17/4/12

Bất chợt một chiều mưa (C1)

Giữa khuya, tôi lại bị cơn ác mộng hành hạ. Lúc nào thì cũng giống như lúc nào, cơn ác mộng cũng bắt đầu bằng gương mặt của mẹ. Một khuôn mặt hốc hác xanh xao, có đôi mắt mở to đầy vẻ khiếp đảm và một đầu tóc rối bù. Mẹ nắm lấy tay tôi, bàn tay khẳng khiu trơ xương của nguời như một gọng kềm, khiến tôi không làm sao vùng thoát được. Mẹ dẫn tôi ra tận sau nhà, nơi có những chiếc nong nuôi tằm bà chỉ cho tôi những chiếc kén trắng toát, nói:

- Ðấy thấy không, những chiếc kén!

Tôi sợ hãi muốn rút lui nhưng không làm sao rút được. Người lại chỉ một chiếc kén khác, nó có màu đen. Nó nằm riêng rẽ một chỗ.

- Ðấy xem kìa, một chiếc kén màu đen. Ðẹp quá phải không? Nó chắc lắm đấy, cắn mãi không đứt đâu, nó là chiếc kén của mẹ đấy!

Và bỗng nhiên, chiếc kén kia hóa to ra. To dần, nó trở thành một chiếc quan tài màu đen. Mẹ cười lí nhí rồi nói:

- Mẹ sẽ chun vào đấy! Mẹ sẽ nằm trong đấy mãi mãi... mãi mãi!

Tôi đã vùng vẫy, lắc đầu, tôi định thoát khỏi bàn tay của mẹ. Nhưng cái gọng kềm cứng ngắc đó làm tôi không sao thoát đuợc. Tiếng của mẹ lại vang bên tai:

- Một cái kén màu đen! Một cái kén màu đen thật chắc đó, con thấy không?

Tiếp đó chiếc quan tài chợt nhiên lay động, nó phình to ra như sắp nuốt chửng lấy tôi. Tôi sợ quá hét to lên, và tiếng hét đã khiến tôi giật mình tỉnh dậy.

Thật khiếp đảm, mồ hôi tôi vã ra như tắm.

Khi đã hoàn toàn tỉnh táo, tôi thấy mình vẫn còn nằm trên giuờng, nhưng cả người tôi lại mỏi nhừ, tay chân tôi tê cứng. Phải cố gắng lắm mới ngồi dậy được, tôi lau nhẹ mồ hôi trên trán rồi chồm người qua bật sáng chiếc đèn bàn. Ánh sáng tỏa ra thật chói mắt. Tôi thấy Nhất Vỹ chau mày trong cơn ngủ say. Có lẽ ánh đèn đã khiến anh khó chịu. Chồng tôi lại quay người vào trong và tiếng ngáy tiếp tục vang lên đều đều.

Cái khiếp đảm của cơn ác mộng vẫn còn đó, khiến tôi không làm sao dỗ lại giấc ngủ của mình. Tôi ngồi bó gối, ngắm người chồng đang ngủ say bên cạnh. Anh ấy lúc nào cũng vậy, bình thản, tự nhiên. Những con người có cuộc sống đơn giản vô tư thường có những giấc ngủ ngon như thế. Tôi chợt thấy ganh tị, tôi không muốn Vỹ ngủ ngon trong khi tôi phải thức. Thế là tôi lấy tay lay lay, Vỹ làu nhàu cái gì đó trong miệng, rồi lại tiếp tục ngủ. Tôi giận quá, đẩy mạnh. Tôi muốn Vỹ phải thức với tôi. Sau nhiều lần lay như vậy, cuối cùng, Vỹ cũng thức, chàng lấy tay dụi dụi mắt, rồi quay qua tôi, có vẻ không hài lòng.

- Em làm gì vậy? Sao không ngủ đi?

Tôi lắc đầu.

- Em không ngủ đuợc, em cứ nằm mơ hoài, toàn là ác mộng.

Ðôi mày của Vỹ chau lại.

- Nhưng bây giờ em đã thức rồi. Biết đó chỉ là mộng chứ?

- Vâng.

- Vậy thì chưa sáng, hãy ngủ lại đi.

Vỹ nói, rồi kéo chăn lên, chuẩn bị ngủ tiếp. Tôi không chịu, kéo lấy chàng.

- Em đã bảo là... em không ngủ đuợc mà.

- Ngủ không được? Vỹ có vẻ bực mình. - Vậy thì, anh biết làm sao bây giờ? Này Thanh Thanh, em cũng không phải là trẻ con. Tắt đèn đi, rồi nhắm mắt lại, cố dỗ giấc ngủ, đừng có quấy rầy người khác.

Nói xong, chàng kéo chăn lên phủ đầu, không đoái hoài gì đến tôi nữa.

Tôi yên lặng ngồi đấy. Biết có quấy rầy Vỹ chỉ khiến chàng nổi nóng. thế là tôi quay mặt nhìn ra cửa sổ. Bóng cây in trên nền trời như những con quái vật đen đúa lay động. Tôi chợt rùng mình, đêm yên lặng quá, đêm đầy đe dọa. Tôi quay sang nhìn Nhất Vỹ. Mới đấy mà anh chàng lại ngáy đều. Tiếng ngáy của chàng tạo cho tôi cái cảm giác như một người đang bị bỏ rơi trên hoang đảo một mình. Tôi chợt muốn khóc. Nhưng rồi thấy khóc cũng chẳng ai thèm nhìn đến, nên lại ngưng. Vâng, tôi đâu còn là trẻ con nữa mà được nuông chiều. Và đã không còn là trẻ con thì chỉ cái chuyện khóc hay cười cũng không thể tự phát, mà phải lệ thuộc vào nhiều thứ. Thế là tôi lại tắt đèn, nằm xuống. Mắt mở to nhìn bóng đêm, tôi biết từ đây cho đến sáng trắng tôi sẽ không làm sao dỗ giấc ngủ lại được. Chỉ có tiếng ngáy đều của Nhất Vỹ. Ngoài ra không có gì hết ngoài bóng đêm. Một đêm nặng nề trôi qua.

Cho đến lúc các vệt sáng đầu tiên của một ngày mới xuất hiện, tôi mới bước xuống giường, khoác chiếc áo khoác vào, mang thêm đôi dép da, rồi bước ra vườn hoa.

Ngôi nhà của chúng tôi khá rộng. Ðúng hơn đấy là một biệt thự nhỏ, có vuờn hoa bao quanh. Ðó là quà của cha mẹ chồng cho chúng tôi sau ngày cưới. Nhờ công việc làm ăn của Nhất Vỹ ngày càng phát đạt, nên chúng tôi sắm sửa thêm đủ mọi thứ. Vỹ đi làm mỗi ngày, tôi thì ở nhà. Nhưng việc làm trong nhà cũng có tôi tớ chăm lo nên tôi thật rảnh rỗi. Tôi chỉ có việc làm vườn. Và khu vườn nầy phần lớn là do tôi vun bón, chăm sóc.

Tôi thích nhất là hoa hồng, hoa đỗ quyên và cả phù dung nên tôi đã chia vườn hoa làm ba khu vực chính để trồng cả ba loại hoa đó. Ngoài ra tôi còn trồng thêm cúc, thược dược...

Sáng sớm, vườn hoa im lìm, nền đất còn ướt đẫm sương đêm. Cái không khí mát lạnh buổi sáng bao trùm vạn vật. Ðạp chân lên bãi cỏ non ẩm ướt, đi giữa những cánh phù dung đang nở rộ, tôi thấy lòng khoan khoái hơn. Sự sợ hãi vì ác mộng đã tan biến và tôi chọn một băng ghế đá ngồi xuống.

Giờ này chỉ có một mình tôi thức giấc. Tôi cứ ngồi như vậy lắng nghe tiếng gió thổi, tiếng chim hót trong vườn mà không bị ai quấy rầy.

Rồi trời sáng dần, cả một chân trời phía đông ửng đỏ. Và mặt trời như một chiếc bánh tròn từ từ bò lên ngọn cây dừa. Cái màu hồng của nền trời nhạt dần. Sau đấy mới thấy khói bốc lên ở ống khói nhà bếp. Vậy là cô người làm đã thức giấc, con bé đang làm điểm tâm cho chúng tôi.

Sau nhiều lần thay đổi, tôi mới tìm được người làm ưng ý.

Ðấy là một cô gái còn trẻ tuy hơi lười, ngủ dậy trễ, nhưng được cái lanh lẹ và không đứng núi này trông núi nọ. Những người ở trước tuy khá thạo việc, nhưng chỉ biết có tiền, nơi nào đó làm cao giá hơn là bỏ đi. Ðó là một thứ chuyện bực mình.
Tôi tiếp tục ngồi giữa vườn hoa bất động. Có một con chim nhỏ từ trên cây sà xuống trước mặt tôi, nó nghểnh cổ nhìn tôi như thăm dò, rồi bạo dạn nhảy nhảy đến bên chân tôi. Nó nhặt những hạt hoa, hạt cỏ rơi dưới đất. Có lẽ nó nghĩ tôi chỉ là một pho tuợng và tôi cũng thích như vậy, tôi thích thú ngắm, và nó chỉ tung mình bay lên khi có một chiếc lá vàng từ trên cành cao rơi xuống chạm đất tạo thành tiếng vang.

Tôi đứng dậy, ngắt lấy mấy chiếc lá hoa trà đưa lên mũi ngửi. Mùi thơm của lá thật dễ chịu. Mặt trời đã dâng cao, nắng bắt đầu nóng. Tôi hít một hơi dài vào lồng ngực, rồi chậm rãi đi vào nhà. Một ngày vô vị lại bắt đầu.

Khi tôi bước chân vào phòng ăn. Ðã thấy Nhất Vỹ ngồi bên bàn với tờ báo trên tay, che cả khuôn mặt. Ðó là thói quen của chàng. Vừa ăn sáng vừa xem báo. Tôi kéo ghế ngồi đối diện. Tiếng kéo ghế của tôi không làm Vỹ buông tờ báo xuống. Tôi ngồi đấy chờ đợi, xem thử đến bao giờ thì Vỹ nhận ra sự hiện diện của mình - nhưng có vẻ hoài công.

Ðợi một lúc, tôi thấy Vỹ đặt tờ báo xuống, rồi cầm đũa lên, chàng ăn mà mắt vẫn không rời trang báo. Vỹ hoàn toàn không hề để mắt đến tôi.

Không chịu được nữa. Tôi tằng hắng một tiếng. Vỹ vẫn tảng lờ như không biết. Tôi đành thở dài, rồi cũng cúi xuống dùng phần ăn sáng của mình.

Mãi sau khi Vỹ coi xong tờ báo cũng như ăn xong phần ăn. Bấy giờ chàng mới quay qua nhìn tôi. Cái nhìn của chàng khiến cho tôi ngừng ăn chờ đợi. Nhưng rồi Vỹ lại không nói gì. Thái độ chàng khiến cho tôi có cái cảm giác mình chỉ là một thứ đồ vật vô tri nào đó, chẳng hạn như một cái ghế, một cái bàn hay là một bức tranh treo trên tường. Nó có đó một cách tự nhiên chứ chẳng có gì xa lạ. Tôi thấy Vỹ đưa tay vào túi lấy thuốc ra, rồi bật lửa đốt. Chàng ngả người ra sau, thở khói. Mắt thì nhìn lên trần nhà, tư lự như một nhà triết gia. Chàng cứ ngồi như vậy thở khói. Sau khi tàn hết một điếu thuốc, mới đứng dậy hỏi trỏng.

- Mấy giờ rồi?

Tôi không có mang đồng hồ, nhưng hoạt động của chàng thì như một công thức bất dịch nên đáp.

- Khoảng tám giờ kém mười.

- Vậy à? Anh đi làm nhé!

Rồi Vỹ kéo ghế, chậm rãi bước ra khỏi phòng ăn. Một lúc sau, tôi biết chàng đã thay đồ. Tiếng chân bước ra cửa, rồi cổng mở, tiếng nổ máy ở nhà xe. Sau đấy là tiếng kèn, rồi xe chạy vút ra ngoài.

Mọi thứ trở lại với cái yên tĩnh cố hữu, giống như mặt nước hồ sau cái khuấy động do chiếc lá rơi, đã phẳng lại như gương. Tôi bưng chén cháo lên mà chẳng muốn ăn tí nào. Nhìn chén cháo từ lúc nó bốc khói, mãi cho đến khi nguội lạnh, tôi mới đặt xuống rồi đi vào phòng khách.

Ngồi co ro trong phòng khách, đặt thêm chiếc gối sau lưng cho đỡ lạnh, tôi cầm lấy quyển "Chuông gọi hồn ai" đã xem qua hằng trăm lần rồi mà chưa chán. Thời gian sao mà dài lê thê. Một ngày rồi một ngày cứ lặng lẽ như vậy trôi qua. Tôi như một loài thực vật ký sinh. Cô tớ gái tên Thu lặng lẽ bước vào, đặt ly trà nóng trên bàn cho tôi, rồi nói:

- Bà chủ, hôm nay nhà ta ăn gì?

- Ồ, cái gì cũng được. Em thấy ông chủ thích ăn cái gì thì mua thứ đó.

Cô tớ biết ý tôi, không hỏi thêm, đi ra. Thứ gì cũng được. Phải, lúc gần đây chẳng hiểu sao tôi lại không thiết dùng một thứ gì cả. Cái gì cũng nhạt nhẽo. Dù đấy là cao lương hay là mỹ vị. Ðiệu này mà kéo dài, có lẽ rồi tôi sẽ chết mòn mất.
Tôi cứ ngồi như thế. Cô tớ đã xách giỏ đi ra chợ từ lâu. Nhà chỉ còn lại một mình tôi. Một khoảng trống lạnh lẽo. Mọi thứ như ngưng đọng.

Tôi ngồi đấy trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, cả một đêm không ngủ làm tôi mệt mỏi. Tôi biết nhiều người đã nhìn vào tòa biệt thự xinh xắn này, những tiện nghi trong nhà và địa vị của Vỹ rồi cho rằng tôi là người đàn bà hạnh phúc. Tôi thực sự hạnh phúc chăng? Không biết. Tôi chỉ cảm thấy là vô tri nhiều lúc hay hơn. Vô tình nhiều lúc hơn cả hữu tình. Còn hạnh phúc thì nó là một cái gì không cụ thể, xa vời quá.

Một đêm không ngủ được làm tôi mệt mỏi. Ðôi mắt nặng trĩu, mà đầu thì như choáng, thế là tôi lại rơi vào trạng thái đó tôi lại thấy chiếc quan tài màu đen. Vâng, màu đen, nó rất to. Người ta đang dùng dây thừng đưa nó xuống huyệt mộ. Chiếc quan tài màu đen, hay cái kén màu đen? Tôi đã chạy xông đến định giữ lại, không cho người hạ nó xuống. Tôi vừa khóc vừa hét:

- Ðừng! Ðừng! Ðừng nhốt mẹ tôi trong cái kén màu đen đó. Hãy thả mẹ tôi ra, bằng không mẹ tôi sẽ chết mất! Hãy thả mẹ tôi ra!

Có người bước tới giữ tôi lại, rồi đưa tôi ra khỏi khu mộ. Một chiếc khăn ướt được mang đến lau mặt, lau tóc cho tôi. Khi tôi mở mắt ra, thì đã trông thấy cha. Người thật tiều tụy. Ðôi mắt sâu của người ngập đầy bi thương người buồn buồn nói với tôi:

- Ðừng có khóc nữa Thanh Thanh ạ! Mẹ dù sao cũng đã mất rồi. Mẹ con chết được như vậy có lẽ cũng còn sướng hơn là sống.

Tôi vẫn vùng vẫy la khóc.

- Con không chịu đâu. Con không muốn thấy mẹ bị nhốt trong cái khối màu đen kia. Hãy thả mẹ tôi ra.

Cha đã ôm chầm lấy tôi, mắt người rơm rớm nước mắt. Rồi sau đấy hình như có một người bà con nào đấy đã đến bế tôi đi khỏi vòng tay của cha. Mấy người xúm lại vỗ về, dụ ngọt, khuyên nhủ.

Tôi lại nghe tiếng xầm xì đâu đó:

- Xem kìa, con bé ăn nói gì kỳ quá. Chắc chắn một điều là nó có cái gen điên di truyền trong người. Quí vị để ý hành động của nó xem, không chừng đã phát bệnh rồi cũng nên.

Ðiên? Ðã phát bệnh? Tôi giật mình khi nhớ lại chuyện cũ. Chuyện đó xảy ra đã lâu lắm rồi. Mười mấy năm về trước. Vậy mà tôi vẫn nhớ rõ như in.

Ngồi ngay ngắn lại, kéo chiếc gối lót lưng ra. Ly trà đã nguội lạnh, tôi hớp một hớp, nước trà lạnh khiến tôi rùng mình. Ðiên à? nếu được điên không chừng hạnh phúc hơn là không điên. Người điên đâu còn khát khao, đâu phải suy nghĩ, bận tâm, phiền muộn. Ðúng không? Chỉ có hoàn cảnh sống như hiện tại mới đáng làm cho con người sẽ trở thành điên mới đúng.

Thời gian cứ thế chầm chậm trôi. Mới chín giờ hơn. Tôi đứng dậy, bước ra sân vườn. Dưới ánh nắng mặt trời, vườn hoa rực rỡ, tôi chớp chớp mắt nhìn thẳng về phía mặt trời, nhưng chỉ được một chút là mắt đã hoa lên... Nghĩ lại, con người cũng thật kỳ cục, họ như thích bóng tối nhiều hơn là ánh sáng. Nhưng bóng tối lại tượng trưng cho sự đe dọa, xấu xa, tội lỗi cơ mà?

Tôi còn đang phân vân thì chuông cửa reo, rồi cô tớ tên Thu với chiếc giỏ đi chợ trên tay bước vào. Không biết chuyện gì đã xảy ra mà cô bé có vẻ hốt hoảng. Nó đi thẳng một mạch đến bên tôi, vừa thở hổn hển, vừa nói:

- Thưa bà, sợ quá! Ngoài kia, ngoài cổng ta kia kìa... Có một người đàn ông cứ đứng ở đó nhìn vào nhà. Con để ý thấy đã ba hôm nay, ông ta đứng như vậy. Và mỗi lần thấy con đi ra cửa, là ông ta nhìn theo. Nhìn một cách kỳ lạ lắm... Ban nãy con đi chợ lại thấy ông ta, bây giờ quay về, ông ta vẫn còn đứng đấy! Lạ thật!

Con bé ấp úng một chút lại tiếp:

- Bà ra cổng mà xem. Ở ngay cạnh cột đèn đường trước của nhà ta đó, con ngại quá!

Tôi nghe con bé nói, rồi nhìn nó. Chuyện như vậy mà cũng ngại. Hớt hải thật sự hay là một sự làm dáng giả vờ? Con bé năm nay mười sáu tuổi, tuổi bắt đầu mơ mộng, nhưng mà cái khuôn mặt dẹt, răng hô, lại đầy tàn nhang của nó. Một khuôn mặt như vậy mà hấp dẫn đàn ông được à?

Tôi lại ngắm kỹ thân hình gầy gầy như con khô hố của nó chẳng có một chút gì biểu hiện cho cái hấp dẫn của thiếu nữ ở tuổi dậy thì. Vậy thì làm sao?... Tôi không nhịn được cuời, nhưng cũng nói:

- Không sao đâu... Tại em bị cái gì ám ảnh đó. Chứ tôi thấy có lẽ ông ta chỉ là một người qua đường hoặc có hẹn hò, đứng đấy chờ ai thôi. Em đừng để ý nữa vào nhà đi.

Nhưng tôi chưa dứt lời thì đã thấy một bóng người đàn ông xuất hiện ngay trước đôi cánh cổng mở toang, mà cô Thu khi vào chưa kịp đóng lại. Tôi giật mình nhìn sững. Gã mặc chiếc chemise trắng, quần dài màu cà phê sữa. Bên ngoài khoác thêm chiếc áo gió màu đen. Mái tóc dài, đôi mắt đen sâu, đăm đăm nhìn về phía chúng tôi. Cô Thu sợ hãi lùi ra sau, lắp bắp nói:

- Thưa bà, hắn đấy, chính hắn đấy!

Người đàn ông không đợi chúng tôi hỏi, đã bước vào trong sân. Anh ta đứng tựa lưng vào tường, đưa tay lên vuốt lại mái tóc. Lặng lẽ nhìn tôi.

Bấy giờ tôi mới giật mình. Một gương mặt quá quen thuộc, trái tim chợt nặng trĩu. Nó nặng đến độ làm tôi như nghẹt thở. Tôi lùi ra sau một bước. Cô bé Thu không hiểu, tưởng tôi sợ, nó vội chạy ra sau núp sau lưng tôi.

Nhưng rồi tôi cũng lấy lại được bình tĩnh. Tôi quay lại đẩy nó vào nhà, nói:

- Vào trong đi, không sao đâu, người quen mà!

Cô bé Thu ngạc nhiên nhìn tôi, rồi nhìn người đàn ông lạ. Xong mới chịu rút lui vào trong. Ðợi con bé đi xong, tôi mới bước tới. Cố nén cơn xúc động trong lòng, tôi nói:

- Tôi không ngờ anh lại quay trở về đây.

Anh ta cười buồn nói:

- Về được hơn một tuần rồi.

- Thế hôm nay mới đến thăm tôi? Tôi hỏi, nhưng cố tỏ ra thật bình thản. Vào phòng khách ngồi nhé? Nói chuyện mà đứng ngoài cửa coi không đẹp tí nào.

Anh ta không phản đối, lặng lẽ theo tôi vào nhà. Tôi bảo cô Thu ra khép cửa lại cẩn thận. Chúng tôi đi vào phòng khách. Anh chàng đứng giữa phòng đưa mắt nhìn quanh. Sau đấy mới chịu ngồi xuống ghế salon, rồi chau mày nói:

- Sống thế này tốt quá rồi còn gì.

Tôi nói như phân bua:

- Ngôi nhà này là của cha mẹ anh Vỹ cho chúng tôi như một món quà cưới. Sau đó anh Vỹ cho sửa chữa lại một chút mới thế này.

Chàng yên lặng nhìn tôi. Không khí hơi ngột ngạt. Tôi đưa hộp thuốc thơm qua mời, nhưng chàng không lấy thuốc, mà lại chụp lấy tay tôi, rồi hỏi:

- Em làm sao vậy? Em lạnh à? Tại sao lại run rẩy chứ?

Tôi giật mình, rút tay lại, rồi đặt hộp thuốc lên bàn, tôi thu người trong ghế, không nói gì cả.

Anh chàng trườn người qua, lấy quyển sách tôi đang xem dở để trên bàn, xem tựa ở trang bìa rồi nói:

- Cũng lại là quyển này "Chuông nguyện hồn ai" của Heminways? À lúc này còn xem thơ Ðường nữa không? Có nhớ một bài thơ ngày cũ có đoạn: "Chuyện cũ đã qua rồi. Tôi vẫn mơ tìm lại" không?

Chàng ngưng lại, ngẩng đầu lên nhìn tôi, rồi tiếp:

- Thanh Thanh biết không, con người mãi đến khi mất đi rồi cái mình yêu quí, mới thấy hối tiếc nhưng lúc đó thì đã quá muộn rồi. À!, Thanh có còn nhớ là ngày xưa khi đọc quyển "Cuộc tình đã mất" Thanh cứ lập đi lập lại mãi câu của nhân vật nam nói: "Linh hồn của cô ấy đã tha thứ cho tôi. Còn quý vị. Xin quí vị cũng tha thứ nốt cho tôi. Bởi vì quý vị thấy đấy tôi đã biết khóc... "

Ðấy! Một giọt nước mắt ăn năn, cũng có thể rửa đi một niềm đau. Thế thì... Thanh Thanh... Thanh Thanh đã khóc qua bao giờ chưa chứ?

Tôi cúi đầu nhìn xuống, cố tỏ ra cứng cỏi:

- Ðâu có chuyện gì cần thiết đến độ phải khóc đâu anh?

- Thật không?

Anh chàng nhìn tôi, có một nụ cuời nhếch trên môi. Rồi yên lặng thật lâu. Sau đó tôi nghe anh nói:

- Thanh Thanh này, em có hạnh phúc không? Tại sao cuộc hôn nhân không làm cho đôi má em bừng đỏ. Tại sao đôi mắt em cứ buồn vời vợi. Tại sao đôi vai em cứ mãi gầy? Và môi em lại không có lấy nụ cười chứ?

- Kiến Quân! Anh...

Tôi không còn chịu được, tôi kêu lên. Chàng đứng dậy bước tới gần tôi, cúi xuống nhìn rồi nói:

- Em còn nhớ tên tôi sao? Dù gì thì cũng phải cảm ơn em. Em đã gọi được hai chữ Kiến Quân. Vậy mà tôi cứ tưởng, em đã quên bẵng cái tên đó từ lâu rồi chứ?

Tôi ngồi thẳng lưng lại, đã qua được cơn xúc động nhất thời. Thay vào đấy là một chút sợ hãi, Tôi hỏi:

- Anh Kiến Quân! Anh đến đây làm gì chứ? Anh tìm tôi có việc chi?

- Tìm có việc chi à? Ðôi mắt Quân nhìn tôi với những ánh lửa. Em có biết là, tôi đã đứng ngoài cửa nhà em chờ hơn ba hôm nay. Anh cứ hy vọng là rồi em sẽ bước ra. Nhưng mà... Em giống như con chim hoạ mi nhốt trong lồng vàng, em khép cửa quá kín. Mãi cho đến sáng nay, anh mới có cơ hội để vào đây.

Và đột nhiên, Kiến Quân chụp lấy tay tôi trong lúc tôi còn chưa rõ là anh chàng muốn gì. Thì đôi môi của chàng đã đặt nhanh lên môi tôi. Không hiểu sao tôi lại không phản ứng, tôi cũng không chống đối. Nụ hôn thật vội vàng nên cũng chẳng mang lại cảm giác gì.

Sau nụ hôn, Kiến Quân nhìn lên. Mắt chàng đỏ ngầu. Giọng nói như tắt nghẹn:

- Ðấy chính là lý do tại sao anh đến đây.

Rồi như không dằn được sự giận dữ, Kiến Quân đã mạnh tay đẩy tôi ngả bật ra sau ghế. Chàng đưa tay lên như định đánh. Nhưng rồi bàn tay đưa cao đó lại buông xuống một cách bất lực. Chàng nói trong cái nghiến răng:

- Thanh Thanh, tại sao em lại hành động một cách ngu muội như vậy chứ? Tại sao? Em trả thù bằng cách lấy nguời mình không yêu ư? Em thật là tàn nhẫn!

Rồi như không dằn đuợc sự xúc động, Kiến Quân đã quay nguời đi thẳng ra ngoài. Chàng buớc như chạy trốn. Tôi nghe cả tiếng cửa cổng bên ngoài đóng sầm lại.

Tôi ngả nguời trên ghế, bất động. Từng tế bào trên nguời như tê cứng. Một lúc sau cô Thu mới bước vào, vớt tách trà nóng trên tay. Cô bé đặt trà lên bàn, rồi ngạc nhiên nhìn tôi hỏi:

- Ủa khách đâu rồi, hở cô?

- Ði rồi.

Tôi đáp như một chiếc máy.

Vâng, đi rồi... Kiến Quân đã bỏ đi, và chắc không còn trở lại đây nữa... Nhưng mà biết làm sao hơn. Ta cũng không nên buồn. Cuộc đời, có lúc hợp thì phải có lúc tan chứ! Nó như một phiên chợ. Tôi chợt nhớ đến lời ban nãy của Kiến Quân.

"Thanh Thanh, tại sao em lại hành động một cách ngu muội như vậy?"

Ngu muội? Làm sao biết đó là ngu muội hay thông minh? Lấy cái gì để khẳng định trong tình thế đó?

Tôi nhắm mắt lại. Chợt thấy tức cười nhưng nước mắt đã tràn ra mi, không làm sao ngăn được. Những giọt nước mắt đã chảy xuống má.