8/4/13

Những người khốn khổ (P2-Q7-C1-5)

PHẦN 2: CÔDÉT


QUYỂN 7: TRONG DẤU NGOẶC ĐƠN


Chương 1: NHÀ TU, Ý NIỆM


Quyển sách này là một tấm thảm kịch mà nhân vật thứ nhất là vô biên.
Con người là nhân vật thứ hai.
Thế rồi, vì trên con đường của chúng ta có một nhà tu, chúng ta phải đi vào nhà tu ấy. Vì sao? Bởi vì nhà tu, phương đông có, phương tây có, ngày xưa có, ngày nay cũng có, đạo thiên nhiên, đạo Phật, đạo Hồi cũng như đạo Giatô cũng có. Nhà tu là một bộ máy quang học mà con người dùng để soi vào vô biên.
Đây không phải là chỗ khai triển quá mức độ một vài ý niệm, tuy vậy, mặc dầu gìn giữ triệt để sự dè dặt, những giới hạn và cả niềm công phẫn, chúng tôi phải nói rằng, mỗi khi gặp trong một con người cái vô biên, được hiểu đúng hay hiểu sai, chúng tôi cũng cảm thấy một niềm tôn kính. Ở trong nhà thờ Do Thái, trong thánh thất đạo Hồi, trong chùa Phật, trong miếu mạo của người da đỏ, ở đâu cũng có một mặt xấu xa mà ta ghê tởm và một mặt cao siêu mà ta tôn thờ. Một sự chiêm ngưỡng cho trí tuệ, một sự mơ mộng vô biên; ánh sáng phản chiếu của Chúa, trên các bức tường nhân loại!


Chương 2: NHÀ TU, SỰ KIỆN LỊCH SỬ


Đứng về phương diện lịch sử, phương diện lý trí và chân lý chế độ nhà tu đều bị kết án.
Các nhà tu, khi quá đông trong một nước, là những cái nút làm nghẽn giao thông, những tổ chức kềnh càng vướng vít, những trung tâm lười biếng ở những chỗ phải có những cơ sở lao động. Những nhà tu đối với tập thể rộng lớn của xã hội cũng như tầm gửi mọc trên cây sồi, như cái mụn cóc mọc trên thân người. Nó mà phát triển, phình ra, thì xã hội nghèo khổ đi. Chế độ nhà tu, tốt trong thời kỳ phát triển đầu tiên của các nền văn minh, cần thiết để làm giảm bớt bằng tinh thần cái phần tàn bạo, man rợ, trở thành có hại cho các dân tộc đang thời tráng kiện. Và đến lúc nó đã lỏng lẻo và đi vào thời kỳ rời rã, vô kỷ luật, mà vẫn được coi là những tấm gương, thì nó trở thành xấu xa vì tất cả những lý do đã khiến nó có lợi ích trong thời kỳ trong sáng của nó.
Cái tục tu kín đã hết thời. Các nhà tu kín, có ích trong giai đoạn sơ khai của công việc giáo dục trong nền văn minh hiện đại, đã trở thành trở ngại cho sự lớn mạnh và có hại cho sự phát triển của văn minh. Đứng về mặt tổ chức xã hội và phương thức đào tạo con người, những nhà tu có bổ ích hồi thế kỷ thứ X, đã trở thành phải ngờ vực ở thế kỷ XV và đến thế kỷ XIX thì đáng ghét. Cái bệnh phong nhà tu ấy đã gặm gần đến tận xương tủy hai quốc gia rực rỡ: nước Ý và nước Tây Ban Nha, một nước có ánh sáng, một nước là vinh quang chói lọi của cả châu Âu trong nhiều thế kỷ. Thế mà ngày nay hai quốc gia nổi tiếng này mới bắt đầu phục hồi nhờ cái chế độ điều dưỡng tốt lành và mạnh mẽ của 1789 (Cách mạng Pháp 1789).
Đặc biệt nhà tu Tây Ban Nha thì thật thê thảm. Trong bóng tối, dưới những vòm đầy sương mù, những mái tròn đầy bóng đen, sừng sững những bàn thờ đồ sộ như tháp Baben, cao như những nhà thờ; trong nhà tu ấy có những dây xích lủng lẳng trong bóng tối với những thập tự giá trắng khổng lồ; trong nhà tu ấy những tượng Giêsu lớn, bằng ngà voi, trần truồng nằm trên gỗ mun đen; không chỉ rớm máu mà đầm đìa máu; vừa ghê rợn, vừa huy hoàng, với khuỷu tay giơ xương, với bánh chè chằng chịt, với những vết thương giơ thịt, đầu đội mũ gai bạc, đóng đanh vàng, với những máu trên trán bằng ngọc hồng bảo và trong mắt những giọt nước mắt bằng kim cương. Những hạt kim cương, những hạt hồng bảo như ướt, khiến cho những con người, mặt che mạng, quỳ ở dưới, khóc trong bóng tối, những con người mà lưng, sườn thâm tím bởi những mũi nhọn của chiếc dây lưng, của chiếc roi da, mà đôi vú ép nát dưới mảnh giáp mây đan, đầu gối loét vì mãi quỳ cầu nguyện. Những người phụ nữ ấy tưởng mình là vợ, những bóng ma tưởng mình là thiên thần. Những người phụ nữ ấy có suy nghĩ không? Không. Có ước muốn không? Không. Có yêu thương không? Không. Có sống không? Không. Thần kinh của họ đã trở thành những khúc xương; xương của họ đã trở thành đá. Mạng che mặt của họ đan bằng bóng đêm dày đặc. Hơi thở của họ dưới tấm mạng tương tự như hơi thở bi thảm của cái chết. Mẹ nhất, một hồn ma, thần thánh hóa họ và khủng bố họ. Tinh thần trinh khiết của Chúa ở đó, cứng nhắc dữ dội: những nhà tu xưa của Tây ban Nha là thế đó. Hang ổ của sự tín ngưỡng kinh khiếp. Hang hầm của gái đồng trinh, những chốn những nơi hung dữ.
Tây Ban Nha gia tô còn La Mã hơn chính La Mã. Nhà tu kín Tây Ban Nha là nhà tu thuần túy gia tô. Người ta thấy ở đó hơi hướng của phương đông. Đức Tổng giám mục là một thứ kislar – aga của trời. Khóa chặt và rình mò cả cái cung cấm giam giữ những linh hồn giành cho Chúa. Cô mụ là cung nữ, giáo sĩ là hoạn quan. Trong mơ những cô gái sùng đạo được chọn hầu chăn gối Chúa. Ban đêm, người thanh niên trẻ, đẹp, trần truồng, từ trên thập tự giá bước xuống và làm cho cả phòng tu kín khoái lạc. Những bức tường cao ngăn cách nàng vương phi mộ đạo kia – mà Chúa thượng là người bị đóng đanh trên cây thánh giá với mọi lạc thú của cuộc đời. Một cái nhìn lọt ra ngoài là một sự thất tiết. Cái in paxơ thay thế cho cái bọc da. Ở phương đông người ta ném xuống biển, ở phương tây người ta vùi xuống đất, cả hai nơi, người phụ nữ quờ quạng đôi cánh tay: người này dìm giữa dòng người, người kia vùi trong hố. Đây người chết chìm, kia người chết chôn. Một cảnh song hành kinh khủng.
Những kẻ bào chữa cho quá khứ, ngày nay không thể chối cãi những điều đó, đã giả tảng cười xòa. Người ta đã phổ biến một biện pháp tiện lợi và lạ lùng, là bưng bít, thủ tiêu tất cả những phát hiện của lịch sử, phủ nhận những điều bình luận của triết học, lẩn tránh tất cả những sự việc làm cho họ lúng túng và tất cả những chuyện đen tối. Một số người tinh ranh bảo: “Chỉ để khoa trương”. Một số thằng khờ lặp lại: “Khoa trương”. Giăng Giắc Rútxô: khoa trương. Điđơrô: khoa trương. Vonterơ nói về Calaxơ, La Barơ và Xiêcven: khoa trương. Tôi không biết gần đây ai đã chứng minh rằng Taxitơ là một kẻ khoa trương, rằng bạo chúa Nêrông là một nạn nhân và nhất là bảo phải rỏ nước mắt xót xa cho số phận “của gã Hôlôphecnơ đáng thương”.
Những sự việc không phải dễ đảo ngược, sự việc cứ kiên trì tự báo. Người viết quyển sách này, chính mắt đã trông thấy cách Bơxuyxen tám dặm – nơi đó là dấu vết của thời kỳ trung cổ mà ai cũng có thể mó tay được, ở nhà tu Đơvilơ, những cái hố “bỏ quên” giữa cánh đồng cỏ, trước đây là sân nhà tu và ở bên bờ sông Đilơ, bốn cái hầm đá, nửa ngầm sâu dưới đất nửa mặt nước. Đó là những in pace (Nguyên văn Latinh: nơi yên nghỉ). Mỗi cái hầm ấy còn một mảnh cửa sắt, một hố xí và một cái cửa sổ có gióng sắt, bên ngoài cao hơn mặt nước sáu tấc, bên trong cao hơn mặt đất hai mét. Gần mét rưỡi nước chảy bên ngoài tường. Đất lúc nào cũng ẩm ướt. Người ở trong cái in pace nằm ngay trên mặt đất ẩm ấy. Trong một cái hầm có một khúc gông gắn vào tường, trong một cái hầm khác có một thứ hộp vuông làm bằng bốn tấm đá, ngắn không đủ để nằm, thấp không đủ để đứng. Người ta bỏ vào đó một con người và đậy lên một nắp đá. Tất cả cái đó có thực, sờ sờ trước mắt, dưới tay. Có thực, những cái in pace ấy, những cái hầm ấy, những cái bản lề sắt, những chiếc cùm, những cái cửa sổ cao, nước sông chảy bên cạnh ngang tầm, cái hòm đá với nắp đá đóng kín như một cái mồ, chỉ khác ở chỗ xác ma ở đây là người sống – cái đất bùn ấy, cái hố tiêu ấy, những bức tường rỉ nước ấy “khoa trương làm sao!”

Nhà tu, như trước kia ở Tây Ban Nha và bây giờ ở Tây tạng, đối với văn minh là một thứ bệnh lao. Nó chặn đứng mạch sống. Nó làm cho dân số sụt hẳn đi, làm vãn người đi. Vào nhà tu kín cũng như bị hoạn. Nhà tu kín đã là một tai họa ở châu Âu. Phải thêm vào đó tất cả những áp bức kiềm chế lương tri, những vụ khấn nguyện miễn cưỡng, chế độ phong kiến dựa vào chế độ nhà tu kín, chế độ trưởng nam dốc vào nhà tu kín cái số con thừa trong gia đình, những cảnh tàn bạo ta vừa nói đến, các cái in pace, những cái miệng gắn xi, những bộ óc bưng kín, bao nhiêu trí tuệ thông minh xấu xố bị giam giữ trong lời khấn nguyện vĩnh viễn, cái trò “mặc áo dòng” chôn sống những linh hồn đang sống. Cộng những nhục hình cá nhân vào những suy đồi dân tộc, thì bất cứ bạn là người thế nào, bạn sẽ phải rùng mình ghê tởm trước cái áo thầy tu và cái màn che mặt, hai tấm vải liệm do con người sáng chế ra.
Thế mà ở một vài điểm, ở một vài nơi, bất chấp triết học, bất chấp sự tiến bộ, cái tinh thần nhà tu kín vẫn tồn tại dằng dai, giữa thế kỷ XIX và một sự tái khởi kỳ quặc của khuynh hướng khổ hạnh đang làm cho chế độ cổ hủ cứ muốn tồn tại mãi mãi giống như lọ nước hoa đã trở mùi vẫn đòi được thoa vào mái tóc, con cá ươn vẫn muốn được người ăn, chiếc áo trẻ con vẫn đòi mặc vào cho người lớn và sự âu yếm của những xác chết muốn trở về ôm hôn người sống.
Chiếc áo cũ bảo: Đồ vô ơn, ta đã che chở cho người trong những ngày gió mưa, lạnh rét, sao bây giờ người không thèm nhờ ta nữa? Con cá bảo: Ta từ biển khơi về đây. Mùi hương hả bảo: Xưa ta là hoa hồng. Xác chết bảo: Ta đã yêu dấu các người. Tu viện nói: “Ta đã làm cho các người văn minh hơn”.
Chỉ có một câu trả lời cho tất cả những câu nói ấy: “Vâng, xưa kia!”
Mơ ước sự tồn tại vô tận của những cái đã chết và quyền thống trị của những xác ướp, khôi phục lại những nguyên lý đã tàn tạ, thếp vàng lại những cái khung đã nhạt, tô đắp lại những nhà tu kín, ban phúc lại những hộp thánh vật, trang hoàng lại cho những tà giáo, tiếp sức cho những cuồng tín, tra cán lại cho những cần rẩy nước thánh và những thanh gươm, khôi phục chế độ nhà tu kín và chế độ quân phiệt, tin tưởng rằng càng nhiều kẻ ăn bám thì xã hội loài người sẽ được cứu vớt, đặt cái ách của quá khứ lên cổ hiện tại, thật là kỳ lạ. Thế mà cũng có những lý thuyết gia bảo vệ những lý thuyết ấy. Họ cũng là những người thông thái, trí tuệ lớn, họ sử dụng một biện pháp rất đơn giản: họ quét lên quá khứ một nước sơn mà họ gọi là trật tự xã hội, quyền của Chúa, đạo lý, gia đình, tôn kính tổ tiên, uy quyền xưa, truyền thống thiêng liêng, tôn giáo và họ bô bô lên khắp nơi: Hãy coi đây, hỡi những người lương thiện, những người hiểu biết, hãy dùng cái này. Cái kiểu lý luận ấy đã cũ rích. Những thầy cúng La Mã vẫn dùng, họ quét vôi lên mình một con bò cái đen và tuyên bố: đây con bò cái trắng! Boc cretatus (Tiếng Latinh).
Về phần chúng tôi, đôi khi ở nơi này, ở nơi khác, chúng tôi tôn trọng quá khứ và bất cứ ở đâu chúng tôi cũng giữ kín không động chạm đến quá khứ, chỉ cần là quá khứ đã chết thì cứ nằm yên. Nếu nó cứ muốn sống lại thì chúng tôi đả phá nó và chúng tôi cố gắng giết chết nó.
Dị đoan, mê tín, nước đôi, giả đạo đức, thành kiến, những con trùng ấy mặc dù là trùng, vẫn cố bám lấy cuộc sống, những cái hình dáng hơi khói ấy có cả nanh và cả vuốt. Phải vật lộn với chúng, tuyên chiến với chúng và đánh chúng không ngừng, vì đây là một cái tai họa oan nghiệt của nhân loại: là mãi mãi phải đánh với những bóng ma. Bóng ma thì khó mà tóm được cổ, khó mà quật ngã.
Một nhà tu kín ở nước Pháp, giữa cái giờ chính ngọ của thế kỷ 19, đó là một đàn cú đối đầu với ánh sáng ban ngày. Một nhà tu kín, một tội phạm quả tang về khổ hạnh giữa cái xã hội của 89 của 1830 và 1848 (Cách mạng 1789, 1830 và 1848). La Mã nở rộ giữa Paris, quả là một điều lầm lẫn về thời đại. Bình thường, để làm tan một lầm lẫn về thời đại, chỉ cần bảo nhắc lại cái số nghìn trong niên đại thôi. Nhưng chúng ta không sống trong thời bình thường.
Hãy chiến đấu!
Chiến đấu nhưng có phân biệt. Bản chất của chân lý là không bao giờ cực đoan. Chân lý có cần gì phải cường điệu. Có cái phải tiêu diệt, có cái chỉ cần soi sáng và nhìn vào. Nhìn nghiêm chỉnh và độ lượng, có sức mạnh nào bằng! Không phải đem lửa đến nơi chỉ cần có ánh sáng soi rọi.
Vậy nên, vì sống ở thế kỷ 19, nói chung, chúng tôi phản đối chế độ tu kín khổ hạnh bất cứ ở một dân tộc nào, bất cứ ở châu Á, ở châu Âu, ở Ấn Độ hay ở nước Thổ. Nói nhà tu nghĩa là nói ao đầm lầy lội. Uế khí ở đây là dĩ nhiên và ao tù làm hại vệ sinh; hơi nước bốc men làm các dân tộc lên cơn sốt, khô héo dần, những nhà tu lan tràn khắp nơi trở thành mụn nhọt Ai Cập. Chúng ta không thể không rùng mình kinh sợ khi nghĩ đến những nước mà bọn thầy tu, phakia và đecvisơ nhúc nhúc như là sâu bọ.
Nói như vậy xong, vẫn có vấn đề về tôn giáo. Vấn đề này có những mặt huyền bí hầu như ghê gớm. Ta hãy nhìn thẳng vào vấn đề này.


Chương 3: TÔN TRỌNG QUÁ KHỨ VỚI ĐIỀU KIỆN NÀO


Nhà tu, như trước kia ở Tây Ban Nha và bây giờ ở Tây tạng, đối với văn minh là một thứ bệnh lao. Nó chặn đứng mạch sống. Nó làm cho dân số sụt hẳn đi, làm vãn người đi. Vào nhà tu kín cũng như bị hoạn. Nhà tu kín đã là một tai họa ở châu Âu. Phải thêm vào đó tất cả những áp bức kiềm chế lương tri, những vụ khấn nguyện miễn cưỡng, chế độ phong kiến dựa vào chế độ nhà tu kín, chế độ trưởng nam dốc vào nhà tu kín cái số con thừa trong gia đình, những cảnh tàn bạo ta vừa nói đến, các cái in pace, những cái miệng gắn xi, những bộ óc bưng kín, bao nhiêu trí tuệ thông minh xấu xố bị giam giữ trong lời khấn nguyện vĩnh viễn, cái trò “mặc áo dòng” chôn sống những linh hồn đang sống. Cộng những nhục hình cá nhân vào những suy đồi dân tộc, thì bất cứ bạn là người thế nào, bạn sẽ phải rùng mình ghê tởm trước cái áo thầy tu và cái màn che mặt, hai tấm vải liệm do con người sáng chế ra.
Thế mà ở một vài điểm, ở một vài nơi, bất chấp triết học, bất chấp sự tiến bộ, cái tinh thần nhà tu kín vẫn tồn tại dằng dai, giữa thế kỷ XIX và một sự tái khởi kỳ quặc của khuynh hướng khổ hạnh đang làm cho chế độ cổ hủ cứ muốn tồn tại mãi mãi giống như lọ nước hoa đã trở mùi vẫn đòi được thoa vào mái tóc, con cá ươn vẫn muốn được người ăn, chiếc áo trẻ con vẫn đòi mặc vào cho người lớn và sự âu yếm của những xác chết muốn trở về ôm hôn người sống.
Chiếc áo cũ bảo: Đồ vô ơn, ta đã che chở cho người trong những ngày gió mưa, lạnh rét, sao bây giờ người không thèm nhờ ta nữa? Con cá bảo: Ta từ biển khơi về đây. Mùi hương hả bảo: Xưa ta là hoa hồng. Xác chết bảo: Ta đã yêu dấu các người. Tu viện nói: “Ta đã làm cho các người văn minh hơn”.
Chỉ có một câu trả lời cho tất cả những câu nói ấy: “Vâng, xưa kia!”
Mơ ước sự tồn tại vô tận của những cái đã chết và quyền thống trị của những xác ướp, khôi phục lại những nguyên lý đã tàn tạ, thếp vàng lại những cái khung đã nhạt, tô đắp lại những nhà tu kín, ban phúc lại những hộp thánh vật, trang hoàng lại cho những tà giáo, tiếp sức cho những cuồng tín, tra cán lại cho những cần rẩy nước thánh và những thanh gươm, khôi phục chế độ nhà tu kín và chế độ quân phiệt, tin tưởng rằng càng nhiều kẻ ăn bám thì xã hội loài người sẽ được cứu vớt, đặt cái ách của quá khứ lên cổ hiện tại, thật là kỳ lạ. Thế mà cũng có những lý thuyết gia bảo vệ những lý thuyết ấy. Họ cũng là những người thông thái, trí tuệ lớn, họ sử dụng một biện pháp rất đơn giản: họ quét lên quá khứ một nước sơn mà họ gọi là trật tự xã hội, quyền của Chúa, đạo lý, gia đình, tôn kính tổ tiên, uy quyền xưa, truyền thống thiêng liêng, tôn giáo và họ bô bô lên khắp nơi: Hãy coi đây, hỡi những người lương thiện, những người hiểu biết, hãy dùng cái này. Cái kiểu lý luận ấy đã cũ rích. Những thầy cúng La Mã vẫn dùng, họ quét vôi lên mình một con bò cái đen và tuyên bố: đây con bò cái trắng! Boc cretatus (Tiếng Latinh).
Về phần chúng tôi, đôi khi ở nơi này, ở nơi khác, chúng tôi tôn trọng quá khứ và bất cứ ở đâu chúng tôi cũng giữ kín không động chạm đến quá khứ, chỉ cần là quá khứ đã chết thì cứ nằm yên. Nếu nó cứ muốn sống lại thì chúng tôi đả phá nó và chúng tôi cố gắng giết chết nó.
Dị đoan, mê tín, nước đôi, giả đạo đức, thành kiến, những con trùng ấy mặc dù là trùng, vẫn cố bám lấy cuộc sống, những cái hình dáng hơi khói ấy có cả nanh và cả vuốt. Phải vật lộn với chúng, tuyên chiến với chúng và đánh chúng không ngừng, vì đây là một cái tai họa oan nghiệt của nhân loại: là mãi mãi phải đánh với những bóng ma. Bóng ma thì khó mà tóm được cổ, khó mà quật ngã.
Một nhà tu kín ở nước Pháp, giữa cái giờ chính ngọ của thế kỷ 19, đó là một đàn cú đối đầu với ánh sáng ban ngày. Một nhà tu kín, một tội phạm quả tang về khổ hạnh giữa cái xã hội của 89 của 1830 và 1848 (Cách mạng 1789, 1830 và 1848). La Mã nở rộ giữa Paris, quả là một điều lầm lẫn về thời đại. Bình thường, để làm tan một lầm lẫn về thời đại, chỉ cần bảo nhắc lại cái số nghìn trong niên đại thôi. Nhưng chúng ta không sống trong thời bình thường.
Hãy chiến đấu!
Chiến đấu nhưng có phân biệt. Bản chất của chân lý là không bao giờ cực đoan. Chân lý có cần gì phải cường điệu. Có cái phải tiêu diệt, có cái chỉ cần soi sáng và nhìn vào. Nhìn nghiêm chỉnh và độ lượng, có sức mạnh nào bằng! Không phải đem lửa đến nơi chỉ cần có ánh sáng soi rọi.
Vậy nên, vì sống ở thế kỷ 19, nói chung, chúng tôi phản đối chế độ tu kín khổ hạnh bất cứ ở một dân tộc nào, bất cứ ở châu Á, ở châu Âu, ở Ấn Độ hay ở nước Thổ. Nói nhà tu nghĩa là nói ao đầm lầy lội. Uế khí ở đây là dĩ nhiên và ao tù làm hại vệ sinh; hơi nước bốc men làm các dân tộc lên cơn sốt, khô héo dần, những nhà tu lan tràn khắp nơi trở thành mụn nhọt Ai Cập. Chúng ta không thể không rùng mình kinh sợ khi nghĩ đến những nước mà bọn thầy tu, phakia và đecvisơ nhúc nhúc như là sâu bọ.
Nói như vậy xong, vẫn có vấn đề về tôn giáo. Vấn đề này có những mặt huyền bí hầu như ghê gớm. Ta hãy nhìn thẳng vào vấn đề này.


Chương 4: NHÀ TU VỀ PHƯƠNG DIỆN NGUYÊN TẮC


Nhiều người họp nhau và sống chung với nhau. Căn cứ trên quyền gì? Quyền tự do lập hội.
Họ đóng cửa ở trong nhà của họ. Theo quyền gì? Quyền của mọi người mở hay đóng cửa nhà mình.
Họ không đi ra ngoài. Theo quyền gì? Quyền tự do đi lại, trong đó vô hình chung có quyền ở trong nhà của họ. Ở đấy, ở trong nhà họ, họ làm gì?
Họ nói sẽ, họ luôn luôn nhìn xuống, họ lao động, họ từ bỏ cuộc đời xa hoa, từ bỏ thành thị, những cái vui thể xác, lạc thú, hư danh, kiêu hãnh, quyền lợi riêng. Họ mặc đồ len gai hay đồ vải thô. Không một ai trong bọn họ có cái gì là của riêng. Khi vào đấy, kẻ giàu trở thành nghèo, của riêng họ có, họ đem cho mọi người. Kẻ mà người ta vẫn gọi là quý phái, quý tộc, ngài lãnh chúa phong kiến, ở đây bình đẳng với người nông dân. Buồng tu của mọi người đều giống nhau. Mọi người đều húi tóc, đều mặc một thứ áo tu, đều ăn một thứ bánh đen, ngủ trên một thứ ổ rơm và chết trên cùng một thứ tro. Cùng một cái bị trên lưng, cùng một sợi dây thừng quanh cật. Nếu kỷ luật là đi đất, tất cả mọi người đều đi đất. Có thể có một ông hoàng trong bọn họ, ông hoàng ấy cũng là cái bóng âm thầm như những cái bóng người khác. Không còn tước vị gì nữa. Tên họ cũng mất, chỉ còn có tên riêng thôi. Tất cả mọi người cúi đầu như nhau, dưới những cái tên rửa tội bình đẳng. Họ đã thủ tiêu cái dây họ hàng ruột thịt và dựng lên trong tập thể của họ cái dây họ hàng tinh thần. Họ không có họ hàng nào ngoài loài người nói chung. Họ cứu giúp người nghèo, họ trông nom người ốm. Họ bầu lên những người điều khiển họ. Họ xưng hô với nhau: anh tôi.
Bạn ngắt lời tôi và kêu lên: thế là một nhà tu lý tưởng rồi.
Chỉ cần là một nhà tu thôi, cũng đủ cho tôi phải chú ý rồi. Vì thế trong quyển trên của bộ sách này tôi đã nói đến một nhà tu một cách kính cẩn. Nếu ta không nói đến thời kỳ Trung cổ, không nói đến châu Á, không bàn đến vấn đề lịch sử và chính trị, nếu chỉ nhìn vấn đề về phương diện thuần túy triết học, bỏ tất cả những chuyện tranh cãi, vận động và với điều kiện là nhà tu dựa trên nguyên tắc hoàn toàn tự giác và chỉ có những ngời tự nguyện gia nhập, thì tôi luôn luôn nhìn tập thể nhà tu đó với một sự chú ý nghiêm chỉnh và kính cẩn về vài phương diện. Ở đâu có sự sống chung là có công xã; và ở đâu có công xã là có công quyền. Nhà tu là sản phẩm của công thức: bình đẳng, bác ái. Chao ôi! Tự do sao mà vĩ đại thế! Ôi! Sự biến hóa huy hoàng biết bao! Chỉ cần Tự do là đủ để biến nhà tu thành một chính thể cộng hòa.
Ta hãy bàn tiếp:
Những người đàn ông ấy, những người đàn bà ấy, sống bên trong bốn bức tường này, họ mặc quần áo len thô, họ bình đẳng, họ gọi nhau là “anh em”. Hay lắm. Nhưng họ còn làm cái gì khác nữa chứ?
Phải.
Cái gì?
Họ nhìn ngắm bóng tối. Họ quỳ gối xuống. Họ chắp tay lại.
Thế là nghĩa gì?


Chương 5: SỰ CẦU NGUYỆN


Họ cầu nguyện.
Cầu nguyện ai?
Chúa Trời.
Cầu nguyện Chúa Trời. Cầu ấy có ý nghĩa gì?
Có cái vô biên ở ngoài chúng ta không? Cái vô biên ấy có phải là nhất thể không, có tự nó tồn tại không. Có vĩnh cửu không? Có phải nhất định nó có thể chất bởi vì nó là vô biên và nếu nó thiếu thể chát thì nó bị giới hạn ở đấy? Có phải nhất định nó có trí tuệ bởi vì nó là vô biên và nếu nó thiếu trí tuệ thì nó bị giới hạn ở đấy? Cái vô biên ấy có gọi trong đầu óc ta ý niệm bản chất, trong khi ta chỉ cho ta có ý niệm hiện tồn thôi không? Nói cách khác, có phải nó là cái tuyệt đối mà ta là cái tương đối của cái tuyệt đối ấy?
Trong khi có cái vô biên ở ngoài chúng ta, có một cái vô biên ở trong chúng ta không? Hai cái vô biên ấy (ôi, cái số nhiều kinh khủng) có chồng khít lên nhau không? Cái vô biên thứ hai có phải nằm liền sát dưới cái vô biên thứ nhất không? Nó có phải là tấm gương, phản ảnh, tiếng vang, vực thẳm đồng tâm của một cái vực thẳm khác không? Cái vô biên thứ hai là trí tuệ như cái vô biên thứ nhất không? Nó có tư duy không? Nó có yêu không? Nó có ý chí không? Nếu cả hai cái vô biên đều có trí tuệ, mỗi cái đều có một cái nguyên tố tự quyết và có một cái “tôi” trong cái vô biên ở trên cũng như một cái “tôi” trong cái vô biên tầng dưới: cái “tôi” tầng dưới là linh hồn, cái “tôi” tầng trên là Chúa. Thông qua tư duy, làm cho cái vô biên tầng dưới tiếp xúc với cái vô biên tầng trên, thế là cầu nguyện.
Ta đừng tước đi của trí tuệ con người một cái gì cả… Hủy bỏ đi là không tốt! Phải cải tạo và cải biến. Có những năng khiếu của con người hướng về Cõi vô tri: tư duy, mơ mộng, cầu nguyện. Cõi vô tri là đại dương. Lương tri con người là cái gì? Là địa bàn trong Cõi vô tri. Tư duy, mơ mộng, cầu nguyện, đó là những tia huyền bí. Hãy tôn trọng những tia ấy. Những tia huy hoàngấy của linh hồn đi tới đâu? Tới bóng tối, nghĩa là tới ánh sáng.
Cái vĩ đại của chế độ dân chủ là không phủ định, không phủ nhận cái gì của nhân loại. Bên cạnh quyền Người, ít ra có quyền của Linh hồn.
Chà đạp những tín ngưỡng cuồng điên và tôn sùng vô biên, đó là luật đời. Chúng ta không tự giới hạn chúng ta ở việc quỳ gối trước cái gốc cây “Tạo hóa” và chiêm ngưỡng những cành lá mênh mông, đầy tinh tú của nó. Chúng ta có một bổn phận: rèn cặp linh hồn con người bảo vệ cái huyền bí chống cái “phép màu”, tôn thờ cái điều ta không thể hiểu và gạt bỏ cái vô lý, chỉ thừa nhận là không thể lý giải được cái gì cần thiết, làm cho tín ngưỡng trở nên lành mạnh, dọn sạch hết mê tín dị đoan chồng chất lên tôn giáo. Tóm lại bắt sâu cho cây của Chúa.


Nguồn: http://forums.vinagames.org/