10/4/13

Những người khốn khổ (P4-Q1-C1-6)

PHẦN 4: TÌNH CA PHỐ PƠLUYMÊ VÀ ANH HÙNG CA PHỐ XANH ĐƠNI


QUYỂN 1: MẤY TRANG SỬ


Chương 1: KHÉO CẮT


1831 và 1832, hai năm gắn liền với cách mạng tháng Bảy cũng là những năm đặc biệt và lạ lùng nhất của lịch sử. Giữa những năm trước đó và những năm sau đó, hai năm này như hai ngọn núi. Chúng mang tầm thước cách mạng. Chúng có những vực thẳm. Những tầng lớp xã hội, những nền móng của văn minh, cái khối chắc nịch những quyền lợi chồng lên nhau và gắn bó với nhau, những hình nét truyền thống của cấu trúc dân tộc, tất cả đều từng lúc hiện ra rồi lặn mất giữa những mây mù của các chủ nghĩa, học thuyết và dục vọng. Người ta gọi những hiện tượng ẩn hiện đó là đối kháng, là vận động. Từng lúc người ta thấy từ trong đó lóe ra chân lý, cái ánh sáng của linh hồn.
Thời kỳ đáng chú ý đó có giới hạn khá rõ và đã cách chúng ta khá xa, cho nên giờ đây ta có thể nắm được những nét chính.
Chúng tôi thử cố gắng vạch ra xem sao.
Thời Quân chủ phục hưng là một giai đoạn quá độ khó đặt tên: thời ấy có mệt nhọc, có lao xao, có rì rầm, có mê ngủ và có cả náo động, những biểu hiện của một dân tộc lớn đã đến trạm nghỉ chân. Những thời đại như thế rất kỳ lạ và thường lừa những chính khách muốn đầu cơ mình. Ban đầu, dân tộc chỉ có một yêu cầu là nghỉ; chỉ có một thèm khát: hòa bình; chỉ có một tham vọng: làm người nhỏ bé. Giải thích ra thì là: muốn yên thân. Những đại biến cố, những đại ngẫu nhiên, những chuyện đại mạo hiểm, những nhân vật vĩ đại, lạy Chúa, chúng tôi xin đủ, chúng tôi đã ngập cổ, ngập đầu. Chúng tôi sẵn sàng đánh đổi Xêda lấy Pruyxiat, Napoleon lấy tiểu vương “Ivơtô” (César: nhà độc tài La-mã, nổi tiếng về tài quân sự và chính trị, đã mở rộng đế quốc La-mã. Pruyxiat: tiểu vương không có sự nghiệp gì. Ivơtô: tiểu vương hiền hậu và vô sự, đã đi vào dân ca Pháp). Ôi! Nhà vua bé nhỏ hiền hậu quá!” Người ta đã đi từ tinh mơ, bây giờ vào chiều tối một ngày dài vất vả. Đoạn đường đầu, người ta đã đi với Mirabô, đoạn thứ hai với Rôbétxpie (Mirabeau: nhà hùng biện, bênh vực quyền lợi đệ tam đẳng cấp buổi đầu cách mạng 1789. Robespierre: nhà độc tài liêm chính và cương quyết, cầm đầu phái Giacôbanh, đã chặn đứng ngoại xâm và trấn áp phản cách mạng thắng lợi. Bị bọn phản động và bọn ôn hòa lật đổ và xử tử 1794), đoạn thứ ba với Bônapác. Mệt nhoài rồi. Mỗi người cần một cái giường.
Những người tận tâm mệt mỏi, những vị anh hùng già nua, những tham vọng no nê, những gia tài đồ sộ, tất cả đều tìm, đòi, thỉnh cầu cái gì đây? Một nơi trú ngụ. Họ đã có. Họ đã chiếm lĩnh hòa bình, yên tĩnh và nhàn hạ. Thế là họ bằng lòng. Tuy nhiên, trong lúc đó có những sự kiện khác xuất hiện, làm cho người ta nhận diện ra nó và gõ cửa để đi vào. Những sự kiện đó từ cách mạng, từ chiến tranh đẻ ra. Chúng tồn tại, chúng sống, chúng có quyền lập gia cư trong xã hội và đã làm như vậy. Thường thường những sự kiện đó giống những hạ sĩ quan và lính hậu cần đến trước dọn trại cho các nguyên lý.
Và các triết gia chuyên về chính trị học nhận ra điều này:
Trong khi người mệt mỏi yêu cầu được nghỉ ngơi thì những việc đã thành cũng đòi hỏi được bảo đảm. Bảo đảm cho việc cũng như nghỉ ngơi cho người.
Đó là cái mà nước Anh yêu cầu ở dòng họ Xtuya sau khi Huân tước phụ chính chết (Cách mạng tư sản Anh thế kỷ XVIII đã xử tử vua Sáclơ I thuộc dòng họ Xtuya, thiết lập chế độ cộng hòa và tôn người cầm đầu cách mạng là Crômuen làm Huân tước bảo hộ nền cộng hòa, gọi là Huân tước Phụ chính), người Pháp yêu cầu ở dòng họ Buốcbông sau thời đế chế.
Những bảo đảm đó là điều cần thiết đối với thời đại. Bắt buộc phải chuẩn y. Tiếng thì nói rằng do vua “ban bố”, nhưng thực thì do tình thế đem lại! Đây là một chân lý sâu sắc, biết thì có lợi, nhưng dòng họ Xtuya năm 1660 không ngờ tới, mà năm 1814 dòng họ Buốcbông cũng chẳng thấy.
Sau khi Napoleon sụp đổ, các hoàng tộc nhờ phúc ấm mà trở về đứng đầu nước Pháp lại ngây thơ tưởng là chính mình ban cho và đã cho thì có quyền lấy lại: dòng họ Buốcbông nghĩ rằng ngôi vua là sở hữu của họ do trời ban, chứ nước Pháp không có gì cả; rằng quyền lợi chính trị do bản Hiến chương của vua Lui XVIII (Họ Buốcbông là dòng vua chính thống nước Pháp từ xưa. Cách mạng 1789 đã xử tử vua Lui XVI và thiết lập chế độ cộng hòa 1792. Sau đó, tướng Bônapác tự xưng hoàng đế và thiết lập đế chế 1804. Khi Napoleon sụp đổ, em Lui XVI trở về làm vua, Lui XVIII, và ban bố một hiến chương xác định nền quân chủ lập hiến 1815) nhân nhượng chẳng qua là bộ phận của thiên quyền được tách ra, được dòng họ Buốcbông có nhả ý ân tứ cho dân chúng cho đến ngày nhà vua không thích nữa. Vừa ban bố vừa bực mình, đó là dấu hiệu chứng tỏ cái của mang ra cho kia không phải là của mình, thế mà dòng họ Buốcbông vẫn không cảm thấy.
Ở thế kỷ XIX, dòng Buốcbông hay gắt gỏng lắm. Nó sầm mặt mỗi khi dân tộc có một nẩy nở. Dùng tiếng tục, nghĩa là tiếng bình dân, tiếng đúng, thì phải nói nhà vua càu nhàu. Và dân chúng trông thấy.
Dòng Buốcbông tưởng mình mạnh vì đế chế đã bị dọn đi trước mặt họ. Họ không nhận thấy rằng chính họ cũng được dọn đến như người ta bị dọn đi. Họ không biết rằng họ cũng ở trong chính bàn tay đã cất Napoleon đi.
Họ tưởng họ có gốc rễ bởi vì họ là quá khứ. Họ lầm. Họ là bộ phận của quá khứ, còn tất cả quá khứ là nước Pháp. Gốc rễ của xã hội Pháp không ở nơi dòng họ Buốcbông, mà ở nơi dân tộc. Chùm rễ hèn mọn, đầy sức sống đó không tạo nên đặc quyền cho một dòng họ nó tạo nên lịch sử của một dân tộc. Nó ở khắp nơi, nhưng không ở dưới ngai vàng.
Dòng họ Buốcbông là một cái nút đẫm máu và bất hủ trong lịch sử nước Pháp nhưng không còn là yếu tố chính đối với vận mệnh quốc gia và cũng không phải là cơ sở cần thiết trong đường lối chính trị của nó. Người ta có thể không cần đến dòng họ Buốcbông; trên thực tế người ta đã không thấy sự cần thiết của nó trong hai mươi hai năm qua; đã từng có gián đoạn như vậy rồi. Thế mà dòng họ Buốcbông không hề hay biết. Họ biết làm sao được, khi mà họ tưởng tượng là Lui XVI trị vì từ ngày mòng 9 tháng Nắng và Lui XVIII trị vì từ ngày chiến thắng Marănggô (Lui XVII, con Lui XVI thực tế chưa làm vua nhưng bọn quý tộc xuất cảnh tôn vương sau khi Lui XVI bị xử tử. Lui XVII chết trong nhà lao sao đó vài năm, lúc 10 tuổi. Theo lịch cách mạng, căn cứ trên thời tiết thì tháng Nắng nằm vắt trên tháng 7 và tháng 8; Marengo: một trận chiến thắng lớn của Bônapác 1800). Từ khi bắt đầu có sử, chưa bao giờ có những vua chúa mù quáng như thế! Mù quáng trước những biến cố, mù quáng trong việc nhìn nhận ý nghĩa phần thiên quyền trong các biến cố. Chưa bao giờ cái tự xưng là vương quyền ở cõi trần lại phủ nhận cái quyền lực của Chúa ở trên trời đến thế.
Lỗi lầm căn bản này đã đưa họ Buốcbông đến chỗ thu hồi những bảo đảm “ban bố” năm 1814, mà họ gọi là những nhân nhượng. Thật đáng buồn! Những cái mà họ gọi là những nhân nhượng đó chính là những kết quả chiến đấu của chúng ta. Những cái mà họ gọi là những “lấn tiếm” của chúng ta chính ra là những lợi quyền của chúng ta.
Chế độ phục hưng tự cho là mình đã chiến thắng Bônapác, nghĩa là mình mạnh, mình đã mọc rễ trên đất nước, nghĩa là mình có cội gốc sâu bền. Cho nên khi nó nghĩ là đã đến lúc thì nó đột nhiên quyết đoán và liều lĩnh hạ quân cờ. Một buổi sớm, nó đứng lên đối diện với nước Pháp và lớn tiếng từ chối quyền của cộng đồng và quyền tự do của cá nhân. Nghĩa là nó muốn tước cái quyền là dân tộc đối với dân tộc và cái quyền là công dân đối với công dân.
Đó là nội dung các văn kiện khét tiếng gọi là những chỉ dụ tháng Bảy.
Nền Quân chủ Phục hưng sụp đổ.
Nó sụp đổ là đúng! Tuy nhiên cũng nên thừa nhận là không phải nó chống tuyệt đối tất cả những tiến bộ. Nhiều thành tựu lớn đã đạt được với sự có mặt của nó.
Thời Quân chủ Phục hưng, dân tộc quen tranh luận trong bình tĩnh, thời cộng hòa không quen như thế: Nước Pháp tự do và hùng cường là một cảnh tượng cổ vũ các dân tộc khác châu Âu. Cách mạng lên tiếng với Rôbétxpie; đại bác lên tiếng với Bônapác. Với Lui XVIII và Sáclơ X, đến lượt trí tuệ lên tiếng. Gió lặng rồi, đuốc lại đốt lên. Ánh sáng rực rỡ của trí tuệ bây giờ chập chờn trên các đỉnh quang mây. Quang cảnh thật lộng lẫy, bổ ích và mê người. Những nguyên lý lớn lao quen thuộc đối với nhà tư tưởng, mới mẻ đối với chính khách phát huy tác dụng một cách công khai trong mười lăm năm, giữa cuộc sống hòa bình: đó là quyền bình đẳng trước pháp luật, là tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, là khả năng chiếm lĩnh tước vị tùy tài năng. Cứ thế cho đến năm 1830. Họ Buốcbông là một công cụ của văn minh từng gãy vỡ trong tay Chúa. Sự sụp đổ của dòng họ Buốcbông dên ra một cách quang vinh, không phải về phần họ mà về phía nước Pháp. Họ rời ngôi trịnh trọng nhưng không có uy thế. Cảnh hạ bệ trong đêm tối của họ không thuộc loại những tan biến long trọng lưu lại trong lịch sử một niềm xúc động u ám. Ở đây không có cái lặng lẽ âm cảnh của Sáclơ đệ nhất, cũng không có tiếng kêu vang trời của con đại bàng Napoleon. Họ rút đi, thế thôi. Họ đăt cái mũ miện xuống mà không giữ lại vành hào quang. Họ có tư thế nhưng không oai phong. Họ có phần không tương xứng với sự lớn lao của hoạn nạn. Trong hành trình đi Sécbua, Sáclơ X cho cắt một chiếc bàn tròn thành bàn vuông, đã tỏ ra lo đến nghi lễ lâm nguy hơn là triều đại lâm nguy. Sự kém cỏi đó làm phiền lòng những người trung thành nhưng tự trọng và những người nghiêm túc tôn trọng chủng tốc mình.
Còn dân chúng thì quả thật đáng khâm phục.
Một sớm, tổ quốc bị một cuộc bạo động có thể gọi là một cuộc bạo động quân chủ tấn công. Vì cảm thấy mình thừa mạnh cho nên nó không nổi khùng. Nó tự vệ, nó tự kiềm chế, nó đưa mọi việc trở lại chỗ cũ, chính phủ trở về với pháp chế, họ Buốcbông, hỡi ôi! Trở lại cảnh lưu vong, rồi ngừng tay. Nó bê vị vua già Sáclơ X dưới những chiếc tàn đã che Lui XIV và nhẹ nhàng đặt ngài xuống đất. Nó động tới các nhân vật hoàng gia một cách thận trọng và có cảm hoài. Không phải chỉ có một người, không phải chỉ có mấy người, mà là nước Pháp, cả nước Pháp, nước Pháp thắng trận và say sưa trong chiến thắng, đã nhớ lại và thực hiện, dưới con mắt của nhân loại, những lời Guyôm Đuy Ve nói sau Ngày Chiến lũy: “Đối với những kẻ đã quen hưởng ân sủng của các nhà quyền thế và từng nhảy từ gia thế suy vi sang gia thế phồn thịnh, như con chim nhảy từ cành nọ qua cành kia, thì việc tỏ ra táo bạo chống lại vương phủ cũ của mình trong hoạn nạn là dễ. Nhưng đối với tôi, tôi luôn luôn tôn kính số phận của các vua tôi, nhất là những bậc mắc nạn”.
Dòng họ Buốcbông để lại sự kính trọng chứ không để lại luyến tiếc. Như chúng tôi đã nói, hoạn nạn của họ lớn lao hơn chính họ. Họ mất dạng ở chân trời.
Cách mạng tháng Bảy có ngay những người bạn và những kẻ thù ở khắp thế giới. Những người này phấn khởi đổ xô tới, những kẻ khác quay mặt đi, tùy tính khí của mỗi người. Các vua chúa châu Âu, như những con cú, con vọ trong cảnh bình minh này, buổi đầu nhắm cả mắt lại vì bị tổn thương và kinh hoàng. Chúng mở mắt lại chỉ là để đe dọa. Kinh hòang có thể hiểu, phẫn nộ có thể tha thứ. Cuộc cách mạng lạ lùng ấy chẳng qua chỉ như một va chạm mạnh. Thậm chí nó không để cho nền quân chủ cái vinh dự được coi đó là thù địch và được đổ máu. Các chính phủ chuyên chế rất thích thú được thấy tự do tự lên án mình, nhưng cách mạng tháng bảy chỉ phạm cái lỗi lầm là vừa dữ dội lại vừa dịu hiền. Phải thừa nhận rằng không ai có âm mưu gì chống nó. Những người bất mãn nhất, những người giận dỗi nhất, những người rung động nhất cũng chào đón nó. Dù có những quyền lợi ích kỷ gì, những hằn thù ghét bỏ gì, người ta cũng cảm thấy có môt niềm kính phục huyền bí đối với những biến cố được sự tham gia của một đấng cao hơn chúng ta.
Cách mạng tháng Bảy là sự chiến thắng của chính nghĩa đối với hiện trạng. Rỡ ràng thay.
Chính nghĩa lật đổ hiện trạng. Do đó mà cách mạng tháng Bảy sáng ngời, cũng do đó mà nó bao dung. Chính nghĩa đã chiến thắng thì không cần kịch liệt.
Chính nghĩa là lẽ công bằng và chân lý.
Đặc trưng của chính nghĩa là luôn luôn đẹp và trong sáng. Hiện trạng dù có vẻ cần thiết, dù được người đương thời thừa nhận cách thoải mái nhất, nếu chỉ là hiện trạng mà bên trong không có hay có ít chính nghĩa quá thì chắc chắn sẽ cùng với thời gian trở thành dị hình dị tướng, gớm ghiếc, có thể là quái dị nữa. Nếu ta muốn biết ngay là hiện trạng có thể rơi vào xấu xí đến đâu, thì ta hãy nhìn Makiaven (nhà chính trị và nhà sử học Ý nổi tiếng ở thế kỷ XV, XVI. Makiaven chủ trương trên đường chính trị, dùng phương pháp nào cũng tốt cả, miễn là thành công) qua khoảng cách của các thế kỷ. Makiaven không phải là hung thần, không phải là quỉ sứ, cũng không phải là một nhà văn hèn nhát và khốn nạn. Makiaven chỉ là hiện trạng thôi. Và đây không chỉ là hiện trạng Ý, đây là hiện trạng của châu Âu, hiện trạng của thế kỷ XIX.
Cuộc đấu tranh giữa chính nghĩa là hiện trạng tồn trạng tồn tại từ buổi đầu của xã hội. Chấm dứt cuộc đấu, hòa hợp ý thức thuần túy với hiện thực nhân gian, làm cho chính nghĩa thấm vào hiện trạng và hiện trạng lồng trong chính nghĩa một cách hòa bình, đó là công việc của những người hiền triết.
***


Chương 2: VỤNG MAY


Tuy nhiên công việc của người hiền khác, công việc của người khôn khác.
Cách mạng 1830 dừng lại nhanh chóng.
Khi một cuộc cách mạng bị nghẽn, thì lập tức bọn khôn ngoan sà vào lợi dung như thể xô vào xâu xé một chiếc tàu bị đắm gần bờ.
Những người khôn ngoan ở thế kỷ chúng ta tự phong cho mình cái danh hiệu chính khách, khiến cho cái tiếng chính khách hầu như trở thành một tiếng lóng. Thật vậy, không nên quên rằng chỗ nào chỉ có khôn ngoan mà thôi thì nhất định có nhỏ nhen. Nói: những người khôn ngoan, cũng như nói: bọn tầm thường. Cũng thế, nói: bọn chính khách, cũng bằng nói: bọn phản bội.
Nếu tin theo lời bọn khôn ngoan, thì những cuộc cách mạng như cách mạng tháng Bảy là những động mạch bị đứt: phải làm Ga-rô ngay. Chính nghĩa được tuyên bố long trọng quá làm rung động. Cho nên khi đã xác định chính nghĩa thì phảr củng cố nhà nước. Quyền tự do được bảo đảm thì phải lo củng cố uy quyền.
Đến đây thì nhà hiền triết chưa tách khỏi người khôn, nhưng họ đã bắt đầu nghi ngại. Uy quyền, đồng ý. Nhưng thứ nhất, uy quyền là gì? Thứ hai, uy quyền từ đâu mà ra?
Những người không ngoan có vẻ không nghe thấy lời nhận xét thầm thì đó và cứ tiếp tục hoạt động.
Những nhà chính trị này rất thạo việc đeo cho những ảo ảnh mình có thể lợi dụng cái chiêu bài cần thiết. Theo họ thì nhu cầu đầu tiên của một dân tộc sau cách mạng, hi dân tộc đó là thành phần của châu Âu quân chủ, là tìm và suy tôn một dòng vua. Họ nói, bằng cách ấy, dân tộc có thể có hòa bình sau cách mạng, nghĩa là có thì giờ băng bó thương tích, sửa chữa ngôi nhà. Dòng vua che khuất giàn giáo và che chở bệnh viện.
Thế nhưng thường không dễ gì kiếm một dòng họ vua.
Túng thế thì cái người thiên tài đầu tiên hoặc cái người phiêu lưu đầu tiên ta tìm ra đều có thể đặt lên ngôi vua. Trường hợp thứ nhất là trường hợp Bônapác, trường hợp thứ hai là Ituyêcbít.
Nhưng các họ tộc đầu tiên tìm thấy không đủ để làm nên một dòng họ vua chúa. Một dòng họ lớn cần thiết phải có một liều lượng quá khứ nhất định và cái tuổi của một dòng họ là điều không thể giả tạo nên.
Theo quan điểm của các “chính khách” – tất nhiên các điều kiện khác đã được tạm gác ra một bên – thì sau một cuộc cách mạng, ông vua xuất hiện từ cách mạng phải có những đức tính gì? Ông vua ấy phải là cách mạng mới có lợi, nghĩa là bản thân ông ta có tham gia cuộc cách mạng, phải nhúng tay vào, phải nổi tiếng hoặc mang tai tiếng trong đó, phải có sờ tới máy chém hoặc có vung gươm.
Còn một dòng họ vua thì phải có những tính cách gì?
Phải có tính cách dân tộc, nghĩa là cách mạng từ xa, không có hành động cách mạng, nhưng cách mạng về những lý tưởng mà nó chấp nhận. Một dòng họ vua phải vừa có một liều lượng quá khứ và có tính chất lịch sử, vừa có một liều lượng tương lai và gây được cảm tình.
Tất cả những cái đó giải thích vì sao những cuộc cách mạng đầu tiên bằng lòng tìm một con người: Crômuen hay Napolen; và những cuộc cách mạng lại cứ đòi hỏi một dòng họ: họ Brônsvic hay họ Orlêăng (Họ Brunswick: một dòng họ công tước lâu đời ở Đức).Họ Orléans: một dòng họ công tước, ông tổ là em vua Lui XIV. Một đại biểu về sau là Philippe Egalitê tham gia cách mạng 1789 một cách tích cực. Con ông ta được tôn lên làm vua sau cách mạng tháng bảy (1830) với vương hiệu Louis Philippe.
Những dòng họ vua giống những cây đa Ấn Độ: mỗi cành nghiêng xuống đất, bắt rễ và trở thành một cây đa khác. Mỗi chi trong dòng họ vua có thể thành một dòng họ vua mới. ĐIều kiện duy nhất là phải nghiêng xuống đến tận dân chúng.
Đó, lý thuyết của những kẻ khôn ngoan.
Và đây là nghệ thuật: Làm thế nào để cho sự thành công và có tiếng ngân vang của một tai họa, để cho những người có quyền lợi trong cách mạng phải run sợ, dưới hãi hùng vào sự việc đã hoàn thành, trình bày bước quá độ thành một sự chậm tiến, làm mờ nhạt bình minh cách mạng, tố cáo những khe khắt do hưng phấn làm nên, gọt giũa góc cạnh và móng vuốt, giảm nhẹ thắng lợi, bọc nhung chính nghĩa, dùng chăn dạ bọc người khổng lồ nhân dân và vội vàng cho đi ngủ, bắt cái sung sức ăn kiêng ăn nhịn, săn sóc Hecquyn như người ốm dây, phá loãng sự kiện lớn trong những biện pháp cơ hội, đối với những người khát khao lý tưởng thì cho uống nước lá dịu dịu, tiến hành những biện pháp để phòng chống sự thành công quá lớn, đem chao đèn đặt lên cách mạng.
Năm 1830, người ta áp dụng lý thuyết đó, cái lý thuyết đã áp dụng đối với nước Anh năm 1688.
1830 là một cuộc cách mạng chặn lại ở giữa dốc. Một nửa tiến bộ; gần như là chính nghĩa. Thế nhưng lôgich không hề biết những cái tạm gọi những cái gần gần. Không biết sự thực, như mặt trời không biết nến.
Ai chặn những cuộc Cách mạng ở giữa dốc? Giới tư sản.
Vì sao?
Vì tư sản là quyền lợi được thỏa mãn. Hôm qua là khát khao, hôm nay là đầy đủ, ngày mai là no tràn.
Hiện tượng 1814 với Napoleon tái diễn năm 1830 với Sáclơ X.
Coi tư sản là một giai cấp thì không đúng. Tư sản chỉ là một thành phần được vừa lòng tỏng nhân dân. Anh tư sản là người giờ đây có thì giờ ngồi. Cái ghế tựa phải đâu là một đẳng cấp.
Tuy nhiên, muốn ngồi xuống sớm quá thì có thể cản bước tiến của nhân loại. Đó là lầm lỗi thông thường của giới tư sản.
Không phải phạm lỗi lầm mà trở thành giai cấp. Ích kỷ đâu có phải là một sự phân công xã hội!
Tuy vậy, cần phải công bình, dù đối với người ích kỷ. Cái trạng thái mà giới tư sản ước ao sau cuộc biến động 1830 đó, không phải là một trạng tháu ỳ có pha biếng lười và lạnh nhạt, thêm một tí hổ thẹn; không phải là một giấc ngủ, ngủ tức là tạm quên và có khả năng thấy chiêm bao. Đây chỉ là một trạm nghỉ chân. Trạm nghỉ chân có hai nghĩa riêng biệt hầu như trái ngược nhau: một nghĩa là hành quân, tức là vận động; một nghĩa là trú quân tức nghỉ ngơi.
Nghỉ chân tức là lấy lại sức. Đó là sự nghỉ ngơi tỉnh táo và có vũ trang. Đó là cái-đã-hoàn-thành đặt lính gác và cảnh giác đề phòng. Nghỉ chân hàm cái ý đã chiến đấu hôm qua và còn chiến đấu ngày mai.
Đấy là khoảng cách giữa 1830 và 1848.
Cái chúng ta gọi là chiến đấu ở đây cũng có thể có tên là tiến bộ.
Cho nên đối với giới tư sản, cũng như đối với các chính khách, cần có một người diễn đạt các khái niệm nghỉ chân đó. Một kẻ: “Dù là. Bởi vì” (Nguyên văn: Un Quoique Parceque, phải đọc cả ba chương 1, 2, 3 mới hiểu rõ cách gọi đó). Một nhân vật đa dạng vừa có nghĩa là Cách mạng lại vừa có nghĩa là ổn định, nói cách khác là một người khẳng định hiện tại bằng sự tính toán giữa quá khứ và tương lai.
Nhân vật đó “sẵn có”. Tên ông ta là Lui Philip Đorlêăng ( Louis Philippe Orlean). Nghị viện gồm 221 đại biểu suy tôn Lui Philip làm vua. La Fêyet phụ trách lễ đăng quang. Ông ta gọi Lui Philip là “nền cộng hào tốt nhất”. Tòa thị sảnh Paris thay thế nhà thờ lớn Ranhx (Các vua chúa trước làm lễ đăng quang tại nhà thờ Ranhx, nhà thờ cổ kính và tráng lệ nhất nước Pháp. Lui Philip và những người phò tá ông tổ chức lễ đăng quang tại tòa thị sảnh Paris để nêu ý nghĩa ngôi vua do dân tộc Pháp trao cho chứ không phải do Chúa (thiên quyền) ban). Việc thay thế cái ngôi vua hoàn toàn bằng cái ngôi nửa vua đó “sự nghiệp ucar 1830”.
Khi những người khôn ngoan làm xong công việc thì giải pháp của họ phơi bày một nhược điểm lớn lao vô cùng. Họ đã hành động không kể đến chính nghĩa. CHính nghĩa thét to: tôi phản kháng! Thế rồi, điều đáng sợ: nó rút vào bóng tối.


Chương 3: LOUIS PHILIPPE


Các cuộc cách mạng đều thẳng cánh và may tay: nó đánh kiên quyết mà chọn cũng hay. Dù không trọn vẹn, dù biến tường dị hinhd và bị đẩy xuống hàng cách mạng hạng nhì, như cuộc cách mạng 1830, nó cũng còn đủ sự tinh tường trời cho để không rơi vào xấu xa. Nó đi vào chỗ khuất nhưng không phải là trút bỏ tất.
Tuy nhiên cũng không nên quá lớn tiếng khoe khoang. Cách mạng cũng lầm và chúng ta từng thấy những lầm lỗi nghiêm trọng.
Hãy trở về với 1830. 1830 đi chệch hướng nhưng gặp may. Cách mạng ngưng hẳn nửa vời, nhưng trong nền trật tự được thiết lập sau đó thì bản thân ông vua, tốt hơn vương chế. Lui Philip là một con người hiếm có.
Thân sinh ông chắc là được lịch sử xét với tình tiết giảm khinh. Nhưng ông bố đáng bị trách phạt bao nhiêu thì ông con đáng được mến trọng bấy nhiêu. Tư đức, ông có đầy đủ, công đức ông có nhiều. Ông săn sóc sức khỏe của mình, gia tư của mình, công việc của mình. Ông biết giá trị mỗi phút nhưng không phải lúc nào cũng biết giá trị một năm. Điều độ, thanh thản, hiền hòa, kiên chí, ông là một người tốt, một ông hoàng tốt. Ông ngủ một giường với vợ và có những người hầu chỉ cái giường vợ ông ấy cho những người khách tư sản xem. Đối với chi trưởng thường phô trương những quan hệ bất chính của mình (Những vua và hoàng thân của chi trưởng, tức dòng họ Buốcbông, có nhiều nhân tình công khai và con riêng) thì việc khoe khoang cảnh sống bình thường này lại hóa ra có ích. Ông biết đủ các thứ tiếng châu Âu và hiếm có hơn, ông biết và nói đủ các ngôn ngữ của mọi quyền lợi. Là đại biểu xứng đáng của “giai cấp trung gian” nhưng vượt nó và lớn hơn nó về mọi mặt. Đánh giá cao dòng máu của mình, ông có cái tinh ý lấy giá trị bản thân làm chỗ dựa chính và về vấn đề dòng họ thì ông viện dẫn dòng Orlêăng chứ không dòng Buốcbông. Cái ngày còn là điện hạ thì ông tỏ ra là vị đệ nhất hoàng thân, nhưng khi trở thành bệ hạ thì ông là một tư sản chính cống. Giữa công chúng, ông nói dài, trong thân mật, ông nói ngắn; bị cho là hà tiện nhưng không có bằng chứng; thực ra thuộc loại tiết kiệm mà hoang phí khi gặp sở thích hay có bổn phận cần phải tiêu pha; hay chữ nhưng không ham mê văn chương quí tộc nhưng không hiệp sĩ; giản dị, bình tĩnh, vững vàng; được gia đình và gia nhân tôn thờ; nói chuyện hấp dẫn; là chính hách chán chường, bên trong lạnh lẽo, làm theo quyền lợi trước mắt, trị vì nhằm tình hình đang diễn và sắp diễn, không thù hằn cũng không biết ơn, ráo riết dùng ưu thế đè bẹp sự tầm thường, khôn khéo dùng đa số ở nghị viện để phủ quyết những nhất trí tiềm tàng đang hét thầm bên dưới ngai vàng; bộc lộ, có khi bộc lộ một cách liều lĩnh, nhưng lại khôn khéo một cách diệu kỳ tỏng sự liều lĩnh ấy; giàu biện pháp, có nhiều bộ mặt và mặt nạ; khiến nước Pháp của châu Âu và châu Âu của nước Pháp phải sợ; yêu nước, chắc chắn như vậy, nhưng càng thương nhà hơn; chuộng quyền lực hơn quyền uy, quyền uy hơn uy tín; khuynh hướng này có hại ở chỗ vì chỉ mưu cầu thắng lợi, nó thừa nhận sự xảo quyệt và cũng không tuyệt đối bài trừ sự hèn hạ, nhưng cũng có lợi vì nó tránh cho đường lối chính trị những va chạm kịch liệt, cho nhà nước những rạn nứt, cho xã hội những họa tai; tỉ mỉ, đúng đắn, tỉnh táo, chăm chỉ, tinh tường, bền sức, có khi tự mâu thuẫn với mình rồi tự cải chính; táo tợn đối với Áo ở Ăngcôn, kiên quyết đối với Anh ở Tây Ban Nha, bắn phá Ăngve, trả tiền cho Pritsa; hát quốc ca La Mácxâyde một cách tin tưởng; không biết tuyệt vọng, không biết mệt mỏi, không thích thú với cái đẹp, với lý tưởng, với những hành động hào hùng; không mơ mộng viển vông, không giận dữ, không khoa trương, không sợ sệt; có đủ mọi biểu hiện của sự dũng cảm cá nhân; là tướng ở Vanmy là lính ở Gienmắp (những chiến thắng lớn đầu tiên của cách mạng 1789 đối với liên quân quân chủ châu Âu) đã tám lần suýt chạm tử hình nhưng vẫn tươi cười; can đảm như một lính pháo thủ, bạo dạn như một nhà tư tưởng, chỉ lo lắng trước khả năng một châu Âu chấn động và không thích hợp với những hành động chính trị lớn; luôn luôn sẵn sàng hy sinh tính mệnh nhưng không bao giờ chịu hy sinh sự nghiệp; muốn ảnh hưởng người ta, chứ không muốn bắt người ta làm theo ý chí của mình, để được vâng theo với tư cách mình là một trí tuệ chứ không phải là vua; không chú ý mấy đến trí thức nhưng biết người, nghĩa là cần trông thấy rồi mới đánh giá; lương tri nhậy và tinh, thông minh một cách thực tế, diễn đạt lưu loát, trí nhớ kỳ diệu; ông luôn luôn sử dụng trí nhớ, đây là điểm duy nhất ông giống Xêda, Alếcdăng và Napoleon; nhớ rõ sự việc, chi tiết, năm tháng, nhân danh, địa danh; không biết các xu hướng, các dục vọng, các trí thức đa dạng của quần chúng, những hoài bão thầm kín, những sôi sục bí ẩn và lờ mờ của tâm hồn, tóm lại tất cả những gì người ta có thể gọi là những phong trào lưu không nhìn thấy của ý thức nhân dân. Lui Philip được thừa nhận ở bên trên những không ăn ý mấy với nước Pháp hơn là trị vì; là thủ tướng của chính mình; rất giỏi việc đem thực tại nhỏ bé ngăn cản lý thuyết mênh mông; có năng khiếu sáng tạo về trật tự, về tổ chức, về văn minh nhưng chen vào đó cũng có óc thầy cò, óc thể thức; là người sáng lập một triều đại và mang ủy nhiệm của triều đại; có cái gì đó của Sáclơmanhơ đại đế, lại có cái gì đó của một thầy kiện. Tóm lại, là một nhân vật cao cấp và độc đáo, một vị vua biết tạo ra quyền lực bất chấp sự lo ngại của nước Pháp, biết làm nneen hùng cường bất chấp sự ghen tức của châu Âu. Lui Philip sẽ được xếp vào hàng những người lỗi lạc của thế kỷ. Ông còn có thể được xếp vào hàng những nguyên thủ bất hủ trong lịch sử giá như ông cũng chút ít ưa vinh quang và ông có ý thức về sự lớn lao ngang với sự ích lợi.
Lui Philip lúc trẻ đẹp trai, đến già vẫn duyên dáng. Ông không được dân tộc luôn luôn ưa thích, nhưng quần chúng lại luôn thích ông. Con người ông vừa ý họ. Ông được trời phú cho cái dáng dấp hấp dẫn. Ông không oai vệ, trên đầu ông không có mũ miện dù là vua, không có mái tóc bạc, dù là lão. Điệu bộ của ông thuộc triều đại cũ, tập quá của ông thuộc chế độ mới, một sự hòa hợp giữa quý tộc và tư sản thích nghi với thời 1830; Lui Philip là sự quá độ trị vì. Ông giữ phát âm cũ và chính tả xưa, mang phục vụ tư tưởng hiện đại. Ông mến nước Ba lan và nước Hung nhưng ông viết người Pôlônoa và đọc người Hônggre (nguyên văn: Polonols và Hongrais. Cách viết mới là Polonais và Hongrois). Ông mặc áo quốc dân như Sáclơ X và đeo băng bắc đẩu bội tinh như Napoleon.
Ông ít đi lễ, không đi săn, không bao giờ đi nhà hát. Không hề bị ảnh hưởng của cha cố, của bồi chó, của vũ nữ, điều ấy góp phần vào cảm tình của quần chúng. Ông không có sân chầu. Đi ra thì ông cắp ô dưới nách và cái ô ấy trong nhiều năm đã làm sáng thêm hào quang quanh người ông. Ông làm thợ nề chút ít, làm vườn chút ít và cũng biết chữa bệnh chút ít: một người đánh xe ngã ngựa, ông chích máu cho người ấy. Lui Philip không bao gườ đi ra mà không cắp theo con dao chích, cũng giống như Hăngri III không rời dao găm. Bọn bảo hoàng chế giễu ông vua buồn cười ấy, ông vua đầu tiên đổ máu để chữa bệnh.
Về những lỗi lẫm mà lịch sử trách cứ Lui Philip phải làm một bài toán trừ: có cái là lỗi của chế độ quân chủ, có cái là lỗi của triều đại và có cái là lỗi của nhà vua; ba cột liệt kê có tổng số khác nhau. Quyền tự do dân chủ bị thu hồi, tiến bộ bị đẩy xuống lợi ích thứ hai, những người xuống đường biểu tình phản kháng bị đàn áp dữ dội, những người khởi nghĩa bị xử tử, những người bạo động vũ trang bị bắn không xét xử, sự kiện phố Trăngxnônanh, tòa án binh, pháp luật lấn át thực tại, chính phủ thỏa hiệp với ba mươi vạn người có đặc quyền , đó là do nền quân chủ; từ chối Bỉ, chinh phục Angiêri một cách ác liệt, chinh phục bằng dã man hơn là bằng văn minh, như Anh chinh phục Ấn Độ, bội ước với Ápđen Kađe và Bleei, mua chuộc Đơtđơ, trả tiền cho Pritta, đó là do triều đại; làm chính trị theo đường lối tề gia hơn là trị quốc, đó là lỗi của vua.
Chúng ta thấy đó, tính toán xong thì lỗi vua cũng nhẹ bớt đi.
Sai lầm lớn của nhà vua là ở đây: Đại diện nước Pháp, ông đã tỏ ra quá khiêm tốn.
Do đâu mà sai lầm như vậy?
Chúng ta cần nói ra.
Lui Philip là một ông vua mang nặng tính gia phụ. Mải ấp cho cái gia đình mình nở thành một vương tộc, ông sợ đủ mọi thứ và không thích bị quấy rầy. Do đó mà có những rụt rè quá đáng, không hợp khẩu vị một công chúng có ngày 14 tháng 7 trong truyền thống chính trị và Austéclit trong truyền thống quân sự của mình.
Nói cho đúng, nếu đừng kể đến những công nhiệm cần hoàn thành trước tiên, thì cái gia đình ấy cũng xứng đáng với tình thương yêu sâu sắc của Lui Philip. Trong gia đình ấy đức và tài sát cánh nhau. Một người con gái của Lui Philip là Mari Đorlêăng nêu tên họ mình trong hàng nghệ sĩ cũng như ngày xưa Sáclơ Đorlêăng trong hàng ngũ thi sĩ. Bà đã mang hết tâm hồn ra tạc một tượng Gian Đác bằng cẩm thạch. Hai người con trai của Lui Philip đã khiến Méttecninh buột miệng thốt ra lời khen ngợi mị dân này: Đó là những thanh niên hiếm thấy và là những hoàng tử chưa từng thấy.
Đó là sự thật về Lui Philip, không hơn, không kém.
Là hoàng-thân-bình-đẳng, mang trong người mối mâu thuẫn giữa cách mạng và phục hưng, có một phương diện đáng ngại của người cách mạng nhưng đã trở thành đáng mừng ở người cầm quyền, đó là diễm hạnh của Lui Philip năm 1830. Chưa bao giờ có người thích hợp với tình thế đến như vậy; người ấy đi vào tình thế ấy và trở thành hiện thân của thời cuộc. Ngoài ra chuyện lưu vong của ông là căn cứ lớn để đưa ông lên ngôi. Ông đã bị câu lưu, ông đã sống lang thang, nghèo túng. Ông đã lao động để sống. Ở Thụy Sĩ, người thừa kế của một thái ấp cỡ lớn nhất nước Pháp đó phải bán một con ngựa già nua để mua cái ăn. Ở Rêsơnô, ông đã dạy toán ở tư gia còn em gái ông là Ađơlaiđơ phải thêu may. Những kỷ niệm như thế về một nhà vua đã khiến cho giới tư sản say sưa phấn khởi. Tự tay ông đã phá hủy cái chuồng sắt cuối cùng ở Mông Xanh Misen do Lui XI dựng lên và Lui XV sử dụng. Ông là bạn chiến đấu của Đuymuriedơ (tướng chỉ huy ở Valmy) và là bạn của La Fêyet ông từng có chân trong câu lạc bộ Giacôbanh; Mirabô đã vỗ vai ông; Đăngtông (một trong những lãnh tụ cách mạng 1789, nổi tiếng hùng biện) đã gọi ông: “Anh bạn trẻ kia!”. Năm 93, hăm bốn tuoir, với cái tên là ông Đơ Sáctrơ, ngồi trong một buồng nhỏ tối tăm của viện Khế ước, ông đã theo dõi vụ án Lui XVI, mà người ta gọi rất đúng là tên bạo chúa tội nghiệp ấy. Sự sáng suốt mù quáng của cách mạng đã bẻ gãy quân quyền trên người nhà vua và tiêu diệt nhà vua cùng với nền quân chủ. Thế mà hầu như cái sáng suốt mù quáng ấy không nhìn thấy con người trong khí thế tư tưởng lồng lên chà cán tuốt, không nhìn thấy không khí bão tố bao trùm của tòa án, sự căm phẫn của quần chúng đứng lên hỏi cung, cảnh lúng túng của “tên Capê” (Tức Lui XVI, bị gọi theo tên tộc họ Capet) không biết trả lời thế nào, sự lảo đảo kinh hãi của cái đầu đế vương ấy dưới luồng gió rợn người, sự vô tội của tất cả mọi người trong tai hạo, của người kết án lẫn kẻ bị kết án; những cái đó, ông ta đều nhìn thấy, ông ta đã chứng kiến những quay cuồng kia; ông ta đã thấy lịch sử ra trước vành móng ngựa của viện khế ước; đằng sau Lui XVI, người bộ hành hữu trách xấu số ấy, ông ta đã thấy đứng lừng lững kẻ bị cáo dữ dội là dân quyền. Trong ký ức của ông còn lại niềm cung kính hãi hùng đối với cuộc công xử rộng lớn của nhân dân, cũng vô tư như sự phán xử của Chúa.
Cách mạng đã để lại dấu ấn lớn ở tâm trí Lui Philip. Ký ức của ông đã thành một bản rập sống từng giờ từng phút của những năm lớn lao ấy. Có một nhân chứng hoàn toàn đáng tin cậy kể lại rằng một hôm ông đã theo trí nhớ mà đính chính hết cả bản danh sách những đại biểu của viện Lập hiến mà tên bắt đầu bằng chữ A.
Lui Philip là một ông vua minh bạch. Ông trị vì thì báo chí được tự do, diễn đàn tự do, tín ngưỡng và ngôn luận tự do. Những đạo luật tháng Chín rất rõ ràng. Biết rằng những đặc quyền được công bố ra ánh sáng thì sẽ bị ánh sáng gặm mòn, ông cứ để ngôi vua của mình phơi trần ngoài ánh sáng. Lịch sử sẽ công minh đối với niềm trung thực ấy.
Cũng như mọi nhân vật lịch sử khi đã rời khỏi vũ đài chính trị, Lui Philip đang được công luận thẩm xét. Vụ án của ông còn đương ở tòa sơ thẩm. Cái giờ phút mà lịch sử truyền phán tự do và tôn nghiêm chưa điểm đối với ông ta: chưa đến lúc nêu được một bản phán quyết chung thẩm. Nhà sử học nghiêm khắc và lừng danh Luy Blăng vừa chữa nhẹ bớt bản án mình dựng lên; Lui Philip là người được chọn bởi 221 và 1830, hai cái “hầu như”: nghĩa là bởi một bán quốc hội và một bán cách mạng. Dù sao, đứng trên quan điểm thượng đẳng của triết học, chúng ta chỉ có thể nhận xét ông với sự dè dặt cần thiết nhân danh nguyên lý dân chủ tuyệt đối, như chúng ta đã nói trên kia. Đứng trước tuyệt đối thì không có quyền nào khác ngoài hai quyền kia: dân quyền và nhân quyền; những gì khác đều là lạm tiếm. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, sau khi thanh minh như vậy rồi, chúng ta có thể nói rằng dù sao thì theo quan điểm nhân thiện, Lui Philip vẫn là một trong những vị vua tốt nhất đã trị vì.
Cái gì chống Lui Philip? Chính là cái ngai vàng. Hãy cất cái danh hiệu là vua cho Lui Philip thì cái còn lại là con người. Mà con người ấy tốt. Tốt đến nỗi có khi đáng phục. Nhiều khi, giữa những lo âu lớn, sau một ngày đấu tranh ngoại giao với toàn châu Âu. Ông về phòng mình buổi tối mệt nhoài ra. Bấy giờ ông làm gì? Ông cầm một tập hồ sơ và thức suốt đêm để xét lại một vụ án đại hình: ông cho rằng đương đầu với cả châu Âu là một việc lớn, nhưng giành giật một con người với đao phủ lại là một việc lớn hơn. Ông kiên trì chống đối vị bộ trưởng tư pháp, ông giật máy chém từ tay các chưởng lý, những người ba hoa đó của luật pháp, như ông gọi. Nhiều khi hồ sơ chất đầy bàn, ông vẫn xem xét tất; ông khắc khoải sợ bỏ rơi những cái đầu khốn khổ bị xử. Một hôm ông nói với nhân chứng nhắc ở trên: Đêm nay tôi tranh được bảy. Trong những năm đầu triều đại, tử hình hầu như bị hủy bỏ trên thực tế và máy chém được dựng lại là trái ý nhà vua. Pháp trường La Grevơ cũ đã bị hủy bỏ cùng với dòng trưởng, một pháp trường tư sản được dựng lên cái tên là Cổng Xanh Giắc; những người “thiết thực” cảm thấy cần có một máy chém chính quy. Đó là một chiến thắng của Cadimia Pêriê, đại biểu của cánh tư sản hẹp hòi đối với Lui Philip, đại biểu của cánh tự do. Philip dã phê vào cuốn sách của Beccaria (nhà hình pháp học Ý thế kỷ XVIII, đã viết một cuốn sách “về những tội phạm” với thái độ nhân đạo). Sau khi xảy ra vụ ám sát Fiesi, ông kêu: “Tiếc rằng tôi không bị thương! Nếu bị thương thì tôi có quyền ân xá”. Một lần khác, về vụ một chính trị phạm loại nhân vật cao cả nhất ở thời đại ta, nghĩ đến sự phản đối của các bộ trưởng của mình, ông viết: Ân xá thì đành rồi. Ta chỉ còn phải tranh thù cho được mà thôi. Lui Philip dịu hiền như Lui IX và tốt bụng như Hăngri IV.( Henri IV)
Mà đối với chúng tôi nhân từ hiến có trong lịch sử như ngọc liên thành, cho nên con người tốt được xếp hầu như trước con người vĩ đại.
Lui Philip bị người này đánh giá nghiêm khắc, kẻ kia phê phán khắt khe, nay có một người từng biết ông ta – một người ngày nay cũng đã là bóng ma rồi – đến làm chứng cho ông ta trước tòa án lịch sử thì cũng là việc tự nhiên thôi. Lời đối chứng đó dù sao cũng rõ ràng và trước tiên là không vụ lợi. Một lời văn bia do một người chết viết là trung thực. Bóng ma này có thể an ủi bóng ma kia. Cùng nằm chung trong bóng tối thì có quyền ca ngợi nhau. Không sợ người ta nói về hai nấm mồ biệt xứ là: Mộ này đã nịnh hót mộ kia.


Chương 4: NỨT RẠN TỪ MÓNG


Trong lúc câu chuyện kể đây sắp đi vào đám mây mù kinh khủng đang bao phủ dày đặc những bước đầu của triều vua Lui Philip, chúng tôi thấy cần phải giải thích về ông vua ấy chứ không thể nào để nhập nhằng được.
Lui Philip lên ngôi vua không bằng bạo lực, cũng không bằng hành động trực tiếp của ông ta, mà chỉ vì cách mạng chuyển hướng, - chuyển hướng như thế tất nhiên là khác xa với mục đích chân thực ban đầu, nhưng trong công việc đó, công tước Orlêăng, tức là ông ta, chẳng có vai trò chủ động nào cả. Sinh ra là hoàng thân, ông coi mình như đã được bầu lên làm vua. Cái thiên mệnh ấy ông không tự phong cho mình, mà cũng không giành giật lấy; người ta đem dâng cho ông thì ông nhận thôi. Cố nhiên ông cũng sai lầm khi đinh ninh rằng người đem dâng như thế là theo đúng quyền lý, còn ông nhận cũng là việc bổn phận thôi. Do đó ông thành tâm mà lên ngôi vua.
Chúng tôi công nhận Lui Philip lên làm vua rất thành ý, mà phe dân chủ công kích nền quân chủ cũng là thành ý, nên khi người ta hoảng sợ trước những cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng, người ta không đổ tội cho nhà vua mà cũng chẳng đổ tội cho phe dân chủ. Một cuộc xung đột về nguyên lý xã hội cũng chẳng khác gì một cuộc xung đột giữa những lực lượng thiên nhiên.
Đại dương bảo vệ nước, bão tố bảo vệ không khí; nhà vua bênh vực ngôi vua, dân chủ bênh vực nhân dân cái tương đối là quân chủ chống lại cái tuyệt đối là cộng hòa. Xã hội chảy máu trong cuộc xung đột, nhưng cái gì làm cho xã hội bây giờ phải đau đớn nhất định sẽ là cái cứu vớt xã hội sau này. Và trong trường hợp nào cũng vậy không nên chê trách những kẻ đứng ra chiến đấu. Tất nhiên giữa hai phe phải có một phe nhầm lẫn. Chân lý có phải như tượng thần khổng lồ ở Rốtđơ đâu mà đứng cả hai bờ, một chân ở đất cộng hòa, một chân ở đất quân chủ. Chân lý là một, không thể phân chia, nhất định là chỉ ở về một bên. Có điều kẻ lầm lẫn lại thực tâm mà lầm lẫn; một người mù mắt chẳng tội lỗi gì thì một anh bảo hoàng cũng đâu có phải là một tên kẻ cướp? Những xung đột ghê gớm ấy chẳng qua là do định mệnh. Có bão tố thế nào đấy thì con người cũng không chịu trách nhiệm.
Thôi hãy hoàn thành việc trình bày này.
Chính phủ lên nắm chính quyền năm 1830 vấp ngay phải nhiều khó khăn. Vừa khai sinh hôm qua thì hôm nay đã phải phấn đấu rồi.
Ngồi chưa nóng chỗ đã có cảm giác như có những sức gì mơ hồ đang tỳ mạnh lên cả bộ máy của chính phủ tháng Bảy vừa mới xây nền và chưa có chút gì vững chắc cả.
Sự phản đối phát sinh ngay ngày hôm sau. Có lẽ nó đã hình thành từ đêm trước cũng nên.
Tháng này qua tháng khác, sự phản đối lớn dần lên và từ âm thầm đã biến thành công khai.
Cách mạng tháng Bảy không được vua chúa các nước ngoài thừa nhận, điều ấy chúng tôi đã nói. Ở trên đất Pháp, người ta cũng hiểu nó khác nhau.
Rõ ràng là Chúa bộc lộ ý Chúa trong các biến cố lịch sử, nhưng bộc lộ bằng một ngôn ngữ bí ẩn. Con người liền đem diễn dịch ra, bản dịch làm vội vàng quấy quá mang nhiều nỗi lầm, nhiều khiếm khuyết, nhiều chỗ phản nghĩa. Rất ít người hiểu được lời Chúa. Những người tinh tường, trầm tĩnh, thâm thúy nhất thì đọc chậm, cho nên khi họ mang bản dịch của họ tới thì công việc đã xong rồi. Đã có hai mươi bản dịch rồi. Mỗi bản dịch sinh ra một đảng, mỗi chỗ phản nghĩa đẻ ra một phái. Và mọi đảng tưởng mình có ánh sáng chân chính.
Lắm lúc chính quyền cũng chính là một phái.
Trong các cuộc cách mạng đều có người bơi ngược dòng: đó là những đảng cũ.
Đối với những đảng cũ đã gắn bó với truyền thống do phước lành của Chúa, họ tự cho là có quyền nổi loạn, bởi vì cách mạng sinh ra từ quyền nổi loạn. Lầm rồi, thật vậy, trong các cuộc cách mạng, kẻ nổi loạn không phải là dân chúng mà là vua. Cách mạng trái hẳn với nổi loạn. Cách mạng nào cũng là một diễn biến theo lẽ thường, cho nên là chính đáng; có khi có những tay giả cách mạng làm ô danh cách mạng, nhưng tính cách chính đáng của nó vẫn tồn tại dù bị làm nhơ bẩn, vẫn sống sót dù nhuộm máu. Cách mạng xảy ra không từ ngẫu nhiên mà từ sự cần thiết. Cách mạng là từ giả tạo quay về với thực tiễn. Cách mạng xảy ra vì cần phải xảy ra.
Những đảng chính thống cũ đã công kích cách mạng 1830 với tất cả sự kịch liệt phát sinh từ một lối luân lý sai lạc. Những sai lầm lại là những tên, đạn tốt. Chúng tấn công cách mạng một cách khôn khéo ở những chỗ yếu, chỗ hở, chỗ thiếu lôgich: chúng tấn công cách mạng 1830 ở nền quân chủ mà nó thiết lập. Chúng thét: Nói cách mạng, sao lại có anh vua ấy? Những phe phái là những đứa mù nhằm trúng đích.
Những người cộng hòa cũng thét cái tiếng thét kia. Nhưng họ thét như vậy là hợp lý. Mù quáng ở bè lũ chính thống, lại là sáng suốt ở cánh dân chủ. Cách mạng 1830 phá sản đối với nhân dân. Những người dân chủ chân chính tức giận phải phàn nàn.
Đứng giữa hai luồng công kích của quá khứ và tương lai, bộ máy nhà nước tháng Bảy lúng túng, vất vả. Nó chỉ là khoảnh khắc hiện tại mà phải đối phó một đằng với hàng thế kỷ quân chủ, đằng khác với cái quyền lý muôn đời. Vả lại, bề ngoài nó chẳng còn là cách mạng nữa mà đã trở thành quân chủ rồi, nên chính phủ 1830 buộc lòng phải nhịp bước theo châu Âu. Lại phải giữ gìn hào bình mới càng phức tạp! Một sự hào hợp ngược lẽ có khi còn phải trả giá đắt hơn là một cuộc chiến tranh. Từ cuộc xung đột ngầm, luôn luôn bị khóa mõm nhưng luôn luon gầm gừ, nảy ra cái trạng thái hòa bình vũ trang, lối thoát tốn kém của nền văn minh tự ngờ vực mình.
Nền quân chủ tháng Bảy lồng lên như con ngựa mắc vào cỗ xe của các chính phủ châu Âu. Mettécnich (một chính khách Áo thời kỳ đó, rất nhiều thủ đoạn và được coi như là trọng tài của châu Âu) sẵn sàng buộc dây cương vào cổ nó. Bị trào lưu tiến bộ thúc đẩy ở Pháp, nó trở lại thúc đẩy các nền quân chủ lạc hậu khác ở châu Âu. Được kéo, nó trở lại lôi kéo kẻ khác.
Trong lúc đó thì bên trong các vấn đề nghèo đói, thợ thuyền, tiền lương, giáo dục, phạm pháp, mãi dâm, số phận người đàn bà, các vấn đề giàu nghèo, sản xuất, tiêu thụ, phân phối, mậu dịch, tiền tệ, quyền của tư sản, quyền của lao động, tất cả vấn đề chồng chất lên xã hội, cao chót vót đến ghê sợ.
Ngoài các đảng phái chính trị chính thức, một phong trào khác xuất hiện. Tiếp theo sự sôi sục của phong trào dân chủ là sự sôi sục của phong trào triết học. Trí thức thấy mình cũng bối rối như quần chúng, bối rối có khác nhưng cũng không kém sâu xa.
Có những nhà tư tưởng suy nghĩ, trong khi đất dưới chân họ, tức là quần chúng nhân dân, do những luồng cách mạng chạy qua, rung lên như bị cơn giật kinh phong khó giải thích. Những nhà tư tưởng đó khi thì riêng lẻ, khi thì tập hợp thành gia đình, hơn thế, thành đoàn thể, nhào nặn những vấn đề xã hội một cách ôn hòa nhưng sâu sắc. Là những người thợ mỏ không nao núng họ bình thản đào hầm của họ dưới chân núi lửa, không bị rầy rà bao nhiêu vì những chấn động ngầm hoặc những lò lửa thoáng thấy. Sự bình thản đó cũng là một cảnh tượng đẹp nhất trong thời đại náo động kia.
Họ để dành cho các đảng phái vẫn đề pháp quyền, còn họ chỉ lo đến vấn đề hạnh phúc.
Phúc lợi của con người, đó là cái họ muốn rút ra từ xã hội.
Họ nâng cao các vấn đề vật chất, vấn đề công nghiệp, nông nghiệp, thương mại lên gần mức trọng vọng của tôn giáo. Trong nền văn minh bấy giờ, một phần nhỏ do Thượng đế xây dựng nên, còn phần lớn là do con người, thì các thứ quyền lợi đã trộn lẫn với nhau, ết dính vào nhau và hỗn hợp thành một thứ đá vô cùng rắn chắc, theo một quy luật mà các nhà kinh tế học đã dày công nghiên cứu.
Họ tập hợp nhau thành nhóm lấy danh hiệu khác nhau nhưng cũng có thể gọi chung họ là những người theo chủ nghĩa xã hội. Họ cố hết sức chọc thủng tầng đá ấy và bắt nguồn nước tươi mát của hạnh phúc phải phụt lên.
Từ vấn đề cái máy chém đến vấn đề chiến tranh, sự nghiên cứu của họ bao trùm tất cả. Bên cạnh cái nhân quyền đã tuyên bố trong cách mạng Pháp, họ nêu thêm quyền của phụ nữ và quyền của trẻ con. Mong rằng độc giả không lấy làm ngạc nhiên, vì lẽ này hay lẽ khác chúng tôi không đi sâu vào lý thuyết của những vấn đề mà chủ nghĩa xã hội đã xướng lên. Chúng tôi chỉ xin nhắc lại thôi.
Bỏ ra ngoài những viễn ảnh của vũ trụ, những cái gì mơ mộng và huyền bí, thì tất cả những vấn đề các nhà xã hội đem ra bàn để giải quyết chỉ thu lại tỏng hai vấn đề chính:
Vấn đề thứ nhất: Sản xuất ra của cải.
Vấn đề thứ hai: Phân phối các của cải ấy.
Vấn đề thứ nhất chứa đựng vấn đề lao động.
Vấn đề thứ hai bao gồm vấn đề tiền lương.
Trong vấn đề thứ nhất là chuyện sử dụng sức sản xuất. Trong vấn đề thứ hai là chuyện phân phối mọi thứ hưởng thụ.
Sử dụng tốt sức sản xuất là làm cho xã hội phú cường.
Phân phối tốt mọi thứ hưởng thụ là tạo nên hạnh phúc cho cá nhân.
Nói phân phối tốt nghĩa là không phải chia bình quân mà là chia công bằng. Nguyên tắc bình đẳng đầu tiên là sự công bằng.
Bên ngoài, phú cường xã hội; bên trong, hạnh phú cá nhân; hai cái ấy phối hợp lại thành ra xã hội giàu mạnh.
Xã hội giàu mạnh, điều ấy có nghĩa là con người được sung sướng, người công dân được tự do, quốc gia thành lớn mạnh.
Nước Anh giải quyết được vấn đề thứ nhất. Nước Anh làm ra của cải rất giỏi nhưng phân phối rất vụng. Vấn đề chỉ được giải quyết có một mặt, nên đã đưa nước Anh đến hai thái cực: vừa cực kỳ giàu sang vừa cực kỳ nghèo khổ. Mọi thứ hưởng thụ dành cho một vài người, còn mọi thứ thiếu thốn đều dồn cho tất cả kẻ khác, nghĩa là toàn thể dân chúng; đặc quyền, độc quyền, cường bạo nẩy ra từ chế độ lao động ấy.
Sự phồn thịnh công cộng ngồi lên lưng sự nghèo khổ riêng tư, sự phú cường của Nhà nước đâm rễ trong cảnh đau đớn của cá nhân, một tình thế như vậy thật là bấp bênh và nguy hiểm! Đó là sự phú cường cấu tạo không đều vì gồm đủ mọi yếu tố vật chất mà lại không có lấy một yếu tố tinh thần nào.
Chủ nghĩa cộng sản và luật ruộng đất cho rằng có thể giải quyết vấn đề thứ hai. Lầm to! Phân chia như thế sẽ giết chết sự sản xuất. Chia đều nhau làm mất tính thi đua. Và do đó cũng làm mất tính lao động. Đó là cách phân chia của hàng thịt, nó giết chết cái mà nó phân chia. Không thể nào bằng lòng với giải pháp ấy được; giết chết của cải như thế không phải là phân phối của cải.
Hai vấn đề đòi hỏi giải quyết song song thì mới giải quyết tốt được. Hai giải pháp đòi hỏi được phối hợp với nhau thành một mà thôi.
Anh chỉ giải quyết vấn đề thứ nhất thì anh sẽ là Vơnidơ, anh sẽ là Anh Cát Lợi. Anh sẽ như Vơnidơ giàu mạnh một cách giả tạo, hay như Anh Cát Lợi rất giàu mạnh về vật chất nhưng anh sẽ là một anh nhà giàu xấu xa. Anh sẽ chết vì bạo lực như Vơnidơ đã chết, hoặc anh sẽ đổ nhào vì phá sản như Anh Cát Lợi sẽ đổ nhào sau này. Thế giới sẽ ddeer măc anh chết đi và đổ nhào, vì thế giới luôn luôn để mặc cho đổ nhào và chết đi tất cả những cái gì chỉ có nội dung ích kỷ, tất cả những cái gì đối với nhân loại không tiêu biểu cho một đạo đức hay một lý tưởng.
Cố nhiên những tiếng Vơnidơ, Anh Cát Lợi là đúng để chỉ các chế độ xã hội chứ không phải nhân dân các nước ấy, chỉ các tổ chức thống trị áp bức nằm trùm lên các quốc gia chứ không phải bản thân các quốc gia ấy. Chúng tôi bao giờ cũng tôn trọng và có thiện cảm dối với mọi quốc gia. Nhân dân Vơnidơ sẽ sống lại, bọn quí tộc Anh Cát Lợi sẽ nhào đổ, nhưng quốc gia Anh Cát Lợi là bất diệt. Nói xong điều đó, chúng ta tiếp tục.
Giải quyết cả hai vấn đề, khuyến khích người giàu và bảo vệ người nghèo, thủ tiêu sự cùng khổ, chấm dứt sự bóc lột bất công của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, kiềm chế sự ganh ghét bất công của kẻ còn đang đi đới với kẻ đến đích, làm cho tiền lương khớp với sức lao động một cách toán học và thân ái, coi sự giáo dục không mất tiền và cưỡng bách là một yếu tố găn với việc nuôi trẻ khôn lớn và làm cho khoa học trở thành cơ sở của sức khỏe lành mạnh, phát triển trí tuệ, đồng thời làm cho tay chân có việc làm, làm một dân tộc giàu mạnh đồng thời là một gia dình trong ấy mọi người đều sung sướng, dân chủ hóa tư hữu bằng cách phân phối cho khắp mọi người, chứ không phải thủ tiêu nó đi, làm sao cho mọi người dân ất kỳ ai cũng đều có của, việc ấy cũng không phải khó lắm, nói tóm lại, biết cách làm ra của cải và biết cách phân phối của cải, và như thế là một lúc sẽ đạt được sự vĩ đại về vật chất lẫn sự vĩ đại về tinh thần. Có thế mới đáng gọi là nước Pháp.
Ngoài một đôi phe phái đi lạc hướng thì không kể đấy là tiếng nói của chủ nghĩa xã hội. Đấy là tất cả những điều mà chủ nghĩa xã hội tìm trong sự kiện thực tế, đấy là cảnh mà chủ nghĩa xã hội gợi ra trong mọi đầu óc.
Cố gắng đáng phục và thiêng liêng sao!
Những chủ nghĩa ấy, những học thuyết ấy, những sự phản kháng ấy, sự cần thiết bất ngờ đối với nhà chính trị phải đếm xỉa đến các nhà triết học, một đường lối chính trị mới phải vạch ra cho phù hợp với chế độ cũ mà không quá chống đối với lý tưởng cách mạng. Một tình thế phải tận dụng La Fêyest để cứu vãn Pôlinhắc (thủ tướng dưới triều Sáclơ X, đã soạn những sắc dụ phản động làm bùng nổ cuộc cách mạng 1830), sự trực cảm về tiến bộ dưới cái vỏ dân biểu, quốc hội và đường phố, những yêu sách phải cân bằng chung quanh mình, niềm tin tưởng đối với cách mạng, có lẽ cũng có sự nhẫn nhục nào trong việc công nhận một quyền lý tối cao, cái ý chí trung thành với dòng giống,c ái tình yêu gia đình, lòng tôn trọng nhân dân, tính ngay thực của chính mình, tất cả những cái ấy làm cho Lui Philip do nghĩ đến, đau xót và từng lúc đã khiến ông thấy mệt nhọc với cái nghề làm vua quá khó khăn, mặc dù ông là người can đảm và có ý chí.
Ông cảm thấy như dưới chân ông đang có một sự tan rã đáng sợ, tan rã chứ chưa đến nỗi nát thành tro bụi, vì chưa bao giờ nước Pháp lại xứng là nước Pháp như bấy giờ.
Từng đám mây chồng chất đen kịt ở chân trời. Một bóng đen kỳ dị dần dần kéo đến, bao phủ lên mọi người, mọi vật, mọi tư tưởng; đó là bóng đen thoát ra từ mọi thứ căm hờn, mọi hệ thống tư tưởng. Tất cả những gì bị bóp nghẹt đi một cách vội vàng, bây giờ lại cựa quậy, lên men ngấm ngầm. Trí óc con người rung động trong không khí lo âu cảu xã hội như lá cây lúc cơn dông sắp kéo đến. Tình hình căng thẳng như hai dòng điện cao thế, có lúc chỉ cần có một người vô danh nói lên, cũng như chỉ cần có vật gì chạm vào hai dòng điện, là đủ làm bật ra chân lý, bật ra ánh sáng. Sau đó, bóng tối mờ mờ lại phủ xuống như cũ. Thỉnh thoảng những tiếng súng ngấm ngầm vang lên, chứng tỏ trong đám mây mù còn chất chứa rất nhiều sấm sét.
Hai mươi tháng đã trôi qua từ cuộc cách mạng tháng Bảy: Năm 1832 mở màn với một vẻ như đe dọa và gần như có việc sắp xảy ra.
Cảnh nghèo đói của nhân dân, người lao động không có bánh mì, vương tước Côngđê cuối cùng chết một cách mờ ám, Bruyxen đuổi họ Natxô như Paris đuổi họ Buốcbông, nước Bỉ muốn về với một ông hoàng Pháp lại được cho một ông hoàng Anh, sự thù hằn của nước Nga Nicôla, sau lưng Pháp là hai con yêu tinh phương Nam, Fécđimăng Tây Ban Nha và Mighen Bồ Đào Nha, đất rung chuyển ở Ý, Méttecnich thò tay qua Bôlônhơ, nước Pháp cộc cằn đối với nước Áo ở Angcôn về phía Bắc thì tiếng đóng áo quan chôn Balan lần nữa, ở khắp châu Âu, những tia mắt giận dữ rình mò Pháp, đồng minh Anh đnags nghi ngờ đang sẵn sàng đẩy nhào những gì đang nghiêng lệch và xông vào những gì đã nhào, thượng viện nấp sau Béccaria bác bỏ bốn án tử hình của tòa án, biểu tượng hoa huệ bị gạch xóa trên xe vua, cây thập tự ở nhà thờ Đức Bà bị nhổ bỏ, La Fêyét bị bôi nhọ, Laphít suy sụp, Bengiamanh Côngxtăng chết nghèo khổ, Cadimia Pêriê chết trong lúc chính quyền suy yếu: bệnh chính trị và bệnh xã hội phát ra cùng một lúc ở hai thủ đô của vương quốc; thủ đô tư tưởng và thủ đô lao động; Ở Paris, nội chiến; ở Lyông, nông dân biến; ở cả hai thành phố chỉ một ánh lửa lò; một màu đỏ hỏa sơn ở trên trán nhân nhân; phương nam trở nên cuồng tín, phương tây loạn; nữ công tước Beri hoạt động ở Văngđê, âm mưu, hội kín, khởi biến, dịch tả; tất cả những cái đó rót thêm sự náo động bi đát của biến cố vào sự sôi sục của tư tưởng.


Chương 5: NHỮNG SỰ VIỆC LÀM NÊN LỊCH SỬ NHƯNG LỊCH SỬ LẠI KHÔNG BIẾT ĐẾN


Vào cuối tháng tư mọi việc đều trở nên trầm trọng. Tình hình từ chỗ lên men đã trở thành sôi sục. Từ 1830, rải rác đã có đôi cuộc bạo động nhỏ, lẻ tẻ. Những cuộc bạo động ấy đều bị đàn áp ngay, nhưng cũng lại mọc lên ngay, đó là dấu hiệu của một lò lửa to lớn đang bừng bừng ở bên dưới, một cái gì ghê gớm đang ấp ủ. Người ta hé nhìn thấy những dấu hiệu chưa rõ nét và còn lờ mờ của một cuộc cách mạng có thể nổ ra. Cả nước Pháp nhìn vào Paris; Paris nhìn khu ngoại ô Xanh Ăngtoan. Khu ngoại ô Xanh Ăngtoan được nung ngầm, bỗng sôi sục lên. Không khí các quán rượu phố Sarôn nghiêm trang và ồn ào – hai tính từ ấy kết hợp để nói về một quán rượu thì cũng lạ thật.
Ở đấy người ta đem vấn đề duy trì hay lật đổ chính phủ ra bàn một cách ngang nhiên. Người ta thảo luận công khai cái việc phải đánh hay nên ngồi yên.
Bên trong nhiều quán rượu người ta bắt thợ thuyền thề “sẽ có mặt ngoài đường khi có tiếng báo động đầu tiên và sẽ chiến đấu bất chấp quân thù đông hay ít”. Khi người thợ đã thề xong, một người ngồi trong góc quán rượu cố ý nói oang oang: Nhớ nhé! Thề rồi đấy nhé! Có khi người ta lên gác, họp nhau trong một phòng kín, cảnh tượng chẳng khác gì những cuộc họp hội kín. Người ta bắt những người mới gia nhập tuyên thệ để giúp ích cho họ và cho các gia trưởng. Lời thề như vậy đó.
Ở các phòng dưới người ta đọc các sách “phiến loạn”. Theo lời một bản báo cáo bí mật đương thời, đó là những quyển sách chửi chính phủ.
Ở các phòng ấy người ta nghe thấy những lời như sau: - Tôi có biết tên các người chỉ huy đâu. Bọn tôi sẽ được biết ngày khởi sự chỉ hai giờ trước khi hành động thôi. Một người thợ nói: chúng ta có ba trăm người, mỗi người bỏ ra mười xu vị chi là một trăm năm mươi phơrăng để làm đạn và thuốc súng. Một người khác nói: không sáu tháng, hai tháng gì hết. Không đầy mười lăm hôm là chúng ta sẽ ngang sức với chính phủ. Với hai vạn rưởi người, ta có thể đối địch được. Một người nữa nói: - Tôi chẳng ngủ nghê gì, cứ đêm là đúc đạn. – Thỉnh thoảng có những người “ăn bận đẹp đẽ như bọn tư sản”, đến đây “làm bộ làm tịch”, ra vẻ “chỉ huy”, bắt tay những nhân vật quan trọng nhất rồi bỏ đi. Không mấy khi họ ở quá mười phút. Người ta trao đổi những câu chuyện đầy ý nghĩa: mật kế đã muồi, công việc đầy đủ. Tất cả đều nói nhặng xị lên như thế, đó là lời một nhân chứng.
Người ta hăng đến nỗi, một hôm, đương ở giữa quán ăn, một người thợ kêu to: Chúng ta không có vũ khí! Thì một người bạn đáp ngay: Vũ khí ở trong tay binh lính ấy! Câu đáp đã vô tình nhại câu của Bônapác tuyên bố với quân đội viễn chinh Pháp sang đánh Ý. Một bản báo cáo của nhà chức trách, sau khi tường trình sự việc, nói thêm: “Khi có điều gì bí mật hơn thế thì họ không đem ra nói với nhau ở đấy”. Người ta không hiểu họ còn giữ bí mật điều gì nữa khi đã nói toạc ra tất cả như đã thấy trên kia.
Những cuộc họp đôi khi tổ chức có định kỳ. Ở một vài hội nghị như thế, người dự không quá tám hay mười người, và đi lại cũng chỉ những nhân vật ấy. Ở những cuộc họp khác thì ai cũng được vào phòng họp, đông đến nỗi phải họp đứng. Người này họp vì nhiệt tình và say đắm! Kẻ khác họp vì đó là con đường đưa tới có việc làm. Cũng như ở thời cách mạng, trong các quán ấy có những người phụ nữ yêu nước ôm hôn những kẻ mới đến.
Nhiều sự việc có ý nghĩa nữa xuất hiện.
Có người vào quán rượu uống xong bỏ đi ra, nói:
“Anh hàng rượu, chỗ tiền rượu này chính quyền cách mạng sẽ trả cho anh”.
Ở quán rượu bên kia phố Larôn, có một cuộc bầu cử những người cán bộ cách mạng. Hòm phiếu là một cái mũ công nhân.
Một số thợ họp ở nhà một thầy dạy kiếm thuật ở phố Cốttơ. Ở đó có một bó khí giới gồm mã tấu gỗ, gậy, kiếm. Một hôm người ta bóc trần mũi kiếm. Một người thợ nói: “Chúng tôi hai mươi lăm người, nhưng tôi không được tính vì người ta coi tôi là một cái máy”. Cái máy ấy về sau là Kênítxê.
Những việc tầm thường gì mà được tính toán trước cũng trở nên có ý nghĩa lớn. Một người đàn bà quét ở trước cửa nhà mình thóc mách với một người khác: Đã từ lâu rồi, người ta khẩn trương làm đạn.
Người ta thấy dán ngay ngoài phố những bản tuyên bố kêu gọi quốc dân các quận. Một trong các bản ấy ký tên: Buyếctô, bán rượu.
Một hôm ở cửa nhà một anh chàng rượu chợ Dơnoa, một người có bộ râu quai nón với giọng nói người Ý, đứng lên một trụ vôi đọc thật to một tờ giấy gì lạ lùng, có vẻ là một quyền lực huyền bí. Từng nhóm người tụ họp chung quanh vỗ tay hoan nghênh. Các đoạn làm cho quần chúng cảm động nhất được ghi chép lại như sau: “Chủ nghĩa của chúng ta bị ngăn cản, các bản tuyên ngôn của chúng ta bị xé rách, các người đi dán áp phích của chúng ta bị rình mò và bắt giam…” “Cái tai họa trong nghề bông vải đã chữa bệnh trung dung cho chúng ta”. “Tương lai của các dân tộc là đội ngũ hèn hạ của chúng ta”. “…Vấn đề đặt ra là thế này: hành động hay phản động? Cách mạng hay phản cách mạng? Vì ở thời đại chúng ta, không thể có sự nằm ì hoặc bất động. Vì dân hay chống lại dân, đó là vấn đề. Ngoài ra không còn vấn đề nào khác”. “Cái ngày chúng tôi không thích hợp với các anh nữa thì hãy hạ bệ chúng tôi. Nhưng từ nay cho đến lúc ấy, hãy giúp chúng tôi tiến lên”.
Các việc ấy đều xảy ra giữa ban ngày.
Nhiều việc quá táo tợn làm dân chúng đâm nghi. Ngày 4 tháng tư năm 1832, ở góc phố Xanh tơ Mácgơrít, một người qua đường leo lên cây trụ, thét lớn: Tôi là người phe Babớp đây (theo chủ nghĩa vô chính phủ). Nhưng dân chúng thì thấy sau danh nghĩa Babớp là hình dáng Gixkê.
Hắn nói huyên thuyên. Hắn bảo:
“Đả đảo chế độ tư hữu! Bọn đối lập cánh tả là đồ hèn nhát, đồ phản bội. Khi chúng muốn giành lẽ phải về mình thì chúng tuyên truyền cách mạng. Nhưng dân chủ của chúng là chỉ để khỏi thất bại, còn khi muốn trốn đấu tranh thì chúng lại theo quân chủ. Bọn cộng hòa là đồ con tườu. Đồng bào lao động, đồng bào hãy coi chừng bọn cộng hòa”.
Một người thợ hét lớn:
- Ông đồng bào mật thám ơi, im cái mồm đi!
Tiếng thét ấy chấm dứt ngay bài diễn thuyết.
Nhiều chuyện bí ẩn xảy ra.
Vừa tối, có người thợ bắt gặp bên bờ kênh “một người ăn bận chỉnh tề”, người ấy bảo: - Đồng bào, đi đâu đấy? – Thưa ông, người thợ đáp, tôi không được biết ông là ai. – Tôi thì tôi biết anh lắm. Và người ấy thêm: anh đừng sợ. Tôi là người ủy ban. Người ta nghi anh là người không chắc chắn lắm. Anh nhớ là nếu anh phát giác điều gì thì có người để ý đến anh đấy nhé. Xong hắn bắt tay người thợ và nói thêm khi bước đi: chúng ta sắp tới sẽ gặp nhau.
Cảnh sát theo dõi đã ghi được, không những trong các quán ăn mà ngoài đường, rất nhiều mẩu đối thoại kỳ dị.
Một người thợ dệt bảo một người thợ mộc:
- Bác xin gia nhập mau đi.
- Tại sao?
- Sắp được nổ súng rồi bác ạ.
Hai người qua đường ăn mặc rách rưới hỏi và trả lời nhau mấy câu thật đáng chú ý, nghe như rõ rệt là sắp có bạo động.
- Ai thống trị ta bây giờ?
- Ông Philip.
- Không phải, bọn tư bản thống trị ta…
Một lần khác, hai người đi qua, người ta bắt chợt người này nói với người kia: chúng mình có một kế hoạch tấn công tài tình.Trong câu chuyện thân mật giữa bốn người ngồi xổm trong cái hào ở một ngã tư, người ta nghe thoáng được mấy lời như sau:
- Phải ra sức làm cho nó không còn đi dạo chơi trong Paris nữa.
Nó là ai? Một bí mật đầy đe dọa.
“Những thủ lĩnh chính”, như ở ngoại ô người ta gọi, không ra mặt. Người ta tin rằng họ họp nhau bàn bạc ở trong một cái quán gần mũi Xanh Ơxtasơ. Người hội trưởng hội cứu tế thợ may tên là Ôgơ được coi là người trung gian liên lạc giữa các thủ lĩnh và khu ngoại ô Xanh Ăngtoan. Tuy vậy vẫn còn mờ mịt lắm chung quanh các thủ lĩnh ấy. Không có sự iện chắc chắn nào có thể phủ định câu trả lời ngang tàng của một bị cáo kia trước tòa án thượng viện. Tòa hỏi:
- Thủ lĩnh của anh là ai?
- Tôi không có thủ lĩnh và cũng không thừa nhận ai là thủ lĩnh.Tuy vậy, đó mới chỉ là những lời nói mơ hồ tuy rõ nghĩa, đôi lúc chỉ là những câu nói trống không, những lời bàn tán, những tiếng đồn ra đồn vào. Lại có nhiều dấu hiệu khác hiện ra.
Ở phố Rơidi, một người thợ mộc đóng đanh ghép ván để dựng cái hàng rào quanh đám đất đang làm nhà, bắt được một đoạn thư đã xé nát nhưng còn đọc được mấy dòng như sau:
“…Ủy ban cần phải có biện pháp để ngăn cản cá hội này hội nọ đến lấy người trong các trung đội…”
Và ở đoạn tái bút:
“Chúng tôi được tin ở phố Ngoại ô Poácxơnie nhà số 5 bis có nhiều súng, khoảng năm, sáu nghìn khẩu, nằm trong tay một người lái súng và cất giấu trong một cái sân. Trung đội hiện chưa có vũ khí”.
Đi mấy bước nữa, người thợ mộc nhặt được một mảnh giấy khác cũng rách dở và càng có ý nghĩa hơn. Anh ta xúc động thuật lại cho mấy người láng giềng nghe. Vì các tài liệu lạ lùng ấy có giá tị sử dụng cho nên chúng tôi sao y nguyên dạng mảnh giấy mặt sau:
QCDE Hãy học thuộc lòng danh sách này.
Sau đó anh xé đi. Những người được thừa nhận cũng sẽ làm như thế sau khi anh đã truyền lệnh cho họ.
Kính chào huynh đệ
U og a1 fe L
Những người có đọc mảnh giấy này mãi về sau mới biết rõ nghĩa kia của bốn chữ hoa: Quinturions, Centurions, Décurions, Eclareurs và ý nghĩa của những chữ U og a1 fe nó chỉ một ngày tháng, ngày 15 tháng 4 năm 1832. Dưới mỗi chữ hoa, có ghi thêm nhiều tên kèm theo những chú dẫn tiêu biểu. Chẳng hạn: - Q.Banơren 8 súng. 83 đạn. Người đáng tin cậy – C.Bubie 1 súng ngắn. 40 đạn. – D.Rônlê 1 kiếm, 1 súng ngắn, 1 cân thuốc súng. - Tétxiê 1 mã tấu, 1 túi. B. Đúng giờ khắc – Terơ – 8 súng. Can đảm…
Cuối cùng anh thợ mộc còn tìm thấy, cũng trong mảnh vườn kia, một mảnh giấy thứ ba trên đó có cái danh sách bí mật này, viết bằng bút chì, nhưng rất rõ:
Đơn vị Blăngsa. Acbrơxéc. 6
Bara. Xoadơ. Xan.ô – Côngtơ.
Kooxiuxkô. Ôbry người hàng thịt.
J.J.R
Caiiuytx Gracuyxông
Quyền xét duyệt. Đuyfông Fua.
Phái Girôngđanh đổ. Đécbác. Môbuyê
Oaxinhtơn – Panhxông, 1 súng ngắn, 86 đạn
Mácxâyde.
Chủ q. nhân dân., Misen – Canhcăngpoa – Mã tấu Hôsơ.
Mácxô – Platông – Acbrơxéc.
Vácsôvi – Tily, người rao báo Dân chúng.
Người thị dân lương thiện còn giữ được giấy này đã biết ý nghĩa của nó. Hình như đây là bản danh sách trọn vẹn về những trung đội ở quận 4 của Hội Nhân Quyền với tên họ và địa chỉ những trung đội trưởng.
Ngày nay những sự việc bí mật ấy đã trở thành lịch sử cho nên có thể công bố. Cần phải nhắc là Hội Nhân Quyền được thành lập sau ngày người ta nhặt được mảnh giấy kia. Có lẽ đây chỉ là một bản phác họa.
Tuy nhiên đi sau lời nói, đi sau văn tự, những sự kiện cụ thể bắt đầu xuất hiện
Phố Pôpanhcua, ở nhà một người bán hàng xén, cảnh sát bắt được trong ngăn kéo bảy tờ giấy màu xám gấp làm tư theo chiều dài, ở trong lại đưng hai mươi sáu mảnh vuông cùng thứ giấy ấy gấp thành hình viên đạn và một mảnh giấy cứng có ghi như sau:
Diêm tiêu 12 lạng
Lưu hoàng 2 lạng
Thanh 2 lạng rưỡi
Nước 2 lạng.
Biên bản tịch thu còn xác nhận rằng ngăn kéo sặc mùi thuốc súng.
Một người thợ nề buổi tối đi làm về, bỏ quên một cái hộp nhỏ trên một cái ghế cạnh cầu Austéclit. Cái hộp được đưa vào đồn cảnh sát. Mở ra thì thấy hai bài vẫn đáp in, ký tên Lahôchie, một bài hát nhan đề: Hỡi công nhân hãy tập hợp lại, và một hộp sắt tây đựng đầy đạn.
Một người thợ uống rượu với bạn, thấy trong người nóng quá, bảo bạn sờ thử, thì anh bạn chạm tay phải một khẩu súng ngắn cất dưới áo ngoài.
Trong một cái hố bên đại lộ, giữa Pe-Lase và cổng Tơrôn ở chỗ vắng vẻ nhất, mấy đứa trẻ đương chơi chợt thấy dưới một đống dăm và vỏ khoai một khuôn đúc đạn, một bàn giập vỏ đạn bằng gỗ, một đĩa thuốc súng săn và một cái nồi gang có dấu vết chì nấu chảy.
Mấy người cảnh sát lúc năm giờ sáng bất thình lình vào nhà một người tên là Pácđông – anh này sau làm đội viên trong trung đội chiến lũy Meri và chết trong cuộc bạo động tháng Tư năm 1834. Họ thấy anh đứng bên giường, tay cầm mấy vỏ đạn dang làm dở.
Vào giờ thợ thuyền đã ngủ cả, người ta bắt gặp hai người đang đứng với nhau giữa cổng Picpuyta và cổng Sađăngtông, trên một ngõ hẻm giữa hai bức tường, bên cạnh một cái quán có bày một bộ con lăn trước cửa. Người này rút dưới áo khoác ra một cái súng ngắn đưa cho người kia. Khi đưa thì anh ta nhận thấy mồ hôi ngực của mình có làm ẩm thuốc súng đi nhiều ít. Anh ta lên cò súng và thêm thuốc vào ổ thuốc mồi. Thế rồi hai người chia tay nhau.
Một người tên là Gale khoe rằng ở nhà anh ta có bảy trăm viên đạn và hăm bốn viên đá lửa, người này về sau chết ở phố Bôbua, trong vụ biến tháng tư. Một hôm chính phủ được báo là khí giới đã được phân phát ở ngoại ô cùng với hai mươi vạn viên đạn. Tuần sau lại ba vạn viên đạn nữa. Điều đáng chú ý là cảnh sát không bắt được viên nào. Người ta kiểm duyệt một bức thư, thấy có câu: “Sắp đến ngày mà chỉ trong bốn tiếng đồng hồ thôi sẽ có tám vạn người yêu nước cầm khí giới.”
Sự ủ men này là công khai, có thể nó là khá trầm tĩnh. Cuộc nổi dậy vần vũ một cách bình tĩnh trước mắt chính quyền. Cuộc khủng hoảng còn đương ngấm ngầm nhưng cũng đã cảm thấy này rất là khác thường. Những người thị dân thản nhiên bình luận với thợ thuyền về điều đang sửa soạn. Người ta nói: Cuộc khởi nghĩa thế nào? Cũng như hỏi: bác gái thế nào?
Một anh bán bàn ghế ở Môrô hỏi: “Nào, bao giờ thì các anh đánh đấy?”
Một anh chủ hiệu khác: “Sắp đánh rồi. Tôi biết. Tháng trước các anh chỉ có mười lăm nghìn người, tháng này đã lên hăm nhăm nghìn”. Anh ta hiến khẩu súng, một ông láng giềng biếu khẩu súng nhỏ mà trước ông muốn bán bảy phơrăng.
Cơn sốt cách mạng lan dần. Không điểm nào ở Paris, không điểm nào ở nước Pháp thoát khỏi. Mạch đập mạnh khắp nơi. Cũng như các màng mỏng mọc trong cơ thể con người do một số bệnh tật, màng hội kín bắt đầu giăng khắp đất nước. Từ hội những người bạn dan nửa công khai nửa bí mật, nảy ra hội nhân quyền. Hội nhân quyền đã đề ngày tháng như sau vào một bản nhật lệnh: tháng Mưa năm cộng hòa 40. Mặc dù có những bản án tòa thượng thẩm buộc nó phải giải tán, nó vẫn tồn tại, nó không ngần ngại đặt cho các trung đội của nó những tên ý nghĩa như:
Thương giáo
Chuông kẻng
Đại bác báo động
Mũ cộng hòa tự do
21 tháng giêng
Người nghèo
Người lang thang
Tiến lên
Rôbétxpic
Trình độ
Được đấy.
Hội nhân quyền đẻ ra hội hành động. Đó là những người sốt ruột họ tự tách ra và chạy trước. Nhiều đoàn thể khác tìm cách tuyển người trong các hội mẹ. Các chiến sĩ kêu ca về việc bị lôi đằng này kéo đằng kia. Chẳng hạn hội Gôloa và Ủy ban tổ chức các thị trấn, hội đấu tranh cho Tự do báo chí, hội vì Giáo dục nhân dân, hội chống thuế gián thu. Rồi thì hội những người thợ bình đẳng trong đó có ba phái: phái Bình đẳng, phái Cộng sản, phái Cải lương. Rồi Đạo quân Paxti một đám chiến sĩ được tổ chức theo kiểu quân đội: cứ bốn người thì có một viên hạ sĩ chỉ huy, mười thì có một viên trung sĩ, hai mươi thì có một thiếu úy, bốn mươi thì có một trung úy. Trong đạo quân đó họ không biết nhau quá số năm người. Cách xếp đặt này kết hợp tính cẩn thận với sự táo bạo, thấm nhuần thiên tài Vơnidơ. Ủy ban trung ương tức là cơ quan đầu não, có hai cánh tay: hội hành động là Đạo quân Baxti. Một liên đàon của những người bảo vệ dòng vua chính thống, tên là Liên đoàn những tráng sĩ trung thành rục rịch giữa những tổ chức dân chủ ấy. Họ bị tố giác và khai trừ.
Các hội thủ đô đâm chi nhánh ở các thành phố lớn. Lyông, Năngtơ, Lilơ, Mácxây, đều có Hội nhân quyền. Hội Sácbônie, Hội những người tự do. Thành phố Exơ có một tổ chức cách mạng lấy tên là La Cugốcđơ. Chúng tôi từng nói đến tên ấy.
Ở Paris thì khu ngoại ô Xanh Mácxô nhốn nháo không kém khu ngoại ô Xanh Ăngtoan và trường học cũng náo động như ngoại ô. Hiệu cà phê phố Xanh Hyaxanh và hiệu cà phê Xếtbia phố Matuyaranh Xanh Giắc dùng làm nơi liên lạc cho sinh viên Hội những người bạn ABC, chi nhánh của hội ái hữu Ăngiê và của tổ chức La Cugốcđơ ở Exơ nhóm họp ở hiệu cà phê Muydanh. Cũng những thanh niên ấy lại gặp nhau ở quán rượu Côranhtơ, gần phố Môngđêtua, như chúng tôi đã nói. Những cuộc nhóm họp ấy được giữ kín. Nhiều cuộc họp khác lại rất mực công khai. Người ta có thể nhận thấy họ táo bạo dường nào nếu được nghe một mảng thẩm vẫn trong các vụ xét xử về sau: - Cuộc họp diễn ra ở đâu? - Ở phố hòa bình. – Nhà ai? Ngoài dường phố. – Những đội nào có mặt? – Chỉ có một thôi – Đội nào? Đội Manuyen. – Ai là đội trưởng? – Tôi – Anh quá non trẻ, không thể một mình dám quyết định cái việc nghiêm trọng là tấn công chính phủ. Anh nhận huấn thị từ đâu? – Từ Ủy ban trung ương.
Quân đội cũng nung lửa như nhân dân, như các vụ binh biến Benpho, Luynêvin, Epinan sau này chứng thực. Người ta trông cậy vào các trung đoàn 52, 5, 8, 37 và trung đoàn 20 khinh binh.
Ở tỉnh Buôcgônhơ và các thành phố miền Nam, người ta trồng cây Tự do, tức là một gỗ chụp mũ nồi đỏ.
Tình thế là như vậy đấy.
Phố ngoại ô Xanh Ăngtoan, như chúng tôi đã nói lúc ban đầu, đẩy tình thế ấy lên cao nhất và tình thế đó dễ cảm thấy nhất ở khu vực đó. Đúng đó là chỗ nhói bên sườn.
Cái phố ngoại ô ấy đông như tổ kiến, cần cù lao động can đảm và dễ nổi nóng như một tổ ong. Nó run lên trong chờ đợi và náo nức mong có một chấn động. Sôi sục nhưng mà công việc làm ăn vẫn không gián đoạn. Không thể hình dung được diện mạo linh hoạt mà âm thầm của khu phố ấy. Ở đấy có những cơ cực thắt lòng núp dưới cái mái nhà ổ chuột; cũng có những trí tuệ nồng nhiệt và hiếm có. Cơ cực cùng đường và thông minh tột bậc mà kết với nhau thì nguy hiểm.
Còn có những nguyên nhân khác làm cho khu ngoại ô Xanh Ăngtoan rung động. Nó hứng các hậu quả của khủng hoảng thương mại, phá sản đình công, thất nghiệp dính liền với các đại biến động chính trị. Thời cách mạng thì bần cùng vừa là nhân vừa là quả. Bần cùng đánh tới thì cũng bị trả đòn. Cái đám cư dân phố Xanh Ăngtoan có một nền đạo đức hiên ngang một tiềm nhiệt cao nhất luôn luôn sẵn sàng cầm vũ khí, nhạy bùng nổ, căm giận, sâu sắc, ngún ngầm, cái đám dân cư ấy tuồng như chỉ đợi một tàn lửa rơi xuống. Mỗi khi ngọn gió thời cuộc đưa tới một tia lửa ở chân trời, người ta phải nghĩ tới phố Xanh Ăngtoan và sự ngẫu nhiên khủng khiếp đã đặt ở cửa ngõ Paris cái kho chứa đạn thường và tư tưởng như một kho chất nổ ấy.
Trong bức phác họa vừa rồi đã xuất hiện các quán ngoại ô Ăngtoan, các quán ấy có tên tuổi trong lịch sử. Trong thời biến động, ở đấy người ta say lời nhiều hơn là say rượu. Ở đấy lưu thông một số tư tưởng tiên tri, một luồng không khí tương lai làm nỏ quả tim và lớn trí tuệ. Các quán ngoại ô Ăngtoan giống như các quán ở đồi Avăngtanh đặt ngay trong hang của bà đồng ngày xưa và thông với các nguồn khí thiêng. Các bàn uống rượu ở đấy hầu như là một loại bàn ba chân của người đồng bóng, để ngồi uống thứ rượu mà người xưa gọi là rượu của bà chúa thượng ngàn.
Ngoại ô Xanh Ăngtoan (Saint Antoine)chẳng khác gì cái bể chứa đầy dân. Làn sóng cách mạng chuyển động làm cho nó nứt rạn và từ chỗ nứt rạn ấy, chủ quyền của dân chảy tháo ra. Chủ quyền ấy có thể làm bậy; nó cũng mắc sai lầm như mọi thứ chủ quyền khác; nhưng dù có lầm đường lạc nẻo đi nữa, nó vẫn vĩ đại. Có thể vĩ nó với người khổng lồ mù Anhgiăngxơ.
Năm 93, cứ tùy theo trào lưu tư tưởng tốt hay xấu, tùy theo đó là một ngày cuồng tín hay một ngày hăng hái vì nghĩa, những đội quân xuất phát từ ngoại ô Xanh Ăngtoan là những đội quân dã man, hay là những đám người anh dũng.
Chúng tôi xin giải thích về tiếng dã man. Những ngày khai sinh hỗn độn của cách mạng buổi đầu, những con người rách rưới dữ tợn này vùng đứng lên. Họ vừa gào thét vừa giơ cao giáo mác. Họ muốn gì? Họ muốn chấm dứt mọi thứ áp bức, mọi thứ hung bạo, mọi thứ chém giết, họ muốn người lớn có công ăn việc làm, trẻ con được học hành, phụ nữ được có một đời sống xã hội dễ chịu, họ muốn tự do, bình đẳng, bác ái, họ muốn xã hội này thành một cõi hạnh phúc, họ muốn sự Tiến bộ. Và để đòi kỳ được cái vật thần thánh, hiền lành, dịu ngọt và sự tiến bộ này, họ đã tay dao tay gậy, vừa gầm thét vừa xông lên, mình trần thân trục, như điên như dại, chẳng kể một thứ gì. Họ là những kẻ dã man, đùng; nhưng là kẻ dã man vì văn minh.
Họ nêu cao chính nghĩa một cách cuồng dại. Họ muốn bắt ép nhân loại đi vào cõi cực lạc, dù bằng khủng bố và dọa nạt cũng không ngần ngại, có vẻ là những người dã man, thật ra họ là những tay cứu khổ cứu nạn. Họ mang mặt nạ đen tối đi đồi ánh sáng.
Chúng tôi đồng ý là họ hung tợn và đáng sợ, nhưng họ hung tợn và đáng sợ vì việc tốt. Bên cạnh họ có những hạng người khác, mặt mày tươi cười, toàn thân đầy vàng bạc, gấm vóc, chân đi tất tơ, giầy bóng, đầu đội mũ giắt lông chim trắng, tay mang găng vàng. Bọn này đang chống tay lên một chiếc bàn rải nhung bên cạnh cái lò sưởi bằng cẩm thạch và đang uốn ba tấc lưỡi để cố giữ nguyên chế độ cũ, chế độ trung thế kỷ, chế đột hần quyền, giữ nguyên tình trạng cuồng tín, ngu dốt tối tăm, giữ nguyên nô lệ, tử hình và chiến tranh. Chúng cũng đang ca ngợi một cách nhỏ nhen và khéo léo cây gươm, giàn hỏa và máy chém. Về phần chúng tôi, nếu phải lựa chọn giữa những người dã man vì văn minh trên kia và những bọn văn minh trong dã man này thì chúng tôi lựa chọn những người dã man.
Tuy vậy, nhờ trời, cũng có thể có một cách lựa chọn khác. Chẳng có một sự nhào đổ chúc ngược nào là cần thiết cả, đổ tới phía trước hay đổ ra phía sau cũng thế. Không độc tài, cũng không khủng bố! Chúng tôi muốn một sự tiến bộ theo độ dốc từ từ, thoai thoải.
Chúa đã lo cho điều đó. Làm cho độ dốc dịu đi, đó là tất cả đường lối chính trị của Chúa.


Chương 6: ĂNGIÔRÁTX VÀ CÁC PHÓ TƯỚNG


Cũng gần vào khoảng thời gian ấy, để chuẩn bị cho sự việc có khả năng xảy ra, Ănggiônrátx tiến hành một cuộc kiểm điểm lực lượng bí ẩn.
Mọi người đến họp bí mật ở quán Muyđanh.
Ănggiônrátx vừa nói vừa xen vào một số câu ví von bóng gió, nửa úp nửa mở, nhưng rất ý nghĩa:
- Đã đến lúc chúng ta cần thiết biết chúng ta đã chuẩn bị đến đâu và lực lượng chúng ta trông cậy vào là ai. Muốn có người chiến đấu thì phải làm ra chứ. Đi ra ngoài đường mà gặp nhiều bò thì có phải dễ bị ăn sừng bò hơn là không gặp con nào không? Vậy ta phải đếm thử đàn bò chúng ta một chút. Số lượng chúng ta là bao nhiêu nhỉ? Không được để sang ngày mai mới làm việc ấy. Người cách mạng luôn phải khẩn trương; sự tiến bộ không muốn trễ mất một phút nào cả. Chúng ta phải đề phòng những cái bất ngờ, không nên để lâm sự vẫn tay không. Vấn đề là phải kiểm tra lại tất cả các chỗ chắp mối trong tổ chức của ta để xem nó có chắc chắn không. Việc này phải làm đến nơi đến chốn hôm nay đây. Cuốcphêrắc, cậu đi gặp anh em Bách khoa. Hôm nay là thứ tư, họ được ra phép đấy. Phơidi, anh sẽ gặp anh em ở Gơlaxie nhé! Côngbơphe có hứa với tôi sẽ đi Pichpuyt. Ở đấy quần chúng đông đảo và tốt lắm. Pơruve này, anh em hội Tam điểm họ bắt đầu kém hăng rồi đấy, anh sẽ cho chúng tôi biết tin về cái tổ ở phố Gơrơnen nhé! Gioly sẽ đến bệnh viện Đuypuytơren và bắt mạch anh em trường thuốc. Bốtxuyê đi một vòng ra tòa án và bàn bạc với cánh tập sự trạng sư. Còn tôi, tôi xin phụ trách Hội Cuguốcđơ.
Thế là mọi việc xếp đặt xong xuôi, Cuốcphêrắc nói:
- Chưa đâu.
- Còn gì nữa?
- Một việc rất quan trọng.
Côngbơphe hỏi:
- Việc gì thế?
Ănggiônrátx đáp:
- Việc phố Men.
Ănggiônrátx trầm ngâm một phút rồi tiếp:
- Phố Men có thợ đá hoa, có họa sĩ, có những người giúp việc trong các xưởng điêu khắc. Bọn họ hăng hái nhưng cũng dễ nguội lạnh. Không biết ít lâu nay họ có chuyện gì đây. Họ lo nghĩ những chuyện đâu đâu, họ mất cả hăng hái rồi. Suốt ngày họ chỉ đánh đôminô. Phải đến gặp họ ngay để nói chuyện mới được, mà phải cương quyết kia. Họ thường gặp nhau ở nhà Risơphơ. Cứ vào quãng từ mười hai giờ trưa đến một giờ là có họ ở đấy. Phải nhen lại những đống tro tàn ấy mới được. Tôi định giao công việc này cho anh chàng Mariuytx đãng trí ấy, hắn ta tựu trung cũng tốt, nhưng hắn lại không đến nữa. Cần một người đi phố Men mới được, nhưng bây giờ thì không còn ai cả.
Gơrăngte nói:
- Còn tớ, có tớ đây này.
- Cậu?
- Tớ.
- Cậu mà đi thuyết phục những người cộng hòa! Cậu mà dùng lý luận hâm nóng những trái tim nguội lạnh!
- Sao lại không?
- Cậu mà cũng có thể làm được một việc gì à?
- Thế mà tớ có tham vọng lờ mờ như thế đó.
- Cậu thì có tin vào cái quái quỉ gì.
- Tin ở cậu.
- Gơrăngte này, cậu có thể giúp tớ một việc không?
- Việc gì cũng làm. Đánh giầy cho cậu cũng được.
- Thế thì thế này nhé, xin cậu đừng mó vào công việc của bọn tớ. Cậu cứ việc nhậu nhẹt say sưa phần cậu đi.
- Ănggiônrátx, cậu vô ơn lắm!
- Cậu mà đi phố Men được à! Cậu có khả năng đi đấy nhỉ.
- Tớ có khả năng xuống phố Gờre, qua công viên Xanh Misen, rẽ sang phố Lơpơranhxơ, qua phố Vôgira, vòng qua phố Átxa đến đường Sécsơ Miđi, dọc theo đường Tuylơri, rồi đến phố Men, băng qua hàng rào, bước vào nhà Risơphơ. Việc ấy tớ có khả năng làm. Đôi giầy của tớ cũng có khả năng làm.
- Cậu có quen biết ít nhiều gì với các anh em ở nhà Risơphơ không?
- Cũng chả quen biết mấy. Chỉ đến mức mày tao với chúng nó thôi.
- Cậu sẽ nói gì với họ?
- Tớ sẽ nói về Rôbétxpie, chứ cóc gì. Về Đăng-tông nữa. Nói lý luận.
- Cậu!
- Tớ. Thật các cậu chẳng biết cho tớ. Tớ mà ra tay thì ghê gớm lắm đấy nhé! Tớ đã đọc Pơruyom, tớ biết quyển Khế ước xã hội, tớ thuộc lòng hiến pháp cộng hòa năm thứ hai. Đây này: “Tự do của một người công dân chấm dứt ở chỗ tự do của người công dân khác bắt đầu”. Có phải cậu cho tớ là một thằng ngu ngốc không? Tó còn giữ một tờ tín phiếu cũ trong ngăn kéo đất nhé! Nhân quyền này, dân quyền này! Tớ còn nghiêng về phái Hêbe nữa kia. Tớ có thể nhai đi nhai lại những lý luận kêu đáo để, hàng sau giờ liền, không thèm thiếu một phút đâu.
Ănggiônrátx bảo:
- Cậu nên nói chuyện nghiêm túc đi.
Gơrăngte đáp:
- Tớ hăng máu lắm.
Ănggiônrátx suy nghĩ vài giây, rồi quả quyết:
- Gơrăngte – Ănggiônrátx nói giọng nghiêm trang, - tớ bằng lòng dùng cậu thử. Cậu sẽ đi đến phố Men
Gơrăngte nhà ở cạnh quán cà phê Muydanh. Hắn bước ra và năm phút sau lại trở vào. Hắn tạt về nhà, bận cái gilê kiểu Rôbétxpe. Hắn vừa bước vào vừa nói, mắt nhìn chằm chằm Ănggiônrátx:
- Đỏ đây này.
Rồi hắn ngửa tay ấn mạnh vào ngực hai đầu ve áo đỏ rực của chiếc gilê. Hắn bước đến bên cạnh Ănggiônrátx, nói nhỏ vào tai anh:
- Cậu yên trí.
Hắn chụp mạnh mũ lên đầu bước đi.
Mười lăm phút sau, gian sau của quán cà phê Muydanh vắng hết người. Tất cả bọn nhóm ABC đều đi hết, mỗi người mỗi ngả, ai làm công việc nấy. Ănggiônrátx phụ trách Hội Cuguốcđơ, ra đi sau cùng.
Bấy giờ những hội viên của phân hội Cuguốcđơ ở Exơ đương trọ tại Paris họp nhau ở cánh đồng Itxi, trong một mỏ đá bỏ hoang có nhiều ở phía ấy.
Ănggiônrátx vừa đi đến chỗ hẹn, vừa điểm qua tình hình trong trí. Sự việc xảy ra quả là trọng đại. Diễn biến của sjw việc rõ ràng là nghiêm trọng. Khi những triệu chứng báo trước cơn bệnh xã hội biến chuyển nặng nề thì một biến chứng nhỏ nhặt nào cũng làm cho nó đình đốn và trở nên rắc rối. Từ hiện tượng đó nảy ra những sụp đổ và những tái sinh. Ănggiônrátx thấy hé dưới chân những mảng tường tối tăm của tương lai một sự vùng lên rạng rỡ. Biết đâu? Thời cơ có lẽ đã đến. Dân chúng giành lại quyền của mình, ôi cảnh tượng mới đẹp làm sao! Cách mạng giành lại nước Pháp một cách vẻ vang và nói to với thế giới: “Chờ xem ngày mai!” Và Ănggiônrátx thấy trong lòng sung sướng. Chàng có cảm tưởng bây giờ bạn bè của chàng như là một dây thuốc súng rải rác khắp Paris. Chàng gom góp trong trí cái tài hùng biện triết lý sâu sắc của Côngbơphe, cái hăng hái tứ chiếng của Phơidi, cái mồm mép thao thao của Cuốcphêrắc, cái cười của Bahôren, cái sầu não của Pơruve, cái tri thức của Giôly, cái châm biếm của Bôtxuyê, để trộn lẫn nhau làm thành một tia điện bắn ra và bắt lửa khắp nơi cùng một lúc. Tất cả anh em đều bắt tay vào việc. Nhất định ết quả sẽ xứng đáng với công phu bỏ ra. Hay lắm. Điều này làm chàng nghĩ tới Gơrăngte. “À, phố Men không cách xa đường ta đi cho lắm. Hay là ta tạ qua nhà Risơphơ thử!? Phải đấy, để xem cái anh chàng Gơrăngte này nó làm ăn ra sao và công việc đã đến đâu rồi”.
Chuông nhà thờ Vôgira đánh một giờ thì Ănggiônrátx đến phòng hút thuốc nhà Risơphơ. Chàng đẩy cửa bước vào, khoanh tay đứng nhìn gian phòng đầy bàn ghế, dầy người và đầy khói thuốc.
Trong đám mây mù ấy, có tiếng một người vang lên rồi tiếng một người khác cắt ngay lập tức. Đó là cuộc đối thoại của Gơrăngte và đối thủ của hắn ta.
Hắn đang ngồi đối diện với một người khác, trước một cái bàn đá, trên mặt bàn rải rác có cám và những quân đôminô. Gơrăngte đấm tay xuống mặt đá và Ănggiônrátx nghe cuộc đối thoại sau đây:
- Sáu đôi.
- Bốn.
- Con lợn! Tao không có bốn.
- Mày chết. Hai đây.
- Sáu.
- Ba.
- Át.
- Đến tao đặt quân.
- Bốn điểm.
- Khó nhọc lắm.
- Đến lượt mày.
- Tao mắc sai lầm to rồi.
- Mày đi tốt lắm.
- Mười lăm.
- Thêm bảy.
- Tao thành hăm hai (Mơ màng). Hăm hai.
- Mày không ngờ có hai quân sáu – đôi. Nếu tao đặt nó ra từ đầu thì tình thế xảy ra khác hẳn.
- Cũng hai thôi.
- Át đây.
- Át à! Thế thì năm đây.
- Tao không có năm.
- Tao tưởng mày đã đặt?
- Ừ.
- Trắng đây.
- Nó đỏ quá chứ! Ồ! Mày đỏ thật! (mơ màng lâu). Hai đây.
- Át.
- Không có năm, cũng không át. Mày lúng túng rồi.
- Đôminô.
- Chó đẻ thật.


Nguồn: http://forums.vinagames.org/