2/4/13

Trà Hoa Nữ (C7-9)

Chương 7

Những loại bệnh như bệnh của Acmân, có được điều may mắn là sẽ giết chết người bệnh ngay tức khắc hoặc sẽ được chữa lành rất nhanh chóng.

Mười lăm ngày sau những biến cố tôi vừa kể trên, Acmân đã bình phục hẳn. Chúng tôi trở thành hai người bạn rất thân. Trong thời gian anh ốm, tôi thường xuyên có mặt ở cạnh anh, ngày tại phòng anh.

Mùa xuân đến đem lại sự tràn ngập của cỏ cây, hoa lá, chim muông và những khúc hát tình tứ. Cửa sổ phòng bạn tôi mở rộng, nhìn ra khu vườn tươi thắm mà những mùi hương dịu dàng bay vào tận phòng anh.

Thầy thuốc cho phép anh được ngồi dậy. Chúng tôi thường ngồi bên cửa sổ được mở rộng nói chuyện với nhau vào những giờ nắng gay gắt nhất, từ trưa đến hai giờ chiều.

Tôi giữ gìn không nhắc đến Macgơrit. Tôi luôn sợ cái tên đó sẽ đánh thức một kỷ niệm buồn bã đã được ru ngủ dưới cái bề ngoài yên lành của bạn tôi. Nhưng Acmân trái lại, hình như sung sướng được nhắc nhở đến nàng, không phải với một giọt lệ trong mắt như ngày xưa, mà với một nụ cười hiền lành, làm tôi yên tâm về trạng thái tâm hồn anh.

Tôi để ý, từ khi đến thăm nghĩa trang lần cuối, từ khi cảnh tượng bốc mộ gây cho anh một cơn xúc động dữ dôi, sự đau đớn tinh thần nơi anh hình như đã được thay thế dần dần bởi cơn bệnh thể xác. Cái chết của Macgơrit không còn hịên ra trước mắt anh trong khung cảnh ngày trước nữa. Một thứ an ủi đã hình thành, sau khi anh đã biết chắc chắn cái sự thật phũ phàng rồi. Và để đẩy lui hình ảnh đen tối thường xuất hiện nơi anh, anh đã đi sâu vào những kỷ niệm sung sướng của những ngày thân ái với Macgơrit, và hình như chỉ còn muốn giữ lại những kỷ niệm đó mà thôi.

Thân thể anh bị suy kiệt quá nhiều vì bệnh sốt, ngay cả lúc đã lành bệnh rồi vẫn không thể cho phép trí óc anh được xúc động mạnh. Và niềm vui mùa xuân của vũ trụ chung quanh Acmân đã đưa tư tưởng anh trở về với những hình ảnh xinh tươi.

Anh luôn luôn cưỡng lại, không chịu tin cho gia đình biết chuyện tai biến đã xảy ra cho anh. Khi anh đã được cứu sống rồi, cha anh vẫn không hề biết gì về bệnh tình của anh cả.

Một buổi chiều, chúng tôi ngồi bên cửa sổ lâu hơn thường lệ. Thời tiết thật đẹp. Mặt trời lặn trong một hoàng hôn xanh tươi và vàng rực. Tuy chúng tôi ở Paris, nhưng màu xanh bao quanh như đã tách rời chúng tôi khỏi thế giới bên ngoài, và thỉnh thoảng mới nghe âm vang một chiếc xe nào xa xa vọng đến xen lẫn vào giữa câu chuyện của chúng tôi.

- Cũng vào khoảng thời gian này trong năm, vào một buổi chiều như chiều hôm nay tôi gặp Macgơrit – Acmân nói, anh như đang lắng nghe những ý nghĩ của chính mình chứ không phải nghe những điều tôi nói với anh

Tôi không trả lời.

Anh quay sang phía tôi, nói tiếp:

- Thế nào tôi cũng phải kể cho anh nghe câu chuyện này. Anh sẽ viết thành một quyển sách. Có thể người ta không tin quyển sách đó, nhưng viết nó ra có thể thú vị đấy.

- Anh sẽ kể cho tôi nghe chuyện đó vào lúc khác, anh bạn ạ, anh chưa được khoẻ lắm đâu.

- Buổi chiều nay trời ấm áp tôi ăn hết một con gà gìo – anh nói với tôi và mỉm cười – Tôi hết sốt rồi. Chúng ta không có việc gì để làm, tôi sẽ kể cho anh nghe tất cả.

- Vì anh nhất định muốn thế, tôi xin nghe.

- Đó là một câu chuyện rất đơn giản. Tôi sẽ kể cho anh theo thứ tự những sự việc đã xảy ra. Nếu sau này anh có làm một cái gì đó, thì tuỳ ý anh, kể khác đi cũng được.

Dưới đây là những điều anh đã kể cho tôi nghe. Và nếu tôi có sửa đổi chăng, thì chỉ vài ba từ nào đó thôi trong câu chuyện cảm động này.

- Vâng – Acmân nói và ngả đầu dựa vào lưng ghế bành – Vâng, đó là một buổi chiều như chiều hôm nay. Tôi đã sống suốt ngày ở đồng quê với một người bạn của tôi, Gatông R… Chiều đến, chúng tôi trở về Paris, và không biết làm gì nữa, chúng tôi vào nhà hát Variêtê.

Trong lúc nghỉ giải lao, chúng tôi ra ngoài. Ra đến hành lang, chúng tôi gặp một người đàn bà đi qua và bạn tôi nghiêng mình chào.

- Anh chào người nào đó? – tôi hỏi.

- Macgơrit Gôchiê - bạn tôi đáp.

- Hình như cô ta thay đổi nhiều, bởi vì tôi không nhận ra được. – Tôi nói với một cảm xúc mà chốc nữa bạn sẽ hiểu.

- Cô ta bị bệnh. Cô gái đáng thương ấy sẽ không còn sống lâu lắm đâu.

Tôi vẫn còn nhớ rõ những lời nói đó, như vừa mới được nói ngày hôm qua đây.

Anh nên biết, anh bạn thân mến, từ hai năm nay rồi, hình ảnh người con gái ấy, dù chỉ một lần gặp gỡ, đã để lại nơi tôi một ấn tượng lạ lùng.

Không hiểu tại sao tôi bỗng tái mặt và tim tôi đập dữ dội. Tôi có nói với một người bạn thân chuyên về khoa học huyền bí. Anh ta gọi cảm xúc đó của tôi là “ái lực của những truyền cảm”. Tôi thì nghĩ một cách đơn giản: định mệnh đã buộc tôi trở thành người phải lòng Macgơrit, và tôi đã tiên cảm được điều đó.

Bao giờ nàng cũng là người gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt. Nhiều bạn thân của tôi chứng kiến điều đó và cũng đã cười tôi rất nhiều khi biết ấn tượng ấy từ ai đưa đến.

Lần đầu tiên tôi thấy nàng là ở quảng trường Buôcx, tại cổng Xuyt. Một cỗ xe dở mui dừng lại. Một người đàn bà ăn bận toàn màu trắng trên xe bước xuống. Những tiếng thì thầm khen ngợi nổi lên đón nàng, khi nàng bước vào nhà hàng. Còn tôi như bị đóng đinh tại chỗ, từ khi nàng đi vào đến khi nàng đi ra. Xuyên qua của kính, tôi nhìn nàng lựa chọn những thứ nàng đến mua. Tôi có thể bước vào lắm. Nhưng tôi không dám. Tôi biết người đàn bà ấy là ai, và tôi sợ nàng có thể đoán biết lý do đã đưa tôi vào nhà hàng và sẽ cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng tôi sẽ được gặp lại nàng.

Nàng ăn mặc sang trọng. Một cái áo dài mutxơlin có tuy, một khăn choàng Ấn Độ hình vuông, bốn góc có thêu hoa và kim tuyến, một nón rơm Italia và một cái khuyên độc nhất làm bằng một sợi dây chuyền vàng lớn, thời trang của xã hội này.

Nàng lại lên xe và đi. Một cậu con trai nhà hàng đứng ở cổng dõi mắt nhìn theo cô khách quan trọng ấy. Tôi tiến lại gần cậu ta và yêu cầu cho biết tên người đàn bà ấy.

- Đó là cô Macgơrit Gôchiê - cậu ta trả lời.

Tôi không dám hỏi địa chỉ và bỏ đi.

Kỷ niệm về cuộc gặp gỡ ấy - bởi vì nó thật sự là một kỷ niệm – không ra khỏi đầu óc tôi như nhiều cuộc gặp gỡ khác trước đây. Tôi tìm khắp nơi người đàn bà áo trắng đẹp không khác gì một nữ hoàng đó.

Vài ngày sau có một cuộc trình diễn lớn tại Ôpêra Cômic. Tôi đến dự. Người đầu tiên tôi nhìn thấy trong lô trước sân khấu là Macgơrit Gôchiê.

Người đàn ông trẻ đi với tôi cũng nhận ra nàng bởi vì anh ta vừa chỉ nàng, vừa nói với tôi:

- Xem kìa, một người con gái đẹp.

Vào lúc đó Macgơrit nhìn về phía chúng tôi. Cô ta thấy bạn tôi và ra hiệu cho anh ta đến gặp cô.

- Tôi phải đến chào nàng – anh ta nói – Tôi sẽ trở lại trong chốc lát.

Tôi không thể không nói với anh ta: “Anh sung sướng thật”.

- Vì sao?

- Được đến gặp người đàn bà đó.

- Anh mê nàng rồi phải không?

- Không – Tôi nói và đỏ mặt, bởi vì thật sự tôi không biết vì sao mình đã nói thế - Nhưng tôi rất muốn được quen biết cô ta.

- Anh đến với tôi, tôi sẽ giới thiệu.

- Anh hãy xin phép cô ta đã.

- Ồ! Có gì đâu. Không cần phải mệt trí với nàng, anh cứ đến với tôi.

Điều anh ta vừa nói làm tôi khó chịu. Tôi run người khi nghĩ đến quả thật Macgơrit không xứng đáng như tôi nghĩ về nàng.

Có một câu chuyện ở quyển sách của Anphông Kar, nhan đề “Am Rauschen” : Một chiều một người đàn ông đi theo một người đàn bà rất sang trọng. Mới gặp lần đầu, anh ta đã trở thành kẻ si tình. Bởi nàng quá đẹp. Để được hôn bàn tay người đàn bà ấy, anh cảm thấy có đủ sức mạnh quyết đoán được tất cả, đủ ý chí để chinh phục được tất cả, đủ can đảm để làm được tất cả. Anh chỉ hơi dám nhìn chiếc bít tất xinh xắn nơi chân mà nàng vén vạt áo để lộ ra vì sợ vạt áo dài buông chấm đất. Trong khi anh mơ mộng về tất cả những gì anh phải làm để có được người đàn bà đó, thì người đàn bà đó chặn anh dừng lại ở một góc đường, và hỏi anh muốn đến nhà nàng không.

Anh vội quay mặt đi và băng ngang qua đường buồn bã trở về nhà.

Tôi nhớ lại câu chuyện đó, và tôi sẵn sàng để được đau khổ vì người đàn bà đó. Tôi sợ nàng chấp nhận tôi quá nhanh, và trao cho tôi quá nhanh một tình yêu mà tôi muốn đạt được bằng sự chờ đợi lâu dài hay phải chịu hy sinh một to lớn. Chúng ta như thế đấy. Chúng ta - những con người! Và sung sướng thật, óc tưởng tượng đã trao cái thi vị ấy laị cho các giác quan, và những dục vọng của xác thịt đã chấp nhận sự nhân nhượng đó trước những ước mơ của tâm hồn.

Cuối cùng, nếu người ta bảo tôi: “Anh sẽ có được người đàn bà ấy chiều nay và ngay mai anh sẽ bị giết chết”, tôi sẽ chấp nhận. Nếu người ta bảo: “Anh hãy đưa ra mười ngàn đồng vàng và anh sẽ là tình nhân của người đàn bà ấy”, tôi sẽ từ chối và khóc. Không khác nào đứa bé khi tỉnh dậy bỗng thấy toà lâu đài ở giấc mơ trong đêm tối đã tan biến mất rồi.

Tuy nhiên, tôi muốn được quen biết nàng. Đó là một phương tiện, và đó cũng là phương tiện độc nhất để tôi hiểu nàng như thế nào.

Tôi nói với bạn tôi rằng cần được nàng đồng ý việc anh giới thiệu tôi với nàng. Và tôi đi lại tha thẩn trong hành lang, tưởng tượng lúc nàng sẽ gặp tôi, và tôi không biết giữ thái độ như thế nào trước cái nhìn của nàng.

Tôi gắng sắp đặt trước những lời mà tôi sẽ nói với nàng…

Tình yêu thật là một trò trẻ con tuyệt vời và cao cả.

Một lát sau, bạn tôi lại trở xuống.

“Nàng đang đợi chúng ta” – anh ta nói với tôi.

- Chỉ có mình nàng? – tôi hỏi.

- Có một người đàn bà khác nữa.

- Không có đàn ông?

- Không.

- Đi vậy!

Bạn tôi đi về phía cửa lớn nhà hát.

- Ồ, không phải ngã đó! – Tôi nói với anh.

- Chúng ta đi mua một ít quà. Nàng nhờ tôi.

Chúng tôi đến hàng bán bánh kẹo trong hành lang Ôpêra.

Tôi như muốn mua hết tất cả cửa hàng này và tôi nhìn xem có thể mua những gì để đặt vào xách, thì bạn tôi bảo:

- Nửa cân nho ướp lạnh.

- Nàng có thích loại nho đó không?

- Nàng không bao giờ ăn thứ gì khác. Điều này, tôi biết rất rõ.

Chúng tôi bước ra khỏi cửa hàng. Anh nói tiếp:

- À, anh biết tôi giới thiệu anh với một người đàn bà như thế nào không? Anh chớ tưởng đây là một bà quận công. Nàng chỉ là một kỹ nữ với tất cả những gì thật là phóng đãng, anh bạn thân mến ạ. Anh chẳng phải băn khoăn gì cả. Anh cứ tự do nói toạc tất cả những ý nghĩ trong đầu anh ra.

- Được, được! – Tôi ấp úng như thế và đi theo anh ta, tự nhủ thầm: Thế là sự say mê của tôi sắp chấm dứt.

Khi tôi bước vào trong lô, Macgơrit đang cười vang. Tôi muốn nàng buồn thì tốt hơn. Bạn tôi giới thiệu tôi. Macgơrit nghiêng đầu chào tôi và nói:

- Quà của tôi đâu?

- Có đây.

Vừa nhận quà, nàng vừa nhìn tôi. Tôi đưa mắt nhìn xuống, đỏ mặt.

Nàng nghiêng đầu về phía người bạn gái ngồi gần bên, nói nhỏ vào tai người đó, và cả hai phá lên cười lớn.

Chắc chắn tôi là nguyên nhân của chuỗi cười đó. Sự bối rối nơi tôi nhân lên gấp bội. Vào thời gian ấy, tôi có một người tình nhân, hạng tiểu tư sản, rất dịu dàng và rất tình cảm. Tâm hồn đa cảm và những bức thư đượm buồn của nàng đã làm cho tôi phải cười. Giờ đây tôi hiểu sự khó chịu mà tôi đã gây cho nàng, qua sự khó chịu tôi đang cảm thấy, và trong khoảng năm phút, tôi bỗng yêu nàng hơn bất cứ một ai có thể yêu một người đàn bà.

Macgơrit ăn nho, không hề chú ý gì đến tôi cả.

Người giới thiệu tôi không muốn để tôi trong vị trí đáng buồn cười ấy.

- Macgơrit – anh nói – cô không nên ngạc nhiên khi thấy ông Đuyvan không nói gì với cô cả. Cô đã làm cho anh ta điên đầu, đến nỗi anh ta không tìm ra được lời nào để nói.

- Tôi lại cứ tưởng ông ấy đã đưa anh đến đây, bởi vì nếu để anh đến đây một mình thì có lẽ hơi buồn.

- Nếu điều đó đúng, - tôi tiếp lời – tôi đã không yêu cầu ông Ecnec xin phép cô để được giới thiệu tôi.

Đó có thể chỉ là một phương cách để trì hoãn giây phút của định mệnh.

Chỉ cần sống ít lâu với những cô gái như hạng Macgơrit, người ta sẽ hiểu được cái thích thú các cô ưa dùng để đánh lệch hướng phán đoán và để trêu ghẹo, những người các cô mới gặp lần đầu. Đương nhiên, đây là một sự trả thù những sự nhục mạ mà các cô bắt buộc phải tiếp nhận từ phía những người các cô thường gặp hàng ngày.

Vì thế, để trả lời cho các cô, phải có một tập quán nào đó của thế giới các cô. Cái tập quán đó, tôi không có. Thêm nữa, ý tưởng mà tôi tự tạo ra về Macgơrit làm cho tôi thêm khó chịu về sự đùa cợt của nàng. Không một cái gì thuộc về người đàn bà này có thể làm tôi thờ ơ cả. Vì thế, tôi đứng dậy, nói với cô ta bằng một giọng không bình thường mà tôi không thể che giấu được:

- Nếu đó là điều mà cô nghĩ về tôi, thưa cô, tôi chỉ còn việc xin cô tha lỗi cho sự bất nhã của tôi, và xin cô tin chắc điều đó sẽ không lặp lại lần thứ hai.

Thế là tôi chào và đi ra.

Tôi vừa đóng cửa lại thì lại nghe một lần thứ ba nữa những tiếng cười phá lên. Lúc ấy tôi rất muốn được kẻ nào đó thúc mạnh cùi tay vào người.

Tôi trở về chỗ cũ.

Người ta rung chuông báo hiệu sắp trình diễn.

Ecnec trở lại ngồi gần bên tôi.

- Anh làm sao thế? – anh ta vừa nói vừa ngồi xuống – các ả tưởng anh điên rồi.

- Macgơrit nói gì khi tôi đã đi?

- Cô ta cười và nói với tôi, cô ta chưa bao giờ gặp một người lẩn thẩn đến như anh. Nhưng anh đừng nghĩ là mình đã bị đánh bại. Chỉ nên nhớ rằng đối với những cô gái đó, anh không nên nghĩ đến danh dự và nề nếp. Các cô ả không hiểu gì về cái gọi là thanh nhã và lịch sự cả. Đó cũng giống như những con chó mà người ta tưới nước hoa cho, thế thôi. Chúng nghe mùi nước hoa khó chịu và sẽ lăn tòm xuống nước để hết hôi.

- Tóm lại, tôi cũng không cần – tôi gượng đáp với một giọng bình thản – Tôi sẽ không bao giờ gặp lại người đàn bà đó. Nếu trước kia cô ta đã lôi cuốn tôi khi tôi chưa biết cô ta, thì giờ đây, sau khi đã gặp cô ta, điều đó khác hẳn rồi.

- Ồ! Tôi sẽ không ngạc nhiên khi nhìn thấy anh một ngày nào đó sẽ ngồi tận chỗ trong cùng ở lô của cô ta. Và được nghe tin anh đã phá sản vì cô ta. Đồng ý anh nói có lý, cô ta là một người mất dạy. Nhưng lại là một tình nhân xinh đẹp!

May mắn là màn đã kéo lên và bạn tôi không nói nữa.

Kể lại hôm đó người ta đã trình diễn những gì thì tôi xin chịu. Tất cả những gì tôi nhớ, đó là thỉnh thoảng tôi lại đưa mắt nhìn lại nơi lô mà tôi vừa đột ngột từ giã; ở đó các khuôn mặt những người khách mới cứ lần lượt kế tiếp nhau xuất hiện.

Tuy nhiên, tôi không thể nào không nghĩ đến Macgơrit. Một thứ tình cảm khác xâm chiếm lấy tôi. Tôi phải làm điều đó để quên đi sự nhục mạ của nàng và cái đáng buồn cười của tôi. Tôi tự nhủ, tôi sẵn sàng, bỏ hết của cải để có được người con gái ấy và cái quyền giữ lại chỗ ngồi mà tôi vừa vội vàng từ bỏ.

Trước khi buổi trình diễn chấm dứt, Macgơrit và người bạn gái của cô đã rời lô đi ra.

Ngoài ý muốn, tôi cũng rời bỏ chỗ ngồi của tôi.

- Anh về à? – Enec hỏi tôi.

- Vâng.

- Tại sao?

Ngay lúc đó anh ta nhận thấy không còn ai ở trong lô của Macgơrit nữa, liền bảo:

- Đi đi, chúc may mắn, hay đúng hơn là chúc anh may mắn hơn.

Tôi bước ra.

Tôi nghe ở cầu thang tiếng áo xào xạc và tiếng người nói cười. Tôi đứng sang một bên và nhìn thấy hai người đàn bà bước ra cùng hai thanh niên. Họ không nhìn thấy tôi.

Tại tầng dười nhà hát, một thằng bé giúp việc tiến đến bên các ả.

- Chú hãy bảo người đánh xe chờ ở hiệu cà phê Ănglê

- Macgơrit nói – Chúng tôi sẽ đi bộ đến đó.

Vài phút sau, đang đi như rình mò trên đường phố, tôi nhìn thấy qua cửa sổ một phòng lớn khách sạn, Macgơrit dựa vào bao lơn, tỉa từng cánh một bông hoa trà ở bó hoa của nàng.

Một trong hai chàng thanh niên đi cùng nàng đang cúi xuống bên nàng và nói chuyện thì thầm với nàng.

Tôi vào nhà hàng, ngồi trong một phòng khách tầng thứ nhất, mắt không rời khung cửa sổ nói trên.

Vào một giờ sáng, Macgơrit lên xe với ba người bạn của mình.

Tôi cũng lên một chiếc xe nhỏ và cho đi theo nàng.

Chiếc xe dừng ở số 9 đường Antin.

Macgơrit bước xuống xe và một mình đi vào nhà.

Dĩ nhiên đó là một sự tình cờ. Nhưng sự tình cờ này làm cho tôi rất sung sướng.

Kể từ ngày hôm đó tôi thường gặp mặt Macgơrit tại các nhà hát và quảng trường Xăng Êlidê. Luôn luôn vẫn niềm vui tươi đó ở nàng và luôn luôn vẫn sự xúc động đó đối với tôi.

Mười lăm ngày trôi qua, tôi không gặp nàng ở đâu cả. Tôi tìm gặp Gatông hỏi thăm tin tức về nàng.

- Cô gái đáng thương đó đang bị bệnh – anh ta trả lời.

- Cô ta bị bệnh gì?

- Cô ta bị đau ngực. Cuộc sống của cô ta không cho phép cô ta lành bệnh được. Hiện cô ta nằm liệt giường, nói đúng ra, cô đang chết dần.

Trái tim thật lạ lùng.

Tôi gần như cảm thấy thoả mãn trước căn bệnh của nàng.

Ngày nào, tôi cũng đến hỏi thăm tin tức và bệnh tình của nàng, nhưng không bao giờ ghi tên hoặc để danh thiếp lại. Vì thế, tôi được biết nàng đã bình phục và sắp đi Banhêe dưỡng bệnh.

Thế rồi, một thời gian trôi qua. Ấn tượng - nếu không phải là kỷ niệm – có vẻ như phai mờ dần trong tâm trí tôi. Tôi đi du lịch. Những tập quán, những công việc thế chỗ cho cái ý nghĩ kia. Nghĩ đến cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, tôi chỉ thấy đây là một trong những đam mê thường có khi người ta còn trẻ và sau này nghĩ lại người ta sẽ mỉm cười.

Vả chăng, thắng được kỷ niệm đó cũng chẳng có vinh dự gì. Bởi vì tôi đã đánh mất hình ảnh Macgơrit từ khi nàng ra đi; và như tôi đã nói với bạn điều đó, khi nàng đi qua bên tôi trong hành lang ở Variêtê, tôi không nhận ra nàng nữa.

Nàng mang một tấm voan, đúng vậy.

Nhưng trước đây, hai năm trước đây, nếu nàng có che giấu mặt nàng bằng cách nào, tôi cũng vẫn nhận ra nàng.

Điều này không thể ngăn tim tôi đập mạnh, khi tôi biết đó là nàng. Hai năm trôi qua không gặp nàng và những điều mà sự xa cách đó đã đem lại vụt chốc tan biến ngay như sướng khói khi tay tôi chạm khẽ vạt áo nàng.

Chương 8

Tuy nhiên – sau một phút, Acmân nói tiếp – tôi vẫn hiểu, tôi còn yêu nàng và mạnh hơn cả ngày trước. Và trong ý muốn được gặp lại Macgơrit còn có cả cái ý chí muốn cho nàng biết, tôi đã cao giá hơn nàng một bậc.

Để đạt được mục đích, con tim đã không ngoan việc dẫn bao nhiêu lý lẽ, lựa chọn bao nhiêu con đường.

Vì thế, tôi không thể đứng lâu hơn trong hành lang. Tôi trở về ngồi bên dàn nhạc và nhìn nhanh khắp nhà hát để xem nàng ngồi ở lô nào.

Nàng ngồi trước sân khấu, ở tầng dưới, và chỉ một mình thôi. Nàng thay đổi nhiều như tôi đã nói với bạn. Tôi không còn tìm thấy trên môi nàng nụ cười hờ hững nữa. Nàng đã ốm đau và nàng sẽ còn ốm đau nhiều.

Mặc dầu đã tháng tư rồi, nàng vẫn ăn mặc như giữa mùa đông, toàn người đều nhung len.

Tôi nhìn nàng một cách rất chai lỳ, đến nỗi cái nhìn tôi đã thu hút cái nhìn của nàng.

Nàng nhìn tôi một lúc, rồi lấy ống nhòm đưa lên để nhìn cho rõ hơn và chắc chắn đã ngờ ngợ nhận biết tôi, tuy không thể quyết chắc tôi là ai. Bơỉ vì khi nàng để kính xuống, một nụ cười – cách chào duyên dáng của những người đàn bà - nở trên đôi môi nàng và như chờ đợi một cái chào trả lời nơi tôi. Nhưng tôi không đáp lại, như để cản lối nàng và tỏ ra tôi đã quên rồi khi nàng còn nhớ lại.

Nàng tưởng đã lầm và quay đi nơi khác.

Màn kéo lên.

Tôi đã gặp Macgơrit nhiều lần ở rạp hát. Tôi không hề thấy nàng để ý một chút nào về những gì người ta trình diễn.

Còn đối với tôi, những điều trình diễn cũng không hấp dẫn tôi lắm. Tôi chỉ chú ý đến nàng, nhưng lại cố gắng làm sao để nàng không thấy được điều đó.

Tôi thấy nàng trao đổi cái nhìn với người ở lô trước mặt nàng. Tôi đưa mắt nhìn theo và nhận ra một người đàn bà khá quen biết trong lô đó.

Người đàn bà này xưa kia sống bằng nghề kỹ nữ, đã từng cố gắng qua nhiều sân khấu nhưng không thành công. Và sau đó, do có nhiều mối quen biết với những người đàn bà sang trọng ở Paris, bà ta chuyển sang nghề buôn bán và đã lập ra được một nhà hàng thời trang.

Tôi thấy nơi người đàn bà này một phương tiện tốt để giúp tôi gặp Macgơrit. Và nhân một lúc người này nhìn về phía tôi, tôi đưa mắt và đưa tay chào.

Điều tôi tiên đoán đã đến: bà ta gọi tôi đến lô của mình.

Người đàn bà buôn thời trang này tên là Pruđăng Đuvecnoa, trạc bốn mười tuổi, mập mạp. Với những người đàn bà như người này, chúng ta không cần gì nhiều đến tài ngoại giao để được biết điều muốn biết, nhất là khi điều muốn biết đó lại đơn giản như những điều tôi vừa nghĩ. Tôi, nhân lúc bà ta bắt đầu nhìn lại Macgơrit, liền hỏi:

- Bà nhìn ai thế?

- Macgơrit Gôchiê.

- Bà biết người đó?

- Vâng, tôi là người chăm sóc thời trang cho cô, và cô là người láng giềng của tôi.

- Thế ra bà ở đường Antin?

- Số 7. Cửa sổ phòng trang sức của cô ta đối diện với cửa sổ phòng tôi.

- Người ta bảo cô ta là một cô gái rất duyên dáng.

- Anh không biết cô ấy sao?

- Không. Nhưng tôi muốn được quen biết cô.

- Anh có muốn tôi bảo nàng đến lô chúng ta không?

- Không. Nhưng tôi muốn bà giới thiệu tôi với cô ta.

- Ở nhà cô?

- Vâng.

- Điều đó hơi khó.

- Tại sao?

- Bởi vì cô ta đang được một ông quận công già rất hay ghen che chở. - Được che chở là một điều tốt.

- Vâng, được che chở - Pruđăng đáp – ông già thật đáng thương, ông ta sẽ rất lúng túng nếu phải làm tình nhân của cô ấy.

Pruđăng kể cho tôi nghe Macgơrit đã quen biết ông quận công già ở Banhêe như thế nào.

- Chính vì thế mà cô ta đến đây chỉ một mình?

- Vâng, đúng.

- Nhưng ai sẽ đưa cô ấy về?

- Ông ta.

- Vậy ông ta sắp đến?

- Trong vài phút nữa.

- Và ai đưa bà về?

- Không ai cả.

- Tôi xin được phép làm người đó.

- Nhưng anh đang đi với một người bạn, tôi tin thế

- Thế thì chúng tôi cùng đưa bà về.

- Bạn anh là ai thế?

- Đó là một chàng trai dễ thương, rất láu lỉnh, hắn sẽ lấy làm vui sướng khi được làm quen với bà.

- Thế thì đồng ý nhé. Sau màn này, tôi biết đây là màn cuối, bốn chúng ta sẽ cùng về.

- Sẵn sàng, tôi sẽ đi báo trước cho bạn tôi biết.

- Được, đi đi.

- A! – Pruđăng nói, khi tôi sắp sửa bước ra – Kìa xem, ông quận công đã vào lô của Macgơrit rồi.

Tôi nhìn theo.

Quả thật, một người đàn ông chừng bảy mười tuổi vừa đến ngồi sau người đàn bà trẻ đó và đưa cho nàng một túi quà. Nàng đang lấy quà ra và mỉm cười, rồi nàng đưa túi quà ra phía trước lô, ra hiệu cho Pruđăng như hỏi:

- Chị có dùng không?

- Không – Pruđăng nói.

Macgơrit thu túi quà về và quay lại, bắt đầu nói chuyện với ông quận công.

Kể lại tất cả những chi tiết này, thật là trẻ con. Nhưng tất cả những gì liên quan đến người con gái ấy đều hiện ra rõ ràng trong trí nhớ tôi, và hôm nay tôi không thể nào không nhớ lại.

Tôi bước xuống, báo cho Gatông biết trước việc tôi vừa sắp đặt cho anh ta và cho tôi.

Anh ta nhận lời

Chúng tôi rời chỗ ngồi để lên lô trên với bà Pruđăng Đuvecnoa.

Chúng tôi vừa mở cửa phòng nhạc thì bắt buộc phải dừng lại để nhường lối cho Macgơrit và ông quận công đi ra.

Tôi sẵn sàng đổi mười năm đời tôi để được cái vị trí của ông già này.

Ra đến lộ, ông ta đưa Macgơrit lên ngồi trên một cỗ xe bốn bánh do ông điều khiển. Và cả hai khuất dạng theo nhịp tế nhanh của hai con ngựa cao đẹp.

Chúng tôi bước vào lô của Pruđăng.

Khi vở tuồng chấm dứt, chúng tôi xuống tìm một chiếc xe nhỏ để đưa chúng tôi đến số 7 đường Antin.

Đến trước cửa, Pruđăng mời chúng tôi vào nhà, để cho xem những hàng hoá mà chúng tôi không biết gì về giá trị của nó cả. Nhưng bà ta thì rất tự đắc. Hẳn bạn cũng hiểu tôi đã nhận lời một cách vỗn vã như thế nào.

Hình như dần dần tôi đã tiến đến gần Macgơrit hơn. Tôi nhanh chóng đưa nàng vào đầu đề câu chuyện.

- Ông quận công già ở tại nhà người láng giềng của chị? – tôi hỏi Pruđăng.

- Không! Không phải. Cô ta ở một mình thôi.

- Như vậy cô ta sẽ buồn ghê gớm lắm – Gatông nói.

- Gần như chiều nào chúng tôi cũng họp mặt với nhau. Hoặc khi đi đâu về, cô ấy lại gọi tôi, Macgơrit không bao giờ ngủ trước hai giờ sáng, cô ta không thể ngủ sớm hơn được.

- Tại sao?

- Bởi vì cô ta bị bệnh đau ngực và gần như lúc nào cũng bị sốt.

- Cô ta không có tình nhân? – tôi hỏi.

- Tôi không hề thấy ai ở lại, khi tôi ra về. Nhưng tôi không nói rằng không có người nào đến, khi tôi đã đi rồi. Thường thường tôi gặp tai nhà cô một ông bá tước N… nào đó. Ông này tin rằng công việc của mình có thể tiến triển tốt đẹp bằng những cuộc viếng thăm Macgơrit vào lúc mười một giờ, và bằng cách gửi tặng những nữ trang nàng thích. Nhưng nàng lại không muốn gặp mặt ông ta bất cứ ở đâu. Nàng đã sai lầm; vì đó là một người đàn ông rất giàu. Thỉnh thoảng, tôi lại bảo nàng: “Cô em ạ, đó là người đàn ông cần cho cô em!”. Nhưng vô hiệu. Nàng quay lưng lại với tôi và trả lời rằng người đó đần độn lắm. Người đó đần, tôi đồng ý. Nhưng cô ta sẽ có một địa vị. Chứ ông quận công già thì có thể chết nay mai. Những người già đều ích kỷ. Gia đình ông luôn chỉ trích ông về tình thương đối với Macgơrit. Đó là hai lý do để ông sẽ không cho nàng được thừa hưởng gì cả. Tôi giảng giải cho cô ta. Cô ta trả lời: khi ông quận công chết, sẽ nhận lời bá tước cũng không muộn gì.

sống như nàng thật lạ lùng – Pruđăng nói tiếp – Tôi, nếu tôi biết rõ ông ta không hợp với tôi, tôi sẽ không ngần ngại gì cho ông ấy cút nhanh đi cho rảng. Ông già kia thì rõ nhạt nhẽo. Ông gọi cô ta là con gái ông. Chăm sóc cho cô ta như một đứa trẻ nhỏ. Ông luôn luôn bám bên lưng cô ta. Tôi tin chắc, vào giờ này, một trong những người nhà của ông đang rình ngoài đường để xem có ai đi ra và nhất là có ai đi vào nhà Macgơrit không.

- A! Cô Macgơrit đáng thương – Gatông vừa nói, vừa ngồi lại bàn pianô và đáng một điệu vanxơ – Tôi không biết điều đó. Tuy nhiên gần đây tôi thấy cô ta ít được vui vẻ.

- Xuỵt! – Pruđăng vừa nói vừa lắng tai nghe. Gatông dừng lại – Hình như cô ta gọi tôi.

Chúng tôi lắng nghe.

Quả nhiên có tiếng gọi Pruđăng.

- Thôi các ông đi đi cho! – Bà Đuvecnoa bảo chúng tôi.

- A! Bà cho thế là tinh thần hiếu khách đấy à? – Gatông vừa cười vừa nói – Chúng tôi chỉ đi khi nào chúng tôi muốn đi.

- Tại sao chúng tôi phải đi?

- Tôi sang Macgơrit.

- Chúng tôi đợi ở đây.

- Điều đó thì không thể được.

- Thế thì chúng tôi đi cùng với bà.

- Càng không được.

- Tôi biết Macgơrit – Gatông nói – Tôi có thể đến thăm cô ta lắm chứ.

- Nhưng Acmân không biết cô ta.

Tôi sẽ giới thiệu anh ta.

- Không thể được.

Chúng tôi lại lắng nghe lần nữa tiếng Macgơrit gọi Pruđăng.

Pruđăng chạy đến phòng trang sức. Tôi và Gatông đi theo. Bà ta mở cửa sổ

ra.

Chúng tôi đứng núp lại để bên ngoài đừng trông thấy.

- Tôi đã gọi chị hơn mười phút rồi – Macgơrit nói từ cửa sổ nhà mình, với một giọng hơi khó chịu.

- Cô muốn tôi giúp gì?

- Tôi muốn chị đến ngay lập tức.

- Tại sao?

- Bởi ông bá tước N… vẫn còn đó. Ông làm tôi chán chết được.

- Tôi không thể đi ngay bây giờ được.

- Ai ngăn cản chị?

- Trong nhà tôi hiện có hai thanh niên, họ không chịu ra về.

- Chị hãy bảo họ là chị cần đi.

- Tôi đã nói với họ rồi.

- Cũng được, hãy để họ ở đó. Khi họ thấy chị đi rồi, họ sẽ đi.

- Sau khi đã xáo trộn tất cả mọi thứ ở đây?

- Nhưng họ muốn gì?

- Họ muốn gặp cô.

- Thế họ tên gì?

- Cô biết một người, ông Gatông R…

- À, vâng. Tôi biết ông ấy. Và ông kia?

- Acmân Đuyvan, cô không biết phải không?

- Không. Nhưng cứ đưa họ đến. Tôi nghĩ ai cũng vẫn hơn ông bá tước. Tôi đang đợi. Chị sang nhanh cho.

Macgơrit đóng cửa sổ lại. Pruđăng cũng đóng cửa sổ lại.

Macgơrit, đã có lần nhớ lại mặt tôi, nay lại không nhớ tên tôi. Tôi thích một kỷ niệm không tốt đẹp đối với tôi hơn là sự lãng quên ấy.

- Tôi biết chắc – Gatông nói – cô ta sẽ sung sướng khi được gặp chúng ta.

- Rất sung sướng thì chưa hẳn đâu – Pruđăng vừa đáp vừa quàng lại khăn choàng và để mũ lên đầu – Cô ta tiếp các anh để đuổi ông bá tước. Các anh phải cố gắng tỏ ra lịch sự hơn ông bá tước. Nếu không, tôi hiểu Macgơrit lắm, cô ta sẽ lại gây chuyện với tôi đấy.

Chúng tôi đi theo Pruđăng, cùng đi xuống.

Tôi run sợ. Tôi nghĩ cuộc viếng thăm này sẽ có một ảnh hưởng lớn đối với đời tôi.

Tôi còn cảm động hơn cả buổi chiều tôi được giới thiệu với nàng tại nhà hát Ôpêra Cômic.

Đến cửa, tim tôi đập rất mạnh, đến nỗi các ý nghĩ trong đầu óc tôi biến đi đâu cả.

Tiếng đàn pianô thoảng đến tai chúng tôi.

Pruđăng gọi chuông.

Tiếng đàn dừng lại.

Một người đàn bà, có vẻ như một người bạn hơn là hầu phòng, ra mở cửa cho chúng tôi.

Chúng tôi vào phòng khách, rồi từ phòng khách đến phòng trang nhã (phòng khách đặc biệt ở nhà các bà sang trọng).

Một người thanh niên đứng dựa bên lò sưởi.

Macgơrit ngồi trước đàn pianô, để những ngón tay chạy trên các phím và bắt đầu những bản nhạc.

Cảnh tượng ấy thật buồn tẻ. Người đàn ông thì bối rối trước sự bất lực của chính mình, và người đàn bà thì chán ngán do sự viếng thăm của một con người mà mình không ưa thích.

Nghe tiếng Pruđăng, Macgơrit đứng dậy và tiến đến phía chúng tôi. Sau khi đã nhìn Đuvecnoa một cách biết ơn, cô ta nói với chúng tôi:

- Xin mời các ông vào, và hãy là những khách quý.

Chương 9

Chào ông Gatông thân mến – Macgơrit nói với bạn tôi – Tôi rất vui sướng được tiếp đón ông. Tại sao ông không vào lô của tôi ở Variêtê?

- Tôi sợ bị xem là thiếu tế nhị.

- Nhưng bạn thân cả mà – Macgơrit nhấn mạnh, như muốn nói cho những người có mặt ở đó hiểu dù nàng có tiếp Gatông một cách thân mật, anh ta cũng chỉ là bạn thân và luôn luôn chỉ là bạn - Những người bạn thân thiết nhau không bao giờ ngại thiếu tế nhị đối với nhau!

- Xin cô vui lòng cho tôi giới thiệu ông Acmân Đuyvan.

- Tôi đã cho phép Pruđăng được làm điều đó.

- Vả lại, thưa cô – tôi vừa nghiêng mình vừa nói những lời không được rõ ràng lắm – Tôi từng vinh dự được giới thiệu với cô một lần rồi.

Con mắt xinh đẹp của Macgơrit hình như đang cố tìm lại trong ký ức. Nhưng cô ta không nhớ, hay có vẻ như không nhớ tý nào.

- Thưa cô – tôi nói – tôi cảm ơn cô đã quên buổi giới thiệu đầu tiên đó. Bởi vì hôm đó, tôi đã rất buồn cười và có lẽ đã làm phiền cô. Ngày ấy cách đây đã hai năm, ở rạp Ôpêra Cômic, tôi cùng đi với Enec.

- À! Tôi nhớ ra rồi! – Macgơrit nói tiếp và mỉm cười - không phải ông đáng buồn cười, nhưng chính tôi là người ưa trêu chọc. Giờ đây tôi vẫn còn thói quen đó, nhưng ít thôi. Thưa ông, chắc ông đã tha lỗi cho tôi? – Và cô đưa tay ra. Tôi cúi xuống hôn.

- Đúng vậy – cô ta nói – ông hãy tưởng tượng, tôi có cái tật xấu là muốn làm những người tôi gặp lần đầu đều lúng túng. Cái đó thật ngốc. Thầy thuốc bảo tôi, nguyên nhân là vì tôi hay nóng nảy và luôn luôn bệnh hoạn. Ông hãy tin như thế.

- Nhưng trông cô có khoẻ mạnh.

- Ôi! Tôi vừa bị ốm rất nặng.

- Tôi có được biết. Tôi thường đến đây để hỏi thăm tin tức về cô và tôi sung sướng được biết cô đang trong thời kỳ dưỡng bệnh.

- Người ta chưa bao giờ đưa cho tôi một danh thiếp của ông.

- Tôi không bao giờ để danh thiếp lại cả.

- Phải chăng ông là người thanh niên ngày nào cũng đến hỏi thăm sức khỏe của tôi trong lúc tôi bệnh và không bao giờ cho biết tên họ?

- Vâng, chính tôi.

- Thế thì, không phải ông đã tha thứ, mà ông còn rất khoan dung nữa. - Chắc ông bá tước không thể làm được như thế! – Nàng vừa nói vừa quay sang phía ông bá tước N… sau khi đã nhìn tôi, với một cái nhìn mà qua đó những người đàn bà bổ túc thêm cho ý niệm của mình đối với một người đàn ông.

- Tôi chỉ mới biết cô có hai tháng thôi – Ông bá tước trả lời.

- Và ông này chỉ biết tôi mới năm phút thôi. Ông luôn trả lời ngớ ngẩn lắm!

Đàn bà thật tàn nhẫn đối với những kẻ họ không yêu.

Ông bá tước đỏ mặt và cắn chặt đôi môi.

Tôi thương hại ông ta, bởi vì ông ta cũng si tình như tôi. Và sự thẳng thắn cứng rắn của Macgơrit chắc làm cho ông khốn khổ lắm, nhất là trước mặt hai người khách lạ.

- Cô đang đánh đàn khi chúng tôi đi vào – tôi nói tiếp để thay đổi câu chuyện - Nếu được cô xem như chỗ quen biết cũ, cô cứ tự nhiên tiếp tục. Tôi rất vui sướng.

- Ồ! – Cô ta vừa nói vừa ném mình lên ghế trường kỷ và ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống – Gatông biết rõ tôi chơi thứ nhạc nào. Thật là tốt, khi chỉ có một mình tôi và ông bá tước. Nhưng tôi không muốn các anh phải chịu một thứ cực hình như thế.

- Cô dành riêng cái ân huệ đó cho tôi? – Ông bá tước N… nói với một nụ cười mà ông ta cố gắng làm cho nó có vẻ tế nhị và mỉa mai.

- Ông thật sai lầm khi trách móc tôi. Đó chỉ là cái ân huệ độc nhất.

Nàng đã cố tình ngăn không cho người đàn ông đáng thương này được nói một lời nào nữa cả. Ông ta nhìn người đàn bà trẻ với cái nhìn thật sự van lơn.

- Nói đi, Pruđăng – cô ta tiếp- chị đã làm điều tôi yêu cầu chưa?

- Rồi.

- Tốt lắm. Chị sẽ cho tôi biết sau. Chúng ta phải nói chuyện. Chị sẽ không được bỏ đi khi chưa có ý kiến của tôi.

- Chắc hẳn chúng tôi là những người không tế nhị, - tôi nói – Và giờ đây, chúng tôi xin phép rút lui, Gatông và tôi.

- Không nên chút nào cả. Điều đó không phải để nói với các anh. Trái lại, tôi muốn các anh ở lại đây.

Ông bá tước rút một cái đồng hồ đẹp ra và nhìn giờ: “Đã đến giờ tôi phải đến câu lạc bộ rồi”, ông nói. Macgơrit không nói gì cả.

Ông bá tước rời lò sưởi và đến bên nàng;

- Xin chào tạm biệt.

Macgơrit đứng dậy:

- Xin chào bá tước thân mến, ông đã vội đi?

- Vâng, tôi sợ làm phiền cô.

- Hôm nay, ông cũng không làm phiền tôi hơn mấy hôm trước đâu. Bao giờ gặp lại ông?

- Khi nào cô cho phép.

- Thế thì vĩnh biệt.

Thật là tàn nhẫn. May mắn thay, ông bá tước đã nhận được một nền giáo dục tốt và có một tư cách rất tốt. Ông cúi hôn bàn tay Macgơrit đưa ra một cách uể oải và bước ra sau khi đã chào chúng tôi.

Lúc bước ra ngưỡng cửa, ông quay lại nhìn Pruđăng.

Chị này nhún vai với ý nghĩ: “Ông còn muốn gì? Tôi đã làm tất cả những gì có thể”.

- Nanin! – Macgơrit kêu to – Hãy soi đèn cho bá tước.

Chúng tôi nghe tiếng mở cửa và đóng cửa.

Cuối cùng, Macgơrit xuất hiện và nói lớn: “Thế là ông ta đã đi rồi! Ông ta làm tôi nhức cả óc”.

- Cô nàng ơi! Pruđăng nói – Cô quá độc ác với ông ta. Ông ta là người rất tốt, và rất hoà nhã đối với cô. Xem kìa, một cái đồng hồ để lại trên lò sưởi cho cô đó. Cái đồng hồ này ít nhất cũng đánh giá một ngàn đồng vàng, tôi tin chắc thế.

Và bà Đuvecnoa đến bên lò sưởi, mân mê cái đồng hồ vừa nói vừa nhìn một cách thèm muốn.

- Chị bạn thân mến – Macgơrit nói và ngồi lại bên chiếc đàn pianô – khi tôi đem cân một bên là những gì ông đã cho tôi và một bên là những gì ông đã nói với tôi, tôi nghĩ rằng tôi đã bán những buổi tiếp chuyện của mình rất hạ giá.

- Chàng trai đáng thương đó đã say mê cô.

- Nếu tôi phải lắng nghe tất cả những người yêu tôi, tôi sẽ chẳng còn thì giờ để ăn nói nữa.

Nàng cho những ngón tay lướt trên phím đàn pianô và sau đó lại quay sang nói với chúng tôi:

- Các anh có dùng gì không? Tôi muốn một ít rượu dầm trái cây.

- Và tôi, tôi sẽ ăn chút thịt gà giò – Pruđăng tiếp - nếu chúng tôi ăn tối.

- Được lắm, chúng ta hãy đi ăn tối – Gatông nói.

- Không chúng ta hãy ăn tại đây.

Cô ta gọi chuông. Ninna chạy ra.

- Hãy dọn bữa tối!

- Thưa, cần những gì ạ?

- Tuỳ ý chị. Nhưng nhanh lên, nhanh lên!

Ninna bước ra.

- Chính thế đấy. – Macgơrit vừa nói vừa nhảy như một đứa bé – Chúng ta sẽ ăn tối. Nhớ lại cái ông bá tước ngốc ấy, phiền quá!

Càng nhìn người đàn bà ấy, tôi càng cảm thấy say mê ngây ngất. Cô ta xinh đẹp đến mê hồn. Ngay cả sự gầy yếu nơi cô cũng là một nét duyên dáng.

Tôi đăm chiêu ngắm nàng.

Cái gì đã xảy ra trong tôi vào lúc ấy? Thật khó mà giải thích. Tôi tràn ngập lòng tha thứ đối với cuộc đời nàng, sự thán phục đối với nhan sắc nàng. Cái bằng chứng không vụ lợi mà nàng đã bộc lộ qua sự từ chối một chàng trai sang trọng, giàu có, sẵn sàng phá sản vì nàng diễn ra trước mắt tôi, đã xoá hết những lỗi lầm của nàng trong quá khứ.

Trong người đàn bà đó, có một cái gì như sự trong trắng ngây thơ.

Người ta thấy nàng vẫn còn trinh trắng giữa cuộc sống tội lỗi. Dáng đi vững chãi, thân hình mềm mại, lỗ mũi màu hồng nở nang, đôi mắt lớn với quầng thâm xanh, biểu lộ một trong những bản chất nồng cháy, đang toả rộng một mùi hương đầy khoái cảm không khác nào những lọ hương phương Đông, dù đậy kín thế nào cũng cho thoát ra ít nhiều hương thơm của chất nước bên trong.

Cuối cùng, hoặc do bản chất, hoặc do hậu quả của tình trạng đau yếu, thỉnh thoảng trong đôi mắt người đàn bà ấy, những tia chớp của dục vọng loé lên, có thể xem như ân huệ của Chúa đối với kẻ vào được nàng yêu thương. Nhưng, những kẻ đã yêu thương Macgơrit thì không thể đếm hết được, và những kẻ được nàng yêu thương thì chưa được bắt đầu tính.

Tóm lại, người ta nhận thấy nơi người con gái ấy một nữ đồng trinh mà sự tình cờ không đâu đã làm nên cô ả giang hồ; và cô ả giang hồ mà một tình cờ không đâu có thể làm nên người nữ đồng trinh rất tình tứ và rất thanh khiết. Macgơrit vẫn còn sự kiêu hãnh và tính độc lập. Hai tình cảm này, nếu bị thương tổn, có thể tạo nên những gì mà chỉ sự tinh khiết mới có thể làm được. Tôi không nói gì cả. Nhưng tâm hồn tôi như dồn cả vào trong tim tôi và tim tôi hiện lên trong đôi mắt tôi.

- Thế ra – nàng đột ngột nói tiếp – chính ông đến để biết tin tức về tôi, khi tôi bị bệnh?

- Vâng.

- Ông có biết điều đó rất đáng quý không? Tôi có thể làm gì để cảm ơn ông?

- Cho phép tôi thỉnh thoảng được đến thăm cô.

- Xin tuỳ ý. Từ năm giờ đến sáu giờ, từ mười một giờ đến nửa đêm. Này, anh Gatông, anh hãy đánh cho nghe bản “Khuyên mời vũ điệu”.

- Tại sao?

- Trước hết là để làm tôi vui lòng, và sau đó, là bởi tôi không thể nào đánh hết bản đó một mình được.

- Vậy cái gì đã làm cô lúng túng?

- Phần thứ ba, khúc chuyển sang “đie”.

Gatông đứng dậy, tới ngồi trước pianô, và bắt đầu hoà khúc kỳ diệu của Uêbơ mà bản nhạc đã mở sẵn trên giá.

Macgơrit, một tay tựa vào pianô, đứng nhìn bản nhạc, đôi mắt theo dõi từng âm và nàng hát theo với một giọng rất thấp. Khi Gatông đã đàn đến đoạn nàng chỉ cho anh biết, nàng hát nho nhỏ, đưa những ngón tay nhè nhẹ chạy dài ở mặt chiếc pianô;

- Rê, mi, rê, đô, fa, mi, rê… đó chính là đoạn tôi không thể đàn được. Anh hãy lặp lại.

Gatông đàn lại, sau đó Macgơrit nói:

- Bây giờ anh để tôi cố gắng thử xem – nàng ngồi vào chỗ và bắt đầu đánh đàn. Nhưng những ngón tay nàng luôn luôn ngoan cố lầm lẫn trên những âm vừa nói trên.

- Lạ lùng thật! – nàng nói với một giọng thật trẻ con – Tôi chẳng làm thế nào đánh đoạn đó được! Các anh có tin rằng, có lúc tôi ngồi mãi đến hai giờ sáng chỉ vì bấy nhiêu. Và khi tôi nghĩ, cái ông bá tước ngốc ấy lại đánh đoạn đó thành công mà không cần nhìn bản nhạc, thì tôi càng tức ông ta hơn. Có lẽ thế.

Rồi nàng tập lại, nhưng vẫn không thể nào đàn được.

- Quỷ tha ma bắt ông Uêbơ này, và âm nhạc, và cả những chiếc đàn pianô nữa! – Nàng vừa nói vừa ném cuốn sách nhạc đến cuối phòng – Có ai hiểu dùm cho rằng chẳng bao giờ tôi có thể đánh tám “đie” liên tục nhau được?

Nàng vòng tay lại nhìn chúng tôi và dậm chân.

Máu lên đỏ cả đôi má và một tiếng ho nhẹ làm đôi môi hé mở.

- Coi chừng, coi chừng! – Pruđăng nói sau khi đã lấy mũ ra và đang chuốt lại mái tóc rẽ trước một tấm gương lớn – Cô sẽ nổi tức lên và sẽ làm hại cô. Chúng ta ăn thôi.

- Thế thì tốt hơn. Tôi đói đến lả người rồi!

Macgơrit gọi chuông rồi lại ngồi vào pianô, và bắt đầu hát nửa giọng một điệu hát phóng đãng, vừa hát vừa đệm đàn không bối rối chút nào.

Gatông biết bài hát đó và cả hai cùng hát như một tốp song ca.

- Ôi! Đừng hát những thứ quái tởm ấy! – Tôi thân mật nói với Macgơrit bằng một giọng van lơn.

- Ồ! Anh rất trinh trắng! – Nàng nói với tôi, rồi mỉm cười và đưa bàn tay ra cho tôi.

- Tôi không nói cho tôi, mà cho chính cô.

Macgơrit làm một điệu bộ, như để nói”

“Ôi! Đã từ lâu lắm rồi! Tôi đã từ giã sự trinh trắng lâu lắm rồi!”

Vừa lúc đó Nanin bước vào.

- Bữa ăn tối đã sẵn sàng chưa? – Macgơrit hỏi.

- Vâng, thưa bà, khoảng khắc nữa!

- Nhân đây – Pruđăng nói với tôi – anh chưa từng thấy căn nhà này, đến đây tôi sẽ chỉ cho anh xem. Anh phải biết phòng khách đẹp tuyệt. Macgơrit đi với chúng tôi ít bước, rồi nàng gọi Gatông và cùng đi với anh ta vào phòng ăn, để xem bữa ăn tối đã sẵn sàng chưa.

- À – Pruđăng vừa nói lớn vừa nhìn lên một cái bệ, và cầm đưa ra một cái tượng nhỏ - tôi không biết cậu nhỏ này ở đâu ra!

- Cậu nhỏ nào?

- Một chú chăn chiên nhỏ, cầm một cái lồng với một con chim.

- Hãy lấy đi, nếu chị thích.

- À, nhưng tôi sợ làm mất sự thích thú của cô.

- Tôi muốn cho chị hầu phòng của tôi. Tôi thấy không đẹp chút nào cả. Nhưng nếu chị thích chị cứ lấy đi.

Pruđăng nghĩ đến món quà, chứ không phải cách người ta tặng. Chị lấy bức tượng để riêng một bên và dẫn tôi đến phòng trang sức, nơi đó chị chỉ cho tôi hai bức tiểu hoạ và nói

- Đó là bá tước G… rất say mê Macgơrit. Chính ông đã đem lại danh vọng cho cô ta. Anh có biết ông ta không?

- Không, và ông này? – tôi vừa hỏi vừa nhìn bức tiểu hoạ thứ hai.

- Đó là công tước L…Ông ta buộc phải ra đi.

- Tại sao?

- Bởi vì ông ta đã gần như phá sản. Đó là một người rất yêu Macgơrit.

- Và chắc hẳn nàng cũng yêu ông ra lắm?

- Thật là một cô gái lạ đời. Người ta không bao giờ biết rõ cô ta muốn gì. Buổi chiều khi ông ta đi cô ta vẫn ở rạp hát như thường lệ, tuy nhiên cô đã khóc nhiều, lúc đưa tiễn

Ngay lúc đó, Nanin xuất hiện báo cho biết bữa ăn tối đã dọn rồi.

Khi chúng tôi vào phòng ăn, Macgơrit đang đứng tựa vào vách và Gatông cầm tay nàng thì thầm nói chuyện.

- Anh điên rồi – Macgơrit trả lời- Anh biết rõ tôi không thích anh. Không phải sau hai năm người ta biết một người đàn bà như tôi, rồi người ta đòi hỏi được làm tình nhân. Chúng tôi thì, hoặc nhận lời tức khắc, hoặc chẳng bao giờ. Thôi mời các ông ngồi lại bàn.

Rời tay Gatông, Macgơrit mời anh ta ngồi bên phải và tôi ngồi bên trái, rồi nàng bảo Nanin:

- Trước khi ngồi chị hãy bảo nhà bếp, có ai gọi chuông cũng đừng mở cửa đấy.

Lời căn dặn này đã đưa ra lúc một giờ sáng.

Chúng tôi cười, chúng tôi uống, chúng tôi ăn rất nhiều trong bữa tối nay. Trong chốc lát sự vui nhộn đã xuống đến mức giới hạn thấp nhất của nó. Và những lời nói, vốn được một giới hạn nào đó cho là thích thú nhưng làm hoen ố những cái miệng đã phát ra, thỉnh thoảng lại bị bật ra, trước sự tán thưởng của Nanin, Pruđăng và Macgơrit. Gatông đã vui đùa thẳng thắn. Đó là một thanh niên có tâm hồn, nhưng trí óc đã bị sai lạc ở mức nào đó, do những tập quán buổi đầu.

Có một lúc tôi muốn giải buồn, làm cho tâm hồn tôi và tư tưởng tôi dửng dưng trước cảnh tượng đang diễn ra trước mắt và nhận phần trong niềm vui đùa ấy, giống như nhận một món ăn. Nhưng lần lần, tôi tách khỏi sự ồn ào đó. Ly tôi vẫn cứ đầy, và tôi gần như sầu não nhìn thấy người con gái hai mười tuổi xinh tươi ấy ăn uống nói năng không khác một phu khuân vác, và cười rộ lên càng lớn trước những lời nói càng xằng bậy tục tĩu.

Tuy nhiên, cách nói năng, ăn uống ấy, đối với những người khác là hậu quả của sự sa đoạ, của tập quán, hay của sức mạnh; còn ở Macgơrit, hình như lại là một nhu cầu để quên lãng một cơn sốt, một cơn căng thẳng thần kinh. Mỗi ly rượu sâm banh làm má nàng đỏ lên như sốt và một cơn ho, nhè nhẹ lúc bắt đầu bữa ăn, đã trở thành nặng nề, kéo dài, và khá dữ dội để bắt nàng phải ngả đầu trên ghế và lấy tay ôm ngực mỗi khi phải ho lên.

Tôi đau cái đau đớn đã gây nên cho cơ thể mảnh mai đó, bởi những sự bừa bãi, quá độ hàng ngày.

Cuối cùng một sự việc mà tôi đã tiên đoán và lo lắng đã xảy ra. Vào cuối bữa ăn. Macgơrit bị một cơn ho dữ dội hơn tất cả những cơn từ khi tôi bước vào căn nhà này. Hình như ngực nàng bị xé ở bên trong. Cô gái đáng thương hại đó, mặt đỏ rần, nhắm mắt lại vì đau đớn và đưa khăn lên môi thấm một vết máu hoen đỏ. Thế rồi, nàng đứng dậy và chạy sang phòng trang sức.

- Cái gì thế, Macgơrit? – Gatông hỏi.

- Cô ta cười nhiều quá, và khạc ra máu – Pruđăng nói - Ồ! Không sao cả, điều đó thường xảy ra hàng ngày. Cô ta sẽ trở lại. Hãy để cho cô ta một mình thôi. Cô ta thích như thế đấy.

Còn tôi, tôi không thể ngồi đó. Trước sự ngạc nhiên của Pruđăng và Nanin đang gọi tôi, tôi chạy theo Macgơrit.


Nguồn: http://vnthuquan.org/