31/3/12

Như lục bình trôi (Chương 78)

Đến lượt Ngân bước vào phòng phỏng vấn.

- Nếu như có hai cuộc hẹn cùng xảy ra một lúc với giám đốc thì cô sẽ xử trí như thế nào?

Bà trưởng phòng nhân sự, tháo cặp kính lão đặt lên bàn để quan sát kỹ hơn dung nhan người đối diện. Một cô gái đẹp, bà ta nghĩ thầm, nhưng phải còn đợi cách ứng xử của cô ta như thế nào đã, đẹp mà đầu óc rỗng tuếch thì chẳng khác gì vật trang trí trong tủ buýt phê. Đây là cuộc kiểm tra sơ bộ trước khi gặp trực tiếp giám đốc.

- Trước hết, tôi sẽ tìm hiểu xem cuộc họp nào là quan trọng hơn để tham mưu cho giám đốc. Tất nhiên đối với khách hàng phải ưu tiên lên hàng đầu rồi mới đến chuyện nội bộ. Một lời từ chối lịch sự, khéo léo sẽ giúp cho khách hàng không phật ý.

Bà trưởng phòng gật gù tỏ vẻ quan tâm, rồi hỏi tiếp:

- Trước khi tiếp xúc với đối tác cô phải làm gì?

- Công việc cần làm là phải nắm rõ tiềm năng về sản xuất, kinh doanh, khả năng tài chính, tính pháp lý hợp pháp và khả năng thanh toán. Ta cũng cần lưu ý thêm về sở thích ẩm thực, văn hóa, thậm chí cả cuộc sống riêng của người đó, biết người biết ta trăm trận trăm thắng là ở chỗ đó.

- Tốt! – Bà trưởng phòng nhân sự gật gù tỏ vẻ hài lòng:- Bây giờ cô mang hồ sơ này vào gặp giám đốc. Cô đến ngay nhá, Sếp sắp có cuộc họp quan trọng với công ty nước ngoài.

Bà ta giao cho Ngân xấp hồ sơ. Ngân không thể ngờ sự việc lại diễn ra thuận lợi đến vậy. Trước khi đến đây, cô không mấy tự tin cho lắm.

Ngân đưa tay gõ gõ lên cánh cửa, bên trong phát ra giọng nam trầm vừa đủ nghe:

- Mời vô!

Ngân bước vô. Ông giám đốc đang ngồi xoay lưng về phía cô, mắt đối diện với màn hình vi tính, tự nhiên cô cảm thấy run run, hơi thiếu tự tin. Ông giám đốc thoát khỏi chương trình access, và xoay nửa vòng chiếc ghế.

- Là anh sao?

- Ngân!

Cả hai nhìn nhau sững sờ kinh ngạc. Ngân cứ đứng chôn chưn tại chỗ, cặp mắt đẹp tròn xoe không chớp, toàn thân cô nóng hầm hập như lên cơn sốt, gương mặt đỏ rần như vừa té vô thùng rượu. Đúng là ông trời chơi cắc cớ, khiến cô gặp Tuấn trong cảnh ngộ này. Từ hôm bị bắt quả tang việc học chui, cô đã nhiều lần van vái đừng để gặp bất kỳ người nào cùng khóa học, nhứt là Tuấn. Vậy mà..

Tuấn đứng dậy, nhìn cô cười rộng lượng, hai tay dang ra như chào đón. Ngân lùi lại, lùi lại và đột ngột xoay lưng chạy thẳng ra phía ngoài.

- Ngân! Ngân! Hãy dừng lại nghe anh nói.

Ngân quýnh quáng suýt chút nữa đâm sầm vô những người đang đứng ngồi lố nhố chờ phỏng vấn, ra đến cửa cô lại suýt trợt chưn ngay bậc tam cấp. Tuấn đuổi theo, miệng không ngớt kêu tên cô.

Bà trưởng phòng gọi với theo:

- Thưa giám đốc còn cuộc họp!

- Chị hẹn cho tôi vào dịp khác. Mọi việc bảo anh Thân , phó giám đốc lo liệu.

- Giám đốc! Giám đốc!

Ngân chạy trối chết quên cả lấy xe đạp. Thật ra, cô không quên nhưng sợ Tuấn bắt kịp nên đành bỏ liều. Lúc này cô chỉ có một ý nghĩ duy nhứt là chạy thiệt nhanh ra khỏi chỗ này. Ngân nhắm mắt, nhắm mũi chạy qua đường chẳng mảy may để ý đến chiếc du lịch bốn chỗ ngồi đang từ xa phóng đến. Khi nhận ra mối nguy hiểm thì không còn kịp nữa. Thôi rồi, Ngân nghĩ thầm. Nhưng một cánh tay đã kéo cô giựt ngược trở lại, lực kéo quá mạnh khiến cả hai ngả chồng lên nhau sát lề đường, đầu của Tuấn va vào gốc cây dầu tóe máu...

Họ ngồi bên nhau trong quán cà phê kín đáo yên tỉnh, Ngân cứ áy náy nhìn miếng vải trắng quấn quanh đầu Tuấn như khăn tang, một vệt máu đỏ lan ra thành hình đồng xu phía sau ót. Giọng Ngân lo lắng:

- Anh đi chụp CT đi, không khéo chấn thương sọ não thì nguy! Cũng tại anh đuổi theo tui làm chi cho khổ.

Tuấn cười nhỏ. Anh đã tìm cô từ ấy cho cho đến nay, khi mà mọi hy vọng đã tắt ngấm thì cô bất ngờ xuất hiện cứ như món quà hào phóng của Thượng Đế ban tặng thì làm sao bỏ qua cho được. Chỉ là một vết thương xoàng thôi mà, có gì đáng phải bận tâm:

- Tại sao em lại chạy trốn anh?

- Biết rồi còn hỏi! – Ngân cười thẹn, nói chuyện mà mắt nhìn đâu đâu.

- Ngân có biết, anh đã cất công tìm kiếm em lâu lắm không? Em đã đi đâu mất biệt giữa thành phố chật ních này vậy? Thậm chí anh còn định tìm em trên ti vi nữa kia.

Hay ghê! Chẳng quen biết gì mà cứ anh anh em em tỉnh bơ! Anh kiếm tui để làm gì? Để cười thả ga con nhỏ mặt mày sáng láng vậy mà đi học chui chớ gì? Tại anh cứu tôi bị thương ở đầu nên tôi mới cực chẳng đã theo anh vô quán này. Mắc cỡ lắm! Anh đừng nhìn tui như vậy, người ta muốn độn thổ đây nè.

- Em đến làm việc chỗ anh nhá. Công ty của anh rất cần những người vừa xinh đẹp vừa có năng lực như em, gật đầu đi, cho anh yên tâm.

Đúng là Ngân đang đói việc mà tiền dành dụm đã gởi về nhà và chi tiêu gần hết. Nếu không phải là công ty của Tuấn thì cô đã mừng như bắt được vàng. Tại sao ông Trời lại chơi khăm đến vậy chớ?

Tuấn không thuyết phục cô nữa mà kể về mình bằng chất giọng trầm buồn, ngắt quãng:

- Em biết không? Anh xuất thân là trẻ bụi đời. Thật ra anh cũng có cha có mẹ, nhưng mọi người lại không xem anh như con mà là một cái gai trong mắt. Nhà anh ở Buôn Ma Thuột, mảnh đất cà phê nổi tiếng. Ba má anh thừa hưởng cả cánh đồng cà phê bạt ngàn cò bay thẳng cánh, lại có cả máy máy cày, máy kéo và hàng chục người làm mướn, được xếp vào hàng “ có máu mặt “ trong huyện. Ba má anh có cả thảy bốn người con, hai trai hai gái. Anh là con thứ ba, dưới anh còn cô em gái có hàm răng khểnh. Khi có bầu anh, má đi coi bói. Thầy bói phán, anh là món nợ tiền căn, ba má anh kiếp trước thiếu nợ không trả nên kiếp này anh đầu thai để đòi lại! Ba vốn mê tín sợ quá biểu má phá thai, nhưng má không chịu, còn chê là thấy bói nói bậy! Không dè, lời phán của bà thầy lại linh ứng! Đẻ anh chưa tròn tháng, thì cả cánh đồng cà phê sắp đến kỳ thu hoạch bỗng dưng bị sâu rầy phá hoại trơ trụi, coi như mất trắng. Chưa hết, người anh cả đang khỏe mạnh sờ sờ, tự nhiên bị sốt nằm li bì cả tháng rồi bị liệt hẳn! Từ một gia đình dư dả bỗng chốc trở thành con nợ khổng lồ, lúc này dù không muốn, má cũng phải tin. Thế là, anh nghiễm nhiên trở thành “ kẻ thù “ trong ngôi nhà thân yêu của mình. Mọi người đối xử với anh như một con vật không hơn không kém. Tới bữa cơm, ai nấy đều được dùng chén đũa ngồi bàn, thì anh ăn bằng mủng vùa ngồi đất và chỉ được ăn phần cơm thừa canh cặn mà thôi. Ba, thậm chí cấm mọi người kêu anh bằng tên khai sanh, mà phải kêu là “ Thứ báo đời! “ Anh không được làm con người, ngay cả tên của mình cũng bị từ chối. Năm ấy anh đã tám tuổi, đáng ra đã học đến lớp hai thì anh một chữ bẻ đôi cũng không biết. Cả nhà đều được đi học, ngay cả người anh bị bại liệt, còn anh thì không. Ba anh nói với má, cho “ Thứ báo đời “ đi học nhiều để nó phá nhiều à. Nó phải làm để “ trả món nợ “ mà nó đã gây ra cho nhà này!

Anh phải làm việc nặng nhọc như người trưởng thành, từ đào đất đến xách nước tưới cây anh đều phải cáng đáng. Làm nhiều mà ăn không đủ no nên người anh khô quắc khô queo như con cá lòng tong! Thỉnh thoảng anh thấy, má nhìn anh tỏ vẻ ái ngại, nhưng tình cảm ấy chỉ thoáng qua và vụt tắt như vệt sao băng trên bầu trời. Cực khổ, thiếu trước hụt sau khiến ba càng căm thù tận xương tận tủy, ba đổ trút tất cả bực dọc lên đầu anh bằng roi vọt, bằng cú đấm, bằng tất cả những gì có trong tay. Mấy anh em cũng hùa theo, thay phiên làm khổ, đày đọa anh. Người anh bị liệt dùng ná thun bắn vào người anh bầm tím:

- Tại “ Thứ báo đời “ mà tao phải bị tật nguyền như vầy. Sao mày không chết đi cho rảnh nợ!

Suốt một thời gian dài, anh cứ đinh ninh những lời nguyền rủa ấy là thật, anh vô cùng đau đớn, anh chẳng muốn nợ nần với ai cả, tại sao ông Trời lại bắt anh đi đòi? Đêm đêm, anh nằm ở xó bếp lạnh căm căm với chiếc bao bố rách, bên cạnh con chó già mù mắt. Nó là người bạn duy nhất thương anh, hiểu anh mà thôi. Anh vuốt ve con chó già và hỏi nó, tại sao ta lại bị đối xử bất công như vậy? Tại sao, ta sinh ra là con người mà chẳng được làm người? Mày nói đi Ki nô! Con Ki nô không nói mà chỉ rên ư ử, thè cái lưỡi đỏ hỏn liếm lên mặt, lên mũi. Anh khóc, con chó cũng rưng rưng. Nó già sắp chết rồi, sẽ có một ngày nó bỏ anh mà đi.

Một hôm, ba bị chủ nợ làm nhục buồn quá nên đi uống rượu. Xế chiều, ba trở về với con dao yếm bén lẻm trong tay. Từ đầu ngõ đã nghe giọng ba đằng đằng sát khí:

- Bữa nay tao phải chém chết “ Thứ báo đời “, để nó sống ngày nào là nhà này mạt vận thêm ngày đó! Nó chết, tao đi tù khỏi bị nợ bủa vây!

Anh đang kéo nước giếng cho vô lu, nghe thấy thế bèn co giò chạy trối chết. Anh chạy cả cây số mà không dám ngoảnh lại. Sau đó nhờ những người tốt bụng cho ít tiền, anh lên thành phố lây lất ăn xin.

Ăn xin bữa đói, bữa no, lại bị đứa lớn ăn hiếp. Chúng đánh anh đến ộc máu mũi, máu mồm, tuy vậy vẫn sướng hơn ở nhà. Bị đánh hoài riết rồi quen đòn. Và cách tốt nhứt để khỏi đánh đập là lánh mặt chúng. Rồi anh cũng dành dụm được ít tiền đi bán bong bóng. Chẳng dè, cái nghề này lại khấm khá, trừ chi phí ăn uống lại còn có dư chút đỉnh. Anh tính dành dụm để mua thêm bộ đồ vì lúc chạy lên thành phố anh chỉ có mỗi một bộ bận trên mình. Nhưng “ đại ca “ đã hửi được mùi tiền. Hắn đè nghiến anh xuống và lột sạch, chẳng chừa một xu dính túi, đã vậy còn bị thêm mấy cái dộng sưng mặt vì cái tội giếm tiền , không thật thà khai báo!

Anh lại tiếp tục ăn xin nơi đầu đường, xó chợ. Hôm nào không có tiền, anh vô tiệm hủ tiếu húp nước lèo dư của khách. Đêm, anh ngủ nhờ ở mái hiên nhà một nhà giàu có kiêm luôn phận sự làm chó giữ nhà! Cùng ngủ với anh là Hớn. Hớn mười sáu tuổi bị liệt cả hai chưn, sinh nhai bằng nghề vẽ. Hớn vẽ không đẹp nhưng khách thấy lạ và thương cảnh tật nguyền nên kiếm cũng đủ ăn. Thỉnh thoảng anh ta cho anh củ khoai, mẫu bánh, và dạy anh vẽ. Anh vẽ rất tồi, vẽ hoài mà không tiến bộ.

Hớn nói:

- Số mày ăn mày là đáng lắm rồi. Tao què quặt mà còn vẽ được, còn mày thì không!

Gặp tháng đông lạnh giá, hai anh em ôm chầm lấy nhau cho đỡ lạnh. Một lần anh hỏi Hớn:

- Anh Hớn ơi, em có phải là con nguời không.

Hớn nhìn anh như từ cung trăng rớt xuống:

- Mày không là người chẳng lẻ là chó à. Mà có khi là chó lại sướng hơn, được cho ăn đầy đủ, chỉ mỗi việc sủa gâu gâu là hoàn thành sứ mạng!

Việc kiếm ăn của Hớn bị trục trặc do đại ca liên tục trấn lột. Nhiều bữa hai anh em phải mang bụng đói đi ngủ. Nhưng mà nào có yên thân, người hành hạ chưa đủ, lại tới phiên ông Trời!

Một hôm có bà trạc năm chục tuổi, ăn mặc rất diện đến xem tranh của Hớn, bà ta xem tranh thì ít mà ngắm gương mặt và thân thể trắng trẻo của Hớn thì nhiều. Hớn đẹp trai, nếu không tật nguyền chắc anh dễ trở thành diễn viên điện ảnh cũng nên. Ngày đầu, bà ta mua liền ba bức và hào phóng không lấy tiền thối lại, hôm sau rồi hôm sau nữa cũng vậy. Những ngày ấy, hai anh em được ăn bánh mỳ thịt và uống nước ngọt có ga, còn gì sung sướng nào bằng.

Đúng vào ngày Chủ Nhật, người đàn bà đó đến trên một chiếc taxi, hối thúc Hớn thu dọn đồ đạc đi theo bà ta ra Vũng Tàu có công việc. Hỏi việc gì thì ba ta ậm ừ không nói. Anh đòi đi theo thì bà ta gạt phắt. Thật lòng, Hớn không muốn đi nhưng gì mang ơn bà ta nên đành phải chiều theo ý, vả lại từ bé đến lớn anh ta chỉ quanh quẩn một chỗ nên cũng muốn đi đây đó mở mang tầm mắt. Một tuần sau, Hớn về “ ngôi nhà thân yêu “ ( ngôi nhà thân yêu của tụi anh là cái vỉa hè đối diện với trung tâm mua sắm ). Phờ phạc. Lặng câm. Rồi Hớn kể lể bằng giọng của người hấp hối: Ra đến Vũng Tàu, người đàn bà thuê một phòng đôi. Sau khi đi ngắm cảnh biển và ăn các món hải sản thỏa thích, cả hai dắt díu về phòng riêng. Lúc này mụ đàn bà mới hiện nguyên hình là con quỷ dâm dật! Suốt một tuần lễ liền, Hớn phải thỏa mãn những đòi hỏi thân xác của mụ. Kể xong, gương mặt Hớn đanh lại, anh dặn anh phải cẩn thận kẻo bị dụ dỗ. Năm ấy anh mới chín tuổi nên chẳng lấy làm lo cho lắm.

Từ hôm ấy, Hớn trở thành con người hoàn toàn khác, anh lầm lì, hay cáu gắt, xé vụn giấy vẽ, bẻ gãy bút chì, dĩ nhiên anh cũng bị “ văng miểng.” Sự việc kéo dài đúng một tuần thì anh và Hớn bị thu gom. Cả hai được đưa về một nơi có tên gọi là “ Mái ấm “. Hớn hóa câm, không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của cán bộ, bởi vì anh không còn tin ai trên đời này nữa. Và cả anh cũng vậy. Anh nghĩ, cha mẹ ruột còn không thương con thì đừng mong đợi gì ở những người dưng nước lã. Tuy nhiên, anh cũng trả lời những câu hỏi của họ.

Một chị hỏi:

- Em tên là gì?

- “ Thứ báo đời ! “ Tất cả nhìn anh chưng hửng. Có người tỏ vẻ không hài lòng, nghĩ rằng anh khêu khích họ. Kỳ thực anh không đùa giỡn một chút nào, cái tên “ Thứ báo đời “ đã thâm căn cố đế từ thưở lọt lòng mất rồi.

- Kỳ quá, ai lại có tên “ Thứ báo đời “ bao giờ. Em nhớ lại đi!

Anh đã suy nghĩ mất mấy ngày mới nhớ lại. Một lần mấy chú công an xã kiểm tra nhân, hộ khẩu theo định kỳ, có nhắc đến tên Lê Trần Thái Tuấn, trong nhà không có ai tên đó, chắc là tên mình rồi!

Mấy cô, mấy chú còn hỏi nhiều lắm nhưng anh cứ nín thinh nhứt quyết không trả lời, anh Hớn đã xúi anh phải làm như vậy. Ảnh là người tốt đã từng cưu mang giúp đỡ anh, không tin ảnh thì tin ai bây giờ.

Ở Mái ấm anh được ăn uống, học hành tử tế, mọi người cư xử với anh rất chân tình, chu đáo. Quá đỗi bất ngờ khiến anh không dám tin đó là sự thật. Nhéo mà thấy đau là đúng rồi! Thì ra trên đời còn nhiều người tốt lắm. Anh Hớn cũng bắt đầu hòa nhập, anh vẽ hăng say và hay cười. Anh nhớ hoài lần đầu tiên cô giáo dạy anh học bài “ Công cha nghĩa mẹ “, khi đọc đến đoạn “ Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra..”, anh đã bật khóc, khóc như chưa từng được khóc, có lẽ nước mắt tích tụ suốt ngần ấy năm đắng cay tủi nhục trào ra tất tật. “ Công cha “ là những trận đòn thù vô cớ, là những lời nguyền rủa độc địa, “ nghĩa mẹ “ là ánh mắt cay nghiệt đầy rẫy hận thù. Không ghìm nén được nỗi đau, anh đã kể hết cùng nước mắt mặn đắng trên môi. Các cô, các chú cũng khóc theo, thậm chí còn khóc dữ hơn, có cô chịu không nổi đã chạy vội ra ngoài, vục mặt vô thau nước...

Anh bị chứng “ đói chữ “, hễ gặp bất cứ thứ gì có chữ là đọc ngấu, đọc nghiến. Lúc nào tên anh cũng đứng đầu lớp. Nhưng chữ thầy cô dạy không làm đủ thỏa mãn trí tò mò của anh, vì thế anh đã làm cái việc mà một đứa trẻ được giáo dục tử tế không được làm, anh đi ăn cắp sách!

Nhà sách cách “ Mái ấm “ không xa, chỉ vài chục bước chưn. Một ông sĩ quan cấp tá về hưu mở hiệu sách cốt không để kiếm lời mà để đỡ buồn, và cũng là dịp trang bị thêm kiến thức cho mình, mọi người. Tiệm sách không lớn, mỗi tựa chỉ có vài cuốn nên rất dễ kiểm soát. Anh chỉ chú tâm vô mấy cuốn sách toán. Lần đầu tiên thó được quyển “ toán lớp ba nâng cao “, anh vừa mừng vừa run đến không ngủ được , lúc nào cũng sống trong tâm trạng thon thót hoảng sợ như tên tội phạm đang trốn lịnh truy nã. Nửa đêm lúc mọi người ngủ say, anh lồm cồm ngồi dậy làm bài tập nhẩm. Giải được bài nào, anh lại vỗ đét lên đùi một cái, hả hê lắm. Anh tự hứa, sẽ không bao giờ làm việc xấu ấy nữa. Nhưng mà chỉ vài ngày sau, nỗi đam mê toán học lại dựng anh dậy, kéo anh ra tiệm sách. Lần thứ hai, thứ ba trót lọt thì anh không biết sợ là gì nữa. Anh lại tự bào chữa bằng lý lẽ rất tiêu cực, nhiều sách như vậy lấy đi vài cuốn không sao, ăn cắp sách chớ ăn cắp tiền đâu mà sợ. Nhưng đi đêm có ngày gặp ma. Anh không bị ông đại tá mà do cô quản lý trong trường phát hiện anh có nhiều sách đến vậy, mà toàn là những cuốn mắc tiền, mới chết.

Cổ hỏi:

- Em lấy những thứ này ở đâu? Nói!

- Thưa cô, người ta cho ạ.

- Ai cho? Nhìn cử chỉ lấm la lấm lét như ăn vụng, tôi biết ngay là em đã rinh ở đâu đó thôi, có đúng hôn?

- Không, em nói thiệt mà. Ông bán sách ở gần cột đèn cho em, không tin cô hỏi thử đi.

Anh nghĩ, nói như vậy ắt sẽ thoát nạn, bởi vì ai hơi đâu mà mất thời gian đôi chối lôi thôi. Nhưng anh đã lầm, cô quản lý quyết làm rõ trắng đen sự việc.

Cô quản lý đưa anh đến tiệm sách, lúc ấy ông đại tá về hưu đang cầm phất trần phủi bụi bám trên giá sách.

- Có phải chú cho nó mấy cuốn sách này hôn?

Anh nhìn ông ta bằng cái nhìn cầu khẩn van xin, mặt tái mét vì sợ. Ông đại tá cũng nhìn anh bao dung rồi khẽ gật đầu:

- Ừ, tôi cho, thấy thằng nhỏ ham học quá nên..

Cô quản lý lúng túng, còn anh thì thở phào nhẹ nhõm. Khi cô quản lý về ông mới kéo tay anh lại và nói:

- Ông biết mày lấy từ cuốn đầu tiên, nhưng ông không nói đó thôi. Ăn cắp là xấu không nên tiếp tục tái phạm. Mà mày là con cái nhà ai vậy?

Anh đành khai thiệt, thậm chí còn thêm hành thêm muối cho có vẻ “ bi kịch “. Nghe xong, ông đại tá về hưu rớm nước mắt cảm động, chẳng những không bắt tội mà còn cho thêm mấy cuốn nữa về nhà:

- Tội nghiệp thằng nhỏ! Khi nào cần, mày cứ đến lấy, ông tặng không lấy tiền đâu mà sợ. Sau này thành tài nhớ lại đây báo tin một tiếng để ông mừng!

Bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, anh đã thi đậu điểm tối đa vô khoa công nghệ thông tin trường đại học tổng hợp. Năm sau lại dành luôn suất học bổng bên Nhật. Hôm lên đường anh ghé thăm ân nhân. Ông đại tá đã già lắm rồi, nắm tay anh cười móm mém mà ánh mắt cứ rưng rưng:

- Ông biết là mày làm được mà. Ở bển nếu có điều kiện mày nên học lên cao học, tiến sĩ, nghe chưa? Đừng bao giờ bỏ qua cơ hội hiếm hoi. Ông tin mày sẽ làm được.

Anh đã nghe theo lời dạy của ân nhân không những lấy được bằng cao học mà còn dành dụm được số vốn kha khá để cùng mấy người bạn thành lập công ty buôn bán linh kiện máy tính, kiêm sản xuất phần mềm. Thời gian đầu do thiếu vốn và kinh nghiệm nên không cạnh tranh lại những công ty lớn, có lúc đứng trên bờ vực phá sản. Thời gian này thị trường máy vi tính còn bị thả nổi, chủng loại, giá cả phập phù không thống nhất gây hoang mang cho người tiêu dùng. Để tạo sự yên tâm cho khách hàng, anh in bản liệt kê từng loại linh kiện, ghi rõ chủng loại, xuất xứ, giá cả và chế độ bảo hành của từng món. Không ngờ kết quả lại vượt quá sự mong đợi. Công ty của anh không những không bị phá sản mà còn ăn nên làm ra như diều gặp gió! Tiếc rằng, ông đại tá tốt bụng đó đã đột ngột qua đời khi anh rời khỏi Việt Nam chỉ vài tháng. Từ đó cứ vào ngày hai mươi lăm tháng chạp là anh đi vẫy mả, thăm viếng mộ Người.

Kể đến đây Tuấn im lặng, chờ cho cơn xúc động lắng xuống, anh kể tiếp:

- Nhắc đến ông đại tá, anh chợt nhớ đến nhân vật Găng Van Giăng trong “ Những người khốn khổ “. Giăng Van Giăng được thức tỉnh bởi đức Cha cao cả, còn anh được như ngày hôm nay là nhờ vào tình thương bao dung của các cô, các chú ở “ Mái ấm” , ông đại tá về hưu, chính họ đã làm thay đổi số phận và cách nghĩ của anh. Cả anh Hớn cũng vậy, anh đã trở thành họa sĩ tài năng, có tranh triển lãm, hiện đang sống với vợ, một cô gái hoàn toàn không biết chút gì là nghệ thuật , cùng hai đứa con rất hạnh phúc. Mỗi tháng anh ghé thăm ảnh chỉ một lần, có khi còn ngủ đêm ở đó.

Tuấn im lặng, đôi mắt đỏ hoe vì xúc động. Nghe Tuấn kể, mà Ngân không dám tin đó là sự thật. Nhìn dáng vẻ “ công tử “ của anh, người ta dễ ngộ nhận anh được sinh ra trong một gia đình nền nếp gia phong, giàu có.

- Còn cha mẹ anh thì sao? Mọi người có còn gọi anh là “ Thứ báo đời “ nữa hôn? – Ngân vừa nói vừa lấy khăn chấm nước mắt.

- Thỉnh thoảng anh có về quê. Anh cố xua đi ác cảm đối với mọi người, nhứt là Ba, nhưng sao khó quá! Họ đã gây cho anh một vết thương lòng không sao lành miệng. Nhưng thôi, chuyện cũ đã qua rồi thì hãy cho nó qua đi, nhớ lại chỉ thêm buồn tủi.

Tuấn nhấp một ngụm nước chanh, nhìn Ngân nói:

- Giữa chúng ta ít nhiều có những điểm giống nhau. Thiệt ra ngay từ đầu anh đã lờ mờ nhận ra khi nhìn thái độ của em và cô bạn. Ở các lớp học ngoại ngữ chuyện này vẫn thường xảy ra. Lỗi của anh là đã can thiệp mà chưa có sự đồng ý của em, nhưng em hãy hiểu và thông cảm cho anh, anh chỉ muốn mọi việc được kết thúc một cách tốt đẹp mà thôi, chớ hoàn toàn không có ý gì khác.