8/4/13

Những người khốn khổ (P3-Q8-C6-10)

Chương 6: CON – NGƯỜI – THÚ TRONG HANG


Ở thành thị cũng như ở trong rừng, bao giờ cũng có những cái hang dùng làm nơi ẩn nấp cho những cái gì hung ác và ghê gớm nhất. Có điều ở thành thị, cái gì có hung dữ, nhuốc nhơ, nhỏ bé tức là xấu, mới cần trốn ẩn; còn ở trong rừng thì cái hung dữ, hoang dã và to lớn, tức là cái đẹp, lại đi trốn ẩn. Cũng là hang, nhưng hang thú còn hơn hang người. Hang ổ của loài thú dữ có giá trị hơn nhà ổ chuột.
Cái mà Mariuyt nhìn thấy là một cái nhà ổ chuột.
Mariuyt túng thật, buồng chàng ở nghèo thật; nhưng trong cảnh nghèo túng, chàng vẫn giữ được vẻ sang trọng, căn buồng vẫn sạch sẽ. Còn cái buồng chàng đang nhìn thì đê tiện, bẩn thỉu, hôi hám, tối tăm, nhớp nhúa quá. Đồ đạc chỉ có cái ghế rơm, một cái bàn gãy chân, vài mảnh bình vỡ, ở hai góc, hai cái giường rách nát không tả xiết. Ánh sáng thì chỉ lọt qua có một cái cửa sổ gồm bốn tấm kính và giăng đầy mạng nhện. Vừa đủ ánh sáng lờ mờ để cái mặt người nom thành mặt ma. Tường như bị hủi, đầy những nốt rỗ, vết sẹo, kinh khủng. Tường nhâm nhấp một thứ nước như nhử mắt. Trên tường có những hình vẽ thô tục bôi nguệch ngoạc bằng than.
Buồng Mariuyt còn có sàn gạch vỡ nát; sàn buồng bên thì chẳng lát gạch, cũng chẳng lát ván. Cứ giẵm bừa trên vôi gạch lổn ngổn đen mà đi. Bụi đóng bánh trên nền đất lởm chởm chưa biết đến cái chổi là gì. Giày dép cùng giẻ rách lù lù từng đống ghê tởm. Dù sao thì cũng có một cái lò sưởi, nên mỗi năm phải trả bốn mươi phơrăng. Thôi thì đủ mọi thứ trong lò sưởi, nào bếp, nào nồi, mảnh ván, giẻ mắc trên đinh, một cái lồng chim, tro than, cả một ngọn lửa nữa. Hai que củi buồn bã nhả khói.
Trông gian buồng thêm sợ vì buồng rất rộng. Lại lủng củng những chỗ lồi ra, những góc tường ăn lấn vào, những lỗ sâu thăm thẳm, mái nhà khấp khểnh, nhô ra, thụt vào. Vì thế buồng đầy những góc sâu hoắm, tưởng như những con nhện to bằng nắm tay đang nằm gọn bên trong, cả những con mọt to bằng bàn chân nữa và biết đâu chẳng có những con người ma quái nào!
Một cái giường kê gần cửa, cái thứ hai kê sát cửa sổ, đầu giường kề lò sưởi, ngay trước mặt Mariuyt.
Trong một góc, bên cạnh cái khe Mariuyt nhòm sang, một bức tranh tô màu, khung gỗ đen, treo trên tường, bên dưới ghi mấy chữ to tướng: Giấc mộng. Tranh vẽ một người đàn bà và một em bé cùng ngủ, đứa bé trong lòng người đàn bà, một con phượng hoàng bay trong mây, mỏ cặp một vòng hoa, người đàn bà giơ tay gạt vòng hoa ra ngoài đầu đứa bé, mắt vẫn nhắm. Xa xa Napoleon đứng trong vành hào quang, mình tựa vào một cái trụ màu xanh, đỉnh trụ màu vàng, trên trụ có ghi mấy chữ sau đây:
Maranhgô
Ôtxterlit
Lêna
Vagơrammơ
Elô
(tên những chiến thắng lớn của Napoleon. Những chữ này, chủ nhân viết với nhiều lỗi chính tả)
Bên dưới bức tranh, một tấm biển gỗ hình chữ nhật đặt dưới đất, úp nghiêng vào tường. Hình như một bức tranh đặt quay lưng lại, một cái khung tranh bôi vẽ ở phía trước, hay một tấm biển gỗ tháo ở tường ra, chưa kịp treo lại.
Mariuyt thấy một người trạc sáu mươi tuổi, nhỏ người, gầy gò, tái mét, trông dữ tợn, có vẻ giảo quyệt, tàn nhẫn, nét mặt lo nghĩ. Rõ ra một thằng vô lại gớm ghiếc. Hắn ngồi ở một cái bàn có cả bút mực giấy.
Nếu Lavate (nhà triết học và giáo lý Thụy Sĩ, thế kỷ 18, sáng tạo một thứ thuật xem tướng qua diện mạo) nhìn vào bộ mặt này sẽ thấy mặt một con kên kên hòa mặt biện lý. Con chim ăn thịt và con người quan tòa bổ sung cho nhau, làm cho nhau thêm xấu xí. Con người tòa án làm cho con chim ăn thịt ô xú, con chim ăn thịt làm cho người tòa án trở nên ghê tởm.
Hắn có một chòm râu dài lốm đốm bạc. Hắn mặc một cái áo trong của đàn bà, hở cả ngực, cả tay lông lá xồm xoàm, một cái quần cháo lòng, chân xỏ một đôi giày ống, ngón chân thò cả ra ngoài.
Miệng hắn ngậm một cái tẩu. Trong nhà không có một miếng bánh, nhưng vẫn còn thuốc lá.
Hắn viết, có lẽ lại là một bức thư như kiểu các thư Mariuyt đã đọc.
Ở góc bàn, có một cuốn sách đã nát, màu đỏ đỏ; nhìn cuốn sách khổ gấp 12 kiểu cũ, như thường thấy ở các phòng đọc sách, có thể biết là cuốn tiểu thuyết. Bìa sách in hàng chữ to: “Chúa, vua, danh dự, phụ nữ”, tác giả: “Đuycơrê Đuyminin, 1814”.
Vừa viết, hắn vừa nói to, Mariuyt nghe thấy những lời sau đây:
- Ở đời này, đến chết cũng không có bình đẳng. Hãy vào nghĩa trang Pe – Lasedơ mà coi. Những ông lớn bà lớn, những người giàu có, thì chôn cất bên trên, bên những con đường lát đá, trồng hoa kim hợp. Xe ngựa đưa họ đến nơi ấy. Kẻ nghèo hèn, kẻ khổ cực, người ta xếp họ ở bên dưới, nơi bùn lầy ngập đến đầu gối, người ta nhét họ vào hang hố, vào nơi ẩm thấp. Vứt họ ở đấy cho xương thịt chóng tiêu tan. Đến viếng mộ họ, tất phải thụt xuống bùn lầy.
Đến đây, hắn ngừng lại, nắm tay đấm xuống bàn rồi vừa nghiến răng vừa nói:
- Trời! Ta có thể ăn thịt loài người được đi!
Một mụ đàn bà to lớn không biết bốn mươi hay một trăm tuổi ngồi xổm cạnh lò sưởi.
Mụ cũng chỉ mặc một cái áo trong và một cái váy bằng vải vá chằng vá đụp những mụn dạ cũ. Mụ đeo một cái tạp dề vải thô che lưng chừng váy. Tuy mụ cúi gập người xuống và co ro lại, nhưng cũng thấy mụ rất cao lớn. Mụ như một mụ khổng lồ bên cạnh anh chồng. Tóc mụ vàng hung đã đốm bạc trông gớm chết. Thỉnh thoảng mụ lại lấy bàn tay bóng nhẫy, móng bèn bẹt, hất mớ tóc lên.
Cạnh mụ, một cuốn sách mở tung đặt dưới đất, cũng một khổ như cuốn sách trên, có lẽ cùng một bộ tiểu thuyết.
Trên một cái giường, Mariuyt thấy một con bé xanh xao, dài ngoằng ngoẵng; nó gần như chẳng có áo quần gì, chân buông thõng xuống; nó như chẳng nghe, chẳng nhìn, chẳng thấy gì cả, như cái xác không hồn.
Chắc con bé là em gái cô thiếu nữ sang buồng chàng lúc nãy.
Cô bé trạc mười một, mười hai tuổi. Nhìn kỹ thì có lẽ đến mười lăm cũng nên. Chính tối hôm qua, cô ta đã kêu:
“Thế là tẩu, tẩu, tẩu bán sống bán chết!”
Cô thuộc loại cây yếu ớt, chậm mọc, rồi đùng một cái, lớn vượt lên. Cảnh nghèo đói đã tạo nên những con người giống loài cây đáng thương như vậy. Hạng người ấy chẳng có tuổi thơ ấu, cũng chẳng có tuổi thanh niên. Mười lăm tuổi còn là con nít, đến mười sáu đã như hai mươi. Bây giờ là đứa trẻ, ngày mai đã đứng tuổi. Hình như họ bước sải trên cuộc đời cho chóng chết.
Lúc này thì cô bé vẫn còn có vẻ một đứa trẻ.
Trong gian buồng này, chẳng có gì tỏ ra là người ta có công ăn việc làm cả. Không có khung cửi, không có guồng quay sợi, một tí dụng cụ cũng không. Trong xó buồng, mấy thanh sắt có vẻ ám muội. Cái vẻ chểnh mảng buồn thiu này là kết quả của tuyệt vọng và báo hiệu cơn hấp hối.
Mariuyt nhìn kỹ căn buồng ảm đạm này; nó còn khủng khiếp hơn một ngôi mộ, vì ở đây linh hồn con người còn lay động và sự sống còn thoi thóp.
Cảnh tượng những người nghèo khổ bò lê la trong cái ổ chuột, trong hầm, trong cái hố thấp lè tè không hẳn là cảnh tượng một nấm mồ; nó mới chỉ là cái phòng đợi vào mồ. Những cũng như những kẻ giàu sang thường phô trương vàng ở ngoài cửa lâu đài của họ, thần chết cũng đặt những nỗi khốn cùng nhất ở cái gian phòng đợi ấy.
Lão già ngồi bàn thôi không nói nữa; mụ vợ im lìm, cô bé hình như không thở. Tiếng ngòi bút chạy trên giấy sột soạt.
Lão nói lầm bầm, tay không ngừng viết:
- Chó! Chó! Chó má tuốt!
Gần đúng câu kết oán thân của Xalômông. Mụ vợ nghe thấy, thốt ra một tiếng thở dài não nuột. Mụ bảo chồng:
- Thôi, mình ạ, mình hãy bình tĩnh. Mình ơi, đừng buồn quá thế. Mình gửi thư cho những đứa ấy làm gì.
Trong cảnh khốn cùng, người ta dịch lại gần nhau cho ấm, cũng như trong cơn rét; nhưng trái tim thì xa nhau ra. Cứ xem cách ăn nói, cũng thấy xưa kia hẳn mụ đã hết lòng thương yêu chồng; nhưng mối tình ấy có lẽ đã tàn vì những lời trách móc nhau hàng ngày, trong cảnh cơ cực đè trĩu xuống mọi người trong gia đình. Đối với chồng, trong người mụ, chỉ còn mớ tro tàn của tình yêu. Thế những cách âu yếm gọi chồng ngày nay mụ vẫn còn giữ được. Miệng mụ vẫn thường nói với chồng: “Mình ơi… cậu ạ… anh của em…” nhưng lòng mụ đã nguội lạnh.
Lão kia lại cắm cúi viết.


Chương 7: CHIẾN LƯỢC VÀ CHIẾN THUẬT


Mariuyt, ngực nghẹt thở, toan xuống khỏi cái đài quan sát bất ngờ thì chợt nghe một tiếng động làm chàng đứng yên tại chỗ.
Cửa phòng vừa mở thình lình.
Cô con gái lớn bước vào. Chân đi đôi giầy đàn ông to sù, đầy bùn, bùn bắn lên cả mắt cá đỏ hỏn, mình khoác một cái áo ngoài rách bươm. Mariuyt không thấy chiếc áo khoác ấy khi cô ta vào buồng chàng một giờ trước đây, có lẽ cô đã cởi chiếc áo để ngoài cửa buồng cho Mariuyt thương hại, lúc trở ra mới lại mặc. Cô đi vào phòng, đẩy cánh cửa cho khép lại, dừng lại thở hổn hển, rồi kêu lên vui mừng, đắc thắng:
- Ông ấy đến.
Người cha ngẩng lên nhìn, người đàn bà quay đầu lại, cô bé con vẫn ngồi im. Người cha hỏi:
- Ai đến?
- Ông sang trọng ấy.
- Nhà từ thiện à?
- Vâng.
- Ở nhà thờ Xanh Giắc?
- Vâng.
- Cái lão già ấy à?
- Vâng.
- Hắn sắp đến hử?
- Ông ấy đi theo tôi.
- Mày chắc không?
- Chắc chứ.
- Hắn đến đây thật à?
- Ông ấy đi xe đến.
- Đi xe! Hắn là một triệu phú!
Người cha đứng dậy:
- Mày chắc thế à? Nếu hắn đi xe sau mày lại về trước? Mày có bảo địa chỉ không? Có dặn là cửa buồng cuối hành lang, bên phải không? Quý hồ hắn đừng nhầm thôi. Mày đến nhà thờ tìm nó phải không? Hắn có đọc bức thư của tao không? Hắn bảo gì mày?
- Chao ôi! Sao ông già vội vàng thế? Thế này, tôi vào nhà thờ, ông ấy vẫn ngồi ở chỗ cũ, tôi chào rất lễ phép và đưa ông ấy bức thư. Ông ấy đọc rồi hỏi tôi: cháu ở đâu? Tôi bảo: thưa ông, để cháu dẫn ông đến nhà cháu. Ông ấy bảo: không! Cho tôi biết địa chỉ, con gái tôi còn phải đi mua ít đồ dùng, tôi sẽ đi xe và về kịp lúc cháu về. Tôi nói địa chỉ, nghe thấy địa chỉ ông ta tỏ vẻ ngạc nhiên, do dự một lát rồi bảo: cũng được, tôi sẽ đến. Giảng kinh xong, tôi thấy ông đi cùng với con gái ông ở nhà thờ ra rồi cùng lên xe. Tôi đã bảo rõ là ở cuối hành lang, cửa buồng bên phải.
- Sao dám chắc là hắn sẽ đến?
- Tôi đã thấy cái xe ở phía phố Pơti Băngkiê chạy tới, vì thế tôi phải chạy vội về.
- Sao lại biết là chiếc xe ấy?
- Tôi nhớ số xe.
- Số bao nhiêu?
- 440.
- Được, mày là một đứa con gái thông minh đấy!
Cô con gái mạnh bạo nhìn thẳng mặt bố và giơ đôi giày ở chân lên bảo:
- Con gái thông minh, có lẽ, nhưng tôi bảo bố là tôi không đi đôi giày này nữa đâu, vừa hại sức khỏe vừa bẩn. Không gì khó chịu bằng đế giày cứ nhóp nhép những nước, lúc nào cũng kêu kịt, kịt, kịt suốt dọc đường. Thà đi đất còn hơn.
Người cha trả lời dịu dàng khác hẳn lời gắt gỏng của cô con gái:
- Con nói phải nhưng không có giày chúng nó không cho con vào nhà thờ. Kẻ nghèo phải có giày dép.
Rồi hắn nói tiếp một cách chua cay: “Người ta không xéo đất vào nhà chùa”. Hắn lại quy trở về câu chuyện đang làm hắn băn khoăn:
- Con có chắc là hắn đến không? Chắc thật không?
- Ông ấy đến ngay đây này, sau con mấy bước thôi.
Người đàn ông đứng phắt dậy. Mặt hắn sáng ngời lên?
- Mẹ mày này! Nghe rõ chưa? Nhà từ thiện đến đấy. Tắt lửa đi.
Người vợ kinh ngạc, không động đậy.
Người cha nhanh như một người làm xiếc, vớ ngay cái lọ mẻ trên lò sưởi và đổ nước vào ngọn lửa, rồi quay bảo con gái lớn:
- Còn mày rút rơm ở ghế ra.
Cô con gái không hiểu gì cả.
Hắn nắm lấy chiếc ghế, dận gót chân xuống, thế là chiếc ghế bật tung rơm ra, cẳng chân hắn tụt qua chiếc ghế.
Vừa rút chân ra, hắn vừa hỏi con gái:
- Trời lạnh không?
- Lạnh lắm. Có tuyết.
Người bố quay lại phía đứa con gái nhỏ và thét lớn như sấm:
- Nhanh lên! Tụt hỏi giường ngay, đồ chảy thây: mày không được trò trống gì cả à? Đập vỡ một miếng kính đi!
Đứa nhỏ nhảy xuống đất, run cầm cập. Hắn lại nói:
Đập một miếng kính đi.
Đứa nhỏ ngơ ngác. Người bố lại gắt:
- Mày nghe ra chưa? Tao bảo mày đập một miếng kính mà!
Đứa nhỏ sợ hãi vâng lời, kiễng chân với lên đấm một cái vào miếng kính. Mảnh kính vỡ rơi loảng xoảng.
- Được rồi, - anh ta phán.
Người cha vừa nghiêm nghị vừa gắt gỏng. Mắt hắn liếc nhìn khắp gian phòng tiều tụy. Trông như một viên tướng kiểm tra đội ngũ lần cuối cùng trước khi xuất trận.
Người mẹ, từ nãy chưa nói một lời, nhổm dậy và chậm chạp hỏi chồng, giọng nói âm thầm, mỗi lời như đọng lại:
- Mình ơi! Mình định làm gì thế?
Người chồng trả lời:
- Cứ nằm xuống giường.
Giọng nói cương quyết, không thể thảo luận. Người mẹ tuân lệnh, nằm vật xuống giường.
Ở một xó buồng, có tiếng khóc nức nở. Người cha hỏi:
- Cái gì thế hử?
Đứa gái nhỏ, vẫn co ro trong xó tối giơ nắm tay chảy máu ra. Khi đấm mảnh kính, tay đứa bé bị thương, nó chạy về cạnh giường mẹ và ầm ĩ khóc.
Tức thì người mẹ nhỏm dậy kêu lên:
- Đã thấy chưa! Mình rõ rồ dại! Con bé đập miếng kính toạc cả tay.
Người chồng trả lời:
- Càng hay! Biết trước rồi.
Người vợ hỏi:
- Sao lại càng hay?
- Im! Tao phế bỏ quyền tự do ngôn luận.
Rồi hắn xé chiếc áo sơ mi đàn bà hắn đang mặc, lấy một miếng vải buộc vội vàng bàn tay đẫm máu của đứa con.
Làm xong hắn nhìn lại chiếc sơ mi rách, có vẻ vui thích.
- Cái sơ mi này nữa, hợp lắm!
Một luồng gió lạnh buốt thổi qua miếng kính vỡ vào trong phòng. Sương mù bên ngoài cũng vào theo và lan ra cả phòng như những sợi bông trắng có những ngón tay vô hình đang kéo tới ra. Qua miếng kính vỡ thấy tuyết rơi bên ngoài. Cái rét mà mặt trời ngày lễ Săngđơlơ báo hiệu hôm trước đã về. Người cha liếc nhìn xung quanh như xem còn thiếu cái gì không. Hắn lấy một chiếc xẻng cũ, đổ gio lên những mẩu củi ướt che lấp hẳn đi.
Rồi hắn ngẩng lên nói như nói với lò sưởi:
- Bây giờ chúng ta có thể đón nhà từ thiện được rồi.
***


Chương 8: TIA SÁNG TRONG Ổ CHUỘT


Cô gái lại gần và đặt bàn tay trên bàn tay người bố:
- Bố xem tay tôi lạnh không?
- Chà, tao còn lạnh bằng mấy thế nữa.
Người mẹ cất to tiếng, sôi sục:
- Cái gì ông cũng hơn người cả. Cả cái độc ác nữa.
- Câm nào!
Người chồng vừa nói vừa quắc mắt nhìn vợ. Người vợ câm miệng.
Trong phòng có một lúc im lặng. Cô gái lớn thản nhiên vò, gỡ những vết bùn ở gấu áo khoác, cô gái nhỏ vẫn thút thít khóc.
Người mẹ ôm đầu đứa con gái nhỏ hôn hít, dỗ dành:
- Thôi mẹ xin, cưng ạ, không việc gì đâu, đừng khóc nữa bố con nổi giận lên bây giờ.
Người bố nói to:
- Không sao, cứ khóc, cứ khóc, càng tốt.
Rồi quay lại cô gái lớn, hắn bảo:
- Hừ! Hắn không đến à! Hay là hắn không đến thật. Thế là lửa tắt, ghế thủng, áo rách, kính vỡ vô ích.
Người mẹ nói thì thào:
- Và con bé bị thương.
Người bố nói tiếp:
- Mẹ con mày có thấy không? Lạnh cắt da trong cái ổ chó này! Thế mà hắn không đến! Hừ! Bắt người ta chầu chực thế này! Chắc chắn bảo rằng cho chúng nó đợi, trời sinh chúng nó ra để chờ đợi mà! Trời! Sao mà tao ghét chúng nó thế, ghét cay, ghét đắng, nếu mà bóp cổ cái bọn nhà giàu ấy được thì tao vui sướng, hân hoan, khoái chá, hể hả, bóp cho chúng chết, chết hết cả, chết tiệt. Cái bọn giàu có ấy, bọn xưng là từ thiện ấy làm trò, làm vè, đi lễ đi bái, đi cầu đi cúng; chúng nó cứ tưởng chúng nó là thượng lưu, khinh rẻ người ta; làm phúc cho chúng ta mấy cái quần áo, mấy cái giẻ rách không đáng vài xu, mấy miếng bánh khô! Đồ chó chết, tao không thèm những cái ấy. Tao cần tiền, tiền, tiền kia. Nhưng tiền thì chúng nó không bao giờ cho; chúng nó bảo cho tiền chúng tao uống rượu hết, chúng ta là đồ nghiện ngập; đồ lười biếng. Thế chúng nó, chúng nó thì sao? Xưa kia chúng làm gì? Là quân ăn cắp! Không ăn cắp sao lại giàu? Phải tung hê tất cả cái xã hội này đi, như nắm bốn góc chiếc khăn bàn mà tung lên trời cho tan nát hết, cho sạch sành sanh hết. Thà thế còn hơn. Còn cái thằng cha phúc đức ấy! Nó có đến không? Hay là thằng chó chết quên mất địa chỉ rồi. Tao cuộc là thằng già ấy…
Đúng lúc đó có người gõ cửa nhè nhẹ, hắn nhảy vội ra mở cửa, cúi gập người xuống chào, vui cười, niềm nở, kính cẩn và kêu lên:
- Mời ngài vào! Xin mời ngài quá bộ vào, ngài ân nhân kính mến của chúng tôi, xin mời quý tiểu thư xinh đẹp vào.
Một ông già và một thiếu nữ hiện lên trên ngưỡng cửa.
Mariuyt vẫn ở trên chỗ cũ. Cảm tưởng của chàng lúc này thật không lời nào nói được.
Chính là Nàng!
Ai đã yêu mới hiểu được tất cả ý nghĩa chói lọi của bốn chữ cái làm nên cái tiếng thiêng liêng ấy: Nàng!
Chính là nàng thật. Mắt Mariuyt bỗng nhiên mờ đi sau một làn hào quang rực rỡ. Nàng hiện ra mờ ảo sau vầng hào quang ấy. Chính là nàng, con người dịu dàng bấy lâu vắng bóng, ngôi sao đã soi sáng đời chàng sáu tháng trời, con mắt ấy, cái miệng ấy, khuôn mặt rỡ ràng ấy khi biến đi đã làm cho đời chàng âm u như đêm tối. Hình ảnh biến đi bây giờ lại xuất hiện. Mà xuất hiện trong cái bóng tối này, trong gian phòng tồi tàn này, trong cái ổ chuột kinh khủng này!
Mariuyt xúc động run bắn người lên. Ôi! Nàng ở kia! Tim chàng đập mạnh khiến mắt chàng hoa, chàng thấy nước mắt muốn trào ra. Thật ư, lại được gặp nàng ư? Sau bao nhiêu ngày đáy bể mò kim. Chàng cảm thấy như người đã mất linh hồn nay lại hoàn hồn.
Nàng vẫn như xưa, chỉ hơi xanh một chút, nét mặt thanh tú trong vành chiếc mũ nhung tím, thân nàng lẩn trong chiếc áo khoác xa-tanh màu đen. Dưới chiếc áo dài thấy rõ bàn chân nhỏ bé, gọn gàng trong chiếc giày thêu. Nàng vẫn đi với ông Lơ Blăng.
Nàng bước mấy bước vào trong phòng và đặt một cái bọc khá to trên bàn.
Cô Giôngđơret lớn đứng nấp sau cánh cửa, mắt lầm lầm nhìn chiếc mũ nhung, cái áo khoác lụa, cái bộ mặt xinh đẹp và sung sướng kia.


Chương 9: GIÔNGĐƠRET HẦU NHƯ MUỐN KHÓC


Gian phòng tối quá, người ở ngoài mới bước vào tưởng như đi vào một cái hầm. Hai người lạ bước vào rụt rè, không nhận rõ những hình người xung quanh, trái lại những người trong phòng quen sống trong bóng hoàng hôn ấy nhìn rõ từng nét mặt họ. Ông Lơ Blăng, vẫn đôi mắt hiền từ và buồn rầu, lại gần Giôngđơret và nói với hắn:
- Ở trong bọc này có ít quần áo mới, bít tất và chăn len.
Giôngđơret cúi rạp xuống tận đất:
- Ngài ân nhân phúc đức, cho chúng tôi hậu quá!
Rồi, trong khi hai người khách đang để ý xem xét cái gian phòng tiều tụy ấy, hắn ghé vào tai cô gái lớn nói nhỏ và nhanh:
- Hừ! Tao đã bảo mà: lại quần áo, chứ tiền gì! Chúng nó cùng một giuộc cả. À, cái bức thư đưa cho lão già ngớ ngẩn ấy, tao ký tên gì nhỉ?
Cô con gái trả lời:
- Phabăngtu.
- Nghệ sĩ sân khấu, được rồi.
May cho Giôngđơret, đúng lúc ấy ông Lơ Blăng quay lại nói với hắn, vừa nói vừa ngập ngừng cố nhớ ra tên hắn:
- Tình cảnh ông thật đáng ái ngại, ông…
Giôngđơret vội vàng nói tiếp:
- Phabăngtu.
- Ông Phabăngtu, phải rồi, đúng, tôi nhớ ra rồi.
- Nghệ sĩ sân khấu, thưa ngài, chúng tôi đã từng được hoan nghênh.
Giôngđơret tưởng đến lúc phải đoạt lấy cảm tình của nhà từ thiện. Hắn nói với một giọng vừa khoa trương như anh làm xiếc ở phiên chợ vừa cầu khẩn như người ăn mày kêu đường:
- Học trò của nghệ sĩ Tanma (nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng của nước Pháp đầu thế kỷ thứ 19) – Bẩm ngài, tôi là đồ đệ của Tanma. Đã có thời oanh liệt, bây giờ thì là lúc tàn tạ. Ngài xem, ngài ân nhân của chúng tôi, đói không bánh, rét không lửa. Khốn nạn, các cháu lạnh thế này mà không có một thanh củi. Chiếc ghế độc nhất thì bục tung, kính thì vỡ, mà trời ghét quá – Mẹ các cháu ốm liệt giường.
- Tội nghiệp bà nhà!
Giôngđơret nói thêm:
- Cháu bé bị thương.
Đứa bé thấy có người lạ, không khóc nữa và đang mải ngắm “cô tiểu thư”. Giôngđơret vừa cấu vào tay đứa bé bị thương vừa nói sẽ:
- Khóc lên, kêu lên!
Hắn làm tất cả những việc đó như một nhà ảo thuật. Đứa bé khóc to lên.
Cô thiếu nữ đáng yêu của Mariuyt, nàng “Uyếcxuyn” của lòng chàng, bước nhanh lại gần đứa bé và nói:
- Tội bé quá, bé yêu.
Giôngđơret nói tiếp:
- Thưa tiểu thư, nắm tay cháu đẫm máu đây này, cháu bị thương vì một cái máy, cháu làm việc ở đó để kiếm sáu xu mỗi ngày. Có lẽ đến phải cưa cánh tay.
Ông lão hoảng hốt kêu lên:
- Thật ư?
Đứa bé tưởng thật khóc rống lên.
Người cha nói:
- Thưa ngài ân nhân, có lẽ phải cưa thật.
Đã một lúc rồi Giôngđơret nhìn nhà từ thiện với một vẻ khác thường. Lần này vừa nói hắn vừa chăm chú nhìn ông ta như cố ý nhớ lại một chuyện cũ. Rồi thừa dịp hai người lạ đang hỏi han đứa nhỏ về bàn tay bị thương, hắn lần lại gần giường vợ nằm, người vợ với vẻ mặt mệt mỏi, ngớ ngẩn. Hắn nói nhanh và khẽ:
- Mẹ nó này, nhìn kỹ lão ấy thử xem.
Rồi hắn quay lại nói với ông Lơ Blăng, vẫn cái điệu kêu van từ nãy:
- Ngài ân nhân! Xin ngài trông xem, tất cả áo xống của tôi chỉ có chiếc sơ mi của vợ, chiếc sơ mi rách giữa ngày đông tháng giá này. Tôi không ra phố được vì không có áo, nếu có quần áo thì tôi đến ngay nữ nghệ sĩ Mác (nữ diễn viên sân khấu nổi tiếng đầu thế kỷ XIX), cô biết tôi và quý tôi lắm, hình như cô ấy vẫn ở phố Tuađôđam hay sao ấy? Thưa ngài, chúng tôi cùng biểu diễn với nhau ở địa phương. Cùng hưởng vinh quang. Nếu nhà tôi đến thì Xêlimen tất cứu giúp tôi, thưa ngài! Enmia sẽ bố thí cho Bêliđe (nhân vật trong một số hài kịch nổi tiếng của Môlie). Nhưng không, không có gì cả. Một đồng xu nhỏ trong nhà cũng không có. Vợ ốm, không có đồng xu nào! Con bị thương nặng, không có đồng xu nào. Nhà tôi thường nghẹt thở. Đến cái tuổi phải thế, lại còn thêm bệnh thần kinh xen vào. Phải có thuốc thang cho nhà tôi, cho cả con cháu nữa. Nhưng mà y sĩ, dược sĩ thì lấy tiền đâu trả? Không có một đồng một chữ trong nhà! Chỉ cần một trinh thôi cũng đủ cho tôi quỳ xuống mà nhận rồi. Nghệ thuật đã đến bước đường cùng như thế này. Thưa tiểu thư xinh đẹp, thưa ngài ân nhân đại lượng, ngài và cô có biết đâu, ngài và cô đạo đức và nhân từ, làm nức hương thơm ở cái nhà thờ mà con tôi hằng ngày đi cầu nguyện và được nhìn thấy quý dung nhan, ngài và cô làm sao biết được? Thưa ngài, tôi nuôi dạy con tôi theo lẽ đạo. Tôi không muốn cho chúng theo nghề xướng ca. Chao ôi! Nếu mà chúng giở chứng, cái bọn con ranh ấy, thì tôi đâu có đùa! Con cái tôi phải biết thế nào là danh dự, là luân lý, là đạo đức. Ngài thử hỏi các cháu mà xem. Chúng nó phải đi ngay về thẳng. Chúng nó có cha mà. Không như cái ngữ khốn nạn lúc vô gia đình, về sau là vợ khắp thiên hạ. Bắt đầu là cô Không-con-ai-cả, rồi trở thành bà Vợ-mọi-người. Ối dào! Dòng họ Phabăngtu không có những thứ như thế. Nhất thiết tôi phải nuôi dạy nó trong đức hạnh và chúng phải lương thiện, phải dễ thương, phải tin Chúa. Mẹ kiếp! Thưa ngài, ngài có biết ngày mai đây sẽ xảy ra chuyện gì không? Ngày mai mồng 4 tháng hai, ngày ác nghiệt, ngày hẹn cuối cùng của chủ nhà, nếu chiều nay không có tiền trả, thì tôi và con cháu lớn, vợ tôi đang ốm, con tôi đang bị thương, tất cả vợ chồng con cái sẽ bị đuổi ra đường, nằm vỉa hè, mặc mưa, mặc tuyết. Thưa ngài, như thế đấy, tôi còn nợ bốn hạn tức một năm tiền nhà, nghĩa là sáu mươi phơrăng.
Giôngđơret nói dối. Bốn kỳ hạn thì chỉ có bốn mươi phơrăng, hơn nữa hắn có nợ đâu đến bốn kỳ hạn? Mới sáu tháng trước Mariuyt trả giúp cho hắn hai kỳ rồi.
Ông Lơ Blăng móc túi ra năm phơrăng đặt trên bàn.
Giôngđơret có đủ thì giờ lẩm bẩm vào tai con gái lớn:
- Thằng đểu, năm phơrăng, nó cho năm phơrăng thì làm được cái gì? Không đủ trả cái ghế, miếng kính. Ta đã bỏ ra bao nhiêu rồi!
Lúc ấy ông Lơ Blăng đã cởi chiếc áo khoác đen mặc ngoài chiếc áo dài xanh và vắt lên tay ghế.
- Ông Phabăngtu ơi! Tôi chỉ còn năm phơrăng đó trong người, tôi đưa cháu về nhà, tối tôi lại đến; có phải tối nay ông phải trả tiền nhà không?
Mặt Giôngđơret bỗng sáng bừng lên một cách lạ lùng. Hắn vội vàng trả lời:
- Bẩm ngài, tám giờ tối tôi phải mang tiền trả chủ nhà.
- Sáu giờ tôi sẽ đến đây và mang cho ông sáu mươi phơrăng.
- Ôi! Ngài ân nhân quý hóa, - Giôngđơret cuống quýt kêu như thế rồi bảo sẽ vợ:
- Mẹ nó nhìn kỹ lão già nhé.
Ông Lơ Blăng dắt tay con gái quay mặt ra phía cửa, chào:
- Chào các bạn, chiều nay nhé.
Giôngđơret hỏi:
- Sáu giờ ạ?
- Sáu giờ đúng.
Cô gái lớn lúc ấy nhìn thấy chiếc áo khoác ngoài để trên tay ghế, cô nói:
- Thưa ông! Ông bỏ quên cái áo ạ.
Giôngđơret lừ mắt lườm con và nhún vai.
Ông Lơ Blăng quay lại, mỉm cười nói:
- Tôi không bỏ quên đâu, tôi để lại đấy.
- Thưa ngài ân nhân, ngài ân nhân cao cả của tôi, tôi không cầm được nước mắt! Thưa ngài cho phép tôi tiễn chân ngài ra xe.
Ông Lơ Blăng bảo:
- Ông xuống đường thì mặc cái áo này vào. Trời lạnh lắm.
Chẳng phải đợi mời lần thứ hai, Giôngđơret khoác ngay chiếc áo. Cả ba người cùng ra, Giôngđơret đi trước hai người khách.
***


Chương 10: GIÁ THUÊ XE NHÀ NƯỚC: HAI PHƠRĂNG MỘT GIỜ 


Mariuyt không bỏ qua một tí nào câu chuyện chàng chứng kiến, thế mà thực ra chàng chẳng nhìn thấy gì. Mắt chàng không chút nào rời người thiếu nữ, trái tim chàng như bao bọc lấy nàng từ lúc nàng bước chân vào gian phòng tồi tàn kia. Suốt thời gian nàng ở đấy, Mariuyt tâm hồn như ngất ngây say sưa, không còn để ý đến sự vật gì xung quanh nữa. Chàng đang chiêm ngưỡng trước mắt không phải một thiếu nữ mà là một ánh hào quang khoác áo xa tanh và đội mũ nhung. Sao thiên lang rọi vào trong phòng ấy cũng không làm cho chàng choáng ngợp hơn.
Khi thiếu nữ mở cái bọc, giở những quần áo, chăn ra, ân cần hỏi người đàn bà ốm, âu yếm thăm đứa nhỏ bị thương, chàng theo dõi tất cả những cử chỉ của nàng, cố nghe tiếng nói của nàng. Chàng đã quen đôi mắt, cái trán, cái vẻ đẹp của nàng, thân hình, dáng điệu nàng, nhưng chưa thuộc giọng nói của nàng. Ở vườn Luychxămbua, có lúc chàng như thoáng nghe được nàng nói một vài tiếng nhưng chàng không chắc có phải tiếng nàng như thế không. Chàng có thể chịu giảm thọ mười năm để được nghe tiếng nàng nói, để giữ được trong tâm hồn chàng một chút cái âm nhạc du dương ấy. Nhưng giọng kể lể thảm hại, tiếng nói oang oang của Giôngđơret át cả tiếng nàng. Mariuyt giận vô cùng trong chính lúc say sưa ấy. Mắt chàng ôm ấp lấy nàng. Chàng không thể tưởng tượng được chính con người thần tiên ấy lại đang ở giữa con vật ghê tởm, trong cái ổ kinh khủng này. Thật như một con chim hoàng yến giữa một đàn cóc.
Khi nàng bước ra, chàng chỉ có một ý nghĩ là theo nàng, theo từng bước cho đến khi biết được chỗ nàng ở, không thể lại mất hút nàng một lần nữa sau cuộc tái ngộ kỳ diệu này. Mariuyt từ trên tủ nhảy xuống, cầm mũ, tay đã nắm quả đấm cửa, sắp sửa bước ra rồi chàng chợt nghĩ ra và đứng dừng lại. Hành lang dài, cầu thang đốc, gã Giôngđơret còn kể lể, ông Lơ Blăng có lẽ chưa lên xe, nếu trong hành lang, trên cầu thang hay ở ngưỡng cửa, ông ngoảnh lại và bắt gặp Mariuyt trong cái nhà này, ông sẽ ngạc nhiên như thế nào? Hay là đợi một lát? Nhưng lỡ xe lại đi mất. Mariuyt phân vân. Cuối cùng chàng mở cửa đi ra.
Trong hành lang không còn ai, chàng chạy ra cầu thang. Cầu thang không còn ai, chàng xuống vội cầu thang và ra phố thì vừa kịp trông thấy một cái xe ngựa rẽ ra phố Pơti Păngkiê và đi về Paris.
Mariuyt chạy vội về phía ấy. Đến góc phố chàng lại thấy chiếc xe chạy nhanh xuống phố Múpphơta. Xe chạy đã quá xa, không sao theo kịp. Chạy theo ư? Không được. Người trong xe có thể trông thấy kẻ đuổi theo, người bố sẽ nhận ra chàng, sự may mắn hãn hữu và kỳ diệu: vừa lúc ấy, Mariuyt thấy một chiếc xe ngựa cho thuê của nhà nước đi qua phố, không có khách. Chỉ còn một cách là lên xe ấy để đuổi theo xe kia. Thật là bảo đảm, không sợ bị lộ.
Mariuyt ra hiệu bảo người đánh xe dừng lại và nói:
- Đi giờ.
Mariuyt không có ca vát, áo dài chàng mặc làm việc hàng ngày mất cả khuy, sơ mi rách trước ngực.
Người lái xe dừng lại, nháy mắt ra hiệu, giơ bàn tay về phía Mariuyt, ngón tay cái cọ cọ ngón tay trỏ.
Mariuyt hỏi:
- Cái gì?
- Trả tiền trước.
Mariuyt nhớ ra chàng chỉ có mười sáu xu. Chàng hỏi:
- Bao nhiêu?
- Bốn mươi xu.
- Về tôi sẽ trả.
Người lái xe không trả lời, huýt sáo miệng điệu La Palit và quất ngựa đi. Mariuyt ngơ ngẩn nhìn chiếc xe ngựa chạy ra. Chỉ vì thiếu hai mươi xu mà mất vui sướng! Mất hạnh phúc! Mất tình yêu! Lại trở về đêm tối. Mắt đã trông thấy nay lại như mù. Chàng giận dỗi nghĩ tới năm phơrăng đã cho cái con khốn nạn buổi sáng, chàng đâm ra tiếc, tiếc quá. Nếu có năm phơrăng ấy thì thật là trời cứu chàng; chàng sẽ sống lại, thoát khỏi đêm tối âm u, thoát khỏi cô đơn, buồn bã, góa bụa. Chàng sẽ nối lại cái sợi chỉ đen của đời chàng với sợi kim tuyến tươi đẹp vừa phất phơ trước mắt chàng, nhưng lại vừa dứt một lần nữa. Mariuyt trở lại căn nhà của chàng, tuyệt vọng.
Mariuyt có thể nghĩ ông Lơ Blăng đã hẹn buổi chiều sẽ lại và chàng có thể chuẩn bị sẵn sàng để đuổi theo ông khôn khéo hơn, những đang mải ngắm say sưa người yêu, chàng chỉ nghe mơ hồ lời nói của ông Lơ Blăng.
Khi sắp sửa bước lên cầu thang, Mariuyt thấy ở bên kia đường, dọc theo bức tường vắng phố Barie đê Gôbơlanh, Giôngđơret trùm chiếc áo khóa của nhà “từ thiện”, đang nói chuyện với một người ra dáng bất hảo, một hạng người ăn sương, vẻ mặt khả nghi, lời nói mập mờ, ý đồ đen tối, bọn người thường ngủ ngày nghĩa là ban đêm thì làm việc.
Một người cảnh binh chắc phải để ý đến hai nhân vật lạ đứng dưới gió tuyết thì thầm như vậy, nhưng Mariuyt thì không để ý đến.
Tuy nhiên, dù đang băn khoăn buồn bực, chàng cũng nhận thấy cái người ăn sương đang nói chuyện với Giôngđơret phảng phất giống như một tên là Păngsô biệt hiệu là Pơranhtaniê, cũng là Bigrơnay mà Cuốcphêrắc đã chỉ mặt cho chàng một lần và giới thiệu là một tên ăn sương nguy hiểm trong khu phố này. Ta đã đọc đến tên nhân vật ấy trong quyển trên. Cái tên Hăngsô tức là Pơranhtaniê, tức là Bigrơnay đã xuất hiện trong nhiều vụ án đại hình và sau đó trở thành một tên vô lại có tên tuổi. Hồi bấy giờ nó chỉ là một tên vô lại cừ khôi. Ngày nay nó trở nên một sư tổ trong đám trộm cướp. Cuối triều đại trước hắn được tôn làm trưởng phái. Cứ đến tối, ở nhà lao La Forxơ trong hố sư tử, khi các nhóm họp nhau bàn định rầm rì thì luôn nhắc đến tên hắn. Ở nhà lao đó, người ta còn thấy, đứng dưới con đường tuần tra chỗ có cái ống thoát nước nhà tiêu, cái cống mà năm 1843, giữa ban ngày, ba mươi tù nhân đã trốn thoát – trên những tấm đá hố xí, khắc trên tường, ven theo đường tuần tra, tên của hắn, Păngsô, chính tự tay hắn khắc trong một vụ âm mưu vượt ngục. Hồi 1832 cảnh sát đã theo dõi hắn, nhưng hắn chưa thực sự tỏ tài.



Nguồn: http://forums.vinagames.org/