PHẦN 4: TÌNH CA PHỐ PƠLUYMÊ VÀ ANH HÙNG CA PHỐ XANH ĐƠNI
QUYỂN 7: TIẾNG LÓNG
Chương 1: NGUỒN GỐC
Pigritia (Cần có một bản dịch trọn vẹn nên không thể bỏ qua các chương về tiếng lóng - Tuy nhiên cũng không thể tìm đủ tiếng lóng, tiếng nghề nghiệp trong ngôn ngữ Việt Nam, cho nên chúng tôi để nguyên các từ tiếng lóng đó và nghĩ nên để chính tả của nguyên bản thì có ích cho người tìm hiểu ngôn ngữ và văn học hơn là phiên âm) là một từ ghê gớm. Nó sinh ra cả một thế giới La Pègre, hãy hiểu: việc trộm cắp và cả một địa ngục La Pègrenne, hãy hiểu: sự đói khát.
Như vậy lười biếng là mẹ đẻ.
Nó có một con trai là trộm cắp và một con gái là đói khát.
Hiện chúng ta đang ở địa hạt nào? Tiếng lóng.
Tiếng lóng là gì? Nó là quốc gia, đồng thời là quốc âm; đó là một đánh cắp dưới hai hình thức, nhân dân và ngôn ngữ.
Cách đây ba mươi tư năm, khi thuật giả câu chuyện nghiêm trang và thảm đạm bày đưa vào một quyển sách, viết cũng một mục đích với quyển sách này (Quyển "Ngày cuối cùng của một người tử tù" Lederrnier jour d'un condamné), một tên ăn cắp nói tiếng lóng, thì người ta sửng sốt và la ó.
- Thế nào? Sao? Tiếng lóng à! Nhưng tiếng lóng thì thật là ghê tởm! Đó là ngôn ngữ của những tên khổ sai, những nhà ngục, của tất cả những gì khả ố nhất trong xã hội...
Chúng tôi chưa bao giờ hiểu được cái lối bôi bác đó.
Từ khi ấy, hai nhà tiểu thuyết lớn, một là người quan sát sâu sắt lòng người, còn một là bạn dũng cảm của nhân dân, Bandắc và Ơgien Xuy, để cho bọn kẻ cướp nói cái ngôn ngữ tự nhiên của họ, cũng như năm 1828 tác giả cuốn "Ngày cuối cùng của một người tử tù" đã làm và đã bị công kích. Người ta đã nhắc lại: "Các nhà văn muốn gì với cái khổ âm ngỗ ngược ấy? Tiếng lóng khả ố! Tiếng lóng làm cho người ta ớn run!"
Ai chối cãi cái đó? Chắc là không ai.
Nhưng trong việc thăm dò một vết thương, một vực thẳm hay một xã hội, thì đi sâu vào đi, đi đến tận đây, phải đâu là tội lỗi? Chúng tôi bao giờ cũng nghĩ rằng đó là một hành vi đôi khi dũng cảm, hay ít nhất là một hành động đơn giản, tự nhiên và có ích, xứng đáng được quan tâm, thông cảm đối với một nhiệm vụ tự nguyện đã hoàn thành. Tại sao không khám phá cho hất, không nghiên cứu cho hết, tại sao dừng lại ở nửa đường? Cái sào thăm dò có thể dừng lại, người thăm dò thì không.
Tìm tòi tận đáy xã hội, nơi đất hết và bùn bắt đầu, đào mò trong những đợt sóng to gió lớn ấy để truy bắt, nắm lấy và ném lên đường, tung ra ánh sáng cái thổ âm hèn hạ, nhầy nhụa bùn nhơ, cái ngữ vựng nung mủ, mà mỗi từ là một đốt ô uế của một con quái vậttrong bùn đen và bóng tối, thì rõ ràng không phải là một công việc quyến rũ, cũng như không phải là một công việc dễ dàng. Không còn cái gì thảm đạm hơn là ngắm nghía, sau khi đã lột trần ra như thế, dưới ánh sáng của tư duy, cái đám nhung nhúc gớm ghê của tiếng lóng. Quả vậy hình như đó là một con vật kinh khủng tạo ra để cho bóng đêm, một con vật mà ta vừa rứt ra khỏi vũng thối. Người ta tưởng như nhìn thấy một cái búi kinh tởm, sinh động và lởm chởm, nó run rẩy, nó cử động, nó giãy giụa, nó đòi lại bóng tối, nó đe doạ và nó giương mắt nhìn. Từ này giống như một vuốt nhọn, từ kia như một con mắt đã tắt và ngấn máu; câu nọ như đang ngọ nguậy tựa một càng cua. Tất cả những thứ đó sống, cái sinh lực ghê tởm của những con vật đã được tổ chức trong tan rã của tổ chức. Bây giờ ta thử hỏi có lúc nào ta bọ cấm chỉ nghiên cứu cái ghê tởm?
Từ bao giờ bệnh tật xua đuổi thầy thuốc?Ngừoi ta có thể hình dung được một nhà vạn vật học mà lại đi từ chối không nghiên cứu con rắn độc, con dơim con bọ cạp, con rết, con nhện độc, vứt lại chúng vào bóng tối của chúng và nói: Ô! Xấu xí quá! Nhà tư tưởng mà quay mặt đi trước một ung nhọt, một mụn cóc. Đó sẽ là một nhà ngôn ngữ học do dự, khảo sát một thực tại của ngôn ngữ, một nhà triết học do dự dò xét một sự kiện của nhân loại: bởi vì tiếng lóng vừa là một hiện tượng của văn học, vừa là một kết quả xã hội. Tiếng lóng, căn bản, là gì? Tiếng lóng là ngôn ngữ của khốn cùng.
Tới đây, người ta bắt ta dừng lại. Người ta có thể khái quát hoá một sự kiện, đôi khi đó là cách giảm nhẹ nó đi; người ta có thể bảo chúng ta rằng, mọi nghề, mọi nghiệp, có thể mọi ngẫu nhiên của hệ thống xã hội và hết thảy các hình thức của trí tuệ, đều có tiếng lóng của nó. Người bán hàng khi nói: Montpelier sẵn sàng; Masesille phẩm chất tốt; nhân viên hối đoái khi nói: đem qua, hoa hồng, cuối tới; người đánh bạc khi nói: tiers et tout, refait de pique; người thừa phát lại các đảo xứ Normăngđi nói: L’afftiffeur s’arr ant a son fonds ne peut cjamer les fruits de ce fonds pendant la saisie héréditale dé immeubles du renonciateur; nhà soạn hài kịch nói: người ta đã làm vui con gấu (vở kịch đã bị huýt còi), người diễn viên khi nói: tôi làm phòng tối (Tôi đã diễn hỏng, mất khách); nhà triết học khi nói: tam đồng hiện tượng; người ta săn bắn khi nói: voileci allais, voleci fuyant; nhà não tướng học khi nói: ái lực tình, chiến đấu tính, tiết niệu tính; người lính bộ nói: cái kèn của tôi; người kỵ sĩ nói: con gà Ấn của tôi; khi thầy dạy iếm nói: tierce, quarte, rompez; khi người thợ in nói: parlons bollo, thì, tất cả, thợ in, người đi săn, triết gia, diễn viên, kịch sĩ, thừa phát lại, tay cờ bạc, hối đoái viên, nhà buôn, đều đã nói lóng. Người họa sĩ khi nói: mon rapin, người chưởng khế khi nói: mon sau teruisseau, người làm tóc giả khi nói: mon commic, người chữa dép khi nói: mon gniaf (những từ này đều có nghĩa: người học trò của tôi), đều đã nói lóng. Nói cho cùng, và nếu người ta tuyệt đối muốn như vậy, thì tất cả những cách khác nhau để trỏ bên trái, bên phải của người lính thủy: bâbord và tribord, của người điều khiển máy: phía sân phía vườn, của người phụ việc trong nhà thờ: phía Thi huấn, phía Phúc âm là những cách nói lóng.
Có tiếng lóng của những phụ nữ õng ẹo cũng như có tiếng lóng của những bà kiểu cách. Lâu đài Răngbuiê cũng gần kề với lều hành khất. Có tiếng lóng của những bà công tước, bằng chứng là câu này, ở trong một bức thư tình của một bà lớn rất đẹp thời Phục hưng: “Ông sẽ thấy trong những chuyện ngồi lê đôi mách của cả một mớ những lý do để tôi phóng túng”. Những mật mã ngoại giao là tiếng lóng; ở phòng Chưởng ấn Giáo Hoàng, khi nói 26 để chỉ La Mã, grkztntgzyal để nói gửi đi và abfxustgrnogrkzutuxi để thay quận công xứ Môdenơ, đã nói lóng. Những thầy lang thời trung cổ, muốn nói cà rốt, củ cải, củ nave đã gọi là: opoponach, perfroschinum, reptitalmus, dracatholicum angelorum, postmegorum, cũng là nói lóng. Nhà sản xuất đường khi nói: vergeoise, têle, clairce, tape, lumps, melis, bâtarde, commun, brulé, ploque, con người lương thiện đó cũng đã nói lóng. Một trường phái phê bình, cách đây hai mươi năm khi nói: Một nửa Sếchxpia là chơi chữ và chơi đồng âm dị nghĩa, đã nói lóng. Thi sĩ và nghệ sĩ, với một ý thức sâu sắc, sẽ gọi ông Đờ Môngmôrăngxi là một “tư sản” nếu ông không phải người am hiểu về thơ và tượng, đã nói lóng. Một viện sĩ hàn lâm cổ điển gọi hoa là Flore, quả là Pômônơ, biển là Néptuyn, gọi tình yêu là lửa nhiệt, sắc đẹp là mối quyến rũ, con ngựa là “tuấn mã”, cái mão chương trắng hoặc tam tài là “đóa hồng của Benlon”, cái mũ có ba sừng là tam giác của Chiến thần, thì viện sĩ cổ điển ấy đã nói lóng.
Đại số, y học, thực vật học đều có tiếng lóng của nó. Ngôn ngữ mà người ta dùng trên tàu thủy, cái ngôn ngữ đáng thán phục của biển cả, rất đầy đủ và rất tạo hình mà Giăng Ba, Đuy Ken, Xuyphren và Đuyperê đã nói, nó lẫn với tiếng neo, xích, với tiếng loa, với tiếng búa đụng nhau, tiếng tàu chòng chành, tiếng gió bão, đại bác, là cả một thứ tiếng lóng oai hùng và rầm rộ, nó đối với tiếng lóng hoang sơ của kẻ cắp, như sư tử đối với chó rừng.
Đành vậy, nhưng dù biện hộ thế nào đi nữa, thì cái kiểu hiểu từ nói lóng như thế là một kiểu hiểu theo nghĩa mở rộng mà không phải tất cả mọi người đều sẽ thừa nhận. Về phần chúng tôi, chúng tôi giữ cho từ ấy cái nghĩa cũ, chính xác, có phạm vi và được chỉ định, và chúng tôi giới hạn tiếng lóng trong tiếng lóng. Tiếng lóng thực sự, tiếng lóng cao độ - nếu hai từ đó có thể phối hợp tiếng lóng từ muôn đời, đã là một vương quốc, chúng tôi nhắc lại, chính là cái ngôn ngữ xấu xí, lo âu, thâm hiểm, phản bội, có nọc, ác độc, ám muội, đề hèn, sâu sắc, bất hạnh của khốn cùng. Ở cùng cực của mọi sự suy sụp và của mọi bất hạnh, có một cái khốn cùng tận đáy nổi dậy và quyết định đấu tranh chống toàn bộ những thực tại tốt số và những quyền lợi hiện hành: một cuộc đấu tranh khủng khiếp, hi gian trá, khi tàn bạo, vừa bệnh hoạn, vừa hung dữ, qua đó khốn cùng tấn công vào trật tự xã hội bằng những nhát chùy của tội ác. Để phục vụ cuộc đấu tranh này, khốn cùng đã phát sinh ra một ngôn ngữ chiến đấu, đó là tiếng lóng.
Làm cho nổi lên rồi lại nâng đỡ lên trên trên quên lãng, lên trên vự thẳm, một mảnh nhỏ của một ngôn ngữ nào mà con người đã sử dụng – cái ngôn ngữ luôn luôn mất mát đó – nghĩa là duy trì được một yếu tố, tốt hoặc xấu của nền văn minh, là phát triển những luận cứ của quan sát xã hội, là phục vụ nền văn minh. Nhiệm vụ ấy Plôtơ đã làm, dù muốn hoặc không muốn, khi để hai người lín thành Cáctagiơ nói tiếng xứ Phênixi, Môlie đã làm khi để cho nhiều nhân vật của mình nói tiếng Đông phương và đủ các thứ thổ âm. Ở đây, tiếng phản đối lại nổi dậy; tiếng Phênixiêng à, tốt lắm chứ, tiếng Đông phương à, hay quá! Ngay tiếng thổ âm cũng được, đó từng là những ngôn ngữ của một nước, một tỉnh. Còn tiếng lóng? Ích gì mà giữ tiếng lóng? “Làm cho tiếng lóng nổi lên” thì lợi gì?
Với cái đó, chúng tôi chỉ trả lời một câu: đúng vậy, nếu ngôn ngữ mà một nước, một tỉnh đã nói đáng quan tâm, thì có một thứ còn đáng quan tâm hơn và đáng nghiên cứu hơn, đó là ngôn ngữ của khốn cùng.
Đó là ngôn ngữ của khốn cùng ở Pháp bốn thế kỷ nay, không phải chỉ một khốn cùng, mà tất cả khốn cùng của loài người.
Chúng tôi còn nhấn mạnh điểm này: nghiên cứu những dạng xấu, những tàn tật xã hội và nêu chúng lên để sửa chữa không phải là một công việc trong đó người ta được phép kén chọn. Nhiệm vụ nhà nghiên cứu lịch sử phong tục và tư tưởng cũng nghiêm khắc không kém nhiệm vụ nhà nghiên cứu những sự kiện: sử gia sau nhìn bề mặt của văn mình, những cuộc đấu tranh của vua chúa, sự sản sinh các hoàng tử, những hôn lễ của các nhà vua, những chiến trận, những hội nghị, những vĩ nhân công chúng thừa nhận, những cuộc cách mạng giữa thanh thiên bạch nhật, tất cả bề ngoài. Sử gia kia nhằm cái bên trong, cái ở dưới, nhằm vào nhân dân lao động, đau khổ và chờ đợi, nhằm người phụ nữ bị điêu đứng, đứa trẻ hấp hối, những chiến cuộc âm thầm giữa con người và con người, những hung dữ ngấm ngầm, những thành kiến, những bất công được thừa nhận, những phản ứng ngấm ngầm đối với luật pháp, những diễn tiến bí mật của tâm hồn, những rung động khó phân của đám đông, những người chết đói, những người đi chân đất, những người để cánh tay trần, những người bất hạnh, những trẻ mồ côi, những người khổ sở và điếm nhục, tất cả những sâu bọ lê lết trong bóng tối. Nhà sử gia đã phải rất nhân ái đồng thời phải rất nghiêm khắc, như một người anh và một thẩm phán, đi xuống tận những căn buồng khó vào nhất trong đó bò lổm ngổm và lẫn lộn những kẻ đánh người và những kẻ đổ máu, những kẻ khóc và những kẻ nguyền rủa, những kẻ nhịn đói và những người nhai ngấu nghiến, những kẻ chịu đựng cái ác và những kẻ ác. Các sử gia của những tấm lòng và của những tâm hồn há lại kém phận sự hơn các sử gia của những thực tại bên ngoài ư? Người ta có nghĩ rằng Alighieri có ít chuyện để nói hơn Makiaven không? Cái bên dưới của nền văn minh có vì sâu hơn và tối hơn mà kém quan trọng không? Người ta có hiểu được núi khi không biết hang hay không?
Vả chăng cũng nên nói qua một lần từ mấy câu trên đây, người ta có thể suy diễn là giữa hai hạng sử gia có một ngăn cách dứt khoát. Chúng tôi không hề nghĩ có cái ranh giới kiểu đó. Không ai là một sử gia tốt về cuộc sống hiển nhiên, rõ rệt và công khai của các dân tộc, nếu không là sử gia của cuộc sống sâu xa và thầm kín của bọn họ trong chừng mực nào. Và không ai là sử gia tốt của cái bên trong, nếu người đó không biết ghi chép lịch sử của cái bên ngoài khi cần phải thế. Lịch sử những phong tục và tư tưởng, thấm vào lịch sử những biến cố và ngược lại. Đó là hai loại thực tại khác nhau và cũng có khi cái nọ làm nẩy ra cái kia. Tất cả những nét mà trời đã vạch lên bề mặt của một quốc gia đều có những nét song song âm thầm ở bên dưới, nhưng khác biệt và tất cả những biến động dưới đáy đều làm phát sinh những chấn động trên mặt. Khoa sử học chân chính chui vào khắp nơi, nhà sử học chân chính cũng xông vào khắp chốn.
Con người không phải là một hình tròn có tâm điểm duy nhất, đó là một hình bầu dục, có hai tiêu điểm. Những sự kiện là một tiêu điểm, những ý tưởng là tiêu điểm kia.
Tiếng lóng không khác gì một phòng treo áo trong đó ngôn ngữ đến để ngụy trang khi phải làm một việc xấu. Ở đó nó khoác những từ mặt nạ và những ẩn dụ tã rách.
Vì vậy nó trở thành kinh tởm. Người ta khó mà nhận ra nó. Có phải đấy là tiếng Pháp, ngôn ngữ lớn của nhân loại? Kìa nó sẵn sàng lên sân khấu, để đáp ứng tội ác và thíc ứng với mọi vai của tội ác. Nó không đi ngay nữa, nó lê lết, nó què quặt trên chiếc nạng của bọn hành khất, một chiếc nạng có thể thay hình thành cái chùy: nó lấy tên là phường ăn mày nói; tất cả những yêu mà, tức là những kẻ lo về trang phục đã tô vẽ cho nó; nó bò lê và chồm dậy theo hai dáng đi của loài rắn rết; bây giờ nó có khả năng đóng mọi vai, người chuyên làm đồ giả đã cho nó cái ám muội, người đầu độc cho nó cái sắc của gỉ đồng, kẻ đốt nhà đã quét đen bồ hóng cho nó và kẻ sát nhân đã bôi đỏ cho nó.
Về phía những người lương thiện, họ đứng trong cánh cửa xã hội mà nghe và họ bắt chước được những câu đối thoại của những người bên ngoài. Người ta phân biệt được những câu hỏi và những lời đáp. Người ta tri giác được tuy không hiểu nó, một tiếng rì rầm, gớm ghiếc, vang lên hầu như giọng người, nhưng gần với tiếng rú hơn là tiếng nói. Đó là tiếng lóng. Những từ ngữ này dị hợm và đượm một nét gì cầm thú quái đản. Người ta tưởng như nghe những con mãng xà tinh chuyện trò.
Đó là cái không hiểu được trong cái tối tăm. Cái đó rít lên và thì thầm, bổ sung cái nhá nhem bằng cái bí ẩn. Cảnh hoạn nạn tối lắm, những tội ác còn tối hơn nữa. Hai cái đen tối ấy hỗn hợp tạo nên tiếng lóng. Tối mò trong không khí, tối mò trong hành vi, tối mò trong tiếng nói. Kinh khủng là cái ngôn ngữ cóc nhảy, nó đi, nó lại, nó nhảy, nó bò, nó sùi bọt mép và nó vận động quái đản giữa đám sương mù vô biên, xám xịt, tỏng có mưa, có đêm tối, có đói khát, có tật xấu, có dối trá, bất công, trần trụi nghẹt thở và lạnh lẽo đông tiết, đúng cảnh giữa trưa của những người khốn khổ.
Chúng ta hãy thương những người bị trừng phạt. Than ôi! Chính bản thân chúng ta là ai? Tôi là ai, đang nói với anh? Anh là ai, đang nghe ai? Chúng ta từ đâu tới? Và có thật chúng ta đã chẳng làm gì, trước khi ra đời? Trái đất không phải không giống với một nhà tù. Biết đâu con người không là một cựu phạm trước tòa án Chúa?
Hãy nhìn gần hơn vào cuộc sống. Nó được cấu tạo để đâu đâu người ta cũng cảm thấy như bị trừng phạt.
Anh có phải là một người mà ta gọi là người sung sướng không? Thế mà, ngày nào anh cũng buồn bã. Mỗi ngày có cái buồn lớn và cái âu lo nhỏ của nó. Hôm qua, anh đã run sợ cho sức khỏe của một người anh yêu quí; hôm nay, anh sợ cho sức khỏe của chính anh; ngày mai, sẽ là một lo ngại về tiền bạc, ngày kia, lời công kích của một tên vu cáo; ngày kìa, tai nạn của một người bạn; rồi chuyện thời tiết xấu; rồi cái gì đổ vỡ hay mất mát; rồi một cuộc vui mà lương tâm và cuộc sống sẽ trách móc anh; một lần khác, diễn biến quốc sự không tốt. Không kể những vết thương lòng. Và cứ tiếp tục như thế. Một bóng mây tan, một bóng mây khác lại tụ. Trong một trăm ngày, chưa có lấy một ngày vui trọn vẹn và nắng suốt! Thế mà anh ở trong thiểu số những người có hạnh phúc đấy! Còn những người khác, đêm tối ngưng đọng trên năm tháng của họ.
Những trí óc chịu suy nghĩ ít dùng cái từ ngữ: những người sung sướng và những người khổ sở. Trong thế giới này, tiền đình tất nhiên của một thế giới khác, không có ai là sung sướng.
Nhân quần chỉ có thể phân loại như thế này: những người sáng tỏ và những người ngu tối.
Giảm số những người ngu tối, tăng số những người sáng tỏ, đó là mục đích. Vì thế, chúng tôi hét to: giáo dục! Khoa học! Học để đọc sách, là đốt lửa, mỗi âm tiết đánh vần lên là một tia sáng.
Vả lại, nói ánh sáng, không nhất thiết là nói vui vẻ. Người ta cũng có thể đau khổ trong ánh sáng, cái gì quá mức cũng đốt cháy. Ngọn lửa thiêu mất cái cánh. Bốc lửa mà vẫn bay, đó là kỳ tích của thiên tài.
Khi anh biết và khi anh yêu, anh vẫn còn đau khổ. Ánh sáng xuất hiện trong nước mắt. Những người sáng tỏ khóc, ít nhất là khóc thương kẻ u tối.
Chương 2: CỘI RỄ
Tiếng lóng, là ngôn ngữ của những người ngu tối.
Tư tưởng xúc động trong cõi sâu xa thăm thẳm, triết học xã hội, trầm tư đau xót đứng trước cái thổ ngữ bí ẩn này, cái thổ ngữ vừa điếm nhuc vừa phẫn nộ này. Ở đó, hình phạt hiện rõ. Mỗi âm có vẻ như bị đóng dấu lửa. Những từ của ngôn ngữ thông thường, xuất hiện ở đâu nhăn nhúm và thành chai, dưới con dấu sắt nóng của tên đao phủ. Một số từ còn như đang bốc khói. Câu này giống như bả vai bị đóng dấu hoa huệ của nột tên trộm, đột nhiên hở trần ra. Ý tưởng gần như từ chối không để cho những danh từ đã bị kết án đó diễn đạt. Ẩn dụ của nó đôi khi quá trâng tráo đến nỗi ta có cảm giác nó đeo gông.
Vả lại, mặc dầu tất cả những thứ đó và chính nguyên nhân lại do đó, cái thổ ngữ kỳ lạ ấy vẫn có ngăn của nó trong cái tủ ngăn lớn vô tư, trong đó có chỗ cho đồng xu gỉ cũng như cho cái huy chương vàng cái ngăn mà người ta gọi là văn học. Nói lóng có ngữ pháp và nền thơ của nó, dù người ta thừa nhận hay không. Đó là một ngôn ngữ. Nếu do chỗ xú dang của một vài danh từ, người ta nhận đó của Măngđranh, thì do cái huy hoàng cảu mấy hoán dụ, người ta lại cảm thấy như chính Vilông đã nói.
Câu thơ kỳ thú và nổi tiếng:
“Đâu rồi những tuyết năm xưa?”
(Mais où sont les neiges d’antan?)
Là một câu thơ nói lóng. Antan – ante annum (năm trước: tiếng Latinh) – là một từ nói lóng của bọn nhà trộm. Nó nghĩa là năm ngoái và, rộng ra là ngày xưa. Cách đấy ba mươi lăm năm, vào chuyến phát vãng tù khổ sai lớn năm 1827, người ta còn đọc được trong một ngục tối cở Bixôtrơ câu châm ngôn do một tên đại hợm khắc bằng đanh trên tường như sau:
“Lé dobs d’antan trimaient siempre pour lapierre du Coesre” có nghĩa là: Các nhà vua thời xưa khi nào cũng đi lễ đăng quan. Trong tư tưởng “nhà vua” đó, đăng quan là đi tù khổ sai.
Danh từ đécarade (dêcarađơ), diễn tả sự khởi hành của một chiếc xe ngựa chở nặng, phóng nước đại, đã được gán cho Villon và xứng đáng với nhà thơ. Cái từ ấy như súng nổ ở cả bốn âm, chung đúc lại, trong một từ tượng thanh oai hùng, cả một câu thơ rất đẹp của La Phôngten:
Six forls chevaux tiraient un coche
(Sáu ngựa khỏe kéo xe một cỗ)
Về phương diện thuần túy văn học, nghiên cứu tiếng lóng có thể là kỳ thú hơn nhiều khoa khác. Đó là cả một ngôn ngữ trong ngôn ngữ, một thứ u tật bệnh, một tiếp ghép nguy hiểm. Nó đã sản sinh ra một thực vật, một tầm gửi có rễ trong cái thân gôloa (thuộc về xứ Gaule, tức là đất Pháp ngày xưa) mà lá độc lại bò ban trên cả một cạnh của ngôn ngữ. Cái này có thể gọi là phương diện thứ nhất, phương diện thông thường của tiếng lóng. Nhưng, đối với những người nghiên cứu ngôn ngữ đứng đắn, nghĩa là cũng như các nhà địa chất học nghiên cứu đất, tiếng lóng xuất hiện như một thứ phù sa. Tùy người ta khơi sâu nhiều ít, người ta thấy, trong tiếng lóng, bên dưới tiếng Pháp cổ bình dân, tiếng Pơrôvăngxan, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Đông phương tức là ngôn ngữ của những cảng Địa Trung Hải, tiếng Anh và tiếng Đức, tiếng Rômân (ngôn ngữ bình dân ở một xứ do người La Mã xưa chinh phục, gồm có ngôn ngữ địa phương ghép với tiếng Latinh), với ba thứ: rô-mân Pháp, rô-mân Ý, rô-mân tiếng Latinh và sau hết, tiếng Baxcơ (basque) và tiếng Xentơ (celte). Cấu tạo sâu sắc và kỳ lạ. Một tòa nhà ngầm dưới đất, do tất cả những kẻ khốn khổ xây dựng. Mỗi một giống loại bị nguyền rủa đã đặt ở đó tầng lớp của mình: nỗi đau khổ đã để rơi vào đó hòn đá của mình; mỗi trái tim góp hòn cuội của mình. Một đám đông những tâm hồn xấu xa, hèn thấp hoặc bực tức, đã trải qua cuộc sống và đã biến vào trong vĩnh cửu, đều hiện diện ở đó hầu như nguyên vẹn, và có thể nhìn thấy dưới hình thái một từ quái đản.
Người ta muốn tiếng chăng ? Tiếng lóng cổ thời gô tích đầy rẫy – Đây boffelte, ống bễ do bofeton mà ra; vanlane cửa sổ (sau thành vanterne) do vantana; gat, con mèo, do gato; acite, dầu, do aceyte.
Người ta muốn tiếng Ý chăng? Đây spade, thanh gươm do spada; carvel, tàu thủy, do caravella.
Người ta muốn tiếng Anh? Đây bichot, giám mục, do bishop; raille, gián điệp, do rascal, rascalion, coquin; pillner, túi đựng, do pilcher, bao vỏ.
Người ta muốn tiếng Đức? Đây caleur, đứa con trai, kellner; le hers, ông chủ, do chữ herzog (quận công).
Người ta muốn tiếng Latinh? Đây frangir, bẻ gãy, frangere; affurer, ăn cắp, fur; cadene, xiềng xích, catena.
Có một tiếng xuất hiện trong mọi ngôn ngữ của lục địa, với một thế lực và quyền lợi huyền bí, đó là từ magnus. Xứ Ecốtxơ chế tạo ra tiếng mac, chỉ người chủ bộ lạc, như Mac Farlane, Mac-Callummore (Tuy nhiên, phải thấy mac trong tiếng Xentơ lại có nghĩa là con trai – chú thích của tác giả) là Phác-lan (Farlane) vĩ đại, Ca-luy-mo (Callummore) vĩ đại, Magnus đã tạo ra từ meck, và ít lâu sau, từ meg, nghĩa là Thượng đế.
Người ta muốn tiếng Baxcơ? Đây gahisto, quỉ sứ, do gaiztoa, xấu; sorgabon, chào ban đêm, do gabon, chào buổi chiều.
Người ta muốn tiếng Xen-tơ? Đây blavin, khăn tay, do blavet, nước bọt ra; ménesse, đàn bà (nghĩa xấu), do meinec, tức là đầy đá; barabt, suối, do baranton, giếng nước; gofeur, thợ khóa, do goff, thợ rèn; guétdouze, cái chết, do guenndu trắng đen.
Cuối cùng, bạn muốn lịch sử chăng? Tiếng lóng gọi đồng tiền ê-kuy là moltaise, vì người khổ sai nhớ lại đồng tiền trên những chiếc thuyền mà họ phải chèo ở xứ Man-tơ.
Ngoài những nguồn gốc ngôn ngữ học vừa nêu, nói lóng còn có những cội rễ khác, tự nhiên hơn nữa, có thể nói, xuất phát từ lý trí con người.
Thứ nhất sự sáng tạo trực tiếp ra từ. Đó là điều huyền bí của các ngôn ngữ. Diễn tả bằng những từ có hình ảnh. Những hình ảnh đó, chẳng biết bằng cách nào và tại sao các từ lại có được. Đó là cái vốn sơ khai của mọi ngôn ngữ nhân loại, cái mà người ta có thể gọi là đá hoa cương. Tiếng lóng đầy rẫy những từ loại đó, những từ trực tiếp, hoàn toàn sáng tạo, chẳng biết ở đâu, do ai, không từ nguyên, không loại suy, không dẫn xuất, những từ trơ trọi, man rợ, đôi khi xấu xí. Chúng nó có một khả năng diễn đạt kỳ lạ và sống mãi. Như đao phủ, le taule; - rừng, sabri; - sợ, chạy trốn, taf: - đầy tớ, larbin; - tướng quân, quận trưởng, thượng thư, pharos; quỉ sứ, rabouin.
Những từ đó lạ hơn vì cả: vừa che giấu, vừa chỉ rõ. Có những từ, như rabouin chẳng hạn, vừa kỳ cục, cừa ghê gớm và giống như cái nhăn mặt của các khổng lồ một mắt.
Thứ hai, phép ẩn dụ, đặc tính của một ngôn ngữ muốn nói hết mà lại giấu hết, là rất phong phú về hình ảnh. Ẩn dụ là một bí quyết trong đó ẩn nấp anh kẻ trộm đang âm mưu một chuyến, anh tù đang tính cách vượt ngục. Không một thổ ngữ nào nhiều ẩn dụ hơn tiếng lóng. – Dévisser le coco (vặn ốc quả dừa) là vặn cổ: - torliller (xoắn) là ăn; - être gerbé (bị bó lúa) là bị xử án; un rat (con chuột) là tên ăn cắp bánh mì; - in langsquine (trời vavs giáo) trời mưa, một hình ảnh cổ đập vào mắt và như mang cả niên kỷ trên nó, đồng hóa những vệt dài xiên chéo của mưa với những ngọn giáo dày đăc và nghiên nghiêng của bộ binh Đức ngày trước; từ ấy thâu tóm hoán dụ của nhân dân; il pleut des hal’bardes (thương kích như mưa). Đôi khi, khi mà tiếng lóng tiến từ thời kỳ thứ nhất sang thời kỳ thứ hai, các từ cũng qua tình trạng man rợ và sơ khai, sang ý nghĩa của hình ảnh. Con quỉ sứ thôi không là rabouin nữa mà thành anh boulanger (thợ làm bánh mì), tức người cho tuốt vào lò nướng. Có tài hoa hơn, nhưng kém vĩ đại: một cái gì như Raxin sau Cornây, như Ơripít, sau Etsinlơ. Một đôi câu tiếng lóng lại đứng ở cả hai thời kỳ và vừa có tính chất man rợ, vừa có tính chất ẩn dụ, giống như ảo giác. Les sorgueurs vonts sollicer des gails à la lune (các chú mò đêm chờ tối là ăn trộm ngựa). Cái đó kéo qua trong trí, như một toán bóng ma. Người ta không biết đã nhìn thấy những gì.
Thứ ba, mưu thuật. Tiếng lóng sống trên ngôn ngữ. Nó dùng ngôn ngữ tùy thích, lấy ở ngôn ngữ tùy ngẫu nhiên, nó thường giới hạn ở chỗ thay đổi ngôn ngữ đi một cách sơ sài và thô thiển. Đôi khi, với những từ thông dụng, làm lệch lạc đi như vậy và phức tạp hóa thêm bằng những tiếng lóng thuần túy, nó cấu tạo ra những từ ngữ rất gợi hình, tỏng đó người ta thấy trà trộn hai yếu tố trên là sáng tạo trực tiếp và hoán dụ. – Le cab jaspine, je marronne que la roulotte de Pantin trime dán le sabri (con chó cắn, tôi nghĩ rằng chuyến xe hàng từ Paris đang qua rừng). – Le dab est, la dabuge ét merloussière, la féc est bative (lão tư sản ngu, mụ tư sản láu, con bé tư sản đẹp). Thường khi, để đánh lạc hướng những người nghe tiếng lóng chỉ thêm vào ở tất cả mọi từ của ngôn ngữ thường một cái đuôi ti tiện, một vĩ âm atlle, orgue, iergue hoặc uche. Như: Vousiergue trouvaille bonorgue ce gigotmuche? Anh thấy đùi cừu này ngon à? Đó là câu mà Cáctút nói với một người giữ cửa ngục để biết số tiền mình đưa có đủ để hắn cho mình chuồn không – Vĩ am mar, mãi gần đây mới được thêm vào.
Tiếng lóng, là thổ ngữ của thối nát, nên cũng chóng thoái hóa. Ngoài ra, vì ngôn ngữ đó luôn luôn tìm cách lẩn trốn, cho nên khi vừa thấy người ta hiểu thì nó biến dạng đi. Trái lại với mọi thứ thực vật khác, mỗi tia sáng rọi vào đâu giết chết ở đó ngay. Vậy nên tiếng lóng không ngừng tan rã và không ngừng cấu tạo: một công trình âm thầm và cấp tốc, không bao giờ ngừng lại. Trong khoảng mười năm, nó đi những bước dài hơn ngôn ngữ trong mười thế kỷ. Như larton (bánh mì) trở thành lartif; gail (con ngựa) thành gaye fertanche (rơm) thành ferlile, momignard thành momac que; siques (áo rách) thành frusques; chique (nhà thờ) thành égrugeor; colabre (cái cổ) thành colas. Quỉ sứ, đầu tiên gọi là gahislo, sau là rabouin, sau nữa thành boulanger, giám mục gọi là ratichon, sau gọi sanglier (lợn rừng) con dao găm là vingt-deux (hai mươi hai) sau là surin, rồi lingre; những nhân viên cảnh sát gọi là railles, sau là roussins, sau là rousse, sau nữa là bọn bán dây dải, rồi coquers, rồi cognes (cớm); đao phủ thủ gọi taule, sau là charlot, rồi aligeur, rồi đến beequllard. Ở thế kỷ 17, đánh nhau gọi là cho nhau hút thuốc lá. Ở thế kỷ 19, gọi là nhai mõm nhau. Giữa hai từ ngữ ở hai đầu đó, có hai mươi từ khác kế chân nhau. Nếu Cáctút nói với Laxơne, Laxơne sẽ cho là Cáctút nói tiếng Êbrơ (tên xưa chỉ người Do Thái, thành ngữ: nói một thứ tiếng mà người ta không hiểu, hoặc nói gì quá khó hiểu). Tất cả những từ của cái ngôn ngữ này luôn luôn lẩn trốn như những người sử dụng của nó. Tuy nhiên, đôi khi lại chính do chuyển động này mà tiếng lóng cũ lại tái xuất và trở thành mới – Nó có những thị trấn của nó, ở đó nó được duy trì. Nhà ngục Tăngpơlơ còn giữ tiếng lóng của thế kỷ XVII. Viện Bixêtrơ khi còn là nhà tù, giữ tiếng lóng của phường trộm. Ở đấy, người ta nghe được vĩ âm anche của những dân trộm cũ – Bơyanchestu? (Mày uống không?) Il eroyonche (nó tin). Tuy nhiên sự biến động không ngừng vẫn là qui luật.
Nếu nhà triết học có thể cố định lại một thời khắc để quan sát cái ngôn ngữ luôn bốc hơi đó, thì ông ta sẽ thấy mình mắc vào những trầm tư đau lòng nhưng bổ ích. Không một khao nghiên cứu nào lại có tác dụng giáo dục và phong phú về tính chất giáo dục hơn. Không một hoán dụ, không một từ nguyên nào của tiếng lóng mà chẳng chứa đựng một bài học. Giữa những con người ấy danh nghĩa là giả vờ, người ta đánh một bệnh. Xảo trá là sức mạnh của họ.
Đối với họ, cái ý niệm con người không rời khỏi ý niệm bóng đen. Đêm, gọi là sorgue, người gọi là orgue. Con người là một thuộc phẩm của đêm đó.
Họ đã có cái thói quen xã hội là một môi trường làm chết họ, một sức mạnh tàn nhẫn. Và họ nói đến tự do của họ như người ta nói đến sức khỏe của mình. Một người bị bắt là một người ốm, một người bị kết án là một người chết.
Đối với một tù nhân giữa bốn bức tường đá chôn vùi mình, không có gì inh khủng cho bằng một sự tiết giới lạnh lùng như băng giá, họ gọi ngục tối là castus (nơi tuyệt dục). Trong chốn sầu thảm đó, đời sống bên ngoài hiện ra luôn luôn với vẻ tươi tắn nhất của nó. Người tù mang xích sắt ở chân; có lẽ anh tưởng họ nghĩ đến đôi chân để đi chăng? Không. Họ nghĩ đến đôi chân để nhảy múa. Vì vậy, khi mà họ cưa được những xích sắt đó, ý nghĩ đầu tiên của họ là bây giờ họ có thể nhảy múa và họ gọi cái cưa là một bastringue (điệu vũ ở tửu quán). Một cái tên gọi là một trung tâm, thật là một đồng hóa sâu sắc. Tên kẻ cướp có hai cái đầu: một cái đầu suy nghĩ về những hành động của hắn, cái này điều khiển nó suốt đời, một cái đầu khác ở trên vai nó ngày chết; hắn gọi cái đầu huyên bảo nó phạm tội là la sorbonne (tên một trường đại học nổi tiếng ở Paris) và cái đầu đền tội là la tronche.
Khi một người chỉ còn những tã rách trên thân thể và những thói xấu trong trái tim, khi người đó đã tới chỗ sa đọa cả về vật chất lẫn tinh thần, hai thứ mà tiếng gueux bao hàm trong hai nghĩa của nó, thì người đó đã chín mùi để phạm tội. Người đó như con dao đã mài sắc. Con dao đó có hai lưỡi là quẫn bách và độc ác. Vì vậy mà tiếng lóng không nói “một thằng gueux” mà nói một thằng re guisé (mài lại). Thế nào là một nhà lao? Một lò than hồng để hỏa thiêu, một địa ngục. Cho nên người bị tội khổ sai được gọi là fagot (bó củi). Sau hết, những kẻ gian ác đã cho nhà tù cái tên nào? Tên trường học. Cả một lý thuyết về tổ chức cải hối có thể do cái từ này gợi ra.
Người ăn trộm cũng có “thịt cho đại bác” của mình có cái chất có thể lấy trộm, nghĩa là anh, tôi, bất cứ ai đi qua; đó là pantre (Pan: cả mọi người).
Bạn có muốn biết do đâu mà nảy nở những bài hát ở nhà tù, những điệp khúc mà từ vựng chuyên môn gọi là lirlinfa; Hãy nghe sau đây:
Ở ngục Satơlê của thành phố Paris có một cái hầm dài. Hầm đó xây sâu dưới đất ngót ba mét, dưới mực nước sông Xen. Hầm không có cửa sổ, cửa thông hơi, lỗ hở duy nhất là cái cửa ra vào. Con người có thể vào trong đó, còn không khí thì không. Trần hầm là một cái vòm bằng đá và sàn là ngót ba mươi phân bùn. Trước kia, có lát gạch. Nhưng nước rỉ đã làm gạch thối và nứt nẻ. Cách mặt đất hai mét rưỡi, một chiếc rầm gỗ dài, đồ sộ, bắc xuyên qua cái hầm ngầm đó, suốt chiều ngang. Từ trên chiếc rầm đó từng quãng, rủ xuống những dây xích dài khoảng trên một mét, ở các đầu xích có những chiếc gông cổ. Người ta cho vào hầm ấy những người bị kết tội khổ sai, chờ ngày cho đi Tulông. Người ta đẩy họ vào dưới cái rầm, ở đó xiềng và gông sắt đu đưa trong bóng tối chờ họ. Xiềng xích như cánh tay buông thõng và gông cổ như bàn tay mở xòe tóm lấy cổ họ. Người ta tán đinh các xiềng gông rồi để họ tại đó. Cái xích ngắ quá, họ không thể nằm. Họ không cựa được trong hầm ấy, trong đêm tối ấy dưới cái rầm nhà ấy; họ gần như bị treo cổ; họ phải cố gắng không tưởng tượng mới với nổi chiếc bánh hay vò nước; vòm đá trên đầu, bùn đến lưng chân, cứt đái của mình chảy ròng xuống khuỷu chân, xác rời rã vì mệt nhọc, hông và đầu gối khuỵu xuống, tay bám vào xiềng xích để nghỉ ngơi, ngủ thì chỉ ngủ đứng và mỗi lúc lại phải thức dậy vì gông làm ngẹt cổ. Một số người không bao giờ thức dậy nữa. Để ăn họ lấy gót chân đưa miếng bánh lần theo xương ống chân lên tới tay họ, cái miếng bánh người ta vứt xuống bùn cho họ. Họ phải ở như vậy trong một thời gian bao nhiêu lâu? Một tháng, hai tháng, đôi khi sáu tháng có người ở đến một năm. Đó là phòng chờ để xuống tàu khổ sai. Bắt trộm một con thỏ rừng của nhà vua cũng đủ để bị nhốt vào đó. Trong cái địa ngục nhà mồ đó, họ đã làm gì? Cái có thể làm trong một phần mộ, là nuối chết, và cái có thể làm trong một địa ngục là ca hát, bởi vì ở đâu không còn hy vọng thì vẫn còn tiếng hát. Ở vùng biển gần đảo Mantơ, khi một tàu khổ sai tới gần, người ta nghe thấy tiếng hát trước tiếng mái chèo. Người san bắn trộm đáng thương Xuyavanhxăng đã từng ở nhà tù hầm Satơlê, nói: chính những vần thơ đã nâng đỡ tôi. Thơ vô ích. Vấn đề làm gì? Chính từ cái hầm đó đã xuất hiện hầu hết các bài hát tiếng lóng. Chính cái ngục Grăng Satơlê ở Paris đã đẻ ra cái điệp khúc não ruột trên chiến thuyền khổ sai Mônggômêri Timalun denơ. Timulamidông. Phần lớn những bài hát đó thê thảm: có một số bài vui; một bài tình tứ.
Ixicay (nơi đây) là sân khấu
Của chú bé bắn cung
Anh làm gì thì làm, cũng không tiêu diệt được cái vĩnh viễn còn lại trong trái tim con người là tình yêu.
Trong cái thế giới của những hành động mờ ám này, người ta giữ bí mật cho nhau. Bí mật là của tất cả mọi người, bí mật với những người khốn khổ này, là cái thống nhất dùng làm cơ sở đoàn kết. Làm mất bí mật, là rứt mỗi thành viên của cái đoàn thể hung dữ này khỏi một cái gì của bản thân nó. Cáo giác, trong ngôn ngữ mạnh mẽ của tiếng lóng, gọi là: ăn miếng. Có ý nói người cáo giác đã kéo về mình một chút chất của toàn thể và tự nuôi dưỡng bằng một miếng thịt của mỗi người.
Bị một cái tát là gì? Ẩn dụ sáo cũ là: C’est voir trente six chandelles (nhìn thấy ba mươi sáu ngọn nến). Ở đây nói lóng đã can thiệp và chữa lại: Chandelle, camoufle (nến, mõm) và từ đó, ngôn ngữ thông dụng tạo một từ đồng nghĩa cho “cái tát” là camouflet (mõm nhỏ). Như vậy, bằng một lối thâm nhập từ dưới lên trên qua ẩn dụ, tiếng lóng đã leo từ hang hốc lên đến viện hàn lâm; và Pulayê khi nói J’allume ma camoufle (tôi thắp cái mõm của tôi) đã làm cho Vônte viết ra câu “Langleviel La Beaumel’e mé rite cent camouflets” (Lănglơvien La Bômenlơ đáng một trăm cái tát).
Mỗi bước đào bới trong lóng là một khám phá mới; nghiên cứu và khai thác sâu thổ âm kỳ lạ ấy dẫn đến giao điểm huyền bí giữa cái xã hội chính thức và cái xã hội bị nguyền rủa.
Tiếng lóng là lời nói đã trở thành tội phạm khổ sai.
Cái nguyên lý tư duy của con người mà bị dồn xuống thấp đến thế, mà bị kéo lê và trói buộc bởi những bức bách tối tăm của định mệnh, mà bị ràng buộc chẳng biết bởi những sợi dây nào vào cái vực thẳm ấy, điều đó khiến cho người ta sửng sốt.
Ôi! Cái tư duy đáng thương của những người khốn hổ!
Than ôi, có ai đến chăng để cứu giúp linh hồn của con người trong bóng tối ấy? Số phận của nó có phải là ở đấy mãi chờ đợi thiên thần đến giải phóng, người kỵ mã vĩ đại của bao nhiêu trảo mã và dực mã, người chiến sĩ màu bình minh từ trời xanh bay xuống giữa đôi cánh, người hiệp sĩ huy hoàng của tương lai?
Linh hồn ấy có phải luôn hoài công cầu cứu ngọn thương ánh sáng của lý tưởng? Linh hồn ấy, có bị buộc phải luôn nghe và thấy cái ác đi tới một cách kinh khủng, giữa cái dày đặc của vực thẳm và thấy thấp thoáng, ngày càng gần thêm với mình, dưới làn nước ghê tởm, cái đầu dữ tợn, cái mõm đang sùi bọt và cái cồn cồn uốn khúc của móng vuốt, của đốm khoanh? Có phải linh hồn cứ ở mãi đó, không một ánh sáng mập mờ, không hy vọng, kế cận con quái vật đã đánh hơi thấy mình, một sự kế cận ghê gớm, qua đó linh hồn giống như một nàng Ăngdômét, run rẩy, dựng ngược tóc, vặn vẹo tay, vĩnh viễn bị cột vào hòn đá của đêm tối, Ăngdômét âm thầm, trắng nuốt, khỏa thân trong bóng tối!
Chương 3: TIẾNG LÓNG KHÓC VÀ TIẾNG LÓNG CƯỜI
Như người ta đã thấy, toàn bộ tiếng lóng, tiếng lóng cách đây bốn trăm năm cũng như tiếng lóng ngày nay thấm sâu cái tinh thần tượng trưng âm thầm nó ban cho mọi từ, khi thì một dáng xót xa, khi thì một vẻ đe dọa. Người ta cảm thấy ở trong đó cái buồn xưa hung hãn của những người hành khất ở xóm Ăn mày, họ đánh bài với những con bài riêng của họ, mà mấy con đã lưu lại cho đến thời chúng ta. Con tám chuồn (trèfle), chẳng hạn, biểu hiện một cây lớn có tám lá to tướng chẻ ba, một kiểu nhân cách hóa rừng cây kỳ lạ. Dưới chân cây đó có ba con thỏ rừng đang dùng xiên quay một người đi săn trên đống lửa, đằng sau, trên một ngọn lửa khác, một cái nồi bốc khói nghi ngút, có đầu một con chó thò ra. Còn có gì ảm đạm hơn là những cách trả đũa bằng tranh vẽ trên một bộ bài như vậy, trước cảnh những giàn củi để thiêu bọn buôn lâu và cái nồi xúpde để luộc những người làm bạc giả. Những hình thức khác nhau mà tư duy đã khác trong vương quốc tiếng lóng, ngay đến cả bài hát, câu chế giễu, lời đe dọa đều có cái tính chất bất lực và bị đè nén đó. Tất cả những bài hát, mà mấy khúc điệu đã sưu tầm dược, thật tự ti và thê thảm đến rớt nước mắt. Trong các khúc đó tên ăn trộm được gọi là tên trộm tội nghiệp và nó luôn luôn như con thỏ rừng ẩn nấp, con chuột chạy trốn, con chim xa bay, Không chút dám hỏi đòi, nó chỉ đành than thở, một trong những tiếng rên rỉ ấy đã vọng đến chúng ta ngày nay: Jen’ entrave que le dail comment meck, le daron dé orgues, peul: atiger ses mômes et ses momignards lé locher criblant sans être atigé luimême (tôi không hiểu sao Thương đế, cha của loài người, lại có thể giày vò con cháu mình và nghe thấy chúng kêu mà tự mình chẳng thấy giày vò) – Người khốn hổ mỗi khi có thời gian suy nghĩ thì tự hạ mình trước pháp luật và thu hình trước xã hội, nó nằm úp bụng xuống, nó van nài, nó kêu gọi lòng xót thương, người ta cảm thấy nó biết rằng nó có lỗi.
Vào khoảng giữa thế kỷ vừa qua, có một biến đổi. Những bài hát của lao tù, những điệp khúc của trộm cắp đã có thể nói là có một dáng dấp hỗn xược và vui vẻ. Điệu maluré than vãn được thay bằng điệu larigla. Ở thế kỷ 18, người ta thấy trong những bài hát của tù ở chiến thuyền lao dịch, ở nhà ngục khổ sai một niềm vui ma quái và khó hiểu. Người ta nghe thấy ở đó cái điệp khúc nó rít lên và chập chờn như có một ánh lửa lân tinh soi sáng và có lẽ do một chút ma trơi thổi ống địch làm vang dội giữa rừng:
Mirlabali, surlabaho,
Mirliton ribon, ribelle,
Surlabali, mirlababo,
Mirliton ribon ribo.
Điều đó họ hát lên trong khi chọc tiết một người trong hầm kín hoặc ở một xó rừng.
Một triệu chứng nghiêm trọng. Ở thế kỷ 18, cái sầu não xưa của những tầng lớp ủ ê đó đã tan biến. Những tầng lớp ấy bắt đầu cười. Chúng chế giễu meg (Chúa) vĩ đại và dab (ông tư sản) vĩ đại. Vì Luy XV, họ gọi vua nước Pháp là “hầu tước đơ Păngtanh (con rối)”. Đấy, họ gần như vui vẻ. Một thứ ánh sáng nhẹ nhàngđã toát ra từ những người khốn khổ đó, như lương tâm họ nhẹ nhõm, không gì đè lên. Những bộ lạc thảm thương của bóng tối không những đã có cái táo bạo vô tư lự của lý trí. Triệu chứng họ đã mất cái mẫn cảm phạm tội và họ đã cảm thấy, ngay ở những nhà tư tưởng và những nhà mặc tưởng, những chỗ dựa vô ý thức của mình. Dấu hiệu là trộm cắp và cướp bóc bắt đầu thẩm lậu vào các học thuyết, ngụy biện thuyết để tự mình bớt xấu ca chút ít, lại gieo rắc xấu xa khá nhiều vào các học thuyết, ngụy biện thuyết để tự mình bớt xấu xa chút ít, lại gieo rắc xấu xa khá nhiều vào các học thuyết, ngụy biện thuyết đó. Cuối cùng, dấu hiệu là, nếu không có gì làm lạc hướng thì sẽ nở ra một cái gì phi thường và cấp bách.
Chúng ta hãy dừng lại một lát. Chúng ta buộc tội ai đây? Thế kỷ 18 ư? Hay là cái triết học của nó? Chắc là không. Sự nghiệp của thế kỷ 18 lành mạnh và tốt. Những nhà bách khoa, đứng đầu là Điđơrô, các nhà theo chủ nghĩa trọng nông, đứng đầu là Tuyếcgô, các nhà triết học, đứng đầu là Vonte, các nhà không tưởng, đứng đầu là Rútxô, đó là bốn đội quân đáng sùng kính. Bước tiến vô cùng lớn lao của nhân loại lên ánh sáng là nhờ họ. Đó là bốn đội tiền phòn của nhân loại tiến tới bốn phương của tiến bộ: Điđơrô về cái đẹp, Tuyếcgô về cái có ích, Vonte về chân lý, Rútxô về công bình. Nhưng, bên cạnh và bên dưới, có các nhà ngụy biện, giống cây độc trà trộn vào loại thực vật phát triển lành mạnh, là cây ngón trong rừng hoang vu. Trong khi mà tên đao phủ thiêu trên thềm lớn của Tòa án tối cao những cuốn sách giải phóng thế kỷ, nhiều nhà văn này bị lãng quên đã cho xuất bản, với đặc ân của nhà vua, không biết bao nhiêu là áng văn, phá hoại tổ chức một cách lạ lùng và được những người khốn khổ khao khát đọc. Vài cuốn trong những xuất bản phẩm đó – điều lạ lùng – được một vương tước đỡ đầu ngày nay còn tìm thấy trong Thư viện bí mật. Những sự kiện này có ý nghĩa sâu sắc, nhưng không ai biết, vì không hiện lên ở bề mặt. Đôi khi, chính cái mập mờ của sự kiện tạo nên nguy hiểm. Nó mập mờ bởi vì nó ngầm dưới đất. Trong tất cả những nhà văn đó, người có lẽ đã khơi sâu trong quần chúng cái hành lang nguy hiểm nhất ấy, là Rétxtip đơ la Brơton.
Cái việc họ làm, diễn ra trên toàn châu Âu, đã gây tai hại ở Đức hơn ở đâu khác. Ở Đức, trong một thời kỳ nào đó, nó được Sile diễn tả gọn trong vở kịch “Kẻ cướp”. Trộm cắp, cướp bóc đã đứng dậy, chống đối lại tư hữu và lao động, vì đã tiêm nhiễm một số những tư tưởng sơ đẳng, sai lầm, có vẻ đúng nhưng thực chất thì vô lý. Trộm cướp đã quấn vào mình những tư tưởng đó, chúng như ăn ngập vào bên trong, chúng mang một tên gọi trừu tượng, chuyển thành lý thuyết, rồi bằng cách đó lưu truyền trong đám quần chúng lao động khổ đau và lương thiện, ngay những nhà hóa học dại dột đã chế ra thứ thuốc hỗn tạp đó không biết là nó đã lan sâu rộng như vậy, lại ngay đám đông dùng thuốc đó cũng không biết nốt. Một sự kiện nào loại đó xảy ra cũng đều nghiêm trọng. Đau khổ gây nên phẫn nộ và khi các tầng lớp thịnh vượng bị mù quáng hoặc ngủ gà – đằng nào cũng là nhắm mắt – thì sự hằn thù của các tầng lớp khốn khổ lại nhen lửa nhờ ở một đầu óc yếm thế và không thăng bằng đang mơ mộng ở một xó nào và đâm ra nhận xét xã hội. Mà khi hằn thù nhận xét thì quả là ghê gớm!
Nếu thời đại lại gặp vận hạn thì từ tình hình nói trên sẽ nảy sinh những biến động ngày xưa gọi là loạn cùng dân. Bên cạnh loạn cùng dân, các biến động đơn thuần chính trị chỉ là trò trẻ. Loạn cùng dân không còn là sự đấu tranh của người bị áp bức chống người áp bức. Nó là sự nổi dậy của quẫn bách chống sung túc yên vui. Lúc đó tất cả sẽ sụp đổ.
Những nổi dậy của dân cùng là những trận địa chấn dân tộc.
Cuối thế kỷ 18, cái nguy cơ này hình như đến rất gần, nhưng cuộc cách mạng Pháp, cái hành động trung thực lớn lao đó, đã chặn đứng nó lại.
Cách mạng Pháp là lý tưởng cầm gươm, cách mạng Pháp đứng lên và bằng một động tác đột ngột đã vừa đóng cửa ác vừa mở cửa thiện.
Cách mạng Pháp đề xuất vấn đề, công bố chân lý, xua tan uế khí, khai quang thế kỷ, đặt vương miện lên đầu nhân dân.
Có thể nói nó đã sáng tạo ra con người một lần thứ hai và con người một linh hồn thứ hai là nhân quyền.
Thế kỷ 19 thừa kế và hưởng thụ sự nghiệp của cách mạng Pháp và ngày nay, cái tai họa xã hội àm chúng tôi vừa nói đến không thể xảy ra. Tố cáo nó là mù quáng! Sợ hãi nó là ngây ngô! Cách mạng là thuốc tiêm ngừa loạn cùng dân.
Nhờ có cách mạng, những điều kiện xã hội đã thay đổi. Các bệnh tật phong kiến và quân chủ không còn trong máu chúng ta nữa. Trong cơ thể của chúng ta khong còn mầm bệnh trung cổ. Chúng ta không còn ở thời mà những đám đông dễ sợ từ nội bộ nổ bùng ra, mà dưới chân ùn ùn một tiếng động trầm trầm không rõ dạng, mà trên bề mặt của văn minh xuất hiện những mô, ổ của chuột chù, mà đất nứt rạn, miệng hang mở toác, từ dưới sâu vọt lên những cái đầu quái đản.
Ý nghĩa cách mạng là một ý nghĩa đạo đức. Ý thức quyền lợi phát triển, làm phát triển ý thức nhiệm vụ. Luật chung của mọi người là tự do, tự do của ta giới hạn ở chỗ tự do của kẻ khác bắt đầu, theo định nghĩa đáng phục của Rôbétxpie. Từ năm 89, toàn dân giãn nở ở cá nhân tinh hoa. Không có kẻ nào có quyền lợi mà không có ánh quang minh dù kẻ ấy nghèo. Tên chết đói vẫn cảm thấy trong người mình có chất lương thiện của nước Pháp. Phẩm giá của người công dân là lớp áo giáp xoay vào trong. Ai tự do thì thận trọng. Ai bỏ phiếu bầu cử, người ấy trị vì. Do đó mà có đức liêm chính: do đó mà có những háo hức không lành mạnh phải rụng rời non yếu. Do đó mà trước sự cám dỗ, con mắt khép lại một cách dũng cảm.
Công cuộc khai quang của cách mạng lớn lắm, lớn đến nỗi những ngày giải phóng, ngày 14 tháng 7, ngày 10 tháng 8 chẳng hạn, quần chúng không còn là đám đông thô bạo. Tiếng thét đầu tiên của những quần chúng được soi sáng và không ngừng tăng số là: “diệt trừ trộm cướp!” Tiến hóa là người lương thiện. Lý tưởng và tuyệt đối khoogn che mặt lại đâu. Năm 1848 ai đã hộ tống những xe bảo vật của điện Tuylơri? Đó là những người nhặt giẻ ở ô Ăngtoan. Tã rách canh gác cho kho tàng như vậy đó, và đạo đức đã làm cho những kẻ khố rách ấy trở nên lộng lẫy. Trên những xe tải đó, trong mấy cái hòm đóng dối, có cái hở cả ra, có hàng trăm hộp tư trang rực rỡ; giữa cái hộp đó, có cả cái vương miện cũ của nước Pháp, nạm toàn kim cương, trên có hồng ngọc của nhà vua, cả nhiếp chính, trị giá ba mươi triệu. Họ đi chân đất mà bảo vệ vương miện đó.
Vậy là không còn “loạn cùng dân” nữa. Tôi lấy làm bực bội hộ cho những kẻ khôn ngôn ngoan. Đó là món lo sợ cũ đã gây tác dụng cuối cùng rồi, không có thể đem ra đầu cơ chính trị được nữa. Cái lò xo của bóng ma đỏ đã gãy rồi. Bây giờ thì ai cũng biết cả. Bù nhìn không dọa được nữa, chim chóc đã suồng sã với nó, ỉa cả lên mình nó và những người tư sản thì cười.
Chương 4: HAI NHIỆM VỤ: CẢNH GIÁC VÀ HY VỌNG
Cứ như vậy thì mọi đe dọa đối với xã hội đã tiêu tan hết rồi cahnwg? Hẳn là không. Không có “loạn cùng dân”. Xã hội có thể yên lòng về phía đó, máu không bốc lrrn đầu nữa. Nhưng nó phải lo về cách hô hấp. Chứng sung huyết não khoogn sợ nữa, nhưng hãy còn bệnh phế lao, bệnh phế lao xã hội có tên là nghèo đói.
Người ta chết bất thần như bị sét đánh, người ta cũng chết vì bị suy mòn.
Hãy nhắc đi nhắc lại điều đó không biết chán. Hay nghĩ trước hết đến ddams đông bất hạnh và khổ đau, hãy đỡ đần họ, quát thoáng cho họ, soi sáng họ, thương yêu họ, mở rộng huy hoàng chân trời cho họ, giáo dục rộng rãi cho họ bằng mọi hình thức. Hãy nêu gương cần cù, chớ bao giờ làm gương biếng nhác, tăng cường ý thức công ích công lợi nơi họ để họ cảm thấy gánh cá nhân bớt nặng, hạn chế nghèo khó mà không hạn chế sản phẩm, tạo ra những môi trường hoạt động nhân dân công cộng, có trăm bàn tay của người khổng lồ Briarê để đưa ra cho kẻ xấu số, người yếu hèn níu lấy. Phải dùng quyền lực công cộng để mở công xưởng đủ cho các cánh tay, dựng trường học đủ cho các khả năng, lập phòng thí nghiệm đủ cho các thiên tư, tăng lương, giảm lao lực, cân bằng chi và thu nghĩa là làm sao cho hưởng thụ và lao công, nhu cầu và thỏa mãn cân xứng. Tóm lại phải làm cho bộ máy xã hội tuôn ra nhiều ánh sáng và phúc lợi hơn để cho những người đau khổ và tối tăm hưởng. Những người thiện tâm không nên quên đây là nhiệm vụ bác ái thứ nhất, những người ích kỷ cũng phải biết đây là hành động chính trị cần yếu nhất.
Cũng phải nói tất cả những cái ấy chỉ là bước đầu. Vấn đề thực sự là ở chỗ này. Lao động đã là pháp chế thì cũng phải là quyền lợi.
Chúng tôi không nói thêm nữa, đây không phải chỗ.
Nếu thiên nhiên có tên là Tạo hóa thì xã hội phải có tên là Lo xa.
Sự lớn mạnh về trí tuệ và đạo đức cũng cần như sự cải thiện đời sống vật chất. Hiểu biết là một nguồn cứu trợ; suy nghĩ thiết yếu bậc nhất; chân lý là lương thực, cũng như lúa mì. Lý trí mà đói khoa học và minh mẫn thì lý trí gầy đi. Phải thương những trí tuệ không ăn cũng như thương những dạ dày không có ăn. Nếu có một cái gì xót xa hơn một cơ thể hấp hối vì thiếu bánh mì, thì đó là một tâm hồn chết vì đói ánh sáng.
Toàn bộ tiến hóa nhằm về phía giải pháp. Một ngày kia người ta sẽ kinh ngạc. Nhân loại đi lên thì các tầng lớp nằm sâu ở dưới sẽ tự nhiên thoát ra khỏi vòng quẫn bách. Đói khổ sẽ bị xóa bỏ bằng sự nâng cao trình độ, đơn giản như vậy đấy.
Nghi ngờ cái giải pháp phúc đức ấy là có lỗi.
Đành rằng cái quá khứ vào lúc này đang còn rất mạnh. Nó hồi sức. Sự hồi xuân của một xác chết như thế này quả là rất kỳ lạ. Đấy, nó đi... nó đến kia. Nó như đang chiến thắng; xác chết đó là một tướng đi chinh phục. Nó đến với quân đoàn của nó; những mê tín, với thanh gươm của nó; sự chuyên chế, với lá cờ của nó, cái ngu dốt. Ít lâu nay nó đã thắng đến mươi trận. Nó tiến lên, nó hăm dọa, nó cười, nó đã ở ngay cửa chúng ta. Tuy nhiên về phần chúng ta, chớ nên thất vọng. Chúng ta hãy bán đi cánh đồng Anniban (tướng tài của thành quốc Cáctagiơ, Bắc Phi thời xưa. Ông dẫn đạo quân viễn chinh đến Ý, chiến thắng liên tiếp người La Mã, nhưng đến trước thành Rôma thì đóng quân lại ăn chơi, về sau bị đánh bại) đóng quân.
Chúng ta có lòng tin tưởng thì chúng ta sợ gì chứ?
Tư tưởng không thụt lùi cũng như dòng sông không chảy ngược.
Còn những ai không muốn xã hội tiến về tương lai thì hãy nghĩ cho kỹ. Họ từ chối tiến hóa cũng không chặn đứng tương lai, mà chính là họ tự hủy hoại. Họ tự chuố lấy một bệnh hoạn thảm đạm, họ tự tiêm nọc độc quá khứ. Chỉ có một cách từ chối Ngày – Mai, đó là chết đi.
Thế nhưng chúng ta không thích cái chết nào cả; chết của thể xác thì phải là muộn nhất, chết của tâm hồn thì chúng ta không muốn xảy đến bao giờ.
Đúng, sấm ký sẽ lên tiếng, con quái Xphanhxơ sẽ nói, vấn đề sẽ được giải quyết. Đúng, thế kỷ 18 đã phác tạc Nhân dân, thì thế kỷ 19 sẽ hoàn tất. Nghi ngờ điều đó là ngu ngốc! Cảnh nẩy nở tương lai, cảnh nẩy nở mai đây của hạnh phúc chung là một hiện tượng thần thánh tất yếu.
Những thúc đẩy toàn diện lớn lao chi phối hành động của con người và trong thời gian nhất định sẽ đưa nó đến trạng thái hợp lý, nghĩa là sự quân bình, cũng nghĩa là công lý. Một sức mạnh gồm cả đất lẫn trời sẽ là kết lực của nhân loại và điều khiển nhân loại. Sức mạnh đó là mẹ đẻ của huyền diệu; Đối với sức mạnh ấy, những kết thúc thần kỳ cũng dễ thực hiện như những biến thiên kỳ lạ. Nhờ có khoa học do người và sự cố do trời, nó không thấy sợ mâu thuẫn khi đặt các vấn đề mà người tầm thường thấy nan giải. Đối chiếu ý kiến để làm bật ra một lý giải thì nó cũng làm thạo khéo như đối chiếu sự kiện để rút ra một bài học. Và người ta có thể chờ đợi tất cả ở cái hiệu năng huyền bí của tiến hóa, nó sẽ đối cứu đông và tây một ngày nào đó ở đáy một hầm mộ và khiến cho các giáo sĩ hồi giáo đàm thoại với Bônapác trong kim tự tháp lớn.
Trong khi chờ đợi thì khồn dừng nghỉ, không do dự, không đồn trú lại lúc nào trong cuộc hành quân tiến lên của trí tuệ. Triết học xã hội về căn bản là khoa học của hòa bình. Nó có mục đích và phải đưa đến kết quả làm tan những thịnh nộ bằng cách nghiên cứu các sự đối lập. Nó xem xét, nó thăm dò, nó phân tích, và rồi nó tái kết cấu. Nó tiến hành công việc bằng phương pháp giản lược, khử trừ sự hằn thù ở mọi nơi.
Bão tố xô vào loài người đã nhiều phen hủy hoại xã hội. Lịch sử đầy rẫy những cuộc đắm chìm của quốc gia, của dân tộc. Phong tục, luật pháp, tôn giáo, tất cả đều bị cuốn đi một ngày nào đó bởi cơn bão tố bí ẩn. Các nền văn minh Ấn Độ, Canđê, Batư, Atxyri, Ai Cập đều lần lượt tan biến. Tại sao vậy? Chúng ta không biết. Nguyên nhân của các họa ấy là gì? Chúng ta không biết. Có thể cứu sống xã hội ấy không? Chúng có lỗi gì trong việc sụp đổ đó? Chúng nó ngoan cố đeo giữ một tật xấu tai hại khiến mình tự hủy diệt mình hay không? Trong cái chết của một dân tộc, chủng tộc đó nhiều hay ít? Đó là những câu hỏi không lời đáp. Bóng tối bao trùm lên các nền văn minh sụp đổ đó. Chúng đã chìm xuống, tất nhiên là đã bị thủng lậu, để nước vào. Không có gì để nói thêm nữa. Và chúng tôi hầu như thảng thốt khi nhìn xuống cái đáy biển gọi là quá khứ đó, sau những đợt sóng khổng lồ là các thế kỷ, những con tàu to lớn Babilon, Ninivơ, Tácxơ, Tebơ, Rômơ chìm đắm trước luồng gió tuồn từ trong đêm den thẳm ra.
Nhưng bóng tối ở đó là ánh sáng cho ở đây. Mờ mịt về bệnh tật của các nền văn minh cổ đại, chúng ta biết bệnh tật của nền văn minh ta. Chúng ta có thể rọi ánh sáng lên khắp người nó, chúng ta chiêm ngưỡng những vẻ đẹp của nó, nhưng cũng bóc trần những cái xấu của nó. Chỗ nào đó đau thì chúng ta thăm dò, và khi đã biết rõ dau thế nào, tìm hiểu được căn nguyên bệnh tật, tất tìm được phương thuốc điều trị. Nền văn minh của chúng ta, sự nghiệp của hai mươi thế kỷ, vừa là con quái vật vừa là cái kỳ quan của thời gian dài đó. Nó đáng được cứu vãn. Nó sẽ được cứu vãn. Đỡ nhẹ cho nó là quí lắm; soi sáng cho nó cũng đã đáng kể rồi. Tất cả những công trình xã hội học hiện đại đều tập trung vào mục đích đó. Nhà tư tưởng ngày nay có một nhiệm vụ lớn là thăm bệnh nền văn minh.
Chúng tôi nhắc lại, sự thăm bệnh đó cổ vũ ta, và chúng tôi nhấn mạnh sự cổ vũ đó để chấm dứt mấy trang này, coi mấy trang này là một dịp tạm nghỉ nghiêm nghị giữa tấn kịch đau lòng. Dưới tính bất tử của xã hội, người ta cảm thấy tính bất tử của nhân loại. Dù đây đó có những vết lở loét, những phễu núi lửa và có những vạt hắc lào, những lỗ phun hơi, dù có một núi lửa đến kỳ phun lửa, quả đất vẫn không chết. Những bệnh hoạn dân chúng không làm chết con người.
Tuy nhiên ai theo dõi lâm sàng xã hội, thỉnh thoảng cũng lắc đầu. Những người khỏe nhất, những người tình cảm nhất, những người lý trí vững vàng nhất, cũng có những phút động dao.
Tương lai có đến không? Hình như người ta có thể đặt câu hỏi đó ra khi thấy bóng tối dày kinh khủng. Cuộc đối diện đen tối giữa lũ ích kỷ và những kẻ khốn cùng. Ở phía bọn ích kỷ thì những thành kiến, những ngu dốt trong một nền giáo dục trưởng giả, sự thèm khát càng tăng do say sưa thỏa mãn, sự choáng váng làm điếc tai vì cảnh phồn vinh phát đạt, nỗi sợ khổ đau lên đến trạng thái ghét cả người đau khổ ở một số, sự tự mãn gắt gao, cái “tôi” bơm phồng len đến bịt kín tâm hồn; ở phía kẻ khốn cùng thì sự háo hức, lòng ghen tị, sự hằn thù đối với kẻ hưởng thụ, những chấn động sâu xa ở con thú người nhằm về nhu cầu, những tấm lòng mờ mịt mù sương, sự buồn thảm, cái cần dùng, cái định mệnh, cái dốt nát đục ngầu và ngây ngô.
Có nên tiếp tục ngước mắt lên trời hay không? Cái điểm sáng nhìn thấy ở trê cao có thuộc loại sẽ tắt không? Lý tưởng thật kinh khiếp khi nhìn nó xa lắ trong bóng sâu, nhỏ bé, trơ trọi, khó trông thấy, ánh sáng đấy, nhưng bọc giữa những đe dọa tối sầm, quái dị vây quanh nó. Tuy vậy lý tưởng chẳng chút lâm nguy, cũng như một ngôi sao giữa những cụm mây há hốc.
Nguồn: http://forums.vinagames.org/