31/3/12

Như lục bình trôi (Chương 79)

Họ gặp nhau tại một quán cà phê yên tĩnh, thoáng mát. Tiếng đàn piano của nghệ sĩ Richard Clayderman tài hoa làm rung rinh sợi dây cảm xúc. Đã lâu rồi họ mới có dịp ngồi bên nhau trong không khí ấm cúng, lãng mạn như vầy. Ông Khả nhìn Trang bằng ánh mắt say đắm. Gương mặt nửa sáng nửa tối lấp lánh niềm vui khôn tả.

- Có thật không em? Chúng ta sẽ sống bên nhau chứ? Em có biết tâm trạng của anh như thế nào không, hạnh phúc lâng lâng, tâm hồn anh như được chấp cánh bay cao vào không gian bao la, vô tận, chưa bao giờ anh có được cảm giác như thế này. Giá như anh có thể hét toáng lên cho tất cả mọi người biết rằng, anh đang hạnh phúc biết dường nào.

- Nhưng, em vẫn thấy lo sợ, nỗi sợ rất mơ hồ không sao lý giải được, ông à.

- Chẳng có gì khiến em phải băn khoăn lo nghĩ cả. Anh hứa sẽ đem đến cho em một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn, anh sẽ bảo vệ, che chở em đến hơi thở sau cùng. Hãy tin ở anh!

Trang thở dài:

- Em tin ông, nhưng em lại không tin vào bản thân mình. Dù sao đó chỉ mới là dự định, còn rất nhiều vấn đề khó khăn mà chưa chắc chúng ta có thể vượt qua. Em là một cô gái yếu đuối, thái độ không vững vàng, hôm nay như thế này, có khi ngày mai lại thế khác. Em cảm thấy ân hận vì đã nói những lời này với ông, bây giờ em sợ lắm, sợ đến nỗi muốn nghẹn thở đây này.

- Anh hiểu tâm trạng của em. Nhưng em phải hiểu rằng, những gì thuộc về chúng ta, chúng ta có quyền được hưởng. Anh rất thấu hiểu nỗi khổ của Vân. Chia tay Vân lòng anh cũng đau như cắt , anh sẽ cố gắng bù đắp cho Vân, lo cho Vân một cuộc sống đàng hoàng, đầy đủ không thiếu thốn thứ gì.

- Tất cả những thứ đó nào có nghĩa lý gì một khi tình yêu bị đánh mất. Đối với phụ nữ chúng em chẳng thà ăn đói, bận rách mà được sống chung với người mình yêu, còn hơn ăn ngon mặc đẹp mà cứ sống vất vơ như kiếp lục bình trôi nổi, sống mà như cái xác không hồn thì sống làm gì hả ông?

Ông Khả nói:

- Em đừng bận tâm thái quá về điều này. Anh sẽ giải quyết việc này một cách êm thấm. Hãy tin ở anh, tin vào sức mạnh tình yêu của chúng ta.

Trang vẫn không thể nào xua đi cảm giác tội lỗi canh cánh bên lòng. Cuộc sống sao mà khó quá, được cái này mất cái kia, chẳng bao giờ trọn vẹn. Nghe ông Khả nói khiến Trang càng thêm lo, cô không hiểu ông sẽ giải quyết như thế nào đây.

- Anh sẽ đánh đổi tất cả và sẵn sàng đáp ứng trọn vẹn yêu cầu của Vân nếu những đòi hỏi đó nằm trong khả năng của anh, miễn sao cô ấy để anh được tự do.

Càng nghĩ Trang càng thấy buồn, vợ chồng chung sống với nhau hàng chục năm trời mà nói tiếng chia tay dễ dàng đến vậy sao, chẳng lẽ từng ấy năm vợ chồng đầu ấp tay gối lại không lưu giữ được chút kỷ niệm nào để mà thương, mà nhớ, mà day dứt băn khoăn. Tại sao ông quá đỗi vô tình đến vậy?

Đọc được ý nghĩ trong ánh mắt của Trang, ông Khả nói:

- Anh biết, em có ý trách anh là người đàn ông bội bạc. Thiệt tình, anh rất khổ tâm khi đưa ra quyết định đau lòng này, nếu như có sự lựa chọn nào khác tốt đẹp, vuông tròn hơn thì anh đã không làm như vậy. Em hãy hiểu và thông cảm cho anh. – Đoạn ông Khả nhìn Trang trìu mến:- Chúng ta đã thuộc về nhau và phải được sống bên nhau!

Ông khả nắm tay Trang siết chặt một cách tự tin. Trang ngẩng mặt lên, ánh mắt thiết tha chan chứa hạnh phúc và đầy rẫy những lo toan, mặc cảm tội lỗi. Bản “ moon river “ ( sông trăng ) vừa kết thúc, cô chủ quán uể oải đứng dậy, đặt vô khay đĩa hòa tấu của nhà chỉ huy dàn nhạc tài hoa Paul Moriat. Giai điệu bản “ love is blue “ ( tình yêu màu xanh ) trỗi lên đằm thắm, du dương một cách lạ lùng khiến lòng người ngây ngất như say. Trang thấy trong lòng nhẹ nhõm như vừa trút xong gánh nặng trên mình. Bất giác cô ngước mắt nhìn ra cửa. Ngoài kia những mảnh vỡ của ngày lấp lánh dưới đáy hồ. Trời chiều đang giẫy chết trên lá non tơ. Hoàng hôn nhuộm màu tím bầm trên khắp mái nhà, góc phố. Trên bầu trời những đám mây bàng bạc trôi đi, đi mãi về một phương vô định..

& && Không có xóm lao động nào đàn bà nổi tiếng nhiều chuyện như ở Bến Đình này. Những buổi trưa nắng chang chang, người ta trốn nóng bằng cách kéo nhau ra ngồi túm tụm ở ngay đầu hẻm, những chỗ có bóng râm, đôi khi họ còn ngồi tràn ra giữa lối đi , vừa nhiều chuyện, vừa né người tránh xe cộ, hàng gánh, xe cà rem, trái cây đi ngang qua. Ngày nào cũng vậy, cứ đúng mười hai giờ trưa là vợ Sáu lùn mang chiếc chiếu rách ra trải trước cửa nhà. Ngay lập tức, “ cào cào “, “ châu chấu “ sà đít xuống, khươi chuyện để nói. Lúc đầu, họ nói chuyện trong nhà, chồng con, chuyện trên giường, rồi lan ra đến việc thiên hạ. Vợ Sáu lùn ngậm cây tăm vắt vẻo, vỗ tay xuống chiếu nổ phát pháo đầu tiên:

- Mấy bà biết một chuyện vô cùng ly kỳ, rùng rợn hôn?

Kiểu nói úp úp mở mở đó khiến mọi người sốt ruột. Mấy bà đầu bù tóc rối ngồi xít lại, mắt nhìn chòng chọc lên cặp môi dày, thâm đen vợ Sáu lùn như muốn nuốt từng lời:

- Chuyện gì vậy? Nếu là chuyện thằng Thọ ba xị thì cả nước biết rồi, khỏi phải nhắc lại nữa.

Thọ là dân nhậu thứ thiệt, ( mà hầu như tất cả đàn ông ở Bến Đình đều là dân nhậu. Bởi vì người giàu có vô vàn thú vui dành cho giới thượng lưu. Còn dân nghèo chỉ biết nhậu và nhậu. Nhậu để vui, để tìm quên những nhọc nhằn số phần đã định ) được mọi người đặt cho cái biệt danh là Thọ “ ba xị “. Thật ra, tửu lượng của Thọ có thể uống gấp đôi, nhưng hễ nốc đến xị [1] thứ ba là Thọ bắt đầu la làng làm náo động cả xóm! Nên có biệt danh là “ ba xị”. Cách đây không lâu, Thọ đi đóng cốp pha ở cầu Ông Thìn được chủ nhà đãi một chầu rượu thuốc ngâm cá ngựa với lẩu cá kèo. Rượu ngon, mồi bắt [2] cộng thêm câu chuyện rôm rả mãi đến gần nửa đêm Thọ “ ba xị “ mới “ đề pa “ về nhà, đường rộng thênh thênh không đi lại nhè cột điện mà đâm đầu vô. Cú va đập quá mạng thiếu điều cong cái cột đèn khiến Thọ bể đầu máu ra lênh láng, nằm chổng cẳng bất tỉnh nhân sự. Ngặt nỗi xung quanh chẳng có trạm y tế nào, ngoài cái nhà hộ sinh xập xệ cấp huyện với chiếc xe cứu thương bị hư từ đời tám hoánh. Sáng ra nghe một bác tài xe ôm tốt bụng báo hung tin, vợ Thọ khóc rống lên rồi thì quần ống cao ống thấp, quên cả mặc xu chiêng, hối bác tài chạy bán mạng. Đến nơi, thì thấy ông chồng thân yêu của mình nằm chung phòng với mụ đàn bà đẻ song sinh! Thọ “ ba xị “ bước ra khỏi nhà hộ sanh phải lấy chiếc nón lá rách te tua của vợ che mặt! Chuyện này, cả xóm được một phen cười bể bụng. Thọ mắc cỡ, không dám ló mặt ra khỏi cửa, lại còn thề sẽ bỏ rượu, nhưng chỉ bỏ được vài ngày thì đâu lại vào đấy. Hỏi, Thọ trả lời tỉnh bơ, cái đó rượu hứa chớ đâu phải anh ta hứa!

- Không phải chuyện đó. Bộ mấy bà không hay tin xóm này sắp giải tỏa thiệt à? Đừng có dòm tui như vậy, đâu phải tui đặt điều dựng chuyện giựt gân. Tui có ông anh bà con làm việc ở phòng quản lý đô thị. Ảnh cho biết khu vực này nằm trong diện quy hoạch, ăn tết xong sẽ bắt đầu giải tỏa, giải tỏa sạch sành sanh!

- Thiệt hôn đó? Đừng làm tụi tui hồi hộp nghen. Vậy người ta sẽ làm gì với miếng đất nghèo đói này? – Vợ Hai Đực nói.

- Nghe đồn, nơi đây sẽ mọc lên một công viên cây xanh và khu giải trí liên hợp gì gì đó.

- Ối trời, không hiểu mấy ổng nghĩ gì mà xây những thứ chơi bời trác táng đó. Tiền không đủ ăn thì lấy đâu mà giải với trí không biết. Còn công viên đâu phải là nơi người ta nghỉ ngơi thư giãn, mà là chỗ tụi ma cô, đĩ điếm lộng hành!

Một người xía vô:

- Hơi sức đâu mà lo! Lúc ấy, tui sẽ bán bao cao su ngừa bịnh lậu thế nào cũng dư sức sống phây phây!

Vợ Hai Đực tỏ vẻ lo lắng:

- Chà, giải tỏa thì mệt lắm. Ở đây toàn là dân nghèo chạy ăn từng bữa thì lấy đâu ra tiền để mua đất cất nhà, lại còn công chuyện làm ăn nữa, ở nơi lạ nước lạ cái biết phương gì để sống, phen này chắc chết đói nhăn răng!

Một bà có nước da đen bóng, tướng tá thô ráp như “ gấu mẹ vĩ đại “ lại hớn hở ra mặt:

- Từ lâu tui đã mong chạy trốn cái chỗ chó chết này mà không có điều kiện, nay được như vầy không có gì vui sướng bằng. Mấy bà không thấy nhớ vụ giải tỏa xóm Bến Đò sao, ai cũng được nhận tiền đền bù thỏa đáng, được bán nhà chung cư trả góp, nhà nào đông người còn được bán đất giá rẻ, sướng thấy mồ tổ, còn gì!

Một người khác nói bằng giọng lo lắng:

- Tui là dân KT3 không biết có được hưởng chế độ đền bù hôn nữa. Sao mà thấy lo.

- KT3 thì không được rồi, người ta chỉ hỗ trợ tiền di dời thôi, làm dân nhập cư nghĩ cũng khổ!

Bà tạm trú thở dài thườn thượt:

- Cũng là người Việt Nam máu đỏ, da vàng cả, mà tụi tui cứ như là những đứa con rơi, con rớt, bị phân biệt đối xử trên chính quê hương đất nước của mình. Thiệt là bất công hết sức!

Chuyện giải tỏa, đền bù kéo dài gần một tiếng đồng hồ đến phát chán, một người bèn lái sang chuyện khác:

- Nè, mấy bà có biết chuyện mấy đứa “ nữ tặc “ mướn nhà bà Bảy Tùng hôn. Nhìn bề ngoài đứa nào cũng xinh xắn dễ thương, lại có chữ nghĩa đàng hoàng chớ không như tui một chữ bẻ đôi cũng không biết. Chậc, có ở trong chăn mới biết chăn có rận, mà con nào con nấy nó bự bằng con ba ba ấy chớ!

- Nó đại đi, cứ vòng vo hoài.

Vợ Hai cạo heo ở sát nhà nên chuyện lớn, chuyện nhỏ nó đều biết không sót mảy may. Trong năm đứa chúng nó, đứa thì làm nghề nhậu mướn, đứa thì đẻ mướn, đứa khóc mướn chẳng ra làm sao cả!

- Bà này nói kỳ! Khóc mướn thì tui có thấy, chớ làm gì có nghề nhậu mướn với đẻ mướn! Đừng thấy con người ta làm ăn có tiền mà sanh lòng ghen ghét.

- Ghét chồng, ghét con là đủ mệt rồi, hơi sức đâu mà ghét cả thiên hạ. Bộ bà không thấy con nhỏ ..Tên nó là gì ta? Tự nhiên quên ngang xương! À, Trang mang cái bụng bầu bảy tám tháng rồi hả. Đàn bà không chồng mà chửa, mấy bà không thấy lạ sao. Chính mắt tui còn thấy, thằng cha nào đó ăn mặc sang trọng lắm tới chở nó đi hoài. Nghe đồn, nó đẻ mướn với giá đến mấy chục triệu lận nghen.

- Trời đất, có chuyện đó thiệt sao. Thế gian này loạn mất rồi. Con nhỏ đó ham tiền nên mới làm cái chuyện trái với luân thường, đạo lý như vậy. Nếu là tui, cho dù có cho cả tấn vàng, tui cũng đách thèm!

Vợ Sáu lùn bật cười ha hả:

- Vừa xấu, vừa hỗn ẩu như bà, ngoài cha Sáu Lùn ra thì chẳng ma nào dám rớ! Thằng chồng của tui vừa nhậu, vừa hôi, nếu có cha nào coi “ sạch nước cản” tới rước là tui bái bai hắn liền mà chẳng cần nghĩ ngợi lâu la!

- Còn nhậu mướn là sao? Chắc là như mấy con cave chớ gì?

- Không. Nghe nói, nhậu tính theo giờ, mỗi giờ được cả trăm ngàn lận đó!

- Sao kỳ vậy? Ăn nhậu mà còn được tiền sao? Để tui kêu thằng chồng bỏ nghề làm hồ, chuyển sang nghề nhậu, có khi lại khấm khá. Rượu đế, ổng nốc tới hai lít!

- Chồng của mụ lúc nào cũng hôi rình như từ đống rác chun ra, vô ngồi ở bàn tiệc chỉ làm cho khách nôn ọe ra mà thôi. Người ta cần đàn bà con gái xinh xắn, thông minh chớ đâu cần đám đực rựa thô tục.

- Chà, rượu vô thì làm sao mà không ngứa ngáy! Ú ớ con nhỏ đó bị bọn đàn ông “ quần “ cho tanh bành té bẹ rồi cũng nên! – Một người nói.

- Thì ra tụi nó cũng chẳng tốt đẹp gì ráo, vậy mà mỗi khi đi ra đường mặt cứ vênh lên như mặt thớt! Thế nào, tui phải chửi một trận cho bõ ghét.

Vợ Hai Đực:

- Thôi, cho tui xin can! Chuyện thiên hạ mắc mớ gì bà mà chỉa mũi vô? Rồi thế nào cũng um sùm cả xóm cho mà coi. Thây kệ người ta!

Một người day mặt sang hỏi vợ Hai cạo heo:

- Trong năm đứa, đứa nào làm nghề khóc mướn, có phải con nhỏ ốm ốm, cao cao hôn?

- Không phải, con nhỏ đó tên Hiếu làm thợ may. Con này cũng chẳng đạo đức gì cho cam. Ế chồng nên quơ đại con mụ “ xăng pha nhớt “ làm bạn tình cho đỡ ngứa nghề! Tui đã từng thấy hai đứa ôm nhau xà nẹo ở ngoài đường. Con nhỏ có trăng trắng, có mụn ruồi dưới càm ấy.

- À, tui biết rồi, con Huệ, chà, không ngờ con nhỏ đó mặt mũi coi sáng láng lại làm cái nghề hạ tiện như vậy. Đúng là cái đồ...

Người khác lại ra sức bênh vực:

- Suy cho cùng, chẳng có gì là xấu xa hết ráo! Khóc mướn chớ đâu phải làm gái bao hay đĩ điếm. Ông bà xưa đã từng nói có đói thì đầu gối cũng phải bò! Nếu là tui, tui cũng làm. Tiền nhiều ai lại không ham!

Câu chuyện đang đến hồi cao trào thì Huệ phóng xe quẹo vô. Mấy người đàn bà nhiều chuyện lập tức nín thinh. Một mụ cố tình không tránh đường, mặc dù Huệ đã bóp kèn mấy lần.

- Tránh cho người ta đi! – Một người nói.

Người đó trề môi nhìn Huệ nói trổng: - Cha, nước mắt lại biến thành xe, thành quần áo, vàng vòng nghe, đúng là phép lạ! – Người đó cong môi, kéo dài giọng như còi hụ.

Huệ quắc mắt nhìn vợ Hai cạo heo. Chị ta cúi mặt nín thinh, len lén đưa tay nhéo người ngồi bên cạnh một cái, biểu im.

Cuối cùng Huệ cũng quẹo xe vô nhà. Nhành đang cầm quyển “ Minh triết phương Đông “ đứng trước hiên nhà, miệng lầm rầm. Tử viết:” Ngô thập hữu ngũ, nhi chí ư học, tam thập nhị lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ” [3]. Nhành căm thù đạo Khổng mà vẫn cứ phải học lào lào đúng là ghét của nào trời trao của đó! Trong cô bỗng cựa quậy ý nghĩ khôi hài, Lão Khổng tự vỗ ngực khoe khoang, ba mươi tuổi đã đi đứng ăn nói vững vàng. Vậy mà ròng rã mười bốn năm trời, qua lại bảy nước muốn rụng cặp giò, thuyết khách đến gãy lưỡi nhưng rốt cuộc chẳng ai thèm nghe và tin dùng! Thất chí, chẳng biết làm gì nên viết thứ hổ lốn tự xưng là Đạo của Khổng ta đây!. Chính thứ triết học thổ tả này đã làm chậm tiến trình lịch sử của một phần ba nhân loại suốt hai ngàn năm! Và thân phận người phụ nữ bị đối xử chẳng khác gì súc vật cho đến tận ngày nay, mặc dù các nhà xã hội học đang ngày đêm kêu gào bình đẳng giới tính! Nói là một chuyện còn làm lại là chuyện khác! Thậm chí cô còn biết chuyện ông cán bộ tòa án có tên tuổi chuyên giải quyết những án dân sự, những vụ kiện tụng về các ông chồng bạc đãi, lăng mạ vợ…,ông quan tòa khả kính này có cái tật mỗi lần say tới chữ là lôi người đầu ắp tay gối ra mà đánh bằng roi cá đuối [4]! Đoạn Nhành thở dài ngán ngẩm, tất cả những người đàn ông mặt dày mày dạn tự cổ chí kim, từ những đấng quân vương chễm chệ trên ngôi cao ngất ngưởng, một lịnh truyền là muôn người vạn tuế tung hô, những nhà tư tưởng hễ mở miệng ra là một tấc đến trời, những vị nguyên thủ quốc gia đi đến đâu đều được đón chào long trọng bằng hai mươi một phát đại bác tan tác cả bầu trời, chí đến những nhà khoa học có đôi mắt “ thiên lý nhãn “ có thể nhìn thấy sự sống trên sao Kim, Sao Hỏa.. đều từ phía dưới bụng phụ nữ mà ngoi ra! Thậm chí vị anh hùng áo vải Lam Sơn Lê Lợi , không phải một mà có đến hai lần chun ra từ chỗ kín của đàn bà [5]! Đáng lẽ Phụ Nữ phải được tôn vinh, dựng tượng đài, thì họ lại ra sức mạt sát, khinh khi, rẻ rúng! Khổng Tử dạy mọi người phải biết lễ nghi, hiếu nghĩa, trong khi bản thân lại là kẻ bất hiếu vô nghì! Bị Lỗ Tấn chửi là đáng lắm! (Lỗ Tấn nói , Khổng tử chửi luôn cả mẹ của hắn) Huệ dựng chống ngang. Chưn bước mà miệng cứ cằn nhằn:

- Đúng là thứ đàn bà nhiều chuyện!

- Gì vậy? – Nhành nói mà mắt không rời khỏi trang sách. Lại đọc. Tử viết:” Quân tử hữu tam úy: úy thiên mệnh, úy đại nhân, úy thánh nhân chi ngôn..” [6].

- Mấy mụ ngồi lê đôi mách ở đầu hẻm đang chửi xiên chửi xéo chị em mình. Tức muốn nín thở!

- Kệ, họ chửi mỏi miệng thì thôi, hơi đâu mà bận tâm.

- Chị nói vậy sao được. Mình không đụng chạm đến họ, họ lại đem chuyện của mình ra bêu riếu, làm sao mà không giận cho được. Sức em, muốn tán mấy con mẻ không còn cái răng húp cháo mới hả. Đầu đuôi chuyện này nhứt định vợ Hai cạo heo mà ra. Mà chị mới đọc cái gì nghe lạ hoắc vậy? Thế nào là “ Bất tri mệnh, vô dĩ quân tử dã…”, em chẳng hiểu gì ráo!

Nhành thở dài, giải thích:

- “ Không hiểu được số mệnh thì không phải là người quân tử..”. Nói như lão Khổng coi ra cả thiên hạ đều là tiểu nhân, bởi vì có mấy ai biết được số phận mình ra sao đâu. Nói bậy như vậy mà thiên hạ vẫn cứ gật đầu lia lịa!

Huệ thắc mắc:

- Chị học mấy thứ bá vơ này để làm gì?

Nhành nói ngắc ngứ như bị nghẹn đờm:

- Cuộc nhậu tối nay bàn luận về triết học phương Đông! Chó chết đến thế là cùng!

Nhành cất sách, biểu Huệ nép xe sang một bên để cô đẩy xe mình ra. Hẻm chật nên va quẹt là không tránh khỏi, Huệ nhìn săm soi chiếc xe như nhà vi trùng học, rồi la lên:

- Chị Nhành làm xe em bị trầy đây nè! Đi đứng kiểu gì vậy?

Nhành cười khanh khách, rồ ga mất hút.

__________ [1] Xị là chai có dung tích bằng ¼ lít [2] Mồi ngon [3] Khổng tử nói:” Khi ta mười lăm tuổi đã để tâm nơi học vấn, ba mươi tuổi đi đứng ăn nói đã vững vàng, bốn mươi tuổi không bị mê hoặc, năm mươi tuổi hiểu được mệnh trời, sáu mươi tuổi khi nghe người khác nói ta đã phân biệt thật giả đúng sai, bảy mươi tuổi thì mọi mong muốn không bị câu thúc, không ra ngoài quy củ ”.

[4] Roi cá đuối lấy từ phần đuôi cá sau đó đem phơi khô. Vì đuôi có nhiều ngạnh, quất đến đâu là tóe máu đến đó [5] Lê Lợi trong một lần bị giặc Minh truy đuổi cùng đường phải chạy vào nhà một bà lão. Nhà không có chỗ trốn, bà lão bảo vì vua tương lai chui vào váy của bà mà nấp. ( váy người xưa dài đến mắt cá và rất rộng, hoàn toàn không có quần lót như thời hiện đại ). Quân Minh xông vào thì chỉ thấy bà lão đang điềm nhiên ngoáy trầu nên bỏ đi, nhờ thế mà Lê Lợi như được sinh ra lần thứ hai [6] Khổng tử nói “ Người quân tử có ba điều sợ : sợ mệnh trời, sợ vương công đại nhân, sợ lời nói của thánh nhân …” ------- [1] Mủng vùa = vỏ trái dừa khô được cạo sạch làm chén ăn cơm. Nói trại là “ muỗng vùa “