21/3/12

Sự tích trái sầu riêng


Ngày xửa ngày xưa, khi quân Tây Sơn đã yếu thế, chúa Nguyễn (tức là vua Gia Long) giành được giang sơn. Ông ta ra lịnh bắt bớ những người đã giúp vua Tây Sơn. Có một vị quan Tây Sơn trẻ chạy qua xứ Căm Bốt (Campuchia) lánh nạn. Tại đó, chàng ta đã gặp một cô gái Khờ-Me (là tên gọi của dân cư xứ Căm Bốt) xinh đẹp, và đã kết duyên vợ chồng. Họ sống rất hạnh phúc với nhau. Hàng ngày, chàng trai Việt giúp đỡ cô gái Khờ-Me trong công việc đồng áng. Họ dạy cho nhau tiếng mẹ đẻ, và chàng trai cũng hay giúp đỡ bà con láng giềng. Vài tháng trôi quạ đến một hôm, người vợ đem về một loại trái cây trông như trái mít, nhưng có một mùi rất lạ, làm cho người chồng nhăn mũi khó chịu. Cô gái mỉm cười, xẻ trái đó ra, và nói với chàng ta: "Anh hãy nếm thử đi, tuy trái này có mùi không được thơm, nhưng khi ăn vào, anh sẽ thấy nó ngọt bùi như lòng em đây. Chàng trai chiều vợ, nên ráng ăn thử một múi. Kỳ lạ thật, đúng như lời nàng nói, vị lạ, ngọt ngon làm cho chàng muốn ăn mãi mà không chán.
Từ đó, vào mỗi mùa sầu riêng, hai vợ chồng đều thích thú thưởng thức loại trái cây của xứ sở người vợ. Tuy nhiên, không bao lâu thì cô gái bệnh nặng và qua đời. Chàng trai rất đau khổ. Sau khi chôn cất nàng, chàng quyết định trở về đất Việt, mang theo loại cây kỷ niệm tình vợ chồng. Chàng đặt tên cho cây là Sầu Riêng, và âu yếm chăm sóc cho cây. Bà con hàng xóm lúc đầu cũng không thích mấy mùi sầu riêng, nhưng khi nghe chàng trai giải thích, và nếm thử, thì họ thích ăn vô cùng, và đem gieo giống sầu riêng khắp nơi.

(Nguồn Đoàn Xuân )