PHẦN 4: TÌNH CA PHỐ PƠLUYMÊ VÀ ANH HÙNG CA PHỐ XANH ĐƠNI
QUYỂN 3: NGÔI NHÀ PHỐ PƠLUYMÊ
Chương 1: NGÔI NHÀ CÓ BÍ MẬT
Vào khoảng giữa thế kỷ trước, một ông chánh án tòa án Paris có một người nhân tình nhưng lại muốn giấu thiên hạ - bấy giờ chỉ các nhà đại quí tộc mới khoe nhân tình của mình, còn các anh tư sản thì lại giấu đi – nên cho xây một ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô Xanh Giécmanh, trong một phố vắng vẻ là phố Bơlômê ngày nay gọi là phố Pơluymê, gần nơi gọi là Quần Thú.
Ngôi nhà ấy có gác, dưới nhà có hai phòng, một cái bếp, trên gác có hai buồng, một phòng khác nhỏ, sát mái là một gác xép. Trước nhà, một khoảng vườn độ một sào có cánh cổng lớn song sắt trông ra đường phố. Người đi qua ngoài phố trông thấy chỉ có bấy nhiêu. Nhưng phía sau ngôi nhà chính, có một mảnh sân hẹp và cuối sân có một cái nhà xép hai gian, lúc cần có thể để một đứa bé con và một bà vú ở đấy.
Chiếc nhà này, phía sau, có một cái cửa che kín, mở đóng rất bí mật, ăn thông với một hành lang hệp, trên để lộ thiên, dưới lát đá, chạy quanh co giữa hai bức tường cao. Cái hành lang ấy cứ men theo sát dãy hàng rào, hàng giậu từ vườn này sang vườn khác, từ đám đất này sang đám đất khác, có lúc đi vòng quanh, có lúc gấp thành góc theo hình cái thửa vườn và các đám đất và cuối cùng dẫn đến một cái cửa bí mật, cách đấy độ một phần tám dặm, gần một khu phố khác, ở tận đầu mút của cái phố Babilôn hiu quạnh.
Ông chánh án đến ở đấy. Ngôi nhà bố trí khéo đến nỗi, người nào có chú ý theo dõi và nhận thấy ông ta ngày nào cũng đi đâu bí mật, cũng không ngờ rằng hễ đi ra phố Babilôn tức là đi ra phố Bơlômê. Nhờ khéo xếp đặt mua được đất nên ông có thể thuê người làm con đường bí mật ấy ở trên đất mình không ai kiểm soát được. Về sau ông đem bán lại chỗ đất dọc hành lang ấy từng miếng một để người ta làm vườn và trồng trọt.
Các người chủ mới ở hai bên hành lang, cũng tưởng trước mắt mình là một bức tường ngăn, chứ không ngờ có con đường lát đá dài như dải khăn quanh co giữa hia bức tường, đi dọc theo hết luống rau này đến vườn cây khác của họ. Chỉ có chim chóc là nhìn thấy cái vật là lạ ấy. Và các lũ sáo ngà, sáo sậu của thế kỷ trước chắc là đã bàn tán với nhau nhiều về cái ông chánh án ấy.
Ngôi nhà xây bằng đá theo kiểu Măngxa, bọc tường và trang trí bàn ghế theo kiểu Váttô, bên trong dạng động phủ, bê ngoài dáng mềm mại, khuất sau ba lớp rào hoa. Nó có một cái vẻ gì vừa kín đáo, vừa đỏm dáng, vừa long trọng, đúng sở thích của một quan tòa si ái.
Cái nhà ấy và hành lang ấy ngày nay đã mất, nhưng trước đây mười lăm năm vẫn hãy còn. Năm 93, một người chuyên đúc nồi đã mua ngôi nhà để hủy phá, nhưng không thanh toán được cho nên bị xử vỡ nợ. Hóa ra ngôi nhà đã phá hủy ông chủ. Từ đấy, ngôi nhà bị bỏ hoang và dần dần đổ nát như tất cả những nhà cửa không người ở đó, do đó không được truyền sức sống cho. Bàn ghế ngày xưa vẫn nằm nguyên trong đó. Một tấm bảng vàng, chữ hết đọc được, treo ở rào sắt từ năm 1810 khiến cho con số mười, mười hai người mỗi khi đi qua phố Pơluymê biết rằng ngôi nhà sẵn sàng để bán hoặc cho thuê.
Vào cuối thời Quân chủ phục hưng, những khách qua đường đó nhận thấy tấm bảng đã biến mất, hơn thế nữa, những cửa sổ ở tầng một đã mở. Thật vậy, ngôi nhà đã có người ở. Các cửa sổ có những “màn che nhỏ”, đó là dấu hiệu tỏng nhà có phụ nữ.
Tháng 10 năm 1829, một người đàn ông đứng tuổi đến thuê ngôi nhà ấy, cố nhiên là gồm cả gian nhà xép phía sau và cái hành lang ăn thông đến phố Babilôn. Ông cho đặt lại hai cái cửa bí mật ở đầu hành lang. Trong nhà hãy còn gần nguyên các thứ bàn ghế cũ thời ông chánh án ở, người chủ mới chỉ cho sửa sang lại một ít, chỗ nào thiếu cái gì thì thêm vào cho đủ, lát cái sân đá, cái nền gạch đã loang lổ, chữa lại cái cầu thang, sàn gỗ, thêm kính vào các ô cửa sổ. Xong đâu đấy ông mới cùng một thiếu nữ và một u già dọn đến, lặng lẽ như một người lạ lẻn vào nhà, chứ không phải như người ta vào ngôi nhà của mình. Láng giềng cũng chẳng bàn tán gì bởi cái lẽ không có ai là láng giềng cả.
Người đến thuê nhà âm thầm, ít gây chú ý ấy là Giăng VanGiăng, thiếu nữ là Côdét. U già là một người đàn bà tên là Tútxanh, vừa già, vừa quê, vừa ngọng. Giăng VanGiăng đã cứu bà ta ra khỏi bệnh viện làm phúc và khỏi cảnh khốn cùng, rồi quyết định đem bà ta về ở với mình vì bà có ba đặc điểm trên kia. Ông đã lấy tên là ông Phôsơlơvăng, nhà thực lợi (người sống về lọi tức), để thuê nhà. Qua những điều nói trên, chắc bạn đọc đã nhanh chóng nhận ra Giăng VanGiăng còn nhanh hơn lão Tênacđiê nữa.
Tại sao Giăng VanGiăng đã rời bỏ nhà tu Pơti Píchpuyt? Chuyện gì đã xảy ra?
Không có chuyện gì lạ cả.
Bạn đọc còn nhớ, ở nhà tu, Giăng VanGiăng rất sung sướng, sung sướng đến nỗi có lúc lương tâm phải lo ngại. Ngày nào ông cũng được gặp Côdét; mối tình phụ tử hiện ra và mỗi nảy nở. Ông thương yêu ấp ủ con bé trong tâm hồn. Ông tự bảo: nó là của ông, không có gì có thể cướp đi được; tình trạng này sẽ cứ mãi mãi như thế; chắc chắn nó sẽ làm bà xơ đúng theo con đường hàng ngày người ta muốn mở ra cho nó và như thế, nhà tu sẽ là vũ trụ của nó và của ông; ông sẽ già ở đây, nó sẽ lớn lên ở đây, rồi nó sẽ già ở đây và ông sẽ chết ở đây, thật là thỏa ước mơ, không còn nói cha con chia lìa, chia rẽ gì được nữa. Nghĩ đến đấy, bỗng dưng ông sinh lo âu. Ông tự chất vấn. Ông tự hỏi có phải thật tất cả hạnh phúc của người khác, của con bé kia? Ông già mà tước đoạt hạnh phúc của nó giấu làm của riêng cho mình sao? Như thế có phải là trộm cắp không? Ông tự nhủ con bé có quyền được biết cuộc sống trước khi bỏ đời đi tu. Ngay từ bây giờ mà gần như không hỏi ý kiến nó, lấy cớ để tránh cho nó mọi thứ đau khổ, lợi dụng nó khờ dại, cô đơn mà ép nó phải đi tu, thì có khác gì làm hư hỏng bản chất tự nhiên của một con người và dối trá với Chúa? Lại biết đâu, một ngày kia, Côdét mà biết rõ đầu đuôi, biết nó phải làm bà xơ một cách miễn cưỡng, nó sẽ không sinh thù hằn cả việc này? Ý nghĩ cuối cùng này, hơi ích kỷ và ít dũng khí hơn những ý nghĩ khác, nhưng nghĩ như thế ông không sao chịu được. Ông quyết định rời bỏ nhà tu.
Ông quyết định như thế. Ông buồn rầu mà nhận ra rằng việc phải như thế. Còn về những trở ngại thì chẳng có gì. Năm năm sống biệt tăm biệt tích trong bốn bức tường này, đến bây giờ ra ngoài thì còn sợ gì nữa. Ông có thể yên tâm trở lại sống giữa mọi người. Ông đã già đi và cái gì cũng đã thay đổi. Ai còn nhìn ra được ông bây giờ. Với lại cứ cho là chẳng may đi nữa, thì có gì nguy hiểm thì là nguy hiểm cho bản thân ông chứ có quyền gì mà bắt buộc Côdét vào nhà tu kín, bởi lẽ xưa kia ông bị vào nhà tù khổ sai? Vả lại, trước nhiệm vụ thì nguy hiểm có đáng gì? Mà, có ai cấm ông cứ thận trọng và tìm mọi cách đề phòng?
Còn việc giáo dục của Côdét thì đã gần xong và trọn vẹn rồi.
Quyết định xong, ông chờ cơ hội. Cơ hội không bao lâu đến: ông già Phôsơlơvăng từ trần.
Giăng VanGiăng xin gặp bà xơ bề trên, trình bày với bà rằng anh ông chết đi để lại cho ông một cái gia tài nho nhỏ đủ sống khỏi phải làm lụng gì, nên ông xin thôi việc ở nhà tu và xin dắt con gái đi. Ông cũng trình bày luôn rằng Côdét chưa làm lễ thụ phép làm người tu hành thì không lẽ gì tu viện lại nuôi không nó những năm năm như thế, nên ông khẩn khoản xin thế nào bà bề trên cũng vui lòng để ông cúng cho quỹ nhà tu một món tiền là năm nghĩn phơrăng, xem như là đền bù vào khoản Côdét ăn ở lâu nay.
Thế là Giăng VanGiăng ra khỏi nhà tu.
Ở nhà tu ra đi, ông cắp lấy chiếc va li nhỏ chứ không nhờ ai vác hộ, chìa khóa thì ông giữ trong mình. Chiếc va li bay một mùi thơm ngát làm cho Côdét phải chú ý.
Nói ngay rằng từ đó chiếc va li ấy không bao giờ rời ông ra nữa. Luôn luôn ông để nó trong phòng ông. Nó là vật đầu tiên có khi là vật duy nhất ông mang đi trong những lúc dọn nhà. Thấy thế Côdét phải bật cười và gọi chiếc va li là “người bạn không rời nhau” của ông rồi nói: con phát ghen với nó.
Tuy vậy, việc trở lại với không khí tự do ngoài đời không khỏi làm cho Giăng VanGiăng lo lắng khá nhiều.
Ông tìm ra được ngôi nhà phố Pơluymê và chui vào đó. Từ đấy ông vẫn giữ tên là Uyntim Phôsơlơvăng.
Đồng thời ông thuê luôn hai căn phòng khác ở Paris. Chủ tâm là để thay đổi, khỏi ở luôn một khu phố, cho người ta bớt để ý và khi trong lòng thấy có gì đáng lo ngại thì có thể vắng mặt một thời gian, cũng như là để có đường xoay sở chứ không bị bất chợt vô kế khả thi như cái đêm ông thoát khỏi tay Giave một cách quá ư may amwsn trước đây. Hai căn phòng ấy là hai gian nhà bé nhỏ nghèo nàn ở hai khu phố cách nhau rất xa, một ở phố Uét, một ở phố Lom-acmê.
Thỉnh thoảng ông đến nơi này hoặc nơi kia ở một tháng hay năm sáu tuần có Côdét đi theo, còn bà Tútxanh thì để ở nhà. Cơm nước hay sai bảo thì đã có mấy người gác cổng, mà ông bảo cho biết ông là một nhà thực lợi ở ngoại ô lấy nơi ấy là chỗ tạm trú mỗi khi vào thành. Con người đạo đức cao siêu ấy thế mà phải có đến ba chỗ ở giữa Paris để tránh lưới cảnh sát.
Chương 2: GIĂNG VANGIĂNG QUỐC DÂN QUÂN
(Quốc dân quân gồm những người tư sản được chính quyền
Quân chủ phục hưng tín nhiệm)
Tuy vậy, ông nói đúng, Giăng VanGiăng vẫn sống ở phố Pơluymê và ông đã xếp đặt đời sống của mình như sau:
Côdét và người bõ già ở nhà trên gian buồng ngủ tường có vẽ hoa, phòng khuê nhỏ với những đường chạm trong sơn vàng, phòng khách lót thảm có những chiếc ghế bành to tướng là phần của Côdét; cái vườn cũng thuộc phần nàng. Giăng VanGiăng đã cho đặt thêm trong buồng Côdét một chiếc giường có diềm màn bằng gấm Đamát nhiều màu và một tám thảm Ba-tư cũ còn đẹp mua mãi ở cửa hiệu mụ Gôse phố Phighiê Xanh Pôn. Để giảm bớt vẻ nghiêm nghị của những thứ đồ cổ sang trọng ấy, ông xen lẫn vào các thứ linh tinh ấy tất cả những vật dụng xinh xắn, duyên dáng của các cô thiếu nữ: cái kệ, cái tủ sách, các quyển sách có gáy vàng, chiếc hộp giấy, cái bàn giấy thấm, cái bàn may khảm xà cừ, cái hộp may bằng bạc mạ vàng, bộ đồ rửa mặt bằng xứ Nhật. Các cửa sổ trên gác đều treo màn dài bằng gấm Đamát nhiều màu như ở diềm màn. Các cửa tầng dưới lại treo màn vải rua. Mùa đông, trong nhà Côdét ở, gác trên phòng dưới đều đốt lò sưởi. Riêng ông, ông ở trên nhà xép cuối sân trong, trong phòng chỉ một chiếc đệm rải trên cái giường căng dây thép, một cái bàn gỗ tạp, hai cái ghế rơm, một lọ sứ đựng nước, mấy quyển sách bỏ trên một tấm ván, chiếc vali yêu quí trong một góc và chẳng bao giờ có củi lửa gì cả. Ông ăn với Côdét nhưng trên bàn lại có một cái bánh mì đen phần riêng ông. Ông bảo bà Tútxanh: - Cô đây là chủ nhà này, bà nhớ nhé. – Thưa ông, còn ông? Bà Tútxanh kinh ngạc hỏi lại. – Tôi, tôi còn hơn là ông chủ, tôi là ông cha.
Hồi ở nhà tu, Côdét có được học tập việc nội trợ nên việc chi tiêu ít ỏi trong nhà đều do nàng tính toán. Hằng ngày, Giăng VanGiăng khoác tay Côdét, đưa nàng đi dạo chơi. Ông đưa nàng vào vườn Luychxămbua, tìm đến con đường nào vắng vẻ nhất và chủ nhật nào ông cũng dắt nàng đi lễ nhà thờ Xanh Giắc vì nhà thờ ấy ở khá xa. Khu phố ông ở rất nghèo nên ông bố thí nhiều, vì thế các người khốn khó đều đến vây quanh ông trong nhà thờ. Chính vì vậy mà Tênacđiê gửi cho ông một bức thư với địa chỉ: kính gửi nhà từ thiện ở nhà thờ Xanh Giắc. Ông cũng hay dắt Côdét đi thăm các người nghèo khổ và các người ốm đau.
Chưa một người lạ nào từng bước chân vào ngôi nhà phố Pơluymê. Bà Tútxanh đi mua thức ăn và Giăng VanGiăng tự tay đi lấy nước ở máy nước gần nhà. Củi và rượu thì cất trong cái hầm vách đá nửa ngầm bên cạnh cái cửa mở ra phố Babilôn. Hầm ấy ngày xưa dùng làm động cho quan chánh án vì ở cái đời si ái ấy, không có tình yêu nào là không nấp trong hang động.
Ở phía cửa ấy, còn có một cái thùng, có kẽ để đựng thư từ, báo chí, song ba nhân khẩu của ngôi nhà phố Pơluymê chẳng tiếp nhận thư từ báo chí gì, nên cái thùng ngày xưa là nơi mới lái đi về cho những cặp nhân tình nhân ngãi, thì ngày nay tất cả công dụng chỉ còn là để bỏ các giấy báo nộp thuế và các giấy báo của phòng dân quân. Vì ông Phôsơlơvăng, nhà thực lợi, cũng là quốc dân quân. Ông không thoát khỏi lưới kiểm tra chặt chẽ hồi 1831. Hồi ấy nhà chức trách đã truy cứu lý lịch của Giăng VanGiăng ngược lên đến giai đoạn ông ở nhà tu kín. Và cũng nhờ ẩn mình trong cái đám mây mù dày kín và tinh khiết là nhà tu kín ấy mà khi thoát ra, Giăng VanGiăng trở thành một người đáng kính đối với thị sảnh của mình, và do đó xứng đáng làm người bảo vệ cho thị sảnh.
Mỗi năm ba hay bốn lần Giăng VanGiăng khoác quân phục và đi canh gác. Công việc ấy có phần làm cho ông bằng lòng là khác. Vì ông coi đó là một cách cải trang chính đáng khiến cho ông có thể lẫn vào đám đông mà vẫn giữ mình cô độc. Giăng VanGiăng vừa được sáu mươi, đúng tuổi miễn quân dịch; nhưng trông người ông lại không đến năm mươi. Vả lại, ông cũng không có ý muốn lánh mặt viên đội nhất của mình, cũng không kêu kiện bá tước Đơ Lôbô. Ông không có lý lịch, ông giấu tên, giấu tuổi, giấu tung tích, giấu tất cả; và như chúng ta vừa nói, ông là một quốc dân rất hăng hái. Làm sao cho giống bất kỳ một người nào khác sòng phẳng trong mọi bổn phận đóng góp, đó là tất cả tham vọng của ông. Lý tưởng của ông là làm sao cho ở bên trong thì xứng đáng là một thiên thần, còn bên ngoài thì là một thị dân.
Tuy vậy, có một điều cần phải ghi. Khi Giăng VanGiăng đi chơi với Côdét, ông ăn mặc như ta đã thấy và ra vẻ là một sĩ quan về hưu. Lúc ông đi một mình và thường là vào buổi tối, ông lại bận một cái áo vét và một cái quần công nhân, đầu đội mũ lưỡi trai che lấp cả mặt. Đề phòng hay là khiêm tốn? Có lẽ cả hai. Côdét đã quen với khía cạnh bí ẩn của đời mình nên chẳng để ý đến những cử chỉ lạ lùng của bố là mấy. Còn bà Tútxanh, thì bà sùng bái Giăng VanGiăng và cho rằng ông ta làm cái gì cũng tốt cả. Một hôm, anh hàng thịt thoáng nhìn Giăng VanGiăng và bảo: Cái xác ông này hay nhỉ! – Bà đáp: một vị… vị thánh đấy!
Giăng VanGiăng, Côdét và Tútxanh, cả ba đều vào bằng độc cái cửa ở phố Babilôn. Giá không thấy bóng họ thấp thoáng sau hàng rào ở cồng trước thì khó mà đoán họ ở phố Pơluymê. Cổng trước luôn luôn đóng kín. Giăng VanGiăng đã bỏ hoang khu vườn không trồng trọt gì để người ngoài khỏi chú ý đến.
Nhưng có lẽ ông ta đã lầm.
Chương 3: CÀNH LÁ RƯỜM RÀ
(Nguyên văn Latinh: Foliisac frondibus)
Cái vườn bỏ hoang hơn nửa thế kỷ như vậy đã trở nên kỳ lạ đẹp mê hồn. Bốn mươi năm trước đây, người qua đường dừng lại ngắm vườn mà không ngờ đến những bí mật ẩn giấu dưới lớp lá xanh tươi kia. Nhiều anh mơ mộng thời ấy đã bao lần để cho đôi mắt và tâm trí mình tọc mạch len vào giữa các chấn song cái cửa có khóa, vặn vẹo lung lay vít chặt vào hai trụ vôi bám đầy rêu xanh, phía trên có cái viên trang tí hoa văn kỳ dị, khó hiểu.
Trong vườn, có chiếc ghế dài ở một góc, một vài pho tượng mốc meo, mấy tấm mắt võng đóng vòa tường để cho cây leo, nhưng đã long đinh và đang mục nát. Ngoài ra không còn đường lối, không còn thảm cỏ. Ở đâu cũng chỉ cỏ gà. Tay người đã vắng thì tay tạo lại về. Cỏ dại mọc đầy, điều rất đáng khâm phục đối với một mảnh đất tí tẹo. Đây là nơi hội hè huy hoàng của hoa đinh hương. Không có gì ở mảnh vườn này làm trở ngại sức vươn lên thiêng liêng của cây cỏ. Ở đây là thế giới của sự sinh trưởng tôn nghiêm. Cây to cúi xuống gai dại, gai dại trườn lên cây to, cỏ mọn leo lên, cành cả nghiêng xuống. Cái vốn bò dưới mặt đất cất cao đầu tìm cái nảy nở trên không, cái phất phơ trước gió tìm xuống với những gì vương vất trong rêu. Thân cây, chạc bé, lá, dây, chùm, tay, nhánh, gai quấn quít với nhau, hòa hợp nhau khăng khít để thực hiện và ngợi ca tình bác ái thần bí, tượng trưng cho chủ nghĩa bác ái ở loài người. Vườn này không còn là vườn nữa, mà là một lùm cây khổng lồ, nghĩa là một cái gì rậm rạp như một khu rừng, đông đúc như một thành phố, run rẩy như một tổ chim, mập mờ như một thánh đường, ngát hương như một bó hoa, cô quạnh như một nấm mộ, sống động như một phiên chợ.
Vào tháng Hoa, cái bụi to lớn sống tự do giữa bốn bức tường sau hàng chấn song ấy bước vào trạng thái động tình chung của vạn vật. Nó rùng mình trước vầng thái dương đang mọc, chẳng khác gì con vật hít thở những vận khí yêu đương trong không gian và cảm thấy nhựa xuân dâng lên sôi trào trong mạc máu. Nó vung mớ tóc xanh tươi tốt trước gió, nó gieo trên đất ẩm, trên tượng sờn, trên bậc thềm nứt nẻ, cả trên nền đường vắng, những hoa hình sao, những giọt sương như ngọc và sự mỡ màng, sự tươi đẹp, hương thơm, sức sống, niềm vui. Vào trưa, hàng nghìn con bướm trắng tụ tập tại đó và khi nhìn những hoa trắng kia vèo bay trong bóng mát làm nên một cơn mưa tuyết sống giữa trưa hè thì ai cũng phải cho là mình được xem một cảnh thần tiên. Trong râm tối của lá xanh vô vàn những tiếng thơ ngay đang thỏ thẻ với tâm hồn ta và cái gì tiếng chim không nói thì đã có tiếng ong dế bổ sung. Vào chiều tối thì một thoáng mơ mộng toát ra từ cánh vườn và bao phủ lấy nó; một bức màn sương nhẹ, một niềm u hoài mênh mông êm ả trùm lên vạn vật; mùi thơm say người của hoa tâm hương và hoa bìm bố ra từ hắp nơi như một chất độc ngọt ngào và thấm thía; lúc ấy chim gõ kiến kêu chiều và chim bạc má buông những tiếng ríu rít cuối cùng hầu như trong giấc ngủ; người ta cảm thấy niềm thân mật thiêng liêng giữa chim chóc và cây cỏ: ban ngày cánh lông làm vui cành lá, ban đêm càn lá che chở cho cánh lông.
Mùa dông lùm cây đen lại, ướt đi và trơ cành run rẩy cho nên người ta nhìn thấy ngôi nhà chút ít. Không thấy hoa nở trên cành và sương đọng trong hoa, trái lại có những đường bằng bạc của các chú sên đã bò qua trên thảm lá vàng dầy, lạnh. Tuy nhiên dù thế nào, với diện mạo nào, vào mùa nào xuân hạ thu đông, cái khoảnh vườn bé nhỏ ấy cũng đượm vẻ u hoài suy tưởng, cũng hiu quạnh, hoang vu, thiếu dấu vết người mà có sự hiện diện của tạo hóa và cái cổng cũ kỹ gỉ han có vẻ như nói: Cái vườn này là của ta.
Đường đá Paris chạy quanh đấy, mặc! Những lâu đài cổ điển gnuy nga ở phố Varen ở cách hai bước, mặc! Vòm cuốn tòa Anhvaliđơ ề bên, mặc! Hạ viên không xa, không sao! Xe tứ mã sang trong phố Buốcgônhơ và phố Xanh Đôminic rầm rập gần kia, xe buýt vàng, nâu, trắng, đỏ gặp nhau rộn rịp ở gần ngã tư gần nhất, chẳng cần gì! Ở phố Pơluymê vẫn là sa mac. Những người chủ cũ chết, một cơn lốc cách mạng kéo qua những gia thế nghìn xưa sụp đổ, sự xa cách, sự lãng quên, bốn mươi năm hoang phế góa chủ, tất cả những cái đó đủ để gọi về nơi cảnh tiên ấy, những phượng vĩ, những cây ngôn, những cây rẻ quạt, những cỏ voi, những cây vằn lá to màu dạ nhạt, những con tắc kè, bọ rùa, những côn trùng nhanh nhẹn và sợ sệt; đủ để lôi từ lòng đất lên và cho hiện ra bốn bức tường ấy một cảnh tượng hùng vĩ và hoang dại; đủ để cho thiên nhiên bừng nở ở một rẻo vườn khổ của Paris với vẻ cằn cộc và lẫm liệt không kém một khu rừng hoang Tân thế giới, cái thiên nhiên cứ phá ngang những thu xếp ti tiện của người đời và hễ tràn đến chỗ nào thì cũng tràn trọn vẹn, dù trên mình con kiến hay con đại bàng.
Quả vậy, không có gì là nhỏ bé cả, ai là đối tượng thâm nhập của thiên nhiên đều biết. Mặc dù triết học không cho ta sự thỏa mãn tuyệt đối nào, không cho bao quát nguyên nhân cũng không cho hạn chế kết quả, bởi những phân hủy năng lực dẫn đến thuần nhất. Tất cả hoạt động vì tất cả.
Toán đại số ứng dụng cho mây mù; tinh tú phát quang có lợi cho hoa hồng; khoog có nhà tư tưởng nào dám khẳng định là hương hoa tầm xuân chẳng có ích gì cho các quần tinh trên ấy. Ai tính được hành trình của một phần tử? Chúng ta có thể nói chắc rằng không có những cuộc sáng thế xảy ra do những hạt cát rơi đổ hay không? Ai mà biết những triều lên xuống qua lại của cái cực đại và cái cực tiểu và những cuộc sụt lở của sáng tạo? Con kiến riêng cũng quan trọng; cái nhỏ vẫn lớn, cái lớn vẫn nhỏ; tất cả đều thăng bằng trong cần thiết; một cảnh tượng hãi hùng đối với trí tuệ. Giữa sinh vật và sự việc có những quan hệ kỳ diệu. Trong cái chung vô tận, mặt nhật cũng không coi thường bọ rầy. Cái này cái nọ cần nhau.
ÁNh sáng không mang lên trời xanh những hương thơm của quả đất nếu không biết dùng nó làm gì; đêm tối phân phối tính chất của tinh tú cho các loài hoa thiêm thiếp ngủ. Mỗi con chim bay đều có sợi chỉ của vô tận buộc ở chân. Có nẩy mầm thì có một thiên tượng kèm theo, đồng thời với việc con chim én mỗ vỡ tung vở trứng; sự nẩy mầm đó làm cho con giun đất sinh ra cũng như cụ Xôcrát xuất hiện. Ở đâu thiên lý kính hết hiệu lực thì kính hiển vi bắt đầu có tác dụng. Kính nào trong hai loại đó có tầm nhìn lớn hơn nhỉ? Chọn thử xem. Một ít mốc mọc lên thì đó là cả một cánh đồng hoa nở rộ; một tinh vân là cả một tổ kiến tinh cầu. Cũng một cảnh hỗn hợp như vậy mà còn lạ kỳ hơn giữa những vật của tinh thần và những điều của vật chất. Cấu tố và nguyên lý trộn lẫn nhau, hòa hợp nhau, cưới nhau, nhân lẫn nhau đến mức đưa thế giới vật chất cùng với thế giới tinh thần đi tới cùng chung một ánh sáng. Hiện tượng luôn luôn tự quay trở vào chúng.
Trong sự trao đổi vũ trụ rộng lớn như vậy, sự sống chuyển vận bằng những lượng không thể biết, cuốn tất cả trong những luồng vận khí bí ẩn vô hình, sử dụng tất cả, không để mất một chút mơ mộng nào, gieo ở đây một con vật bé bỏng, rắc ở đó một vì sao, lắc lư, quanh lượn, đem ánh sáng làm thành năng lượng và tư tưởng làm thành cấu tố; sự sống phân tán và không thể chia cắt hòa tan tất cả, trừ các tâm điểm hình học và cái tôi. Sự sống kéo tất cả về linh hồn – nguyên tử làm nẩy nở tất cả trong Chúa; sự sống trộn lẫn tất cả những hoạt động từ cao đẳng đến sơ đẳng trong một guồng máy quay cuồng khó lòng nhận thấy, liên kết đường bay của một con bọ với quĩ đạo tuần hoàn của quả đất, có thể là con đường bay ấy phụ thuộc quĩ đạo này, biết đâu? Sự phụ thuộc ấy cũng có thể là chỉ ở sự đồng nhất về qui luật, ví như sự di chuyển của sao chổi trong vũ trụ giống sự di chuyển của con thủy tức trong giọt nước cũng là phụ thuộc thôi. Máy đấy nhưng máy làm bằng trí tuệ. Một guồng máy khổng lồ mà động cơ thứ nhất là con bọ con và bánh xe cuối cùng là hệ Ngân hà.
Chương 4: THAY ĐỔI CHẤN SONG
Cái vườn này ngày xưa lập nên để che giấu những trụy lạc bí mật, ngày nay hình như nó lại biến thành nơi che chở những cuộc tình tự âm thầm, trong trắng. Trong vườn chẳng còn giàn hoa, thảm cỏ, chẳng còn vòm cây, hang đá nữa. Khắp nơi chỉ có cây lá rối bù, bóng râm tỏa xuống như một tấm màn che: ruộng dâu bãi bộc đã hóa nên Vườn Đào. Có cái niềm ăn năn nào đó đã làm cho cảnh này trở nên tinh khiết. Cô hàng hoa bây giờ bán hoa cho tâm hồn. Mảnh vườn xinh xắn ngày xưa bị bàn tay người làm tổ thương nhiều, nay đã trở lại trinh bạch và e ấp. Ông chánh án và người làm vườn – người thì theo dấu Lamoanhông kẻ kế thừa Lơ Nốt – đã cắt, xén, trang điểm, sửa sang nó để làm nơi đàng điếm; thiên nhiên đã cướp nó lại, để bóng râm lan tràn khắp nơi khắp nẻo và xếp đặt nó thành tổ uyên ương.
Trong cảnh hoang vắng ấy, có một trái tim đang săn sàng. Ái tình cứ việc là bước đến! Ở đây đã có sẵn một ngôi đèn đủ cây lá, cỏ rêu, có tiếng chim thỏ thẻ, có bóng tối êm ả, có cành cây xao động; ở đây cũng có cả một tâm hồn đầy dịu dàng, tin tưởng, đầy thơ ngây, hy vọng và đầy cả ước mong, mộng tưởng.
Hồi ở nhà tu ra, Côdét còn ngây thơ gần như trẻ con; nàng mới hơn mười bốn tuổi. Trên kia đã nói trừ cặp mắt ra, nàng xấu xí chẳng xinh đẹp gì. Nàng không có một nét nào vô duyên, nhưng người gầy, vụng về, lại vừa rụt rè, vừa táo bạo; có thể nói nàng là một cô “bé lớn” vậy.
Việc giáo dục của nàng đã hoàn thành; nghĩa là người ta đã dạy cho nàng biết đạo, nhất là biết ngoan đạo; rồi đến “lịch sử” – nghĩa là cái thứ mà ở nhà tu người ta gọi là lịch sử và địa lý, ngữ pháp, các vua chúa nước Pháp, một ít âm nhạc…
Nhưng thực ra, cái gì nàng cũng chẳng biết. Như thế cũng có cái hay mà cũng nguy hiểm. Tâm hồn một thiếu nữ không nên để cho tối tăm; về sau sẽ có những ảo ảnh quá đột ngột và quá chói lọi như trong gian buồng tối. Phải cho nó một thứ ánh sáng êm dịu và kín đáo, thứ ánh sáng của hình ảnh sự vật được phản chiếu lại hơn là thứ ánh sáng trực tiếp và gay gắt của sự vật. Thứ ánh sáng mờ mờ ấy rất có ích, nó hơi khắc khổ một chút nhưng lại có khả năng xua tan mọi nỗi lo sợ thơ ngây và ngăn ngừa mọi sự sa ngã. Chỉ có bản năng bà mẹ - thứ trức giác đáng quý làm bằng kỷ niệm của thời con gái và kinh nghiệm của thời có chồng ấy – chỉ có bản năng đó mới biết làm thế nào và dùng những gì để tạo ra thứ ánh sáng mờ mờ vừa nói đó. Không có gì thay được bản năng ấy. Trong việc rèn luyện tâm hồn cho một thiếu nữ, hết thảy mọi bà xơ trên đời cũng không bằng một bà mẹ.
Côdét không có mẹ. Nàng chỉ có những mẹ, mẹ số nhiều (Trong tu viện nữ: các nữ tu sĩ được gọi theo tục châu Âu là chị Soeur thực ra thì gọi thông thường là bà xơ, hay dì hoặc mẹ mère, đối với người có chức vụ: mẹ cả, mẹ nhất…).
Còn Giăng VanGiăng thì trong lòng có đủ mọi thứ thương yêu, mọi thứ ân cần, nhưng ông ta chỉ là một người đàn ông luống tuổi chẳng hiểu được gì cả.
Vả, trong sự nghiệp giáo dục, trong vấn đề quan trọng là chuẩn bị cho một người đàn bà ra sống với thiên hạ, phải cần biết bao nhiêu là hiểu biết để chống lại cái ngu dại lớn lao mà người ta gọi là sự ngây thơ.
Tu viện, hơn nơi nào hết, là nơi đào tạo người con gái trở nên người yêu say mê sau này. Tu viện xoay mọi ý nghĩ của họ về hướng những cái không được biết. Quả tim, quay vào mình, càng lắng xuống, chứ không tràn ra và không nảy nở được, đoán mò, ao ước những cuộc gặp gỡ hẹn hò, phác thảo những tiểu thuyết tình, xây dựng trọn vẹn những nhà vàng trên bóng tối của trí tuệ: đó là những tòa nhà âm u bí mật, sẵn sàng để cho tình yêu vào trọ khi cái cổng sắt đã mở cho nó vào.
Rời khỏi nhà tu, Côdét không còn thấy một chốn nào vừa êm ái vừa nguy hiểm hơn ngôi nhà phố Pơluymê. Ở đây là tiếp tục cuộc sống cô quạnh nhưng cũng là bắt đầu cuộc sống tự do; một ngôi vườn đóng kín, nhưng lại là một cảnh thiên nhiên nồng đậm, giàu có, say sưa, ngào ngạt; cũng bấy nhiêu giấc mơ như hồi còn ở nhà tu nhưng bóng của những chàng trai thì đã thấy thấp thoáng; một cái cổng, nhưng cổng ngó ra đường.
Tuy vậy chúng tôi nhắc lại điều này, khi nàng đến đây, nàng hãy còn là một cô bé. Giăng VanGiăng giao cho nàng cái vườn bỏ hoang này. – Con ra đấy muốn làm gì thì làm, ông bảo thế. Điều đó nàng lấy làm thích. Nàng vạch từng bụi cây, lật từng hòn đá, tìm các loại “thú vật”; nàng chơi đùa đấy, đề chờ đến lúc cũng mơ mộng ở đấy; nàng yêu mê mọi thứ sâu bọ tìm thấy trong cỏ dưới chân nàng, để chờ đến lúc cũng yêu mê các vị sao lấp lánh sau cành cây ở trên đầu nàng.
Sau nữa nàng yêu bố nàng, nghĩa là Giăng VanGiăng, với tất cả tấm lòng chân thật, ngây thơ, của con đối với bố. Tình yêu ấy làm cho ông già trở thành một người bạn vui vẻ mà nàng rất ham thích. Bạn độc còn nhớ ông Mađơlen đọc sách rất nhiều. Giăng VanGiăng vẫn tiếp tục như thế và đã đi đến chỗ chuyện trò rất hay.
Là một trí tuệ khiêm tốn và thực thà do tự học mà nên, ông có những tri thức phong phú và tài ăn nói. Ông lại còn một chút cộc cằn vừa đủ để làm cho lòng nhân ái của ông có vị mặn mà. Trí thô mà lòng dịu. Ở vườn Luychxămbua, những lúc một cha một con, ông nói rất dài, lấy những điều đã học được trong sách vở lấy cả những kinh nghiệm đau khổ của mình để giải thích về dủ mọi việc cho nàng nghe. Côdét vừa nghe bố nói chuyện vừa đưa mắt mơ màng nhìn khắp nơi.
Ông già chất phác ấy đủ choán cả tâm trí Côdét cũng như mảnh vườn hoang vu kia đủ cung cấp mọi trò chơi cho nàng. Chạy đuổi bướm mệt, nàng vừa thở hổn hển vừa đến bên cạnh bố, khoe: “Ồ, con chạy ghê quá!” Ông hôn vào trán nàng.
Côdét yêu ông già Giăng VanGiăng. Luôn luôn nàng ở bên gót bố. Vì ông già ấy ở đâu là ở đấy có sự đầm ấm. Giăng VanGiăng không ở nhà trên, không ở ngoài vườn, nên nàng cũng thích ở sân sau lát đá hơn là ở trong sân cảnh đầy hoa. Nàng thích ở gian nhà chỉ có ghế rơm của bố hơn là ở trong phòng khách tường chăng gấm và ghế bành lót đệm dành cho mình. Có khi Giăng VanGiăng vừa mỉm cười sung sướng vì được quấy rầy, vừa mắng nàng:
- Thôi, con đi về đi chứ! Để yên bố một mình thử nào!
Nàng trách ông ông một cách vừa trìu mến vừa dễ ưa, nghe có duyên như lời con gái nói với bố:
- Bố ơi, ở phòng bố con rét quá, bố ạ, sao bố không rải đây một tấm thảm và để đây một lò sưởi?
- Con ạ, có bao nhiêu người xứng đáng hơn bố mà họ không có lấy một tấm tranh che mưa nắng đấy.
- Thế tại sao ở bên con lại có lửa sưởi và đủ mọi thứ khác?
- Vì con là đàn bà con gái và con còn nhỏ dại con ạ.
- Ô hay! Thế đàn ông thì phải chịu rét, chịu khổ à?
- Cũng có người phải thế!
- Được, thế thì con sẽ đến đây thường xuyên để bố bắt buộc phải đốt lửa.
Nàng còn bảo bố:
- Bố ơi, sao bố lại ăn thứ bánh mì tồi tệ như thế kia?
- Con ạ, vì…
- Được rồi, bố ăn thế thì con cũng ăn thế.
Thế là ông đành ăn bánh mì trắng để cho Côdét khỏi ăn bánh mì đen.
Về tuổi thơ ấu của mình, Côdét chỉ còn nhớ lờ mờ. Sớm chiều hai lần, ngày nào nàng cũng cầu nguyện cho mẹ nàng, người mẹ mà nàng chưa hề biết mặt. Hình ảnh hai vợ chồng Tênacđiê còn ghi lại trong trí nàng như hai bộ mặt ghê tởm lờ mờ trong mộng. Hình như tuổi thơ ấu của nàng là một thời kỳ mà chung quanh nàng toàn là rắn rết. Nàng nhớ một ngày, vào buổi tối, nàng phải đi lấy nước trong rừng. Chừng như chỗ nàng ở cách Paris xa lắm. Nàng có cảm giác cuộc đời nàng bắt đầu trong một vực thẳm và Giăng VanGiăng đã kéo nàng ra khỏi. Tối đến, trước khi chợp mắt, nàng thường mơ màng; nàng không ý thức rõ rệt nàng là con gái Giăng VanGiăng và ông ta là bố nàng, nên nàng tưởng tượng trong trí là linh hồn mẹ nàng đã nhập vào ông già ấy và đến ở bên cạnh nàng.
Có khi Giăng VanGiăng đang ngồi, nàng đến áp má nàng vào đầu tóc bạc phơ và lặng lẽ để rơi lên đấy một giọt nước mắt: ông này có lẽ là mẹ ta đây!
Cái điều này nói ra là có vẻ lạ lắm, nhưng mà sự thật là như thế đấy. Là cô gái lớn lên trong tu viện, nàng không hiểu gì về chuyện mẹ con, vả lại cái việc ấy con gái đồng trinh làm sao hiểu được, nàng cho rằng nàng không có mẹ rõ ràng cho lắm.
Người mẹ ấy, nàng không hề biết tên. Lần nào nàng hỏi đến, Giăng VanGiăng cũng cứ làm thinh. Nàng có hỏi đi hỏi lại thì ông chỉ mỉm cười. Một hôm nàng năn nỉ nhiều lần, nụ cười ấy lại kết thúc bằng một giọt nước mắt.
Sự im lặng của Giăng VanGiăng làm cho tung tích của Phăngtin vẫn chìm trong bóng tối.
Đề phòng chăng? Kính trọng chăng? Hay là không dám nói ra cho một người khác, sợ họ không biết giữ kín như mình?
Hồi Côdét hãy còn nhỏ, Giăng VanGiăng thường nói chuyện mẹ nàng cho nàng nghe; nhưng khi nàng đã trưởng thành, thì ông thấy không thể được nữa. Ông có cảm tưởng là ông không dám nữa. Vì Côdét ư? Vì Phăngtin ư? Ông cảm thấy như có một sự gì ghê rợn khi nghĩa đến việc đem cái bóng đen ấy vào ý nhĩ của Côdét và ghép thêm hình ảnh người quá cố ấy làm người thứ ba trong số kiếp của hai bố con hiện nay. Ông càng làm cho hình ảnh người quá cố ấy là thiêng liêng chừng nào thì lại càng thấy nó đáng sợ chừng ấy. Ông nghĩ đến Phăngtin và càng thấy mình phải im. Trong bóng tối, ông thấy mơ hồ như có một ngón tay để lên mồm ra hiệu. Cái nết trinh thục ở Phăngtin đã bị bắt buộc thoát đi một cách phũ phàng khi nàng còn sống ở đời. Phải chăng vì thế nên khi nàng chết rồi, nó trở lại với nàng, phủ lên mình nàng, đem hết sự căm tức đối với đời mà bảo vệ cho nàng được yên giấc ngàn thu và giữ kín nàng trong mộ, không để một ai biết tới? Giăng VanGiăng vô tình đã hành động theo áp lực ấy chăng? Chúng tôi tin ở sự tồn tại của linh hồn, chúng tôi không thể bác bỏ cách giải thích huyền bí đó. VÌ thế khó lòng mà đọc cái tên Phăngtin ấy lên, mặc dù là đọc cho Côdét nghe!
Một hôm Côdét bảo ông:
- Bố ơi, đêm nay con nằm mơ thấy mẹ. Mẹ có hai cánh thật to. Hồi mẹ còn sống chắc mẹ đã gần như bậc thánh nhỉ?
Giăng VanGiăng đáp:
- Phải, vì khổ đau.
Dù sao, Giăng VanGiăng vẫn được sung sướng.
Khi Côdét cùng ông đi dạo chơi, nàng tựa vào tay ông, lòng hết sức sung sướng và tự hào. Trước những cử chỉ âu yếm chỉ để dành riêng cho ông, trước tấm tình của Côdét chỉ lấy sự thương yêu ông làm đầy đủ, ông cảm thấy lòng mình như ta ra thành muôn vàn khoái cảm. Ông già tội nghiệp ấy rùng mình thấy lòng tràn ngập một niềm vui lâng lâng, trong sạch; ông say sưa tin chắc rằng điều đó kéo dài mãi đến trọn đời; ông tự nhủ mình chịu đựng đau khổ thật chưa thấm vào đâu để đáng được hưởng cái diễm phúc rõ ràng đến thế. Và, trong thâm tâm, ông cảm tạ Chúa đã cho phép ông, một người khốn nạn, thu được lòng thương yêu đằm thắm của tâm hồn ngây thơ, trong trắng ấy.
***
Chương 5: HOA HỒNG NHẬN THẤY MÌNH LÀ MỘT CÁI MÁY CHIẾN TRANH
Một hôm, ngẫu nhiên, Côdét nhìn mình trong gương và buột miệng: A! Nàng thấy hình như là mình xinh. Nàng xúc động vô cùng. Từ trước đến giờ nàng không hề để ý đến mặt mình. Nàng soi gương nhưng không tự ngắm. Với lại, người ta thường hay bảo là nàng xấu. Chỉ một mình Giăng VanGiăng là nói với nàng một cách âu yếm: không đâu! Không đâu! Dù sao đi nữa, Côdét vẫn yên trí mình xấu. Và nàng đã lớn lên với sự nhẫn nhục dễ dàng của tuổi trẻ thơ, trong trí vẫn đinh ninh mình xấu. Thế mà đột nhiên cái gương lại bảo nàng như Giăng VanGiăng: không đâu! Suốt đêm hôm ấy nàng không ngủ. Nàng nghỉ bụng:
- Hay là ta đẹp thật? Ta mà đẹp thì lạ lùng quả nhỉ? Và nàng nhớ lại những cô bạn nổi tiếng đẹp trong nhà tu trước kia, nàng tự bảo: thế nào? Mình sẽ như cô ấy, cô ấy ư?
Hôm sau nàng ngắm mình trong gương, lần này thì không ngẫu nhiên nữa và nàng hoài nghi: - Trí óc mình để đâu nhỉ? Không, mình xấu lắm. Chỉ vì đêm qua nàng ngủ không yên, nước da nàng tái đi, mắt mệt nhọc và thâm quầng. Hôm qua khi tin mình đẹp, nàng cũng không lấy gì làm vui sướng lắm, nhưng hôm nay không còn tin như thế, nàng lại buồn. Nàng thôi không ngắm mình nữa. Và trong hơn nữa tháng, mỗi lúc chải tóc, nàng cố sức quay lưng lại không nhìn vào gương.
Buổi tối ăn cơm xong, thường thường nàng ngồi ở phòng khách dệt thảm hay làm một vài công việc thêu thùa gì của nhà tu. Giăng VanGiăng đọc sách ở bên cạnh. Một lần nàng ngừng tay kim chỉ ngước mắt lên thì thấy ông đang nhìn mình ra vẻ lo lắng, làm nàng hết sức ngạc nhiên.
Một lần khác trong lúc đi ngoài phố, có một người nàng không nhìn thấy, hình như nói sau lưng nàng: cái con xinh nhỉ! Nhưng ăn bận xấu quá. Nàng nghĩ bụng: chậc! Nói ai chứ khong phải mình. Mình thì ăn bận đẹp nhưng người xấu. Lúc ấy nàng đội cái mũ bằng nhung có lông và bận cái áo dài bằng lông chiên Tây Ban Nha.
Cuối cùng, một bữa nọ, đang ở ngoài vườn, nàng nghe bà già Tútxanh nói: thưa ông, ông có để ý thấy cô đẹp ra không? Nàng không nghe lời ông đáp, câu nói của bà Tútxanh làm nàng choáng váng. Nàng rời khỏi vườn, chạy tót lên buồng riêng, đến trước gương. Đã ba tháng rồi nàng không soi gương. Nàng bật ra một tiếng kêu. Sắc đẹp của nàng vừa làm cho nàng lóa mắt.
Nàng đẹp và xinh; nàng không thể nào không đồng ý với bà Tútxanh và cái gương. Thân hình nàng đã nẩy nở đầy đặn, da nàng trắng ra, tóc nàng óng mướt, một vẻ rực rỡ khác lạ ngời trong khóe mắt xanh thẳm. Như mặt trời hiện ra, ánh sáng chốc lát đã lan tràn, sự tin tưởng là mình đẹp cũng đến với Côdét trọn vẹn chỉ trong có một phút. Người khác đã để ý thấy thế, bà Tútxanh nói thế, người qua đường hôm nọ chính là nói nàng chứ không phải nói ai khác. Thôi không còn nghi ngờ gì nữa. Nàng trở ra vườn, tưởng mình là một bà hoàng hậu. Bấy giờ đang giữa mùa đông thế mà nàng nghe có tiếng chim hót, thấy nền trời vàng ối, thấy mặt trừi trong vòm cây, thấy hoa nở trong bụi rậm. Cả người say sưa như điên như cuồng, hân hoan sung sướng hông bút nào tae xiết.
Về phần mình, Giăng VanGiăng cảm thấy trong lòng một nỗi dâu xót sâu xa và khó hiểu.
Quả vậy, ít lâu này, ngắm cái nhan sắc mỗi ngày mỗi hiện lên rực rỡ trên nét mặt dịu dàng của Côdét, ông thấy lo sợ. Bình minh tươi cười với mọi người, nhưng thảm đạm đối với ông.
Côdét đẹp người ra khá lâu mới nhận thấy mình đẹp. Nhưng từ buổi đầu, cái ánh sáng bất ngờ hé ra chầm chậm, bao phủ dần dần cả con người cô thiếu nữ, cái ánh sáng ấy làm xốn ngay con mắt u ám của Giăng VanGiăng. Ông cảm thấy đó là một biến cố trong cuộc sống đầy hạnh phúc. Cuộc sống ấy đầy đủ quá, ông không dám động vào, sợ lại làm rối loạn cái gì chăng. Ông đã nếm đủ mùi khốn khổ. Trong lòng ông còn đang rớm máu vì bao nhiêu xây xát của vận mệnh. Trước kia ông đã gần như là một tay độc ác nhưng nay ông lại trở nên hầu như là một ông thánh. Trước kia ông đã lê chiếc dây xích của nhà tù, nay ông mang cái dây vô hình nhưng nặng trĩu của một sự thóa mạ vô cùng tận. Pháp luật chưa buông tha ông. Bất kỳ lúc nào ông cũng có thể bị bắt lại bị lôi từ cuộc sống đạo đức không ai biết ra chỗ ánh sáng của cuộc sống tù đầy trước sự nguyền rủa của mọi người. Ông chịu đựng tất cả, tha thứ tất cả, bỏ qua tất cả, cầu Chúa ban phúc cho tất cả. Nhưng ông chỉ cầu xin thượng đế, cầu xin loài người, cầu xin pháp luật, cầu xin xã hội, cầu xin tạo vật, cầu xin vũ trụ có mỗi một điều, là Côdét yêu mình.
Là Côdét vẫn cứ yêu ông! Là Chúa đừng ngăn cản trái tim của con bé ấy đi đến với ông và ở mãi với ông! Được Côdét yêu, ông thấy mình lành mạnh, khoan khoái, đầy đủ, được ban thưởng, được tuyên dương. Được Côdét yêu, ông sung sướng biết bao! Ông không đòi hỏi gì thêm. Ví có ai bảo: Anh còn muốn hơn nữa chứ? Ông sẽ trả lời: không. Vì chúa bảo ông: con muốn lên thiên đường không? Ông sẽ thưa: như thế e con sẽ bị thiệt.
Bất kỳ cái gì có thể chạm khẽ đến tình thế ấy, dù là chạm bên ngoài cũng làm ông rùng mình như là bắt đầu có việc gì khác. Ông hoàn toàn chưa hề biết sắc đẹp của đàn bà như thế nào, nhưng bản năng của ông hiểu đó là một cái gì ghê gớm.
Cái nhan sắc của Côdét nẩy nở ngày một rạng rỡ, mỗi huy hoàng bên cạnh ông, dưới mắt ông, trên vừng trán ngây thơ và đáng sợ của cô bé. Từ vực sâu cái xấu xa, cái già nua tuổi tác, cái tình cảnh khốn khổ, sự hắt hủi, nỗi đau xót của ông, ông nhìn nhan sắc ấy mà hoảng hốt.
Ông tự bảo: nó đẹp thật! Còn ta, ta sẽ ra sao đây?
Đó là chỗ khác nhau giữa tình âu yếm của ông với tình âu yếm của một bà mẹ. Điều mà ông nhìn với mối lo sợ trong lòng, một bà mẹ sẽ lấy làm vui.
Không bao lâu, những triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Liền sau hôm Côdét tự nhủ mình: nhất định là mình đẹp, nàng bắt đầu chú ý đến cách trang điểm. Nàng nhớ lại câu nói của một người qua đường: xinh, nhưng ăn mặc xấu quá. Câu nói ấy chẳng khác gì lời mách của quẻ bói. Nó thoảng qua bên tai và tan đi nhưng đã gieo vào lòng nàng một trong hai thứ mầm mà sau này sẽ chiếm cả đời người đàn bà, cái tính làm đỏm; mầm kia là ái tình.
Với lòng tin ở sắc đẹp của mình, tất cả nữ tính nẩy nở trong người Côdét; nàng ghê tởm cái áo lông chiên Tây Ban Nha và lấy làm xấu hổ vì cái mũ nhung có lông. Bố nàng chẳng bao giờ từ chối nàng một cái gì. Nàng thuộc ngay tất cả cái khoa ăn diện, từ cái mũ, cái áo dài, cái áo khoác, đôi giày, cái cổ tay áo, đến loại vải như thế nào là đẹp, màu sắc như thế nào là hợp. Cái khoa ăn diện ấy là cái khoa làm cho người đàn bà Paris thành cái gì rất dễ ưa, rất sâu sắc và cũng rất nguy hiểm. Cái tiếng mê hồn đặt ra là để dùng cho người phụ nữ Paris đó.
Không đầy một tháng, ở nơi cô tịch phố Babilôn ấy, Côdét đã thành một trong những người phụ nữ, không những xinh đẹp, cái đó đã đáng kể rồi, mà còn là người ăn mặc đúng mốt nữa, điều này mới thật là quan trọng. Nàng những muốn gặp cái anh chàng qua đường nọ để xem anh ta sẽ nói gì là để “cho anh ta biết tay!” Sự thực con người nàng về phương diện nào cũng quyến rũ và nàng phân biệt rất tinh tường một cái mũ nhãn hiệu Giêva với một cái mũ nhãn hiệu Hécbô.
Giăng VanGiăng nhìn những sự phá hoại ấy, lòng rất lo âu. Ông thấy mình chỉ có thể lê đi là hết sức, nhiều nhất là bước đi, thế mà cánh đâu như đã đến chắp vào người Côdét.
Tuy vậy, chỉ xem qua những thức trang điểm của nàng, một người đàn bà sẽ biết nàng không có mẹ. Đôi cái lịch sử nhỏ, một vài ước lệ riêng. Côdét không hề biết. Một bà mẹ, thí dụ sẽ nói cho nàng biết là con gái không mặc gấm Đamát bao giờ.
Hôm đầu tiên Côdét ra phố áo dài, cái áo khoác ngoài bằng gấm đen Đamát và cái mũ nhiễu trắng, nàng đến khoác tay Giăng VanGiăng, nét mặt tươi cười, rạng rỡ, hồng hào, kiêu hãnh, chói lọi. Nàng nói: này bố, bố trông con như thế nào? Giăng VanGiăng trả lời, giọng nói giống như giọng nói chua chát của người ganh tị:- Kháu lắm! Suốt buổi đi chơi ông vẫn như thường. Lúc về ông hỏi Côdét:
- Có phải là con bỏ không dùng cái áo và cái mũ kia nữa không?
Hai bố con đang ở trong phòng Côdét. Nàng quay lại cái mắc áo đang treo bộ quần áo học trò nàng đã bỏ ra không dùng nữa. Nàng nói:
- Bộ quần áo hóa trang ấy à? Bố bảo con dùng nó làm gì? Ồ, có lý nào, không đâu, con không thèm mặc cái thứ ghê tởm ấy nữa đâu. Mang cái thứ quái ấy trên người, con thành bà “Chó điên” mất.
Giăng VanGiăng thở dài não nuột. Từ phút ấy, ông nhận thấy rằng Côdét trước kia hay đòi ở cạnh ông, hay nói với ông: “Bố ơi, con thích ở đây với bố hơn”, nhưng bây giờ thì luôn luông nàng đòi đi phố. Đúng thôi, vì có bộ mặt xinh và quần áo đẹp mà không đem đi khoe thì có mà làm gì?
Ông cũng nhận thấy Côdét không còn thích cái sân sau như ngày trước. Lúc này nàng thích cái vườn hơn, cứ dạo qua lại trước hàng rào sắt mà không biết chán. Giăng VanGiăng bực bội, không để chân ra vườn. Ông ở lì trong sân sau, như con chó.
Khi biết mình đẹp thì Côdét cũng không còn cái duyên của con người không biết là mình đẹp. Cái duyên ấy rất ý vị, vì sắc đẹp mà ngây thơ thì không thể diễn tả: không có gì tuyệt diệu bằng một con người ngây thơ trong sạch mà đẹp lộng lẫy trong tay nắm chìa khóa của một thiên đường mà chính mình không biết. Nhưng mất cái duyên ngây thơ thì đã có vẻ đẹp ý thức và nghiêm túc bù lại. Cả con người nàng thấm nhuần niềm vui cảu tuổi trẻ, của trong trắng, của sắc đẹp toát ra một thứ hoài cảm sáng ngời.
Vào lúc này, sau sáu tháng đằng đẵng, Mariuytx gặp lại Côdét ở vườn Luychxămbua.
Nguồn: http://forums.vinagames.org/