng thoát ra từ bờ môi Đình nhẹ như con gió, nó thổi mát, xoa dịu cái buốt rát trên gương mặt và nỗi ê chề trong tâm hồn Tố Phượng. Cô nhắm mắt lại ...”Giá mà ta có gan gục đầu lên vai anh ấy như lòng ta đang ao ước thì chắc ta sẽ an ổn và không hề sợ bất cứ điều gì nữa”.
– Tố Phượng! Sao lúc nào em cũng im lặng giấu kỹ suy nghĩ thật, con người thật của mình hết vậy? Có lẽ tại tôi chẳng đáng được tin cậy, nên em luôn chối từ những tình cảm tốt tôi dành cho em. Phải không?
– Không phải đâu!
Tố Phượng thảng thốt kêu lên, nước mắt cô lại ứa ra, cô rụt rè nói bên tai Đình những điều rất thật:
– Em bao giờ cũng nghĩ tốt về anh. Nhưng khi gặp anh, chẳng hiểu sao em lại lẩn tránh, rồi nói toàn những lời khách sáo dối lòng. Tệ hại hơn hết là anh luôn đi thấu suy nghĩ của em, nên em ghét ...
Đình cười hiền lành:
– Nếu Phượng ghét chắc tôi không vòng xe lại tìm làm gì để phải nhói tim vì lo. Lúc nãy sợ lắm hả?
– Dạ ....sợ. Nhưng không sợ bằng lúc này.
– Sao vậy?
– Em đâu có biết!
Phượng chợt thấy tay Đình thật ấm vòng ra sau tìm lấy tay cô. Thở dài một tiếng rất khẽ, cô gục mặt vào lưng anh thổn thức. Đêm nay Phượng chỉ là một cô gái cô đơn yếu đuối về thể chất lẫn tâm hồn. Cô định làm khác sự thôi thúc của trái tim mình, để rồi cuối cùng cô cũng phải tựa vào anh, người đàn ông mà chỉ gặp một lần cô đã yêu, đã khổ sở vì chính tình yêu chớp nhoáng đó dù trong sâu kín hồn cô vết thương cũ vẫn còn đau chưa lành.
Thật là bất ngờ!
Tố Oanh tròn mắt, ngẩng nhìn Đình mất mấy giây, cô mới mở rộng cánh cổng cho anh phóng xe vào sân. Oanh không đoán được hắn ta đến nhà cô nhằm mục đích gì.
Đi Nha Trang về đến nay tính ra đã gần hai tháng. Oanh thấy rõ Đình thay đổi nhiều trong cách đối xử với cô. Ánh nhìn của anh hình như bớt cao ngạo xa lạ, lạnh lùng hơn trước, nhưng nụ cười của Đình vẫn ẩn chứa ít nhiều cái gì như sự khinh mạn làm Tố Oanh luôn phòng thủ một cách khó chịu. Thế nhưng sáng hôm nay anh ta lại xuất hiện ở hiên nhà cô, lịch sự, nhã nhặn và rất phong lưu trong chiếc áo chemise trắng giản dị cùng chiếc quần màu đồng đúng mốt.
– Tuy hy vọng sáng chủ nhật sẽ có cô ở nhà. Và thật là tuyệt khi trông thấy cô ra mở cộng.
Tố Oanh lấp láy đôi mắt, nũng nịu đôi môi mọng:
– Anh Đình nói thế chứ ...bao giờ Oanh lại không ở nhà. Ngòai công ty ra, Oanh chẳng biết đi đâu với ai, khi bạn thân không có.
– ...Và người yêu cũng không.
Đình nói vuốt đuôi và theo Oanh vào phòng khách. Anh tự nhiên và có lẽ hơi uy quyền khi ngả người ngồi ung dung tự tại trên salon mà chẳng đợi Oanh mời.
Điều gì làm anh tự nhiên như ở nhà mình đến thế? Oanh vừa đưa tay mở rộng cánh cửa sổ cho nắng buổi sáng tràn vào suy nghĩ tính toán cách đối đáp thế nào cho đừng bị hẫng, vì Oanh vẫn rất gờm Đình. Hôm nay lần đầu tiên anh đến nhà cô và cũng lần đầu tiên cô nghe anh nói đùa, dầu sao cũng phải dè dặt.
Tự nhiên Oanh xoay người lại chăm chú nhìn Đình. Nét lạnh lùng, nghiêm khắc thường có trên mặt biến đi đâu mất, thay vào đó là một chút mơ mộng trong mắt, lãng mạn trong cách chống tay tựa cằm. Đình đang ngắm nghía lọ hoa trên bàn. Lọ hoa bằng cái vỏ ốc gai màu trắng tinh Oanh đem từ Nha Trang về, và chiều hôm qua con bé Phượng cao hứng nhặt ở đâu được hai nụ hồng đã cắm vào đấy cùng với mấy cọng lá măng lơ thơ yếu đuối. Tố Oanh nói vu vơ nhưng ngụ ý là lọ hoa ấy do cô cắm.
– Ở nhà một mình, buồn tay làm vài việc vặt, có thể lọ hoa là một tác phẩm nghệ thuật không chút giá trị, nhưng được ngồi ngắm nghía cái mình làm, quả thật là vui!
– Tố Oanh nói đúng đó! Lọ hoa được cắm khá độc đáo, chứng tỏ tác giả là người có tâm hồn trong sáng và sâu lắng.
– Anh Đình ngồi chơi. Oanh quên mời khách uống nước rồi! Thật đãng trí quá ...
– Tôi lại tưởng cô nhớ thói quen của tổng giám đốc Lâm Đình là không thích uống nước vào buổi sáng chớ.
Tố Oanh đong đưa sóng mắt:
– Oanh vẫn nhớ! Nhưng nghĩ rằng khi tới nhà Oanh, anh Đình là một vị khách quý chớ không phải là tổng giám đốc có trái tim lạnh như băng.
Nhìn Oanh bằng cái nhìn ý nhị, Đình thong thả nói:
– Trái tim tôi bao giờ cũng lạnh, nó không nóng vội trước bất cứ chuyện gì.
Ví dụ như chuyện mà nãy giờ tôi chưa vội hỏi là ...
Ngừng lại để vuốt nhẹ cánh hồng trong lọ hoa, Đình nhẹ nhàng nói bâng quơ như ý không muốn tìm hiểu:
– Tố Phượng đi đâu rồi Oanh?
Suýt chút nữa Oanh đã bật đứng dậy. Tay cô bấu lấy thành ghế, mặt tái đi vì tức. Cô không giữ được bình tĩnh khi nghĩ rằng nãy giờ mình đã làm trò hề:
– Anh ...anh biết Tố Phượng à?
Đình thản nhiên gật đầu. Anh đã chịu hết nổi cái trò dối như cuội của Oanh.
Lẽ nào cô cố tình không hiểu rằng anh chẳng ưa gì cô, để trơ trẽn nhận vơ về mình điều tốt đẹp. Lẽ nào Oanh thật tình không hiểu rằng anh biết tỏng về cô từ cái nhìn đầu tiên. Cũng có thể Oanh chẳng biết những điều anh đã nghĩ về cô đâu, vì cô quá tự cao và chủ quan, cô luôn tin vào lớp ngụy trang cô có được.
Trấn tĩnh lại rất nhanh, Tố Oanh chua ngoa đầy cố ý:
– Hai người hay thật, chỉ có tôi vô tâm nên có biết đâu. Mà anh Đình này!
Con bé Phượng khờ khạo ấy bỗng dưng trái tính trái nết đem của trả lại cho chồng sắp cưới là tôi đã nghi phải có người xúi giục. Hừ! Ngờ đâu kẻ ấy là anh, một người bao giờ cũng tỏ vẻ đạo mạo không cần đàn bà. Ngờ đâu ông tổng giám đốc của tôi là kẻ đạo đức giả bệnh hoạn.
Sững người trước miệng lưỡi độc địa của Tố Oanh, Đình nén giận bằng cách đốt cho mình một điếu thuốc. Quét đôi mắt đẹp rất lạnh của mình ngay mặt Oanh, Đình gặn giọng:
– Cô vẫn nhớ là đang nói chuyện với ai, vậy mà cô lại quên mình là ai để phun ra những lời như thế. Cô nói lời ràng buộc với tôi, trong khi cô thừa biết vì ai mà Tố Phượng phải chia tay với Trường. Hừ! Cô thì biết tính tôi quá rồi, tôi không thích úp mở đâu và giả dối là điều tôi ghét nhất.
Oanh đốp chát:
– Anh nói thế nhằm mục đích gì?
– Bao giờ tôi cũng tôn trọng cô, quan hệ của chúng ta chỉ là quan hệ công tác.
Tôi biết rõ về cô, về con người, bản chất cũng như việc làm của cô. Nhưng với tôi, điều ấy chỉ có nghĩa như nắm bản lý lịch của một nhân viên. Làm giám đốc biết rõ nhân viên của mình thì sử dụng họ tốt hơn. Tôi chưa bao giờ lẫn lộn một Tố Oanh nhân viên của mình với Tố Oanh chị của Tố Phượng. Đến đây với Phượng gặp cô, tôi nói chuyện với cô theo tính cách khách ở công ty, vậy mà cô lại nói những điều hết sức đáng tiếc. Cô đã giận vì thất vọng một chuyện riêng tư nào đó rồi đổ trút cho tôi và Tố Phượng. Thật buồn cười!
Ngoảnh mặt ra sân nghe Đình nói một hơi, Oanh cười nhạt:
– Anh và Phượng lén lút quen nhau tôi không hề được biết. Đó có phải là cái bất thường đầy đen tối không? Trong khi tôi và anh cũng như tôi và nó có xa lạ gì đâu, ra vào đụng mặt, chị em ruột thịt mà còn hơn người dưng. Tại sao con bé Phượng giấu tôi chứ?
Đình cay cú:
– Tại sao phải nói cho cô biết cơ chứ? Tôi không muốn xen vào đời tư của ai cả, nhưng hỏi thật nhé, những lúc cô hẹn hò với Trường, cô có nói với Phượng không? Ít ra, cô cũng phải thông minh hơn tí nữa để hiểu tại sao chúng tôi im lặng đến với nhau mà không muốn phiền ...tới cô chứ! Chẳng có gì phải gọi là lén lút.
Lạnh lùng, Oanh liếc nhìn Đình:
– Anh nói nhiều về người khác quá.
So vai, Đình mỉa mai:
– Đó không phải là thói quen của tôi! Và thật ra những điều tôi vừa nói cũng chẳng hay gì nếu không muốn nói là tồi tệ.
Đứng bật dậy, Oanh căm tức:
– Bắt đầu từ ngày mai, tôi sẽ trở về làm việc với Vương Duy. Tôi chán cái tổng công ty của anh lắm rồi.
Đình vẫn đốp chát:
– Vậy sao! Nhưng rất tiếc, tôi lại không muốn trả cô về.
– Anh muốn hành tôi để trả thù à?
Đình cười, anh tựa lưng vào ghế nhìn Tố Oanh đang long đôi mắt đẹp lên.
Anh không ngờ câu chuyện dẫn dắt đưa đến chỗ anh phải nói nhiều và như đôi co với đàn bà, điều anh tối kỵ. Thế nhưng với Tố Oanh, cần cho cô ta nghe như vậy. Cô ta cần học nhiều bài học hơn như thế này nhiều để cô ta đàng hoàng ra và bớt đi cái dối trá lõi đời.
– Sao anh không trả lời?
Dịu dàng trở lại, Đình nhỏ nhẹ:
– Vì đâu Oanh lại nghĩ tôi giữ cô lại để trả thù? Chẳng lẽ cái suy nghĩ con nít ấy là của Oanh, một cô gái tinh tế, thông minh, khéo léo, ngọai giao hay, giám đốc mà trả thù nhân viên thì còn ra thể thống gì và làm sao điều hành công việc.
Ngừng một chút, Đình nói tiếp:
– Tôi muốn Oanh ở lại tổng công ty vì Oanh làm việc rất tốt.
Tố Oanh ngắt lời:
– Nhưng ở đây công việc không phù hợp với tôi. Tôi chỉ quen nhận sự chỉ đạo trực tiếp.
– Tôi hiểu ý Oanh, nhưng Mỹ Linh xông xáo và thạo việc hơn cô. Phải có thời gian Oanh ạ!
Tố Oanh hơi trề môi. Cô ân hận là nãy giờ mình không kềm được sự thất vọng nỗi ê chề đến đớn đau một cách khủng khiếp khi cô biết Đình quen thân với Tố Phượng. Tất cả những bất ngờ đó làm cô muốn phát khùng. Tại sao Đình không hề để ý đến Tố Oanh, lại tỏ vẻ say Phượng như vậy? Họ đã quen nhau bao lâu rồi mà im ỉm giấu cô. Tay Lâm Đình này thật thâm, con bé Phượng cũng vậy. Nó giấu kín như bưng chuyện yêu đương với tay giám đốc bị đồn là bất lực này vì Phượng sợ cô hay vì lý do nào khác.
Một ý chợt nảy sinh trong đầu Oanh. Cô chưa kịp nghĩ sâu hơn để biến nó thành đòn quyết đấu thì Tố Phượng về tới.
Phượng đỏ mặt và bối rối rõ ràng khi trông thấy Đình ngồi hút thuốc và Oanh lạnh lùng nhìn cô đầy trách móc. Phượng ấp úng:
– Anh Đình tới lâu chưa?
Oanh thấy đôi mắt Đình bừng lên những tia ấm áp và trìu mến, giọng anh âu yếm tự nhiên không tí gì giả dối:
– Anh đến hơi lâu, nhưng điều ấy đâu có nghĩa gì khi anh muốn chờ.
Cảm giác hụt hẫng từ đời nào xưa cũ chợt sống lại trong Oanh. Thế đấy, cô đã thua rồi, khổ hơn hết là sự thua cuộc này chỉ riêng mình cô biết vì chỉ mình cô ôm ấp đeo đuổi người đàn ông đó với mục đích riêng. Oanh không yêu anh ta, thậm chí còn coi khinh và chế giễu cái bệnh ác ôn mà anh ta mắc phải, nhưng cô luôn luôn muốn anh ta là của mình. Đến lúc biết không thể làm rung động trái tim của Đình, Oanh đã tự an ủi với suy nghĩ “kẻ bệnh hoạn đó không có cả tình yêu với bất kỳ ai”.
Bây giờ rõ ra, hắn chẳng thèm để ý đến cô, nghĩa là Đình chê Oanh để đeo đuổi Tố Phượng em song sanh ruột thịt với cô chứ đâu phải hắn không biết yêu.
Đình có phải là một người bệnh hoạn thật sự không, hay tin đồn nhảm đó do Duy xướng lên nhằm ngăn ngừa từ phía Oanh một tình cảm?
Thì ra, hai gã đàn ông quái quỷ ấy đã đem cô ra làm trò đùa. Vương Duy thật đáng nguyền rủa. Có thể ông biết mọi chuyện nhưng không hé với cô một lời.
Oanh muốn ngợp thở vì những lời cô vừa nghĩ ra. Cô chịu không nổi khi thấy Đình và Phượng mắt trong mắt nhau đầy yêu mến. Cô là kẻ thừa, là con số không với cả hai người, cô là con số không với cả mơ ước cô từng đeo đuổi.
Lặng lẽ, Oanh đứng dậy bước vội vào trong. Tại sao không đi tìm cho mình một người đàn ông khác. Mặc xác Đình, mặc xác Duy, mặc xác Trường và cả Sang nữa, người đàn ông nhu nhược đã hướng đời cô qua một lối rẽ đầy những bóng thiêu thân tìm ánh sáng. Oanh sẽ đến căn phòng xô bồ xô bộn của Hùng, ở đó Tố Oanh cảm thấy mình vừa có đủ uy quyền của một nữ chúa vừa khỏi phải lo toan, bận bịu bất cứ chuyện gì của đời thường đầy ganh đua hơn kém.
Đình thích thú nhìn hai má Tố Phượng cứ đỏ hồng lên. Anh biết cô đang bối rối và có thể đang dỗi cả anh nữa vì đôi môi mọng của cô phụng phịu muốn nói gì đó, nhưng Phượng kịp ngăn lại bằng cách chớp mắt im lặng.
Mãi đến hôm nay, Tố Phượng vẫn chưa muốn Tố Oanh biết quan hệ giữa anh và cô. Điều này có làm Đình tự ái. Một người đàn ông vững vàng và tự tin trong cuộc sống như anh không thể chiều lòng thuận theo ý Phượng. Anh yêu cô bằng tình yêu muộn màng nhưng vô cùng say đắm, Phượng cũng đáp lại tình anh trong sáng, chân thành. Đình hiểu ý Phượng khi cô muốn giấu chị, nhưng nếu vậy chẳng lẽ Phượng xem Đình cũng như Sang, như Trường, những tên đàn ông đã cố ý đánh đồng Tố Oanh với Tố Phượng.
Tiếng Phượng nhỏ nhẹ nhưng đầy trách móc:
– Đã hứa với em mà vẫn đến ...Có chị Oanh ở nhà, em ngại lắm, anh hiểu em không?
Nhíu đôi mày rậm Đình tỏ vẻ bất đồng tình. Anh lắc đầu.
– Anh và Oanh có xa lạ gì nhau. Anh không muốn chúng ta có một điều gì như mặc cảm đối với Oanh. Anh là đàn ông, anh phải biết rõ chỗ đứng của mình đối với gia đình của người sẽ là vợ anh chứ.
Tố Phượng trầm giọng:
– Anh có vội vàng khi nói như thế không?
– Anh đã hơn ba mươi tuổi rồi, tình yêu với anh đâu phải chỉ là bài thơ, bài hát dành để nghe khi lòng trống vắng. Mà tình yêu cũng không phải một món hàng để trao đổi lựa chọn. Với anh, tình yêu là nền tảng cơ bản cho đời sống gia đình.
Thở dài một tiếng, Đình xoay người Phượng lại, anh dùng hai bàn tay nâng mặt cô lên. Đình yêu vô cùng đôi mắt của Phượng. Nó vẫn y như đôi mắt Tố Oanh nhưng không phải là mắt của Oanh. Nỗi rung động bỗng tràn đầy thân thể anh, Đình cúi xuống hôn lên mắt cô rồi say đắm đặt nụ hôn thật dài đầy đam mê lên môi cô.
– Ôi! Tại sao anh lại yêu em nhiều đến thế hở Phượng. Đã nhiều đêm anh nằm suy nghĩ và tự cười mình đã sống một thời gian dài vô vị.
Tựa đầu vào ngựa Đình, Phượng hỏi:
– Sao vậy anh?
Bóp bàn tay nhỏ nhắn của Phượng, Đình hỏi:
– Anh luôn vẽ cho mình một cô vợ theo mẫu, nghĩa là anh chọn làm vợ sẽ phải rất nhạy bén trong công việc làm ăn, phải có bản lĩnh đối phó với nhiều thứ trong cuộc sống, phải đẹp, thông minh và phải nhiều thứ khác nữa. Để đêm đêm nằm nghĩ lại, anh thấy nếu cưới một cô vợ như thế, không cần tình yêu thì rõ ràng anh không cưới vợ cho anh mà anh cưới vợ cho tổng công ty, cho cái sự nghiệp của anh.
Im lặng ôm Phượng trong vòng tay một lúc, Đình tiếp tục:
– Chính vì nghĩ mình sẽ có một cô vợ cho sự nghiệp của mình nên tự dưng cái nhìn của anh đối với phái đẹp như bị méo mó. Anh lạnh lùng, nghiêm khắc và đòi hỏi cao ở họ về năng lực, về công việc. Anh đã đánh mất trái tim mình và thay vào đó bằng khối đá vô cảm, để rồi anh thấy mất thăng bằng trong cuộc sống mà anh luôn đo bằng các tiêu chuẩn.
Cúi xuống nâng cằm Tố Phượng lên, Đình âu yếm:
– Mãi đến khi nhìn thấy em, anh chợt rung động. Em có tin không? Thật lạ kỳ, Tố Oanh và em có khác gì nhau đâu? Thế nhưng chỉ khi nhìn thấy em, trái tim anh mới trở lại những phút giây sôi nổi cuồng nhiệt của tuổi hai mươi, của mối tình đầu đã mất từ lâu. Anh biết anh đã trúng đạn rồi.
Tố Phượng cười rất dễ yêu:
– Khi anh nhìn em trân trân, em chỉ thấy sợ cái tên ...bất lịch sự và càng sợ hơn khi biết hắn là lão tổng giám đốc hắc ám của Oanh.
– Rồi sao đó?
– Sau đó em vẫn tiếp tục sợ vì hắn ta tấn cống khá dữ bằng những đòn độc đáo. Em cứ lẩn tránh mãi vì biết mình dở đỡ đòn.
Hôn nhẹ lên môi Phượng, Đình trìu mến:
– Tránh mãi rồi cũng tựa vào anh. Này! Mai Nhi nói nhiều về anh với em lắm phải không?
– Nhi không nói nhiều nhưng đủ làm em khổ sở để cứ trốn tránh anh. Vì em thấy rõ là mình chẳng hề có được tiêu chuẩn nào để có thể gợi ở người ta sự chú ý. Em hiểu anh nhiều qua Nhi và Triết, em biết hai người có ý tốt cho em với anh, nhưng em không thể ...
– Nhiều tự ái quá khổ lắm bé con ạ! Nếu đêm đó anh tự ái nhiều hơn ...tình ái thì chắc anh sẽ ân hận suốt đời và sẽ không có được em. Một cô gái dịu dàng, xem như rất yếu đuối nhưng cương quyết và hoàn tòan không chút gì giống với mẫu người lý tưởng anh đã vẽ cho mình nhiều năm. Chính vì vậy em sẽ là vợ anh, là chủ trái tim anh.
Mặt Tố Phượng xụ xuống, cô giả vờ nghiêm nghị; – Anh chưa hiểu ý em thế nào mà đã tự tin cho rằng em sẽ là vợ anh, là chủ trái tim anh. Lỡ em không bằng lòng rồi anh tính sao?
Mỉm cười lém lỉnh, Đình khôn khéo:
– Anh biết em yêu anh nên anh mới nói như vậy. Mà em thấy không? Danh chánh ngôn thuận trước mặt Tố Oanh là điều có lợi. Anh buồn cười khi thấy em cứ lo vớ vẫn, sợ nhảm nhí.
Ngước nhìn Đình, Tố Phượng ngập ngừng:
– Vậy chứ khi biết anh quen với em, đến đây tìm em, chị Oanh có tỏ thái độ gì với anh không?
Đình trả lời bâng quơ:
– Đương nhiên Tố Oanh bất ngờ. Và tỏ vẻ trách tại sao chúng ta giấu chuyện hai người kỹ thế. Rồi anh và Oanh nói về chuyện ở công ty rất bình thường.
Tố Phượng im lặng. Cô hiểu Đình không nói đến diễn biến mọi việc với cô.
Tố Oanh thường làm tới nơi tới chốn cái gì cô đã muốn. Mà tổng giám đốc Khuất Lâm Đình là cái mà Oanh cũng muốn đấy.
Bất giác, Phượng rùng mình, cô ôm vội lấy Đình. Không đời nào cô để mất hay nhường tình yêu cô đang có, và Đình cũng không phải là mẫu đàn ông hai lòng hai dạ như người đàn ông trong quá khứ của cô.
Nhưng cuộc đời đầy cạm bẫy có mấy ai biết được chữ ngờ. Nỗi lo cháy lòng làm Tố Phượng muốn ngất đi. Cô nghe giọng Đình chững chạc:
– Sao thế? Em lại đem anh ra so sánh với Trường phải không? Đừng ngốc nghếch như vậy. Anh chỉ yêu và biết mỗi mình em. So sánh như vậy vừa tự làm khổ mình vừa chạm đến tự ái của anh. Hiểu không Phượng?
Nhắm mắt yên ổn trong lòng Đình, Phượng gật gù:
– Em hiểu nhưng em vẫn lo.
– Với ai, em có thể lo, nhưng với anh thì không đời nào có chuyện đổi thay khi lòng anh đã muốn.
Cầm bàn tay Phượng lên, Đình ngắm nghía:
– Cái sẹo ở ngón tay đeo nhẫn này dễ ghét lắm. Rồi anh có cách sẽ che nó đi.
Tuần sau anh sẽ đưa em về thăm mẹ anh. Chắc chắn bà sẽ rất mừng. Còn em bao giờ đưa anh về quê?
Tim Phượng lại trĩu xuống vì một nỗi niềm riêng. Cô chớp mi tránh né:
– Để thư thả đã anh. Mình cũng mới quen nhau.
Đình lắc đầu, anh ngắt lời Phượng:
– Cưới vợ phải cưới liền tay. Dù có thừa thời gian, anh cũng không chần chờ, thư thả đâu.
Cụng đầu mình vào trán Phượng, Đình an ủi:
– Ai cũng phải có cha mẹ. Đừng nghĩ xấu về người sinh ra mình.
– Em không nghĩ xấu về mẹ, nhưng em lại buồn và tủi thân khi cho rằng mẹ không còn thương mình, cần có mình như hồi xưa khi gia đình còn đầy đủ.
Dịu dàng, Đình thì thầm vào tai Phượng:
– Sao em không nghĩ là mẹ cũng đang nghĩ về em như vậy? Anh tính như vầy. Tuần sau nữa chúng ta sẽ về thăm mẹ. Rồi em cũng cần cho mẹ biết bây giờ em đã có anh, và Lâm Đình này mới là chồng của Tố Phượng chớ không phải là ai khác như mẹ vẫn tưởng. Sự ràng buộc của gia đình rất quan trọng, ai sống một mình, không trách nhiệm với người thân rất dễ sa ngã. Em đừng tự tách rời mình ra khỏi nơi từng là mái ấm thân yêu dù bây giờ em đã có anh.
Tố Phượng nhìn Đình đầy yêu thương và tin tưởng, lúc nào anh cũng tinh tế và thẳng thắn đối với cô. Bên anh, Phượng như sống lại, cô yêu đời, ríu rít suốt ngày với mọi người quanh cô. Đã rất nhiều lúc Phượng để ý thấy Oanh nhìn mình bằng cặp mắt ngạc nhiên ẩn chứa chút gì ganh tỵ. Tự dưng niềm hân hoan trong lòng Phượng xẹp xuống, thay vào đó nỗi lo lẫn nỗi buồn. Ấn tượng ấy vẫn chưa đắm xuống tận sâu cùng tim cô. Khi yêu, ai cũng muốn thố lộ tình yêu của mình cho người thân thiết của mình biết. Riêng Tố Phượng thì phải giấu giếm, cô sợ lắm nên đã năn nỉ Đình đừng nói với Oanh là cô và anh yêu nhau. Khi nhìn nét mặt và điệu bộ ậm ự của Đình, cô hiểu anh sẽ không nghe cô đâu. Và rõ là chẵng giữ được lâu, Đình đã cố tình cho Oanh biết.
Giọng anh trầm trầm:
– Riêng với Tố Oanh, anh sẽ tìm cách tạo hòa khí vui vẻ, vì Oanh cũng rất cần tình cảm gia đình. Chuyện cũ giữa hai chị em, phải bỏ qua và quên đi.
Chúng ta không có quyền để Oanh một mình, dù anh biết tính Oanh khó lòng lắm. Cô ấy chẳng dễ nghe ai đâu.
Phượng chạnh lòng, cô thấy hổ thẹn với Đình khi nghe anh đề cập đến chị mình. Quả là Tố Oanh rất cô đơn, chị ấy cứ đi tìm những thứ không có ở đời thường và luôn ao ứơc sẽ được cái cao hơn thực tại, chỉ vì Oanh chưa thật lòng yêu ai. Oanh đến với tình yêu bằng những thứ khác với sự rung động của trái tim.
Phượng bỗng sững người. Lẽ nào Tố Oanh từ xưa đến giờ chưa hề yêu ai.
Chương 18
Hùng lấy tay gỡ điếu thuốc trên môi Oanh ra:
– Đủ rồi! Đây là điếu thuốc thứ tư. Muốn “phê” em phải chơi thứ khác kìa.
Mà chuyện gì căng thẳng dữ vậy?
Nằm dã dược trên phô-tơi, Oanh im lặng, cô cứ tưởng bỏ nhà đến với Hùng là cô sẽ an ổn. Những lần trước cô lấp khoảng trống trong hồn bằng những giây phút cuồng nhiệt, quên hết đất trời bên anh.
Hôm nay thì Oanh không thể nào quên, dù cô đã mệt đừ. Trái tim Oanh nhức nhối, đau buốt khi nghĩ rằng mình đã bị loại, bất ngờ và độc đáo ngoài tưởng tượng của cô.
Tội nghiệp Vương Duy đã dựng lên câu chuyện ông tổng giám đốc bất lực để ngăn ngừa cô. Thật ra, Oanh mới là kẻ bất lực, cô đã không khơi gợi được gì ở Đình cả, mà con bé Phượng lơ ngơ kia lại làm hắn si mê, mất hồn mất vía mới lạ chứ!
Ngẫm cuộc đời biết đâu mà lường. Hai gã đàn ông ngày đó đã từng yêu Phượng là Sang và Trường lại lao vào vòng tay của cô, để bây giờ người cô quen biết trước lại không màng tới cô mà nhất nhất yêu chỉ Tố Phượng. Biết giải thích ra sao ngòai việc đổ cho duyên số. Mà duyên số của cô rồi sẽ như thế nào đây hở trời?
Thở dài cho lòng nguôi ngoai, Oanh hỏi dò:
– Có bao giờ anh nghĩ đến chuyện vợ con chưa?
Xào xào bộ bài Tây trên tay, Hùng tủm tỉm:
– Em hỏi nhằm mục đích gì?
Oanh đốp chát:
– Dĩ nhiên là để biết cho vui, chớ chắc chắn là chẳng phải để năn nỉ anh lấy em làm vợ.
Nheo con mắt rất lẳng, Hùng gật gù:
– À, thì ra là thế! Căng thẳng chuyện vợ con của thằng cha nào rồi lao vào anh dữ dội như trả thù. Trả thù xong, đã rồi lại xin thêm màn phỏng vấn. Em tệ thật đó Oanh à!
Ngồi dậy, Oanh khó chịu ném tia nhìn về Hùng. Gặp lại anh ta lần thứ ba, cô đã nhận ra cách sống và lối ăn nói hạ cấp ở Hùng. Hiện tại anh vẫn chưa có một nghề nào ổn định hơn nghề cờ bạc, nhưng chẳng hiểu sao Oanh vẫn thích thú tìm đến với Hùng. Có lẽ ở anh ta vẫn còn nguyên vẻ người hùng một cõi trong mơ thuở nào với cách sống bất cần, đã làm Oanh sống lại phút giây xa xưa với những khát khao thời con gái, nên tuy rất coi khinh Hùng, cô vẫn không giữ chân mình ở nhà để cứ lao vào ngõ cụt với kẻ bán đời mình cho vận đỏ đen.
Giờ đây, anh ta vừa buông Oanh ra đã bắt lấy bộ bài, vừa nói chuyện với cô vừa luyện đôi tay xốc, xào, chia, tráo bài như một nhà ảo thuật.
– Sao, trả lời em đi chứ “Thần cờ bạc”?
Thích thú với lối gọi của Oanh, Hùng xòe nhanh cho bộ bài sắp dài theo cánh tay. Anh lẹ làng bỏ tất cả xuống bàn rồi nhào lại phía Oanh kéo cô nằm xuống:
– Chuyện vợ con hả? Có nghĩ đến chứ. Nhưng lâu lắm rồi Oanh à! Khổ nỗi chính em là người khiến anh tự hứa sẽ không có vợ con làm chi, vì đàn bà gian dối lắm. Ngày ấy em xem anh như trò giải trí chớ gì? Chính vì nghĩ vậy nên suốt bao nhiêu năm anh chẳng buồn khổ vì khi chợt có nhớ tí ti về em.
Giọng Oanh không mấy hài lòng:
– Chỉ nhớ em tí ti thôi sao?
Hùng so vai ra vẻ khinh đời kể cả:
– Vậy là đã nhiều lắm rồi. Đàn ông mà em, thằng nào vướng vào bệnh thất tình là tệ nhất. Anh có cái thú riêng của anh. Khi bỏ nhà ra đi, anh hận em lắm, nên chẳng thèm để ý đến đàn bà anh lao vào cờ bạc, cái thú vui ấy đã thành nỗi đam mê choán hết tâm trí anh.
Mỉm cười tự phụ Hùng nói tiếp:
– Trò này gặp hên, hái ra tiền dễ lắm. Tha hồ mà vung tay ném qua cửa sổ trong khi bao kẻ cháy túi khốn khổ có thể tự tử chết vì thất vọng. Trò đời mà Oanh, anh cần chi phải nghĩ đến vợ con khi đã lao vào cuộc rủi may. Hãy để đầu óc rảnh rang khi nhập ...sòng. Không mang gánh nặng nào trên vai là sung sướng nhất khi đánh bài.
Tố Oanh mai mỉa:
– Nghe anh nói, em có cảm tưởng anh rất thừa lương tâm. Không vợ con chỉ tại sợ họ khổ vì mình.
Tỉnh queo Hùng hợm hĩnh:
– Trong các tay cờ bạc, anh là có lương tâm đó nhe. Bao giờ được bạc anh cũng làm phứơc.
– Còn thua?
– Thua thì huề. Mình và mấy cha ăn xin lúc đó có khác gì nhau. Chỉ có khác là chẳng ai thèm bố thí cho mình.
Oanh nhấp nháy đôi mắt:
– Bố thí, làm phước khi thừa tiền là có lương tâm à?
– Đương nhiên vẫn hơn nhiều người giàu sụ nhưng chưa biết bố thí là gì.
Nghiêng đầu nhìn Oanh, Hùng hất hàm:
– Vậy chứ em có bao giờ đi chùa, làm phước không?
– Em có làm điều gì để phải tự dằn vật đâu mà phải mua chuộc sự thanh thản của tâm hồn bằng những việc trên.
Hùng hỏi gằn lại:
– Thật vậy sao?
Oanh chợt bối rối. Chưa có ai hỏi cô như vậy, và cô cũng chưa từng ngồi ngẫm nghĩ đến những việc mình đã làm. Trong đầu Oanh bao giờ cũng là những toan tính phải làm sao, làm gì để có được cái mình muốn. Ở tuổi cô, ít ai ngồi làm bản tự kiểm cuộc đời để sám hối, để chuộc lỗi lầm.
Lắc nhẹ cái đầu bướng bỉnh, mưu trí, Oanh lừ mắt nhìn Hùng. Cô lạnh lùng xoa mọi suy nghĩ:
– Dẹp ba cái chuyện đồng bóng đàn bà của anh lại là vừa. Em không ưa cái gì đại hoại như vậy.
Hùng bật cười to:
– Anh cố gắng tin em là người thánh thiện, em thánh thiện đến mức chẳng cần phải làm việc thiện trong đời. Nhưng nàng công chúa ơi! Em còn thiếu anh một món nợ đó mà em đâu có hay.
Ngạc nhiên Oanh hỏi lại:
– Nợ à?
Làm một động tác búng tay thành thạo như bọn bụi đời, Hùng đá mắt:
– Chớ sao! Nợ tình. Chính em đã khiến đời anh qua một lối rẽ khác.
Oanh bĩu môi:
– Thôi đi! Không có em tự anh cũng sẽ theo hướng đó. Cái mộng làm người hùng ăn sâu trong đầu anh từ đời kiếp nào trước khi gặp em mà!
Giọng Hùng chợt ríu lại, mặt anh lạnh tanh khiến Oanh hiểu Hùng không đùa:
– Đành là như vậy, nhưng chính em đã đẩy anh vào con đường ma quỷ này nhanh hơn.
Nhỏm người dậy, Oanh nổi nóng:
– Này, đừng bán cái đời mình cho người khác một cách lố bịch như vậy!
Chẳng lẽ anh rẻ đến thế?
Rồi cô thách thức:
– Hừ! Cho là em thiếu anh món nợ đời đó đi. Nhưng em đố anh đòi cho được nếu em không muốn trả.
Liếc Hùng một cái, Oanh cười:
– Nhiều lúc em thấy anh ngớ ngẩn sao ấy! Nợ tình em đã trả bằng tình rồi còn gì?
Oanh thoáng thấy Hùng nhếch mép:
– Nói vậy thì nợ gian dối sẽ được trả bằng sự lừa gạt phải không?
Bẹo tai Hùng, cô nói lảng:
– Nhà từ thiện đầy lương tâm, sao tự nhiên lại ngồi tính toán? Đời còn dài mà anh vội chi cộng sổ.
– Phải tính chớ em. Vì làm việc thiện cũng phải có chừng mực. Nếu không, thừa thì uổng, mà thiếu thì tội lỗi ngập đầu. Ân, óan mình tạo ra đều nhau, có chết linh hồn mới siêu thoát được.
Tố Oanh phì cười trước cách nói gàn gàn, hư hư thật thật của Hùng. Dù sao anh cũng làm cô vơi đi nỗi đau trong tim ...
– Này Oanh! Nên đi chùa, làm phước đi, để cầu được tấm chồng ngon lành.
Đời người ta chẳng mấy chốc đâu.
Sa sầm mặt xuống, Oanh rít lên vì bị chạm nọc:
– Ai nói là tôi không tìm được một người xứng đáng. Đừng thấy tôi đến đây rồi tưởng mình ngon.
Giọng Hùng ngọt ngào một cách đểu giả:
– Anh biết cái thân thằng anh cờ gian bạc bịp. Em đoái hoài tới chẳng qua là muốn trả chút nợ tình ...
– Im ngay! Mở cửa cho tôi về!
Nhún vai, Hùng dắt xe cho Oanh ra tới cổng. Anh ngạo nghễ:
– Rồi em sẽ trở lại đây thôi, Gấu cái!
Oanh phóng xe ào ào bất chấp mọi thứ. Hôm nay là ngày gì mà đáng nguyền rủa đến như vậy. Một gã đàn ông làm cô hụt hẫng với nỗi ê chề đớn đau đến chết đi được. Một gã nữa lải nhải những chuyện bá vơ làm cô nổi khùng. Ôi!
Đời thật chó!
Với Hùng, Tố Oanh tưởng sẽ tìm lại được tình yêu đầu đời cùng tất cả ngọt ngào đam mê rất ngây thơ của thời mới lớn. Nhưng thật ra mọi thứ chỉ còn là hoài niệm. Càng quay trở về, Oanh càng nhận ra cô cùng bao nhiêu nhọc nhằn của khoảng đời mình đã đi qua, để hơn bao giờ hết Oanh thấm thía vô cùng câu nói của người xưa “không ai tắm hai lần trên cùng một giếng nước”.
Trường ngây người nhìn Tố Phượng dịu hiền trong bộ quần áo bằng xoa màu trắng. Cô y như con thỏ bạch, và con thỏ ấy đang rụt rè trước mặt anh.
Trường lè nhè cất giọng:
– Em vẫn còn hận anh lắm sao Tố Phượng?
– Không! Không có đâu, anh đừng nghĩ vậy! Có điều em và anh không hợp với nhau. Chia tay là phải.
Lừ đôi mắt không còn mấy tinh anh, Trường gầm gừ:
– Em mà cũng nói như vậy nữa à?
Lạnh lùng Phượng đáp:
– Chứ anh bảo em nói sao cho vừa lòng anh? Van xin anh khi anh lừa dối, đồng ý khi anh chia tình với người khác à? Anh đâu hề yêu em, ràng buộc nhau thì khổ cả ba người.
Bật cười, Trường hơi cao giọng:
– Ở đâu ra mà nhiều người khổ vì yêu dữ vậy Phượng? Anh không khổ, em không khổ thì thôi chớ cô ta đùa cho vui ấy mà, khổ quỷ gì.
– Vậy thì chắc không ai khổ trong chuyện tình dài như chuyện chúng ta đâu.
Và hôm nay không có chị Oanh ở nhà, anh có thể về, em bận chuyện phải đi ngay.
Phượng nhìn Trường, lòng cô nhói lên một cơn tức giận vì không tìm cách giải thích được tại sao con người này đã có thời cô yêu đến tưởng chết được.
Trường lẩm bẩm:
– Anh tìm Tố Phượng chớ có tìm Tố Oanh đâu. Lẽ nào em nỡ xua đuổi anh?
Cho tay vào túi áo, Trường móc ra điếu thuốc móp méo. Anh khom khom mồi thuốc và có vẻ tỉnh hơn khi đã rít vài hơi khá dài.
– Phượng à! Sau bao đêm nằm thức trắng với những lầm lỗi không ai tha được, anh đã quyết định trở lại đây được nhìn thấy em thôi. Và nếu em bằng lòng tha thứ hết cho cuộc đời còn lại của anh sẽ là của riêng em. Anh thề sẽ trở lại với em và thề sẽ làm bất cứ việc gì để em sung sướng.
Định sẽ mỉa mai là “việc ấy đã muộn rồi” nhưng không hiểu sao Phượng lại ngồi im lặng. Cô chỉ thấy một chút nuối tiếc nhè nhẹ. Chẳng phải tiếc cho cô mà là tiếc cho Trường. Ngày xưa cô yêu anh biết bao ...
– Cho anh ly nước đi Phượng!
– Vâng!
– Chạnh lòng thương hại, Phượng vào nhà rót cho Trường ly nước trong tủ lạnh. Dường như sự im lặng và chiều ý của cô làm Trường tự nhiên hơn, có thể anh nghĩ Phượng đang khổ lòng.
– Ngồi xuống đây với anh!
– Em ngồi thế này được rồi. Nhưng mà em phải đi ngay ...
Trường thở dài:
– Tiếc với anh từng phút sao? Cũng không nên trách em. Nhưng anh xin em hãy cho anh nói. Ngày ấy, lần đầu gương mặt em hốt hoảng và đầm đìa nước mắt, trái tim anh đã nhói lên. Suốt đêm hình ảnh em làm anh chập chờn khó ngủ, anh cứ chộn rộn ra vào chờ đến chiều hôm sau tìm đến. Gặp Tố Oanh, nghe cô ấy nói, nhìn mắt cô ấy đong đưa vào cõi mộng mơ hư thật khó hiểu. Sau đó xét lại lòng mình, anh khổ sở vô cùng khi biét anh đã yêu Tố Oanh và anh cũng không phải khờ khạo gì để chẳng hiểu Phượng yêu anh. Rồi Oanh về làm vợ Sang. Anh đã đeo đuổi nhưng chỉ được em, hình bóng không sai của Oanh, anh bằng lòng với cái số phận đã cho mình nhưng lòng thì bao giờ cũng mong có cơ hội được cận kề Tố Oanh.
Thở dài, Trường bùi ngùi:
– Và ngày ấy đã đến. Anh những tưởng em không biết gì nên an tâm lún dần vào tội lỗi. Tố Oanh thì cứ lấp lửng thật thật hư hư, cô ta bảo sợ em khổ, nhưng thật ra Oanh chỉ lợi dụng anh như một công cụ chớ có yêu gì anh như anh vẫn ngu ngơ tưởng vậy đâu!
Phượng nghiêm mặt:
– Chuyện đã lỡ rồi anh không được đổ cho chị Oanh. Em đã rút lui, anh và chị đừng đem em vào cái quá khứ ấy nữa. Anh tệ lắm khi nghĩ một cô gái như Oanh lợi dụng mình. Oanh chẳng tệ đến vậy đâu!
Trường cười lớn, một chút rượu còn lại làm anh hăng:
– Bao giờ em cũng mù quáng để bênh vực Tố Oanh. Thôi thì cho mình anh là kẻ duy nhất có tội. Anh đã rù quến Oanh. Khi anh phản bội em quả là anh rất áy náy. Nhưng sau đó, anh dẹp đi rồi dần quên cả lương tâm khi thực tế Oanh đã trong vòng tay anh. Bọn anh hùn hạp làm ăn, vốn Oanh bỏ ra rất khá, anh tốn công. Tưởng có gì hạnh phúc hơn khi được cả tình lẫn tiền? Oanh luôn hứa hẹn “một ngày nào đó Tố Phượng có người yêu mới, chúng ta sẽ tiến tới” ...
Rồi giọng Trường chợt nhỏ lại:
– Càng gần với Oanh, anh càng rõ cô ta hơn. Tố Oanh không trong sáng chân thật và dịu hiền như em, trái tim cô ta là một lò lửa nung nấu tham vọng. Mà anh không đủ điều kiện lẫn khả năng đáp ứng mọi ước muốn của Oanh. Vả lại, cô ta chỉ vờ yêu anh thôi mà!
Mỉm cười nụ cười méo mó, Trường thú nhận:
– Oanh đã bỏ anh để theo một tay tổng giám đốc giàu sụ nào đó. Hai người vừa làm một chuyến tham quan ở nước ngoài thay cho tuần trăng mật.
Mặt Phượng tái mét, cô run run bật ra tiếng nói lạ như không phải tiếng mình:
– Láo! Láo! Anh ác lắm khi nói như vậy!
– Anh biết em không tin anh. Nhưng nếu anh không bị cú sốc đó, chắc anh chẳng dám mang mặt đến đây ...
– Làm sao anh biết là ...là Oanh.
Nghiến răng đau đớn Trường uất ức:
– Anh theo dõi, để ý và đã hiểu, Tố Oanh cặp với người này, người nọ khác chi một con điếm hạng sang. Lần này thì đã rõ, anh đoán đúng mà.
Tố Phượng nhìn không chớp mắt cái dáng ngồi ngả nghiêng của Trường.
Anh ta vẫn tỉnh đó chứ để phun ra những lời như sấm sét.
Thấy Phượng thất thần, Trường ngỡ cô đã xiêu lòng nên rên rỉ tiếp:
– Em hãy cho anh một lời khuyên. Một niềm hy vọng chính vì em trong sáng nên khi soi vào em, anh thấy lương tâm mình đen tối, anh biết thế nào là hối hận.
Em là tất cả những gì còn lại trong anh. Hãy tha thứ cho anh nhé Tố Phượng.
Anh đáng nguyền rủa vì đã phụ bạc em, để bây giờ anh đang hứng lấy quả báo.
Càng nghĩ về em, anh càng ray rứt. Anh rượu chè cho quên hết đi mọi thứ, nhưng anh không thể quên em. Hãy tha thứ và quay lại với anh.
Tố Phượng bỗng nghẹn lời:
– Tôi không bao giờ tha thứ cho bọn đàn ông các anh. Anh ra khỏi đây ngay.
Và nhớ rằng tôi hận anh, lúc còn sống anh đừng quên điều đó và đến lúc chết phải cố mang theo.
Rồi cô òa lên khóc tức tưởi. Trường như không hiểu được thái độ của Phượng. Anh nhóm người lên định đến bên cô. Phượng xua tay quyết liệt.
– Rời khỏi nhà tôi ngay và đừng bao giờ trở lại nữa!
Trường đi rồi, Phượng ngồi chết trân trên salon, đầu óc cô hoảng loạn vì điều Trường vừa nói về Tố Oanh. Trời ơi! Bọn đàn ông và bà chị cô sao cứ dây mơ rễ má đan vào nhau.
Lúc nãy Phượng nói với Trường là bận công chuyện phải đi ngay, cô đã nói thật chớ không hề lấy cớ để đuổi anh.
Thế nhưng bây giờ Phượng không còn muốn đi đâu nữa cả dù cô biết chỉ nhẫn nha vài phút nữa thôi là đã trễ. Chuyến bay Hồng Kông – Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hạ cánh rất đúng giờ. Nếu cô không ra đón chắc Đình cũng chẳng buồn đâu vì bên anh đã có Tố Oanh rồi.
Ngớ ngẩn nhìn xuống ngón tay có vết sẹo hình chữ thập, Phượng cười vô hồn. Lẽ nào trên đời này niềm tin và tình yêu là những thứ không có thật, để cô cứ mơ mãi giấc mộng dài và cuộc đời ơi đừng bao giờ lay cô nhé.
Đình khó chịu nhìn Duy mỉm cười rất tươi trước khi bước đến bắt tay anh, lạnh lùng và ngạo nghễ như thói quen thường ngày trong quan hệ xã giao. Đình hờ hững nắm bàn tay Duy.
– Ở nhà có gì vui không?
Khác với thái độ của Đình, Duy rất niềm nở. Ông nghiêng đầu nói:
– Mọi việc tốt đẹp đúng theo ý tôi. Anh cứ yên tâm nghỉ ngơi vài bữa.
Dứt lời, Duy bước xéo về phía Tố Oanh, cô đứng xa xa sau lưng Đình.
Trông cô thật sang và lạ trong chiếc xường xám bằng gấm Thượng Hải màu tím Huế. Duy ấu yếm:
– Em mệt nhiều không Oanh?
Cô khe khẽ lắc đầu. Duy bỗng thấy Oanh dịu dàng và trầm lắng hơn bao giờ hết khi ánh mắt cô chạm phải mắt ông.
Có lẽ nào Tố Oanh biết nhớ ...Vương Duy hơi bất ngờ với suy nghĩ lạ kỳ này.
Ngoái lại nhìn Đình, Duy từ tốn:
– Xin phép, chúng tôi về trước.
Ông lịch lãm choàng ngang eo Tố Oanh và đưa cô ra chiếc xe du lịch gần đó.
Còn lại Đình và người phụ tá. Anh sốt ruột chờ xe ra đón và đầu óc suy nghĩ mông lung ...
Lẽ ra Đình đã không đi chuyến công du dài những một tháng trời vì công việc trong tổng công ty đang có nhiều cái khó, nhưng cương vị tổng giám đốc buộc anh phải sang Hồng Kông. Dù ngày nào anh cũng điện về thăm dò, mọi việc vẫn yên ổn, song thái độ hơi xa lạ của Duy vừa rồi khiến Đình bất an.
Ông ta đã lịch sự một cách giả dối và dửng dưng đưa Tố Oanh về khi Đình còn đứng chờ xe ở sân bay, là việc cho anh thấy Vương Duy đã đối xử với anh khác đây một tháng.
Chắc chắn là ông ta đã làm được việc đó. Mọi việc tốt đẹp theo ý Vương Duy. Hừ! Duy đã tách công ty của ông ra khỏi tổng công ty trực thuộc quyền tổng giám đốc Khuất Lâm Đình rồi sao? Vào lúc nào và trên cơ sở nào khi không có anh ở nhà.
Đình định tìn phương tiện khác để về cho nhanh thì chiếc xe du lịch đời mới màu hạt nhãn sang trọng của anh cũng vừa chạy trờ tới. Nhìn thoáng vào trong không thấy Tố Phượng lòng Đình chợt se lại, anh tưởng về đây sẽ gặp cô đầu tiên cho thỏa nỗi nhớ kỳ cục ở gã đàn ông vốn rất lạnh lùng, nào ngờ đâu anh lại gặp những chuyện làm căng thẳng thêm bộ óc đã làm việc mải miết cả tháng trời.
Vinh- Phó tổng giám đốc mở cửa xe cho anh bước vào. Đình hỏi ngay:
– Có chuyện gì rồi phải không?
– Ông Duy đã tranh thủ được bốn chữ ký về việc tách công ty lẫn lấy lại cổ phần thuộc ông ta ra khỏi tổng công ty nội trong buổi sáng nay. Chỉ còn mình anh ...là thiểu số.
Giọng Đình nguội tanh:
– Chuyện này tôi biết từ lâu, nhưng ông ta hành động lúc vắng tôi thì thật là tệ. Duy muốn thế cũng tốt. Chúng ta sẽ hơi rối một chút nhưng chẳng sao, tôi đã chuẩn bị mọi thứ. Việc đầu tiên anh phải làm ngay là tìm người thay chỗ cô Tố Oanh.
Ngạc nhiên, Vinh hỏi lại:
– Anh cho cô ta nghỉ à! Bộ chuyến đi này cô ta làm không tròn trách nhiệm?
– Tự cô ta sẽ nghỉ thôi. Vì trước sau gì Tố Oanh cũng là vợ của Vương Duy.
Vinh ngớ ra:
– Có chuyện như vậy nữa à?
Đình im lặng. Từ lâu, anh biết Duy lợi dụng vào uy tín, uy thế và khả năng sẵn có ở anh. Ông ta có vốn và chuyện bỏ vốn ra đầu tư mọi thứ với Duy không phải là vấn đề nan giải như đối với Đình. Nhưng cách đây dăm ba năm, có tiền không vễn chưa đủ để có thể thành lập một công ty, một cơ sở lớn có giao dịch với nứơc ngoài. Vương Duy không làm được nhưng Khuất Lâm Đình làm được những việc ấy. Hai người có cùng nỗi đam mê và nhiều tham vọng chung sức nhau làm ăn, bởi công việc và mục đích, nhưng giữa Duy và Đình thường là những cuộc đấu trí căng thẳng, chẳng ai chịu thua ai. Hai người đàn ông ngang tài ngang trí hiểu nhau vô cùng, nên dĩ nhiên họ biết họ muốn gì ở nhau.
Đình chẳng muốn Duy thuộc tổng công ty của anh, vì bây giờ anh muốn đừng có kẻ nào vỗ ngực cho rằng nhờ mình mà Khuất Lâm Đình mới có chức như ngày nay. Chẳng phải Đình vô ơn, mà đúng ra con người là vậy. Mấy ai thích kẻ khác nói mãi về thuở hàn vi của mình đâu.
Nhưng nếu tách nhau ra thì Đình sẽ để Duy tự làm chuyện ấy. Và anh ta đã làm đúng như suy nghĩ của anh. Duy lợi dụng lúc anh đi vắng, ông ta tranh thủ ý kiến đa số cổ đông, xin chữ ký tự ý tách công ty mình ra. Bất giác Đình nhếch môi cười. Trước đây để cho Duy nghĩ rằng anh không bao giờ đồng ý cho ông ta tách công ty, Đình yêu cầu cho Mỹ Linh và Oanh sang làm việc với anh, Duy đã nhượng bộ. Và dĩ nhiên Đình biết tỏng Duy đồng ý cũng là để anh nghĩ rằng ông ta không bao giờ có ý định tách rời khỏi tổng công ty.
Bây giờ ván bài đã đánh xong. Đình bực mình ở chỗ cáo già Vương Duy ra tay sớm hơn dự định của anh nhiều lắm.
Tiếng Vinh vang lên làm Đình sực tỉnh:
– Lúc nãy bọn tôi về trễ vì đợi Tố Phượng, chẳng biết sao cô ấy không tới ...Tôi nghĩ dù sao ông với Duy cũng là anh em cột chèo, nên khéo khéo một chút, chớ đừng chia tay rồi lại chơi nhau tới tấp tội nghiệp chị em người ta.
– Sao anh lại nghĩ vậy? Không chung tổng công ty nhưng cũng chung ngành nghề, vẫn còn có quan hệ trao đổi chứ! Rồi anh sẽ thấy những linh kiện điện tử cho Vương Duy sản xuất chủ yếu sẽ cung cấp cho chúng ta chớ chẳng cho ai khác đâu. Nhưng ngoài Duy ra, còn khối chỗ sẵn sàng cung cấp linh kiện cho công ty độc quyền của chúng ta.
Mỉm cười, Đình tỏ vẻ hài lòng:
– Chuyến đi này rất hữu ích. Rồi tôi sẽ đưa báo cáo và dự định kế hoạch tới cho anh xem.
Dựa người ra băng ghế một cách thoải mái, Đình bỗng nhớ mấy câu thơ rất lạ của Triết:
“Nếu như hình trái đất là vuông Trẻ con sẽ chơi trốn tìm quanh bốn góc Nhưng thật ra trái đất lại tròn Nên chúng ta chẳng nấp vào đâu được ...”.
Nhìn những hàng cây dọc đường chạy lùi về phía sau, Đình thầm nhủ:
“Ta chẳng phải là trẻ con, nên dù có chơi trò cút bắt ta dứt khoát chẳng nấp vào đâu cả. Đố ai đuổi kịp ra! Ừ. Đố ai đuổi kịp Khuất Lâm Đình”.
Nguồn: http://vietmessenger.com/