Chương 21
Những viên kẹo ngậm suốt đêm để kềm những cơn đói bụng là nguyên nhân gây cho con chị phải chịu đựng cơn nhức răng tột cùng và dữ dội. Lăn người qua lại trên tấm phản gỗ, nó ôm mặt than khóc:
- Hu...hu hu... nhức răng quá! Đau răng quá!
Từ trong mùng của cái giường nệm bên cạnh chiếc phản, Cô Sáu la:
- Nín đi! Khóc chi mờ khóc dữ rứa?
Con chị tấm tức:
- Con nhức răng quá! Con ngủ không được!
Cô Sáu nằm yên, cằn nhằn:
- Tau đã nói mi chà răng trước khi đi ngủ rồi thê!
- Dạ con đánh răng và ngậm nước muối rồi mà nó vẫn còn đau.
Dứt lời con chị tiếp tục kêu than:
- Trời ơi! Con đau răng quá trời ơi!
Cô Sáu không hỏi, không nói gì nữa; cô tiếp tục mơ màng trong giấc ngủ.
Con em nằm cạnh chị, khuyên nhủ:
- Cắn răng chặt lại cho con sâu răng chết đi chị!
Con chị vùi mắt trong gối, lắc đầu:
- Chị đau lắm Vy ơi! Đau răng quá đi! Đau răng quá đi!
Con em nằm yên, lắng nghe những lời than vãn của chị với đôi mắt hoang mang. Chẳng khác gì khi nghe chị nó than khóc, nó lo sợ và hồi hộp khi nghe cô Sáu rên rỉ liên hồi:
- Trời ơi! Mi có im cái miệng mi cho tau ngủ không Hạ? Tau đi bán cả ngày mệt đừ người thê, đến đêm khuya như ri mờ mi không cho tau ngủ mần răng ngày mai tau đi bán hở mi? Mi khóc la liên tu bất tận như rứa mi coi được hỉ? Mi ác chi mờ ác dữ rứa hở Hạ!
Con chị giảm âm thanh rền rỉ nhỏ hơn, nhưng nhất định không ngưng những lời than vãn:
- Má ơi má! Sao má không về với con? Con nhức răng quá má ơi!
Cô Sáu nổi nóng, bật tung ra khỏi giường:
- Tau nói chi mi nghe không rứa Hạ?
Con chị ngoan cố:
- Đau răng quá! Hu... hu... hu! Nhức răng quá! Hu... hu... hu!
Cô Sáu vụt đến cái công tắc điện gần cái phản gỗ:
- Mi không chịu nghe tau phải không Hạ? Tau cho mi coi mi chướng chừng mô!
- Hu...hu...hu...
Mở rộng cánh cửa ra vào, cô Sáu nói to:
- Muốn ngủ trong nhà với tau thì nín ngay. Muốn khóc thì đi ra ngoài vườn.
Tiếng la to của cô Sáu run run với những âm thanh không đều nhau. Có lẽ cô vừa tức giận, và vừa cố tạo một sự cứng rắn để có thể khuất phục tính ngang bướng của con nhỏ chị.
Con em thút thít:
- Chị Hạ nín đi để ngủ với em!
Con chị không làm theo lời em nói. Nó tiếp tục khóc, chun ra khỏi mùng, và bước ra khỏi cửa. Lạc loài trên sân gạch và ngổn ngang những tiếng kêu khóc của em đàng sau, nó lặng người nhìn cảnh vật xung quanh. Cánh cửa sổ phòng cô Út đóng kín, cửa ra vào của ngôi nhà lớn của bác Cả đóng kín, cửa sổ nhà bếp của bà nội và bác Cả đóng kín, cửa ra vào nhà bếp của bà nội và bác Cả đóng kín và hai cánh cửa nhà cô Sáu cũng bị khép chặt. Tất cả như từ chối nó và thúc giục nó tiếp tục đi trong bóng đục của màn đêm hướng ra vườn. Phút chốc, tiếng khóc của con em bị ngưng bặt sau lưng và nó tiếp tục âm thầm bước đến tận cây mận xanh gần bức tường thành, nơi mà ánh đèn đường nhỏ vào vài giọt sáng trên các cành lá.
Tựa mình ngồi dựa vào gốc cây mận, con chị im lặng nhìn những cành lá rung rinh theo gió. Những làn gió đêm làm cho nó thấy lạnh đến tận xương. Chiều nay khi đi tắm, nó chọn bộ đồ tay ngắn và bây giờ thật là không may mắn khi phải ngồi ngoài vườn chịu lạnh giữa những cơn gió đêm. Tiếng lá lao xao trong gió, tiếng trái rơi, tiếng chim hốt hoảng vụt bay, và những bóng cây chờn vờn di động trong đêm tối càng lúc càng làm cho nó sợ hãi. Những hình ảnh ma quái của những mẫu chuyện ma do bạn bè trong lớp xì xào trong giờ ra chơi hiện ra trong trí và cảm giác ớn lạnh đưa từ sống lưng lên đến óc khiến nó co ro với đôi cánh tay vòng chặt quanh đôi chân và cằm tựa lên đầu gối. Nhìn về phía căn nhà nhỏ, nước mắt của nó chảy ra không ngừng. Từ lúc nó làm cháy tay và cháy chiếu, bà nội và cô Sáu quyết định khóa cửa căn nhà nhỏ sau buổi chiều chạng vạng, lúc mà cô Sáu thắp hương cho ba nó xong, để buộc hai chị em nó ngủ tại nhà cô Sáu; nếu không, tối nay nó đã có thể vào ngủ trong căn nhà của nó. Chán nản, nó đưa mắt nhìn xung quanh vườn. Trong bóng đen, hình như tất cả những cây ăn trái trong vườn đang bị thay đổi vị trí. Đầu cứng đờ, mình đầy gai ốc, và tay chân lạnh ngắt, nỗi sợ hãi của nó càng lúc càng dâng cao. Xoa vội vã hai cánh tay đầy da gà, nó nhắm ghiền đôi mắt để tự trấn an là mọi cái vừa thấy chỉ là ảo tưởng. Trong lo sợ, nó hối hận đã dám gan liều đi ra ngoài vườn đêm một mình. Khi nhớ lại cơn đau răng là nguyên nhân của sự liều lĩnh, nó ôm mặt thảng thốt. Hình như cơn đau răng của nó cũng đang bị hủy diệt bởi bàn tay ma quái của thần đêm. Kinh hoàng, nó dựa lưng sát vào gốc cây mận hơn và nhắm chặt đôi mắt lại để không phải thấy những hình ảnh ma quái chờn vờn trước mặt.
Đột nhiên, tiếng khịt khịt bên tai làm con chị giật bắn người và mở mắt ra. Con chó Kiki đang hịt mũi hửi nó. Thè lưỡi liếm những giọt nưóc mắt trên khuôn mặt của con chị, con chó bẹc giê lai ta rít lên vài tiếng nho nhỏ, rồi quấn người xung quanh con nhỏ, vẫy đuôi không ngừng. Ôm siết cái đầu bồm xồm của con chó vào người, con chị khóc nức nở:
- Kiki ơi! Chị sợ quá Kiki ơi! Chị sợ quá!
Con chó Kiki lại rít lên những tiếng vô nghiã trả lời nó rồi đứng yên, thè lưỡi thở hổn hển. Con chị ôm chặt con vật cứu tinh lâu lắm mà không chịu thả. Sự hiện diện của con chó Kiki là bám víu quý báu duy nhất mà con chị có được giữa vườn đêm dày đặt bóng đen ma quái và vô số luồng không khí lạnh gáy. Nó không ngớt than thở:
- Chị sợ quá! Đừng bỏ chị nghe Ki Ki!
Con vật bốn chân đáng thương bị ghì chặt rất lâu mà vẫn không được buông lơi. Nó đứng yên thè lưỡi thở đều đều như muốn vỗ về giấc ngủ cho cô con gái nhỏ bị đơn độc trong đêm vắng. Thình lình nó vùng ra khỏi vòng tay của con nhỏ chị, sủa ong ỏng và chạy theo sau cái bóng vụt nhanh đến tận góc giếng. Con nhỏ chị choàng tỉnh, ngơ ngác với cái hụt hẫng và tiếng sủa om sòm. Chao đảo đứng lên, nó chặc lưỡi đi tìm con vật bốn chân.
- Kiki! Lại đây! Lại đây Kiki!
Con chó Kiki không quay lại. Nó hầm hừ đe dọa con mèo hoang đang chênh vênh trên bức thành kẽm gai tìm cách nhảy sang những căn nhà phía bên kia thành. Sủa chán chê mà con chó Kiki vẫn không từ bỏ ý định chặn đứng sự xâm nhập của con vật lạ trong khuôn viên nhà của chủ; nó đến gốc khế ngọt nằm dài vểnh tai nhìn chằm chằm lên bức thành có dây kẽm gai cạnh góc sân giếng. Con chị lần đến bên con Kiki, bệt xuống ngồi cạnh. Nó vừa tựa người vào gốc cây khế vừa dựa người sát vào lưng của con chó. Nhìn bốn bề xung quanh toàn là cây lá đen thẫm, nó cảm tưởng như đang lạc trong cánh rừng già vào lúc giữa đêm khuya. Cơn đau răng đã trở lại. Chiếc răng cấm, cạnh chiếc tận cùng của hàm phải trên, có cái lỗ sâu rít từng cơn buốt đến tận óc. Nó thọt hai ngón tay cái và trỏ ngoáy vào cái răng cấm sâu, nơi lợi sưng phồng bởi mủ bọc xung quanh, bóp thật mạnh rồi lắc qua lại như những lần tự nhổ những răng cửa lung lay. Là răng cấm, và là răng cấm của hàm trên, chiếc răng đau không giống như những chiếc răng cửa lung lay của đợt thay răng mà nó tự nhổ bằng chỉ may hay hai ngón tay khi mỗi lần bị đau nhức. Chiếc răng đau ngoan cố, cứng lì và chắc nịch trong khi lớp mủ bọc quanh vỡ ra kèm theo máu. Vị nhờn nhợn và mằn mặn từ từ thấm vào lưỡi nó khiến nó khó chịu phải phun nước miếng ra ngoài đất nhiều lần trong khi chịu đựng cảm giác nhức buốt đến tận đỉnh đầu. Tuyệt vọng vì cơn đau nhức hoành hành, nó gục đầu trên đầu gối khóc nức nở gọi mẹ. Con chó Kiki ngoảnh đầu, nghe ngóng tiếng khóc của nó một lúc rồi tiếp tục nhiệm vụ giữ nhà. Con vật trung thành nằm yên lặng, vừa canh gác, vừa chịu đựng nghe những tiếng kêu la than khóc, cho đến khi những tiếng sầu não này ngơi hẳn đi và thay bằng tiếng đập muỗi đôm đốp. Màn đêm buông xuống mỗi lúc một dày đặc và con chị càng lúc càng ngồi sít gần con chó Kiki hơn. Nó ngấm ngầm van xin con chó Kiki đừng bỏ đi nữa. Bám vào hơi ấm từ lông của con vật trung thành, và yên tâm với sự hiện diện của nó bên cạnh, con chị đã vượt qua một đêm dài trong bóng tối âm u.
Con chị ngủ say mê đến độ con em kêu nhiều lần mà nó không mở mắt ra. Đôi mắt nhắm nghiền, mũi nghếch lên, và miệng há hốc thở đều đều của nó biểu lộ một giấc ngủ an bình. Khuôn mặt lấm lem, bộ áo quần xốc xếch dơ dáy và thân hình ốm o của nó nằm nghiêng trên đất cát khiến con em mũi lòng. Con em vừa lay chị vừa mếu:
- Chị Hạ dậy mau lên! Dắt em đi học chứ trễ rồi!
Con chị giật mình, ngồi bật dậy.
- Trễ học rồi hả Vy?
- Chưa! Mà gần trễ rồi!
- Cô Sáu đã mở cửa nhà mình chưa?
- Mở rồi! Và cô còn cho chị ly này nữa.
- Ly gì vậy?
- Ly sữa ông thọ khuấy chung với nước cam và mật. Cô nói em đưa cho chị uống.
- Em uống chưa?
- Em đâu có đâu mà uống. Tại chị ngủ “ngoài đường”, cô Sáu thương nên cho chị thôi. Với lại em đâu có ốm như chị đâu mà được uống sữa này.
Con chị im lặng xăm xoi nhìn hai cánh tay trần. Những dấu đốt của muỗi gây cho nó nhớ chuyện tối hôm qua. Nước mắt nó chảy ra. Gạt nước mắt, phủi áo quần, nó đứng lên đi hướng về phía căn nhà nhỏ.
Con em đi theo:
- Chị uống đi! Chứ đầy quá em bưng đổ cho coi!
Con chị ngừng lại, gãi tay không ngừng:
- Vy có muốn uống ly sữa này không?
- Muốn lắm chớ! Em thèm lắm nhưng đâu phải của em đâu. Của chị mà!
- Chị cho em đó. Vy uống hết đi rồi chuẩn bị đi học.
- Chị cho em thật không?
- Thật đó! Uống đi!
- Rồi em nói với cô Sáu làm sao?
- Nói là chị đã uống rồi!
- Chị có uống đâu mà em nói chị uống?
Con chị cáu lên, nhướng đôi mắt đỏ hoe la em:
- Đã nói là của chị, chị cho Vy coi như chị uống rồi!
Con em kê miệng vào thành ly hớp một miếng rồi lẽo đẽo theo chị vào nhà. Nó cà kê:
- “Nước sữa” này ngon thơm lắm! Chị Hạ uống với em một tí đi.
Con chị vừa lục sách vở vừa lắc đầu:
- Chị không uống đâu!
Con em hỏi:
- Chị giận cô Sáu không chịu uống sữa của cổ cho hả?
Con chị lắc đầu, nước mắt lại ứa ra. Nó lấy cái viết mực đầu bi vừa khoanh tròn trên tay vừa đếm:
- Một, hai, ba, bốn, năm, sáu...
Con em trố mắt:
- Chị làm cái gì vậy?
- Chị đang đếm bao nhiêu dấu muỗi đốt trên người chị!
- Năm mươi, năm mốt, năm hai, năm ba...
Con em nhăn mặt:
- Chị Hạ chơi gì kỳ quá vậy!
Con Chị lắc đầu, vén hai chân, tiếp tục khoanh tròn và đếm luôn miệng:
- Sáu chín, bảy mươi, bảy mốt, bảy hai...
Con em lắc đầu, thè lưỡi:
- Trời ơi, chị Hạ chơi dơ quá hà!
Con chị bật cười. Lần đầu tiên nó nghe con em chê nó dơ. Nó vẽ xung quanh cái đốt đỏ cuối cùng rồi hớn hở reo lên:
- Một trăm mười hai dấu muỗi đốt! Trên đời này chưa có ai có một trăm mười hai dấu muỗi đốt như chị đâu Vy!
Con em lo lắng:
- Tay chân chị dơ quá làm sao đi học được? Chị không chà hết mấy dấu mực viết đầu bi này được đâu!
Con chị vội vã đứng lên:
- Vy uống sữa hết lẹ lên rồi mình rửa tay chân mặt mũi mà đi học.
Đến lu, con chị vừa xối nước vừa chà gãi. Hai cánh tay bị chà gãi nhiều đến độ chúng có từng vệt đỏ dài từ cánh tay đến cườm tay vậy mà những vết tròn của dấu mực như những vết mực đã được xâm chắc vào da thịt. Mảng tay bị cháy phỏng gần khủy tay đã được thay bằng lớp trắng hồng lẫn ửng đỏ. Lớp da non của chỗ bị cháy tăng thêm cho nó cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Xoa cánh tay vào nhau con chị thở dài ngao ngán. Con em chưa hết lo lắng:
- Cô giáo chị thấy tay chị dơ như vầy, chị phải làm sao?
Ngẫm nghĩ một lúc con chị nói:
- Hôm nay lớp chị không có giờ vệ sinh. Cô giáo chị không kiểm tra tay chân chị đâu! Với lại, chị sẽ mặc bộ dài tay, tụi bạn trong lớp không biết chị chơi dơ và ở dơ đâu mà cười chị.
Con em nhìn mặt chị:
- Bên má chị vẫn còn sưng nhiều lắm, chị có còn đau răng không?
Con chị lắc đầu:
- Chị không có đau nữa. Vy đừng nhắc chữ đau, nó làm chị đau lại cho coi.
- Vậy sao tối hôm qua chị nói “đau quá! đau quá!” cho đau thêm chi vậy?
Con chị lặng lẽ thay áo quần, nói lảng:
- Lấy cặp đi học mau lên, chị thay đồ gần xong rồi nè.
Bước ra khỏi nhà, con em vẫn không tha:
- Chị khóc la ồn ào, cô Sáu không ngủ được không cho chị ngủ ở trong nhà là đúng rồi.
Con chị nói:
- Chị đâu có nói cô Sáu sai!
- Chứ sao chị cho em sữa của cổ?
- Chị biết Vy chưa ăn sáng nên chị cho Vy.
- Đâu có! Sáng nay cô Sáu cho em ăn xôi rồi mà!
- Chị không thích ăn sáng lắm đâu.Vy thèm ly sữa ấy thì chị cho Vy chứ không phải là chị giận cô Sáu.
- Nhưng mà cô Sáu giận chị vì cô chờ mà không thấy chị trở vào nhà.
- Ủa? cô Sáu chờ chị thật không? Lúc chị đi ra ngoài, cổ đóng cửa ngay mà, chờ chị làm gì?
- Chắc cổ đóng cửa để làm chị sợ quay vô nhà lại đó. Cô nằm chờ chị hoài không được rồi ngủ quên luôn!
- Sao Vy không chạy ra kêu chị?
- Em sợ cô Sáu la. Với lại em sợ ma lắm!
Con chị ba hoa:
- Chị không có sợ ma!
Nhìn ánh mắt ngưỡng mộ của em, con chị tiếp tục:
- Nhưng mà chị sợ muỗi lắm. Ban đêm trong vườn có nhiều muỗi chứ không có ma đâu Vy.
- Rồi làm sao chị hết đau răng khi chị ở ngoài vườn.
Con chị ngập ngừng:
- Chắc là tại chị lo đập muỗi quá mà quên nhức răng.
Con em nói như thì thầm:
- Em cầu cho chị không bị nhức răng nữa để tối nay không khóc la và ngủ trong nhà cô Sáu với em.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 22
“Cho tao nữa đi!” “Nó có nhiều rồi cho tao nữa đi!”, “Mày còn nhiều quá chừng! Chia cho tụi tao nữa đi chớ!”
Tiếng nói ồn ào và sôi nổi của đám trẻ đang tụ trước dãy nhà cạnh khuôn viên nhà bà nội trên con đuờng Hoàng Tử Cảnh khêu gợi tính hiếu kỳ của hai chị em con nhỏ. Ôm cặp sát vào ngực, hai đứa chen chân vào giữa bọn chúng. Đám trẻ này là những đứa trẻ hàng xóm mà thỉnh thoảng hai chị em con nhỏ thường trao đổi vài câu trò chuyện khi đi học về. Con em hỏi con bạn hàng xóm và là bạn học cùng lớp với nó:
- Tụi mày làm gì vậy hả Hoa?
Thằng bé trong bộ đồng phục trường Nam Tiểu Học trả lời thay cho con Hoa:
- Tụi tao đang chia trái trứng cá?
- Trái trứng cá ở đâu mà hái vậy? Con em hỏi.
- Ở đường đàng kia kìa! Chỗ cắt tóc trong đình Phương Câu đó!
- Trứng cá có ngon không? Con em hỏi thêm.
Thằng bé đáp gọn:
- Ngon chớ, không ngon hái làm gì!
- Cho tao một trái được không? Con em gạ hỏi.
- Được. Tao cho hai chị em mày mỗi đứa một trái.
Con em chìa tay nhận trái trứng cá. Con chị nhìn con em, mỉm cười. Con nhỏ em của nó thường kết bạn qua việc ăn uống; hoặc là xin xỏ, hoặc là chia chác thức ăn với nhau. Nó luôn xưng tên với những đứa bà con trong nhà và bạn học trong trường nhưng lại thích xưng “mày tao” với những đứa hàng xóm. Có lẽ vì mấy đứa hàng xóm thường hay xưng hô “mày tao”, và cũng có lẽ bởi chúng gồm cả trai lẫn gái, nên lối xưng hô “mày tao” là lối xưng hô thông dụng và thích hợp nhất.
- Chị Hạ ăn thử trái trứng cá này đi! Con em mời chị.
Con chị vui vẻ đón trái nhỏ tròn, bóng đỏ, vừa ngắm, vừa nói:
- Trái trứng cá này dễ thương quá! Chị để dành, không ăn đâu!
- Ăn thử đi rồi em xin trái khác! Con em nói.
Đám trẻ nhao nhao:
- Sao không chia cho tụi tao mà cho chị em tụi nó!
- Tụi nó có đi hái với mình đâu?
- Đúng rồi! Nhà tụi nó thiếu gì cây ăn trái mà còn cho tụi nó!
Thằng bé chia trái trứng cá gãi đầu:
- Thôi tao cho tụi mày mỗi đứa một trái nữa là phần của tao!
Con Hoa hỏi:
- Mày có còn cho hai đứa Vy Hạ này nữa không Mẫn?
Thằng Mẫn lắc đầu
- Tao không biết, để coi đã. Còn nhiều trái sống hơn chín!
Con Hoa nói với thằng Mẫn:
- Cho tụi nó thêm đi rồi xin tụi nó trái cây của vườn tụi nó!
Quay sang con nhỏ em, con Hoa hỏi:
- Vài bữa tụi mày cho tụi tao trái cây nhà mày được không?
Con em bối rối:
- Không biết!
Con Hồng, chị của con Hoa nói chen vào:
- Vườn nhà mày có nhiều trái cây thấy mồ mà nói không biết! Tao thấy nhà mày toàn đồ trái cây hư ở thùng rác không hà. Không hái cho để rụng đổ thùng rác uổng ghê!
- Tại không ai cho tụi tao hái cả! Con em nói.
- Vậy ai hái ? Con Hồng hỏi.
- Không có ai! Cây trái trồng để vậy thôi. Thỉnh thoảng ai rảnh mới ra hái ăn thôi.
- Thì khi nào tụi mày rảnh, tụi mày hái cho tụi tao. Buổi chiều không đi học tụi mày hái khế đi rồi ra đây cho tụi tao.
- Tụi tao chỉ được hái khi được cho phép thôi.
- Vậy thì xin phép đi rồi hái cho tụi tao!
- Nhưng mà khi tụi tao xin phép, sẽ không được cho phép hái đâu.
- Sao kỳ vậy?
- Tao không biết!
- Uổng quá hớ!
- Uổng gì?
- Nếu nhà mày không có ai hái, trái rụng đổ thùng rác thì uổng chứ còn uổng gì nữa!
Con chị hỏi chen vào:
- Tụi mày thích ăn trái gì?
- Khế, mận ổi gì cũng được! Trái cây nhà mày trái nào cũng thấy ngon hết. Cho tụi tao càng nhiều càng tốt.
- Khi nào tao cho tụi mày được?
- Chiều nào tụi tao cũng họp ở vỉa hè ngoài bức tường nhà mày chơi nhảy dây và lò cò. Tụi mày muốn thì ra chơi với tụi tao rồi cho tụi tao luôn.
- Được rồi. Giờ tụi tao đi về.
Mặt trời trên cao phủ đầy ánh nắng trên đầu, trên vai hai chị em con nhỏ. Con em bước đi uể oải, lo lắng hỏi:
- Sao chị Hạ hái trái cây được?
- Buổi trưa không có ai trong vườn, chị hái được.
- Ai cũng ngủ nhưng chị Cựu hay ra giếng lắm!
- Chị biết rồi! Nhưng chị Cựu không méc bác Cả hay các cô đâu.
Con em cúi đầu:
- Em không muốn chị bị la. Em muốn tối nay chị ngủ với em.
- Tối nay chị sẽ ngủ với em. Chị sẽ không la đau răng nữa đâu.
Con em ngước mặt:
- Vậy chị có vào nhà nội ăn cơm với em trưa nay không?
Con chị lắc đầu:
- Không, em vào nhà nội ăn một mình đi rồi về với chị.
Đặt chiếc cặp trên bàn con em buồn bã hỏi:
- Vì sao chị không đi với em?
- Chị không đói!
- Chị không đi, em đi một mình, em sợ lắm!
- Em phải vào nội ăn cơm chứ không em sẽ bị đói bụng đó! Đi đi! Đi mau lên chứ bà nội và cô Út ăn xong là hết được cho ăn nữa cho coi!
Con em tần ngần, lắc đầu. Con chị đưa cho nó cái ly thủy tinh trống:
- Cầm cái ly mà hồi sáng cô Sáu cho sữa này đem vào trả bà nội là em có cớ vào nhà bếp của nội lúc giờ cơm. Bà nội sẽ gọi em ăn luôn và cô Út sẽ không có lý do để la em, vậy sợ gì nữa chớ!
- Rồi chị làm gì? Ngủ hả?
- Không. Chị hái khế cho tụi con Hồng, con Hoa.
Con em ái ngại:
- Vậy .. em phải đi “chực ăn”một mình hở?
- Ừ! Vy đi đi! Ăn xong về liền đó nghen!
Con em gật đầu, xách ly bước ra khỏi cửa. Con chị đi sau nó đến giếng rồi tẽ hướng về phía cây khế ngọt. Rảo mắt xung quanh vưòn một lúc, nó thò tay bứt hai khế bỏ vào túi rồi chạy về nhà. Đi đi về về từ nhà đến cây khế ngọt và từ cây khế ngọt về nhà nhiều lần, con chị đắc ý với đống khế nằm đưới hộc bàn. Nó khoe con em khi con này bưng về cho nó tô cơm có thịt kho trên mặt.
- Chị hái được một đống khế rồi đó! Không ai thấy chị hái cả.
Con em từ tốn đặt tô cơm trên bàn:
- Bà nội để dành cơm này cho chị đó! Cô Út nói là chắc chị giận nên không muốn ăn cơm.
Con chị phớt lờ những gì em nói, nó tiếp tục khoe thành quả của mình:
- Chị phải đi ra đi vô bao nhiêu lần mới hái được nhiều như vầy đó Vy.
Con em gật đầu:
- Chiều nay chị cho tụi nó hả?
- Ừ, chờ khi nào nghe tiếng tụi nó ngoài thành mình ra chơi và cho tụi nó.
- Giờ chị ăn cơm đi!
- Chị không ăn cơm. Em để dành chiều ăn đi, khỏi mắc công vào nội ăn chực cơm nữa.
- Chiều nay em trả cái tô này thì em có “chuyện” vào nhà nội lúc giờ ăn cơm nữa rồi. Chị ăn đi mà!
Con chị cắn trái khế ngọt:
- Chị ăn khế được rồi! Khế ngon lắm, khỏi cần ăn cơm cũng được. Em có muốn ăn khế với chị không?
Con em nhận trái khế trên tay chị, thảng thốt nói to:
- Sao khế to quá vậy? Chị leo lên cây hái hả?
- Đâu có! Chị chỉ hái ở những cành sà xuống mặt đất không đó! Ở trên ngọn, khế vàng ruộm hết rồi. Nay mai thế nào cũng bị rụng hết cho coi!
Con em mơ màng nhìn ra cửa sổ:
- Cây mận cũng có nhiều trái ngon ghê nhưng nó mọc trên mấy cành cao không hà.
Con chị nhìn em:
- Khi nào bà nội, mấy bác, mấy cô ngủ mình đi vào nhà kho của bà nội lấy cây khèo khèo mận ăn.
Con chị nói tiếp khi thấy con em rụt vai lắc đầu tỏ ý không bằng lòng:
- Vậy thì thôi ! Chờ mận chín rụng thì lượm mà ăn!
- Lúc đó nó héo hết trơn rồi.
- Vậy thì đừng nhìn nó nữa.
- Nhưng mà em thèm ăn mận lắm.
Con chị không nói gì. Một lúc sau, đôi mắt của nó trở nên linh hoạt lạ thường. Nó nói với giọng tự tin:
- Vy muốn ăn mận thì chị sẽ cho Vy ăn. Chờ bà nội, mấy bác, mấy cô ngủ trưa là chị hái cho Vy liền.
Con em không trả lời và cũng không phản đối. Nó ngồi cạnh con chị quan sát khu vườn bên ngoài khung cửa sổ. Trên giếng Cô Út và chị Cựu đang rửa chén. Tiếng đũa chén khua, tiếng gàu thiếc rơi xuống dưới nước giếng, tiếng nói, tiếng cười râm rang một lúc rồi từ từ im bặt.
Con chị chạy đến cửa ra vào, nhìn các hướng. Nó bảo con em:
- Vy lấy mũ ra vườn với chị.
- Chị sợ em bị nắng hả?
- Không phải! Để hứng mận cho chị. Chị sẽ hái và quăng xuống cho Vy.
- Em không hứng được đâu!
Con chị càu nhàu:
-Vy làm cái gì cũng không được.
Con em phụng phịu. Con chị lật đật nói trớ:
- Vy khỏi cần hứng. Chị quăng xuống đất, Vy lượm bỏ vào mũ được rồi!
Hai đứa chạy ra gốc mận. Con chị dưa tay bám vào thân mận to nhất, ấn chân vào góc chỉa nhánh rồi nhón người lấy đà trườn người lên. Từ góc chỉa cành này đến góc chỉa cành khác nó trườn đến cành nhiều trái nhất, vói tay bứt mận quẳng xuống cho con em.
Nhặt chỉ vài trái mận xanh mọng nước trên mặt đất, con em đã la lên rối rít:
- Đủ rồi chị Hạ! Mau xuống đi! Xuống mau đi!
Nghe tiếng kêu của em, con chị hốt hoảng tuột người xuống, lượm vội vàng hết tất cả mấy trái mận trên mặt đất bỏ vào trong vạt áo rồi cùng con em chạy về nhà.
Chia mận thành hai phần đồng đều, chúng đưa tay chơi trò “bao tiếng xùm bum tiếng xà” để biết đứa nào sẽ là người bắt phần trước và con em vui vẻ nhận phần mận mà nó ưng ý nhất. Khới những hạt cát bám vào chỗ dập của những trái mận của phần nó xong, con em lau từng trái bằng vạt áo. Nó hỏi:
- Mình có cho ba ăn mận không chị? Có cúng mận trên bàn thờ ba không?
Con chị giật mình, ngờ mặt ra trước câu hỏi bất ngờ của con em. Ôn lại những hình ảnh cũ, nó nhận ra rằng chưa bao giờ những người lớn trong khuôn viên nhà nội hái trái cây trong vườn để cúng Phật hay những người quá cố. Tất cả những trái cây cúng trong phòng thờ của ngôi nhà lớn hầu hết là những trái cây do cô Sáu mua ở chợ; còn hai cái bàn thờ trong căn nhà nhỏ của ba mẹ con nó, có lúc chẳng có trái gì nhưng mẹ chúng chẳng thể nào hái trái cây vườn để cúng. Nó thực sự không hiểu vì sao gia đình nội trồng cây ăn trái nhiều như thế để làm gì, và không hiểu vì sao chẳng một ai trong khuôn viên nhà họ Hoàng hái trái cây của vườn nhà để cúng. Nhìn những trái mận trên bàn, con chị trả lời em:
- Mận này bị dập hết rồi, không cúng ba được đâu Vy. Với lại, nếu mình cúng ba, lỡ cô Út đến nhà mình, thấy mận, biết mình hái trộm, cô la mình chết!
Bâng khuâng nhìn những cành lá xa xa, con chị nói tiếp:
- Mà nếu ba muốn ăn, ba có thể ăn ngoài vườn được không cần mình hái cúng. Trái trên cành tươi ngon hơn mấy trái này nhiều.
Con em chống cằm
- Ba ăn làm sao được?
- Ba chết thì trở thành người tàng hình rồi! Ba muốn ăn trái cây gì trong vườn thì ăn đâu ai cấm được ba! Ba muốn ăn trái cây ngoài chợ người ta bán cũng được nữa kìa, khỏi cần mua cúng! Tàng hình rồi, làm gì thì làm người sống đâu có biết, chỉ có người chết tàng hình mới biết người sống làm gì thôi!
Con em lo lắng:
- Như vậy ba có biết mình ăn trộm mận không?
Con chị gật đầu:
- Biết chứ!
- Sao chị biết ba biết mà chị vẫn làm?
- Vì Vy thèm ăn mà!... với lại, chị không muốn mận rụng bỏ thùng rác để mấy đứa hàng xóm cười mình.
- Má nói ăn trộm ăn cắp, chết xuống âm phủ bị diêm vương cho chặt tay đó chị Hạ!
- Chị biết rồi!
Con em ngần ngừ:
- Vậy em ăn mấy trái mận này thể nào xuống âm phủ cũng bị diêm vương chặt tay cho coi.
Con chị trấn an em:
- Chị leo lên hái là chị bị diêm vương phạt chặt tay chị chứ không chặt tay Vy đâu mà sợ. Vy ăn đi, đừng sợ nữa!
Cắn một trái mận nó nói với giọng oán trách:
- Chị không hiểu người lớn được! Sao họ không cho mình làm bất cứ cái gì khi mình xin phép?
Con em không đáp lời chị. Nó nghe ngóng một lúc rồi bảo:
- Mấy đứa hàng xóm chơi ngoài thành nhà mình rồi đó chị! Để em cất tô cơm này rồi ra chơi với tụi nó nghe!
Con chị im lặng, lắng nghe những tiếng cười nói reo vui từ ngoài bức thành vọng đến. Khuôn mặt nó trở nên nghiêm trang một cách lạ thường:
- Ừ, nhưng để chị thăm chừng xem còn ai ngoài vườn không rồi mình đi.
Sau khi quan sát cổng trước, vườn cây, bờ giếng một cách kỹ lưỡng, con chị bảo con em:
- Mình leo thành ra chơi với tụi nó nghe Vy!
Con em thảng thốt:
- Em không leo thành được đâu. Em sợ té.
- Tường thành thấp mà. Chị sẽ giúp Vy cho. Chứ ôm cái đống khế này đi ngang nhà bác Cả không cho tụi nó được đâu.
Con em đăm chiêu, suy nghĩ. Con chị chăm chú nhìn nó, khích lệ thêm:
- Vy leo được mà! Chị biết Vy leo được! Nếu Vy muốn ra ngoài đó chơi với tụi nó thì Vy phải leo thành. Còn nếu Vy không muốn leo thành, Vy đi đến cổng trước nhà bác Cả mở cửa ra ngoài đường rồi đi vòng lại ngoài bức thành trước nhà mình.
Con em nhìn ra phía ngôi nhà lớn rồi nhìn về cái cửa trước của căn nhà nhỏ, nó hỏi:
- Vì sao nhà mình không có cái cổng ở trước nhà như nhà bác Cả vậy chị Hạ? Em thích nhà mình có cái cổng trước.
Con chị lắc đầu:
- Chị không biết! Nhưng chị cũng thích nhà mình có cái cổng trước để mình tự do đi ra vào mà không bị ai “trong đó” kiểm soát.
Nó nói thêm:
- Không có cổng cũng được. Mình leo ra ngoài như mình đi ra cổng trước nhà mình đó Vy! Chị leo cây mận cao hơn bức tường thành nữa mà chị còn leo được. Bức tường thấp mà có chị giúp nữa là Vy leo được ngay.
Con em vừa gật đầu ưng thuận đứng lên, hai chị em ôm mũ khế, đóng cửa đi ra phía trước căn nhà nhỏ. Đến bức tường thành, con chị hướng dẫn con em cách leo lên tường. Nó đùn mông con em lên trên bức thành rồi gọi mấy đứa hàng xóm đỡ con em xuống. Sau khi chuyền cái mũ khế qua cái lỗ thành, con chị leo thoăn thoắt qua bức thành như một con sóc.
Con Hồng mừng rỡ:
- Hai đứa mày cho tụi tao khế hả?
Con chị gật đầu, chìa khế cho từng đứa.
- Ừ, cho tụi mày mỗi đứa một trái!
Con em lục trong túi áo đưa cho con Hoa một trái mận.
- Trái mận này cho mày thôi.
- Vì sao không cho tao? Hồi nãy tao cho chị em mày trứng cá mày nhớ không?
Con Hoa nói:
- Nó là thằng Mẫn, ở cạnh nhà tao đó. Có còn trái nào cho nó nữa không Vy?
Con em ngập ngừng:
- Mận có ít thôi vì khó hái lắm. Chỉ còn một trái này của tao thôi.
Con chị can thiệp:
- Tao còn hai trái trong túi nè. Cho tụi bây bẻ ra chia nhau ăn.
Cả bọn ngồi dọc theo cạnh chân thành nhai mận khế và nhìn xe chạy qua lại trước mặt. Con Hoa khen tấm tắc:
- Mận nhà hai đứa mày thấy xanh lè mà ngọt ghê đi.
Một con khác lên tiếng:
- Xanh bóng mà! Dĩ nhiên là ngọt rồi! Khế này của nhà tụi nó cũng ngọt nữa.
- Hôm nào tụi mày cho tụi tao ăn trái cây của vườn nhà mày nữa nghen!
- Buổi chiều ra chơi với tụi tao nữa nghen!
- Cho tao làm bạn với mày được không?
- Mày làm bạn với tao nghen!
- Chơi với tao nữa nghen!
- Tao nữa!
- Tao nữa!
- Có hái trái gì nhớ cho tao với nghen!
- Cho tao với!
- Cho tao nữa nghen!
- Tao nữa nghen!
Con chị mỉm cười gật đầu, đứng lên:
- Được rồi! Khi nào tao ra đây chơi tao sẽ hái trái cây cho tụi mày. Bây giờ mình chơi trò gì?
Thằng Mẫn nói:
- Bọn mình đông quá, chia nhau chơi u mọi đi!
Con Hồng hớn hở
- Ừ, chơi u mọi vui lắm! Chơi u mọi nghen tụi bây?
Cả bọn nhao nhao:
- Ừ! Chơi u mọi! Chơi u mọi mấy đứa!
Thằng Mẫn nói:
- Bây giờ mình bắt cặp đi. Chia ra hai nhóm. Mình có cả thảy mười đứa; mỗi nhóm năm đứa chơi đủ rồi! Anh chị em không được bắt cặp chung!
Một đứa con gái kéo tay con nhỏ chị:
- Cho tao bắt cặp chung với mày nghen!
Con chị chưa kịp trả lời; một đứa khác hỏi nó:
- Cho tao nữa!
Một đứa khác:
- Cho tao nữa!
Con chị gật đầu lia lịa. Dẫn nhóm của phe nó đến cái mức qui định của trò chơi , rồi nhìn những cành mận thấp thoáng đàng xa, nó vui sướng với ý nghĩ: “Sẽ hái nhiều trái cây vườn cho những đứa hàng xóm này!”
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 23
- Nguyệt ơi! Vinh ơi! Về tắm rửa ăn cơm chứ chiều rồi đó!
Đang kéo địch thủ không cho nó cứu đồng bọn, thằng bé mặc áo tay ngắn, quần cụt chợt buông tay ra nói với cả bọn:
- Má tao kêu về rồi, tao không chơi nữa đâu!
Con Nguyệt, em của nó, nằn nì:
- Chơi cho hết “biền” này đã anh Vinh!
Con Hồng bàn ra:
- Thôi tao cũng không chơi nữa đâu. Tao phải về! Đi về Hoa!
Con Hoa lắc đầu nguầy nguậy:
- Chơi chút nữa đi chị Hồng! Chơi vui quá mà!
- Chiều mai chơi tiếp. Bây giờ trễ rồi! Má và chị Loan về không thấy mình ở nhà, la mình cho coi!
Con chị nói với con Hồng:
- Tụi mày giúp tao đỡ em tao lên bức thành này đã rồi về.
- Sao mày không đỡ em mày lên?
- Tao phải leo vào trong trước để đón em tao. Mày giúp tao đỡ nó lên bức thành, tao ở phía trong mới đón nó xuống được.
Thằng Mẫn nói:
- Để tao phụ con Hồng đỡ em mày lên cho, leo vô trước đi.
Con chị vừa nhón người lên, nó cảm thấy như bức tường thành chao đảo. Lắc lư trên mặt thành, nó ngần ngại không chịu leo xuống.
Thằng Mẫn hỏi:
- Mày bị sao vậy?
- Tao thấy chóng mặt quá. Tao thấy mặt đất ở dưới như đang xoay xung quanh bức tường.
Thằng Vinh nói:
- Tại mày “găng” quá mà! U nhiều hơi là vậy!
Con Hồng hối:
- Leo xuống mau đi, coi chừng té đó!
Nghe lời con Hồng, con chị đặt chân trong cái lỗ hốc của thành rồi xoay người bước xuống mặt đất. Tiếng con Hồng vang lên từ bên kia bức thành:
- Tụi tao đỡ em mày lên thành rồi nè. Đón nó xuống đi!
Con chị ngước lên. Nó thấy bầu trời và những đám mây quyện vào nhau thành những cơn lốc hung dữ xoay tròn vùn vụt xung quanh con em. Vội vàng gập đầu xuống và nhắm mắt một lúc, nó xoay người tựa đầu vào vách thành. Khi nó mở mắt ra, nó nắm ngay bàn chân phải của con em đút vào hốc thành, và bảo con nhỏ này xoay người lại để tuột xuống. Cố gắng hết sức để đỡ toàn thân con em xuống cho đến khi bàn chân con nhỏ này chạm đất, nó kề mặt vào lỗ hốc nói với mấy đứa hàng xóm:
- Tụi tao vô được rồi. Tụi mày về đi!
- Ừ! Tụi tao về đây, mai mình ra chơi nữa nghe.
Không trả lời bạn, nó tựa toàn thân người vào bức thành và giương đôi mắt hoảng loạn nhìn cảnh vật xung quanh đang nhòa nhạt dần dần. Nhìn khuôn mặt tái xanh của nó, con em hốt hoảng:
- Chị Hạ làm sao vậy?
Con chị lắc đầu, víu vào vai con em:
- Không sao cả, cho chị vịn Vy một tí.
Con em đi chầm chậm để chị đi theo cùng bên. Nó càu nhàu:
- Ai biểu chị Hạ chơi hăng làm chi! Cứu hai đứa bị tù của bên chị là “ngon” lắm rồi, cứu nhiều chi cho hết hơi?
Con chị không trả lời. Nó cố gắng tập trung đôi mắt để mong tìm được những hình ảnh yên định và bình thướng như đã từng nhìn thấy trước đây. Loạng choạng trên bậc tam cấp, nó vội mở cửa nhà và bước nhanh đến giường. Trong mơ màng, nó nghe con em hỏi một câu gì đó. Mơ hồ điều em hỏi, nó nói vọng ra ngoài trước khi thiếp đi:
- Vy ăn cơm đi!... Chị ngủ ...không ăn đâu.
Mê man và bất động trên giường qua đêm cho đến tận trưa ngày hôm sau mà con chị không thể nào tỉnh giấc. Những tiếng kêu loáng thoáng, và những tiếng khóc bất chợt xung quanh khiến nó cố gắng hé mở đôi mi. Ánh sáng chập chờn làm đôi mắt nó buốt nhức dữ dội. Nhăn mặt vì cái đầu nặng như bị đá đè và tứ chi rã rời như đang vở ra thành từng mảnh, nó muốn kêu lên vài tiếng để than vãn với con em; tuy nhiên, càng cố gắng kêu em, cổ nó khô khốc và nghẽn cứng như bị nút chặt. Vô vọng với trạng thái chưa từng trải qua, nó nằm im cố gắng nuốt nước bọt để làm dịu cổ họng và nghe ngóng động tĩnh. Đôi cánh tay của người nào đó bất chợt nâng bổng thân hình nó lên và đưa nó bồng bềnh từ nơi này đến nơi khác. Ánh nắng chói chang hắt vào mặt. Nó hấp háy đôi mắt nhìn những cành mận chơm chớp và lờ mờ trên nền trời. Rướn đầu lên nhìn người đang bế nó trong lòng tay, nó bàng hoàng sung sướng kêu lên:
- Má! Má về với con đó hả má?
Bà mẹ ghì chặt nó hơn trong đôi cánh tay, vừa chạy vửa nói hổn hển:
- Má đây con! Má đang đưa con đến trạm Y Tế đây!
Nó bật khóc nức nở:
- Má đừng bỏ con đi nữa nghe má!
Bà mẹ lắc đầu, nói trong nước mắt:
- Không! Má không bỏ tụi con đi đâu nữa đâu! Má sẽ đưa con trị bệnh và ở nhà luôn với con.
Ông bác sĩ độ năm mươi tuổi ngoài, mặc áo choàng trắng tiếp hai mẹ con trước ngưỡng cửa phòng khám.
Ông vồn vã nói:
- Tôi nghe cô y tá báo tình trạng của cháu nên tôi chuẩn bị tiếp cháu ngay.
Đảo mắt nhìn những bệnh nhân đang chờ đợi, bà mẹ gật đầu biết ơn:
- Dạ cảm ơn bác sĩ. Xin cho tôi biết là tôi để cháu ở đâu?
Ông bác sĩ đưa tay ra hiệu:
- Bà đi theo tôi!
Hướng dẫn bà mẹ vào căn phòng nhỏ có chiếc giường phủ ra trắng, ông bảo:
- Bà cho cháu nắm xuống đó đi!
Con chị lặng lẽ nhìn mẹ khi bà đặt nó ngay ngắn trên chiếc giường nệm trắng. Khuôn mặt hốc hác và đầy lo lắng của bà đã làm cho nước mắt nó tuôn rơi ràn rụa không ngừng trên đôi má. Nó quên hết những lời trách móc đã chuẩn bị sẵn mà nó định tuôn ra không ngừng khi gặp lại mẹ; thay vào đó, niềm yêu thương mẹ dâng cao và đầy ắp trong tâm hồn của nó. Qua màn lệ, nó giương ánh nhìn biết ơn. Sự hiện diện của mẹ nó đã hoàn toàn xóa tan những nỗi âu lo và khủng hoảng tinh thần của nó trong những ngày chờ đợi tuyệt vọng.
Sau khi buông cái ống nghe xuống trước ngực, ông bác sĩ cẩn thận khám người và tay chân của nó. Ông nhíu mày hỏi:
- Vì sao cháu bị muỗi đốt nhiều vậy bà?
Bà mẹ cúi đầu:
- Dạ thưa bác sĩ tôi không biết ạ.
Ông bác sĩ ngước mặt lên nhìn bà mẹ ngạc nhiên. Ông toan hỏi một điều gì đó nhưng chỉ ậm ừ vài tiếng vô nghĩa trong miệng rồi tiếp tục cúi xuống xem xét. Nâng cánh tay phải của con chị lên và chòng chọc nhìn vết phỏng, đôi chân mày của ông như muốn nối lại với nhau:
- Còn vết bỏng này? Có lẽ cháu mới bị đây thôi phải không?
Bà mẹ dán chặt mắt vào vết phỏng của con chị, nơi mà ông bác sĩ cẩn thận kéo lớp da gần đó ra xem xét, lúng túng trả lời:
- Dạ... dạ tôi cũng không biết nữa bác sĩ!
Để giải thích cho đôi mắt bất bình và khó chịu của ông bác sĩ, bà mẹ ấp úng nói tiếp:
- Tôi...tôi không có ở gần cháu trong hơn hai tháng qua. Tôi phải đi làm ăn xa để lấy tiền nuôi sống các cháu. Chồng tôi đã mất nên chỉ có một mình tôi...
Ông bác sĩ không chú tâm đến những lời nói dài dòng của bà mẹ, ông kéo mi mắt dưới của con nhỏ chị ra và nói một cách trang nghiêm:
- Cháu bị thiếu máu khá trầm trọng. Tình trạng sức khỏe của cháu hiện nay nguy kịch lắm.
Hấp tấp bước ra khỏi phòng, ông bác sĩ bỏ lại bà mẹ ngồi cong lưng như tôm và khóc oà như một đứa trẻ:
- Xin bác sĩ cứu giúp dùm cho con tôi. Xin bác sĩ thương tình!
Con chị chết lặng trước bất ngờ rồi nức nở theo tiếng khóc của mẹ:
- Má đừng khóc nữa! Con không bị chết đâu!
Bà mẹ lấy tay lau nước mắt cho nó, nghẹn ngào:
- Hạ ơi, lỗi tại má! Má sẽ nhờ bác sĩ chữa trị cho con hết bệnh! Nhất định má sẽ cứu sống con!
Săm soi vết phỏng rồi kỳ cọ những dấu mực tròn xung quanh những dấu muỗi đốt trên tay con chị, bà nói trong nức nở:
- Má không đi xa nữa đâu! Má không bỏ các con đi nữa đâu!
Nhớ đến em, con chị lo lắng:
- Vy đâu rồi hả má?
- Nó đi học rồi con à!
Con chị hốt hoảng
- Vậy còn con thì sao?
Ngẩng lên toan gượng người ngồi dậy, nó chợt khựng lại, nhắm mắt, và buông đầu trở lại trên chiếc gối. Mắt nó hoa lên như bị muôn vàn con đom đóm bay quanh, và đầu nhức như bị hàng ngàn cây đinh đâm vào. Bất lực với cảm giác lạ lùng nhưng vẫn không tin rằng đang có bệnh, nó rên rỉ không thôi:
- Con không muốn nghỉ học đâu! Con bị học dở rồi! Con không muốn nghỉ học đâu!
Cô y tá bước vào, đưa tay ngăn:
- Cháu nằm yên đi! Đang yếu nói nhiều không tốt đâu.
Nhẹ nhàng ngồi cạnh chân con chị, cô y tá quay sang bà mẹ nói nhỏ:
- Thưa bà, bác sĩ muốn nói chuyện riêng với bà. Xin bà đến phòng bác sĩ ngay ạ!
Nhìn theo mẹ, con chị giữ ánh mắt chằm chằm ngoài hành lang sau cái cửa gỗ đang mở rộng. Nó hoàn toàn mất tự nhiên khi phải nằm ngửa trước người lạ. Một cô y tá, dù có dịu dàng bao nhiêu, cũng giống như một cô giáo, một người lớn, một thế giới nghiêm khắc và đầy luật lệ; người ấy không thể nào xóa được cái khoảng cách xa lạ mà lần đầu tiên nó tiếp xúc cận kề trong không gian nhỏ hẹp của phòng bệnh. Không biết mở đầu cuộc nói chuyện ra sao, nó mơ màng những hình ảnh dạn dĩ và cởi mở của những đứa bà con. Con Tín, con Hạnh và thằng Đức thường làm cho những người bạn của cô chú Bảy Mỹ cười thích thú bằng những câu nói hồn nhiên. Chúng đã làm cho những người lớn thích lắng nghe và đối đáp lại chẳng khác gì ngang trương ngang tuổi thì chắc hẵn chúng sẽ líu lo bao nhiêu điều thú vị khi gặp cô y tá này. Ôn lại những lời đối thoại của những đứa bà con mà nó đã từng nghe, nó thở dài nhè nhẹ. Nó không tài nào tìm được câu khởi đầu cho cuc đối thoại với người mà nó gặp lần đầu tiên này. Nó ý thức được rằng nhờ trình độ học vấn của ba mẹ và sự ảnh hưởng văn hóa Tây phương mà những đứa nhỏ bà con của nó có phong cách tự nhiên, cởi mở; còn chị em nó chỉ có một người mà chúng có thể gần gũi và cởi mở duy nhất trên đời là mẹ của chúng mà thôi. Nhưng, cũng qua lối dạy dỗ của mẹ nó, nó luôn luôn được nhắc nhở rằng: “Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe, là phận nhỏ, con nên im lặng và lắng nghe hơn là nói leo chuyện người lớn!” cho nên im lặng trước người lớn trở thành cố tật của nó mà không thể nào thay đổi được.
Phá tan không khí im lặng, cô y tá hỏi:
- Cháu có muốn uống sữa không cô sẽ khuấy cho cháu một ly?
Con chị trả lời yếu ớt:
- Dạ không, cháu...
Chưa nói được lý do từ chối thịnh tình của cô y tá, con chị bỏ lửng câu trả lời vì nó sửng sốt nhìn cái kim dài và ống nước thuốc đỏ như máu trong tay của ông bác sĩ. Bà mẹ đi sau, đến cạnh giường, giúp nó nằm úp mặt xuống. Nó cảm nhận chiếc dây thun quần của nó được kéo trệ xuống một phía, chỗ mông phơi bày được chà sát bởi vật ẩm ướt và mát lạnh, rồi một cái chích bất thần trên cái chỗ vừa được chà ướt kia. Nó giật nẩy mình, nhưng cố lấy bình tĩnh bằng cách nghĩ đến ống thuốc ngừa mà nó đã được chích trong trường. Mỗi lần chích ngừa, đám học trò trong trường phải xếp hàng theo từng lớp, chuẩn bị vén tay áo và đưa vai trần ra để sẵn sàng nối đuôi nhau đến trước mặt những người mặc áo choàng trắng có những ống chích trên tay. Những lúc các lớp phải xếp hàng đi chích ngừa, con chị thường đứng ở đầu hàng của lớp nó. Bởi vì cái kim chích ngừa của nhân viên y tế đâm vào và rút ra nhanh như muỗi đốt khiến nó tự tin và thường tỏ ra “anh hùng” trước những đứa bạn cùng lớp khi mà những đứa này luôn luôn tranh nhau đùn về phía sau chứ nhất định không chịu đứng đầu hàng.
Mũi kim chích mà ông bác sĩ đâm vào mông của nó hoàn toàn khác với những mũi chích ngừa mà nó đã từng trải qua. Nó yên vị trong lớp thịt của con chị một lúc rồi từ từ truyền thuốc vào. Cảm thấy tê buốt và đau đớn, con chị bật lên khóc nức nở:
- Đau quá má ơi! Chích thuốc đau quá má ơi!
Bà mẹ xốn xang, vỗ về:
- Chịu khó chút đi con! Chích thuốc xong con mới đi được!
Dường như hiểu rõ phản ứng của loại thuốc và cách tiêm của mình, ông bác sĩ liên tục xoáy mạnh núm bông gòn gần nơi mũi kim chích. Ông căn dặn:
- Bà phải đưa cháu đến chích thuốc mỗi ngày cho đến khi cháu khỏi bệnh. Tình trạng sức khỏe của cháu hiện giờ rất xấu. Cháu chỉ có thể đi học lại khi sức khỏe hoàn toàn bình phục.
- Dạ
- Tôi sẽ ghi toa cho bà mua thêm thuốc cho cháu uống. Ngoài ra, tôi sẽ ghi những thứ thức ăn cần thiết để bà mua tẩm bổ cho cháu.
Bà mẹ ngập ngừng
- Thưa bác sĩ, hoàn cảnh gia đình tôi rất đơn chiếc và khó khăn. Tôi có thể để cháu ở nhà và đi bán được không? Nếu không...
Ông bác sĩ ngẩng đầu lên:
- Bà muốn nói là bà sẽ đi xa nữa hả ?
- Dạ không, Tôi chỉ đi bán ở chợ Đầm vào lúc buổi sáng thôi.
Ông bác sĩ:
- Sau này thì được, còn hiện tại bà nên gần gũi cháu ít nhất là cả tuần.
Ông bác sĩ nói thêm:
- Còn chi phí bà có thể trả cho tôi sau khi cháu điều trị. Tôi thông cảm cho hoàn cảnh của bà nên ưu tiên cho bà chi trả theo cách đặc biệt này.
Bà mẹ lắc đầu:
- Dạ không, hôm nay tôi có thể trả tiền cho bác sĩ được.
Ông bác sĩ nói chậm rãi:
- Điều quan trọng lúc này là bà cần gần gũi và chăm sóc cháu cẩn thận. Mỗi ngày nhớ đưa cháu đến đây chích thuốc.
Ông rút mũi kim chích ra khỏi mông con chị nhưng nó không có cảm giác được phóng thích. Nước thuốc đọng cứng vào chỗ tiêm làm cho phần thịt trên mông của nó bị tê cứng lại và làm cho nó đau đớn tột cùng. Tuy nhiên lời đối thoại giữa bà mẹ và ông bác sĩ đã làm cho nó đau lòng nhiều hơn. Nghĩ đến những ngày không được đi học và những mũi tiêm sắp tới, nó sụt sùi khóc vùi trên mặt gối.