Nhành về tới nhà thì thấy mẫu giấy nhỏ nhét qua khe cửa. Lúc đầu cứ đinh ninh là hóa đơn tiền điện nên chẳng mấy bận tâm, cô mở khóa rồi cầm mẫu giấy đặt lên bàn. Hãy còn sớm chưa tới giờ nấu cơm, Nhành ngồi chài bài dưới đất tranh thủ lướt mắt qua tờ báo cũ. Cô chỉ thích đọc mấy trang văn học, giải trí, thể thao ..chớ không bao giờ bận tâm đến những chuyện chánh trị, chiến tranh bùng nổ ở Trung Đông, bịnh sida... Đang rầu thúi ruột đọc những thứ đó thêm sẩu mình! Bây giờ mới gần năm giờ chiều nhưng trời đã nhá nhem tối. Nhành định bật công tắc điện, ngẫm nghĩ lại thôi, tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy. Tánh hà tiện của Nhành là do di truyền của má cô. Má là người đàn bà chịu thương chịu khó, tần tảo một nắng hai sương, hy sinh tất cả cho chồng, cho con. Nhà nghèo. Có khi cả năm mới được miếng thịt gà vào dịp Tết. Trong khi chồng, hai cô con gái lựa miếng nạc để ăn thì bà lẳng lặng gặm lại những phần xương mọi người vứt ra. Từ nhà lên chợ Quận xa cả chục cây số vậy mà má lúc nào cũng chỉ cuốc bộ bằng đôi chưn trần. Đâu phải má không có thứ để mang. Hồi mới cưới nhau, ba có tặng má đôi guốc sơn đen có vẽ hình đôi chim bồ câu. Cho đến lúc nhắm mắt lìa trần đôi guốc vẫn gần như nguyên vẹn, bởi vì má chẳng bao giờ xỏ nó để đi đứng mà chỉ dùng để rửa chưn trước khi lên giường ngủ. Lúc đặt má vô quan tài, ba kèm theo đôi guốc. Nhành thắc mắc sao ba không giữ lại làm kỹ niệm, ba biểu để dưới âm phủ má có cái để rửa chưn! Đường xa. Nắng chang chang. Cho dù sắp chết khát bà cũng cắn răng chịu nhịn đợi về đến nhà uống nước mưa cho đỡ tốn. Cả đời, bà chỉ mặc mỗi bộ đồ bằng vải thô, nâu sẫm, bạc thếch, quần đen, ống rộng, xoắn xít như cái lò xo. Thật ra, má còn có vài bộ nữa cũng khá tươm tất nhưng chẳng bao giờ Nhành thấy bà bận. Lâu lâu má mở rương lấy ra ngắm nghía no con mắt rồi cất vô chỗ cũ. Trong mắt mọi người má là người hạnh phúc. Bèo bọt gì gì cũng là vợ một ông hiệu phó cấp hai trường huyện hét ra lửa, đi dự tiệc được ăn trên ngồi chốc. Những lời của ông được coi là khuôn vàng thước ngọc. Ông lại có chưn trong Hội đồng nhân dân xã, và Ban soạn thảo hương ước. Tánh ông điềm đạm mà nghiêm khắc, mọi thứ đều có chừng mực nên được mọi người vị nể, kính trọng. Nhưng ông cũng có một yếu điểm chết người, đó là bệnh sĩ! Căn bệnh của những kẻ thừa chữ nhưng thiếu tiền! Ông khinh thường những kẻ giàu nứt vách mà đầu óc thì rỗng tuếch! Thậm chí còn có những cử chỉ, lời lẽ kích bác rất gay gắt. Người giàu ghét ông cho ông là trí thức gàn, đầy ắp chữ nghĩa mà để vợ con nheo nhóc, không đáng mặt đàn ông! Nhành kính trọng cha nhưng không phục. Tính tình bảo thủ, lập vị và hơi thiếu trách nhiệm của ông đã khiến mọi người trong nhà nhiều bận gieo neo. Hàng tháng ông chỉ biết liệng đại mấy đồng lương công chức cho vợ mà chẳng thèm bận tâm vợ phải xây xở thế nào với xấp tiền mỏng tanh đó, miễn sao cơm ngày ba bữa, hàng tuần có chung trà, chén rượu vui vẻ với bạn bè, đồng nghiệp là được. Trong khi bà vợ tất tả khuya sớm với món nợ cơm áo xấc bấc xang bang thì ông cứ thong dong với hồ cá cảnh, với mấy con két láp dáp cả ngày, coi bộ an nhàn thơ thới. Năm đó, gặp phải mùa lũ, chẳng có việc gì làm để kiếm cái ăn. Đứng trước cái đói tòn ten trên đầu vậy mà ông vẫn bình chân như vại, trong khi má cô cùng lũ con nheo nhóc phải đi mót lúa ngoài đồng, hái bông điên điển về ăn trừ cơm. Biết chuyện, ông đùng đùng nổi giận, nạt nộ om sòm, biểu mọi người làm vậy là bôi tro trát trấu vô mặt, hạ thấp uy tín của ông! Nhành học khoa văn năm thứ nhứt, thấy cảnh nhà quá khó khăn buộc lòng phải nghỉ giữa chừng, đi theo đội quân cắt lúa mướn. Hay tin, ba cô gầm lên như cọp:
-Ai cho mày nghỉ học? Khôn hồn thì cuốn gói lên tỉnh ngay, bằng không tao giết!
Uất ức đến chảy nước mắt, Nhành nói lách chách:
- Con cũng muốn học hành như tất cả mọi người nhưng lấy đâu ra tiền học phí, tiền trọ, hả ba?
Ông ngơ ngác:
- Má mày không đưa tiền à?
Nhành nói:
- Ba cứ như người dưng trong ngôi nhà này! Không có cái ăn thì lấy đâu ra tiền học? Tiền của ba đưa cho má không đủ nuôi ba nữa là. Ba có biết má thiếu nợ như chúa Chổm hôn? Cái thể diện của ba đáng bao nhiêu? Có giúp mọi người no lòng không?
Ba choáng váng. Trợn trừng đôi mắt trắng dã, toàn thân lên cơn co giựt như bị động kinh. Ông không ngờ và không thể nào ngờ cô con gái mà ông thương yêu nhứt lại dám nói với ông những lời hỗn xược như vậy. Chỉ tội cho má chỉ dám núp sau tấm rèm khóc như mưa. Bà khóc vì sợ cô bị đánh đòn, khóc vì những dồn nén bao năm có dịp bộc phát, khóc vì lo cho chồng giận quá mà đổ bịnh. Ba đổ bịnh thật. Nằm bẹp gí cả tuần trên giường không nhấc người lên nổi. Đến ngày thứ tám bỗng nhiên khỏi bịnh như có phép tiên. Ông kêu mọi người đến bên giường và nói:
- Tôi có lỗi với bà, với sắp nhỏ. Từ rày tôi hứa sẽ cùng bà gánh vác công việc gia đình, chăm lo cho hai đứa con.
Hôm sau ba kêu người đến bán hồ cá cùng mấy lồng két, rồi mở lớp dạy kèm và tranh thủ đi bỏ báo buổi sáng để kiếm thêm đồng ra đồng vô. Nhờ đó mà cuộc sống dần dần thay da đổi thịt, mọi người có cái ăn cái mặc, được học hành tử tế tuy vẫn chưa hết khó khăn. Nhưng hạnh phúc lại chóng tan như bong bóng nước. Khi ba hiểu được trách nhiệm của mình thì cũng là lúc má bị bịnh tật quật ngã, hậu quả của những năm tháng cực khổ mưu sinh. Bữa đó đang gặt lúa trên đồng má bỗng thổ huyết lênh láng. Ba cõng má vô bịnh viện tỉnh. Sau khi xét nghiệm, bác sĩ báo cho mọi người tin dữ; má bị bịnh lao giai đoạn cuối không phương cứu chữa! Lúc ấy gương mặt ba thành sáp, ngồi bệt xuống nền đất mà không thốt được lời nào, nước mắt chảy như xối trên đôi mắt mở trừng. Má chết. Ba sống dật dờ như lá trôi giữa dòng. Tung hê tất cả. Suốt ngày chỉ nằm trong buồng thở dài than vắn.
Nhành kêu Nhánh lại và dặn dò cẩn thận:
- Chị sẽ lên thành phố để kiếm tiền vì ở đây chẳng có việc gì để làm. Không có chị ở bên cạnh, em ở nhà chăm sóc ba vừa trong coi mấy công ruộng, không được chểnh mảng, nhớ chưa?
Dặn dò xong Nhành gạt nước mắt, đi một nước không ngoáy lại. Ở thành phố cô ke re cắc rắc từng xu, hàng tháng gởi tiền về nhà. Cách đây gần nửa năm Nhánh đậu trung cấp nông nghiệp nhưng không có ý định nhập học vì không có tiền. Nhành đã chạy xấp chạy ngửa mượn đủ tiền đóng học phí cho em. Trong lúc nợ nần đang thúc giục cầm canh thì cô bị sa vào cảnh thất nghiệp.
Xếp tờ báo lại, Nhành lấy nồi vo gạo nấu cơm mà trong đầu cứ bị ám ảnh hoài về cuộc gặp gỡ lúc sáng với Hường. Nợ nần ngày càng chồng chất, nếu cứ bám lấy công việc của một công nhân khu chế xuất thì biết đời nào mới trả cho xong. Trước khi qua đời má đã trăng trối, bất cứ giá nào cũng phải lo được cho em Nhánh học hành tới nơi tới chốn, cô đã hứa sẽ làm cho kỳ được. Có lẽ đây là cơ hội để cho cô kiếm thiệt nhiều tiền. Rồi Nhành phân vân nghĩ lại, nếu ông già dưới quê mà biết chuyện này chắc có nước nhồi máu cơ tim mà chết không kịp nhắm mắt! Công việc có quá nhiều rủi ro, bất trắc, nếu để xảy ra chuyện gì cô sẽ khó có cơ hội chuộc lại lỗi lầm. Một người phụ nữ có giáo dục không thể làm cái việc cụng ly chan chát với bọn đàn ông. Khi say rượu người ta dễ dàng buông thả lý trí...
Đang luộc rau thì Huệ về đến nhà. Từ nhà bếp nghe tiếng động, Nhành nói vọng lên:
- Đứa nào đó? Con Huệ phải không?
Huệ đi xuống bếp nhón cọng rau luộc cho vô miệng, cười ỏn ẻn:
- Biết rồi mà còn hỏi.
- Đi có kết quả gì không? – Nhành cho muỗng muối vô tô nước rau luộc rồi rắc thêm mấy hột bột ngọt.
- Cho thêm mấy hột nữa đi, nêm có bây nhiêu sao ngọt được.
Huệ không trả lời câu hỏi của Nhành mà đi ra nhà trước bật công tắc điện. Chiếc đèn neon sáu tấc phụt phụt mấy cái rồi lóe sáng, phát ra những tiếng rè rè. Huệ nằm xuống nền nhà, thấy mảnh giấy trên bàn bèn nhoài người với lấy:
- Cái gì đây chị Nhành?
- Tao không biết, có lẽ hóa đơn tiền điện.
Huệ mở ra coi thì ra là bức điện tín, cô không tài nào đọc được những chữ telex:
- Chị Nhành ơi, không phải hóa đơn mà là điện tín gởi cho ai đó. Chị biết đọc không, em ngó cứ như đám rừng!
- Đâu nào, để tao! - Nhành chùi tay vô miếng giẻ, bước nhanh lên trên, đón lấy bức điện từ tay Huệ, rồi đọc từng chữ:
- À, điện này gởi cho con Trang! Nghe nè: “ Má ở nhà đau nặng, em vìa gấp!
Anh Hai Tràm ”.
Đọc xong Nhành nhìn Huệ biến sắc:
- Chết cha, con Trang gặp nạn rồi!
Huệ ngồi ngom ngỏm, hai tay khoanh trước ngực, mặt buồn xo:
- Dường như ông Trời cố tình chơi khăm chị em mình thì phải, hết người này đến người kia thi nhau gặp xúi quảy.
Nhành lấy hơi lên, đặt bức điện lại chỗ cũ, rồi quay lại bếp. Vừa canh chừng nồi cá kho, vừa trò chuyện:
- Tội nghiệp con nhỏ, nó hiền lành, mau nước mắt biết được tin này chắc khóc như mưa. Lát nữa nó về mày đừng nói vội để nó tắm rửa, cơm nước rồi hãy tính.
Ngân bất ngờ xuất hiện như từ dưới đất chun lên:
- Mọi người nói chuyện gì vui quá vậy? Cho tôi tham gia với!
Nhành nói:
- Toàn là chuyện buồn chớ có vui sướng mà nhào vô tranh phần – Nói đoạn, cô đổ nước rau vô cái tô sành tổ chảng, sau đó múc một ca nước rửa sơ sài rồi treo cái nồi lên cây đinh bắc dính trên tường. Xong xuôi, cô nhìn Ngân hỏi:- Đi cả ngày có gì mới không?
- Không, đi muốn rụng cặp giò mà chẳng thu được kết quả gì, phen này thất nghiệp hơi lâu đây – Ngân đưa mắt nhìn Huệ : – Huệ tắm chưa? Tôi tắm trước nghen.
- Cứ việc, nhưng nhớ xài nước hà tiện – Huệ vươn vai ngáp mấy cái :- Thất nghiệp
tay chưn cứ bải hoải, con mắt thèm ngủ, cái miệng lại thèm ăn!
Lúc sau Hiếu và Trang cùng về nhà trên chiếc xe đạp của Trang. Nhành nháy mắt ra hiệu cho Huệ. Huệ gật đầu lia lịa. Trang bỏ dép ra ngoài, nửa nằm nửa ngồi trên nền nhà, rên ư ử:
- Bữa nay tưởng ngồi chơi xơi nước không dè buổi chiều hàng về làm không kịp thở. Chà ngày mai là một ngày tất bật đây.
Hiếu uống xong ly nước ngồi dựa lưng vô tường thở phì phò. Ngân bèn xây cái quạt hướng về phía hai người cho ráo mồ hôi.
Nhành hỏi trổng:
- Ăn cơm trước hay tắm trước đây?
Trang đưa tay vỗ vỗ lên bụng:
- Ăn trước đi, em đói muốn xỉu rồi. Chị Hiếu nhà mình càng già càng gân! Làm hoài
không thấy mệt.