"Tất cả chúng ta đều là nhưng hạt bụi tinh vân."
André BRAHIC
Tặng Pauline và tặng Louis
Phần mở đầu:
- Bình minh bắt đầu từ đâu?
Khi bất chấp bản tính rụt rè thâm căn cố đế để đặt ra câu hỏi này, tôi mới lên mười. Thầy giáo dạy môn khoa học quay lại nhìn, vẻ chán nản, nhún vai rồi tiếp tục chép đề bài của ngày hôm đó lên tấm bảng đen, như thể tôi chưa từng tồn tại. Tôi cúi gằm mặt xuống chiếc bàn học sinh đang ngồi, vờ như không biết đến ánh mắt độc ác và chế giễu của đám bạn cùng lớp, mặc dù nói gì thì nói chúng cũng chẳng biết gì hơn tôi về vấn đề này. Bình minh bắt đầu từ đâu? Ngày kết thúc ở đâu? Tại sao hàng triệu ngôi sao vẫn chiếu sáng vòm trời mà chúng ta không thể thấy hay biết về thế giới của chúng? Mọi chuyện bắt đầu như thế nào?
Suốt thời thơ ấu của mình, mỗi đêm khi bố mẹ vừa thiếp ngủ, tôi liền đứng dậy, rỏn én tới bên cửa sổ rồi áp mặt vào khuôn cửa chớp và đăm đắm nhìn bầu trời.
Tôi tên là Adrianos, nhưng lâu nay người ta thường gọi tôi là Adrian, ngoại trừ tại ngôi làng quê mẹ. Tôi là nhà vật lý địa cầu, chuyên nghiên cứu các ngôi sao ngoài hệ mặt trời. Văn phòng của tôi đặt tại Gower Court, trong khuôn viên đại học Luân Đôn, khoa vật lý địa cầu; nhưng tôi hầu như không bao giờ có mặt ở đó. Trái đất thì tròn, không gian thì cong, và để cố gắng khám phá những bí ẩn của vũ trụ, thì cần phải thích xê dịch, không ngừng đi khắp hành tinh, về phía những vùng miền hoang vắng nhất để tìm kiếm điểm quan sát tốt nhất, tìm kiếm bóng tối bao trùm, xa các thành phố lớn. Tôi hình dung rằng điều luôn thôi thúc tôi từ chối sống như phần đông mọi người bấy lâu nay, với nhà cửa, vợ và con cái, chính là hy vọng một ngày nào đó tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi chưa bao giờ ngừng xâm chiếm những giấc mơ của mình: Bình minh bắt đầu từ đâu?
Nếu hôm nay tôi bắt đầu ghi chép cuốn nhật ký này, là bởi tôi còn một hy vọng khác nữa, hy vọng rằng một ngày kia ai đó sẽ tìm thấy những trang viết này, và đủ dũng khí để kể lại.
Sự khiêm nhường chân thành nhất đối với một nhà khoa học là chấp nhận rằng chẳng có điều gì là không thể. Hôm nay, tôi đã hiểu ra mình còn lâu mới đạt được sự khiêm nhường ấy cho tới tối hôm tôi gặp Keira.
Những gì tôi trải qua những tháng gần đây đã đẩy vốn hiểu biết của tôi tới vô hạn và đảo lộn tất cả những gì tôi tin là mình đã biết về sự hình thành của thế giới.
QUYỂN MỘT
Phần 1:
Ở châu Phi, mặt trời mọc sớm hơn ở những nơi khác. Thường thì vào lúc này, khu khai quật khảo cổ tại thung lũng Omo đã bừng sáng trong những tia nắng đầu tiên màu cam của ban mai buổi sớm. Nhưng sáng hôm nay hoàn toàn không giống như những buổi sớm bình thường khác. Ngồi bên bức tường con được đắp bằng đất, sưởi ấm đôi bàn tay mình bằng cách nắm chặt lấy chiếc cốc cà phê bằng kim loại, Keira chăm chú nhìn chân trời lúc này vẫn còn mờ mịt. Một vài giọt mưa nảy thia lia trên nền đất khô cằn, làm bốc lên đây đó những hạt bụi nhỏ. Một cậu bé chạy ào đến chỗ cô.
- Em đã dậy rồi đấy à? Keira vừa hỏi vừa xoa đầu đứa trẻ.
Harry lắc đầu.
- Chị đã nói với em bao nhiêu lần là không được chạy nhảy trong khu vực khai quật rồi? Chỉ cần sảy chân một cái là em đã có thể làm tiêu tan công sức của nhiều tuần làm việc. Những gì em có thể làm vỡ đều không thể thay thế được. Em có thấy các lối đi này được chăng dây không? Cứ hình dung khu khai quật này làm một cửa hàng đồ gốm lộ thiên đi. Chị biết đó không phải là một sân chơi lý tưởng dành cho những cậu bé ở tuổi em nhưng chị chẳng có thứ gì khác tốt hơn cho em.
- Đây không phải là sân chơi của em mà là sân chơi của chính chị! Còn cái chị gọi là cửa hàng đồ gốm, trông nó giống một khu nghĩa địa cổ thì đúng hơn.
Harry giơ tay chỉ những đám mây trên bầu trời phía trước mặt đang tiến dần đến chỗ hai người.
- Cái gì thế kia hả chị? Cậu bé hỏi.
- Chị chưa bao giờ trông thấy bầu trời với những đám mây như vậy, xem ra chẳng phải điềm lành rồi.
- Nếu trời mưa thì sẽ rất tuyệt đấy chị ạ!
- Ý em là thảm họa chứ gì. Em hãy nhanh chân chạy đi tìm ông trưởng đoàn khảo cổ. Chị muốn chúng ta che chắn khu khai quật lại thật cẩn thận trước đã.
Cậu bé lao vụt đi, được mấy bước, cậu chợt đứng sững lại.
- Chạy đi. Lần này em có lý do chính đáng để chạy nhảy rồi đấy. Chạy đi! Cô vừa xua tay vừa ra lệnh.
Phía xa, bầu trời ngày càng đen kịt lại. Một cơn gió lốc thổi tới cuốn phăng tấm vải được dùng để che chắn một đống đá dùng để đánh dấu.
- Chỉ còn thiếu nước này nữa thôi, Keira vừa tuột xuống từ bức tường vừa lẩm bẩm.
Cô men theo con đường mòn dẫn đến nơi cắm trại. Trên đường đi cô gặp ông trưởng đoàn khảo cổ cũng đang đi tìm cô.
- Nếu trời đổ mưa, chúng ta phải che chắn càng nhiều hố khai quật càng tốt. Phải gia cố các ô khai quật, hãy huy động tất cả mọi người cùng tham gia, nếu cần thì cầu viện dân làng.
- Không phải mưa đâu, ông trưởng đoàn trả lời vẻ buông xuôi, chúng ta chẳng làm gì được hết, còn dân làng thì đều đã bỏ chạy cả rồi.
Một cơn bão cát khổng lồ do gió Shamal 1 mang tới đang tiến dần về phía họ. Bình thường, cơn cuồng phong thổi qua sa mạc Arập này thường đổ vào Vịnh Ỗ man ở phía Đông, nhưng bây giờ không phải là thời điểm bình thường như mọi khi nữa, cơn gió mạnh với sức tàn phá khủng khiếp đã ngoặt về hướng Tây. Trước ánh mắt đầy lo lắng của Keira, ông trưởng đoàn tiếp tục giải thích.
- Tôi vừa mới nghe đài phát thanh cảnh báo về cơn bão này, nó đã quét sạch Érythée, vượt qua biên giới và tiến thẳng đến chỗ chúng ta. Không gì có thể cưỡng lại sức mạnh của nó. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là chạy lên núi đá mà ẩn nấp trong các hang động.
Keira phản đối, họ không thể bỏ mặc khu khai quật như vậy được.
- Cô Keira, những bộ xương hóa thạch mà cô rất quan tâm đã bị chôn vùi ở đây hàng nghìn năm; tôi hứa với cô là chúng ta sẽ lại tiếp tục công việc khai quật nhưng phải sống sót thì mới có thể làm tiếp công việc đó. Đừng chần chừ thêm nữa, chúng ta không còn nhiều thời gian đâu.
- Harry đâu rồi?
- Tôi không biết, ông trưởng đoàn vừa nói vừa đảo mắt nhìn quanh, sáng nay, tôi không hề trông thấy nó.
- Cậu bé không đến báo cho ông sao?
- Không, tôi đã nói với cô rồi, tôi nghe tin tức trên đài phát thanh. Sau đó, tôi ra lệnh sơ tán và lập tức đi tìm cô ngay.
Giờ thì bầu trời đã đen kịt. Chỉ cách hai người vài ki lô mét thôi, những đợt sóng cát nổi cuồn cuộn giữa trời và đất đang tiến nhanh về phía trước.
Keira buông rơi cốc cà phê và bắt đầu chạy. Cô không còn chạy theo con đường mòn nữa mà chạy tắt xuống ngọn đồi tới tận bờ sông nằm ở phía dưới. Cô hầu như không thể mở mắt được nữa. Bụi do gió cuốn lên như cào cấu mặt cô, mỗi lần lên tiếng gọi tên Harry cô lại nuốt phải cát và tưởng mình nghẹt thở. Nhưng cô không bỏ cuộc. Qua màn bụi xám càng ngày càng dày đặc, cô dần dần nhận ra túp lều nơi sáng sáng cậu bé Harry thường đến đánh thức cô dậy để cùng với cô đi ngắm cảnh bình minh trên đỉnh đồi.
Cô đưa tay gạt tấm bạt, trong lều trống trơn. Cả khu trại trông giống một thành phố ma, không người sống sót. Phía xa xa, người ta thấy bóng dân làng đang leo lên đồi tìm chỗ ẩn nấp trong những hang động nằm gần đỉnh núi. Keira tìm kiếm cả những túp lều gần đó, không ngừng thét gọi tên cậu bé nhưng đáp lại lời cô chỉ là tiếng thét gào của gió bão. Ông trưởng đoàn túmn lấy cô và hầu như phải dùng đến cả vũ lực để lôi cô đi. Keira ngước mắt nhìn lên phía đỉnh núi.
- Quá muộn rồi! ông thét lên qua tấm vải che mặt.
Ông choàng tay che cho Keira rồi dìu cô chạy về phía bờ sông.
- Chạy đi nào, khỉ thật! Chạy mau.
- Harry!
- Chắc chắn nó đã tìm thấy nơi ẩn náu đâu đó rồi, cô im đi và bám chặt lấy tôi đây.
Cả một cơn sóng thần cát bụi đang đuổi theo hai người, mỗi lúc một gần hơn. Phía hạ lưu, con sông lọt thỏm giữa hai vách đá cao vút, ông trưởng đoàn phát hiện ngay ra một hốc đá ngoằn ngoèo liền kéo vội Keira vào đó.
- Đằng này! Ông vừa nói vừa đẩy Keira vào sâu trong hốc.
Phải mất đến một lúc. Cuốn theo nào đất, đá dăm và những mảnh vụn bứt ra từ các loài thực vật, luồng gió ồ ạt qua chỗ trú ẩn tạm bợ của hai người. Ở phía bên trong, Keira và ông trưởng đoàn khảo cổ co rúm cả người trên nền đất.
Hốc đá chìm trong bóng tối mịt mùng. Tiếng gầm thét của cơn bão đinh tai nhức óc. Các vách đá bắt đầu rung lên bần bật, hai người tự nhủ liệu các vách đá này có sụp xuống và chôn vùi họ mãi mãi hay không.
- Có thể mười triệu năm nữa, người ta sẽ tìm thấy hài cốt hóa thạch của chúng ta; xương cánh tay của tôi nằm bên cạnh xương chày của ông. Xương cánh tay ông nằm ngay sát xương cẳng chân của tôi. Các nhà cổ sinh vật học sẽ ngang nhiên tuyên bố rằng chúng ta là một đôi vợ chồng làm nghề nông, hoặc ông là một ngư dân còn tôi là vợ ông, cả hai đã được chôn cất tại đây. Đương nhiên, việc mộ phần của bản thân không có đồ tùy táng đối với chúng ta cũng không mấy quan trọng. Chúng ta sẽ được xếp vào loại những hài cốt của người schmock và trong suốt quãng thời gian còn lại của vĩnh hằng, chúng ta sẽ được ngự trong một chiếc hộp các tông được xếp trên các kệ trưng bày của một viện bảo tàng nào đó!
- Lúc này hoàn toàn không phải là thời điểm thích hợp để đùa đâu. Vả lại, chuyện cô kể cũng chẳng buồn cười cho lắm, ông trưởng đoàn khảo cổ càu nhàu. Cô vừa nhắc đến những người schmock, họ là ai vậy?
- Những người như tôi, những người làm việc không kể đến thời gian để thực hiện những điều mà cuối cùng tất cả mọi người đều xổ toẹt, những người thấy thành quả công việc của họ tan biến chỉ trong một vài giây mà không thể làm được gì để cứu vãn.
- Thế thì chúng ta nên làm hai người schmock còn sống còn hơn là hai người schmock quá cố.
- Đó cũng là một cách nghĩ!
Gió bão vẫn gầm thét trong những phút giây tưởng chừng như vô tận. Thỉnh thoảng, đất đá lại lở xuống nhưng nơi trú ẩn của họ dường như vẫn bình yên vô sự.
Trong hang, ánh sáng ban ngày đã le lói trở lại. Cơn bão đã đi xa. Ông trưởng đoàn khảo cổ đứng lên và chìa tay cho Keira để giúp cô đứng dậy nhưng cô từ chối.
- Ông đã muốn đóng chặt cửa hang khi rời khỏi nơi này phải không? Cô nói. Tôi sẽ ở lại đây, tôi không chắc là mình muốn thấy những gì đang chờ đợi chúng ta bên ngoài.
Ông trưởng đoàn nhìn cô vẻ bực mình.
- Harry! Keira vừa kêu lên vừa chạy nhanh ra bên ngoài.
Cảnh vật thật hoang tàn. Đám cây cối mọc bên bờ sông xơ xác; bờ sông không còn mang màu son như lúc bình thường nữa mà đã nhuộm màu nâu của đất lúc này đang phủ kín mọi nơi. Con sông mang theo mình hàng tấn bùn đất về dồng bằng nằm cách đó hàng kilômét. Tại khu trại, không một túp lều nào còn có thể trụ vững. Ngôi làng cũng đã không thể chịu đựng nổi sức tàn phá của gió bão. Mấy túp lều dùng làm nơi ở đã bị dịch chuyển đến hàng chục mét nằm trơ xương bên cạnh những phiến đá và thân cây. Phía trên đồi, dân làng lục tục rời khỏi nơi ẩn nấp để đi xem chuyện gì đã xảy ra với đàn gia súc cũng như mùa màng của họ. Một người phụ nữ sống trong thung lũng Omo đang khóc, vừa khóc vừa ôm chặt lấy lũ con thơ; xa hơn một chút, những người dân của một bộ lạc khác đang tụ tập nhau lại. Vẫn không có một dấu vết nào của Harry. Keira quan sát xung quanh, có ba xác chết nằm sóng soài bên bờ sông. Cô cảm thấy buồn nôn.
- Có lẽ thằng bé đã ẩn náu trong một hang hốc nào đó, cô đừng lo, chúng ta sẽ tìm ra nó, ông trưởng đoàn vừa nói vừa buộc Keira phải quay nhìn nơi khác.
Keira bám vào cánh tay ông trưởng đoàn rồi họ cùng đi ngược lên phía đỉnh đồi. Tại hiện trường nơi đoàn khảo cổ khai quật, các ô khai quật đã hoàn toàn biến mất, mặt đất phủ đầy những mảnh vụn còn sót lại, cơn bão đã tàn phát tất cả. Keira cúi xuống nhặt một thấu kính được sử dụng để đo vẽ địa hình. Cô máy móc phủi bụi nhưng các mắt kính đã hỏng hóc đến mức vô phương cứu chữa. Xa hơn một chút là giá ba chân của chiếc máy kinh vĩ đang nằm chỏng chơ trên mặt đất. Giữa khung cảnh hoang tàn đó, bỗng xuất hiện khuôn mặt non choẹt hốt hoảng của Harry.
Keira chạy đến bên cậu bé và ôm chầm lấy cậu. Đây quả là chuyện lạ; nếu bình thường cô vẫn biểu lộ tình cảm bằng lời nói với những người biết cách làm cho mình hòa hợp thì cô lại chưa từng thể hiện một cử chỉ âu yếm nào, dù là nhỏ nhất. Nhưng lần này, cô đã ôm siết Harry rất chặt đến nỗi cậu bé hầu như phải vùng vẫy tìm cách thoát ra khỏi vòng tay cô.
- Em làm chị phát sợ, vừa nói cô vừa lau lớp bụi đất vẫn còn bám trên gương mặt của cậu bé.
- Em đã làm chị cảm thấy sợ ư? Sau tất cả những chuyện vừa xảy đến, chính em đã khiến cho chị cảm thấy sợ ư? Harry bối rối lặp lại.
Keira không trả lời. Cô ngẩng lên, lặng ngắm tất cả những gì còn sót lại từ thành quả công việc của mình: chẳng còn gì. Ngay cả bức tường thấp đắp bằng đất khô cô mới ngồi hồi sáng cũng đã sụp xuống, cũng đã bị cơn bão gió Shamal càn quét. Chỉ trong phút chốc, cô đã mất tất cả.
- Chị này, cửa hàng đồ gốm của chị đã phải hứng chịu một trận ra trò, Harry nói.
- ... cửa hàng đồ gốm của chị, Keira thì thầm.
Harry nắm lấy bàn tay Keira. Cậu bé ngỡ cô sẽ rút tay ra; như mọi khi, cô sẽ tiến một bước về phía trước, viện cớ đã nhìn thấy thứ gì đó quan trọng, quan trọng đến nỗi cần phải kiểm tra ngay lập tức xem cụ thể là thứ gì; thế rồi sau đó, cô vuốt nhẹ mái tóc của cậu bé để xin lỗi vì cô không biết tỏ ra dịu dàng với cậu. Nhưng lần này, bàn tay cô giữ chặt lấy bàn tay cậu bé và những ngón tay cô siết chặt trên lòng bàn tay Harry.
- Thế là hỏng bét, cô hầu như không cất lên được thành tiếng.
- Chị có thể lại đào bới tiếp cơ mà?
- Lần này thì không thể được nữa rồi.
- Chị chỉ cần đào xuống sâu hơn thôi, cậu bé phản đối.
- Ngay cả khi chị đào xuống sâu hơn thì mọi chuyện cũng không thể cứu vãn được nữa rồi.
- Vậy thì chúng ta phải tính sao đây?
Keira ngồi xếp hàng trên nền đất tan hoang; Harry bắt chước cô, tôn trọng giây phút thinh lặng của cô gái trẻ.
- Chị sẽ bỏ em lại đây mà đi, đúng không?
- Chị không còn việc gì làm ở đây nữa.
- Chị có thể giúp xây dựng lại ngôi làn. Tất cả đã bị tàn phá hết rồi. Mọi người ở đây đều đã giúp đỡ chị rất nhiều.
- Đúng, chị nghĩ bọn chị có thể giúp đỡ dân làng sửa sang lại nhà cửa trong vài ngày hay nhiều nhất là vài tuần nhưng sau đó, đúng như em nói, bọn chị sẽ phải ra đi thôi.
- Tại sao? Ở đây chị cảm thấy rất hạnh phúc cơ mà?
- Còn hơn thế, trước đây chưa bao giờ chị cảm thấy hạnh phúc như vậy.
- Vậy thì chị phải ở lại đây thôi! Cậu bé kiên quyết.
Ông trưởng đoàn khảo cổ tiến gần về phía hai người. Keira nhìn Harry và khiến cậu bé hiểu rằng em nên để cho hai người lớn được nói chuyện riêng với nhau. Harry bước ra xa vài bước.
- Em không được ra sông đâu đấy! cô nói với cậu bé.
- Điều đó có ản hưởng gì đến chị đâu, chị sắp đi rồi cơ mà!
- Harry à! Keira khẩn nài.
Nhưng Harry đã chạy theo hướng cô vừa mới cấm cậu bé không được bén mảng tới.
- Cô tính bỏ khu khai quật ư? Ông trưởng đoàn hỏi vẻ ngạc nhiên.
- Tôi nghĩ trước mắt chúng ta không có sự lựa chọn nào khác.
- Tại sao lại phải nản chí cơ chứ, chúng ta chỉ cần lại bắt tay vào việc. Chúng ta hoàn toàn không thiếu thiện chí.
- Chao ôi, vấn đề không phải chỉ là ý chí mà còn cả khả năng tài chính nữa. Chúng ta hầu như không còn tiền để chi trả cho nhân công. Trước đây, hy vọng duy nhất của tôi là chúng ta có thể nhanh chóng phát hiện ra một điều gì đó để có thể quay vòng vốn. Tôi thực sự sợ rằng từ giờ phút này tất cả chúng ta đều đã trở thành những người thất nghiệp có chuyên môn.
- Thế còn thằng bé? Cô định làm gì với nó đây?
- Tôi chẳng biết nữa, Keira trả lời vẻ chán nản.
- Cô là người duy nhất gắn bó với thằng bé kể từ khi mẹ nó qua đời. Sao cô không dẫn thằng bé theo?
- Tôi không có quyền làm vậy. Thằng bé sẽ nhanh chóng bị bắt giữ ở biên giới, người ta sẽ giữ nó lại hàng tuần lễ trong một trại nào đó trước khi đưa nó về lại đây.
- Và nói rằng ở chỗ các vị, người ta luôn nghĩ chúng tôi là những kẻ thô lỗ cục cằn chứ gì!
- Ông không thể lo cho thằng bé được sao?
- Tôi đã vất vả lắm mới nuôi sống được gia đình mình, tôi không nghĩ vợ tôi sẽ chấp nhận nuôi thêm một miệng ăn. Vả lại Harry là một thành viên bộ lạc Mursi, nó thuộc tộc người Omo, chúng tôi là người tộc Amhara, toàn bộ chuyện này là quá nan giải. Chính cô đã đổi tên thằng bé, Keira ạ, thằng bé đã học ngôn ngữ của các vị từ ba năm nay, có thể nói là cô đã nhận nuôi nó. Cô phải có trách nhiệm. Thằng bé không thể bị bỏ rơi đến hai lần được, nó sẽ không gượng dậy nổi.
- Ông muốn tôi gọi nó thế nào bây giờ? Cần phải đặt cho thằng bé một cái tên, lúc tôi đón nó về thằng bé có nói gì đâu!
- Thay vì tranh luận, việc đầu tiên cần làm là đi tìm thằng bé về đã, nhìn bộ dạng nó ban nãy khi rời khỏi đây, tôi không nghĩ là nó sẽ xuất hiện trở lại ngay đâu.
Các đồng nghiệp của Keira đang tập hợp lại quanh khu vực khai quật. Bầu không khí nặng trĩu. Mỗi người đều ghi nhận độ nghiêm trọng của những thiệt hại. Tất cả đồng loạt quay sang Keira, chờ đợi những chỉ thị của cô.
- Mọi người đừng nhìn tôi như thế, tôi đâu phải là mẹ của các vị! nhà khảo cổ học nổi nóng.
- Chúng ta mất toàn bộ đồ đạc vật dụng cá nhân rồi, một thành viên trong nhóm kháng nghị.
- Có vài dân làng thiệt mạng, tôi đã nhìn thấy ba thi thể trôi trên sông, Keira đáp, tôi hoàn toàn cóc thèm quan tâm đến cái túi ngủ của anh.
- Cần phải chôn cất những người thiệt mạng càng sớm càng tốt, một người khác gợi ý. Chúng ta không cần bổ sung thêm dịch tả vào những khó khăn hiện tại.
- Những ai xung phong tình nguyện nào? Keira hỏi, vẻ hoài nghi.
Không ai giơ tay.
- Vậy thì tất cả cùng đi, Keira truyền đạt.
- Chờ gia đình họ đến vớt xác thân nhân thì hơn, chúng ta phải tuânt heo tập tục chứ.
- Gió Shamal hết sức tránh tuân theo dù là cái gì đi nữa, chúng ta hãy hành động trước khi nguồn nước bị ô nhiễm, Keira nhấn mạnh.
Đoàn người bắt đầu cất bước.
Công việc buồn thảm choán hết phần thời gian còn lại trong ngày. Người ta vớt các thi thể lên, đào những hốn chôn cách xa bờ sông, tất cả các ngôi mộ này đều được đắp một gò nhỏ bằng đá. Mỗi người cầu nguyện theo kiểu của mình, theo tín ngưỡng riêng, khi nghĩ đến những người mà họ đã kề cận suốt ba năm vừa qua. Lúc màn đêm buông xuống, nhóm những nhà khảo cổ họp lại quanh một đống lửa. Ban đêm trời lạnh hơn mà họ thì không còn lại thứ gì để chống chọi với gió rét. Từng người thay phiên nhau thức trong khi những người còn lại nằm ngủ gần đống than củi cháy rực.
Ngày hôm sau, cả nhóm tiến hành cứu trợ cho dân làng. Lũ trẻ được tập hợp lại. Những phụ nữ có tuổi của bộ lạc trông nom chúng, những người trẻ hơn thu thập tất cả những gì có thể dùng vào việc xây dựng lại nhà cửa. Ở đây, vấn đề giúp đỡ tương trợ lẫn nhau không được đặt ra, nó là hiển nhiên; tất cả mọi người đều bắt tay vào việc, mỗi người đều tự động biết mình phải làm gì. Một vài người xẻ gỗ, số khác thu lượm cành cây để dựng lại lều, số còn lại chạy tỏa ra khắp các cánh đồng, cố gắng gom nhặt lũ dê và bò chưa bị cơn bão giết hại.
Đêm thứ hai, dân làng đón tiếp nhóm những nhà khảo cổ học và chia sẻ cùng họ bữa cơm đạm bạc. Bất chấp nỗi buồn, bất chấp đám tang vừa mới bắt đầu, người ta vẫn nhảy và hát để cảm ơn các vị thần đã miễn xá cho những người còn sống.
Những ngày tiếp theo vẫn vậy. Hai tuần sau, nếu như thiên nhiên vẫn còn mang những dấu ấn của thảm kịch thì ngôi làng đã hầu như lấy lại được một vẻ bề ngoài bình thường.
Vị tộc trưởng cảm ơn các nhà khảo cổ. Keira xin được gặp riêng ông. Ngay cả khi những ánh mắt của dân làng cho thấy họ không hề đánh giá cao sự xuất hiện của một người phụ nữ lạ trong lều của tộc trưởng, thì vị tộc trưởng vẫn đồng ý tiếp kiến cô, vì biết ơn. Sau khi nghe lời thỉnh cầu của vị khách, ông cam đoan là nếu Harry xuất hiện trở lại, ông sẽ chăm lo cho cậu bé cho đến khi giao về tay Keira chăm sóc; đổi lại, cô hứa sẽ quay trở lại. Vị tộc trưởng ra hiệu cho cô hiểu rằng cuộc tiếp kiến đã kết thúc. Ông mỉm cười, Harry có ẩn nấp cũng vô ích, cậu hẳn không ở xa đây; những đêm gần đây, một sinh vật kỳ lạ đã đến trộm những đồ lương thực thực phẩm trong khi dân làng ngủ và những dấu vết tên trộm để lại vô cùng giống với dấu vết của một cậu bé.
° ° °
Đến ngày thứ chín sau khi cơn bão tràn qua, Keira tập hợp nhóm của mình lại và thông báo đã đến lúc họ rời khỏi châu Phi. Hệ thống radio đã bị phá hủy, họ chỉ có thể tin vào chính mình mà thôi. Có hai khả năng dành cho họ: đi bộ về phía thành phố nhỏ Turmi, từ đó, với một chút may mắn, họ sẽ đón được một loại phương tiện vận chuyển đưa họ đi về phía Bắc, đến tận thủ đô. Đường đến Turmi cũng rất nguy hiểm, nói đúng ra thì không có đường đi tới đó, phải trèo leo để vượt qua một vài hèm núi. Lựa chọn khác, xuôi theo sông về thung lũng phía dưới; mất vài ngày, họ sẽ ra tới hồ Turkana. Vượt qua hồ, họ sẽ đến bờ biên giới Kenya tại Lodwar, ở đó có một sân bay nhỏ. Những chiếc máy bay tạm bợ thường xuyên đi đi lại lại để tiếp tế cho cả vùng; một viên phi công chắc chắn rồi sẽ đồng ý cho họ quá giang.
- Hồ Turkana, ý tưởng mới tuyệt làm sao! Một người cộng tác thốt lên.
- Anh thích leo núi hơn chắc? Keira hỏi, vô cùng khó chịu.
- Mười bốn nghìn, có khoảng chừng đó con cá sấu lúc nhúc trong cái hồ cứu nguy của chị. Ban ngày thì nóng như thiêu, và những cơn giông tràn qua đó còn hung bạo hơn nhiều so với trong lục địa châu Phi. Với những thứ trang thiết bị ít ỏi còn lại, chúng ta chẳng thà tự sát ngay bây giờ còn hơn, như thế sẽ tiết kiệm được thời gian và không phải chịu nhiều đau đớn!
Không có giải pháp thần diệu cho vấn đề này. Nhà khảo cổ đề nghị giơ tay bỏ phiếu. Hướng đi xuôi ra hồ được nhất trí thông qua, chỉ trừ một phiếu. Trưởng đoàn cũng muốn đi cùng họ, nhưng ông phải ngược lên mạn Bắc để trở về với gia đình. Được dân làng giúp đỡ, họ bắt đầu gom góp một vài đồ lương thực dự trữ, thời điểm xuất phát đã được lên chương trình vào ngày hôm sau, lúc sáng sớm.
Keira thức trắng đêm. Cô trở mình dễ đến trăm lần trên tấm nệm rơm. Ngay khi cô nhắm mắt, gương mặt Harry lại hiện ra. Cô nhớ lại cái ngày, khi trở về từ một chuyến điều tra thực địa cách nơi dựng trại mười cây số, cô đã gặp thằng bé. Harry chỉ có một mình, bị bỏ lại trước một túp lều. Xung quanh không một bóng người, và đứa trẻ nhìn cô đăm đắm, trong thinh lặng. Phải làm gì đây? Tiếp tục đi như thể không có chuyện gì xảy ra? Cô ngồi xuống cạnh thằng bé, nó không nói gì hết. Ghé qua lỗ cửa của chỗ ở thảm thê nơi thằng bé đang đứng, cô phát hiện ra mẹ nó vừa mới chết trong đó. Cô đã hỏi thằng bé xem nó có họ mạc, hay nơi nào đó để cô có thể dẫn tới không, nhưng thằng bé vẫn nín thinh; không một lời phàn nàn, chỉ có ánh nhìn dữ dội và dai dẳng đó. Keira ở lại bên thằng bé nhiều giờ liền, không nói một lời. Rồi cô đứng dậy và lại lên đường. Trên đường, cô ngỡ có thể đoán được thằng bé đang đi theo cô cách một quãng và nấp đi ngay khi cô quay nhìn lại. Nhưng khi đến gần khu trại rồi, trên con đường đằng sau cô không còn bất kỳ dấu vết nào của thằng bé nữa. Thoạt tiên, cô nghĩ thằng bé đã quay lại. Ngày hôm sau, khi ông trưởng đoàn thông báo đồ ăn của họ bị mất trộm, Keira cảm thấy nhẹ cả người.
Phải mất vài tuần dài dằng dặc để hai người họ rốt cuộc cũng gặp lại nhau. Keira đã ra lệnh để người ta luôn để lại gần lều của cô một suất ăn và thứ đồ uống gì đó vào ban đêm. Và, cứ mỗi tối, ông trưởng đoàn lại cự nự: đây đúng là một cách tốt để dụ những loài ăn mồi; nhưng cái mà Keira muốn thuần hóa không có gì giống với một con vật hoang dã, mà chỉ là một đứa trẻ cô đơn và sợ sệt.
Càng về sau Keira càng băn khoăn về cách xử sự khác thường của thằng bé. Buổi tối, ngồi trong lều, cô rình tiếng bước chân của thằng bé mà cô đã đặt cho cái tên "Harry". Tại sao lại là cái tên này? Cô không biết nữa, cái tên đã đến với cô trong những giấc mơ. Một đêm, Keira liều ngồi đợi trước cái thùng nơi thường để suất ăn cho thằng bé. Lần này thì cô đã bày một bộ đồ ăn, và rốt cuộc tổng thể nom giống một bàn ăn tối được kê ngay giữa đồng không mông quạnh.
Harry xuất hiện trên lối mòn dốc lên từ phía bờ sông. Hai vai và đầu vươn thẳng, thằng bé có dáng đi rất đĩnh đạc. Khi thằng bé tới, Keira vẫy tay chào nó rồi bắt đầu ăn. Thằng bé hơi ngần ngừ rồi ngồi xuống vị trí đối diện với cô. Thế là họ cùng sẻ chia bữa tối đầu tiên ấy dưới bầu trời đêm và Keira bắt đầu dạy cho Harry những từ vựng đầu tiên. Thằng bé không hề lặp lại từ nào, nhưng đến ngày hôm sau, vào lúc ăn, nó đọc thuộc lòng tất cả những từ nghe được hôm trước, không nhầm lẫn tí gì.
Chỉ ít lâu sau đó Harry mới chịu xuất đầu lộ diện giữa ban ngày ban mặt. Keira đang khéo léo đào bới đất, hy vọng cuối cùng sẽ khám phá ra thứ gì đó thì thằng bé tiến lại gần. Khoảng thời gian tiếp cận đó thuộc vào những thời điểm đặc biệt nhất. Không hề bận tâm đến việc Harry có hiểu những gì cô nói hay không, Keira giải thích với thằng bé từng cử chỉ mình đang thực hiện, lý giải tại sao việc tìm kiếm không ngừng nghỉ những mảnh hóa thạch nhỏ xíu đối với cô lại quan trọng đến thế, làm thế nào mỗi người trong số họ lại có thể chứng thực cách thức con người xuất hiện trên hành tinh này.
Ngày hôm sau Harry trở lại vào đúng tầm giờ đó, và lần này trải qua trọn buổi chiều bên nhà khảo cổ học. Những ngày tiếp theo thằng bé vẫn làm vậy, luôn đến với một sự chính xác về giờ giấc khiến người ta phải ngạc nhiên - vì Harry làm gì có đồng hồ đeo tay. Hàng tuần trôi qua và không một ai thực sự nhận thấy chuyện này, đó là thằng bé không rời khỏi khu trại nữa. Trước mỗi bữa ăn, trưa và tối, thằng bé đều chịu đựng mà không hề tỏ ra cau có công việc lao dịch là học từ vựng mà Keira vẫn thường phân cho nó.
Tối hôm nay, cô những muốn lại một lần nữa nghe thấy tiếng bước chân thằng bé, như mỗi khi nó lảng vảng lượn quanh lều của cô trong lúc chờ cô cho phép nó vào bên trong. Cô sẽ kể cho thằng bé nghe một huyền thoại của châu Phi, cô biết rất nhiều huyền thoại của mảnh đất này.
Làm thế nào để ngày mai lên đường mà vẫn chưa gặp lại thằng bé? Lên đường mà không một lời nhắn nhủ từ biệt, như thế còn tệ hơn cả một sự ruồng bỏ, im lặng chính là phản bội. Keira cầm trong tay món quà mà một hôm Harry đã tặng cho chúng tôi. Ở đầu một sợi dây da mảnh không bao giờ rời khỏi cổ cô luôn lủng lẳng một vật lạ thường. Hình tam giác, đồ vật đó trơn nhẵn và cứng tựa gỗ mun; màu sắc thì giống hệt, nhưng có đúng là chất liệu gỗ này? Keira không thể biết. Thứ đồ vật không giống với bất kỳ thứ đồ trang sức nào của bộ tộc; ngay đến vị tộc trưởng cũng không thể xác định được nguồn gốc của nó. Khi Keira đưa cho ông xem, ông già này đã lắc đầu, ông không biết nó là cái gì, có lẽ cô không nên giữ nó bên người. Nhưng đó là một món quà Harry tặng... Khi Keira hỏi thằng bé về xuất xứ món đồ, thằng bé giải thích là đã tìm thấy nó trên hòn đảo nằm giữa hồ Turkana. Khi cùng bố xuống một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ nhiều thế kỷ nay, nơi mặt đất tràn đầy một thứ bùn màu mỡ, thằng bé đã tìm thấy vật báu này.
Keira thả cho nó rơi xuống ngực và nhắm mắt, tìm kiếm giấc ngủ không đến.
Ngay từ sáng sớm, cô gom những bọc đồ của mình lại rồi đánh thức các đồng nghiệp. Một chuyến đi dài đang chờ họ. Sau khi nuốt vội một bữa sáng thanh đạm, cả nhóm lên đường. Những người đánh cá đã tặng cho họ hai chiếc thuyền đôc mộc, mỗi chiếc có thể chở bốn người. Tại nhiều địa điểm khác nhau, phải cập bờ, vác thuyền lên vai để vòng tránh những con thác.
Dân làng tụ lại bên bờ sông. Chỉ duy có một người đàn ông bé nhỏ là vắng mặt. Trưởng đoàn ôm ghì Keira trong vòng tay, ông khó khăn lắm mới che giấu được cảm xúc của mình. Rồi đoàn khảo cổ ngồi lên thuyền; bọn trẻ lội xuống nước giúp họ đẩy thuyền ra xa bờ, rồi dòng chảy làm nốt phần việc còn lại, thong thả kéo họ theo.
Suốt những dặm đầu của cuộc hành trình, họ luôn nhìn thấy những cánh tay vẫy từ những động ruộng gần đó. Keira vẫn im lặng, rình chờ cái người mà cô vẫn mong được gặp. Khi con sông tách làm hai nhánh trước khi biến mất giữa hai vách núi cao dựng đứng, những hy vọng cuối cùng của cô tiêu tán. Họ đã ở quá xa mất rồi.
- Có lẽ như thế lại hơn, Michel, một đồng nghiệp người Pháp của Keira, người mà cô rất hòa hợp, nói khẽ.
Cô muốn trả lời anh, nhưng họng cô nghẹn ứ.
- Thằng bé sẽ quay trở về với cuộc sống của nó, Michel tiếp. Em đừng tự trách mình. Em không có gì phải hối tiếc hết; không có em, Harry hẳn đã chết vì đói, vả lại tộc trưởng cũng đã hứa với em là sẽ chăm sóc cho thằng bé rồi còn gì.
Rồi bỗng nhiên, trong khi con sông vẫn đưa chiếc thuyền độc mộc tiến sâu vào hẻm núi, bóng dáng của Harry bỗng xuất hiện trên một bãi sỏi nhỏ ven sông. Keira đứng bật dậy, đột ngột đến nỗi con thuyền thiếu chút nữa thì lật úp. Michel kịp giữ thăng bằng, hai đồng nghiệp kia lên tiếng càu nhàu. Keira không để ý nghe những lời trách cứ của họ, cô mải nhìn thằng bé đang ngồi xổm và dõi theo cô từ đằng xa.
- Chị sẽ trở lại Harry ạ, chị xin hứa! cô kêu lên.
Thằng bé không trả lời. Liệu nó có nghe thấy lời cô?
- Chị đã tìm thằng bé khắp nơi, cô gào lên to hết mức có thể. Chị không muốn ra đi mà trước đó chưa gặp lại em. Chị sẽ nhớ em nhiều, cậu bé của chị ạ, cô vừa nói vừa thổn thức nghẹn ngào. Chị sẽ nhớ em nhiều lắm. Chị hứa là chị sẽ quay trở lại, em phải tin chị, em có nghe thấy chị nói gì không? Chị xin em đấy, Harry, hãy ra hiệu với chị, một dấu hiệu nhỏ, gì cũng được để để chị biết là em nghe thấy chị.
Nhưng thằng bé không ra hiệu gì hết, không cả một dấu hiệu nhỏ nhất. Bóng nó biến mất ngay sau khúc quanh của dòng sông; nhà nữ khảo cổ trẻ tuổi không nhìn thấy bàn tay của thằng bé đang gửi đến cô một lời từ biệt mong manh.
***
Cao nguyên Atacama, Chilê
Không thể chợp mắt vào ban đêm. Mỗi lần tôi tin là rốt cuộc đã cảm thấy cơn buồn ngủ thắng thế, tôi lại nhảy dựng lên trong túi ngủ của mình với cảm giác ngạt thở kinh khủng vẫn bám riết không rời. Erwan, một đồng nghiệp người Úc quen sống ở độ cao, đã thôi không ngủ từ khi tới đây. Anh thực hành yoga và anh hầu như khỏi ngay. Ngay cả khi tôi đùa, thời đó khi tôi còn gần như giao du với một cô vũ nữ, lui tới hai lần mỗi tuần một phòng khách được chuyên môn hóa nằm trên đại lộ Sloane, người tình dạy môn khiêu vũ của tôi rõ ràng là không đủ để cho phép cơ thể tôi bù trừ những tác động của một độ cao tương đương. Tại độ cao năm nghìn mét so với mực nước biển, áp suất không khí sụt giảm xuống bốn mươi phần trăm. Sau vài ngày, nỗi gian truân khi sống trên núi cao bộc lộ rõ; máu đặc lại, đầu nặng trịch, lý trí đánh mất lô gíc của nó, việc viết lách trở nên vụng về, và ngay cả nỗ lực thể chất nhỏ nhất cũng đốt cháy vô khối năng lượng của bạn. Những người từng làm việc nơi đây đã dặn chúng tôi hấp thụ tối đa lượng đường gluco. Đối với những người ưa đồ ngọt, nơi này có thể là một thiên đường thực sự: không hề gặp phải nguy cơ tăng cân, vừa ăn vào miệng, đường liền được cơ thể chuyển hóa. Điểm mấu chốt duy nhất là ở độ cao năm nghìn mét so với mực nước biển, ta đánh mất toàn bộ sự ngon miệng. Tôi hầu như chỉ sống bằng những thanh sô cô la.
Cao nguyên Atacama là một nơi nằm bên ngoài thời gian. Một vùng thảo nguyên rộng lớn cằn cỗi với núi bao quanh; nếu tại đó việc hít thở không đến nỗi quá khó, ta sẽ tin rằng mình đang ở giữa một sa mạc đá bất kỳ. Nhưng tại đây, chúng tôi đang ở trên một trong những nóc nhà thế giới; chỉ trừ có việc hầu như không còn gì của thế giới quanh chúng tôi. Không một loài thực vật, không một loài động vật, chỉ có sỏi cuội và bụi, tồn tại qua hai mươi tiệu năm. Thứ không khí chúng tôi hít thở một cách khó nhọc la thứ không khí khô nhất hành tinh, còn khô gấp năm mươi lần không khí trong Thung lũng Tử thần. Những đỉnh núi đang bao quanh chúng tôi có đỉnh cao nhất lên tới hơn sáu nghìn mét cũng vô ích, chúng không có tuyết. Cũng chính là lý do để chúng tôi làm việc tại đây. Bởi không có chút độ ẩm dù nhỏ nhất, đây là nơi lý tưởng nhất để tiếp nhận dự án thiên văn lớn nhất mà trái đất chưa từng biết đến. Một vụ cá cược gần như cầm chắc phần thua: trồng sáu mươi tư cột thu phát tín hiệu có gắn kính viễn vọng, mỗi cột có kích thước tương đương một tòa nhà mười tầng, tất cả kết nối với nhau. Một khi xây dựng xong, chúng sẽ được kết nối với một máy chủ có khả năng thực hiện mười sáu tỷ thao tác mỗi giây. Để làm gì? Để ra khỏi bóng tối, để chụp ảnh những thiên hà xa nhất, để khám phá những không gian hiện chúng ta vẫn còn không thể trông thấy, để có thể thu được hình ảnh về những khoảnh khắc đầu tiên của Vũ trụ.
Đã ba năm nay, tôi trở lại với Tổ chức nghiên cứu thiên văn châu Âu và tới sống tại Chilê.
Thông thường, tôi làm việc tại một địa điểm cách đây cả trăm cây số, tại đài thiên văn La Silla. Vùng này nằm trên một trong những đường nứt lớn nhất của địa cầu, chính là nơi hai lục địa tiếp giáp. Hai khối với sức mạnh khổng lồ xô đẩy nhau, xưa kia đã tạo ra dãy Andes. Nội trong đêm trước, mặt đất rung chuyển. Không có ai bị thương nhưng cả Naco và Sinfoni - mỗi chiếc kính viễn vọng của chúng tôi đều mang một cái tên - đã phải mang đi đại tu.
Tranh thủ tình trạng nghỉ việc cưỡng bức này, giám đốc trung tâm đã giao cho chúng tôi, tôi và Erwan, nhiệm vụ giám sát việc thi công cột thu phát tín hiệu khổng lồ thứ ba của vùng Atacama. Đây chính là lý do tại sao tôi hít thở khó khăn như vậy vào lúc này, vì một cơn địa chấn ngu ngốc đã dẫn tôi tới đây, tới độ cao năm nghìn mét.
Mới cách đây gần mười lăm năm, các nhà thiên văn vẫn còn tranh luận về sự tồn tại của những hành tinh ngoài hệ mặt trời của chúng ta. Tôi đã nói thế này, sự khiêm nhường đối với một nhà khoa học là chấp nhận rằng không có gì là không thể. Một trăm bảy mươi hành tinh được khám phá trong thập niên gần đây. Tất cả đều quá khác lạ, quá to, quá gần hoặc quá xa đối với mặt trời của chúng để đem ra so sánh với Trái đất để đem lại hy vọng rằng một dạng sự sống gần gũi với sự sống mà chúng ta đang biết đến có thể phát triển ở đó... cho đến khi khám phá của các đồng nghiệp của tôi ít lâu sau khi tôi đến Chilê.
Nhờ chiếc kính viễn vọng Đan Mạch đặt tại đài thiên văn La Silla, họ đã quan sát được một "Trái đất" khác, cách Trái đất của chúng ta hai mươi lăm nghìn năm ánh sáng.
Hầu như lớn hơn gấp năm lần, hành tinh này hoàn thành trọn vẹn một vòng quay mặt trời của nó trong vòng mười năm, tính theo thời gian của chúng ta. Nhưng ai có thể khẳng định là thời gian trên hành tinh này, cùng lúc quá gần và quá xa như thế, trôi đi để tạo thành hàng phút và hàng giờ giống với giờ phút của chúng ta? Và ngay cả khi cách xa mặt trời của nó gấp ba lần, ngay cả khi nhiệt độ ở đó lạnh hơn, hành tinh này dường như hội tụ tất cả những điều kiện cần thiết để nảy sinh sự sống.
Phát hiện này hẳn là không đủ gây ấn tượng mạnh để xuất hiện trên trang nhất các mặt báo và nó hầu như không được mấy ai biết đến.
Những tháng gần đây, công việc của chúng tôi bị đình trệ bởi nhiều sự cố hỏng hóc và biến đổi, và khoảng thời gian cuối năm đối với tôi có vẻ khó khăn. Thiếu những kết quả đủ sức thuyết phục, những ngày tôi còn lưu lại Chilê đã có thể đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn gặp phải trong quá trình thích nghi với độ cao, tôi không muốn quay lại Luân Đôn chút nào. Tôi sẽ không đánh đổi những không gian rộng lớn của Chilê lấy bất cứ thứ gì trên đời và cũng sẽ không đánh đổi những thanh sô cô la của mình lấy khung cửa sổ nhỏ xíu trong phòng làm việc riêng chật hẹp, lấy món thịt bò hầm đậu trắng phục vụ trong quán rượu ở góc phố Gower Court.
Chúng tôi đã leo lên đỉnh Atacama được ba tuần và cơ thể tôi vẫn chưa thể thích nghi được với tình trạng thiếu dưỡng khí oxy. Khi trung tâm này được đưa vào khai thác, những tòa nhà sẽ được điều áp, nhưng trong lúc chờ đợi chúng tôi vẫn phải sống trong điều kiện khó khăn này. Erwan thấy tôi có một vẻ mặt kinh khủng, anh muốn tôi quay trở lại trại căn cứ. "Rồi cậu sẽ ngã bệnh thật cho mà xem, anh nhắc đi nhắc lại với tôi kể từ hai ngày nay, mà nếu cậu bị tai biến mạch máu não, sẽ là quá muộn để hối tiếc về sự bất cẩn của cậu."
Quan điểm của anh không hề thiếu cơ sở, nhưng từ bỏ vào lúc này sẽ giảm thiểu cơ hội để tôi tham gia vào chuyến phiêu lưu phi thường sắp xảy ra tại nơi đây. Có thể bố trí các trang thiết bị hiệu quả như thế, được nhận vào nhóm công tác này, đó là chuyện nằm mơ giữa ban ngày.
Màn đêm buông xuống, chúng tôi rời khỏi căn nhà gỗ. Nửa tiếng đồng hồ đi bộ để tới được vị trí của trạm thu phát tín hiệu bằng kính viễn vọng của vùng. Erwan phụ trách việc điều chỉnh, tôi lo việc ghi chép những sóng chúng tôi nhận được. Những sóng này đã xuyên qua không gian đến từ những vũ trụ xa xôi đến mức cách đây mười năm chúng tôi không thể hình dung ra nổi, dù chỉ là sự tồn tại của chúng. Ngày hôm nay, tôi cũng không thể hình dung ra độ rộng của những khám phá mà chúng tôi sẽ có khi toàn bộ sáu mươi chiếc ăng ten parabol này được hợp nhất và kết nối với máy chủ.
- Cậu thu được cái gì thế? Erwan hỏi tôi, anh đang vắt vẻo trên chiếc cầu nhỏ bằng kim loại nằm dọc theo tầng hai của trạm thu phát.
Tôi dám chắc mình đã trả lời anh, nhưng đồng nghiệp của tôi vẫn lặp lại câu hỏi. Có lẽ vì tôi nói không đủ to chăng? Không khí khô và âm thanh truyền đi rất khó khăn.
- Adrian, cậu đang nhận được tín hiệu gì đó chứ, khỉ thật? Tôi không ngồi thăng bằng được trong hàng tiếng đồng hồ đâu nhé.
Tôi khổ sở ghê gớm mới phát âm nổi, dĩ nhiên là do trời lạnh. Trời lạnh kinh khủng, tôi khó nhọc lắm mới cảm nhận được các đầu ngón tay mình. Môi tôi tê cóng.
- Adrian? Cậu có nghe tôi nói gì không?
Tất nhiên là tôi nghe thấy Erwan, tại sao anh lại không nghe thấy tôi nhỉ? Tôi cũng nghe được cả tiếng bước chân anh nữa, anh đang leo từ giàn đậu xuống.
- Mà rốt cuộc thì cậu đang làm cái quái gì thế? Anh vừa tiến lại gần tôi vừa gắt gỏng.
Vẻ mặt anh nom rất lạ, rồi anh bỗng buông những dụng cụ đang cầm trong tay để chạy về phía tôi. Anh tiến lại gần và tôi nhìn thấy nét mặt anh trở nên căng thẳng, nét mặt anh để lộ sự lo lắng.
- Adrian, mũi cậu kìa! Cậu bị chảy máu cam rồi!
Anh dìu tôi lên rồi giúp tôi đứng dậy; trước đó tôi không hề nhận thấy là mình đang ngồi xệp xuống đất. Erwan lôi bộ đàm của anh ra gọi cứu hộ. Tôi cố ngăn anh lại, chẳng có bất kỳ lý do nào để làm phiền những người khác, đây chỉ là một cơn mệt, nhưng hai bàn tay tôi không đáp trả, tôi không còn khả năng để phối hợp bất cứ cử động nào, dù là nhỏ nhất.
- Căn cứ, căn cứ, đây là Erwan tại trạm thu phát số ba, trả lời đi nào, Mayday 2, Mayday! Đồng nghiệp của tôi không ngừng lặp lại.
Tôi mỉm cười, từ "Mayday" chỉ được sử dụng trong không quân, nhưng giờ không phải là lúc để chơi trò người dạy dỗ, nhất là khi một trận cười ngu ngốc đang xâm chiếm tôi.
Và tôi càng cười, chuyện này lại càng khiến Erwan lo lắng, vì anh là người luôn chê trách tôi vì không nhìn nhận cuộc sống này đủ nhẹ nhàng, thật là quá lắm.
Tôi nghe thấy vọng ra từ chiếc bộ đàm của anh một giọng nói quen thuộc, nhưng tôi chưa thể gắn giọng nói đó với bất kỳ cái tên nào. Erwan giải thích là tôi không được khỏe, điều này không đúng, tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như lúc này, ở đây mọi thứ đều đẹp đẽ, ngay cả Erwan đang có bộ mặt nhăn như bị cũng đẹp. Tối nay, tôi không biết liệu có phải do màu sắc đặc biệt của ánh trăng hay không, nhưng tôi thấy anh đúng ra là đẹp. Thế rồi chẳng bao lâu sau tôi cũng không còn thấy anh nữa, đầu tiên là giọng nói lùng bùng của anh không lọt vào tai tôi nữa, như thể anh đang chơi cái trò của bọn trẻ ranh là mấp máy môi mà không phát âm hẳn các từ. Gương mặt anh trở nên lờ mờ, tôi đang mất dần nhận thức.
Erwan ở lại bên cạnh tôi, như một người anh trai. Anh không ngừng lay lắc tôi, thậm chí đã khiến tôi tỉnh lại được. Ngay lúc đó tôi còn hơi giận anh vì chuyện này, nếu xét đến toàn bộ quãng thời gian tôi đã không thể ngủ được, thì hành động của anh chẳng được hào hiệp cho lắm. Một chiếc xe jeep đã đến sau cuộc gọi của anh mười phút. Các đồng nghiệp đã vội vàng trang phục tề chỉnh và đưa tôi trở lại lán trại. Bác sĩ ra lệnh phải sơ tán tôi ngay lập tức. Thế là kết thúc các kế hoạch của tôi tại Atacama. Một chiếc trực thăng đưa tôi về bệnh viện San Pedro trong thung lũng. Họ đã cho tôi xuất viện sau ba ngày truyền dưỡng khí oxy. Erwan đã cùng giám đốc trung tâm nghiên cứu tới thăm tôi, ông này lấy làm tiếc vì phải để "một nhà khoa học hợp tác ăn ý" ra đi. Tôi coi lời khen này như một lô lời an ủi, một vài từ làm yên lòng để cất vào hành lý cá nhân trước khi trở lại phòng làm việc riêng tại trường đại học, khung cửa sổ nhỏ xíu trông xuống phố, quán rượu ở góc phố Gower Court cùng món thịt bò hầm đậu trắng kinh khủng. Tại đó, tôi phải lơ đi ánh mắt chế giễu của các đồng nghiệp ở Luân Đôn. Người ta không bao giờ rũ bỏ được hoàn toàn những ký ức thơ ấu của mình. Chúng đeo đẳng bạn như những bóng ma, ám ảnh cuộc sống người trưởng thành của bạn.
Trong bộ âu phục kèm cà vạt, trong chiếc áo blouse của nhà khoa học hay trong bộ đồ của chú hề, đứa trẻ mà người ta đã từng là vẫn mãi tồn tại bên trong đó.
Không có chuyện lên đường đi Bolivia, những dãy núi hình chữ chi bên đó dốc lên tận bốn nghìn mét. Một chuyến bay đưa tôi từ San Pedro sang Argetina rồi từ đó, tôi lại lên chuyến bay thẳng đến Luân Đôn. Thế là tôi nhìn thấy dãy Andes xa dần qua ô cửa kính trên máy bay, tôi căm thù chuyến đi này, giận điên người vì việc đã xảy đến với mình. Nếu biết được điều gì đang chờ đợi mình, tâm trạng của tôi hẳn là đã khác.
--------------------------------
1. Gió Tây Bắc thổi tại Irắc và vùng vịnh Persique. (Mọi chú thích không có lưu ý gì thêm đều của người dịch.)
2. Thành ngữ được sử dụng trong liên lạc vô tuyến-điện thoại quốc tế để báo hiệu máy bay hay tàu thủy đang gặp nguy.
***
Luân Đôn
Cơn mưa phùn rải rắc trên thành phố nhắc cho tôi nhớ mình đang ở đâu. Chiếc taxi tiến vào xa lộ M1, và chỉ cần nhắm mắt là tôi có thể hồi tưởng lại mùi những mảnh gỗ lát tường cũ kỹ trang trí đại sảnh của trường đại học, mùi những tấm ván sàn đánh si và cả mùi những chiếc cặp táp bằng da của bạn đồng nghiệp, cả những chiếc áo mưa có thắt lưng ướt sũng của họ.
Không thể ghé qua nhà, vì tôi mãi không tìm thấy chìa khóa căn hộ riêng khi đóng gói hành lý tại Chilê. Tôi tin là mình có để sẵn một chìa khóa dự phòng trong ngăn kéo bàn làm việc; tôi sẽ đợi đến tối để thấy cảnh bụi bặm tràn ngập trong nhà kể từ khi tôi rời đi.
Đã quá mười hai giờ trưa khi tôi đến trước những tòa nhà hành chính trị sự của Học viện. Một tiếng thở dài cuối cùng và tôi bước vào tòa nhà nơi tôi sẽ sớm tiếp tục những chức trách của mình.
- Adrian! Gặp lại anh ở đây quá là một bất ngờ thú vị!
Walter Glencorse, người phụ trách nhân sự giảng viên. Gã hẳn đã đứng sau cửa sổ mà rình thấy tôi đến và tôi hình dung gã sẵn lòng chạy xuống cầu thang thật nhanh, chạy chậm lại rồi dừng trước tấm gương lớn ở tầng trệt để ép xẹp những sợi tóc mảnh màu vàng nhạt vẫn đang tua tủa trên đầu.
- Walter thân mến! Bất ngờ thú vị này cả tôi cũng có phần mà.
- Hầu như thế, bạn thân mến ạ, vì tôi không đi Pêru và thường thấy mình bị giam lỏng giữa bốn bức tường hơn là tới đó gặp anh.
- Tôi vừa từ Chilê về, Walter ạ.
- Chilê, dĩ nhiên rồi, dĩ nhiên rồi, đầu óc tôi để đâu ấy nhỉ? Và cái câu chuyện về độ cao này... tôi đã nghe nói về vụ tai nạn đáng tiếc vừa xảy đến cho anh. Tiếc quá, phải không?
Walter thuộc loại người có khả năng phô bày vẻ khoan dung chân thành trong khi thâm tâm là một gã lùn dị dạng khủng khiếp trong bộ đồ thể thao màu hồng đang thắt ruột vì cười nhạo bạn; hắn là một trong những kẻ hiếm hoi tại xứ sở của chúng tôi mà không cần gì khác ngoài ý niệm cũng có thể thuyết phục lũ dê và bò của Anh quốc từ bỏ những đồng cỏ màu mỡ của chúng để trở thành động vật ăn thịt.
- Tôi đã để dành bữa trưa của mình cho anh, anh là khách mời của tôi, hắn vừa nói vừa đưa hai tay chống nạnh.
Để mời Walter chịu bỏ ra vài đồng bảng Anh, Học viện cần phải trả cho hắn bằng ngân phiếu hoặc hắn đang có việc gì đó vô cùng quan trọng cần nhờ vả tôi. Tôi chỉ kịp gửi lại chiếc va li vào phòng gửi đồ - không cần phải leo lên tận văn phòng làm việc riêng để khám phá ra cái đống ngổn ngang hắn đang đợi tôi ở đó, tôi trở ra phố, lần này thì cùng với gã Walter khó tả thành lời.
Ngay khi chúng tôi yên vị trong quán rượu, Walter liền mặc nhiên gọi hai suất ăn theo menu chính của quán, hai ly vang đỏ dở tệ - vậy thì đích thị là Học viện thết đãi rồi - và nghiêng người sang tôi, như thể sợ các bàn bên cạnh nghe được cuộc trò chuyện sắp diễn ra.
- Anh may mắn quá, được trải nghiệm một chuyến phiêu lưu như thế, chuyến phiêu lưu hẳn phải rất khác thường đây... Và tôi hình dung chuyện được làm việc trên đài thiên văn Atacama hẳn phải vô cùng thú vị.
Này, lần này không những Walter không nhầm nước mà thậm chí hắn còn nhớ được cả nơi tuần trước tôi vẫn còn lưu lại. Chỉ riêng lời gợi nhắc về nơi chốn đã đưa tôi đến với sự bao la mênh mông của cảnh vật Chilê, cảnh trăng lên huy hoàng giữa buổi chiều tà, ở độ thuần khiết của đêm và độ chói sáng không thể so sánh của vòm trời.
- Anh có nghe tôi nói không đấy, Adrian?
Tôi thú nhận là đã bỏ lỡ câu chuyện hắn đang nói trong chốc lát.
- Tôi hiểu và chuyện đó cũng hoàn toàn bình thường thôi; giữa cơn mệt mới đây và chuyến đi dài này, tôi không hề để cho anh kịp có thời gian hoàn hồn, thứ lỗi cho tôi nhé Adrian.
- Được rồi, Walter, chúng ta hãy ngừng những câu quá mức lễ độ dành cho nhau đi! Thực ra, tôi đã tự chuốc lấy một cơn khó ở nho nhỏ tại độ cao năm nghìn mét, vài ngày nhập viện nằm trên một chiếc giường được một thầy tu khổ hạnh đặc biệt nhiều mưu mẹo thiết kế, tôi vừa ngồi máy bay một lèo hai mươi lăm tiếng đồng hồ trong tư thế đầu gối chạm cằm, vậy thì chúng ta hãy đi thẳng vào vấn đề. Tôi bị giáng cấp công tác hả? Bị cấm không được quay trở lại phòng thí nghiệm cô ăhng? Hay là bị đuổi khỏi Học viện, là thế chứ gì?
- Adrian, anh đang nghĩ đi đâu thế! Tai nạn này có thể xảy đến với bất kỳ ai trong chúng ta. Ngược lại thì có, tất cả mọi người ở đây đều lấy làm khâm phục vì những công việc anh đã hoàn thành tại Atacama.
- Làm ơn thôi ngay việc cứ hai câu lại nhắc đến cái tên ấy đi, rồi nói cho tôi biết mục đích anh mời tôi cái suất menu kinh khủng này đi.
- Chúng tôi có một việc nhỏ muốn nhờ anh giúp.
- Chúng tôi?
- Phải, rốt cuộc là Học viện mà anh hiện đang là một thành viên ưu tú, Adrian ạ, Walter mau mắn đáp.
- Loại việc gì vậy?
- Loại công việc sẽ cho phép anh quay lại Chilê trong một vài tháng ấy mà.
Lần này, Walter đã thu hút được sự chú ý của tôi.
- Chuyện này khá tế nhị, Adrian ạ, vì nó liên quan đến vấn đề tiền nong, Walter thì thào.
- Tiền nào cơ?
- Tiền mà Học viện sẽ cần để tiếp tục theo đuổi những công trình nghiên cứu của mình, tiền trả lương cho các nhà khoa học thuộc biên chế Học viện, tiền thuê cơ sở, không quên phần tiền dành cho việc tu bổ phần mái đang mỗi ngày một thêm lở tơi ra. Nếu trời tiếp tục mưa thế này, chẳng mấy chốc tôi sẽ phải đi ủng cao su để viết báo cáo hoạt động cá nhân.
- Đó là một bất trắc mà anh buộc phải đối mặt khi chọn văn phòng ở tầng trên cùng, điều duy nhất để tận hưởng là đôi chút ánh sáng. Tôi không phải người được thừa kế một gia sản kếch sù cũng chẳng phải thợ lợp mái, Walter ạ. Vậy thì những phẩm chất của tôi có thể giúp được gì cho Học viện đây?
- Chính xác, anh có thể giúp chúng tôi không phải với tư cách là thành viên của Học viện, mà với tư cách là nhà vật lý thiên văn lỗi lạc kia.
- Người tuy thế vẫn đang làm việc cho Học viện ấy à?
- Dĩ nhiên! Nhưng không nhất thiết trong khuôn khổ sứ mệnh mà chúng tôi muốn giao phó cho anh.
Tôi gọi cô phục vụ đến, trả lại cho cô ta món thịt bò hầm đậu trắng kinh khủng và gọi hai ly vang Kent loại hảo hạng kèm theo hai đĩa pho mát Chester; Walter nín thinh.
- Walter này, hãy giải thích cho tôi biết chính xác điều anh đang trông đợi ở tôi, bằng không, một khi đã chén xong đĩa pho mát, tôi sẽ chuyển sang món bánh pudding rưới rượu Bourbon, và dĩ nhiên là anh phải chủ chi đấy.
Walter bèn thổ lộ tâm tình. Tài khoản của Học viện đang khô không kém gì khí hậu của vùng cao nguyên Atacama. Không có hy vọng nào khả dĩ để tiếp tế cho ngân sách; đợi tới lúc các ban ngành của Nhà nước xét duyện bổ sung ngân sách hoạt động thì Walter có lẽ đã ngồi trong văn phòng mà câu được cá hồi sống rồi.
- Học viện tiếng tăm của chúng ta mà phải kêu gọi tài trợ thì sẽ chẳng ra thể thống gì cả; báo chí sớm muộn cũng sẽ chộp được tin này và sẽ xào xáo thành những tin giật gân tai tiếng, hắn tiếp.
Hai tháng nữa, một Quỹ Walsh nào đó sẽ tổ chức một buổi lễ. Như mọi năm, Quỹ này sẽ trao một khoản tài trợ cho cá nhân nào trình bày trước ban giám khảo một dự án nghiên cứu được nhận định là nhiều hứa hẹn nhất.
- Khoản tài trợ hào phóng này là bao nhiêu? Tôi hỏi.
- Hai triệu bảng Anh.
- Quả là hào phóng thật! Nhưng tôi vẫn không hiểu tôi có thể giúp gì trong chuyện này.
- Công việc của anh, Adrian ạ! Anh có thể trình bày những công việc anh đã và sẽ làm và có được giải thưởng này... giải thưởng mà anh sẽ sẵn lòng trao lại cho chúng tôi. Dĩ nhiên, báo giới sẽ nhìn thấy trong đó một nghĩa cử của bậc mạnh thường quân không vụ lợi và thể hiện lòng biết ơn đối với Học viện lâu nay đã hỗ trợ cho những nghiên cứu khoa học của anh. Nhờ thế, niềm vinh dự của anh lớn gấp bội, danh dự của Học viện được bảo toàn, và tình hình tài chính của khoa chúng ta hầu như được cân bằng.
- Liên quan đến lợi ích tiềm năng mà tôi có thể mang lại về mặt tiền bạc, tôi vừa nói vừa ra hiệu cho cô phục vụ rót đầy ly của mình một lần nữa, chỉ cần thăm căn hộ hai phòng tôi đang ở là đủ để không còn bất cứ nghi ngờ nào về đề tài này; trái lại, nghe anh nói "lòng biết ơn đối với Học viện lâu nay đã hỗ trợ cho những nghiên cứu khoa học của anh", tôi rất muốn biết anh đang ám chỉ điều gì vậy? Đến cái phòng làm việc thiếu thốn đủ thứ phương tiện mà tôi đang có ư? Hay đến những dụng cụ và sách vở mà tôi mua được bằng tiền cá nhân, vì đã chán ngấy cái cảnh những đơn xin hỗ trợ kinh phí của mình không bao giờ được chấp nhận?
- Có cuộc thám hiểm Chilê của anh chứ, theo tôi biết thì chúng tôi đã hỗ trợ cho anh đấy thôi!
- Hỗ trợ ư? Anh chắc là đang nhắc đến cái nhiệm vụ mà tôi đã phải thực hiện trong quãng thời gian nghỉ không lương?
- Chúng tôi đã hỗ trợ cho hồ sơ dự tuyển của anh.
- Walter ạ, làm ơn đừng có đậm chất Anh quá như thế! Các vị chưa bao giờ tin vào những nghiên cứu của tôi!
- Phát hiện ra ngôi sao gốc, mẹ của tất cả các chòm sao, chính anh đã thừa nhận là dự án này hơi có phần tham vọng và phiêu lưu còn gì.
- Trình bày chính cái dự án này trước Quỹ Walsh cũng là phiêu lưu đúng không?
- Thánh Bernard đã nói "Mục đích quyết định phương tiện" mà.
- Và tôi hình dung là anh thấy rất tiện khi tôi phải tự chuốc vào thân một cục nợ?
- Được rồi, bỏ qua đi Adrian. Tôi đã nói với họ là anh sẽ không đồng ý rồi mà. Anh đã luôn gạt đi mọi uy quyền, một quãng thời gian ngắn ngủi thiếu oxy không thể thay đổi anh đến mức ấy được.
- Bởi vì anh không phải là người duy nhất nảy ra cái ý tưởng gàn dở này?
- Không, hội đồng trị sự đã họp bàn và tôi chỉ nêu tên một số nhà khoa học có khả năng chớp được cơ may giành phần thưởng trị giá hai triệu bảng thôi.
- Những ứng cử viên còn lại là ai?
- Tôi đã không tìm ra...
Walter gọi tính tiền.
- Tôi sẽ mời anh bữa này, Walter ạ. Số tiền này không sửa chữa được mái của Học viện, nhưng anh vẫn có thể tậu cho mình đôi ủng.
Tôi thanh toán hóa đơn rồi chúng tôi rời khỏi quán, mưa đã tạnh.
- Anh biết đấy, Adrian, tôi không hề có ác tâm nào với anh.
- Tôi cũng đâu có thế, Walter.
- Tôi dám chắc nếu chúng ta nỗ lực hơn chút nữa, chúng ta có thể hợp tác rất ăn ý.
- Nếu anh đã nói vậy.
Phần còn lại của chuyến đi dạo ngắn ngủi giữa chúng tôi diễn ra trong yên lặng. Những bước chân của chúng tôi rải đều, chúng tôi ngược lên phố Gower Court; người gác cổng đang đứng trong chòi gác ra hiệu chào chúng tôi. Khi bước vào đại sảnh của tòa nhà chính, tôi chào Walter và đi thẳng về phía chái nhà nơi đặt văn phòng làm việc của tôi. Đến bậc đầu tiên của cầu thang chính, Walter quay lại và cảm ơn tôi về bữa trưa. Một tiếng sau, tôi vẫn đang gắng sức tìm cách vào bên trong căn phòng bẩn thỉu nơi tôi làm việc. Hơi ẩm hẳn đã khiến khung cửa ra vào bị giơ và tôi đã hết kéo lại đẩy nhưng vô ích, cánh cửa không hề suy suyển. Kiệt sức, tôi đành phải bỏ cuộc và quay ngược trở lại; nói cho cùng, hẳn là có khá nhiều công việc thu dọn đang chờ tôi ở nhà, và quãng thời gian còn lại của buổi chiều sẽ không đủ để tôi làm xong đến nơi đến chốn.
***
Paris
Keira mở mắt và nhìn về phía cửa sổ. Những mái nhà sũng nước đang lấp lánh trong ánh sáng của một khoảng trời quang đãng. Nhà khảo cổ vươn người, đẩy tấm đắp ra rồi rời khỏi giường. Những ngăn tủ tường trong căn bếp nhỏ rỗng không, trừ một gói trà cô vừa tìm thấy trong một hộp kim loại cũ. Chiếc đồng hồ quả lắc nhỏ trên lò hiển thị 17h, đồng hồ treo tường lại hiển thị 11h15. Chiếc đồng hồ báo thức cũ kỹ để trên bàn đầu giường của cô chỉ 14h20. Cô vớ lấy điện thoại và gọi cho chị gái.
- Giờ là mấy giờ ạ?
- Chào Keira!
- Chào Jeanne, giờ là mấy giờ ạ?
- Gần 14h.
- Muộn đến thế rồi sao?
- Chị đã đến sân bay đón em từ tối hôm kia, Keira!
- Em đã ngủ ba mươi sáu tiếng đồng hồ ư?
- Chuyện đó còn tùy thuộc vào chuyện em ngủ lúc mấy giờ.
- Chị đang bận à?
- Chị đang ở văn phòng, trong viện bảo tàng, và chị đang làm việc. Đến kè Branly gặp chị nhé, chị sẽ dẫn em đi ăn trưa.
- Jeanne à?
Chị gái cô đã gác máy.
Lúc ra khỏi phòng tắm, Keira lục tung tủ quần áo trong phòng ngủ để tìm quần áo sạch. Quần áo trong hành lý của cô từ chuyến đi không còn lại gì, gió Shamal đã cuốn sạch. Cô lôi ra một chiếc quần jean cũ "nhưng trong vẫn ổn", một chiếc áo sơ mi thể thao màu xanh da trời "rốt cuộc không đến nỗi quá xấu" và một chiếc vest cũ bằng da sẽ tăng thêm một chút ấn tượng "vintage" 1 cho dáng vẻ của cô. Mặc quần áo xong, cô lau khô tóc, trang điểm qua loa trước tấm gương nơi lối vào rồi khép cánh cửa ra vào căn hộ một phòng của mình lại. Ra đến phố rồi, cô ngồi lên một chiếc xe buýt và rẽ một lối đi đến tận cửa kính. Những biển hiệu cửa hàng, những vỉa hè đông đúc, những đám tắc đường... . bầu không khí sôi động của thủ đô khiến cô ngây ngất sau những tháng dài rời xa mọi thứ. Xuống khỏi xe buýt, nơi quá ngột ngạt so với sở thích của cô, Keira bước dọc theo bờ kè và dừng lại một lúc để ngắm dòng sông chảy trôi. Đây không phải đôi bờ của Omo, nhưng những cây cầu của Paris cũng vẫn vô cùng xinh đẹp.
Khi đến trước bảo tàng Nghệ thuật và Văn minh châu Phi, châu Á, châu Đại dương và châu Mỹ, cô bất ngờ khi nhìn thấy khu vườn thẳng đứng. Khi cô rời Paris công trình vẫn còn dang dở, hệ thực vật phong phú sắp bao phủ mặt tiền của bảo tàng giống như một kỳ tích kỹ thuật thực sự.
- Mê hồn nhỉ? Jeanne hỏi.
Keira giật nảy mình.
- Em không nhìn thấy chị đi tới.
- Chị thì có nhìn thấy em đấy, chị cô vừa đáp vừa chỉ khung cửa sổ phòng làm việc riêng của mình. Chị chờ em mãi. Đám cây cối này mọc nhanh ghê nhỉ?
- Nơi em vừa sống ấy, bọn em phải vất vả lắm mới làm cho rau mọc hàng ngày, vậy thì đám cây mọc dọc theo tường này... chị muốn em nói gì nào... ?
- Đừng có bắt đầu tỏ ra bướng bỉnh như thế. Đi theo chị nào.
Jeanne dẫn Keira và bên trong bảo tàng. Trên cao một mặt dốc, đi lên theo hình xoắn ốc như một dải ruy băng dài, khách tham quan sẽ khám phá ra một sân khấu rộng mênh mông gợi nên những khoảng không gian địa lý lớn là quê hương của ba nghìn năm trăm hiện vật được trưng bày. Là nơi giao thoa của các nền văn minh, các tín ngưỡng, các lối sống, các cách tư duy khác nhau, viện bảo tàng này cho phép đi từ châu Đại dương sang châu Á, từ châu Mỹ sang châu Phi chỉ bằng vài bước chân. Keira dừng sững lại trước một bộ sưu tập vải dệt của châu Phi.
- Nếu yêu thích nơi này, em cứ tha hồ quay trở lại đây thăm chị gái em, và chừng nào em còn muốn làm vậy, chị vẫn sẽ giúp em được miễn phí vé vào cửa. Giờ thì quên đất nước Êtiôpia của em đi hai giây và tới đây nào, Jeanne vừa nài nỉ vừa kéo tay Keira lôi đi.
Ngồi vào một bàn của nhà hàng có tầm nhìn toàn cảnh, Jeanne gọi hai tách trà bạc hà và bánh ngọt phương Đông.
- Dự định của em là thế nào? Jeanne hỏi. Em sẽ ở lại Paris ít lâu chứ?
- Nhiệm vụ lớn lao đầu tiên của em là một thất bại với toàn bộ vẻ huy hoàng của nó. Bọn em đã đánh mất các dụng cụ, nhóm công tác mà em đang điều hành sắp kiệt quệ đến nơi, trackrecord 2, như đám bạn người Anh của bọn em vẫn nói, không đến mức quá kinh khủng. Em hết sức nghi ngờ khả năng người ta tạo cơ hội cho em lại lên đường ngay lập tức.
- Theo chị biết thì những chuyện xảy ra ở đó đâu phải là lỗi của em.
- Em đang làm một công việc mà chỉ duy có thành quả là đáng kể. Ba năm làm việc mà không tìm ra được bất cứ thứ gì xác chứng... Em bị nhiều kẻ gièm pha hơn là ủng hộ. Việc đó thực đáng ghê tởm, bởi vì em dám chắc là bọn em đã ở rất gần đích. Nếu có thêm thời gian, bọn em cuối cùng sẽ tìm ra.
Keira im bặt. Một người phụ nữ gốc Somali, cô nghĩ vậy khi nhìn thấy những họa tiết trang trí và màu sắc của chiếc váy chị ta đang mặc, đến ngồi ngay bàn kế bên. Cậu bé đang nắm tay mẹ nhận thấy Keira đang quan sát mình liền nháy mắt với cô.
- Em sẽ dành bao nhiêu thời gian để đào xới đất cát nữa đây? Năm năm, mười năm hay cả đời?
- Được rồi, Jeanne, em nhớ chị nhiều lắm, nhưng không đủ để em chịu đựng những bài học chị cả đáng giá hai xu của chị, Keira đáp mà không thể rời mắt khỏi thằng bé đang ngốn ngấu một que kem.
- Em không muốn có con sao? Jeanne tiếp.
- Em xin chị đấy, đừng có lại bắt đầu với cái điệp khúc về đồng hồ sinh học của chị. Hãy giải phóng cho buồng trứng của chúng ta! Keira thốt lên.
- Đừng diễn cái trò quen thuộc của em trước mặt chị nữa đi, như thế sẽ giúp được chị đấy, chị làm việc ở đây mà, Jeanne thì thào. Em nghĩ là chuyện đó không liên quan đến em à, em nghĩ em có thể thách thức thời gian được sao?
- Em mặc xác tiếng tíc tắc phát ra từ chiếc đồng hồ đáng ghét của chị, Jeanne à, em không thể có con được.
Chị gái của Keira đặt lại tách trà lên bàn.
- Chị xin lỗi, chị thì thầm. Tại sao em không nói với chị sớm? Em bị làm sao?
- Chị cứ yên tâm, không có gì là di truyền cả.
- Tại sao em lại không thể có con? Jeanne gặng hỏi.
- Bởi vì em không có người đàn ông nào trong đời mình! Đó là một lý do hay đấy chứ, phải không? Được thôi, không phải là cách nói chuyện của chị tẻ ngắt đâu, mặc dù... nhưng em phải đi mua sắm đây. Tủ lạnh nhà em rỗng đến nỗi có thể nghe thấy tiếng vọng âm vang từ bên trong.
- Chẳng ích gì đâu, tối nay em sẽ ăn tối và ngủ ở nhà chị, Jeanne khẳng định.
- Nhân dịp gì thế?
- Bởi vì chị cũng chẳng còn người đàn ông nào trong đời cả và chị muốn gặp em.
Hai chị em bên nhau suốt quãng thời gian còn lại của buổi chiều. Jeanne tặng cho em gái một chuyến thăm qua bảo tàng có hướng dẫn viên đi kèm. Vì biết tình cảm Keira vẫn dành cho lục địa Phi, cô cố nài để giới thiệu cho em làm quen với một trong những người bạn nam giới đang làm việc tại Hội các nhà Phi châu học. Ivory trông như mới qua tuổi bảy mươi. Thực ra, ông nhiều tuổi hơn thế, có lẽ là hơn tám mươi, nhưng ông giữ bí mật về tuổi tác của mình như thể đó là một kho báu vậy. Hẳn là vì sợ người ta sẽ buộc ông phải về hưu, mà ông thì lại không muốn nghe nhắc tới chuyện đó chút nào.
Nhà dân tộc học tiếp đón hai vị khách nữ của mình trong văn phòng làm việc chật hẹp nằm ở cuối hành lang. Ông căn vặn Keira về những tháng cô vừa trải qua tại Êtiôpia. Bỗng nhiên, ánh mắt của ông lão nhìn hút theo vật trang sức cô đang đeo trên cổ.
- Cô mua được viên đá xinh xắn quá chừng này ở đâu vậy? ông hỏi.
- Tôi không mua, đó là một món quà.
- Người ta nói cho cô biết về gốc tích của nó rồi chứ?
- Không ạ, đây chỉ là một vật tầm thường, một cậu bé đã tìm thấy nó lẫn trong đất và tặng cho tôi. Tại sao thế ạ?
- Cô cho phép tôi nhìn tặng phẩm này gần hơn nhé? Thị lực của tôi không còn tinh tường như trước nữa rồi.
Keira vòng dây đeo qua đầu rồi đưa chiếc vòng cổ cho nhà bác học.
- Lạ quá, tôi chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì dạng này. Tôi không thể nói cho cô biết bộ lạc nào đã tạo ra cho nó một bề ngoài này. Tác phẩm có vẻ vô cùng hoàn hảo.
- Tôi biết, tôi cũng đã tự mày mò tìm hiểu chuyện này mà. Nói thật với ông, tôi tin đây chỉ là một mẩu gỗ được gió và nước sông mài nhẵn.
- Có thể, người đàn ông khẽ thốt lên, ông dường như vẫn còn chưa tin vào giả thiết đó. Và nếu chúng ta thử tìm hiểu thêm chút nữa?
- Vâng, nếu ông muốn, Keira đáp vẻ lưỡng lự. Tôi không chắc kết quả thu được mang lại lợi ích gì to tát đâu.
- Có lẽ thế, ông lão nói, có lẽ không. Ngày mai hãy trở lại đây gặp tôi, ông vừa nói vừa trả lại chiếc vòng cổ cho chủ sở hữu, chúng ta sẽ thử cùng nhau trả lời cho câu hỏi này, ít ra là thế. Tôi rất vui được làm quen với cô. Cuối cùng tôi đã có thể hình dung gương mặt cô em gái mà Jeanne nhắc với tôi rất thường xuyên. Vậy thì hẹn ngày mai nhé? Ông nói thêm khi tiễn hai người họ đến tận cửa văn phòng.
--------------------------------
1. Chỉ những bộ quần áo cũ - thuộc về thời đại trước, thường rất đẹp và công phu. Từ vintage sau này đã được giới trẻ phương Tây cũng như toàn thế giới làm nhẹ đi, nghĩa đơn thuần là đồ cũ, và mang lại cho người mặc những cảm giác xưa cũ.
2. Tiếng Anh trong nguyên bản: kết quả.
***
Luân Đôn
Tôi sống tại Luân Đôn trong một con phố hẹp nơi những ga ra ô tô và chuồng ngựa cũ được xây dựng thành nhà dạng nhỏ. Nếu như luôn không dễ dàng gì để bước đi mà không vấp ngã trên mặt đường cũ xiêu vẹo, nơi này lại lưu giữ vẻ đẹp duyên dáng của thời gian ngưng đọng. Ngôi nhà diễn viên kế bên nhà tôi từng thuộc sở hữu của Agatha Christie. Chỉ đến khi đã đứng trước cửa nhà tôi mới nhớ ra là mình làm gì có chìa khóa. Bầu trời u ám dần và một trận mưa rào ập xuống khiến bạn ướt thấu xương. Bà hàng xóm của tôi đang khép cửa sổ lại, bà nhận ra tôi và cất tiếng chào. Tôi tranh thủ dịp đó để hỏi liệu bà có thể cho phép tôi một lần nữa - chao ôi, đây đâu phải lần đầu cơ chứ - đi qua lối vườn nhà bà không. Bà hết sức tử tế mở cửa cho tôi vào, và bằng cách phi qua hàng giậu, tôi hạ cánh xuống sân sau nhà mình. Nếu cánh cửa hậu chưa được tu sửa, mà tôi không rõ nó liệu sẽ được sửa nhờ phép lạ nào đây, thì chỉ cần một cú đập nhanh và mạnh vào nắm đấm cửa là cuối cùng cũng vào được nhà tôi.
Tôi mệt lử, tôi vẫn chưa nguôi giận vì phải quay trở lại Anh, nhưng ý nghĩ được về lại nhà mình với những đồ vật thuộc loại hiếm được khuân về từ những khu chợ trời của thủ đô và được trải qua một buổi tối yên tĩnh cũng mang lại cho tôi một niềm vui nào đó.
Bầu không khí tĩnh lặng này chẳng được bao lâu, chuông cửa réo vang. Vẫn không thể mở cửa, ngay cả khi đang đứng từ bên trong, tôi leo lên tầng hai và phát hiện ra phía dưới con phố hẹp là Walter, người ướt rượt vì mưa và rõ ràng là đã ngà ngà say.
- Anh không có quyền bỏ mặc tôi, Adrian!
- Nhưng theo những gì tôi biết thì tôi chưa bao giờ xúi giục anh, Walter ạ!
- Giờ không phải lúc để chơi trò dùng từ tối nghĩa, toàn bộ sự nghiệp của tôi đang ở trong tay anh, hắn gào thật lực.
Bà hàng xóm của tôi mở cửa sổ và đề nghị cũng cho khách của tôi vào theo lối vườn sau. Sự đóng góp tử tế này khiến bà vui lòng, bà nói thêm, nếu làm thế có thể tránh việc đánh thức tất cả hàng xóm láng giềng dậy.
- Xin lỗi vì đã tự đặt ra cho mình nhiệm vụ này, hắn nói khi đã vào đến phòng khách nhà tôi, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Nói xem, đối với một căn nhà hai phòng, thì đúng là không tệ chút nào!
- Một phòng ở tầng trệt, một phòng trên gác!
- Phải, rốt cuộc đây không phải thứ tôi vẫn hình dung về một căn nhà hai phòng khiêm tốn. Và anh có thể tậu cho mình căn nhà nông thôn nhỏ xinh này với đồng lương của anh sao?
- Anh không đến vào giờ này để định giá gia sản của tôi đấy chứ, Walter?
- Không, tôi xin lỗi. Anh thực sự phải giúp chúng tôi, Adrian ạ.
- Nếu anh đến vẫn để bàn với tôi về cái dự án vô lý đó với Quỹ Walsh thì anh đang lãng phí thời gian đấy.
- Anh có muốn biết tại sao tôi không bao giờ có ai ủng hộ các công trình của anh tại Học viện không? Bởi vì anh là một kẻ đơn độc đáng ghê sợ, anh chỉ làm việc cho bản thân mình, anh không gia nhập nhóm nào hết.
- Sao nào, tôi vui khi anh vẽ ra tôi với ngần ấy độ chính xác đấy, và bức chân dung mới nịnh hót làm sao! Anh làm ơn ngừng mở hết các ngăn tủ bếp của tôi đi, hẳn là có chai rượu whisky ở cạnh lò sưởi đấy, nếu đó là thứ anh tìm.
Walter không mất nhiều thời gian đã lôi được chai rượu ra, hắn lấy hai chiếc ly từ trên giá xuống và đến nằm dài trên tràng kỷ.
- Trong nhà anh ấm thật đấy!
- Có lẽ để tôi dẫn anh đi tham quan một vòng?
- Đừng có giễu tôi, Adrian. Anh nghĩ là tôi sẽ đến tự hạ mình chịu nhục như thế này trước mặt anh nếu tôi có một giải pháp khác ư?
- Tôi không thấy việc uống rượu whisky của tôi có gì là nhục nhã, đó là chai rượu mười lăm năm tuổi cơ mà!
- Adrian, anh là hy vọng duy nhất của tôi, tôi còn phải van xin anh thế nào nữa đây? vị khách - mà tôi không hề mời đến - vừa nói tiếp vừa quỳ tối.
- Tôi xin anh, Walter, đừng làm thế. Dù thế nào đi nữa, tôi cũng không hề có cơ may ẵm được giải thưởng ấy đâu. Vậy thì anh phải tự làm khổ mình như thế làm gì?
- Dĩ nhiên là anh có toàn bộ may mắn, dự án của anh là dự án lý thú nhất và tham vọng nhất mà tôi có cơ hội đọc qua kể từ khi tôi đến Học viện.
- Nếu anh tin rằng mấy lời nịnh bợ thống thiết này có thể dỗ dành được tôi thì anh có thể giữ lấy chai rượu này và đi về nhà mình được rồi đấy. Tôi thực sự muốn đi ngủ, Walter ạ.
- Tôi không nịnh bợ anh, tôi thực sự đã đọc luận án của anh, Adrian ạ, nó hoàn hảo... về mặt tư liệu.
Tình trạng gã đồng nghiệp của tôi thật đáng thương hại. Tôi chưa bao giờ thấy hắn như vậy, mọi khi hắn vẫn luôn xa cách đến thế, hầu như cao ngạo. Điều tệ hại nhất trong toàn bộ chuyện này là tôi thấy hắn dường như đang chân thành. Tôi đã dành mười năm trở lại đây để tìm kiếm trong những thiên hà xa xôi một hành tinh giống với hành tinh của chúng ta, và trong Học viện số người ủng hộ công trình nghiên cứu đó của tôi không nhiều. Sự thay đổi hoàn toàn thái độ này, mặc dù chỉ theo kiểu cơ hội chủ nghĩa, dẫu sao vẫn khiến tôi vui lòng.
- Cứ cho là tôi dành được khoản kinh phí tài trợ này đi...
Tôi vừa nói đến đó là lập tức Walter chắp tay lại như thể sắp cầu nguyện đến nơi.
- Này Walter, nói cho tôi yên tâm nào, anh say rồi hả?
- Say ngất ngưởng luôn ấy chứ, nhưng anh cứ nói tiếp đi, Adrian, tôi xin anh đấy.
- Anh vẫn đủ tỉnh táo để trả lời một vài câu hỏi đơn giản chứ?
- Dĩ nhiên, nếu anh không quá lần lữa đặt những câu hỏi đó với tôi.
- Cứ cho là tôi có một cơ may rất nhỏ để ẵm về cái giải thưởng này và tôi ngay lập tức chuyển lại số tiền đó cho Học viện như một mạnh thường quân hào hoa phong nhã. Vậy thì hội đồng trị sự sẽ sẵn sàng cấp bao nhiêu phần trăm của khoản tiền đó cho các nghiên cứu tôi tiến hành?
Walter húng hắng ho.
- Anh thấy một phần tư số tiền đó đã hợp lý chưa? Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ dành cho anh một văn phòng khác, một nữ trợ lý làm việc toàn thời gian, và nếu anh muốn, một vài đồng nghiệp có thể được miễn các công việc đang tiến hành để gia nhập vào nhóm nghiên cứu của anh.
- Đừng có làm thế!
- Vậy thì không có đồng nghiệp nào vậy... thế còn nữ trợ lý?
Tôi tiếp rượu vào ly của Walter. Trời mưa nặng hạt hơn, đẩy hắn ra ngoài đường vào thời tiết thế này và nhất là trong tình trạng say xỉn thật không nhân đạo chút nào.
- Gẩm quá, tôi sẽ đi kiếm cho anh một cái chăn và anh sẽ ngủ trên tràng kỷ.
- Tôi không muốn phải...
- Đằng nào chuyện cũng xong xuôi rồi.
- Thế còn chuyện với Quỹ?
- Buổi lễ đó bao giờ thì diễn ra?
- Hai tháng nữa.
- Và hạn cuối để trình hồ sơ ứng viên?
- Ba tuần.
- Về chuyện nữ trợ lý, tôi sẽ cân nhắc, nhưng hãy bắt đầu bằng việc cho mở lại cửa văn phòng của tôi đã.
- Sáng sớm ngày mai, và nếu anh cần gì cứ cho tôi biết nhé.
- Anh đang kéo tôi vào một chuyện kỳ cục đấy, Walter.
- Đừng nghĩ thế. Quỹ Walsh luôn tài trợ cho những dự án độc đáo nhất, những thành viên trong hội đồng giám khảo của Quỹ đánh giá cao tất cả những gì, nói thế nào nhỉ, hết sức mang tính chất tiên phong.
Thoát ra từ miệng Walter, tôi ngờ là câu nhận xét cuối cùng này không khoan dung như vẻ bề ngoài của nó. Nhưng người đàn ông này đã bị dồn đến đường cùng và giờ không phải lúc để trách móc. Tôi cần phải nhanh chóng đưa ra một quyết định. Dĩ nhiên, khả năng thắng giải thưởng này theo tôi là cực nhỏ, nhưng tôi đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có thể quay lại Atacama, vậy thì tôi có gì để mất nào?
- Đồng ý vậy đi, Walter. Tôi chấp nhận cái rủi ro biến mình thành trò cười trước công chúng, nhưng với một điều kiện duy nhất: nếu chúng ta thắng giải, anh phải cho phép tôi ngồi lên một chiếc máy bay đến Santiago trong vòng ba mươi ngày tiếp theo.
- Tôi sẽ đích thân tiễn anh ra sân bay, Adrian ạ, tôi hứa với anh chuyện đó.
- Vậy thì đã xong thỏa thuận!
Walter nhảy bật lên từ tràng kỷ, lảo đảo rồi lại ngay lập tức ngồi thụp xuống.
- Tối nay cụng ly như vậy là đủ rồi. Cầm lấy tấm chăn choàng này đi, nó sẽ giữ ấm cho anh qua đêm. Tôi đi ngủ đây.
Walter gọi tôi khi tôi đang lên cầu thang.
- Adrian này? Tôi có thể hỏi anh cái gì "gẩm" được không?
- Buổi tối của tôi đấy, Walter!
***
Paris
Keira ngủ thiếp đi trên giường của chị gái cô. Một chai rượu thành phần chủ yếu là nước ép nho, một khay đồ ăn, những tin nhắn tế nhị trong suốt buổi tối, một bộ phim đen trắng cũ kỹ đang chiếu trên kênh truyền hình cáp, đoàn người nhảy claket do Gene Kelly dẫn đầu là ký ức cuối cùng về buổi tối. Khi ánh sáng ban ngày dánh thức cô dậy, thứ rượu vang uống ngày hôm trước, có lẽ cũng không đức hạnh 1 đến thế, liền nã đến tận hai thái dương cô.
- Chúng ta đã nốc nhiều lắm nhỉ? Keira vừa hỏi vừa đi vào bếp.
- Phải! Jeanne vừa đáp vừa nhăn mặt. Chị pha cà phê cho em rồi đấy.
Jeanne đang ngồi bên bàn nhìn chăm chăm vào tấm gương treo trên tường, gương mặt của cô và em gái cô đang phản chiếu trong đó.
- Chị có chuyện gì mà lại nhìn em như thế? Keira hỏi.
- Không có gì.
- Chị đăm đăm nhìn em trong gương trong khi em đang ngồi đối diện chị đây, thế mà bảo là không có gì ư?
- Như thế hơi giống như khi em đang ở đầu kia thế giới vậy. Chị đã đánh mất thói quen có em bên cạnh rồi. Ẳnh của em rải rác khắp nơi trong căn hộ này, thậm chí chị để cả một bức trong ngăn kéo bàn làm việc tại viện bảo tàng nữa. Ngày nào chị cũng nói chúc buổi sáng tốt lành và chúc ngủ ngon với em; trong những thời khắc hơi khó khăn hơn, chị còn trò chuyện với em hồi lâu nữa kia, cho đến khi chị nhận ra đó không phải là những cuộc trò chuyện mà chỉ là những lời độc thoại của bản thân chị. Tại sao em không bao giờ gọi điện? Nếu em chịu khó gọi về, ít ra chị cũng có thể cảm nhận được em bớt xa xôi hơn. Khỉ thật, chị là chị gái của em cơ mà, Keira!
- Được rồi, Jeanne, em sẽ ngăn chị lại ngay lập tức. Một trong những điều thuận lợi hiếm hoi của cuộc sống độc thân là không phải chịu đựng những màn cãi cọ giữa vợ và chồng, vậy thì làm ơn đi, giữa hai chị em mình cũng đừng có những cuộc cãi vã tương tự! Thực sự là trong thung lũng Omo làm gì có trạm điện thoại công cộng, không mạng lưới sóng di động, chỉ có một hệ thống liên lạc qua vệ tinh hoạt động tậm tịt. Mỗi lần em đến được Jimma, em đều gọi cho chị còn gì.
- Cứ hai tháng mới gọi một lần ấy hả? Và những khoảnh khắc mới tâm đầu ý hợp làm sao chứ! "Em khỏe không?... Tuyến đường không tệ lắm... Khi nào em về?... Em không biết gì đâu, muộn nhất có thể nhé, bọn em vẫn cứ đào bới luôn tay ấy mà, còn chị viện bảo tàng, gã người yêu của chị thế nào?.... Người yêu của chị tên là Jérôme, từ ba năm nay rồi, em chắc vẫn còn nhớ chứ!... "Chị đã chia tay anh ta, nhưng chị không có dịp nào mà cũng chẳng muốn kể chuyện ấy với em, vả lại để làm gì cơ chứ, hai đến ba câu nữa là em gác máy luôn rồi.
- Em gái chị không được dạy dỗ đến nơi đến chốn, Jeanne ạ, cô ả là một kẻ hoàn toàn ích kỷ đến tệ hại, có đúng thế không? Nhưng chị cũng có một phần trách nhiệm trong chuyện này, bởi vì chị là chị cả và chị vẫn luôn là hình mẫu để em noi theo.
- Bỏ qua đi, Keira.
- Dĩ nhiên là em đang bỏ qua, em sẽ không quay lại với trò chơi của chị đâu!
- Trò chơi nào?
- Xem ai trong hai chúng ta có thể đổ tội được cho người kia ấy! Em đang ở trước mặt chị đây, không phải ảnh, cũng không phải trong gương, vậy thì hãy nhìn em và nói chuyện với em đi.
Jeanne đứng dậy, nhưng Keira đột nhiên nắm cổ tay chị giữ lại, buộc chị phải ngồi xuống.
- Em đang làm chị đau đấy, ngốc ạ.
- Em là nhà khảo cổ kiêm nhà nhân loại học, em không làm việc trong một bảo tàng, em không có thời gian để biết đến một anh chàng Pierre nào đó, một anh chàng Antoine nào đó, hay một anh chàng Jérôme nào đó từ nhiều năm nay; em không có con; em có may mắn ngạo đời là theo đuổi một nghề khó khăn mà em yêu thích, được sống với một niềm đam mê không có gì là tội lỗi. Nếu chị tự chuốc lấy rắc rối vào cuộc sống của mình, thì cũng đừng văng vào mặt em những điều chị tiếc nuối, nếu chị nhớ lấy, hãy tìm lấy một cách dịu dàng hơn để nói với em điều đó.
- Chị nhớ em, Keira ạ, Jeanne vừa ấp úng vừa rời khỏi bếp.
Keira lặng ngắm hình ảnh phản chiếu của mình trong gương.
- Mình đúng là đại ngốc, cô thì thầm.
Và từ phòng tắm ngay cạnh bếp, ngăn ra bởi một tấm vách mỏng, Jeanne vừa đánh răng vừa mỉm cười.
Đầu giờ chiều, Keira băng qua kè Branly để gặp lại chị gái mình tại viện bảo tàng; trước khi đến gặp chị trong văn phòng làm việc, cô quyết định tự tặng cho một chuyến thăm cuộcc triển lãm thường xuyên. Đúng lúc cô đang chiêm ngưỡng một chiếc mặt nạ, hy vọng sẽ đoán được xuất xứ của nó thì một giọng nói thì thầm rót vào tai cô:
- Đây là một chiếc mặt nạ của tộc người Malinké ở Tây Phi. Xuất xứ của nó là từ Mali. Chiếc này không cổ lắm, nhưng nó rất đẹp.
Keira giật bắn mình trước khi nhận ra ông Ivory, người đã tiếp chuyện cô ngày hôm trước.
- Tôi e là chị gái cô vẫn đang bận họp rồi. Tôi đã tìm gặp cô ấy cách đây vài phút, nhưng được người ta thông báo là cô ấy sẽ bận trong khoảng một tiếng nữa.
- "Người ta" thông báo cho ông biết ạ?
- Các viện bảo tàng là những thế giới thu nhỏ, với những trật tự tôn ti riêng của chúng giữa các bộ, các ngành, các lĩnh vực thẩm quyền. Con người là một sinh vật lạ kỳ, sinh vật này có nhu cầu sống thành quần xã và không thể ngăn mình phân chia quần xã đó thành từng đoạn. Có lẽ đó là cái còn sót lại từ bản năng tập quần của chúng ta. Tạo ra những không gian động đồng để trấn áp những nỗi sợ hãi. Nhưng hẳn là tôi đang làm cô phát chán với những lời ba hoa này rồi. Cô phải biết về toàn bộ chuyện này rõ hơn tôi mới phải chứ, đúng không?
- Ông đúng là ranh mãnh, Keira đối đáp.
- Có lẽ thế, Ivory đáp và phá lên cười vui vẻ. Hay là chúng ta đi thảo luận toàn bộ chuyện này trong một quán giải khát ngoài vườn kia. Khí hậu ôn hòa, vậy thì phải tận hưởng đi thôi.
- Thảo luận về chuyện gì cơ?
- Sao nào, về chuyện một ông lão ranh mãnh thì là cái thứ gì? Tôi sẽ tra hỏi cô về chủ đề này.
Ivory kéo Keira về phía quán cà phê ngự tại sân trong của viện bảo tàng. Lúc ấy là giữa buổi chiều, các bàn trong quán hầu như không có ai ngồi. Keira chọn cái bàn xa nhất từ bức tượng đầu người Moai khổ lớn.
- Cô có phát hiện được thứ gì quan trọng dọc theo hai bờ sông Omo không? Ivory tiếp tục hỏi.
- Tôi đã tìm được một thằng bé mười tuổi mất cả cha lẫn mẹ. Xét trên quan điểm khảo cổ học mà nói thì phát hiện này khá hạn chế.
- Nhưng xét trên quan điểm của đứa trẻ ấy, tôi hình dung rằng chuyện này còn quan trọng hơn nhiều so với một vài bộ hài cốt bị vùi dưới nền đất. Tôi cứ ngỡ một đợt thời tiết xấu đã tàn phá công trình của cô và đánh bật cô khỏi khu vực có các hố khai quật đó.
- Một cơn bão, đủ mạnh để đưa tôi về lại đây!
- Vô cùng bất thường đối với vùng đó. Chưa bao giờ Shamal chuyển hướng về phía Tây cả.
- Làm sao ông biết được tất cả những chuyện này? Tôi nghĩ chuyện đó đâu có xuất hiện trên trang nhất các báo?
- Không, tôi công nhận chuyện đó, chính chị gái cô đã kể tôi nghe về những chuyện không may của cô. Bản tính tôi vốn tò mò, đôi khi hơi quá, tôi chỉ cần gõ mổ cò lên bàn phím máy tính cá nhân là xong.
- Tôi có thể kể thêm điều gì để thỏa mãn trí tò mò của ông?
- Thực sự cô đang tìm kiếm gì trong thung lũng Omo vậy?
- Ông Ivory ạ, nếu nói cho ông biết sự tình, thì xét về mặt thống kê tôi sẽ có nhiều cơ hội bị ông giễu cợt hơn là làm cho ông lưu tâm đến công việc của tôi.
- Cô Keira này, nếu những nhà thống kê chi phối được cuộc sống của tôi thì tôi đã nghiên cứu toán học chứ không phải nhân loại học. Vậy nên cứ thử vận may của cô đi.
Keira chăm chú quan sát người mình đang trò chuyện cùng. Ông lão này có một ánh mắt rất lôi cuốn.
- Tôi tìm kiếm ông bà của Toumai 2 và của Ardipithecus Kadabba 3. Có những hôm, tôi thậm chí còn hình dung là đã tìm ra được cụ tổ của các cụ tổ.
- Không có gì khác à? Cô muốn tìm bộ xương cổ nhất mà chúng ta có thể cho kết thân với giống người ấy hả? Con người độ không!
- Không phải đó là thứ tất cả chúng ta hằng tìm kiếm sao, tại sao tôi phải cấm mình mơ giấc mơ mày chứ?
- Mà tại sao lại trong thung lũng Omo?
- Có lẽ là bản năng phụ nữ mách bảo!
- Ở một cô gái chuyên săn lùng hóa thạch hả? Nghiêm túc đi nào!
- Trúng phóc! Keira đáp. Vào cuối thế kỷ hai mươi, chúng ta đã tin chắc rằng Lucy 4, một phụ nữ chết cách đó hơn ba triệu năm là mẹ của loài người. Trong mười năm trở lại đây, không cần tôi nói ông cũng biết, những nhà khảo cổ nhân loại học đã phát hiện những bộ xương họ người có niên đại cách đây tám triệu năm. Cộng đồng khoa học tiếp tục tranh luận, nếu không muốn nói là người ta nên, hoặc không nên, gắn với loài người. Dù tổ tiên chúng ta có hai chân hay bốn chân thì đó cũng không phải là điều đáng kể đối với tôi. Tôi thậm chí còn không tin rằng đó là cuộc tranh luận thực sự về nguồn gốc loài người cơ. Tất cả chỉ nghĩ đến phần cơ học của bộ xương, về lối sống, về cách ăn uống.
Một cô phục vụ bàn tiến lại gần, Ivory đuổi khéo cô ta bằng một cử chỉ phẩy tay.
- Đây mới là kẻ vô cùng tự phụ này, và theo cô cái gì sẽ xác định nguồn gốc loài người?
- Tư duy, những tình cảm, lý tính! Điều khiến cho chúng ta khác với các loài khác không phải ở chỗ ăn chay hay ăn thịt, không phải ở độ hoạt bát có được trong cách chúng ta bước đi. Chúng ta đang tìm hiểu chúng ta từ đâu đến mà không muốn nhìn xem ngày nay chúng ta đang là cái gì: những động vật ăn mồi phức tạp tột độ và đa dạng đến khó tin, có khả năng yêu thương, giết chóc, xây dựng và tự hủy hoại, cưỡng lại bản năng sinh tồn đang chi phối tập tính của tất cả các loài động vật khác. Chúng ta được phú cho một trí tuệ cực điểm, một tri thức tiến triển không ngừng tuy nhiên đôi khi lại vô cùng dốt nát. Nhưng chúng ta sẽ phải gọi đồ uống đi thôi, đây đã là lần thứ hai cô nhân viên phục vụ bàn của chúng ta thử vận may của mình rồi.
Ivory gọi hai tách trà rồi nghiêng người sang Keira.
- Cô vẫn chưa nói tôi biết tại sao lại là thung lũng Omo, cũng chưa nói cái mà cô thực sự tìm kiếm ở đó.
- Dù chúng ta là dân gốc Âu, gốc Á hay gốc Phi, dù màu da của chúng ta là gì, tất cả chúng ta vẫn mang một gen đồng nhất; chúng ta có hàng tỉ cá thể, mỗi cá thể lại khác so với những cá thể khác, thế mà chúng ta lại xuất thân từ một sinh vật duy nhất. Làm thế nào sinh vật đó lại xuất hiện trên Trái đất, và tại sao? Tôi đang tìm chính người đó, con người đầu tiên! Và tôi sẵn sàng tin là người đó có tuổi thọ hơn mười hoặc hai mươi triệu năm.
- Ngay kỷ Cổ Cận ư? Cô mất trí rồi!
- Ông thấy đó, tôi có lý khi nhắc đến những nhà thống kê, và giờ chính tôi mới là người khiến ông phát chán với những câu chuyện tôi kể.
- Tôi nói là cô mất trí, chứ không phải vô lý!
- Ông tế nhị quá đấy. Thế còn ông, Ivory, ông đang nghiên cứu về vấn đề gì?
- Tôi đã đến cái tuổi mà người ta tỏ vẻ và tất cả mọi người xung quanh cô đều giả bộ không nhận ra chuyện đó. Tôi không nghiên cứu gì nữa, tôi đã bước vào cái tuổi khi người ta muốn xếp gọn lại những hồ sơ của mình hơn là mở chúng ra một lần nữa. Nhưng đừng có chường bộ mặt đưa đám ấy, nếu cô thực sự biết tuổi của tôi, cô sẽ thấy rằng tôi đúng ra là đã rất khôn khéo để thoát khỏi cảnh khó khăn. Thậm chí đừng cố hỏi tuổi tôi, đó là một bí mật tôi sẽ mang theo xuống mồ.
Đến lượt mình, Keira nghiêng người sang Ivory, để lộ chiếc vòng cô vẫn đeo trên cổ.
- Ông sẽ không làm thế chứ!
- Cô thật tử tế khi nói tôi biết chuyện đó, nhưng tôi mới là người biết rõ nhất! Cô có muốn chúng ta tìm hiểu thêm về cái vật kỳ lạ này không?
- Tôi đã nói với ông rồi, đó chỉ là món quà do một cậu bé tặng cho tôi.
- Nhưng mới hôm qua, cô vừa kể với tôi là chính cô cũng đã thử tìm hiểu xuất xứ thực sự của nó cơ mà.
- Thực ra thì tại sao lại không nhỉ?
- Chúng ta có thể bắt đầu bằng việc thử đoán niên đại của vật này được không? Nếu đây đúng là một mẩu gỗ, một phân tích đơn giản tiến hành dùng đồng vị carbon 14 hẳn sẽ cho chúng ta lời giải đáp.
- Với điều kiện là nó không quá năm mươi nghìn năm tuổi.
- Cô nghĩ nó cổ đến thế kia ư?
- Ivory ạ, từ khi quen ông tôi trở nên đa nghi về vấn đề tuổi tác.
- Tôi muốn coi đó như một lời khen tặng hơn, nhà bác học lão thành vừa đáp vừa đứng dậy. Đi theo tôi nào.
- Ông không định nói với tôi là có một chiếc máy gia tốc phân tử được cất giấu trong tầng hầm của viện bảo tàng đấy chứ?
- Không, tôi sẽ không nói như thế đâu, Ivory vừa đáp vừa cười phá.
- Và ông cũng không có một ông bạn già ở Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Saclay sẽ làm đảo lộn cả chương trình nghiên cứu của Ủy ban chỉ để nghiên cứu chiếc vòng cổ của tôi đấy chứ?
- Cũng không nốt, và tôi lấy làm tiếc về điều đó, tôi đảm bảo với cô đấy.
- Vậy thì chúng ta đang đi đâu?
- Về văn phòng làm việc của tôi, cô còn muốn chúng ta đi đâu nữa nào?
Keira đi theo Ivory đến tận thang máy. Cô đang định vặn hỏi tiếp, nhưng ông không để cô kịp làm vậy.
- Nếu cô chờ được đến lúc chúng ta được yên thân một cách thoải mái, ông nói trước cả khi cô kịp thốt ra lời nào, tôi xin hứa là cô sẽ tiết kiệm được nhiều câu hỏi vô ích đấy.
Buồng thang máy đi lên tầng mười ba.
Ivory ngồi ra phía sau bàn làm việc riêng và mời Keira ngồi vào một chiếc ghế bành. Cô ngay lập tức đứng dậy để xem cho rõ hơn những dòng chữ ông đang gõ trên bàn phím máy tính.
- Internet! Từ khi tôi phát hiện ra thứ này, tôi liền phát điên lên vì nó. Giá mà cô biết được tôi đã trải qua bao nhiêu tiếng đồng hồ cùng nó! Thật may là tôi đã góa vợ, nếu không tôi tin là thú tiêu khiển này sẽ giết chết vợ tôi mất, hoặc là chính bà ấy sẽ cho tôi tiêu đời. Cô có biết về "hình cầu" không - đó là một từ đậm chất "tin" mà các sinh viên đã dạy cho tôi - tóm lại, về hình cầu hoặc cảnh nền - cái đó đã dạy cho tôi - ý nghĩa - người ta không tìm kiếm một thông tin nữa, mà người ta "google hóa" thông tin đó! Chuyện này không phải rất vui hay sao? Tôi ngưỡng mộ vốn từ vựng mới này, và chuyện hay ho nhất là khi tôi không nhớ ra nổi một thuật ngữ, sao nào, tôi cũng gõ nó lên Internet, và hấp, ngay lập tức tôi thu được nghĩa của nó. Tôi nói với cô điều này, người ta tìm ra hầu hết mọi thứ, ngay cả địa chỉ những phòng thí nghiệm tư có thực hiện những phân tích với carbon 14, tuyệt chưa nào?
- Thực ra thì ông bao nhiêu tuổi rồi hả Ivory?
- Ngày nào tôi cũng phát minh lại tuổi của mình, Keira ạ, điều quan trọng là không buông trôi chán nản.
Ivory in ra một danh sách các địa chỉ và ngạo nghễ phe phẩy tờ giấy trước mắt vị khách của mình.
- Chúng ta chỉ cần gọi vài cuộc điện thoại để tìm ra những nơi sẽ chấp nhận giải quyết yêu cầu của chúng ta với giá cả phù hợp và trong thời gian hợp lý nhất, ông kết luận.
Keira tra giờ trên đồng hồ đeo tay.
- Chị gái của cô! Ivory kêu lên. Tôi tin là cô ấy đã được giải thoát khỏi cuộc họp được một lúc lâu rồi đấy! Đi gặp cô ấy đi, tôi sẽ lo mọi việc.
- Không, tôi ở lại, Keira nói vẻ ngượng nghịu, tôi không thể để ông làm công việc này một mình được.
- Có chứ, tôi xin đấy, nói cho cùng, tôi còn háo hức muốn biết kết quả chẳng kém gì cô, thậm chí là còn hơn cả cô. Cô đi gặp Jeanne đi và quay trở lại gặp tôi vào ngày mai. Chúng ta sẽ có thêm nhiều thông tin.
Keira cảm ơn vị giáo sư.
- Cô đồng ý giao chiếc vòng cổ này cho tôi cả tối nay nhé? Tối lấy trích ra một mẩu nhỏ để dùng vào việc phân tích. Tôi xin hứa là sẽ thao tác với sự khéo léo của một bác sĩ phẫu thuật, nhìn vào sẽ không thấy sứt mẻ gì đâu.
- Dĩ nhiên là được, nhưng tôi đã thử nhiều lần rồi và tôi chưa bao giờ thành công dù chỉ là làm xước được nó.
- Cô có một lưỡi dao kim cương giống như thứ này không? Ivory hỏi, hãnh diện lôi ra một ngăn kéo dụng cụ cắt cúp.
- Rõ ràng là ông có đầy đủ phương tiện rồi, Ivory. Không, tôi làm gì có một con dao mổ như thế.
Keira ngập ngừng giây lát rồi để chiếc vòng cổ lại trên bàn làm việc của Ivory. Ông nhẹ nhàng gỡ nút dây da đang quấn chặt vật hình tam giác rồi trả lại sợi dây mảnh cho chủ sở hữu.
- Hẹn ngày mai gặp, Keira, cứ ghé qua bất cứ lúc nào cô muốn, tôi vẫn sẽ ở đây.
--------------------------------
1. Chơi chữ của tác giả: tên của loại rượu vang là "honnête vin", mà "honnête" tiếng Pháp có một nét nghĩa là "đức hạnh".
2. Hộp sọ hóa thạch 7 triệu năm tuổi.
3. Một họ người sống cách đây khoảng 5,2 đến 5,8 triệu năm.
4. Lucy được phát hiện vào ngày 30 tháng Mười một năm 1974 tại Hadar, bên bờ sông Awash, trong khuôn khổ một dự án tập hợp khoảng ba mươi nhà khoa học quốc tịch Êtiôpia, Mỹ và Pháp, do Donald Johanson, Maurice Taieb và Yves Coppens lãnh đạo. Bộ xương được đặt tên là Lucy bởi những người phát hiện ra nó hát lầm rầm suốt cả ngày trời bài "Lucy in the Sky with Diamonds" của ban nhạc The Beatles. (chú thích của tác giả).
***
Nguồn: http://vietmessenger.com/