Tác giả: Victor Hugo
Dịch giả: Hoàng Lâm và Lệ Chi
Giải Nobel Văn học 1962
Nguồn: http://vnthuquan.net/
Độ dài: 10 phần
Lời giới thiệu:
Nếu không kể những cuốn tiểu thuyết đầu tay như Buye Jacgan (1819), Han Đi-xlăngđơ (1823)... thì Thằng Cười là bộ tiểu thuyết lớn thứ tư của Victo Huygô (1802-1885), nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch lớn của Pháp thuộc trường phái lãng mạn. Trước Thằng Cười, Huygô, nhà tiểu thuyết đã lừng danh với các bộ Nhà thờ Đức bà Paris (1831), Những người khốn khổ(1862), Lao động ngoài biển cả (1866). Ông sẽ còn cho ra mắt bộ tiểu thuyết lớn thứ năm nữa là Chín mươi ba (1874).
Victo Huy-go viết xong Thằng Cười năm 1868 dưới thời Napôlêông III, khi đó nhà văn đương sống lưu đày tại hòn đảo Ghecnơxây thuộc lãnh thổ Anh trên biển Măngsơ. Ông sẽ rời hòn đảo trở về tổ quốc thân yêu hai năm sau đó, khi nền Đế chế của Napôlêông sụp đổ.
Bộ tiểu thuyết chia thành ba phần, gồm 101 chương, không kể hai chương mở đầu đưa chúng ta đến với nước Anh cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, chủ yếu dưới các triều đại của dòng họ Xtiua: Giăc II (1685 - 1688) và Annơ Xtiua, lên ngôi từ 1701. Một vài sự kiện được đặt vào bối cảnh nước Anh dưới triều vua Ghiôm III thuộc dòng họ Naxô có xu hướng tiến bộ hơn xen giữa hai triều đại kia. Trải ra trước mắt chúng ta khi là bãi biển Porlan hoang vắng vào một đêm đông giá lạnh, khi là vùng ngoại Ô Luân Đôn ngựa xe, hàng quán dập dìu, có lúc tác giả đưa ta vào chốn cung điện nguy nga, nơi có nữ hoàng Annơ, có nữ công tước Giôzian, em của nữ hoàng, có hội đồng nguyên lão, có tên Backin-phêđrô quỷ quái; lúc khác tác giả lại đưa ta đến với gánh hát rong của "triết gia" Uyêc-xuyt có con sói Ômô, cô gái mù Đêa và "Thằng Cười" mặt mũi méo mó Guynplên.
Guynplên tên thật là Fecmên vốn là con của huân tước Linơx Clăngsacli, một người có tư tưởng cộng hòa, căm ghét nền quân chủ nên đã cam chịu kiếp sống lưu đày bên Thụy Sĩ sau khi vương triều Xtiua được phục hồi. Âm mưu làm cho dòng họ Clăngsacti phải tuyệt diệt để trừ "mầm loạn" về sau,vua Giăc II đã sau tay chân bắt đứa con trai của huân tước khi em mới hai tuổi và bí mật đem bán cho bọn buôn người Comprasicôx, chúng dùng phẫu thuật đặc biệt làm ấy hình đổi dạng bộ mặt vốn xinh đẹp của em, khiến cho bộ mặt trở thành xấu xí lúc nào trông cũng như đương nhăn nhở cười, ngay cả lúc không cười ngay cả những lúc muốn khóc, để dùng cho những gánh xiếc.
Sau khi triều vua Giăc II bị lật đổ, có lệnh truy nã và nghiêm trị bọn comprasicôx. Vào một đêm giông bão năm 1690, chúng liền tìm đường vượt biển chạy trốn, bỏ lại Guynplên trơ trọi trên bờ, lúc đó mới mười tuổi. Chú lang thang suốt đêm, gặp bao cảnh hãi hùng, lại nhặt được một em bé gái mù sắp bị chết vùi trong tuyết, trên bộ ngực gầy giơ xương của người mẹ đã lạnh cứng.
Guynplên cởi áo của mình ra ủ cho em rồi bế em đi, đi mãi, đi mãi trước sự ghẻ lạnh của mọi nhà, cuối cùng may mắn gặp cái lều-xe cua ông già phúc hậu Uyêcxuyt, được ông cưu mang rồi tổ chức thành gánh hát rong.
Mười lăm, mười sáu năm sau, trong triều đình xảy ra bao chuyện kèn cựa và âm mưu đen tối: nữ hoàng Annơ chẳng ưa gì Giôzian. cô em con ngoại tình của đức vua cha, vừa trẻ vừa đẹp hơn mình lại được thừa hưởng bao nhiêu tài sản của huân tước Clăngsacli; Backinphêđrô lại tìm ra tung tích của Guynplên. Thế là nữ hoàng quyết định phục hồi tước vị cho Guynplên và buộc cô em xinh đẹp phải lấy làm chồng người đàn ông xấu nhất trần gian ấy. Guytlplên bị cảnh sát đến bắt, đưa vào triều, còn gánh hát của Uyêcxuyt bị trục xuất khỏi nước Anh. Guynplên lẻn được ra khỏi triều đình nhưng buồn bã, chán chường, định tự tử vì người yêu của anh là Đêa và bố nuôi là Uyêcxuyt không còn đấy nữa. May con sói Ômô tìm được anh, dẫn anh xuống chiếc tàu kịp lúc tàu vừa rời bến. Quá xúc động trước sự xuất hiện bất ngờ của Guynplên, cô gái mù chết trên tay anh; còn Guynplên cũng nhảy xuống sông chết theo, để lại trên đời ông già Uyêcxuyt và con sói Ômô đau khổ.
Victo Huygô đã đưa vào tiểu thuyết Thằng Cười không biết bao nhiêu chi tiết lịch sử có thật của nước Anh thời bấy giờ với tên tuổi các ông vua, các nữ hoàng, nữ công tước, các vị nguyên lão, với việc miêu tả tỉ mỉ chốn cung điện, các nghi thức triều đình, với cả ngày tháng "chính xác", địa điểm "chính xác" của các sự việc xảy ra, nhưng đấy lại không phải là một bộ tiểu thuyết lịch sử mà hoàn toàn do trí tưởng tượng bay bổng lãng mạn của ông hư cấu nên. Những chi tiết xem chừng chính xác chỉ nhằm mục đích làm cho câu cho câu chuyện có vẻ như thật. Vì vậy nhiều khi những chi tiết ấy không nhất thiết hoàn toàn chính xác.
Thằng Cười cũng như các tiểu thuyết khác của Victo Huygô là thế giới riêng của ông do ông sáng tạo, với hệ thống nhân vật được xây dựng theo kiểu riêng của ông, và với một bút pháp độc đáo. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, các văn nghệ sĩ chân chính đều có niềm khát khao cháy bỏng muốn thể hiện chân thực cuộc sống, nhưng không ai muốn biến tác phẩm của mình thành một bản sao chép cuộc sống.
Dường như giữa tác phẩm và đối tượng miêu tả cần phải có một "khoảng cách" nào đấy, một "độ trệch", một sự "biến dạng" nào đấy, nhưng khoảng cách, độ trệch hay sự biến dạng đó lại phải có tác dụng trở lại thể hiện cuộc sống sinh động hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn. Giá trị thẩm mỹ của tác phẩm là ở chỗ ấy và cũng từ đó xuất hiện những phong cách và trường phái khác nhau. Có nhà văn muốn các nhân vật thần thánh để nói lên xã hội loài người, có tác phẩm, thần thánh lại được thay thế bằng thế giới động vật, chủ nghĩa hiện thực giải quyết vấn đề ấy bằng phương pháp xây dựng điển hình; Điđơrô phân biệt cái thật trong tự nhiên và cái thật ở chốn kịch trường; nhiều người phân biệt "cái thật" trong cuộc đời với "cái giống như thật" trong tác phẩm... Victo Huygô đi theo hướng xây dựng cái phi thường.
Trước hết là kiểu nhân vật phi thường. Dưới ngòi bút của Huygô, hầu như các nhân vật chính đều là những mẫu người có một không hai. Nhà văn dùng thủ pháp cường điệu để đẩy một vài khía cạnh nào đấy của nhân vật tới sát ranh giới của cái cực đoan. Ta thử ngắm chân dung nhân vật chính Guynplên: mồm bị rạch rộng hoác đến tận mang tai, môi phanh ra, phô nào răng. nào lợi, mũi bị cắt xẻo hầu như không còn, hai tai căng bạnh, gò má rúm lại, lông mày nhăn nheo; thật là ma chê quỷ hờn. Đã thế lại thêm cái... cười không phải làm cho bộ mặt bớt ghê rợn đi mà trái lại càng kinh khủng hơn. Có lẽ ta chỉ có thể bắt gặp được những bộ mặt xấu xí sánh ngang được với Guynplên trong thế giới nhân vật của chính Huygô mà thôi. Quadimôđô của tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Pari, Tơribulê của vở kịch Nhà vua vui chơi.
Đi sâu vào cõi lòng con người, nói đến tâm hồn đen tối thì ai có được với Băckinphêđrô? Hắn tìm mọi cách để trả thù nữ công tước Giôzian không hề xử tệ với hắn. Giôzian đã giúp cho hắn thỏa mãn yêu cầu được bổ nhiệm vào chức "mở nút chai các đại dương” mà có ngờ đâu đấy là giúp cho hắn làm hại mình nhiều năm về sau. Băckinphêđrô ấp ủ cái tâm địa trả thù năm này qua tháng khác, hắn bố trí những mưu kế ngoắt ngoéo, hắn mai phục lâu đài, hắn đào hàm ngang ngách dọc ngầm dưới chân Giôzian, cuối cùng bao nhiêu tai hoạ lại trút cả lên đầu Guynplên và những người thân yêu của anh!
Victo Huygo thường khắc họa những cái xấu xa đến độ kệch cỡm ở hình dáng bên ngoài hay trong thế giới nội tâm của nhân vật, nhưng bên cái xấu còn có cả cái tốt và các tốt dưới ngồi bút của ông cũng thường được đẩy lên tới mức trác việt. Có thể nói Uyêcxuyt là một tấm lòng vàng. Ai là người không cảm động trước thái độ ân cần, chăm chút của ông già nghèo khổ ấy đối với Guynplên và Đêa? Có lúc ông cáu kỉnh, nhiều khi ông ăn nói cục cằn, nhưng bên trong lồng ngực của ông là trái tim tràn ngập yêu thương của một người cha, một người mẹ và có khi còn hơn thế nữa. Ông là hoá thân của nhân vật Jăng Vănjăng trong tiểu thuyết này. Tên ông là tên một con vật (con gấu), nhưng ông thật sự là một vị thánh!
Đến con sói Ômô, ta cũng có thể gọi nó là một nhân vật chứ nhỉ? Nó không phải chỉ là một con sói khôn mà có trái tim người hẳn hoi. Uyêcxuyt rõ ràng hiểu được điều ấy nên mới đặt tên cho nó là Ômô(Ômô có nghĩa là người). Ai có thể quên được hình ảnh nó ở cuối tác phẩm, đứng cạnh mép thuyền, sủa trong bóng tối mắt nhìn ra biển khơi? Tính chất phi thường của các nhân vật còn được khắc họa bằng nghệ thuật tương phản. Tương phản ngay trong một nhân vật hay tương phản giữa nhân vật này với nhân vật khác. Người ta thường nói "trông mặt mà bắt hình dong", người ngợm làm sao, ruột gan làm vậy. Ở một số nhân vật Victo Huygo rõ ràng có cách nhìn nghệ thuật mới mẻ. Giống như Quadimôđô trong Nhà thờ Đức Bà Pari, mặt mũi Guynplên khủng khiếp bao nhiêu thì tâm hồn anh trong sáng bấy nhiêu. Nhưng diện mạo anh càng ghê rợn càng làm nổi bật tâm hồn cao đẹp phi thường và ngược lại bộ mặt anh đã xấu xí rồi ta càng thấy nó xấu xí hơn đến mức phi lý khi ta biết anh là người thế nào. Nữ công tước Giôzian được nhà văn ban cho một nhan sắc mê hồn chính là để tô cho đậm thêm, đen thêm ruột gan của một con yêu tinh.
Cũng tương tư như vậy cái "mặt nạ" Guynplên được sắp xếp bên cạnh nhan sắc Giôzlan, "thằng hề" gánh hát rong bên cạnh vị nữ công tước, nghèo hèn cực độ bên cạnh giàu sang tột đỉnh. Tính chất cực đoan và tương phản của các mặt vừa đối lập vừa hỗ trợ cho nhau thể hiện cả ở trong văn phong của nhà văn và có mặt hầu như ở từng trang. Chỉ cần lướt qua tiêu đề của chương: "Căm ghét cũng mãnh liệt như yêu quý", "Mầu xanh trong mầu đen". "Trong thù ghét, đối lập lại hoá đồng tâm". "Tưởng nhớ hoá ra quên ". "Mù loà dạy bà sáng suốt"... Và đây là đôi mắt mù của Đêa: "Đôi mắt... đối với cô thì tắt nhưng đối với người khác thì lại long lanh… " Cô ban phát ánh sáng mà bản thân lại không có ánh sáng. Đôi mắt đã biến mất ấy luôn luôn chói ngời. Cô bé tù nhân của bóng tối kia làm bừng sáng cái nơi tăm tối cô sống. Từ tận cùng cõi u minh nan trị của cô. Từ sau bức tường đen gọi là mù loà.
Cô phát toả ra một thứ hào quang. Cô không trông thấy mặt trời bên ngoài. nhưng mọi người lại nhìn thấy trong cô có một tâm hồn. Những nhân vật phi thường được Victo Huygô đặt vào trong những hoàn cảnh phi thường không kém, hầu như không thể xảy ra trong cuộc đời thực. Ta lại bắt gặp ở đây một "khoảng cách", một "độ trệch"; cũng có thể nói nhà văn đã chủ tâm làm "biến dạng" hoàn cảnh đi trong phương pháp thể hiện của ông. Băckinpheđrô chỉ là một viên chức quèn mà lại có thể do ra vào cung điện của nữ hoàng Annơ và dinh cơ của nữ công tước Giôzian!
"Thằng Cười" mặt mũi nom gớm khiếp mà lại được Giôzian đẹp như tiên say đắm "Anh xấu kinh khủng, tôi đẹp tuyệt trần. Anh phường hát rong. Tôi nữ công tước.
Tôi cao sang đệ nhất, anh hèn hạ tột cùng. Tôi ưng anh.
Tôi yêu anh. Anh đến nhé!" Nào có khác gì anh chàng đầy tớ Ruy Blax yêu... hoàng hậu Tây Ban Nha trong kịch của ông!
Cũng trên cơ sở ấy, trong Thằng Cười, nhà văn luôn tạo ra những tình huống đột biến, hết sức bất ngờ, trong giây phút đẩy nhân vật từ thái cực này sang thái cực khác, làm đảo lộn cả số phận. Guynplên đương bị đối chất ở trong hầm tối, từ thân phận kẻ bị bắt bỗng trở thành người được trọng vọng khiến anh choáng váng ngất đi. Khi tỉnh dậy, thấy mình ở trong lâu đài nguy nga, đương hoang mang không biết cạm bẫy nào đây thì có người thưa bẩm: "Đây là tư dinh của ngài". Uyêcxuyt nửa đêm lo lắng đến hầm giam tìm Guynplên vừa đúng lúc người ta đưa quan tài đem đi chôn, nên còn phải nghi ngờ gì nữa. Guynplên sắp lao mình từ trên cầu thang xuống sông thì con sói Ômô ở đâu đến kịp thời liếm vào tay anh! Và bao trùm tên tất cả là sự đột biến, đảo lộn tình thế lớn nhất: anh hề Guynplên từ đáy xã hội bỗng phút chốc trở thành huân tước, nguyên lão nghị viện nước Anh, giàu sang tột tỉnh và là... chồng của nữ công tước Giôzianm nhan sắc tuyệt trần!... Trong lĩnh vực sáng tác văn học, trước Victo Hugo, mỗi nhà văn có cách riêng trong thủ pháp nghệ thuật "biến dạng” tạo ra "khoảng cách” tạo ra "độ trệch” để giải quyết mối quan hệ mang tính thẩm mỹ giữa "cái thật" và "cái giống như thật". Hôme với các nhân vật thần thánh trong các bản anh hùng ca Iliat và Ođixê, Rabơle phóng đại kích thước các nhân vật Găcgăngtuya và Păngtagruyen của ông lên ghê gớm... Victo Huygô không "biến dạng" theo hướng ấy, ông không muốn nhân vật của ông là những bậc siêu nhân hay những đấng khổng lồ. Ông muốn họ là những "con người", con người trần tục, con người với kích thước bình thường của nó, như các nhân vật của Sêcxpia, nhà soạn kịch Anh thời đại Phục hưng mà ông ngưỡng mộ. Thật ra, có thể nói nhân vật của Sêcxpia cũng là những con người "khổng lồ" không phải ở kích thước thân thể mà ở tính cách của chúng. Trí tuệ ai sánh bằng Hămlet, dũng tướng nào bì kịp Ôtelô, còn tên Iagô thì thuộc vào cỡ quỷ sứ... Sêcxpia đã tìm ra cách riêng của ông trong việc sáng tạo "giống như thật" trong tác phẩm của mình. Victo Huygô còn đi xa hơn Sêcxpia trên hướng đó. Ông đẩy tất cả đến mức tuyệt đối, cái xấu, cái đẹp về hình thức và trong nội tâm. Các nhân vật của ông không phải là những mẫu người phức tạp, đa dạng. Trái lại, đã xấu thì xấu kinh khủng, đã tốt thì tốt tuyệt vời.
Trong Thằng Cười, rất hiếm khi nhà văn miêu tả tâm lý giằng xé như trường hợp Uyêcxuyt yêu thương Guynplên và Đêa rất mực nhưng có lúc lại biểu lộ thái độ ghét bỏ đến tàn nhẫn như trong chương Những bộ mặt khác nhau của Uyêcxuyt.
Do đó, các nhân vật trong tiểu thuyết trở thành những biểu tượng đúng như ý đồ nghệ thuật của tác giả mặc dầu ông dụng công làm cho câu chuyện có vẻ như thật bằng cách đặt nó vào khung cảnh không gian và thời gian chính xác. Nhà văn muốn phơi bày ra trước mắt chúng ta một xã hội ở dưới thì lắm cảnh khốn cùng mà bên trên thì xa hoa, bạo tàn và nhiều âm mưu đen tối. Chính Guynplên trong phiên họp của hội đồng nguyên lão đã tự nhận mình là một biểu tượng, biểu tượng của nhân dân. Anh đã thẳng người lên, dũng cảm vạch trần bộ mặt tàn nhẫn và trớ thành nhân vật "nổi loạn".
"Hừ! Các ngài bảo tôi là một biệt lệ! Tôi là một biểu tượng. Hỡi những kẻ ngu ngốc quyền uy rất mực là các ngài, hãy mở to mắt ra. Tôi là hiện thân của tất cả. Tôi tượng trưng cho nhân loại... Các ngài bảo tôi là con quái vật ư? Không, tôi là quần chúng nhân dân... Tôi là "Con Người" “. Victo Huygô mượn nước Anh để nói nước Pháp, tổ quốc thân yêu mà ông buộc phải xa lìa. Giữa độc giả Pháp của ông và câu chuyện kể có một khoảng cách về không gian. Ông mượn thời đại cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII để nói về thế kỷ XIX của ông đương sống.
Bên khoảng cách không gian có khoảng cách thời gian.
Nhưng ông không muốn độc giả mải miết vào câu chuyện xưa mà quên mất ý nghĩa thời sự. Vì vậy ông có ý thức kéo độc giả về với hiện tại bằng cách thỉnh thoảng cho xen vào câu chuyện cũ một số sự việc vừa xảy ra vào thời gian ông đương viết tác phẩm này với đầy đủ các niên đại cụ thể. Do đó trong tác phẩm như có hai bình diện thời gian rõ rệt: thời gian câu chuyện xảy ra và thời gian câu chuyện được kể lại. Về một phương diện nào đấy có thể nói là nhà văn đã sử dụng thủ pháp "gián cách" không để cho độc giả bị mê hoặc bởi câu chuyện cũ mà trái lại tỉnh táo quan sát để có điều kiện hiểu nó sâu sắc hơn.
Hiệu quả "gián cách" càng thể hiện rõ hơn ở nghệ thuật xây dựng cái tương phản, đặc biệt là cái tương phản giữa ngoại hình và nội tâm nhân vật, một nét độc đáo của Victo Hllygô. Rabơle xây dựng các nhân vật khổng lồ, nhưng mọi chi tiết của nhân vật đều được phóng đại với một tỷ lệ tương ứng, hơn nữa giữa tính cách và diện mạo vẫn có mối quan hệ theo lối thường tình, nên vẫn để lại cho chúng ta ấn tượng tự nhiên, hợp lý. Các nhân vật thần thánh trong văn học cổ đại cũng vậy. Nhưng chúng ta không khỏi cảm thấy có cái gì đó kỳ quái khó hiểu ở sự tương phản giữa hai mặt của một Guynplên hay một Giozian. Và chính điều đó đã bắt chúng ta phải suy nghĩ để tìm ra ý nghĩa sâu xa.
Đó là những cái hay, cái đẹp của tiểu thuyết Thằng Cười tuy rằng trong tác phẩm có nhiều trang rườm rà không cần thiết như khi nhà văn kể về các thủ tục bắt bớ của cảnh sát ở nước này nước khác, về lai lịch nguyên lão nghị viện ở Anh, về đá ngầm, bão tuyết trên biển. v. v
Phùng Văn Tửu
10 - 4 – 1985
Ở nước Anh, mọi thứ đều phi thường kể cả cái không tốt, kể cả chế độ đại tộc. Giai cấp quí tộc[1] của Anh mới thật sự là giai cấp quí tộc, trong ý nghĩa tuyệt đối của từ ngữ đó. Không có chế độ phong kiến nào nổi tiếng hơn, khủng khiếp hơn và tồn tại dai dẳng hơn. Chế độ phong kiến ấy đã có tác dụng ở thời điểm của nó, chúng ta phải công nhận điều đó. Hiện tượng ấy, hiện tượng Lãnh quyền, cần được nghiên cứu ngay trên đất Anh, cũng như hiện tượng Vương quyền phải được nghiên cứu ngay trên nước Pháp.
Lẽ ra nhan đề thật sự của cuốn sách này là Chính thể quí tộc[2]. Một cuốn khác tiếp theo có thể lấy nhan đề là Chính thể quân chủ. Cả hai cuốn đó, nếu tác giả hoàn thành được, sẽ ra trước và sẽ dẫn theo một cuốn khác nhan đề: Chín mươi ba.
Hôtơvin-Haozơ, tháng tư 1869
V.H
[1] Nguyên văn Patriciat : danh từ này dùng để chỉ giai cấpvquý tộc thời Cổ La-mã.
[2] Nguyên văn Aristocratie: danh từ này dùng để chỉvchính quyền quý tộc nói chung.
Phần 1: Biển cả và trời đêm
Phần 2: Theo lệnh nhà vua
Phần 3: Bắt đầu rạn nứt