30/3/12

Như lục bình trôi (Chương 51)

Ngân đã dành cả ngày lùng sục trong nhà sách để tìm đọc những quyển nói về kinh tế – thương mại, nói về nghệ thuật kinh doanh, hướng phát triển kinh tế vĩ mô, vi mô...Cô quyết tâm phải chuẩn bị thật chu đáo cho buổi phỏng vấn sắp tới. Lần này nhứt định phải thành công, cơ hội không thể đến hai lần. Ngân tự nhủ và cảm thấy rất tự tin..

Tự tin là thế, nhưng khi bước vào phòng để phỏng vấn Ngân lại thấy run! Ông giám đốc người Hà Lan đồ sộ như võ sĩ sumo, gương mặt tròn trịa, râu đâm tua tủa sợi nâu sợi bạc. Cánh tay lông lá liên tục cử động. Ngân ngồi đối diện. Ông giám đốc khẽ gục gặc cái đầu để lộ mảng hói giữa đỉnh. Cuộc đối thoại diễn ra bằng Anh ngữ.

- Chào cô! Cô thật là đẹp! Cô đã biết tiêu chuẩn tuyển người của chúng tôi?

Suy nghĩ một lúc, Ngân trả lời:

- Dạ, và hôm nay tôi đến đây để giúp ông làm công việc đó!

Ông giám đốc ngây người ra một lúc và bật cười ha hả:

- Tự tin, rất rự tin! – Ông Van Vuuren nhỏm người lên khỏi ghế:- Sản phẩm điện thoại di động của chúng tôi đã có tên tuổi khắp châu Âu, một số nước châu Mỹ. Nhưng với Việt Nam hay còn mới mẻ, trong khi đó nhiều công ty khác đã chiếm lĩnh thị trường. Theo cô, chúng tôi phải làm gì để tạo nên thương hiệu có uy tín, được người tiêu dùng chấp nhân?

- Theo tôi trong thời điểm này, quảng cáo là khâu quan trọng nhứt, đó là yếu tố then chốt để tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng nhứt, thưa ông.

- Chúng tôi đã nghĩ đến điều này. Nhưng cụ thể là như thế nào, cô thử phát biểu xem giữa chúng ta có cùng suy nghĩ hay không.

Ngân nhìn ông Van Vuuren, bắt gắp ánh mắt khích lệ cô cảm thấy tự tin hơn:

- Tất nhiên là trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, truyền hình, truyền thanh. Chúng ta cũng cần đặt những bảng quảng cáo ở các cửa ngõ trung tâm thành phố, ở những nơi công cộng, cách làm này vừa rẻ tiền vừa gây hiệu ứng rất tốt. Nếu có thể chúng ta sẽ tài trợ một chương trình gì đó như thể dục thể thao chẳng hạn. Sắp tới Đài truyền hình thành phố sẽ tổ chức cuộc đua xe đạp truyền thống, lộ trình trải dài khắp đất nước. Đây là cơ hội để quảng bá thương hiệu, chúng ta không nên bỏ lỡ.

- Hay lắm. Nhưng tôi đang e ngại làm như thế giá thành sản phẩm sẽ bị đội lên, liệu người tiêu dùng có chấp nhận?

Ngân nói:

- Thời gian đầu chúng ta không nên đặt nặng chuyện lời lỗ. Thực tế cho thấy nhiều công ty ban đầu cũng gặp khó khăn tương tự, nhưng sau khi đã khẳng định được uy tín của mình họ bắt đầu giảm chi phí quảng cáo giá thành trên mỗi sản phẩm vì thế mà hạ xuống và bắt đầu thu lợi nhuận. Tuy nhiên chúng ta cần bảo đảm tốt chế độ hậu mãi, bảo hành để người tiêu dùng đặt trọn niềm tin.

Ông Van Vuuren nói:

- Hiện chúng tôi chỉ có vài đại lý phân phối, nhưng trong thời gian sắp tới sẽ khuếch trương mạng lưới rộng khắp. Chuyện này tôi đang đau đầu. Nói thật, tôi không tin tưởng cho lắm vào hệ thống chưn rết, người Việt Nam chịu khó, thông minh nhưng hơi tùy tiện xé rào, chỉ quan tâm đến cái lợi trước mắt.

- Muốn người ta trung thành với mình thì trước hết ta cần phải có niềm tin vững chắc vào họ, có chế độ hoa hồng thỏa đáng và phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nếu phát hiện gian dối thì phải có biện pháp cứng rắn.

- Đồng ý. – Ông Van Vuuren gật gù:- Tôi xin tham khảo cô một vấn đề, mặt hàng điện thoại di động từ công ty mẹ đưa sang phải chịu thuế nhập khẩu rất lớn. Chúng tôi đã xây dựng nhà máy sản xuất tại chỗ ở một số nước nhưng ở Việt Nam thì chưa có dự định bởi vì luật pháp chưa thật hoàn chỉnh và thay đổi xoành xoạch, thủ tục lại rườm rà, rắc rối và nạn nhũng nhiễu, hạch sách dễ làm nản lòng những nhà đầu tư .

Ngân nói:

- Thưa ông, Nhà nước Việt Nam luôn mở cửa, kêu gọi đầu tư nước ngoài. Trong quá trình chuyển đổi kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhứt định, Chính phủ hiểu rất rõ vấn đề này và đang khắc phục từng bước. Tôi vững tin, một ngày không xa mọi việc sẽ tốt lên. Theo tôi, chúng ta nên xây dựng những đề án, vạch ra những chương trình cụ thể chờ khi có dịp là bắt tay vào thực hiện ngay. Trong lĩnh vực kinh doanh chậm một bước là mất đi một cơ hội ngàn vàng, thưa ông.

Ông Van Vuuren nói:

- Cô tự đưa ra mức lương là bao nhiêu?

- Tôi không đặt nặng vấn đề lương bổng, mặc dù đang gặp không ít khó khăn. Với tôi công việc là quan trọng hơn, tôi tin rằng Công ty sẽ trả đúng mức những gì tôi đã cống hiến. Và thu nhập của tôi phụ thuộc vào khoản lợi nhuận mà Công ty có được.

Ông Van Vuuren đứng dậy, cười sang sảng, chìa tay ra rồi nói:

- Tôi có thể nhờ cô một việc, được không?

Ngân bắt tay, khẽ gật đầu:

- Việc gì, thưa ông?

Ông Van Vuuren hấp háy đôi mắt tinh nghịch:

- Cô có thể giúp tôi xem qua số hồ sơ tuyển dụng này không?

Ngân ngẩn người, reo lên:

- Như vậy là ông đã chấp nhận tôi?

- Đúng vậy. Thứ Hai tới cô sẽ bắt đầu làm việc. Công việc của cô ở phòng kế hoạch.

Ngân cố kiềm nén sung sướng, cúi đầu chào mọi người rồi bước nhanh ra ngoài. Người cô như bơi vào không khí. Thành công rồi! Thành công rồi! – Ngân reo lên khe khẽ.

Ngân đạp xe nhẹ bâng trên con đường ngập nắng, lá vàng rơi lác đác. Những góc phố, hàng cây sao mà đáng yêu đến thế! Những gương mặt người xa lạ bỗng trở nên thân quen từ lúc nào. Họ nhìn cô bằng ánh mắt thân thiện, bằng nụ cười chia sẻ. Những ngày vất vả, nhục nhằn đã được đền đáp một cách xứng đáng. Cô nhớ lại những lần xếp hàng bán máu, những buổi học chui rúc như tên trộm, nhớ lại ánh mắt dè bỉu của mọi người và cái nhìn khinh miệt của ông giám thị. Bây giờ tất cả đã trở thành dĩ vãng và cô đang bắt đầu một ngày mới tuyệt đẹp. Về nhà, mình sẽ viết thư ngay lập tức để báo tin vui, lâu rồi mình không dám viết về nhà...

Đạp ngang qua quầy bán gà quay, Ngân thoáng lưỡng lự , đếm lại số tiền trong túi rồi quay trở lại. Ngày vui, phải liên hoan một bữa. Nghĩ vậy, Ngân quành đầu xe tấp vô:

- Bao nhiêu tiền một con vậy, chú?

- Tùy! - Người bán đáp:- Dao động từ ba đến bốn chục ngàn.

- Cho con ba chục.

- Chặt ra hay để nguyên con?

- Chặt ra!

Ngân treo túi gà trên ghi đông xe, đạp miết một hơi. Gần tới nhà thấy sạp bánh mỳ. Những ổ bánh mới ra lò còn nóng hổi. Cô dừng lại mua mấy ổ.

& && Họ ngồi ăn bánh mỳ với món gà nướng. Trong nhà còn lại mấy trái dưa chuột, vài cọng hành cũng được đem ra. Trang lấy dao xắt từng lát mỏng bày lên dĩa. Huệ từ nhà bếp bưng lên mấy cái chén, vài đôi đũa, nhìn dĩa gà thơm phức nuốt nước miếng ừng ực:

- Chà, bà Ngân có chuyện làm, cả nhà được hưởng lộc. Mai mốt đi làm tui cũng khao một chầu.

- Chị Nhành đâu rồi? – Ngân hỏi.

- Bả đang nằm rầu rĩ trên gác. - Huệ đáp.

Ngân hỏi rầu vì chuyện gì, Huệ nói:

- Chuyện chiếc xe! Ối dào, một đời ta ba đời nó có gì đâu mà rầu!

Trang nói:

- Nghe nói tiền sửa xe tốn sáu, bảy trăm ngàn lận hả?

- Ừ, dòm chiếc xe còn nhận không ra. Nhiêu đó phải rồi. Ăn được chưa?

- Ủa, còn chị Hiếu? Từ hôm qua đến giờ chưa về nhà hả?

- Có thấy mặt bả đâu. Bả say men ái tình nên quên hết đường đi lối về rồi.

Trang nói:

- Chuyện này không giỡn được đâu. Khi nào chỉ về phải dùng biện pháp mạnh mới xong.

Ngân định lên gác kêu Nhành xuống cùng ăn. Vừa đặt chưn lên bậc thang đầu tiên, thì Nhành cũng đang bước xuống, gương mặt tỏ dấu hiệu mệt mỏi.

- Chị xuống liên hoan với em.

- Ăn uống gì. Chán đời thấy mồ!

Nói vậy, Nhành cũng ngồi xuống bên cạnh Huệ. Huệ xít ra nhường chỗ cho Nhành rồi nói:

- Chị đừng buồn nữa, không đi “ Chợ Rẫy “ là hên rồi.

- Mày còn trù tao chết nữa hả, con quỷ? Tại tao nghe lời mày mới ra nông nổi này.

- Chị đừng đổ thừa em tội nghiệp. Em kêu chị giảm ga, chị lại làm ngược lại. bây giờ cái chưn của em vẫn còn cà nhắc đây nè.

Huệ nhón cái phao câu bỏ vô chén Trang, cười hề hề:

- Nhất phao câu, nhì đầu cánh! Tao ưu tiên cho mày.

Trang ngó chăm bẳm về phía Huệ, rồi gắp bỏ trở ra. Hai bên cù nhằng. Nhành nạt lớn:

- Giờ ăn hay giỡn?

Cái phao câu cuối cùng nằm gọn trong chén của Ngân.

- Tối qua chị uống có nhiều hôn sao về nhà còn tĩnh quá vậy?

Nhớ đến chiếc xe, Nhành rầu thúi ruột chẳng màn tới chuyện trả lời trả vốn. Anh thợ sửa kiêm luôn việc tân trang xe nói, hên cho cô là những thứ đồ nhựa xe gắn máy của Trung Quốc về nhiều bán đầy rẫy ở chợ Tân Thành, chỉ việc mua về rồi gắn vô. Chớ như trước kia phải mướn thợ sơn vừa mất thời gian vừa tốn kém.

Huệ gắp cái đùi chưa kịp cho vô chén lập tức Nhành lấy đũa khẽ vào tay, bắt để xuống:

- Không được hỗn, để dành cho người lớn!

- Ông trời ngó xuống mà coi chị gì mà dành ăn với em út.

Ăn giữa chừng thì Hiếu về. Nhìn thấy dáng vẻ mệt mỏi của Hiếu, Huệ trêu chọc:

- Coi kìa, đôi mắt chị Hiếu thâm quầng! Chắc là bị chứng mất ngủ rồi!

Hiếu sượng sùng bước qua người Trang, định đi thẳng lên gác, Huệ vẫn chưa chịu buông tha:

- Mấy bữa rày chị Hiếu đi đâu vậy, hén?

Hiếu nhìn Huệ hăm dọa, nói ấp úng:

- Tao đi thăm người quen. Hỏi chi hỏi lắm!

- Vậy sao? Người quen của chị là ai vậy ta?

Hiếu nạt lớn:

- Là ..là ai thây kệ tao! Mày bận tâm làm gì? Chuyện của mày tao đâu có xía vô.

Nhành kéo tay Hiếu, bắt ngồi xuống. Hiếu nhìn mọi người bằng ánh mắt lo ngại. Để lẩn tránh những cái nhìn soi mói, Hiếu bóc miếng thịt cho vô miệng cố làm ra vẻ tự nhiên. Huệ tiếp tục dồn Hiếu vô chưn tường:

- Đi với ai khai thiệt đi, tự giác đi đừng để phát giác!

Nhành ra hiệu Huệ im lặng, rồi day mặt sang Hiếu nói:

- Mụ Trần mấy bữa nay có khỏe hôn?

Hiếu giựt mình, trong bụng cứ hoang mang lưỡng lự không biết là lũ quỷ đã biết chuyện hay chỉ đoán mò. Chuyện đó đâu có ai thấy, không khéo lại sụp bẫy chúng nó. Nghĩ vậy, Hiếu liền nói át đi:

- Làm sao tao biết! Hỏi kỳ quá.

- Vậy ai đứng chàng ràng trước cổng chùa vậy ha? – Huệ cười khanh khách.

- Đầu đuôi ra sao tụi tui biết hết rồi. Chị nên chấm dứt mối quan hệ tréo ngoe.

- Tao với bả chỉ giao thiệp trong công việc. Đừng suy diễn lung tung!

- Dạo này trông chị khác lắm lại thường xuyên không ngủ ở nhà. Trước đây đâu có như vậy.

Hiếu im lặng, nhai bánh mỳ trệu trạo như bò nhơi cỏ, tìm cách lái câu chuyện sang hướng khác:

- Bữa nay có chuyện gì mà xài sang quá vậy?

Huệ nói thẳng ruột ngựa mà không cần giữ ý giữ tứ:

- Chị đừng “ quăng cục lơ !” Hai người đã ôm ấp trên giường có đúng không?

Bị đoán trúng tim đen, Hiếu rùng mình nổi ốc ác. Con nhỏ này thiệt quỷ quái! Tại sao nó không bị thụt lưỡi cho mình nhờ? Trong khi Hiếu đang tìm cách đối phó thì Huệ nói tiếp:

- Tối qua em rình thấy hai người dung giăng dung dẽ rất ư là tình tứ.

Hiếu thở phào nhẹ nhõm. Vậy là tụi nó chỉ đoán đại thôi. Tối qua Hiếu ở Trạm y tế chưa hề bước ra ngoài một bước:

- Xạo không có căn! Mấy bữa nay tao thăm nuôi đứa bạn nằm bịnh viện. Thôi, không nói sàm nữa. Ăn đi.

Huệ thúc cùi chỏ vào hông Nhành. Nhành nói:

- Nói thiệt, chuyện gì đã xảy ra với chị tụi tui biết hết trọi rồi. Làm sao thì làm đừng để tùm lum tà la ra không dọn nổi đâu. Lúc đó chị đừng trách là chị em trong nhà sao không nói trước. Lỡ có chuyện gì chị làm sao ăn nói với ông bà già dưới quê!

Hiếu bỏ miếng thịt xuống mâm, đứng dậy te te một nước lên gác.

Trang hết nhìn Nhành rồi nhìn Huệ:

- Chị Hiếu giận rồi. Mình làm như vậy có quá đáng hôn?

Nhành thở dài:

- Cái nhà này loạn tới nơi rồi! Toàn là một lũ người chẳng ra người, ma chẳng ra ma! Chị Hiếu, tao với con Trang coi như vứt đi rồi. Còn hai đứa tụi bây - Nhành đưa mắt nhìn Ngân và Huệ:- Cứ lừ đừ như ông từ vào đền!

Còn vài miếng thịt, vài mẫu bánh mỳ nhưng chẳng ai màng tới. Trang gom hết thịt vô chén, lấy cái dĩa nhỏ đậy lại. Mấy mẫu bánh mỳ định vứt đi thì Huệ ngăn lại:

- Đừng vụt! Để tối tao ăn. Nghèo mà xài sang như đĩ!

Nhành từ nhà bếp bước lên, lấy tay ấn đầu Huệ xuống:

- Con này vừa lẻo lự, vừa trây trúa! Vậy mà không hiểu sao Hoạt lại yêu mày?

- So ra em vẫn còn hơn chị đó nhe. Dù sao em cũng có người để ôm ấp đỡ buồn. Còn chị thì vẫn biên chế trong binh chủng “ phòng không”.

- Tại tao không thèm thôi. Bữa nào, tao sẽ dẫn về một chàng đẹp trai cỡ diễn viên điện ảnh Lê Minh bên Hồng Công cho tụi bây lé mắt chơi!

Huệ cười ré lên:

- Chị mà với được tới đó thì mấy mụ xấu xí, thô tục cỡ như vợ Hai cạo heo cũng lấy được thái tử bên nước Anh! Miệng nói cho cố xác mà đêm thì nằm chèo queo!

Đang buồn bực vì chuyện chiếc Wave Tàu lại bị Huệ nói xóc hông khiến Nhành nỗi quạo. Cô hét một tiếng lớn thiếu điều muốn sập nhà. Biết thân Huệ vội lủi nhanh xuống bếp.

Nằm trên gác vào lúc nóng nực chẳng khác nào bị tra tấn. Mới có mấy phút mà mồ hôi vã ra như tắm, lưng ngứa ngáy vì bị sảy cắn, tuy nhiên Hiếu không dám xuống bên dưới vì sợ bị hành hạ cái lỗ tai, sợ phải đối diện với những cái nhìn như bóc truồng thân thể. Sáng nay Hiếu đưa bà Trần về nhà. Bà Trần hãy còn xanh xao. Bác sĩ dặn mỗi ngày phải đến trạm y tế để thay băng và phải hết sức cẩn thận tránh để bị nhiễm trùng. Hiếu trải ga giường, dìu bà Trần nằm nghỉ. Nhìn nhà cửa bê bối, đồ đạc tanh bành té bẹ, áo quần mỗi nơi một chiếc, nền nhà đóng một lớp bụi dày, cả đống chén dĩa chưa rửa vất chỏng chơ trên bếp, Hiếu bèn xoắn tay áo, lao vô thu dọn. Bà Trần bảo phụ nữ sống một mình cũng hóa thành đàn ông! Cơm nấu một bữa có khi ăn cả mấy ngày vẫn chưa hết. Nhiều lúc muốn kiếm người tâm sự mà không có, đành phải thủ thỉ với cái bóng của mình! Rồi bà Trần rên rỉ mấy câu thơ không biết ai sáng tác:” Ngửa mặt ngóng trăng, trăng ngoảnh mặt/ Dang tay đón gió, gió quay lưng/ Muốn níu chút hương thơm, hương vụt tắt/ Muốn ôm hôn mặt người, người đuổi xua/ Ta chẳng còn gì ngoài ta và chiếc bóng/ Màn đêm thủ thỉ bóng bỏ ta đi! Bài thơ buồn như tiếng khóc, thậm chí cái bóng cũng bỏ chủ của nó mà ra đi thì thử hỏi trên thế gian này có người nào cô đơn hơn thế nữa. Hiếu cảm động đến rớt nước mắt. Người đàn bà bề ngoài có vẻ lạnh lùng tàn nhẫn ẩn chứa bên trong là sự cô đơn khủng khiếp. Dọn dẹp xong, Hiếu lấy nồi vo gạo nấu cháo. Bà Trần cản lại biểu đừng nấu, bởi vì bà không quen ăn cháo cho dù bệnh nặng đến mấy bà cũng chỉ ăn cơm mà thôi. Hiếu nấu cơm. Khi mở tủ lạnh ra thì thấy chỉ có mấy con mực khô, vài lon bia ướp lạnh, trong đó có một lon đang uống dở ngoài ra chẳng có một thứ gì có thể ăn được, Hiếu nói:

- Bộ chị thường uống bia trừ cơm hả?

Bà Trần gật đầu:

- Ngày nào cũng uống đến khi say nghiêng ngả thì lăn ra ngủ quên luôn cái đói. Sống mà không biết mình đang làm gì? Cho ai? Thì sống bằng như đã chết! Thà rằng chết phứt cho xong!

Hiếu thở dài:

- Sao mà chán đời quá vậy?

- Bởi vì đời chẳng có gì vui, bà Trần đáp.

Hiếu đi chợ. Chừng nửa giờ sau trở về với chiếc giỏ nặng trĩu, thấy bà Trần đã ngủ say, đầu ngoẹo sang một bên trong thật vất vả. Hiếu xuống bếp, nấu nồi canh cá, kho thịt và món lòng xào với cải. Xong xuôi, cô định lay bà Trần dậy để ăn nhưng thấy bà ngủ say quá nên thôi. Thật ra bà Trần chỉ giả bộ ngủ, không bỏ sót bất kỳ cử động nào của Hiếu, thỉnh thoảng cặp môi tím tái lại nở nụ cười mãn nguyện.

- Dậy đi chị Trần, ăn cơm, uống thuốc rồi ngủ tiếp, Hiếu nói.

Bà Trần uể oải ngồi vô bàn. Tay mặt bị đau không thể cầm đũa được nên Hiếu phải đút từng muỗng. Bà Trần nhìn Hiếu, ánh mắt rưng rưng:

- Ngày nào cũng được Hiếu chăm sóc như vầy có chết tôi cũng không ân hận gì.

Hiếu nhăn nhó :

- Chị đừng nói đến chết có được không. Đang sống sờ sờ mà cứ nói đến chết nghe ghê quá!

Bà Trần van lơn:

- Hiếu đừng bỏ tôi nhá. Tôi van Hiếu!

Hiếu im lặng. Ăn cơm xong, Hiếu lấy thuốc bắt bà Trần uống. Bà Trần nhắc lại đề nghị lúc nãy. Hiếu nhìn cánh tay quấn băng trắng toát của bà Trần trong lòng không yên, nhưng không nói gì. Lát sau Hiếu đòi về vì có nhiều việc phải làm. Bà Trần buồn rượi, quay mặt vô vách, lặng im thin thít. Khi Hiếu bước đi được vài bước thì bà Trần dùng cánh tay còn lại đấm mạnh vào chỗ đau làm máu rỉ ra thấm ướt cả miếng vải băng. Hiếu chạy lại, nói thất thanh:

Trời ơi, sao chị lại làm như vậy?

Bà Trần liên tục đập đầu vô thành giường:

- Em bỏ tôi. Tôi sống để làm gì?

Vất vả lắm, Hiếu mới ngăn được bà ta:

- Em chỉ về tắm rửa, thay quần áo rồi lại đến. Chị đừng hành hạ mình như vậy.

Gương mặt bà Trần bừng sáng, cầm tay Hiếu bóp mạnh:

- Em hứa đấy nhá!

Hiếu gật đầu, bước ra ngoài không quên khép cửa lại… ..Hiếu cảm thấy ngứa ngáy, muốn đi tắm nhưng không dám. Chưa bao giờ Hiếu bị bẽ mặt đến vậy. Chẳng gì thì Hiếu cũng là chị cả trong cái nhà này. Mọi lời nói, cử chỉ của Hiếu đều mang tính mô phạm và tất cả đều nghe theo răm rắp. Vậy mà bây giờ Hiếu phải trốn tránh như chuột chũi đến đỗi không dám nhìn mặt ai. Người lớn làm sai chẳng trách kẻ dưới không phục. Hiếu vừa mắc cỡ vừa cảm thấy bị tổn thương ghê gớm. Ở dưới nhà, mọi người vẫn đang bàn tán sôi nổi. Tiếng của Huệ cứ oang oang như tiếng chuông ngân vang:

- Chỉ trong một thời gian rất ngắn mà trong nhà này đã xảy ra biết bao biến cố. Chị Nhành mở màng đầu tiên bằng nghề nhậu mướn, con Trang đẻ mướn, chị Hiếu lại bị hút vào cái mụ “ xăng pha nhớt “ – Huệ ngừng nói chép miệng :- Tai họa luôn rình rập trút xuống ngôi nhà này!

Trang nói:

- Chị Ngân coi vậy mà sướng nhứt, được làm công việc mà mình yêu thích thì không có gì hạnh phúc hơn.

Ngân nói:

- Mọi viêc chỉ mới bước đầu thôi, còn nhiều khó khăn lắm, mình chưa dám trông mong điều gì cả.

- Phải tự tin chớ! Trong nhà này rặt một lũ bất tài, vô dụng, tất cả trông cậy vào mỗi mày đó. Mày có nhiệm vụ làm rỡ ràng cho cả cái nhà này! – Nhành ngân nga như hát.

- Em mà là vô dụng sao? – Huệ nói:- Chị nhìn kỹ đi. Rồi em sẽ trở thành ông này, bà nọ cho chị coi.

- Ai thì tao không dám chắc,còn mày,thì tao dám đem đầu tao ra mà cá, những đứa ăn mặn đái khai như mày chỉ giỏi cái miệng chứ chẳng làm nên trò trống gì!

- Thời gian sẽ trả lời, mau thôi mà!

Nhành xua tay ra hiệu chấm dứt câu chuyện tào lao. Đứng dậy, hất hàm về phía Huệ:

- Mày có theo tao lấy xe hôn? Sẵn tiện ghé bãi đất trống cạnh trường học tập chạy luôn, có xe mà không biết chạy tức còn hơn bị bò đá!

- Ủa, sao chị nói em là đứa vô tích sự? – Huệ cười cười, đứng dậy theo Nhành đi ra cửa và ra điều kiện:

- Bữa nào chị phải cho em mượn xe một buổi để giựt le với đời.

Còn lại Ngân và Trang ngồi đối diện với nhau. Ngân hỏi:

- Trang có gặp Thật hôn?

Trang trả lời bằng giọng trầm buồn:

- Gặp nhau chỉ thêm đau lòng thì gặp làm gì, hả chị? Em chỉ cầu mong, ảnh gặp được người đàn bà khác hết lòng yêu thương ảnh là em vui rồi.

- Ông Khả là người như thế nào?

- Tốt! – Trang đáp gọn lỏn.

Ngân nghĩ thầm, Trang thật tốt bụng và bao dung biết bao. Người ta biến cô thành một món hàng hóa, một con cừu Dolly không hơn, không kém, vậy mà Trang nói tốt cho kẻ ấy.

- Có bầu, sinh con Trang sẽ làm gì?

- Em sẽ vìa quê, mặc dù không biết vìa dưới sẽ làm cái chi để mà sống.

Ngân nói lớn giọng bị méo đi:

- Thì cứ ở lại thành phố có sao đâu. Bộ người ta cấm cản hả?

Trang thở dài:

- Không ai ngăn cấm tui hết. Vìa quê là cách tốt nhứt vẹn cả đôi đường. Sống gần con thế nào cũng có lắm chuyện trúc trắc, lôi thôi.

Ngân thở ra rồi im lặng. Trang nằm xuống chiếu, mắt nhìn lên khe hở sàn gác. Ngân đi rửa mặt. Vừa lúc Hiếu từ trên gác, ôm mớ quần áo đi xuống. Bắt gặp ánh mắt của Ngân, Hiếu vội lẩn tránh.

- Cái đầu mấy ngày không gội ngứa quá trời! – Hiếu nói cho có chuyện.

- Chai dầu gội của em còn một ít, chị cứ lấy mà xài.

- Thôi, tao không quen dùng loại đó. Tóc chưa kịp khô gào đã đầy đầu!

Hiếu vô nhà tắm, khép cửa lại. Ngân định lên gác, nhưng cảm thấy không yên bèn đưa tay gõ nhẹ lên cánh cửa:

- Chị Hiếu ơi, chuyện mấy người đồn đãi là thiệt hả chị?

- Sao cứ láp dáp hoài vậy ? – Hiếu xẵng giọng:- Tao nói trặc họng mà vẫn chưa chịu tin à? – Đoạn Hiếu hạ giọng nói nhỏ:- Tụi nó nói tầm bậy đó!

Ngân lại hỏi:

- Chị nói thiệt chớ? Em cứ lo lo.

Hiếu im lặng, giội nước ào ào. Ngân trèo lên gác, lục tìm mấy quyển sách tiếng Anh. Mấy cuốn sách, Ngân thường để bên đầu nằm cạnh cái quạt máy, vậy mà bây giờ chẳng tìm thấy đâu.

- Trang có thấy mấy cuốn sách của tui không?

Từ dưới đất, Trang nói vọng lên:

- Có phải mấy cuốn tiếng Anh hôn?

- Ừa!

- Em nhét chúng dưới gậm tủ bên cạnh mấy thứ linh tinh của chị Huệ đó. Có dòm thấy chưa?

Ngân kiếm lần quần một lúc thì thấy chúng nằm tuốt trong góc kẹt, bên dưới tủ treo quần áo. Khi Ngân cúi người, lôi ra thì thấy một cuốn tập học trò màu xanh nằm cạnh đó, bèn lật lật vài trang coi thử. Thoạt nhìn qua cô cũng dễ dàng nhận ra nét chữ của Huệ. Trang đầu tiên đập vào mắt là mấy dòng chữ “ Nghệ thuật khóc trước công chúng “, Ngân giựt mình lật tiếp, nào là “ khái quát về mười hai kiểu khóc” , “ kiểu khóc của người Nam Bộ “ , “ kiểu khóc trong một đám tang người Hoa”, “ khóc theo kiểu Miền Bắc “ rồi đứng sững như trời trồng. Trời đất! Rõ ràng Huệ đang theo học lớp khóc mướn cho đám ma! Ngân thốt lên kinh ngạc. Vậy mà nhỏ Huệ luôn miệng lớn tiếng rằng đang theo học lớp trang điểm! Trang điểm gì toàn là khóc với khóc? Đủ các kiểu khóc. Trong khi Ngân còn đang nghĩ ngợi lung tung thì bên dưới, tiếng Trang vang lên:

- Có chưa chị Ngân?

Ngân lật đật cất quyển vở vô chỗ cũ, cố giữ giọng bình tĩnh, đáp:

- Có rồi!

Ngân ngồi xuống thở hào hển, những sợi tóc bên thái dương dường như dựng đứng cả lên. Trong nhà tắm tiếng giội nước ào ào, tiếng bàn chải chà lên sàn nhà tắm. Chị Hiếu ít khi quét nhà, nhưng lại siêng năng chà nhà tắm. Lần nào tắm, Hiếu cũng lấy bàn chải xát xà bông chà khắp lượt đến khi sạch bóng không còn chút bợn mới thôi. Trang bước lại cầu thang, nói lớn lên:

- Chị Ngân thảy cho em cái gối!

Ngân không nghe thấy. Đến khi Trang nhắc lại lần nữa cô mới giựt mình bừng tỉnh:

- Này chụp lấy!

Huệ là người hay cười hay nói, hãn hữu lắm mới thấy Huệ khóc. Đến nỗi, chị Hiếu cứ chì chiết:

- Nhà này chỉ có con Huệ là vô tư nhứt vì suốt ngày cứ cười toe toét! Đàn bà, con gái hễ mở miệng ra là cười thì đúng là đồ vô duyên!

Bây giờ Ngân mới nhớ lại, vài lần bắt gặp Huệ mang đôi mắt sưng húp. Hỏi, thì Huệ chối leo lẻo, đâu mà! Tại buồn ngủ nên mới vậy. Dựa theo ngày ghi trong tập, thì Huệ đã bắt đầu theo lớp học khóc chỉ sau hôm bị cho thôi việc ở xí nghiệp vài ngày. Ngân trèo xuống cầu thang, nằm xuống bên cạnh Trang, nói bâng quơ:

- Nhỏ Huệ học lớp gì vậy, ha?

- Trang điểm cô dâu. – Trang trả lời bằng giọng nửa mơ, nửa tỉnh.

Ngân ngồi thừ một lúc, nằm xuống bên cạnh. Chợt nhớ chuyện thơ từ, lập tức ngồi dậy, lấy viết ra viết mấy trang liền. Trước tiên, Ngân hỏi thăm tin tức mọi người trong nhà, bà con chòm xóm rồi mới kể về mình. Cô hân hoan báo tin mình đã xin được vào làm ở công ty nước ngoài. Đây là cơ hội tốt cho cô thử thách, thăng tiến. Cuối thơ, Ngân cầu chúc sức khỏe tất cả, mong muốn mọi sự bình an, may mắn đến với mọi người. Ký tên. Sau đó, Ngân đọc qua một lượt, rồi bỏ vô bao thơ.

Xong xuôi, Ngân lấy xe đạp dắt ra khỏi hẻm. Đi chừng vài chục mét, bất ngờ một gã say rượu đâm sầm vào xe cô khiến cô lảo đảo suýt chúi nhủi. Thay gì xin lỗi thì gã lại lè nhè văng tục:

- Này con nhỏ kia, mắt mũi để đâu mà đụng vô tao vậy hả?

Muốn được yên thân Ngân đành xin lỗi, nhưng gã không chịu mà nhìn thẳng vào ngực cô:

- Muốn tao tha thì cho hôn một cái!

Mặt Ngân đỏ bừng vì ngượng và bị xúc phạm. Tên say rượu từ từ bước tới. Đợi cho gã đến thật gần, cô co chưn đạp vào bụng một cái thiệt mạnh rồi cắm đầu đạp miết. Gã lồm cồm ngồi dậy chửi bới tục tĩu :

- Con đĩ! Mày nhớ nhá. Lát nữa trở về thì biết tay ông!

Nhưng gã chưa kịp cho Ngân biết tay thì bỗng lăn quay ra ngáy như sấm. Bà vợ đang bán chuối nướng gần đó, áo quần xốc xếch, ngực nẩy như hai trái banh vội chạy đến hô hào mấy đứa con mũi xanh thò lò đang chơi bài cạnh đấy khiêng vô nhà.