12/4/13

Nhà thờ Đức bà Paris (C4-6)

Chương 4

Những tâm hồn đẹp đẽ


Chuyện này xảy ra đã mười sáu năm vào một ngày chủ nhật sau lễ giáng sinh, sau lễ chầu tại nhà thờ Đức Bà, một sinh linh còn sống được đặt trên chiếc giường gỗ, cột chặt trước sân nhà thờ. Theo thời gian, người ta thường đặt những đứa trẻ bị bỏ rơi trên chiếc giường gỗ ấy. Ai muốn lấy đứa nào thì lấy. Trước giường là một chiếc chậu đồng để bỏ của bố thí.
Sinh vật kia nằm đấy, một buổi sáng năm 1467. Có vẻ nó kích thích cao độ trí tò mò của đám đông tụ tập quanh đó. Đám đông gồm phần lớn là các bà già. Trên hàng đầu, người ta nhận thấy bốn cái áo choàng thuộc về một cộng đồng tu hành nào đó. Các nữ tu này vi phạm không sợ hãi lời nguyền im lặng. Một bà nói:.- Cái này là cái gì thưa xơ? - Bà ngắm nhìn sinh linh đang kêu khóc như mèo hen, oằn oại trên chiếc giường gỗ.
Bà khác trả lời:
- Tôi không nhận ra là đứa trẻ nữa. Nhưng nhìn nó là phạm tội đó.
- Đứa trẻ bị bỏ rơi này là một con quỷ ghê tởm.
- Xơ có thấy rằng con quỷ bé bỏng này ít ra là bốn tuổi không?
Quả thật, đứa trẻ con này không phải là một đứa bé sơ sinh. Đó là một đống ngọ nguậy không ngừng, bị nhốt trong một cái túi, đầu thò ra ngoài. Cái đầu ấy khá dị dạng. Chỉ thấy một đám tóc hung, một con mắt, cái mồm và những cái răng. Mắt ướt nhoèn nước mắt. Mồm kêu gào.
Răng thì như muốn cắn ai. Cả đống giãy giụa trong cái túi trước sự kinh ngạc của đám đông cứ mỗi lúc một đông thêm và thay đổi liên tục.
Một linh mục trẻ, từ nãy, lắng nghe những lời đàm tiếu của quần chúng. ông có vẻ mặt nghiêm nghị, cái trán rộng, cái nhìn thâm trầm.
Ông gạt đám đông ra, lặng lẽ ngắm đứa trẻ, vươn tay trên người nó:
- Tôi nuôi đứa trẻ này.
Ông ủ nó vào vạt áo thầy tu của ông và mang đi.
Đám đông theo dõi cảnh tượng ấy bằng con mắt sợ hãi.
Lát sau, linh mục đã mất dạng qua Cổng đỏ dẫn từ nhà thờ đến tu viện.
Sự sửng sốt ban đầu qua đi, một bà già nói:
- Các bà chị ơi, tôi đã bảo linh mục trẻ Claude Frollo này là một tay phù thủy mà.
Claude Frollo không phải là một kẻ tầm thường. ông thuộc dòng dõi quý tộc bậc thấp.
Từ tuổi thơ, bố mẹ đã dành ông cho dòng tu.
Đó là một đứa trẻ rầu rĩ, khắc khổ, nghiêm nghị, rất ham học và học nhanh. ông đã học thần học, y học, các nghệ thuật tự do. ông thông thạo cách chữa bệnh sốt và dập gãy xương.
Mười tám tuổi, dường như chàng trẻ tuổi này chỉ có một cái đích duy nhất: hiểu biết.
Mùa hè 1466, xảy ra đại dịch dịch hạch, giết chết bốn mươi nghìn người trong lãnh địa hầu tước ở Paris. Tiếng ồn khu vực bị nặng nhất là phố Tirechappe. Bố mẹ Frollo ở đây. Cậu giáo đồ trẻ hốt hoảng chạy về nhà bố mẹ. Về đến.nhà thì bố mẹ anh đã chết. Đứa em nhỏ của anh bị bỏ rơi trong nôi, nhưng vẫn còn sống và đang kêu gào. Toàn bộ gia đình của Claude chỉ còn có thế. Chàng trai ôm đứa nhỏ ra khỏi nhà, suy tư.
Tai họa này là một cuộc khủng hoảng trong cuộc đời của Claude. Mười chín tuổi, anh thành mồ côi, thành anh cả, thành chị trong gia đình.
Đầy lòng thương cảm, anh đâm say mê, tận tụy với đứa em.
Đứa nhỏ từ trên trời rơi xuống tay mình, anh quyết định biến nó thành con người mới. Cái sinh linh tội nghiệp này làm anh xúc động tận đáy lòng. Là một nhà suy tưởng nghiêm cẩn anh nghĩ về Jehan với tấm lòng nhân hậu vô hạn. Anh quan tâm chăm sóc nó như chăm chút một cái gì rất mỏng manh. Anh đối với đứa nhỏ hơn là một người anh. Anh là mẹ nó.
Claude giao nó cho một bà thợ xay gần đại chủng viện chăm nuôi. Từ đó anh thấy cuộc đời rất nghiêm túc, ý nghĩ về đứa em nhỏ trở thành mục đích học tập của anh. Anh càng gắn bó thiết tha hơn bao giờ hết với thiên hướng tu hành của mình.
Ngày Quasimodo (lễ hội sau Phục sinh -ND), sau khi đi lễ chầu về, anh chú ý đến đám đông các bà già đang quàng quạc quanh giường của những trẻ bị bỏ rơi. Anh đến gần cái sinh linh khốn khổ. Cái bất hạnh, cái dị dạng, tình trạng bị bỏ rơi của đứa nhỏ khiến anh nghĩ đến em mình. Một sự thương cảm sâu sắc khiến anh xúc động. Và anh đã quyết định mang đứa trẻ đi.
Khi lôi đứa bé từ trong bị ra, anh thấy nó quả là dị dạng. Đứa bé có một mụn cóc phía dưới trán, đầu rụt dưới vai, xương sống cong vẹo, xương óc nhô ra, chân khoèo. Nhưng nó có vẻ khỏe mạnh. Hình dạng xấu xí của nó làm cho Claude thêm thương cảm. Anh nguyện nuôi nấng đứa trẻ này vì tình thương với em mình. Anh nhận nó làm con nuôi và đặt tên là Quasimodo.
Thực tế, Quasimodo chột, khoèo, gù, chỉ là một cái gì gần giống như người.
Năm 1482, Quasimodo đã lớn. Gã trở thành người kéo chuông của nhà thờ Đức Bà nhờ cha nuôi. Claude Frollo trở thành phó giám mục.
Với thời gian đã hình thành một quan hệ thân thiết giữa người đánh chuông và nhà thờ.
Quasimodo coi nhà thờ là tổ ấm của mình, nhà mình, vũ trụ của mình. Không có xó xỉnh sâu.hun hút nào gã không mò vào. Không có tầm cao nào gã không leo tới. Nhiều lần gã trèo lên mặt tiền của nhà thờ, rõ cao, chỉ duy nhất nhờ vào những chỗ lồi lõm của các pho tượng. Vì nhảy nhót, leo trèo vùng vẫy giữa những vực sâu của nhà thờ khổng lồ mà gã trở thành dường như con khỉ, con lạc đà.
Claude Frollo phải vất vả và kiên nhẫn lắm mới dạy cho gã nói được. Nhưng một định mệnh đã xảy ra. Kéo chuông từ mười bốn tuổi nên gã bị điếc đặc. Tâm hồn gã rơi vào đêm đen thăm thẳm. Điếc làm cho gã câm. Vì không muốn làm trò cười cho thiên hạ gã kiên quyết giữ im lặng.
Gã chỉ phá vỡ sự im lặng khi chỉ có một mình.
Gã trở nên độc ác. Độc ác vì hoang dã. Hoang dã vì xấu quá. Sức khỏe phát triển lạ lùng cũng là nguyên nhân nữa của tính độc ác của gã.
Từ bước đầu đến với con người gã đã cảm thấy và thực sự thấy bị xua đuổi. Lớn lên, gã toàn chỉ thấy sự hằn học xung quanh gã. Rốt cuộc gã quay lưng lại mọi người dù không phải không nuối tiếc. Nhà thờ Đức Bà là đủ cho gã rồi.
Sự có mặt của con người kỳ quặc này đem lại cho nhà thờ một cái gì như sức sống, chỉ cần biết là gã đang ở đây là người ta tưởng như hàng ngàn pho tượng ở các hành lang sống dậy, cử động được.
Duy nhất chỉ có một người là Quasimodo không dành cho những trò tinh quái, sự hằn học của gã, có lẽ gã còn yêu hơn cả yêu nhà thờ Đức Bà. Đó là Claude Frollo. Điều đó thật đơn giản, Claude Frollo đã nhận gã làm con nuôi, đã nuôi nấng, dạy dỗ, che chở cho gã, đã làm cho gã thành người kéo chuông. Vì thế lòng biết ơn của Quasimodo rất sâu sắc, say mê vô hạn, dù bộ mặt của cha nuôi lúc nào cũng u uất, cứng đanh, khắc nghiệt. Lòng biết ơn ấy không hề suy giảm.
Phó giám mục chỉ có Quasimodo là kẻ nô lệ phục tùng duy nhất. Từ khi Quasimodo bị điếc đã hình thành giữa ông và gã một thứ ngôn ngữ bằng dấu hiệu bí hiểm, chỉ có hai người hiểu được. Bằng cách ấy, phó giám mục là người duy nhất có quan hệ giao tiếp với Quasimodo. Trong đời này gã chỉ có quan hệ với hai thứ: nhà thờ Đức Bà và Claude Frollo.
Năm 1482, Quasimodo đã chừng hai mươi tuổi. Claude Frollo thì khoảng ba mươi sáu. Một người thì lớn lên, một người thì già đi..Claude Frollo không sao nhãng việc giáo dục em mình.
Với thời gian, một chút chua chát đã len vào cái công việc dịu dàng ấy. Chú bé Jehan Frollo, biệt danh là Cối xay gió, nơi chú được nuôi dạy, không phát triển theo hướng mà Claude muốn. ông anh trông mong em trở thành một đứa trẻ sùng đạo, dễ bảo, danh giá.
Chú em thì lười biếng, dốt nát, trụy lạc, thực sự là một con quỷ rất lệch lạc. Nhiều phen làm cho Claude phải cau mày. Nhưng chú lại rất ngộ nghĩnh, rất tế nhị. Điều đó làm cho ông anh nở nụ cười.
Chán nản trong tình yêu con người, ông càng hăm hở lao vào khoa học. Dần dần ông trở nên thông thái, đồng thời ngày càng cứng rắn trong tư cách là linh mục, ngày càng buồn với tư cách là con người.
Ông say mê lạ lùng nhà thờ Đức Bà. ông ngắm hàng giờ những bức tượng nơi cửa. ông giam mình trong căn phòng hẹp, trong một cái tháp trông ra quảng trường Grève, kề bên phòng treo chuông. Không ai vào phòng ông. Đêm đêm qua một cửa sổ nhỏ người ta trông thấy ánh lửa đỏ quạch nhấp nháy. Trong bóng tối, từ tầm cao ấy, cái đó gây ra một tác động thật lạ.
Bởi vậy, mặc dù sống kham khổ, ông không được cảm tình của dân chúng. Người ta không ngần ngại lên án ông là phù thủy.
Từ ít lâu nay, người ta thấy ông càng kinh tởm bọn ma-cà-bông. ông đã xin giám mục ban bố một chỉ dụ cấm những cô gái bô-hê-miêng không được vào nhảy trong quảng trường nhà thờ.
Phó giám mục và gã kéo chuông đều không được trẻ con và người lớn quanh nhà thờ yêu mến.
Mỗi khi Claude và Quasimodo cùng nhau đi ra ngoài (điều này đã nhiều lần xảy ra), khi người ta thấy thầy trò sóng bước bên nhau, trò đi sau thầy trên những đường phố hẹp, mát và tối om của tòa nhà thờ Đức Bà thì không ít lời phỉ báng, giễu cợt, lăng mạ khi họ đi ngang. Bất chấp mạng sống của mình, bọn trẻ con tinh quái cắm kim vào cái bướu của Quasimodo để cười thả cửa.
Đôi khi có những bà già, ngồi trong bóng râm của cổng nhà thờ, lầu bầu thành tiếng, lời chào đón mang tính chất "khích lệ": "Đây là một con.người mang tâm hồn y như hình thù mà nó mang", hoặc một đám học trò chào họ bằng những lời hò hét.
Nhưng thường thường thì lời lăng mạ bị linh mục và gã kéo chuông bỏ qua. Quasimodo thì điếc lòi, còn Claude thì quá mơ màng không để lọt tai những lời êm ái đó.


Chương 5

Viện công tố


Bây giờ chúng tôi phải giới thiệu với quý độc giả ngài Estouteville - thái thú Paris, con người sung sướng được lãnh trách nhiệm xử kiện.
Sáng hôm ấy, 7 tháng giêng 1482, ông thức dậy, tâm trạng rất khó chịu, hằm hằm. Vì sao có tâm trạng ấy? Chính ông cũng không rõ. Đó là sau ngày hội, ngày ai cũng thấy phiền muộn, nhất là đối với vị công tố phải dự phiên tòa ở Grand-Châtelet. Chúng ta biết rằng các vị quan tòa thường thu xếp thế nào để ngày xử án của các vị phải là ngày các vị mang tâm trạng vui vẻ.
Thế mà phiên tòa đã bắt đầu không có ông.
Theo tập quán, các phụ tá của ông đã làm nhiệm vụ của ông.
Từ tám giờ sáng, mấy chục thị dân nam, nữ đã ngồi chen chúc trong một xó tối của phòng xử án, có rào chắn bằng gỗ sồi, và bức tường vây.quanh. Họ theo dõi một cách thoải mái cảnh tượng phong phú và thích thú của phiên tòa do luật gia Florian Bardebienne, phụ tá của ngài thái thú, chủ trì.
Xin độc giả hãy hình dung, nơi bàn thái thú là luật gia Florian Bardebienne, viên chức hành chính của tòa án Châtelet, ngồi giữa hai chồng hồ sơ, tay chống cằm, chân xéo vào vạt áo dạ nâu, mặt đỏ gay, quàu quạu, lút vào cái cổ lông cừu trắng, mắt hấp háy, má phị mỡ sệ xuống cằm.
Vị viên chức tòa án lại điếc. Đó là một khiếm khuyết nhỏ, luật gia Florian chẳng cho là bất khả.
Các bị cáo lần lượt ra hầu tòa. Tất cả đều bị phạt tiền vì những lỗi không quan trọng.
Bỗng phía các cảnh sát có sự rậm rịch lớn.
- Cảnh sát kìa. Họ dẫn ai vào đấy?
- Chắc chắn là con mồi săn lớn... con lợn lòi chẳng hạn.
- Này! Này! Đấy là hoàng tử hôm qua, đức giáo hoàng của những thằng Điên, gã kéo chuông Quasimodo!
Đúng là Quasimodo, bị trói như bó giò.
Cảnh sát vây quanh. Tiểu đội lính được chính viên kỵ sĩ của cuộc vây bổ hỗ trợ.
Về phía Quasimodo chẳng có gì để biện minh cho sự biểu dương lực lượng ấy. Trông hắn buồn bã, lặng thinh và bình thản. Con mắt độc nhất của hắn thỉnh thoảng liếc nhìn dây trói, cái nhìn xảo trá.
Hắn cũng liếc nhìn xung quanh, con mắt tắt nguội, lờ đờ như ngái ngủ, khiến các bà chỉ trỏ cười.
Luật gia Florian chăm chú lật giở hồ sơ của phạm nhân, do viên mõ tòa trình lên. ông hình như trầm ngâm một lát. Nhờ sự cẩn thận thường có trước mỗi cuộc hỏi cung, ông đã biết trước tên họ, tính cách, tội trạng của can phạm, dự kiến trước những lời phản bác các câu trả lời trong những lắt léo của cuộc lấy cung, khiến không ai đoán được bệnh điếc của ông.
Sau khi đã nghiền ngẫm kỹ vụ Quasimodo, ông ngả đầu ra sau lim dim mắt để tăng thêm vẻ oai vệ và công minh của mình, khiến lúc đó ông trở thành vừa điếc, vừa mù.
- Tên anh là gì?.Một ca không dự kiến trước đã xảy ra: một người điếc thẩm vấn một người điếc. Chẳng có dấu hiệu gì báo cho Quasimodo biết câu hỏi dành cho hắn. Gã tiếp tục nhìn quan tòa chằm chặp, chẳng trả lời gì cả. Quan tòa điếc cũng chẳng thấy có gì báo cho biết tật điếc của can phạm nên ông ta ngờ là hắn đã trả lời như các can phạm thường vậy. ông tiếp tục hỏi:
- Tốt. Anh bao nhiêu tuổi?
Quasimodo chẳng trả lời gì hơn. Quan tòa tưởng đã được thỏa mãn, hỏi tiếp:
- Hiện nay tình trạng của anh thế nào?
Vẫn im lặng. Cử tọa bắt đầu xì xào:
- Đủ rồi.
Người viên chức tòa án tưởng rằng can phạm đã trả lời lần thứ ba.
- Anh bị kết tội: một là gây rối loạn ban đêm, hai là làm tổn thương một phụ nữ, ba là chống lại các cung thủ của nhà vua. Anh biện bạch thế nào về những điểm ấy? Lục sự, ông đã ghi tất cả các câu trả lời của can phạm chưa?
Nghe câu hỏi trái khoáy ấy, từ lục sự đến cử tọa đều cười rộ lên. Cười to và lây lan đến nỗi cả hai người điếc đều nhận thấy.
Quasimodo ngoái lại, nhún cái bướu một cách khinh thị. Luật gia Florian cũng ngạc nhiên, nhưng ông giả định rằng cử tọa cười vì câu đối đáp bất kính nào đó của can phạm. ông nói rất bất bình:
- Tên ngố kia, câu đối đáp của mi đáng để mi ra giá treo cổ. Mi có biết mi đang nói với ai không?
Không có lý do gì để cuộc đối thoại giữa hai gã điếc dừng lại. Luật gia Florian sắp trổ tài hùng biện thì cánh cửa tầng dưới mở ra. Quan thái thú bước vào.
Thấy ông vào, luật gia Florian vẫn không ngừng lời:
- Thưa đức ông, tôi tuyên phạt bị cáo này về tội vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Chắc ngài hài lòng?
Ngài Estouteville ngồi xuống, thở như kéo bễ, lau những giọt mồ hôi như hạt ngô trên trán, rơi cả xuống giấy tờ bầy ra trước mặt ông như những giọt nước mắt. ông cau mày, ném về phía Quasimodo một cử chỉ gay gắt đầy ý nghĩa khiến cho gã điếc cũng phải hiểu ra..ạng nghiêm khắc nói:
- Mi đã làm gì, tên ăn cắp?
Tên quỷ tội nghiệp tưởng thái thú hỏi tên tuổi, liền trả lời, giọng cổ khàn khàn:
- Quasimodo.
Câu trả lời chẳng ăn khớp tẹo nào với câu hỏi làm cho tràng cười nổi lên như điên và ngài Robert thì giận đỏ mặt, gào lên:
- Mi nhạo báng cả ta à?
- Kéo chuông ở nhà thờ Đức Bà. - Quasimodo trả lời vì tưởng rằng phải cắt nghĩa với quan tòa hắn là ai.
- Kéo chuông! - Thái thú sáng nay dậy đã mang tâm trạng bực dọc nên không cần đến những câu trả lời kỳ quặc đến thế, cơn giận của ngài đã bùng lên.
- Kéo chuông à! Ta sẽ cho treo trên lưng mi một đồng hồ chuông gồm những cú gậy. Mi nghe rõ không?
- Nếu ông muốn biết tuổi tôi thì đến lễ Saint-Martin này tôi hai mươi tuổi. - Quasimodo nói.
Thế này thì quá quắt. Thái thú không thể chịu được nữa.
- Mi coi thường thái thú à? Tên khốn nạn.
Lính đâu, các ông giải tên này ra giá treo cổ ở Grève. Nện cho nó trong một tiếng đồng hồ. Nó phải trả giá cho ta. Lục sự thảo quyết nghị án.
Lúc luật gia Florian Bardebienne đọc nghị án để ký thì viên lục sự mủi lòng thương tên tội phạm khốn khổ, lại gần ghé sát tai viên chức tòa án, chỉ Quasimodo nói:
- Tên này bị điếc.
Ông hy vọng có thể xin giảm tội phần nào cho phạm nhân.
Ông hy vọng cái đồng bệnh tương lân có thể khơi dậy lòng thương của luật gia Florian, có lợi cho can phạm. Nhưng như chúng ta đã biết, luật gia Florian không quan tâm đến việc người ta biết bệnh điếc của ông. Vả chăng ông cũng chẳng nghe thấy viên lục sự nói gì. Song lại làm ra vẻ có nghe thấy, ông trả lời:
- A! Thế thì lại khác. Tôi không biết như thế.
Vậy thì thêm một giờ hình phạt nữa ở giá treo cổ.
Và ông ký vào bản án đã được sửa đổi như thế..

Chương 6

Cái lỗ chuột


Quảng trường Grève, vào mười giờ sáng.
Cảnh tượng khá thú vị, phảng phất không khí ngày hội.
Mặt đường đầy rác rưởi, ruy băng, giẻ rách, lông mũ, những giọt si của đuốc, những đồ thừa của những cuộc chè chén. Những người bán rượu, chanh và bia vần thùng rượu. Một số bộ hành mải miết đi lại. Các nhà buôn nói chuyện, gọi nhau trước cửa hàng. Lễ hội, các sứ giả, giáo hoàng của những thằng Điên là chuyện cửa miệng của mọi người. Nói lắm, cười nhiều. Bốn thầy đội cưỡi ngựa đến đứng bốn góc của cột bêu tội nhân. Sự chú ý của mọi người tập trung vào họ.
Nếu độc giả đưa mắt nhìn về phía tháp Tour-Roland, ở góc bến cảng, bạn sẽ thấy một ngôi nhà cũ, góc mặt trước có một cửa sổ hẹp chắn bằng hai song sắt, hình chữ thập, cái cửa mở duy nhất để lọt vào xà-lim nhỏ không cửa, khoét vào bề dày của tường, một chút không khí và ánh sáng.
Cái xà-lim này nổi tiếng khắp Paris từ ba thế kỷ nay. Nó được phu nhân ở Tour-Roland cho đục vào tường nhà bà để vĩnh viễn giam mình trong đó. Bà đang chịu tang ông bố chết trong cuộc thập tự trinh. Toàn bộ dinh cơ, bà chỉ giữ lại cho mình chốn nương náu này, còn lại bà hiến tất cho người nghèo và Chúa. Cửa tháp thì cho xây bịt lại, chỉ trổ ra một lỗ cửa sổ nhỏ, hè cũng như đông.
Trong nấm mồ ấy người đàn bà đợi cái chết suốt hai mươi năm, đêm ngày cầu nguyện cho vong hồn ông thân sinh, không có một viên đá làm gối, mặc độc một cái bao tải đen, sống nhờ vào của bố thí của người qua đường đặt trên gờ cửa sổ, khi chết bà để lại cái xà-lim này cho người phụ nữ nào muốn tự chôn sống trong một nỗi đau lớn hay một niềm sám hối.
Tháp Tour-Roland không bao giờ thiếu người ẩn cư. Nhiều phụ nữ đã đến ở đây cho đến khi chết. Dân chúng Paris thường gọi nó là "cái lỗ chuột".
Vào thời xảy ra chuyện này xà lim Tour-Roland đang có người ở. Nếu độc giả muốn biết đó là.ai, thì xin lắng nghe câu chuyện của ba mụ lắm lời đang đi về phía Cái Lỗ chuột, ngược Châtelet, về phía quảng trường Grève, dọc theo bờ sông.
Hai người ăn mặc kiểu vú em ở Paris, người kia thì có dáng dấp tỉnh lẻ, chị ta dắt một đứa trẻ lớn. Thằng bé cầm một chiếc bánh. Nó để cho người lớn lôi đi, chốc chốc lại chệnh choạng.
Rõ là nó chú ý đến cái bánh hơn mặt đường.
Nó ngắm cái bánh rất âu yếm mà không dám ăn.
Ba phụ nữ tên là Mahiette, Oudarde và Gervaise, gần như đồng thanh:
- Nhanh lên, cô Mahiette. - Cô lớn nhất, dáng tỉnh lẻ giục. - Tôi sợ chúng ta đến muộn mất. Người ta nói hắn sẽ bị dẫn từ Châtelet đến thẳng cột bêu tội nhân.
- Cô nói gì thế Oudarde? Hắn bị bêu ở cột bêu tội nhân một tiếng cơ mà. Còn kịp chán.
- Nhìn đám đông tụ tập ở đầu cầu kia kìa.
Họ nhìn cái gì đó. - Mahiette nói.
Gervaise nói:
- Tôi nghe thấy tiếng trống. Tôi nghĩ là cô Esmeralda cùng con dê, đang xin làm phúc.
Nhanh lên Mahiette! Rảo cẳng lên. Lôi thằng nhỏ của cô đi. Cô đến đây để xem những cảnh lạ của Paris. Hôm qua cô đã thấy người Flamand.
Hôm nay cô phải xem cô gái Ai Cập.
- Cô gái Ai Cập à? - Mahiette thất thần quay ngoắt lại, nắm chặt tay đứa con. - Chúa xá tội cho tôi. Cô ta ăn cắp thằng nhỏ của tôi mất. Đi, Eustache.
Cô chạy ra cảng về phía quảng trường Grève cho đến khi cây cầu ở mãi phía sau. Đứa bé bị tha lôi, ngã khuỵu xuống. Cô dừng lại thở, Oudarde và Gervaise đuổi kịp.
- Cô gái Ai Cập kia đánh cắp con cô à? Cô nghĩ gì ngộ vậy? - Gervaise nói.
Mahiette nhún vai, dáng nghĩ ngợi.
Oudarde nhận xét:
- Kỳ lạ là người đàn bà ẩn cư cũng nghĩ về những mụ Ai Cập như vậy.
- Người đàn bà ở ẩn là ai? - Mahiette hỏi.
- ‰, đó là mụ Gudule, mụ già ở Cái Lỗ chuột.
- Sao! - Mahiette hỏi. - Người đàn bà tội nghiệp chúng ta đem bánh đến cho ấy à?
Oudarde gật đầu:.- Đúng đấy. Lát nữa cô sẽ thấy bà ta qua lỗ cửa sổ trông ra Grève. Bà ta cũng nghĩ như cô về những người Ai Cập lang thang, đánh trống và bói toán. Chẳng hiểu vì đâu mà bà khiếp sợ những người đàn bà Ai Cập đến thế. Mahiette à, tại sao trông thấy họ cô lại chạy trốn như thế?
Mahiette nắm đầu đứa trẻ:
- Tôi không muốn lại xảy ra chuyện như đã xảy ra với Paquette la Chantefleurie.
Gervaise nắm cánh tay Mahiette:
- A, cô kể lại chuyện đó đi.
- Tôi vui lòng. - Mahiette trả lời.
Chị kể câu chuyện về một người mẹ tội nghiệp tên là Chantefleurie bị bọn Ai Cập đánh cắp mất đứa con gái nhỏ xinh xắn. Người ta đã thấy chúng lởn vởn quanh nhà. Đứa nào cũng rám nắng, tóc xoăn tít, tai đeo khuyên bạc. Mặt bọn đàn bà còn đen hơn, tóc buộc túm như đuôi ngựa. Chúng từ Ai Cập đến, đi qua Ba Lan.
Chantefleurie đã chỉ cho chúng con gái mình và nhờ chúng bói hộ.
Một mụ Ai Cập nói:
- Nó sẽ là hoàng hậu.
Chantefleurie quay về nhà, rất hãnh diện vì đã mang về nhà một nữ hoàng tương lai.
Hôm sau, nhân lúc đứa bé đang ngủ, chị ta sang khoe với hàng xóm: con Agnès của chị sẽ được dùng ngự thiện với đức vua. Về nhà chị thấy cửa mở toang. Chị vào nhà, chạy đến bên giường. Đứa trẻ không còn đấy, chỗ nó nằm trống trơn. Chẳng thấy đứa bé đâu, chỉ thấy đôi giày tí xíu của nó. Chị lao ra khỏi phòng, nhảy xuống cầu thang, đập đầu vào tường, kêu gào:
- Con tôi! Con tôi đâu? Ai đã lấy mất con tôi?
Chị lang thang khắp thành phố, chạy hết chỗ này đến chỗ khác suốt ngày, điên dại, thất thần, dò xét hết cửa sổ này đến cửa sổ khác như một con thú hoang mất con. Chị thở hồng hộc, tóc rũ xuống trông rất sợ. Chị giữ người qua đường lại, kêu khóc: "Con gái tôi! Con gái xinh đẹp của tôi! Ai trả con gái cho tôi, tôi xin làm con hầu cho người ấy!".
Buổi chiều chị về nhà. Trong lúc chị vắng nhà, một bà hàng xóm đã trông thấy hai mụ đàn bà Ai Cập lén lút lên gác, có một cái bọc trong tay rồi vội vàng đi xuống, lẩn mất. Sau khi hai.mụ đi, người ta có nghe thấy tiếng gì như tiếng trẻ con. Người mẹ cười khanh khách, chạy bay lên gác như có cánh. Bà vào phòng. Một điều kinh khủng, Oudarde ạ: Thay vì đứa con gái Agnès xinh đẹp của bà, một tặng phẩm của Chúa lòng lành, bà chỉ thấy một con quỷ nhỏ, xấu đến kinh người, thọt chân, chột mắt, dị dạng, bò lồm cồm trên sàn, miệng kêu như mèo. Bà mẹ bưng mặt, khiếp đảm:
- ôi! Phải chăng là phù thủy đã biến con ta thành con vật đáng hãi này?
Người ta vội vàng mang đứa bé đi. Bà mẹ tưởng phát điên. Đó là đứa con quái dị của một mụ Ai Cập nào đó. Đứa bé khoảng chừng bốn tuổi, nói một thứ tiếng gì không phải tiếng người.
Chantefleurie vồ lấy chiếc giày nhỏ, tất cả những gì còn lại của đứa con yêu của chị. Chị đứng phắt dậy, vừa chạy vừa gào:
- Đến trại của bọn Ai Cập! Đến trại của bọn Ai Cập!
Nhưng bọn Ai Cập đã nhổ trại đi rồi. Trời tối đen như mực. Không thể đuổi theo chúng được. Hôm sau, cách đó chừng hai dặm, trong một bãi rậm, người ta thấy tro tàn của một đống lửa lớn và một vài đoạn ruy-băng của đứa trẻ.
Khi Chantefleurie được tin hãi hùng đó, chị không khóc, chỉ mấp máy môi như muốn nói mà không nói được. Hôm sau tóc chị đổi màu xám.
Hôm sau nữa, chị biến mất.
- Thật là một chuyện kinh khủng. - Oudarde nói. - Tôi không ngạc nhiên khi thấy chị sợ bọn Ai Cập đến thế.
Mahiette bước đi, im lặng.
Gervaise hỏi:
- Có ai biết Chantefleurie sau này ra sao không?
- Không ai biết.
Ngừng một lát, chị nói thêm:
- Tuy nhiên, có người nói trông thấy chị ta trên đường ở Paris. Chị ta đi chân không trên đá sỏi. Người khác thì khẳng định: chị ấy đã chết đuối.
Gervaise hỏi:
- Thế còn chiếc giày nhỏ?
- Biến mất cùng với bà mẹ. - Mahiette trả lời..- Còn con quỷ nhỏ thì sao? - Oudarde bỗng nhiên hỏi.
- Đức giám mục đã ban phước cho nó, giằng nó ra khỏi tay quỷ dữ, gửi về Paris, đặt trên chiếc giường của những đứa trẻ bị bỏ rơi trước nhà thờ Đức Bà.
- Thế rồi, ở Paris, người ta đã làm gì nó, Mahiette?
- Tôi không rõ. - Mahiette trả lời.
Nói đến đây, ba người đi đến quảng trường Grève. Mải nói chuyện, họ đi vượt qua tháp Tour-Roland mà không dừng bước. Họ máy móc đi đến cột bêu tội nhân, quần chúng xúm xít xung quanh, mỗi lúc một đông thêm. ắt hẳn họ đã quên phắt Cái Lỗ chuột, nếu như Eustache không nhắc:
- Mẹ ơi, con có thể ăn cái bánh này không?
Câu hỏi gợi lại sự chú ý của Mahiette:
- Chà, chúng ta quên bà ẩn cư mất rồi! Chỉ cho tôi Cái Lỗ chuột, tôi sẽ mang bánh đến cho bà ta.
Oudarde nói:
- Có ngay lập tức. Đây là một việc thiện.
Ba người đàn bà lộn lại, đến gần Tour-Roland, Oudarde nói:
- Tôi sẽ ghé nhìn qua lỗ cửa sổ. Bà ta hơi quen tôi. Tôi sẽ báo khi nào các chị có thể tới.
Một mình chị ta lại gần cửa sổ. Vừa ghé mắt vào thì mặt chị lộ vẻ xót thương sâu sắc. Lát sau, chị làm hiệu cho Mahiette đến gần. Mahiette bước đến cảm động, lặng lẽ. Rồi cả ba người đàn bà cùng nhòm qua lỗ cửa sổ. Đầu họ che lấp mất ánh sáng yếu ớt của xà-lim, nhưng con người khốn khổ vẫn không chú ý đến họ.
Oudarde nói:
- Đừng quấy rầy bà ta. Bà ấy đang cầu nguyện.
Mahiette ngắm cái đầu hốc hác, héo hon, lởm chởm tóc, với một niềm xúc động mỗi lúc một tăng, nước mắt đầm đìa.
Chị lẩm bẩm:
- Thật là lạ lùng! Các chị gọi người đàn bà này là gì?
Oudarde trả lời:
- Chúng tôi gọi bà ấy là bà chị Gudule.
Mahiette tiếp lời:.- Còn tôi thì tôi gọi bà ấy là Paquette la Chantefleurie. Nói đoạn chị ta đặt một ngón tay lên miệng, ra hiệu cho Oudarde đang ngạc nhiên, chui đầu qua lỗ cửa sổ mà nhìn.
Oudarde nhìn theo hướng nhìn của bà ẩn cư, thấy một chiếc giày nhỏ bằng satanh hồng thêu chỉ vàng và bạc.
Gervaise nhìn sau Oudarde và cả ba người đàn bà cùng khóc.
Cái nhìn và những giọt nước mắt của họ không làm cho bà ẩn cư phân tâm. Bàn tay bà ta chắp lại. Môi câm lặng. Mắt nhìn đăm đăm.
Ai biết chuyện bà ta và chiếc giày nhỏ kia, thấy thế, tất phải nát tan lòng.
Ba người đàn bà không thốt được một lời, dù nói nhỏ cũng không.
Cuối cùng Gervaise cô gái tò mò nhất, thử làm cho bà ẩn cư nói:
- Bà chị! Bà chị Gudule!
Cô gọi lại, mỗi lúc một cao giọng hơn. Bà ta vẫn không động đậy. Không một tiếng nói, không một cái nhìn, không một tiếng thở dài.
Đến lượt mình Oudarde gọi bà, giọng dịu dàng hơn.
Vẫn sự im lặng ấy. Vẫn sự bất động ấy.
Oudarde thở dài, nói:
- Có lẽ bà ta điếc.
Gervaise thêm:
- Có lẽ bà ta mù.
Mahiette:
- Có thể bà ta đã chết.
Eustache lên tiếng:
- Mẹ, con muốn nhìn thấy.
Tiếng nói trẻ con, trong trẻo, tươi mát làm cho bà già bừng tỉnh. Bà rùng mình toàn thân, răng đánh lập cập. Bà nhổm dậy, nắm hai bàn chân như để sưởi ấm nó:
- ôi, lạnh quá!
Oudarde nói, rất thông cảm:
- Tội nghiệp bà. Bà có muốn một chút lửa không?
Bà lắc đầu từ chối, nhìn trân trân vào Oudarde, nói:
- Nước.
Oudarde nài:
- Không, bà chị ạ. Đó không phải là đồ uống của tháng giêng. Bà ăn chiếc bánh này, chúng tôi nướng cho bà đấy..Bà già đẩy cái bánh ra, nói:
- Bánh mì đen.
Bỗng nhiên chân tay bà già run lên, giọng nói rung lên, mắt sáng lên. Bà quỳ gối, vươn bàn tay trắng, gầy guộc về phía đứa trẻ, nhìn nó sửng sốt:
- Mang đứa bé này đi! Đứa con gái Ai Cập sắp qua đây! Trời chu đất diệt mi. Ta nguyền rủa mi, đứa con gái Ai Cập kia!
Bà ngã vật ra, mặt úp xuống đất, trán đập vào sàn nhà, như tiếng một hòn đá rơi xuống đá.
Ba người tưởng bà chết. Nhưng lát sau bà lại động đậy, lết trên đầu gối và khuỷu tay, bò đến góc phòng có chiếc giày nhỏ. Mấy người đàn bà không dám nhìn và cũng không thấy bà đâu nữa, chỉ nghe tiếng hàng nghìn cái hôn, hàng nghìn tiếng thở dài lẫn những tiếng kêu xé ruột.

Nguồn: http://vnthuquan.net/