14/4/13

Xử án trong tu viện (C1-3)

Chương I: BÓNG NGƯỜI ĐÀN BÀ LOÃ THỂ

Hoàng hôn.
Trận giông như từ trên núi đổ xuống và tràn ra khắp nơi. Từng đợt gió mạnh quất vào những bức tường cũ kỹ của ngôi tu viện. Không khí nơi nơi lạnh buốt.
Hai bóng người đàn ông ngồi cách xa nhau ở phía dưới ngọn tháp cao nhất của ngôi tu viện bỗng nhiên dứt chuyện vãn, để tai nghe gió gào bên ngoài mỗi lúc mỗi lớn hơn.
Ánh sáng ngọn nến lung linh chập chờn vẽ lên vách những hình bóng quái dị.
Người đàn ông trẻ hơn, sau khi nhìn những hình bóng kỳ quái trên vách, cất giọng mệt mỏi:
- Lạ nhỉ! Không lý gì lại có biến trong đêm nay sao?
Người kia lạnh lùng đáp:
- Đại hội hôm nay sẽ diễn ra lắm chuyện lạ.
- Nhưng các quan khách…
- Đừng lo. Lần này sẽ là lần cuối cùng.
Sau hồi đối thoại ngắn ngủi, cả hai im lặng nghe gió gào, sét đánh và mưa tạt mạnh vào các bức bình phong.
Người đàn ông trẻ hơn lại lên tiếng:
- Tôi không ngại gì chuyện đó. Nhưng tôi cho anh hay là dường như tôi đã nhìn thấy khuôn mặt rầu rĩ ấy ít nhất một lần rồi. Nhưng bắt gặp ở đâu và vào lúc nào thì thật tình tôi không nhớ rõ nữa. Chính điều đó làm cho tôi thắc mắc.
- Anh chỉ làm cho tôi tức mình thêm thôi.
Thanh niên kia nhíu đôi mày có vẻ khó chịu:
- Nhưng lần này chớ giết hắn làm gì.
Người lớn tuổi cắt ngang câu nói:
- Mọi việc tuỳ ở y thị.
Nói xong, hắn đứng dậy, nói thêm:
- Thôi xuống đi thôi, kẻo người ta lại để ý đến sự vắng mặt của chúng ta. Hơn nữa, chúng ta cũng không được phép quên vai trò của chúng ta.
Người nhỏ tuổi bước theo.
Bên ngoài, mưa bão mỗi lúc mỗi dữ dội hơn.
Một tiếng sét nghe long óc.
Cơn cuồng phong đang tiến gần…
Trong lúc đó, dưới chân núi chạy dài theo tỉnh Hàn Nguyên, chính tiếng sét long trời lở đất đó cũng làm cho phán quan Dịch Nhân Tiết sửng sốt ngửng cao đầu lên nghe ngóng. Phán quan đưa mắt nhìn ra bên ngoài, một màu đen thẳm bao trùm vạn vật. Ngài co rút mình sâu vào một góc chiếc xe ngựa. Và sau khi lấy thân áo lau đôi mục kính, ngài phán cho hai gia nhân đang ngồi co ro trong chiếc áo tơi bằng lá ở phía mui xe:
- Chúng ta không thể nào đi tới Hàn Nguyên trong đêm nay, thôi hãy ngủ đêm lại trong xe. Hãy tìm một ngôi nhà nào gần đây và lo việc cơm nước đi.
Tên xà ích già đưa tay quấn chặt lại cái khăn quàng cổ, lễ phép:
- Bẩm quan lớn. Con thầm nghĩ ở lại đây thật là bất tiện. Con hiểu rất rõ về những trận cuồng phong ở nơi này, nhất là những cơn giông bão đó xảy ra vào mùa thu. Bây giờ cơn giông chỉ mới khởi đầu. Khuya nay, gió mưa sẽ kinh khủng hơn. Con trộm nghĩ bão lớn có thể đưa cả chiếc xe này xuống vực thẳm thì nguy khốn lắm!
Tên xà ích thứ hai tiếp lời:
- Dạ bẩm quan lớn, hơn nữa gần đây cũng chẳng có một ngôi nhà nào. Hay hơn hết, chúng ta xin vào trú ngụ trong ngôi tu viện cổ kính, nhưng con…
Một tia chớp loé lên. Vệt sáng kéo dài lâu đến một vài giây đủ cho vị phán quan nhìn thấy màu xanh của những ngọn núi bao quanh và ở phía bên kia vực thẳm mái ngói màu đỏ thẫm của ngôi tu viện cũ ẩn hiện dưới những tàng cây cổ thụ.
Liền đó một tiếng sét khác tiếp theo long tai nhức óc.
Tất cả lại chìm vào màn đêm dày đặc. Vị phán quan đưa tay vuốt chòm râu dài ngang ngực. Sau một giây lưỡng lự, ngài phán:
- Gia nhân. Một người hãy chạy mau đến ngôi tu viện kia và trình với hoà thượng trụ trì, nói rằng có phán quan tỉnh Hàn Nguyên muốn xin trọ lại tu viện đêm nay và hãy cho ta mượn lối một chục chú tiểu đem cáng lại đưa mấy thiếp của ta cùng hành lý lại tu viện, mau lên!
Tên xà ích già định nói gì đó nhưng vị phán quan đã quát lớn:
- Ô kìa! Còn đợi chi nữa? Đứng dậy, đi mau lên!
Hắn đứng dậy rồi cùng rủ đồng bọn đi theo. Hai bóng người chìm vào bóng đêm, xa xa người ta thấy hai ngọn đèn do họ cầm trở thành hai cái chấm đỏ nhảy múa trong màn đêm dày đặc.
Vị phán quan lui mình sâu vào trong, với tay kéo cái màn trước mặt. Ba vị thiếp của phán quan ngồi trên một gói mền được cẩn thận bọc trong tấm vải lớn. Hạt mưa tuy không tạt được vào trong xe nhưng từng luồng gió giá rét lọt vào làm cho các thị nữ run lên như cầy sấy. Bọn họ nép mình sát bên nhau mỗi lần nghe tiếng sấm dậy.
Vị phán quan ngồi trên một cái rương đựng quần áo.
Người thiếp đầu lên tiếng:
- Xin chàng chớ có bước xuống xe trong lúc này.
Phán quan chậm rãi:
- Ta muốn giúp Tào Can và hai tên xà ích một tay, nhưng mọi cố gắng của ta trở nên vô ích. Cái trục bánh xe đã bị bể rồi. Chỉ còn cách tìm trục mới thay thế vào. Mấy con ngựa xem chừng cũng đã kiệt sức. Cơn giông chỉ mới khởi đầu mà đã tàn phá mạnh mẽ quá mức. Khôn ngoan hơn hết là đêm nay hãy tìm tạm trú ở tu viện Chiêu Vân, hơn nữa, chung quanh đây lại không có một ngôi nhà nào cả.
Người thiếp thứ hai hỏi:
- Có phải toà nhà mái lợp ngói đỏ lẫn ngói xanh nằm bên kia phải không? Dường như có lần chúng ta dã đi qua đây rồi?
Phán quan đáp:
- Lẽ dĩ nhiên là chúng ta đã đi qua nơi đây một lần rồi. Ta xem ra có vẻ tiện lợi lắm vì dù sao thì đây cũng là ngôi tu viện lớn nhất trong tỉnh Hàn Nguyên này. Tín đồ nam nữ dập dìu đến đây trong những ngày lễ lớn.
Người thiếp thứ ba trao cho phán quan một chiếc khăn. Phán quan cầm lấy lau mặt và lau luôn cả bộ râu.
Người thiếp thứ nhất nối lời:
- Được thăm viếng một ngôi tu viện lớn và nổi tiếng lâu đời như vậy thì cũng thích thú lắm chứ! Nhưng chỉ ngại là tu viện ấy có ma…
Bà ta rùng mình một cái.
Bà thiếp thứ ba là người vợ đẹp nhất trong số ba người vợ của vị phán quan.
Phán quan Dịch Nhân Tiết nhíu đôi lông mày:
- Đừng có sàm ngôn. Đó là một tu viện như tất cả các tu viện khác. Chúng ta sẽ ăn buổi tối trong phòng của chúng ta và chúng ta sẽ đi ngủ sớm. Ta hy vọng là lúc rạng đông các gia nhân có thể thay xong cái trục bánh xe và chúng ta đến tỉnh lỵ Hàn Nguyên có lẽ là vào lúc xế trưa.
Người thiếp thứ hai luôn luôn băn khoăn lo lắng về lũ con thơ:
- Không biết mấy đứa nhỏ, chúng sẽ ra sao trong lúc này?
Phán quan với giọng an ủi:
- Thiếp chớ lo ngại. Đã có gia nhân chăm sóc cho chúng.
Phán quan tiếp tục trao đổi những chuyện vặt với ba người vợ thì bỗng nhiên có tiếng la lối om sòm báo tin có trên chục chú tiểu ở tu viện Chiêu Vân đến.
Tào Can đưa khuôn mặt hốc hác nhìn vào xe cho biết có bốn cái cáng đã sẵn sàng rước phán quan cùng ba bà đi về tu viện. Đoàn gia nhân bước xuống. Hai tên xà ích tháo giây cương cho ngựa. Phán quan ra lệnh cho họ lấy những tảng đá lớn chận vào bánh xe.
Cả đoàn người bước đi chậm chạp, dưới trời mưa nặng hạt.
Khi cả đoàn người bước lên cây cầu bắc qua một cái vực thẳm, Tào Can lên tiếng:
- Bẩm quan lớn. Năm ngoái có ba thiếu nữ đã bị chết một cách bí mật ở trong tu viện này, vậy quan lớn có nghĩ đến việc ở lại thêm một ngày trong tu viện để mở cuộc điều tra không ạ?
Dịch Nhân Tiết đáp:
- Ta có nghĩ đến điều đó. Nhưng đến đây để làm công việc ấy thì ta không dẫn theo cả ba người vợ của ta như thế này.
Mấy chú tiểu nhờ quen thuộc đường sá nên bước rất nhanh. Lúc này họ đã bước lên những bậc tam cấp chạy quanh co theo những thân cây to lớn. Dịch Nhân Tiết phải khó nhọc nhìn theo họ và ông tỏ ra vui mừng khi nghe tiếng cửa mở. Thoáng chốc đoàn người đã lọt vào tiền đình của tu viện, bốn bề là những bức tường cao chót vót.
Trèo thêm một bậc tam cấp khác, họ đặt cáng và xếp các gói hành lý xuống.
Hai hàng tu sĩ mặc áo vải màu lam cầm đèn đứng chờ đón rước vị phán quan.
Lúc cánh cửa lớn vừa được kéo lại thì Dịch Nhân Tiết bỗng nhẹ rùng mình. Ông lẩm bẩm:
- Có lẽ ta bị cảm vì trận mưa này?
Vừa lúc ấy một chú tiểu bước lại trước phán quan, cúi đầu.
Dịch Nhân Tiết nói xã giao:
- Ta mong rằng cuộc viếng thăm bất ngờ này không làm bận rộn đến hoà thượng nhiều.
- Bẩm quan lớn. Đây là một hân hạnh lớn cho tu viện của chúng tôi. Thật là một hân hạnh to tát vì sự hiện diện của quan lớn trong ngày lễ lớn hôm nay lại càng thêm có ý nghĩa. Hôm nay chúng tôi làm lễ kỷ niệm thứ 203, ngày xây cất tu viện này.
- Ta lấy làm buồn mà không biết đến điều đó, nhưng thôi, ta xin chúc tu viện mỗi ngày mở rộng thêm trong việc thu hút đón chào các tín đồ từ bốn phương lui tới.
Một cơn gió lạnh thổi tới cắt ngang câu nói của vị phán quan. Ông đưa mắt nhìn âu yếm ba người vợ và lũ gia nhân đang hì hục tháo các rương hành lý.
Dịch Nhân Tiết nhìn sang chú tiểu:
- Bây giờ tiểu hãy dẫn ta tới phòng dành cho ta vì ta cần thay áo quần.
Chú tiểu nhanh nhẩu:
- Bẩm quan lớn. Chúng con sẵn sàng cả rồi. Xin mời quan lớn bước theo. Vì không muốn để quan lớn bị mưa ướt một lần nữa nên xin quan lớn chịu khó cuốc bộ một chặng đường khá dài nữa.
Chú tiểu cầm đèn bước trước. Đoàn người bước theo sau. Chú hạ thấp ngọn đèn như có ý soi sáng các bậc thang để cho vị phán quan vững bước. Ở cuối đoàn có một chú tiểu khác cầm một cây sào dài, đầu ngọn sào có gắn một cây đèn.
Lúc đoàn người đặt chân vào hành lang từng lầu thứ nhất, tai họ hết còn nghe gió gào thét nữa.
Dịch Nhân Tiết lẩm bẩm:
- Những bức tường này có lẽ khá dày đấy nhỉ?
Tào Can thưa:
- Vào thời buổi ấy người ta dám chi tiêu rất lớn vào những vụ xây cất như thế này.
Đoàn người lại phải bước lên một bậc tam cấp nữa.
Tào Can lại nói:
- Tuy nhiên, các kiến trúc sư thời ấy lạm dụng đến việc xây quá nhiều các bậc tam cấp.
Đoàn người bước lên tầng thứ hai.
Chú tiểu lại hì hục đẩy cánh cửa gỗ nặng nề. Hai hàng đèn lồng soi sáng một hành lang dài. Về phía trái hành lang có nhiều cửa sổ hẹp.
Chú tiểu dẫn đầu quay lại:
- Bẩm quan lớn. Chúng ta hiện ở tầng lầu thứ hai ở mặt cánh đông của tu viện. Chiếc cầu thang mà quan lớn nhận thấy ở phía trái bước xuống đại phòng của tầng trệt. Nếu chịu khó lắng tai nghe thì quan lớn có thể nghe được tiếng nhạc do các diễn viên đang cử trong lúc này.
Dịch Nhân Tiết để ý nghe. Có tiếng trống xa xa nhưng mưa bão đập mạnh vào những tấm liếp át hẳn mọi âm thanh khác.
Cuồng phong mỗi phút gia tăng thêm cường độ.
Dịch Nhân Tiết gật đầu vừa ý.
- Quyết định của ta vào tạm trú ở ngôi tu viện nầy thật đúng lúc!
Chú tiểu quay lại:
- Sau khi đi vòng quanh nơi này chúng ta sẽ bước đến căn phòng dành riêng cho quan lớn nghỉ ngơi. Chúng con cũng mong rằng căn phòng không đến nỗi thiếu tiện nghi gì cho lắm. Chúng con sẽ dẫn quan phụ tá đến một căn phòng khác. Căn phòng đó ở tầng lầu thứ nhất. Ở đó, còn có nhiều vị tân khách khác nữa.
Dịch Nhân Tiết quay lại nhìn ba bà vợ của ông, bỗng một cơn lốc dữ dội đập vào tấm liếp. Nước mưa xối xả đổ xuống. Dịch Nhân Tiết đưa tay chực khép lại cánh cửa nhưng một cảnh tượng kỳ lạ diễn ra trước mặt làm cho vị phán quan khựng lại.
Chỉ cách lối ba thước, nơi một toà nhà đối diện, một cánh cửa sổ cũng được mở ra để cho nhìn thấy một căn phòng trông có vẻ thiếu ánh sáng. Vị phán quan nhìn rõ một người đàn ông ôm trên tay một thiếu phụ thân hình loã lồ. Người đàn ông đang tìm cách đưa cao thiếu phụ kia. Căn phòng tranh sáng tranh tối, nên Dịch Nhân Tiết chỉ nhìn thấy phía sau lưng của người đàn ông. Một cái lưng khá vạm vỡ. Người này lại đội trên đầu một cái mũ bằng sắt. Còn người đàn bà, tay phải che mặt, tay trái buông thõng xuống dường như y thị bị cụt tay. Bỗng người đàn ông liệng mạnh người đàn bà ra phía sau. Giữa lúc đó, một cơn gió mạnh khác thổi tới đóng sầm cánh cửa sổ làm cho vị phán quan giật mình phải thụt đầu vào phía trong. Từng vòi nước ào ào đổ xuống làm cho Dịch Nhân Tiết đến tối tăm cả mặt mày.
Đến khi Dịch Nhân Tiết kịp mở lại cánh cửa thì Tào Can và chú tiểu đã đứng sẵn bên cạnh.
Chú tiểu vừa đưa tay giúp Dịch Nhân Tiết mở cánh cửa, miệng lẩm bẩm như có vẻ xin lỗi:
- Bẩm quan lớn để cho chúng con lo các việc ấy.
Dịch Nhân Tiết không nói năng gì. Nhưng khi đoàn người đi qua, Dịch Nhân Tiết hỏi chú tiểu:
- Toà nhà đối diện với toà nhà này dùng để làm gì?
- Bẩm quan lớn. Đó là nơi chứa đồ dùng.
Dịch Nhân Tiết chưa hết ngạc nhiên, hỏi tiếp:
- Lúc nãy, ở phía bên kia, cửa sổ được mở ra, bây giờ có ai đóng lại rồi, có phải như vậy không?
Chú tiểu nghe nói dựng tóc gáy:
- Một cánh cửa sổ được mở ra? Bẩm quan lớn. Quan lớn có nhìn lầm chăng? Phòng chứa vật dụng không hề có một cửa sổ nào cả. Bức tường đối diện hoàn toàn dày đặc. Nếu quan lớn muốn được thấy rõ tận mắt, xin quan lớn hãy theo chúng con.

Chương II: CÁNH CỬA MA

Dịch Nhân Tiết bước theo chú tiểu mà không nói năng gì. Vị phán quan cảm thấy nhức nhối nơi đầu. Đôi mắt ngài đỏ hoe. Ông bắt đầu bị cảm nặng. Dịch Nhân Tiết cảm thấy trong người ơn ớn lạnh.
Cảnh tượng kỳ lạ diễn ra qua màn mưa, phải chăng chỉ là ảo giác?
Dịch Nhân Tiết liếc mắt nhìn quan phụ tá Tào Can. Ông nhận thấy quan phụ tá vẫn bình tĩnh.
Ông ra lệnh:
- Nhà ngươi hãy đi thay quần áo và nhớ lại đây ngay.
Chú tiểu cúi đầu từ giã Dịch Nhân Tiết và trở ra cùng với Tào Can.
Trong căn phòng rộng lớn, người thiếp thứ nhất đưa tay chỉ những chiếc rương và lệnh cho gia nhân tháo mở.
Người thiếp thứ hai và thứ ba điều khiển các chú tiểu đốt lửa các lò sưởi.
Dịch Nhân Tiết nhìn mọi người làm việc, sau đó ông quay lại phòng riêng của ông.
Căn phòng được bày biện một số bàn ghế kiểu xưa. Những tấm liếp nặng nề che kín các cửa sổ nhưng cũng không sao ngăn được sự giận dữ của cơn cuồng phong ở bên ngoài. Một chiếc giường rộng choán trọn một góc căn phòng. Đó là một cái sập bằng gỗ quí, bốn mép sập có chạm trổ công phu. Ở một góc khác có đặt một chiếc bàn nhỏ, chung quanh có bốn chiếc ghế. Ngoài một lò than hồng to lớn, còn ra không có gì nữa. Một tấm thảm nâu đã bạc màu trải lên nền gạch bông. Nhìn chung, quang cảnh không mấy hấp dẫn, tuy nhiên Dịch Nhân Tiết có vẻ thoải mái. Vị phán quan nói một mình:
- Một khi mà lò than hồng được đốt lên, tất cả các ngọn đèn được thắp sáng thì quang cảnh xem cũng tạm đẹp mắt đấy chứ?
Dịch Nhân Tiết với tay kéo chiếc màn ngăn cách chiếc giường của ông nằm. Vị phán quan nhận thấy chiếc giường ông nằm cũng đủ rộng để cho ba người vợ của ông cùng nằm chung với ông. Lúc còn ở tỉnh Gia Mân, chẳng bao giờ ba người vợ cùng nằm chung với nhau. Mỗi người có một phòng riêng. Đêm đến Dịch Nhân Tiết vào phòng họ tuỳ nơi mời mọc của mỗi người.
Vốn là đồ đệ trung thành của đạo Khổng, Dịch Nhân Tiết nghĩ rằng có lẽ đó là cách giải quyết ổn thoả nhất. Có nhiều ông chồng có thói quen ngủ chung giường với tất cả các bà vợ của mình. Một sự chung đụng như thế chỉ làm tổn thương đến sự tôn kính nữ giới, mà còn làm phương hại cho sự hoà hợp trong gia đình. Nói thì nói vậy, nhưng trong một cuộc du lịch, người ta không thể làm theo như ý mình muốn được.
Dịch Nhân Tiết trở lại phòng riêng, hắt hơi liên tiếp luôn mấy cái.
Người thiếp thứ nhất nói:
- Xin chàng mặc thêm một chiếc áo bông vào người.
Rồi bà hạ giọng:
- Chàng nghĩ xem, thiếp có nên tặng chút ít quà mọn gì cho mấy chú tiểu không?
Vị phán quan nói nhỏ:
- Không sao! Để ta lo việc ấy. Vì trước khi rời khỏi nơi này ta sẽ dành một món quà xứng đáng cho vị hoà thượng trụ trì nơi đây.
Đoạn Dịch Nhân Tiết lớn giọng:
- Cái áo này, ta mặc vừa vặn đấy chứ?
Vừa lúc người thiếp thứ hai định đem hơ khô áo bên cạnh lò than thì vị phán quan lệnh đem đến cho ông chiếc mão.
- Để ta đến ngỏ lời cảm ơn vị hoà thượng trụ trì nơi đây một chút cho phải lễ.
Người thiếp thứ nhất lên tiếng:
- Chàng nhớ trở về thật sớm. Thiếp đang pha trà nóng cho chàng. Bữa ăn tối cũng đang được chuẩn bị gần xong. Chàng có vẻ mệt thì phải. Thiếp nghĩ chàng bị cảm rồi đó!
Dịch Nhân Tiết mau mắn:
- Ta trở lại ngay. Ta cảm thấy trong người cũng không được khoẻ lắm. Có lẽ ta bị cảm nhẹ vì trận mưa quái ác kia.
Dịch Nhân Tiết buộc chiếc thắt lưng vào bụng. Cả ba nàng tiễn chân ông tới cửa.
Quan phụ tá Tào Can đã đứng chờ sẵn ở hành lang. Ông này mặc chiếc áo dài màu xanh và đội chiếc mão bằng nỉ. Một chú tiểu cầm đèn đứng sẵn bên cạnh.
Vừa thấy Dịch Nhân Tiết, chú tiểu đã kính cẩn cúi đầu:
- Hoà thượng chúng con đợi quan lớn ở ngay phòng tiếp khách.
Dịch Nhân Tiết bệ vệ bước ra khỏi phòng. Lúc đi qua nơi có cửa sổ mà lúc nãy ông ta được dịp chứng kiến một cảnh tượng kỳ lạ ở bên toà nhà đối diện, vị phán quan để tai nghe ngóng. Mưa gió vẫn trong cơn giận dữ tuy có phần bớt cường độ hơn lúc trước. Dịch Nhân Tiết mở toang cánh cửa sổ. Một làn chớp loé lên. Ánh sáng vừa đủ cho vị phán quan nhìn thấy rõ bức tường toà nhà đối diện. Rõ ràng là một bức tường bằng phẳng, không có qua một cánh cửa sổ nào cả. Phía trên bức tường là một cái tháp nhỏ. Từ đó bức tường chạy dài xuống mặt đất không có một cánh cửa sổ nào.
Dịch Nhân Tiết đóng mạnh cánh cửa, giọng bất bình:
- Mưa bão kéo dài mãi sao? Chú tiểu hãy chịu khó dẫn ta qua căn phòng chứa vật liệu thử xem.
Chú tiểu tỏ vẻ kinh ngac:
- Bẩm quan lớn. Nếu muốn đi đến phòng chứa vật liệu thì phải xuống tầng dưới và lần theo hành lang nối liền toàn nhà này với toà nhà kia, sau đó còn phải…
Dịch Nhân Tiết cắt ngang câu trả lời:
- Không sao! Ta sẽ bước theo chú.
Tào Can liếc nhìn vị phán quan. Ông ta thấy nét mặt Dịch Nhân Tiết có vẻ cương quyết, do đó ông định nói gì nhưng lại ngưng ngay.
Ba bóng người âm thầm bước xuống bậc tam cấp rồi cả ba lần theo một hành lang nhỏ hẹp. Họ phải bước lên một bậc tam cấp khá cao trước khi bước đến một khoang cầu thang. Từ đó nhìn xuống, Dịch Nhân Tiết nhận thấy một cái giếng rộng lớn, lòng giếng đen thẳm. Mùi nhang trầm từ đâu toả ngát căn phòng.
Chú tiểu quay lại giải thích:
- Nơi đây nằm ngang với căn phòng mà hiện quan lớn đang tạm trú ở cánh phía đông của tu viện.
Bước thêm vài bước, chú tiểu lại nói:
- Đây là hành lang dẫn tới căn phòng chứa vật dụng.
Dịch Nhân Tiết dừng chân đưa mắt quan sát dãy cửa sổ cao ở bức tường bên mặt.
Chú tiểu lại bước đi. Chú đẩy một cánh cửa lớn rồi mời khách bước vào một căn phòng hình chữ nhật, trần nhà rất thấp. Hai ngọn đèn vừa đủ chiếu sáng căn phòng chứa đầy những gói và những rương vật dụng. Dịch Nhân Tiết hơi thắc mắc, hỏi:
- Ai lo công việc thắp sáng những ngọn đèn này?
- Bẩm quan lớn. Các tu sĩ luôn luôn lui tới nơi đây tìm kiếm các vật dụng và cả quần áo sắm tuồng. – Chú tiểu vừa nói vừa chỉ lên vách cho vị phán quan thấy hàng dãy hia mão, áo gấm, quần hoa và cả những chiếc mặt nạ bằng gỗ sắp xếp thứ tự ở phía ngăn trái. Ở phía mặt là một cái giá gươm trên đó cắm đầy lao, kích, cờ, phướn… và rất nhiều dụng cụ để diễn tuồng.
Dịch Nhân Tiết đứng lặng im quan sát thật kỹ. Sau những dụng cụ sắm tuồng đó, vị phán quan không nhìn thấy một kẽ hở nào ở bức tường. Quả có hai ô cửa nhỏ nằm về mặt đông, nhưng như vậy là hai ô cửa này nằm ở phía ngoài ngôi thiền viện.
Dịch Nhân Tiết lệnh cho chú tiểu:
- Chú ra ngoài phòng và đợi ta ở ngoài đó.
Tào Can nhận thấy Dịch Nhân Tiết đi đi lại lại trong căn phòng quan sát thật kỹ lưỡng, không dám lên tiếng hỏi và ông cũng làm theo vị phán quan mà trong lòng không khỏi thắc mắc. Đến một lúc không thể chịu đựng được, Tào Can liền thưa:
- Thưa phán quan. Chẳng hay có điều gì đáng dị nghị ở trong căn phòng này nên phán quan ra chiều bận tâm nhiều đến vậy?
Dịch Nhân Tiết kể lại cảnh tượng kỳ lạ do chính mình chứng kiến và kết luận.
- Chú tiểu của thiền viện này quả quyết với ta là căn phòng này không có một cánh cửa sổ nào đối diện với toà nhà bên cạnh. Ta bắt buộc phải tìm biết là chú tiểu đã không nói dối ta. Tuy nhiên ta vẫn chưa hết thắc mắc vì chính mắt ta nhìn thấy rõ là có một cánh cửa sổ mở ra. Hơn nữa, cảnh tượng đó đã diễn ra chỉ cách đây không bao lâu.
Tào Can chặc lưỡi:
- Rõ quái đản! Bẩm quan lớn. Ngoài ra quan lớn còn nhận thấy gì kỳ lạ nữa không?
- Ta đã nói với nhà ngươi là cảnh đó chỉ diễn ra trong vòng mấy giây đồng hồ mà thôi.
- Cảnh đó lại diễn ra ở nơi này? Để tôi thăm dò thật kỹ các bức tường. Để xem có một cánh cửa sổ nhỏ nào ở phía sau những cây lao và những lá phướn đó không?
Dịch Nhân Tiết chắp tay sau lưng đứng nhìn Tào Can xê dịch các ngọn giáo, các ngọn kích, các chĩa ba… bám đầy bụi. Công việc này làm cho Tào Can nhớ lại thời kỳ ông ta làm công việc kiểm soát dưới các ghe đò, thuyền buồm chạy lại trên các sông lạch.
Dịch Nhân Tiết để mặc Tào Can lục soát trong lúc đó ông bước lại rờ rẫm bức tường phía trái. Vị phán quan luồn chân một cách khó nhọc bước qua những gói bao lớn, những rương gỗ chất đầy vật liệu, cả những mặt nạ thô kệch dường như đang trừng mắt theo dõi mỗi cử chỉ của ông.
Như vừa nói cho mình và Tào Can đủ nghe, Dịch Nhân Tiết lẩm bẩm:
- Đạo giáo gì mà kỳ lạ thật! Đạo Khổng chân chính minh bạch như vậy, vì sao họ không theo? Lão giáo cũng bắt nguồn từ Trung Quốc. Có phải như đạo Phật đâu!
Tào Can góp ý:
- Tiện đệ nghĩ rằng phía Lão giáo cần xây cất những tu viện to lớn như thế này là để cạnh tranh với đạo Phật đang bành trướng và phát triển mạnh.
Dịch Nhân Tiết ho lên mấy tiếng. Vị phán quan quả thật đã bị cảm nặng. Tuy được mặc rất ấm nhưng chốc chốc ông ta lại rùng mình mấy cái, dường như ông đang cảm thấy ớn lạnh trong mình.
Bỗng Tào Can lớn tiếng:
- Bẩm quan lớn. Hãy nhìn đây!
Dịch Nhân Tiết bước lại gần hơn. Trong một góc phòng, cạnh một cái tủ, khi Tào Can lật hẳn một tấm biển lên, ông ta nhận thấy rõ ràng một khung cửa sổ.
Cả hai đứng lặng yên một hồi. Tào Can nhìn Dịch Nhân Tiết không chớp mắt, đoạn ông ta lẩm bẩm:
- Thật sự thì tại đây có một cánh cửa sổ nhưng cửa này đã được bít kín lại từ lâu lắm rồi.
Dịch Nhân Tiết chậm rãi:
- Chúng ta đang đứng gần một góc của toà nhà này tức đối diện với cửa sổ ở bên kia.
Tào Can đưa tay vỗ mạnh vào bức tường. Ông ta dùng mũi dao cạy mạnh vào bức tường rồi lần đưa mũi dao vào viền khung cánh cửa. Đoạn ông lên tiếng:
- Bẩm quan lớn. Ngôi tu viện này xưa cũ lắm rồi. Tiện đệ có nghe đồn có lắm chuyện kỳ lạ đã xảy ra ở nhiều nơi trong ngôi Thiền viện này. Nhiều người đáng tin cậy quả quyết là chính mắt họ đã chứng kiến lắm cảnh xưa cũ từ rất nhiều thế kỷ qua và cũng có thể…
Tào Can chưa dứt lời thì nhìn thấy Dịch Nhân Tiết đưa tay lên trán ra chiều suy nghĩ:
- Cái mũ sắt mà người đàn ông nọ đội lên đầu… Kể từ hàng trăm năm qua, chính các binh sĩ của chúng ta cũng không đội loại mũ đó. Ta cho đó cũng là một điều lạ, Tào Can ạ!
Dịch Nhân Tiết suy nghĩ một hồi rồi nói:
- Dường như ta đã thấy loại mũ này ở trong một vở tuồng nào đó. Xem kìa! Chính nó đó! - Dịch Nhân Tiết bước lại bên cạnh những chiếc mặt nạ. Nơi đây bày ngổn ngang những bao tay bằng sắt, những vỏ bao kiếm…
Vị phán quan lẩm bẩm:
- Lạ nhỉ! Vì sao lại không có loại mũ sắt kia?
Tào Can đỡ lời:
- Bẩm quan lớn. Có nhiều bộ đồ tuồng còn thiếu sót.
Như không để ý đến câu nói của Tào Can, Dịch Nhân Tiết tiếp tục:
- Ta không để ý đến y phục của người đàn ông nọ nhưng ta nhớ rõ hắn rất lớn vóc với những cánh tay to lớn, đôi vai khá rộng.
Dịch Nhân Tiết nhìn Tào Can không chớp mắt rồi bỗng la lên:
- Trời đất! Hay là ta đã thấy ma?
Tào Can thưa:
- Để tiện đệ đo thử để biết bề sâu của cánh cửa sổ đó là bao nhiêu.
Dịch Nhân Tiết rùng mình một cái. Vị phán quan co mình nhỏ lại trong chiếc áo dài bông rồi đưa tay rút ra một khăn bằng lụa, đưa khăn chấm mắt.
Cảnh tượng lúc nãy mà Dịch Nhân Tiết được chứng kiến phải chăng do ảo giác gây ra?
Tào Can tiếp lời:
- Bẩm quan lớn. Bức tường này cũng khá dày. Có thể gần đến một thước. Nhưng dù có dày đến mức đó thì cũng không thể nào đủ cho một người đàn ông ôm một người đàn bà trong tư thế như vậy được.
Dịch Nhân Tiết gật đầu:
- Lẽ dĩ nhiên là không thể như thế được!
Vị phán quan quay mặt nhìn kỹ chiếc tủ kiểu xưa. Trên đầu tủ có hình chạm hai con rồng đang vờn ngọn lửa. Dịch Nhân Tiết kéo cánh tủ. Ngoài một chồng mão được xếp gọn gàng, vị phán quan không còn nhận thấy có gì thêm nữa. Dịch Nhân Tiết để ý ở phía chân tủ cũng có hình chạm hai con rồng đang vờn ngọn lửa, nên nói nhỏ:
- Cái tủ xưa này quí lắm đó!
Đoạn Dịch Nhân Tiết buông một tiếng thở dài và nói:
- Thôi hãy quên những gì ta đã thấy đi. Hãy trở lại công việc đang làm. Năm vừa qua, Tào Can nhớ chứ? Không phải cách đây một hay hai thế kỷ đâu. Đã có ba thiếu nữ chết trong ngôi tu viện này. Người thứ nhất tên gọi là Linh. Chết vì bịnh. Người thứ hai là Gao, tự tử. Người thứ ba tên Hoằng, chết vì tai nạn. Người ta đã tường trình lên cho chúng ta như vậy. Nhân dịp này chúng ta hỏi thăm hoà thượng trụ trì để biết rõ hơn về cái chết của ba thiếu nữ đó. Hãy tới gặp vị hoà thượng xem sao!
Chú tiểu đứng đợi ở hành lang từ nãy đến giờ. Mặt chú xanh tưởng chừng không còn một giọt máu. Đôi mắt chú trông lơ láo như đang khiếp sợ cái gì.
Dịch Nhân Tiết hỏi:
- Có gì lạ đã xảy ra?
- Dạ! Dường như con trông thấy một bóng người xuất hiện.
- Chú có nói là các tu sĩ thường lui tới căn phòng chứa vật dụng kia mà?
- Da. Nhưng đây không phải là các tu sĩ mà là bóng một người lính.
- Một người lính?
Chú tiểu gật đầu. Sau một giây im lặng chú bèn kể tiếp:
- Chúng con nghe kể lại là cách đây lõi một trăm năm, một số người nổi loạn đem gia đình vào trú ẩn trong ngôi tu viện này. Quân đội được lệnh nhà vua xông vào tu viện. Hễ gặp ai là họ giết chết ngay. Đàn ông, đàn bà và cả trẻ con.
Chú tiểu trợn tròn mắt vì quá sợ hãi. Chú nhìn vị phán quan và nói thêm:
- Người ta cũng nói rằng những đêm giông bão như đêm nay, những con ma ấy sống lại những giây phút xa xưa. Bẩm quan lớn, chẳng hay quan lớn không nghe thấy gì hết cả hay sao?
Dịch Nhân Tiết lắng tai nghe ngóng. Vị phán quan càu nhàu:
- Chỉ nghe mưa rơi, gió rít. Thôi hãy bước xuống. Ở đây có nhiều gió lạnh, khó chịu quá chừng!

Chương III: DỊCH NHÂN TIẾT HỘI NGỘ CÙNG VỚI HOÀ THƯỢNG

Theo chú tiểu bước xuống nhiều bậc thang với cùng nhiều ngách cùng, ngõ hẻm, Dịch Nhân Tiết và Tào Can bước xuống tầng dưới. Nơi đây có nhiều bức chạm trổ thật tinh vi, phần nhiều là hình những con rồng đang vờn mình giữa các đám mây. Nền nhà lát bằng đá hoa được nhiều thế hệ các chú tiểu và tu sĩ mải miết lau chùi đánh bóng. Khi bước qua phòng nghi lễ, Dịch Nhân Tiết nói với Tào Can:
- Trong lúc ta đàm đạo với hoà thượng trụ trì, nhà ngươi hãy đi tìm một người thợ mộc trong tu viện này thay cái trục xe đã bể. Ta muốn họ sửa chữa cái trục xe ngay trong đêm nay.
Rồi hạ giọng, vị phán quan nói:
- Hãy cố gắng vẽ cho ta bức hoạ đồ về ngôi tu viện này.
Phòng nói chuyện nằm gần căn phòng chánh. Dịch Nhân Tiết bước vào phòng, tỏ ý thoải mái khi nhìn thấy lò than hồng rực cháy và những tấm liếp che gió rất dày làm cho căn phòng trở nên ấm cúng lạ thường.
Một người đàn ông cao lớn nhưng dáng mảnh mai tiến về phía vị phán quan. Chiếc áo dài bằng gấm màu vàng, rộng làm cho người này có vẻ bệ vệ thêm.
Người này nhẹ cúi đầu chào vị phán quan. Đó chính là Chân Hiền, vị hoà thượng trụ trì thiền viện Chiêu Vân này. Dịch Nhân Tiết để ý đến cặp mắt đen, đôi ngươi ít động đậy của vị hoà thượng trụ trì. Thêm vào đó là khuôn mặt dài với một chòm râu thưa bạc trắng. Cả hai ngồi vào hai chiếc ghế có lưng dựa. Chú tiểu lo pha trà. Bình trà đặt trên một cái mâm sơn son thếp vàng.
Dịch Nhân Tiết ngỏ lời trước:
- Xin hoà thượng chớ chấp nhất vì chúng tôi đã đến khuấy rầy hoà thượng đúng vào ngày đại lễ của thiền viện. Chúng tôi cứ ngại là sự hiện diện của chúng tôi trong ngày hôm nay có điều gì làm trở ngại trong công việc của tu viện chăng?
Mặc dù đôi mắt nhà tu hành nhìn chằm chằm vào vị phán quan, nhưng ông dường như không nhìn thấy gì cả vì tất cả tâm trí của hoà thượng đang được thu vào nội tâm kín đáo.
Uốn đôi lông mày lên, vị hoà thượng trụ trì với giọng nói chậm rãi, nhưng nghiêm nghị:
- Sự viếng thăm của quan lớn không có gì làm bận rộn cho thiền viện. Ở cánh phía đông của tu viện chúng tôi có dành sẵn lối bốn chục phòng cho các tân khách ở xa đến trú ngụ… nhưng thật ra không có vị tân khách nào quan trọng như quan lớn cả.
Dịch Nhân Tiết kính cẩn:
- Căn phòng mà hoà thượng có nhã ý dành cho chúng tôi thật là hoàn toàn. - Vừa nói vị phán quan đưa tay cầm lấy tách trà do chú tiểu kính cẩn dâng lên bằng cả hai tay.
Dịch Nhân Tiết lúc này cũng cảm thấy mệt mỏi nên không tìm ra câu nói nào đượm vẻ xã giao hơn nữa, nên ông đi thẳng vào vấn đề.
- Từ lúc được nhậm chức ở tỉnh Hàn Nguyên đến nay tôi rất nóng lòng đến thăm ngôi thiền viện này, vì đây là ngôi tu viện nổi danh nhất trong nước, nhưng tiếc rằng vì công vụ đa đoan, vậy xin hoà thượng tha thứ cho. Ngoài việc đến đây để nhận thêm những lời chỉ giáo và chiêm ngưỡng lối kiến trúc của ngôi thiền viện danh tiếng, chúng tôi còn muốn được thỉnh giáo thêm nhiều cao kiến của hoà thượng về một vài thắc mắc riêng tư.
- Chúng tôi đâu ngại gì trong việc phục vụ quan lớn. Vậy quan lớn có điều chi cứ dạy.
- Bản chức muốn tìm hiểu thêm vài chi tiết về ba cái chết đã xảy ra vào năm ngoài ở trong ngôi thiền viện này. Thật ra, cũng là chỉ để có thêm tài liệu ghi thêm vào hồ sơ thường nhật mà thôi.
Vị hoà thượng trụ trì ra dấu cho chú tiểu bước ra khỏi phòng.
Lúc cánh cửa đã khép lại, vị hoà thượng trụ trì mới ngỏ lời:
- Trong tu viện này có lối một trăm tu sĩ, ấy là chưa kể các chú tiểu, những tín đồ đến làm công quả và một số tân khách quý. Đời người có hạn. Con người ngã bệnh và nằm xuống tại đây cũng giống như mọi nơi khác. Bẩm quan lớn, vậy quan lớn muốn nhắc đến những cái chết nào vậy?
- Sau khi duyệt xét các hồ sơ toà án, bản chức có để ý đến ba bản khai tử do chính thiền viện gửi đến, ba bản khai tử đó thuộc về ba thiếu nữ đã từ trần ở thiền viện này. Bản chức nghĩ rằng họ đến thọ đạo tại đây và đã chết tại đây.
Nhìn thấy vị hoà thượng dướn đôi mày lên nên vị phán quan vừa cười, nói thêm:
- Bản chức quên mất tên họ của ba người xấu số đó…
Dịch Nhân Tiết ngừng lại cố ý dò xét thái độ người đối thoại với mình.
Vị hoà thượng trụ trì gật đầu:
- Chúng tôi đã hiểu rõ ý muốn của quan lớn. Vâng. Thiếu nữ đầu tiên tên là Linh bị bệnh vào năm ngoái. Đạo sĩ Tuyên Minh đã lo săn sóc cho y thị,
Vị hoà thượng nói đến đây bỗng ngưng lại. Đôi mắt ông nhìn chằm chằm về phía cửa. Vị phán quan quay lại xem thử có ai vừa bước vào nhưng khi ông đưa mắt nhìn thì cánh cửa đã khép lại.
- Ồ! Những tên vô lễ, thật là vô ý tứ. Chúng vào ra bất cứ nơi nào. Tại sao chúng không gõ cửa trước khi bước vào?
Nhận thấy vị phán quan có vẻ sửng sốt, vị hoà thượng trụ trì giải thích thêm:
- Theo lệ, chúng tôi có mướn một đoàn hát đến đây để diễn những vở tuồng xưa nhân dịp những ngày đại lễ của tu viện. Các nghệ sĩ này còn có nhiệm vụ tìm cách giải trí quan khách bằng những màn nhào lộn hoặc đánh kiếm, đánh đao. Lẽ dĩ nhiên, họ còn phạm nhiều khiếm khuyết trong lúc trình diễn, đặc biệt là trình diễn những vở tuồng thích hợp với các tín đồ.
Để kết luận câu chuyện, vị hoà thượng nói:
- Lần này, tu viện sẽ kiểm soát gắt việc làm của họ.
Dịch Nhân Tiết nhắc lại chuyện cũ vì ngại rằng vị hoà thượng đi ra ngoài đề:
- Bản chức nhớ rằng cô gái họ Linh đã từ trần sau khi bị bạo bệnh. Vậy bản chức muốn hỏi là sau đó có cuộc giảo nghiệm tử thi không?
- Trong tu viện cũng có nhiều vị thông hiểu khá nhiều về y lý.
- Ồ quí hoá quá! Còn cô gái thứ hai lại tự tử?
Vị hoà thượng trụ trì thở dài:
- Câu chuyện đáng buồn thật. Thiếu nữ thông minh rất mực nhưng lại là con người đa cảm. Cô ta hay bị đau khổ vì mắc bệnh ảo giác. Chúng tôi không chấp nhận cô ta tu ở tu viện này. Nhưng cô gái nài nỉ xin được ở lại, hơn nữa cha mẹ cô gái cũng nằng nặc xin cho con được tu ở tu viện. Cuối cùng, chúng tôi đành chấp nhận. Thế rồi, vào một đêm, cô gái bị loạn thần kinh, bệnh tình trầm trọng hơn mỗi ngày. Không rõ cô ta ăn phải vật gì nên bị ngộ độc. Thi thể được trả về cho gia đình. Đám tang đã diễn ra ở nơi quê cô gái sinh trưởng.
- Còn nạn nhân thứ ba? Đây cũng là một vụ tự tử.
- Không phải. Thật ra, đó là một tai nạn. Nạn nhân tên là Hoằng. Y thị cũng rất thông minh. Cô gái say mê tiểu sử ngôi thiền viện này. Hàng ngày cô gái thích đi dạo chơi trong và ngoài ngôi tu viện. Thế rồi, một ngày nọ, cô gái trèo lên ngọn tháp ở phía Đông Nam. Trong lúc cô gái dựa vào lan can, không may chiếc lan can ấy lâu ngày đã mục nát, không chịu nổi sức nặng của cô gái đã đổ gẫy làm cho nạn nhân rơi xuống vực thẳm ở ngay dưới chân ngôi tu viện này.
- Nhưng trong hồ sơ của bản chức thấy thiếu kết quả cuộc giảo nghiệm tử thi.
Nghe câu hỏi trên, vị hoà thượng trụ trì buồn bã lắc đầu:
- Bẩm quan lớn là không hề có cuộc giảo nghiệm tử thi, vì thật ra không làm thế nào tìm được xác của nạn nhân. Lòng vực quá sâu, có đến cả trăm thước bề sâu, nên không có một tay thợ lặn nào dám bước xuống cả.
Một phút im lặng.
Vị phán quan hỏi dồn tiếp:
- Có phải là ngọn tháp nằm trên kho chứa vật dụng không? Ngọn tháp này trông đối diện với căn phòng mà hiện bản chức đang trú ngụ, có phải không?
Vị hoà thượng trụ trì nhấp một ngụm nước trà rồi mới trả lời:
- Chính phải!
Vị hoà thượng trụ trì cảm thấy như đã đến lúc nên kết thúc cuộc đàm thoại trong lúc vị phán quan không muốn để ý đến điều đó. Ông ta vuốt nhẹ bộ râu mép rồi lại đặt một câu hỏi khác:
- Trong tu viện luôn luôn có sự hiện diện của các nữ tu sĩ?
- Không phải lúc nào cũng có mặt họ. Kỷ luật tu viện này được nổi tiếng nghiêm minh từ xưa đến nay. Tuy nhiên rất có nhiều gia đình lại muốn gửi con gái của họ vào tu ở tu viện. Chúng tôi chấp nhận để họ ở lại trong tu viện vài tuần lễ, xong một khoá học, họ trở thành nữ tu sĩ thì lúc đó họ được phép rời khỏi tu viện về tu nơi những tu viện ở các địa phương.
Vị phán quan hắt hơi mấy cái. Đoạn ông ta rút cái khăn lụa lau lại bộ râu và với giọng hết sức trìu mến, ông ta nói:
- Bản chức rất lấy làm hoan hỉ về những lời giải thích của hoà thượng. Bản chức cần biết tất cả những điều đó là cũng vì phải làm theo thủ tục mà thôi. Bản chức không bao giờ dám nghĩ là có những chuyện kỳ lạ lại có thể diễn ra sau những bức tường này.
Vị hoà thượng trụ trì kính cẩn cúi đầu. Dịch Nhân Tiết uống cạn tách trà, nối tiếp lại câu chuyện:
- Dường như vừa rồi hoà thượng có nhắc đến đạo sĩ Tuyên Minh. Có phải đó là văn hào Tuyên Minh cách vài năm trước đây từng giữ chức quốc sư trong triều. Có phải không?
- Chính phải. Tu viện của chúng tôi rất lấy làm hân hạnh được tiếp nhận một người có danh vọng cao sang như quốc sư. Bẩm quan lớn, chắc ngài cũng đã rõ sự nghiệp của đạo sĩ Tuyên Minh. Giữ chức quản hạt cho đến khi hai người vợ của đạo sĩ qui tiên thì đạo sĩ được cử giữ chức quốc sư trong triều. Đến lúc đạo sĩ từ giã kinh đô thì ba người con trai của đạo sĩ đã đến tuổi trưởng thành, nhận lãnh những chức vụ công quan trọng nên đạo sĩ muốn dành những năm cuối còn lại của cuộc đời vào việc nghiên cứu các đạo giáo. Ngài đã chọn ngôi tu viện này làm nơi dưỡng tuổi già và đã sống ở đây được hai năm.
Vị hoà thượng trụ trì gật đầu, vui vẻ nói tiếp:
- Sự hiện diện của đạo sĩ Tuyên Minh ở trong tu viện quả thật là một vinh dự quá lớn cho chúng tôi. Ngài tỏ ra rất hoan hỉ về tất cả những công tác của tu viện. Ngài biết rõ mọi việc nhỏ nhặt trong tu viện và không ngại ngùng ban cho chúng tôi những lời chỉ giáo quí báu.
Dịch Nhân Tiết cảm thấy mình có bổn phận đến viếng thăm đạo sĩ Tuyên Minh nên gạn hỏi:
- Vậy đạo sĩ Tuyên Minh trú ngụ nơi nào trong tu viện?
- Chúng tôi dành sẵn ngọn tháp phía tây cho ngài. Quan lớn sẽ gặp đạo sĩ Tuyên Minh ở phòng hội, nhân dịp chúng tôi cho diễn một vở tuồng xưa. Quan lớn cũng sẽ gặp bà Bảo Mẫu, một goá phụ tên tuổi ở kinh đô cũng đến đây cùng với trưởng nữ là cô Mai Quế. Bà Bảo Mẫu cũng có ý định xin tu trong tu viện. Ngoài ra, chúng ta còn được dịp gặp thi sĩ nổi danh Tùng Lập. Đó là tất cả những vị tân khách quí của chúng tôi trong ngày hội hôm nay. Nhiều vị tân khách đã cáo lỗi không đến được vì mấy hôm này mưa gió bất thường. Chúng tôi chưa nói đến đoàn hát Quan Lai. Chỉ ngại rằng những nghệ sĩ ít tăm tiếng trong đoàn chắc chắn không làm cho quan lớn thích thú nhiều đến họ.
Dịch Nhân Tiết tỏ ra khó chịu. Vị phán quan không ưa thích thái độ của những ai khinh rẻ nghề cầm ca, coi những diễn viên sân khấu như hạng vô loại, do đó ông nói lớn:
- Các nghệ sĩ sân khấu đáng ca tụng lắm chứ, vì họ có một nhiệm vụ xã hội phải làm tròn. Họ làm việc nhiều nhưng lại nhận được đồng lương rất khiêm tốn. Họ tìm cách giải trí cho người khác, gây vui nhộn, hầu làm giảm bớt sự buồn chán của cuộc đời. Hơn thế nữa, khi diễn những vở tuồng lịch sử thì chúng ta mới có dịp ôn lại quá khứ oai hùng của đất nước chúng ta, của dân tộc chúng ta, mà không phải chỉ đưa ra những chuyện thần bí huyễn hoặc.
Vị hoà thượng trụ trì tìm cách bênh vực:
- Phải! Mục đích của họ là phải gieo rắc chân lý mà không phải chỉ để giải trí suông.
Như muốn làm dịu bớt câu trả lời cứng nhắc của mình, vị hoà thượng nói thêm:
- Mong quan lớn sẽ không phải thất vọng nhiều. Những tấm mặt nạ, những y phục sắm tuồng, thật sự do tu viện chúng tôi làm ra cách đây ngót cả trăm năm rồi. Đó cũng là những đồ cổ quý giá. Xin quan lớn cho phép chúng tôi được dẫn quan lớn đến phòng hội ngay. Tuồng bắt đầu diễn vào chính ngọ. Lúc này các diễn viên đang đợt tập dợt các màn chót của vở tuồng. Sau buổi trình diễn, thiền viện có đãi quan khách một bữa ăn thanh đạm. Chúng tôi rất lầy làm vinh dự nếu có sự hiện diện của quan lớn trong bữa ăn đạm bạc đó.
Dịch Nhân Tiết cảm thấy chẳng mấy thích thú khi phải dự một bữa tiệc công cộng, nhưng với tư cách là một vị phán quan một tỉnh lớn, không thể nào ông không nhận lời được.
Cả hai đều đứng dậy. Khi tiễn vị phán quan ra đến hành lang tranh tối tranh sáng, vị hoà thượng trụ trì liếc mắt nhìn chung quanh. Ông ta cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng không có một ai lại gần trong lúc hai người hội ngộ trong phòng khách. Vị hoà thượng trụ trì tiễn chân Dịch Nhân Tiết đến ngôi cửa chánh.

Nguồn: http://tusach.mobi/