6/4/13

Những người khốn khổ (P1-Q3-C6-9)

Chương 6: THƯƠNG YÊU NHAU


Chuyện phiếm sau bữa cơm, chuyện phiếm về tình yêu đều như nhau, chẳng đâu vào đâu; chuyện tình yêu thì như mây, chuyện sau bữa cơm thì như khói.
Phamơi và Đalia khe khẽ hát; Tôlômiet tiếp tục uống rượu; Dêphin và Phăngtin kẻ cười thành tiếng, người chỉ cười nụ. Lichtôliê lôi cái kèn gỗ mua ở Xanh Cơlu ra thổi. Phavurit đưa mắt nhìn Blasơven một cách âu yếm và nói:
- Anh Blasơven, em mê anh.
Thuận đà Blasơven hỏi lại:
- Phavurit này, nếu anh không yêu em nữa thì em làm thế nào?
Phavurit kêu lên:
- Ấy, đừng nói thế, dù là nói đùa! Em ấy à? Anh mà không yêu em, thì em tóm lấy anh, em cấu này, em xé này, em thì trát tro vào mặt này và em gọi cảnh sát nhốt cổ anh lại.
Blasơven mỉm cười, cái cười khoái chí được nghe những lời nịnh nọt. Phavurit tiếp:
- Vâng, em nhất định kêu cứu vệ binh! Em lồng lên phải biết ! Đồ chết tiệt!
Blasơven sung sướng quá, ngả hẳn người trên ghế, nhắm mắt, kiêu hãnh:
Đalia vừa ăn vừa nói nhỏ với Phavurit giữa tiếng ồn ào náo động:
- Mày sùng bái anh Blasơven của mày thật hở?
Phavurit vớ lại cái nĩa cầm lên, cũng đáp khe khẽ:
- Tao ghét nó. Nó kiệt. Tao thích cái thằng bé trước ở cửa nhà tao kia. Cậu ấy thế mà hay đáo để mày có biết cậu ta không? Trông có thớ diễn viên lắm. Tao rất thích bọn diễn viên. Động thấy cậu ta về là bà cụ kêu lên: “Trời! Còn làm sao mà ở yên được nữa hở trời! Nó lại sắp gào lên rồi kìa. Này con, con làm mẹ điếc tai nhức óc ơi!” – Thì ra cu cậu chui vào nhà trong, tìm cái xó cái xỉnh nào trên gác, leo lên được đến đâu là cứ leo, rồi thì hát hò, ngâm nga, ai còn biết làm cái thứ quỉ gì, nhưng mà dưới nhà thì nghe rõ mồn một! Cậu ta lại còn chép đơn chép từ gì cho một tay thừa lại mỗi ngày một phơrăng nữa kia. Bố cậu ta ngày xưa là chân hát lễ trong nhà thờ Xanh Giăccơ ấy mà. Cậu ấy thế mà hay ra phết. Một hôm thấy tao nhào bột làm bánh, cậu ta bảo: “Cô nàng ơi, cô nàng nhào luôn bít tất tay cô mà làm bánh, tớ cũng xin ăn”, mày tính thế thì cậu ta yêu tao biết chừng nào! Tao cho chỉ có nghệ sĩ mới nói được một lời như thế. Chà! Cậu ta hay thật. Tao đang mê mệt vì cái thằng bé ấy đây. Cũng chả sao, tao cứ nói Blasơven là tao sùng bái hắn ta. Tao nói dối tệ mày nhỉ! Dối thật!
Phavurit ngừng một chốc, rồi nói tiếp:
- Đalia, mày biết không, tao buồn lắm. Suốt hè chỉ có mưa, còn gió nữa, gió chẳng chịu thôi gào thét, làm tao phát bực. Anh chàng Blasơven thì kiệt chết cha chết mẹ, chợ búa gì khổ sở mới có chút ít bơtiboa, chả biết ăn cái gì. Tao buồn vô cớ mày ạ, tao lên cơn xplin (spleen tiếng Anh, có nghĩa là bệnh buồn chán vô cớ) như bên Anh họ nói ấy. Bơ sao mà đắt thế! À này, mày xem, đáng tởm không? Chúng mình đi ăn uống ở một nơi có cái giường ngủ, kiểu này làm tao chán đời.


Chương 7: TRIẾT LÝ CỦA TÔLÔMIET


Một vài người hát, bọn còn lại thi nhau chuyện trò bô bô cả phòng ồn ào, huyên náo. Vừa lúc ấy Tôlômiet chen vào:
- Này, đừng có bạ gì nói nấy và nhanh như nhặt rau thế - anh chàng kêu lên – Suy nghĩ một ít cho nó có vẻ chứ. Cứ cương mãi thì chả mấy chốc là trơ ra ngay. “Dục tốc” là bất đạt. Xin quí vị hãy từ từ. Phải oai nghiêm khi nhậu nhẹt, mà chén thì phải trầm tĩnh; xin các ngài yến ẩm từ từ cho. Đừng có vội. Cứ xem mùa xuân kia kìa, mùa xuân mà vội thì có mà cháy đứt đuôi, nghĩa là chết cóng. Chú đào chú mận nào mà hăng dấn lên một tí là đi đời. Bữa cơm ngon mà hăng quá thì cũng chẳng còn gì là thú vui tao nhã. Không cần hăng, các vị ạ! Các nhà sành ăn xưa nay đều cũng ý kiến như thế cả.
Một làn sóng phản đối ngấm ngầm trong cả bọn, Blasơven nói trước:
- Tôlômiet, xin cậu để yên cho chúng tớ.
Phamơi tiếp:
- Đả đảo độc tài!
Lichtôliê hét:
- Quân Bôngbacđa, ăn cho căng bụng và chơi cho hết ga!
- Tuần lễ còn có chủ nhật chứ! – Phamơi nối lời.
- Chúng tớ biết điều độ chứ, - Lichtôliê thêm.
- Tôlômiet – Blasơven bảo – cậu xem tớ tỉnh táo đàng hoàng đây này.
- Cậu tỉnh táo bảo hoàng chứ lị - Tôlômiet đáp.
Bấy giờ bảo hoàng đang là cái mốt cho nên cậu chơi chữ tầm thường như thế lại có tác dụng như hòn đá ném xuống ao. Ếch nhái đều câm bặt.
Tôlômiet như người nắm lại được thế điều khiển, lên giọng kẻ cả:
- Các bạn ạ, hãy bình tĩnh lại, không cần phải hoảng hốt dữ như thế trước câu đùa từ trên trời rơi xuống ấy. Những cái từ trên trời rơi xuống như vậy không nhất thiết phải được đón nhận nhiệt tình và trọng vọng. Trí tuệ bay bỗng thì vãi ra cái trò bông lơn chơi chữ, còn câu đùa câu cợt thì bạ đâu rơi đó và trí óc đẻ xong cái thứ vớ vẩn như vậy liền chui tụt lên mây xanh. Một vệt gì trăng trắng mà giáng xuống mõm đá thì làm sao cấm được đại bàng bay lượn! Cút đi những ai phỉ nhổ cái trò bông lơn chơi chữ! Tớ quí trọng nó là trong chừng mực nó được việc, có thế thôi. Tớ biết tất cả cái gì tôn nghiêm hơn hết, cao cả hơn hết trong nhân loại và có lẽ cả ngoài nhân loại, đều từng chơi chữ. Giêsu Cơrit đã có một câu bông lơn chơi chữ về thánh Pie. Môidơ cũng về Idác, Etsin thì về Pôlinit, Cơlêôpat thì Ôctavơ. Nên nhớ rằng câu bông lơn chơi chữ của Cơlêôpat là có trước trận Actium và giá không có câu ấy thì chẳng ai còn nhớ đến thành phố Tôrin, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là cái thìa lớn. Các điều trên đây cũng khá mất thì giờ rồi đấy, bây giờ thì xin trở lại lời khuyên ban nãy. Các người anh em ạ, tớ nói lại, đừng hăng, đừng ồn ào, đừng thái quá, ngay trong lời hóm hỉnh, vui đùa, trong say sưa, chơi chữ. Anh em nghe tớ, tớ thận trọng như Amphiarot, tớ lại có một cái đầu hói của Xêda: Cái gì cũng có hạn (Nguyên văn còn có câu La Tinh: Est modus la rebus chơi chữ theo lối rebus cũng phải có hạn). Trò chơi vặt cũng thế. Mà ăn cũng thế. Các vị phu nhân, các vị thích bánh kẹp nhân táo, được nhưng đừng ham ăn quá. Ăn bánh kẹp cũng phải có lương tri và nghệ thuật. Chứng tham ăn sẽ trừng phạt kẻ ăn tham. Cái cổ làm khổ cái bụng. Trời sinh chứng đầy bụng để dạy khôn cho dạ dày. Và, xin nhớ giùm cho điều này: mỗi tính ham mê của chúng ta, kể cả yêu đương, đều có một cái dạ dày mà chúng ta chớ nên cho chứa đầy quá. Bất kỳ cái gì cũng phải biết kịp thời chấm dứt, phải biết kiềm chế mình lúc tình thế khẩn cấp, bụng còn thèm đấy nhưng phải khóa cửa nhốt thèm thuồng, bắt giam thích thú, tự đưa mình đến bót cảnh sát. Kẻ khôn ngoan là kẻ đến một lúc nào đó biết tự trói mình nhận lỗi. Xin các bạn hãy tin tớ một tí. Chẳng gì tớ cũng võ vẽ học luật, các lần thi cử rõ ràng là thế mà. Với lại tớ cũng biết vấn đề chung cứu và vấn đề đương cứu khác nhau như thế nào: tớ cũng đã bảo vệ một luận án bằng tiếng La Tinh về các cách xử nhục hình ở La Mã thời xưa, chưa kể hình như tớ sắp đỗ tiến sĩ, không nhất thiết vì thế mà tớ phải là thằng ngu! Tớ khuyên các bạn nên ham mê cho chừng mực. Điều đó là thật; cũng như tên tớ là Phêlit Tôlômiet, tớ không đùa đâu, tớ nói thật. Kẻ nào lúc cần, biết xử trí một cách dũng cảm và từ bỏ chức vị cao sang của mình như Xinla, hay Origien; kẻ ấy sung sướng thật!
Phavurit lắng nghe rất chăm chú. Nàng nói:
- Phêlit, chữ hay nhỉ! Mình thích cái tên ấy. Tiếng La Tinh đấy, có nghĩa là thịnh vượng mà.
Tôlômiet tiếp:
- Các bạn vương hầu bá tước của tôi ơi! Các bạn có muốn miễn sắm giường cưới, cóc cần tình yêu mà chẳng phải ngứa ngáy trong người tí nào không? Rất đơn giản. Bí quyết chỉ có thế này: uống nước chanh, tập tành cho quá một tí, làm việc nhiều, làm việc nặng cho mệt nhoài vào, đừng ngủ thức cho khuya, tọng vào các thứ nước hơi, nước chát, ngâm các thứ đắng thứ cay vào, cứ thường kỳ nhịn đói thật nghiêm, nhịn đói cho rạc người ra, rồi thì tắm nước lã, lấy lá thuốc nịt bụng, buộc mảnh chì, bôi nước ôxyt chì, xát dấm pha loãng.
- Tớ thì thích đàn bà hơn – Lichtôliê nói.
- Đàn bà! – Tôlômiet đáp – đừng có tin đàn bà. Khốn thay cho những ai đặt lòng tin vào trái tim bất thường của người đàn bà! Đàn bà là quanh co, quỉ quyệt. Họ ghét rắn là vì họ ghen với kẻ cùng loại đó thôi. Rắn là cái cửa hiệu trước mặt hiệu mình.
- Tôlômiet, cậu say rồi – Blasơven kêu lên.
- Cóc say! – Tôlômiet cãi.
- Vậy thì phải vui lên – Blasơven bảo.
- Tớ đồng ý – Tôlômiet đáp lại.
Chàng rót đầy một cốc rượu rồi đứng lên:
- Hoan hô rượu! Bây giờ, hỡi Bacchus, ta hãy uống đi (Nguyên văn: Nume te, Bacche canam! Bacchus: Thần rượu, theo thần thoại Hy Lạp). Xin lỗi các cô, tôi nói tiếng Tây Ban Nha. Chứng cớ đây này: dân xứ nào có cái đựng rượu xứ ấy. Thùng phuy ở Cattidơ chứa mười sáu lít, thùng tô nô ở Alicăng chứa mười hai, ở Canari đến hai mươi lăm, ở Balêa hai mươi sáu, cong chiếc ủng của sa hoàng Pie thì những ba mươi. Ông vua Nga vĩ đại ấy, muôn năm ông ta, nhưng chiếc ủng của ông ta còn vĩ đại hơn, vậy muôn năm chiếc ủng! Thưa các vị phu nhân, đây xin có một lời khuyên tri kỷ, nếu các phu nhân thấy hay hay thì xin các phu nhân cứ nhầm người láng giềng cho. Tình yêu bản chất nó là lang thang. Yêu đương chốc lát thì chuyện gì ngồi chết một chỗ cho mụ người đi như một bõ già, gối chân gối tay chai sần lên tất cả. Đã là chuyện ong bướm thì dại gì, cứ bay lượn vui vẻ! Người ta bảo: nhầm là thuộc tính của tình yêu. Thưa các vị phu nhân, đây yêu tất cả các vị. Dêphin ơi, à Giôdêphin ơi, con người vẻ mặt sau mà nhàu nát quá thế, em sẽ đẹp bao nhiêu nếu em không bị lệch. Mặt em rất đẹp mà tưởng tượng như có ai vô tình ngồi phịch lên trên em ơi! Còn Phavurit, hỡi hằng nga, tiên nữ ơi! Các nàng có biết không? Một hôm Blasơven lội qua suối, anh thấy một cô gái xinh đẹp xắn quần cao ống để hở cặp đùi lồ lộ. Cái màn đầu là lạ ấy, anh chàng ta thích, thế là yêu. Nàng tiên nữ ấy tức là Phavurit. Phavurit ơi! Em có đôi môi đẹp như tranh. Ngày xưa ở Hy Lạp có một họa sĩ tên là Ơphôriông. Ông ta được mệnh danh là nhà họa sĩ vẽ môi. Chỉ có ông ấy mới xứng đáng được vẽ cặp môi em. Tôi nói câu này nhé! Trước em, chẳng có ai xứng đáng là công trình sáng tạo của Chúa cả. Em chính là người sinh ra để nhận quả táo như Vệ nữ hay để cắn vào quả táo như Evơ. Có em, nhan sắc mới ra đời. Tôi vừa nói đến Evơ chứ gì? Em là người sinh ra Evơ đó. Em đáng được cấp bằng phát minh ra con người đẹp vậy. Phavurit ơi, tôi thôi không gọi em bằng em nữa, vì tôi đang từ lĩnh vực thơ ca chuyển sang văn xuôi. Lúc nãy cô nhắc đến tên tôi, điều đó làm tôi cảm động lắm; nhưng cho dù chúng ta là người như thế nào đi nữa, chúng ta cùng đừng tin vào cái tên. Cái tên chẳng đúng tí nào. Tôi tên là “Thịnh vượng” nhưng tôi nào có sung sướng. Chữ nghĩa hay lừa dối lắm. Đừng có nhắm mắt nghe nó chỉ bảo. Thật là sai lầm, nếu viết thư đến thành phố Giăng để mua găng tay (Nguyên văn: Gand và gant, đồng âm) và đến Lyông để mua ly cốc (Nguyên văn: Liège (thành phố) và liêge điên điên, đồng âm). Cô Đalia ạ, tôi như cô tôi lấy tên là Hồng. Hoa phải thơm, cũng như phụ nữ phải thông minh. Còn Phăngtin thì tôi chả dám nói gì cả. Phăngtin là một cây nghĩ ngợi, một cây mơ mộng, một cây suy tưởng, một cây cảm xúc: Phăngtin là một bóng ma có lốt người tiên nữ, có đức e lệ của ni cô, nàng đi lạc vào cõi lả lơi và ẩn mình nơi ảo tưởng, nàng ca hát, nàng cầu nguyện, nàng ngước nhìn mây xanh mà cũng chẳng biết mình trông thấy gì, mình đang làm gì và cứ thế, mắt để trên trời cao, nàng thẩn thơ qua một khu vườn ở đó chim chóc còn nhiều hơn trong thực tế! Phăngtin ơi! Em nên biết điều này: anh Tôlômiet của em là một ảo tưởng đây. Thế nhưng nàng có nghe thấy đâu, cô em tóc vàng chỉ sống với ảo mộng! Dù sao, ở nàng cái gì cũng tươi mát, thơm tho, cũng son sẻ, dịu dàng như ánh ban mai, Phăngtin ơi! Em đáng được gọi là thủy tiên hay bích ngọc, em là con người của xứ sở thần tiên.
Thưa các vị phu nhân, tôi lại có một lời khuyên thứ hai: chớ có lấy chồng. Lấy chồng cũng tỉ như ghép cây, may thì tốt, rủi thì xấu, chi bằng tránh cái rủi may là hơn. Nhưng mà, ngốc! Tôi nói cái gì thế nhỉ! Tôi líu lưỡi mất rồi. Đàn bà, con gái, làm sao mà chữa cho họ lành được cái bệnh “mống chuồn”! (Nói lái) Những người hiểu biết như chúng ta có cái gì thì nói chứ làm sao ngăn các cô khâu đầm khỏi mơ ước một ông chồng giàu sụ? Thôi, cũng được. Nhưng mà các vị này, các vị nhớ cho: các vị ăn nhiều của ngọt quá. Phụ nữ các cô có mỗi một tội, các cô nhấm nháp lắm thứ ngọt. Ôi! Cái giới gặm nhấm kia, những chiếc răng trắng nhỏ xinh của các người ưa thích đường lắm. Các cô nghe cho rõ, đường là một chất muối. Muối thì háo. Đường lại là loại háo nhất trong các chất muối. Nó hút chất nước trong mạch máu; do đó sinh ra máu đông, máu ứ; sinh ra sưng, ra tấy trong phổi và thế là chết. Có thế bệnh đái đường mới dẫn đến bệnh lao. Cho nên các cô chớ có xơi của ngọt nếu các cô muốn sống lâu!
Bây giờ tôi xin nói chuyện với các vị đàn ông. Thưa các vị, các vị cứ chinh đông tảo bắc cho tôi. Các vị cứ cướp bóc người yêu của nhau đi, không cần ăn năn hối hận gì cả. Cứ đánh chéo góc đi, trên tình trường chẳng có bạn với bè gì hết. Có gái đẹp là có tranh chấp. Đánh đến cùng, không chừa, không tha chi cả! Gái đẹp là một cớ gây ra chiến tranh: (Nguyên văn Latinh: Casus bell) có bao nhiêu cuộc xung đột, quả tang là một người đàn bà đẹp! Xưa nay trong lịch sử các cuộc xâm lược đều do cái váy của phụ nữ mà sinh ra cả. Đàn bà là quyền lợi của đàn ông. Rômuylút, Guyôm, Xêda đến đâu đều chiếm lấy gái ở đó. Kẻ không được yêu thì như con kên kên bay lượn trên nhân tình của kẻ khác. Tớ thì tớ hướng về những anh chàng “phòng không” xấu số ấy mà tuyên bố như Bônapac tuyên bố một cách siêu hùng trước quân đoàn Itali của mình: “Hỡi binh sĩ, các người thiếu thốn tất cả. Những gì các người thiếu thốn, quân địch đều có”.
Tôlômiet dừng lại như hết hơi. Blasơven bảo:
- Tôlômiet, cậu nghỉ tí đã.
Cùng lúc đó, Blasơven có Lichtôliê và Phamơi giúp sức, cất giọng xót thương hát một bài hát thợ thuyền. Bài hát như ghép lung tung chữ nọ với chữ kia, có câu có vần rất chỉnh mà có câu không, nội dung vô ý nghĩa như gió thổi cây lay. Những bài hát như thế này, thợ thuyền vừa hút thuốc vừa đặt ra, cho nên nó cũng mau chóng bay đi và tan biến như khói thuốc lá. Đây là một đoạn đáp lại bài hát kêu gọi Tôlômiet:
Kìa các bác gà tây
Tung tiền cho tụi chân tay
Lo cho cái ông Sấm sét
Được phong Giáo hoàng ngày Tết
Nhưng nào có được chi đâu
Sấm sét nào phải thầy tu
Chân tay ta đành tất tưởi
Mang tiền trả các bác gà tây Nhưng bài hát chẳng hề khiến cho dòng cảm hứng của Tôlômiet bớt sôi nổi. Chàng dốc cạn cốc rượu, rót đầy một cốc khác và nói tiếp:
- Đả đảo triết lý! Các vị hãy quên đi các lời tôi vừa nói. Chúng ta đừng nên cố chấp, đừng nên thận trọng, cũng đừng nên quá lành. Ta cứ vui chơi thoải mái đây! Chúng mình phải biết ăn uống, biết ngông cuồng để bổ sung cho các bài luật học. Bội thực và Đigext (Nguyên văn: Digesle, bộ sách luật tập hợp theo lệnh hoàng đế Giuytxtiniêng). Giuytxtiniêng và chè chén phải như đôi vợ chồng. Ấy cái vui nó ở sâu như vậy đó! Hỡi tạo vật! Hãy sống đi! Vũ trụ là một khối kim cương. Tôi thấy mình sung sướng. Chim chóc hân hoan lạ. Đâu đâu cũng như ngày hội! Chim họa mi réo rắt giọng danh ca. Nắng hè ơi! Ta chào người. Hỡi vườn Luychxămbua xinh đẹp, hỡi những bàn tình ca bên gốc cây bờ cỏ! Hỡi những anh lính mơ mộng! Hỡi những cô giữ trẻ xinh tươi, các cô vừa giữ trẻ thơ vừa chơi trò thai nghén trẻ thơ! Giá không có các vòm cửa uốn cong của rạp Ôđêông thì tôi thích những cánh đồng cỏ mênh mông ở Nam Mỹ biết bao nhiêu! Tâm hồn tôi đang bay bổng trên những thảo nguyên, những rừng nguyên thủy tận bên trời. Chao ôi! Cái gì cũng diễm lệ! Con ruồi vo ve trong ánh nắng. Mặt trời hắt hơi ra con chim đỏ lửa. Phăngtin ơi, hôn anh đi!
Chàng ôm nhầm phải Phavurit.


Chương 8: NGỰA CHẾT HẾT CHUYỆN


Dêphin bỗng dưng kêu lên:
- Ở hiệu Êđông cơm ngon hơn ở Bôngbacđa.
- Tớ thích đến Bôngbacđa hơn - Blasơven đáp.
- Ở đó sang hơn. Phương đông hơn. Hãy nhìn phòng dưới nhà. Có gương trên tường đấy.
- Tớ thích có gương trong đĩa hơn (Nguyên văn: glaces vừa có nghĩa là gương vừa có nghĩa là kem) – Phavurit nói.
Blasơven nhấn mạnh:
- Xem dao này. Ở Bôngbacđa cán bạc, ở Êđông cán xương. Bạc thì quí hơn xương.
- Trừ những ai có cái cằm bằng bạc - Tôlômiet chữa lại.
Lúc này chàng đang nhìn vòm mái cung Anhvalit, qua cửa sổ quán Bôngbacđa.
Một phút im lặng trong phòng:
- Này, Tôlômiet – Phamơi nói to – ban nãy tớ và Lichtôliê vừa mới tranh luận đấy.
- Tranh luận, khá đấy – Tôlômiet đáp – cãi cọ hay hơn.
- Chúng tớ tranh cãi về triết học.
- Được.
- Đêcac và Xpinôđa, cậu thích ai hơn?
- Tớ thích Đêđôgiê - Tôlômiet đáp.
Tuyên bố xong điều đó, chàng nhấp một hớp rượu rồi tiếp:
- Tớ đồng ý phải sống. Trên đời này mọi sự chưa phải đã hết bởi vì người ta còn có thể nói quấy nói quá được. Xin cám ơn các vị thần linh bất tử. Người ta nói dối đấy người ta lại cười. Người ta khẳng định nhưng người ta lại nghi hoặc. Từ kiểu tam đoạn luận bật ra những cái bất ngờ. Hay lắm. Dưới gầm trời này hãy còn có người khéo biết dùng cái bất ngờ của ngụy biện! Thưa các vị phu nhân, rượu mà các vị đang yên tĩnh nhấm nháp đây, là rượu Mađe, các vị nên biết, cái xứ sản xuất ra nó, Curanđa Frera ở cheo leo cách mặt biển những ba trăm mười bảy sải! Uống phải coi chừng! Ba trăm mười bảy sải chứ ít đâu! Và ông Bôngbacđa, nhà hàng ăn cừ khôi, lại đem cho ta ba trăm mười bảy sải ấy đổi lấy có bốn phơrăng rưỡi!
Phamơi một lần nữa ngắt ngay:
- Tôlômiet ơi, lời nói của cậu như là khuôn vàng thước ngọc cả. Vậy cậu thích nhà văn nào nhất?
- Béc...
- Canh?
- Không, Su (Berquin: nhà văn Pháp thế kỷ XVIII. Berchoux nhà thơ Pháp 1765-1839).Và Tôlômiet tiếp tục:
- Hoan hô Bôngbacđa! Ví thử ông ta làm sao mà dắt về cho tớ một vũ nữ Ai Cập hay Hy Lạp thì có thua gì các nhà hàng ăn nổi tiếng ở các xứ đó? Tớ nói thế, các vị phu nhân nhà ta có biết không? Ở các xứ ấy cũng có những ông Bôngbacđa như ở ta. Đó là theo lời Apulê. À, té ra bao giờ cũng bấy nhiêu chuyện chẳng có gì mới cả. Trong vòng tạo vật mọi cái đều cũ hết! Xalômông nói: Chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời. Viêcgin nói: Tình yêu là cái chung cho mọi người (Nguyên văn Latinh). Cho nên công nhân gái thì theo sinh viên trai leo lên thuyền buồm ở Xanh Cơlu, cũng như nàng Atxpađi cùng theo Pêricơlét trên hạm đội Xamôt. Xin có một câu cuối cùng. Các vị có biết Atxpađi thế nào không? Atxpađi sống vào thời buổi mà đàn bà coi như không có tâm hồn, thế mà nàng là một tâm hồn rực rỡ, vừa hồng tươi vừa đỏ thẫm, còn nồng cháy hơn lửa, tươi mát hơn bình minh. Atxpađi là nơi gặp gỡ giữa hai cực của người đàn bà: nàng vừa là gái đĩ vừa là nữ thần. Xôcơrat cộng với Manông Lêcô. Nếu Pơrômêtê cần một gái ăn sương thì Atxpađi là người sinh ra để đóng vai ấy.
Tôlômiet đang đà thao thao, khó mà dừng lại được, nếu ngay lúc ấy một con ngựa không lăn đùng ra vệ đường. Nghe đánh sầm một cái là cỗ xe cũng như diễn giả liền đứng sững lại. Thì ra là một con ngựa cái già và gầy đến bật xương, đang kéo một chiếc xe ba gác nặng. Đến trước quán Bôngbacđa, con vật kiệt sức, không chịu bước đi nữa. Thấy lạ, một đám đông dồn lại. Người đánh xe nổi cáu, văng tục. Anh ta vừa giơ roi quật như trời giáng xuống lưng con vật, vừa nghiến răng bật ra tiếng chửi long trọng: “Con chó” thì con vật ngã quị luôn xuống đường, tắt thở. Nghe tiếng người ồn ào ngoài đường, các thính giả vui tươi của Tôlômiet bỗng ngoảnh nhìn ra ngoài. Tôlômiet nhân dịp chấm dứt bài diễn văn của mình bằng mấy vần buồn buồn sau đây:
Trăm năm trong cõi người ta
Số xe phận ngựa cũng là như nhau
Trải qua một cuộc khổ đau
Cái thân ngựa khổ sống lâu được nào!
(Nguyên văn tác giả nhại mấy câu thơ nổi tiếng của Malherbe) Phăngtin thở dài:
- Tội nghiệp con ngựa!
Đalia kêu ngay:
- Coi kìa, cái con Phăngtin này nó lại đòi thương xót cả loài ngựa! Có ai mà ngốc như thế hở trời!
Cùng lúc ấy, Phavurit vòng tay sau gáy, ngả đầu, nhìn thẳng vào Tôlômiet và nói:
- Thế nào? Còn cái món bất ngờ kia đâu?
- Chính là lúc đây. Thưa các ngài, đã đến giờ làm cho các quí nương đây ngạc nhiên. Thưa các vị phu nhân, các vị hãy vui lòng chờ chúng tôi một lát.
Blasơven nói:
- Trò này bắt đầu bằng một cái hôn.
Tôlômiet thêm:
- Trên trán.
Và mỗi chàng trai trịnh trọng hôn lên trán tình nhân mình. Xong họ nối đuôi nhau đi ra cửa, một ngón tay đặt lên môi. Thấy thế Phavurit vỗ tay:
- Chưa gì đã vui rồi đấy.
Phăngtin thỏ thẻ:
- Đừng có đi lâu nhé. Chúng em chờ các anh đấy.


Chương 9: CUỘC VUI TÀN TRONG CẢNH VUI VẺ


Bọn con gái còn lại một mình bèn đem nhau ra cửa sổ. Cứ hai người một, họ tì tay lên bậc cửa, cúi nhòm ra ngoài và tán gẫu, nói chuyện truyền từ cửa này sang cửa kia. Họ trông thấy bọn con trai từ quán Bôngbacđa khoác tay nhau đi ra. Chúng quay lại, vẫy tay cười, rồi đi lẫn vào đám đông đầy bụi bặm của những ngày chủ nhật ở quảng trường Săng Êlidê.
Phăngtin gọi với theo:
- Đừng đi lâu đấy nhé!
Dêphin hỏi bạn:
- Không biết rồi họ mang cái gì về cho chúng ta nhỉ?
- Chắc là đẹp lắm – Đalia bảo.
Phavurit thêm:
- Tớ thì tớ muốn là một thứ đồ vàng.
Rồi họ xao lãng, vì cảnh tấp nập ở phía bờ sông, trông qua màn lá những cây lớn bên đường quá vui mắt. Lúc ấy đương là giờ khởi hành của các chuyến xe thư và hành khách. Hầu hết các xe đi về nam và về tây đều qua Săng Êlidê. Phần lớn chạy dọc bờ sông rồi theo cửa ô Patxy ra khỏi thành phố. Cứ mỗi phút, một cỗ xe lớn sơn vàng và đen chở lặc lè, ầm ầm chạy qua, hình thù méo mó xộc xệch vì mang đầy những hòm, những bọc, những va li, những đầu người thoáng hiện, thoáng khuất. Đá lát đường nát vụn dưới bánh sắt. Cỗ xe dáng giận dữ xông qua giữa đám người, như cả một cái lò bễ tóe lửa và bốc bụi lên như khói. Cảnh huyên náo làm cho các cô thích chí. Phavurit reo:
- Nghe loảng xoảng tợn nhỉ! Như từng đống xích sắt tung bay.
Có một lúc, các cô trông thấy lờ mờ qua màn lá, một chiếc xe dừng lại một thoáng rồi lại phóng lên. Phăngtin lấy làm lạ:
- Lạ chửa! Em cứ tưởng xe chuyến thì chẳng bao giờ đỗ lại.
Phavurit so vai:
- Cái con bé Phăngtin này thật là kỳ! Tao đến phải đi coi mày như một của lạ. Chẳng có cái gì là không làm cho mày ngạc nhiên. Đây nhé: tao là một hành khách; tao dặn người đánh xe: tôi đi lên trước, tôi đón anh ở đường bờ sông. Xe đi, xe trông thấy tao, xe đỗ lại cho tao lên. Ngày nào mà không có chuyện như thế! Em chẳng hiểu gì việc đời cả, em ạ.
Một lát. Bỗng Phavurit như tỉnh giấc:
- Ô này, món quà bất ngờ đâu nhỉ?
Đalia cũng nói:
- Ơ nhỉ! Cái món bất ngờ ghê gớm ấy đâu?
Phăngtin:
- Các anh ấy đi lâu thế:
Phăngtin vừa buông xong tiếng thở dài thì người hầu bàn khi nãy vào, tay cầm cái gì như là một phong thư:
Phavurit mau miệng hỏi:
- Cái gì thế?
- Các ông ấy trước khi đi có để cái giấy này lại cho các bà.
- Sao anh không đưa vào ngay?
- Vì các ông ấy dặn là phải chờ một tiếng đồng hồ rồi hãy đưa.
Phavurit giật tờ giấy trên tay người hầu bàn. Quả là một phong thư:
- Ô này! Thư không đề địa chỉ. Nhưng lại có mấy chữ:
Đây là món quà bất ngờ
Cô vội vàng bóc thư mở ra đọc (cô biết đọc):
“Hỡi các em yêu dấu!
Các em nên biết rằng các anh có cha mẹ. Nói đến cha mẹ, các em chẳng hiểu là cái gì. Dân luật giải thích ngây thơ nhưng đúng: cha mẹ là cha sinh mẹ đẻ. Ấy, cha mẹ của bọn anh đương than vãn, các ông bà già ấy đương gọi các anh về, những con người chất phác ấy mắng các anh là đồ phá gia chi tử. Các cụ mong các anh về, các cụ hứa mổ bò ăn khao. Các anh vốn là những đứa có hiếu nên phải tuân lời. Lúc các em đọc tờ giấy này cũng là lúc bốn con ngựa hăng máu đang chở bọn anh về với các cụ. Bọn anh dùng chước “thừa cơ lẻn bước ra đi” như nhà thơ đã nói. Các anh đi đây, các anh đi thẳng. Các anh tẩu bằng xe, các anh bay bằng cánh. Chuyến xe Tulu đang kéo các anh ra khỏi vực thẳm, vực thẳm ấy chính là các em, hỡi các cô bé xinh đẹp! Các anh trở về với cha mẹ, với bổn phận, với nề nếp. Các anh phóng nước đại, tốc độ ba dặm một giờ. Tổ quốc muốn rằng các anh phải như thiên hạ, nghĩa là cũng làm quận trưởng, cũng lấy vợ đẻ con, cũng làm lính tuần phòng hay bộ trưởng. Các em nên tôn thờ các anh. Các anh đã tự hy sinh đây. Các em hãy khóc các anh sơ qua một tí thôi, rồi liệu chong chóng tìm người thay chân các anh. Nếu lá thư này vò xé lòng các em thì các em vò xé trả. Thôi, vĩnh biệt nhé.
Trong ngót hai năm, các anh đã làm cho các em sung sướng. Vậy đừng nên oán thán các anh.
Ký tên: Blasơven
Phamơi
Lichtôliê
Tôlômiet
Tái bút: “Bữa cơm đã thanh toán” Bốn cô nhìn nhau.
Phavurit lên tiếng trước:
- Thế nào! Gọi là một trò hí kịch cũng phải đấy chứ!
Dêphin:
- Buồn cười thật đấy!
Phavurit lại nói:
- Đây chắc là sáng kiến của anh chàng Blasơven. Nó làm cho mình càng say mê hắn. Cứ hễ người ta đi thì mình lại đâm yêu người ta, chuyện đời là thế!
Đalia cãi:
- Không đâu. Chính là ý kiến của Tôlômiet. Khó gì mà không nhận thấy.
- Nếu vậy thì – Phavurit lại nói – đả đảo Blasơven, hoan hô Tôlômiet!
Cả lũ phá ra cười.
Phăngtin cũng cười như các bạn.
Một giờ sau, khi về đến buồng riêng, Phăngtin khóc. Đây là mối tình đầu của nàng, ta đã biết. Phăngtin đã hiến thân hoàn toàn cho Tôlômiet như đối với một người chồng và tội nghiệp, nàng đã có con.


Nguồn: http://forums.vinagames.org/