28/4/12

Hai chị em (C18-20)

Chương 18

Con chị giật mình thức giấc. Ánh sáng xám mờ xuyên qua các thanh gỗ của chiếc cửa ra vào không cho nó rõ bấy giờ là chạng vạng tối hay đang tờ mờ sáng. Bỗng nhiên, tiếng rao hàng ngoài bức thành vang lên lanh lảnh:
- Ai mua xôi! Mua xôi đậu xanh, đậu đen, đậu phọng đây!
Tiếng rao của người bán xôi dạo chưa đến lần thứ hai, con chị đã ngồi bật dậy gọi em rối rít:
- Vy dậy mau lên đi học chứ trễ bây giờ!
Con em giật mình tốc mền ngồi dậy và chun ra khỏi mùng.
Hấp ta hấp tấp súc miệng, rửa mặt và chải đầu xong, hai đứa ôm cặp chạy nhanh về phía cổng.
Ngang qua vườn cây ăn trái, hai đứa nhỏ là hai cái bóng âm thầm. Không gian mờ ảo của ban mai vẫn còn đang chìm vào trong màn sương sớm và hai cánh cửa ra vào của ngôi nhà lớn vẫn còn khép kín; mà nếu chúng bị đóng chặt hay mở toang, cũng chẳng một người nào trong ấy biết hai chị em chúng có hay không hiện diện trong khuôn viên nhà.
Vừa ra khỏi cổng, con em đi nhanh như chạy, lo lắng hỏi:
- Chị Hạ còn muốn mua cho em bánh mì ở đường Phan Bội Châu nữa không? Mình đi học trễ chưa?
Ngước lên nhìn những bóng đèn đường, con chị trấn an em:
- Mua chứ! Đèn đường chưa tắt điện như vậy còn sớm lắm, chưa trễ đâu mà em sợ! Mình đi ra đường Phan Bội Châu, chị mua bánh mì cho em, em đừng lo!
Nghe chị nói vậy, con em đi chậm lại. Con chị bước song đôi bên nó. Mỗi đứa đeo đuổi một ý nghĩ. Từ xế trưa hôm qua hai đứa ngủ quên cho đến sáng. Mất một buổi cơm chiều, cái bụng trống rỗng của con em nhột nhạt như bị kiến bò. Nghĩ đến ổ bánh mì đầy thịt, nó nuốt nước miếng ừng ực. Con chị vừa bước đi vừa tính toán. Nó không hiểu là có nên mua cho mình một ổ bánh mì không. Tối hôm qua có lẽ cô Sáu quên không thắp hương cho ba của nó nên cô không biết chúng ngủ trong nhà và không cho chúng ăn cơm chiều như ngày trước và bụng nó hoàn toàn đói meo. Tuy nhiên, nếu nó mua một ổ bánh mì thịt cho nó như cho con em thì hai đứa nó chỉ còn lại năm cắc và như thế hai chị em nó sẽ không có tiền chi tiêu cho những ngày sắp tới.
Đám trẻ học sinh vây hai người đàn bà bán bánh mì chặt cứng tại góc đưòng Phan Bội Châu và Hoàng Hoa Thám, kêu gọi rối rít:
- Dì ơi! bán cho con ổ bánh mì thịt hai đồng đi dì!
- Cho cháu một ổ bánh mì cá hộp đi cô!
- Một ổ bánh mì chan nước thịt!
Bà bán hàng hỏi con chị:
- Cháu mua gì?
- Dạ một ổ bánh mì thịt cho em cháu.
Rọc nhanh ổ bánh mì và nhét thịt vào, bà bán hàng hỏi tiếp:
- Còn gì nữa không?
Con chị ngập ngừng:
- Dì có bán nửa ổ bánh mì không?
- Có! Nửa ổ bánh mì nữa hả? Có muốn chan nước thịt không?
- Dạ nửa ổ bánh mì bao nhiêu vậy dì?
- Năm cắc thôi. Nước thịt cho không, không tính tiền.
- Dạ cho cháu lấy luôn. Tất cả là hai đồng rưỡi.
Trả tiền xong, hai đứa chia bánh mì và đi thẳng trên đường Hoàng Hoa Thám hướng đến trường Nữ Tiểu Học.
Con em nhìn chị ái ngại:
- Chị muốn em chia thịt bớt qua ổ bánh mì của chị không?
- Không! Chị không muốn ăn thịt đâu!
Thật sự, con chị không muốn ăn gì mặc dù bụng nó cồn cào vì đói. Nhai chầm chậm và uể oải, nó suy nghĩ miên man những bài toán chưa làm. Những đề toán như những bài thuộc lòng trong đầu, vậy mà nó không thể nào biết cách giải chúng làm sao cho đúng. Nghĩ đến những đứa bạn cùng lớp, nó lắc đầu từ chối. Hình ảnh những đứa bạn gái nhỏ trong lớp chỉ là những hình ảnh của sự ích kỷ vĩ đại. Nó nhớ có lần nó thuộc làu làu một bài Học Thuộc Lòng và nhắc bài một con bé học yếu nhất lớp chỉ hai chữ thôi, vậy mà con bé trưởng lớp méc cô giáo để cô giáo phạt nó. Con bé lớp trưởng làm sao có thể giúp nó hiểu bài để làm khi mà con bé ấy đã từng thóc mách với cô giáo gây cho nó bị điểm xấu kỷ luật chỉ vì lý do nhỏ mọn là giúp một đứa cần giúp đỡ đến tội nghiệp. Nếu con lớp trưởng hỏi nó “vì sao trò không biết làm mấy bài toán này?” “Vì không nghe cô giảng bài nên tôi không biết làm” sẽ không là lý do chính đáng để nó có thể cầu cạnh được sự giúp đỡ của con lớp trưởng cũng như những đứa học giỏi khác của lớp như lớp phó, đội trưởng và đội phó. Những đứa học trò giỏi thường là những đứa con nhà giàu, hoặc là những đứa có cuộc sống đầy đủ. Chúng có người hầu kẻ hạ hoặc có cha mẹ, anh chị kèm học thêm cho thì chẳng bao giờ chúng có thể hiểu hoàn cảnh khổ sở và bế tắc của người khác; cho nên có than vãn tâm sự bao nhiêu chúng cũng sẽ chẳng nghe cho và chẳng thể nào hiểu cho. Buông trôi với những tuyệt vọng trong trí, con chị quyết định là sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì không hay xảy đến cho thân phận đứa học trò kém may mắn của nó.
Đúng như tưởng tượng, hôm ấy nó bị cô giáo la trước lớp về tội không làm bài. Không những nó chỉ có tội không làm bài mà còn tội ăn mặc xốc xếch, và dơ dáy.
Thường thường trong giờ kiểm tra vệ sinh, cô thường khám móng tay của những đứa học trò trong lớp. Lần nào cũng vậy, nó luôn luôn là đứa bị nêu danh với tội để móng tay dơ bẩn. Những đường đất bám đầy dưới những móng tay của nó làm cho bàn tay khẳng khiu và đen đủi của nó trở nên dơ dáy nhiều đến nỗi khi nó ngước đầu lên, những cái bỉu môi, những ánh mắt khinh khi, những nụ cười ngạo nghễ cứ chờn vờn mãi trước mặt. Khuôn mặt nó lúc nào cũng sượng trân và cứng lì cho đến khi những lời la mắng quen thuộc của cô giáo văng vẳng bên tai “Đã là học trò mà không ăn mặc sạch sẽ là học trò hư. Đã học Khoa Học Thường Thức mà vẫn ở dơ là người học trò không biết phép giữ vệ sinh cho thân thể.” mới làm cho nước mắt lăn đầy trên má của nó.
Đứng trước lớp nghe la mắng rất lâu mà con chị không hề có một giọt nước mắt nào trên má. Sau khi bớt giận, cô giáo bắt nó đứng gần cái bảng xanh lá cây đậm để nghe cô giảng thêm một lần nữa. Mặc cho cô giảng giải những bài toán cặn kẽ bao nhiêu, tâm trí của con chị nhẹ tênh như những phiến mây trôi. Những chữ dơ dáy mà cô giáo dành cho nó trước lớp vang dội vào đầu nó những câu la mắng của bác Cả gái ngày nào một cách nhịp nhàng dồn dập như trống rền “Lũ con ông Đạm dơ như mọi!”, “Cái lũ mọi rợ!”, “Cái lũ ở dơ!”, “Đồ dơ dáy như man ri mọi rợ!” Âm vang của những câu tán thán gợi cho nó hiểu ở dơ là một cái tội lớn lắm. Một cái tội làm cho mọi người khinh bỉ và coi thường. Nó tự trách là đã không tắm rửa, và không ăn mặc đàng hoàng nên mới bị cô chê, bạn cười. Hơn thế nữa, không những ở dơ nên phải chịu cái tên “dơ dáy như mọi rợ” mà ngay cả ba nó đã chết rồi mà tên ông ta cũng bị nêu xấu theo. Mắt nó ngờ nghệch theo những giòng phấn trắng trên bảng của cô giáo. Cô hỏi nó:
- Đã hiểu chưa?
Nó cúi đầu:
- Dạ thưa cô, em hiểu rồi!
- Hiểu rồi thì về chỗ chép bài giải vào vở đi. Em không làm bài thì phải lãnh zê-rô.
Con chị nhận vở lầm lũi trở về chỗ ngồi. Không nhìn bạn, nó lặng lẽ chép bài giải vào vở.
Trên đường đi học về, không nghe chị nói năng gì, con em lo lắng hỏi:
- Chị Hạ có sao không?
Con chị lắc đầu không trả lời. Con em hỏi tiếp:
- Có phải chị lo mình không có gì ăn trưa không? Nếu không có gì ăn mình ngủ cho đỡ đói cũng được!
- Mình sẽ ăn cơm với mắm. Chị sẽ nấu cơm cho em ăn. Ráng ăn với mắm một lần nữa đi. Khi nào má về sẽ cho mình ăn cơm với thức ăn. Chiều tối chị sẽ mua kẹo cho Vy ăn.
- Vậy em ăn cơm với mắm để tối ăn kẹo. Em sẽ phụ chị lượm cây khô để nấu cơm.
Hai đứa vừa bước đến hàng dửa, chị Cựu hỏi vọng từ bờ giếng
- Tối hôm qua hai đứa ngủ một mình ở nhà hả?
Con chị khẽ gật đầu không nói.
Nhìn cái nồi đục nước đen cạnh cái lu nước, chị Cựu tiếp tục hỏi:
- Hôm qua tụi bây nấu cơm khét ăn phải không?
Con chị lại gật đầu. Chị Cựu nói to như đang la làng:
- Trời ơi! Sao tụi mi gan chi mờ gan dữ rứa? Tau tưởng tụi mi ngồi chơi ngoài vườn một tí rồi đi ra nhà cậu mợ Bảy lại chứ biết rứa mô!
Hai đứa im lặng. Chị Cựu hạ giọng:
- Nói rứa là tụi mi ngủ trong nhà tối hôm qua hỉ? Có khóa cửa không?
Hai dứa lắc đầu:
-Tụi em ngủ quên, chỉ khép chứ không móc cửa.
- Mần răng mờ tụi mi không chịu ở nhà cậu mợ Bảy?
- Em nhớ nhà, muốn ở nhà của tụi em thôi!
- Nhà tụi mi có ai mô mờ ở? Ở nhà cậu mợ Bảy có người hầu kẻ hạ không muốn, về đây nấu cơm khét ăn sướng hỉ!
Con chị không trả lời, lặng lẽ vào nhà cất cặp, con em đi theo sau.
Chị Cựu rửa chén xong, quay vào bếp của bác Cả. Một lát sau, chị hấp tấp bưng một dĩa cơm và một chén cá thừa trở ra, vào tận căn nhà nhỏ, hổn hển nói:
- Đưa cho tau cái tô cái chén chi tau xớt mấy đồ ăn ni cho mờ ăn. Đi học về mệt hơi sức mô mờ nấu!
Con chị cảm động:
- Em cảm ơn chị.
Nhìn chị Cựu trút thức ăn vào hai cái tô nhỏ, con chị khe khẽ hỏi :
- Khi nào rảnh chị dạy em nấu cơm được không?
- Nói rứa là bọn mi nhất định ở nhà luôn hử? Chị Cựu chau mày hỏi
Con chị gật đầu:
- Dạ em muốn ở nhà đây luôn cho đến khi má em về.
- Răng mờ mi không chịu ở nhà cậu mợ Bảy? Răng mờ mi tự tung tự tác rứa?
- Em muốn ở nhà của em, nơi có bàn thờ của ba em. Chị đừng nói với ai là tụi em về đây. Mọi người sẽ đuổi tụi em tới nhà cô chú Bảy Mỹ, chứ không giúp cho tụi em ở nhà của tụi em đâu!
Chị Cựu nhìn hai đứa nhỏ thương hại:
- Thôi được, tụi mi ăn cơm đi! Khi nào muốn học cách nấu cơm tau chỉ cho mờ nấu. Chừng nớ tuổi học cách nấu cơm cũng được rồi. Nhưng mờ nấu cơm rồi ăn với cái chi?
- Tụi em sẽ ăn cơm với nước mắm hay muối.
- Ăn cơm với mắm, muối răng mờ chịu cho thấu? Rứa thì để tau nấu thêm mỗi thứ một ít để dành cơm dư, canh dư cho tụi mi. Khỏi phải nấu nữa! Chờ mạ tụi mi về rồi tính sau. Chừ ăn cơm đi!
Con em xúc cơm vào chén, giục con chị:
- Mình ăn cơm đi chị!
Liếc mắt nhìn nhúm cơm ít ỏi trong cái tô, con chị dịu dàng bảo em:
- Vy ăn hết cơm đi! Chị không đói.
- Chị không ăn gì mà sao không đói?
- Chị không muốn ăn. Nếu Vy không ăn hết thì cho mấy con chó ăn đi!
Nhìn hai con Kiki và Vàng đang nằm thè lưỡi, chăm chăm trước mặt, con em lắc đầu:
- Không đâu! Để em ăn hết cho chị cho!
Con chị ngước mặt hỏi chị Cựu:
- Có phải chị lấy cơm của hai con Kiki và con Vàng cho tụi em ăn không?
- Ừ! Chứ mần răng tau có cơm cho tụi mi?
Nhìn vẻ đăm chiêu của con chị, chị Cựu nói tiếp:
- Mi khỏi lo! Tau không cho tụi hắn ăn, cô Út cũng cho tụi hắn ăn mờ.
Con chị lắc đầu:
- Em không lo đâu. Em đang nghĩ cách giặt áo quần. Chị có thể dạy em cách giặt áo quần được không?
- Giặt áo quần có chi có đâu mớ dạy! Mi bỏ áo quần dơ vô thau ngâm cho đất cát bở ra, đổ nước dơ đó đi rồi lấy bàn chải và xà bông chà áo quần cho sạch. Chà sạch áo quần xong thì đem ra xả nước sạch hai ba lần. Xả xong, vắt áo quần cho ráo hết nước rứa là mà đem phơi thôi.
Con chị gật gù:
- Em nhớ rồi. Em hay xách nước cho má em xả đồ nên em biết!
Chị Cựu gật đầu, nhìn nó dịu dàng:
- Có chi mô mờ khó nờ! Đưa mắt để ý một chút thì học được ngay thê!
- Vậy còn châm đèn dầu thì làm sao?
Đặt chén dĩa dưới nền nhà, chị Cựu tất tả bước vào”phòng thờ” lấy chiếc đèn dầu lớn. Cẩn thận đặt nó giữa nền nhà chị giảng giải:
- Mi mở cái bóng đèn để xuống như ri nì! Vặn cái chốt này cho tim đèn nhu lên như ri nì! Rồi đem cái đèn lớn ni đến bàn thờ lấy nhang châm lửa từ cái đèn của ba mi vô cái tim của cái đèn ni! Khi tim đèn cháy xong là mi lấy bóng đèn đậy lại.
- Để em làm thử coi.
Con chị thực hiện các bước theo đúng sự chỉ dẫn. Chị Cựu cười hả hê:
- Rứa! Rứa! Rứa! “Có chi mờ khó nờ!” Nhưng mờ khi mi đậy cái bóng đèn vào mi nhớ ấn hắn xuống chặt như ri. Đừng có sợ lửa mà ấn lơi lỏng như rứa, đến khi mi bưng đèn đi, bóng rớt vỡ tan thì không có ai mua bóng đèn khác cho mi thay mô.
- Em biết rồi! Em nhớ rồi!
Chăm chú nhìn ánh lửa trong ngọn đèn dầu con chị hỏi:
- Khi em muốn tắt đèn, em phải làm sao?
- Mi vặn cái chốt hướng ni nì. Tim đèn xuống thấp thì đèn tắt ngay.
Nhìn xung quanh nhà chị hỏi:
- Tối hôm qua tụi mi ngủ trong nhà tối thui không sợ sao?
- Sợ gì?
- Sợ ma.
- Em chưa thấy ma nên chưa sợ. Nhưng mà em không sợ ma đâu. Nếu có ma dữ thì cũng sẽ có ma hiền. Hơn nữa, trong nhà này có bàn thờ ba em, em không sợ đâu. Có gì ba em sẽ phù hộ em.
Chị Cựu đứng lên:
- Thôi được! Tau phải vô nhà trong làm việc. Có chi chiều tau ra cho tụi mi ăn. Bây giờ mi muốn làm chi thì làm đi!
Con chị nhìn chị Cựu với ánh nhìn biết ơn:
- Em cảm ơn chị nhiều. Xin chị đừng nói ai biết tụi emvề!
Chị Cựu im lặng lắc đầu. Chị ta vừa bước ra khỏi nhà, con chị vội thu dọn đèn dầu, và các thứ rồi sắp xếp ngay ngăn theo vị trí cũ trong phòng thờ. Nó dùng giẻ lau bụi trên bàn thờ, trên bàn học, quét nhà và xếp đặt giường chiếu. Nó sai con em đem chén bát ra ngoài lu để nó rửa với những cái chén cũ còn ngâm trong nồi. Nó sắp xếp chén bát ngay ngắn và dọn dẹp bếp tươm tất. Xong xuôi mọi việc, nó giục em đi tắm và đem hai cái thau ra giếng giặt đồ.
Ngạc nhiên với những hành động kỳ quái của chị, con em hỏi:
- Vì sao mình tắm buổi trưa?
- Vì hôm qua mình chưa tắm.
- Vì sao chị giặt đồ?
- Má không có ở nhà, mình phải giặt đồ cho mình mới có đồ sạch đi học được chứ?
- Vì sao chị dọn dẹp đủ thứ đồ trong nhà vậy?
- Để cho nhà mình sạch hơn đó em! Và cũng không để cho ai nói chị em mình dơ nữa.
- Mọi người hay nói mình dơ rồi! Người ta quen nói rồi!
- Nhưng mà chị không muốn nghe ai nói hai chị em mình dơ nữa!
Chăm chăm nhìn mặt con em, con chị khẳng định thêm một lần nữa:
- Nhất định không để ai nói chị em mình ở dơ nữa nghe Vy! Cũng đừng để ai kêu tên ba mình ra khi chửi mình dơ nữa!


---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 19

Dưới bóng cây vú sữa, hai chị em con nhỏ ngồi gập ghềnh đối diện nhau trên những mô rễ mọc lồi gồ ghề trên mặt đất. Con em nhìn hau háu vào hai bàn tay mà con chị đang cố gắng kềm chặt con dao nhỏ trong bàn tay phải để gọt trái sa bô chê bị ăn dở. Cả hai im lặng và chăm chú. Con chị loay hoay mãi nhưng không làm sao gọt vỏ sa bô chê ra được. Nó cố tình đẩy lưỡi dao xuyên qua lớp vỏ mỏng để khỏi mất nhiều phần thịt bên trong; tuy nhiên, nó càng cố bao nhiêu, bàn tay vụng về của nó càng làm trượt lưỡi dao ra ngoài bấy nhiêu. Trái sa bô chê này hình như chưa được chín mềm; màu hồng lộ ra nơi vết ăn dở không là dấu hiệu là nó đã chín hẳn. Con em không nói gì cũng không hỏi điều gì nhưng khuôn mặt của nó lộ vẻ nôn nóng. Nó nhìn tay con chị không một chớp mắt; như thể nó không muốn bỏ sót cử động nào do con này tạo ra. Thình lình con chị la lên: “Á!”
Con em giật mình, trợn mắt hỏi:
- Chị cắt tay chị rồi hả?
Con chị quẳng con dao cau xuống đất, chuyền trái sa bô chê sang tay phải, rồi đút ngón tay bị đứt vào miệng, không trả lời.
Con em đứng vụt dậy, lo lắng nhìn chị hỏi tiếp:
- Chị đứt tay hả?
Con chị vừa cắn ngón tay vừa gật đầu. Vị mằn mặn của máu tràn vào trong miệng của nó. Nó ngập ngừng không biết nên nuốt máu
hay phun ra ngoài. Suy nghĩ một lúc, nó hút mạnh thêm một cái nữa, rồi nhổ nước miếng lẫn máu xuống đất.
Nhìn máu phun ra từ miệng chị, con em hoảng hốt. Nó nhìn chị rồi bãi máu dưới đất hai ba lần nhưng cuối cùng đôi mắt to tròn lo lắng của nó ngừng lại trên trái sa bô chê. Con chị hiểu ý, đưa cho em cả trái.
- Vy cắn ăn đi! Chị không gọt được nữa!
Đón trái sa bô chê, con em thất vọng:
- Em ăn không được, nó bị dính máu rồi!
Con chị vùa nhổ máu, vừa la em:
- Máu dính có chút xíu, ăn có sao đâu! Thấy chị mút máu trong miệng không? Có sao đâu? Cắn chỗ máu bỏ đi rồi ăn. Chị không gọt được nữa!
- Em ra giếng rửa nó nghe!
- Không được! Vy không ra giếng một mình được! Đến lu múc nước rửa mà ăn đại đi!
- Em chờ chị đi rửa với em - Con em nói ngập ngừng - Em sợ cô Út hỏi ở đâu mà có trái sa bô chê này.
- Được rồi, chờ chút!
Con chị lượm chiếc dao cau lên. Nó liếc lưỡi dao vào cái vỏ sần sùi của rễ cây vú sữa để cho những vết máu được đẩy sạch ra. Những đường máu nho nhỏ như muốn nằm ì, bám chặt vào lưỡi dao. Phí công cho nó, càng cố bao nhiêu, những đường máu càng ngoan cố bấy nhiêu.
Thình lình có tiếng la sau lưng:
- Tụi bây làm gì đây?
Chưa kịp trả lời, người vừa nói to tiếng ấy tiếp tục la thêm:
- Trời ơi! Tụi bây chơi dao hả? Đứt tay rồi phải không?
Hai đứa quay lại. Hết hồn! May cho tụi nó người la là chị Cựu chứ không phải là cô Út hay bác Cả gái.
- Ai cho tụi bây chơi dao? Chơi dao có ngày đứt tay có đúng chưa?
Không thấy con nào trả lời. Chị Cựu giận dữ hỏi tiếp:
- Đứa nào xử giặc lấy dao ra chơi?
Con chị lí rí trả lời:
- Em.
- Mạ mi để dao ni ở mô mà tụi mi lấy rứa?
Hai đứa không trả lời, chị Cựu nóng hơn:
- Mới bảy, tám tuổi đầu đã cả gan lấy dao chơi.
Con chị cãi lại:
- Em chín tuổi ta rồi!
Chị Cựu nói to:
- Mấy tuổi cũng không được “chơi dao”. “Chơi dao có ngày đứt tay”, tụi mi biết chưa! Lần ni tau cất kỹ chờ mạ tụi mi về tau giao lại; để cho tụi bây hết đường phá!
Con chị nín thinh. Nó đưa đôi mắt oán trách nhìn chị cho đến khi chị khuất dạng sau các hàng cây ăn trái trong vườn. Không hiểu vô tình hay cố ý, những lời nói lớn của chị chẳng khác nào vũ khí tiếp tay cho bác Cả gái và cô Út. Chúng có thể làm cho chị em nó khốn khổ với những tiếng mắng nhiếc nếu Bác Cả gái và cô Út biết chuyện. Con em thấy tình hình không ổn nên không vòi chị ra giếng nữa. Nó lẳng lặng đưa trái sa bô chê lên miệng cắn. Bất chợt nó mở miệng ra, nhăn răng, cau mặt.
- Cứng quá!
- Đưa chị coi thử!
Con chị đưa trái sa bô chê lên miệng cắn rồi phun nước miếng ra ngoài đất.
- Chát quá! Còn sống nhăn răng hèn gì chị gọt không được!
Dứt lời, nó quẳng trái sa bô chê vào cái dãy thơm mọc lụp xụp dưới hàng cây mãng cầu sát bức tường thành. Con em nhìn chị ngạc nhiên nhưng không hỏi gì. Con chị không giải thích việc làm của nó; im lặng như con em. Một lát sau, con chị hỏi con em:
- Vy biết con vật nào ngu nhất trên đời không hả Vy?
- Con bò. Người ta hay nói ngu như bò!
- Không phải! Người ta nói ngu như bò là nói vậy thôi chứ bò đâu có ngu nhất trên đời đâu!
- Vậy thì con heo! Em cũng nghe người ta nói ngu như heo.
- Cũng không phải luôn! Con heo đâu có ngu đâu. Nó chỉ ham ăn thôi!
Thấy em gãi đầu, nhăn mặt, con chị hỏi:
- Thua rồi phải không?
Con em gật đầu:
- Ừ. Vậy chị nói con gì ngu nhất trên đời?
- Con dơi.
- Sao chị biết con dơi ngu nhất trên đời vậy?
Con chị ra vẻ thông thái; nó nói một cách trịnh trọng:
- Vì nó không biết cái gì là cái gì nên nó mới ngu chứ sao nữa!
Nhìn đôi mắt ngơ ngác của con em, con chị nói tiếp:
- Trái sa bô chê còn sống “nhăn răng” mà con dơi cũng ăn cho được vậy không ngu sao? Ngu còn hơn con bò nữa đó! Thấy trái sa bô chê bị nó ăn chị tưởng là sa bô chê đã chín rồi chứ! Biết vậy, không hái đâu!
- Sao chị biết nó ăn?
- Chứ còn gì nữa! Chim ăn thì khác. Chim mổ sâu vào trong trái chứ chim đâu có cạp.
Con em không nói gì. Nó không cần biết cái gì đúng, sai. Nó tiếc hùi hụi vì đã mất trái sa bô chê.
- Em đói.
- Chị cũng vậy. Nhưng mà bây giờ chị không có gì cho em ăn nữa. Thôi mình vào nhà chơi đi.
Vừa đứng lên, máu trên ngón tay của con chị lại ứa ra. Con chị đưa tay lên cắn mạnh. Nó nhớ mỗi lần má đứt tay thường lấy mạng nhện bịt vào chỗ đứt nên nó đi vào cái nhà bếp bên cạnh cái góc nhà nhỏ của nó. Tìm mạng nhện trong cái bếp đen đủi của nhà nó không phải là chuyện khó làm. Dưới những tấm tôn thấp lè tè, nhiều và đủ cỡ mạng nhện tơ giăng từ góc này sang góc khác, cột này sang cột khác. Con chị với tay hớt những màng nhện và rịt nó vào ngón tay đứt. Con em đứng chờ chị vào nhà.
Như những lần trước, chiếc bàn gỗ cạnh cửa sổ luôn luôn là nơi hai đứa nhỏ ngồi bên nhau mơ mộng những chuyện hoang đường và chia sẻ những buồn vui. Hôm nay là ngày thứ năm, hai đứa nhỏ tự ý trở về ở căn nhà nhỏ của chúng vậy mà mẹ chúng vẫn chưa về với chúng. Có thể là không một ai trong gia đình cô chú Bảy Mỹ bào tin cho mẹ chúng biết là chúng đã tự ý trở về nhà. Cũng có thể là cô chú Bảy Mỹ bận rộn việc buôn bán nên quên đi chuyện thông tin với bà mẹ. Đáng kể nhất là có thể mọi người trong gia đình cô chú Bảy Mỹ vững tâm cho rằng bà nội, cô Sáu, và cô Út đang chăm sóc hai chị em chúng khi mà sự hiện diện của chúng tại trường Nữ Tiểu Học mỗi ngày, do hai con Tín và con Hạnh kể lại, là một bằng chứng chắc chắn để xác nhận rằng hai đứa đã có cuộc sống ổn định và bình yên.
Trong năm ngày qua, hai đứa nhỏ có những bữa no bữa đói tùy thuc vào những thức ăn thừa do chị Cựu lén lút đem cho. Thỉnh thoảng thấy chúng trong khu vườn, những người lớn trong khuôn viên nhà như bà nội, bác Cả trai, bác Cả gái, và cô Út tưởng rằng chúng chỉ ghé thăm nhà chơi trong một thời gian nào đó rồi trở về căn nhà lầu đầy tiện nghi của cô chú Bảy Mỹ. Không ai nghĩ ra và cũng không ai tin được chúng đã ở trong căn nhà nhỏ chỉ mình chúng nên chẳng ai hỏi han gì. Bóng đèn dầu trong căn nhà nhỏ ở một góc vườn chẳng thể nào tiết lộ cho ai biết được sự hiện diện của hai chị em con nhỏ khi mà ánh điện của ngôi nhà lớn, ánh điện của đèn đường và ánh điện của những căn nhà hàng xóm gần cạnh đó sáng choang. Tính thờ ơ, lãnh đạm của mọi người, và ánh đèn dầu đã tiếp tay cho chúng sống năm ngày trong âm thầm, lây lất bữa đói bữa no, ngày sáng đêm tối.
Năm ngày qua cô Sáu không đến căn nhà nhỏ thắp hương cho bố của hai chị em nó. Có lẽ cô đã thay đổi giờ thắp hương vào buổi sáng nên chẳng biết chúng đang cư ngụ lén lút trong nhà. Khi con chị nghĩ đến cô Sáu, nó có nhiều mâu thuẫn trong tư tưởng của nó. Lúc thì nó muốn tiếp tục giấu cô chuyện hai chị em nó đang trốn chui trốn nhủi trong nhà vì sợ cô mắng, lúc thì nó mong cô ta biết chúng đã trở về để được cô thương giúp cho. Có lúc nó sợ cô Sáu sẽ bắt chị em chúng trở ra nhà cô Bảy Mỹ, có lúc nó hy vọng cô bằng lòng chấp thuận cho chị em nó ở luôn trong căn nhà do ba nó tạo dựng. Chị Cựu thương hại và lo cho chúng với mức giới hạn của chị. Chị không thể nấu cơm dư một cách vô lý dưới sự giám sát của bác Cả gái và cái lý do cho chó ăn cơm thừa không phải chính đáng khi những con chó thuộc về cô Út chứ không phải thuộc của bà. Nghĩ đến chị Cựu nó vừa nể vừa oán trách. Nó thích tính kín miệng của chị nhưng không thích cái tính hay nói mỉa móc và tật nói lớn của chị trước những sự bất ngờ. Suy nghĩ đến chuyện tự ý sử dụng dao bất cẩn và thái độ giận dữ của chị Cựu, con chị không mong tưởng gì đến chuyện chị cho cơm chiều. Nghi ngờ sự nhờ cậy duy nhất có thể bị mất đi, con chị lục lọi trong túi, bảo em:
- Còn năm cắc cuối cùng, chị em mình đi mua kẹo về ăn nghe!
Con em hớn hở với lời đề nghị của chị. Theo thói quen, mỗi buổi tối không được nhận cơm do chị Cựu cho, hai đứa nhỏ thường âm thầm đi đến cái quán nhỏ tại góc đường Hoàng Tử Cảnh và Đào Duy Từ để mua kẹo rồi vào giường ngậm cho đến sáng để kềm cơn đói bụng. Hôm ấy là ngày cuối cùng hai đứa có những viên kẹo tròn đủ màu trong gói ni lông nho nhỏ. Trong bóng tối, hai chị em vừa mút kẹo chút chít vừa nhắc lại những câu chuyện cổ tích cũ mà mẹ chúng thường kể cho chúng nghe trước khi đi ngủ.
Trong khi hai đứa đang to nhỏ, cánh cửa ra vào bật mở toang ra và cô Sáu bước vào với giọng nói đầy kinh hoàng:
- Trời ơi! Tụi bây ngủ ở đây sao?
Cả hai giật mình, ngồi bật dậy, lò mò trong tối để chun ra hỏi giường:
- Dạ, tụi con ngủ ở nhà.
Cô Sáu rối rít hỏi:
- Tụi mi về khi mô? Ai cho tụi mi ngủ một mình như ri rứa?
Con chị lí rí:
- Dạ tụi con về đây mấy ngày rồi.
Cô Sáu hỏi mà như hét:
- Mấy ngày rồi?
Bước nhanh đến “phòng thờ” để châm đèn dầu như thể muốn nhìn kỹ hai đứa hơn, cô Sáu tiếp tục hỏi dồn:
- Hai đứa mi về chơi rồi ngủ đây luôn phải không?
- Dạ không. Hai đứa con đã về ở nhà luôn từ hôm thứ Hai.
- Thứ Hai? Mần răng mà tau không hay không biết chi rứa?
Con chị cúi đầu:
- Dạ con không biết.
Cô Sáu vừa ngẫm nghĩ, vừa lẩm bẩm một mình:
- Thứ hai? Năm ngày? Răng mờ tui không hay biết chi rứa tề? Ừ, mình có thì giờ thắp hương mô mờ hay cái chi! Cái lũ lì trơ trơ như ri mờ ai trị cho được!
Chau mày chăm chăm nhìn hai khuôn mặt hốc hác, cô Sáu hỏi:
- Rứa tụi mi ăn nơi mô?
- Dạ tụi con tự nấu cơm ăn và...
Con chị bỏ lững câu nói và nhất định với lòng sẽ không nói tên chị Cựu vào.
- Và mần chi?
-... dạ...dạ... nhịn đói.
Sắc nóng giận trên khuôn mặt cô Sáu dịu đi. Im lặng một chốc, cô nói với giọng đầy chua chát và chán chường:
- Mạ mi có đẻ mi trên đá mô mờ mi lì chi lì ác nhơn dữ rứa Hạ? Răng mờ không chịu ở ngoài o Bảy? Về đây mần chi cho phiền phức cho tau như ri rứa hở mi?
Con chị cúi đầu nhưng vẫn khăng khăng:
- Con chỉ muốn ở nhà của con. Con chỉ muốn ở trong nhà có bàn thờ của ba con.
Nhìn bóng tối xung quanh ngọn đèn dầu leo lét, cô Sáu hỏi:
- Rứa mì không sợ chi hử?
- Sợ ma hở cô? Con ở trong nhà có bàn thờ ba con; có ba con phù hộ, con không sợ ma đâu.
Cô Sáu thở dài lắc đầu:
- Thôi được. Tụi mi cứ ở đây. Tau nói o Út đem cơm cho hai đứa ăn. Khi nào mạ mi về tau sẽ nói chuyện sau.
Thắp hương xong, cô Sáu hỏi:
- Hai đứa chờ o đem cơm ra cho ăn rồi ngủ.
Con em mừng rỡ:
- Tối nay mình có cơm ăn không bị đói như tối hôm qua nữa chị Hạ.
Con chị gật đầu, nói thêm:
- Ngày mai, mình có thể tự do đi lại trong vườn, trong nhà không còn phải “chùng chùng, lén lén” như trước nữa đâu Vy.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 20

Ngày hôm ấy là ngày xui xẻo nhất của hai chị em con nhỏ. Đầu tiên, nguyên nhân là do bởi các con ong! Con chị phát hiện chúng đậu trên các đóa hoa bông bụt Tây để hút mật nên muốn bày trò chơi cho con em. Trưa nắng chang chang. Biết mọi người trong nhà đã ngủ trưa, con chị rủ con em đi ra vườn. Con em hỏi:
- Mình chơi gì hả chị Hạ?
- Làm ong hút mật!
- Mật ngọt và ngon lắm! Em thích chơi làm ong!
- Được rồi, chị cho Vy làm ong, nhưng mà nói nhỏ thôi. Không thôi, không được làm ong đó!
Đến bụi hoa bông bụt tây, con chị nói:
- Ngắt cái hoa này há, xé mấy cái cuống hoa này ra, rồi hút vào cái chỗ này. Vy hút đi!
Con nhỏ em nghe lời chị, chồm đầu tới, chu miệng hút vào nơi cái đuôi hoa mà chị nó đưa trước mặt. Vừa hút vừa cảm nhận hương vị, đôi mắt con nhỏ em đưa qua lại, môi chụm từng chặp vào cái đuôi hoa thưởng thức. Hút hết nước ngọt trong nụ hoa, con nhỏ em reo lên:
- Ngọt ghê chị ơi! Nước ngọt ghê đi! Hèn chi em thấy mấy con ong hay bám mấy nụ hoa này. Mình phải hút mật trước mấy con ong này mới được.
Con nhỏ chị nhìn em mỉm cười. Nó hãnh diện vì nó đã làm cho con nhỏ em vui sau những ngày mẹ chúng bỏ chúng đi buôn bán cho cô Bảy Mỹ. Nó nói:
- Ừ Vy tự làm ong đi! Em tự kiếm mật mà hút. Hút tha hồ!
Con em thò tay ngắt một búp hoa bụt vừa líu lo:
- Vậy thì em bứt cái hoa này, rồi xé mấy cái cuống xanh này, rồi hút nước ngọt phải không chị Hạ?
- Ừ, nhưng phải nói là hút mật chứ không phải là hút nước ngọt!
- Hút mật! Phải nói là ong đi hút mật! Mình là ong hút mật. Con em hồn nhiên nói ríu rít.
Con chị gắt:
- Nói nhỏ nhỏ thôi! Không thôi, không được chơi ong làm mật nữa bây giờ.
Con em khựng lại, tròn mắt ngơ ngác nhìn chị, rồi như chợt hiểu ra điều gì nó lấm lét ngó ngôi nhà lớn và tiếp tục rón rén tìm những nụ hoa. Con chị nhìn em lắc đầu. Mỗi lần em nó chơi trò chơi có ăn uống, thì con nhỏ này thường ngờ nghệch quên đi những gì đúng sai.
Hai chị em chơi trò làm ong hút mật thật khá lâu con nhỏ chị mới nhận ra rằng những nụ hoa bụt Tây đỏ thắm mà nó thường tưởng tượng là những chiếc đèn nhỏ đã biến mất cả. Tệ hại hơn, trên mặt đất xung quanh bụi lá xanh không còn hoa là muôn ngàn cánh hoa đỏ nằm rải rác mất trật tự. Hình dung được tai ương sẽ đến, con chị vội vàng gọi em:
- Vy ơi, làm ong như vậy đủ rồi! Đừng chơi nữa! Chạy về nhà mau lên!
Con em mải mê tìm những búp hoa còn sót lại trong cái khóm cây xanh, nhất định không nghe lời chị. Nó bám mắt vào các búp hoa cuối cùng cho đến khi bà bác Cả gái xuất hiện trên hiên nhà lớn.
- Tụi bây làm gì đó?
Vừa thấy bà bác Cả gái, con chị đã ba chân bốn cẳng chạy về góc bếp của nhà nó để tìm chỗ nấp. Con em không nghĩ trò chơi chị bày là một việc làm tày trời, cũng không nghe chị gọi, đứng yên chịu trận với bà. Hơn nữa, tiếng la của bà quá lớn đến độ nó chỉ biết đứng ì một chỗ và nhìn bà một cách sợ sệt và van lơn.
Cuộn tròn người trong bếp, con chị vừa hồi hộp, vừa lo lắng. Nó lẩm bẩm một mình trách con nhỏ em không chịu nhanh chân rời cái chỗ tai bay vạ gió. Tim đập thình thịch, mặt nhăn nhó, hai con mắt láo liên qua mấy cái kẽ hở, nó hồi hộp theo dõi tình trạng của em. Cố công thể nào, vẫn không thể thấy con em bị bà bác Cả trị ra sao, nó đành cố gắng lắng nghe những gì xảy ra ngoài vườn cây. Tiếng la hét của bà bác Cả và tiếng khóc tức tưởi của con nhỏ em càng lúc càng lớn đã làm cho nó càng lúc càng hồi hộp. Tuy nhiên, càng nghe bao tiếng la khóc, nó càng ngồi ì trong bếp chứ không dám thò đầu ra hay chạy đến bênh vực cho con em.
Thời gian trôi qua lâu lắm mà con chị vẫn chưa thấy em về. Lúc ấy, tiếng la hét và cằn nhằn của bà bác gái và tiếng khóc của con em đã ngớt dần nhưng con em vẫn như bóng chim tăm cá. Con chị sợ điều gì xảy ra cho em, định chạy ra khỏi bếp để tìm; nhưng rồi nghĩ đến cơn giận của bà bác gái, nó lại bỏ ý định ngay. Một lát sau, tiếng chân đi nhè nhẹ trên sân lá và tiếng khóc thút thít của con em mỗi lúc một gần. Con chị đứng lên, định chạy ra đón em nhưng tiếng kể lể của bác Cả gái và tiếng nói của cô Út loáng thoáng gần chỗ nó ẩn náu làm nó sợ hãi. Ngồi xụp xuống chỗ cũ, nó ghì người sát vào mảnh ván của nhà bếp, dán mắt vào khe hở, rồi quan sát từng bước chân của con em.
Con em đang ngập ngừng bước lên tam cấp, vừa loay hoay mở cửa nhà, vừa thút thít:
- Sao chị bỏ em! Sao bỏ em?
Con chị gọi nhỏ.
- Vy! Vy! Đừng khóc nữa!Lại đây! Lại đây!
Con em đang khóc thút thít, nghe tiếng chị, quay lại, khóc òa. Con chị hoảng hốt khoát tay lia lịa, nói lắp bắp:
- Đừng ... đừng khóc nữa! Bác gái biết chỗ mình trốn bây giờ. Vô đây!
Con em nghe lời chị không vào nhà mà tiến tới góc bếp nơi chị núp. Nó vừa tấm tức khóc, vừa ngồi xuống sát vào người con chị. Con chị đang rối rít gắt con em đừng khóc, chợt nín bặt khi nhìn mặt con em lèm nhèm nước mắt nước mũi. Nó lặng yên nuốt từng tiếng khóc ri rỉ của con em. Cảm thấy có tội vì đã bỏ em chịu trận một mình, con chị kéo em ngồi sát người nó hơn. Hai đứa nhỏ ngồi trong xó mãi cho đến khi không còn nghe những tiếng cằn nhằn, la lối nữa mới chui ra.
Chiều đến, khu vườn vắng bóng người, con chị lục áo quần, rồi rủ em đi tắm. Hai đứa đến giếng mà vẫn hồi hp nhìn vào trong ngôi nhà lớn. Đặt mấy b đồ trên cái bơm nước rỉ sét, con chị lấy gàu xách nước. Một tay nắm lấy dây gàu, một tay ném cái gàu nhựa xuống giếng, nó giựt mạnh đầu dây cho miệng gàu ấn xuống mặt nước trong veo bên dưới. Nước tràn vào cái gàu chỉ độ một phần ba, nó đã vội kéo mạnh lên rồi hai tay thoăn thắt thu dần cái dây lên. Khi cái gàu lên khỏi miệng giếng nó nắm lấy cái quai đổ nước vào cái thau lớn màu xanh lá cây bạc màu. Nước đầy thau, con chị ra lệnh:
- Cởi đồ ra tắm lẹ lên đi Vy!
Nghe giọng thúc hối của chị, con em hiểu điều con này yêu cầu cấp bách và cần thiết lắm nên lật đật cởi áo và tut quần thật nhanh. Xối cho em ca nước thứ hai, con chị khám phá ra sự lạ. Nó hỏi:
- Sao Vy có cái này?
Nghe chị hỏi con em ngạc nhiên, dáo dác nhìn xuống hai chân. Chợt thấy những vết tím bầm trên bắp vế, nó bật khóc nức nở:
- Bác gái béo em.
Con chị sững sờ một lúc rồi ôm chặt con em lại:
- Nín đi! Nín đi Vy! Khóc to, bác gái nghe, ra béo nữa cho bây giờ!
Con em hết hồn, im bặt một lúc rồi tiếp tục thút thít khóc. Con chị chết lặng theo từng tiếng khóc của của em. Nó tự trách là đã không kêu con em chạy trốn chung nên con em mới bị chịu trận một mình. Trân trân nhìn những vết bầm tím, nó tưởng tượng bàn tay của bà bác gái ngoắy vào đùi của em mà thấy oán ghét bà bác Cả vô cùng. Xối nước không ngừng vào những vết bầm, nó muốn những giòng nước kia có thể làm trôi đi, làm nhạt đi và xóa đi những vết bầm tím bầm trên làn da non của con em. Lau khô người và mặc quần áo xong, hai chị em vào nhà ngồi im lặng. Chúng chờ đợi tiếng kêu bất chợt nào đó của cô Út hay chị Cựu để được nhận những món ăn thừa hoặc là đón nhận cơn đói hành hoành trước khi chìm trong giấc ngủ bên nhau.
Tối hôm ấy, cái bóng đèn dầu bị bám đầy muội khói đen không thể làm cho căn phòng tối đen sáng sủa thêm hơn, nên hai đứa nhỏ đã chấp nhận ngồi im trong tối khi màn đêm buông xuống, để nghe muỗi vo ve và ngắm những ngọn đèn điện xa xa. Buồn rầu trong bóng tối một lúc, con chị gợi ý trò mới:
- Tối nay chắc mình không có cơm đâu. Mình đọc sách trong giường nghe Vy?
Con em im lặng. Nó hiểu là những buổi chiều khi cô Út không đem cơm ra cho chúng ăn, chúng có thể vào cái sân gạch đi lẩn quẩn để gọi cho bà nội và các cô là chúng chưa được ăn cơm và cho chúng những chén cơm thừa. Chiều hôm ấy không phải là buổi chiều thích hợp cho chúng có dịp lảng vảng trong sân gạch trước bếp nhà nội và bác Cả nên cả hai ngấm ngầm từ bỏ cái thói này. Con em hỏi :
- Mình đâu có đèn điện đâu mà đọc sách trong giường hả chị? Để đèn dầu trong giường cháy mùng làm sao?
Con chị lắc đầu:
- Chị đâu có dùng đèn dầu, chị dùng đèn sáp chứ!
Mò mẫm đến “phòng thờ”, con chị tìm những mẫu nến ngắn, còn thừa mà mẹ chúng đặt một góc bên cạnh quả bồng. Châm lửa đốt sáng ngọn nến, nó bảo con em tìm sách và truyện hình mà mẹ chúng mua cho khi bà còn đi buôn bán, rồi lần vào buồng ngủ chun vào mùng. Sau khi đặt những cuốn truyện ở giữa kẽ mùng và hai cái gối trên đầu giường, con chị nhỉu những giọt sáp nóng trên mặt chiếu giữa chỗ nằm của hai đứa, rồi cắm chặt cứng khúc nến đang cháy vào. Chọn xong cuốn truyện vừa ý, hai đứa đặt lưng xuống nằm song song hai bên ngọn nến, đâu gáy sách vào nhau, im lặng lật lật mở mở từng trang. Hết cuốn truyện hình, con em ngáp dài nhắc chị:
- Đèn sáp cháy hết rồi kìa. Chị thay cây đèn sáp khác mau đi chớ cháy chiếu đó! Em không đọc nữa, em ngủ đây!
Con chị nghe lời em; nó châm khúc nến khác lên chỗ ngọn nến sắp lụi tắt. Lần này, nó nằm trong tư thế thoải mái hơn bởi vì con em đã xoay người vào trong và chừa cho nó cả một khoảng rộng. Nghiêng người một bên, vòng cánh tay phải quanh cây nến và dựng cuốn sách thẳng ngay sau ngọn lửa, nó ung dung xem hình và đọc những câu hỏi đáp trong các bong bóng đối thoại. Hết cuốn sách hình, nó vói trên đầu lấy cuốn truyện cổ tích đầy chữ để đọc tiếp. Nó không ngại đọc những cuốn truyện không hình và chi chít chữ, cũng không ngại đọc đi đọc lại những cuốn sách cũ nhiều lần bởi vì nó luôn luôn có những cảm giác nhẹ nhàng và thích thú sau khi đọc hết câu truyện. Những nhân vật lương thiện trong truyện thường có một kết thúc tuyệt đẹp và hạnh phúc khiến nó tin tưởng và hy vọng sẽ được may mắn như họ nếu như nó sống tốt như những nhân vật chính diện ấy.
Tiếng ngáy khò khò của con em và những giòng chữ nhảy múa đàng sau ánh lửa của ngọn nến khiến đôi mắt con chị từ từ sụp xuống. Bàn tay phải của nó dần dần ập cuốn sách đang mở xuống mặt chiếu và ngọn nến gần đó tiếp tục thiêu đốt sáp ngắn dần cho đến khi nó cháy lan trên mặt chiếu. Lửa từ từ cháy lan một khoảng trên mặt chiếu mà hai đứa vẫn nằm yên lặng ngáy khò khò. Chúng ngủ say cho đến khi ngọn lửa cháy táp đến cánh tay phải của con chị và làm nóng lưng của con em, cả hai bừng dậy, hoảng hốt la to:
- Cháy! Cháy!
- Chết rồi! Cháy chiếu rồi! Cháy tay chị nữa!
Bàng hoàng trước ánh lửa cháy bùng, con em ập đại chiếc gối đang ôm vào. Ngọn lửa ngoan cố tiếp tục liếm vào cuốn sách gần đó. Con chị lật đật phụ em lấy thêm gối dập mạnh vào cho đến khi đóm lửa tắt ngúm. Hoàn hồn sau khi thoát được cơn hiểm họa, hai đứa nhỏ chun ra khỏi mùng. Con chị lật đật đến bàn thờ của ba nó, giương cánh tay phải trước ngọn đèn dầu xem xét. Lớp da mỏng gần cùi chỏ cho đến nửa phần bên dưới của cánh tay phải bị cháy đến ửng đỏ như muốn lòi những sợi gân máu và thớ thịt bên trong. Ngướng cổ nhìn theo hướng cánh tay đưa cao của chị, con em thất đảm khóc la bai bải:
- Trời ơi! Chị bị cháy lòi thịt rồi! Tay chị bị thủng rồi! Hu hu... hu... hu.
Những tiếng la khóc của con em giật thót tim con chị. Chúng đưa con chị trở lại thực tế trong lúc tâm trí của nó bị hoàn toàn khống chế bởi cảnh cháy kinh hoàng và cánh tay bị cháy phỏng. Nó lúng túng chưa biết xử sự như thế nào, con em đã xô cửa ra vào chạy ra khu vườn đêm, la khóc ầm ĩ:
- Hu...hu...hu... cô Sáu ơi! Bà nội ơi! Mau ra cứu chị con! Chị Hạ con bị cháy rồi! Bị cháy tay gần chết rồi!
Tiếng khóc la của nó làm kinh đảm những con chim ăn đêm. Chúng kêu lên oang oác và vụt bay ra khỏi các lùm cây. Từ trong góc nhà kho của bà nội, con Kiki xổ chồm ra sủa inh ỏi như muốn giúp nó đánh thức tất cả mọi người trong ngôi nhà lớn, nhà cô Sáu, và nhà bếp thức dậy.
Cô Sáu mở bật cửa nhà cô và chị Cựu mở cửa nhà bếp hớt hơ hớt hãi, hỏi dồn:
- Chuyện chi rứa Vy?
- Chuyện chi rứa?
Con em tức tưởi vừa khóc, vừa nói:
- Chị con bị cháy tay gần chết rồi!
Bà nội, và cô Út lục đục mở cửa sau của ngôi nhà lớn, dáo dác hỏi:
- Chi rứa? Chi rứa?
Cô Sáu như bị sét đánh ngang tai, trả lời thay cho con em:
-Tụi hắn đốt chi ngoài nớ mờ con Hạ cháy tay!
Bà nội rụng rời:
- Mần răng mà như rứa?
Cô Út cằn nhằn:
- Hai đứa ni phá như giặc, ban ngày phá chưa đủ, đêm còn đốt phá!
Bà nội gắt:
- Im coi nờ! Nói chi mờ nói nhiều rứa! Để tau hỏi hắn mần răng tụi hắn bị cháy?
Con em thút thít:
- Tụi con đốt đèn sáp đọc truyện nên chị Hạ bị cháy tay.
Bà nội hốt hoảng:
- Tụi mi chạy mau ra ngoài nớ coi hắn ra mần răng rồi! Mau lên đi nờ!
Nắm tay con em bước theo hai cô Sáu, cô Út, và chị Cựu, bà nội an ủi nó:
- Để tau nói hai cô lo cho chị mi, đừng khóc nữa!
Những tiếng nói văng vẳng và những bóng người lố nhố hướng về phía căn nhà nhỏ làm con chị càng lúc càng lo sợ. Chiều hôm nay nó đã trốn thoát chuyện tàn phá một bụi hoa nhưng bấy giờ chắc chắn là nó không thể trốn khỏi cái tội đốt giường, đốt tay. Bồn chồn lo sợ với cảnh bị phạt trong tưởng tượng, nó quay đầu khắp nơi để tìm một chỗ trốn. Trong khi nó không tìm ra một chỗ ẩn nấp kín đáo trong căn nhà quá nhỏ, cơn nhức nhối hoành hành dữ dội trên cánh tay bị bỏng. Vô vọng với tình trạng tiến thoái lưỡng nan, nó đứng yên một chỗ cho đến khi đối diện với tất cả mọi người trước mặt.
Cô Sáu lo lắng hỏi:
- Tay mi cháy ở mô đưa cho tau coi coi nờ?
Con chị lặng lẽ chìa cánh tay bỏng. Cô Út rọi chiếc đèn dầu lấy từ bàn thờ ông bố sát vào tay nó. Và cô Sáu chép miệng:
- Ngủ chi mờ cháy đến như ri không biết rứa!
Bà nội giục rối rít:
- Mau tìm nước mắm chế cho hắn. Nước mắm trị phỏng đó!
Cô Sáu y lời nội bảo. Sau khi kêu con chị đứng ngoài bậc thềm tam cấp, và bắt nó chìa tay ra sân, cô trút khoảng nửa chai nước mắm trên vết bỏng
Con chị la ơi ới:
- Rát quá đi! Nhức quá cô ơi!
- Rát như rứa mới mau lành. Chỉ có nước mắm mới trị được phỏng thôi. Cô Sáu nói.
Con chị ôm cánh tay, khom lưng ngồi trên bậc tam cấp, vừa khóc vừa la:
- Đau quá đi! Rát quá đi!
Chị Cựu an ủi:
- Ráng chịu đau một tí để mau lành!
Cô Út đe:
- La đi! Mi cứ la to khóc lớn đi cho bà Cả biết. Lúc nớ đừng trách răng mờ bị chửi!
Con chị ngưng bặt la khóc mà thay bằng than vãn:
- Nước mắm hôi quá đi! Thúi quá đi!
Cô Sáu nói với chị Cựu:
- Mi ra nhúng khăn lau xung quanh chỗ phỏng cho hắn dùm cho tau để tau coi tụi hắn đốt mùng màn ra răng.
Chị Cựu vừa gật đầu ưng thuận, con em đã nhanh chân đi lấy khăn lau mặt trao cho chị Cựu ngay. Chen giữa cô Út và bà nội trước cửa ra vào, con em vừa quan sát cách chữa vết bỏng của chị Cựu vừa xem phản ứng của con chị. Nó nghiêng đầu hỏi:
- Nước mắm làm chị lành chỗ phỏng chưa?
Chăm chú nhìn những ngón tay di chuyển nhẹ nhàng của chị Cựu, con chị lắc đầu, nói với con em:
- Nước mắm này làm lở tay chị thêm thì có!
Cô Sáu đang ở “buồng ngủ” nói vọng ra la nó:
- Răng mờ lở? Không có chi trị phỏng hay bằng nườc mắm mô nhưng phải chờ từ từ mới lành được. Nước mắm phải là thuốc tiên mô mà đòi lành cho ngay tức thời!
Bà nội nhìn chăm chăm vào vết bỏng trên cánh tay phải của con chị, nói chậm rãi:
- Để hai đứa ni ngủ một mình như rứa không được mô Sáu nờ! Từ bữa ni sắp lên, bắt hai đứa hắn ngủ trong nhà con, không cho tụi hắn ở trong nhà ni nữa.
Con chị lập lại câu thuộc lòng:
- Con chỉ muốn ở nhà của con. Con chỉ muốn ở trong nhà có bàn thờ của ba con.
Cô Út nạt to:
- Để mần chi? Để mần cháy nhà nữa hử?
Con chị hết hồn, im thin thít.
Cô Sáu vừa giũ chiếu, vừa phân trần:
- Con đi bán cả ngày mạ nờ! Tụi hắn ở nhà với con Út có được mô!
Bà nội nói:
- Rứa thì ban ngày cho tụi hắn ở trong nhà ni sau khi tụi hắn đi học về, còn ban đêm sau khi thắp hương cho anh Đạm xong, con khóa cửa lại, bắt tụi hắn vào ngủ trong nhà con.
Nhìn vẻ mặt ưng thuận trong sự im lặng của cô Sáu, bà nội nói tiếp:
- Ráng lo cho tụi hắn đến khi mạ tụi hắn về. Con Bảy đang cần hắn giúp bán hàng nên chưa báo cho hắn về với con hắn được. Ráng vài ngày nữa hắn về với con hắn thôi!
Ba người lớn yên lặng nghe bà nội, không nói gì, cũng không hỏi gì. Hai đứa nhỏ cũng yên lặng và cúi đầu.
Bà nội suy nghĩ một lúc, nói thêm:
- Con Sáu lâu ni thường đan áo len, có nhiều len vụn, lục cho mạ xin vài ba cuộn. Còn con Cựu khi mô rảnh chuốt cho mệ hai đôi que đan bằng đũa tre để mệ chỉ cho tụi ni cách đan khăn len. Đan ba xí ba tú chi cũng được, buổi chiều đi học về không mần chi thì ngồi đan cho tau coi, rứa thì hết phá thê!
Những người lớn im lặng và hai con nhỏ hiểu rằng chúng sắp sửa bước vào sự quản thúc chặt chẽ.
Chị Cựu nói:
-Tạm thời bi chừ để con ngủ với hai đứa cho đến sáng. Ngày mai hai đứa đi học về rồi tính theo cách của mệ.
Cô Út hỏi:
-Tay hắn bị phỏng như ri mần răng đi học được?
Con chị đứng lên đi vào nhà:
- Ngày mai con đi học được. Con giấu vết phỏng trong tay áo cô giáo không thấy đâu. Với lại, không ai xin phép cô giáo cho con nghỉ học, con không muốn nghỉ đâu!