3/5/13

Lời yêu thương (C1-2)

Chương 1

Cho tay vào túi áo khoác, Bạch Đàn co ro bước đi. Đêm nay trời lạnh, tiếng lá trong vườn xào xạc vì bị gió thổi làm cô chợt rùng mình. Đàn lia vội tia đèn pin vào lùm cây lúp xúp bên bờ tường rồi băng qua bãi cỏ. Tối nào cũng vậy, Bạch Đàn có bổn phận khóa cổng, rảo quanh vườn một vòng trước khi đi ngủ. Nhà không có đàn ông nên dù chẳng thích tuần tra, bảo vệ, cô cũng phải đảm nhận công việc chỉ dành cho phái mày râu. So với mẹ và dì Ngọc, Bạch Đàn vẫn còn trẻ khỏe và nhanh nhẹn hơn kia mà!

Qua hết bãi cỏ, Đàn đã tới cuối vườn, nơi có căn phòng để trống hơn một năm nay, nơi mà đám sinh viên nữ ở trọ rất sợ, họ không dám bén mảng đến ngay cả ban ngày, chớ đừng nói chi phải đi ngang vào giờ như cô.

Tiếng chim ăn đêm bỗng quạnh quẽ vang lên làm Bạch Đàn hốt hoảng. Đêm nay tâm hồn cô thế nào ấy! ? Cô hấp tấp đi nhanh hơn khi nhớ đến Hiền Thục, người đã từng ở trong phòng này hai năm liền.

Hồi đó, Hiền Thục rất thích Bạch Đàn, có chuyện gì Thục cũng kể với cô. Bề ngoài trông Hiền Thục hiền lành, yếu đuối giống như tên của mình. Thế nhưng Thục không yếu đuối một chút nào. Chị ấy dám cả gan...

- Á! Ma... ma !

Bạch Đàn giật thót người vì tiếng la hãi hùng giữa đêm khuya thanh vắng. Cô căng mắt nhìn vào khoảng tối âm u trước mắt rồi quay lưng chạy một mạch vào nhà, mặc kệ những tiếng ồn ào ở dãy phòng đằng kia.

Bà Ngà từ trong buồng bước ra hỏi:

- Chuyện gì vậy Đàn ?

Cô xoa hai tay vào nhau, giọng đứt đoạn:

- Tụi... nó thấy... ma.

- Hừm! Lại rộn chuyện.

Dứt lời, bà hầm hầm đi tuốt qua bên kia sân. Đến dãy phòng còn mở đèn nhưng cửa đóng kín mít, bà Ngà lớn tiếng:

- Khuya lắm rồi, các cô đừng giỡn nữa kẻo hàng xóm người ta phiền.

Rồi chẳng đợi nghe những lời phân trần, thanh minh, bà Ngà hậm hực quay trở lại:

- Con khóa cổng chưa ?

- Dạ rồi!

- Ngày mai khóa sớm một chút, lỡ trộm có vào vườn rồi cũng chẳng ai hay. Phải chi tìm được vài đứa trọ phòng của Hiền Thục thì đỡ lo khoảng vườn vắng đó.

Bạch Đàn buột miệng:

- Con gái chả ai dám ở đâu. Bọn nó đồn ma quỷ tùm lum, mẹ có cho ở không con e cũng... ế ẩm.

Bà Ngà thở dài:

- Làm thân con gái khổ là thế, đến chết rồi còn liên lục tới người khác. Khôn ba năm dại một giờ. Chết như Hiền Thục thật điên khùng.

Đợi mẹ lê đôi dép lẹp xẹp vào phòng trong, Bạch Đàn mới trở lại bàn học, ngồi thừ người.

Ở xóm này rất nhiều người cho rằng ngôi nhà rộng lớn gia đình cô đang ở có ma. Họ đồm rùm lên như vậy cũng chỉ vì cạnh tranh. Khu này sinh viên trọ rất đông, nhưng đâu phải nhà nào cũng có nhiều phòng như nhà Bạch Đàn đang ở đâu.

Bởi vậy, dù nghe đồn đủ chuyện, các dãy phòng dì Ngọc cho mướn vẫn đầy người và toàn là con gái. Trước đây, Hiền Thục một trong các cô gái ấy. Chị xinh đẹp, đa cảm, đa tình, ai thấy cũng thương, khổ nỗi khi chết đi lại làm... ma.

Trước kia, có nhiều lần Hiền Thục nó với Bạch Đàn:

- Nếu có linh hồn, có ma, lỡ bị chết non chắc chắn chị sẽ hiện hồn cho em xem.

Hiền Thục chết đã hai năm rồi và chưa bao giờ Bạch Đàn "được" nhìn thấy hồn ma của chị. Thế nhưng đám sinh viên trọ học tin rằng Hiền Thục còn quanh quẩn nơi căn phòng chị từng ở. Chính vì vậy, họ không chịu thuê nó, góc vườn hẻo lánh ngày càng hoang vắng hơn, ít ai dám bén mảng đến một mình dù là ban ngày. Dì Ngọc sẵn sàng hạ giá thuê phòng đến mức thấp nhất, nhưng tới nay vẫn chưa có... tay sừng sỏ nào chịu ở hết.

Bạch Đàn không sợ Hiền Thục như nhiều người vẫn sợ. Nghĩ tới chị ấy, lòng cô luôn dâng lên sự thương cảm thật tình, dầu cô vẫn chê Hiền Thục dại dột.

Đêm nay, sau một ngày lao vào công việc phụ mẹ, vào chuyện học hành và cả việc làm gia sư, Bạch Đàn mỏi mệt đến mức phải ganh tỵ với người đã chết. Càng nghĩ, cô càng thấy Hiền Thục dại dột.

Là con gái út của một gia đình giàu có ở Miền Tây, chị được cha mẹ cho lên Sài Gòn ăn học, nhưng Thục lại chán học, suốt ngày chị đắm chìm trong ảo tưởng của tình yêu để rồi tuyệt vọng và ngã bệnh chết vì một gã đàn ông không ra gì.

Phải chi Bạch Đàn được ba mẹ lo cho như Hiền Thục nhỉ?

Mỉm cười với cái gương nhỏ đặt trên bàn, Đàn bỗng thấy mình ngốc nghếch với những mơ ước viễn vông. Tốt nhất hãy... nhét cho hết ba mớ từ vựng khó nuốt nay vào đầu, chuẩn bị tinh thần cho ngày mai - một ngày mới với hàng đống công việc cũ kỹ.

o0o

Cắm cúi bên đống chén dĩa cao nghều, Bạch Đàn thản thiên nghe những tiếng cười ròn tan, những câu trêu chọc quỷ quái lẫn lời tán tỉnh vô cùng cao siêu của đám sinh viên. Ngày nào cũng vậy, giờ ăn cơm luôn là giờ vui nhộn của họ, nhưng tất bật nhất của cô.

Ngoài việc cho thuê phòng trọ, mẹ Bạch Đàn còn đảm nhiệm việc nấu cơm tháng cho sinh viên nên đi học về là cô phải vội vàng vào bếp phụ mẹ. Trong những người đến ăn ấy chẳng làm Bạch Đàn xấu hổ. "Tay làm hàm nhai. Tay quai miệng trễ", câu tục ngữ ấy phương châm sống mà Bạch Đàn tự an ủi mỗi khi cô thấy mình quá cực khổ.

Bưng chồng chén úp vào rổ, Đàn chợt nghe Đức cận hùng biện:

- Trong lịch sử tình yêu, không có mối tình nào thơm mùi cháo hành như mối tình Chí Phèo, Thị Nở, chưa có mối tình nào trắc trở bằng tình Lu-ít với Mariana trong "Người giàu cũng khóc", có tình nào tang tóc bằng tình Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài, chẳng có tình nào kéo dài... tới bây giờ như tình Ngưu Lang Chức Nữ... mỗi năm gặp một lần gặp. Nhưng những mối tình đo chưa ly kỳ bằng mối tình tôi sắp kể. Ai muốn nghe phải trả tiền nha!

Huệ "nhí" đanh đá:

- Đời bây giờ ăn trước trả sau. Ông cứ kể tụi này phải nghe thử cái đã.

Sửa gọng kính lại, Đức cận gật gù:

- Được thôi! Thử... không đã khỏi lấy tiền.

Rồi anh ta quay vào bếp gọi to:

- Bạch Đàn ơi! Làm ơn cho huynh xin ly nước đi muội!

Vớn ghét cay ghét đắng tật nói trây của Đức nên Bạch Đàn làm thinh như không nghe. Cô tiếp tục rửa cái chảo to đùng. Vừa lúc ấy có người bước đến kế bên.

Cứ nghĩ kẻ đến làm phiền mình là Đức, nên Bạch Đàn hất mặt lên cáu kỉnh:

- Chuyện gì nữa đây ?

- Tôi... lãnh phần cơm chiều nay.

Mắt Đàn chớp một cái khi nhận ra gã... lầm lì vừa đến trọ phòng Hiền Thục được một tuần. Cô hơi ngượng vì thái độ của mình, nhưng thay vì im lặng, Đàn lại lạnh lùng:

- Giờ ăn cơm ghi rất rõ trên vách. Anh nên ăn đúng giờ để khỏi làm phiền những người phục vụ như tôi.

Mặt dửng dưng chẳng thèm đếm xỉa tới những lời mắng mỏ của Đàn, gã... lính mới làm thinh bước theo cô tới tủ đựng thức ăn, trong đó còn đúng một phần mà nãy giờ Đàn cứ thắc mắc chả biết của ai.

Đặt tất cả cơm canh, chén đũa lên cái mâm nhỏ, cô đưa cho hắn và nhận được một câu "cám ơn" cứng như đá.

Cuối cùng, dì Ngọc cũng tìm được người để trám vào chỗ trống đã làm dì bị... thất thu cả năm nay. Trước khi quyết định cho "đàn ông con trai" ở trọ, mẹ và dì Ngọc đã gây với nhau một trận. Kẻ thua dĩ nhiên là mẹ, vì làm sao bà cãi lại người luôn có lý lẽ đanh thép sắc bén, đầu óc nhanh nhạy hết sức thực tế như dì Ngọc, Bạch Đàn cũng đồng ý với quyết định của dì. Theo cô, quan trọng là có người chịu trọ căn phòng đó, còn đàn ông hay đàn bà thì đâu có gì đáng nói. Thế nhưng mẹ cô cứ khăng khăng cho rằng: "Rất phiền phức nếu trong đám con gái ở trọ lại lọt tọt vào một thằng con trai".

Nói xong, mẹ liền hướng ánh mắt đầy nghi ngại về phía Bạch Đàn, khiến cô bực bội vì hiểu rằng trong cái phiền phức mẹ lo sợ, có cả cô.

Sự khó chịu đó làm Đàn ác cảm với gã "lữ khách lạc loài" ngay từ đầu. Và gã ta với gương mặt lạnh tanh cũng tỏ ra chả ưa gì cô. Đây là lần giao tiếp chớp nhoáng đầu tiên của hai người, nhưng rõ ràng không hứa hẹn chút thân thiện nào sẽ đến cho cả hai. Điều ấy cũng chả khiến cô bận tâm.

Đàn nhún vai, tiếp tục công việc đang làm. Bên ngoài, giọng Đức vẫn rổn rảng vang lên:

- Chuyện tôi sắp kể mang tên là "Mối tình mông".

- Xời! Tình gì nghe... ê ẩm thế ?

- Tình... iêu chớ tình gì ? Mấy em còn nhớ Tuấn "Bách hóa" không ? Nó là nhân vật nam trong chuyện tình này đó. Ở trường tôi, sinh viên thường phải học nhiều môn ở giảng đường. Muốn có chỗ ngồi ngon lành dĩ nhiên phải giành giật chen lấn, thậm chí cãi vã đòi chỗ. Nhiều tên đã... xí được chỗ ngồi nhưng còn ham vui nên vứt cuốn vở lên chỗ ngồi cho nó làm đại diện, còn mình thì hí hửng vào đấu láo ở căng tin, đến khi trở vào thì hỡi ơi... ! Đại diện của mình bị nằm dưới... mông kẻ khác. Thế là rùm beng lên. Vui kinh khủng...

Cười hì hì, Đức tiếp:

- Tôi lười vào sớm để chen lấn lắm, nên thường gởi vở cho Tuấn, nó muốn để, đại diện của tôi ở đâu thì để, miễn tôi có chỗ ghé... mông là được rồi.

Bạch Đàn lắc đầu ngán ngẩm khi nghe bọn con gái ré lên cười. Cô chả biết Đức cận sẽ dẫn dắt câu chuyện đi tới đâu. Trong đám sinh viên đến ăn cơm tháng, anh ta già mồm nhất. Mẹ cô thường bảo: "Đàn ông nói nhiều quá không tốt". Nhưng lầm lầm lì lì thì có gì hay ?

Liếc ra dãy bàn ăn, Bạch Đàn thấy gã... lính mới đang cắm cúi ăn, dường như gã chẳng để ý tới sự Ồn ào rộn rã của đám con gái xinh như mộng ở xunh quanh.

Đức cận chép miệng:

- Lúc đầu, tôi thấy Tuấn chịu cực, chịu khó vì mình nên... thương nó vô cùng. Ngày nào tôi cũng bồi dưỡng một chầu cà phê để nó có sức chen vào khi bọn năm thứ nhất hết tiết đang háo hức chen ra. Tôi những tưởng nhờ cà phê của mình Tuấn mới nhiệt tình chen dữ vậy, nhưng...

Đức ngập ngừng:

- Ai ngờ động cơ chính khiến nó tận tâm tận lực không phát xuất vì tình bạn, mà vì... cái mông. Chậc! Tôi nói thật đó. Mãi sau này khi đâu vào dấy rồi, Tuấn mới thú thật là cà phê của tôi không đủ đô để nó liều mình vì chỗ ngồi suốt cả năm trời như vậy. Tuấn siêng chen vào vì nơi dãy ghế nó đã chọn có một cô bé rất mi nhon sẽ chen ra. Mọi động cơ, động lực phát xuất cho ba cái vụ chen lấn giành giật ghế ở giảng đường là từ cô em xinh đẹp này.

Đưa tay lên vuốt tóc, Đức cận phát:

- Ông bà từng dạy "Nam nữ thọ thọ bất thân", nên khi chen vào chen ra, thằng Tuấn đâu dám chen theo tư thế mặt đối mặt, vì khoảng cách giữa hai hàng ghế chỉ vừa khít cho một người đi. Chen theo tư thế ấy dễ ăn tát lắm.

Huệ thắc mắc:

- Vậy... lão ta chen bằng cách nào ? Leo lên ghế à ?

Đức nghiêm mặt:

- Bậy nào! Người trí thức ai lại leo trèo trong giảng đường.

- Chớ làm sao ? Nói đại cho rồi, kéo cà kéo kê hoài tốn... vàng bạc quá.

Bạch Đàn sốt ruột nhìn gã lầm lì đang ngồi ăn. Tối nay, cô phải đi dạy kèm, vậy mà gã làm cô mất thời gian quá. Cũng may có Đức cận nó dóc nên đám con gái còn ở lại phòng ăn. Nếu không, cô phải ngồi một mình để đợi rửa ba cái chén, nghĩ thật chán. Công việc này không nặng nề, nhưng bắt người ta phải để ý từng chút, cẩn thận như cô vẫn làm vỡ chén dĩa luôn ấy chứ. Mẹ lại kỹ tính, bà muốn mọi thứ trong bếp này phải sạch bong như bếp nhà mình, nên thay vì để người nào ăn nấy rửa, bà... ưu tiên cho Bạch Đàn rửa tất cả. Chiều nay gã... lạc loài này lại cho thêm Đàn một cái ư tiên chờ nữa. Bực mình thật!

Đức cận lại oang oang:

- Vậy mà đoán cũng không ra. Mặt đối mặt không dám thì dành phải lưng đối lưng. Mà khi lưng đối lưng thì e hèm, mông phải chạm mông. Thường thường tình yêu phát sinh khi mắt chàng chạm phải mắt nàng, nhưng với thằng Tuấn lại khác xa. Nó bị trúng tên của thần ái tình khi mông nó quét phải mông nàng. Lần đầu nàng còn nguýt háy, sau đó làm thinh. Dần dà, nàng thông cảm cho cái... sự chen lấn và yêu nó. "Mối tình mông" ngày càng thắm thiết đến mức thằng Tuấn không ăn cơm nữa.

- Ủa ! Sao kỳ vậy ?

- Gì đâu mà kỳ! Tuấn không ăn ở đây nữa vì... Mông muội nấu cơm cho Mông huynh ăn. Đó! Mấy em thấy chưa ? Mối tình này có hấp dẫn, khác đời không ?

- Xì! Vô duyên, bá láp thì có.

Đức cận tỉnh bơ:

- Ấy vậy mà hơn chục cái mồm há hốc ra nghe huynh đây bá láp.

Huệ đứng khoanh tay ngạo nghễ:

- Tôi biết được một chuyện còn hấp dẫn rùng rợn gấp tỷ tỷ lần chuyện ông vừa phịa. Chuyện thật 100% à nghen. Người ta yêu đến mức chết cả năm trời vẫn hiện hồn về sống với người mình yêu. Liêu trai chí... kinh dị chưa ?

Đức cận cười nhe răng chuột:

- Xạo tàn bạo !

Huê nghênh mặt:

- Không tin, tôi chỉ người đang sống với ma cho mà xem. Gần đây thôi

Huệ vừa dứt lời thì một loạt bảy, tám cái miệng đồng thanh kêu lên:

- Ai vậy ?

Tò mò vì lời Huệ nói, Bạch Đàn ngẩng nhìn và thấy cô ta nheo mắt chỉ tay về phía gã lầm lì đang ngồi ăn cơm một mình nơi cuối phòng.

- Nhân vật chính kìa!

Đức trợn mắt nhìn Huệ nhí:

- Thiệt hôn đó ?

- Thiệt hơn mối tình mông của ông là cái chắc.

Sửa dáng đứng lại cho nghiêm nghị, Huệ cất giọng như đường:

- Anh Giang ơi!

Để cái chén vừa ăn xong xuống mâm, Giang cau mày nhìn sang đám con gái, mắt anh ta nhíu mày như tìm xem ai vừa gọi tên mình.

Bạch Đàn bàng hoàng vì cái tên quen thuộc cô từng nghe Hiền Thục nhắc hàng ngàn lần này. Chẳng lẽ anh ta là người đàn ông Thục yêu điên cuồng đến mức chết sớm sao ? Nếu vậy, anh ta thật khác xa với sự tưởng tượng của cô.

Qua lời trân trọng, âu yếm, si mê của Hiền Thục khi nói về thần tượng, Bạch Đàn từng hình dung Giang là một anh chàng có vẻ đẹp ẻo lả, với đôi môi mọng lúc nào cũng sẵn lời ngọt ngào làm mềm lòng con gái. Đôi mắt anh ta to đen luôn tìm kiếm những ý tưởng cao siêu để làm thơ, vì Thục nói anh ta là một nhà thơ, chị ấy từng đọc cho cô nghe nhiều bài thơ của Giang thuộc trường phái siêu hiện thực, anh ta nổi tiếng ghê lắm. Nhưng khổ nỗi, Bạch Đàn chưa hề nghe đến tên tuổi của anh ta bao giờ. Bây giờ gặp Giang rồi, cô thấy anh ta rất khác. Bề ngoài anh ta không dong dỏng cao, cũng không chút gì nghệ sĩ như cô đã khéo nghĩ. Trái lại Giang có cái vẻ của một người bận rộn vì công việc. Mắt anh ta không mơ màng đầy vẻ lãng mạn mà trông khó đăm đăm rất hợp với đôi mày rậm hay cau và đôi môi luôn mím chặt. Nét toát ra nổi bật nơi Giang là vẻ tự tin, mạnh bạo. Anh có hơi khinh đời ở cái nhìn phớt tỉnh xung quanh. Hình như Giang không chú ý tới ai, anh đi suốt ngày, tối về đóng kín cửa.

Dù có tật tò mò, Bạch Đàn vẫn chưa dám hỏi dì Ngọc về con người lầm lì, ngạo mạn này. Cô không muốn mẹ phải chép miệng than: "Phiền phức" khi biết cô... bày đặt quan tâm đến một người đàn ông lạ.

Giọng Huệ ngọt lịm vang lên:

- Anh Giang quên em rồi phải hông ?

Không hề nở nụ cười xã giao trước bầy con gái, Giang nhếch môi:

- Xin lỗi! Thật tình tôi không nhớ...

- Cũng đâu có sao, gặp anh ở đây, quả thật em thấy bất ngờ ghê.

Giang nhún vai:

- Ai cũng cần nơi ăn chốn ở. Tôi cũng thế, đâu có gì đáng ngạc nhiên.

Đan hai tay vào nhau kiểu các cô gái nhà quê e thẹn, Huệ cười cười:

- Ngạc nhiên vì anh Giang dám ở một mình trong căn phòng đó. Bộ anh định tối ngày đóng cửa để sám hối à ?

Giang không trả lời, anh thản nhiên đứng dậy bưng mâm cơm đi.

Huệ ráng ném theo một câu:

- Làm như vậy là đúng, vì người ta thương anh quá trời mà.

Quay phắt ngược lại, Giang trừng mắt nhìn Huệ như định hỏi điều gì, rồi không hiểu sao anh ta lầm lì mím môi bước ra sàn nước.

Bạch Đàn vội nói:

- Anh để đó, tôi rửa.

- Việc này tôi làm được.

- Nhưng... nhưng...

- Nhưng đây là... bổn phận của em chớ gì ? Tại tôi ăn trễ, cứ để tôi... thanh toán ba mớ chén bát này, em nghỉ tay đi.

Ngần ngừ một chút, Đàn nhún vai bước đi. Giằng co làm chi việc cỏn con ấy, cô còn khối chuyện để làm, cứ để mặc xác hắn.

Bọn Đức và Huệ cũng đã kéo hết ra sân. Lũ dơi ăn đêm từ căn lầu kế bên bắt đầu bay túa đi từng tốp đen trời. Chiều rồi! Và hình như buổi chiều nào cũng buồn như nhau.

Đàn nhớ trước đây Hiền Thục hay than thế vì chiều nào chị cũng đến băng đá trước sân ngồi và ngóng trông, nhưng Giang của chị không đến bao giờ. Những lúc đó trông Thục tội dễ sợ. Đàn từng ái ngại nhìn chị lầm bầm chửi rủa: "Thằng người yêu" rồi chịu không nổi phải bật dậy hăm hở dắt xe đạp phóng vèo tới quán cà phê riêng của hai người. Hôm nào cũng tới giờ đóng cổng chị mới về. Có đêm, Hiền Thục yêu đời ca hát, ngâm thơ ồn cả dãy nhà trọ, có đêm lặng lẽ rút vào giường nằm khóc thút thít.

Hồi đó các chị Ở chung xầm xì với mẹ và dì Ngọc là Hiền Thục điên tới nơi vì thất tình. Đâu ai ngờ Thục không điên mà lại chết mới kinh hoàng.

Đang cười ha hả vì câu nói trây của Đức cả bọn chợt im lặng khi thấy Giang sừng sững đi qua.

Đợi anh ta khuất sau hàng cau kiểng, Đức mới hểnh mũi nhận xét:

- Tay này coi bộ lối dữ! Cái mắt cứ khinh khỉnh vác hất lên trời như người cõi trên.

Giọng ai đó rụt rè hỏi:

- Mà có phải bà Hiền Thục chết vì anh ta không ?

Huệ bĩu môi:

- Mày không tin cứ tới phòng hắn phỏng vấn. Không nghe ông Đức vừa nhìn nhận hắn giống người cõi trên hay sao ? Đêm nào mà hắn không thắp nhang cầu hồn bà Thục về cho có bầu có bạn.

Nhìn gương mặt hoang mang của những cô gái sợ ma, Bạch Đàn bực quá. Cô lạ gì Huệ trong khoa Anh văn, tụi bạn đã đặt hỗn danh cho Huệ là "Huệ xạo", "Huế nhí" kia mà.

Đàn nghiêm nghị:

- Huệ xạo ơi! Xạo vừa vừa thôi, coi chừng bị thụt lưỡi đó! Tao sẽ mời anh Giang ra cho mọi người phỏng vấn chuyện cầu hồn mày vừa kể.

Huệ giả lả:

- Tao đùa mà! Làm gì dữ vậy Bạch Đàn ?

- Đùa như mày chắc nhà tao hết làm ăn quá.

Đức chen vào bằng giọng hết sức kiếm hiệp:

- Coi bộ muội lo cho tên tiểu tử đó chớ không phải lo nhà mình bị sập tiệm. Huynh nói thật, chẳng đáng đâu những thằng họ Sở. Nó giả vờ ăn năn sám hối với ma để đánh động trái tim của người trần thế. Muội phải tỉnh hồn đi. Hơi đâu phải đứng chờ nó ăn xong để... phục vụ nước nôi vậy?

Bạch Đàn tức cành hông, cô lạnh lanh:

- Ăn nói đàng hoàng một chút đi. Ai thèm huynh huynh muội muội với anh ? Đừng thấy tôi nấu cơm rửa chén rồi muốn nói gì thì nói.

- Anh đâu dám! Em là dân Tổng hợp Anh văn mà! Chọc giận, em chửi toàn tiếng ăng-lê nghe chắc điếc luôn quá.

Liếc Đức một cái sắc hơn dao cạo, Bạch Đàn bước vô nhà và đụng ngay đôi mắt dò xét của bà Ngà.

- Lại cãi cọ với đứa nào à?

Cô chối phắt:

- Đâu có... mẹ.

- Mẹ nghe rõ ràng mà. Chuyện gì vậy con ?

Bạch Đàn ấm ức:

- Tụi nó bày đặt phịa chuyện ma quỷ nữa. Con Huệ nói cái ông Giang gì đó đêm nào cũng đóng cửa kín mít để cầu hồn Hiền Thục về ở chung. Mẹ nghe có động trời không ?

Bà Ngà chắc lưỡi:

- Chúa ơi! Sao nó dám đùa với người đã chết vậy?

Bạch Đàn im lặng, không hiểu sao cô lại giấu chuyện Giang là người làm Hiền Thục thất vọng đến mức tự tử chết.

Cô nghe mẹ ca cẩm:

- Thằng Giang nghe được nó không thuê phòng nữa dì Ngọc lại xót.

- Ai giới thiệu anh ta đến vậy mẹ ?

- Nó quen biết gì đó với thằng Triết.

Đàn ngạc nhiên:

- Ủa! Sao con chưa hề nghe ảnh nhắc đến cái tên Giang lần nào hết vậy ?

- Ôi! Bạn thân của nó, mày còn chưa biết hết, huống hồ chỉ là người quen. Anh Triết mày nói thằng này tử tế đàng hoàng nên dì Ngọc mới cho ở.

Nhìn cô bằng đôi mắt hoài nghi, bà Ngà chợt nói tiếp:

- Sao tự nhiên lại quan tâm tới nó?

Bạch Đàn đứng dậy:

- Nghe tụi nó nói bậy, con chỉ muốn biết về anh ta thôi.

Nhìn đồng hồ, cô kêu lên:

- Tới giờ con đi dạy rồi. Hồi nãy anh ta ăn cơm trễ, báo hại con phải chờ. Thấy ghét thật! Bữa nay là ngày dạy đầu, đến muộn đâu có được.

Nói xong, Đàn bước vội và nhà tắm. Nghĩ đến tên đệ tử mới, cô chợt lo lắng. Từ trước đến giờ, Đàn chỉ làm gia sư cho bọn nhóc học lớp 7, lớp 8 là hết mức. Lần này cô "xâm mình" nhận đại học sinh lớp 12, lại là con trai nữa mới dội. Đàn nghe đứa bạn giới thiệu cô tới đây nói rằng: "Thằng bé cô sẽ dạy thuộc dạng cá biệt, nó vốn có họ hàng với Lưu Bị nên là chuyên gia... lưu ban, dạy cho nó lương hậu hĩnh lắm, nhưng cầm chắc phần bầm dập trong tay".

Bạch Đàn thở dài. Cô đang cần tiền, nếu không "xâm mình" làm sao có bạc triệu để đóng học phí. Nhiều hôm, đi học về, cô lao vào bếp, ăn qua loa ba hột cơm rồi lên xe, đạp một hơi tới nhiều nơi dạy chẳng khác nào ca sĩ chạy sộ Công việc xoay vòng làm cô mệt muốn đứt hơi, nhưng Đàn vẫn phải cố gắng.

Hai mẹ con cô ở đậu nhà dì Ngọc, cô không được may mắn như những sinh viên trọ học tại đây. Đa số họ là con nhà giàu, gia đình chu cấp tiền ăn học hàng tháng dư xài, họ đâu phải chạy đua với thời gian, vật lộn với sách vở như cô. Ngày ngày, họ thoải mái đến trường, hồn nhiên cười đùa và vô tư yêu đương bồ bịch.

Bạch Đàn không ganh tỵ vì mỗi người có số phận riêng, cô nghĩ mình còn may mắn hơn nhiều người ở chỗ còn được đi học.

Đạp xe một mạch tới biệt thự sang trọng với những mái vòm cong cong nóc tròn kiểu Ả Rập, y như trong truyện Ngàn lẻ một đêm, Đàn rụt rè đưa tay bấm chuông.

Không phải đợi lâu, cánh cổng sắt có nhiều hoa văn uốn lượn được mở ra.

Người đàn bà đứng tuổi mau miệng hỏi:

- Cô là cô giáo phải không ? Bà chủ chờ cô trong nhà.

Đang đi phía trước, bà ta chợt quay lại nhận xét:

- Trông cô trẻ quá! Lại đẹp nữa chứ.

Bạch Đàn im lặng mỉm cười, cô không hiểu bà ta khen mình đẹp hay chê mình... nhí đây nữa.

Bước vào phòng khách, đàn nhìn thấy người đàn bà đang ngồi đọc báo với dáng vẻ bệ vệ của một bà chủ quyền uy. Bà ta hờ hững đáp lại lời chào của cô và chắc lưỡi phán một câu thật bất ngờ.

- Chà! Bé tí thế kia làm sao dạy dỗ đây ?

Bạch Đàn bối rối kinh khủng. Lần đầu tiên cô gặp phải cảnh ngộ này. Tự ái... nghề nghiệp phải khiến cô phải nâng uy tín... gia sư của mình lên.

Bình tĩnh ngồi trên ghế dựa thật êm, Bạch Đàn cao giọng:

- Em làm công việc này dã ba năm rồi và chưa ai phàn nàn hay chê trách gì em cả.

Bà chủ gật đầu:

- Tôi biết! Người giới thiệu cô tới đây đã hết lời khen. Cô ấy bảo cô tận tâm, có kinh nghiệm và rất thương yêu học trò. Lúc ấy tôi nghĩ chắc cô phải ngoài ba mươi. Thú thật, thằng cháu nhà tôi ngỗ nghịch vô cùng. Khó lắm mới mời được người hết lòng, hết sức đến tận nhà dạy giúp nó học. Nhưng khổ quá, đã có bốn thầy cô nghỉ dạy vì không chịu được mấy cái trò phá phách của nó rồi. Tôi nghĩ cô khó đảm nhiệm được công việc này.

Bạch Đàn nói không kịp nghĩ ngợi:

- Em có phương pháp và kinh nghiệm riêng đối với những học sinh cá biệt. Em đảm nhận được.

- Vậy cô cứ dạy thử. Nếu thằng bé nhà tôi chịu, cô sẽ dạy thật. Còn không, mong cô đừng phiền chúng tôi...

Quay vào phòng trong, bà chủ nhà gọi:

- Chị Tám! Đưa cô giáo vào phòng học.

Bạch Đàn đứng lên và buột miệng hứa:

- Em sẽ cố gắng hết sức.

Cô thoáng thấy bà ta mỉm cười, nụ cười mai mỉa làm Bạch Đàn ân hận vì đã bộp chộp để lộ yếu điểm của mình. Bà ta biết cô rất cần công việc, nhưng thái độ thờ ơ kẻ cả kia không hứa hẹn điều gì tốt đẹp. Trái lại, Bạch Đàn linh cảm cô sẽ gặp nhiều khó khăn. Cơ may kiếm tiền ở gia đình này không dễ chút nào. Chắc chắn cô sẽ bầm dập như Bích Đông đã dọa.

Vừa bước lên lầu, Đàn vừa bắt chuyện:

- Dì Tám ơi! Cậu bé cháu sắp dạy tên gì vậy ?

- Tên Đại ! Cậu lớn lắm rồi chớ không phải bé như cô tưởng. Mà cô dạy hổng nổi đâu. Tôi nói thật đó! Cậu ta hết thuốc chữa rồi.

Đẩy cửa một căn phòng khá lớn, bà Tám tiếp:

- Cô giáo vào đây, để tôi đi gọi cậu ấy.

Bạch Đàn đặt túi xách lên bàn gỗ, cô đảo mắt một vòng và ngẩn ngơ nhìn những hàng kệ đầy sách chạy dọc hai bên tường.

Thì ra đây là thư viện gia đình. Đúng là nhà giàu có khác. Sách của họ đóng bìa đỏ, chữ mạ vàng ở gáy xếp lớp lớp trông phát mê. Cô bước tới gần, dí mắt vào kệ, lòng thích thú như trẻ con đứng trước quày bánh kẹo.

Đang nghiêng nghiêng đầu nhìn cho rõ tên sách, tên tác giả, đèn bỗng tắt tối om. Bạch Đàn hoảng hồn đứng yên tại chỗ. Căn phòng lạnh tanh lạ lẫm lại hươ này làm cô sợ. Đưa tay quơ quơ phía trước để trở lại bàn ngồi, Đàn hét lên thất thanh khi đụng phải một người.

- Á! Ai vậy ?

Cô vừa gào lên vừa lùi vội ra sau. Vấp phải cái ghế, cô té ngồi xuống đất và nghe có tiếng cười khoái trá đâu đây.

Mấy bóng đèn néon trên trần vụt sáng cùng một lúc. Bạch Đàn chớp chớp mắt khi thấy gã thanh niên to lớn đang đứng dựa tường, một tay gã chống nạnh, tay kia còn lại đặt trên công tắc điện miệng cười toe toét. Cô vừa sợ vừa khó chịu:

- Anh... anh làm gì vậy ?

Khác với thái độ hầm hè của Bạch Đàn, gã kia lại cười mỉm chi:

- Dạ thưa cô... em vào để học ạ!

Trời đất ơi ! Suýt chút nữa Bạch Đàn đã buột miệng gọi trời. Nếu đây là học trò thật, chắc cô "trúng số" thật rồi!

Đàn chưa kịp định thần để lên mặt sư phụ thì gã đệ tử đã lách chách:

- Ủa! sao cô lại ngồi dưới đó kỳ vậy ? Bàn học ở đây mà.

Bạch Đàn vội đứng bật dậy:

- Em... em là Đại hả?

Gã thanh niên nghiêng người rất lễ phép:

- Dạ! Em là Đỗ Ngọc Đại. Còn cô là... là... cô giáo. Có đúng không ?

Biết lần này gặp phải quỷ sứ nên Đàn hết sức cẩn thận. Cô nghiêm trang ngồi xuống ghế rồi đưa tay chỉ cho Đại ngồi đối diện.

Tằng hắng một tiếng để thị uy, Bạch Đàn bắt đầu... khai giảng bằng giọng khá hùng hồn:

- Dù không học ở trường nhưng nơi nào có người học và có... giáo viên dạy thì nơi đó là lớp. Trước khi bắt đầu, tôi muốn... công bố một số điểm gọi là nội quy về học và dạy của tôi và em.

Đại hết sực hiền lành, nhỏ nhẹ:

- Dạ... xin cô cứ công bố ạ.

Hụt hẫng vì mình thì gân lên trong khi... thằng bé lại bất ngờ ngoan ngoãn, Bạch Đàn bối rối trước đôi mắt chờ đợi được nghe lời chỉ giáo của Đại.

Giọng cô hơi xìu xuống:

- Học phải đúng giờ, nghiêm túc và hết sức cố gắng. Trong lúc học không được đùa giỡn hoặc bỏ đi nếu chưa được phép của cô.

Nói đến đây, Bạch Đàn chợt cắn môi vì thấy những điểm gọi là nội quy của mình ngớ ngẩn thế nào ấy. Nó chỉ đủ sức hù dọa bọn trẻ học lớp 6 lớp 7 cô thường dạy thôi, chớ đối với thằng quỷ đầu có sạn, mép lún phún ria này chắc chắn chẳng ép-phê chút nào, không chừng nó đang cười cô trong bụng cũng nên.

Còn đắn đo chả biết sẽ nói gì tiếp, Đàn nghe Đại nói:

- Đó là phần dành cho trò. Còn cô thì sao ạ ?

Tránh nhìn đôi mắt rất lém của "nó", Đàn nói:

- Tôi luôn làm tròn trách nhiệm của mình... lúc nào tôi cũng...

- Tới sớm về trễ, lãnh lương đúng ngày quy định chớ gì ?

Bạch Đàn nổi khùng lên vì câu nói móc ngoéo của Đại. Cô gằn giọng:

- Đâu có gì sai. Chẳng lẽ bỏ công sức mà không hưởng thành quả lao động của mình sao ? Bây giờ bắt đầu học, tôi không có thói quen câu giờ và rất ghét ai... câu mình. Tôi muốn xem tập Anh văn của em.

Đạt rung đùi vênh váo:

- Vội vàng chi cho cực cô ơi! Hôm nay cô trò mình làm quen cái đã.

- Chúng ta sẽ làm quen qua việc học.

- Vậy cô chờ em đi lấy vở nhé ?

Đàn chưa kịp gật đầu. Đại đã ra tới cửa. Cậu ta vừa đi vừa huýt sao rất vui. Căn phòng rộng lại chìm trong im lặng. Cô nghe tiếng tích tắc của kim đồng hồ và nhận ra lòng mình đang rối bời.

Cô đã leo lên lưng cọp rồi. Lúc này muốn xuống vẫn chưa muộn. Nhưng không lẽ từng có kinh nghiệm dạy trẻ tư gia như cô lại bỏ cuộc ? Thằng Đại ma đầu này không đơn giản chút nào, trông nó đáng làm anh Hai cô mới khổ. Thứ vừa già tuổi lẫn già đời này phải theo phương pháp giáo dục nào đây ?

Con nhà giàu, ngang bướng và có lẽ rất lì như Đại chắc phải lấy độc trị độc. Cương nhu xử trí linh hoạt tùy trường hợp cụ thể thôi.

Ngồi thẳng người lên cho oai, Bạch Đàn thấy tự tin hơn. Cô lật tới lật lui mấy cuốn sách mang theo và bắt đầu sốt ruột...

Năm phút... rồi mười lăm phút trôi qua vẫn chưa thấy Đại vào, Bạch Đàn tức muốn khóc vì... thằng quỷ sứ ấy lừa cô rồi. Đàn vừa đứng lên thì bà Tám khệ nệ bưng cái khay đựng hai ly cam vắt vào.

Thấy chỉ mỗi mình Đàn trong phòng, bà Tám ngạc nhiên:

- Ủa ! Cậu Đại đâu rồi cô giáo ?

Bạch Đàn chán nản lắc đầu:

- Nói với cháu là đi lấy tập, nhưng hơn mười lăm phút rồi mà vẫn mất tăm. Chẳng biết Đại làm gì lâu dữ vậy.

Bà Tám ái ngại:

- Cậu ấy lại đùa dai nữa rồi. Để tôi đi nói với bà chủ mới được. Tôi bảo đảm cậu ta trốn trong phòng xem vidéo chớ không chạy đâu cả. Nãy giờ, bà chủ tưởng đang học nên sai tôi mang nước lên. Thật hết biết !

Bạch Đàn nhỏ nhẹ:

- Dì đừng nói với bà chủ làm gì, chịu khó gọi Đại tới giùm cháu đi!

Bà Tám ngần ngừ:

- Tốt hơn tôi đưa cô đến phòng cậu ấy, chớ tôi không dám gọi đâu.

Bạch Đàn gật đầu và theo bà Tám leo thêm một tầng lầu nữa. Cô khen bâng quơ:

- Nhà rộng quá.

- Nhưng có mấy người ở đâu. Tương lai sẽ cho Việt kiều thuê đó.

Nhớ tới nhà mình, Bạch Đàn buột miệng:

- Một dạng quán trọ cao cấp.

Bà Tám chỉ một căn phòng ở cuối hành lang rồi nói nhỏ:

- Ở trỏng á! Cô cứ gọi đi! Tôi xuống dưới trước.

- Không! Dì ở đây với cháu.

Dứt lời, Đàn nắm tay bà Tám cứng ngắc. Thái độ của cô làm bà già phì cười:

- Nhát như vậy làm sao dạy với dỗ.

Đưa tay gõ cửa, Bạch Đàn vẫn chưa tính được mình sẽ nói gì với Đại nếu cậu ta thẳng thừng bảo cô "cút xéo đi" như có lần cô đã bị con nhóc học lớp 7 đuổi, chỉ vì cô dứt khoát không làm cho nó bài văn, sau khi đã hướng dẫn hết sức cặn kẽ.

Muốn có tiền phải kiên trì, nhẫn nhục thôi. Vả lại mình kiếm tiền bằng sức lao động chớ có xin ai đâu mà sợ?

Tự làm công tác tư tưởng với mình xong, Đàn lại thấy vững lòng.

Cô mỉm cười thật tươi khi cánh cửa vụt mở ra một cách giận dữ.

Đại khoanh tay nhìn Đàn với vẻ giễu cợt:

- Cô giáo vẫn còn đợi sao ?

- Chưa bắt đầu buổi học, tôi vẫn đợi. Nhưng thời gian thì vô tình lắm, nó chả đợi ai đâu, dù người đó là vua hay tổng thống.

Đại cười khẩy:

- Nhưng giờ này mới bắt đầu thì đã muộn rồi.

- Muộn vẫn còn hơn không. Thế nào, Đại tìm ra vở chưa ? Chúng ta làm quen với nhau được rồi chứ ?

Nheo nheo mắt, Đại lơ lửng:

- Làm quen tại đây thì được, còn trong phòng học thì xin miễn. Nếu đồng ý, mời cô vào.

Bạch Đàn mạnh dạn bước vô phòng, cô đưa mắt nhìn quanh rồi nói:

- Ở đây cũng tốt, nếu Đại thấy thoải mái.

Đợi bà Tám bước đi, Đại đóng cửa lại. Bạch Đàn thảng thốt:

- Sao lại đóng cửa ?

Đại nhún vai:

- Không thích ai nhìn vào cõi riêng của mình hết. Cô không ngại chứ ?

- Ồ, không !

Kéo chiếc ghế mây được đan rất tỉ mỉ, khéo léo ra mời Đàn ngồi, Đại có vẻ kẻ cả:

- Phòng đàn ông bề bộn lắm, đừng cười nhe cô giáo. Bây giờ chúng ta bắt đầu bài vỡ lòng. What's your name ?

Bạch Đàn cười tươi:

- Vừa học vừa xem phim à ? Tôi thích sự nghiêm túc. Và thường chỉ nhượng bộ kẻ... yếu hơn mình một lần thôi.

Đại trừng mắt ngó Bạch Đàn rồi lừng khừng bước tới tắt tivi. Việc làm của anh chàng khiến cô thấy nhẹ nhõm, khi nghĩ tên đệ tử này không đến nỗi hết thuốc chữa như bà Tám nói.

Hai người bỗng rơi vào im lặng, Đại thản nhiên ngắm Bạch Đàn bằng đôi mắt soi mói sỗ sàng. Cô lì lợm nghênh lại và thấy có nhiều điểm cô cần sửa nếu muốn... được nhận làm gia sư.

Nhìn kỹ, anh chàng trông quá già. Ở tuổi này anh ta xứng đáng ngồi ở thứ vị phụ huynh chớ không phải là học sinh. Gọi anh ta là em, hoặc gọi tên như nãy giờ cô vẫn gọi nghe trái tai lắm. Chả biết anh ta ở lại lớp bao nhiêu lần, và mỗi lần mấy năm đây nữa. Nhận dạy một học trò... râu, lại quá "đát" như vầy quả là họa nhiều hơn phúc. Tốt hơn hết là rút lui trước khi hắn ta...

Mãi ngao ngán trước đối tượng của mình, Đàn chợt nghe Đại hỏi:

- Cô chưa xong Đại học phải không ?

Bạch Đàn gật đầu, giọng hơi tự ái:

- Tôi đang học năm thứ ba. Nếu để hướng dẫn thêm cho người học lớp 12, tôi thấy không khó...

- Với người như tôi, càng dễ cho cô hơn. À quên! Tên cô là gì nhỉ ?

- Bạch Đàn !

- Tên một loài cây trông mảnh mai yếu đuối nhưng khó gãy trước gió bão.Một loại cây thích ứng với nhiều môi trường khắc nghiệt, ở đâu sống cũng tốt tươi.

Nhếch môi một cái, Đại mai mỉa:

- Tên cô cũng hay ! Nên thích ứng với xung quanh, nếu điều ấy có lợi.

Tự nhiên Bạch Đàn có cảm giác mình là học trò bị lên lớp không bằng. Nhìn đôi mắt sắc lẻm của Đại, cô quyết định thật chớp nhoáng:

- Tôi thích ứng với nhiều chỗ, vì vậy tôi mới dạy được nhiều nơi. Nhưng nơi này chắc không hợp với tôi. Anh nên tìm người đã tốt nghiệp cao học về dạy mình. May ra, họ bổ sung kịp kiến thức cho anh. Nếu không, cả thế giới, bước vào thế kỷ 21, chỉ còn mỗi mình anh loay hoay với thời kỳ đồ đá. Chào và mong đừng bao giờ gặp lại.

Mặt Đại đỏ lên. Anh ta đứng phắt dậy, mở rộng cửa ra, không nói một lời.

Bạch Đàn lẳng lặng bước xuống lầu. Thế là hỏng bét mọi việc. Nhỏ Bích Đông sẽ lại mắng cô ngu khi đi chọc giận tên học trò lếu láo này. Chả là con bé từng tiếc phải chi không kẹt giờ và nhà gần, nó sẽ kèm cho Đại.

Nhưng nếu gặp trường hợp vừa rồi, chắc chắn Bích Đông cũng đã bỏ về từ lúc bị hắn gạt ngồi một mình trong phòng đọc sách. Ai không có lòng tự trọng. Nhất là Bạch Đàn, một con bé háo thắng, hay gây sự với người khác.

Đang lúc chán nản, Đàn chợt nhớ tới anh Triết. Anh ấy thường nói với cô : "Càng thấy cái tôi của mình nhỏ, càng dễ thành công trong cuộc sống". Điều ấy có đúng không, Bạch Đàn không hiểu. Nhưng với cô, cái tôi là cái bất khả xâm phạm.


Chương 2

Vừa nhón một trái sơ-ri bỏ vào miệng, Bích Đông vừa hỏi:

- Thằng cha này ăn cơm tháng ở đây hả Đàn ?

- Mày muốn nói thằng cha nào ?

Hất mặt về phía Giang, Đông hạ giọng:

- Thằng cha ngồi nhơi nhơi một mình ở cuối phòng kìa.

Không trả lời Bích Đông, Đàn hỏi lại:

- Mày biết... lão à ?

- Biết! Nhưng không nhiều lắm.

- Vậy tao cho mày biết thêm một chi tiết nữa : lão đang trọ Ở nhà tao đó.

Bích Đông trợn mắt:

- Dì Ngọc mày thay đổi tư duy rồi sao ?

Bạch Đàn so vai:

- Muốn kiếm được tiền trước hết phải thay đổi tư duy. Dì tao cho lão ta mướn phòng của Hiền Thục. Thế là lợi cả hai mặt, vừa thu tiền vào, lại khỏi nghe đồn bậy. Đêm hôm có đàn ông con trai trong nhà cũng đỡ lo trộm đạo.

Bích Đông nheo mắt:

- Và biết đâu lại kiếm được thằng cháu rể tương lai. Nói thật, anh ta trông đâu có tệ. Trái lại, bộ mặt lầm lì càng làm khối đứa chết mê. Model bây giờ tụi nó thích yêu người lầm lì, lạnh lùng, bí hiểm như hắn vậy đó nghe.

- Yêu mà cũng có model? Thật khó tin! Mày biết lão ta vì mày đang kết model này, phải không ?

Bích Đông vênh váo:

- Phải thì sao nào ?

- Thì tao sẽ tạo điều kiện cho... hai trẻ gặp nhau mà không tính thù lao.

- Thôi đi con quỷ! Mai Ly nó xé tao như xé gà trộn gỏi bây giờ. Anh Giang là bồ nó đó.

Bạch Đàn kêu lên:

- Thật hả?

- Thất vọng rồi phải không ?

- Ờ! Nhưng thất vọng giùm mày.

Bích Đông bật cười. Cô lại cho một trái sơ-ri nữa vào miệng rồi hất hàm hỏi Đàn:

- Sao mày không dạy chỗ vừa rồi ?

Bạch Đàn xụ mặt xuống:

- Tại tao không đủ trình độ trong khi học trò thì như ngáo ộp. Gia đình đó lại chê tao bé tí, làm sao dạy thằng nhỏ... tồng ngồng nhà họ được. Tốt hơn hết tao bỏ về cho xong. Để dạy không nên thân, mày lại mang tiếng.

Bích Đông trách:

- Vậy sao mày không nói với tao lời nào hết vậy ?

- Biết nói gì bây giờ ? Tao định chiều nay tới nhờ mày kiếm nơi khác đây. Mày còn một chỗ dạy kèm ba đứa lớp 7 không ?

Lắc đầu, Bích Đông ngán ngẩm đáp:

- Chỉ có chỗ thằng bé "cao niên" đó thôi.

- Nhưng họ không chịu tao mà.

Đông hỏi vặn:

- Họ trả lời dứt khoát với mày rồi hả?

Bạch Đàn gật đầu như máy:

- Ờ!

- Xạo! Tao không tin.

- Tao dối mày làm chi.

Bích Đông nhíu mày:

- Nếu bây giờ họ yêu cầu mày tới dạy, mày có đồng ý không ?

Bạch Đàn lắc đầu:

- Tao ớn thằng cha học trò đó quá. Lẽ ra, hôm trước mày phải nói về Đại để tao chuẩn bị tinh thần. Anh ta làm tao quê dễ sợ!

- Tao biết gì về anh chàng ấy. Mãi tới hôm nay, anh ta đến nhà, tao mới hết vía khi nghĩ mày phải dạy dỗ người đáng tuổi anh Hai mày như thế.

- Vậy mà lúc đầu tao ba chớp ba nhoáng gọi anh ta là "em" đó... nghĩ lại thấy buồn cười thiệt!

Bích Đông khoát tay:

- Tóm lại, mày sẽ tới dạy cho Đại chớ ? Anh ta muốn học lắm đấy ! Nếu không, đâu phải khẩn trương nhờ tao chuyển lời xin lỗi tới mày. À! Đại còn gởi tập vở cho mày kiểm tra trình độ trước khi nhận anh ta làm đệ tử nữa nè.

Thấy Đàn nhăn nhó, ngần ngừ, Bích Đông chắc lưỡi:

- Còn do dự quái gì ! Lương ở đây gấp hai những chỗ khác, lại gần nhà, mày không dạy, tao kêu con Quyên, nó nhận liền.

Bạch Đàn thở dài:

- Hay là để Quyên dạy đi.

- Mày điên rồi! Bây giờ khó kiếm học trò lắm, ngu sao mà nhường cho nó. Tao hỏi thật, mày sợ cái gì ? Anh ta già đời nhưng dốt. Mày nhỏ tuổi nhưng có ăn học thì phải vận dụng chữ nghĩa để làm hắn nể mình chứ. Ai lại sợ kẻ rỗng đầu, rỗng ruột bao giờ.

- Tao không sợ nhưng tao ghét. Bọn giàu mà dốt, thấy ghét đến mức nào mày không biết đâu.

Bích Đông nhún vai:

- Công việc là công việc. Đặt vấn đề ưa hay ghét vào là ngu khi họ không cần mình, mày có ưa hay thậm chí si mê, yêu điên cuồng cũng vô ích. Mày nên dạy ở đó. Tao thấy Đại cũng được, anh ta hoạt bát, mềm mỏng và rất tế nhị nên mới đến tìm, nhờ tao năn nỉ mày giùm.

Đàn kêu lên:

- Anh ta mà mềm mỏng, tế nhị ? Mày lầm rồi ! Tại sao Đại không tới trung tâm luyện thi, hoặc một lớp bổ túc ban đêm nào đó ?

- Mày lại giỏi đoán mò. Ban ngày, Đại có tới các trung tâm luyện thi. Ban đêm, anh ta rảnh, gia đình sợ Đại đi quậy, nên mới mướn gia sư để... kềm kẹp đó chứ.

Lấy trong túi xách ra hai quyển vở, Đông đẩy về phía Bạch Đàn:

- Tập của Đại. Mày cứ xem thử rồi dạy hay không cũng đến trả lời với anh ta. Tao về đây, chiều lắm rồi.

Đưa Bích Đông ra cổng xong, Đàn lại trở vào với chồng chén bát, nồi niêu. Cô cố không ganh tỵ khi bọn Huệ đang sửa soạn đi xem biểu diễn thời trang. Mang tiếng là dân thành phố nhưng hầu như chưa bao giờ Đàn được đi xem những chương trình ca nhạc, hay những hình thức biểu diễn khác, chỉ vì giá vé quá đắt. Với cô, giải trí nghĩa là xem tivi, hoặc nghe nhạc từ cassette cũ kỹ của anh Triết, nhưng Bạch Đàn cũng chẳng có thời gian để... giải trí như vậy. Bích Đông hay Ngọc Quyên cũng thế. Bọn nhà lá của cô suốt ngày đầu tắt mặt tối vì học, vì dạy và vì trăm ngàn công việc linh tinh khác để có tiền. Nếu Đàn được sống sung sướng như Huệ nhí hoặc những sinh viên khác chắc cô đây hay cáu gắt và ganh tỵ so bì với những người xung quanh.

- Bạch Đàn ơi!

Giật mình vì bị gọi lúc đang thả hồn vào cõi... trầm luân, cô ngước vội lên và ngạc nhiên khi thấy Giang cười. Đó là nụ cười tươi rói đầu tiên cô nhìn thấy ở anh ta. Chắc định nhờ vả gì đây thôi.

Cô đứng dậy, giọng khô khan:

- Chuyện gì vậy anh Giang ?

- Tối nay em có đi dạy không ?

Bạch Đàn khe khẽ lắc đầu. Vẫn chưa biết ý định của Giang, nên cô hết sức đối phó khi nghe anh nói tiếp:

- Tôi có hai vé xem biểu diễn thời trang nhưng không đi được. Nếu em thích xem thì rủ một người bạn nào đó cùng đi cho vui.

- Sao anh không xem ?

Giang hờ hững đáp:

- Tôi nghĩ các cô thích loại hình này hơn đàn ông.

Bạch Đàn châm biếm:

- Nghĩa là anh cũng thích nhưng lại có lòng nghĩ tới người khác ? Rất tiếc, tôi không đi được. Anh nên tặng các cô kia, họ đi được, họ thích lắm đó. Họ sẽ chuyền tai nhau lời ngợi khen anh là người hào phóng.

Giang cau mày:

- Chỉ là hai vé hát nhỏ nhoi thôi, nhưng nếu em nghĩ tôi tặng ai cũng được thì lầm to rồi đấy.

Anh ta đi rồi mà Bạch Đàn vẫn còn đứng chết. Cô đúng là vô duyên quá mức. Người ta có ý tốt, mình lại khước từ bằng những lời khác nào khiêu khích.

Nghĩ cho cùng, tới giờ phút này, Giang vẫn chưa làm gì không phải với cô. Trái lại, anh luôn lịch sự hơn những người ăn cơm ở đây. Anh chưa bao giờ lớn tiếng cau có, cự nự khi bị trễ cơm, đôi lúc Giang còn giúp cả mẹ và cô dọn dẹp nhà bếp, một việc làm mà cả bạn con gái cũng chẳng đời nào đụng tay, vì họ nghĩ: tội vạ gì, khi ta đã bỏ tiền ra ăn cơm tháng.

Tội duy nhất của Giang là lầm lì, không bông lơn đùa giỡn và không để ý tới cô gái nào trong khu nhà trọ này hết, kể cã Bạch Đàn. Có phải tại anh không tán cô như những người khác nên Đàn ghét anh không ? Hay vì những lời Bích Đông nói lúc nãy ?

Chả lẽ Đàn sợ mình... bị kết model với tuýt người lầm lì, bí hiểm, nên từ trong vô thức cô đã tuôn ra những câu khó nghe vừa rồi.

Hay tại bản thân Bạch Đàn quá nhiều tự ti, nên khi Giang thật lòng muốn tặng vé hát là cô đã tự ái đến mức nói lời khiêu khích.

Nhưng vì lý do gì chăng nữa, thái độ và cách cư xử của Đàn vẫn là lỗ mãng, là không nên.

Bực bội với chính mình, Bạch Đàn đưa tay mở robinê hết cỡ. Tiếng nước chảy ào ào chẳng làm dịu được sự căng thẳng trong đầu cộ Việc gì phải nghĩ ngợi dữ thế ? Bất quá, anh ta cũng chỉ như những gã sinh viên khác thôi, tại sao cô lại phải bận tâm chứ ?

Từ khi biết suy nghĩ tới bây giờ, Bạch Đàn luôn luôn có định kiến với bọn mày râu. Cô không bao giờ cởi mở, thân mật hay nghĩ tới một chàng trai nào hết. Với cô, mẹ và dì Ngọc là hai điển hình sống thiết thực, gần gũi nhất để Đàn đủ sợ mà xa lánh đàn ông.

Bạch Đàn chưa hề biết mặt ba mình, thấy bạn bè có ba, Đàn hỏi, mẹ lững lờ bảo rằng: ba ở rất xa, đâu tận bên Mỹ.

Lớn lên, Đàn không hỏi về ông nữa. Cô đủ khôn để hiểu mình là một đứa con không cha và cô cay đắng chấp nhận điều đó. Hai mẹ con sống chung với dì Ngọc từ hồi nào Đàn cũng không nhớ rõ. Cô chỉ biết dì Ngọc, anh Triết là hai người thân duy nhất của mẹ con cô.

Dì Ngọc bị chồng bỏ lúc anh Triết được bốn tuổi. Người đàn ông đó vẫn có lương tâm hơn ba của Đàn, nên khi bỏ đi, ông ta có để lại mấy cây vàng cho dì nuôi con. Nhờ vậy, dì Ngọc mới mua được miếng đất này và xây nhiều phòng cho sinh viên trọ. Cuộc sống của dì xem ra nhàn hơn mẹ cô. Nhưng về tinh thần, mỗi người luôn có một nỗi đau riêng, dai dẳng và âm ỉ. Chính nỗi đau đó làm Bạch Đàn lo sợ khi nghĩ đến tình yêu... Lúc nào cô cũng giữ ý định "ở vậy" với mẹ cho tới già, tới chết. Bích Đông vẫn cười ngạo cô về chuyện yêu đương, bồ bịch. Nó bảo rằng: "Đố mày thoát khỏi lưới trời... "

Bạch Đàn vươn vai đứng dậy. Nhất định cô không ngu dại chui đầu vào lưới. Từ xưa tới giờ, cô luôn để lý trí dẫn dắt, suy tính mọi việc, và chưa lần nào cô thất bại. Bạch Đàn đã tự huấn luyện nên tin chắc trái tim mình tồn tại để tuần hoàn máu chớ không phải để yêu. Cô ghét... yêu lắm! Yêu để khổ như mẹ, hay chết non như Hiền Thục thì yêu làm gì ?

Điều quan trọng nhất đối với Bạch Đàn là kiếm được thật nhiều tiền để phụ mẹ và để học hành. Muốn vậy, chắc cô phải nhận lời dạy anh chàng Đại quá.

Rầu rĩ chớ không phấn khởi như những lần tìm được chỗ dạy trước đây, Đàn miễn cưỡng lấy vở của Đại ra xem... Cô vô cùng ngạc nhiên khi thấy anh ta đã học lớp 12 cách đây sáu năm, vào thời đó, Đàn mới chỉ là con bé học lớp 7, lớp 8 mà thôi.

Những trang vở sạch đẹp với nét chữ rắn rỏi nhưng bay bướm của đàn ông cứ lần lượt hiện ra trước mắt cô. Rất nhiều bài tập có điểm mười chứng tõ Đại không dốt như Bích Đông và cả cô tưởng. Anh học giỏi nhưng tiếc là quyển vở còn gần phân nửa giấy trắng chưa viết. Lý do gì khiến Đại thôi học khi nhà anh giàu thế kia ? Rồi sáu năm, sáu năm dài bỏ chữ bỏ nghĩa, động cơ nào khiến anh học lại ?

Chắc chắn Đại không tự nguyện tìm đến sách vở đâu. Vì nếu muốn học, không đời nào anh lại đùa cợt với cô ngay buổi gặp đầu tiên như vừa rồi.

Xem hết những quyển tập của Đại, Bạch Đàn bắt đầu coi lại bài vở của mình. Dù chưa quyết định dứt khoát sẽ dạy Đại hay không, nhưng cô vẫn phải học để khỏi suy nghĩ đủ điều như từ chiều tới giờ cô vẫn nghĩ.

Xách xâu chìa khóa và cái đèn pin theo, Bạch Đàn bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, đóng cửa của mình.

Đêm nay cô đóng cửa trễ vì phải đợi những người đi xem biểu diễn thời trang về hết. Không khí sôi động bàn tán với những người mẫu trong các phòng đã lắng xuống. Có lẽ chả còn ai chưa về nữa đâu mà chờ.

Cô vừa đưa tay khép cánh cổng sắt vừa cũ vừa nặng thì Giang lách người vào, theo sau anh là Huệ nhí. Mặt con bé hí hửng trông thật dễ ghét.

Liếc Bạch Đàn một cái như xem thái độ cô ra sao, Huệ Õng ẹo nói trỏng:

- Đêm nay thật đáng nhớ.

Cúi xuống móc ổ khóa vào khoen, Đàn không nghe anh nói gì, nhưng cô biết chắc Giang đi vào trong với Huệ. Con bé sợ ma ấy làm sao dám băng qua khoảng sân vắng một mình. Nó càng vờ vịt yếu đuối hơn nữa, khi kế bên là một anh chàng lầm lì đầy phong độ, đúng kiểu mẫu người tình lý tưởng... thời trang.

Bỗng dưng, cô bĩu môi khinh bỉ. Hóa ra bề ngoài lạnh lùng ngạo mạn của Giang chỉ là một thứ model để câu gái. Ngày xưa Hiền Thục từng yêu cái vỏ ấy đến chết, con nhỏ Huệ thừa biết chuyện này, nhưng vẫn nhắm mắt lao vào. Thật kinh khủng khi cả con bé Mai Ly nhà giàu nứt vách cũng rơi vào tay anh ta.

Giang có đàng hoàng tử tế đâu mà anh Triết giới thiệu chớ ?

Bạch Đàn càng khó chịu hơn khi nghĩ tới chuyện hai tấm vé đi xem biểu diễn thời trang. Anh ta tưởng cô giống như Huệ hay sao ? Thái độ của Đàn hồi chiều ra không quá đáng chút nào hết. Anh ta đáng bị đối xử như thế.

Quay người lại, Đàn sững sờ khi thấy Giang còn đứng đó.

Cho hai tay vào túi áo lạnh, Bạch Đàn bước đi. Rồi không hiểu sao, cô đứng lại, hỏi trỏng:

- Chương trình hay lắm phải không ?

- Chắc là vậy.

Bạch Đàn bắt bẻ:

- Sao lại "chắc là" nhỉ?

Giang ngước lên nhìn các tàn lá đêm đã xếp cánh ngủ trên cao rồi mới trả lời cô:

- Tôi đoán vậy. Và cô bé lúc nãy cũng khen hay.

- Tôi chỉ nghe Huệ bảo đêm nay thật đáng nhớ thôi.

Giang nhún vai:

- Tôi lại không nghe câu đó. Có lẽ cô ấy nói với riêng em.

- Vậy sao ? Anh đúng là cao siêu.

Cô vừa dợm bước, Giang đã gọi:

- Bạch Đàn ! Hình như em ghét tôi lắm thì phải ?

Bất ngờ vì câu hỏi của anh, Đàn lúng túng:

- Anh nói vậy với ý gì ?

Giang thản nhiên:

- Nghe đồn phụ nữ trong gia đình em rất ghét đàn ông nên không bao giờ cho nam sinh viên ở trọ. Tôi là trường hợp ngoại lệ duy nhất, vì tôi được Triết "bảo lãnh" phải không ?

Nhìn Giang với cặp mắt dữ dội, Đàn nói:

- Ai nói với anh ?

- Thì... Triết chớ ai.

- Anh Triết không có thói quen ăn nói bừa bãi.

- Em nhận xét rất đúng. Điều này chứng tỏ những điều Triết tiết lộ với tôi là nghiêm túc, là sự thật.

Bạch Đàn cau mày:

- Đó là suy nghĩ của anh. Suy nghĩ của một người từ nhỏ đã phải sống trong thế giới phụ nữ, mà ảnh luôn muốn thoát ra, khi thấy lúc nào mình cũng bị quan tâm quá mức. Mẹ biết ảnh từng nói vậy với người... dưng, chắc chắn sẽ rất giận.

- Em không mách lại, làm sao hai dì ấy biết được ?

Liếc xéo Giang một cái, Bạch Đàn nói:

- Tôi sẽ mách đấy, và người đầu tiên bị rầy là anh. Thật đáng đời!

Giang bật cười:

- Con nít khi bị ăn hiếp thường mách người lớn để nhờ "trừng trị" kẻ ăn hiếp mình. Không ngờ em lại sợ tôi đến như vậy.

Bạch Đàn nóng mặt, cô những tưởng Giang ít lời, ai dè anh ta cũng già mồn gớm. Cô chưa chuẩn bị tinh thần để "đấu khẩu" với Giang nên ức vô cùng khi bị anh trêu tới tấp.

Thấy Đàn làm thinh, Giang nghiêng nghiêng đầu:

- Tôi đùa cho vui mà em cũng giận sao ?

Mặt Bạch Đàn nghiêm lại:

- Tôi không biết đùa.

- Bởi vậy, tôi mới tập cho em biết. Đàn này! Không biết đùa mau già, mau xấu lắm đó.

Bạch Đàn trả đũa ngay:

- Còn suốt ngày lầm lì không nhìn tới ai ngoài bốn bức tường lặng câm thì hay ho gì ?

Giang tủm tỉm cười:

- Cám ơn em đã nhắc nhở điều này. Thú thật, tôi không có duyên ăn nói nên mới phải lầm lì. Ở đây, ngoài hai dì và em ra tôi đâu có quen ai nữa. Đôi lúc muốn bắt chuyện, lại thấy em khó đăm đăm, tôi quê quá rút vào phòng đóng cửa chờ hết một ngày cho rồi.

- Xì... làm như anh hiền lắm! Không quen ai thật không ?

Đàn chợt nín ngang khi thấy câu hỏi vừa rồi có hơi quá đáng. Cô chưa đủ thân thiết để hỏi như vậy.

Giang nhíu nhíu mày:

- Em nói tới Huệ chớ gì ? Cô bé ấy là trường hợp khác. Tôi hoàn toàn không quen cô ta. Mãi vừa rồi, Huệ nhắc tôi mới nhớ là đã từng gặp Huệ...

Bỏ hai tay vào túi, Bạch Đàn hỏi:

- Sao lại phân trần với tôi nhỉ?

Giang không trả lời. Anh ngẫm nghĩ gì đó một hồi rồi ngập ngừng hỏi:

- Căn phòng tôi đang ở có gì đặc biệt hơn những phòng khác không ?

Bạch Đàn lững lờ:

- Điều này anh phải... rõ hơn tôi chứ.

Giang ngơ ngác:

- Rõ về cái gì ? Tôi có biết gì đâu ?

Đàn hỏi gặng:

- Thật không ?

Giang tỏ vẻ khó chịu:

- Là người ở trọ, tôi muốn tìm hiểu phòng mình đã thuê. Điều ấy hoàn toàn nghiêm túc. Nhưng hình như em không thích giải đáp thắc mắc của tôi?

Bạch Đàn cắn môi:

- Anh thắc mắc về chuyện gì mới được cơ chứ ?

- Các cô ở đây nói với tôi cố ý trọ căn phòng đó để ngày đêm được gần gũi với người yêu đã chết. Vậy nghĩa là sao ?

- Thật sự anh không biết à ?

Giang lắc đầu, Bạch Đàn tiếp:

- Trước đây phòng đó có một cô gái trọ. Cô ấy đã tự tử chết vì thất tình. Bộ anh Triết không nói chuyện này với anh sao ?

- Không!

- Nhưng chắc anh quen chị Hiền Thục ?

- Làm sao tôi quen được. Cô ấy là ai ?

Bạch Đàn thủng thỉnh trả lời:

- Huệ nhí loan tin cho cả khu tập thể nữ biết rằng Hiền Thục là người yêu của anh. Thục tự tử chết vì anh đã phụ tình chị. Chị ấy chết trong phòng đó đó.

- Trời ơi! Thật là kinh khủng.

- Anh sợ rồi sao ?

- Phải! Tôi sợ đầu óc tưởng tượng siêu phàm của các cô quá sức. Hèn chi, hôm ở nhà ăn Huệ nói bóng nói gió những câu thật khó hiểu...

Bạch Đàn nhấn mạnh:

- Khó hiểu nhất là người yêu của Hiền Thục cũng tên Giang. Anh ta không đến đây bao giờ, nên tôi chỉ nghe tên chớ chưa thấy người. Thành thật khai báo đi. Phải anh không ?

- Đừng có đùa với người đã chết ! Tôi không quen Hiền Thục thật mà!

Bạch Đàn hỏi tới:

- Nhưng chắc anh biết Mai Ly ? Con bé hay cột tóc đuôi ngực ấy!

Giang làm thinh, Bạch Đàn mai mỉa:

- Anh biết Mai Ly vì con bé còn sống, Hiền Thục chết rồi nên anh đâu có quen chị ấy. Thật đáng sợ! Đêm nay anh sẽ khó ngủ đó. Đúng là "ma đưa lối quỷ dẫn đường" nên nhè ngay căn phòng "người xưa" đã chết mà mướn ở.

Giang chắt lưỡi:

- Em độc miệng thật! Tôi đâu làm gì... nên tội mà phải khó ngủ. Đã biết lý do tại sao mọi người cứ nhìn mình như quái vật, tôi sẽ ngủ ngon hơn là khác. Nhưng tôi sẽ yêu cầu dì Ngà, dì Ngọc, rồi em thanh minh với các cô là tôi và Hiền Thục chưa hề quen biết, căn phòng tôi ở không có ma...

Bạch Đàn nheo nheo mắt:

- Đương nhiên phòng anh ở không có ma, chuyện này chúng tôi đã nói với mọi người hàng trăm lần rồi. Bây giờ anh đang trọ trong đó, anh lên tiếng người ta mới tin chứ, sao lại yêu cầu chúng tôi ? Còn vụ anh và Hiền Thục ấy hả? Nhỏ Huệ... tung tin này, anh bắt nói đính chánh. Tôi chỉ là người nghe thôi, lấy cơ sở nào để thanh minh... thanh nga cho anh. Biết đâu anh là người từng làm Hiền Thục đau khổ đến mức tự tử thật thì sao ?

Giang hậm hực:

- Em đúng là trơn tuột như con lươn. Thú thật, tôi không hiểu nổi một con người cởi mở, vui tính, dễ hòa đồng hay giúp người khác như Triết sao lại có thể có cô em lạ lùng thế này ?

Dứt lời, anh ta bỏ đi thật nhanh. Bạch Đàn trừng mắt nhìn theo, lòng tức anh ách.

Hừ! Hắn ta dám so sánh cô với lươn, con vật cô ghê sợ nhất. Ý hắn muốn nói cô lẩn tránh trách nhiệm trước những lời người ta đồn đãi về hắn chứ gì ? Bọn nhò Huệ sẽ nghĩ gì khi tự nhiên cô đứng ra bênh vực Giang ? Kéo cổ áo lạnh lên cao cho ấm. Bạch Đàn tiếc... công đứng dưới sương đêm để nghe Giang lên giọng dạy đời. Cô xách đèn pin đi quanh sân nhà. Ngang phòng Giang, Đàn thấy đèn vẫn thắp sáng, cửa mở và anh đang bắc ghế ngồi ngoài hiên với điếu thuốc cháy đỏ trên tay.

Bạch Đàn hả hê nghĩ:

"Hừ! không ngủ được rồi. đáng kiếp"

Làm như không thấy anh, cô tiếp tục lia đèn vào những chỗ tối trong vườn một cách chăm chú. Hôm nay là ngày gì mà cô phải bận tâm tới hai gã đàn ông, và gã nào cũng đáng gờm đáng ghét hết vậy ?

Bước vào nhà, Bạch Đàn còn ráng nhìn về phía phòng của Giang thêm một lần nữa. Cô thấy nơi ấy đèn vẫn sáng, cửa vẫn mở, anh vẫn còn ngồi ở hiên với đốm lửa cô đơn trong đêm.

Ngoài sân như có tiếng lá rụng thật nhẹ. Nhẹ như một tiếng thở dài. Bỗng dưng Bạch Đàn nghĩ tới Hiền Thục... Chắc chị ấy đang khóc vì nghe Giang nói không hề quen mình. Nhưng thật sự anh có phải là người chị đã yêu không ? Tự nhiên Bạch Đàn thầm mong Giang là người khác, chưa hề biết Hiền Thục là ai. Tại sao cô mong như vậy? Chắc tại Đàn lo ở thế giới bên kia Hiền Thục đã buồn vì đơn độc, lại phải buồn hơn vì thất vọng. Cũng như Đàn sợ phải ghét thêm chút nữa người cô đã không ưa.

Bên dãy phòng nữ, giọng khàn đục của ai bỗng vang lên bất ngờ.

- Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa...

Tội nghiệp trái tim mù lòa của Hiền Thục. Nếu biết chết chỉ tổ khổ cho ba mẹ mình, còn gã đàn ông tên Giang nào đó vẫn tỉnh bơ chắc Hiền Thục đã chẳng tự tử làm gì cho uổng phí cuộc đời.

Nguồn: http://vietmessenger.com/