11/3/12

Hoàng hôn cuối cùng (Chương 4)

Ngày lễ đánh đấu hết lớp cấp I là một trong những ngày vui nhất của Bồi.

Trong buổi lễ này. Thư Bồi đã nổi bật. Sáng sớm lẽ phát bằng được tiến hành, chiều đã là phần liên hoan. Ngay từ lúc tờ mờ sáng. Học sinh và phụ huynh đã tụ tập đầy đủ trong hội trường. Ông Kiều Vân Phong dĩ nhiên cũng có mặt. Thư Bồi với tư cách học sinh giỏi, đại diện cho học sinh phát biểu, lãnh thưởng... Bây giờ Bồi đã chững chạc như một thiếu niên trong bộ đồng phục của nhà trường. Khuông mặt thanh tú, thái độ từ tốn, nói năng chậm rãi, dù vẫn còn dáng dấp rất trẻ con. Ông Vân Phong ngồi dưới hàng ghế phụ huynh nhìn lên trên sân khấu mà mắt ướt.

Sau buổi lễ phát bằng. Phụ huynh tụ lại thành đám nhỏ, thảo luận chuyện buôn bán, làm ăn, chuyện phiếm về cuộc sống ở địa phương, ca ngợi con cái. Đám học trò cũng thế, bàn tán nhau về chuyện lên trung học, về việc học hành ở quá khứ và tương lai. chỉ có ông Kiều Vân Phong, lẻ loi ở một góc phòng. Đến bến cảng nhỏ này đã bảy năm, mà ông vẫn như một cánh nhạn lạc đàn, cô độc. Thư Bồi đã tìm thấy cha. Nó kinh ngạc nhận thấy cha của các bạn còn quá trẻ trong khi cha mình lại lấm tấm tóc bạc. Những nếp nhăn trên trán làm cha già đi thật nhiều. Cha đã nhìn nó cười, nhưng nụ cười mệt mỏi làm sao.

Ông Vân Phong đặt bàn tay lên vai con với nụ cười.

- Ờ... chắc chắn phải có cả thành tích của con chứ?

Thư Bồi yên lặng. Hai cha con đưa nhau vào phòng triển lãm thành tích năm học qua của trường. Trong phòng treo la liệt những bài vở, những công trình thủ công, hội họa xuất sắc của học sinh. Đến đây cũng thấy cái tên Kiều Thư Bồi. Văn, họa, toán... Ông Vân Phong như ngẩn ra. Ông phát hiện, ái mộ, kinh ngạc cài tài hoa của con trai mình. Ông quay lại nhìn con, cái khuôn mặt, chưa hết mùi sữa kia... Ông chợt thấy sung sướng, hãnh diện. Một thứ tình cảm mới lạ yên tâm, tin tưởng ở thế hệ mới khiến ông âu yếm nhìn con. Giữa cái không khí nhập đầy tình thương đó, có một giọng nói nhỏ của con gái, vừa đủ nghe.

- Mẹ, cái anh đang đứng đằng kia là Kiều Thư Bồi đấy.

Không hẹn, Kiều Thư Bồi và cha cùng quay lại.

Ân Thái Cần đang đứng ở đầu bàn đằng kia, hướng mắt về phía Bồi. Bên cạnh cô bé là một người đàn bà dáng gầy cao, mặt thanh tú, trông quý phái. Kiều Thư Bồi chợt ngẩn ra. Nghe nhiều người nói mẹ của Thái Cần đẹp, sang trọng, nhưng Bồi Bồi không nghĩ bà ấy còn trẻ và đẹp như thế. Bồi nhớ lại tiếng đàn dương cầm trong ngôi nhà trắng. Nó nói với cha.

- Đấy là Ân Thái Cần và mẹ ruột, họ ở trong ngôi nhà màu trắng đấy cha biết không? Mẹ của Cần đàn rất hay.

- Thề à?

Thư Bồi thích thú nói thêm:

- Không phải chỉ có mẹ Cần mà cả Cần cũng biết đàn nữa cha ạ.

Hai mẹ con của Thái Cần đã bước đến. Nụ cười rất đẹp trên khuôn mặt hai mẹ con.

- Chào ông. Mẹ Cần nói với cha Bồi - Con gái tôi về nhà cứ không ngớt lời khen cậu Bồi nhà ông. Rất mừng khi thấy ông có cậu con trai xuất sắc như thế.

- Có gì đâu. Ông Vân Phong lúng túng nói. Ông hình như không quen lắm với những lời khách sáo - Cháu nó cũng bình thường. Riêng bà mới tuyệt; có cô con gái vừa đàn hay vừa đẹp. Cả cậu con trai nữa. To lớn, mạnh khỏe. Nghe nói con trai tôi, nó không phải là đối thủ, nó ăn đòn nhiều trận dưới tay cậu ấy.

Ông Vân Phong nói. Và không làm sao quên được những ngày Thư Bồi về nhà với bộ quần áo xốc xếch, mặt mày sưng húp.

Mẹ của Cần đỏ mặt:

- Xin lỗi, Chấn Dương là con trai duy nhất trong nhà. Nó được nuông chiều nên hoang rồi quay sang nhìn Bồi, bà ta nói - Có phải nó ưa ức hiếp cháu lắm phải không? thôi đừng đôi co với nó làm gì, cháu nên gắng học. Sau này cháu sẽ có tương lai hơn nó đấy.

- À! Ông Vân Phong, chợt thấy mình có điều sơ sót, vội phân bua - không phải là tôi muốn trách gì cháu Dương đâu. Bà đừng hiểu lầm. Thời đại bây giờ mọi sự đã thay đổi khác. Người ta không còn chuộng cái dáng dấp thư sinh trói gà không chặt nữa. Con trai bây giờ phải to con, thô một tí... Vả lại chuyện đánh nhau của trẻ con là chuyện không phải cả hai phía. Thằng Thư Bồi nhà tôi chắc cũng bướng lắm, phải chọc giận người ta mới bị đánh chứ?

- Không hẳn như vậy. Mẹ Thái Cần cắt ngang - Đối với ai chứ Chấn Dương thì tôi rành nó lắm, được nuông chiều kỹ quá, muốn gì được nấy, nên chẳng ai mà không bị nó bắt nạt.

- Mẹ!

Thái Cần chợt kêu lên, nó có vẻ sợ hãi nhìn ra sau lưng mẹ, Thư Bồi bất giác nhìn theo. Lập tức nó trong thấy một người đàn ông trung niên cao lớn mày sậm, nét mặt hung dữ.

- Tú! Ông ta nói như gần lên - Cô hay quá hử. Lúc nào cũng giỏi chuyện lấy lòng người khác. Cô bảo là con tôi được nuông chiều quá nên hư phải không? Ai nuông chiều, cô nói rõ đi?

Mẹ Thái Cần tái hẳn mặt, chưa kịp nó gì thì Chấn Dương không biết từ đâu chui ra, hắn lớn tiếng không kém cha.

- Cha, ban nãy con còn nghe dì ấy chửi con là vô tích sự nữa đấy.

- Vô tích sự à?

Đột nhiên có thêm một người đàn bà mập mạp chen vào. Bà ta mặc bộ áo đỏ chói.

Trừng mắt nhìn hai mẹ con Thái Cần, bà ta nói:

- Sao cô nói sao? Con tôi vô tích sự? Thế sao cô không gắng đẻ giùm cho một đứa tích sự? Hứ! Tối ngày cứ làm ra vẻ như ẻo lả yếu đuối, như sắp chết tới nơi. Không đẻ ra được con trai mà cứ giỏi phê phán. Tôi mà biết, chỉ có cô mới là người biết dạy con. Cô là người có học. Hứ! Dạy con gái gì mới mười mấy tuổi đã biết quyến rũ con trai.

- Chị Mỹ Ngân! Mẹ của Thái Cần kêu lên. Bà có vẻ sợ hãi, rưng rưng nước mắt van xin - Lổi tại em hết, em lỡ lời. Có gì về nhà mới nói, ở đây trước mặt mọi người. Chị trách gì em cũng được, đừng nói xấu Thái Cần, tội nghiệp nó...

- Hừ! cô sợ người ta cười ư? Còn tôi không sợ à? Tôi nói xấu Thài Cần, còn cô? Cô không có nói xấu Chấn Dương chắc? Tôi cho cô biết, sau này mà thằng Chấn Dương có vô tích sự thật, thì đó là do lời nguyền của cô cả đấy.

- Chị Mỹ Ngân! Mẹ Thái Cần nói như khóc - Em đã biết lỗi rồi, em xin lỗi chị.

- Hứ! Ai là chị em của cô chứ? Người đàn bà mập có vẻ hung dữ, lấn áp - xin lỗi là xong ư? Bộ cô tưởng tôi không biết suốt ngày cô cứ nguyền rủa mẹ con tôi? Đừng có ỷ lại sắc đẹp của mình, tưởng là cái sắc đẹp đó rồi nói gì ai cũng nghe hết...

- Thôi im đi!

Cha của Thái Cần thấy chuyện cãi nhau có thể nổ lớn nên can thiệp. Bấy giờ Thư Bồi nhìn lên mới để ý thấy là đã có một đám đông người vây quanh. Họ đang trố mắt nhìn. Có lẽ họ nghĩ là mình đang xem hát. Lão ó biển giận dữ, lão lớn tiếng.

- Mấy người cãi nhau cái gì chứ? Ở nhà cãi nhau chưa đủ sao, còn ra đây bêu xấu nữa. Cút hết đi! Chẳng ai tốt lành gì hết đâu mà nói.

- Ân Diệu Tổ. Người đàn bà mập không chịu thua. Ông cũng không thơm tho gì. Bây giờ ông có thêm một con hồ ly tinh nữa là ông không xem ai ra gì cả ư? Ai? Ai không tốt lành? Nói đi? Ai làm chuyện mờ ám? Đừng tưởng là tôi không biết... Hừ, Ông Tổ ạ. Ông cũng vừa phải thôi, bằng không đừng trách tôi...

- Mỹ Ngân! Lão ó biển trừng mắt - Bây giờ cô định cãi nhau với tôi nữa ư? Một mình Tú còn chưa đủ à?

- Thôi mà, huề đi, cãi nhau làm gì. Chợt nhiên có tiếng ông Hiệu trưởng chen vào, ông đã vẹt đám đông bước tới vỗ vỗ vai lão ó biển - Anh Diệu Tổ này, hôm nay là ngày vui của anh, anh không có quyền giận đấy nhé. Một công tử, một công chúa cùng có bằng tiểu học. Hỏi có mấy ai trên đời này tốt phước như ông anh chứ? Thôi vui lên đi, bữa nay tới nhà tôi dùng cơm nhé, tôi phải cụng với anh vài ly.

Ông Hiệu trưởng vừa nói vừa kéo lão ó biển đi, ông còn quay lại nói:

- Nào Ân Chấn Dương, đưa mẹ về trước đi, còn Ân Thái Cần chuẩn bị y phục để múa đi chứ. Màn múa hôm nay của cháu là màn chính đấy.

Thế là sóng gió trôi qua. Ân Diệu tổ bị ông Hiệu Trưởng đưa đi, còn người đàn bà mập thì đi cùng với Ân Chấn Dương. Trước khi đi, mụ còn trừng mắt với mẹ con Thái Cần, hăm he.

- Về nhà rồi chúng mày biết bà...

Mẹ Thái Cần đứng đấy như pho tượng.

Đám đông đã giải tán, Cần lay lay tay mẹ.

- Thôi chúng ta đi đi mẹ.

Thư Bồi tựa người bên cha đưa mắt nhìn theo. Trong đầu cậu, ngôi nhà hai từng màu trắng với những cây cột vuông to hiện ra, cái vòm cửa hình tròn với vách tường phủ đầy dây leo - nơi mà năm nào cũng vậy đến mùa hè hoa trắng nở rộ...

Tòa lâu đài trắng như quái vật khủng lồ, với những người bị nhốt bên trong, một công chúa và một hoàng hậu. Đó là mẹ con của Thái Cần.

Ông Vân Phong cũng không ngờ mình vừa đối diện với một sự thật, một cảnh ngộ, mà chính mình lại có vai trò trong đó. Lòng ông có chút buồn phiền. Ông nắm tay con ra khỏi phòng triểm lãm men theo khu vườn trường ra cửa, vừa đi ông vừa nói với Thư Bồi.

- Thư Bồi, cha muốn con hứa với cha một điều.

- Dạ cha nói đi.

- Từ rầy về sau cha muốn con lánh xa người nhà họ Ân một chút. Con nhớ, người họ Ân. Bất kể là Ân Chấn Dương hay Ân Thái Cần cũng vậy.

- Cha à... Thư Bồi ngạc nhiên, nó biện hộ cho Thái Cần - Con thấy thì... Thái Cần đâu đến nỗi nào đâu. Bạn ấy thường được cô giáo khen thưởng cơ mà.

- Cha không hề nói là Thái Cần là học sinh xấu. Ông Vân Phong buồn buồn nói - Nhưng mà Thư Bồi ạ, con nên nhớ cha... là một người yêu văn học. Những người như cha có quan niệm sống hơi khác với người ta một chút. Gia đình họ Ân khá phức tạp. Dính líu đến họ chỉ gặp phiền phức hơn là vui vẻ. Mặc dù con còn nhỏ, nhưng cha nói con biết, dù gì con cũng là con của cha. Cha không muốn con phiền lụy. Con phải hạnh phúc. Rồi con sẽ hiểu ý cha. Bây giờ hạn chế tiếp xúc với họ đi, được không con?

Thư Bồi ngẩng lền nhìn cha. Đôi mắt buồn buồn của cha làm Bồi xúc động. Ngay từ nhỏ, Bồi đã yêu cha lắm. Hai tâm hồn đã nương tựa nhau, vui buồn có nhau. Nó yêu cha nên không bao giờ muốn làm cho cha buồn... Vả lại, từ lúc đi học đến giờ nó thấy là chuyện gì liên hệ đến nhà họ Ân chỉ tổ gây phiền phức. Cha nói đúng. Ngay từ hôm học đầu tiên, cái hảo ý của Thái Cần đã mang đến trận đánh nhau với Chấn Dương... Từ đó chưa có lấy một ngày yên ổn, rõ ràng dây tới nhà họ Ân chỉ rắc rối... Thế là nó gật đầu hứa với cha.

- Vâng, con xin hứa với cha.

Ông Vân Phong cười, nụ cười không vui lắm. Ông chỉ nói thêm.

- Đừng trách là chưa gì cha đã can thiệp vào chuyện bạn bè của con nhé, chẳng qua vì...

Ông hạ thấp giọng. Tiếng nói như vang lại từ dĩ vãng.

- Cha không muốn... Con lại đi theo vết chân của của cha. Bao giờ con lớn hơn một chút cha sẽ kể con nghe chuyện đó.

Thư Bồi không dám tò mò hỏi thêm. Đối với cha. Bồi một lòng tôn kính. Dù gì, không qua lại với nhà họ Ân chỉ tốt chứ không xấu. Cuộc đời sẽ bình thản hơn chứ có mất mát gì đâu?

Có thật là không mất mát ư? Tối hôm ấy, Thư Bồi mới thấy là lời hứa của mình với cha là quá vội vã, thiếu suy nghĩ, hồ đồ. Và trong tận cùng trái tim có một cái gì đó mất mát...

Tối hôm ấy như thường lệ một buổi lễ liên hoan mừng học sinh tốt nghiệp ra trường. Buổi lễ có cả phần ca nhạc, mà trong đó màn chủ yếu nhất là màn vũ ba lê với vở "Hồ Thiên Nga", Ân Thái Cần đóng vai múa chính. Thư Bồi biết chuyện Cần học dương cầm lẫn múa ba lê từ lâu, nhưng Bồi lại không ngờ Thái Cần lại múa ba lê tuyệt vời như vậy. Cái ấn tượng đó mãi mãi không bao giờ quên. Giờ đây, Thái Cần trút bỏ độ đồng phục hằng ngày, mặc chiếc váy đầm trắng như lông ngỗng, hóa trắng thêm một chút, bỗng trở nên tuyệt vời! Đẹp tuyệt vời! Bồi học chữ "đẹp" trong sách đã lâu. Hôm nay nó mới hiểu, mới rõ thế nào gọi là đẹp!

Tối hôm ấy, Thái Cần, ngoài chiếc váy đầm trắng ra, trên đầu còn mang thêm một chiếc vương miện hoa. Chiếc váy khá cao, để lộ đôi chân thon dài trong đôi vớ da trắng, đôi giầy cũng trắng. Những hạt kim tuyến cứ lấp lánh trên áo như sao trời. Cần ở đấy trên sân khấu xoay tròn. Những cánh tay những ngón chân dịu dàng, nhún nhẩy, lay động. Cái khí hậu á nhiệt đới làm con gái mau chín sớm. Cái thân hình bắt đầu nở nang kia dưới bất cứ một động tác nào, cũng đều đẹp như thơ, mềm như nước...

Màn vũ vừa dứt, tiếng vỗ tay muốn vỡ cả sân khấu. Mọi người thi nhau vỗ tay. Thư Bồi cũng vỗ. Vỗ thật đau tay. Thái Cần xuất hiện lần nữa, chào cảm tạ quý khách... Có một cậu bé học trò nhỏ, mang hoa lên tặng cho Cần. Những đóa hoa hồng đỏ thắm. Thái Cần ôm hoa đứng thẳng lưng chào. Cần đẹp hơn cả hoa. Thư Bồi nhìn ngơ ngẩn. Rồi buổi liên hoan cũng chấm dứt. Thư Bồi ngồi nán lại trong hội trường mấy phút. Sau đó nó mới đứng dậy thở dài. Bước ra khỏi hội trường mà lòng nuối tiếc. Tạm biệt! Mái trường! Tạm biệt! Tuổi thơ! Tạm biệt! Ân Thái Cần!

Tại sao lại tạm biệt Ân Thái Cần? Bồi cũng không hiểu. Tạo sao lại nuối tiếc, lại buồn? Bồi không hiểu nốt. Có điều, lúc bước ngang qua khu vườn, sương mù phủ kín xa xa, ánh sao lại lấp lánh trên bầu trời cao làm nó nhớ tới những hạt kim tuyến trên áo Thái Cần... Chiếc áo của Hồ Thiên Nga và nó cảm thấy cái bài diễn văn ban sáng của mình - lời chào từ biệt cái trường của một học sinh giởi, chưa thấm thía vào đâu hết.

Thư Bồi lủi đi xa, nhưng bước tới con đường rải sỏi ngoài cổng trường thì đã nghe có tiếng thở hổn hển đuổi theo sau.

- Anh Thư Bồi! Đợi một chút!

Bồi đứng quay lưng lại. Thái Cần đang đuổi tới. Cô gái đã thay áo, chỉ có phấn trang điểm trên mặt là chưa xóa sạch. Đôi má hồng, môi đỏ. Mắt to đen như hồ thu dễ khiến người chìm đắm. Thư Bồi đứng đấy mà lúng túng, mà hồi hộp.

- Chuyện gì thế?

Bồi cố nói một cách bình thản để trấn an lòng. Xa xa... Bồi thấy mẹ của Thái Cần đang đứng đấy với chiếc áo đầm trắng của Cần trên tay.

- Bạn... Bạn có thích màn vũ ban nãy không? Thái Cần hỏi với nụ cười ngọt lịm, nụ cười tươi hơn cả hoa.

Thư Bồi giả vờ nhún vai như không có chi.

- À... À... cũng tạm thôi.

Thái Cần nhìn Bồi, nụ cười chợt tắt.

- Anh không thích ư? Thái Cần nói như thở dài - tôi biết. Bạn trai ít khi thích xem vũ, họ thích đá bóng hơn...

Rồi như nhớ ra điều gì, Cần hỏi.

- Còn cha của anh đâu?

- Ông ấy không đến dự.

Thư Bồi nói ngắn. Lòng bỗng chợt tức. Tiếc thật!

- Hình như... Hình như anh đang giận ai thì phải?

- Ờ... không có.

- À! Thái Cần nuốt nước bột nói - Thế này này. Mẹ tôi bảo tôi chuyển lời xin lỗi cha bạn về chuyện ban sáng... Chúng tôi thật thất lễ...

Thái Cần nhìn Thư Bồi, rồi chợt cười nói.

- À... Mẹ còn bảo mời bạn tối mai đến nhà dùng cơm. Cho bạn biết nhé, sáng mai cha cùng anh Dương và mẹ lớn đi Đài Nam rồi, ở nhà chỉ còn em và mẹ. À, anh có muốn đến nhà em chơi không? Em sẽ đưa anh đi ngắm khắp nhà... Anh sẽ thấy nhà kho này, nhà sưu tầm này. Ở đấy có những món đồ rất cổ, cổ đến mấy trăm năm lận. Có cả những chiếc áo quan thời Mãn Thanh. Anh có biết không tổ tiên em ngày xưa là một đại quan triều Thanh đấy... Chắc chắn là anh sẽ thích thú lắm với những thứ đó... Có cả hòm đựng châu báu nữa, bàn ghế cổ nữa nè...

Thư Bồi mở to đôi mắt. Lời mời kia thật lôi cuốn. Tiếc một điều là, Bồi đã hứa với cha... Bồi không thể để dính líu đến nhà họ Ân nữa: Thái Cần thấy Bồi yên lặng, thúc giục.

- Sao? Anh nghĩ sao chứ?

Thư Bồi như sực tỉnh.

- Ồ không, không có gì cả.

- Vậy thì tốt mai em sẽ đợi anh nhé? Thái Cần chớp chớp mắt nói - thôi, đừng đợi đến tối anh đến trưa đi, chúng ta sẽ chơi lâu hơn.

Thư Bồi cắn nhẹ môi.

- Tôi không thể... đến được.

- Sao vậy? Thái Cần tròn mắt - Tại sao anh lại không đến?

- Không.

- Tại sao? Mắt Thái Cần mở to hơn. Ánh trăng lấp lánh trong mắt - Em đã nói rồi. Mai anh Dương sẽ không có ở nhà, anh đừng ngại đánh lộn, chỉ có em với mẹ thôi.

- Tôi nói không đi là không đi mà. Thư Bồi chợt nhiên thấy nổi giận, nó hét to - Sao cứ lải nhải mãi thế?

Thái Cần như ngẩn ra, đứng bất động nhìn Bồi. Nụ cười đã biến mất, những cụm mây đen đã kéo tới che mất đi ánh trăng trong mắt Cần. Đôi môi của Cần run run, nhưng Cần chẳng nói được gì cả.

Thư Bồi liếc nhanh Cần một lần nữa rồi quay lưng vội vã bỏ đi. Cậu đi như ma đuổi, những bước chân thật nhanh như cố trốn chạy tình cảm của mình.

Thôi tạm biệt, Trường lớp cũ. Tạm biệt! Tuổi thơ! Tạm biệt! Ân Thái Cần! có một cái gì mơ hồ... như thổn thức trong tim, Thư Bồi bước nhanh hơn. Bước đi như chạy trốn.