20/4/13

Lấp lánh mưa bay (C16-18)

Chương 16

Bảo Hân ngồi im lặng nghe Định ba hoa. Theo cô thì đúng là từ ba hoa hợp với anh ta nhất. Suốt mấy đêm liền Hân đi nghe nhạc với Định, nhưng cô chẳng nghe được bài nào trọn vẹn vì anh ta nói luôn mồm. Toàn những chuyện bên Tây và toàn những chuyện chơi, chớ chẳng được mấy chuyện làm. Anh ta có vẻ tự hào về việc được đi nước ngoài nhờ bố anh ta lo lót chạy chọt. Định hả hê tuyên bố hợp tác lao động như vậy mới thú, dầu qua bên đó cũng phải làm việc tóe khói, nhưng chẳng phải lo việc tên bay đạn lạc của chiến tranh ... Anh ta từng là kẻ trốn nghĩa vụ. Hân đã căm ghét khi nghĩ như vậy. Thế nhưng cô không cưỡng được lời mời của hắn. Đơn giản vì Hân không muốn về nhà, cô muốn cho ba cô hiểu rằng ông đã mất đứa con gái út rồi.

- Hân! Có nghe anh hỏi gì không ? Sao cứ mơ mơ vậy ?

- Anh hỏi gì ? Hân bận nhìn thiên hạ, sao nghe được.

Định vờ bực dọc:

- Vậy là lời anh nói chẳng có trọng lượng đối với Hân ?

Cô bật quẹt ga nhìn ngọn lửa đỏ rồi đáp:

- Muốn lời nói của mình có trọng lượng, cần phải tính toán, nhồi nhét, sắp xếp nội dung sao cho thật "ép phê" ? Khi ấy người khác sẽ năn nỉ mình nói tiếp, nói tiếp đi. Mấy hôm nay anh nói quá tải rồi, còn gì nữa đâu mà kể với nhau ...

Thấy Định có vẻ quê, Hân tủm tỉm cười làm lành:

- Hân đùa chơi thôi! Cấm giận! Mà anh hỏi gì vậy ?

Định bưng tách cà phê lên nhâm nhi cho qua truông ... ngượng ngập. Anh đã bị Hân kê tủ mấy lần, nhưng sao anh không giận được mới kỳ. Có lẽ vì Hân luôn biết lộ thái độ bất cần và sẵn sàng ... xù đẹp nếu Định tỏ vẻ tự ái đàn ông với cô, tốt nhất là nhịn nếu anh muốn tiến tới cho được mục đích đã tính toán.

Đang lần sần với suy nghĩ, Định đã nghe Hân hỏi tiếp:

- Không lẽ câu trả lời lúc nãy của Hân nặng đến mức anh phải uống hết ly cà phê cho khỏi tức ngực, rồi định thần cho tỉnh mới tiếp tục trò chuyện được à ?

Mỉm cười ướt át, Định tán:

- Câu trả lời đó không nặng bằng bản thân Hân, anh luôn luôn có cảm giác ngạt thở khi ngồi bên em.

Ranh mãnh Hân trêu:

- Vậy cái anh cần là bình dưỡng khí chớ đâu phải là Hân.

- Ý anh muốn nói là anh bị choáng khi nhìn thấy em, nghe tiếng em cười, nghe lời em nghịch ngợm. Em có vẻ dửng dưng làm anh mất ăn, mất ngủ.

- Hân thấy anh vẫn giữ nguyên phong độ, dù nãy giờ anh khai bệnh hơi nhiều, nào là ngạt thở, choáng, mất ăn, mất ngủ. Với Bảo Hân thì như vậy, với những cô gái khác thì sao ?

- Với những cô gái khác anh chẳng có sao hết, vì nếu đã có sao thì giờ này anh đâu còn ngồi đây để chết trong lòng một ít vì em.

Hân cười khúc khích:

- Công nhận nói chuyện với anh Định vui thật.

Giọng Định thất vọng:

- Chỉ vui thôi sao ?

- Vui là trên hết! Hân cần vui chớ đâu cần gì hơn nữa. Tối nay vui bao nhiêu là đủ rồi, bây giờ về, xe đạp gởi ba bốn đêm nếu gởi thêm nữa phiền lắm! Em đã hứa tối nay vào lấy xe rồi.

Định nói:

- Xem chừng thằng Triều cũng có uy với Hân dữ!

- Ủa! Anh biết anh Triều a.

Nhún vai Định đáp:

- Anh với hắn có lạ gì nhau, ở chung xóm từ nhỏ, có điều mỗi đứa có bạn bè riêng nên không chơi với nhau. Lẽ ra nó cũng đi sang Đức với anh rồi, nhưng không hiểu vì yêu nước hay yêu ai mà hắn xa quê không đành, nên ở lại đi nghĩa vụ. Mấy năm tưởng lên tướng lên tá gì không thôi, ai dè hắn yên phận làm đồng chí bảo vệ cho các cô, các cháu mẫu giáo. Nghĩ cũng tội cho tính khí ngông nghênh của hắn.

Ra giọng kẻ cả, Định nói tiếp:

- Gặp anh ở cổng mấy lần, nhưng Triều giả lơ. Hắn mặc cảm thôi! Riêng anh, anh có nghĩ gì đâu. Nếu có điều kiện, anh chẳng ngại giúp đỡ Triều.

Bảo Hân biết Triều không hề mặc cảm như Định nói, anh coi thường anh ta nên chẳng thèm nhận người quen thì đúng hơn. Vậy dưới mắt Triều mấy hôm nay, Hân có ra gì khi đêm nào cũng đi chơi với Định ? Cô trôi trôi đi theo tiếng "xắc xô" buồn áo não ... Ngoài Thuấn ra, người đàn ông làm cô bận tâm nhất là Triều. Khi vỡ tan với Thuấn, anh là người được cô xem như chiếc phạo nhưng chiếc phao ấy tuột khỏi tầm tay của Hân, và cô trôi nổi trên sông đời với bao trắc trở do cô dại dột nhận vơ vào.

Một người tình hờ cho đừng đơn độc, chỉ làm người ta đau đớn hơn, bực dọc hơn và cô đơn hơn thôi! Định không phải là người cô đang cần, ngay cả Thuấn cũng vậy. Nếu như vậy giờ người ngồi với cô là Thuấn chớ không phải là Định, thì có gì khác hơn đâu ?

Lẽ nào khi yêu thành thật với tất cả chân tình của trái tim mà lại yêu lầm ? Như cô từng yêu lầm Thuấn ... Hân khe khẽ thở dài. Thôi đi cô bé! Đừng biện hộ cho ... một thời đã yêu của mình nữa. Cô đã từng yêu cuồng điên, yêu có thể chết được nhưng bây giờ thì hết rồi. Mặc kệ ai đánh giá cô mau quên, mau thay lòng đổi dạ. Biết nói sao khi người ta khó giữ mãi trên tay mình một làn hương ngọt ngào đắm say, nó đã tan rồi, cô chẳng còn gì để tiếc cả.

- Còn sớm, Hân ghé chỗ anh ở cho biết.

Bảo Hân lắc đầu:

- Để khi khác đi anh! Hân phải về vì hết giờ chơi rồi. Đi hoài về nhà mẹ mắng.

Định gượng cười:

- Hân hà tiện thời gian và tình cảm với anh từng chút một. Nói thật, với những cô gái khác, anh không phải khổ như vầy đâu.

- Anh bắt tội Hân đấy à! Nếu đúng vậy Hân đành chịu thôi, vì thời gian và tình cảm Hân đều rất quý, Hân không dám phung phí. Nếu anh tìm được chúng dễ dàng nơi những người khác, anh đừng nên chần chừ, Hân không dám làm khổ anh đâu.

Bảo Hân khoai thai đứng dậy. Định lẽo đẽo bước theo.

- Kìa Hân! Giận anh rồi sao ?

- Không giận, nhưng muốn về.

- Anh đưa em về nhà ngay.

- Em muốn về trường lấy xe.

- Chi cho cực! Anh đưa em về nhà.

- Chi cho cực! Anh đưa em về trường.

Nghe tiếng Hân cười khúc khích, Định tủm tỉm cười theo. Cô bé đẹp tuyệt này buồn vui bất chợt lắm, phải khéo chiều thôi.

Đợi Hân ngồi lên phía sau, Định mới ngọt ngào:

- Mình đi ăn món gì nhè nhẹ rồi về Hân nhé. Vẫn còn sớm chán mà!

- Hân không đói!

Biết ý Hân, Định xuôi theo:

- Vậy anh không dám ép. Hân này! Ngồi sau lưng anh, em có nghĩ gì không ?

Hân cười, tiếng cười thoang thoảng mùi hương tóc làm Định phấn chấn. Anh cho xe chậm lại và hỏi:

- Sao không trả lời mà cười ?

- Nghĩ tới câu trả lời ... Buồn cười quá!

- Nói cho anh cười ké với!

Bảo Hân thì thầm:

- Em nghĩ trông chúng mình như một đôi tình nhân.

Nghe tiếng "Em" ngọt ngào được thì thầm bên tai, Định hả hê trong bụng, anh choàng một tay ra sau kéo Hân ngồi sát vào mình rồi nói:

- Ngồi tựa vào nhau như thế mới giống hai người đang yêu.

Không buông tay ra, Định siết chặt eo Hân:

- Phải không em ?

Hân tựa đầu vào lưng Định, giọng buồn rầu:

- Nhìn bên ngoài hình như là vậy! Vì làm sao ai đi thấu tới lòng ai để nói chắc.

Nghiêng người ra phía sau Định nhỏ nhẹ:

- Nghi ngờ lòng anh phải không ? Nói thiệt, lòng anh lúc này chỉ có em.

- Mau vậy sao ?

- Tình yêu mà! Tốc độ của nó gấp nghìn lần tốc độ của ánh sáng.

- Vậy mà vẫn có những nơi tình yêu không tới được.

Định mở miệng triết lý:

- Đó là ở ngõ ngách tăm tối của tâm hồn những kẻ u mê, cuồng trí hoặc đó là ở ngăn tim của kẻ đã chết vì thất tình. Bọn họ không còn xúc cảm thì tình yêu nào mà đi tới được.

Bảo Hân xa xôi:

- Vẫn còn nơi tình yêu không vào tới được.

Định ngạc nhiên:

- Nơi nào ?

- Nơi em! Em không yêu được.

- Anh sẽ dạy em cách yêu. Nhất định em sẽ thích. -- Vừa nói Định vừa vận ga cho xe leo dốc chạy vào sân. Lớp Nhật ngữ đã tan rồi, mà Triều vẫn chưa đóng cổng. Hân bước dọc theo hàng lang, nơi có những bóng đèn vàng mờ mờ để vào phòng của Triều. Định dựng xe dưới thềm rồi theo sau.

Hân định bảo anh đừng theo nhưng ý nghĩ để xem thái độ Triều ra sao khi chạm tận mặt Định, làm cô thích thú. Hân bước chậm chậm tình tứ bên anh và mong sao Triều thấy cảnh tượng này.

Đi đến cuối hành lang để rẽ qua dãy phòng tối om dẫn tới nơi Triều ở, Định bỗng dưng kéo Hân đứng lại. Cô ngạc nhiên chưa kịp hỏi lý do, thì anh đã tấn cô sát tường, hai tay vòng siết người cô, giọng đầy háo hức:

- Anh sẽ dạy em yêu. Đôi môi ngoan như thế này mà không yêu thì phí quá!

Hân đờ người ra vì bất ngờ, cô quýnh quáng nghiêng đầu né Định. Tiếng cô vở ra, ú ớ vì tức:

- Buông ra! Anh làm gì vậy ?

- Đừng vờ nữa Hân! Anh có phải ngốc đâu mà không hiểu ý em. Em không được vì thèm một nụ hôn. (chòy :eek )

- Buông ... đừng ...

Môi Định tham lam phủ khắp mặt cô, tìm môi cô, Hân cố sức đẩy anh ta ra, cô vùng vẫy trong tuyệt vọng.

- Buông ra đồ khốn!

Giọng Triều giận dữ gầm lên. Anh nắm vai Định kéo mạnh ra, vung một cái đấm vào mặt hắn.

Định nghiêng đầu né được, anh ta rít lên:

- Chó què! Mày rình mò phút riêng tư của người khác để phá à ?

Bảo hân tựa vào tường run lập cập, một phần hốt hoảng vì chuyện vừa rồi, một phần lo sợ khi thấy hai gã đàn ông lao vào nhau như hai con hổ tranh mồi.

Triều lầm lì:

- Không cần nói nhiều. Tao đếm đến ba mày còn ở đây thì chớ trách tao lờ không nhìn ra người quen.

Thấy Định còn đứng gườm gườm thủ thế, Triều bước tới. Lúc này cả Hân lẫn Định mới thấy trên tay anh là khẩu súng M16. Triều hất hàm:

- Vào cơ quan ban đêm, giở trò đốn mạt với cô giáo, bao nhiêu đó đủ bị nhốt rồi. Cút ngay không! Bộ đội phục viên bắn không tồi đâu.

Thấy khẩu súng đen ngòm lạnh lùng chĩa về phía mình, Định cũng rợn óc, nhưng trước mặt Hân, anh ta cố nói cứng:

- Mày quyền gì dám đòi bắn tao ?

- Quyền của thằng gác đêm. Nhưng Định à! Tao không dại gì bắn vào mày cho mệt. Tao bắn chỉ thiên vài ba phát thôi công an tới điệu mày đi ngay. Bây giờ cút hay không ?

Quay sang Hân đang nép người vào vách, Định dày mặt:

- Về Hân! Em đưa anh vào đây phiền quá. Biết như vầy ra công viên ngồi còn hay hơn nhiều.

Hân ức đến nghẹn lời. Cô gục đầu vào đôi tay rồi ngồi bệt luôn xuống thềm đá ...

Triều quát to:

- Để cho Hân yên! Mày bước đi ngay.

Triều hằn học kéo cơ bẩm súng, tiếng kim loại chạm vào nhau trong đêm nghe dễ sợ làm sao.

Định thụt lùi hai ba bước rồi quay lại đi tuốt ra xe. Trước khi rồ ga phóng đi, anh ta còn ráng vớt vát:

- Mẹ ... không có cây súng đó, tao đã đập mày vỡ mặt rồi.

Triều ra chốt cổng lại rồi đến bên Bảo Hân, lòng giận sôi lên, anh cộc lốc:

- Vào mà lấy xe.

Chẳng đợi xem phản ứng của cô ra sao, Triều bỏ vào trước. Vô tới phòng anh mới bình tâm để nhận ra khoảng trống tối đen ghê gớm đang nằm giữa ngực mình.

Yêu nghĩa là hạnh phúc, yêu cũng có nghĩa là đau đớn. Yêu nghĩa là được, là mất chứ không phải cứ lững lờ trôi nổi giữa dòng như anh. Phải chấm dứt tình trạng này ngay thôi!

Triều dắt chiếc mini ra dựng dưới sân, cố dằn lòng ghê gớm nhưng anh vẫn nghe giọng mình khô khốc:

- Qúa giờ đóng cổng lâu lắm rồi. Cô về đi!

Bảo Hân tủi thân chưa từng thấy, cô biết Triều đang giận và căm ghét mình lắm. Nhưng tại cô chớ tại ai. Nên trách bản thân thì hay hơn trách người khác.

Lủi thủi Hân bước xuống sân, dẫn bộ xe ra. Cổng Triều đã khóa, cô mệt mỏi ngồi xuống chiếc ghế đá gần đó, hơi sương ươn ướt trên ghế làm Hân thấy lạnh và tâm hồn càng trống vắng hơn. Cái trò bồ bịch cho đỡ đơn côi, cho có người yêu bên cạnh kết thúc sớm và tồi tệ hơn cô nghĩ nhiều qúa. Bây giờ cô được gì, ngoài tình cảm gia đình ngày càng tổn thất, ngoài lương tâm cô ngày càng ray rứt khổ đau. Ngôi nhà dầu sao một thời cũng rất hạnh phúc ấy bây giờ lạnh như mộ địa. Ba cô bỏ đi cả ngày lẫn đêm, về nhà lầm lì không thèm ngó tới vợ con, và mẹ cô bây giờ đúng là một chiếc bóng âm thầm, mỗi đêm ngồi đan những mảnh áo len gia công để giết thời gian tẻ ngắt và để đợi chồng, đợi con. Lời nói của bà không còn tác dụng đối với đứa con út bà tưng yêu thương hết mực.

Hân chưa bao giờ hỗn hay cãi mẹ, nhưng cô van vỉ xin bà hãy cho cô tìm khuây khỏa bên bạn bè cho đỡ buồn, nếu không cô sẽ chết mất trong sự đơn điệu tẻ ngắt của ngôi nhà này. Thương con, bà bấm bụng bằng lòng vì bà linh cảm rằng nếu cương quyết nói không, Hân cũng sẽ không về sau giờ tan trường như xưa kia cô luôn về như vậy đâu.

Hân chớp mắt rưng rưng. Cô là đứa con ích kỷ, bất hiếu. Lẽ ra lúc này là lúc cô nên ở bên mẹ để chia sớt sự đơn côi của bà thì cô lại trốn tránh. Tại Hân không chịu nổi thái độ sùng bái gần như mù quáng của mẹ đối với ba mình. Đêm nào ông không về bà liền bào chữa cho ông ... nào là chắc công tác đột xuất ở Vũng Tàu hay một nơi nào đó xa xa, hoặc ba con có nói đêm nay không về ...

Tiếng chân quen thuộc của Triều lạo xạo trên sỏi làm Hân phải nhìn lên. Mặt anh vẫn lạnh lùng xa lạ:

- Chưa chịu về nữa sao ? Cổng tôi gài chốt chớ đâu có khóa.

- Anh ghét em lắm phải không ? Sao đuổi em dữ vậy ? Anh đâu muốn nhìn mặt em.

Triều khó khăn mở lời:

- Tình cảm của tôi giành cho em như thế nào chắc em biết. Nhưng không phải vì biết mà em đùa cợt đâu Hân. Tôi muốn em về ngay vì tôi sợ mình nổi nóng khi nhớ lại bản mặt thằng khốn ấy, rồi nói lời động chạm đến em thì khổ.

Hân thổn thức:

- Anh vẫn nghĩ tốt về em sao Triều ? Trong khi em làm những điều đáng để anh mắng vào mặt, chớ không phải chỉ nói lời động chạm tới em nhẹ nhàng vậy đâu. Em đáng trách, đáng khinh lắm khi vờ vĩnh đi chơi với một người mà không tìm thấy ở anh ta một sự đồng điệu nào cả. Em đã tìm được một tấm bình phòng đầy màu sắc sặc sỡ như anh đã gợi ý với em. Tiếc thay tấm bình phong ấy chỉ có bề mặt, em vừa kịp chán bề mặt nông cạn ấy thì vừa lúc hắn giở trò. Vậy cũng tốt! Chẳng còn chút gì phải bận tâm khi nghĩ tới lúc muốn dứt ra mà tìm không được lý do.

Cười buồn Hân nói:

- Lúc nào em cần một điểm tựa, anh cũng đứng kế bên và từ chối. Như vậy tình cảm giành cho em, anh để tận đâu ? Nó có thật không ? Sao em chỉ nghe nói nhưng chưa một lần nhìn thấy.

Đứng dậy, Hân nhìn Triều:

- Bây giờ em về, khuya lắm rồi! Dầu sao em cũng phải tập một mình cho quen.

Giữ tay cô lại, Triều cương quyết:

- Chờ anh đưa Hân về, vì anh không muốn em phải đi một mình trong đêm tối.

Ngập ngừng một chút, anh xúc động nói tiếp:

- Anh cũng không muốn em phải một mình trong những ngày tháng tới. Anh nói như vậy em có cho anh là kẻ cơ hội lố bịch không ?

Thay cho câu trả lời, Hân nhè nhẹ lắc đầu. Cô có cảm giác vững vàng yên ổn khi đôi tay mình được ủ ấm trong đôi tay khỏe khoắn của người đàn ông đứng trước mặt.

Triều kéo Hân vào lòng, anh dịu dàng thận trọng vuốt mái tóc thơm mềm của cô. Cử chỉ đó làm Hân muốn khóc vì nhận ra Triều yêu và quý mình biết bao. Len lén cô ngước lên nhìn trộm anh, trong bóng đêm, gương mặt anh rõ những đường nét gãy gọn như tạc bằng đá. Bỗng chốc gương mặt đó trở nên thân quen với Hân vô cùng.

Nhắm mắt lại, cô bồi hồi nghe giọng Triều trầm ấm:

- Anh không nói gì với em đâu. Nhưng anh tin em sẽ hiểu anh. Anh tin như vậy.


Chương 17

Út Tẹo ngồi thu người trong góc quán nhìn mưa. Mấy hôm nay mưa dầm khó bán quá! Anh mua một điếu ba số rồi khề khà nhả khói để giết thời gian và giết cả sự cô đơn, buồn bực đang làm tình làm tội anh đến khổ sở.

Một người chạy xích lô bước vào quán. Anh ta rũ mạnh cái nón cho bớt nước rồi ngồi xuống gọi cà phê.

Thoáng thấy Tẹo, anh ta buột miệng chửi thề:

- Mẹ ... Anh em nhà mày làm chó gì mà quậy suốt đêm, không cho ai ngủ hết vậy ?

Tẹo gượng gạo:

- Tui có dự vào chuyện của mấy ổng đâu, sao gặp ai cũng bị hỏi, bị mắng vốn. Khổ thật!

- Anh em tụi bây ở chung nhà, không hỏi mày chẳng lẽ hỏi người xung quanh ? Mẹ ... nó! Tao nói trước, quậy lần nữa là kêu công an xuống à nghen. Mẹ ... nó, mình làm quần quật suốt ngày, có được ban đêm để ngủ mà cũng không yên. Thứ cô hồn, các đảng gì đâu, nốc rượu cố xác, sao không mắc gió chết mẹ cho rồi, sống không làm được tích sự gì lại chật đất. Nói thật! Thương mày bao nhiêu, tao lại ghét mấy thằng quỷ sứ đó bấy nhiêu. Mẹ ... nó!

Út Tẹo làm thinh. Nghe người ta mắng ba ông anh của mình, anh không giận mà thấy đáng. Các ông ấy xứng được chửi, chỉ điều ít ai dám chửi thẳng vào mặt ba con người có cái bề ngoài hung ác như quỷ sứ ấy, mà trái lại họ lại hầm hừ, hăm dọa anh và bà mẹ suốt ngày như câm lặng của anh.

Với mẹ anh, bà luôn luôn nhịn nhục, xin lỗi rồi năn nỉ ỉ ôi, bà năn nỉ xóm giềng bỏ qua cho cái thói say xấu nết của chúng, và bấm bụng nghe hàng xóm chửi mèo, mắng chó vì dù sao bà cũng nghĩ rằng "Con dại cái mang". Còn với Tẹo, anh mím môi làm thinh vì cuộc sống dạy anh rằng lời nói của kẻ tật nguyền nghèo đói không ai nghe đâu, tốt hơn là im đi để còn kiếm miếng ăn qua ngày.

Út Tẹo thấm thía lắm! Như anh quả là hèn. Cái bộ tướng ma chê, quỷ hờn của anh chỉ phù hợp cái tính hèn đáng khinh. Tâm hồn anh có cao thượng cỡ nào cũng chẳng ai tin, vậy cứ làm thằng hèn, mặt ai muốn nói gì thì nói, nghĩ gì thì nghĩ. Thân phận anh đã là vậy từ lúc mới lọt lòng mà!

- Mưa gì thúi đất, thúi đá hết vẫn mưa! Tạnh đi cho tụi con nhờ ông trời ơi!

Giọng ai đó ê chề vang lên làm Tẹo nhớ tới ba mớ vé số còn trong túi mình mà ngán ngược.

- Ê! Tẹo! Tao nghe nói thằng Hai Nám dạo này đỡ lắm hả ?

- Tui đâu biết!

- Giấu hoài! Anh em ở chung nhà mà không biết.

Tẹo nhếch môi:

- Tụi tui đứa nào làm nấy sống. Ổng đi tối ngày, về tới nhà là xỉn tuốt, ai dám hỏi, động tới cho ổng đập hả ? Người ta đồn gì cũng kỳ, cu ly vác mướn, được đồng nào xào đồng đó lấy đâu ra mà đỡ, mà khá không biết nữa!

- Nó theo con mẹ Liễu đánh bài, ăn đậm lắm! Có mày cà khùng, cà khật mới chẳng hay gì cả.

Tẹo buột miệng chua chát:

- Hay chứ! Nhưng chỉ hay lúc ảnh thua đậm thôi! Thì rồi đó, tối hôm qua, sạch túi mới về nhà giặc làm giã náo động cả xóm.

Tiếng ai đó bất bình:

- Thằng tệ thật! Nó chửi cả mẹ đẻ ra nó.

Chẳng cần quan tâm đến Tẹo, một giọng khác bồi thêm:

- Ôi! Thứ con không cha, ở viện mồ côi từ nhỏ thì vậy phải rồi. Nó có cần gì mẹ!

Tẹo nhớ tới anh Hai mình mà chán nản. Trong bốn anh em, Hai Nám to lớn nhất và cũng dữ dằn nhất. Anh ta sẳn sàng gây gỗ, sinh sự với người khác chỉ vì những nguyên do nhỏ nhặt. Trên mặt anh ta có một cái bớt đen, điều đó làm Hai Nám mặc cảm, mỗi lần rượu vào hắn lại đay nghiến mẹ mình. Không biết dạo này bà Liễu nói khích gì, mà tối hôm qua Hai Nám say rượu về tới nhà, hắn kéo ghế ngồi ngay đầu chõng ọp ẹp của bà mẹ, bắt đầu chửi đủ chuyện.

Đầu tiên hắn muốn biết cha mình là ai. Bà mẹ làm thinh, thế là hắn chì chiết hỏi sao bà lắm chồng thế ? Đã làm điếm sao không có gan lấy Mỹ, hắn mà lai Mỹ thì giờ này đời hắn đã sướng như tiên, chớ có đâu ở trong chòi toàn rác rưới như vầy.

Nằm trong xó của mình, Tẹo nghe mẹ khóc, nước mắt anh cũng âm thầm ứa ra. Anh căm thù những thằng anh của mình. Ngôi nhà này là nơi mỗi đêm họ say khướt, ngất ngưởng bước về lần lượt từng người để ấu ó, đ'nh đấm nhau như tối hôm qua vậy thôi. Biết bao giờ anh và mẹ mình mới thoát khỏi nỗi khổ triền miên đó chớ!

- Ê Tẹo! Dạo này mày còn bán vé số cho Thầu Qúy không ?

- Còn!

- Lão ấy vẫn trúng dài dài hả ?

Tẹo hờ hững "ờ" cho qua chuyện. Từ lâu rồi anh không quan tâm tới việc lão ta đã tính toán cách nào để tứ tì tì trúng số mãi. Anh tự an ủi mình "người tính cũng không qua được trời tính". Anh chỉ ao ước trúng vài trăm ngàn để mua cho mẹ cái giường kha khá hơn thôi. Mà nào có được!

- Nghe đồn đâu tiền Thầu Qúy mua con Lô Lô là tiền trúng số lão gom góp lại. Nếu thật vậy, cha này kiếp trước chắc ăn ở hiền lành nên kiếp này hưởng lợi.

- Xì! Mặt lão mà tu. Tại trời chưa kêu tới thằng chả đó thôi!

Một chiếc xích lô tấp vô sát cổng. Bà Liễu mở bạt xe hấp tấp bước xuống. Vừa thấy mặt Tẹo, bà ta đã la bài hải:

- Thằng Hai Nám đâu què ? Nó ăn cắp tiền của tao hết rồi. Bây giờ nó trốn ở đâu ?

Út Tẹo chưng hửng:

- Tui đâu có biết. Sáng sớm là ổng đã đi mất biệt. Mà tiền bà để ở đâu cho ổng thấy.

Mặt bà Liễu xanh mét, Tẹo không hiểu bà ta lạnh hay giận mà giọng nói run run đứt đoạn:

- Nó vào giường tao ngủ đỡ qua đêm gần sòng bài, quơ không còn một đồng, nó biết đêm qua tao ăn mà. Trời ơi! Chó đẻ, tao sẽ giết nó.

- Giết nó rồi làm sao đi Mỹ, bà nội ? -- Giọng ai đó vang lên như chế dầu vào lửa. Bà Liễu ngồi đánh phịch xuống chiếc ghế đẩu, ôm lấy đầu. Bà ta lại tuôn ra tràng âm thanh tục tĩu cho hả tức. Người nào đó lại lên tiếng:

- Bà giỏi thì đi thưa cho công an giải quyết, làm gì ngồi đây chửi đinh tai vậy ? Mà có thưa thì nhớ khai thêm, tiền bị mất là tiền đánh bài ăn nghen, hổng thôi người ta không biết tiền đâu bà nhiều dữ vậy.

Nhìn gương mặt về chiều của bà Liễu, lòng Tẹo thầm khinh bỉ. Bà ta là người tham lam vô độ, bà ta từng làm nhục Bảo Hân vì ham tiền, nay tiền ấy lại rơi vào tay kẻ khác. Vừa lắm!

Tẹo ngao ngán đứng dậy bước ra ngoài. Mưa vẫn còn lất phất nhưng anh phải đi, ngồi lâu trong quán đó, anh chịu không nổi.

Gần mười ngày nay Tẹo không ghé thăm Triều. Một phần tại trời bão rớt, mưa dầm, một phần tại lòng anh buồn quá, chẳng muốn đi đâu chỉ muốn rút vào giường nằm nghe mưa rơi mà thấm thía, mà suy đi nghĩ lại sự bất hạnh phải mang từ thưở lọt lòng.

Dạo này Triều đã có niềm vui riêng. Tẹo mừng cho anh nhưng trong thâm tâm Tẹo vẫn tủi cho mình, dù biết Bảo Hân là một khát khao anh không đời nào có được. Trước kia ít có dịp tiếp xúc, nói chuyện với Hân, tình cảm của Tẹo đối với cô hư hư, thật thật, đủ để tối ngủ có những giấc chiêm bao đẹp. Bây giờ được gặp Hân thường hơn, nhìn cô nũng nũng, nịu nịu bên Triều và thấy cô luôn luôn ngọt ngào dịu dàng với mình, Tẹo mới nhận ra anh yêu Hân biết bao. Một thằng ngợm như anh cũng biết thất tình nữa sao ? Anh muốn ngửa mặt lên trời cười to cho hả hê, như cười một thằng nào chớ không phải cười cái thằng tôi què quặt.

Đi ngang nhà Thầu Quý, Tẹo thấy Lô Lô đứng lấp ló ngoài cổng. Vừa nhìn thấy anh, đôi môi dày của con nhỏ đã đãi dài:

- Ông già chờ anh từ sáng tới giờ.

Tẹo cắc cớ:

- Ông già ai mới được ?

Lô Lô nhún vai:

- Ông già đây có nghĩa là lão già chớ không phải là ông bố, ông tía gì đâu.

Đóng sầm cánh cửa lại, con nhỏ tỏ vẻ ghét thậm tệ:

- Ba tui là thằng cha Mỹ đen nào đó, tui không biết mặt thiệt, nhưng chắc không đến nỗi tồi như cha Thầu Qúy. Anh Út biết hôn.

Lô Lô ngừng nói, liếc mắt vào trong rồi hạ giọng căm tức:

- Lão ta mua tui về cho thằng Nghị xuất cảnh, vậy mà nửa đêm lão mò vô giường tui.

Tẹo buột miệng:

- Rồi mày làm sao ?

- Thì ... làm thinh chớ làm sao.

- Trời đất! Ngu thấy mẹ!

- Ờ ngu! ... Tui đợi lão khoái chí nằm xuống, tui mới túm ngay la làng lên. Vợ con lão chạy qua, tui khóc lóc đe dọa đi thưa. Cả nhà nó xúm lại năn nỉ, cuối cùng phải lòi tiền ra tui mới chịu yên.

Thấy vẻ tự đắc của Lô Lô, Tẹo phán một câu cho bỏ ghét:

- Mày y chang má mày. Cái gì cũng tiền.

Không buồn vì câu nói của Tẹo, Lô Lô rầu rầu:

- Hổng biết má tui bả nghĩ sao mà xài tiền bao nhiêu cũng hết. Nói thật tui không muốn qua Mỹ.

- Sao vậy ? Mày gốc Mỹ, qua bển là phải rồi, ở đây làm gì cho cực.

- Biết sao là cực, biết sao là sướng, ở đây tui còn bà ngoại, mấy dì, dù họ hổng thương tui bằng những đứa cháu khác nhưng tui còn có bà con, qua bển nghĩ cũng sợ vì không ai binh vực.

Tẹo tỏ vẻ rành rẽ:

- Tao nghe nói ở bển cũng có tổ chức này nọ lo cho mình, sợ gì mà sợ!

Giọng Lô Lô hơi nghẹn lại:

- Tui sợ má tui đem bán tui để lấy tiền lắm. Qua bển tui sẽ chết vì lòng tham của bả.

Nghe con nhỏ nói, Tẹo xót xa thật lòng, anh nạt ngang:

- Tầm bậy! Mẹ nào lại đi bán con.

- Mẹ ai tui không biết, chớ mẹ tui bả bán tuốt. Bả đã bán tui một lần, bán lấy tiền đánh bài. Không có bà ngoại là tui đi làm gái luôn rồi.

Tẹo nuốt nước bọt mà thấy cổ họng mình vẫn khô ran. Trong xóm này Út Tẹo với Lô Lô vẫn thân thiết với nhau từ nhỏ. Anh tội nghiệp con bé luôn bị mẹ mắng nhiếc, mọi người rẻ khinh vì cái màu da đen không lẫn vào đâu được nên đôi khi quên thân phận mình lân la trò chuyện với Lô Lô. Lâu ngày thành quen, con bé hay tâm sự với Tẹo, chỉ đến khi anh nhận ra Lô Lô đã là một cô gái thì Tẹo mới thôi thân thiết. Anh vốn sợ cái mồm bà la sát của mụ Liễu, bà ta muốn nói quàng xiên gì ai không được.

Nhìn Lô Lô với ánh mắt tội nghiệp, Tẹo nói lơ qua chuyện khác:

- Hôm nay má mày ở đâu Lô Lô ?

- Bả ở trong mấy sòng bài chớ ở đâu.

- Ủa! Bả không ở nhà ... chồng hả ?

- Bả chê ở đó chán, bả kiếm chuyện quậy rồi bỏ đi. Thằng cha nào với phải má tui cũng mệt, bả ham tiền quá thành ra không biết phải quấy gì hết. Gia đình đó họ tới đây hỏi tui về bả, tội nghiệp họ lo mất tiền mà đi không được.

Út Tẹo khinh bỉ:

- Tội nghiệp con mẹ gì, cái thằng dượng ghẻ của mày cũng không vừa đâu.

- Anh biết thằng chả hả ?

- Ừ! Bộ mày không biết sao ?

- Không! Biết làm gì cho mệt. tui chán quá anh Út à. Tui muốn trốn đi cho rồi. Mà dễ gì ... nhà Thầu Qúy canh tui hơn canh tù.

Lô Lô vừa dứt lời Tẹo đã nghe giọng bà Thầu Qúy the thé:

- Lô Lô! Mày đâu rồi ?

- Tui đây nè! Trời mưa có đi đâu được đâu mà bà lo.

- Lo chớ sao không lo! Tiền người ta đổ mồ hôi xót con mắt làm mới ra, chớ đâu tự dưng như mẹ con mày, có cái mác Mỹ là có tiền xài, đã vậy còn trốn tới trốn lui cho khổ người khá c.

Thấy Út Tẹo đứng xớ rớ, bà ta la lên:

- Mày làm ơn bỏ dép dưới thềm dùm tao, nhà mới lau, chân cẳng cà quơ vích sình bùn tùm lum, dơ dáy quá!

Tẹo làm thinh bước vô phòng khách, nhìn mặt lão Qúy đang phì phà điếu thuốc, nữa nằm nửa ngồi trên cái ghế mây, Tẹo thấy gớm. Khác với thái độ mời mọc thường ngày, anh lặng lẽ chìa xấp vé số ra rồi đứng chờ lão lựa.

Tẹo không dứt mắt khỏi gương mặt của Thầu Qúy được, hôm nay nhìn đôi môi mỏng sít rịt ấy anh bỗng thấy nó bẩn thỉu dơ dáng làm sao, rồi đôi tay được cắt khéo cẩn thận của lão nữa, nó cứ mân mê, chọn tới, vọc lui ...

- Nè mày! Bữa nay mưa, tao làm phước mua dùm mày hai chục tờ. Ngon hong ?

Tẹo cố gượng cười khi đưa tay nhận lại xấp vé số, tự dưng anh chùi những tờ số vào áo rồi mới cất vào cái tép nhỏ. Anh hậm hực với ước ao: Phải chi mình khá hơn một chút, dứt khoát mình không bán số cho lão ...

- Mở cửa cho nó, Lô Lô!

Ra tới ngoài Tẹo nói:

- Sao mày ở nổi với họ, tao nghĩ cũng hay.

- Hay lắm cũng như anh, tui để ý thấy lúc anh lấy vé lại, anh chùi nó rồi mới cất vô giỏ, vậy chớ tiền thằng chả đưa sao anh không chùi ? Anh ghét họ nhưng anh vẫn cần tới họ. Tui cũng vậy, phải ráng thôi, má tui bả nhận tiền rồi, tui trốn sợ bả ở tù.

- Ai dám thưa mà mày sợ Ở tù. Đi Mỹ hay không là quyền mày mà.

- Chậc! Tôi nghĩ nát nước rồi, dầu gì tui cũng là vợ thằng Nghị ròm. Tui mà đi là ông già nó thưa tui ăn cắp đồ bỏ trốn liền. Ổng hăm rồi!

Tẹo băn khoăn:

- Lô Lô! Bộ mày không thích đi Mỹ thật à ?

Lô Lô chớp lia chớp lịa đôi mắt hơi lồi trắng dã:

- Không! Phải chi có tiền, tui trả cho ông Thầu Qúy rồi ở lại Việt Nam.

- Bao nhiêu lận ?

Giọng Lô Lô thất vọng:

- Nhiều lắm, nghe đâu ổng đưa má tui trước phân nửa, còn phân nửa qua bển khi làm đơn li dị, thằng Nghị sẽ đưa tiếp.

- Nhiều mà là bao nhiêu ? -- Tẹo gằn giọng hỏi lại.

Lô Lô cười:

- Anh này ngộ thiệt! Hỏi chi vậy ? Anh có cho tui được đâu mà hỏi hoài.

- Tao nghèo thiệt nhưng cũng cho mày được hai tờ vé số. Vái ông địa cho mày trúng độc đắc, lấy tiền trả người ta rồi ở lại buôn bán gì đó, còn ngon hơn đi qua bển mà sợ đủ thứ.

Thấy Tẹo lấy vé số ra, Lô Lô xua tay:

- Thôi đi ... Ông! Lời mấy đồng mà cho khổng biết, tui hong lấy đâu. Thầy bói nói tui số hồng nhan khổ lắm, dễ gì trúng độc đắc, nhận của anh cho uổng tiền.

Tẹo cằn nhằn:

- Con nhỏ này kỳ. Hồi đó tao bán đậu phộng với hột bí rang, đêm nào về ngang nhà mày cũng hỏi có bán ế hong, cho mày xin cái ế. Tao nhớ lần nào mày xin, tao cũng cho hết. Lúc đó tao còn khó khăn hơn bây giờ nhiều. Cầm lấy đi Lô Lô! Vé tao bán hên lắm. Biết đâu mày trúng độc đắc.

Nhìn cánh tay khèo móng chim của Tẹo, Lô Lô thấy tội quá, dầu sao Út Tẹo cũng từng thân thiết với cô ... Không nỡ chối từ, Lô Lô miễn cưỡng:

- Vậy thì đưa đây! Nếu trúng tui với anh chia hai. Chịu tui mới nhận.

- Ờ! Chia mấy cũng được. Mày nhớ vái ông địa phụ tao nhé. Thôi tao đi à!

Co ro trong chiếc áo mưa, Tẹo bước đi nhẹ tơn, anh có cảm giác như con bé Lô Lô đã trúng số rồi không thôi.

Chương 18

Trúc ngồi dán mấy tấm tranh vẽ chuẩn bị cho tiết hội giảng của Bảo Hân mà cứ tủm tỉm cười một mình khi nghe bọn trẻ nói chuyện với nhau.

Con bé Hoài Phương nãy giờ cứ theo chọc Thúy Vi:

- Vi là vi trùng. Vi là vi trùng.

Thúy Vi ngồi làm thinh, lâu lắm nó mới rụt rè lên tiếng:

- Không phải! Vi là Thúy Vi.

- Phải, Vi là vi trùng. Ghê quá, hông ai thèm chơi ... Vi là vi trùng ...

Thằng Lễ Trí đang chơi xây dựng gần đó xen vào bênh vực:

- Nó m...à là v...i trù ...ng... thì mầy là ... si ... đa, ma túy, x...ì ... k...e.. hiểm ... họ ...a của mọ ...i nhà, mọ ...i người.

Không nhịn được, Trúc cười thành tiếng, cổ gọi:

- Lễ Trí, ai dạy con vậy ?

- Con c...oi t..i vi ... c...ó con ma... t...úy ... Ở tr...o? ...ng.

Trúc lắc đầu:

- Đúng là học trò của Bảo Hân! Đến cà lăm mà cũng mồm mép. Hoài Phương! Không được chọc bạn nữa nghe chưa ?

Cúi xuống làm tiếp công việc của mình, Trúc bỗng thoáng thấy như có người ngáng ngay cửa lớp.

- Xin lỗi ...

Đứng vội dậy Trúc bước ra:

- Chị muốn tìm ai ?

Người phụ nữ trẻ mỉm cười thân thiện:

- Tôi muốn thăm cháu Thúy Vi. Tôi là dì nó ở xa, đi công tác ngang ...

Nghe đến tên mình Thúy Vi ngước lên nhìn. Thấy con bé không biểu lộ mừng vui gì cả. Trúc cũng làm lạ, nhưng nhớ lại tính con bé vui buồn gì cũng giấu kín trong lòng như bà cụ nên cô nói:

- Cháu Vi ngồi kìa! -- Rồi nhận ra hình như người xưng là dì lơ ngơ tìm kiếm con bé, Trúc ngạc nhiên:

- Nó mặc áo đầm xanh đó! Chị không nhận ra à ?

Giọng người phụ nữ hơi nghẹn lại:

- Không! Tôi đi xa khi cháu Vi mới thôi nôi. Tội nghiệp! Trông nó ốm yếu quá.

Quay lại nhìn Trúc, cô ta ngập ngừng như van xin:

- Tôi có thể đưa cháu đi chơi mát chút được chứ ?

Nhìn gương mặt đẹp có nhiều nét giống Thúy Vi, nhất là ở đôi mắt, Trúc hơi xiêu lòng, nhưng cô vẫn lắc đầu từ chối.

- Chị thông cảm, nội quy trường tôi hơi khó, ngoài cha mẹ, ông bà và người thân đưa rước hàng ngày mà giáo viên biết mặt ra, chúng tôi không dám giao trẻ cho ai khác.

- Vậy tôi ngồi chơi với nó ngoài ghế đá một chút chắc được ?...

- Vâng! Giờ này là giờ chơi tự do, chị cứ trò chuyện với nó. Con bé này ít nói lắm! Nó thích ngồi một mình không thôi.

Ngoắc tay gọi Thúy Vi đến, Trúc dặn dò:

- Ngồi với dì ngoài ghế đá, không được đi đâu nghe chưa Vi.

Người phụ nữ ngồi xuống nhìn con bé rất lâu. Thúy Vi cũng yên lặng ngó trả lại rồi chậm chạp theo người dì bước ra ghế đá. Đúng là hai dì cháu đang làm quen nhau! Trúc lắc đầu ái ngại rồi tiếp tục phần việc của mình.

Bảo Hân dự giờ ở lớp Huyền Sương đã xong, cô về lớp mình. Thạch Thảo bước vào theo, mồm lách chách:

- Con Sương bữa nay bị tổ trác hay sao mà ăn nói thấy cười thiệt.

- Tổ nào mà trác, tại Sương có tật nói không đầu, không đuôi, không rõ ràng quen rồi!

Thạch Thảo ôm bụng cười ngặt nghẽo:

- Ha! Ha! Ha! Bà Trúc biết nó dạy sao hông. Trời ạ! Tui cố nín để đừng cười mà nín không được. Thật học trò của nó cũng bộp chộp y chang cô giáo.

Nín cười để thở, Thạch Thảo nói tiếp:

- Không biết khi dạy mọi lúc mọi nơi, nó dạy như thế nào, mà hồi nãy nó chỉ vào con cua hỏi: Đây gọi là gì ? Thì học trò dơ tay trả lời: Thưa ... mu, cô!

Trúc cũng phì cười khi nghe Thạch Thảo kể. Nhìn Thảo đang hả hê, cô nhỏ nhẹ:

- Cười vừa thôi! Tới phiên mình dạy thế nào cũng có sơ xuất, thiên hạ lại cười lại.

Nhún vai đầy vẻ tự tin, Thảo nói:

- Dễ gì Thảo này để cho thiên hạ cười. Nói thật, khi lên một tiết hội giảng, mình chuẩn bị cả tháng, giáo án nằm trong đầu, điệu bộ diễn xuất nhuần nhuyễn còn hơn diễn viên. Lúc đó là thầy trò mình như đang trình diễn một tiết mục văn nghệ cho mọi người xem thôi, xem rồi chỉ còn việc vỗ tay tán thưởng chớ không còn biết chê ở điểm nào, vì tất cả đều hoàn hảo.

Bảo Hân mỉm cười nhìn Trúc, cô hơi nheo mắt ngầm thách thức thái độ huênh hoang của Thạch Thảo:

- Nghe chị Thảo nói em thấy rõ phần thưởng giáo viên đạt điểm cao nhất đợt thi này về tay chị rồi.

Thạch Thảo đẩy đưa:

- Chưa chắc đâu! Bảo Hân chưa dạy mà, làm sao chị dám chủ quan.

- Em mà nhằm gì! Hồn vía còn lạc ở đâu đâu, thi cho có phong trào vậy thôi.

Nghe Bảo Hân nói vậy, Thạch Thảo tính toán:

- Huyền Sương coi như rớt đài rồi, nghĩ tiếc cho nó, công anh Triều vẽ hình đẹp ơi là đẹp mà dạy như hạch. Còn Hân, Mai Chi, Hồng Hạnh với chị. Mỗi đứa ráng một chút thi cho vui, chớ ham gì cái giải nhất đó.

Nói đi cũng Thạch Thảo, rồi nói lại cũng Thạch Thảo:

- Có điều nghĩ tới công anh Triều xung phong làm cho mình cái ti vi, mà dạy không có hạng, sợ ảnh buồn, tội ảnh ...

Trúc trề môi:

- Nó không buồn bã chuyện vớ vẩn đó đâu, đàn ông mà, người ta làm dùm rồi thôi, chỉ có người ... nhờ mới nhớ tới hoài ... cho khổ.

Thạch Thảo gượng cười không thèm ngó Trúc:

- Thôi! Mình về lớp nghe Hân.

Đợi Thảo đi khuất, Trúc mới lên giọng:

- Về đâu về cho rồi, thấy điệu bộ hí hửng khi thấy người khác rớt đài của nó mà chị bực. Hai đứa nó thân nhau là thế, bây giờ thì như chó với mèo.

Rồi Trúc ngậm ngùi:

- Nghĩ cũng khổ, trong ngôi trường kín cổng cao tường, chín mươi chín phần trăm là phụ nữ, có hơn phân nửa chưa chồng này bỗng lọt tọt xuất hiện một gã đàn ông cho rộn ràng nhiều chuyện.

Bảo Hân thấy hơi nhột khi nghe Trúc nói vậy. Cô thẳng thắn:

- Chị không quơ luôn cả em vào cái nhóm hơn phân nửa chưa chồng ấy chứ ?

- Nếu muốn, em có thể tách riêng ra và đứng một mình như từ trước tới giờ em vẫn một mình. Ý chị chỉ ngậm ngùi khi thấy tuổi tác và thời gian cứ qua vun vút, mà lòng khao khát yêu rồi được yêu ở mỗi người lại bất tận, khó ai được đáp ứng như ý muốn. Thời gian giành cho công việc, thời gian ở trường tính ra hơn tám tiếng, thời gian vui chơi không có, giao tiếp không có, bạn bè ở đâu mà ra, rồi tình yêu ở đâu mà tới.

Bảo Hân mai mỉa:

- Lẽ ra chị qua công tác bên Phụ nữ thì hay hơn ngồi đây nghĩ lung tung, thắc mắc đủ thứ.

Trúc cười cười:

- Bên đó cũng toàn các bà không chồng chuyên lo việc thiên hạ. Mà chuyện gì chớ chị thấy "Chuyện chồng con khó nói lắm em ơi". Trên thế giới làm gì có nước nào đầu tư kinh phí vào việc lo cho phụ nữa khỏi ế chồng. Chịu thôi! Đôi lúc chị tin vào duyên số cho khỏi đau lòng.

Bảo Hân càu nhàu:

- Dẹp chị đi cho rồi! Bố con bé Mỹ Ngà lẽo đẽo theo hoài, chị không ưng, ở một mình rồi lý sự cùn.

Nhìn ra sân trường, cô ngạc nhiên:

- Chị Trúc! Con bé Thúy Vi ngồi với ai vậy ?

- À! Dì nó! Buồn cười thật, dì ghé thăm cháu mà không biết mặt, cứ ngơ ngơ đi tìm.

Bỗng dưng cô quay ra nhìn lần nữa cái dáng gầy gầy đang ôm con bé Vi vào llòng.

- Phải dì nó không đó ?

- Sao lại không! Mặt giống như cắt mà để qua. Con bé Vi giống mẹ.

Hân hỏi:

- Chị biết mẹ nó không ?

- Ờ không! Mấy năm liền toàn thấy ba nó đưa đón. Có thấy cũng thoáng qua thôi!

Bảo Hân bậm môi ray rứt:

- Anh Triều mở cổng cho chị ta vào à ?

- Đâu có! Sáng nay nó đi học cái gì đó, chị nào thấy mặt mũi nó đâu.

Bảo Hân nhanh chóng quyết định:

- Chị đem Thúy Vi vô và nói với dì nó tới giờ học rồi. Em muốn ôn kiến thức cho học trò để chuẩn bị hội giảng.

Trúc gật đầu, bước tới bên ghế đá. Hân không biết Trúc nói gì mà dì của Thúy Vi dắt con bé bước vào lớp. Bảo Hân nghênh mặt lên như sẵn sàng đối phố khi thấy cô ta đẹp quá. Vẫn là đôi mắt đen to của Thúy Vi, nhưng đôi mắt này thăm thẳm, sâu lắng, sống động vô cùng, chính nó làm Bảo Hân thấy ở người phụ nữ này có nét quyến rũ và hấp dẫn thật kỳ lạ. Trái tim Hân đập liên hồi khi nghĩ Triều đã từng đau khổ vô cùng vì người đàn bà này.

- Xin lỗi đã làm phiền các cô. Bây giờ tôi gởi trả lại Thúy Vi. Cám ơn các cô rất nhiều.

Hân mỉm cười xã giao, cô ngọt ngào:

- Tôi sẽ nói với anh Mẫn là dì ... gì kiếm thăm bé Vi ?

Đôi mắt đen to ấy hơi bối rối:

- Ồ! Cần gì phải nói lại hở cô ?

- Dạ cần chứ, vì các cháu hay kể chuyện ở lớp cho phụ huynh nghe. Giáo viên phải nắm hết mọi sự việc mới giải đáp hết thắc mắc của cha mẹ các cháu, nếu không sẽ bị phản ảnh là không theo sát học trò ...

- Cô cứ nói ... có dì Năm ở Sóc Trăng ghé ngang thăm cháu rồi về ngay.

- Vâng! Tôi nhớ rồi.

Trúc tò mò nhìn theo người khách:

- Bộ em nghi không phải dì con Vi à ?

- Ờ! Em nghi! Chị nhớ đừng nói gì với anh Triều về bà dì Năm con Vi nhé.

- Sao kỳ vậy ?

- Bữa nào rảnh em kể chị nghe, bây giờ để em dạy lại mấy bài hát cũ một chút.

Nhìn Triều ngồi trầm ngâm bên điếu thuốc kiểu quên trời quên đất và quên cả có cô đang ở kế bên, Bảo Hân hơi tự ái. Cô vờ đứng dậy:

- Em về à nhe.

- Sao lại về. Còn sớm lắm mà. Lại đây ngồi với anh.

Hân nghiêng nghiêng đầu nhõng nhẽo:

- Em ghét cái điếu thuốc trên tay anh.

- Anh vứt nó ngay tức thời.

- Em ghét cái vẻ suy tư khó hiểu của anh.

Triều cười cười:

- Thì em phải làm sao cho anh đừng như vậy nữa.

Hân phụng phịu:

- Anh không tự vứt nó đi được sao ?

- Được chớ, nhưng anh chưa muốn.

Đứng dậy, Hân nói như gần khóc:

- Nếu vậy em về là phải rồi. Anh đâu cần tới em.

Đợi Hân ngoe nguẩy bước ngang chỗ mình ngồi, Triều mới vươn tay ôm cô lại. Giọng anh trầm xuống:

- Đừng bỏ anh một mình những lúc như vầy.

Tựa đầu vào vai anh, Hân bỡ ngỡ:

- Có chuyện gì vậy Triều ?

- Không! Không có chuyện gì hết. Nhưng tâm hồn con người rắc rối lắm. Anh cũng vậy. Đôi khi anh sợ Ở một mình.

- Anh đi đâu từ sáng đến tận giờ tan học, về tới lại ngồi như mất hồn.

Nhớ tới người dì của Thúy Vi, Hân lo lắng:

- Phải có chuyện gì xảy ra. Em linh cảm là anh đã gặp ...

Triều để tay lên môi Hân ngăn cô lại:

- Gặp ai ? Sáng nay học xong anh ghé tạt về nhà. Anh gặp anh Cường, ngồi nói chuyện với ảnh cả buổi mới té ra nhiều chuyện làm ăn lý thú mà với khả năng mình, anh tin anh sẽ làm được.

Bảo Hân ngập ngừng:

- Ý anh muốn đề cập tới việc mở cơ sở sản xuất đồ chơi phải không ?

Triều gật đầu, giọng phấn chấn hẳn lên:

- Anh không mơ ước gì cao xa, to lớn. Anh thích có một cơ sở sản xuất những đồ chơi do anh thiết kế. Với những mẫu mã tự anh sáng tạo, cô vợ bé bỏng của anh tha hồ dạy, đám con nít mẫu giáo tha hồ chơi. Rồi con của mình nữa. Nó sẽ làm quen với đồ chơi từ trong bụng mẹ, mới tưởng ra thôi mà đã mê ...

Lấy đuôi bím tóc quẹt vào mũi Triều, Hân cười trêu anh:

- Ước mơ anh không cao xa, to lớn nhưng hơi tham. Hiện thời vợ cũng chưa có, cơ sở cũng còn nằm ở đâu đâu mà đã sướng mê khi nghĩ tới con. Xấu thật!

- Anh đã ba mươi mà chẳng có gì trong tay. Tụi bạn anh vợ con hạnh phúc, nhà cửa xênh xang, xe cộ bóng loáng. Còn anh vẫn chưa làm được gì có ích cho mọi người. Suốt mấy năm ròng với bao nhiêu nghề nghỗng linh tinh, anh gần như phí tuổi trẻ và thời gian vô ích.

- Tại anh chưa bắt đầu thôi. Em lại nghĩ chính những nghề ngỗng anh cho là linh tinh đó là vốn sống thực tế cho công việc của anh sau này.

Triều có vẻ nghĩ ngợi:

- Ba anh coi bộ tán đồng ý kiến của anh, ông không nói nhiều mà chỉ ngắn gọn quyền hành đưa ra một câu như quyết định. "Tính toán đâu đó cụ thể coi như thế nào, rồi gia đình lo cho".

Bảo Hân reo lên:

- Vậy thì hay quá!

Triều nghiêm mặt:

- Anh thấy chẳng hay chút nào! Anh ngán ngẩm khi nghĩ mình sẽ lại rơi vào vòng kềm tỏa mà mình đã thoát ra bấy lâu nay, nếu anh đồng ý cho gia đình đầu tư vào công việc anh đang tính toán gầy dựng. Anh không muốn ba anh nghĩ rằng cuối cùng anh cũng phải quay đầu về nhờ vả gia đình ...

- Sao anh lại suy ra như vậy cho khổ ? Bắt đầu công việc lớn có gia đình hỗ trợ là tốt, em cho rằng anh cố chấp với bác trai trong khi bác luôn lo lắng cho anh, bác khổ vì anh đã bướng bỉnh làm trái ý bác, để tới ngần ấy tuổi vẫn trắng tay.

- Đủ rồi Hân!

Triều hậm hực nạt ngang làm cô ngỡ ngàng. Hân chưa kịp hiểu vì sao thì anh đã nói bằng giọng thật gay gắt:

- Không ai biết rõ ông bố bằng đứa con, em từng nói như vậy, bây giờ em quên rồi sao ? Anh đâu phủ nhận tình thương yêu của ba mình. Nhưng anh không phải là đứa trẻ, cũng không muốn mình là đứa trẻ luôn được đặt để trước sự sắp xếp của người lớn. Em từng nghe anh nói như vậy nhiều lần rồi mà! Sao em lại khuyên anh nên làm theo ý ba mình.

Hân bướng lên, cô đứng phắt dậy:

- Em chẳng khuyên anh như vậy bao giờ. Em chỉ thật lòng nói điều mình nghĩ. Anh cho là anh đúng hay sao, nếu anh từ chối sự đầu tư của gia đình, anh sẽ lấy đâu ra vốn để mở các cơ sở trong mơ ấy.

- Anh còn bạn bè, họ sẽ cho anh vay vốn.

Ngờ vực nhìn Triều, Hân hỏi tới:

- Bạn bè ở đâu, sao em không hề nghe anh nhắc đến ? Nhắm họ sẵn lòng không khi anh chưa có một cái gì làm cơ sở để họ tin hết.

Bị Hân dồn vào thế bí, Triều bực dọc:

- Những lúc như vầy anh luôn cần có em, nhưng đâu phải để bị em tấn anh tới chân tường bằng những câu hỏi thách thức như thế này. Lẽ ra em phải động viên, khích lệ anh chứ Hân.

Im lặng một chút Hân nói:

- Em là người thành thật, em không thích nói dối. Em đâu thể động viên anh bằng lời suông trong khi anh chưa có gì cả. Điều cần thiết nhất là anh phải thực tế. Anh vẫn có thể nhận vốn từ gia đình, kèm theo những điều kiện tự do, độc lập gì đó ... vân ... vân ... do anh yêu cầu mà Triều.

- Nhưng anh không thích như vậy.

- Anh thật cố chấp!

- Có lẽ em nói đúng!

Triều ngồi tựa lưng vào gốc cột bên kia, hai chân hơi duỗi ra trên hành lang, trông anh cô độc làm sao! Hân ngồi ở gốc cột bên này, chống tay dưới cằm buồn rầu ... Cô yêu người đàn ông nào tính khí cũng thất thường, lạ đời hết.

Thuấn bất chấp mọi thứ, làm việc là miễn nhiều tiền thì tốt. Với anh tất cả được tính ra bằng tiền. Tình yêu, hôn nhân, danh dự, sự nghiệp đều được mua bằng tiền. Anh tỏ vẻ tự hào chớ không ngượng ngập dấu diếm ai điều đó hết.

Triều thì khác hoàn toàn. Ở anh lòng tự trọng, tự cao choán lĩnh hết thảy. Anh là người đàn ông ngạo nghễ không muốn bị khuất phục bởi ai dù đó là cha mình, chính vì vậy nên anh sống hơi tùy thích, coi rẻ đồng tiền hơn tình yêu và đanh dự, chính vì vậy đến từng tuổi này anh vẫn còn lận đận, lao đao. Anh như con thuyền căng gió không neo, không bến. Hân lo lắng bâng khuâng ... Biết mình có đủ sức làm một bến đỗ hay không ? Biết anh có cần một bến đỗ hay không ?

Đến ngồi kế bên Triều, cô dịu dàng gỡ điếu thuốc trên môi anh vứt ra bãi cỏ, Hân nhìn thẳng vào đôi mắt rất đàn ông của Triều và nghe anh đều giọng:

- Em nhìn anh và đang so sánh anh với ai đó ... ? Em chợt nhận ra anh chỉ là gã ngông cuồng nhưng dở ẹt. Và em hối tiếc ?

Không trả lời Triều, Bảo Hân hỏi lại:

- Anh cũng đang nhìn em rồi so sánh em với Thúy Vũ chẳng hạn. Anh cũng chợt nhận ra em vụng về, không giống chút nào với người con gái anh từng yêu. Và anh chán nản ?

Hân thấy Triều hơi nhíu mày, anh nhắm mắt lại mệt mỏi. Nếu như anh là Thuấn và nếu như cô là Bảo Hân hồi đó, chắc cô đã giận lẫy bỏ về rồi. Nhưng Triều khác Thuấn một trời một vực, anh chưa bao giờ làm cô giận cả, với lại tính Hân bây giờ cũng đằm rỗi, cô không mỗi chút mỗi hờn nữa, cô thích nhường nhịn và lo lắng, chăm sóc Triều hơn là thích anh chiều chuộng mình. Hình như Hân muốn chứng tỏ cô là người lớn chín chắn trong tình yêu. Khi đã yêu thật sự, người ta phải biết cùng nhìn về một hướng chớ ai lại đi nhìn vào mắt nhau để tìm những nhân ảnh còn sót lại của qúa khứ như cô và cả Triều vừa rồi.

Đan tay mình vào tay Triều, Hân nhỏ nhẹ:

- Chiều nay hai đứa làm sao ấy! Nhất định là anh còn chuyện gì đó chưa nói hết với em.

- Sao tự nhiên em lại nhắc đến Thúy Vũ.

- Điều đó làm anh buồn à ?

- Không! Phải nói là điều đó khơi lại trong anh nỗi buồn xưa cũ thì đúng hơn.

Hân họ dẫm:

- Nếu như bây giờ anh gặp lại chị Vũ thì anh sẽ xử sự thế nào ?

Triều tránh né câu trả lời:

- Đúng là chiều nay hai đứa làm sao ấy! Nói chuyện khác đi Hân. Hỏi những câu xa vời anh mệt óc quá!

Vừa tính buột miệng nói rằng "Không xa vời đâu vì Vũ đã xuất hiện rồi!" Nhưng Hân kịp im lặng, cô chợt lo thắc thỏm khi nhận ra rằng Triều vẫn cố giấu cô tình cảm của anh đối với Thúy Vũ. Cô ta đã dến đây, và đã đi về đâu tận Sóc Trăng như lời cô ta nói (chớ không phải là dì Năm nào của Thúy Vi cả ) Nhưng ai dám chắc rằng Thúy Vũ sẽ không trở lại, và nếu cô ta trở lại, ai dám bảo đảm rằng Triều sẽ trơ như đá, vững như đồng khi nhìn thấy người yêu xưa cũ của mối tình đầu đời.

Hân lo lắng nhìn anh, tay anh vẫn đan vào tay cô ấm áp ân cần, nhưng hình như cô cảm nhận có chút gì đó hờ hững không nồng nàn, âu yếu như mọi ngày. Làm sao cô dám chủ quan nghĩ rằng Triều đã quên người xưa, khi anh bỏ ra hàng tháng trời mày mò nghiên cứu sáng tạo từ chiếc xích đu chiều dọc, rồi hớn hở bế con bé Vi lên ngồi để không phải lo nó sẽ té nữa ... Mọi người cho là Triều yêu trẻ con nên mới làm được việc đó, riêng Hân, cô nghĩ rằng anh yêu riêng con bé Vi thì chính xác hơn.

- Anh nghĩ chị Bích có thể giúp anh.

Đang chìm đi trong những suy nghĩ làm lòng đau nhoi nhói, Hân ngơ ngác khi nghe lời không rõ đầu đuôi của Triều. Cô hỏi:

- Chị Bích ? Anh muốn nói giúp cái gì ?

Triều có vẻ khó chịu khi nghe cô hỏi, anh chặc lưỡi:

- Chậc! Thì giúp việc làm ăn chớ chả lẽ giúp việc tìm một người yêu, em không quan tâm tới những lo nghĩ của anh hay sao ấy.

- Có chứ! Nhưng em chả hiểu chị Bích sẽ giúp mình bằng cách nào.

- Chỉ là Hiệu trưởng, chỉ quen các Hiệu trưởng khác trong các buổi họp ở phòng ở sở. Anh sẽ đề nghị chị Bích giới thiệu sản phẩm mà anh đã làm cho trường mình với các trường bạn. Nếu họ vừa ý mình sẽ làm gia công theo đơn đặt hàng, theo anh biết đa số các trường mẫu giáo đều thiếu đồ chơi và các mẫu mã đồ chơi. Đầu tiên có thể giới thiệu một số mẫu xích đu, đu quay mà anh đã có mẫu.

Bảo Hân dại dột nói chen vào:

- Em lại tưởng anh chỉ làm cái xích đu dọc duy nhất cho bé Thúy Vi ngồi chứ.

Đang hứng khởi với tính toán của mình, Triều sa sầm mặt xuống:

- Biết đến chừng nào em mới hết tật ghen tuông hả Hân ? Em nghĩ anh làm cái xích đu đó vì Thúy Vi sao ? Anh nói thật, nếu đứa bé té hôm trước là Lễ Trí hay Hoài Phương anh vẫn làm chiếc đu dọc đó. Tất cả những món đồ chơia nh làm đều xuất phát từ tình cảm rất chân tình và trong sáng chớ không hề ích kỷ như ý nghĩ của em. Thật khổ ghê! Đang nói chuyện làm ăn em lại đâm hơi kéo qua ba chuyện ghen tuông.

Nghe Triều nhắc đến Lễ Trí là cháu của Thuấn, rồi cả Hoài Phương là cháu của Định, Hân hơi ngượng, cô biết anh thầm trách cô lòng dạ đàn bà chập hẹp đó thôi! Thừ ra với nỗi ân hận, Hân muốn đi đâu cho rồi, nhưng đôi chân cô cứ ỳ ra một chỗ. Triều cầm tay cô áp vào má mình:

- Anh yêu em! Anh từng đau đớn khổ sở biết bao nhiêu khi nghĩ rằng mãi mãi anh không được có em. Bây giờ có em, được em yêu và được yêu em rồi, anh điên dại gì nghĩ đến ai khác.

Giọng Triều nghiêm trang khác thường:

- Anh yêu em! Em tin không ?

Hân thổn thức gật đầu. Đây là lần thứ nhất anh nói yêu cô, điều đó làm cô xúc động. Hai người đến với nhau tự nhiên vì đã hiểu nhau, nhưng Triều chưa bao giờ ngỏ lời yêu kể cả những lúc anh khát khao hôn như nuốt lấy môi cô, hay nhẹ nhàng nâng niu hôn từng nụ nhỏ lên trán, lên má, lên mắt cô. Hân tấm tức:

- Em nghĩ mình không xứng với tình yêu của anh, chính vì không xứng nên em luôn khổ sở vì lo lắng ngày nào đó anh lại bỏ em.

- Đừng nghĩ như vậy! Với anh, yêu không phải chỉ nói bằng lời và cũng không phải là chuyện đùa chơi qua đường, anh muốn tạo một cuộc sống ổn định cho hai đứa, anh muốn em tin tưởng và không mặc cảm với bè bạn, gia đình vì người mình yêu là một gã gác cổng. Điều anh lo nghĩ nhiều nhất hiện nay là việc tìm hướng đi cho tương lai. Anh muốn được đóng góp khả năng công sức của mình một công tích cực hơn, vì suốt mấy năm ròng anh sống thờ ơ qúa, anh gần như vô trách nhiệm với đời.

Ngẫm nghĩ một chút, Triều nhếch môi:

- Nếu khok^ng được hoà nhập vào thế giới trong sáng của trẻ thơ, nếu không được ở môi trường mà mọi người xung quanh luôn cần tới mình như ở đây, có lẽ anh đã là người khác mất rồi!

Hân tựa đầu vào ngực Triều, cô nhấn mạnh:

- Ở đây mọi người cần anh, nhưng anh phải nhớ em là người cần nhất!

Anh cười:

- Anh cũng mong là như vậy. Vì anh luôn cần có em bên đời.

Nhìn Triều, Hân nhắc nhở:

- Ngày mai anh gặp chị Bích và nói ý định này với chỉ xem sao. Em hy vọng chị ấy có thể giúp được ... mình.

Nheo mắt Triều trêu cô:

- Còn anh, anh hy vọng em đừng ghen, khi thấy anh cho ra đời hàng loạt kiểu xích đu khác nhau.

Hất bím tóc qua một bên Hân trả đũa:

- Lúc đó em lo chóng mặt với ba mớ xích đu của anh, làm sao mà dám ghen!

Nhìn đồng hồ cô nói nhỏ:

- Em phải về, để mẹ chờ cơm tội nghiệp.

- Dạo này bác trai vẫn vắng nhà suốt hả Hân ?

Buồn buồn, cô đáp:

- Vâng! Và em không biết làm sao cho mẹ đỡ khổ. Em luôn bị dằn vặt khi nghĩ rằng em là người trực tiếp gây ra mọi đổ vỡ trong gia đình.

Triều an ủi:

- Em không nên nghĩ vậy, vì khó có ai sống hai mặt được suốt đời, bác trai cũng thế, không lẽ bác giữ mãi được bí mật của mình sao ? Cô nhân tình chớ đâu phải con búp bê đâu mà có thể cất vào tủ kiếng. Sao em không tính tới chuyện sẽ gặp và nói chuyện với bác.

Không giấu được sự hốt hoảng, Bảo Hân lo sợ:

- Gặp ba em à! Để nói về chuyện của mình hả ?

Nhìn cô đầy thương xót, Triều lắc đầu:

- Đâu có! Anh chỉ nghĩ đơn giản là nếu em chịu khó gặp bác để xin lỗi, để năn nỉ về hành động hăm dọa trước đây của em rồi thừa cơ hội van xin, ỉ ôi, mong mỏi bác trở về với bổn phận với trách nhiệm, biết đâu bác trai sẽ nghỉ lại.

Thở dài, Hân nói:

- Không dễ như vậy đâu! Ba em chỉ nghĩ lại khi con nhỏ Thục Như bỏ ổng.

Giọng Triều vẫn lạc quan:

- Vậy thì em đi gặp Thục Như. Nếu anh nhớ không lầm, thì chưa bao giờ em gặp Thục Như, kể từ lúc em biết cô ta quan hệ với bác trai.

Hăn đắn đo:

- Đi gặp Thục Như! Mới nghĩ tới thôi em đã thấy khó chịu và chẳng thú vị chút nào.

- Đây có phải là chuyện ghé thăm bè bạn cũ bình thường đâu mà thú vị hả Hân.

Gượng gạo cười, Hân chua chát:

- Em hiểu! Giống như đi đánh ghen dùm mẹ.

- Anh không cho là sự việc tệ như vậy. Nhưng anh cứ suy nghĩ nếu anh là em, anh sẽ hành động ra sao để gia đình không đi đến chỗ tan vỡ hoàn toàn. Chúng ta phải vớt vát những gì còn giữ được rồi hàn gắn lại, vẫn hơn để tan nát, trôi dạt.

Hân lắc đầu:

- Em chán quá Triều à! Dù bây giờ em đã khôn ra để không tô hồng, bôi xanh cuộc đời, không thần tượng hóa bất kỳ ai, nhưng em vẫn không thể hết căm hận ba mình. Ba thừa biết em khổ vì vừa mất Thuấn, vừa phải chịu đựng sự im lặng dối trá, sống hai mặt như ba cho trong nhà yên ổn, nhưng ba vẫn thản nhiêm xem đó là hậu quả việc làm của em. Cũng có thể bây giờ ba bấp chấp, ông sống trọn vẹn cho ông chớ không còn nghĩ gì tới gia đình nữa. Em đuối sức rồi, em không biết phải làm sao đây!

- Hay là Hân nói thật cho anh Lâm và chị Quỳnh biết, cả ba anh em sẽ bàn tính.

- Anh Lâm sẽ mắng như tạt nước vào mặt em. Ảnh nóng tính lắm!

- Nhưng em sẽ nhẹ nhõm khi đã được người thân chia sẻ nỗi khổ của mình.

Giọng Hân ray rứt:

- Khi vui muốn hưởng trọn một mình, nay khổ lại muốn chia đều.

Triều nghiêm nghị:

- Em nghĩ lẩn thẩn không giải quyết được gì hết, phải dứt khoát xem mình cần làm sao để thay đổi tình trạng hiện nay. Sự việc chỉ có thế, không còn gì để bàn luận, thở than hết!

- Em ước gì mình được mạnh mẻ như anh.

- Anh không mạnh mẽ đâu! Anh vẫn có những điểm yếu khi nghĩ tới ba mình. Anh rất thương ổng nhưng anh không muốn bị đặt để theo ý ổng. Từ giờ trở đi anh sẽ chứng tỏ khả năng mình qua công việc, cho ba anh hiểu, con trai út của ông không đến nổi tệ. Bảo Hân! Anh mong em sẽ cố gắng làm sao đó cho gia đình em yên ấm trở lại.

- Em sợ khó được lắm Triều.

Nhìn đôi mắt tuyệt vọng của cô. Triều ân cần nói:

- Anh luôn luôn ở bên em. Chúng ta không thiếu được tình cảm của gia đình mặc dù đã có lúc ta khó chấp nhận cách sống, lối nghĩ của người lớn. Bây giờ em chưa đồng ý cách nghĩ của anh đâu, nhưng rồi em sẽ thấy lời anh nói là đúng.

Thấy Hân làm thinh, Triều tiếp:

- Chắc em cho rằng anh mâu thuẫn khi bảo gia đình là cần thiết nhưng chính anh lại từ chối việc giúp vốn của gia đình chứ gì ? Anh không mâu thuẫn đâu vì với anh gia đình phải là chỗ dựa vững chắc về tinh thần, còn vật chất, tốt nhất ta nên tự lập.

- Em hiểu ý tốt của anh. Nhưng em không dám tưởng tượng xem chuyện gì sẽ xảy ra khi em kể mọi việc cho anh Lâm và chị Quỳnh nghe. Em vẫn sợ anh Triều à!

- Không phải em sợ! Tại không có động lực thôi! Anh chẳng muốn nhắc chuyện cũ nhưng sao trước kia em lại dám gặp bác trai để làm một cuộc đổi chác, thương lượng ? Phải chăng động lực tình yêu làm em không còn biết sợ phải trái gì cả ?

Chẳng ngờ Triều lại lôi chuyện làm tày trời ngày xưa của mình ra, Hân tái mét mặt vì giận:

- Em thành thật kể với anh những lỗi lầm cũ của mình để chứng tỏ lòng em đối với anh ra sao, chớ không phải để bây giờ anh lôi ra bắt bí em. Mỗi người có hoàn cảnh sống riêng, nếu anh thấy khó chịu vì em bất hiếu với mẹ cha, ích kỷ với bản thân thì đừng yêu nữa.

Dứt lời cô bước vội xuống sân, Triều chụp tay cô lại:

- Em hiểu sai ý anh rồi.

Hân bướng bỉnh vùng ra:

- Cứ cho là như vậy đi! Nhưng em cũng phải về, chiều lắm rồi còn gì.

Thở dài, Triều buông tay cho Hân đi. Anh nhìn theo cái dáng thanh thanh của cô ngồi trên chiếc xe và cho nó thả con dốc ngoài cổng mà xót xa ...

Em vẫn còn là cô bé tự cao xốc nổi, em làm anh phải lo, phải khổ vì yêu em.

Nguồn: http://vietmessenger.com/