QUYỂN 2: CHIẾC TÀU ÔRIÔNG
Chương 1: SỐ 24.601 TRỞ THÀNH SỐ 9.430
Giăng VanGiăng đã lại bị bắt.
Bạn đọc sẽ lấy làm hài lòng khi thấy chúng tôi lướt qua các chi tiết đau thương. Chúng tôi chỉ xin chép ra đây hai mẩu thời sự đăng trên các báo ngày ấy, mấy tháng sau khi xảy ra những việc lạ lùng ở Môngtơrơi Xuya Me.
Những bài báo ấy hơi sơ lược. Chúng ta nhớ rằng thời ấy chưa có Tư pháp nhật báo.
Chúng tôi lấy bài thứ nhất ở tờ Lá cờ trắng, số ra ngày 25 tháng 7 năm 1823.
“Ở một quận thuộc tỉnh Pa-đơ-Cale vừa xảy ra một việc lạ thường. Một người không phải nguyên quán ở đấy tên là ông Mađơlen, mấy năm nay nhờ những phương pháp mới đã chấn hưng một nền công nghiệp vốn có sẵn ở địa phương, là nghề làm đồ huyền và đồ thủy tinh đen. Nhờ thế hắn đã làm giàu và phải nói cũng làm giàu cho cả quận. Để tưởng lệ công lao, người ta đã cử hắn làm thị trưởng. Gần đây sở cảnh sát phát hiện cái ông Mađơlen ấy chính là một tên tù khổ sai trốn quản thúc, tên là Giăng VanGiăng hiện đã bị tống lao lại. Hình như trước khi bị bắt, hắn đã kịp đến ngân hàng Laphit rút ra số tiền hơn năm mươi vạn gửi tại đó; nói cho đúng thì số tiền ấy hắn kiếm được rất chính đáng trong kinh doanh, người ta bảo thế. Không ai biết khi bị bắt giam lại vào ngục Tulông, Giăng VanGiăng đã giấu số tiền ấy ở đâu”.
Bài báo thứ hai, nhiều chi tiết hơn một chút, trích ở tờ Paris nhật báo, cũng ngày ấy:
“Một tên tội phạm đã được phóng thích tên là Giăng VanGiăng vừa mới phải ra trước tòa đại hình hạt Va trong những trường hợp khá ly kỳ. Tên đại bợm này đã lừa bịp được cả con mắt tinh tế của sở cảnh sát; hắn đổi tên và tìm cách xoay được chân thị trưởng ở một thành phố nhỏ miền Bắc. Hắn lại đặt được một cơ sở kinh doanh khá lớn ở thành phố ấy. Nhưng cuối cùng, nhờ sự mẫn cán không mệt mỏi của công tố viên, hắn đã bị lột mặt nạ và bị bắt. Hắn có một con vợ không cưới xin, nguyên là một gái giang hồ; lúc chồng bị bắt thì con vợ sợ quá mà chết! Tên khốn kiếp ấy, khỏe như vâm, đã tìm cách trốn thoát nhà giam nhưng chỉ ba, bốn hôm sau, cảnh sát lại bắt được hắn, ở ngay Paris, giữa lúc nó sắp sửa đáp một chiếc xe nhỏ chạy con đường từ thủ đô đến làng Môngphecmây (tỉnh Xen-ê-Oađơ). Người ta đồn rằng hắn lợi dụng ba, bốn ngày được tự do ấy để rút một số tiền to gửi ở một nhà ngân hàng lớn tại thủ đô. Số tiền ấy ước có đến sáu, bảy mươi vạn phơrăng. Theo bản cáo trạng thì hắn đã chôn số tiền ấy ở một nơi chỉ mình hắn biết, vì thế, chưa lọt vào tay cảnh sát. Dù sao, tên Giăng VanGiăng cũng vừa bị truy tố trước tòa đại hình hạt Va; hắn bị khép vào tội cướp đường có vũ khí, xảy ra khoảng tám năm về trước; nạn nhân là một đứa trẻ lương thiện trong đám thiếu niên đã được “Lão trượng Phécnê” (Mệnh danh của nhà văn và nhà triết học tiến bộ Pháp Vônte thế kỷ XVIII, Phécnê một thị trấn ở sát Thụy Sĩ, nơi Vônte cư trú 20 năm lúc về già) diễn tả trong bài thơ bất hủ:
Các em từ đất Xavoa
Hàng năm trở lại, đi qua vùng này
Các em đưa nhẹ bàn tay
Chùi lau ống khói bám đầy muội đen.
Tên tướng cướp ấy đành cam không chối cãi. Viện công tố đã khôn khéo và hùng hồn chứng tỏ rằng Giăng VanGiăng ăn cướp có tùng đảng và hắn có chân trong một ổ trộm cướp ở miền Nam. Do đó, tòa tuyên bố Giăng VanGiăng là tội phạm và khép án tử hình. Tên tội phạm ấy không xin chống án lên tòa phá án. Hoàng thượng đã lấy lượng khoan hồng như trời bể mà ban đặc ân cho được đổi thành án khổ sai chung thân. Lập tức Giăng VanGiăng bị giải ra nhà lao Tulông”.
Người ta không quên rằng khi ở Môngtơrơi Xuya Me, Giăng VanGiăng đã tỏ ra mộ đạo. Cho nên một vài tờ báo, trong đó có tờ Lập hiến trình bày việc chuyển giảm tội hình này như một thắng lợi của phái công giáo.
Vào nhà lao, Giăng VanGiăng đổi số hiệu. Bây giờ tên hắn là 9.430.
Cũng nên nói ngay điều này để khỏi phải trở lại: Mất ông Mađơlen, thị trấn Môngtơrơi Xuya Me cũng mất cảnh phồn vinh. Tất cả những điều ông ta dự đoán trong đêm thao thức và lên cơn sốt đã xảy đến. Mất ông, thị trấn đã mất cái linh hồn. Ông sụp đổ thì ở thị trấn cũng xảy ra việc chia của ích kỷ, việc xâu xé thầm lặng những phồn vinh sau khi các cuộc đời lớn sụp đổ. Đó là điều tất nhiên trong cộng đồng nhân loại, tuy lịch sử chỉ nói đến có một lần vì nó diễn ra sau khi Alêcxăng chết (Alexandre, vua xứ Maxêđoan, sống vào thế kỷ thứ III trước công nguyên. Là nhà quân sự thiên tài, ông đã chinh phục một đế quốc rộng lớn bao gồm Hy Lạp, Tây Á, Ba Tư, một phần Ấn Độ. Các tướng lĩnh của ông đánh nhau dữ dội để giành đất đai ngay sau khi ông chết). Tướng lĩnh xưng vương sau khi hoàng đế băng hà, đốc công cũng tự tôn làm nhà sản xuất sau khi ông chủ qua đời. Sự cạnh tranh đố kỵ diễn ra. Các xưởng thợ rộng lớn đóng cửa các tòa nhà đổ nát. Thợ thuyền phân tán, người bỏ xứ, kẻ bỏ nghề. Từ đấy chỉ có sản xuất nhỏ, không còn nền công nghiệp qui mô ngày trước. Người ta sảm xuất vụ lợi chứ không vì lợi ích công cộng. Không có trung tâm, đâu đâu cũng chỉ có cạnh tranh, cạnh tranh khốc liệt. Ngày xưa ông Mađơlen ở trên tất và điều khiển tất. Ông đổ xuống, mỗi người đều cố kéo mối lợi về mình. Óc đấu đá chiếm chỗ của óc tổ chức, lòng hám lợi thay lòng nhân ái. Ngày xưa ông chủ sáng lập ân cần sốt sắng với tất cả mọi người, ngày nay mọi người thù hằn nhau. Những chỉ buộc của ông Mađơlen ngày xưa bây giờ rối mù và đứt tung. Người ta làm gian dối trong sản xuất, làm mất phẩm chất của sản phẩm, do đó không được khách hàng tín nhiệm nữa. Người mua ít đi, đơn đặt hàng giảm sút. Tiền công bớt. Các xưởng hết việc. Rồi phá sản. Không còn phúc lợi gì cho kẻ khó nữa. Tất cả đã tan như mây khói.
Nhà nước cũng nhận thấy có ai bị đè chết ở đâu đây. Không đầy bốn năm sau khi tòa đại hình thẩm định ông Mađơlen và tên tù khổ sai Giăng VanGiăng chỉ là một và tống người ấy vào nhà lao, thì ở quận Môngtơrơi Xuya Me, phí tổn như thuế cũng tăng lên gấp đôi. Ông Đơ Vilen đã nhận xét điều đó trên diễn đàn nghị viên vào hồi tháng 2 năm 1827.
Chương 2: NƠI CÓ HAI CÂU THƠ CÓ LẼ LÀ CỦA QUỈ SỨ
Trước khi kể tiếp, cũng nên nhắc lại có chi tiết một chuyện lạ lùng xảy ra ở Môngphecmây cũng dạo ấy; câu chuyện này có lẽ không phải là không ăn khớp với mấy điều phỏng đóa của viện công tố.
Ở vùng Môngphecmây có một điều mê tín từ lâu đời, kỳ thú và quí báu bởi vì một điều mê tín dân gian tồn tại ở gần Paris cũng hiếm có như cây cúc mốc ở Tây-bá-lợi-á. Chúng tôi thuộc hạng người quí trọng tất cả những gì như loại cây hiếm có. Cho nên cái điều mê tín ở Môngphecmây là thế này: người ta cho là từ đời hồng hoang, quỉ sứ đã chọn rừng để giấu của. Những bà cả tin nói quyết rằng nhiều lần người ta bắt gặp lúc hoàng hôn, ở những quãng vắng trong rừng, một người đen đủi, có vẻ là một anh đánh xe tải hay một anh đốt than, đi guốc, mặc quần áo vải, rất dễ nhận diện vì đầu chẳng có mũ nón gì, chỉ có hai cái sừng dài. Đúng là dấu hiệu đó dễ nhận ra thật. Người ấy thường mãi đào lỗ. Gặp vậy, có ba lối thoát. Cách thứ nhất là đến hỏi han người ấy. Bấy giờ sẽ nhận thấy đó chỉ là một nông dân, đen đủi vì lúc ấy trời nhá nhem; y không đào lỗ mà chỉ cắt cỏ cho bò; cái tưởng là sừng thì chỉ là một cái chĩa hai để xới phân đeo ở sau lưng; hai cái răng sắt như từ đầu mọc lên vì nhìn trong bóng tối. Thế là khi về nhà, người ta chết nội trong tuần lễ. Cách thứ hai là cứ quan sát, chờ cho nó đào lỗ xong, lấp lại và đi khỏi. Bấy giờ hãy chạy nhanh đến lỗ, bới đất lên và cuỗm ngay cái kho của mà con người đen đủi tất phải chôn. Trường hợp này, người gặp sẽ chết trong tháng. Cách thứ ba là đừng nói năng gì với nó hết, đừng nhìn nó, cứ việc vắt chân lên cổ mà chạy tránh. Như thế thì sẽ chết trong năm.
Vì ba phương pháp đều lưu hại cả nên người ta thường chọn cách thứ hai vì ít ra nó cũng mang đến cho vài cái lợi, đặc biệt là cái lợi có một kho của, dù chỉ có tạm trong vòng một tháng. Vì thế, những người bạo gan chỉ thích thử thời vận, nghe nói họ thường bới cái hố của người đen đủi ra và thử đánh cắp quỉ sứ. Hình như kết quả cũng tầm thường thôi. Ít ra, đó cũng là điều mà truyền thuyết khẳng định. Đặc biệt người ta thấy ý nghĩa đó trong hai câu thơ bí ẩn bằng tiếng Latinh cổ lỗ do một tu sĩ hổ mang kiêm phù thủy xứ Nócmăngđi tên là Tơriphông để lại. Mộ tên Tơriphông ấy ở tu viện Xanh Giórgiơ Bôsecvin, gần thành Ruăng. Cóc sinh sôi trên mộ ấy.
Người ta hì hục – những hố quỉ chôn của ấy thường sâu lắm – người ta đổ mồ hôi, người ta đào bới, người ta vất vả trọn một đêm – công việc ấy làm vào đêm thôi – người ta làm, ướt cả sơ-mi, hết cả nến, mẻ cả cuốc. Cuối cùng, khi đào đến đáy hố, khi với tới “kho của”, thì người ta tìm thấy gì? “Kho của” quỉ sứ là gì? Một đồng xu, đôi khi một đồng êquy hoặc một hòn đá, một bộ xương người, một xác chết còn chảy máu; có khi đó là một con ma gấp tư như một tờ giấy gấp để trong ví da, cũng có khi không có gì cả. Đó là những cái mà mấy câu thơ của Tơriphông có vẻ báo cho bọn hiếu kỳ tò mò biết.
Nó đào lên và ở dưới hố tối đen, nó giữ những kho tàng
Tiền đồng, tiền bạc, đá, xác chết, tượng và mọi thứ linh tinh.
(Nguyên văn: Fodit, et in fossa thesaures condit opaca, As, nummos, lapides, cadaver, simulacra, nibilque)
Ngày nay, hình như cũng có khi người ta tìm thấy hoặc một bọc thuốc súng và đạn, hoặc một cỗ bài cũ vàng ố và nhầy mỡ, chắc chắn là của lũ quỉ dùng để chơi với nhau. Tơriphông không ghi hai vật này, vì lẽ dễ hiểu là Tơriphông sinh sống ở thế kỷ XII và không có vẻ gì là quỉ sứ đã tài tình phát minh ra thuốc súng trước Rôgie Bacon, bài Tây trước Sáclơ VI.
Cần phải nói thêm là ai đem bài đó ra đánh thì thua tất cả gia tài, còn thuốc súng trong bọc đó, nếu đem bắn thì y như rằng nó làm nổ toác súng vào mặt anh.
Ít lâu sau cái ngày viện công tố tưởng rằng tên phạm nhân Giăng VanGiăng trong mấy ngày trốn thoát ra ngoài đã lảng vảng ở quanh Môngphecmây, thì người ta để ý đến, ở ngay làng đó, những hành tung bí mật trong rừng của một người phu lục lộ già tên là Bulatơruyen. Dân chúng có nghe nói tên này trước cũng phải tù, bây giờ vẫn bị cảnh sát theo dõi, nhưng vì hắn không tìm ra việc làm, nên nhà nước phải mượn hắn làm phu lục lộ với đồng lương rẻ mạt để hắn trông nom con đường tắt từ Ganhi sang Lanhi.
Cái lão Bulatơruyen ấy không được người địa phương đánh giá tốt. Lão lễ phép quá, khiêm nhường quá, gặp ai cũng giở mũ, đứng trước cảnh sát thì vừa run sợ vừa cười nhăn nhở. Người ta nói lão có chân trong các đảng trộm cướp và nghi lão thường núp rình xó rừng vào lúc nhá nhem. Điều duy nhất có thể thanh minh cho lão là lão nghiện rượu.
Đây là những điều người ta cho là đã nhận thấy:
Ít lâu nay, Bulatơruyen nghỉ việc hàng ngày rất sớm và vác cuốc đi vào rừng. Người ta gặp lão vào đêm ở những quãng rừng thưa vắng nhất hoặc rậm rạp nhất, dáng bận tìm kiếm một cái gì, một đôi khi đang đào lỗ. Gặp hắn, lúc đầu cá bà tưởng là Bendêbuýt, sau khi nhận ra là Bulatơruyen thì cũng chả yên tâm hơn chút nào. Những cuộc gặp gỡ ấy có vẻ làm cho hắn ta rất khó chịu. Rõ ràng là lão muốn trốn con mắt thiên hạ và trong hành động của lão có cái gì bí ẩn đây.
Dân làng kháo nhau: “Rõ ràng là quỉ đã hiện. Bulatơruyen đã trông thấy quỉ cho nên hắn sục sạo. Hiển nhiên là hắn mà ôm được cái kho của Chúa quỉ thì, coi như mệnh hắn đi đứt”. Bọn hoài nghi nói thêm: ‘Chẳng biết ai lừa ai, Bulatơruyen lừa quỉ hay quỉ lừa Bulatơruyen?” Các bà già thì luôn tay làm dấu thánh giá.
Nhưng rồi Bulatơruyen cũng thôi không vào ra sục sạo trong rừng nữa và lại làm việc đều đặn. Người ta cũng không bàn tán về việc ấy nữa.
Tuy nhiên cũng còn có mấy kẻ tò mò. Họ nghĩ rằng trong chuyện này có lẽ không có những kho của dị thường nói trong truyền thuyết, mà hẳn là một món bở gì thiết thực hơn và đáng giá hơn những giấy bạc của quỉ sứ. Chắc là lão phu chữa đường đã khám phá được một phần điều bí mật đó. Ông hương sư và anh chủ quán Tênácđiê là những người “băn khoăn” nhất, Tênácđiê thân với tất cả mọi người, kể cả Bulatơruyen. Hắn nói:
- Bulatơruyen đã làm khổ sai trên tàu biển ư? Ối dào! Biết ai đã ở đó, biết ai sẽ đến đó!
Một buổi tối, ông hương sư nói rằng giá ngày trước thì tòa án đã điều tra xem Bulatơruyen đi vào làm gì trong rừng ấy và chắc là hắn ta phải khai ra. Nếu cần thì người ta tra khảo và hẳn là Bulatơruyen không chịu nổi ngón đòn tàu lặn.
- Thôi thì ta dùng đòn rượu đi – Tênácđiê nói.
Thế là họ cố chạy vạy để mời rượu lão phu lục lộ già. Bulatơruyen uống rất nhiều mà nói rất ít. Với một nghệ thuật đáng khâm phục, lão điều hòa sự đói khát của một đứa phàm phu với tính kín đáo của một quan tòa, theo một tỉ lệ khoa học. Tuy nhiên, nhờ tấn công ráo riết và đối chiếu, vắt nắn những lời lẽ mập mờ lão buột miệng nói ra, Tênácđiê và ông giáo cũng đoán được những điều sau đây:
Một hôm, sáng tinh mơ, Bulatơruyen đi làm như thường lệ, chợt thấy ở một xó rừng, trong bụi rậm, một cái xẻng và một cái cuốc, hình như có ai giấu ở đấy. Song, hắn nghĩ là có lẽ cái xẻng, cái cuốc ấy là của lão gánh nước thuê Xíchphua, nên cũng chẳng để ý làm gì. Nhưng chiều tối hôm ấy, hắn thấy “một người lạ, không phải là người làng, mà hắn thì hắn biết rõ lắm”: người ấy rẽ từ đường đi sâu vào trong rừng nơi rậm nhất; chắc chắn là người kia không trông thấy hắn, bởi vì có một gốc cây che khuất. Người lạ mặt mang một gói gì vuông vuông hình như là một cái hộp lớn hay một cái hòm nhỏ. Bulatơruyen ngạc nhiên hết sức; mãi bảy, tám phút sau hắn mới nảy ra ý nghĩ theo dõi “kẻ lạ”. Nhưng chậm quá rồi; kẻ lạ đã ở trong rừng sâu mà trời lại sập tối, nên theo không kịp. Thế là hắn đành đứng rình ở bìa rừng. Trăng sáng. Hai ba tiếng đồng hồ sau, Bulatơruyen mới thấy kẻ lạ kia từ rừng sâu đi ra, tay xách một xẻng và một cái cuốc chứ không phải cái hòm nhỏ như lúc nãy. Hắn để mặc người kia đi chứ không dám gọi lại hỏi; hắn nghĩ là người ấy khỏe gấp ba hắn, lại có cuốc trong tay, người kia mà nhận ra được hắn và biết mình đã bị lộ mặt thì thế nào hắn cũng bị đánh chết. Nhưng cái xẻng và cái cuốc đã soi cho hắn một tia ánh sáng; hắn chạy đến chỗ bụi rậm ban sáng thì chẳng thấy cuốc với xẻng đâu cả. Hắn kết luận rằng kẻ lạ vào rừng chỉ là để lấy cuốc đào hố chôn cái hòm và lấy xẻng lấp đi. Cái hòm nhỏ quá, không bỏ vừa một xác chết, vậy chỉ là hòm đựng tiền. Thế là hắn ra công dò tìm. Bulatơruyen sục sạo, thăm dò, chui rúc khắp cả khu rừng, chỗ nào đất có vẻ mới đào lên là hắn xục tới. Nhưng không ăn thua gì.
Hắn chẳng “kiếm” được gì hết. Ở Môngphecmây, không ai nghĩ đến cái chuyện ấy nữa. Chỉ có vài mụ lắm mồm miệng có gan nói: “Hãy cứ tin rằng cái lão phu lục lộ Ganhi ấy chẳng dại hành thân hoại thể như vậy để mà chơi. Chắc chắn là có quỉ sứ hiện”.
Chương 3: XIỀNG SẮT MÀ ĐẬP MỘT BÚA ĐÃ GẪY TAN THÌ CHẮC ĐÃ CÓ KẺ CHUẨN BỊ BẺ TỪ TRƯỚC
Vào khoảng cuối tháng mười cũng năm 1823 đó, nhân dân thành phố Tulông thấy chiếc tàu biển Ôriông vừa qua một cơn bão táp ngoài biển, cập bến để sửa chữa mấy chỗ hư hỏng. Chiếc tàu này về sau dùng làm tàu huấn luyện thủy quân ở Bơrét, nhưng lúc ấy, tàu thuộc hạm đội Địa-trung-hải.
Chiếc tàu chiến bị sóng dập gió dồi đã trở nên quặt quẹo, nhưng nó vẫn làm cho người ta chú ý. Nó kéo cờ tướng lệnh gì không biết mà được chào bằng mười một phát đại bác nghi lễ và cũng đáp lại với số tương đương thành ra đã có tất cả là hai mươi hai tiếng đại bác rền lên khi tàu cập bến. Người ta tính ra cứ mỗi ngày đêm, thế giới văn minh bắn mắt mười lăm vạn phát thuốc súng đại bác vô ích về những việc chào mừng, những nghi lễ đế vương và quân sự, những trao đổi lễ nghĩa, những hiệu lệnh, những nghi thức nhập cảng, nhập thành, những lễ chào mặt trời mọc, mặt trời lặn ở tất cả các thành trì và những việc phù phiếm khác. Cứ cho là mỗi phát tiêu tốn sáu phơrăng, thì mỗi ngày có chín mươi vạn, mỗi năm ba trăm triệu thực sự tan thành khói. Một khoản nhỏ nhặt thôi mà! Trong khi đó thì người nghèo cứ chết đói.
Năm 1823 là năm mà nền quân chủ phục hưng gọi là “thời kỳ chiến tranh Tây Ban Nha”.
Cuộc chiến tranh ấy gồm nhiều biến cố chứa đựng trong một biến cố duy nhất và vô số những điều đặc biệt. Một việc gia đình lớn trong dòng họ Buốcbông; chi Buốcbông ở Pháp viện trợ và che chở cho chi Buốcbông ở Madrit, nghĩa là nó thực hiện nghĩa vụ huynh trưởng; một sự phục hồi những truyền thống dân tộc lẫn khuynh hướng phục tùng và phụ thuộc đường lối của các nội các phương Bắc; công tước Ănggulem, mà các tờ báo tự do mệnh danh là Người anh hùng Ăngduygia, công tước Ănggulem đang dồn ép chủ nghĩa khủng bố thực sự của nhà thờ, chủ nghĩa khủng bố này xung đột với chủ nghĩa khủng bố huyền ảo của phái tự do, nhưng dáng điệu đắc thắng không hợp với vẻ mặt hiền hòa của công tước; những người cộng hòa phục sinh dưới danh hiệu đêcamixađô khiến cho những bà quả phụ hưởng quyền thừa kế đâm ra lo sợ; chủ nghĩa quân quyền coi sự tiến hóa là hỗn loạn và ngăn trở nó; những nguyên lý của cách mạng 89 bị gián đoạn đột ngột trong cơn bão táp; châu Âu hô “Họ!” với tư tưởng Pháp đang chạy vòng quanh quả đất; bên cạnh đại tướng tổng tư lệnh người Pháp, hoàng thân Carihăng, sau này là Sáclơ Anbe, đầu quân trong đạo thập tự viễn chinh của vua chúa chống nhân dân các nước, dưới danh nghĩa là một lính pháo thủ tình nguyện, ngù vai bằng len đỏ; lính của hoàng đế lại ra trận sau tám năm nghỉ ngơi, nhưng bây giờ già cả, buồn bực, chiến đấu dưới cờ hiệu trắng; cờ tam tài thì bây giờ chỉ có một dúm nhỏ người Pháp anh dũng nhất ở nước ngoài, cũng như cờ trắng ở Côblăng ba mươi năm trước; tu sĩ chen lẫn trong binh lính ta; tư tưởng tự do và tân tiến bị lưỡi lê khuất phục; nguyên tắc bị đạn đại bác vùi dập; nước Pháp dùng vũ khí hủy hoại những gì nó đã xây dựng bằng tư tưởng. Ngoài ra còn có sự mua chuộc những tướng lĩnh phía thù, sự do dự của binh lính, những thành phố bị vây hãm bằng tiền ức bạc triệu. Không có những hiểm họa chiến trường nhưng cũng có những vụ bùng nổ, như trong hầm mỏ; ít đổ máu, ít vinh dự, nhục nhã cho vài người và không vinh quang cho ai cả. Đó, cái trận chiến tranh do các vua chúa cháu chắt của Lui XIV gây nên và các tướng lĩnh mà Napoleon đào tạo tiến hành. Buồn làm sao! Nó không khiến cho người ta nghĩ đến những cuộc chiến lớn hay những sự kiện chính trị lớn.
Cũng có đôi chiến tích quan trọng. Chẳng hạn việc hạ Trôcađêrô là một chiến công xuất sắc. Nhưng chung qui, chúng tôi lặp lại, những loa, còng của cuộc chiến tranh này nghe như có tiếng rạn. Toàn cuộc có cái gì đáng ngờ, nước Pháp nuốt có phần nghẹn ngào cuộc chiến thắng giả này và lịch sử cũng đồng tình vậy. Hình như một số chỉ huy Tây Ban Nha có nhiệm vụ kháng chiến đã chịu thua một cách quá dễ dàng, cho nên khái niệm mua bán cứ phảng phất trong danh từ chiến thắng. Hình như người ta đã mua được hơn là đánh được các tướng lĩnh bên thù. Giờ khải hoàn mà người lính chiến thắng lại cảm thấy bị nhục. Đúng là một cuộc chiến tranh làm bé mình đi, một cuộc chiến tranh mà trong những nếp của quân kỳ, người ta đọc thấy chữ Ngân hàng Pháp quốc.
Nhiều cựu binh năm 1808, mà thân xác xuýt bị vùi trong cảnh sụp đổ dữ dội của thành Xaragôtxô, đã cau mày trước những thành trì dễ dàng mở cửa cho họ vào năm 1823. Họ đâm ra tiếc rẻ Palaphôtx. Cái tính khí Pháp là như vậy; thà đối địch với Rôtxtôpkin (Rostopkine: tổng đốc thành Mạc Tư Khoa, đã đốt cháy thành phố để cho đội quân xâm lược của Napoleon bị đói, rét – 1812) chứ không thiết có kẻ thù là Banlexterotx.
Còn có một điểm quan trọng hơn mà chúng ta cũng cần phải chú ý. Cuộc chiến tranh ấy, đã làm tổn thương tinh thần thượng võ nước Pháp còn bôi nhọ tinh thần dân chủ. Đó là một công cuộc nô dịch hóa người ta. Người lính Pháp do chế độ dân chủ đẻ ra, thế mà mục tiêu của họ trong trận này là dành cho được một cái ách cho vai cổ nhân dân một nước khác. Một phản nghĩa ghê tởm! Nước Pháp sinh ra để thức tỉnh các dân tộc chứ không phải để bóp nghẹt họ. Từ năm 1792, tất cả những cuộc cách mạng ở Châu Âu đều là cách mạng Pháp. Tự do tỏa sáng từ Pháp. Đó là một hiện tượng nhật quang. Chỉ có kẻ mù mới không nhìn thấy! Chính Bônapac đã nói điều đó.
Chiến tranh 1823 là một xúc phạm đối với dân tộc Tây Ban Nha hào hiệp, đồng thời là một xúc phạm đối với cách mạng Pháp. Vụ hành hung quái gở và to tát ấy chính là do nước Pháp làm ra. Bằng bạo lực. Bởi vì trừ những cuộc chiến tranh giải phóng, thì những gì quân đội làm, họ đều làm bằng bạo lực. Danh từ phục tùng thụ động chứng tỏ điều đó. Một đạo quân là một công trình tổ hợp kỳ quặc và tuyệt diệu trong đó sức mạnh nẩy sinh từ một tổng số những bất lực. Đó là sự giải thích về chiến tranh, do nhân loại tiến hành chống nhân loại, bất chấp nhân loại.
Về phần dòng họ Buốcbông, thì chiến tranh 1823 đã làm hại họ. Họ tưởng đó là một thắng lợi. Họ có thấy đâu sự nguy hiểm gây ra do dùng mệnh lệnh mà giết tư tưởng. Họ ngây thơ đến độ đem cái suy yếu lớn do tội ác gây nên làm nhân tố hùng mạnh của chế độ. Tư tưởng đánh úp len vào đường lối chính trị. 1830 nẩy mầm ở 1823. Trong các hội nghị của họ, chiến dịch Tây Ban Nha trở thành một luận cứ để bảo vệ những bạo hành và những cuộc hành quân vì quyền vị thiêng liêng. Nước Pháp đã phục hồi nhà vua (Nguyên văn: el rey neto) ở Tây Ban Nha, thì cũng có thể phục hồi nền quân chủ chuyên chế ở nước mình. Dòng họ Buốcbông phạm một sai lầm ghê gớm là lẫn lộn sự phục tùng của người lính với sự đồng ý của quốc gia. Tin tưởng như vậy thì mất ngôi dễ như chơi. Không nên ngủ dưới bóng cây măngxơniliê (Nguyên văn: mancenillier, một loại cây có quả độc và nhựa độc đến nỗi người ta tin rằng ngủ dưới bóng nó cũng đủ chết) cũng như dưới bóng quân đội.
Chúng ta hãy trở lại với chiếc tàu Ôriông.
Trong những chiến dịch do hoàng thân tổng tư lệnh chỉ huy có một hạm đội tuần hành trong Địa trung hải. Chúng ta đã nói chiến hạm Ôriông ở trong hạm đội ấy và nó chạy vào cảng Tulông là do bão biển làm hư hỏng.
Chiến hạm mà vào đỗ ở cảng thì quần chúng kéo đến xem và mải miết với nó. Bởi vì nó lớn mà quần chúng thì thích cái lớn.
Một đại chiến hạm là sự phối hợp kỳ diệu của thiên tài con người với sức mạnh hùng hậu của thiên nhiên.
Một đại chiến hạm là sự hợp nhất của cái gì nặng nhất với cái gì nhẹ nhất bởi vì nó có quan hệ song song với ba hình thái của vật chất: thể rắn, thể lỏng và thể hơi, và đồng thời phải đối phó với ba hình thái ấy. Nó có mười một bộ vuốt sắt để bám đá dưới đáy biển và còn có nhiều cánh, nhiều râu hơn loại bọ để hứng gió trên tầng mây. Hơi thở của nó thoát ra từ một trăm hai mươi họng đại bác, như từ những cái kèn khổng lồ và dõng dạc trả lời cho sấm sét. Đại dương muốn cho nó lạc nẻo trên mặt nước với ngàn vạn đợt sóng giống nhau kinh khủng, nhưng nó có một linh hồn, đó là cái la bàn để hướng dẫn và luôn chỉ hướng Bắc cho nó. Trong những đêm tối, đèn hiệu của nó thay thế sao trời. Như thế là chống với gió, tàu có dây và vải, chống với nước thì có gỗ, với đá thì có sắt, đồng và chì, chống với bóng tối, có ánh đèn, chống với mênh mông, có một cái kim.
Ai muốn có một ý niệm về những kích thước khổng lồ làm nên một đại chiến hạm thì hãy vào trong một thân tàu sáu hầm được che đậy ở cảng Bơretx hoặc cảng Tulông. Chiến hạm được đóng ở đấy có thể nói là đang đặt trong một cái chuông. Chiếc đòn khổng lồ này là một trục buồm: cái trụ gỗ to tướng nằm dưới đất dài như vô tận ấy là cái cột buồm cái. Nếu tính từ gốc ở đáy tàu lên tận đỉnh chót vót trên mây, thì cột buồm cao ngót một trăm hai mươi mét, đường kính ở gốc là một mét. Cột buồm cái Ănglê ngất ngưởng bảy mươi mét trên mặt nước. Hải quân của ông cha là dùng dây cáp, hải quân ngày nay dùng xích sắt. Riêng đống xích của một hạm trang bị một trăm đại bác đã cao một mét tư, rộng bảy mét, sâu hai mét rưỡi. Cần bao nhiêu gỗ để đóng chiếc tàu ấy? Ba nghìn mét khối. Cả một khu rừng nổi.
Nên chú ý đây là mới nói đến chiếc tàu chiến bốn mươi năm về trước, tức là chiếc tàu buồm. Lúc bấy giờ hơi nước còn đang ở bước đầu. Từ ấy đến nay hơi nước đã đưa thêm vào chiếc tàu chiến tuyệt vời nhiều điều kỳ diệu mới. Chẳng hạn, hiện nay chiếc tàu chân vịt hỗn hợp là một cỗ máy lạ lùng chịu sức đẩy đưa của một bộ buồm rộng tổng cộng ba nghìn mét vuông và một nồi hơi mạnh hai nghìn năm trăm ngựa.
Không nói đến những kỳ quan mới ấy, chiếc tàu của Cơritxtôphơ Côlông và Ruyte xưa kia cũng đã là một kiệt tác vĩ đại của loài người. Sức mạnh của nó vô tận cũng như gió trong cõi vô biên. Nó chứa gió trong buồm, nó tiến tới chính xác trên những giàn sóng dàn trải bao la, nó bềnh bồng như nó ngự trị.
Tuy nhiên, có một giờ phút nào đó bão tố bẻ gãy cái trục buồm hai mươi mét đó như một cọng rạ, gió uốn cong như một cây lau cái cột buồm một trăm hai mươi mét, chiếc neo một vạn cân gập trong họng súng cũng như cái lưỡi câu trong mồm con cá quả, những cỗ đại bác khổng lồ gầm lên thảm thương vô ích, tiếng gào thét cứ theo gió biệt tăm vào đêm tối và khoảng không, tất cả sức mạnh và oai hùng của con tàu trong giờ phút ấy bị hủy hoại bởi một sức mạnh và oai hùng cao hơn.
Khi một sức mạnh vô tận triển khai để đi đến một sự suy yếu vô cùng, nó thường bắt con người phải suy nghĩ. Do đó mà có sự tụ tập của những người tò mò quanh những công cụ chiến tranh và hàng hải ấy, tuy họ không hiểu thật rõ ràng họ đến vì lẽ gì.
Ngày nào cũng vậy, từ sớm đến chiều, các đê, các bờ bến đều chật ních những kẻ vô công rồi nghề, những người lêu lổng – như ở Paris người ta gọi – họ chỉ có mỗi một việc là đến xem chiếc tàu Ôriông.
Tàu Ôriông là một chiếc tàu bệnh hoạn từ lâu. Trong những hành trình trước đây, nhiều lớp hà dày cộm đã bám lên vỏ tàu, đến nỗi làm mất một nửa tốc độ. Năm trước, người ta đã kéo tàu lên cạn để cạy hà, sau đó cho đi biển lại. Nhưng việc cạy hà cũng làm thương tổn đến hệ bù-loong ở vỏ tàu. Đến ngang quần đảo Balêa, sườn tàu mỏi mệt đã long lở; thời bấy giờ, vỏ tàu chưa được bọc bằng tôn cho nên nước đã lọt vào. Một cơn gió mạnh tiết thu phân thổi đến đã làm vỡ mũi tàu bên trái cùng với một cửa sổ và làm hư hại bộ dây buồm mũi. Sau những hư hại đó, tàu Ôriông trở về Tulông. Tàu bỏ neo ở gần Binh công xưởng thủy quân. Tàu đang trang bị và được đem chữa. Vỏ tàu về phía bên phải không có chỗ nào hỏng, nhưng theo lệ thường, người ta tháo mấy cái nẹp sắt ra để lùa không khí vào trong sườn tàu.
Một buổi sáng, đám người đi xem tàu được chứng kiến một tai nạn.
Bọn thủy thủ đang buộc buồm vào trục. Bỗng người thủy thủ phụ trách cầm mép buồm vuông bên hữu mất thăng bằng. Anh ta lảo đảo. Đám người tụ tập ở bến Binh công xưởng hét lên một tiếng. Anh ta lộn cổ xuống, quay một vòng quanh trục buồm, tay buông thõng xuống vực thẳm. Anh ta giơ vội một tay, rồi hai tay nắm được cái bậc thang giả và cứ thế người treo lủng lẳng. Bên dưới anh ta là biển sâu thăm thẳm. Cái bậc thang giả bị va mạnh, đu đưa như một cái đu. Người ấy cứ lủng lẳng đưa đi đưa lại ở đầu dây, chẳng khác gì hòn đá ở cái dây bắn đá.
Trèo lên để cứu anh ta là một việc nguy hiểm ghê người. Bọn thủy thủ toàn là dân chài mới tuyển mộ, thế mà không một người nào dám mạo hiểm. Lúc ấy, người thủy thủ bất hạnh đã mệt mỏi lắm; tuy không thấy được nét mặt khiếp đảm của anh ta, nhưng cứ trông cái chân, cái tay cũng biết là anh ta đã kiệt sức. Hai cánh tay bị kéo căng thẳng ghê gớm. Mà mỗi lần cố co tay leo lên thì cái bậc thang lại đu mạnh thêm. Anh ta không kêu, sợ mất sức. Ai cũng chỉ còn chờ cái giây phút anh phải buông tay và chốc chốc người ta ngoảnh mặt đi để khỏi phải trông thấy cảnh tượng anh rơi xuống. Có những lúc một mẩu dây thừng, một con sào, một cành cây là cả sự sống, cho nên thật là khủng khiếp phải trông một sinh mệnh từ đấy rơi xuống như một quả chín muồi.
Bỗng thấy một người leo lên cái dây gò cột buồm, nhanh thoăn thoắt như một con mèo rừng. Người ấy mặc quần áo đỏ, vậy ra là một tên tù khổ sai, hắn lại đội một cái mũ vải xanh, vậy ra là một tên tù chung thân. Hắn leo đến tầng trên cột buồm thì gió đánh bạt chiếc mũ, để lộ một cái đầu bạc phơ; vậy ra không phải là một thanh niên.
Đúng thế, một tên tù khổ sai, cùng làm trên tàu với cả bọn tù nhân, ngay từ phút đầu đã chạy đến chỗ viên sĩ quan trực nhật, xin phép được liều mình cứu anh thủy thủ, giữa lúc mọi người luống cuống chưa biết làm thế nào, giữa lúc mọi thủy thủ đều run sợ và chịu bó tay. Viên sĩ quan vừa gật đầu thì người ấy lấy búa đập một nhát gãy ngay chiếc xiềng xích chân rồi vơ lấy một cuộn thừng và leo lên dây buồm. Lúc ấy, chẳng ai để ý xem tại sao chiếc xiềng lại dễ gẫy thế. Mãi sau người ta mới nghĩ đến chuyện ấy.
Trong nháy mắt, người ấy đã lên đến tận trục buồm. Hắn dừng lại vài giây, hình như để lấy mắt ước lượng dài ngắn thế nào. Trong lúc thân người thủy thủ treo lủng lẳng ở đầu dây, gió đưa đi đưa lại, thì vài giây đồng hồ ấy, người đứng nhìn ở dưới thấy lâu như hàng mấy thế kỷ. Sau cùng, hắn ngước mắt nhìn trời rồi bước lên một bước. Ai nấy đều thở phào. Rồi thấy hắn chạy trên trục. Đến đầu trục, hắn lấy ra cuộn dây thừng đem theo lúc nãy, buộc một đầu vào trục rồi thả đầu kia xuống; thật là vô cùng khủng khiếp, vì bây giờ không chỉ có một người treo lơ lửng trên vực thẳm nữa, mà là hai người.
Trông hệt như một con nhện sắp bắt một con ruồi, nhưng đây là con nhện mang lại cái sống chứ không phải cái chết. Hàng vạn con mắt chăm chăm nhìn hai người đó. Không một tiếng kêu, không một lời nói, cơn hồi hộp chung khiến họ nhíu cả lông mày lại. Ai nấy đều nín thở, tưởng như sợ rằng hơi thở ở miệng mình góp thêm sức cho gió đu đưa hai kẻ khốn cùng.
Thế nhưng, tên tù cũng lần được xuống tới gần người thủy thủ. Vừa kịp! Giá chậm một phút thì người kia iệt sức và tuyệt vọng sẽ buông tay cho rơi người xuống vực. Tên tù một tay bám dây thừng, một tay lấy thừng buộc chặt người kia lại. Rồi người ta thấy hắn leo lên trục, kéo cả người thủy thủ lên và đặt anh ta ở đó; hắn nâng đỡ anh ta một lát để anh ta lấy lại sức, xong lại cắp lấy anh ta mà mang từ đầu trục đến chốt cột buồm, rồi lại từ chốt cột buồm đến tận chỗ sàn tầng trên; bấy giờ hắn mới giao anh thủy thủ cho các bạn anh.
Công chúng vỗ tay vang dậy; có những anh lính già coi tù ứa nước mắt trên bến, các bà ôm lấy nhau mà hôn. Muôn miệng nhất loạt thét to, tiếng thét vừa dữ dội vừa xúc động: “Ân xá cho người ấy!”
Tên khổ sai lúc ấy vội vã xuống ngay để trở về với công việc khổ dịch. Hắn bám vào dây buồm tụt xuống cho nhanh, rồi chạy trên cái trục dưới. Bao nhiêu con mắt dều nhìn theo hắn. Đến một lúc, mọi người sợ hãi thấy hắn ngập ngừng rồi lảo đảo: Chắc là hắn mệt quá hoặc choáng váng. Bỗng mọi người kêu thét lên: hắn vừa rơi xuống biển!
Tên tù khổ sai xấu số rơi vào một chỗ quá nguy hiểm. Hắn lọt xuống giữa hai chiếc tàu chiến: tàu Ôriông và tàu Angiêđira đậu cạnh nhau. Chỉ sợ hắn ngụp xuống dưới bụng của một trong hai chiếc tàu. Bốn người vội vàng nhảy xuống một chiếc xuồng. Dân chúng cổ vũ họ. Sự hồi hộp lo âu lại trở về. Không thấy hắn nổi lên mặt nước. Hắn chìm xuống biển như rơi xuống một thùng dầu, không một vết sóng gợn. Người ta thăm dò người ta lặn kiếm. Vô hiệu. Tìm mãi đến tối cũng không thấy xác hắn.
Hôm sau tờ nhật báo Tulông đăng mấy dòng sau đây: “17 tháng 11 năm 1823 – Hôm qua, một tên tù làm việc khổ dịch trên tàu Ôriông, sau khi cứu được một thủy thủ, đã ngã xuống biển chết đuối. Không tìm thấy xác hắn. Người ta đồn rằng hắn bị mắc vào hàng cọc ở chỗ mỏm gần Binh công xưởng. Tên tù ấy số 9.430, tên là Giăng VanGiăng”.
Nguồn: http://forums.vinagames.org/