29/3/12

Như lục bình trôi (Chương 12)

Hai người ngồi bên chiếc bàn hình chữ nhật kê bên cạnh cửa sổ có song chắn. Phía trước có treo lòn thòn mấy nhành lan vàng úa. Mấy bộ đồ còn ướt mắc trên hàng rào. Hà đứng dậy lấy ca trà đá gần đó đặt “ cộp “ lên bàn. Môi chúm lại cười nụ:

- Uống chung đi, tất cả mọi người trong nhà này đều bị đau ban khỉ cấp ba nhưng không có ai bị bịnh truyền nhiễm. Ly cốc lách cách!

Rất tự nhiên Ngân cầm ca nước tu ừng ực, đang khát gặp nước đá lạnh uống đến đâu sướng tới đó. Thấy túi quần Ngân có vắt tờ báo, Hà hỏi:

- Đi xin việc làm phải không?

- Ừa, nhưng thất bại rồi. Người ta đòi hỏi quá khắt khe.

Hà lấy nước đổ thêm vô ca rồi nhấp một ngụm nhỏ, rồi sửa lại tư thế ngồi gác chưn lên đùi, chưn kia nhịp nhịp lên nền gạch:

- Tất nhiên rồi. Chỉ có một đống phân mà cả trăm con chó đói tranh giành!

Hễ mở miệng là Hà lại chửi đời. Ngân nhìn bao quát. Ngôi nhà bê tông cốt thép, có một từng lầu được phủ lớp sơn màu xanh dịu, gạch granit sáng choang, mát rượi. Bên ngoài có sân nhỏ và hàng rào bao bọc rất vững chãi.

- Không ngờ cậu lại ở một chỗ tuyệt đến vậy. Tiền mướn chắc mắc lắm hả?

- Mỗi tháng một triệu, tiền điện thoại, điện, nước chưa tính, nói chung là tương đối rẻ. Chủ ngôi nhà này trước đây làm đại lý vé số kiêm biên đề, bị công an bắt mấy lần, chạy chọt khắp nơi mới thoát khỏi cảnh ngồi nhà đá. Nhờ có ba cô con gái đẹp như người mẫu mà đổi đời lên hương. Mỗi cô lấy một ông chồng có quốc tịch khác nhau, nhưng có chung một đặc điểm là giàu như chú Hỏa! Thế mới biết cái đẹp có thể cứu vãn cả nhân loại. Ba chàng rể quý, mỗi người sắm cho nhạc gia một ngôi nhà trị giá cả trăm cây vàng. Ngôi nhà này họ đang rao bán. Đã có mấy chỗ tới coi nhưng đều lắc đầu chê là không an ninh.

- Hà ở một mình à?

Hà cười, dòm Ngân bằng cặp mắt xa lạ như người từ hành tinh khác:

- Bộ cậu tưởng tớ giàu lắm hả? Mười bốn người, rõ chưa?

Ngân lẩm bẩm:

- Mười bốn người thì hơi đông.

- Tức nhiên! Ban ngày còn đỡ, chớ tối đến thì chật như nêm, ra vô đụng vào chan chát đến tóe lửa! Đêm nằm xếp lớp như cá hộp không cục cựa được. Nội chỗ để xe đã choán gần hết từng trệt, vì thế mỗi đứa phải thay nhau nằm bên cạnh nhà vệ sinh một tuần, nhưng dù sao chỗ này vẫn tốt hơn nơi tớ đã từng ở.

Đoạn Hà kéo nghế ngồi gần Ngân, hỏi:

- Tới chơi hay có chuyện gì?

Ngân trả lời lấp lửng:

- Một công đôi việc.

- À, tớ hiểu rồi, định gia nhập vào đôi quân bán máu phải không? Trong nhà này có bốn đứa bán máu chuyên nghiệp, tớ nữa là năm.

Ngân gật đầu thú nhận:

- Chắc phải như vậy quá! Tiền sắp cạn mà công việc thì chẳng đâu ra đâu.

- Tìm được việc làm không phải chuyện một sớm một chiều, lại còn phải trang bị cho mình thêm nhiều thứ khác: ngoại ngữ, vi tính, kinh nghiệm...Thật tức cười và lố bịch làm sao khi người ta đòi hỏi nhân viên bán hàng ở siêu thị phải có bằng đại học kinh tế, bằng xê Anh văn, vi tính văn phòng lại còn ngoại hình dễ coi, duyên dáng, trong khi đó chỉ cần một đứa vừa xóa mù chữ cũng có thể đảm đương được, chất xám bị phung phí vô tội vạ. Đời nay có lắm chuyện tréo ngoe cười ra nước mắt, ông chủ tịch phường “ dốt như chuyên tu, ngu như tại chức “ thì lãnh đạo cả mấy chục ngàn dân, còn dân đại học chính quy bằng xanh, bằng đỏ thì nằm thất nghiệp dài cổ cò!

Ngân thở dài chán nản, mắt nhìn ra của sổ. Chiếc chiếc xe gắn máy lao hối hả ra phía lộ chính, phía sau ba ga chở đầy giấy tiền vàng bạc. Hà giải thích:

- Xóm này được kêu là xóm “ Đồ Mã “, bởi vì người ta chỉ làm những thứ cho người chết: tiền đô la âm phủ, nhà cửa, lâu đài, xe hơi... , thậm chí có cả những nàng hầu giấy dành cho những hồn ma có máu hảo ngọt! Không biết những hồn ma bóng quế dưới âm ty có nhận được những thứ đó không nhưng nó lại cứu rỗi được những linh hồn sống! Rất nhiều người có của ăn của để, trở nên giàu có vì sự nghiệp chăm lo cho người chết. Ai dám biểu người chết là vô dụng. Hà đột ngột chuyển hướng sang chuyện khác:- Nè, có muốn theo tớ học tiếng Anh hôn?

Thấy Ngân thoáng lưỡng lự, Hà cười:

- Không tốn tiền đâu mà sợ, học “ chui ” mà.

- Sao cơ, học “ chui “ là thế nào?

Hà bật cười khanh khách, khom người lấy tờ báo dưới gầm bàn, xòe ra trước mặt và bắt đầu giải thích:

- Như vầy nè. Có nhiều cách lắm. Ví vụ như Trung tâm này đây, họ quảng cáo học thử một tuần mới thu tiền học phí – Hà lướt nhanh trên trang rao vặt :- Đây rồi. Ta cứ đến địa chỉ trên báo, học đúng một tuần thì chuồn thẳng! Cách này an toàn, không phải lo lắng gì cả, nhưng chất lượng thì rất tồi. Còn cách thứ hai là cứ nhào đại vô một nơi nào đó tùy ý.

Ngân ngạc nhiên, hỏi:

- Làm vậy sao được hé?

- Sao lại không? – Hà nói :- Thông thường các Trung tâm đều mướn giáo viên thỉnh giảng. Họ chỉ biết đến đúng giờ và thao thao bất tuyệt như người máy đã được lập trình sẵn, rồi nhận tiền thù lao, chẳng hơi sức đâu mà bận tâm đến chuyện gì khác. Lâu lâu cán bộ Trung tâm có tổ chức điểm danh đột xuất, lúc ấy phải nhanh chưn chuồn thẳng kẻo vị bắt quả tang thì ê mặt lắm!

- Họ kiểm tra bất ngờ thì làm sao biết đường mà tính?

Hà đưa mấy ngón tay gõ gõ lên trán:

- Bằng kinh nghiệm và trực giác. Trước hết ta phải rành mặt mấy tay cán bộ ở trung tâm. Khi học thì ngồi ở phía sau chót, hễ thấy cán bộ bước vô thì chuẩn bị cặp giò đi là vừa! Thường thì mỗi tháng người ta chỉ kiểm tra đôi lần. Thậm chí có chỗ khi gần kết thúc khóa học họ mới quan tâm đến chuyện biên lai biên liếc, cậu cứ “ hồn nhiên “.

Ngân nhìn Hà lè lưỡi thán phục:

- Chuyện vậy mà cậu cũng nghĩ ra, tớ phục cậu sát đất . Có bao giờ cậu bị bắt quả tang chưa?

- Chưa! Tớ sắp lấy bằng xê Anh văn nhờ kiểu học đó ! Nếu muốn tham gia thì chiều mai tới đây.

Ngân im lặng, lát sau rụt rè nói:

- Còn chuyện đi hiến máu?

- Cứ nói đại là bán máu đi, dễ nghe và chính xác hơn! – Giọng Hà tỏ vẻ khó chịu:- Bán lấy tiền chớ có cho không ai đâu mà biểu là hiến với tặng. Tớ ghét kiểu dùng từ nghe có vẻ từ bi bác ái một cách rởm đời. Chuyện đó để tớ lo.

Ngân nói:

- Chuyện này không hay ho gì, cậu giữ miệng giùm tớ.

Hà trề môi, tỏ vẻ không hài lòng. Giọng nói ngân vang, kéo dài châm chọc:

- Lại sĩ diện! Đó chỉ là một giao dịch hết sức bình thường giữa bên mua và bên bán, mình có làm gì sai quấy đâu mà sợ. Đám sinh viên thất nghiệp bán máu nhiều đến nỗi đếm không xuể kia kìa.

Ngân rốn lại thêm một chốc rồi cáo từ ra về với lời hẹn gặp nhau vào sáng hôm sau. Hà tiễn cô ra đầu đường, nói:

- Nhớ đừng ăn sáng nghe. Kẹt tiền bán máu chớ có bán nhân cách đâu mà sợ.

Ngân đạp xe. Trong đầu miên man những ý nghĩ rời rạc. Chỉ trạc tuổi cô, mà Hà đã lăn lóc, già đời quá chừng.