28/4/12

Hai chị em (C24-25)

Chương 24

Nắng long lanh làm con chị chớp mắt. Cảnh vật trong vườn trở nên mới mẻ và khác lạ hơn sau những ngày nó nằm bẹp trên giường bệnh. Thích thú vì được mẹ cho tự do ra ngoài căn nhà nhỏ chơi và hân hoan với thông báo của mẹ trước khi bà đi chợ mua thức ăn, con chị tung tăng nhảy nhót giữa những hàng cây ăn trái.
- Sướng quá Vy ơi! Ngày mai chị được đi học lại rồi!
Con em lẽo đẽo theo chị, huyên thuyên nói:
- Ngày mai em được đi học chung với chị, em không cần phải đi với chị em con Hồng nữa!
Đang nắm tay em chạy đến cổng trước ngôi nhà lớn, con chị bỗng khựng lại ngạc nhiên hỏi:
- Hoa đâu mà nhiều vậy Vy?
- Em không biết. Chắc bác Cả mua hay là ai cho đó!
- Trời ơi hoa huệ Vy ơi! Lần đầu tiên chị được thấy cây hoa huệ. Chị chỉ thấy hoa huệ khi má cúng trên bàn thờ thôi chứ đâu bao giờ thấy cái cây bông huệ thật như vầy.
Từ chậu hoa này đến chậu hoa khác, con chị lại reo lên tíu tít:
- Trời ơi nhiều hoa hồng quá! Cái nụ hoa vàng này dễ thương ghê! Cái búp hồng này đẹp quá! Còn cái chùm hoa hồng nho nhỏ này xinh xắn làm sao!
Con em chỉ về phía góc cuối của bức thành:
- Có nhiều chậu hoa lan huệ và cúc vàng đến phía bên kia lận.
- Đi! Mình đi xem cho hết đi Vy!
Lấm lét nhìn vào trong ngôi nhà vắng vẻ, hai đứa lần lượt đi xuyên qua những khóm hoa để đến phần cuối của khuôn viên nhà. Nơi đây là nhà để xe hơi của bác Cả và là nơi mà chúng ít khi léo hánh đến bởi vì cái cảm giác sợ hãi khi phải đi ngang ngôi nhà uy nguy trước cái cổng ra vào.
Con em hớn hở:
- Chị thấy hoa cúc này đẹp không?
Con chị không trả lời em, nó chăm chú nhìn chiếc xe hơi đen bóng trong nhà chứa xe gần đó.
- Xe hơi bác Cả đẹp thật!
Con em đứng lên, đến cạnh chị:
- Xe bác Cả đẹp nhưng mình đâu có bao giờ được chở đi đâu đâu mà ngó làm gì!
Con chị ra vẻ hiểu chuyện:
- Tại mình không sạch sẽ nên bác Cả không cho đi xe hơi của bác đâu Vy à!
Con em lắc đầu:
- Mình có sạch sẽ cũng không được bác cho đi đâu vì mình có áo quần đẹp mặc đâu mà đi xe hơi đó! Nhưng mà...
- Nhưng mà cái gì?
- Nếu bây giờ chị nói bác là chị muốn đi, bác sẽ cho đi!
- Vì sao?
- Chị mới hết bệnh, ai cũng chiều chị hết!
- Sao Vy biết ai cũng chiều chị? bác Cả trai đâu có biết chị bịnh! Bác cũng đâu có thăm chị! Mà có đời nào bác bước vào căn nhà nghèo của tụi mình đâu?
- Nhưng mà bà nội, cô Sáu, cô Út đều chiều chị! Ai cũng cho chị đủ thứ sữa, cam, kẹo bánh mỗi ngày và còn năn nỉ chị ăn nữa! Bị bịnh được chiều chuộng, được có nhiều đồ ăn. Em thích bịnh để được sướng như vậy!
Con chị im lặng nhìn cây nhãn mọc ở góc cuối của bức tường thành nơi giáp giới với tr?m Y Tế mà nó điều trị trong thời gian bị mất máu trầm trọng.
- Vậy bây giờ chị muốn hái mấy chùm nhãn này bác Cả có cho chị không? Con chị tinh nghịch hỏi.
Con em cười nhăn răng:
- Bác Cả gái không cho đâu! Chị biết rồi, sao hỏi em vậy?
Dứt lời, nó kéo tay con chị đi ngược trở lại vườn cây, nói nhỏ:
- Không hái nhãn được thì mình đi hái mận ăn nghe chị! Bà nội và mấy cô thương chị nhiều lắm rồi! Chị hái trái gì không bị la đâu!
- Vậy bây giờ mà chị xin phép là ai cũng cho chị hái trái cây phải không?
- Không, mình “tự động” hái thôi. Chứ đi xin phép, lỡ không ai cho thì không được hái đâu!
- Nhưng mà... chị không leo cây mận này được đâu. Chị sợ té, mai không đi học được
- Vậy mình đi lấy “cây khèo” nghen?
- Ừ! Vy vào chỗ nhà bếp của nội lấy “cây khèo” đi, chị khèo cho!
- Em không dám.
- Lấy đi! Nếu ai hỏi thì nói là chị kêu Vy lấy.
- Em không dám lấy “cây khèo” một mình đâu. Chị đi với em đi!
- Được rồi, chị đi với Vy! Nếu có ai la thì mình bị la chung!
Rón rén từng bước chân đi tới nhà kho của bà nội, và lấm lét nhìn cửa sau của ngôi nhà lớn để kiểm tra chắc chắn không còn có một ai, hai đứa chụp vội cây sào gỗ có móc sắt, rồi chạy nhanh đến cây mận.
Những cành mận thưa thớt lá được bám đầy dặc bởi những trái xanh mọng nước và bóng mơn mỡn trên cao làm hai đứa nhỏ hoa cả mắt. Không định được nên hái trái nào, con chị móc lấy móc để từ cành này đến cành khác. Lúc thì nó móc từng trái, lúc thì nó kéo cả chùm, trái cành lẫn lá. Con em say sưa nhìn những cành mận đày đặc trái trên cao đến độ nó không buồn cúi xuống để nhặt trái nào. Vung cao tay chỉ trỏ khắp mọi nơi, nó réo chị:
- Trái này to nhất nè chị Hạ! Trái này nữa nè! Chỗ này nè chị! Khèo hết chùm đó cũng được chị.
Con chị hối em:
- Vy lượm hết mận lại một chỗ đi!
Con em nấn ná bên cạnh bức thành, chòng chọc mắt trên nhánh cây chỉa ra ngoài đường, khẩn khoản:
- Chị Hạ khèo cho em chùm mận đó đi! Em thích chùm nguyên đó!
- Được rồi! Chị sẽ quấn cái chùm mận đó trong sào, rồi từ từ kéo nó xuống cho nó khỏi bị dập ở dưới đất. Bây giờ Vy lượm hết cả mấy trái mận trên đất cho chị.
Con em luyến tiếc nhìn theo cái móc của cây sào do chị nó hướng về phía ngoài bức thành trước khi làm theo lời yêu cầu của con này. Nhặt được vài trái, nó thấp thỏm vói lên bức thành chỉ trỏ:
- Cái chùm kia kìa chứ không phải cái chùm chị tính khèo đâu!
- Chùm nào? Này phải không?
- Không phải! Chùm ngoài kia kìa!
- Này phải không?
- Đúng rồi!
Con chị cằn nhằn:
- Khèo chùm này nữa thôi là mình đi cất cây “khèo” này liền chứ má về bắt gặp là mình bị đánh chết!
Đám trẻ hàng xóm đang chơi ngoài bức thành trước căn nhà nhỏ, nghe tiếng nói của hai chị em con nhỏ và thấy cái móc sào, ngừng chơi, chạy đến bám vào chỗ bức thành sát cạnh cây mận xanh. Dí mặt sát vào các lỗ thành chúng thì thầm hỏi:
- Hai chị em mày đang hái mận hả?
- Cho tụi tao mận với nghen Hạ, nghenVy! Con Hồng nói.
- Cho Hoa mận với đi Vy! con Hoa nói.
- Cho tụi tao mận đi Hạ! Nhớ hôm trước mày hứa gì với tụi tao không vậy? Đút mận qua cái lỗ này cho tụi tao đi! Thằng Mẫn nói.
Con em hỏi chị:
- Mình cho tụi nó không chị?
- Cho đi! Lượm cho tụi nó hết đi rồi chị khèo nữa cho.
Con em nghe lời chị, nhặt mận chuyền qua các lỗ thành cho đám trẻ hàng xóm. Mấy đứa trẻ nhận mận, đứa nhiều đứa ít, tranh cãi ầm ĩ:
- Mày lấy gì mà lấy nhiều vậy? Thằng Mẫn hỏi.
- Nó đưa cho tao mà! Con Hoa nói.
- Nó ở trong thành không thấy đứa nào nên đưa đại, mình phải chia nhau đồng đều chứ! Thằng Mẫn nói to.
Con Hoa cãi toang toáng:
- Con Vy bạn tao mà! Nó đi học với chị em tao , nhà nó ở sát nhà tao, nó cho tụi tao nhiều là đúng rồi!
Thằng Mẫn thò đầu lên trên bức thành nói vọng vào:
- Ê, Hạ! Vy! Sao tụi mày cho tụi tao không đồng đều vậy? Nhớ hôm trước tao chia cho tụi mày trứng cá không? Tao chỉ có một trái mận mà...
Thằng Mẫn chưa nói dứt lời, con chó Kiki từ trong sân gạch chồm ra sủa dữ tợn:
- Gầu! Gầu! Gầu!..
Thằng Mẫn hốt hoảng nhảy phóc khỏi bức tường thành, la to:
- Chó! Chó cắn tụi bây ơi!
Con Kiki lồng lên nhảy chồm cao đến tận đỉnh thành, dữ tợn nhe răng gầm gừ:
- Gừ...Gầu! Gừ...Gầu! Gừ...gầu!
Bọn trẻ la to:
- Chạy tụi bây ơi! Chạy chớ chó cắn!
Đám trẻ chạy dạt xa khỏi bức thành. Đứa nhát gan vượt sang đường lộ nhìn lại. Đứa dạn dĩ hơn đứng ở vệ đường sát đường xe chạy lượm đá ném vào.
Con chị gác cây sào trên thành, thò đầu ra ngoài la lối:
- Ê! Tụi mày chơi gì kỳ vậy? Sao ném đá vào nhà tụi tao?
Thằng Mẫn nói:
- Ai biểu tụi mày xịt chó cắn tụi tao làm chi?
Con chị cãi lại:
- Tụi tao xịt chó cắn tụi mày hồi nào? Tụi mày ồn quá nên chó nhà tao mới sủa tụi mày chớ!
Thằng Vinh cằn nhằn:
- Ai biểu mày không cho đồng đều để thằng Mẫn tức làm chi!
- Tụi tao cho không đồng đều hồi nào? Tụi mày ...
Chưa dứt câu, con chị nghe tiếng hét sau lưng:
- Hai đứa kia vào đây!
Nó giật mình quay lại. Trên hiên của ngôi nhà lớn, ông bác Cả trai trong bộ pijama trắng, đứng uy nghiêm với chiếc gậy ba-toong trên tay. Hoảng sợ, nó quẳng cây sào xuống đất, líu ríu bước theo em đến khóm hoa bông bụt tây cạnh hiên hành lang. Khoanh tay và cúi đầu, cả hai đứa đều nhìn xuống đất.
Trên hiên cao, ông bác Cả vung cây ba-toong chỉ về hướng cây mận, nói lớn:
- Buổi trưa không cho ai nghỉ, ra tụ tập với lũ đó làm ồn hả?
Con em run rẩy:
- Dạ tụi con ...
- Ai cho chơi với tụi đó?
Con chị ngước mắt lên nhìn ông. Đã lâu lắm nó mới được gặp ông bác Cả của nó và đứng chính diện với ông dù bao lần trước đó nó thường đi ra vào cái cổng trước ngôi nhà lớn. Khuôn mặt tức giận của ông bác Cả khác lạ với khuôn mặt nghiêm nghị và trầm tĩnh ngày thường và càng khác xa một trời một vực khuôn mặt điềm đạm và đầy nhân ái trong sự tưởng tượng của nó. Qua câu ca dao tục ngữ mà mẹ nó dạy “Mất cha còn chú, mất mẹ bú vú dì “, nó đã nuôi hy vọng và chờ đợi ngày hội ngộ đầm ấm giữa bác cháu. Thế mà cái ngày hội ngộ tốt đẹp với những lời dạy bảo ân cần trong trí tưởng tượng của nó đã bị xóa sạch đi bởi những lời la mắng thịnh nộ vừa nghe. Niềm oán giận từ từ dâng lên trong lòng nó và nó đã xoáy ánh nhìn thẳng vào mắt ông ta:
- Con thích chơi với tụi đó bởi vì trong khuôn viên nhà này không ai nuốn chơi với lũ dơ dáy “mọi rợ” như chúng con.
Dứt câu nói, nó tưởng tượng cái gậy ba-toong kia sẽ bổ vào đầu nó và nó rồi sẽ nói thêm là:
- Tụi con nghèo, tụi con chỉ chơi với những đứa trẻ nghèo mà thôi. Còn tất cả những người bà con sang trọng trong gia đình họ Hoàng không phải là bạn chúng con.
Lạ lùng thay, câu nói đầu tiên của nó đã dập tắt ngay sức nóng của đôi mắt ông bác Cả. Cái cây gậy ba-toong trên tay ông từ từ thỏng xuống, chao đảo chạm trên một cái ô gạch bông của hiên nhà. Ông bác Cả nhìn nó chăm chăm, nín lặng.
Qua màn nước mắt, con chị nói thêm:
- Con không muốn mang họ Hoàng! Tụi con không xứng đáng là người của họ Hoàng! Từ lúc ba con mất thì cái họ Hoàng cũng mất theo. Con không sung sướng gì với cái họ nổi tiếng này đâu. Đến một ngày nào đó con sẽ đổi họ. Con nhất định sẽ đổi họ chứ không muốn những người mang cùng một họ mà thường hay chà đạp và khinh khi ba má của con.
Ông bác Cả sững sờ với những lời nói không ngờ vừa được nghe. Không một lời nào, ông quay vào phòng khách. Con chị lau nước mắt sụt sùi đi theo em trở lại cây mận. Ngồi bên gốc cây, nó khóc no say một lúc rồi lấy sào, bảo em cùng đi trả. Đến nhà kho của bà nội, vừa đặt cái sào trở về chỗ cũ, hai chị em đã nghe tiếng bà của chúng gọi từ phía sau ngôi nhà lớn:
- Hạ !Vy ! Đi vô trong ni cho tau hỏi!
Cô Út đang đứng cạnh bà trên sân gạch, gàn ra:
- Hắn mới đau dậy, tra hắn mần chi rứa?
Bà nội la cô Út:
- Mi biết chi mờ nói nờ!
Hai đứa nhỏ khoanh tay đứng trước mặt hai người, im lặng. Giọng bà nội trầm trầm:
- Mần răng mà mi ưng đổi họ Hoàng rứa Hạ? Bác Cả nói mi muốn đổi họ phải không?
Đôi mắt sưng húp của con chị lại trào lệ ra không ngừng. Những giòng lệ cứ như là những gìòng suối tuôn trào xối xả ra bao nhiêu uất ức và thống khổ mà nó chịu đựng bấy lâu. Nỗi buồn khổ của thân phận không có cha, sự thiệt thòi của mẹ, lối đối xử không công bằng, sự phân biệt trình độ và giai cấp trong gia đình lần lượt hiện ra trong đầu nó. Nó càng muốn nói thì cổ họng nó như bị nghẽn chặt. Nó không hiểu được vì sao những người lớn trong đại gia đình nội không đọc được nỗi khổ tâm của nó khi mọi người ở chung trong một khuôn viên nhà. Có thể nào những người lớn trong khuôn viên nhà nội không thấy căn nhà nhỏ của chúng lù mù trong ánh đèn dầu giữa thành phố điện sáng choang trong bao nhiêu năm qua? Có thể nào những người lớn trong khuôn viên nhà nội không thấy được chị em chúng khao khát chờ đợi sự dạy bảo học hành khi mà mẹ chúng là một người mù chữ. Có thể nào những người lớn trong khuôn viên nhà nội không hiểu chúng thường có những bữa đói bữa no tùy thuộc vào thu nhập không ổn định và không chắc chắn của một người đàn bà kém tài và thật thà như mẹ của nó? Có thể nào những người lớn trong khuôn viên nhà nội đành tâm sung sướng với những tinh thần và vật chất đầy đủ mà phớt lờ trước những thiếu thốn của những đứa trẻ cùng giòng họ và cùng máu mủ với họ?
Phải chăng đại gia đình chỉ là chữ dành cho những gia đình riêng cùng giòng họ sống hợp quần mà trong ấy những gia đình riêng kia sống theo kiểu “đèn nhà ai nhà ấy rạng” và “ai sướng thì nhờ ai khổ thì ráng mà chịu”. Phải chăng những người trong đại gia đình thường thích thấy sự thiệt thòi và kém cỏi của kẻ khác để cảm thấy giá trị của họ cao sang, uy quyền và vĩ đại hơn.
Thực sự, nó chẳng biết lý do gì khiến nó đã nói là muốn đổi họ và cũng chẳng biết là sẽ đổi họ Hoàng thành họ gì. Những lời nói trong lúc mất tự chủ hoàn toàn mâu thuẫn với điều nó mơ ước. Mơ ước ăn sâu vào tim nó là một ngày nào đó nó sẽ thành công với cái họ của ba nó để hương hồn ông mãn nguyện dưới suối vàng. Giờ đây mơ ước ấy như bị hủy diệt đi bởi lời khẳng định của nó với ông bác Cả về chuyện đổi họ. Nó là tự trách đã không làm theo những gì mẹ dạy như khoanh tay, cúi đầu, lắng nghe và nói dạ để phải bị cảnh chất vấn bởi những người lớn trong gia đình. Bất lực với những ý tưởng mâu thuẫn và mông lung, nó gạt nước mắt không ngừng đứng yên trước mặt bà nội.
Cô Út thương hại:
- Mạ cho hắn đi về đi cho rồi. Người hắn đang yếu như bún, hỏi chi nhiều rứa?
Bà nội nói:
- Tau có tra gạn, bắt phạt hắn chi mô nờ! Tau muốn biết mần răng mờ hắn không muốn mang cái họ của ôn và của ba hắn. Cái chi mần hắn buồn mờ hắn ưng như rứa?
Con em ngơ ngác hết nhìn bà nội lại nhìn chị. Nó an ủi con chị:
- Chị Hạ đừng khóc nữa! Nín đi chị! Bà nội không phạt mình đâu.
Tiếng khoen cửa vang lên từ trước ngôi nhà lớn và hai con chó nhảy chồm ra sủa vang mừng rỡ. Nghe tiếng mẹ đuổi chó, con em lo lắng giục chị:
- Má về rồi kìa. Chị Hạ nói cho bà nội biết vì sao chị muốn đổi họ đi rồi mình về chứ má biết mình hái trộm mận sẽ đánh mình cho coi.
Con chị đứng yên như pho tượng biết khóc cho đến lúc bà nội gọi mẹ nó vào.
Lo lắng nhìn mọi người, bà mẹ hỏi:
- Thưa mạ, cháu làm chuyện gì không phải vậy mạ?
Bà nội lắc đầu:
- Có chuyện chi mô! Anh Cả la hắn, không cho chơi với lũ hàng xóm rứa mờ hắn nói đòi đổi họ. Anh Cả mới kể tau nghe tề!
Cô Út chép miệng:
- Con ni lớn gan ghê tề!
Bà mẹ sửng sốt, nắm bàn tay con chị:
- Vì sao con nói hỗn vậy Hạ? Tại sao con muốn đổi họ?
Khi nhận ra bàn tay nó lạnh như đá, bà mẹ hốt hoảng nói:
- Thưa mạ cho con đưa cháu về. Tay nó lạnh ngắt hết rồi!
Cô Út lầm bầm:
- Hắn muốn đổi chi thì đổi! Đã nói rồi mờ mạ có nghe mô nờ! Hắn đau trở lại, mai không đi học được mới ngạ lòng mạ mờ!
Dìu con chị về hướng căn nhà nhỏ, bà mẹ còn quay lại nói với bà nội:
- Con sẽ dạy lại cháu và bắt nó xin lỗi anh Cả.
Những vết nhăn trên trán bà nội như dài thêm ra. Bà nói trong tiếng thở dài:
- Tau chỉ muốn biết vì sao hắn muốn đổi họ thôi!
Đến nhà, con chị tiến ngay đến cái bàn cạnh cửa sổ nhìn ra ngoài. Bà mẹ không yêu cầu nó nằm nghỉ trên giường cũng không hỏi nguyên nhân vì sao nó nói muốn đổi họ. Hình như bà hiểu được nỗi đau khổ thầm kín trong tim nó và không muốn khơi dậy những nỗi đau thương. Bất kể vẻ mặt ngạc nhiên và ngơ ngác của con em, bà giải thích như muốn con chị nghe cùng.
- Mẹ con mình đang sống rất cực khổ. Nhưng dù bất cứ cực khổ như thế nào mình cũng phải cắn răng vượt qua vì vong linh của ba. Mình không thể làm khác số phận được con à.

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chương 25

Ngày cuối niên học năm ấy là ngày hạnh phúc nhất của con nhỏ em và là ngày hãnh diện của con chị bởi vì con em được lãnh thưởng hạng nhì. Trong buổi lễ phát thưởng, thầy cô giáo, cha mẹ, học sinh đứng chật ních quanh cái cột cờ giữa sân trường. Con chị cùng mọi người đứng trang nghiêm dự lễ. Nó im lặng nghe các cô giáo của khối lớp hai đọc danh sách những học sinh được phần thưởng danh dự và phần thưởng các thứ hạng mà tưởng như lồng ngực của nó muốn vỡ tung. Hôm ấy mẹ của chúng không thể đến dự lễ vì phải buôn bán và chỉ mình nó là thành viên duy nhất trong gia đình sắp được chứng kiến giờ phút vinh dự nhất trong đời mà nó thường ước mơ có được.
Cô giáo lớp 2A lộng lẫy trong chiếc áo dài ngọc bích, kêu lớn tên của con nhỏ em:
- Hoàng thị Thảo Vy được giải thưởng hạng nhì. Cô mời em Hoàng Thị Thảo Vy lên nhận phần thưởng.
Con chị sung sướng nói với đứa học trò cùng lớp đang đứng cạnh:
- Tên của em tui đó!
Con nhỏ nhún vai ngó nó một thoáng rồi nhìn thẳng. Những đứa khác cũng không nói gì. Ngượng ngập, nó rướn cổ cao hơn những cái đầu trước mặt để nhìn về phía đám học trò khối lớp hai. Từ trong dãy hàng của lớp, con em len lỏi xuyên qua đám học trò để
bước nhanh lên bục đài gỗ trước mặt. Dáng nhỏ nhắn của nó dễ thương trong chiếc áo đầm trắng phồng to bởi cái ríp bông bên trong. Hên cho nó là hôm nay nó mặc cái ríp bông nên chiếc váy được xoè ra chứ không bị xẹp như chiếc áo đầm mà con chị đang mặc. Mẹ chúng chỉ mua cho một cái ríp bông cho nên hai đứa phải chơi cái trò “bao tiếng xùm, bum tiếng xà” để biết ngày nào cái ríp bông sẽ thuộc về đứa nào. Hôm ấy nếu không là phiên con em mặc cái ríp bông thì chắc chắn con chị cũng nhường cho em bởi vì nó hãnh diện khi thấy em trên bục lãnh thưởng trước toàn thể thầy cô và học trò trong trường. Con em đưa tay đón gói phần thưởng to được bọc giấy bóng kính đỏ trên tay cô giáo rồi cúi đầu quay bước xuống bục đài. Thấy em khệ nệ ôm phần thưởng trở lại hàng của nó, con chị vừa vui mừng, vừa nôn nao. Nó muốn chạy ngay đến chỗ con em để tò mò xem những gì có trong gói quà thưởng to thật to ấy nhưng nó phải tuân theo kỷ luật của buổi lễ là giữ im lặng cho đến khi buổi lễ kết thúc.
Cuối cùng, buổi lễ cũng chấm dứt và mọi người lần lượt đi ra khỏi trường. Người lớn, trẻ nít, cha mẹ, học trò nôn nao, rộn ràng trên khắp nẻo đường về nhà. Hai đứa nhỏ tung tăng đi giữa rừng học trò, lòng vui như hội. Con em hãnh diện với món quà thưởng trên tay, con chị đi cạnh em hãnh diện không kém. Được đi bên em với gói phần thưởng bọc giấy kính đỏ, con chị thấy tự hào lắm. Nó nhớ những buổi tối bên ngọn đèn dầu leo lét, để chứng minh cho mẹ thấy rằng chúng chăm học, cả hai chị em thi nhau đọc các bài học thuộc lòng bằng cái giọng đều đều, và kéo dài chẳng khác nào tụng kinh. Thay vì nhớ như làu làu các câu vừa đọc thuộc lòng, giọng đọc ê a, cộng thêm ánh đèn dầu leo lét và bóng tối bao phủ xung quanh đã làm cho chúng cảm giác buồn ngủ nhanh hơn những ngày không phải học bài. Để thay đổi cách đọc đơn điệu, buồn tẻ, hai con nhỏ bày trò thi nhau đọc bài thật to. Con chị đọc to, con em cố gào để đọc to hơn chị. Cứ thế, khu vườn mỗi đêm thường vang lên những tiếng gào thét hơn là tiếng ê a đọc bài bình thường. Lúc đó, bởi vì những người lớn trong khuôn viên nhà nội, và vài người hàng xóm than phiền cho nên mẹ chúng bắt buộc chúng phải đọc nhỏ lại. Đọc thầm, học thầm không phải là lối học thú vị của nhỏ em; nó chỉ thích đọc làu làu to hơn chị như dự phần một trò chơi hơn là đọc để nhớ. Từ khi bị cấm không cho đọc to, con nhỏ em chán nản không chú tâm học như trước. Mỗi lần ngồi vào bàn học, nó lật vài trang sách, vài trang vở một cách thờ ơ rồi ngoáy hai lỗ mũi để cạy muội. Những khói đèn trong hai lỗ mũi của nó đen xì xì như hai lỗ mũi của con chị, và như lớp bụi đen đóng dày xung quanh cổ bóng đèn dầu mà mỗi ngày mẹ nó phải dùng khăn ướt chùi để lấy ánh đèn rõ hơn cho hai đứa đọc chữ và viết bài. Những lúc con em tỏ ra ơ thờ với sách vở, con chị thường “làm gái, làm mụ” dạy đời con em về cái hậu quả vì thất học. Và cũng lúc ấy, con chị chắc chắn là con em sẽ bị ở lại lớp chứ không bao giờ ngờ được cảnh con em đứng trên bục lãnh phần thưởng. Một phần thưởng mà trong đó những món quà đánh giá sức học và sự cố gắng mà nó luôn ao ước chứ không phải là những món quà bố thí thương hại của những người nhân đức từ tâm ban bố cho.
- Vy ôm nặng chưa? Cho chị ôm dùm chút được không? Con chị gạ em.
Con em lắc đầu:
- Để em ôm! Em ôm được mà, chị ôm cặp chị nặng rồi!
Con chị tiếp tục gạ:
- Cho chị ngó một chút coi có gì trong đó đi!
Con em không trao gói phần thưởng cho chị nhưng nó dừng lại, thọt tay vào cái kẽ chỗ buộc nơ chỉ trỏ:
- Có vở, viết màu nè!
Đưa gói phần thưởng cao khòi đầu nó nheo mắt nhìn xuyên qua lớp kính đỏ, nói huyên thuyên:
- Có cái cặp nữa nè! Có hình Bạch Tuyết nữa đó chị Hạ. Chị thấy chưa? Thấy chưa?
- Có con búp bê không?
- Không có!
- Sao Vy biết?
- Hồi nãy em chọt tay vô trong! Em cũng bóp xung quanh mà không thấy cái đầu búp bê.
Con chị an ủi:
- Biết đâu con búp bê đang ở trong cặp. Đi mau về nhà mở ra coi!
Con em khệ nệ với gói phần thưởng vài bước, chuyền gói phần thưởng sang cho chị:
- Cho chị ôm dùm cho em đó!
Con chị hớn hở đón lấy, đặt trên cặp, rồi ôm trước bụng. Nó đi chậm chứ không như những lời giục con em. Nó hãnh diện khi thấy những đôi mắt thèm thuồng và những cái đầu ngoái lại nhìn vào mặt nó. Những đứa học trò đi cạnh nó có lẽ cho rằng nó là đứa học giỏi vì nó được phần thưởng.
Con em hối chị:
- Đi mau lên chị Hạ! Má về nhà thấy em lãnh quà chắc mừng lắm.
Lời của con em khiến cho con chị khựng lại. Lúc này nó mới nhớ đến bản thành tích biểu và kết quả học tập cuối năm của nó. Nó bị ở lại lớp với lý do học lực yếu và nghỉ học quá nhiều. Trước khi trao bản thành tích biểu cho nó, cô giáo còn giải thích cặn kẽ lý do vì sao cô phải để nó ở lại lớp. “Em nghỉ học học quá nhiều nên em phải ở lại lớp, chứ không phải vì em biếng nhác đâu! Cô mong là sang năm em có đủ sức khỏe để đi học đều đặn hơn. Em ở lại lớp một năm nữa để học đủ chương trình học của lớp bốn, và như thế khi lên lớp năm, có lợi cho em hơn!”. Lần đầu tiên nó được một cô giáo đối xử dịu dàng và nó đã không buồn nhiều với tin phải ở lại lớp. Lúc đó, lý do chính đáng mà cô giáo nêu ra đã làm cho nó nguôi ngoai nỗi lo buồn thua sút so với bạn bè cùng lớp. Thế nhưng, bấy giờ nghĩ đến cảnh thưa chuyện bị ở lại lớp với mẹ tương phản với thành tích trong học tập mà con em có được, nó thấy tim nó như bị ai bóp chặt. Buồn bã trao gói phần thưởng lại cho con em, nó nói:
- Vy cầm đi!
Con em ngạc nhiên:
- Sao vậy? Sao chị không muốn ôm dùm gói phần thưởng cho em nữa vậy?
Con chị ủ rũ:
- Chị buồn quá!
- Vì sao chị buồn?
- Chị bị ở lại lớp rồi!
Con em thảng thốt, hạ thấp đôi tay tưởng như sắp đánh rớt cả gói phần thưởng xuống đất:
- Vì sao chị bị ở lại lớp vậy?
- Tại chị nghỉ học nhiều, thiếu bài không đủ điểm lên lớp.
- Thật vậy hả chị?
- Thật chứ!
- Chị nghỉ học nhiều tại chị bị bệnh nặng chứ đâu phải tại chị đâu mà cô cho chị ở lại lớp!
Con chị lắc đầu:
- Chắc có lẽ cô giáo chị nói vậy vì không muốn chị buồn thêm thôi chứ chị biết chị dở toán lắm.
Con em buồn bã:
- Tại chị không có ba, không có anh chị nào dạy cho chị nên chị không biết làm phải không?
Con chị rơm rớm nước mắt:
- Ừ! Nhưng mà bây giờ chị bị ở lại lớp rồi thể nào chị cũng bị đánh.
- Má không đánh chị đâu. Má biết chị bịnh và đang yếu mà!
- Má nói là đi học mà ở lại lớp má sẽ đánh. Vy học có phần thưởng mà chị ở lại lớp thì chị sẽ bị đánh chứ sao khỏi!
- Em sẽ xin má đừng đánh chị!
Chờ chị mở cổng, con em nói tiếp:
- Phải chi bác Cả dạy cho chị dùm ba thì chị không học dở đâu phải không?
Liếc mắt vào ngôi nhà lớn, con chị lắc đầu.
- Chị không cần nhờ bác giúp đâu!
- Chị sợ bước vào nhà bác Cả một mình nên không nhờ bác dạy phải không?
Con chị gật đầu, nói hết những ý nghĩ mà nó có trong đầu:
- Ừ! Và có bao giờ bác hỏi chị em mình học hành như thế nào đâu mà nhờ? Có đời nào bác bước chân vào căn nhà nghèo nàn của mình để thăm hỏi mình đâu? Bác với bác Cả gái chỉ tiếp xúc với những người sang trọng quý phái chứ không nghĩ gì đến chị em mình đâu. Chị không mơ tưởng chuyện bác giúp cho chị!
Bước vào căn nhà nhỏ, con chị buồn bã:
- Phải chi má biết dạy cho chị thì chị không học dở đâu!
Đặt gói phần thưởng trên bàn, con em nói:
- Tại má không biết nhiều chữ, không dạy chị được cho nên chị bị ở lại lớp, má không đánh chị đâu.
Con chị không trả lời em, mở cặp, rút bảng thành tích biểu ra, đọc lẩm nhẩm. Con em sà vào bên chị, châu đầu, lướt mắt trên những lời phê rồi nói với giọng đầy thất vọng:
- Chị ở lại lớp thật rồi!
Thờ ơ gói phần thưởng trước mặt, con em lo lắng hỏi:
- Vì sao chị dám cãi bác Cả, dám ngủ ngoài vườn ban đêm mà sợ má đánh chuyện ở lại lớp?
Con chị cúi đầu, nói thật nhỏ:
- Bởi vì học dở là ti đáng đánh mà! Má đi buôn bán khổ cực nuôi mình ăn học mà mình học dở không được lên lớp, bị đánh là đúng quá rồi! Đã đi học thì nhất định phải lên lớp chứ! Ngẫm nghĩ một lúc, nó buồn rầu nói tiếp - Chị nghĩ là chị đáng bị đánh vì tội này nhưng mà chị không thể học giỏi được.
Con em gãi đầu:
- Sao mình có nhiều tội trên đời vậy chị?
- Tội gì nhiều đâu?
- Tội ăn cắp nè, tội nói láo nè, tội ở dơ nè... còn tội học dở nữa đó!
- Mấy tội đó khác nhau chứ Vy!
- Khác nhau cái gì?
- Tội ăn cắp và nói láo thì bị xử khi mình chết. Dưới âm phủ người ăn cắp bị quỷ sứ chặt tay, người nói láo thì bị quỷ sứ cắt lưỡi. Còn tội ở dơ và học dở thì bị “người sống” xử! Nhưng may là tội do “người sống” xử ít hơn tội do người chết xử vì ma, và quỉ sứ là những người tàng hình họ bay bổng khắp nơi nên biết mình nhiều tội hơn người thường.
Con em không chú tâm đến lời giải thích dông dài của con chị, nó vẫn còn thắc mắc chuyện bị đòn vì “tội” không được lên lớp.
- Má học dở có bị đánh không? Con em hỏi thêm.
- Có chứ! Chắc má bị bà ngoại đánh chứ sao không! Mà mình không được hỏi như vậy đâu Vy! Hỏi người lớn như vậy là hỗn đó Vy!
- Nhưng mà ... chị Hạ nói không đúng đâu!
Con chị phùng má:
- Chị nói cái gì không đúng?
- Chị nói người chết tàng hình không thấy được, sao quỷ sứ cắt lưỡi người tàng hình được chứ?
- Chị chỉ nói người chết thành ma tàng hình thôi. Còn chuyện quỷ sứ cắt lưỡi là má nói. Ma tàng hình mà quỷ sứ cũng tàng hình luôn nên tàng hình trị tàng hình được! Chị nghe má kể chuyện trị ti dưới âm phủ do Diêm vương quyết định ra sao thì chị nói lại như vậy! Có phải chị nói trước đâu mà nói chị không đúng!
Con em không để ý lời biện luận lớn tiếng của chị, nó tiếp tục nói với đôi mắt mơ màng:
- Nếu ba tàng hình mà ba còn bày chị làm bài được thì chị không phải ở lại lớp đâu phải không?
Con chị nguôi giận, gật đầu tán đồng ngay:
- Ừ, Vy nói đúng đó...nhưng mà ba còn sống thì vẫn ngon hơn!
- Ngon gì?
- Ba sẽ dạy mình học. Ba đã dạy cho biết bao người ở quê ngoại và dạy cho cả má mình thì dạy cho chị em mình dễ dàng thôi. Mà ba sẽ dạy cho mình biết đủ thứ chứ không phải chỉ bày học thôi đâu. Chị em mình sẽ được học giỏi toán, giỏi nhạc và cả đàn nữa!
- Vì sao chị biết?
- Không nhớ mấy bữa trước mình lén má lục cái tủ dưới bàn thờ ba sao! Cái đàn măng-đô-lin của ba, những quyển sách sưu tầm tài liệu của ba và cái ra đi ô do ba tự ráp chứng tỏ ba là người có tài.
Con em tán thành:
- Má có kể là ba làm thầy giáo. Ba làm thầy giáo dạy người ta thì dạy chị em mình được.
Ngưỡng mộ nhìn con em và gói phần thưởng, con chị nói:
- Vy học giỏi và có phần thưởng, lớn lên thế nào cũng giỏi như ba đó! Vy sẽ được trở thành người giàu như “nhà” bác Cả còn chị chắc sẽ nghèo như má.
Khuôn mặt con em hớn hở hẳn lên. Nó đứng dậy, mở vội gói phần thưởng, nói huyên thuyên:
- Khi nào em giàu em sẽ cho chị tiền, sẽ mua áo quần cho chị và sẽ nuôi chị với má.
Con chị chăm chú nhìn những ngón tay của em trên gói phần thưởng, hỏi dồn:
- Có con búp bê không Vy?
- Không, nhưng có mấy cuốn vở này. Em cho chị hai cuốn, em hai cuốn. Cái cặp là của em! Còn hp màu này, mình xài chung nghe!
Trao hai cuốn vở có hình Bạch Tuyết và bảng cửu chương đàng sau bìa cho chị, con em nói tiếp:
- Chờ khi em lớn lên, em giàu, em sẽ chia cho chị nhiều thứ nữa nghen.
- Ừ. Nếu lớn lên Vy giàu, con Vy sạch sẽ mà con chị dơ Vy cũng cho tụi nó chơi với con chị với nghe!
Con em nhanh nhẩu:
- Có chứ! Con của em sẽ cho con của chị chơi búp bê chung. Tụi nó chơi trong nhà không dơ như tụi mình bây giờ đâu!
- Nhưng mà lúc Vy giàu, Vy đừng chửi người nghèo là “ở dơ” hay “mọi rợ” nghen.
- Không đâu! Em sẽ bày người nghèo đừng ở dơ nữa. Cô giáo nói ở dơ thường có bệnh đó chị Hạ! Và em cũng sẽ thương người nghèo lắm. Em sẽ cho người nghèo tiền nữa.
Con chị lắc đầu tuyệt vọng:
- Chị cũng muốn học giỏi để lớn lên được giàu nhưng chắc chắn là chẳng bao giờ chị được giàu nữa đâu!
Dứt lời, nó tức tưởi khóc nức nở. Con em hốt hoảng bước đến ôm chị:
- Em sẽ cho chị tiền mà! Khi nào em giàu, em có tiền là em cho chị tiền liền!
Bà mẹ vừa bước vào nhà, nghe tiếng khóc của con chị hốt hoảng hỏi con em:
- Vì sao chị Hạ khóc vậy Vy?
Con em rụt rè:
-... Dạ ...tại vì chị Hạ bị ở lại lớp đó má!
Con chị òa lớn tiếng khóc:
- Không phải con làm biếng học đâu má ơi! Má đừng đánh con nghe má!
Bà mẹ thở phào:
- Vậy mà má tưởng chuyện gì! Má biết con không được lên lớp mà! Con nghỉ học quá nhiều không học đủ bài nên phải ở lại lớp thôi. Không có gì đáng buồn, đáng sợ cả. Má không đánh vì chuyện này đâu. Năm tới cố gắng học là con sẽ được lên lớp. Đừng buồn nữa!
Trong vòng tay của mẹ, con chị ngước mặt lên nhìn bà với đôi mắt ngạc nhiên. Lời đe dọa ngày nào, “Má nói rồi đó! Nếu hai đứa không lo học để ở lại lớp thì đừng trách má đánh đòn! Má đã nói là má sẽ làm!” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần đến độ khắc sâu vào tâm trí nó và nó tin rằng mẹ sẽ không bao giờ thay đổi lời bà đã nói. Những lời đe dọa của mẹ được nó chấp nhận như một tiêu chuẩn để nó có thể vượt lên đến đích học tập mặc dù trong thực tế, khả năng của nó không thể nào vượt qua. Giờ đây may mắn cho nó là mẹ nó đã không thực hiện những gì bà đã hăm he đe dọa. Trái lại, bà đã giải thích và dạy dỗ chị em chúng một cách ôn tồn:
- Má không biết chữ nên má không làm sao dạy các con học được. Các con phải tự cố gắng nghe lời cô giảng bài trong lớp. Học thầy, học cô nếu không hiểu thì hỏi bạn. Cuộc đời của má không biết chữ nên chịu nhiều thiệt thòi và các con cũng chịu thiệt thòi như má cho nên má ao ước là các con được học đến nơi đến chốn để đời con của các con đở khổ hơn các con bây giờ. Sở dĩ má la các con là má muốn các con học cao và có trình độ hơn má. Má muốn các con có sự học để có cuộc đời sung sướng hơn cuộc đời của má.
Con chị toan nói cho mẹ nó biết là không phải đến lớp học nghe thầy cô giảng bài là có thể học được và giỏi ngay. Nó muốn kể cho mẹ nghe về trình đ khác nhau của những đứa học trò trong lớp và cách dạy đưa những đứa học giỏi làm mẫu đọc bài hay giải toán của cô giáo nó. Đa số những đứa học trong lớp nó là những đứa đã có kiến thức chuẩn bị trước bởi cha mẹ nhưng cô giáo lại căn cứ việc thu thập kiến thức bài học của lớp qua kiến thức của chúng và thường chú ý nhiều đến những đứa học giỏi này mà thôi. Nó cũng muốn cho mẹ nó rõ là theo cách dạy ấy, nó không thể nào theo đuổi kịp chúng bạn khi mà nó không có sự hỗ trợ và kèm dạy tại nhà bởi những người thân có trình độ. Nó cũng muốn nói thêm về quan niệm “Học thầy không tầy học bạn” của mẹ nó đề cập không thể áp dụng cho những đứa học trò trong bậc tiểu học nhất là những đứa đang học cùng lớp với nó. Những đứa học giỏi thường là những đứa có tham vọng hơn người và ích kỷ. Bởi vì không bao giờ muốn ai hơn mình để chúng có thể đạt điểm cao nhất lớp và đạt những phần thưởng cuối năm, chúng sẵn sàng che từng chữ để không bị ai cóp pi, cũng như không hề muốn cho ai hiểu những gì chúng biết. Những đứa được giải thưởng hạng ba thì mong đạt hạng nhất nhì, đứa hạng nhất thì mong đạt hạng danh dự. Những thứ hạng mà nó không bao giờ mơ tưởng đạt được trong đời. Nó cũng muốn nói với mẹ là nó thực tâm muốn học giỏi nhưng mà những cay đắng về sự bất hòa giữa mẹ nó và gia đình nội, những nghi vấn về sự đối lập giữa ngọn đèn dầu leo lét trong căn nhà nhỏ và ánh đèn sáng trưng của ngôi nhà lớn và những lời chửi mắng mỗi ngày trong khuôn viên nhà thường làm cho nó có những mơ mộng và tưởng tượng một thế giới an bình thay vì chăm chú nghe cô giảng bài.
Những điều nó muốn nói bị quên đi ngay khi nghe được những lời tâm sự chân thành của mẹ khi bà đề cập đến sự thất học của bà. Nó hỏi:
- Vì sao má không biết chữ?
- Khi má nhỏ, ông ngoại dạy chữ nho, ông không cho con gái đi học. Má và mấy dì phải đi làm ruộng, chỉ có mấy cậu mới được đi học chữ Việt đến trung học.
- Vì sao ông ngoại không cho con gái đi học vậy hả má?
- Vì ông ngoại quan niệm con gái học nhiều chữ, viết thư cho con trai không tốt!
- Vì sao bà ngoại không nói ông ngoại là má không viết thư cho trai và khuyên ông ngoại cho má đi học?
- Ông ngoại nói gì bà ngoại phải nghe nấy có bàn cãi được gì đâu! Bà ngoại cũng nghĩ là má nên ở nhà phụ làm ruộng hơn đi học cho nên má mới ra nông nỗi không biết chữ nghĩa gì cả.
- Như vậy tại ngày xưa con gái hay viết thư cho trai nên ông bà ngoại không cho má đi học hả?
- Đâu có đâu con! Thời đó con gái nào mà dám suồng sã như thế! Tại ông bà ngoại sợ nên mới cấm vậy thôi.
Con chị thở dài:
- Con chưa gặp ông bà ngoại nhưng mà...
Nó bỏ lửng câu định nói thêm “con nghĩ ông bà ngoại khó chẳng khác gì những người lớn trong gia đình nội” khi nhìn đôi mắt lo âu và dò xét của mẹ.