QUYỂN 1: PARIS XÉT QUA MỘT HẠT BỤI NHỎ CỦA NÓ
Chương 1: PARVULUS (BÉ BỎNG)
Paris có đứa trẻ, trong rừng có con chim. Con chim là con chim sẻ, đứa trẻ là thằng “nhóc con”.
Gắn hai ý niệm đó với nhau, một chứa đựng tất cả cái lò lửa hừng hực, một tất cả bình minh, làm cho hai tia lửa đó chạm nhau: Paris và tuổi trẻ, sẽ nẩy ra sinh vật nhỏ mà Pơlôtơ (Paute: nhà hát kịch La Mã, thế kỷ thứ ba trước công nguyên) sẽ gọi là Humuncio (con người nhỏ).
Đứa bé ấy lúc nào cũng vui. Ăn thì ngày no, ngày đói, nhưng tối nào muốn đi xem hát cũng đi được. Người không bận áo, chân không vướng giầy, đầu không có mái nhà, đứa bé ấy giống như con chim con không còn gì cả trên trời kia. Nó vào trạc từ bảy đến mười ba tuổi, tụm năm túm ba, lê la trên vỉa hè, trời là màn, đất là chiếu; quần của bố mặc dài và quết đất, mũ của một bố khác, chụp quá mang tai, quần lủng lẳng chỉ còn một dải treo thế mà nó chạy lăng xăng cả ngày, dòm chỗ này, ngó chỗ khác, nhặt cái này, quơ cái kia, lê la hết giờ này qua giờ khác, phì phèo điếu thuốc, chửi rủa, văng tục như ma, vào ra quán rượu thậm thọt, quen kẻ cắp, mày tao với gái điếm, nói lóng, hát nhảm thế mà chẳng có chút ác ý nào. Vì lòng nó chứa một hòn ngọc, hòn ngọc tuổi thơ ngây, mà ngọc thì có ngâm dưới bùn cũng chẳng tiêu tan trong bùn. Chúa muốn rằng khi con người còn là trẻ con thì lòng phải ngây thơ vô tội.
Nếu người ta hỏi cái thành phố khổng lồ: “Thằng bé ấy là ai?”. Nó sẽ trả lời: “Con tôi”.
Chương 2: MỘT VÀI DẤU HIỆU ĐẶC BIỆT CỦA NÓ
Thằng ngốc Paris là đứa bé tí hon của mụ mẹ khổng lồ.
Ta cũng không nên cường điệu quá. Chú tiên đồng của hè rãnh ấy, mình đôi khi cũng có một cái sơ mi nhưng chỉ có một chiếc thôi; thỉnh thoảng chân cũng xỏ giày, nhưng là đôi giày không đế, hãn hữu nó cũng có nhà và nó cũng yêu cái nhà ấy, bởi vì trong nhà có mẹ nó; nhưng nó thích hè phố hơn bởi vì ở đấy nó được tự do. Đứa bé ấy có những trò đùa nghịch, trò ác riêng của nó, nhắm vào bọn tư sản mà nó thù ghét. Nó cũng biết ví von: chết thì nó bảo là: ăn trầu bồ công anh đằng rễ; nó có nghề nghiệp riêng của nó; gọi xe, hạ bực lên xuống, đưa người qua đường trong những trận mưa rào để lấy thuế quá giang và gọi đó là bắc những chiếc cầu nghệ thuật, rao những bài diễn văn của chính quyền cho nhân dân nghe, nạo đất giữa các viên đá rải đường; nó có tiền tệ của nó là tất cả những mảnh đồng nho nhỏ mà nó nhặt được ngoài đường. Cái thứ tiền kỳ lạ mang tên lôcơ (loque: mảnh) có một thị giá cố định và được ấn định rất chặt chẽ trong cái xã hội tí hon lang thang này.
Nó cũng có cái thế giới súc vật riêng của nó mà nó quan sát một cách chăm chú trong các góc, các xó: con bọ rùa, con bọ xanh hình đầu lâu, con nhện cỏ, con “quỉ”, con sâu đen cuốn cái đuôi có hai sừng để dọa kẻ thù. Nó cũng có một con quái vật thần thoại của nó, có vẩy dưới bụng mà không phải con thằn lằn, có mụn xù xì trên lưng mà không phải là con cóc, nằm trong những lỗ các lò vôi bỏ trống và những giếng những cống nước khô, đen sì, lông lá nhầy nhụa, con vật ấy bò đi khi thì nhanh, khi thì chậm, không có tiếng kêu, nhưng mà nhìn người ta, con vật dễ sợ đến mức chưa ai từng thấy. Nó gọi con quái vật ấy là “thằng điếc”. Tìm thằng điếc dưới đá là một thú vui vào cái loại thú vui kinh hoàng. Một thú vui khác… đột nhiên lật một viên đá lát đường để tìm những con bọ cạp. Mỗi khu ở Paris đều nổi tiếng với những con vật kỳ thú có thể tìm thấy. Có những con “chọc tai” ở những cổng trường Uyếcxuylinơ, có những con cuốn chiếu ở điện Păngtêông, có những con nòng nọc ở quảng trường Săng đơ Mácxơ. Còn cái vốn từ ngữ thì thằng bé ấy chẳng kém Tânlêrăng: hắn chẳng kém trắng trợn nhưng mà hắn lương thiện hơn. Tính hắn vui, hài hước bất ngờ, cái cười rộ, cười điên của nó làm cho các chủ hiệu phải ngẩn ngơ, cái cười vui nhộn của nó rất phong phú, đi từ hài kịch cao cấp xuống tận trò hề.
Một đám ma đi qua. Trong số những người đi đưa có một ông thầy thuốc. Một thằng nhóc kêu to: “Các thầy lang bàn giao công trình của họ từ bao giờ thế?”
Một thằng nhóc khác đứng trong đám đông. Một vị trưởng giả nghiêm nghị, mang kính và dây đồng hồ, quay lại phẫn nộ: “Đồ khốn kiếp, mày vừa “quàng lưng” vợ tao”.
- Thưa ngài, tôi! Xin ngài cứ khám người tôi xem (Chú nhóc con này chơi chữ Prendre la taille: nghĩa bóng là ôm lấy người ta; prendre nghĩa đen là cầm, nhón lấy cái gì)
Chương 3: NÓ THẬT DỄ THƯƠNG
Buổi tối, chỉ với vài xu, cũng có thể kiếm được thằng bé ấy (Nguyên văn Latinh: homuncio) đi xem hát. Vừa bước vào cái ngưỡng cửa thần kỳ ấy, nó cải hóa hoàn toàn. Nó không còn là thằng nhóc nữa mà là chú bé titi. Những rạp hát là những con tàu thủy đặt ngược, đáy lộn lên trên. Chính ở cái đáy ấy mà cái đám titi này chồng chất. Thằng titi đối với thằng nhóc, cũng như con bướm đối với con sâu. Cũng một con vật ấy nhưng không bò lê mà bay lượn. Chỉ cần có mặt nó với những tia sáng tươi vui mà nó phát ra, với cái độ nồng nhiệt hào hứng của nó, với những cái vỗ tay giống như vỗ cánh, đủ khiến cho cái đáy thuyền chật hẹp, hôi hám, tối đen, tiều tụy, bẩn thỉu, xấu xa, ghê tởm ấy mang tên là “Thiên đường”.
Hãy cho một đứa trẻ những cái vô ích và tước hết những cái cần thiết, nó sẽ thành thằng “nhóc con”.
Thằng nhóc con thế mà cũng có khiếu văn chương. Xu hướng văn chương của nó – chúng tôi nói điều này mà nó có phần tiếc – không phải là xu hướng cổ điển. Theo bản chất của nó, nó ít mô phạm. Đơn cử một thí dụ: cái lừng lẫy của nữ nghệ sĩ Mácxơ (Mars thường gọi là cô Mars, nữ nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng của nước Pháp, đầu thế kỷ 19, đóng rất tài tình những nhân vật của Moliète và Marivaux, 1779-1847) vào trong đám công chúng những trẻ con bão táp ấy liền được điểm thêm một chút gia vị hài hước. Thằng nhóc con gọi cô Mácxơ là cô Muysơ.
Nhân vật ấy nói bô bô, chế nhạo mỉa mai, ẩu đả, quần áo tã như một đứa trẻ con và bệ rạc như một nhà triết học. Câu cá ở cống, săn ở rãnh, biến rác rưởi thành vui tươi, la hét, quát tháo ở góc phố, đầu đường, vừa cười, vừa cắn, huýt sáo chế nhạo và hát ca, hoan hô và đả đảo, dung hòa bài ca ngợi chúa Alêluya với điệu khôi hài Matăngtuyluyretơ, tung tất cả các điệu nhạc thơ từ điệu De profundis đến điệu Siêngli, chẳng tìm mà vẫn thấy, biết cái nó không biết, tự nghiêm khắc với mình mà vẫn ăn cắp vặt, điên rồ mà vẫn khôn ngoan, trữ tình mà vẫn thô tục, ngồi xổm trên đỉnh núi Ôlanhpơ (Olympe: tên một ngọn núi ở Hy Lạp. Theo thần thoại Hy Lạp, núi này là nơi ở của các vị thần) lăn lộn trong đống phân mà đứng dậy người đầy sao sa. Thằng nhóc Paris là Rabơle (Rabelais: nhà văn nổi tiếng thế kỷ 16 nước Pháp, hiện thực và trào phúng) cỡ nhỏ.
Quần nó mà không có túi đựng đồng hồ thì nó không bằng lòng.
Nó ít khi ngạc nhiên, càng không hay sợ, chế giễu mê tín, xì hơi những kẻ bốc đồng, nhạo báng những chuyện thần bí, đứa nhạo cả ma, làm cho kẻ say sưa vỡ mộng, đưa những nét châm biếm vào những phóng đại hùng ca. Không phải vì nó thô lậu, nhưng vì nó muốn thay thế những viễn cảnh trang nghiêm bằng một bức tranh sặc sỡ phường chèo. Nếu Ađamaxto (Adamastor: thần khổng lồ làm bão tố) hiện ra nó sẽ bảo: “Ô kìa? Ngáo ộp!”
Chương 4: NÓ CŨNG CÓ THỂ CÓ ÍCH
Paris bắt đầu bằng anh chàng vô công rồi nghề và kết thúc ở chú nhóc con, hai nhân vật mà không một thành thị nào có được: ở đây là sự thừa nhận thụ động tự thỏa mãn bằng việc nhìn ngó, ở đấy là sáng kiến vô tận: anh chàng Pơruđom và chú Phuiu. Chỉ có Paris mới có những loại ấy trong lịch sử sinh vật của nó. Tất cả trật tự quân chủ là dựa vào anh chàng vô công rồi nghề và thằng nhóc con là tất cả vô chính phủ.
Đứa trẻ xanh xao của vùng ngoại ô Paris sống và phát triển, “thắt nút” và “cởi nút” trong nghèo khổ đau đớn, trước thực tế xã hội và những sự việc của con người, nó là một nhân chứng tư lự. Nó tưởng nó vô tư lự, vô tình thực ra nó không như thế. Nó trông nhìn sẵn sàng để cười đùa; nhưng cũng sẵn sàng để làm việc khác nữa. Dù anh là ai, mang tên là Thành kiến, Nhũng lạm, Ô nhục, Áp bức, Vô lý, Độc đoán, Bất công, Cuồng tín, Bạo ngược thì hãy coi chừng thằng nhóc con há hốc miệng ấy.
Thằng bé ấy sẽ lớn dần.
Thứ đất nào đã nặn thành nó? Đất bùn nào cũng được. Một nắm bùn, một hơi thở thổi vào, thế là thành Ađam. Chỉ cần có một thần thiêng thổi qua. Lúc nào cũng có một thần thiêng đi qua con người thằng nhóc con. May rủi tạo nên con người bé nhỏ ấy. May rủi đây chúng tôi hiểu na ná như phiêu lưu. Con người tí hon ấy nặn bằng cái thứ đất chung của mọi người: dốt nát, mù chữ, ngơ ngẩn, thô tục, là một dân Iôni hay một dân Bêôxi (Ionie: một miền cận đông cổ, có dân Hy Lạp ở, nổi tiếng là thông minh; Beotie: một miền Hy Lạp cổ, dân mang tiếng là ngu dốt)? Hãy chờ đây: Currit rota (Tiếng Latinh nghĩa là bánh xe luân chuyển). Cái tinh thần của Paris, con quái vật đẻ ra những đứa trẻ con từ ngẫu nhiên và những con người từ số phận, trái với người thợ gốm La tinh, từ một cái vại thô đã làm nên một cái bình quý.
Chương 5: BIÊN GIỚI CỦA NÓ
Thằng nhóc con yêu thành thị, đô hội, nó cũng thích nơi vắng vẻ quạnh hiu. Urbis amator (Người ham mê thành thị) như Phuyquyxơ; rururus amator (Người ham mê nông thôn) Phơlaquyxơ.
Lang thang mà suy nghĩ, tức là đi thơ thẩn, là một cách dùng thì giờ tốt của các nhà triết học, nhất là ở cái vùng nông thôn hơi dở dang khá xấu xí nhưng lạ lùng và bao gồm hai thứ cảnh vật, cái vùng bao quanh một số thành phố lớn, đặc biệt là Paris. Quan sát vùng ngoại ô là quan sát cái lưỡng thể. Hết ngọn cây, bắt đầu mái ngói, hết bãi cỏ, bắt đầu đường đá, hết luống cày, bắt đầu các dãy hàng hiệu, hết những vết rãnh bánh xe, bắt đầu những đam mê, hết tiếng rì rào thần tiên, bắt đầu tiếng ồn ào của con người, do đó mà có một lý thú đặc biệt.
Vì thế cho nên những vùng ít hấp dẫn này mà người qua đường kêu là buồn, đã trở thành những con đường dạo chơi, có vẻ như không mục đích của con người thơ thẩn.
Người viết những dòng này, trong nhiều năm tháng đã quen đi dạo ở các vùng cửa ô Paris, nơi đã để lại những kỷ niệm sâu sắc. Những bãi cỏ sát đất, những lối đi gồ ghề đá, những đá vôi, đất vôi, thạch cao, những vùng rộng bỏ hoang hẳn, hay bỏ hóa một vụ, những cây rau đầu mùa của các nhà trồng rau đột nhiên hiện ra ở cuối một khu đất, cái hỗn hợp cảnh hoang vu và thành thị, những khu rộng vắng tanh mà tiếng trống trại lính bỗng rộn lên, như tiếng bập bẹ của chiến trận, những cảnh vắng lặng ban ngày, trộm cướp ban đêm, cái cối xay rã cánh còn quay trước gió, những cái bánh xe trong các mỏ đã cũ, những quán rượu bên cạnh nghĩa địa, sự hấp dẫn huyền bí của những bức tường đen tối, chia cắt những bãi rộng mênh mông, hoang vắng, tràn ngập ánh sáng và đầy cánh bướm, tất cả những cái đó đã làm tôi say mê.
Hầu như không có ai trên trái đất này biết các khu hẻo lánh lạ lùng ấy: La Gơlaxie, La Quynetơ, cái bức tường Gơrơnelơ ghê tởm, lỗ chỗ đầy vết đạn, ngọn đồi Môngpácanxơ, cái hố Phôxơôlu, khu Ôbiê trên bờ sông Mácnơ, Mông Xuri, La Tôngbơ Ixoarơ, La Pierơ Pơlatơ, Satiông nơi có một cái mỏ đã cũ đã hết đá nay chỉ dùng để trồng nấm, miệng mỏ có một cái nắp đậy bằng những tấm gốc mục. Vùng ngoại ô Rômơ có ý nghĩa của nó, vùng ngoại ô Paris cũng có ý nghĩa riêng của nó. Đứng trước một cảnh vật mà nhìn thấy những cánh đồng, những nhà cửa, những cây cối, mới chỉ nhìn thấy bề mặt; tất cả những cái vẻ bên ngoài của sự vật đều là những ý nghĩ của Chúa. Cái nơi mà một cảnh đồng quê tiếp giáp với một thành phố bao giờ cũng nhuốm một nỗi buồn man mác và thấm thía. Thiên nhiên và nhân loại đều muốn tâm sự với ta. Những nét độc đáo của địa phương thể hiện rõ ở đây.
Ai đã đi dạo như chúng tôi trong những khu vắng vẻ tiếp giáp vùng ngoại ô, mà người ta có thể gọi là những vườn trẻ của Paris, cũng thoáng thấy đây đó, ở những nơi vắng nhất, vào một giờ bất ngờ nhất, đằng sau một cái rào thưa, hay trong một góc tường ảm đạm những trẻ em, túm tụm, ồn ào, xanh xao, bùn dây, bụi bặm, rách rưới, đầu tóc lởm chởm, quần hoa dua xanh đang chơi đánh chấn vòng gạch. Chúng đều là những trẻ em nghèo. Những phố xa, ngoại thành này là môi trường dễ thở của chúng, vùng ngoại ô là của chúng. Chúng luôn luôn đến nơi này để lang thang. Chúng tha hồ hát một cách hồn nhiên, những bài hát bậy bạ nhất. Chúng ở đây hay nói đúng hơn, chúng sinh sống ở đây, không có con mắt ai dòm ngó, trong ánh nắng êm dịu tháng năm hay tháng sáu, quỳ lổn ngổn xung quanh một cái lỗ sâu, bắn bi với ngón tay cái, tranh giành nhau từng đồng kẽm, chẳng lo sợ ai trách cứ, như con chim sổ lồng cất cánh bay, thả dây, sung sướng. Khi thoáng thấy bóng người lớn, chúng sực nhớ rằng chúng cũng có nghề nghiệp và cũng phải kiếm ăn, chúng liền mời bạn mua một chiếc bít tất đen đầy những bọ dừa hay là một chùm hoa xoan. Những đám trẻ con kỳ lạ ta hay gặp như thế là một trong những thú mê người của vùng ngoại ô Paris. Nhưng sự gặp gỡ ấy cũng làm ta se lòng.
Thỉnh thoảng trong đám con trai nhỏ ấy có những em gái nhỏ - có phải là chị em của bọn con trai kia không? – gần như là thiếu nữ rồi, gầy còm, xanh mét, bàn tay sạm nắng, mặt lỗ chỗ những nốt đỏ, tóc chít những vành hoa lúa mạch hay hoa mào gà, vui tươi, ngơ ngác, đi chân đất. Có khi gặp các cháu gái ấy nhằn những trái anh đào trong đám lúa. Buổi chiều thường nghe thấy tiếng các em cười. Những nhóm trẻ ấy, giữa nắng ấm ban trưa, hay mờ thoáng trong bóng hoàng hôn, làm cho người đi dạo chơi thơ thẩn phải suy nghĩ nhiều và hòa vào giấc mơ đang diễn ra trong trí.
Paris: tâm điểm, ngoại ô, chu vi; thế là tất cả thế giới rồi, đối với các trẻ nhỏ ấy không bao giờ, không bao giờ chúng đi quá ra ngoài khu vực ấy. Chúng không thể ra khỏi cái vùng khí quyển của Paris, cũng như cá không thể ra khỏi nước. Đối với chúng, qua cửa ô hai dặm là không có gì nữa cả. Ivơry, Giăngchii, Accơi, Belơvilơ, Obeviliê, Mêninmôngtăng, Soadilơroa, Biăngcua, Mơđông, Ixi, Văngvơ, Xevơrơ, Puytô, Nơii, Gienơviliê, Côlôngbơ, Rômanhvilơ, Safu, Axơnierơ, Bungivan, Năngle, Ăngganh, Noadilơxech, Nôgăng, Guôcnay, Đơrăngxi, Gônexơ (Tất cả đều là vùng ngoại ô của Paris), những nơi đó là tận cùng vũ trụ.
Chương 6: MỘT ÍT LỊCH SỬ
Chương 11: NHẠO BÁNG, TRỊ VÌ
Vào thời ấy, cũng sát vào thời kỳ này rồi, thời xẩy ra câu chuyện kể trong bộ sách này, chưa có như bây giờ một viên cảnh sát của thành phố ở một góc đường (chưa phải lúc nên bàn hơn thiệt về sự tốt đẹp này). Những trẻ con lang thang đầy cả Paris. Thống kê bấy giờ cho một con số trung bình là 260 trẻ không nhà cửa, nhặt được mỗi năm trong các cuộc đi tuần của cảnh sát trong các khu đất hoang, trong những ngôi nhà đang xây dựng và dưới gầm cầu. Một trong những cái tổ ấy đã trở thành nối tiếng, đã sản sinh ra “những con chim én cầu Accolơ”. Chuyện đó là một triệu chứng xã hội tai hại nhất. Tội ác của người lớn bắt đầu từ cuộc sống lang thang của trẻ nhỏ.
Tuy vậy phải loại trừ Paris. Trong một chừng mực tương đối và mặc dầu thực tế cũ chúng tôi vừa nhắc lại, việc loại trừ ấy rất xác đáng. Trong khi ở bất cứ một thành phố lớn nào khác, một đứa trẻ lang thang sẽ là một người lớn hư hỏng, trong khi ở hầu hết khắp nơi, một đứa trẻ không ai chăm sóc như là đã dành sẵn và giao phó cho những tật xấu thói hư của xã hội nhấn chìm như có định mệnh, làm tiêu tan cả tính lương thiện và lương tri, thì trái lại thằng nhóc của Paris – ta hãy nhấn mạnh vào điểm này – dù xù xì và sứt mẻ rất nhiều ngoài da, bên trong vẫn còn nguyên bản chất. Một điều cao đẹp đáng nhìn, hiện rõ tính thanh niên sáng ngời trong các cuộc cách mạng quần chúng, đó là cái tính ngay thật không mua chuộc được, xuất phát từ ý niệm tiềm tàng trong bầu không khí của Paris, như muối tiềm tàng trong nước bể. Hít thở Paris là giữ gìn tâm hồn trong sạch.
Điểm chúng tôi nói trên đây không tránh cho chúng tôi khỏi se lòng mỗi khi gặp một trẻ nhỏ mà xung quanh người như thấy bay lơ lửng những sợi chỉ gia đình đã bị dứt đứt. Trong nền văn minh hiện đại – hãy còn xa mới hoàn chỉnh này – những gia đình đổ vỡ, tiêu tan trong bóng tối không phải là hiếm có, bất thường, những gia đình không còn biết con cái mình đã ra sao, những gia đình đã bỏ vãi ruột rà của mình trên đường phố. Do đó mà có những số phận con người mờ mịt. Cái đó đã được mệnh danh – cái thực tế đáng buồn ấy đã đi vào ngôn ngữ - là “bị vứt ra mặt đường Paris”.
Nhân đây cũng phải nói là những chuyện đem con bỏ chợ ấy, chế độ quân chũ cũ không ngăn cấm. Một ít cái cảnh “xã hội Ai Cập” hay “bôbêm” ấy, trong những cái tầng lớp dưới của xã hội cũng là điều kiện tiện lợi cho tầng lớp trên và “được việc” cho nhà quyền thế. Thù ghét việc cho con em nhân dân đi học vẫn là một giáo điều kinh viện. “Hay chữ lỏng” thì ích lợi gì? Đó là khẩu hiệu. Mà đứa trẻ lang thang là kết quả tất nhiên của đứa trẻ ngu dốt.
Vả lại triều đình một đôi khi cần trẻ con, lúc ấy họ cho đi hớt trẻ của Paris.
Dưới triều vua Lui XIV – để khỏi phải đi ngược thời gian xa hơn – nhà vua muốn lập một đội hải thuyền. Việc ấy chính đáng, ý kiến tốt. Nhưng hãy xét xem biện pháp thế nào? Không thể có hải thuyền, nếu bên cạnh thuyền buồm mà gió muốn đưa đi đâu thì đưa và để khi cần kéo những thuyền buồn này không có những con thuyền muốn đi đâu cũng được, hoặc bằng mái chèo, hoặc bằng hơi nước. Những thuyền có người chèo (Nguyên văn galères – thường thường họ bắt người tù khổ sai chèo. Do nguồn gốc lịch sử ấy mà chữ galères trong tiếng Pháp không những chỉ những chiếc hải thuyền lớn có người chèo mà còn chỉ tội hình khổ sai chung thân nữa; Galérien: người tội phạm bị bắt chèo thuyền) trong hải quân lúc bấy giờ, cũng như bây giờ những tàu thủy chạy bằng hơi nước. Vậy thì phải có những galerơ, những thuyền galerơ chỉ có thể đi lại khi có những người galêriêng. Vậy thì phải có những galêriêng. Thủ tướng Conbe ra lệnh cho các quan đầu tỉnh và các tòa án địa phương kết án khổ sai càng nhiều người càng hay. Và các vị thẩm phán đã hết sức tích cực trong việc này. Một người không ngả mũ khi một đám rước thánh đi qua, thế là có thái độ “tín đồ cải cách” phải đi tù khổ sai. Gặp một đứa trẻ ngoài đường phố, miễn nó 15 tuổi rồi và không có chỗ ngủ, thế là cho đi khổ sai. Triều đại lớn! Thế kỷ lớn! (Lịch sử Pháp còn gọi vua Lui XIV là Lui Đại đế và thế kỷ 17 là thế kỷ lớn)
Dưới triều vua Lui XV, không còn bóng trẻ con ở Paris, cảnh sát hốt chúng đi, không biết để làm chuyện bí mật gì. Người ta thì thầm một cách kinh hãi, những ước đoán quái gở về cái nước tắm đỏ của nhà vua. Bácbiê kể những chuyện đó một cách tự nhiên. Có trường hợp bọn cảnh sát không tìm đủ trẻ em vô thừa nhận, bắt cả trẻ em có bố. Bố chúng thất vọng, xông vào đánh cảnh sát. Trong trường hợp ấy tòa án can thiệp và bắt treo cổ. Treo cổ ai? Bọn bắt người à? Không, những người bố nọ.
Chương 7: BẦY “NHÓC CON” CÓ THỂ CÓ VỊ TRÍ TRONG BẢNG PHÂN LOẠI TẦNG LỚP XÃ HỘI Ở ẤN ĐỘ
Loại nhóc con của Paris hình như là một tầng lớp xã hội. Người ta có thể nói: không phải dễ ai cũng được ở trong các tầng lớp ấy.
Từ “nhóc con” (gamin) được in trên sách lần đầu tiên và từ ngôn ngữ bình dân bước vào ngôn ngữ văn học năm 1834. Chính trong một quyển sách nhỏ nhan đề là “Côlôđơ, anh nghèo kiết” (“Calude Gueux” nhan đề là một cuốn tiểu thuyết của Victo Huygô xuất bản năm 1834) mà danh từ đó xuất hiện. Việc đó làm nhiều người bất bình nhưng danh từ đó đã lọt.
Những yếu tố của sự quý trọng trong giới nhóc con rất đa dạng, phong phú. Chúng tôi đã biết và quen một chú nhóc con rất được kính trọng và khâm phục vì chú này đã được trông thấy một người ngã từ trên tháp của nhà thờ Đức Bà xuống; một chú nữa vì đã lẻn được vào sân sau của điện Anhvailiđơ, nơi mà các bức tường của vòm điện được cất tạm và đã “thó” một ít chì của các tượng đó; một chú thứ ba vì đã trông thấy một chiếc xe hòm chở khách đổ, một chú nữa vì chú này “thân” với một anh lính đã tí nữa chọc thủng mặt một gã tư sản.
Vì thế cho nên ta hiểu được câu than thở này của một chú nhóc con Paris, một lời tổng kết sâu sắc khiến người tầm thường cười mà chẳng hiểu gì: “Trời ơi trời! Số mình đen đủi thay! Mình chưa được trông thấy một gã nào ngã từ gác năm xuống hè mới khổ chứ!”
Câu nói sau này hẳn là một câu nói ý vị của nông dân: “Này ông kia! Bà nhà ông chết vì bệnh, sao ông không đi mời thầy thuốc cho bà ấy? – Chao ôi! Thưa ngài, những kẻ nghèo chúng tôi chết một mình được”. – Nhưng nếu tất cả bẩm tính thụ động và nhạo báng của nông dân nằm trong câu nói kia thì chắc chắn tất cả cái tự do tư tưởng, vô chính phủ của chú bé ngoại ô lại ở trong câu nói này: một tử tù trên chiếc xe đưa hắn ra pháp trường đang lắng nghe cha giải tội. Chú bé Paris kêu to: “Hắn nói với cha cố của hắn đấy, ôi thằng cáy”.
Về mặt tín ngưỡng thì thái độ táo bạo làm tăng giá trị của chú “nhóc con”. Không tín ngưỡng rất là quan trọng.
Dự những vụ hành hình là một nhiệm vụ, chúng chỉ máy chém cho nhau xem và cười. Chúng đặt cho nó tất cả các thứ tên cúng cơm: “thế là hết xúp”. “Tên cảu nhảu”, “bà mụ Thiên Thanh”, “Miếng ngoạm cuối cùng”… Để nhìn cho kỹ, không bỏ sót tí nào, chúng trèo tường, leo lên ban-công, trèo lên ngọn cây, đu người trên cánh cổng sắt, bám vào ống khói lò sưởi. Chú nhóc con bẩm sinh là thợ lợp mái cũng như là thủy thủ. Hắn chẳng sợ mái nhà cũng như cột buồm. Không có đình đám nào vui hơn là đến pháp trường Gơrevơ. Xamxông và linh mục Môngtexơ là những cái tên đại chúng nhất. Họ la ó kẻ tử tội để cho hắn bạo hơn. Có khi họ khâm phục tù nhân ấy: chú nhóc Laxơnerơ thấy tên Đôtông ghê gớm chết một cách dũng cảm quá, đã phải thốt lên câu nói chứa đựng cả một tương lai: “Mình ghen với hắn ta”.
Cái giới “nhóc con” ấy không biết Vônterơ nhưng mà biết Papavoanơ. Trong những chuyện đặt ra họ để lẫn lộn những “chính khách” với những sát nhân. Họ ghi nhớ và truyền lại về sau các trang phục cuối cùng của các nhân vật đó. Họ biết là Tolôrông đội một cái mũ sốp-phơ, Avơrin có một cái mũ lưỡi trai da rái cá, Luven có một cái mũ tròn, ông già Đơ Lapooctơ hói và đi đầu trần, Caxtanh thì hồng hào và rất xinh, Bơri có một bộ râu rômăngtic (Romantique: Danh từ lãng mạn đi vào ngôn ngữ thông thường của tiếng Pháp), Giăng Máctanh vẫn giữ đai quần, Lơcuphê và mẹ hắn cãi nhau; một chú nhóc con nói xen vào: “Thôi đừng trách móc cái oán giận cái sọt của anh”. Một chú khác bé quá, muốn nhìn rõ Đơbácke khi hắn đi qua, đã chọn được một cái cột đèn treo trên bờ sông và leo lên đó. Một cảnh binh đứng gác chỗ ấy, cau mày trợn mắt nhìn chú. Chú nhóc vội nói: “Thưa ngài cảnh binh, cứ cho tôi trèo” và để cho chính quyền cảm động, chú nói thêm: “Cháu không ngã đâu”. Người cảnh binh trả lời: “Mày ngã thì mặc xác mày chứ việc gì đến tao”.
Trong giới nhóc con, một tai nạn lớn lao là một việc rất đáng kể. Người ta sẽ được trọng vọng cao độ nhất nếu đã bị đứt tay, đứt chân đến “tận xương”.
Quả đấm không phải là yếu tố tầm thường của sự trọng thị. Một câu mà các chú nhóc thường thích nói là: “Ta cũng khá khỏe đấy chứ!” Thuận tay trái là một điều nhiều chú thèm; lác mắt cũng là một điều quý.
Chương 8: CÂU NÓI LÝ THÚ CỦA ÔNG VUA VỪA QUA
Mùa nực chú nhóc hóa thành con ếch; buổi chiều khi trời sẩm tối, trước các cầu Austéclit và Iêna, từ trên những thuyền than và những thuyền giặt, chú lao đầu nhảy xuống sông Xen và nhảy vào tất cả các sự vi phạm luật phong hóa và trật tự thành phố. Thế mà các cảnh binh thành phố vẫn cẩn mật, do đó mà nẩy ra một hoàn cảnh rất bi kịch, đã sản sinh ra một lời báo hiệu rất huynh đệ và rất đáng nhớ: cái lời nói ấy nổi tiếng vào khoảng 1830 là một lời báo hiệu có tính chất chiến lược, chú này báo cho chú khác, ngâm nga như một câu thơ của Hôme với một cách điệu khó diễn đạt, như là một điệu Elơđixơ của các thầnPanatênê và người ta cảm thấy ở đó có Êvôhê thời cổ xưa. Lời ám hiệu ấy như sau: “Ơ hay Titi, ơ này! Có cọp đấy, có cú đấy, gọn hàng và xéo đi, chuồn cống ấy”.
Đôi khi cái con ruồi ấy – các chú thường gọi nhau như thế - biết đọc; đôi khi biết viết, nhưng chú nào cũng viết vẽ bôi vẽ bác. Các chú không ngần ngại gì tự trang bị cho nhau, không biết bằng một cách bồi dưỡng bí mật lẫn cho nhau nào, tất cả những tài năng cần thiết cho lợi ích công cộng. Từ 1815 đến 1830 các chú bắt chước tiếng kêu của gà tây, từ 1830 đến 1848 các chú vẽ bôi những quả lê trên tường. Một buổi chiều mùa hè vua Lui Philip (Những người phản đối vua Lui Philip vẽ những hình biếm họa, biến mặt vua thành một quả lê) đi bộ về cung, bắt gặp một chú nhóc, tí xíu, cao bằng chừng này, đang cố nghển lên, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại, để vẽ một quả lê khổng lồ, bằng than trên trụ cổng Nơiy. Vua Lui Philip với cái vui tính thừa hưởng của vua Hăngri IV đã giúp chú nhóc con vẽ xong quả lê rồi cho chú một đồng Lui vàng và bảo chú: “Trên đồng tiền này cũng có quả lê đấy!”
Chú nhóc con rất ưa thích huyên náo. Cái trạng thái bạo động rất phù hợp với chú. Chú rất ghét các cha cố. Một hôm giữa phố Uynivecxitê, một chú trong nhóm trẻ buồn cười này để tay lên mũi, làm dấu nhạo trước cái cổng lớn của số nhà 69. Một người qua đường hỏi: “Sao mày lại làm cái trò ấy ở cái cổng này?”. Đứa trẻ trả lời: “Trong ấy có một cha xứ”. Thật vậy, nhà ấy là dinh của vị khâm mạng tòa Thánh. Tuy vậy mặc dầu cái tính ngạo mạn kiểu Vonte ấy đến mức độ nào, nếu có dịp chú nhóc con được mời tham gia tốp đồng ca trong nhà thờ, chú nhóc cũng có thể nhận và khi ấy chú phục vụ buổi lễ một cách rất nghiêm trang. Có hai chuyện mà chú nhóc khao khát như Tăngtalơ (Tantale: nhân vật trong thần thoại Hy Lạp bị thần Giuypite bắt chịu tội hình đứng trong nước mà chịu khát, dưới những cây chín cành mà chịu đói), chú luôn luôn mơ ước mà không đạt được: đó là lật đổ chính phủ và khâu lại cái quần dài của chú.
Chú nhóc hoàn chỉnh là chú nắm được lý lịch của tất cả cảnh binh thành phố Paris và mỗi khi gặp một cảnh binh bao giờ chúng cũng có thể trông mặt chỉ tên một cách đích xác. Chú đếm tên bọn họ trên đầu ngón tay, nghiên cứu tác phong của họ và có những ghi chú đặc biệt về mỗi một tên cảnh binh ấy. Chú đi guốc vào bụng những nhân viên của sở cảnh sát. Chú có thể nói với bạn, nói ngay, không cần suy nghĩ và nói mạnh dạn: Tên này là một tên phản bội; - tên này rất ác; - tên này to kếch; - tên này lố bịch (tất cả các từ ấy; phản bội, ác, to kếch, lố bịch trong miệng của chú có những ý nghĩa đặc biệt); - tên này tưởng Pôngnôp là nhà riêng của hắn và cấm không cho người ta dạo mát trên rìa cầu ở ngoài lan can; - tên kia có cái thói “kéo tai các vị”…
Chương 9: HỒN XƯA CỦA XỨ GÔLƠ
(Gaule: tên của nước Pháp thời cổ đại)
Có một phần chú bé ấy trong Pôcơlanh (Poquelin: tên thực của Môlie), đứa con của chợ Paris và một phần trong Bômácse. Tính nhóc con là một sắc thái của tinh thần Gôloa. Nó làm cho người biết phải trái có thêm sức mạnh cũng như cồn làm rượu vang thêm mạnh. Đôi khi cái tính ấy cũng là một khuyết điểm, Hôme cũng có lúc rườm rà, đúng và có thể nói là Vonte cũng “nhóc”. Đêmulanh là dân ngoại ô. Săngpiône, người vẫn đả kích những phép mầu của thánh, cũng từ hè phố Paris sinh ra; ngày bé, ông đã từng tè trên các cửa nhà thờ Xanh Giăng đơ Bôve và Xanh Têchiên duy Mông; ông đã nhạo báng khá nhiều lần cái hòm thánh tích của nữ thánh Giơnơvievơ cho nên sau này có thể ra mệnh lệnh cho cái lọ đựng máu của thánh Giăngviê.
Chú nhóc Paris biết tôn kính, biết mỉa mai và biết ngỗ ngược. Răng của chú rất tởm vì chú ăn đói và đau dạ dày, nhưng chú có đôi mắt đẹp vì chú thông minh. Ngay cả trước mặt Chúa trời Giêôva, chú cũng có thể nhảy lò cò trên những bậc thềm đưa đến thiên đường. Chú có những cái đá khá mạnh. Lúc nào chú cũng có thể trỗi dậy, lớn lên. Chú lê la ở cống rãnh, nhưng vùng đứng lên ngay khi có cuộc khởi nghĩa, chú vẫn ngỗ ngược cả trong mưa đạn, lúc nãy là một thằng nhãi, bây giờ là một anh hùng! Như em nhỏ thành Tebơ, chú dám vuốt râu sư tử, Bara đánh trống là một nhóc của Paris. Chú hô to: Tiến! Như con ngựa của Kinh thánh nói: Đi! Và trong một phút từ một trẻ nhỏ chú đã trở thành một người khổng lồ.
Đứa con của vũng bùn này cũng là đứa con của lý tưởng. Bạn hãy đo cái tầm rộng đôi cánh từ Môlierơ đến Bara (Bara: thiếu niên anh hùng trong cách mạng Pháp 1789. Một mình bị vây, bị buộc phải hô: “Nhà vua muôn năm” nếu muốn được tha, em đã hô “Cộng hòa muôn năm” và bị giết chết).
Nói tóm lại, để rút tất cả vào một câu, chú nhóc là một trẻ nhỏ vui đùa vì chú nghèo khổ.
Chương 10: PARIS ĐÂY, NGƯỜI ĐÂY
Cũng để tóm tắt tất cả một lần nữa, chú nhóc của Paris, ngày nay, cũng như chú Graquyluyxơ thành Rômơ xưa, đó là hình ảnh nhân dân trẻ con mang trên trán vết nhăn của thế giới già cỗi.
Chú nhóc là một vẻ đẹp của quốc gia nhưng cũng là một bệnh tật. Bệnh tật này phải chữa. Chữa cách nào? Bằng ánh sáng.
Ánh sáng làm cho mọi vật lành mạnh.
Ánh sáng làm cháy sáng.
Tất cả những ánh sáng tốt lành của xã hội đều bắt nguồn từ khoa học, văn học, nghệ thuật, giáo dục. Hãy đào tạo những con người. Hãy làm cho họ sáng lên để họ tỏa hơi nóng làm ấm chúng ta. Sớm muộn vấn đề giáo dục toàn dân rực rỡ sẽ được đề ra với uy lực không gì cản nổi của chân lý tuyệt đối, thực sự và lúc bấy giờ những kẻ lãnh đạo, dưới ánh sáng của tư tưởng Pháp sẽ phải chọn một trong hai điều này: những thiếu niên của nước Pháp, hay những nhóc của Paris, những ngọn lửa trong ánh sáng hay những bóng ma trơi trong đêm dày.
Chú nhóc biểu hiện Paris và Paris biểu hiện thế giới.
Vì Paris là một số tổng hợp, Paris là đỉnh của loài người. Tất cả cái thành phố kỳ diệu ấy là một sự rút ngắn tất cả những nếp sống đã chết đi và những nếp sống hiện hành. Ai nhìn Paris tưởng nhìn thấy cả những tầng sâu của tất cả lịch sử và giữa những tầng đó là những bầu trời và những ngôi sao. Paris có đền Capitolơ, tòa thị sảnh, có một đền Péctênông, nhà thờ Đức bà, có một đồi Avăngtanh, ngoại ô Xanh Ăngtoanơ, có một Adinariom, một trường Xoócbon, một đài phong thần Păngtêông, một con đường Thiêng, tức đại lộ Italiêng, một Phong tháp tức là dư luận quần chúng: và Paris thay cái tội bêu thây bằng cái lố bịch. Anhmagiô (chàng công tử Tây Ban Nha), của Paris là chàng pharô (chàng công tử Paris), người tơrăngxtêvêranh (dân ngoại ô thành La Mã) là dân phôbuariêng, anh haman (phu khuân vác ở các nước Hồi giáo) của nó là chú phođơlanhan (phu khuân vác ở chợ Paris), anh ladarônê (dân lang thang, lưu manh ở Ý) là bọn pegơrơ (dân lưu manh du côn ở Paris), chàng cócnây (hạng ăn chơi ở thành Luân Đôn) là cậu găngđanh (chàng công tử bột ở Paris). Tất cả cái gì ở xứ khác có, Paris cũng có. Chị hàng có poaxécđơ của Đuymácse có thể sánh với chị hàng lá của Ơripiđơ; anh ném đĩa Vêgianuyxơ sống lại với anh leo dây Phômôdô; Têrapôngtigơnuyxơ Milexơ có thể khoác tay anh lính thủ pháo Vađơbôngcơ; Đamadipơ với gánh hàng tạp hóa của anh sẽ sung sướng ngồi cùng các hàng xén. Lâu đài Vanhxen có thể giam Xôcơratơ, như Agôragiam Điđơrô, Grimô đơ la Râynierơ đã nghĩ ra món thịt bò rán mỡ như Quyêctuyxơ món thịt dím quay. Chúng ta thấy xuất hiện lại dưới mái Ac đơ Lêtoilơ anh đu dây của Pơlôtơ; gã ăn gươm ở Pơxilơ mà Apuylê gặp, thì bây giờ là gã nuốt kiếm trên Pôngớp; cháu ông Ramô và Quayrơquyliông ăn bám là một cặp đôi rất tương xứng; Ecgađilơ có thể nhờ Đêgơrơphơi giới thiệu đến gặp Căngbaxêrex; có bốn chàng Muyxcađanh ở Rômơ: Anxêmacxuyxơ, Phơđơrômuyxơ, Điabôluyxơ và Acgiripơ từ trên Lacuuốctiơ đi xuống trong chiếc xe trạm của Labatuy; Ôluygielơ cũng chẳng đứng lâu trước Cônggriô hơn là Saclơ Nôđiê trước Pôlikinen; Máctông không phải là một con hổ cái nhưng Pacdalixca cũng không phải là một con rồng; anh hề Păngtôlabuyxơ nói nhạo chàng ăn chơi Nômăngtanuyxơ ở tiệm cà phê Anh: Ecmôgienơ là ca sĩ giọng cao ở Săng Êlidê và bên cạnh chàng, Tơradiuyxơ khố rách, mặc như anh hề Bôbesơ cầm rá xin tiền. Anh chàng quấy rầy níu khuy áo bạn trước cung Tuylơri làm bạn phải nhắc lại sau hai nghìn năm câu hỏi của Texpơriông: “Tôi đang vội, ai níu áo tôi?” Rượu vang ở Xuyrexnơ nhại rượu vang ở Anbơ. Cái ly đỏ vành của Đêdôgiê cân xứng với cái cốc lớn của Balatơrông. Nghĩa trang Perơ Lasedơ trong đêm mưa bốc lên những ánh ma trơi như nghĩa trang Exkili và cái hố của người nghèo mua năm năm cũng ngang với chiếc quan tài thuê của người nô lệ.
Bạn thử xem có cái gì ở trên đời mà Paris không có. Cái thùng rượu của Tơrôphôniuyxơ không chứa đựng cái gì mà cái thùng của Mexme không có Ecgaphilaxơ sống lại với Cagơliôxtơxơ; thầy tu Vadaphăngta hiện hình với bá tước Xanh Giecmanh; nghĩa trang Xanh Mêda cũng có nhiều phép mầu nhiệm như chùa Hồi giáo ở Đamaxơ.
Paris có một Edôpo là Mayơ, một Căngđidơ là tiểu thư Lơnoócmăng. Paris cũng sửng sốt như Đenphơ trước những cảnh ảo hóa hiện ra trước mắt chói lòa; nó cũng làm bàn quay như Đôđonơ làm quay những chiếc ghế ba chân. Nó đặt cô gái lẳng lơ lên ngai vàng cũng như Rômơ đặt kỹ nữ lên ngai vàng và nói chung nếu Lui XV tồi tệ hơn Cơlôđơ thì bà Đuy Bari còn khá hơn Mexalinơ. Paris đã hòa trong một điển hình kỳ dị chưa từng thấy, một điển hình đã sống và chúng ta đã từng sát cánh, cái trần truồng của Hy Lạp, cái ung thối của Hêbrơ và cái trào phúng của xứ Gaxcônhơ. Nó trộn lẫn Điôgen, Giôb và Payaxơ, khoác cho một cái bóng ma những số báo cũ của tờ Lập hiến và thành nhân vật Côđơruych Đuycơlơ.
Mặc dù Pơluytacơ nói: “Bạo chúa không già đi”. Rômơ, với Xila cũng như với Đômixiêng, đã phải chịu nhẫn nhại và pha thêm nước cho rượu vang pha loãng đi. Sông Tibơrơ cũng là một sông Lêtê (Tibre: sông chảy qua thành La Mã; Léthé: trong thần thoại Hy Lạp, con sông âm phủ Léthé có nghĩa là “Quên”. Những người chết uống nước sông này, quên hết chuyện cũ trên trần) nếu ta tin lời ca tụng hơi giáo điều của Varuyxơ Vibixquyxơ: “Chúng tôi chiếm sông Tibơrơ chống lại Gơraquyxơ uống nước sông Tibơrơ thì quên đấu tranh chống phiến loạn (Nguyên văn Latinh: Contra Gracchos Tiberim habemus. Bibere Tiberim, id est seditionem oblivisci)”. Paris một ngày uống một triệu lít, nhưng không vì thế mà khi cần, Paris không dóng trống trận và đánh mõ ầm ĩ.
Nhưng ngoài những cái đó thì Paris rất hiền lành. Cái gì nó cũng bằng lòng. Paris không khó tính lắm về sắc đẹp. Thần vệ nữ của nó là người da đen; quý hồ làm cho nó vui cười và nó tha thứ hết; xấu làm cho nó vui; quái gỡ làm cho nó cười; cả sự giả dối nữa, cái thứ trắng trợn tối đa ấy, cũng không làm cho nó công phẫn. Nó văn nghệ đến mức không bịt mũi trước Badilơ và lời cầu Chúa của Táctuyphơ không làm cho nó chướng tai, cũng như Hôraxơ không thấy cái nấc của Priapơ là khó chịu. Không có nét nào của bộ mặt loài người lại thiếu trên cái mặt của Paris. Cuộc khiêu vũ Mabiơ không phải là cuộc múa pôlimniêng của Gianiquylơ, nhưng mụ mua bán đồ trang sức cũng nhìn soi mói ả lẳng lơ như mụ mối Xtaphila dòm ngó cô gái trinh nữ Pơlanêdiom. Cửa ô đáng vật không phải là một Côlidê, nhưng người ta cũng hung dữ như có con mắt của Xêda. Mụ chủ tiệm người Xiri có duyên dáng hơn mụ Xaghê, nhưng cũng như Viêcgilơ lui tới quán rượu ở Rômơ thì Đavit Đănggiê, Bandắc và Salê cũng thường ngồi chén chú chén anh ở tiệm rượu Paris. Luôn luôn Paris ngự trị, những nhân tài chói lòa ở đó và những cái đuôi đỏ cũng đầy rẫy ở đó: Chúa Ađônai rong qua Paris trên chiếc xe mười hai bánh sấm chớp; thàn Xilenơ túy lúy bước vào Paris trên thùng rượu khổng lồ. Xilenơ ở đây tức là Răngpônô.
Paris đồng nghĩa với vũ trụ. Paris là Atenơ, là Rômơ, là Xibarixơ, là Giêruydalem, là Păngtanh. Tất cả các nền văn minh đều được cô đúc ở đây, tất cả các chế độ mọi rợ cũng ở đây. Paris mà không có một cái máy chém thì cũng sẽ rất bực mình.
Có một ít quảng trường Grevơ (một pháp trường ở Paris) cũng tốt. Tất cả cái hội hè đình đám triền miên ấy sẽ là gì nếu không có thứ gia vị kia? Luật pháp của chúng ta đã chuẩn bị chu đáo cho điều đó và nhờ có luật pháp, cái lưỡi dao kia mới rỏ máu trên đám hội ngày thứ ba béo ấy.
Chương 11: NHẠO BÁNG, TRỊ VÌ
Có cái gì hạn chế được Paris không? Không. Không có một thành phố nào thống trị người ta mà đôi khi lại phỉ báng người ta. Ngày xưa Alêchxanđơrơ nói với dân thành phố Aten: “Hỡi người Aten! Làm vừa lòng được các người!” Paris không những làm ra luật, Paris còn là ra “mốt”, Paris không những làm ra mốt, Paris còn làm ra “lề thói”. Khi nó muốn, Paris có thể ngớ ngẩn được: đôi khi nó cũng làm cái trò ấy và lúc bấy giờ thì cả vũ trụ cũng ngớ ngẩn theo nó, nhưng rồi Paris thức tỉnh, dụi mắt và nói: “Ơ! Sao mình ngu xuẩn thế!” và cười rộ vào mặt cả loài người: một thành phố như vậy, quả là một kỳ quan! Thật là một điều kỳ dị, khi cái vĩ đại ấy và cái lố bịch ấy chung đụng với nhau. Khi Tất cả cái đường bệ ấy không hề bị trò đùa nhại kia làm mất vẻ oai nghiêm và cũng một cái miệng ấy có thể hôm nay thổi vào kèn của ngày phán xét cuối cùng và ngày mai thổi vào cái ống sáo củ tỏi. Cái vui nhộn của Paris ngự trị! Cái vui của Paris tựa như lôi thần; cái nhộn của Paris mang ấn kiếm. Một cái chau mày của Paris đôi khi làm nổi dậy dông tố. Những cuộc bùng nổ, những ngày lịch sử, những kiệt tác, những việc phi thường, những hùng ca Paris đi đến tận cùng vũ trụ và cả những câu chuyện cóc nhảy của nó đang đi xa như vậy. Cái cười của Paris là một miệng núi lửa phun khắp trái đất. Những lời cười cợt của nó là những đốm lửa. Nó truyền cho cả nhân loại những tranh biếm họa của nó cũng như lý tưởng của nó, những lâu đài đồ sộ nhất của nền văn minh nhân loại cũng để cho nó giễu cợt và sẵn sàng làm cho những trò nghịch ngợm của nó thành bất diệt. Paris thật tuyệt vời, nó có một 14 tháng 7 phi thường, giải phóng cả trái đất; nó khiến cho tất cả các quốc gia dân tộc phải thề cái lời thề “Giơ đơ Pơmơ” (Lời thề của đẳng cấp bình dân ngày 20/6/1789 họp ở phòng Giơđơ Pômơ quyết định không giải tán trước khi lập cho được một hiến pháp cho nước Pháp, cách mạng 1789); đêm 4 tháng 8 của nó thủ tiêu trong ba tiếng đồng hồ một nghìn năm phong kiến. Nó làm cho lôgic của nó trở thành bắp thịt của ý chí tất cả mọi người, nó tự nhân lên trăm, ngàn lần, với tất cả những hình thức của cao cả. Nó chiếu rọi ánh sáng của nó vào Oasinhtơn, Kooxiuyxkô, Bôliva, Bôtdarixơ, Riêgô, Bem, Manim, Lôpedơ, Giôn Brao, Garibanđi. Chỗ nào tương lai sáng lên là có nó: nó ở Bơxtơn năm 1779, ở đảo Lêông năm 1820, ở Pextơ năm 1848, ở Palecmơ 1860. Nó nói vào tai các người Mỹ chống chế độ nô lệ tập hợp ở bến sông harpơxơ Pheri và vào tai những nhà ái quốc Ăngcônơ hợp nhau trong bóng tối của Arơsi, trước quán Gôdi trên bờ biển, cái khẩu hiệu mãnh liệt Tự do. Nó làm nên Canarixơ, nó làm nên Kirôga; nó làm nên Pidacanơ, nó làm nên Kirôga; nó làm nên Pidacanơ; nó tỏa cái vĩ đại khắp nơi trên trái đất. Đi theo phía ngọn gió thổi, Baiơn đã hy sinh ở Mixôlôngghi và Madê ở Bacxơlon. Nó là cái bục diễn thuyết dưới chân Mirabô, là miệng núi lửa dưới chân Rôbexpierơ. Sách của nó, sân khấu của nó, nghệ thuật của nó, khoa học của nó, văn học của nó, triết học của nó, là sách giáo khoa của nhân loại. Nó đã có Paxcan, Rênhiê, Coócnây, Đêcáctơ, Giang Giăc, Vônterơ cho mỗi phút một và Môlierơ cho mọi thế kỷ. Nó làm cho cả nhân loại nói tiếng nói của nó và tiếng nói ấy đã trở thành tiếng trí tuệ, nó xây dựng cho tất cả mọi tinh thần cái ý niệm Tiến bộ và những nguyên lý giải phóng loài người mà nó đã đúc lên là những thanh gươm gối đầu giường của tất cả các thế hệ và chính tâm hồn của các nhà tư tưởng và các nhà thơ của nó từ 1789 đã làm nên những anh hùng của tất cả các dân tộc. Thế mà tất cả những cái đó không ngăn cản nó nghịch ngợm. Cái thiên tài vĩ đại mà người ta gọi là Paris, vừa thay đổi cả bộ mặt của thế giới với cái sánh sáng của nó, vừa bôi nhọ cái mũi của Buginiê trên tưởng đền thờ Têdê và viết: “Cơrêđơviơ ăn cắp!” trên Kim tự tháp.
Paris, bao giờ cũng nhe răng; khi nó không gầm thét thì nó cười.
Paris như thế đó. Những ngọn khói trên các mái nhà của nó là những luồng tư tưởng của vũ trụ. Bảo nó là một đống bùn và một đống gạch đá cũng được, nhưng trên hết, nó là một tinh thần. Nó không phải chỉ to lớn, nó mênh mông vô tận. Vì sao! Vì nó dám nghĩ, dám làm.
Dám nghĩ dám làm, chỉ như thế mới tiến bộ được.
Tất cả những chinh phục diệu kỳ đều là phần thưởng của táo bạo. Muốn có cách mạng không phải chỉ có Môngtexkiơ tiên đoán, Điđơrô tuyên truyền, Bômácse báo trước, Côngđoócxê tính toán, Aruê chuẩn bị, Ruxô suy nghĩ mà đủ. Phải có Đăngtông dám làm.
Tiếng kêu: “Táo bạo!” là lời “Ánh sáng hãy hiện ra!” (Nguyên văn Latinh: Fiat Lux). Muốn cho nhân loại tiến lên, luôn luôn ở trên những đỉnh cao phải có thường xuyên những bài học hiên ngang nêu gương dũng cảm. Những hành động táo bạo làm cho lịch sử chói ngời và là một trong những nguồn ánh sáng lớn lao của con người. Bình minh đã dám khi bình minh lên. Thử làm, mạnh bạo làm, cứ làm, kiên trì làm, chung thủy với bản thân mình, vật lộn với số phận, khinh thường tai họa đến mức làm cho tai họa phải ngạc nhiên, khi thì đương đầu với cường quyền, khi thì vả vào mặt sự đắc thắng say sưa, đứng vững, đối đầu; đó là tấm gương mà các dân tộc cần có, đó là ánh sáng truyền điện lực vào cho họ. Cũng một tia chớp ghê gớm đã đi từ ngọn đuốc của Pơrômêtê tới cái điếu của Căngbơrôn.
***
Chương 12: TƯƠNG LAI TIỀM TÀNG TRONG QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN
Còn nhân dân Paris, dù đã là người lớn vẫn cứ là chú nhóc con. Miêu tả em bé Paris tức là miêu tả thành phố Paris. Vì vậy chúng tôi đã nghiên cứu con chim ưng kia ở trong con chim sẻ tự do này.
Ta hãy nhấn mạnh điểm này, là cái giống thuần túy của Paris xuất hiện nhiều nhất ở vùng ngoại ô. Đó mới là Paris chính cống, đó mới là bộ mặt thực của Paris, ở đó dân Paris lao động và đau khổ mà đau khổ và lao động là hai bộ mặt của con người. Ở đó lúc nhúc nhiều vô kể những con người vô danh, đầy dẫy những điển hình kỳ lạ nhất, từ bác phu dỡ hàng ở La Rapê, đến anh đồ tể ở Môngphôcông. Xixêrôn nói “cặn bã thị thành” (Tiếng Latinh: Fex urbis), Bơckơ, công phẫn nói thêm “Dân hạ lưu” (Tiếng Latinh: Mob), bùn rác, quần chúng, dân hèn, nói như thế cũng dễ thôi. Nhưng cũng được. Có quan trọng gì? Nếu họ đi chân đất thì có làm sao? Họ không biết đọc? Cũng cóc cần. Có phải vì thế mà ta bỏ rơi họ không? Ta có quyền rủa cảnh buồn khổ của họ không? Ánh sáng có thể chiếu rọi vào tận đám quần chúng đó không? Ta hãy trở lại cái tiếng kêu gọi: ánh sáng! Và kiên trì kêu gọi: ánh sáng! Ánh sáng! Biết đâu đấy, những khối u minh dầy đặc ấy lại không trở thành trong suốt. Những cuộc cách mạng chẳng phải là những cuộc thay hình đổi dạng là gì? Hãy tiến lên! Hỡi các nhà triết học, hãy giảng dạy, hãy soi rọi, hãy đốt sáng, hãy nghĩ thành tiếng, hãy nói to lên, hãy vui vẻ chạy tới mặt trời bao la, hãy hòa mình vào những quảng trường, hãy báo những tin vui, hãy phổ biến chữ cái, hãy tuyên bố những pháp quyền, hãy hát những khúc hát Mácxâyedơ hãy gieo mầm phấn khởi, hãy hái những cành sồi xanh. Hãy làm cho tư tưởng dậy lên như gió lốc. Cái đám quần chúng kia có thể trở nên phi thường, tuyệt vời. Ta hãy biết khai thác các đám cháy mênh mông những nguyên lý, những đạo đức đôi khi tóe lửa, chói lòa, rung động trong những giờ phút nào đó. Những bàn chân không ấy, những cánh tay trần ấy, những giẻ rách ấy, những ngu độn ấy, những ô nhục ấy, những bóng tối ấy có thể dùng để chinh phục lý tưởng. Hãy nhìn qua dân chúng, bạn sẽ nhìn thấy chân lý. Cái thứ cát ô uế mà bạn xéo dưới chân, hãy ném nó vào lò nấu, hãy để nó chảy ra, hãy để nó sôi lên, nó sẽ trở thành phalê rực rỡ. Chính nhờ cái phalê ấy mà Galilê và Niutơn phát hiện những vì sao.
Chương 13: CHÚ BÉ GAVƠRỐT
Tám hay chín năm sau những sự việc kể trong phần thứ hai của câu chuyện này, người ta thường thấy trên đại lộ Tăngpơlơ và ở trong vùng Satôđô, một em trai nhỏ khoảng mười một, mười hai tuổi, có thể coi là ứng đáp đúng các lý tưởng chú “nhóc” phác họa trên kia, nếu với cái cười của tuổi em trên môi, trái tim em không hoàn toàn âm u và trống rỗng. Em bé đó cũng mặc một cái quần dài, nhưng lại không phải của cha em, một cái áo cánh ngắn, nhưng lại không phải của mẹ em: những người từ thiện nào đó đã cho em quần áo ấy. Thế mà em cũng có cha và có mẹ. Nhưng cha em không nghĩ đến em và mẹ em không yêu em. Em bé ấy là một trong những em nhỏ đáng thương hơn cả, có cha, có mẹ mà lại mồ côi.
Em bé ấy không ở đâu khoan khoái bằng ở ngoài đường. Những viên đá lát đường không rắn bằng trái tim mẹ em. Với một cái đá, bố mẹ em đã vứt em vào cuộc đời và thế là em đã bay đi.
Đó là một chú bé vui nhộn xanh xao, nhanh nhẹn, tinh khôn, ưa chế giễu, có vẻ mặt hoạt bát mà ốm yếu. Chú đi, chú lại, chú hát, chú cười, chú mò rãnh, ăn cắp vặt một tí, nhưng vui vẻ như con mèo hay con chim sẻ; chú cười khi người ta gọi chú là “nhãi ranh” nhưng tức giận khi người ta gọi chú là “mất dạy”. Chú không có nhà ở, không có bánh ăn, không có lửa sưởi, không có ai yêu, nhưng chú vui sướng vì tự do.
Khi những em nhỏ đáng thương ấy trở thành người thì hầu hết bị cái cối xay của xã hội bắt gặp và nghiền nát nhừ, nhưng khi các em còn nhỏ, thì các em thoát khỏi được vì các em bé bỏng, chỉ một cái lỗ hổng nhỏ cũng đủ cứu được các em.
Nhưng dù bị cha hay mẹ mang con bỏ chợ như vậy, đôi khi cứ cách hai hay ba tháng, em lại nói: “Chà! Mình phải viếng thăm bà bô một chút chứ!”, thế là em rời đại lộ, bỏ rạp xiếc, ô Xanh Máctanh, đi xuống bờ sông, qua cầu, ra ngoại ô, đến khu Xanpêtơrie, rồi đến đâu? Đến cái số nhà 50-52 mà bạn đọc đã biết, đến cái nhà nát Gorbô.
Cái nhà nát số 50-52 thường vắng vẻ bỏ không và luôn luôn mang cái biển: “Có phòng cho thuê”, hồi ấy, thật là hãn hữu, lại có mấy người ở; và những người này, như lệ thường ở Paris – hoàn toàn không quen thuộc nhau, không có quan hệ gì với nhau. Tất cả bọn họ đều thuộc cái giai cấp nghèo khổ, bắt đầu với anh tiểu tư sản túng thiếu nhất và nối tiếp qua từ tầng đáy cùng cực của xã hội, đến hai nhận vật đón nhận tất cả những cái rác rưởi vật chất của văn minh, người phu dọn cống và kẻ bới rác.
Người trương nhà hồi gvg ở đã chết rồi và người thay thế cũng giống hệt. Tôi không biết nhà triết học nào đã nói: “Không bao giờ thiếu các mụ già”.
Mụ già này tên là Buyêcgông, lý lịch của mụ không có gì đáng chú ý, ngoài cái “triều nhà vẹt” ba đời của mụ, ba con vẹt đã lần lượt trị vì tâm hồn mụ.
Những kẻ nghèo khốn nhất trong đám những người ở thuê này là một gia đình bốn mạng: một người bố, một người mẹ và hai cô con gái đã khá lớn, cả bốn đều ở trong một cái buồng tiều tụy, một trong những gian phòng mà chúng tôi đã nói đến.
Cái gia đình ấy thoạt nhìn không có gì đặc biệt ngoài sự túng thiếu cùng cực. Người bố khi thuê buồng này bảo tên là Giôngđơret. Ít bữa sau buổi dọn nhà mà chẳng dọn gì đến cả ấy – theo cách nói đáng ghi nhớ của mụ trương nhà này, cũng kiêm gác cổng và quét cầu thang chung như mụ trương nhà trước – lão Giôngđơret ấy đã nói với mụ:
- Bà này! Nếu có ai đến hỏi một người Ba Lan, một người Ý hoặc một người Tây Ban Nha ở đây, thì là tôi đấy nhé.
Gia đình này là gia đình chú bé khốn khó và vui vẻ ấy. Chú trở về đây và lại thấy cái nghèo khổ, cái tiều tụy thảm hại và đáng buồn hơn nữa, không có một nụ cười: bếp lò lạnh tanh, lòng người cũng lạnh tanh. Khi chú bước vào buồng thì người ta hỏi: “Mày ở đâu về?” Chú trả lời: “Ở ngoài đường”. Khi chú đi thì nhà lại hỏi: “Mày đi đâu?” Chú trả lời: “Đi ra đường”. Mẹ chú lại bảo: “Mày đến đây làm gì?”
Chú bé sống không chút tình thương yêu cũng như đám cỏ nhợt mọc trong hầm tối. Chú không thấy thế là đau khổ mà cũng chẳng trách ai. Chú cũng không thấy thế là đau khổ mà cũng chẳng trách ai. Chú cũng chẳng biết đúng một người, một người mẹ thì như thế nào.
Ấy thế mà mẹ lại rất yêu hai đứa chị của chú.
Chúng tôi quên không nói rằng ở đại lộ Tăngpơlơ, người ta gọi chú là chú bé Gavơrốt. Cái tên ấy ở đâu ra? Chắc cũng như cái tên Giôngđơret của bố chú.
Có những gia đình cùng khổ thường thay tên đổi họ như vậy để không ai biết được tung tích.
Cái buồng của Giôngđơret ở cuối hành lang. Cái buồng bên là buồng của một chàng thanh niên rất nghèo tên là ông Mariuyt.
Ta hãy giới thiệu ông Mariuyt.
Nguồn: http://forums.vinagames.org/