Chương 5
Nhìn Đan Thanh ủ rũ, phờ phạc như người ốm, ông Hiệp thở dài. Con gái ông đang khổ vì tình và ông phải lo tìm cách giúp nó chiếm được trái tim lẫn thể xác thằng con trai đó.
Ông Hiệp lại thở dài. Đan Thanh đã ngoài ba mươi lại chẳng được sắc nước hương trời như những con bé choai choai suốt ngày nũng nũng nịu nịu kế bên Sơn. Bởi vậy muốn trói chân gã ấy, phải có một thứ xích xiềng đặc biệt.
Chức giám đốc trung tâm nghe kiêu thật nhưng chỉ là hư danh. Ông biết Sơn rất cáo, nó muốn thực lực kìa. Sơn là đứa có tài, cái nó cần là sự nghiệp. Nó sẽ dựa vào Đan Thanh, xem con gái ông như những nấc thang để đạt được mục đích là làm chủ cơ nghiệp của ông.
Bất giác ông Hiệp mỉm cười chua chát khi nhớ lại con đường công danh mình đã đi qua.
Ngày đó, ông còn rất trẻ , đang là sinh viên tỉnh lẻ lên ở trọ, ông đã lấy vợ, một người lớn hơn mình gần cả mười tuổi nhưng lại giàu có. Chính nhờ bà vợ so le tuổi này ông mới có cơ ngơi ngày nay. Bây giờ Sơn định đi theo con đường của ông. Nó không biết rằng vì muốn có những thứ này, ông đã đang tâm bỏ mất hạnh phúc của đời mình, bỏ người phụ nữ ông yêu.
Giọng Đan Thanh cáu gắt vang lên làm ông Hiệp như sực tỉnh.
Vứt cái áo đầm xuống đất, Thanh la lối:
- Ủi có cái áo cũng không nên thân. Hết tháng này, nghỉ cho rồi đi.
Con bé giúp việc mắt đỏ hoe, nhặt cái áo lên và lui xuống bếp. Ông Hiệp nhỏ nhẹ:
- Giận cá chém thớt là điều không nên con ạ.
Đan Thanh vùng vằng:
- Ba hiểu gì con đâu mà nói.
- Sao lại không? Ba cho rằng nó chả đáng để con phải đày đoạ mình như vậy. Con ba có tài lại có địa vị.
Đan Thanh ngắt lời ông:
- Nhưng con không có tình yêu, thiếu thốn hạnh phúc. Hai thứ đó từ một phụ nữ tầm thường đến một phụ nữ thành đạt ai cũng cần hết. Một phụ nữ tầm thường xem ra dễ sống hạnh phúc hơn con, một người mang tiếng thành đạt, nhưng luôn lẻ loi cô độc.
Im lặng một chút, Đan Thanh nói tiếp:
- Phải chi mẹ con còn sống ...
Mặt ông Hiệp nhăn lại vì lời than như trách móc của Đan Thanh. Nhưng lời này như nhắc nhở ông nguyên nhân cái chết của vợ mình. Ông biết Đan Thanh vẫn chưa tha thứ cho ông về chuyện này. Để mỗi khi gặp những điều không vui trong đời, con bé lại than: "phải chi mẹ con còn sống"
Ông Hiệp nghiêm nghị:
- Còn sống, mẹ con cũng không giúp gì được cho con đâu.
Đan Thanh có vẻ thách thức:
- Sao ba lại nghĩ vậy? Mẹ luôn là cố vấn về tình cảm cho con gái. Con bất hạnh nên mới mồ côi. Con căm thù người đàn bà đã gây ra cái chết của mẹ.
Ông Hiệp gằn giọng:
- Đó là tai nạn chớ chẳng ai gây ra cái chết của mẹ con cả.
Đan Thanh bướng bỉnh:
- Nếu không vì mẹ con mụ đàn bà ấy, mẹ đâu ra khỏi nhà để bị xe đụng.
Ông Hiệp quát lên:
- Con im đi. Bây giờ họ đã ở tận Mỹ. Sao con cứ nhắc hoài vậy?
Thanh bật khóc như con nít:
- Bây giờ ba cũng bênh vực nguời đàn bà đó. Hình bóng bà ta lúc nào cũng ngư trị trong tim ba, chớ không phải ở xa như bên Mỹ.
Ông Hiệp chỉ tay vào Đan Thanh, giọng lạc đi vì giận:
- Bao nhiêu năm qua, tao đã chôn nỗi đau của riêng mình xuống tận đáy lòng, giờ mày lại lôi nó lên. Mày đúng là đứa ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân. Cứ mỗi lần buồn bực lại đem chuyện xưa ra trách móc, chớ không cần biết đến nỗi khổ của người khác.
Đan Thanh sụt sùi:
- Sống với con, ba thấy khổ, sao hồi đó ba không đi với mẹ con bà ta cho sung sướng? Đến từng tuổi này rồi, con không cần ba quan tâm, ba có thể sang Mỹ với họ mà.
Dứt lời, cô tới bàn thờ bà Hiệp vừa đốt nhang, vừa khóc trông thật thảm. Ông Hiệp bực bội bỏ ra sân. Ngắm mấy chậu bonsai được chính tay mình tỉa tót, ông thấy lòng dịu xuống.
Người đàn bà mà Đan Thanh châm vào xỉa xói bây giờ ở đâu, thật tình ông không biết. Sau bao nhiêu năm dài dâu biển, ông đã thất lạc người mình yêu say đắm cùng đứa con trai ba tuổi đẹp như thiên thần. Thằng bé ấy lẽ ra là người kế nghiệp của ông. Nhưng mẹ con cô ấy bây giờ ra sao? Nơi xứ người, họ có sung sướng hay không?
Ông Hiệp nghe nhói ở tim khi nghe nhà ai đó vang ra bài nhạc ông hết sức yêu thích của Trịnh Công Sơn:
"Từ trăng thôi là nguyệt, tôi nghe giọt nắng ngoài kia. Từ em thôi là nguyệt, coi như phút đó tình cờ ..."
Một đời người lặng lẽ trôi qua để cuối cùng cuộc tình ấy như một phút tình cờ sao. Nếu vậy, phút tình cờ ấy đúng là định mệnh, nó khiến ông phải ray rứt cả một đời.
Bỏ mặc Đan Thanh ủ ê trong nhà, ông Hiệp dẫn chiếc xe đạp cổ lỗ của mình ra. Đạp xe cũng là một cách thư giãn và thể dục, ông vẫn thích thói quen đơn giản có từ hồi trẻ này. Đạp một vòng quanh công viên, ông ghé vào quần báo. Vừa đẩy xe đạp lên lề đường, ông đã cau mày khi thấy Sơn. Cậu ta đang trò chuyện say sưa với con bé bán sách.
Vậy là Sơn ghé quầy sách là hữu ý chứ không phải tiện đường như từng nói với ông. Chỉ nhìn cách cậu ta và con bé trò chuyện, ông dám chắc hai đứa đang có tình yêu.
Bỗng dưng ông chăm chú nhìn cô gái, nguyên nhân sự bất hạnh của Đan Thanh là đây. Cô ta trẻ trung, vô tư quá. Phen này con ông thua là chắc rồi. Nhưng "Có tiền mua tiên cũng được". Nếu Đan Thanh quá si tình, ông cũng đành trói chân Sơn bằng sợi xích công danh thôi. Bước đường ông từng qua lại kẻ đi tiếp. Dầu biết đó là đoạn đường cong, nhưng để đạt được mục đích, thì có xá gì, chỉ tội nghiệp cô bé trẻ trung vô tư kia.
Tim ông lại đau thắt khi nhớ đến người đàn bà của mình. Ngày đó, cô ấy cũng ngây thơ như vầy. Mà sao càng nhìn, ông càng thấy cô bé giống cô gái ngày xưa của ông nhỉ. Đúng là ông ... thần hồn nát tính rồi.
Cái nhìn hơi khác thường của ông làm Ca Dao chú ý. Cô gật đầu chào đón:
- Bác cứ tự nhiên ạ.
Sơn quay sang ông và hơi lúng túng khi thấy ông Hiệp:
- Bác mua báo.
Ông ung dung:
- Ừ. Tiện đường thôi mà. Thế còn cháu? Chắc thói quen chứ không phải tiện dường như bác?
Sơn ngượng ngập trớ đi:
- Vâng. Đọc báo là thói quen từ khi còn đi học của cháu mà.
Ông Hiệp bỗng hỏi:
- Rảnh không? Bác cháu mình đi uống cà phê.
Sơn nhìn đồng hồ:
- Thời gian trống của cháu chỉ còn 45 phút.
Ông Hiệp khoát tay:
- Nhiều chán. Bác chỉ cần 5 đến tối đa 10 phút là hết chuyện. Mình vào quán ở công viên gần dây nhé.
Sơn có vẻ lưỡng lự, nhưng anh vẫn gật đầu:
- Vâng.
Ông cầm tờ "kiến thức phổ thông" lên và hỏi cho có lệ:
- Bao nhiêu ... con gái?
Ca Dao nhoẻn miệng cười trước khi nói giá tiền. Cô thấy ấm lòng khi được gọi là con gái. Nếu còn sống, chắc ba cô cũng trạc tuổi người đàn ông này và chắc ông cũng dịu dàng như vầy.
Giọng Sơn khe khẽ vang lên:
- Lấy báo cho anh đi Dao.
Ca Dao dạ nghe ngọt thấm vào tim. Ông Hiệp vờ lật quyển tạp chí như không bỏ sót cử chỉ nào của cô gái. Ông thấy cô bỏ vào bao cho Sơn tờ Tạp Chí Thể Thao, Văn Hoá, Kinh Tế Sài Gòn, Saigon Time. Ngoài ra, cô bé còn kín đáo bỏ vào một bịch khăn giấy mấy vỉ Strepsil kèm theo lời thì thầm.
- Nhớ ngậm để khỏi đau cổ.
Ông Hiệp bồi hồi trước sự quan tâm của cô bé. Đan Thanh nhà ông không được như thế, dù nó đã trưởng thành lâu rồi. Là con cưng từ trong trứng nước, Thanh quen được người khác phục vụ, nên nó không chú ý chăm sóc ai khác. Đối với ông cũng thế, những khi trái gió trở trời, ông bệnh, Thanh chưa bao giờ bưng được cho ông chén cháo, ly trà. Cuộc sống công nghiệp hối hả khiến Thanh không có thời gian hay tại bản thân nó không biết nghĩ tới người khác? Đã nhiều lần ông cố tìm mọi lý do để bào chữa cho Đan Thanh rằng vì nó quá bận, rằng nó lơ đễnh, nhưng tới hôm nay ông thấy chả lý do nào thuyết phục được ông.
Người đời vẫn bảo những đứa con càng được nuông chiều, sung sướng càng hỏng. Trước kia, ông luôn phản đối vì Đan Thanh rất ngoan, con bé không chơi bời, lêu lổng như một số đứa con nhà giàu khác. Thanh chỉ biết học và học rất giỏi.
Đó là những thành đạt về mặt xã hội. Còn về mặt con người? Rõ ràng Đan Thanh rất ích kỷ, phách lối, tự cao. Nó rất rộng rãi, dễ dãi với bản thân, nhưng với nhân viên dưới quyền thì khắt khe, soi mói từng ly, bủn xỉn từng đồng tiền thưởng.
Mà sao bỗng dưng ông lại vạch xét con gái mình nhỉ. Ngước lên nhìn ông, gặp nụ cười chia tay của con bé, nụ cười ấy dành cho Sơn mà ông lại bâng khuâng mới kỳ.
Ông đưa Sơn vào quán cà phê bình dân trong khuôn viên công viên. Sơn mời ông thuốc lá, ông châm một điếu để bắt đầu câu chuyện mà ông chưa biết sẽ mở lời như thế nào. Ông vốn ghét xen vào chuyện của người khác. Nhất là chuyện tình cảm. Khổ nỗi, đây không phải chuyện của người khác mà là chuyện rối rắm tơ lòng của con gái ông.
"Phải chi con còn mẹ ..." Bây giờ ông Hiệp mới chợt thấm thía câu thở than của Đan Thanh. Nếu có mẹ, chắc bà ấy chớ không phải ông sẽ chủ động gặp Sơn để đặt vấn đề tế nhị khó nói này.
Người mở lời trước lại là Sơn, anh có vẻ thích thú.
- Cháu không ngờ bác cũng là khách thường xuyên của quầy báo ấy.
Ông Hiệp nheo đôi mắt có nhiều vết chân chim:
- Bác mới ghé quầy đó đôi ba lần, chớ không phải khách thường như cháu đây.
Sơn tủm tỉm cười, nhưng trong bụng rối bời. Anh biết không tự dưng mà ba của Đan Thanh lại mời mình uống cà phê. Cuộc nói chuyện "tối đa 10 phút" của ông, chắc chắn liên quan đến vận mệnh của anh. Đó là một cuộc thương lượng, mua bán rạch ròi không chừng.
Ông Hiệp phà một hơi khói rồi lim dim mắt, giọng xa xôi như đang nhớ về quá khứ.
- Hồi trẻ bác rất thích la cà ở các nhà sách, vừa để đọc sách không mất tiền, vừa để liếc mắt các cô em xinh đẹp cũng đi coi cọp sách như mình.
Sơn hỏi vui:
- Thế bác có quen được cô nào không?
Ông Hiệp bồi hồi:
- Không những quen mà còn yêu nữa. Bác đã yêu một cô gái thích thơ. Lần nào vào nhà sách Khai Trí, bác cũng gặp gỡ cô gái có đôi mắt tròn xoe, đen nhánh. Cô ấy cứ cắm cúi bên bộ Thi Nhân Tiền Chiến của Hoài Thanh. Thuở ấy, bộ sách này cũng khá đắt. Sinh viên nghèo như bác và cô gái ấy chỉ đi đọc ké chớ không có tiền để mua. Nhờ cùng đọc ké mà bọn bác đã quen nhau.
Rít một hơi khói, ông Hiệp nói tiếp:
- Tình yêu thời học trò đúng là đẹp. Nhưng chẳng đi tới đâu cả. Ra trường mỗi người một nơi, giờ có muốn gặp lại cũng chẳng biết đâu mà tìm.
Sơn hóm hỉnh:
- Bác có muốn gặp lại người xưa không ạ?
Ông Hiệp cười xoà:
- Không. Thà cứ để hình ảnh xưa ngây thơ, xinh đẹp tồn tại mãi trong tim mình, còn hơn gặp lại một bà ngoại, bà nội mắt mũi kèm nhem, miệng mồm móm xọm.
Sơn cười rung rinh mắt kính trong lúc ông Hiệp chỉ nhếch môi. Cả hai chợt rơi vào im lặng. Ông Hiệp bưng tách cà phê lên uống một hớp nhỏ rồi bảo:
- Với người đàn ông, quan trọng nhất là sự nghiệp. Cháu nghĩ thế nào?
Sơn có vẻ thờ ơ:
- Vâng. Cháu cũng nghĩ thế, nên luôn cố gắng làm việc.
Ông Hiệp lắc đầu:
- Cố gắng làm việc vẫn chưa đủ. Phải có người đỡ đầu, phải tạo cơ nghiệp cho riêng mình chớ không thể làm cho người khác hưởng cháu à.
Sơn gạt tàn thuốc:
- Cháu chỉ vì bác và Đan Thanh chớ có vì ai đâu ạ.
Ông Hiệp hạ giọng:
- Bác biết nên trong lòng thật xốn xang khi dạo này hai đứa đang buồn phiền hay hiểu lầm nhau gì đấy ... nên đã giận hờn như trẻ con.
Sơn rít một hơi thuốc:
- Với người đàn ông, sĩ diện được đặt lên hàng đầu, Đan Thanh dường như không hiểu điều đó.
Ông Hiệp nhíu mày:
- Nó đã xúc phạm đến cháu à? Nhưng với lý do gì chứ?
Sơn khẽ thở dài:
- Con bé ở cùng xóm bị pan xe, cháu gởi xe nó cho chú Tám rồi tiện đường chở luôn về nhà, thế là Đan Thanh la toáng lên.
Ông Hiệp chép miệng:
- Yêu quá nên ghen. Khổ thật!
Sơn im lặng, ông Hiệp vỗ vai anh:
- Bác rất hiểu tâm trạng hiện tại của cháu. Phụ nữ là thế đấy. Xúc phạm người mình yêu rồi nằm khóc, bỏ cơm nước, tối ngày giam mình trong phòng. Bác trông mà phát rầu. Thôi thì như vầy, hai đứa đều lớn cả rồi, đã yêu thì nên tính đến chuyện cưới là vừa.
Sơn thong thả nói:
- Chưa có sự nghiệp, cháu không dám nghĩ đến chuyện hôn nhân đâu.
Ông Hiệp dụi đầu điếu thuốc:
- Ở tuổi nào đó, hôn nhân lại rất cần cho sự nghiệp. Bác không ngại đặt thẳng vấn đề với cháu. Bác chỉ có mỗi Đan Thanh, một mình con bé không đủ sức quản lý trung tâm tin học ấy. Bởi vậy bác muốn giao trung tâm cho người bản lãnh, tài năng. Đan Thanh chọn cháu và bác đồng ý sự lựa chọn của con mình. Cháu suy nghĩ kỹ đi. Đầu tiên hãy hỏi trái tim mình, sau đó đến lý trí. Bác tin rằng cháu đã qua cái thời mơ mộng yêu vu vơ, yêu lãng mạn như những cậu trai mới lớn. Hạnh phúc lứa đôi bền vững khi cuộc sống vật chất thoải mái.
Sơn gật đầu nhẫn nại:
- Cháu rất hiểu ý bác.
- Tốt. Bác đã nói hết rồi đấy. Hôm nào tốt ngày, bác mời mẹ con cháu sang nhà ăn cơm.
Sơn trịnh trọng sửa lại gọng kính:
- Cháu trộm nghĩ chẳng nên vội làm gì ạ. Chúng cháu chưa hiểu nhau nhiều lắm đâu.
Ông Hiệp cười xoà:
- Vẫn còn giận Đan Thanh sao? Đàn ông phải rộng lượng một chút.
Sơn nhìn đồng hồ:
- Tới giờ cháu phải đi rồi ạ.
Ông Hiệp nén giận xuống:
- Vậy cứ đi trước đi.
- Cháu xin phép bác.
Nhìn vẻ nghênh ngang của Sơn khi bước ra khỏi quán, ông Hiệp nuốt hận vào lòng.
Mẹ kiếp! Thằng nhóc này đúng là láu cá. Ông đã quá hạ mình và khó nhọc biết bao mới nói lên được những lời như vừa rồi. Vậy mà nó ra vẻ bất cần đầy phách lối. Bộ nó quên luôn rằng ông đang là chủ của nó sao kìa?
Dằn ly cà phê xuống bàn, ông Hiệp gọi tính tiền. Đạp xe về ngang quầy sách, ông lại nhìn vào nhưng không thấy cô bé có nụ cười hồn nhiên ấy đâu. Thay vào đó là hai thanh niên còn trẻ. Họ đang trò chuyện với khách hàng hết sức vui vẻ. Có lẽ gia đình cô bé ấy là một gia đình tốt, con cái có nề nếp, có ăn học.
Nhưng vậy thì đã sao, nếu họ không tiền thì họ vẫn là người thua thiệt.
Ông Hiệp thở dài. cuộc đời này đầy rẫy bất công. Dầu Sơn yêu cô bé kia chớ không yêu Đan Thanh, ông vẫn phải làm đủ cách để Sơn phải thực tế, thậm chí thực dụng hơn nữa.
Chương 6
Uy đặt chồng sổ lên bàn bà Quỳnh, giọng dịu dàng:
- Con đã kiểm tra xong cả rồi. Chẳng có vấn đề gì khiến mẹ phải lo hết.
Bà Quỳnh tỏ vẻ hài lòng:
- Khá lắm. Thế những chỗ khác, con đã kết toán cả chưa? Đừng để người ta chờ đó.
Uy trả lời :
- Còn chỗ của dì Hải. Nói thật, con ngại ghé cơ sở của dì ấy lắm.
Bà Quỳnh ngạc nhiên :
- Ủa! Sao vậy?
Uy tủm tỉm:
- Dì Hải tiếp thị hai cô con gái lộ liễu quá, làm con quê.
Bà Quỳnh cười thành tiếng:
- Con của bà Hải đẹp chứ.
- Đẹp thì có, nhưng khêu gợi quá, trông trơ quá.
- Mẹ thấy bọn nó cũng giống mấy đứa con hay chở đi lung tung chớ đâu có tệ hơn.
Dựa người ra ghế, Uy thở ra:
- Vậy mới chán.
Bà Quỳnh nói :
- Biết chán là mẹ mừng. Cứ chơi cho lắm vào, cuối năm rớt cái đùng thì xấu mặt.
Uy tự tin:
- Con không rớt được đâu. Mẹ khỏi lo.
- Ở đó mà chủ quan. Cuối tháng rồi, con tới chỗ dì Hải kết toán sổ sách cho rồi kẻo tội. Với lại bớt bớt đi chơi một chút cho mẹ nhờ. Bố mày vừa gọi điện hỏi về mày đấy.
Đang vui vẻ, mặt Uy chợt xụ xuống:
- Gọi điện hỏi là đã tròn trách nhiệm làm cha rồi à?
Bà Quỳnh buồn bực:
- Sao lúc nào con cũng ác cảm với bố mình?
Uy cộc cằn:
- Con không quên được việc bố đã ruồng rẫy mẹ con mình như thế nào. Ngày ấy, mẹ con mình nghèo đói, cực khổ, thiếu thốn đủ thứ, ông ta nhẫn tâm ngoảnh mặt, giờ lại tỏ vẻ chăm lo. Con không cần sự giả dối đó.
Bà Quỳnh kêu lên:
- Con không được hỗn.
Uy nhếch môi:
- Khổ là con đang nói thật lòng mình.
Dứt lời, anh đứng dậy:
- Con đi đây.
Bà Quỳnh hạ giọng:
- Về nhà ăn cơm nhé con.
Uy lắc đầu:
- Con tới chỗ dì Hải chớ không về nhà. Mẹ đừng chờ cơm.
Bước ra khỏi trung tâm thương mại khá bề thế trong Chợ Lớn, Uy cho xe về quầy báo của Thiện. Lòng nặng nề khi nghĩ tới ba mình. Giờ này ông đang ở Hà Ni hay Hải Phòng gì đó. Nghề nghiệp khiến ông không ở đâu lâu, nhưng nơi nào ông ghé, ông đều có một người đàn bà. Bố Uy rất mực đa tình, nhưng về già lại thui thủi một mình vì tất cả những người đàn bà từng sống chung đều căm hận thói bội bạc của ông. Con cái cũng thế, Uy không chấp nhận một người cha trăng hoa vô đạo đức, nên rất ghét mỗi khi nghe mẹ nhắc tới bố. Anh cũng mang tiếng "Sát thủ vô tình", nhưng kỳ thực, Uy chưa bao giờ vượt mức giới hạn được phép với bất cứ cô gái nào. Dù những con bé đeo theo anh luôn sẵn sàng đáp ứng. Chính sự dễ dãi đó, khiến Uy chán. Anh luôn tin tình yêu chân chính phải có sắc màu riêng, nhưng hương vị ấy ra sao, đó là điều Uy đang tìm kiếm. Vừa đừng xe trước quầy, Uy đã bắt gặp cái nhìn đầy ác cảm của Dao. Con bé lại ca điệp khúc cũ:
- Anh Thiện không có ở đây.
Uy ngồi lên yên xe:
- À. Anh biết mà. Nó đang uống cà phê với Tí Nị trong quán Sóng Xanh.
Nghe nhắc đến tên quán, Ca Dao liếc Uy. Hừ! Đây là quán lần trước Dao vào với Sơn rồi đụng Uy trong đó. Hắn ta muốn ngụ ý gì nhỉ! Uy xoa cằm:
- Sóng Xanh, cái tên nghe lãng mạn quá phải không? Thảo nào những người yêu nhau hay tìm khoảng trời riêng ở đó. Cũng may hôm ấy Ca Dao không đụng phải Thiện.
Dao chưa kịp nói gì, Uy đã tiếp:
- À, mà quên. Thiện bận trông quầy mà. Tội nghiệp... cu cậu cứ tưởng cô em ngoan hiền của mình tới trung tâm luyện thi đại học, chớ đâu ngờ con bé đang luyện ... yêu.
Ca Dao sửng lên:
- Thôi nha, anh thành bà Tám hồi nào vậy? Nhiều chuyện thấy ớn luôn.
- Từ hồi quen em ấy. Anh hỏi thật. Em kết Sơn hả?
Ca Dao gắt:
- Câu này anh hỏi một lần rồi.
Uy lì mặt:
- Nhưng chưa nghe trả lời, phải hỏi nữa.
Dao làm tỉnh:
- Nếu phải thì sao?
Uy xoa tay vào nhau:
- Anh chúc mừng chớ có sao đâu. Mà này! Lý do gì khiến anh em mình không thể trò chuyện thân mật hơn nhỉ?
Ca Dao khịt mũi:
- Lý do hả? Chắc tại lần đầu thấy anh em đã ghét, nên trò chuyện thân mật có hơi ... bị khó hơn gây gổ.
Uy cười khì :
- Bọn con gái anh quen không ai có cách nói chuyện như em.
Ca Dao nhịp tay:
- Điều đó chứng tỏ anh em mình khác rơ.
Uy chăm chú nhìn Ca Dao. Một rung động lạ thường bỗng thoáng nhanh qua hồn anh. Uy vội xua nguồn cảm xúc ấy ngay. "Anh em mình khác rơ" Tự Ca Dao đã khẳng định như thế, Uy còn mơ tưởng gì đây khi anh đã có những cô gái hợp ý mình. Giọng Ca Dao tò mò vang lên:
- Trông anh sướng thật. Lúc nào cũng thảnh thơi chọn phố xá làm nhà.
Uy buột miệng:
- Sướng à? Anh không bị bó buộc thời gian như Thiện. Điều đó sướng sao?
Ca Dao thắc mắc:
- Anh không phải phụ gì hai bác à?
Uy ngập ngừng:
- Có chớ. Nhưng không thường xuyên như em và Thiện.
Dao hỏi tới:
- Cụ thể là việc gì?
Uy im lặng. Một lát sau, anh nói:
- Mẹ anh cũng buôn bán, bà có một sạp vải nho nhỏ ở trong chợ vải Soái Kình Lâm.
Vờ như không biết gì về gia đình Uy. Dao lè lưỡi:
- Eo ơi! làm ăn to nhỉ. Thế anh phụ gì cho mẹ?
Uy nhún vai:
- Kiểm tra sổ sách, kết toán hàng tháng. Chuyện nhỏ, nhưng không thể thiếu được.
- Chỉ vậy thôi sao?
- Ngoài ra, anh còn tự nuôi bản thân.
Ca Dao tỏ vẻ không tin:
- Bằng cách nào?
Uy nói:
- Bằng cách kết toán hàng tháng cho một vài doanh nghiệp nhỏ quen với mẹ anh. Họ trả lương ngon lành lắm đấy.
- Thì ra anh không đến nỗi như em từng nghĩ.
Uy nheo nheo mắt:
- Trong cái nhìn của em, chắc anh rất tệ, chỉ biết chơi, không biết làm?
Ca Dao thành thật:
- Em chỉ thấy anh quậy chớ có thấy anh làm đâu.
Uy nói:
- Anh thích bị người khác đánh giá sai, thích người khác thấy những mặt yếu kém của mình. Cô nàng nào yêu anh, trước tiên phải yêu những thói hư, tật xấu của anh.
Ca Dao cong môi:
- Ngoài Phương Phi ra, đã có cô nào dại dột chưa?
Uy chép miệng:
- Biết trả lời thế nào nhỉ? Anh chả khoái quơ đũa cả nắm, nhưng con gái thời nay thường dại dột trước mọi sự hào nhoáng. Phương Phi và các cô gái khác cũng yêu đấy, nhưng chắc gì họ yêu anh như anh tưởng.
Ca Dao reo lên:
- Nếu thế thì em đã hết tốn một chầu há cảo rồi. Cảm ơn sự sáng suốt trong tình yêu của anh.
Uy lắc đầu:
- Đúng là phụ nữ.
Dao ngạc nhiên:
- Sao cơ?
- Thì chỉ phụ nữ mới hồn nhiên reo vui trên nỗi đau của người khác.
Ca Dao bĩu môi:
- Anh có thật tình với họ đâu mà đau. Nhưng đùa với tình yêu là điều không nên.
Uy hơi nghiêng mình:
- Cám ơn lời khuyên của người đang yêu.
Mặt Ca Dao ửng đỏ lên, cô lảng đi:
- Anh nói về gia đình anh đi.
Uy cười cười:
- Anh em mình có thể tâm sự nhè nhẹ rồi à. Anh đang thắc mắc không hiểu sao em lại hứng thú đến thế.
Ca Dao so vai:
- Tại em đang vui.
- Nhưng gia đình anh chỉ toàn chuyện buồn, kể ra sẽ làm em chán.
Ca Dao nói:
- Làm gì có nhiều chuyện buồn trong một gia đình trung lưu cơ chứ, anh không thích thì thôi vậy.
Dứt lời, cô cầm tờ Mực Tím lên đọc ngay trang Nhí Nhố rồi khúc khích cười một mình. Cô thừa biết Uy khó mở miệng nói về gia đình nếu đúng là mẹ con anh từng vong ơn bội nghĩa, phản bội mẹ Sơn, người đã dang tay đón mình khi gặp hoạn nạn. Không hiểu Ca Dao đang nghĩ gì, Uy bèn gọi cô:
- Dao này! Nói về Sơn và em đi chứ.
Vờ như không nghe, cô cứ chúi mũi đọc. Uy cứ lặng lẽ nhìn. Anh không ganh với Sơn, nhưng trong lòng vẫn dội lên một chút gì như xốn xang. Nhưng nếu so sánh thì Sơn hơn anh mọi mặt. Anh ta đã ra đời và giữ một chức vụ có tiếng tương đối trong xã hội. Giám đốc một trung tâm tin học nghe oai lắm chớ đâu lèng èng ... chức vụ sinh viên như Uy. Sơn đúng là một điểm ngắm của các cô gái khi muốn chọn một tấm chồng. Ca Dao yêu anh ta là đúng. Bất giác, Uy thở dài khi nghĩ tới những mối tình hờ của mình. Anh nổi tiếng đào hoa, vậy mà phải ngẫm nghĩ về tình yêu của người khác. Chắc đã tới lúc Uy phải thay đổi cách yêu rồi. Nhưng thay đổi ra sao, anh sẽ tập tành yêu bằng cách nào đây? Uy cười thầm vì những điều vớ vẩn trong hồn. Vừa lúc ấy, Phương Phi bước ra. Nhìn cô nàng khêu gợi trong chiếc áo thun hai dây và chiếc quần short siêu ngắn, Uy thấy xốn mắt. Anh sỗ sàng nhìn cô và nói:
- Trông hết sẩy.
Phương Phi ưỡn ngực về phía Uy:
- Làm vài cơ bi da nhé?
Uy chép miệng:
- Nhìn em, anh biết mình cầm chắc phần thua.
Phi cười thích thú:
- Ai thua khỏi trả tiền.
Uy thoái thác:
- Nhưng hôm nay anh không hứng.
Phương Phi dỗi:
- Bày đặt kiếm chuyện. Đừng làm em quê đó nha.
Ca Dao tò mò nhìn hai người. Ánh mắt như ẩn nụ cười chế giễu của Dao, khiến Uy tự ái. Anh gạt chống xe lên:
- Đi thì đi.
Phương Phi ôm anh sát rạt. Uy muốn tức thở vì thân hình bốc lửa của Phi đính sát vào người mình. Con bé vòng tay siết eo anh, giọng hết sức tự nhiên:
- Anh có tập thể hình không mà trông sport thế?
Uy cợt nhã:
- Anh tập đủ thứ đủ kiểu.
- Thiệt hả?
- Thiệt chớ. Nếu em cần, anh sẵn sàng hướng đẫn đến khi nào đạt tới đỉnh thì thôi.
Cấu vào hông anh, Phương Phi ré lên:
- Quỷ sứ!
Uy cười và rồ ga thật lớn. Tới bar Q, Uy để mặc Phương Phi chơi bida với mấy gã tây balô. Anh ra quầy rượu và gọi một ly. Hôm nay tiền căng phồng túi, tội gì không tự đãi mình. Vừa nhâm nhi anh vừa đảo mắt nhìn quanh. Như một thói quen xấu, anh tò mò với những kẻ lạ xung quanh. Uy chợt nhíu mày khi nhận ra gương mặt Sơn sau cặp kính trí thức. Anh ta đang ngồi với một phụ nữ, chắc trăm phần trăm không phải là Ca Dao rồi, cô ta không thuộc tuýp trẻ trung, nhí nhảnh như Dao, Uy xác định đây là một phụ nữ đã thành đạt. Cô ta trông chững chạc, sang trọng với bộ quần áo đắt tiền. Ngồi cạnh bên Sơn bảnh bao không kém. Hai người là đồng nghiệp hay là tình nhân nhỉ? Lẽ ra Uy chẳng nên tò mò làm gì, nhưng nhớ đến Ca Dao, anh không thể lơ được. Nâng ly rượu lên, anh uống một ngụm nhỏ, mắt lim dim quan sát. Anh thấy Sơn chồm người sang phía cô gái, âu yếm vén những sợi tóc loà xoà trên trán cô ta. Chà! Tình tứ kiểu này chắc chắn không phải đồng nghiệp thông thường rồi. Thì ra Sơn cũng giống anh, thích chơi trò bắt cá nhiều tay. Hắn hơn Uy ở chỗ lúc nào cũng đeo mặt nghiêm chỉnh. Ô hô! Tội nghiệp em Ca Dao đã lầm rồi bé ơi. Nhưng sao anh lại reo lên như thế nhỉ? Anh vui chớ không buồn cho Ca Dao à? Suy cho cùng, anh là chúa nhỏ mọn. Uy nhấp nhổm trên cái ghế chân cao khi Sơn vỗ về bàn tay cô gái, mặt đắm say, tha thiết như thế gian này chỉ có hai người. Rõ ràng Sơn đang đóng kịch với đối tượng của mình. Những vai thế này, Uy vẫn thường diễn nên chỉ nhìn sơ, anh cũng đánh giá được Sơn ... có nghề hay không. Chắc anh ta cũng không diễn thường lắm, nên trông khá lúng túng. Nhưng Sơn cần gì phải làm thế nhỉ? Lúc Uy còn đang thắc mắc, Sơn đã đứng đậy, anh ta lịch sự dìu cô gái ra cửa. Cử chỉ của Sơn không khác hôm anh ta đi với Ca Dao là mấy. Uy khẽ thở dài. Anh uống cạn ly rượu và gọi thêm một ly nữa. Phương Phi tựa cằm lên vai Uy, cô giật ly rượu trên tay anh, giọng tò mò:
- Anh không vui à?
- Ờ.
- Sao thế?
Uy lắc đầu. Vẫn tựa sát vào anh, Phi hỏi:
- Anh không muốn giãi bày với em sao?
Uy mỉa mai:
- Anh không nghĩ em chịu khó chia sớt buồn vui với người khác.
Phi bá cổ Uy:
- Anh không phải là người khác. Em thích anh.
Uy bật cười:
- Thế à?
Phương Phi chớp mắt:
- Anh nghĩ sao?
Uy chua cay:
- Hơi bất ngờ vì bị con gái tán tỉnh.
Phi xịu mặt:
- Em không đùa đâu.
- Anh cũng thế.
Phương Phi bưng ly rượu uống một hơi. Xong cô trở lại bàn bida. Uy lại gọi cho mình ly rượu khác. Có lẽ tối nay anh nên say, nhưng vì lý do gì, anh không nghĩ ra kịp.
Ngần ngừ một chút, Ca Dao bước tới phòng bảo vệ. Cố nén nỗi ngại ngùng, cô gọi nhỏ:
- Bác ơi!
Đang xem báo, ông Tám bỏ cặp kính lão xuống, giọng ồm ồm:
- Có chuyện gì?
Ca Dao mỉm cười thật tươi:
- Cháu muốn gặp giám đốc Sơn.
Ông Tám nhíu mày:
- Để làm chi?
- Dạ có chút chuyện riêng ạ.
- Cậu ấy đang họp, không tiếp khách đâu.
Ca Dao ấp úng:
- Bao giờ mới xong ạ?
Ông Tám cụt ngủn:
- Còn xơi! Mới bắt đầu mấy phút mà.
Ca Dao thất vọng:
- Vậy ... cháu cám ơn bác.
Vừa bước trở ra, Dao đụng phải một người đàn ông đang vội vã, cô chưa kịp xin lỗi ông ta đã kêu lên đầy kinh ngạc:
- A! Cô chủ quầy báo gần công viên phải không? Cô làm gì ở đây thế?
Ca Dao ngỡ ngàng khi có người biết về mình. Cô đứng lui lại và nhận ra đó là người Sơn từng chào hỏi ngoài quầy báo, người từng gọi Dao là "con gái". Không ngờ ông ta lại nhận ra cô ở chỗ này.
Dao gật đầu:
- Cháu chào bác ạ.
Ông khách mỉm cười:
- Cháu tìm cậu Sơn phải không? Tiếc quá. Cậu ấy đang họp. Với lại bác cần nhắc cháu một điều tế nhị. Không nên đến chỗ làm việc tìm người quen. Như vậy vô tình gây phiền cho anh ta mà không hay đấy.
Dứt lời, ông ta bước thẳng vào trong. Dầu rất xấu hổ vì những lời vừa rồi, Ca Dao vẫn không nén được tò mò.
Cô đến gần ông Tám và hỏi:
- Bác ấy là ai vậy?
Ông Tám ngạc nhiên:
- Là người thành lập trung tâm này. Cô không biết ông Hiệp thật à?
Ca Dao ngơ ngác gật đầu. Thôi, chết rồi. Không khéo Sơn sẽ bị ông ta ... dũa mất. Lòng hết sức ân hận, Dao lủi thủi dắt xe về.
Hôm nay giáo viên nghỉ, Dao những tưởng sẽ được gặp Sơn. Nào ngờ, cánh cửa vào phòng giám đốc của anh không mở chút nào.
Tâm trạng bần thần, Dao đạp xe ra quầy thay vì về nhà. Tới nơi, cô ngạc nhiên đến mức chỉ biết đứng trợn mắt nhìn khi trong quầy là Phương Phi và Uy. Hình như Phi đang ăn khô bò thì phải.
Tự nhiên Ca Dao nổi quạu, cô đanh giọng:
- Hai người làm trò hề gì vậy? Ông Thiện đâu?
Phương Phi vừa nhai nhóp nhép, vừa bảo:
- Người ta bỏ công chùa ra trông quầy giùm còn bị gặng hỏi.
Kéo áo Uy, Phi nói:
- Mình biến cho rồi.
Vừa nói, cô nàng vừa lấy từ hộc tủ ra cái khăn của Sơn để lau tay.
Tim Ca Dao nhói lên, cô lao đến chồm người qua quầy giật mạnh cái khăn trước cái nhìn trân trối của cả hai người.
Dao giận dữ hét lên:
- Ai cho phép chị lấy khăn của tôi.
Phương Phi ngớ người mất mấy giây rồi phản công lại:
- Xí! Chỉ là miếng ghẻ mày làm gì ghê gớm thế?
Ca Dao muốn khóc khi thấy cái khăn trắng dính bê bết những dấu tương ớt đỏ. Cô cố nén giận:
- Mời ông bà ra khỏi đây ngay.
Uy bối rối ra mặt, anh ngập ngừng xin lỗi, trong khi mặt Phương Phi cứ vác hất lên trời.
- Đi thì đi. Nhưng nhớ chỗ này là nhà của tao. Sớm muộn gì tao cũng bứng cái quầy chết tiệt này khỏi đây. Chờ mà xem nhé.
Ca Dao ném về phía Uy cái nhìn hằn học. Đầu đuôi cũng từ anh ta cả. Nếu không có Uy, đời nào Phương Phi chui vào quầy mà cô ta từng bảo giống chuồng chó đó.
Phi kèo nèo:
- Em muốn uống vài ly.
Uy phẩy tay:
- Cứ đi mà uống.
Phi trợn mắt:
- Bảo em đi một mình hả?
Uy cộc lốc:
- Ừ. Anh đang bực đây.
Mặt Phương Phi sựng lên:
- Vì con Dao sao?
Không nói lời nào Uy hầm hầm lên xe phóng mất. Phương Phi chống nạnh buông một tràng rùng rợn trước khi vào nhà.
Ca Dao nắm chặt cái khăn trong tay, cô vứt gói khô bò còn dư vào sọt rác gần đó.
Khách vắng, dầu chưa tới tám giờ tối. Hừ! Buôn bán kiểu này chẳng mấy chốc mà dẹp quầy. Càng nghĩ, Dao càng tức. Chắc lâu nay ông Thiện đã giao quầy cho Uy để đi chơi. Ca Dao phải mách mẹ mới được.
Ngồi xuống ghế, Dao mở hộc tủ, cô chả biết phải kiểm tiền bằng cách nào đây. Dao không nghi ngờ Uy, nhưng không tin tưởng Phương Phi. Cô ta đâu có lương tâm khi thấy tiền trước mặt. Cái khăn Dao bỏ trong bao thư mà Phi còn lôi ra được thì còn chi...
Lòng Dao lại nhói lên tức tối. Cô vuốt cái khăn cho phẳng và chua xót nhìn "vật để làm tin" bị lấm lem bẩn thỉu.
Có tiếng xe ngừng trước quầy tưởng là khách, Dao ngẩng lên mỉm cười. Nhưng ngay tức khắc cô quắt mắt khi thấy Uy.
Giọng đanh đá, cô cay cú:
- Còn quay lại ám người ta nữa à? Không ngờ mặt anh dày tới mức lấy nơi người ta buôn bán làm nơi tình tứ. Ông bà định trù mạt người ta chắc.
Uy bình tĩnh:
- Anh có lỗi, nhưng đâu đến mức em phải nặng lời như vậy.
Ca Dao chua ngoa:
- Vậy mà nặng lời sao? Còn anh Thiện nữa, dám giao trứng cho ác. Tui phải mách mẹ mới được.
Uy còn nhỏ nhẹ:
- Anh em cần thông cảm với nhau. Thiện không có thời gian nên mới phải nhờ anh để tới thăm Tí Nị một chút.
Dao vẫn giận dữ:
- Ảnh làm thế là sai.
Uy nói:
- Để tới được với người mình yêu, ai cũng thấy việc mình làm là đúng cả. Dao từng vào quán với Sơn trong giờ học, như thế là đúng với em, nhưng với mẹ và Thiện là sai đấy.
Ca Dao nuốt nghẹn xuống. Hắn gián tiếp bảo sẽ mách mẹ chuyện cô bỏ học đi chơi với Sơn đây mà. Đúng là ... quỷ Sa Tăng.
Dao vẫn bướng bỉnh:
- Nhưng chuyện của em chả ảnh hưởng gì tới quầy báo cả. Anh Thiện cứ giao cho anh mãi chắc tiêu luôn quá.
- Em nghĩ vậy là lầm. Anh cũng có khiếu kinh doanh lắm đó.
Ca Dao bĩu môi:
- Phương Phi cũng từng nói thế. Hai người phá sập quầy người ta thì có.
Uy khoanh tay:
- Nếu lúc nãy không có Phi trong quầy chắc thái độ của em đã khác.
Ca Dao khó chịu:
- Đương nhiên rồi. Phi làm hư khăn của Sơn mà còn nói thật khó nghe.
Uy bứt rứt:
- Thật tình anh không biết khăn đó của Sơn. Anh xin lỗi lần nữa vậy.
Ca Dao chép miệng:
- Hôm nay toàn gặp chuyện gì không hà.
Uy tỏ vẻ quan tâm:
- Em được nghỉ à?
- Vâng.
- Sao không đi chơi với Sơn?
Bỗng dưng Dao nổi cáu:
- Sơn bận họp hành chớ đâu ở không như anh.
Uy tỉnh bơ:
- Bởi vậy mới nói.
Ca Dao nhíu mày:
- Nói cái gì?
Uy xoa hai tay vào nhau:
- Yêu người chức sắc phải chịu thiệt thòi, vì họ không có thời gian dành cho mình đâu.
Ca Dao vênh mặt lên:
- Nếu thế thì người lông bông suốt ngày cà kê ngoài phố rất có giá?
Uy nói:
- Ý anh không phải vậy. Nhưng cái gì cũng có giá của nó, em à. Người lông bông dễ gần hơn người chức sắc.
Ca Dao cao giọng:
- Phải nói người lông bông giao thiệp bừa bãi, chớ không lựa chọn như người đạo đức, đàng hoàng.
Uy cười khùng khục:
- Đạo đức đàng hoàng. Tiêu chuẩn của em đó sao? Cao lắm. Tốt lắm. Nhưng những tay đạo đức giả bây giờ đầy rẫy và họ thường đóng vai những người đàng hoàng, đáng kính mới chết chứ.
Ca Dao vốn nhạy cảm, cô hỏi ngay:
- Anh muốn ám chỉ điều gì?
Uy im lặng. Anh không thể kể với Dao những gì mình thấy, vì anh không phải là một bà Tám. Hơn nữa, anh và Sơn vốn xung khắc từ bé.
Mẹ anh và bà Tú Anh xưa kia từng là bạn thân, chính khi mẹ con anh bị ông bố ruồng bỏ để đi theo người đàn bà khác, bà Tú Anh đã dang tay đón về. Mẹ con Uy lúc ấy, tuy cực khổ, khó khăn, nhưng vẫn bấm bụng trả tiền ở trọ, tiền ăn uống, cùng những chi phí khác chớ dứt khoát không nhận sự giúp đỡ của gia đình bà Tú Anh. Qua sự giới thiệu của bà ta, mẹ Uy đã làm thuê cho một tay trùm phân phối vải ở chợ Soài Kình Lâm. Và cũng từ đó, bà nắm được mọi mánh lới làm ăn, để mười mấy năm sau cũng trở thành một trùm như chủ cũ của mình.
Mâu thuẫn giữa hai người bạn cũng bắt đầu phát sinh từ lúc mẹ Uy lận lưng được ít vốn. Hùn hạp làm ăn rồi bất đồng. Hai bà mẹ trở mặt, khiến hai thằng con vốn cũng chẳng ưa nhau càng ghét nhau hơn.
Gia đình Sơn bắt đầu sa sút khi cha anh ta mất. Chính sự sa sút đó, khiến Sơn mặc cảm trước sự đi lên của mẹ con Uy. Nhưng suy cho cùng, dầu đã trải qua bao nhiêu tháng năm, bà Tú Anh cũng vẫn là ân nhân của mẹ con Uy. Anh không muốn nói bất cứ điều gì bất lợi hay đụng chạm tới Sơn.
Nhưng còn Ca Dao thì sao? Con bé tự tin và chủ quan quá. Anh có nói sự thật cũng bằng không, vì người đang yêu có bao giờ sáng suốt.
Uy từ tốn:
- Anh có ám chỉ gì đâu, sao em đa nghi thế?
Một tốp học sinh tấp vào quầy, chúng tìm mua những loại sách bài giải, những tài liệu photo các đề thi học kỳ ở các trường trung học. Uy xông xáo tìm giúp. Ca Dao ngạc nhiên khi thấy anh rành rẽ chả thua anh Thiện hay bản thân cô. Như vậy chứng tỏ ngồi quầy rất thường xuyên. Nhưng điều gì khiến anh thích làm như thế chứ? Chắc chắn là để gần Phương Phi rồi. Vậy mà hôm trước Uy ra vẻ như bất cần, rồi lúc nãy cũng thế. Bọn con trai thích làm sao để con gái đeo theo lắm thì phải. Chuyện đó sẽ không xảy ra với Dao, vì Sơn thuộc tuýp đặc biệt, anh không rẻ tiền như đám bạn của ông Thiện mà điển hình là Uy.
Nhưng tại sao khi đề cập tới Sơn. Uy luôn có những lời ỡm ờ dễ ghét thế? Trong lòng Ca Dao lại dấy lên những cơn sóng âm ỉ khó chịu. Cô nhất định phải làm sao để Uy nói ra đôi điều về Sơn mới được.
Đợi bọn học sinh đi hết, Dao mới hỏi:
- Anh và Sơn không thích nhau à?
Uy ngập ngừng:
- Nếu phải, có ảnh hưởng gì đến tình cảm anh em mình không?
Ca Dao vuốt tóc:
- Chắc phải có chút chút đấy.
Uy nhún vai:
- Vậy thì anh chẳng hề ghét Sơn.
- Nhưng Sơn ghét anh, và điều đó vẫn ảnh hưởng tới anh em mình.
- Em có uốn lưỡi bảy lần trước khi nói không đó?
Ca Dao thản nhiên:
- Sự thật là vậy, cần chi phải uốn lưỡi.
Uy chép miệng than:
- Đúng là mù quáng. Nếu thế thì tội tình gì anh phải ưa hắn.
Ca Dao bĩu môi:
- Rõ ràng Sơn thành thật hơn anh.
Uy mỉa mai:
- Và đạo đức hơn anh nữa.
- Nhưng tại sao hai người ghét nhau?
- Điều này chắc Sơn đã nói với em rồi.
Ca Dao nhấn mạnh:
- Em muốn nghe để biết mức độ thành thật của anh.
Uy cười khẩy:
- Em sẽ không được nghe gì cả, vì anh có thành thật cỡ nào cũng vô ích.
Ca Dao săm soi những móng tay mình, vậy là rõ rồi. Những gì Sơn nói về Uy và bà mẹ anh ta là đúng, đúng đến mức Uy không thể mở miệng nói về mình.
Nhớ tới những lời Sơn nói trong quán, Ca Dao quay sang nhìn Uy chăm chú. Anh đang từ tốn rít thuốc và thong thả nhả khói.
Dao chợt kêu lên:
- Hỏi thật. Anh có chơi hàng trắng không đó?
Uy gật đầu thật mạnh:
- Có.
Dao hốt hoảng:
- Thật hả?
Không trả lời Dao, Uy nhảy lên xe chạy mất. Khoảng 20 phút sau, Thiện mới về tới. Anh bối rối khi thấy bộ mặt xã hội đen của Dao.
Thiện giả lả:
- Uy đâu?
Dao lầm lì:
- Em có giữ ông ấy đâu mà biết.
Thiện chậc lưỡi:
- Cái thằng! Nhờ ngồi quầy một chút đã vội biến.
Ca Dao lừ mắt:
- Anh có biết Uy chơi xì ke không?
Mặt Thiện nghệch ra, phải mất mấy chục giây anh mới như bừng tỉnh:
- Tầm bậy. Ai bảo mày thế?
Dao hiu hiu tự đắc:
- Ổng chớ ai. Có người báo cho em tin này và Uy đã xác nhận.
Thiện đưa tay vuốt mặt:
- Nó đùa ấy.
Dao trề môi:
- Không ai đùa ngu như vậy. Anh cứ giao quầy cho ổng và bà Phi đi, đến lúc hối hận không kịp đó.
Thiện bức xúc:
- Thật vô lý. Uy không đời nào dây vào ma túy. Đứa nào tung tin này vậy?
Ca Dao ấp úng:
- Một người bạn của em.
- Ai thế?
- Anh không biết đâu. Nhưng người này rất uy tín. Họ không nói sai đâu.
Thiện ngồi thừ ra trên yên xe. Lâu lắm anh mới hỏi:
- Nghỉ học à?
Dao gật đầu. Thiện nhát gừng:
- Sao không về nhà mà ra đây?
Dao mỉa mai:
- Nếu về nhà, làm sao biết anh bỏ quầy đi chơi. Em không muốn nhắc đâu, nhưng coi chừng "gần mực thì đen" đó.
Thiện gắt:
- Anh biết chọn bạn mà.
Ca Dao nhấn mạnh:
- Em dám chắc Uy không phải người tốt.
Thiện phản ứng:
- Chỉ nghe một chiều đã vội phán đoán coi chừng hố đấy.
Dao lắc đầu:
- Em không sợ bị hố, chỉ sợ anh Uy dụ dỗ.
Thiện nổi cáu lên:
- Không cần em phải lo những chuyện vô bổ như vậy. Hơn nữa, anh bảo đảm Uy không phải dân xì ke.
- Nhưng chính em thấy ảnh hít trong quán Sóng Xanh mà.
Mắt trợn lên ngạc nhiên, Thiện hỏi:
- Em vào đó với ai?
Ca Dao cắn môi. Tật ham nói đã khiến cô lộ tẩy. Thiện hối hả lặp lại câu hỏi.
Dao đáp bừa:
- Với đám bạn học chung.
Thiện đập mạnh tay vào chồng sách.
- Được. Anh sẽ hỏi thẳng Uy chuyện này. Nếu đúng nó hít heroin, anh dứt nó ngay.
Liếc Ca Dao, Thiện hỏi:
- Tụi bạn nào đưa em vào quán Sóng Xanh, em cũng nên liệu chừng vì quán ấy chả tốt lành gì đâu.
Dao khịt mũi:
- Vậy sao anh đưa Tí Nị tới đó?
Thiện cau mày:
- Anh đưa Tí Nị tới hồi nào? Hừ! Chỉ có những thằng đểu mới đưa người yêu tới mấy chỗ đấy.
Ca Dao kêu lên:
- Sao anh lại nói vậy?
Thiện nhún vai:
- Quán toàn tập trung bọn bất hảo, đâu phải chỗ tâm tình.
Ca Dao nói:
- Em thấy chỗ đó vừa sang trọng, vừa ấm cúng, yên tịnh có tập trung ai bất hảo đâu.
Thiện bẻ ngay:
- Vậy sao em bảo thấy Uy hít heroin với bạn bè? Một quán cà phê có hiện tượng hút hít xảy ra trước mặt mọi người thì em không nên vào.
Ca Dao làm thinh nhưng trong lòng hết sức ấm ức. Nói như Thiện khác nào Sơn đã đưa cô tới nơi không nên tới. Chẳng qua anh Thiện muốn bênh vực Uy nên mới quá lời thế thôi.
Giọng tò mò, Ca Dao hỏi:
- Vậy lúc nãy anh và Tí Nị đi đâu?
Thiện đáp:
- Ngồi ở nhà con bé làm gia sư bất đắc dĩ chớ đi đâu.
Rồi Thiện gật gù:
- Con gái nhà lành có khác, dễ gì vừa quen đã chịu vào quán với con trai.
Ca Dao thắc thỏm:
- Thí dụ Tí Nị đồng ý vào quán, anh nghĩ sao?
Thiện ngẫm nghĩ:
- Trước mắt thì thích thật, vì yêu cầu được đáp ứng. Nhưng khi về nhà nhớ lại chắc hơi bị thất vọng. Nàng dễ dãi với mình, chắc với những gã khác cũng không ngoại lệ.
Ca Dao cắn môi:
- Trời ơi! Đàn ông các người khiếp thật. Nghĩ đi rồi nhớ lại, rồi đánh giá con gái. Cũng vì yêu, người ta mới đáp ứng yêu cầu của ông chớ bộ.
Thiện cười khẩy:
- Yêu cầu này được đáp ứng thì yêu cầu khác cao hơn cũng được đáp ứng. Tới lúc đó, tình yêu trong sáng đã chuyển giai đoạn, phần thiệt thòi sẽ thuộc về con gái. Anh không thích, vì yêu nhau phải biết giữ cho nhau, tôn trọng nhau, chớ không phải chỉ đòi hỏi chiều nhau.
- Anh lo xa quá. Điều này do anh nghĩ ra hay do quân sư Uy truyền thụ kinh nghiệm vậy.
- Tình yêu của anh khác tình yêu của Uy. Hắn chả truyền kinh nghiệm gì cho anh cả.
Môi hơi nhếch nên, Thiện nói tiếp:
- Biết đâu chừng mai mốt Uy phải hỏi anh thế nào là một tình yêu chân thật.
Ca Dao bật cười:
- Chà! Chưa gì đã phách lối.
Thiện so vai:
- Anh nói thật đó. Sau này có quen ai, em nhớ phải biết treo giá. Con trai bọn anh quen qua đường thì ức tỷ cô, nhưng để chọn một người bạn đời thì khó lắm. Tìm người yêu khác nào ngậm ngãi tìm trầm.
Ca Dao làm thinh, nhưng trong lòng hoang mang khi nghĩ tới mình và Sơn. Nếu nghiêng theo tư tưởng của anh Thiện thì Dao đã quá dễ dãi với Sơn rồi.
Liệu Sơn có xem thường Dao không nhỉ? Ca Dao bứt rứt nhìn cái khăn nằm một xó trong hộc tủ. Chắc cô phải biết dằn lòng nén tình cảm của mình xuống, có thế Sơn mới tôn trọng cô và tình yêu của hai người mới có ý nghĩa hơn.
Nguồn: http://vietmessenger.com/