CHƯƠNG 2: NỮ HẦU TƯỚC ĐỜ GĂNG (1667)
Vào khoảng cuối năm 1657 một cỗ xe ngựa trông rất tồi tàn, không phù hiệu, đến đỗ trước cửa một ngôi nhà phố Hốttơphơi, ở đây cũng đã có hai cỗ xe đỗ trước, lúc đó vào khoảng tám giờ tối. Một người hầu lập tức nhảy xuống xe để mở cửa thì một giọng êm dịu, tuy hơi run run, ngăn lại và nói:
- Đợi một lát để tôi còn xem có phải đây không đã.
Rồi một cái đầu trùm kín trong khăn xa tanh đen, người ta không thể thấy được bộ mặt thò ra ngoài cửa kính và nhìn lên trên như muốn tìm một dấu hiệu gì trên bề mặt ngôi nhà, nói tiếp:
“Đúng đây rồi, cái bảng kia kìa”.
Cửa xe liền mở ra, hai người đàn bà bước xuống. Sau khi đưa mắt lên kiểm tra lại một lần nữa ở cái bảng dài sáu piê rộng hai piê đóng đinh vào tường phía dưới cửa sổ tầng hai, trên biển có đề mấy chữ: “BÀ VOAZANH - TIÊN TRI TƯỚNG SỐ” hai người liền đi nhanh vào một lối đi, cửa không khóa.
Hai người đàn bà lạ mặt ấy, mà một có vẻ ở tầng lớp cao hơn người kia nhiều, không dừng lại sau khi đã bước qua cửa, vẫn cứ tiếp tục tiến lên thang gác của một tầng nữa.
Trên đầu cầu thang có một người lùn mặc quần áo dị thường theo kiểu những tên hề ở thế kỷ XIV. Thấy hai người đàn bà đi lên, anh lùn liền giơ một cái que lên chắn ngang lối đi và hỏi hai người đi đâu.
- Đến xin ý kiến thần linh - Người đàn bà có giọng êm dịu và run run đáp.
- Vậy mời vào và xin chờ.
Nói xong anh lùn vén một chiếc thảm lên rồi mở một cánh cửa đưa hai người vào một phòng đợi. Theo lời anh lùn, hai người chờ đến nửa giờ, chẳng nghe thấy gì, chẳng trông thấy gì. Rồi bỗng nhiên một cái cửa lấp sau một tấm thảm mở ra. Một giọng nói cất lên:
- Mời vào!
Hai người đàn bà đi vào phòng thứ hai căng toàn đèn, chỉ có một chiếc đèn ba bấc treo trên trần chiếu sáng. Cánh cửa lại đóng lại sau lưng họ và họ thấy mình đứng trước một mụ tướng số.
Mụ ta trạc 25, 26 tuổi. Trái với những người đàn bà khác, mụ muốn làm cho mình già đi, mụ mặc toàn đồ đen, bím tóc, cổ, cánh tay và bàn chân để trần, ở thắt lưng thắt xung quanh người có gài một hòn ngọc thạch to phát ra những tia lửa ảm đạm. Mụ cầm ở tay một chiếc que và ngồi trên một thứ trông như cái bục gỗ ba chân, ở đây toát lên một thứ hương thơm mùi hắc và lâu tàn.
Lúc hai người khách bước vào, họ thấy mụ tướng số đang tỳ trán vào hai bàn tay như mê mải suy nghĩ điều gì. Mười phút sau mụ mới ngẩng đầu lên, như chỉ đến lúc ấy mụ mới biết là có hai người đứng trước mặt mụ.
- Người ta còn muốn gì tôi thế này? - Mụ hỏi - Chỉ khi nào xuống mồ tôi mới được nghỉ sao?
- Xin lỗi bà, - Bà có giọng êm dịu nói: - Nhưng tôi muốn biết...
- Bà hãy im đi! - Mụ tướng số nói với một vẻ trang nghiêm. Tôi không cần biết sự việc của bà. Bà phải hỏi Thần linh ấy. Thần có tính cả ghen và cấm không cho ai biết bí mật của Thần. Tôi chỉ có thể giúp bà đề nghị và tuân theo Thần mà thôi.
Nói xong mụ bước xuống, đi sang buồng bên cạnh và trở lại ngay, mặt tái mét hơn lúc trước, một tay cầm cái hỏa lò đang cháy và tay kia một tờ giấy đỏ. Ngay lúc ấy ba ngọn lửa của đèn trên trần tối lại và căn phòng chỉ còn được chiếu sáng bởi cái hỏa lò. Mọi vật trong phòng đều được nhuộm một màu kỳ lạ làm cho hai bà khách không thể không sợ hãi nhưng rút lui thì chậm quá rồi.
Mụ tướng số đặt hỏa lò ở giữa nhà rồi chìa tờ giấy đỏ cho người đàn bà có giọng êm dịu và nói:
- Bà viết vào đây điều bà muốn biết! Khách cầm lấy tờ giấy và viết: “Tôi có trẻ không, đẹp không? Tôi là thiếu nữ, phụ nữ hay bà góa? Đó là quá khứ - Tôi phải lấy chồng hay lại lấy chồng lần nữa? Tôi sẽ còn sống lâu hay chết trẻ? Đó là tương lai”.
Rồi đưa tờ giấy cho mụ tướng số và hỏi: - Bây giờ tôi còn phải làm gì nữa cho cái này? - Tôi không đọc, bà hãy bọc nó xung quanh cục sáp này! Mụ bói số đáp và đưa cho khách một cục sáp. Cả hai thứ này đều sẽ cháy hết ngay trước mắt bà. Thế là Thần linh biết được những bí mật của bà. Trong ba ngày nữa bà sẽ nhận được thư trả lời.
Bà khách làm theo lệnh của mụ tướng số, rồi mụ ta cầm lấy cục sáp có tờ giấy bọc quanh, ném nó vào trong hỏa lò. Mụ tướng số nói:
- Bây giờ mọi việc đã làm theo thể thức rồi. Cômut đâu (anh lùn bước vào). Dẫn hai bà ra xe.
Ba ngày sau, theo như lời mụ tướng số đã hứa, bà khách xinh đẹp lúc ngủ dậy thấy trên mặt bàn ngủ có một bức thư chữ viết lạ, nội dung thư như sau:
“Bà trẻ, bà đẹp, bà góa bụa, đó là hiện tại.
“Bà sẽ đi bước nữa, bà sẽ chết trẻ và chết một cách thê thảm. Đó là tương lai”.
“Thần Linh”
Câu trả lời viết trên một tờ giấy giống như tờ giấy bà đã viết câu hỏi. Bà hầu tước tái mặt và khẽ kêu lên một tiếng hãi hùng. Câu trả lời về quá khứ hoàn toàn đúng làm bà càng lo sợ, nó cũng sẽ đúng cho tương lai.
Bà khách đã đến thăm mụ tướng số ấy chẳng phải ai khác bà Nary đờrôxan mà thời con gái có tên là Satô Blăng, là tên một trong những mảnh đất của tổ tiên: ông Jôanit đờnôxe có một gia tài khoảng năm sáu trăm nghìn livrơ.
Năm bà mười ba tuổi, nghĩa là vào năm 1649, bà lấy ông hầu tước Cattôlan, một lãnh chúa đại quí tộc, con trai ông Jănglơcruen và bà Janđơcattrơ, tình nhân của ông. Hãnh diện về sắc đẹp của người vợ trẻ, hầu tước Cattêlan, sĩ quan trong đội chiến thuyền của Nhà vua, vội vã mang vợ đến trình diện trước Triều đình. Vua Luy XIV, lúc đó vào khoảng hai mươi tuổi, bị choáng mặt vì sắc đẹp kiều diễm ấy, đã khiêu vũ hai lần với người đẹp trong buổi tối hôm ấy, làm thất vọng biết bao sắc đẹp nổi danh thời bấy giờ. Và để tăng thêm tiếng tăm cho nàng, bà Crittin trứ danh của Thụy Điển, đã nói rằng trong tất cả các vương quốc mà bà đã đi qua, bà chưa thấy một phụ nữ nào đẹp như thế.
Người ta biết rằng một người phụ nữ được ca ngợi như vậy ở giữa một triều đình lịch sự nhất thế giới không thể nào thoát khỏi được những lời vu khống của đối thủ.
Khi người ta biết tin vụ đắm các chiến thuyền ở bể Xyxin và cái chết của vị chỉ huy là hầu tước Cattêlan, bà hầu tước tỏ lòng trung thành đầy thích đáng. Mặc dù đã ăn ở với chồng đầu tiên trong bẩy năm sau khi cưới, bà chưa có được một say mê mãnh liệt nào với chồng, bà cũng rút lui về ở với mẹ chồng và từ bỏ hoàn toàn mọi quan hệ với xã hội.
Sáu tháng sau khi chồng chết, bà hầu tước nhận được thư của ông ngoại, ông Jôanit đờnôxe, giục bà đến ở Avinhông để kết thúc thời kỳ góa bụa. Chính là lúc mà mụ Voazanh tướng số còn trẻ mà đã được người ta nói đến. Nhiều bạn gái của bà hầu tước Cattêlan đã đến xem và đều nhận được những lời tiên đoán lạ lùng mà một số do người tướng số có tài hoặc do một sự trùng hợp kỳ lạ, được thực hiện đúng như lời tiên tri. Nghe các bạn gái kể chuyện lại, tất nhiên là có thêm thắt tâng bốc, bà hầu tước trẻ không cưỡng nổi lòng tò mò. Cho nên trước khi đi Avinhông, bà đã đến xem tướng như chúng tôi đã kể ở đoạn trên, và chúng ta cũng biết bà đã nhận được những câu trả lời ra sao.
Bà hầu tước không phải là người mê tín, nhưng những lời tiên tri ác liệt ấy cứ in sâu vào trí óc bà và để lại một vết sâu không gì xóa nổi, kể cả thú vui về thăm quê hương, cả tình cảm của ông ngoại, cả những thắng lợi mà chẳng bao lâu nữa bà sẽ thu được. Nhưng chính những thắng lợi ấy lại làm cho bà mệt mỏi, bà phải xin phép ông ngoại được rút lui vào một tu viện để để nốt tang chồng ba tháng nữa.
Ở đây bà được nghe lần thứ nhất nói đến một người đàn ông nổi tiếng về đẹp trai cũng như bà nổi tiếng về đẹp gái. Con người được Chúa Trời ưu đãi ấy là hầu tước Đờgăng, nam tước ở Lănggôđốc và thống đốc ở Xanh Angirê trong giáo khu Uxét. Bà hầu tước nghe nói đến tên ông luôn. Người ta nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng tạo hóa sinh ra hai người như thế là để tặng cho nhau, làm cho bà cảm thấy cũng muốn gặp ông xem ra sao. Tất nhiên về phía ông, ông cũng bị các bạn bè xúi bẩy nên cũng rất muốn được gặp bà hầu tước. Mặt khác, người ông ngoại thấy cháu gái cứ phải cấm cung sống ẩn dật mãi cũng đem lòng thương, nên nhờ ông Đờgăng giúp hộ. Nhận nhiệm vụ đó, hầu tước Đờgăng tới phòng khách xin được gặp nữ ẩn sĩ xinh đẹp. Mặc dù mới gặp lần đầu, thoạt nhìn bà cũng biết ông là ai.
Điều phải xẩy ra đã xẩy ra, bà hầu tước Cattêlăng và ông hầu tước Đờgăng không thể gặp nhau mà không yêu nhau. Cả hai cùng đều trẻ, đẹp. Ông hầu tước thuộc gia đình quí tộc có địa vị, bà hầu tước thì giầu có. Tất cả đều cân xứng trong cuộc xum họp ấy, vì vậy nó chỉ chậm lại trong thời gian cần thiết cho việc hết tang. Đám cưới ấy được cử hành vào đầu năm 1658. Ông hầu tước hai mươi tuổi, bà hầu tước hai mươi hai.
Những buổi đầu của cuộc xum họp ấy hoàn toàn hạnh phúc, ông hầu tước yêu lần đầu tiên, bà hầu tước không còn nhớ là mình đã yêu bao giờ chưa? Một trai và một gái ra đời để tô điểm thêm cho niềm hạnh phúc đó. Bà hầu tước đã hoàn toàn quên những lời tiên đoán tàn nhẫn, hoặc đôi lần có nghĩ đến trong hoàn cảnh này cũng là chỉ để ngạc nhiên tại sao mình lại có thể tin được.
Hầu tước Đờgăng là người chán cuộc hạnh phúc ấy trước. Dần dần những thú vui của tuổi thanh niên cám dỗ ông và ông bắt đầu xa bà để gần gũi các bạn cũ. Về phần bà hầu tước, bà đã hi sinh thói quen giao thiệp cho hạnh phúc gia đình, cũng lại lao ra ngoài xã hội, bà lại thu được những thắng lợi mới. Những thắng lợi mới ấy kích thích lòng ghen tuông của ông hầu tước. Chẳng bao lâu sau, hai ông bà chỉ gặp nhau vào những giờ mà họ không thể làm gì khác là gặp nhau. Về sau, ông hầu tước lấy cớ là phải đi xa có việc cần, rồi cũng chẳng cần tìm lý do nữa, ông không ở nhà ba phần tư thời gian trong năm và để cho bà hầu tước gần như bị góa bụa.
Vào thời kỳ đó, ông hầu tước vì không thể chịu đựng được những lúc mặt đối mặt với vợ, nên ông đã mời hai người anh của ông là Hiệp sĩ và Mục sư Đờgăng, đến nhà ở với ông cho vui.
Mục sư Đờgăng tuy mang danh hiệu ấy nhưng không phải là người của nhà Thờ mà chỉ là để hưởng đặc ân. Y có bộ mặt khá đẹp trai mặc dù trong những lúc sốt ruột nó có vẻ đanh ác. Nói tóm lại y là một tên phóng đãng, ngang tàng và trơ trẽn, thực sự y thuộc vào giới tăng lữ thời bấy giờ.
Hiệp sĩ Đờgăng cũng được hưởng phần sắc đẹp của gia đình. Y là con người tầm thường, không đủ khả năng phân biệt cái xấu cái tốt. Y là một cái máy làm theo ý muốn và cả dục vọng của kẻ khác, một cái máy dữ tợn mà không một lý lẽ nào có thể ngăn chặn được một khi nó đã bị kích động.
Thêm nữa, ảnh hưởng của mục sư đối với hiệp sĩ cũng có phần nào đối với cả hầu tước. Không gia sản, không lương bổng vì mặc áo thầy tu mà không làm việc cho nhà thờ, mục sư đã thuyết phục được hầu tước, một người giàu có, không những của riêng mà còn của vợ nữa là cần phải có một người quản lý gia đình và gia tài của hầu tước mà y sẵn sàng làm việc đó.
Như chúng ta đã biết, nữ hầu tước đã chán cảnh gia đình nên vui lòng nhận ngay. Thế là mục sư đem theo ngay anh mình là tên hiệp sĩ, tên này vẫn cứ bám theo em như một cái bóng mà thực sự cũng chẳng ai thèm chú ý đến cái bóng ấy.
Còn tên mục sư thì trái lại, mới nhìn thấy bà hầu tước, tức em dâu mình, y đã có ngay lòng ham muốn được thỏa mãn dục vọng. Y thấy bà là một phụ nữ đẹp nhất mà y gặp, nhưng y tự chủ được cảm giác của mình. Ngoài một số câu nói có tính chất lịch thiệp, y không để lộ một điều gì làm người nghe phải khó chịu. Tuy nhiên, trong thâm tâm y đã quyết định người đàn bà này phải thuộc về y.
Chẳng bao lâu sau khi hai người mới tới, không khí trong gia đình đã sinh động và vui vẻ hẳn lên. Thêm nữa, bà hầu tước lại rất lấy làm ngạc nhiên là chồng bà đã từ lâu lạnh nhạt với sắc đẹp của bà, nay lại có vẻ như nhận ra bà kiều diễm quá không thể thờ ơ được. Vì vậy, những lời nói của ông dần dần đượm chút tình cảm đã mất từ lâu. Bà hầu tước bao giờ cũng hết lòng yêu chồng, đã phải đau khổ vì bị ông xa lánh. Bà vui vẻ đón nhận sự quay trở lại ấy và ba tháng trôi qua đối với người đàn bà tội nghiệp ấy chỉ là một kỷ niệm xa xăm và hầu như đã bị xóa nhòa.
Với lòng vị tha của tuổi trẻ khát khao hạnh phúc, bà lại thấy sung sướng. Bỗng một hôm bà nhận được thư của một người bạn gái láng giềng mời sang chơi bên lâu đài vài ngày. Chồng và hai anh chồng bà cũng được mời sang cùng với bà. Một cuộc đi săn lớn được chuẩn bị từ trước. Khi mọi người vừa tới nơi, người ta bắt tay ngay vào tổ chức.
Tên mục sư tuyên bố sẽ là kỵ sĩ của bà hầu tước, em dâu y. Vốn là người có lòng tốt, bà nhận lời ngay. Nói theo kiểu ấy, mỗi người đi săn đều chọn lấy một phụ nữ để quan tâm giúp đỡ trong suốt cả cuộc đi săn. Sau khi đã chọn xong, mọi người đi ra nơi hẹn.
Sự việc diễn biến theo như thường lệ. Những con chó săn đuổi theo thú săn, chỉ vài ba người thợ săn đuổi theo chó, còn mọi người đều lạc đường theo ý riêng.
Tên mục sư, với danh nghĩa phục vụ bà hầu tước đã không rời bà một phút nào. Đó là cơ hội mà y đã tìm kiếm từ một tháng nay với biết bao thận trọng mà bà hầu tước đã tìm cách lẩn tránh bấy lâu. Do đó, ngay sau khi nhận thấy vụ lạc đường này là do sự cố tình của tên mục sư, bà liền thúc ngựa quay lại, phóng ngược chiều với chiều vừa mới đi. Nhưng bị mục sư ngăn lại. Bà hầu tước không thể cưỡng lại được, đành phải chờ xem anh chồng mình sẽ giở trò gì với bộ mặt kiêu hãnh và khinh khỉnh mà phụ nữ thường dùng để tỏ cho người đàn ông biết chớ có hy vọng gì. Im lặng một lát, tên mục sư nói:
- Tôi muốn hỏi bà xem bà có biết chồng bà đã thay đổi thái độ đối với bà không?
- Có chứ, và tôi đã cảm ơn Chúa đã đem lại cho tôi hạnh phúc đó.
- Thưa bà, thế là bà nhầm đấy! - Mục sư nói tiếp với nụ cười mà chỉ y có. - Chúa chẳng liên quan gì đến đây cả. Bà nên cảm ơn Chúa đã ban cho bà sắc đẹp và sự duyên dáng nhất trần gian. Chúa sẽ có nhiều hành động mỹ miều chờ đợi ở bà mà đáng lẽ là của tôi.
- Thưa ông anh chồng tôi, - Bà hầu tước lạnh lùng, -Tôi không hiểu ông anh định nói gì?
- Thưa bà em dâu thân mến! Tôi xin nói rõ để bà hiểu. Chính tôi là tác giả của phép mầu nhiệm mà bà đã cám ơn Chúa, vậy bà phải biết ơn tôi mới đúng. Chúa khá là giàu để không lấy cắp của người nghèo.
- Thưa ông anh, ông nói đúng! Nếu vì ông mà tôi có được sự quay trả lại ấy của chồng tôi mà trước đây tôi không biết, vậy bây giờ tôi xin cảm ơn ông trước, sau đó tôi cảm ơn Chúa đã gợi cho ông ý nghĩ tốt đẹp ấy.
- Vâng! Nhưng Chúa đã gợi cho tôi ý nghĩ tốt đẹp ấy mà nó chẳng mang lại cho tôi điều tôi mong đợi, thì Chúa cũng rất có thể gợi cho tôi một ý nghĩ xấu.
- Ông muốn nói thế là thế nào?
- Tôi muốn nói rằng tất cả mọi người trong gia đình chỉ có một ý chí. Ý chí đó là của tôi, rằng tinh thần của các anh em tôi đều xoay xung quanh ý chí đó như chong chóng trước gió, và ý chí đó đã thổi đến niềm ấm áp thì cũng có thể thổi đến sự giá lạnh.
- Thưa ông anh, tôi vẫn chờ sự giải thích của ông.
- Vậy thì, thưa cô em dâu thân mến của tôi! Nếu cô cứ cố tình không hiểu tôi, tôi sẽ giải thích rõ ràng hơn. Em tôi đã xa lánh cô vì ghen tuông. Tôi thấy cần phải cho cô có một ý niệm về quyền lực của tôi đối với em trai tôi và mức độ của sự thờ ơ. Tôi đã báo cho nó biết nghi ngờ cô là sai lầm và đã đem lại cho nó sự mãnh liệt của tình yêu. Vậy thì tôi chỉ việc nói lại với nó là chính tôi đã lầm và có nghi ngờ một người đàn ông nào đó. Vậy là tôi sẽ làm cho nó xa lánh cô như đã làm cho nó nhích lại gần. Tôi không cần phải đưa ra dẫn chứng về điều tôi vừa nói, cô biết rõ là tôi đã nói hoàn toàn đúng.
- Ông diễn cái tấn hài kịch đó để làm gì?
- Để tỏ cho cô thấy rằng tùy ý tôi, tôi có thể làm cho cô buồn hay vui, được vui hay bị ruồng bỏ, được quí mến hay bị thù ghét. Bây giờ cô hãy nghe tôi nói đây này, tôi yêu cô!
- Ông chửi tôi đấy à! - Bà hầu tước kêu lên và giật dây cương ra khỏi bàn tay tên mục sư.
- Xin cô em chớ có to tiếng, vì đối với tôi, tôi xin báo trước là chẳng có tác dụng gì đâu. Không bao giờ người ta nói người ta yêu lại là chửi người đàn bà. Chỉ có điều là người ta có hàng ngàn cách khác nhau để buộc người đàn bà ấy phải đáp ứng tình yêu đó. Lỗi là ở chỗ người ta dùng cách nào đó thôi.
- Tôi có thể biết ông đã dùng cách nào đó không? - Bà hầu tước nói với nụ cười đầy khinh bỉ.
- Cách độc nhất có thể thành công đối với một người phụ nữ bình tĩnh, lạnh lùng và mạnh mẽ như bà là gây lòng tin tưởng vào lợi ích của bà một khi bà đáp ứng tình yêu của tôi. Bà có toàn quyền muốn nói với chồng thế nào thì tùy ý. Bà cứ việc nhắc lại từng câu từng lời của cuộc nói chuyện này của chúng ta. Bà có thể thêm thắt vào đó tất cả những gì bà muốn, dù đúng dù sai để buộc tội tôi. Rồi sau khi đã thuyết phục được chồng rồi, sau khi bà đã tin tưởng vào chồng bà, tôi chỉ cần nói hai câu là hắn sẽ trở mặt như trở bàn tay ngay. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói với bà, tôi không giữ bà nữa. Bà có thể tìm thấy ở tôi một người bạn tốt hay một kẻ tử thù. Bà hãy suy nghĩ kỹ.
Nói xong tên mục sư buông dây cương ngựa của bà hầu tước. Bà cho ngựa đi nước kiệu để tỏ ra chẳng sợ hãi cũng chẳng vội vã gì. Tên mục sư đi theo bà và cả hai người lại tham gia vào cuộc săn.
Tên mục sư đã nói đúng. Mặc dù bị dọa dẫm, bà hầu tước cũng phải suy nghĩ đến ảnh hưởng của con người đó đối với chồng bà mà nhiều phen bà đã thấy bằng chứng, vì vậy bà giữ im lặng, hy vọng vì thế mà làm cho y phải sợ hãi, y cũng chẳng đến nỗi nào. Về điểm này bà đã lầm to.
Tuy vậy tên mục sư cũng muốn đánh giá xem sự từ chối của bà hầu tước là do tiết hạnh thực sự của bà hay do ác cảm với cá nhân y.
Còn tên hiệp sĩ thì đẹp trai, hắn muốn tìm cách tỏ cho bà em dâu biết là hắn yêu bà. Vấn đề đó không có gì khó khăn. Chúng ta đã biết khi mới nhìn thấy bà hầu tước, tên hiệp sĩ đã có cảm tưởng gì. Nhưng hắn biết trước em dâu hắn đã nổi tiếng là sắt đá nên hắn không dám có ý định tán tỉnh bà. Tuy nhiên hắn cũng bị ảnh hưởng bởi sự khuất phục của bà đối với những ai đến gần bà, hắn nguyên là tên đầy tớ trung thành của bà.
Về phần bà hầu tước, bà chẳng có lý do gì mà hắt hủi sự vồn vã ân cần của hắn mà bà cho là tình bạn. Bà coi hắn là người anh chồng, nên trong quan hệ với hắn, bà cũng dễ hơn với những người khác.
Tên mục sư đến tìm tên hiệp sĩ. Sau khi đã chắc chắn chỉ có mình hai đứa với nhau, tên mục sư nói:
- Hiệp sĩ này, hai anh em ta cùng yêu một người đàn bà, người đàn bà đó lại là vợ em trai chúng ta. Tôi có thể làm chủ được mối dục vọng của tôi cho nên tôi có thể hi sinh nó mà nhường cho anh vì tôi thấy hình như anh có ưu thế hơn tôi. Vậy anh cố gắng xác minh mối tình đó mà tôi tin là người đàn bà ấy có với anh. Đến ngày anh đạt tới mục tiêu ấy, tôi xin rút lui hoàn toàn. Nếu không, tức anh thất bại, anh hãy vui lòng rút lui nhường chỗ đó cho tôi. Đến lượt tôi sẽ thử xem có thật trái tim ấy là không thể chiếm được như người ta nói không?
Tên hiệp sĩ không bao giờ dám nghĩ là hắn có khả năng chiếm được người phụ nữ ấy, nhưng khi thấy em trai mình không vì lợi ích cá nhân, đã làm trỗi dậy ý nghĩ là mình có thể được yêu. Thế là tất cả những gì có tính chất máy móc về tình yêu và về tính tự ái trong con người hắn nhẩy chồm lên ôm lấy ý kiến đó, hắn bắt đầu tăng gấp đôi sự chăm sóc và ve vãn em dâu. Về phần bà hầu tước, bà chẳng hề bao giờ có ý nghĩ xấu, cho nên lúc đầu bà còn vui vẻ tiếp đón tên hiệp sĩ và càng khinh bỉ tên mục sư. Nhưng chẳng bao lâu, tên hiệp sĩ bày tỏ rõ ràng hơn. Bà hầu tước kinh ngạc, lúc đầu còn nghi ngờ, để cho hắn bày tỏ cụ thể ý định của hắn. Thế là bà liền ngăn hắn lại bằng vài lời nói nặng nề như đã làm với tên mục sư.
Trận thất bại ấy làm cho tên hiệp sĩ hết hy vọng vì hắn làm gì có ý chí quyết tâm như em trai, hắn liền đi thú thật hết với tên mục sư. Tên này chỉ đợi có thế, trước hết là thỏa mãn được lòng tự ái của y, sau nữa là y bắt tay vào thực hiện ý đồ của mình. Y nhào nặn sự xấu hổ của tên hiệp sĩ thành một mối hận thù. Và sau khi tin chắc là có được sự hỗ trợ của tên hiệp sĩ và cả là đồng lõa nữa, y bắt đầu chiến dịch chống bà hầu tước.
Mỗi một ngày bà hầu tước lại thấy chồng bà lạnh nhạt với mình hơn. Mặc dù sự dò xét là vô hình, bà cũng cảm thấy mình bị bao vây cả đến sinh hoạt thầm kín. Còn về hai tên mục sư và hiệp sĩ, chúng vẫn cứ thế. Tên mục sư che giấu mối hận thù của y dưới một nụ cười quen thuộc. Còn tên hiệp sĩ giấu mối giận hờn dưới một vẻ lạnh nhạt và cứng nhắc mà những con người tầm thường hay dùng mỗi khi tính kiêu căng bị thương tổn.
Cùng ngay thời gian ấy, ông ngoại của bà hầu tước mất. Thêm vào tài sản của bà vốn đã khá giả, một tài sản mới trị giá sáu bảy trăm nghìn livrơ.
Theo luật La Mã còn thịnh hành thời bấy giờ, món tài sản tăng thêm vào tay bà hầu tước ấy là tài sản ngoài của hồi môn, nghĩa là nó đến sau khi cưới nên không thuộc vào của hồi môn, người đàn bà có toàn quyền sử dụng và hưởng lợi tức. Người chồng chỉ được quyền ấy khi vợ nhượng cho hoặc bằng di chúc.
Vài ngày sau khi bà hầu tước được hưởng gia tài to lớn của ông ngoại, chồng bà và các anh chồng thấy bà mời một chưởng khế tới để xác lập quyền lợi của bà, hành động đó chứng tỏ gia đình nhà chồng chẳng được hưởng gì vào đấy.
Vào thời kỳ đó, một sự kiện lạ lùng xảy ra. Trong một bữa ăn của nhà hầu tước, người ta phục vụ món kem để tráng miệng, tất cả những người ăn món kem đó đều bị đau bụng. Ông hầu tước và hai người anh không ăn nên không việc gì. Món kem bị nghi ngờ là nguyên nhân gây ra bệnh, nhất là bà hầu tước đã ăn hai lần, chỗ còn thừa được mang ra phân tích và được xác nhận là trong có chất độc ácxênich (thạch tín). Nhưng do pha lẫn với sữa là chất khử độc, nên tác dụng của chất độc không còn mấy. Vì tai họa không trầm trọng nên người ta đổ lỗi cho nhà bếp đã nhầm lẫn ácxênich với đường, nên mọi người bỏ qua hoặc hình như bỏ qua.
Nhưng rồi dần dần ông hầu tước có vẻ nhích lại gần với vợ. Tuy nhiên, lần này bà hầu tước không để mình bị mắc bịp nữa. Bà đã nhìn thấy bàn tay ích kỷ của tên mục sư, nó đã xúi em trai là bảy trăm nghìn livrơ thêm vào gia đình cũng bõ công bỏ qua một số vụn vặt.
Vào mùa thu cả nhà đến ở Găng, một thành phố nhỏ ở phía Lănggôđốc. Mặc dù là vấn đề thông thường vì ông hầu tước là lãnh chúa ở thành phố đó và có một lâu đài ở đấy, thế mà lúc nghe thấy chồng báo tin đó, bà hầu tước thấy rùng mình một cách đặc biệt. Bỗng nhiên bà nhớ tới lời tiên tri. Lại mới đây vụ âm mưu bỏ thuốc độc càng làm bà lo sợ thêm. Nhưng không dám khẳng định và nghi ngờ hai người anh chồng, nhưng bà cảm thấy họ là những kẻ thù khốc liệt.
Cuộc hành trình sang một thành phố nhỏ để tạm trú trong một lâu đài biệt lập ấy, chẳng có dấu hiệu gì là tốt lành cả. Nhưng có phải vì những lý do đó mà từ chối được sao? Bà hầu tước không dám thú thật mối lo sợ của mình vì như vậy là buộc tội chồng và các anh chồng. Vả lại lấy chứng cớ nào mà buộc tội họ? Vụ kem có thuốc độc không phải là một bằng chứng được xác minh.
Tuy vậy bà cũng thấy trước khi từ giã Avinhông, cần thiết phải làm một tờ di chúc mà từ ngày ông ngoại mất, bà đã có ý định làm. Một vị chưởng khế được mời đến để tiến hành làm việc đó. Mẹ bà hầu tước được là người thừa kế bao quát và quản lý di sản cho đến khi hai đứa con của bà hầu tước đến tuổi trưởng thành sẽ trao lại cho chúng. Hai đứa con ấy, một đứa là trai sáu tuổi và một gái năm tuổi.
Nhưng như thế bà hầu tước vẫn còn cảm thấy chưa yên tâm vì bà bị một ấn tượng sâu sắc là không thể còn sống sau cuộc hành trình này. Đêm hôm đó bà bí mật triệu tập các vị thẩm phán ở Avinhông và nhiều người thuộc những gia đình cao cấp của thành phố. Trước mặt họ, bà tuyên bố một cách rõ ràng là trong trường hợp bà bị chết, bà đề nghị các vị làm chứng có mặt tại đây chỉ công nhận là thực, là tự nguyện, là tự chủ. Ngoài tờ di chúc mà bà ký hôm nay, tất cả những di chúc ký sau chỉ được coi là giả tạo do cưỡng bức hoặc do mưu kế. Tuyên bố xong, bà viết lại tờ di chúc và ký tên trước mặt mọi người làm chứng ấy mà bà coi là những người bảo vệ nó.
Hôm sau, trước ngày khởi hành đi Găng, bà đến thăm tất cả những nhà từ thiện, những tổ chức tôn giáo, tới đâu bà cũng tặng những món tiền lớn để cầu phúc cho bà. Buổi tối bà đi chào vĩnh biệt tất cả những bạn bè thân thiết với tình cảm và nước mắt như gặp gỡ nhau lần cuối cùng. Suốt đêm đó bà cầu nguyện và khi chị hầu phòng vào đánh thức, chị thấy bà vẫn quỳ nguyên tại chỗ mà bà đã quỳ hồi đêm.
Mọi người khởi hành đi Găng. Trên đường đi không xẩy ra sự cố gì. Đến lâu đài, bà hầu tước gặp bà mẹ chồng, một người đàn bà hoàn toàn cao quí và ngoan đạo. Sự gặp mặt ấy, dù chỉ trong chốc lát, cũng làm bà yên tâm đôi chút. Người ta để dành cho bà một căn phòng thuận tiện và lịch sự nhất trong lâu đài, các tiện nghi đã được xếp đặt từ trước. Phòng ở gác một và trông xuống một cái sân, bốn bề đều là những chuồng ngựa.
Ngay tối hôm đầu, bà phải ngủ ở đấy, bà đã thăm dò căn buồng rất kỹ. Bà kiểm tra bốn bức tường, khám xét những tấm thảm, không thấy chỗ nào đáng phải lo ngại.
Thế rồi sau một thời gian, bà mẹ của hầu tước dời khỏi Găng để quay về Môngpeliê. Hai hôm sau nữa ông hầu tước nói có việc bận gấp buộc phải đi Avinhông, và ông từ biệt lâu đài.
Vậy là bà hầu tước ở lại một mình với tên mục sư, tên hiệp sĩ và một giáo sĩ tư tế tên là Peret đã phục vụ gia đình đó từ hai mươi nhăm năm nay, số gia nhân còn vài người.
Khi mời đến lâu đài, bà hầu tước đã quan tâm đến việc xã giao trong thành phố. Sự thận trọng đó không phải là vô ích.
Đáng lẽ chỉ phải qua mùa thu ở Găng, nhưng bà hầu tước lại nhận được thư chồng buộc bà phải ở lại đây cả mùa đông nữa. Trong thời gian đó hai tên mục sư và hiệp sĩ có vẻ như đã hoàn toàn quên hết những ý đồ đầu tiên của chúng đối với bà và đã trở thành những người anh kính trọng và biết quan tâm đến em dâu.
Một hôm, tên mục sư bước vào phòng bà khá đột ngột để gặp bà, không cho bà có đủ thời gian lau nước mắt. Bắt được quả tang như vậy để dễ có điều kiện tâm sự. Bà hầu tước thú thật bà không có chút hạnh phúc nào trên đời chừng nào chồng bà còn đối xử với bà xa lánh và thù địch. Tên mục sư cố gắng an ủi bà. Trong những câu an ủi, hắn nói rằng tất cả nỗi buồn sầu ấy đều do nguyên nhân tại bà, rằng chồng bà đã có thể bị tổn thương vì không được bà tin cậy, dẫn chứng là việc làm di chúc vừa rồi, càng bị mất thể diện vì nó làm công khai và chừng nào tờ di chúc còn tồn tại, bà sẽ không hy vọng gì được chồng bà quay trở lại.
Lần này câu chuyện dừng lại ở đây.
Vài ngày sau, tên mục sư lại vào buồng bà hầu tước, tay cầm một bức thư mà hắn nói là vừa nhận được của em trai hắn. Bức thư đề ngoài là thư riêng, nội dung đầy những lời lẽ than phiền dịu dàng về thái độ của vợ đối với mình, mỗi một câu lại chứa đựng một tình cảm sâu sắc.
Đầu tiên bà hầu tước rất xúc động về bức thư đó, nhưng sau khi đã suy nghĩ kỹ về thời gian từ cuộc giải thích của tên mục sư đến bức thư, bà thấy có đủ thì giờ để chồng bà biết tin. Bà chờ đợi những tin tức mới để được bảo đảm hơn.
Trong khi đó, lấy cớ là để giảng hòa giữa hai vợ chồng, tên mục sư hàng ngày đến thúc giục bà về tờ di chúc. Trong những lần thúc giục ấy, bà hầu tước cảm thấy có vấn đề đáng lo ngại. Bà bắt đầu lại thấy những nỗi kinh hoàng trước đây tràn ngập trong lòng. Sau cùng bị tên mục sư thúc đẩy gay gắt quá, bà nghĩ rằng sau khi đã làm sự việc thận trọng ở Avinhông rồi, một tờ viết lại cũng sẽ chẳng có tác dụng gì nữa, vậy nên nhượng bộ hơn là giữ căng thẳng với con người đã làm bà bao phen phải kinh hoàng.
Tới khi hắn trở lại vấn đề đó, bà liền trả lời bà sẵn sàng tặng chồng thứ bằng chứng ấy về tình yêu của bà. Bà cho đi mời một chưởng khế ở Găng. Trước mặt tên mục sư và tên hiệp sĩ, bà viết một tờ di chúc mới giao quyền thừa kế bao quát cho chồng. Tờ di chúc thứ hai này đề ngày 5 tháng 5 năm 1667.
Hai anh em tên mục sư tỏ vẻ rất vui mừng với bà hầu tước vì thấy nguyên nhân của sự bất hòa giữa hai vợ chồng thế là được xóa bỏ. Vài ngày trôi qua trong niềm hy vọng ấy thì một bức thư của ông hầu tước đến báo tin ông sắp trở về Găng.
Ngày 16 tháng 5, bà hầu tước quyết định uống thuốc vì bà thấy hơi bị đau từ hai tháng nay. Bà báo tin cho người dược sĩ biết và yêu cầu ông pha chế cho một liều thuốc tùy theo ý ông, hôm sau gửi cho bà. Sáng hôm sau, theo giờ đã hẹn, liều thuốc uống được gửi đến. Nhưng bà thấy nó đen và đặc quá nên không dám uống. Bà liền mở tủ lấy ra mấy viên thuốc, tuy là không công hiệu bằng, nhưng vốn thường dùng nên không có gì phải lo ngại.
Sau giờ bà hầu tước dùng thuốc, hai anh em tên mục sư cho người đến hỏi thăm sức khỏe, bà trả lời là bà khỏe và mời chúng đến dự một bữa ăn phụ vào bốn giờ chiều do bà tổ chức để chiêu đãi một số các bà bạn ở ngoài phố.
Một giờ sau hai anh em tên mục sư lại cho người đến hỏi thăm sức khỏe bà một lần nữa, bà chẳng cần chú ý đến phép lịch thiệp quá mức ấy, bà trả lời chúng như lần trước.
Bà hầu tước phải nằm trên giường để tiếp các bạn đến dự bữa ăn, bà vui vẻ hơn bao giờ hết. Đến giờ hẹn, các khách ăn tới, hai anh em tên mục sư cũng có mặt. Mọi người được mời vào bàn ăn. Tên mục sư ngồi vào bàn, còn tên hiệp sĩ ngồi tỳ người vào chân giường. Tên mục sư có vẻ đăm chiêu, còn tên hiệp sĩ nhìn trừng trừng vào em dâu, hắn thấy em dâu xinh đẹp hơn bao giờ hết.
Khi bữa ăn kết thúc, mọi người ra về. Tên mục sư tiễn đưa các bà, còn tên hiệp sĩ ở lại với em dâu. Khi tên mục sư vừa ra khỏi, bà hầu tước thấy tên hiệp sĩ mặt tái mét và đang đứng hắn phải ngồi phịch xuống chân giường. Bà thắc mắc hỏi hắn vì sao, nhưng trước khi hắn trả lời, bà đã phải chú ý sang phía khác.
Tên mục sư cũng tái mét và cũng rã rời như tên hiệp sĩ, bước vào buồng, một tay cầm cốc, tay kia cầm khẩu súng ngắn, hắn đóng cửa buồng lại và vặn hai vòng khóa. Thấy thế bà hầu tước hốt hoảng nhổm nửa người trên giường, nhìn mà không nói được một câu, không thốt ra được một lời.
Tên mục sư lại gần bà, cặp môi hắn run run, tóc hắn dựng ngược, hai mắt nảy lửa, hắn giơ cho bà cái cốc và khẩu súng ngắn, và nói sau một lúc im lặng rợn người:
- Bà hãy chọn lấy một thứ, thuốc độc, gươm (hắn ra hiệu cho tên hiệp sĩ rút gươm ra) hoặc súng.
Bà hầu tước đã có hy vọng lúc thấy tên hiệp sĩ rút gươm ra tưởng hắn lại cứu mình, nhưng rồi biết ngay là mình lầm. Bà đã thấy mình ở giữa hai người đàn ông đang đe dọa. Bà trườn xuống giường và ngã quì xuống.
- Thôi đủ rồi, - Tên mục sư nói tiếp - Bà tự quyết định nhanh lên, nếu không chúng tôi sẽ quyết định hộ.
Bà hầu tước quay lại một lần nữa về phía tên mục sư, trán bà chạm phải nòng súng, bà hiểu ngay là mình phải chết và chọn loại chết nào đỡ ghê nhất, bà nói:
- Vậy cho tôi uống thuốc độc và cầu Chúa tha tội cho các ông về cái chết oan uổng của tôi.
Nói xong bà cầm lấy cái cốc, nhưng khi nhìn thấy trong cốc nước đen xì và đặc quá bà khiếp sợ và muốn thử lại lần nữa, nhưng một câu chửi dữ tợn của tên mục sư và một cử chỉ đe dọa của tên hiệp sĩ làm cho tia hy vọng cuối cùng của bà tắt ngấm. Bà đưa cốc lên môi và lẩm bẩm một lần cuối cùng.
- Lạy Chúa, xin Chúa hãy thương lấy con!
Và bà đưa cốc lên môi uống cạn. Một vài giọt nước đen rơi vãi xuống ngực và đốt cháy da bà ngay tức khắc như chạm vào hòn than hồng. Tưởng không còn bị ép buộc nữa, bà buông cốc rơi xuống đất.
Bà lầm, tên mục sư nhặt cốc lên và nhận thấy ở đáy cốc còn có thuốc lắng xuống, hắn liền lấy một cái thìa con vét hết chỗ lắng đọng, được độ bằng hạt dẻ, hắn đưa cho bà hầu tước và nói:
- Này bà, hãy nuốt hết chỗ cặn này đi!
Bà hầu tước đành phải chịu, bà há miệng ra, nhưng đáng lẽ nuốt nó, bà giữ lại trong miệng, bà kêu lên một tiếng và ném mình vào trong đống chăn. Lợi dụng cơ hội đó bà nhè chỗ cặn thuốc ra chăn không để cho hai tên sát nhân biết, rồi quay lại phía chúng bà nói:
- Nhân danh Chúa! Các ông đã giết chết phần xác tôi, còn phần hồn mong các ông để cho nó yên. Vậy các ông gọi đến cho tôi một giáo sĩ rửa tội.
Dù chúng có độc ác đến đâu, một cảnh tượng như vậy hẳn cũng đã bắt đầu làm chúng mệt mỏi. Vả lại sau khi đã uống như vậy cũng đủ chết rồi, bà chỉ còn có thể sống được ít phút nữa thôi, cho nên chúng chấp thuận yêu cầu đó và đi ra đóng cửa lại sau lưng chúng. Nhưng khi vừa thấy chỉ còn một mình, điều kiện chạy trốn đã có thể được, bà liền chạy ra cửa sổ, nó chỉ cao hơn mặt đất hai mươi hai piê, trông ra một mảnh đất đầy đá tảng.
Lúc bấy giờ bà hầu tước chỉ mặc có độc một chiếc áo lót mình, bà vội mặc thêm một chiếc váy. Trong lúc bà đang cài khuy đã nghe thấy tiếng bước chân đang tiến lại gần buồng mình. Bà cho đó là hai tên sát nhân đã quay lại để kết liễu đời mình, bà liền chạy như điên cuồng ra phía cửa sổ. Lúc bà vừa đặt chân lên thành cửa sổ, cửa buồng mở ra. Bà hầu tước chẳng còn tính toán gì nữa, bà lao ra ngoài, đầu đi trước. May thay người mới đến chỉ là tên giáo sĩ tư tế, hắn kịp thời giơ tay ra nắm được cái váy. Cái váy mỏng manh nên không đủ sức giữ được trọng lượng của người, nó rách toạc ra, tuy nhiên nó cũng đủ sức thay đổi chiều hướng rơi của thân thể. Đáng lẽ bà rơi xuống vỡ đầu, lại rơi chân xuống trước nên chỉ bị đau chân. Mặc dù bị ngã choáng váng, bà cũng trông thấy có vật gì đang lao xuống sau mình, bà liền nhẩy một bước sang bên cạnh. Đó là cái bình đầy nước mà tên giáo sĩ đã ném theo bà sau khi thấy bà đã thoát được tay hắn. Bình vỡ tan cạnh chân không làm bà bị thương. Và tên giáo sĩ thấy mình ném trượt liền chạy về phía sau để báo tin cho hai anh em tên mục sư biết nạn nhân đã chạy trốn.
Còn về bà hầu tước, lúc vừa đứng lên được, bà đã có được một sự nhanh trí đáng phục: bà cho nắm đuôi tóc của mình vào trong cổ họng và ngoáy liền mấy cái để cố làm cho nôn ra. Cũng may mà trong bữa ăn thết khách ban chiều bà đã ăn khá nhiều, lượng thức ăn đó đã làm bà dễ nôn, nhất là ngăn chặn một phần tác dụng của thuốc độc. Những thứ bà vừa tống ra có một con lợn thả rông ăn phải liền chết ngay tại chỗ.
Như chúng tôi đã nói, căn phòng trông ra một cái sân. Cái sân đó bị bao quanh bởi những chuồng ngựa, cho nên khi bà hầu tước lao ra được tới sân, bà tưởng như lại bị rơi vào một nhà tù mới. Nhưng lập tức bà trông thấy có ánh lửa le lói trong một chuồng ngựa, bà vội chạy lại đấy và trông thấy một người chăn ngựa đang chuẩn bị đi ngủ. Bà khẽ kêu lên:
- Anh bạn ơi! Nhân danh Chúa, cứu tôi với! Tôi bị bỏ thuốc độc: Người ta muốn giết tôi! Mong anh rủ lòng thương tôi, hãy mở cửa ra để tôi chạy trốn.
Người chăn ngựa không hiểu hết lời nói của bà, nhưng thấy một người đàn bà đầu tóc rối bù, gần như trần truồng đang cầu cứu mình, anh liền bế bà lên đưa qua chuồng ngựa ra ngoài phố. Lúc ấy có hai người phụ nữ đi qua, anh liền giao bà cho hai người đó mà chẳng giải thích được gì. Còn bà chỉ nói được mấy câu: “Hãy cứu tôi với! Người ta muốn giết tôi! Nhân danh Chúa, hãy cứu tôi với!”.
Bỗng nhiên bà giật ra khỏi tay hai người phụ nữ đó và cắm đầu chạy như điên cuồng: bà vừa thoáng thấy cách bà hai chục bước, trên bậc cửa mà bà vừa đi ra, hai tên sát nhân của bà đang đuổi theo. Thế là chúng lao theo bà. Bà kêu bà bị đầu độc, chúng kêu bà là con điên. Dân chúng đi hai bên đường chẳng hiểu phải trái ra sao, chỉ biết giãn ra cho nạn nhân chạy và cho lũ sát nhân đuổi theo. Sự khiếp đảm làm cho bà có một sức mạnh phi thường. Người đàn bà ấy xưa nay chỉ quen đi trong những đôi giày bằng lụa, trên những tấm thảm nhung, bây giờ chạy chân không đẫm máu trên đường rải đá sỏi, vừa chạy vừa kêu cứu mà chẳng có ai đáp ứng cả.
Cuối cùng tên hiệp sĩ đuổi kịp, nó cản bà lại và lôi bà vào một ngôi nhà gần nhất, mặc bà la hét. Hắn đóng cửa lại, tên mục sư đứng chặn cửa, tay cầm súng ngắn dọa bắn vỡ sọ kẻ nào cả gan đến gần.
Căn nhà mà tên hiệp sĩ lôi bà hầu tước vào là của ông Đêpra. Lúc này ông đang đi vắng, bà vợ ông đang tiếp một số bạn gái. Bà hầu tước và tên hiệp sĩ vẫn giằng co nhau bước vào buồng khách. Nhiều bà khách đã từng tham gia phòng khách của bà hầu tước nên biết bà. Thấy bà trong tình trạng như thế, nhiều bà đứng lên chạy lại giúp bà. Nhưng tên hiệp sĩ đẩy các bà đó ra và nhắc lại là bà ấy đang lên cơn điên. Để trả lời câu vu khống đó mà trạng thái bề ngoài của mình rất giống với người điên, bà hầu tước liền chìa cổ mình bị bỏng và cặp môi đen xì, và xoắn hai tay vào nhau đau đớn, bà kêu lên là bà bị đầu độc và sắp chết, bà van nài xin một cốc sữa hoặc ít nhất cũng một cốc nước. Bà Brunen đứng gần đấy liền luồn vào tay bà một hộp kẹo viên, nhân lúc tên hiệp sĩ quay đi, bà nuốt vội được vài viên; đồng thời một bà khác đưa cho bà cốc nước, nhưng vừa lúc bà đưa cốc lên miệng, tên hiệp sĩ liền giơ tay đập vỡ cốc trước hai hàm răng bà, một mảnh làm toạc môi. Tức thì các bà khách liền phẫn nộ muốn lao vào tên hiệp sĩ để tước vũ khí của nó, nhưng bà hầu tước lại sợ làm như vậy nó sẽ nổi nóng nên bà đề nghị để cho bà được nói chuyện một mình với nó. Tên hiệp sĩ chỉ mong có thế. Tất cả mọi người rút sang buồng bên cạnh.
Khi chỉ còn lại hai người, bà hầu tước chắp hai tay lại quì xuống trước mặt nó rồi dùng một giọng dịu dàng và tha thiết nhất để nói với nó:
- Anh thân mến, nếu anh rủ lòng thương em, để cho em được sống, em xin thề có Chúa chứng giám em sẽ không hề bao giờ nghĩ đến sự việc vừa xẩy ra và sẽ mãi mãi coi anh là cứu tinh của em, là một người bạn tốt của em.
Bỗng nhiên bà hầu tước thét lên một tiếng và đưa hai tay lên ôm lấy ngực bên phải, trong lúc bà đang nói, tên hiệp sĩ đã rút gươm ra mà bà không biết, gươm của nó rất ngắn và đã sử dụng như dao găm, nó đâm vào ngực bà, tiếp theo là nhát thứ hai trúng vào xương bả vai nên không sâu lắm. Bị hai nhát đâm ấy, bà hầu tước vùng chạy trốn vào phía cửa buồng khách là nơi có các bà khách, vừa chạy bà vừa kêu:
- Cứu tôi với, nó giết tôi!
Nhưng trong thời gian bà chạy tới cửa buồng, tên hiệp sĩ đã đâm cho bà thêm năm nhát nữa vào lưng. Có thế là nó còn muốn đâm thêm nữa nếu nhát cuối cùng không bị gẫy, và nhát đó nó đâm quá mạnh đến nỗi mẩu gươm gẫy còn cắm sâu trong vai. Bà hầu tước ngã úp xuống mặt đất, bơi trong vũng máu lênh láng.
Tên hiệp sĩ tưởng đã giết chết bà rồi. Nghe thấy tiếng các bà khách chạy lại, nó liền lao ra khỏi buồng. Tên mục sư vẫn còn đứng trên bậc cửa, tay cầm khẩu súng ngắn, nó kéo tay đi và nói:
- Mục sư à, việc đã xong rồi.
Hai tên sát nhân vừa chạy được vài bước trong phố thì một cửa sổ mở toang ra, các bà khách đã trông thấy bà hầu tước sắp chết, liền kêu cứu. Nghe tiếng kêu, tên mục sư liền dừng lại và nắm tên hiệp sĩ kéo lại hỏi:
- Này hiệp sĩ, lúc nãy anh nói thế nào? Nếu người ta kêu cứu tức là nó chưa chết.
- Theo tao thì tao đã làm xong phận sự của tao rồi. Bây giờ đến lượt mày trở lại mà xem.
- Đúng là tôi định như vậy.
Nói xong nó lại lao vào trong nhà, bước nhanh vào buồng đúng lúc các bà khách đang nâng bà hầu tước lên một cách khó khăn, vì bà yếu quá không còn sức với bản thân nữa. Tên mục sư gạt các bà ra, sán đến gần bà hầu tước, nó tỳ nòng súng vào ngực bà, nhưng lúc nó sắp bóp cò thì bà Brunen, người đã cho hộp kẹo, liền nâng nòng súng lên. Viên đạn đáng lẽ xuyên qua ngực bà hầu tước thì lại cắm lên trần. Tên mục sư liền cầm ngược nòng súng và giáng một đòn thật mạnh lên đầu bà Brunen làm bà lảo đảo suýt ngã. Nó định giáng tiếp một đòn nữa, nhưng các bà đã xúm cả vào, vừa nguyền rủa, vừa đẩy nó ra ngoài và đóng cửa lại. Lập tức hai tên sát nhân lợi dụng ban đêm trốn thoát ra khỏi thành phố Găng và chúng đến Obơnca cách đấy một dặm lúc mười giờ đêm.
Trong khi đó các bà khách chăm sóc bà hầu tước. Trước hết họ định đặt bà lên giường, nhưng vì mẩu gươm gẫy còn ở lưng không thể làm thế được. Người ta thử rút nó ra nhưng không được vì nó cắm sâu vào trong xương. Lập tức bà hầu tước hướng dẫn cho bà Brunen cách làm: ngồi lên giường, hai tay nắm chặt lấy mẩu gươm, hai đầu gối tì lên lưng giật mạnh một cái. Phương pháp đó thành công và bà hầu tước nằm được lên giường. Lúc ấy vào khoảng chín giờ tối. Như vậy là tấn thảm kịch đó đã diễn ra trong ba giờ.
Viên lãnh sự ở Găng được tin báo cáo về sự việc xảy ra, bắt đầu tin thực sự là một vụ ám sát, ông thân chinh đi tới cùng với một người lính.
Vừa trông thấy hai người đi vào, bà hầu tước hoảng sợ, tưởng hai tên sát nhân lại đến, bà dùng hết sức nhổm người trên giường chắp hai tay vào nhau cầu xin được che chở. Ông lãnh sự liền nói mấy câu để bà yên lòng, ông cho lính gác đứng canh khắp các cửa ra vào trong khi cho người hỏa tốc đi mời bác sĩ ở Môngpeliê. Ông báo cho ông Trittrăng, quân cảnh trưởng ở Lănggờđốc biết về vụ ám sát và tên tuổi diện mạo hai tên sát nhân. Lập tức ông quân cảnh trưởng cho người đi truy lùng, nhưng chậm quá rồi. Ông biết tin hai tên giết người đã ngủ đêm ở đấy hôm đó. Chúng đã mắng chửi nhau về sự vụng về và suýt nữa thì bóp cổ nhau. Sau đó chúng ra đi trước lúc trời sáng và đã xuống tầu ở gần Atđe.
Ông hầu tước Găng đang ở Avinhông để theo đuổi một cuộc kiện cáo. Ông kiện người đầy tớ của ông đã lấp cắp một số tiền là hai trăm êcu, ông nhận được tin về tấn thảm kịch trong gia đình. Lúc nghe người liên lạc kể chuyện lại, ông tái người đi một cách ghê gớm, nguyền rủa hai người anh và thề rằng chúng sẽ không có đao phủ nào khác ngoài ông.
Tuy rất thắc mắc về tình trạng của vợ, ông hầu tước để đến mãi trưa hôm sau mới về. Tới Găng đã bốn ngày sau vụ ám sát, ông tới nhà ông Đêpra xin được vào thăm vợ. Được tin chồng về, bà hầu tước đồng ý tiếp ngay. Ông đi vào buồng, nước mắt nước mũi đầm đìa, bứt tóc bứt tai, tỏ vẻ hết sức thất vọng. Nhưng lúc còn lại một mình với vợ, ông liền nói với bà là ông về để đề nghị bà thủ tiêu lời tuyên bố của bà ở Avinhông trước mặt các vị thẩm phán và các bạn bè quí tộc, nếu không tờ di chúc của bà mới viết ở Găng mà tên mục sư đã chuyển cho ông sẽ không có giá trị. Nhưng về điểm này bà hầu tước rất là cương quyết, bà tuyên bố rằng gia tài của bà là để dành cho các con. Đối với bà điều đó là thiêng liêng, bà không thể thay đổi được việc đã làm ở Avinhông. Đó là tình cảm chân chính và cuối cùng của bà.
Mặc dù bị vợ từ chối, ông hầu tước vẫn tiếp tục ở lại gần vợ và phục vụ bà với tất cả chăm sóc của người chồng tận tâm.
Thầy thuốc tuyên bố bà rất yếu không đủ sức chịu đựng một cuộc di chuyển về nhà bà, điều đó rất nguy hiểm. Vậy là bà hầu tước chỉ còn nghĩ đến cái chết, tâm trí bà đều tập trung vào những điều thiêng liêng. Bà yêu cầu được làm lễ thánh thể. Trong khi chờ đợi, bà lại một lần nữa xin lỗi chồng và tha thứ cho các anh chồng. Thái độ lúc đó của bà rất hiền dịu, cộng với sắc đẹp làm cho bà có vẻ thần tiên. Tuy vậy, lúc cha cố bước vào để làm lễ, thái độ của bà lại đột nhiên thay đổi, bộ mặt của bà lộ ra vẻ hãi hùng hoảng sợ. Bà vừa nhận ra cha cố ấy là tên Peret khốn kiếp đồng lõa với tên mục sư, nó đã ném cái bình nước toan hại bà, nó đã chạy đi báo cho hai tên sát nhân đuổi theo bà.
Nhưng rồi bà lấy lại được bình tĩnh ngay. Thấy tên cha cố chẳng chút hối hận bước lại gần giường, bà không muốn tố cáo hắn gây chuyện ầm ỹ mà làm gì trong một khu như thế này. Tuy nhiên bà cũng ghé vào tai hắn nói:
- Thưa cha, tôi mong rằng để nhớ tới điều đã xẩy ra và để xóa bỏ những nỗi lo sợ mà tôi có quyền có, cha không nên khó khăn mà không chia xẻ với tôi tấm bánh thánh, vì tôi thường nghe nói rằng trong bàn tay những kẻ tàn bạo, xác của đức chúa Jêsu của chúng ta đã trở thành tượng trưng cho cái chết.
Tên cha cố cúi đầu tỏ vẻ đồng ý. Bà hầu tước chịu lễ ban thánh thể như vậy. Bà cầm chiếc bánh thánh chia nhau với một trong những kẻ đã giết bà để làm chứng bà đã tha tội cho nó cũng như cho những tên kia. Bà cầu xin Chúa và loài người tha tội cho chúng như bà đã làm.
Những ngày sau trôi đi và bệnh tình bà không thấy trầm trọng thêm. Như vậy là mọi người đã hy vọng, chỉ trừ có bà, bà hiểu tình trạng của mình hơn ai hết, bà không một lúc nào có ảo tưởng ấy. Bà giữ con trai bà, lúc bấy giờ lên bẩy tuổi, luôn luôn ở bên giường bà, lúc nào cũng nói với nó phải nhìn mẹ nó thật kỹ vào để nó nhớ đến bà suốt đời và không bao giờ quên cầu nguyện cho bà.
Ngày 3 tháng 5, ông Catalăng nghị sĩ ở Tuluzơ đến Găng với tất cả nhân viên cần thiết để làm việc. Nhưng tối hôm ấy ông không gặp bà hầu tước được vì bà đang ngủ một giấc như trong cơn ngất, như vậy bà sẽ không được sáng suốt để khai báo. Ông đành phải chờ đến sáng hôm sau.
Hôm sau ông nghị sĩ Catalăng đến nhà ông Đêpra. Mặc dù có hơi bị cản trở bởi những người chăm sóc bà, ông cũng vào gặp được bà. Bà tiếp ông với tinh thần tỉnh táo đáng ngạc nhiên làm ông nghị Catalăng tưởng hôm qua người ta có ý định cản trở ông tiếp xúc với nạn nhân. Lúc đầu bà hầu tước không muốn nói gì về sự việc đã xẩy ra vì bà không muốn vừa tha thứ vừa kết tội. Nhưng vì ông Catalăng bảo bà cần phải nói lên sự thật với luật pháp, nếu thiếu những tài liệu cụ thể, luật pháp sẽ lầm đường, có thể sẽ trừng trị oan những người vô tội, trong khi đó những kẻ có tội lại được thoát thân. Lý lẽ này làm cho bà hầu tước quyết định trong một giờ rưỡi sẽ kể hết những chi tiết của tấn thảm kịch.
Hôm sau ông Catalăng còn cần phải đến nữa, nhưng bệnh tình bà hầu tước xấu đi nhiều. Ông nhìn thấy tận mắt, không dám nài thêm sợ làm bà mệt, vả lại ông đã được biết hết những điều cần biết rồi.
Bắt đầu từ hôm đó bà bị đau đớn dữ dội. Mặc dù bà đã cố gắng chịu đựng đến cùng, bà cũng không thể kìm được những tiếng kêu la lẫn tiếng cầu nguyện. Cứ như thế qua ngày mùng bốn, sang một phần ngày mùng năm là ngày chủ nhật, vào quãng bốn giờ chiều bà thở hơi cuối cùng.
Ngay sau đó người ta cho mổ xác và các thầy thuốc xác nhận rằng nạn nhân chỉ chết vì thuốc độc. Trong bẩy vết đâm, không vết nào có thể gây chết người được. Người ta thấy dạ dầy và các ruột gan đều bị đốt cháy và bộ óc bị đen. Tuy vậy tờ biên bản viết, mặc dù thuốc độc đó có thể giết chết một con sư tử trong vài giờ, thế mà bà hầu tước đã chống đỡ được trong mười chín ngày.
Cũng ngay sau khi được tin cái chết của bà hầu tước, ông Catalăng cho lính đến lâu đài Găng bắt ông hầu tước, tên giáo sĩ và tất cả các người đầy tớ, chỉ trừ có người chăn ngựa đã giúp bà hầu tước chạy trốn. Viên chỉ huy đội lính đến bắt, thấy hầu tước đang đi dạo rất buồn rầu và xúc động trong một phòng lớn của lâu đài. Lúc biết tin mình bị bắt, ông không kháng cự chút nào. Như đã đợi sự việc đó từ trước, ông trả lời ông sẵn sàng tuân lệnh và mục đích của ông là theo đuổi những kẻ đã giết vợ ông đến cùng. Người ta hỏi chìa khóa buồng làm việc, ông giao ngay, và có lệnh lập tức giải ông và những tội phạm khác đến nhà tù Môngpeliê.
Ông Catalăng lập tức bắt đầu cuộc lấy khẩu cung. Ông hầu tước là người đầu tiên và phải tốn mười giờ. Rồi những tội phạm lại bị chuyển đến nhà tù Tuluzơ. Một đơn của bà Rốtxăng, mẹ đẻ bà hầu tước, tố cáo gay gắt các tội phạm. Bà phân tích một cách sáng suốt sự tham gia của ông hầu tước vào tội ác cùng với hai người anh, nếu không bằng hành động thì cũng bằng tinh thần, bằng ý muốn và bằng ý chí.
Sự bảo vệ của ông rất đơn giản, ông đã bị thống khổ vì có hai người anh là hung thủ, chúng phạm trước hết vào danh dự, sau đến vào tính mạng của một người đàn bà mà ông yêu tha thiết. Chúng đã bắt bà phải chết một cách khủng khiếp, và để cho nỗi thống khổ được toàn vẹn, ông lại bị buộc vào tội tòng phạm mặc dù ông vô tội.
Qua các vụ thẩm xét, người ta chỉ có thể buộc cho ông hầu tước những tội về tinh thần. Những tội đó không đủ để kết tội tử hình.
Ngày 21 tháng 8 năm 1667 tòa án đã xét xử và kết tội đập chết hai tên mục sư và hiệp sĩ. Còn đối với ông hầu tước thì bị trục xuất vĩnh viễn khỏi vương quốc, tài sản bị tịch thu, chức quí tộc bị tước bỏ và không có khả năng kế thừa của cải của các con. Còn tên cha cố Peret bị kết án khổ sai chung thân sau khi đã bị tước hết các chức vụ về đạo giáo.
Vụ xét xử ấy đã gây một dư luận lớn không kém gì hồi xảy ra vụ án mạng, nó trở thành đề tài cho những cuộc thảo luận sôi nổi và gay gắt, ông hầu tước có phạm tội, đồng lõa hay không. Nếu không thì kết tội ông như vậy là quá nặng, nếu có thì xét xử như vậy là quá nhẹ.
Nguồn: http://vnthuquan.org/