30/3/12

Như lục bình trôi (Chương 56)

Hôm nay là ngày giỗ dì Tám Thoại. Không như mọi năm , đợi phiên chợ sắp vãng , ra mua bậy mấy trăm gờ ram thịt ôi, một ít rau nguội, nấu nướng đơn giản rồi đặt lên cái bàn nhỏ thường ngày dùng để các thứ linh tinh, cắm vô hũ vài cây nhang coi như xong chuyện. Năm nay làm ăn khấm khá cũng nên tinh tươm một chút. Nhành dậy sớm hô hoán mọi người đánh răng rửa mặt, phân công mỗi người một việc: ai quét dọn nhà cửa, ai chợ búa, ai lo nồi niêu soong chảo, ai mượn bàn ghế, đâu đó rõ ràng. Trong khi mọi người sửa soạn bắt tay vô công việc, thì Huệ mặc đồ mới, chuẩn bị dắt xe đạp ra khỏi nhà. Nhành hỏi, Huệ trả lời hôm nay là buổi thực tập đầu tiên không thể vắng mặt. Trời đất! Khóc mướn màcũng có thực tập nữa sao, Hiếu nói mà mắt trợn dộc. Huệ gật đầu rồi dặn mọi người nhứt định phải chờ cô về mới được nhập tiệc. Nhành cười biểu chỉ có một bà má đã chết lâu rồi không còn bà má nào nữa! Hiếu hỏi Huệ đã mời Hoạt chưa, Huệ cười nói dĩ nhiên là đã. Nhành nhìn Trang nói năm nào Thật cũng có mặt chắc năm nay cũng không ngoại lệ.

Trang nói:

- Mấy chị mời ảnh làm gì? Dòm mặt nhau càng thêm khó xử!

Ngân thay chiếc áo thun ngắn tay, cổ rộng, bó sát thân hình trông rất nữ tính. Tay xách chiếc giỏ nhựa từ trong bước ra:

- Số mình có lộc ăn, đám giỗ rơi đúng vào ngày chủ nhựt.

Chờ Ngân và Nhành ra khỏi nhà, Hiếu giục Trang quét tước nhà cửa. Còn cô qua nhà hàng Hai cạo heo mượn bàn ghế.

Chị Hai nói:

- Mọi năm làm đơn giản, sao năm nay linh đình quá vậy? Ăn nên làm ra có khác!

Chị Hai sai mấy đứa nhỏ bưng mấy cái ghế nhựa sang nhà bên. Còn chị phụ Hiếu lôi cái bàn xếp nằm trong kẹt , lẫn với đống gỗ mục. Loay hoay một lúc cũng kéo được ra. Mình mẩy đầy bụi bặm.

- Trưa nay anh chị qua nhập tiệc với tụi em luôn thể.

- Chỗ toàn là đàn bà con gái để tao đi là được rồi, ổng nhậu như hũ chìm ai mà chịu nổi. Cái bàn này phải chà rửa sạch sẽ mới xài được. Mà đám giỗ của ai vậy?

- Bà già con Nhành.

Hiếu mang cái bàn để giữa hẻm, rồi vô nhà lấy bàn chải , xà bông chà rửa cẩn thận. Trang ôm mấy thứ linh tinh tống hết trên gác. Khi bước xuống cầu thang chẳng may bị trợt chưn chúi nhủi. Ngoài này nghe tiếng động, Hiếu lật đật chạy vô. Thấy Trang đang bò lê dưới đất, mặt nhăn nhó vì đau, Hiếu giựt mình la lớn:

- Sao mà vô ý quá vậy, Trang? Cái thai trong bụng bị động thì chết!

Hiếu chạy tới đỡ Trang dậy, đưa tay phủi bụi trên quần áo. Ánh mắt lo lắng:

- Có thấy khó chịu trong người hôn? Có đau bụng hôn?

Trang lắc đầu, cầm cây chổi định quét tiếp, nhưng Hiếu đã giựt lại:

- Thôi, bà bầu đi nghỉ đi! Rủi có chuyện gì, tao đền không nỗi.

- Mới có mấy ngày ăn nhằm gì chị?

- Sao lại không? Mày dễ ngươi quá! Có ngày khóc hận không kịp. Đi lên gác nghỉ ngơi . Mọi chuyện để tao lo.

Hiếu liệng cây chổi, đẩy Trang lên đến tận gác rồi mới trở xuống tiếp tục công việc còn dăng dăng. Chà rửa gần xong cái bàn thì anh Mười “ đau khổ “ nhà kế bên quẹo Honda vô quẹo vô hẻm.

- Bữa nay có gì mà làm rùm beng quá vậy cô Hiếu?

- Đám giỗ! – Hiếu dẹp các thứ qua một bên nhường lối Mười đau khổ vô nhà:- Trưa nay anh ghé tụi em ăn một chén cơm.

- Cám ơn, nhưng tui kẹt rồi. Thôi để khi khác.

Con hẻm nhỏ chỉ có ba căn: nhà Hai cạo heo, nhà chị em Hiếu và cuối cùng là nhà của anh Mười đau khổ. Anh Mười đau khổ là con thứ mười nên mọi người ở Bến Đình dựa vô thứ tự trong nhà kêu thành cái tên Mười luôn cho tiện. Anh Mười vốn là thợ sửa khóa làm chìa. Tay nghề không cao nên thu nhập bữa đực bữa cái chẳng bõ bèn gì so với vô số khoản phải chi tiêu, trong khi chị Mười lại bụng mang dạ chửa. Đến ngày chị Mười đi đẻ mà trong túi không có nổi một xu cạo gió. Anh chạy nợ xấc bất xang bang nhưng chẳng ai động lòng từ tâm mà móc hầu bao. Chẳng trách thiên hạ được, bởi vì “ có lúa mới người ta cho mượn gạo “. Chập tối, chị Mười kêu đau bụng, huyết ra lênh láng. Anh Mười đưa vợ vô nhà thương rồi bắt đầu tính chuyện ăn trộm! Anh đột nhập vô một ngôi nhà giàu ở quận Một nhưng không thể nào mở được cửa két sắt quá kiên cố của Mỹ. Và bị bắt tại trận! “ Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí “, tại nhà thương, chị Mười đột ngột từ giã cõi đời sau cơn đẻ khó. Cả đứa trẻ cũng cùng chung số phận như mẹ. Từ đó tên “ Mười sửa khóa “ được đổi thành “ Mười đau khổ “ cho hợp tình hợp cảnh.

Anh Mười đau khổ ở tù gần một năm thì được tha về. Anh sống khép kín. Không rõ làm nghề gì mà sáng đi, tối về. Hành tung có vẻ bí mật. Và giàu lên một cách đáng ngờ. Nghe đồn công an đang để mắt tới. Tuy nhiên trong xử sự với mọi người xung quanh, anh rất hòa nhã và có phần tốt bụng.

Dọn dẹp xong, Hiếu nhúm lửa, bắc nồi nước lên bếp, rồi tranh thủ gội cái đầu.

Trang ngồi ngoài ban công mắt nhìn ra đầu hẻm. Một đứa bé đi lẫm chẫm với trái banh nhựa màu đỏ. Trái banh quá to, mà tay đứa bé thì ngắn nên cứ bị tuột xuống đất, lăn đi. Chú bé lại lẫm chẫm rượt theo và vấp ngã. Cú ngã không đau nhưng đứa bé không ngồi dậy, mà đưa mắt nhìn xung quanh, thấy mẹ nó đang nhìn nó xót xa, lập tức cu cậu khóc ré lên. Người mẹ bước đến đỡ cu cậu dậy, nói ngọng nghịu:

- Nín! Nín, mẹ thương. Chết trái banh này này, tại mày mà cu Tý bị té đau nè. Mẹ đánh trái banh rồi, cu Tý đừng khóc nữa, nghe.

Nhìn cảnh vui vầy hai mẹ con, trong lòng Trang bồi hồi xúc động. Sang năm cô cũng được làm mẹ, người mẹ trẻ chỉ mới ngoài hai mươi tuổi đầu. Mình còn con nít vầy mà đã làm mẹ sao? Thật là tức cười! Trước đây Thật đã từng hỏi cô chừng nào sanh em bé? Cô đỏ mặt, trả lời:- Chưa gì mà đã nghĩ tới chuyện đó, anh thiệt là lẩn thẩn! Biết đâu chồng em sau này không phải là anh. Thật cười loe xoe:- Không lấy anh thì lấy ai nữa. Trên đời này chỉ có anh là yêu em nhứt mà thôi, và chỉ có anh là người duy nhứt đem hạnh phúc đến cho em. Trang cười:- Bổn cũ soạn lại, em nghe đầy cái lỗ tai. Bây giờ chưa lấy nhau thì nói vậy, mai mốt về ở chung có khi lại treo người ta lên xà nhà! Thật đưa tay lên ngực, mắt ngửa lên nhìn trời:- Tôi, Lê Văn Thật xin thề trước trời cao đất rộng, nếu sau này có phụ rẫy hay đối xử tệ bạc với người yêu thì xin ông hãy đánh tôi chết không kịp ngáp ! Trang hoảng hồn:- Em nói chơi thôi, làm gì thề độc dữ vậy. Rủi thiệt thì làm sao. Rồi cả hai nhìn nhau trong im lặng, Trang nói nhỏ:- Theo em, phụ nữ chừng hai bảy, hai tám có con là vừa, anh nghĩ sao? Thật la lớn:- Sao lâu dữ vậy? Hai bốn, hai lăm đi! Trang nói:- Thôi, anh đừng “ trả giá “ nữa. Em nhứt định tuổi đó mới đẻ con. Trang nghĩ ngợi, năm nay mới hai mươi, vậy hai mốt mình sẽ có con, không phải hai bốn, hai lăm như Thật hằng mong muốn và đứa con ấy cũng không phải là của anh! Nhớ đến Thật, cô càng thêm chạnh lòng, mấy tháng nay cô không gặp anh, nói đúng hơn là cô lẩn tránh, chạy trốn anh. Mặc dù cứ cách vài ngày anh lại đến tìm cô, anh đứng dưới mái hiên, nghểnh cổ lên, gọi tên cô thống thiết:

- Trang ơi, hãy cho anh được nhìn thấy em, một lần thôi. Anh hứa sẽ không nói gì, chỉ nhìn em là đủ rồi, rồi anh sẽ về nhà.

Cô không phải là gỗ đá mà không biết đau. Nhưng gặp nhau để làm gì khi mà tất cả đã an bài. Cô không còn xứng đáng, và tình yêu của cô dành cho anh đã dần dần phai lạt. Hình ảnh người đàn ông khác đã dần choán chỗ và ngự trị trong trái tim cô mất rồi. Nhiều đêm thao thức, Trang cứ băn khoăn tự hỏi, mình còn yêu anh Thật nữa hay không? Chắc là không. Những kỷ niệm cũ kỹ đầy ắp chỉ khơi gợi lại sự tiếc nuối một thời đã qua. Cô vẫn nhớ về anh nhưng bằng sự ân hận, nỗi day dứt dày vò ghê gớm chớ không bằng sự thiết tha rung động của con tim. Cô vật vã đau đớn và không ngớt lời sỉ vả, nguyền rủa chính mình. Tại sao mình có thể quên ảnh một cách lạnh lùng, tàn nhẫn, trong khi anh vẫn tha thiết yêu mình. Sự ân hận khiến cô cố nghĩ về anh nhiều hơn với hy vọng mong manh tìm được đốm lửa nhỏ trong đống tro tàn ký ức. Chỉ cần một đốm lửa nhỏ thôi, cô sẽ thổi cho nó cháy bùng lên. Cô đưa tay đấm ngực, gào thét trong câm lặng: trái tim tội tình ơi, hãy run lên, hãy gõ nhịp một trăm hai mươi phát phút, hãy rỉ máu từng giọt, từng giọt một cho đến khi cạn kiệt. Nhưng trái tim bướng bỉnh đã không nghe theo lời cô, nó đã hóa câm như đá. Lúc này cô mới hiểu ra rằng tình yêu của cô dành cho anh đã chết, đã chết thiệt rồi.

Cô đã từng có ý định nói thật lòng mình để anh khỏi bám víu vào cái phao cứu sinh tình yêu mà anh luôn đặt trọn niềm tin và hy vọng, nhưng cô không thể, bởi vì cô sợ làm anh đau đớn, làm anh phát điên lên trước sự thật quá ư tàn nhẫn, phũ phàng. Anh quá ngây thơ, không bao giờ anh nghĩ cô đã phản bội lại anh, phản bội lại những gì cô đã từng thề thốt. Anh không thể nào tin rằng; bức tranh tình yêu do cả hai dày công tô điểm lại bị cô tạt cả lọ mực đen làm hỏng. Anh không thể tin một cô gái có vẻ yếu đuối, chân thành như cô lại mang trong người trái tim phản bội! Chẳng phải anh đã từng nói với cô; cả thế gian này có thể bị chìm trong cơn hồng thủy, chiến tranh thế giới lần thứ ba có thể xảy ra và con người sẽ trở về thời kỳ đồ đá, nhưng anh không bao giờ tin cô sẽ phản bội lại anh. Đúng là cô đã quên anh thiệt rồi. Hình ảnh của anh giờ đây chỉ còn là ảo ảnh xa mờ. Những kỷ niệm êm đềm một thuở giờ đây chỉ là hoài niệm một thời đã xa, thỉnh thoảng nhớ lại để ngẩn ngơ tiếc nuối , để ân hận xót xa chứ không thể nào hồi sinh lại một tình yêu đã chết. Suy đi nghĩ lại, cô nhận thức rằng không thể nào tiếp tục để tình trạng này kéo dài bởi vì nó sẽ làm cả hai thêm đau khổ. Cô như con ốc mượn hồn mang nặng chiếc vỏ xù xì che dậy thân hình gầy yếu, quặt quẹo. Đã đến lúc cô phải trút bỏ nó ra khỏi cơ thể của mình. Cô phải giải thoát cho cô, cho anh..