Tháng sáu, tháng chánh thức bước vào mùa mưa. Mưa lớn chưa xảy ra chỉ có vài trận mưa lẻ tẻ. Những giọt mưa từ trời rớt xuống chưa kịp chạm đất đã bốc hơi vào không trung. Nắng khô rang khiến cho cây cỏ héo quắt lại. Ngoài đường phố, cánh đàn ông ở trần bận quần xà lỏn phô những tấm lưng đen bóng nhễ nhại mồ hôi. Ở ngay ngã ba, nơi có quán nước sâm của anh Khình( người Hoa ) lúc nào cũng chật ních người. Anh Khình trước kia nghèo kiết xác chuyên nghề làm bánh bao chỉ. Buôn bán ế ẩm, anh chuyển sang nghề bán nước sâm. Thứ nước sâm được nấu bằng bông cúc, mía lau và ít cây cỏ có tính giải nhiệt với ít đường thùng vàng khè, nhưng vị ngọt chủ yếu là nhờ vào đường hóa học. Anh Khình cho nhiều đường hóa học đến nỗi uống lâu rồi mà cổ họng vẫn cứ ngòn ngọt, đăng đắng rất khó chịu. Biết là vậy nhưng không hiểu sao thiên hạ vẫn rồng rắn xếp hàng chen chưn uống lấy uống để cứ như là thứ nước Thánh! Đúng là buôn bán gặp thời.
Vào mùa nắng nóng như vầy mỗi ngày quán sâm anh Khình bán mỗi ngày áng chừng hai trăm lít nước sâm. Nước sâm nấu trong cái nồi tổ chảng đóng bợn phát khiếp, sau khi để nguội liền cho vô thùng đá bào nhuyễn, khi nào vơi bớt thì tiếp tục đổ nước sâm, đổ đá vô. Khách tới uống, anh Khình chỉ cần cầm cái ly thủy tinh múc đầy rồi đưa cho khách. Khách khoái uống nước của anh Khình là nhờ sâm lạnh, lạnh đến ê cả chưn răng. Mấy quán khác phải thi nhau dẹp tiệm vì không có được ưu điểm này, bởi vì họ không dám mạo hiểm. ( bỏ đá quá nhiều nếu bán không kịp sẽ bị loãng và chỉ có cách là đem đi đổ ). Nhờ nghề bán nước sâm mà anh Khình đổi đời, từ căn nhà ọp ẹp nằm chúi bên bờ sông, anh chuyển ra ngôi nhà mặt tiền đường ba từng lầu trị giá hàng trăm cây vàng, đó là chưa kể đến vô số của chìm của nổi khác. Nghe đồn tiền gởi nhà băng đã lên đến bạc tỉ! Các con của anh không học hành gì mà chỉ theo nghiệp của cha. Anh Khình múc nước sâm nhiều đến đỗi các móng tay đều bị lở lói tưởng chừng tuột ra khỏi các đầu ngón, lớp da tay bị bong lên, trắng bợt như da người chết đuối lâu ngày. Người bán “ vô tư “ múc và khách vẫn cứ uống một cách “ vô tư “. Quán nước sâm tồn tại đã gần hai chục năm, chưa thấy ai bị ngộ độc thực phẩm bao giờ. Thế mới biết cái bao tử của dân nghèo rất quen chịu đựng!
& && Từ chập tối ông trời cứ chớp nháng hoài mà không mưa. Huệ đang nặn mấy mụn trứng cá trên mặt, ngửng mặt dòm trời, đoạn day sang Nhành đang trang điểm chuẩn bị “ đi làm “, nói lằm bằm:
- Ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa, thế nào tối nay cũng mưa đùng đùng cho mà coi. Chị đi làm thế nào cũng bị ướt. Mưa thì mát mẻ dễ chịu nhưng khổ nỗi lại phải bị cảnh dột, dột nhiều chỗ lắm. Mọi người phải lấy mấy cái thau nhỏ hứng nước. Nhưng bụi nước cứ văng vô mặt không sao ngủ được. Trang có sáng kiến, lấy giẻ rách bỏ vô, nước mới thôi văng. Thời gian gần đây lũ mèo hoang liên tục “ quần thảo “ trên mái nhà. Lớp giấy dầu mục nát lại bị lũ mèo khát tình làm rách từng mảng lớn. Thậm chí có lần quá “ say tình “ chúng trợt chưn rớt huỵch xuống sàn gác! Khiến mấy chị em đang mơ màng cứ tưởng là trời sập tới nơi!
Nhành cho thỏi son vô chiếc hộp trang điểm, nói:
- Mưa gió bão bùng cũng phải đi, đã hẹn rồi mà thất hứa mai mốt ai dám mướn mình nữa. Mà ổng hằm hè vậy chớ không mưa nổi đâu.
Nhành vừa dứt lời thì trên nền trời xuất hiện vệt chớp ngoằn ngoèo như rễ cây, tiếp theo là những tiếng nổ như bom dội. Huệ hết hồn nhào tới ôm Nhành cứng ngắt. Huệ không sợ người mà sợ ông Trời với sợ ma. Nhành co chưn đá rầm cánh cửa. Mưa như trút nước.
Huệ trực nhớ mấy bộ đồ đang phơi ngoài ban công bèn mở cửa chạy ra. Gió thổi mạnh. Mưa hắt vô nhà như ai cầm xô mà tạt. Khi lấy được quần áo thì mình mẩy ướt mèm như chuột.
- Mưa lớn quá! Phơi cả ngày coi như công cốc.
Mưa tuôn rào rào trên mái nhà. Nước xuyên qua các lỗ lủng, thấm qua mấy miếng ván ép cong queo trên trần, nhểu xuống thành từng vệt dài. Phút chốc khắp sàn gác lênh láng. Bọt nước văng tung tóe.
- Chị Nhành với tay lấy cho em cái thau, lẹ lên!
Nhành quăng cái thau cho Huệ. Hầu như tất cả các vật dụng trong nhà đều được “ trưng dụng “ để hứng nước, tuy nhiên vẫn không đủ, Huệ phải tận dụng cả cái tô đựng canh. Nhành lật đật cuộn mùng mền liệng vô chỗ khô, rồi lấy miếng giẻ lau nước đọng trên sàn gác cây. Chỗ nào cũng bị dột, vừa lau khô chỗ này thì chỗ khác lại ướt.
- Nhà cửa gì mà như ngoài sân! Vậy mà bà Bảy Tùng cứ lăm le đòi tăng tiền mướn nhà, chị coi có tức hôn.
Lúc này ở dưới nhà Ngân, Trang cũng lăng xăng chạy lên “ tiếp viện “. Ngó bề không xong. Nhành ra lịnh mọi người ôm mùng mền, chiếu gối xuống từng trệt. Ở từng dưới không bị dột nhưng bị nước mưa tạt qua ô bông[/link] chẳng có cách gì che chắn được. Mấy chị em đành nép mình vô chỗ kín, ngửng cổ nhìn trời thở dài, Nhành nói:
- Trời nóng quá cũng khổ nhưng mưa như vầy thì càng khổ hơn. Không chừng đêm nay cả đám phải ngủ ngồi. Nhớ tới cuộc hẹn ở quán “ Đồng Xanh “, Nhành rầu thúi ruột. Đang còn chùng chình chẳng biết tính cách nào thì bất ngờ điện thoại reng lên.
- A lô! Cô Nhành đó hả? Cuộc hẹn tối nay tạm hoãn. Mưa lớn quá mấy chả không tới.
Nhành thở phào như tội phạm vừa được tòa cho hưởng án treo. Dòm thấy cái quạt máy bị nước mưa bắn vô, Nhành la lên tắc tiếng:
- Huệ kéo cái quạt ra chỗ khác mau lên!
Mưa mỗi lúc càng dữ dội. Dường như, ông trời dành dụm nước cả năm chỉ để dành cho buổi tối hôm nay. Trang bíu chặt vô người Nhành, đôi hàm răng không ngừng đánh bồ cạp . Huệ nói, mưa lớn như vầy dễ bị cúp điện lắm.
Cái miệng ăn mắm, ăn muối của Huệ vừa thốt ra, ngay lập tức đèn đuốc tối thui. Hệ thống dây điện ở Bến Đình đã quá mục nát, vì thế mỗi khi mưa lớn để đảm bảo an toàn là mấy ông nhà đèn chỉ có cách duy nhứt là cúp điện. Tạnh mưa thì mở lại. Có khi mấy anh thợ điện mãi lo nhậu nhẹt quên đóng cầu dao, thế là dân Bến Đình đành phải chịu cảnh ở thầm đến sáng.
Mấy chị em ngồi dồn cục để tránh mưa, chẳng ai màng tới việc đốt cây đèn cầy. Bóng tối là bàn tay vuốt ve nỗi cô đơn, là con nước ròng đưa những con thuyền xa xứ trở về dòng sông hoài niệm một thời đã xa… Họ ngồi lặng câm, hóa đá. Cơn mưa dữ tợn như con thủy quái hung hãn sút chuồng kèm theo những cơn lốc xoáy. Những miếng lợp bằng giấy dầu rách nát bay lả tả. Ngôi nhà xập xệ vặn mình kêu răng rắc tưởng chừng sẽ đổ sập xuống bất kỳ lúc nào. Mấy chị em Hiếu đã vài lần năn nỉ bà Bảy Tùng cho sửa lại. Bà ta đồng ý nhưng với một điều kiện là mọi người phải tự móc tiền túi và tuyệt đối không được trừ vô tiền mướn nhà!
Huệ cằn nhằn:
- Bả chơi khôn vậy ai mà chịu. Kệ, ướt cũng chẳng chết ai.
Gió thổi nghiêng làm nước tạt vô khắp nhà. Trang ngồi ngoài bìa bị ướt nhiều nhứt, để trốn mưa cô rúc đầu vô người Nhành. Bị nhột, Nhành liền đẩy ra. Ngân liền lấy tấm mền cũ phủ lên cả bọn. Ngoài trời tối đen như mực, chỉ thấy màn nước trắng đục tuôn ào ào như thác đổ. Tưởng đã yên thân nào ngờ nước mưa trên sàn gác thấm qua khe hở chảy xuống ròng ròng, khắp nơi đều dột. Bị nước nhểu xuống đầu, Nhành la bài hãi:
- Con Ngân tiện tay lấy mấy cái nón lá!
Trong màn đêm đen kịt, trong mưa gió tơi bời, trong ngôi nhà như hàm răng bà lão, bốn cô gái ngồi chùm hum cùng với bốn cái nón lá trên đầu coi thiệt ngộ nghĩnh. Huệ chép miệng than:
- Nước chảy tồ tồ như vầy trên gác chắc đã biến thành cái hồ bơi.
- Không phải - người đàn bà gầy đét như con mắm, xoay xoay mâm xôi vò bụi bặm trên tay, rồi cúi xuống thò tay vào ống quần gãi sồn sột. Mấy mụn ghẻ ngứa tróc mày rướm máu:
- Bên nhà con Tám cũng đâu nghèo đến nỗi mà ngửa tay lấy tiền của con gái. Ừ thì, nếu đó là đồng tiền ngay ngắn thì nhận cũng được, đàng này lại là tiền dơ tiền bẩn, cha mẹ nào mà dám cầm. Vả lại tui cũng đã tìm hiểu cặn kẽ, hoàn toàn không có chuyện đó. Hôm nọ gặp tui, dì Sáu, má con Tám cứ khóc hu hu thú nhận không hiểu tại làm sao nữa. Bả còn nói cha mẹ sanh con, trời sanh tánh!
Người bàn bên này đốp lại:
- Sao mấy bà ngây thơ quá! Ăn vụng còn dính mép đã chối leo lẻo nữa là. Nếu không vì tiền bạc thì vợ Tám Hoành làm chuyện ấy nhằm mục đích gì? Chẳng lẽ cốt để thỏa mãn cơn ngứa ngáy?
- Dám lắm chớ! – Vợ Hai cạo heo tém mái tóc cứng như rễ tre bĩu môi nói:- Tám Hoành tuy cưng vợ. Nhưng mấy người cứ nhìn mà coi, thằng chả suốt ngày đầu tắt mặt tối, tay chưn mặt mũi lúc nào cũng dính đầy dầu nhớt cứ như thằng ngốc bán than! Tắm rồi mà cứ như là chưa tắm! Sáng sớm vừa bảnh mắt ra đã thấy một tay cầm ổ bánh mỳ, tay kia cờ lê, mỏ lết. Tối đến vừa vứt mấy món đồ nghề thì ngã lăn quay ra ngáy o o chẳng biết trời trăng gì nữa, trong khi cô vợ thì cứ hừng hực như hỏa diệm sơn thì trách làm sao chẳng tòm teng với thằng khác!
- Nghe nói mà rởn da gà! – Bên bàn nhậu cự lại:- Người ta sống cốt ở cái tình cái nghĩa, con người hơn con vật là ở cái lý trí, hễ ngứa ngáy lên là chạy rong như chó tháng bảy thì còn gì là tình.
- Tình gì thì tình, - bên bàn cà phê lập tức “ phản pháo “ :- Cũng chẳng qua nổi cái tình dục! Đàn bà một khi đã no cơm, no tình thì cho dù phải lên núi dao, vượt qua biển lửa họ cũng chẳng từ nan. Đàng này để cho đói thì làm sao không sanh chuyện.
Bên bàn nhậu, một người ở trần để lộ mấy giẽ xương sườn bỗng cười ré lên:
- Hé ..hé..Vậy thằng Sáu Dư, chồng bà có “ trả bài “ đầy đủ hôn mà hai vợ chồng lục đục hoài vậy? Sáng gây, tối cũng gây!
Vợ Sáu Dư cũng chẳng phải tay vừa, vỗ bàn chửi lớn:
- Cái thằng ôn dịch kia! Đang nói chuyện nhà Tám Hoành sao mày bỗng dưng xía chuyện nhà bà? Vợ chồng bà cãi lộn hay ăn nằm với nhau thì mắc mớ gì đến mày? Bà nhắc cho mà nhớ, đụng đến bà là đụng tới tổ ong vò vẽ, biết chưa con? - Sao không mắc mớ? Mẹ kiếp! Cứ gây lộn um sùm cả xóm, không ai ngủ nghê gì ráo! Mấy người muốn làm gì thì làm nhưng đừng phiền người khác!
Thế là hai bên xoắn tay áo xông vô đấu võ miệng. Tất nhiên cánh đàn ông không thể nào bì lại bọn đàn bà già mồm lẻo sự. Bên bàn nhậu cãi không lại, tức quá, co chưn đá cái bàn đổ rầm một cái. Tư Râu do bị say rượu từ đêm hôm trước, mắt nhắm mắt mở chạy ra thì bị hứng nguyên ca nước đá vô mặt. Cuộc chiến tạm kết thúc phần thắng nghiêng về phía động vật có vú!
Vụ thứ hai là chuyện Mười “ đau khổ “. Nửa đêm tuần trước Bến Đình đang ngáy ngủ thì bị dựng dậy bởi hàng chục anh công an súng ống sẵn sàng đứng chặn tất cả lối ra vô. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Sau đó đích thân viên trung tá trưởng phòng cảnh sát hình sự đến gõ cửa nhà Mười “ đau khổ “ . Gõ hoài mà không thấy động tĩnh gì, ông ta bèn hất hàm ra lịnh cho nhân viên tông cửa xông vô. Bên trong vắng hoe, đồ đạc rơi vãi tứ tung. Sau một hồi lục lạo, người ta thu được rất nhiều vàng, đô la và có cả một cây súng sáu! Trời ạ, thì ra bấy lâu dân Bến Đình sống chung với tên tướng cướp cạn khoác bộ mặt lương thiện! Không tìm được kẻ phạm tội mấy anh công an thu hồi vật chứng chuẩn bị ra về thì bất ngờ có tiếng ho phát ra từ mấy tấm plafon. Mười “ đau khổ “ bị bắt vì cái cổ ngứa mất trật tự!
Tư thợ mộc ra vẻ là người có hiểu biết:
- Nếu quân đội là trường đại học tổng hợp để rèn luyện con người thì nhà tù là nơi để nâng cao “ nghiệp vụ “ cho bọn ma cô!
Thọ “ ba xị “ cãi lại:
- Ông nói nghe không lọt lỗ tai! Theo tui được biết, nhà tù là nơi cải tạo, giáo dục phạm nhân trở thành con người tốt, chớ ai lại… Một người ngồi gần đó đế vô:
- Đúng vậy! Nhà tù mà là nơi dạy nghề đạo tặc thì thế giới này quả thật nhiễu nhương!
- Ê, Tư thợ mộc, mày có vô xị nào chưa mà nói năng tùm lum tà la vậy?
Đợi mọi người nói cho sướng cái miệng, Tư thợ mộc vừa nhổ râu càm vừa cười hềnh hệch:
- Vậy tui hỏi mấy người , ở Bến Đình này từ trước tới nay có bao nhiêu đứa chuyên môn vào tù ra khám? – Rồi không đợi mọi người trả lời, Tư thợ mộc nói luôn:- Năm đứa, có phải vậy hông?
Mấy cái đầu bờm xờm cùng gật lia lịa. Nhóm “ ngũ quỷ “ chuyên chọc trời khuấy nước ở khu vực Bến Đình là: Hậu lé, Tài ghẻ, Hảo đen, Minh khùng và người cuối cùng có tên trong bảng phong thần là Mười “ đau khổ “. Tư thợ mộc để cọng râu vừa nhổ được vô lòng bàn tay rồi thổi phù một cái ra chiều khoái chí lắm:
- Vậy tui hỏi mấy người trước kia thằng Hậu lé bị phạm tội gì?
Một người lẹ miệng đáp:
- Tội đá gà!
- Vậy sau khi ra tù nó làm gì?
- Hậu lé ra tù, nhờ có số má nên nhảy lên làm chủ một lúc mấy trường gà.
Tư thợ mộc cười ha hả rồi nói:
- Tài ghẻ bị bắt lần đầu về tội đánh bài, sau khi ra tù nó tổ chức chứa bài. Thằng Hảo đen ở tù về tội cắp xe đạp, ra tù nó “ thổi “ toàn xe gắn máy mắc tiền. Minh khùng trước đó phạm tội ghi đề, ra tù nó nghiễm nhiên làm thầu đề. Còn Mười “ đau khổ “ làm nghề đạo chích không xong, vậy mà giờ đây bỗng trở thành tay tổ trong việc mở két sắt!
Cuối cùng Tư thợ mộc kết luận một câu xanh dờn:
- Các người mở miệng nói trại cải tạo là nơi giáo dục phạm nhân trở thành người tốt. Tốt đâu không thấy mà chỉ thấy tụi nó phạm tội càng tinh vi hơn, liều lĩnh hơn và có tổ chức hơn. Tui nói có đúng hông?
Cả bọn cứng họng nín khe, dòm Tư thợ mộc bằng ánh mắt tâm phục, khẩu phục.
Vụ thứ ba lại liên can đến bọn đàn ông ham nhậu nhẹt, tuy không rùm beng như hai vụ kia nhưng không vì thế mà giảm đi kịch tính. Chuyên là vầy; thứ Ba tuần trước Hai cạo heo đi đám giỗ về vì uống chưa đủ “ đô “ nên khi thấy bàn nhậu của Sáu Lùn bèn sà đại. Hai cạo heo nhậu xấu nết nên chẳng ai muốn tiếp. Thấy mọi người “ liệng cục lơ “ , Hai cạo heo nổi nóng đưa tay đập bàn:
- Tụi bây khinh thằng này không uống nổi chắc? Tao tuy đã sương sương mấy xị nhưng vẫn còn sức để hạ đo ván cả đám tụi mày. Thằng nào dám thi thố với tao không?
Thấy Hai cạo heo đã xà quần không ai thèm chấp, nhưng anh ta được thể càng làm tới, cởi áo vắt vai, ra sức thách thức:
- Đồ hèn! Về nhà lấy quần mỹ a của vợ mà bận vô! Đồ không đáng mặt đàn ông!
Quá lắm rồi! Mặt mình như vầy mà hắn dám biểu mặc quần đen của vợ thế có nóng mũi không chớ. Nhục mà không rửa được thì không đáng mặt nam tử hán! Sức mày nhậu được mấy lăm hơi mà bày đặt thách với đố. Được rồi, muốn “ chiến đấu “ tới cùng thì thằng này chiều luôn! Thử xem mèo nào cắn đuôi mèo nào.
Sáu lùn ra điều kiện:
- Ai gục trước ngoài việc phải thanh toán tiền rượu còn phải bái người kia làm sư phụ, và kể từ nay không được héo lánh đến chỗ đàn anh nhậu nhẹt.
- Tưởng gì! Tao đồng ý! Tụi bây đâu! Dẹp bàn, bày rượu cho hai đại ca so tài cao thấp!
Dĩa khô cá sặc chỉ bằng mấy ngón tay cái, cóc ổi, nước trà đá đều bị gạt sang một bên. Hai cạo heo ra điều kiện, trong lúc uống rượu không được ăn mồi, không được “ chữa lửa”, chỉ được nốc rượu suông, và phải uống bằng chén ăn cơm, ai ói trước người đó thua!
Một người xách can rượu năm lít đổ vô cái thau nhôm bự chà bá, đặt lên bàn. Bên cạnh là hai cái chén sành hình bát tiên. Hai cạo heo hôn chụt lên ông Lý Thiết Quài, cười ha hả:
- Ông là bạn của tui, hãy giúp tui hạ thằng này!
Đám bộ sậu tản ra hai bên làm trọng tài, khua soong nồi ầm ĩ. Mấy người đi đường hiếu kỳ dừng lại, ghé mắt vô coi mỗi lúc một đông. Thoắt một cái họ đã đứng chật ních cả lối đi mặc cho mấy chiếc xe gắn máy bóp kèn inh ỏi.
- Bắt đầu!
Cả hai cầm chén thò vô thau rượu múc đầy và đưa lên miệng tu ừng ực. Chén thứ nhứt Hai cạo heo hết trước, anh ta ra sức khiêu khích đối phương:
- Nè, nên lượng sức mình chịu thua sớm đi, đỡ nhục!
- Tao mà thua mày thề sẽ tam bộ nhứt bái từ đây về nhà như Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê!
Ba chén đầu vô khá ngọt, nhưng đến chén thứ tư thì cả hai bắt đầu thấy dội, nhưng hơi men làm máu sĩ diện bốc lên chẳng ai chịu thua ai. Bên ủng hộ cũng chia làm hai phe, họ gào thét cổ vũ gà nhà bằng tất cả những gì có được trong tay. Phe Sáu lùn có ưu thế hơn nhờ sớm mượn được mấy cái nắp soong của chủ quán gõ chập cheng. Bên Hai cạo heo chỉ có mấy cái ly mẻ cộng với vài chiếc đũa nên có phần yên ắng.
Uống đến chén thứ sáu thì rượu chạy ngược trở ra, Hai cạo heo đưa tay vuốt ngực nuốt trở vô, nước mắt tóe ra. Sáu lùn cũng chẳng hơn gì, nốc một hơi không nổi, đành phải nhấp từng ngụm. Hai cạo heo nói lẹo lưỡi:
- Uống rượu mà cứ như nốc thuốc chuột! Chịu thua, tao tha cho cái khoản tam bộ nhứt bái!
- Mẹ kiếp! Coi thường quá đáng, coi nè!
Sáu lùn nín thở uống sạch. Vừa đặt chén xuống lập tức đưa tay bịt miệng, tuy nhiên cũng có vài giọt chảy ra. Đom đóm lập lòe trước mặt.
- Thua rồi!
- Chưa thua!
Hai bên cãi nhau nhặng xị, cuối cùng cuộc thi vẫn tiếp tục.
Thau rượu đã vơi gần hai phần ba. Lúc này Hai cạo heo nhướn mắt không nổi, xương hàm cứng lại không sao cử động được. Sáu lùn cũng chẳng khá hơn. Mẹ Kiếp! Thằng Hai cạo heo nhậu ghê thiệt. Nó mà nốc thêm chén nữa chắc mình xếp giáo quy hàng.
Chén thứ tám. Hai bên chưa vội uống mà đưa mắt nhìn nhau rồi nhìn chén rượu mà rợn cả người, không ai chịu uống trước, cả hai đều biết rằng khó lòng qua nổi cửa ải này. Hai cạo heo nói mà khớp hàm không động đậy:
- Mày uống trước đi, Sáu lùn.
- Kính lão đắc thọ! Mày lớn hơn tao một tuổi, tao nhường mày trước.
- Không, cả hai cùng uống!
Cả hai đặt chén lên môi, mắt không rời nhau. Đám lâu la vứt hết tất cả, nín thở quan sát. Hai cạo heo uống được phân nửa thì bỗng ngã đùng ra bất tỉnh nhân sự. Sáu lùn thì thê thảm hơn, mắt trợn ngược, tay chưn co giựt như lên cơn động kinh rồi ngoẻo đầu xuống...
Đúng là kỳ phùng địch thủ! Nai vạt móng thì chó cũng le lưỡi!
Mọi người xô vô giựt tóc mai, cạo gió nhưng vô hiệu. Một người tỏ vẻ biết chuyện biểu phải đưa vô bịnh viện gấp vì đấy là hiện tượng ngộ độc rượu để lâu Trời cứu!.
Chiếc xích lô lập tức được trưng dụng đưa hai đệ tử thần Lưu Linh vô thẳng bịnh viện. Gần nửa tiếng sau, bà Năm, má Sáu lùn bán vé số về nghe tin lật đật chạy thẳng vô nhà thương, vừa chạy vừa nguyền rủa thằng con vô tích sự chẳng biết làm gì ngoài việc nốc rượu. Riêng chị Hai thì dửng dưng, ham ăn ham nhậu cho chết! Thằng chả mà chết, tao cúng ông Địa nải chuối, rồi cấm thằng Giống, thằng Nòi không được vô thăm.
Tưởng từ chết tới bị thương, nào dè, tờ mờ sáng hôm sau đã thấy hai người cặp kè dắt díu nhau về nhà. Hỏi, thì cả hai nhoẻn miệng cười tỉnh rụi. Trốn viện! Tiền nhậu không đủ lấy đâu mà đóng viện phí. Sau lần đó, Hai cạo heo nghĩ nhậu đúng một tuần. Còn Sáu lùn thì lâu hơn vài ngày.
Cánh đàn bà được dịp bêu riếu. Tại sao không chết phứt vài thằng cho chúng nó sáng mắt ra. Đàn ông gì mà chỉ biết khư khư cái chai từ sáng đến tối, chẳng làm nên trò trống gì. Bọn nhậu nhẹt “ phản pháo “ lại:
- Còn mầy mà? Bộ tốt lắm hả? Quẳng gánh ra là sà ngay vô sòng tứ sắc đến tối mịt, bỏ mặc con cái, chẳng màng đến chuyện cơm nước, giặt giũ. Thứ đồ đàn bà hư!