Chương 26
Con chị gục đầu chống vào phần tựa của chiếc ghế trước mặt. Cảm giác háo hức vì được đi xe hơi lần đầu tiên và xôn xao vì được về thăm quê ngoại bị tiêu tan khi chiếc xe đò nặng nề leo lên dốc của đèo Cả. Trong khi chiếc xe từ từ xuyên qua ngọn đèo ngoằn ngoèo, con chị nôn thốc nôn tháo không ngừng vào trong chiếc bao ni lông trắng mà mẹ nó chuyền vào tay. May mắn cho nó là được ngồi sát cửa sổ của xe đò cho nên khi túi ni lông đầy thức ói mửa nó có thể quẳng xuống đường đèo để vòi cái khác. Mùi hơi người quyện lẫn mùi xăng và khói xe làm nó cảm thấy khó chịu. Đầu nhức, cổ lờn lợn và bụng xông xốc bởi những cái thắng gấp của chiếc xe; nó cảm thấy mệt lả. Vật đầu ngửa ra sau, nó nhắm mắt lại để cố giảm bớt cơn chóng mặt và kềm hãm những cơn ói kế tiếp.
Con em ngồi cạnh, nhăn mặt:
- Chị Hạ mửa hôi quá hà! Sao chị mửa nhiều dữ vậy? Chị bị đau hả?
Con chị chưa kịp trả lời, vi cúi đầu xuống ói thốc vào trong cái túi ni lông chứa lõng bõng thức ăn và nước dãi nhầy nhụa mà nó chưa kịp quẳng ra ngoài xe.
Bà mẹ đang cúi đầu lúi húi lục trong cái giỏ dưới chân, kiếm thêm túi ni lông, dúi vào tay con em:
- Giữ cái túi ni lông này cho chị! Đây là cái túi ni lông cuối cùng. Nếu chị con còn mửa nữa, phải mửa ra ngoài xe thôi. Chị con mửa không phải vì bị đau đâu mà vì say sóng đó!
Con em tròn mắt ngạc nhiên
- Mình đâu có đi biển đâu mà say sóng vậy má?
- Say sóng là đi xe hơi không quen bị mửa.
- Con cũng đi xe lần đầu tiên sao con không bị say sóng?
- Có lẽ tại con khỏe hơn chị.
- Nhưng mà bây giờ chị Hạ mửa hôi quá làm con cũng muốn mửa theo! Con em bịt mũi than.
Bà mẹ cằn nhằn:
- Tối hôm qua má đã nói ngủ sớm đi mà hai đứa không chịu nghe! Ngủ không đủ, hay bị say sóng khi đi xe hơi lắm mà! Thôi thì giữ cái túi ni lông đó đi, có mửa thì mửa vào trong đó!
Con chị không nói được lời nào. Nước mắt nước mũi nó trào ra tràn đầy trên mặt. Chưa kịp gạt tay lau, nó lại cúi xuống, đưa miệng vào chiếc bao ni lông ói ra những giòng nước xanh, rồi nước vàng. Nhăn mặt, nó quẳng túi ni lông xuống đường và rùng vai liên tiếp. Bà mẹ vội vàng đứng dậy bảo con em thay chỗ ngồi. Đỡ đầu con chị nghiêng vào vai, bà rút khăn lau mặt, xoa dầu cù là vào cổ và trán nó, rồi bảo:
- Con để đầu xuống đây đi! Nhắm mắt lại cho đỡ chóng mặt thì không bị mửa nữa.
Nghe lời, con chị ngả đầu xuống, lăn vòng trên đùi mẹ, nhắm mắt. Miệng nó đắng ngắt vì chất nước xanh vàng vẫn còn vương trong cổ họng. Nó muốn xin mẹ nó nước uống để làm sạch cái cổ đắng nhưng lại sợ bị ói nữa nên đành nằm yên. Đầu của nó bị xóc lên xuống theo nhịp chạy của xe, và thỉnh thoảng bị tuột xuống bởi những lần xe thắng gấp nhưng sau đó được giữ lại và được vuốt ve bởi đôi bàn tay dịu dàng của bà mẹ và nó an tâm rơi vào giấc ngủ bình yên. Vài giờ sau, tiếng nói xôn xao của mọi người làm cho con chị choàng tỉnh. Nó giương đôi mắt ngái ngủ nhìn mẹ.
- Đã đến nơi rồi hả má?
Bà mẹ gật đầu:
- Đã đến bến xe Tuy Hòa rồi nhưng con cứ nằm một chút nữa đi. Chờ người ta đi xuống hết rồi mình xuống.
Con chị vùng dậy, nhìn qua cửa xe. Nhiều người đi tới lui chộn rộn giữa mấy chiếc xe đò trên bãi đậu. Họ gọi nhau, nói chuyện với nhau với những âm thanh lạ kỳ, lúc thì nhão nhoẹt lúc thì nặng nề chói tai.
Con em vươn vai, vừa ngáp, vừa hỏi:
- Ủa! Đã đến quê ngoại, đến nhà ngoại rồi hả má?
Bà mẹ khom lưng rút hai chiếc giỏ dưới gầm ghế ra vừa trả lời
- Chưa đâu con. Mình chỉ mới tới Tuy Hòa thôi chứ chưa đến nhà ngoại. Mình phải đón xe lam lên ngã ba Quốc lộ rồi đi bộ lên Minh Đức mới tới .
Đôi mắt con em sáng rực, tỉnh hẳn cơn ngái ngủ:
- Đi bộ nữa? Trời ơi! Sao mình phải đi bộ? Mình phải đi bộ xa lắm không hả má?
- Chắc là khoảng ba cây số thôi con. Thường thường từ sáng sớm đến trưa hay có xe ngựa đi từ Ngã Ba Quốc Lộ vào làng Minh Đức nhưng bây giờ đã ba bốn giờ chiều rồi không còn xe ngựa nữa. Mặc may thì đón được xe ngựa còn không thì phải đi bộ thôi.
Xuống xe lam là lúc trời đã về chiều và quả như bà mẹ nói, ba mẹ con không tìm thấy xe ngựa nào đi về phía làng Minh Đức. Hai tay hai chiếc giỏ nặng trĩu, bà mẹ vội vã bước nhanh về phía trước, hai đứa nhỏ xách hai chiếc giỏ nhỏ đi chầm chậm theo sau. Trên đường đất thoai thoải mà dọc hai bên là những ngôi nhà mái tôn vách đất được xây trên cao, con chị ý thức được nó đang đi dần dần xuống một con dốc đất. Những làn gíó mát rượi từ dưới dốc thổi lên làm nó cảm thấy dễ chịu. Vừa đi vừa hít thở không khí trong lành, con chị khoan khoái mỉm cười. Nó thà đi bộ và hít khí trong lành còn hơn bị tù túng ngồi chẹt trong xe và ói mửa không ngừng. Đến lúc ấy nó không còn nghĩ chuyện đi xe hơi bác Cả là ao ước của nó nữa. Bất chợt, một giọng nói đầy luyến âm và láy nhão cắt đứt giòng tư tưởng của nó:
- Coi nẫu chớ bay! Nẫu ăn mặc cái kiểu gì lạ chưa bay!
Đưa mắt nhìn bên vệ đường, con chị bắt gặp những ánh mắt tò mò của những đứa trẻ ở cùng độ tuổi đang ngưng trò chơi đá cầu. Sắc phục đơn giản và nước da đen cháy của chúng làm con chị chăm chú nhìn kỹ hơn. Đa số bọn chúng đi chân đất, con trai ở trần mặc quần đùi nâu hay đen, con gái mặc quần đen và áo ba bà màu sẫm. Khi đi qua mặt bọn chúng, mặc dù đi gần sát, nó chỉ hiểu được bập bõm vài chữ mà bọn con nít đang nói chuyện với nhau. Nghi hoặc bọn nhỏ nói xấu điều gì về mình, con chị mắc cở, nhấc cánh tay đang xách chiếc giỏ nhỏ lên cao để kéo vành mũ xuống che khuất đôi mắt. Con em ngoài cổ nhìn bọn chúng, chỉ tay bảo con chị:
- Coi kìa chị Hạ! Chiều rồi mà tụi nó còn đi chân không! Tụi nó còn dơ hơn tụi mình đó chị!
Con chị nói nhỏ:
- Kệ tụi nó! Ngó tụi nó làm chi cho tui nó để ý.
Mấy đứa nhỏ tinh nghịch ném vài hòn đất nhỏ sau lưng hai chị em. Quay phắt người ra sau, hai đứa trợn mắt, gườm gườm nhìn bọn trẻ. Chưa kịp nói lời đay nghiến nào để trả đũa hành vi chọc phá, cả hai há hốc miệng, lắng nghe những người lớn đang đứng gần đó mắng bọn trẻ xối xả:
- Chơi “dãy sao” bay? Khiến nẫu chửi hửng? Đi dìa đi! Đừng chơi ở dây nữa!
Một người đàn ông đạp xe đạp chạy ngang ngoái đầu nhìn bà mẹ, hỏi trống không:
- Dìa Minh Đức phải không “dãy”? Quá giang xe không?
Bà mẹ nói to đáp lại:
- Dạ không cảm ơn anh. Tui đi có tới ba mẹ con còn bao nhiêu giỏ xách nữa làm sao anh chở cho hết
Ông ta ngừng xe, hỏi tiếp:
- Dìa nhà ai ở Minh Đức “dãy”? Muốn chở dùm một đứa không?
Hai đứa nhỏ nhìn người đàn ông lạ lắc đầu nguầy ngậy trong khi bà mẹ đặt hai chiếc giỏ xuống đường, vừa lau trán vừa tươi cười:
- Tụi này không bao giờ để người lạ chở đâu anh! Nếu có tiện đường thì anh làm ơn ghé vào nhà bà Năm Điền nhắn dùm có con Ba Háo ở Nha Trang về thăm. Tui cảm ơn anh nhiều lắm.
- Được rồi! Tui đi ngang ngõ đó mà. Để tui báo bả cho!
Dứt lời, người đàn ông đạp xe vùn vụt xuống dốc và ba mẹ con với những chiếc giỏ nặng trĩu đi sau.
Cuối con dốc, hai dãy nhà bên đường chấm dứt bằng những khóm tre cao ngất. Trước mặt ba mẹ con là cánh đồng bao la bát ngát. Cánh đồng giục bà mẹ nhanh bước mặc dù hai chiếc giỏ oằn nặng như muốn tuốt hai cánh tay bà ra khỏi thân. Con em bước nhanh theo mẹ. Nó xuýt xoa luôn miệng:
- Quê ngoại đẹp quá! Đẹp nhất trên thế gian này đó má!
Con chị im lặng bước chầm chậm đàng sau. Nó không ghẹo con em khi con này nói những chữ “đẹp nhất trên thế gian” như những lần trước. Cái đẹp thực tế của cánh đồng hoàn toàn thu hút nó. Chưa bao giờ, ngay cả trong cảnh thần tiên khi mơ mộng và tưởng tượng, nó thấy màu xanh lá cây nào đẹp như những màu xanh lá của cánh đồng trước mặt. Màu xanh phơi phới của cỏ, xanh mơn mởn của lúa non, xanh vàng của lúa đang chín, xanh lá cây tươi của những khóm chuối, xanh nhạt nhòa của những khóm tre, và xanh lá nâu thẫm của cây cối phủ trên những ngọn núi xa xa, đều đón chào nó nồng nhiệt như chúng đang khoe tất cả màu xanh lá cây đẹp nhất của trần gian. Đôi mắt con chị đói khát nuốt chửng những làn sóng lúa xanh đang đuổi nhau tận tít chân trời. Nó mơ mộng là người lữ hành tự do đang lang bạt trên con đường đất vắng mà hai bên đường chỉ có một màu xanh lục và xanh lá non. Những màu xanh thiên nhiên đang lung linh nhảy múa và reo vui với những cơn gió như đang reo vui trong ý nghĩ của nó. “Quê ngoại của mình đẹp lắm! Đẹp đến nỗi không nơi nào sánh bằng, chứ không phải là ‘xứ nẩu’ mà các cô hay châm biếm đâu!” Hít sâu mùi thơm của lá, và của lúa, con chị khoan khoái ngẩng đầu lên. Bầu trời xanh ở trên cao với những cụm mây trắng như bông dường như rơi xuống thấp hơn để đùa vui với đàn chim cánh trắng đang bay la lả. Nó hân hoan đón những cơn gió thơm mùi lúa chín và mùi cây cỏ quyện lại trong khi bước đều đặn theo sau mẹ và em.
Đi hết cánh đồng, ba người đi chầm chậm vào ngôi làng nhỏ nơi có rất nhiều vườn chuối và nhà tranh vách đất. Bà mẹ vẫn là người đi đầu, con em bám chặt theo sau và con chị đi tuột xa tít sau cùng. Một vài người bên đường đi theo bà mẹ hỏi một vài câu lớn tiếng như tiếng nói của người đàn ông họ gặp trên con dốc. Những câu hỏi trong trỏng, trống không, đứt đoạn, không đầu không đuôi, không chủ ngữ, không vị ngữ, và cũng không rõ ràng dành cho người nào. Ngang qua nhóm chợ chiều, con chị nhíu mày khó chịu nghe những câu hỏi như hỏi cung do ba người đàn bà đặt ra khi họ vây quanh bà mẹ và con em giữa đường
- Chời quơi! Con Ba Háo đây na bay? Lấy chồng ở thành phố từ “năm nẵm” giờ mới dìa sao hả Háo?
- Mấy đứa con gái của mày lớn chừng dầy rồi hửng? Lấy chồng thành thị cách gì mà con lớn chừng dầy mới về quê “dãy” mày?
- Mày biết ba mày chết chưa “dãy” Háo? Tệ gì mà tệ dữ “dãy” mày! Ông Năm Điền bịnh nặng nhắn mày mấy bận, chờ mày hết ngày này sang ngày khác mà sao mày đành tâm không dìa “dãy”mày? Chời quơi! Lấy chồng thành thị cách gì mà cha chết không dìa gặp mặt “dãy”!
Bà mẹ ậm ừ trong miệng một vài lời gì đó mà con chị, dù đã đi đến sát bên cạnh bà, không thể nào hiểu được bà đang chào mấy người đàn bà kia hay qua loa những lời vô nghĩa để tránh khỏi trả lời những câu hỏi tò mò đường đột. Nó liếc ba người đàn bà đi chân đất, quần ống cao ống thấp, và những chiếc nón lá rách tả tơi với ánh nhìn ác cảm. Tiếng nói “đồ dân nẫu” vang lên làm nó thảng thốt. Nó nhận ra tiếng nói ấy không phải là tiếng nói của bà bác Cả hay cô Út mà chính là tiếng nói khe khẽ thốt ra từ trong hai hàm răng của nó. Nó cũng nhận ra rằng tiếng nói xúc phạm vừa qua không phải xuất phát từ trong đầu mà thật sự từ trong miệng của nó. Cho dù tiếng nói ấy có khẽ đến độ chẳng ai nghe được, nó ân hận vì đã nói những chữ hỗn xược. Nó trách những người đàn bà quá nhiều chuyện khiến cho nó đã thốt ra những chữ mà nó từng ghét cay ghét đắng mỗi khi nghe mẹ nó bị làm bẽ mặt trong khuôn viên nhà họ Hoàng. Nó suy nghĩ và tự an ủi lương tâm là những chữ “đồ dân nẫu” từ miệng nó không phải bắt nguồn cách phục sức mộc mạc bình dân của những người ở quê ngoại mà bởi vì cung cách ba người đàn bà nông thôn mới gặp này đối xử với mẹ nó giữa đường lộ một cách quá suồng sã, và bất lịch sự. Buồn thay, do bị thu thập và nhập tâm từ lâu đời, nó đã thốt ra những lời mà nó từng oán ghét .
Ba người đàn bà bị con chị rủa thầm “thứ nẫu” kia không hề biết họ đang bị khinh ghét, cũng như không hề hay biết họ đang làm chuyện mà những người văn minh thành phố gọi là “lắm điều, nhiều chuyện”; họ chụm lại nhau thành một nhóm nhỏ, bàn tán lớn tiếng với nhau:
- “Dãy na” chị? Từ ngày nó đi lấy chồng nó chưa dìa đây lần nào sao?
- Dìa nẳm nào đâu? Cha nó bệnh nó cũng không dìa, cha nó chết nó cũng không dìa, “nẫu, nẫu” ở đây nói biết mấy mà bà không nghe “dãy”?
-Tệ gì tệ dữ “dãy” ông! Tui tưởng nó không dìa thăm lúc ba nó chết chứ đâu biết nó chưa dìa năm nào! Ăn ở như “dãy” làm sao “nẫu” không nói được ông!
Ba mẹ con bước đi nhanh như chạy; dường như họ chẳng muốn nghe những điều ba người đàn bà kia bàn tán sau lưng, thế mà, họ cứ phải đi trước những người ấy. Vài người đi chợ về, đi theo toán người tạo thành một cái đuôi dài. Đến ngã ba, bà mẹ bước ngập ngừng nhìn con đường có chiếc cầu gỗ dẫn ra cánh đồng lúa xa một lúc rồi đi rẽ về phía con đường đất hẹp giữa lũy tre thẳng tắp chạy dài ôm vòng những ngôi nhà dưới chân núi và cánh đồng rau muống, rau môn nối liền với cánh đồng lúa rộng mênh mông xa tít đến chân trời. Hàng tre xanh um, cao ngất và thẳng tắp ven đường thỉnh thoảng bị những tảng đá thấp có mặt phẳng láng làm đứt ngang. Những tảng đá này được xem là những “cái cổng” hay “ cái ngõ” khi mà chúng thông thương những căn nhà tranh vách đất qua vườn chuối hay vườn hoa với con đường đất trước mặt. Những đứa nhỏ đang chơi trước “cổng” vụt chạy theo sau toán người, reo hò ầm ĩ. Chúng trầm trồ và xuýt xoa hai bộ đồ sáng rực cùng màu mà hai chị em con nhỏ đang mặc. Và cứ như thế, họ trở thành đám rước linh đình mà trong đó ba mẹ con nghiêm trang đi trước với đám người cười nói ồn ào với những tiếng “nẫu”, “dãy na”, “quý trời đất quơi!” sau lưng.
Đến một tảng đá khá lớn, bằng phẳng và láng bóng, bà mẹ dừng lại đặt hai chiếc giỏ lên trên. Hai đứa nhỏ tin chắc là mẹ chúng định ngồi nghỉ mệt, toan đặt những chiếc giỏ nhỏ mà chúng đang xách cạnh bên, phải trố mắt ngạc nhiên nhìn đám người đàn ông đàn bà, thanh niên thanh nữ và trẻ con, từ hai căn nhà tranh thấp thoáng bên trong, ào ạt chạy ra, rối rít gọi chào:
- Chị Ba dìa! Chị Ba dìa đúng rồi mẹ “quơi”!
- Đi “dô” nhà mau lên “quớ” chị Ba! Mẹ đang ở trong nhà đó chị!
- Hai cháu đây “na”? Đi mau với dì “dô” nhà chào “quại” “quớ” cháu!
Hai đứa nhỏ ngỡ ngàng khi mà những chiếc giỏ của bà mẹ và của chúng bị xách đi mà không được một lời hỏi ý kiến có thuận hay không. Chúng lặng lẽ bước theo mẹ và toán người trên lối trồng những cánh hoa nhỏ có màu cam thẫm buồn bã hai bên, rồi ngang qua vườn chuối đầy những buồng xanh, qua cái lu nước cạnh bụi hoa đỏ thắm bên cái sân xi măng rộng chứa đầy lúa phơi, qua cái nhà mái tranh vách đất đồ sộ để đến căn nhà nhỏ cũng vách đất mái tranh nơi mà đám gà vịt lớn nhỏ chạy lộn xộn ra ra, vào vào trong nhà, bậc cấp hay sân đất tự do trong khi tiếng vịt kêu, lợn la ủn ỉn náo động hơn tiếng nói cười xôn xao của người bu quanh trước cửa.
Một bà lão vóc người nhỏ thó trong chiếc áo dài đen ngắn ngủn đến tận đầu gối, tóc bạc búi cao, gương mặt xanh xao với nhiều vết nhăn trên trán, trên góc đuôi mắt, trên má và ngay cả trên đôi môi khô, ngỡ ngàng nhìn đám đông người đang vây quanh trước cửa nhà bà.
- Chị Ba dìa rồi đây mẹ! Một người đàn bà, kéo tay bà mẹ đẩy sát trước mặt bà, nói.
Chằm chằm ánh mắt trên khuôn mặt bà mẹ như muốn nhận rõ chắc chắn điều vừa nghe, đôi mắt của bà lão tóc bạc như bị thôi miên và bà mẹ bước nhanh về phía trước, đến sát mặt bà lão tóc bạc hơn, nói trong nức nở:
- Mẹ ơi, con đưa hai cháu về thăm mẹ đây!
Hai đứa nhỏ được lôi ra khỏi “đám rước”, đến giữa bà mẹ và bà già tóc bạc, khoanh tay cúi đầu như mẹ bảo:
- Dạ thưa bà ngoại, chúng con về thăm ngoại.
Như bị một cơn gió độc đột ngột tạt vào, khuôn mặt bà lão tóc bạc trở nên lạnh lùng như một khối băng. Nguẩy đầu, quay phắt người đi vào nhà, ngồi cạnh chiếc ghế cạnh bàn thờ có cẩn xà cừ giữa nhà, bà nói rành rọc từng chữ như cố mài chúng thành những lưỡi băng đá sắc bén:
- Đi luôn đi! “Dìa” đây làm gì “dãy”? Bỏ cha, bỏ mẹ được thì cứ đi luôn! Bây giờ là người tỉnh thành rồi còn biết gì quê cha đất tổ nữa!
Bật khóc nức nở trước ngưỡng cửa, bà mẹ nói không ngừng như thể chưa bao giờ được tự do nói:
- Tại sao mẹ nỡ đuổi mẹ con con đi? Đâu có phải là con không muốn về thăm cha, thăm mẹ, nhưng mà từ khi chồng con chết, con phải làm việc vất vả để nuôi hai đứa con của con, “lớp” ăn, “lớp” học, con không thể nào kiếm được tiền xe về quê. Con mang tiếng lấy chồng thành thị mà có ích sướng gì đâu hả mẹ? Thân con chỉ là con tôi, con mọi trong gia đình chồng của con mà có cha mẹ anh em nào biết cho? Con tưởng đâu là con về đây được mẹ và anh chị em thương lo chăm đón ngờ đâu cả mẹ cũng hất hủi con. Có phải mẹ giận con vì cha đau nặng mà con không về thăm cha không? Mẹ oán con vì lúc cha chết con không về để nhìn mặt cha lần cuối phải không? Sao mẹ không thương con mà hiểu dùm cho con là con không có tiền để đi xe về? Con là người chứ có phải là súc vật đâu mà không biết tình cha con, hả mẹ? Tại sao mẹ nỡ...
Bà mẹ càng nói, tiếng nói của bà càng sôi nổi và mạnh mẽ như thể bà khí thế lắm, vậy mà chưa thố lộ hết nỗi uất ức, toàn thân của bà lả dần như sắp quỵ xuống trước cửa ra vào khiến mọi người sợ hãi vội vàng dìu bà đến cái giường tre cạnh bàn thờ.
Người đàn ông trung niên, trong bộ đồ bà ba nâu đen, đến bên bà già tóc bạc khuyên can:
- Con đã nói với mẹ nhiều lần rồi! Nó làm gì có tiền mà đưa con nó “dìa” đây chịu tang cha? Ai cũng có phần số và duyên kiếp. Số nó không được gặp cha lần cuối cũng phải chịu thôi!
Một người đàn bà trẻ, kéo tay hai đứa nhỏ đặt trên hai vai của bà lão tóc bạc.
- Nói xin lỗi “quại” dùm cho mẹ cháu đi! Nghe lời dì Bảy đi cháu!
Con em sợ sệt rụt tay về. Con chị đứng yên không phản đối nhưng ánh nhìn của nó vô cùng ác cảm trên khuôn mặt bà già tóc bạc, người đã làm cho mẹ nó khóc vật vã và đau khổ. Thình lình, bà già tóc bạc chụp lấy bàn tay nó, khóc sướt mướt:
- Cháu tui ở thành thị mà ốm yếu “dãy” na trời? Ở trỏng mẹ không có gì cho cháu ăn sao hả cháu? Mẹ cháu làm không đủ nuôi cháu ăn phải không?
Nước mắt con chị rớt ra. Nó không biết đối phó như thế nào với cái đầu đang khóc nấc trên ngực và cái ôm đang xiết cứng toàn thân của nó. Nó mang máng nhớ lại câu ca dao tục ngữ mà mẹ nó thường ngâm nho nhỏ trong một giọng trầm buồn vào những lúc nào đó trong căn nhà nhỏ của ba mẹ con nó: “Nghèo thì mất thảo mất ngay, ơn cha cũng bỏ nghĩa thầy cũng quên!” Nó không nhớ là mẹ nó đã đọc những câu câu ca dao này vào những lúc nào nhưng vì nó nghe nhiều lần như tiếp thu một khúc nhạc đơn điệu được lập đi lập lại hoài nên nó đã thuộc lòng vanh vách. Đến lúc ấy, nó hiểu thêm về chữ nghèo mà mẹ nó âm thầm than thở một mình. Giận bà ngoại đã gây ấn tượng không thú vị trong phút ban đầu và làm cho mẹ nó buồn, nhưng nó vẫn đứng yên cho bà ôm chầm và than khóc.
Một người đàn ông trẻ hơn và thấp hơn người đàn ông trung niên, đưa cho hai chị em chúng mỗi đứa ba cây nhang:
- Lạy ông ngoại đi hai cháu!
Nghe lời ông ta, hai đứa nhỏ ngoan ngoãn xá lạy tấm hình của ông lão hiền hậu trên bàn thờ ba lần. Khi bà mẹ lục lọi trong hai chiếc giỏ và đem ra những thứ trái cây, thức ăn, nhang, bánh thắp hương, chiếc bàn thờ trở nên thịnh soạn và ấm cúng hơn.
Đám đông hàng xóm đang tò mò hóng chuyện được thưa mời về, lặng lẽ giải tán. Những người còn lại trong gia đình hàn huyên, tâm tình cho đến chiều tối. Qua đối thoại của họ, hai đứa nhỏ biết được người đàn ông trung niên, cao nghều như cò là cậu Hai, anh của mẹ nó và là con trưởng của gia đình. Người đàn bà thấp như vịt đẹt là vợ cậu Hai, mợ Hai. Tuy là cặp vợ chồng có chiều cao chênh lệch khá rõ, họ kế thừa cơ ngơi khổng lồ sau khi ông ngoại qua đời chẳng khác nào như cơ ngơi của ông bà bác Cả trong khuôn viên nhà họ Hoàng sau khi ông nội nó qua đời. Họ có một căn nhà đồ sộ, một cái sân phơi lúa vuông vức, và ba thửa rung lúa rộng lớn. Không những họ được “hào của” mà còn được cả “hào con”. Sáu người con của gia đình họ là con số kỷ lục mà chẳng có người bà con nào trong dòng họ dám đạt đến. Chị Vịnh, con đầu của họ hơn con chị hai tuổi, chị Vương bằng tuổi con chị, và bốn người kia, anh Dân, chị Tín, anh Tiến và anh Cu Tèo, đều nhỏ tuổi hơn cả con chị và con em nhưng hai chị em nó phải lễ phép xưng hô anh chị và khoanh tay cúi đầu chào kính trọng như người lớn vì vai vế họ cao hơn chúng trong mối quan hệ bà con: cha của họ là anh của mẹ hai đứa nhỏ. Bà mẹ là người con thứ hai của gia đình nhưng được gọi là Ba khi mà người con đầu đáng lẽ phải gọi là Nhất hay Một, lại được gọi là Hai, cậu Hai. Và do lẽ đó, bà mẹ có đến hai tên thứ: “Ba” theo thứ tự trong gia đình mình và “Năm” theo thứ tự ra đời của ông chồng. Dì Bốn, có khuôn mặt giống bà mẹ cũng như những bà dì kia như tạc nhưng đẫy đà nhất trong đám chị em, đã từng đóng kịch giả làm bà mẹ để trấn an ông bố của hai chị em con nhỏ bằng cách nhận lời kết hôn sau khi ông được súc ruột lần tự tử thứ hai. Dì Bốn cũng như dì Sáu, dì Bảy đều có hai đứa con gái, và đều ở nhà chồng gần đó. Họ không thể ở trong khuôn đất nhà bà ngoại bởi vì phận họ là gái, có chồng phải theo chồng. Chỉ có anh Thu con của dì Năm đã chết và cậu Tám là người được ở chung với bà ngoại và cậu Tám. Anh Thu thường đi sớm về tối để giúp bà ngoại trong việc đồng áng. Anh có vai em trong mối quan hệ bà con với hai con nhỏ vì mẹ anh ta thứ năm, em gái của bà mẹ, nhưng do tuổi anh lớn hơn hai đứa nhỏ khá nhiều nên chúng khăng khăng gọi là anh. Cậu Tám học cao nhất trong gia đình ngoại, đang làm thôn trưởng cho thôn Minh Đức và có khả năng làm xã trưởng trong tương lai. Cậu chuẩn bị làm đám cưới với vị hôn thê đang sinh sống tại thị trấn Tuy Hòa.
Tối hôm ấy anh Thu giúp bà ngoại lo cơm nước. Ba mẹ con hai đứa nhỏ ăn cơm với bà ngoại, cậu Tám và anh Thu. Bữa cơm chỉ có rau muống luộc chấm mắm, và cá rô nướng vậy mà hai chị em con nhỏ ăn rất nhiều cơm. Cơm lúa mới hạt thơm và dẻo như nếp tươi làm chúng thấy ngon miệng.Ăn xong, cậu Tám và anh Thu xin ngủ nhờ tại nhà cậu mợ Hai.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chương 27
Tiếng lợn kêu eng éc náo động không khí yên lặng của ban mai và đánh thức hai chị em con nhỏ dậy. Lần theo tiếng kêu inh ỏi của mấy con lợn, cả hai đi ra phía sau, tới cái chuồng lợn làm bằng cây và mái lợp nửa tôn, nửa tranh.
Bà mẹ đang giúp bà ngoại khiêng những thau cám lẫn thân chuối xắt nhỏ đổ vào máng lợn trong khi anh Thu đang xối nước rửa chuồng. Mùi phân lợn nồng nặc, khó thở.
- Đi ra giếng súc miệng và rửa mặt đi các con.
Nấn ná một lúc nhìn bốn con lợn sữa sục mõm vào máng thức ăn, hai đứa nhỏ lửng thửng đi ra phía trước.
Năm đứa nhỏ con cậu Hai đang lảng vảng trước cửa nhà lớn rủ chúng ra giếng rửa mặt. Đến giếng mới nhớ không đem bàn chải và kem đánh răng, hai con nhỏ đành bắt chước theo những đứa nhỏ bà con dùng ngón tay trỏ chà hai hàm răng qua lại, súc miệng bằng bàn tay bụm chứa nước, rửa mặt bằng những cái quẹt nước ngang dọc qua loa, và lau mặt bằng vạt áo và tay áo. Con em tinh nghịch xách nước tưới những cây chuối quanh giếng. Đó là lần đầu tiên nó được xách nước từ giếng lên một mình. Bởi vì xách nước mà không cần phải đứng kề miệng giếng, chỉ đẩy cái đòn tre lên cho gàu sòng chìm xuống nước giếng và kéo chiếc gàu lên bằng sức nặng của những tảng đá nặng cột sau đòn tre, nên con em tha hồ đưa lên, kéo xuống cái gàu sòng nhiều lần như nó thích.
- Rửa mặt xong đi núi nghen? Chị Vương, con gái thứ hai của cậu mợ hai, hỏi hai đứa nhỏ khi cả bọn đi ra “ngõ”.
Ngồi trên tảng đá phẳng lớn giữa hai khóm tre trước cổng, hai đứa nhỏ thích chí lăn qua tuột lại trên mặt láng cứng và mát lạnh. Con chị hỏi qua loa:
- Núi ở đâu? Xa không?
- Không xa, ngay sau lưng nhà mình kìa! Anh Dân, con thứ ba của cậu mợ Hai, trả lời.
Con chị và con em xoay người lại. Sau lưng hai căn nhà mái lá của cậu mợ Hai và của bà ngoại là đỉnh núi với nhiều cây xanh thấp thoáng.
- Núi gần vậy hả? Con em ngạc nhiên hỏi.
- Gần vậy cho nên ngày nào rửa mặt xong tụi tao cũng “đi núi” cả. Anh Dân nói.
- Giờ tụi em đi không được rồi! Trưa hay chiều đi được không? Con chị nói khi nghe tiếng mẹ gọi vào ăn cơm sáng.
- Mấy anh chị đây thường “đi núi” buổi sáng nhưng ngày hôm nay chờ hai đứa “đi núi” buổi chiều cũng được. Chị Vương trả lời.
Mấy đứa nhỏ vào nhà bà ngoại. Trên nền đất, thức ăn sáng gồm có những chiếc bánh tráng gạo dày được nhúng ướt sũng trong cái rổ tre, chút cơm nguội trong cái nồi đồng, vài con cá rô trên chiếc dĩa đất và mắm nguyên chất trong cái chén sành. Hai đứa được bảo ăn, ngượng ngùng cuốn những miếng bánh tráng ướt trước cái nhìn chăm bẳm của những đứa bà con. Hai đứa cảm thấy mắc cở vì không thể mời những người đang ngồi kề ăn cùng. Mấy đứa nhỏ bà con không muốn ăn thức ăn không phải dành cho chúng, cũng không muốn nhìn miệng kẻ đang ăn nhưng chúng vẫn ngồi chờ hai con nhỏ bà con “thành thị” kia ăn xong để được chơi với nhau.
Bà ngoại bảo anh Thu nhúng thêm bánh tráng đủ cho cả bọn cùng ăn. Bà mẹ ăn qua loa cho có lệ rồi cùng bà ngoại ra thăm vườn chuối. Một lát sau hai người cắt một buồng chuối mốc thành từng nải rồi xếp chúng cùng những xấp lá chuối vào trong một cái thúng nhỏ. Bà ngoại cặp thúng bảo tất cả đám trẻ cùng đi với bà ra chợ. Mấy đứa nhỏ hân hoan theo bà như sắp được chứng kiến một việc quan trọng nào đó mà bà sắp dành cho.
Sau khi mua bán trao đổi với những người bán lẻ ở nhóm chợ nhỏ của làng, bà ngoại đếm những đồng tiền lẻ và gom cả cho tất cả những đứa cháu nội và cháu ngoại mua những thứ mà chúng thích. Những đứa nhỏ con cậu mợ Hai ân cần chăm lo những sở thích của hai chị em chúng:
- Em thích mua món gì? Con Tín, đứa con thứ tư của Cậu mợ Hai, hỏi con chị.
- Em thích mua củ sắn và củ mì tinh luộc. Con chị mắc cở trả lời khi phải xưng hô chị em một cách ngược đời với đứa nhỏ hơn nó ba tuổi.
- Còn Vy thích mua mấy cục kẹo này! Con em láu táu chỉ tay vào cái tray tròn có những viên kẹo nâu làm bằng đường vàng lổn ngổn trong mớ bột trắng.
Con chị hỏi:
- Còn mấy “anh chị” muốn ăn gì?
Chị Vương xốc “anh” Cu Tèo, con Út của cậu mợ Hai, ngay ngắn bên hông, trả lời:
- Không ăn gì đâu! Tất cả số tiền này là cho hai em. Hai em không muốn mua nữa thì để dành hôm sau đi chợ mua kẹo ăn.
Mấy đứa nhỏ con cậu mợ Hai, kẻ gói kẹo, người ôm sắn, kẻ túm mì, người giữ tiền dùm cho hai chị con nhỏ. Và hai chị em, cảm động khôn cùng trước tấm chân tình thơm thảo, chia nhau những thứ có được để cùng ăn.
Bà ngoại không quan tâm đến số tiền có được từ những thứ mà bà hái trong vườn, cũng không để ý chuyện chia chác giữa những đứa cháu ngoại và cháu nội ra sao, bà đang khoe với những bà bán hàng sự viếng thăm bất chợt của con cháu bà từ “thành thị”và giải thích lý do tại sao con gái bà ở “thành thị” không về thăm cha và để tang cha được khi ông ốm nặng và qua đời.
Trưa hôm ấy, bà mẹ và bà ngoại lội xuống cánh đồng trước nhà cắt rau muống. Mấy đứa nhỏ con cậu mợ Hai nhìn chằm chằm người cô ruột, được thành thị hoá từ lời ăn tiếng nói, đến cử chỉ, và cách ăn mặc, xăn quần bì bõm dưới nước đồng cắt rau. Còn con chị khi nhìn thấy mẹ quấn quýt bên bà ngoại của nó thì nó hiểu rằng lớn tuổi như mẹ nó cũng muốn kề cận với mẹ ruột của mình.
Ăn cơm trưa xong, trong khi con em cùng với đám trẻ chơi với những con gà con và vịt con, con chị hỏi chị Vương:
- Đi núi chưa hả chị ?
- Muốn đi giờ hả?
- Không, em chỉ hỏi vậy thôi. Tùy chị!
- Chị phải đi học hè. Lớp chỉ có một tiếng thôi, từ một giờ đến hai giờ.
- Chị học lớp mấy?
- Lớp bốn sang năm lên lớp năm. Em cũng học bằng lớp chị phải không? Cùng tuổi mà! Lớp hè này, nẫu dạy không lấy tiền, đi học với chị cho vui!
- Em đi chơi với chị thôi! Con chị nói.
Chị Vương chuẩn bị tươm tất khi đến lớp. Chị thay bộ quần áo đen rách vá bằng chiếc áo bà ba màu xanh đọt chuối nhạt và quần đen thẳng thớm. Chị chải và kẹp tóc gọn phía sau bằng chiếc kẹp ba lá. Chị mang đôi dép nhựa sứt quai được buộc cẩn thận và ngay ngắn bởi chiếc ghim băng. Chị trở thành một cô thôn nữ nhỏ nhắn, mộc mạc và đáng yêu đến độ con chị cảm thấy mình xa lạ, lòe loẹt và đỏm dáng trong bộ đồ bộ đang mặc, mặc dù màu sắc của nó không rực rỡ như hôm qua.
Ra khỏi cổng, chị Vương không đi dọc theo hàng tre về phía cuối làng để thỏa mãn trí tò mò của con chị. Trái lại, ôm tập vở trên tay, chị đi ngược về hướng chợ. Con chị vội bước theo bên cạnh. Đó là lúc duy nhất con chị không thấy chị Vương ẵm “anh” cu Tèo kè kè bên hông.
Cả hai đi lên triền núi đối diện khu chợ của làng để đến hai lớp học có tường bằng đất sét, mái bằng tranh, và cửa sổ, cửa ra vào bằng cây siêu vẹo. Bàn ghế gỗ cũ xộc xệch chỉ vừa đủ cho tám đứa học trò, mà lúc đó lớp có đến mười hai đứa kể cả con chị nên chúng phải ngồi khít vào nhau. Thầy giáo chỉnh tề trong áo sơ mi trắng bỏ vào quần xanh đen thắt nịt lưng. Thầy nói giọng Tuy Hoà và không hề ngạc nhiên trước sự hiện diện của con nhỏ chị. Thầy kêu nó lên bảng hỏi vài câu về văn phạm Việt ngữ để thử sức rồi kêu nó giải những bài tập toán mà thầy đã cho lớp tuần rồi. Bài toán nó giải là toán trừ ba số có mượn và toán nhân một số hàng ngàn với hai con số. Những loại toán này so với chương trình học của thành phố chỉ dành cho học trò lớp ba và dĩ nhiên là con chị làm được một cách dễ dàng. Được thầy và bạn trong lớp khen, nó thích chí lắm. Lúc ấy nó ao ước được học ở trường làng Minh Đức mãi để khỏi phải học chương trình toán quá cao của thành phố. Chị Vương luôn miệng thì thầm bảo nó chỉ cho chị cách làm toán khi về nhà.
Hai chị em trở về đúng lúc dì Bốn, dì Sáu, và dì Bảy đưa con họ đến thăm ba mẹ con. Mọi người quây quần trước hiên nhà cậu mợ Hai ăn xôi đậu phọng, bánh tráng nướng trét nước mật, khoai lang luộc, chuối mốc chín hườm luộc và bánh cốm đường gừng. Những thức ăn này do các dì đem đến như quà họp mặt.
Trong lúc trò chuyện vui vẻ, dì Bảy hỏi hai chị em con nhỏ:
- Hai cháu có thương “quại” không?
Cả con chị và con em đều mắc cở, nhưng đều gật đầu.
- Dạ có. Con em trả lời.
Câu hỏi của dì Bảy là một câu hỏi đường đột đối với con chị. Nó thắc mắc tại sao dì Bảy không hiểu rằng câu chất vấn kia bất công đến độ áp đặt người trả lời không thể nào nói chữ “không” một cách bất lịch sự.
Dì Sáu hỏi vặn:
- Nói thương “bà quại” sao hai cháu không nói má “dìa” thăm “bà quại” thường xuyên “dãy”?
Con em nhún vai, rụt cổ:
- Con không biết.
Con chị không trả lời. Nó vừa không thích lối hỏi vặn, hỏi đố vừa bực bội vì các bà dì coi thường chị em nó non nớt đến độ ngốc nghếch. Ngày họp mặt đầu tiên giữa ba mẹ con và gia đình ngoại xảy ra mới ngày hôm qua và lời giải thích của bà mẹ với nỗi uất ức vẫn còn trong trí nó, thế mà có thể nào dì Sáu của nó quên mau như vậy. Nó cau mày, bực mình hơn khi nghe dì Bốn hỏi:
- Hai cháu thương bà nội hay bà ngoại nhiều hơn “dãy”?
Con em khôn ngoan trả lời:
- Con thương bà nội và bà ngoại đồng đều nhau, không ai hơn ai cả!
Con chị biểu lộ sự bất mãn một cách thẳng thừng, nó nói:
- Con thương ai là con để trong bụng chứ không muốn cho ai biết điều đó!
Ba bà dì của nó đỏ mặt. Họ bực tức tột cùng trước thái độ hỗn xược của nó. Còn nó thì biết rõ ba dì này là những người từng vào Nha Trang giúp mẹ nó khi bà sinh nó và con em. Họ đã đem các thứ do bà ngoại gửi cho, và đã tận tình chăm sóc mẹ con nó khi chúng vừa mới lọt lòng. Những câu chuyện đầy tình nghĩa của bà ngoại và các dì do mẹ nó kể đã khảm sâu vào tim nó ngay từ lúc nó đủ trí khôn và nó luôn luôn giữ tình máu mủ thân thương với bên ngoại trong trái tim âm thầm của nó. Tuy nhiên, tình cảm của nó dành cho phía ngoại đậm đà sâu sắc bao nhiêu nó không thích nghe một ám chỉ ngầm nào so sánh tình cảm giữa họ nội, và họ ngoại bởi vì tình cảm mà nó dành cho gia đình nội và gia đình ngoại không thể nào tách biệt và chia rẽ trong trái tim không hề thiên vị của nó.
Mấy đứa con nít - con của cậu mợ Hai, con của dì Bốn, con của dì Sáu, và con của dì Bảy - không thấy thú vị gì khi họp mặt chung với những người lớn, rủ hai chị em con nhỏ ra trước ngõ chơi. Chúng đi dọc theo lũy tre trước nhà, bứt những đọt lá tre, gắn thành vòng tròn, kết thành những sợi dây chuyền, những vòng tay rồi nói cười xôn xao và vui vẻ.
Chơi chán, chị Vương hỏi:
- Hai đứa Hạ ,” Qui”(Vy) muốn đi núi chưa “dãy”?
- Muốn! Em muốn đi!
Con chị vừa trả lời, cả bọn đều ưng thuận. Cả trai cả gái, mười ba đứa lục tục đi theo con đường dốc hướng lên núi cao. Những căn nhà hai bên triền dốc, được xây cao ráo trên những lớp đá chồng cao thẳng tắp gọn gàng như những tòa lâu đài ngự trị trên sườn núi cao hùng vĩ bởi vì chúng có ngói đỏ và tường xi măng. Có lẽ đó là những căn nhà của những người giàu có của làng. Ven theo triền đá là những cây hoa đủ màu với những con bướm và con chuồn chuồn chập chờn bay lên xuống. Cuối khúc nhà ở, đường lên núi càng dốc, và những chuồng ngựa, chuồng trâu, chuồng bò liên tiếp san sát nhau. Vài con ngựa còn ở trong chuồng hí vang như muốn báo động cho chủ biết nhiều kẻ lạ đang xâm nhập nơi chúng đang cư ngụ và đang làm chúng hoảng sợ. Mùi phân nồng nặc của mấy cái chuồng súc vật này làm con chị ngạt thở, xây xẩm muốn oẹ.
Con em bịt mũi, bịt miệng than:
- Chỗ này thúi quá.
Mấy đứa nhỏ bà con họ ngoại bình thản không nói gì; chúng cũng không bịt mũi, không khạc đờm, không nhổ nước miếng. Kẻ chân đất, người mang dép cao su, kẻ mang dép nguyên quai màu mới toanh, người mang dép xẹp quai dây chuối thoăn thoắt bước lên những viên đá to nhỏ mòn nhẵn gắn chặt vào đường mòn dưới chân. Xuyên qua khỏi các khóm cây um tùm, con đường mòn càng lúc càng mở rộng hơn. Đến một nơi không có cây cao nào ngoài những bụi cây nho nhỏ, cả bọn đứng lại nhìn lên bầu trời quang đãng và muôn vàn cây cối tươi xanh trên đỉnh núi trước mặt.
Chị Vuơng chỉ về phía đám cây có những con chim vờn bay lên xuống cách đó độ hai chục mét, nói như reo:
- Lên phía đó tìm chim chim, dú dẻ ăn đi bay! Xong rồi hãy “đi núi”!
Con chị háo hức đi nhanh theo hướng chỉ của chị Vương. Nó bỏ quên sự phân vân về lối nói chữ của chị ấy. Chả là họ đang ở núi rồi sao?
Những con chim thấy bóng người, vụt bay ra khỏi những cành cây thấp nơi có những trái xanh, trái đỏ trái vàng. Bọn nhỏ tranh nhau bu đến cây là tròn có những chùm trái đỏ dài như những hạt đậu chín mùi trĩu nặng toòng teng trên những nhánh cây.
- Trái này là trái chim chim đó. Hái ăn đi!
Con chị, ảnh hưởng những câu chuyện kể của mẹ, nghi ngại hỏi hết đứa bà con này đến đứa bà con khác:
- Trái này có phải là trái độc không? Đã thấy ai ăn chưa? Có thấy chim vẫn còn sống sau khi ăn trái này không?
- Trời “quơi” lần nào lũ tao đi núi cũng hái chim chim, dú dẻ, nhãn lồng ăn. Đâu có ai chết đâu mà sợ! Ăn thử đi! Anh Dân nói to như la.
Vừa nghe nói thế, con em hái ngay một trái bỏ vào miệng, khen rối rít.
- Trái chim chim ngon quá!
Con chị nghe lời, hái và nếm thử. Thích thú với vị ngon lạ, nó cùng với đám trẻ thi nhau đi quanh gốc chim chim bứt hết các chùm đỏ, nhai hết chùm này sang chùm khác, và nhả hột xung quanh gốc cây.
- Có phải trái đỏ này bị chim ăn nhiều nên người ta gọi là trái chim chim không? Con chị hỏi
- Có thể! Anh Dân trả lời - Nhưng trái dú dẻ vàng này thì không biết vì sao nó có tên là dú dẻ?
Con chị nhận hai trái hình bầu dục màu vàng mơ trên tay anh ta, nuốt nước miếng:
- Anh hái ở đâu vậy?
Anh Dân vừa chỉ khóm cây dày lá xanh thẫm chi chit những trái, con chị và cả bọn trẻ bu lại thi nhau bứt hái, nói cười rộn rã. Tỏ ra là người am hiểu vị trí các loại cây ăn trái mà ngọn núi có được, anh Dân tiếp tục lục tìm và đưa hai chị em đến bụi dây đầy những trái vàng chanh và cây xoay có những trái đen nho nhỏ chi chít trên cành.
- Đây là bụi nhãn lồng! Còn đây là cây “xay”! Trái nào cũng ăn được hết. Hái ăn đi đừng sợ! Anh Dân nói.
Thích thú với những trái lạ chưa từng được thưởng thức trong đời, hai chị em con nhỏ réo nhau đến bụi này đến cây khác xúm xít cùng mấy đứa nhỏ bà con bứt bứt, khèo khèo, hái hái rồi chia nhau ăn hết loại trái này đến loại trái khác.
Một lúc sau, con em nhăn mặt la lên:
- Em đau bụng quá. Em mắc đi cầu.
Chị Vương nói:
- Ở đây bây giờ đi “cầu” xa tít ngoài đồng chịu không thấu đâu, đi “núi” được rồi!
Dứt lời chị xốc “anh” Cu Tèo đi ngược lại con đường mòn và ngừng lại ở chỗ quang đãng nhất, nơi không có cây cao ngoài những bụi thấp lè tè mọc chi chit và lẫn lộn trên các ụ đá cuội lớn nhỏ.
- Vào trong mấy bụi cây trong kia tìm chỗ ỉa đi! Chị Vương ra lệnh.
Nói xong, chị đi tìm một bụi cây cởi quần cho cu Tèo trước khi cởi quần cho mình, rồi ngồi xụp xuống im lìm. Ngạc nhiên thay, lời của chị Vương tưởng chỉ dành cho con em, không ngờ tất cả những đứa bà con, đứa nào đứa nấy cũng tìm một bụi cây, cởi quần ngồi im lặng. Con em bắt chước tìm một bụi cây cho nó. Ngơ ngác một mình trên lối đi, con chị chợt thấy chột bụng nên nó đành len lỏi vào trong các bụi rậm để tìm một chỗ. Giải quyết cơn đau bụng xong, con chị bối rối không biết làm sao để chùi sạch chỗ hôi thối. Nhìn qua lại những người ngồi gần, nó chờ học cách giải quyết vấn đề khó khăn mà nó đang có. Anh Tiến, chị Tín, con Thoa - con dì Bốn - xách quần đi khúm núm dọc ngang tìm kiếm thứ gì đó dưới đất. Rồi mỗi đứa ngồi trên một gồ đá lồi lên từ mặt đất, lắc lư những cái mông tròn chà hậu môn lên mặt láng của các gồ đá như thể những cái gồ đá lồi tròn kia là “vật chùi sạch hậu môn”!
Khi thấy con em bắt chước làm hoàn toàn giống như mấy đứa bà con, mà ngay cả lúc đó “anh” Cu Tèo mới bốn tuổi cũng xoay tròn cái mông thuần thục và nhuần nhuyễn trên ụ đá tròn như đã thực tập khá nhiều lần. Con chị la lớn:
- Trời ơi! Làm cái kiểu gì mà “mọi rợ” vậy?
Vừa la xong, nó thảng thốt bụm miệng ngay. Con em cũng thảng thốt, dáo dác nhìn nó. Hai chữ “mọi rợ” mà chị em chúng đã móc nghéo và thề thốt chẳng bao giờ nói ra kể cả lúc chúng được giàu sang sau này bây giờ lại vang vọng giữa núi đồi xuyên qua bao nhiêu cây cối từ trong miệng con chị. Biết tất cả mọi người đang chằm chằm nhìn nó, con chị ngồi im thin thít, khép chặt đầu gối, và cúi đầu xuống đất.
Chị Vương hốt hoảng xốc “anh” Cu Tèo đến gần nó:
- Mọi rợ ở đâu “dãy”?
Con nhỏ chị ngửng đầu lên, ấp a ấp úng, lấp bấp giải thích:
- Ơ ... không có!... không có mọi rợ nào ở đây cả! Ý em muốn nói là sao mình chùi đít trên mấy ụ đá vậy? Lỡ mấy người nào đã chùi vào đó trước rồi thì sao? Dơ chết!
Chị Vương co chân, phủi cỏ dính quần, vô tư nói:
- Có gì đâu mà lo “dãy”! Ban đêm nào, ban khuya nào mưa không “dìa” núi! Mấy khối đá ở núi Chớp Chài này được nước mưa rửa sạch sáng ngày ra nắng làm khô như mình giặt áo quần vậy mà!
Ngày nào tụi chị cũng “đi núi”, cũng chùi, có bị gì đâu! Mình phải đi tìm cái ụ đá sạch nhất để mà chùi, thiếu gì ụ đá ở đây mà sợ!
Con chị vẫn không nhúc nhích. Tệ hại cho nó là mấy đứa nhỏ trong bọn đã vệ sinh xong, bằng cách nhún người lên xuống hay xoay quanh qua lại trên gồ đá lồi, đang thập thò vây tròn xung quanh nó.
Chị Vương hiểu ý, bảo lũ nhỏ đi ra ngoài con đường mòn đứng chờ, rồi ẵm “anh” Cu Tèo đi tới đi lui tìm một ụ đá sạch nhất cho nó xoay tròn người lên đó.
Về đến nhà, mấy đứa con dì Bốn, dì Sáu, dì Bảy chia tay theo mẹ chúng ra về. Mấy đứa con cậu mợ Hai và hai đứa nhỏ ra giếng tắm. Chúng tắm với cả áo lẫn quần. Ướt sùng sũng bởi bao nhiêu gàu nước đùa nghịch, mấy đứa nhỏ chờ cho đến khi trời tối hẳn mới vào nhà thay áo quần.
Tối hôm ấy, hai đứa nhỏ ăn cơm với bà ngoại, bà mẹ, cậu Tám và anh Thu. Cơm tối có cá rô nướng, rau muống luộc như hôm trước nhưng có thêm món cua nướng do anh Thu bắt được khi đi làm đồng về, và canh chua cá thu do bà mẹ đem từ thành phố. Sau khi ăn cơm, anh Thu chong thêm một ngọn đèn dầu để làm cho hai đứa nhỏ mấy cái nồi cơm, mấy ấm nước, mấy cái chén và mấy tách trà bằng đất sét. Chị Vương dỗ anh Cu Tèo ngủ xong, chạy qua nhà bà ngoại rủ con chị sang nhà chỉ toán.
Vài đứa nhỏ hàng xóm thập thò trước ngưỡng cửa nhà bà ngoại và nhà cậu mợ Hai.